Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 10:40:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137723 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #140 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2009, 09:51:25 am »

...
       Sấm tối, trung đội tiềm nhập tiếp vào khu sân bay. Thị xã Sa-ra-van này đã được bộ đội ta giải phóng từ một năm rưỡi trước.     Sau đó, quân ta lại tiếp tục đánh địch vào sâu trong cao nguyên Bô-lô-ven, không có đơn vị nào đóng quân lại ở đây. Người dân Thị xã chạy loạn chưa trở lại, nên đâu đâu cũng chỉ là cảnh đổ nát hoang tàn. Trải qua một mùa mưa nên cỏ cây mọc rất rậm rạp. Hai trