Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:44:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137434 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #180 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2010, 09:14:23 pm »

Ngày Xuân nói chuyện rượu

          Tôi không phải là đệ tử lưu linh. Nói cho chính xác hơn thì tôi ở phe đối lập, nghĩa là không thích rượu, thậm chí dị ứng với rượu. Đối với tôi, mọi loại rượu từ nội hay ngoại, màu trắng hay nâu, xanh, ngà ngà đều giống nhau. Chúng có chung đặc điểm là cay xè và gây choáng váng khi nhấp vào miệng. Đi ăn mà bị bắt uống rượu là một cực hình đối với tôi. Vì thế chỉ có bạn bè quen là thông cảm khi rủ tôi ăn uống, còn người lạ thì không thích thế, nhất là đối tác làm ăn vì họ cho rằng tôi không thật lòng.

               Tôi đã cố thử tập uống rượu nhiều lần nhưng không thành công. Lần nào cố gắng uống hết một chén hạt mít rượu là tôi bị lừ đừ và đau đầu suốt một ngày, bất kể là rượu gì. Sau mỗi lần tập như thế, tôi lại sợ hàng tháng và tự nhủ sẽ không dại gì mà thử nữa. Có lẽ do cái máu của tôi không hợp. Chỉ cần ngồi nhìn người khác uống rượu thôi, tôi cũng đủ thấy ngây ngất rồi.

               Vợ tôi nghe lời ai đó, ngâm cho tôi một bình rượu to tướng với những cái củ gì trông như con chuột nhắt và mấy con chim gì đó còn nguềnh ngoàng cả chân lẫn cánh, mục đích để tôi bồi bổ sức khỏe. Tôi không muốn nhìn, xếp xó cái bình đó tám chín năm trời. Năm ngoái vợ tôi chắt ra một lít, bảo tôi mỗi tối uống một tẹo, uống ít mà điều độ là được. Tôi làm theo, nhưng có hôm chỉ lè lưỡi chạm vào thấy cay là dừng luôn. Trầy trật gần năm trời, tôi mới uống cạn một nửa. May vào độ cuối năm có ba thằng bạn lính cũ ở tỉnh khác đến chơi. Tôi làm cơm nhì nhằng đãi chúng nó tại nhà cho ấm cúng. Nữa lít rượu thuốc còn lại nhờ ba thằng bạn uống nốt. Chúng nó giải quyết xong ngay, còn nhận xét là, "nửa lít này bình thường không thấm vào đâu với chúng tao, nhưng vì là rượu thuốc "chất" quá nên cũng đủ độ".

               Nhưng có lẽ sợ rượu chỉ có số ít cá nhân như tôi thôi, còn thiên hạ chắc không mấy ai sợ. Rượu được coi là một thành phần thủ tục không thể thiếu trong các cuộc chè chén. Rượu còn là một tiêu chuẩn hình thức trong những món quà mà người ta biếu xén nhau để giải quyết các mối quan hệ. Vì thế mà cái thứ rượu nâu nâu, đo đỏ đựng trong những cái chai có hình thù khác lạ và dán mẩu giấy có loằng ngoằng những chữ Tây trở nên đắt giá, và là thước đo về tầm quan trọng cho các mối quan hệ. Một chén rượu loại đó nhiều khi lớn hơn cả số tiền ta kiếm được của một ngày lao động vất vả. Và thật nhiêu khê, khi có người nói chuyện với tôi rằng tới 80% số rượu ngoại trên thị trường là "hàng giả". Hóa ra bao lâu nay thiên hạ biếu nhau cái thứ "nước màu" ấy, tự uống, rủ nhau uống và ép nhau uống với điệu bộ "sành điệu" và sang trọng mà thực chất không mấy ai hiểu được thực ra thức uống ấy nó là cái gì. Hóa ra là tự huyễn hoặc mình và lôi kéo huyễn hoặc người khác.
 
               Sếp tôi thời trẻ có đi học bên trời Tây cả chục năm. Không biết cái thời du học ấy có nhiều tiền để thưởng thức tất cả các loại rượu Tây thứ thiệt không, nhưng bây giờ ông tự cho mình là người sành rượu nhất cơ quan. Ông hay giảng giải là trong một bữa tiệc thì người ta uống những thứ rượu gì, thứ tự trước sau ra sao. Tôi vốn không khoái rượu nên nghe cứ thấy ù cả tai như vịt nghe sấm và tất nhiên là chẳng ghi nhớ được gì. Nhưng tôi suy ra rằng, hẳn Sếp biết rõ giá trị cao thấp của từng loại rượu, như Johnny Walker Blue, Hennessy, Remy Martin, Chivas Regal 18, Gold Label Reserve..., một hãng có bao nhiêu chủng loại, có XO hay không và phân biệt được đâu là rượu thật, rượu giả và hàng nhái.

               Hàng năm có hai dịp người ta biếu xén nhau dồn dâp là  Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán. Sếp tôi được biếu nhiều rượu vì có mối quan hệ rộng lớn và có nhiều người phải nhờ vả ông. Nếu như năm nào cũng phải uống hết số rượu đó, chắc Sếp tôi đã phải đi "buôn hoa quả" từ lâu rồi. Sếp giải quyết số rượu rất linh hoạt. Sau Tết Dương lịch vài ngày, nhân sinh nhật cá nhân, ông mời cả cơ quan tới phòng riêng uống rượu. Tất nhiên nhân viên tới đó không thể đi tay không, và lịch sự nhất vẫn là phải ôm theo chai rượu ngoại. Sếp nhận hết và vui vẻ bật rượu của sếp mời nhân viên, không quên giới thiệu tên tuổi trứ danh của chúng, kèm theo xuất xứ là hàng xách tay. Những tay sành rượu trong cơ quan tôi đồn thổi là Sếp mời anh em toàn rượu "giả" (lọc trong số rượu được biếu), còn rượu thật Sếp dành "đẩy" đi. Nhưng tôi nghĩ nói thế là oan cho Sếp. Thị trường rượu ngoại có tới 80% là rượu "giả", thì cái số rượu trông bóng bẩy mà Sếp được biếu, chắc cũng chủ yếu là hàng "giả". Chẳng qua Sếp chỉ chọn ra những chai có "ngoại hình" tốt để đưa trở lại thị trường cho dễ mà thôi.

               Bây giờ ở Hà Nội có những người vào dịp trước Tết, chuyên tìm mua lại các loại rượu và "quà Tết" cao cấp tận nhà (của các quan được biếu mà không dùng đến) để giúp các chủ nhân đỡ phải ngượng ngùng thò mặt ra đường rao bán. Họ quảng cáo và có số điện thoại cá nhân để tiện liên hệ, nhưng Sếp tôi là người cẩn thận nên không bao giờ chọn loại giao tiếp này. Sếp cho đóng cẩn thận những chai rượu "dôi dư" vào các thùng các-tông để người giúp việc thân tín chở đi nơi thật xa mới "hòa trở lại thị trường". Như thế mới kín kẽ, mới xứng đáng với tầm nhìn của Sếp chứ.

               Nói chuyện rượu, tôi lại rùng mình khi nghĩ đến Tết này đi chúc Tết, đến đâu cũng sẽ bị ép uống "chén rượu đầu xuân". Các công chức bây giờ cũng sính lễ nghĩa lắm, nhà nào cũng học đòi sắm chai rượu ngoại uống Tết, chả ai còn mời chén chè mộc mạc như ở làng quê.

               Rồi ngày gặp mặt đầu xuân tại cơ quan, lại bày vẽ mở chai rượu ngoại chúc nhau một chén. Toàn mua phải rượu "giả" (vì có mấy đâu rượu thật mà mua), rồi hân hoan chúc nhau bằng thứ rượu đau đầu ấy.

             Ôi! Mệt quá. Biết đến bao giờ trở lại ngày xưa.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #181 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2010, 11:42:39 am »

Nếu là vợ tôi, xin em đừng đọc truyện này

      Đó là một câu chuyện của lính hay là lính viết cũng được.
Vì một lý do nào đó, nó đã được Ban biên tập đổi tên thành "Lời cần nói bây giờ đã muộn".

     Tôi không muốn bị ném đá nếu Post cả bài, vì nó đã được đăng gốc ở nơi khác, nên tôi chỉ dẫn ra đường Link thôi:

http://tintuconline.com.vn/vn/moitinhdau/462819/index.html

    Kính mời các bác qua đọc.

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #182 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 09:39:43 am »

Giới hạn

   Chúng tôi quen biết nhau khi học lớp 8 tại một trường cấp III sơ tán ở ngoại thành Hà Nội thời chiến tranh, khi không quân Mỹ đang leo thang ra đánh phá miền Bắc. Ngôi trường chỉ là trụ sở của Ban Giám hiệu, còn các lớp học phải sơ tán, làm nhà dạng tranh tre phân tán nhờ vào các khu vườn nhà dân.

   Khai giảng đã được nửa tháng rồi thì một hôm lớp tôi có thêm một bạn học sinh mới. Đang giờ học tiếng Nga, bỗng thày giáo dừng giảng bài nhìn ra cửa. Cả lũ học sinh hơn bốn chục đứa chúng tôi nghển hết cả đầu ra qua cái vách cửa trống huếch trống hoác của lớp học, nhìn thấy cô hiệu phó dẫn vào một bạn gái. Bạn ấy mặc một cái áo trắng cổ hoa sen, quần lụa đen, dáng người đầy đặn, tay xách chiếc túi đựng sách vở, có lồng trên tay cả một chiếc mũ rơm mới tinh. Cô hiệu phó nói câu gì đó rồi thày giáo tiếng Nga quay ra giới thiệu với chúng tôi bằng tiếng Nga: "Ét tơ - Novai ia - U tri tren nhít xa" (đây là học sinh nữ mới). Bạn ấy không nói gì, nhưng nhoẻn miệng cười, đặt khẽ bàn tay không cầm túi xách lên ngực, hơi hạ mình xuống thay cho lời chào cả lớp. Khuôn trăng đầy đặn và nụ cười tươi của cô bạn mới khiến tôi không cưỡng lại được và buột miệng thốt lên: "I - Kraxivai ia". Chả là tôi có học trước một ít trong hè nên cũng biết vài câu tiếng Nga. Cả lớp còn ngơ ngác thì thày giáo đã cười bảo: "Các em có biết bạn ấy nói gì không?", rồi thày trả lời luôn: "Và đẹp". Cả lớp quay sang tôi cười rộ lên, còn tôi và cô bạn mới thì đều hơi ngượng nghịu.

   Chúng tôi đã quen nhau và biết đến nhau lần đầu như thế đó. Hoài Nam, đó là tên cô bạn gái mới cùng lớp ấy. Hoài Nam đang học dở dang ở một trường sơ tán tỉnh xa; năm nay mẹ bạn ấy, cũng là giáo viên cấp III được chuyển về dạy trường này nên Hoài Nam đã theo mẹ cùng về và bị muộn nửa tháng. Hoài Nam, cái tên nghe là lạ, hơi cứng đối với một người con gái nhưng đọc lên thấy có một cái gì đó man mác nhớ nhung. Cái thời ấy tình cảm bạn bè của đám học sinh cấp III như chúng tôi trong sáng và thơ ngây lắm. Thế nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao ở cái tuổi 16 măng tơ còn đang vùi đầu vào lo học tập và chạy tránh bom Mỹ khi có báo động như thế mà mình lại vẫn có cảm nhận về nét đẹp của người bạn gái cùng lớp, đang độ tuổi chưa đến trăng tròn. Chưa thể nói là yêu, cũng không thể nói là thích hay thậm chí là mến bạn. Có lẽ chỉ là sự thân ái và có chút vui vẻ hào hứng thêm trong học tập khi trong lớp có những bạn gái xinh xắn, thế thôi.

   Hoài Nam được phân công vào cùng tổ và ngồi cùng bàn ở cuối lớp với tôi. Tôi phải ngồi cuối lớp do hơi nghịch ngợm, còn Hoài Nam do vào lớp sau nên phải ngồi ở bàn còn trống ấy. Cái sự bất thường hôm nhập lớp mau chóng được bình thường hóa, nhưng nó cũng là một cái gì đó góp phần tạo nên tình bạn giữa hai chúng tôi. Hoài Nam chăm chỉ, học khá đểu các môn. Nếu so sánh thì các môn xã hội bạn ấy khá hơn tôi, nhưng các môn tự nhiên thì tôi lại trội hơn một chút. Điều đó cũng là thường tình trong lứa học sinh chúng tôi. Vì thế chúng tôi giúp nhau được trong học tập, nhất là khi được phân công học cùng nhóm. Nhóm chúng tôi có bốn người, còn có thêm hai bạn trai nữa. Chúng tôi cùng nhóm vì cùng tổ và cùng có nhà ở trong nội thành. Công bằng mà nói, tôi học trội hơn cả nhóm nhưng không được làm nhóm trưởng vì tính tình không nền nã. Hoài Nam được bầu là nhóm trưởng hợp lý hơn vì chỉ có mình bạn ấy là nữ, nói gì cũng dễ nghe hơn. Chúng tôi đặt ra quy ước là muốn học tốt thì ai cũng phải cố gắng, nhưng cần phải nhất nhất nghe theo ý nhóm trưởng. Con trai thời đó vốn lười suy nghĩ và ít sáng tạo mà.

   Ngày đó ngoài những buổi học, chúng tôi hay phải tham gia lao động. Khi thì đào hầm trú ẩn, lúc lại gánh bùn đất rồi trộn rơm xây trát lại tường lớp bị bong. Thậm chí cuối mỗi học kỳ chúng tôi còn đi lao động xây dựng công viên, giúp các xã sở tại đào thủy lợi hay thậm chí giúp dân gặt mùa. Mỗi khi học sáng xong rồi phải ở lại lao động như thế, chúng tôi góp tem gạo lại cho một đứa đem ra thị trấn đổi bánh mỳ. Mỗi cái tem có định lượng 225 gram đổi được một cái bánh mỳ đủ một suất ăn ở tổ phục vụ làm bánh, trả thêm một hào tiền công. Thường chì chỉ có bánh mỳ ăn suông như thế thôi. Hôm nào khá hơn thì có ai đó đem sẵn theo một ít muối vừng, hoặc một hai quả dưa chuột thêm vào. Thế là bốn chúng tôi ngồi túm tụm dưới gốc tre hay gốc khế trong vườn nhà dân cùng ăn trưa và chuyện trò rôm rả. Thỉnh thoảng Hoài Nam đem theo được mấy cái kẹo chanh chia cho cả nhóm thưởng thức. Chả là bố bạn ấy làm bác sĩ, chắc bớt lại tiêu chuẩn bồi dưỡng cá nhân gì đó rồi đem cho con gái. Tất nhiên trong lao động thì bọn con trai làm khỏe hơn và nhận những phần vất vả hơn.

    Vui nhất là khi giúp dân gặt lúa. Mùa hè của chúng tôi rơi đúng vào vụ chiêm của bà con nông dân, thể nào cũng gặp ruộng nước. Học sinh chúng tôi không phải gặt lúa vì không đứa nào thạo, mà chủ yếu làm công tác vận chuyển. Cứ gánh hay khiêng lúa từ ruộng lên bờ rồi chất lên xe cải tiển đẩy về sân kho hợp tác. Chẳng bao giờ tránh được cái chuyện gặp đỉa. Tuy ghét đỉa nhưng con trai dù sao cũng không sợ đỉa bằng con gái. Đám con gái gặp đỉa bám vào chân là kêu ré lên, không dám tự mình gỡ ra. Hoài Nam cũng vậy. Kéo ống quần bạn ấy lên để gỡ con đỉa, chạm tay vào bắp chân trần trắng hồng mà cảm thấy tim đập tăng lên mấy nhịp. Nhưng tuổi học trò thì vẫn chỉ là tình bạn học trò, trong trắng và thơ ngây.

   Cuối năm có học về hệ tuần hoàn ếch. chúng tôi phải xin tiền bố mẹ để mua ếch về mổ thực hành. Xem cái quả tim ếch đập như thế nào và dùng cả thuốc tím để thử xem tính thẩm thấu một chiều của da ếch. Mỗi nhóm mổ một con ếch. Hoài Nam chỉ đạo việc mổ thực hành nhưng không dám sờ tay vào, thật đúng là con gái.

   Thời gian cứ trôi, chúng tôi học tập và lao động thật bình thường như nhịp sống chung của xã hội. Mới ngày nào đó vào đầu kỳ học, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thi cử hết học kỳ, rồi sang học kỳ mới, rồi hết năm học. Chúng tôi học khá tốt nên không lo lắng gì nhiều đến chuyện được lên hay ở lại lớp. Hết hè là tất nhiên phải lên lớp mới. Lên lớp mới, bạn bè đa phần vẫn thế. Lác đác có bạn chuyển đi, có bạn khác chuyển đến, nhưng nhóm chúng tôi nguyên vẹn. Ngày đó bận rộn, hầu như không có chuyện họp phụ huynh. Cha mẹ bận rộn đi làm và tin tưởng ở trách nhiệm học hành của con cái. Tất nhiên chúng tôi không phụ lòng tin của cha mẹ. Tôi học ngày càng tốt, cuối năm lớp chín có giấy khen của nhà trường đem về khoe với bố mẹ. Cuối năm đó trường tôi lại có hội diễn văn nghệ. Trong trường cấp III thì hội diễn văn nghệ cuối năm bao giờ cũng trông chờ vào học sinh khối chín, vì khối tám còn non, khối mười lại bận rộn với chuyện thi cử. Đám con gái lớp tôi có tám bạn tham gia tiết mục múa nón của dân tộc Thái. Chả biết tập vào lúc nào, học ở đâu, nhưng cái đêm hội diễn thì nổi trội lắm. Các lớp khác có các tiết mục thổi sáo, gảy đàn bầu và ca hát, chỉ riêng lớp tôi có múa. Tất nhiên tiết mục múa phải tập công phu hơn, lại mang tính tập thể cao nên rất được coi trọng. Hoài Nam cũng tham gia tốp múa. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn các bạn nữ mặc váy và có trang điểm son phấn. Tất cả đều đẹp lên bất ngờ và có phần lạ lẫm, dù rằng thường ngày chúng tôi vẫn nhìn thấy nhau và biết các bạn ấy đẹp. Tuổi mười bảy rồi, tuy chưa bẻ được gãy sừng trâu, nhưng tôi cảm nhận được cái đẹp nhiều hơn và cho rằng Hoài Nam đẹp nhất. Suốt tiết mục, tôi cứ nhìn mãi bạn ấy múa với một niềm phấn chấn khó tả.
...
Logged
kisilangthang
Thành viên
*
Bài viết: 66


Xe đạp ơi!...đã xa rồi còn đâu


« Trả lời #183 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 03:28:33 pm »

Truyện hay quá, tiếp tục đi bác ơi Roll Eyes
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #184 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2010, 09:58:57 pm »

.....
          Mùa hè năm ấy, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Các trường học từ nơi sơ tán tấp nập chuyển trở về Hà Nội. Cuộc sống của người dân ở Hà Nội trở nên náo nhiệt hơn. Ngôi trường cấp sơ tán III của chúng tôi giải tán, thế là chúng tôi nhận hồ sơ đem về xin nhập trường mới trong nội thành. Ba thằng con trai trong nhóm học chúng tôi vì ở cùng một cụm dân cư nên xin vào cùng trường ở khu phố. Hoài Nam nhà ở gần trung tâm thành phố nên chắc theo mẹ về trường khác. Như những bạn bè bình thường, chúng tôi chia tay nhau sau khi lần lượt kéo cả bọn rồng rắn đến thăm từng nhà nhau. Lần đầu tiên nhóm chúng tôi mới biết nhà Hoài Nam được ở một nửa cái biệt thự trên tận khu phố của trung ương. Nhà rộng, có vườn và có cây thoáng mát. Chúng tôi vui vẻ ôn lại đủ thứ chuyện của hai năm học, nhưng dự định năm sau học hành thế nào thì chẳng ai bàn, cứ như là chuyện thế nào tất phải xảy ra như thế. Cũng chẳng có một lời hẹn hò, vì chẳng biết trong ba chúng tôi, ai có tình cảm với Hoài Nam nhiều hơn, hay Hoài Nam có chú ý đến ai không. Học sinh là thế mà.

   Ngày khai giảng năm cuối cùng phổ thông đối với chúng tôi diễn ra thật trang trọng. Học sinh tất cả các khối được tập trung cùng lúc trong sân trường rộng lớn. Tha hồ mặc áo màu sáng và chẳng ai phải bận rộn với chiếc mũ rơm trên tay. Chiến tranh có vẻ như đã lùi xa vào dĩ vãng rồi. Lớp mới, thày cô mới và bạn bè cũng mới. Trong cái ríu rít làm quen ấy, tôi thật bất ngờ khi gặp lại Hoài Nam. Hóa ra mẹ bạn ấy cũng về trường này dạy và bạn ấy lại theo mẹ. Chúng tôi gặp nhau, trong ngày vui tựu trường có thêm một niềm vui nữa. Hoài Nam vào cùng lớp nhưng không cùng tổ học tập với tôi, song điều đó chẳng hề làm giảm niềm vui của chúng tôi chút nào.

   Năm cuối cấp bận rộn hơn. Ngoài giờ học chính, chúng tôi phải tự học là chính. Thày giáo chủ nhiệm dạy toán chỉ mỗi tháng một lần dạy thêm cho chúng tôi một lần vào chủ nhật, chủ yếu dưới hình thức làm một bài kiểm tra để ôn lại kiến thức. Sách giáo khoa không có nhiều hơn mấy so với mấy năm chiến tranh nên chúng tôi vẫn phải áp dụng hình thức học chung, học nhóm. Hoài Nam dù khác nhóm vẫn thỉnh thoảng đến nhà học chung với chúng tôi. Năm học lớp mười, tôi cố gắng nhiều hơn và học tốt hơn. Ngoài các môn tự nhiên, tôi cũng chú ý nhiều hơn đến cả các môn xã hội. Có lần bài kiểm tra Văn 2 tiết của tôi được điểm chín và được đọc trước cả lớp như một bài mẫu điển hình. Còn về toán thì hầu như các bài kiểm tra của tôi không có điểm chín. Tôi rất chú ý và cẩn thận khi làm bài nên thường đạt điểm tối đa. Có những lần thày chủ nhiệm cho làm thử theo kiểu bài thi cuối cấp, cả lớp chỉ có tôi làm trọn vẹn bài kiểm tra đến tận cùng. Thày giáo khen ngợi và tất nhiên tôi nhận được nhiều ánh mắt thán phục của các bạn trong lớp. Những học sinh nam học giỏi bao giờ cũng nhận được mối thiện cảm không chỉ của các thày cô giáo mà còn có cả sự mến mộ của các bạn học, nhất là các bạn gái nữa. Khi thời gian qua đi có nhớ lại những kỷ niệm thì thường người ta hay nhớ về những điều đặc biệt mà hiện tượng học giỏi cũng được xếp vào loại đó. Điều này về sau tôi nghiệm dần ra, nhưng ngày đó quả thật tôi thấy Hoài Nam cũng tỏ nhiều phần mến tôi.

   Thêm một chuyện này nữa. Thày giáo dạy Vật lý khối 10 là một thày giáo trẻ, chỉ hơn chúng tôi độ sáu, bảy tuổi, là giáo viên giỏi và rất muốn có những hoạt động đặc biệt. Thày đã tận dụng các dụng cụ có nhiều trong phòng thí nghiệm của trường để lập ra một nhóm ngoại khóa học thêm vào một số buổi sáng chủ nhật. Cả tôi và Hoài Nam đều được thày cho tham gia nhóm đó. Năm đó chúng tôi được làm rất nhiều thí nghiệm về điện. Nhờ những buổi học ngoại khóa ấy, tôi và Hoài Nam có điều kiện được gặp nhau nhiều hơn, tình bạn giữa chúng tôi ngày càng trở nên thân thiết hơn.

   Cuối năm đó, chúng tôi tập trung thi tốt nghiệp rồi thi đại học. Đây là năm thứ hai nhà nước đưa trở lại chuyện thi đại học, sau một thời gian của mấy năm chiến tranh chỉ tuyển đại học thông qua xét tuyển kết quả học tập mà không phải thi. Cũng phải lo học hành cho tử tế nên đến tháng tư thì nhóm ngoại khóa Vật lý giải tán. Tôi và Hoài Nam ít gặp nhau hơn, dù rằng có gặp nhau thì chúng tôi cũng chỉ nói chuyện học tập là chủ yếu. Mùa thi năm đó diễn ra xuôn sẻ đối với chúng tôi. Hoài Nam thi vào trường Đại học Sư phạm còn tôi thi vào Đại học Bách khoa. Chúng tôi đều tin chắc mình đỗ và chỉ chờ giấy gọi vào Đại học.

   Mùa hè cuối cùng của đời học sinh phổ thông. Quá rỗi rãi và hầu như không phải làm gì giúp gia đình nên đám học sinh chúng tôi thả cửa rong chơi theo ý thích. Sau buổi họp lại lớp liên hoan để chia tay các thày cô giáo và bè bạn, tôi lên Tuyên Quang chơi một tháng, thăm lại nơi ngày xưa bố mẹ tôi đã sống trong kháng chiến chống Pháp và đã sinh ra tôi. Trên đó cũng có người bà con họ hàng bên ngoại. Tôi đã thả mình vào những cuộc leo núi, đi rừng, tắm suối, bẫy chim, lấy củi… Hầu như thời gian đó tôi quên hẳn việc mình lên đây chỉ là đi chơi để xả hơi chuẩn bị cho thời kỳ bước vào đại học sắp tới. Tôi còn tranh thủ học được nghề đan rổ rá từ những cây nứa, cây tre kiếm được trên rừng.

   Đầu tháng tám, tôi trở về Hà Nội. Tôi dự định đến chơi nhà Hoài Nam hỏi thăm chuyện học tập trong tương lai và biết đâu đó mình lại có thể dám ngỏ lời hò hẹn cho tình bạn đi xa…

   Ba ngày sau, trong khi giấy gọi nhập đại học chưa thấy đâu, thì tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Đế quốc Mỹ xuống thang chiến tranh, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, nhưng chiến sự trong Nam thì ngày càng ác liệt hơn. Hồi tháng ba khi còn đang giữa học kỳ II, chúng tôi đã cảm nhận được điều đó qua cuộc tuyên truyền cho chiến thắng Đường chín Nam Lào. Đất nước đang có lệnh tổng động viên thanh niên vào quân đội. Bọn con trai cùng lớp chúng tôi nháo nhào tìm nhau hỏi tin. Chẳng mấy chốc, cả lớp chúng tôi biết tin có đến ba phần tư số con trai trong lớp có giấy gọi nhập ngũ. Các lớp khác trong khối 10 trường tôi chắc cũng vậy. Thế là mặc dù đã làm lễ ra trường, Liên chi đoàn Thanh niên của trường vẫn quyết định tập trung tất cả để làm lễ chia tay và tiễn chúng tôi vào bộ đội. Minh Thu, bí thư chi đoàn lớp đến tận nhà tôi đưa giấy mời của liên chi. Minh Thu cũng có biết chút ít về mối thiện cảm giữa tôi và Hoài Nam trong lớp. Không hiểu vô tình hay hữu ý, Minh Thu kể vừa rồi có lần thấy thày giáo dạy Vật lý đèo Hoài Nam ở mạn Cầu Giấy, hai người nói chuyện cười vui vẻ lắm. Tôi chỉ cười.

   Minh Thu đi rồi, tôi mới ngồi suy nghĩ. Cái tin Minh Thu nói làm tôi thấy có một cái gì đó hơi nghèn nghẹn. Tôi ghen chăng? Nhưng mà mình với Hoài Nam đã có ngỏ lời hay hẹn hò gì đâu. Bạn ấy yêu ai là quyền của bạn ấy chứ. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn thấy buồn. Lúc trước,  sau khi nhận được giấy gọi nhập ngũ, tôi đã phân vân với ý định có nên đến báo cho Hoài Nam biết không? Tôi vừa muốn coi đây là lý do, là động lực để tôi ngỏ lời với Hoài Nam. Tôi cũng muốn có một người con gái "Đợi anh về" như của Ximonop, cũng muốn trong tim mình có hình ảnh của một người con gái để sưởi ấm trái mình những lúc hành quân hay trước giờ vào trận. Đồng thời ngược lại, tôi lại muốn thanh thản ra đi. Chiến tranh chẳng ai đoán trước được số phận. Nếu tôi không trở về, sẽ có một người phụ nữ phải khóc là mẹ tôi. Chẳng nên để có thêm người thứ hai nữa phải khóc thì hơn. Tôi cứ phân vân suy nghĩ mãi giữa hai luồng tư tưởng. Sau cùng tôi quyết định sẽ không nói gì. Nếu gặp lại Hoài Nam trong buổi Liên chi đoàn trường tổ chức chia tay, tôi sẽ chỉ nói lời tạm biệt như với tất cả những người ở lại khác. Đến lúc này, tôi vẫn chưa cầm tay Hoài Nam lần nào, vậy thì tạo thêm bịn rịn làm gì cho nản chí trai.

   Buổi tối chia tay ở trường, các bạn trong lớp và trong khối 10 đến rất đông, có nhiều thày cô giáo dù không phải là chủ nhiệm lớp nào cũng đến, nhưng không có Hoài Nam. Cả thày giáo dạy Vật lý cũng không có mặt. Một thoáng buồn lướt qua trong tôi rồi tan biến rất nhanh trong cái ồn ào của buổi gặp mặt chia tay rất đông người. Nhà trường và Ban chấp hành liên chi đoàn căn dặn, còn chúng tôi thì hứa hẹn. Mỗi người ra đi được tặng một cuốn sổ tay có đóng dấu của Liên chi đoàn trường. Riêng bọn con gái lớp tôi còn tặng cho mỗi người ra đi thêm một chiếc khăn mùi xoa để trắng, chẳng có thêu thùa gì cả.

   Tôi về nhà, làm nốt thủ tục thăm họ hàng trong mấy ngày tiếp theo rồi lên đường nhập ngũ. Không có một liên lạc gì giữa tôi và Hoài Nam nữa. Chúng tôi đã và sẽ chỉ là những người bạn học thôi.

...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #185 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2010, 08:41:38 am »

...
       Hết nửa năm tập tành sau ngày nhập ngũ, tôi vào chiến trường Nam Lào tham gia chiến đấu. Cuộc sống chiến trường cuốn tôi trôi qua hết ngày này sang tháng khác. Khi đói, lúc no, khi gian khổ đạn bom ác liệt, lúc thắng trận cười vang, nhưng vào những đêm hành quân mưa rơi tầm tã, hay lúc chìm đi trong giấc ngủ dưới những chiếc hầm chữ A giữa các trận đánh, tôi vẫn mơ về hậu phương. Rồi thể nào cũng nhớ về mái trường phổ thông và bè bạn, nhớ về Hoài Nam. Dù chưa hề ngỏ lời và vẫn nghĩ rằng Hoài Nam sẽ thuộc về người khác, nhưng tôi vẫn cứ tự gắn hình ảnh của cô ấy cho riêng mình. Nếu tôi trở về gặp lại thì cô ấy sẽ gặp tôi như thế nào nhỉ. Lại còn nghĩ vơ vẩn rằng nếu như mình ngã xuống trong một trận đánh nào đó thì khi hay tin, Hoài Nam có khóc không.

   Hơn một năm trời tôi không viết thư gửi về nhà và tất nhiên cũng chẳng thể có thư hậu phương. Điều kiện chiến tranh đã không cho phép những người lính trong chiến trường chúng tôi liên lạc dễ dàng bằng thư với gia đình. Mãi đến gần giữa năm 1973, khi Hiệp định Pari đã ký kết và chiến trường Lào cũng tạm im tiếng súng nhờ Hiệp định đình chiến Viên Chăn, tôi mới gửi được thư về gia đình. Tôi viết cả thư cho Hoài Nam. Cuối năm ấy tôi nhận được mấy lá thư của gia đình và bè bạn, trong đó có cả thư của Hoài Nam. Hoài Nam cho biết ngôi nhà của gia đình cô đã bị trúng một quả bom Mỹ vào tháng 12 năm 1972, khi tổng thống Mỹ Nich-xon ra lệnh cho B52 đánh bom rải thảm Hà nội để đưa Thủ đô của nước ta trở về thời kỳ đồ đá. May là cả nhà lại đã đi sơ tán nên an toàn. Thế là tôi biết lá thư của tôi viết đã không đến được với Hoài Nam vì không còn địa chỉ. Hoài Nam chủ động hỏi địa chỉ Hòm thư của tôi qua các bạn khác để viết thư cho tôi. Vậy là cô ấy vẫn nhớ đến mình. Một chút gì đó xao xuyến. Trong cái không gian yên ắng của buổi trưa mùa khô giữa rừng già, tôi lắng nghe trái tim mình đập. Một tiếng dài xen lẫn trong những tiếng ngắn. Tôi đọc chậm từng chữ trong lá thư, như muốn nuốt lấy từng lời. Đến gần cuối thư, Hoài Nam mới báo tin đã lập gia đình. Chồng cô ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính là thày giáo dạy vật lý của chúng tôi. Một tin không thể nói là vui nhưng cũng khó mà kết luận là tin buồn. Lá thư như nhẹ đi trong tay tôi. Ngồi lặng im một lát, tôi đọc lại lá thư thêm lần nữa rồi mới cất vào ba-lô. Chẳng muốn chia sẻ cùng ai cả. Hít một hơi thở dài, thấy tim mình đập chậm đi mấy nhịp. Thôi, dù sao cũng chúc mừng cho bạn được hạnh phúc.

   Một tuần sau tôi mới viết thư về cho Hoài Nam, chúc mừng hạnh phúc của cô ấy và nói thêm vài điều xã giao. Tôi không còn kể cho cô ấy những chuyện chiến đấu thơ mộng của người con trai luôn có hình ảnh của bạn gái động viên để vượt qua cái chết như trong lá thư trước. Nghĩ lại cũng thấy may là lá thư ấy đã không đến tay người nhận. Từ hôm ấy tôi cố gắng quên đi để không còn ghi nhớ hình ảnh của Hoài Nam trong trái tim mình nữa. Thay vào đó, những lúc để tự động viên mình, tôi thường nghĩ về những nàng công chúa trong các câu chuyện cổ tích mà tôi đã đọc. Không phải tôi giận hờn hay thù ghét gì Hoài Nam, đơn giản vì cô ấy đã có chồng thì mọi sự đã an bài. Còn nhớ về cô ấy nữa, có khác nào mình tơ tưởng đến vợ người khác, nhất lại là vợ thày giáo cũ của mình. Biết đâu thày ấy đem lại hạnh phúc cho Hoài Nam rất nhiều, hơn cả cái mong ước của tôi dành cho Hoài Nam thì sao?

   Chiến tranh còn tiếp diễn hơn một năm trời nữa mới kết thúc, tôi may mắn được bom đạn nó nhường nên còn được thấy ngày chiến thắng. Cuối năm 1975 tôi được ra Bắc nghỉ phép. Dù gì giữa tôi và Hoài Nam vẫn là bạn học và trong chuyện đã qua chẳng ai có lỗi, nên tôi vẫn muốn đến thăm Hoài Nam. Hai năm trời mà cha mẹ cô ấy vẫn chưa thu xếp được nhà mới. Nghe tin cô ấy đang tạm ở với mẹ tại khu tập thể của nhà trường nên tôi vội tới thăm vì trong thâm tâm lúc ấy tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để gặp lại thày giáo dạy vật lý. Hoài Nam đã có một cháu trai hơn một tuổi. Tôi nhìn cô ấy thấy cũng chẳng khác xưa là mấy, có chăng là hơi đẫy hơn một chút, kiểu gái một con. Còn về tôi theo nhận xét của Hoài Nam thì vừa đen vừa gầy và khuôn mặt có vẻ già. Cũng đúng thôi, lính chiến trường mà béo tốt thì chắc cả nước xung phong vào bộ đội. Để giữ ý, hôm ấy chúng tôi nói những chuyện rất chung chung dưới sự có mặt của mẹ cô ấy trong phòng.

   Tôi trở lại đơn vị tham gia đánh Fulro đến gần hai năm sau mới được giải ngũ. Vừa lo học hành, vừa lo kiếm sống trong cái tình hình kinh tế khó khăn vẫn còn bao cấp ngày ấy đã chiếm hết thời gian của tôi. Bạn học cũ cũng như bạn bè lính ít khi đến thăm nhau nếu không có việc. Hầu như ai cũng phải lo cơm, áo, gạo, tiền. Tôi có qua trường cũ một lần nhưng không gặp Hoài Nam vì cô ấy đã chuyển đi. Thế là chúng tôi bặt tin nhau luôn. Thực ra nhà tôi vẫn ở chỗ cũ, Hoài Nam vẫn có thể tìm được tôi nếu cô ấy muốn gặp, song có lẽ chính cô ấy cũng bận rộn với việc mưu sinh. Thế là đã xa lại càng xa.

   Nhưng chính cái lúc không cần tìm tin nhau thì tôi lại biết tin về Hoài Nam, đúng hơn là về chồng cô ấy. Bọn con trai chưa vợ như tôi lúc ấy dù sao cũng vẫn có quyền tìm bạn gái. Nơi đến cuối tuần hấp dẫn của đám sinh viên ngày đó chính là trường Đại học Sư phạm. Cũng vô tình, tôi và bạn bè cùng học đã nhiều lần bắt gặp thày giáo Vật lý cũ của tôi đèo khi thì nữ sinh này, lúc lại nữ sinh khác trên chiếc xe Mobilet sành điệu của thày khi đó. Nhiều khi còn nghe được cả tiếng cười vang và lõm bõm vài câu tán tỉnh của thày lúc chiếc xe máy vù qua. Thày không nhìn thấy tôi, mà chắc có nhìn cũng chẳng nhận ra tôi vì thày đang bận tâm vào chuyện khác. Từ chỗ ngày xưa nghĩ thày đào hoa thì nay trong mắt tôi thày lại là một người trăng hoa vô trách nhiệm. Chắc trong cảnh này, cô bạn Hoài Nam của tôi không thể có hạnh phúc.

   Vài năm sau tôi nghe tin Hoài Nam đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức theo cái trào lưu đang rộ lên ngày đó. Rồi tôi cũng lập gia đình.

....
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #186 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2010, 11:12:02 am »

...
         Chuyện cũ tưởng có thể quên đi được rồi thì một buổi tối, sau cái ngày bức tường Beclin sụp đổ ít lâu, Hoài Nam đến nhà thăm tôi. Sau khi tôi giới thiệu Hoài Nam và vợ tôi với nhau, vợ tôi ý nhị chỉ ngồi nói chuyện dăm phút rồi xin phép rút lui để cho chúng tôi ngồi nói chuyện được tự nhiên. Tôi cũng đã kể ít nhiều về Hoài Nam cho vợ tôi từ trước rồi, nên vợ tôi cũng biết Hoài Nam là bạn học cũ nhiều năm thời phổ thông của tôi. Sau đó tôi và Hoài Nam kể cho nhau nghe về tình hình gia đình và cuộc sống của mỗi người. Hoài Nam cho biết đã li dị chồng vì không thể chịu nổi cái kiểu trăng hoa và không chung thủy của chồng. Con trai Hoài Nam nay đã 16 tuổi, sẽ sống cùng mẹ để cho bố được tự do. Hoài Nam đã quyết định sẽ định cư ở Đức và lần này về dón con trai sang cùng. Như vậy là mấy năm qua vợ chồng cô ấy cũng đã sống ly thân. Tôi không ngạc nhiên trước tin Hoài Nam kể. Tôi đã đoán trước là sự việc sẽ như thế. Hoài Nam là người coi trọng chuyện gia đình, tất sẽ không thể bỏ qua chuyện trăng hoa quá đáng của chồng. Tôi chỉ biết cảm thông cùng Hoài Nam chứ bây giờ không thể nói là thương cho cô ấy được nữa. Rồi cô ấy nói ra một câu, y hệt như  câu mà  tôi đã từng nghe vợ tôi nói: "Người vợ có thể tha thứ được tất cả mọi khuyết điểm của chồng, trừ tội không chung thủy".

   Hoài Nam xin phép ra về. Tôi theo ra cổng định tiễn cô ấy một đoạn. Hoài Nam dắt xe đi cùng tôi một đoạn khá dài bên hè đường. Đến góc đường bỗng nhiên cô ấy dừng lại dựng chân chống xe sát một gốc Xà cừ. Tôi biết Hoài Nam còn chuyện muốn nói nên chiều lòng nán lại. Cái góc đường khi ấy thưa vắng người qua lại, hầu như chỉ có hai chúng tôi. Thế là Hoài Nam bắt đầu nói và chỉ mình cô ấy nói là chính thôi. Hoài Nam đưa tôi trở lại cái thời học sinh xa xưa với những kỷ niệm đẹp, nói cho tôi nghe nhiều lúc cô ấy đã nghĩ về tôi như thế nào. Ngày ấy, cô đã biết tình cảm của tôi và cũng đang mong chờ một tín hiệu từ tôi. Nhưng cũng chính trong những ngày hè đầy chất thơ ấy, người thứ ba đã xuất hiện. Chuyện phải xảy ra đã xảy ra… Tôi nghe mà nhiều lúc như mơ đi, phải cố gắng lắm mới đưa mình trở lại được với thực tại. Con người ta có số phận, chuyện cũ qua rồi đâu có kéo ngược lại được thời gian. Tôi không hoàn toàn tin khi Hoài Nam bảo rằng ngày trước cô ấy đã vội nghe theo lời khuyên của mẹ, đã vội lập gia đình mà bỏ lỡ mất đi cái mà lẽ ra cô ấy có thể có.  Thế mà Hoài Nam vẫn cứ nói như người xưng tội. Rồi Hoài Nam khẩn khoản yêu cầu tôi đi cùng cô ấy: "Bạn hãy đi cùng tôi trọn đêm nay đi, chỉ một đêm thôi. Tôi muốn bù đắp cho bạn tất cả tình cảm ngày xưa mà chúng mình đã có". Đêm hè mà người tôi run rẩy. Sao Hoài Nam lại nói thế. Tôi nhìn vào mắt Hoài Nam rồi nắm lấy bàn tay cô ấy, lần đầu tiên mà chắc cũng sẽ là lần cuối cùng: "Không nên đâu Hoài Nam ơi. Đừng làm thế. Bây giờ mình đã có vợ rồi và đang sống hạnh phúc. Vợ mình cũng đã từng nói với mình cái câu mà Hoài Nam vừa nói khi nãy ấy, người vợ không thể tha thứ cho chồng tội không chung thủy. Mình vẫn mến Hoài Nam nhưng không đòi hỏi gì ở Hoài Nam đâu. Làm thêm một điều gì nữa lúc này là không thể. Chúng mình hãy vẫn cứ như thế này để giữ nguyên tình bạn, để luôn nghĩ tốt về nhau, Hoài Nam nhé". Hoài Nam im lặng hồi lâu rồi hơi mím môi, từ từ rút bàn tay lại, hơi khẽ gật đầu. Tôi biết cô ấy đang nén một tiếng thở dài. Vậy là chúng tôi chia tay nhau.

   Khi tôi trở về nhà, vợ tôi vẫn đang ngồi chờ. Tôi đi tiễn bạn một đoạn thế mà hết gần một tiếng, tất nhiên vợ tôi đoán có chuyện gì đó không bình thường xảy ra. Thấy vợ ngồi im, tôi biết nàng đang chờ tôi nói. Tôi ngồi xuống bên cạnh và kể lại điều vừa xảy ra giữa tôi với Hoài Nam. Kể xong, vợ tôi không nói gì nhưng ngồi xích lại gần tôi hơn. Tôi biết mình đã xử sự đúng và quàng tay ôm lấy vợ.

   Trong cuộc sống cái gì cũng có giới hạn của nó và tốt nhất là đừng tự cho phép mình biện minh ra một lý do nào đó để dễ dãi bước qua./.

Trinhsat   

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #187 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2010, 10:52:52 am »

Chuyện cổ tích về máy vi tính

           Máy vi tính bây giờ đã trở thành một công cụ, một phương tiện làm việc phổ thông trong mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam. Mọi người ai cũng nghe quen từ máy vi tính, cùng nhiều thuật ngữ quanh nó. Chuyện một gia đình, một cá nhân có máy vi tính riêng đã trở thành thường tình. Nhưng hãy ngược lại về trước 28 năm, tương ứng với thời kỳ Đại hội V của Đảng ta …

   Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (TT&ĐK) thuộc viện Khoa học Việt Nam là đơn vị đầu tiên nghiên cứu thiết kế và ghép nối các thành phần của máy vi tính (mà hiện nay mọi người đã nghe quen) như ghép nối ổ đọc đĩa mềm, ghép nối để hiển thị tín hiệu ra màn hình … Viện đã chế tạo ra 2 mẫu máy vi tính đơn giản đặt tên là ĐT81 và ĐT82, trong đó ĐT có nghĩa là Đồi Thông (vì khi đó Viện TTĐK đóng tại khu đồi thông ở Đường Hoàng Hoa Thám rẽ vào, gần khách sạn Khăn quàng đỏ). Hai chiếc máy vi tính này là sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước, nhưng cũng chỉ để trong phòng thí nghiệm, không đưa ra sử dụng được. Trong công việc, Viện có phòng Máy tính vẫn sử dụng 1 máy tính lớn ODRA 1304 của Đức (dùng bóng bán dẫn) và 1 máy mini CM4 dùng IC của Nga (nhưng từ ngày nhập về thì thường xuyên sửa chữa chứ chưa sử dụng khai thác được gì).

   Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho đến năm 1982 cũng chỉ có mỗi bộ KIT vi xử lý có bàn phím mini để lập trình bằng ASSEMBLE và nhìn mã trên đèn LED. Năm 1982 khoa Vô tuyến điện (khoa Điện tử Viễn thông ngày nay) mới có lớp Vi xử lý đầu tiên, và mới bắt đầu cho sinh viên làm quen thuật ngữ "Vi xử lý" và "Vi tính". Năm 1983, Trường cũng được trang bị một phòng máy tính, nhưng là chiếc máy tính lớn Minscơ 32 của Liên-xô, và đến năm 1995 thì nó đã phải ra chợ Giời như trong chuyện "Thanh lý" tôi đã kể.

   Cuối năm 1983, Viện Khoa học TT&ĐK tổ chức Hội nghị Quốc gia đầu tiên về các nghiên cứu và ứng dụng của kỹ thuật Vi xử lý. Thuật ngữ chưa thống nhất, các Giáo sư bàn cãi mãi mới chọn được tên là "Hội nghị Vi tin học lần 1". Hội nghị tổ chức tại Trụ sở Công đoàn Hà nội ở phố Hai Bà Trưng. Trước hôm Hội nghị bị mưa, băng-rôn rụng mất chữ, còn mỗi dòng "Hội nghị Khoa học lần 1 về i t học" để đón đại biểu, vậy mà cũng chả ai thắc mắc về "i tờ" học là gì. Rồi vì cái chuyện tổ chức Hội nghị theo lĩnh vực này mới mẻ quá, không biết tiếp theo sẽ làm gì, nên không bao giờ còn có Hội nghị Vi tin học lần hai nữa.

   Khi đó, Viện khoa học Việt Nam là Cơ quan sở hữu duy nhất 15 máy vi tính 8 bit có tên APPLE II (do Đảng CS Mỹ tặng) và 02 Máy MICRAL có tính năng tương tự (do một tổ chức phi chính phủ của Pháp tặng). Chỉ có một số kỹ sư trong Viện được phép tiếp xúc với máy vi tính. Ngay cả việc được nhìn thấy nó chạy cũng đã là vinh dự đối với nhiều cán bộ.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #188 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2010, 10:36:56 am »

....
         Tháng 8/1984, Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học (ĐT & KTTH) được thành lập. Cái tên Kỹ thuật Tin học là kết quả bàn cãi của nhiều Giáo sư để đi đến chọn nó. Trong suốt thời gian từ đó đến hết năm 1985, không biết bao nhiêu bài báo đã đăng trên các tạp chí khoa học trong nước để nêu định nghĩa và giải thích thế nào là "Kỹ thuật Tin học" cho toàn xã hội. Các kỹ sư, cán bộ khi chuyển công tác từ các cơ quan khác về Tổng cục ĐT&KTTH và các Kỹ sư mới ra trường khi chuyển hồ sơ ở Bộ Đại học đã phải rất vất vả giải thích cho các cán bộ bàn giấy về một ngành mới. Tại rất nhiều nơi thuộc cả cơ quan Đảng và Chính quyền, người ta cứ khăng khăng là không thể có một ngành nào gọi là Kỹ thuật Tin học.

   Thời kỳ này Mỹ đang thực hiện chính sách cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Vào cuối năm 1984, đầu 1985 ấy, nhiều cán bộ khoa học của Việt Nam ra nước ngoài công tác đã mô tả về máy vi tính IBM-PC và những kỳ diệu của nó. Tổng cục ĐT&KTTH mà hạt nhân là Viện nghiên cứu Kỹ thuật Điện tử đã được Nhà nước giao nhiệm vụ lên phương án đưa máy vi tính vượt qua hàng rào cấm vận của Mỹ về Việt Nam.

   Con đường nhập máy phải đi vòng vèo. Máy tính xuất sứ từ Singapore, là loại máy tính không thương hiệu giống như chúng ta lắp ráp máy vi tính gọi là Đông Nam Á bây giờ. Các bộ phận của máy vi tính được chuyển qua Thái Lan, tháo rời ra và đóng gói vào các vỏ thùng Ti vi, giả như các đồ điện tử. Khi đó, ở Việt Nam mới có rất ít TV màu, chủ yếu do người đi công tác nước ngoài mua về. Nghề chuyển hệ TV màu mới đang ở bước chuyển từ hệ màu NTSC sang SECAM. Đài truyền hình Trung ương chưa phát tín hiệu màu hệ PAL như bây giờ. Hai miền Nam Bắc là hai hệ thống máy phát màu khác nhau, không đồng nhất. Việc mua TV đem từ Nam ra Bắc rồi phải chuyển hệ là cả một nan giải. TV màu nhập ngoại số lượng nhiều bị đánh thuế rất cao, còn đầu Video thì phải có đăng ký của Bộ Văn hóa mới được sử dụng. Vì thế, Nhà nước phải lập ra một Ban chỉ đạo do đích thân một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm Trưởng ban. Còn có thêm một Thứ trưởng Công an và một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nữa làm phó Ban. Các lô hàng máy vi tính chuyển từ Thái Lan về đóng trong vỏ thùng TV màu được đánh mã có ký hiệu riêng, có giấy phép đăc biệt. Hải quan sân bay không được kiểm hóa, vì nếu không sẽ lộ hết loại hàng, và đương nhiên Công ty Máy tính bên Singapore cũng sẽ không dám bán hàng cho chúng ta nữa. Cũng chỉ vì tò mò, một lần mấy anh cán bộ Hải quan sân bay Nội Bài bóc trộm một chiếc thùng có in hình chiếc tivi rất đẹp ra xem, song chẳng hiểu những thứ bên trong là cái gì. Vụ đó, nếu bên nhận hàng không châm chước bỏ qua cho sau khi nhắc nhở nhẹ nhàng, thì mấy vị tò mò kia chỉ có nước về nhà đuổi gà cho vợ.

*
   Đến tháng 8/1985, lô hàng máy vi tính đầu tiên về đến Việt Nam. Đó là loại máy vi tính theo chuẩn IBM-PC, dùng bộ Vi xử lý 8bit 8088, bộ nhớ trong 128KB, 2 ổ đĩa mềm 360KB (5,25"), chưa có ổ cứng, màn hình đơn sắc. Hệ điều hành là DOS 1.10 .

   Vì là máy tính không thương hiệu, nên sau khi ráp lại và chạy thử, chúng được đặt tên mới. Một vị Tổng cục phó Tổng cục ĐT&KTTH đã chọn cho nó cái tên BAMBOO (cây tre). Các kỹ sư Tin học của Viện n/c KT Điện tử đã làm một chương trình DEMO với biểu tượng cây tre Việt Nam để giới thiệu nó. Đến lúc đó, một tiểu Ban máy tính được thành lập với sự đóng góp của 3 cơ quan: Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước có 15 máy vi tính (được trang bị bằng con đường viện trợ bí mật nào đó) do ông Trần Lưu Chương đại diện, Viện NC KT Điện tử có 10 máy vi tính vừa nhập, do ông Đậu Quang Lâm đại diện, và cuối cùng là Cục tác chiến Điện tử thuộc Bộ Quốc phòng có 3 máy vi tính do thiếu tá Đào Hữu Chí đại diện. Tất cả 28 máy vi tính nói trên đều là loại IBM-PC compative có cùng cấu hình. Một khóa học cấp tốc về máy vi tính và Hệ ĐH DOS được phổ biến cho dăm chục người từ nhiều cơ quan quan trọng hợp lại, do các kỹ sư Tin học tốt nghiệp tại Vương quốc Bỉ đứng lớp. Sau đó 3 tháng thì cái tiểu Ban máy tính tự nhiên giải thể, vì số máy vi tính tương ứng với số tài sản quá lớn, không thể đem dùng chung. Mỗi Cơ quan sẽ có quyền riêng với số máy vi tính đó. Kết quả vớt vát cuối cùng của tiểu ban là ba đơn vị chính, cộng thêm Viện Khoa học TT&ĐK được lập thư viện phần mềm với tài sản ban đầu của mỗi thư viện là một đĩa mềm có HĐH DOS Version 1.10, kèm theo một đĩa Utility.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #189 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 04:37:06 pm »

...
        Công ty Điện lực Việt nam là Đơn vị đầu tiên của Việt Nam được phép và đã mua 3 máy vi tính BAMBOO nói trên với giá 15 ngàn USD một chiếc. Tiếp theo là các Công ty của ngành Dệt thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Tiếp theo nữa là các đơn vị như Bộ Ngoại giao, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tổng cục Hàng Không, Cục Thông tin Bộ Công an, Viện Máy công cụ …

   Viện NC KT Điện tử còn nhập thêm nhiều lô hàng máy vi tính nữa, từ IBM-PC đến XT, rồi IBM-AT Compative có ổ đĩa cứng 20MB. Màn hình chuyển từ đơn sắc sang màn hình màu EGA, rồi VGA. Tất cả vẫn được lấy tên là BAMBOO.

   Năm 1987, Phòng Kỹ thuật Tin học thuộc Viện có 6 bộ máy tính cùng đồng thời làm việc, một kỷ lục mà không còn bất cứ nơi nào trên đất Việt nam có được lúc ấy. Viện đã đón nhiều đoàn chuyên gia khoa học của các nước XHCN, kể cả Liên Xô đến thăm quan. Nội dung thăm quan gói gọn trong nửa giờ đồng hồ, mà nội dung cũng chỉ là xem cái máy vi tính ấy nó chạy HĐH DOS như thế nào. Hình như lúc đó chính Liên Xô cũng bị cấm vận nên không có điều kiện tiếp xúc với máy vi tính của Mỹ, dù chỉ là loại Compative.

   *
   Theo cách làm đó, đến năm 1988 thì đã có một vài đơn vị khác cũng nhập được về Việt Nam một số lượng nhỏ máy vi tính. Cuối năm 1988, giá một máy vi tính IBM-AT mua chui ở Việt Nam ước khoảng 10 cây vàng. Cuối năm đó đã có một sự kiện gây xôn xao trong làng kỹ thuật. Có một cán bộ của Viện Công nghệ Quốc gia đã đánh liều xách theo một bộ máy vi tính IBM-AT trong đợt đi công tác ngắn ngày ở một nước thuộc vùng Trung Á của Liên Xô. Đó là Uzơbekistan. Tại đó, ông ta đã bán được bộ máy vi tính đó với giá 40 cây vàng mà chẳng cần phải có một loại hóa đơn chứng từ gì. Thời đó Hải quan sân bay mù mờ coi bộ máy vi tính đó như một loại hàng xách tay vớ vẩn không đánh thuế. Người ta chỉ nhăm nhăm đánh thuế các loại hàng lậu như đồng hồ điện tử, áo ki-mo-no hay áo lông Đức … Số vàng lãi đó qui ra tiền đem đóng hàng từ Liên Xô chuyển về Việt Nam nhiều bằng gần chục người đi xuất khẩu lao động 5 năm đóng hàng. Không cần nói thì cũng có thể hình dung sau chuyến đó, người cán bộ nhạy bén thời cơ ấy đổi đời như thế nào. Khi đó, một kỹ sư hạng hai làm ở một Viện khoa học mà không được đi nước ngoài công tác thì phải mất đến 20 năm mới dành đủ số tiền 2 chỉ rưỡi để sắm một chiếc xe máy Babetta không hộp số của nước Tiệp Khắc anh em.

   Tiền đề là vậy, nhưng câu chuyện thời cơ như trên lại không có hậu với chủ nhân của nó. Những người thức thời biết dừng đúng  lúc vào thời điểm vinh quang nhất chính là những bậc anh hùng ghi danh sử sách, kiểu như Tể tướng Phạm Lãi nước Việt thời Chiến Quốc, hay quân sư Trương Lương thời Hán Sở tranh hùng. Ông cán bộ nói trên không phải là người anh hùng lưu danh sử sách, nên đã phạm phải thuộc tính cố hữu xấu xa nhất của con người, đó là lòng tham. Sau thành công của chuyến công tác, ông đã làm chuyến thứ hai dưới dạng tự túc. Thật không may, khi đang ôm trong người cả đống tiền sau khi hoàn thành phi vụ thứ hai, ông đã bị các tay cướp cạn "Xi-bê-ri", mà thực chất là các lao động Việt Nam trốn ở lại Liên Xô sống bất hợp pháp dưới mật danh là "bộ đội", thanh toán. Ông đã trở về quê hương trong một cái lọ sành nhỏ, để lại bài học rợn người cho hậu thế.
...

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM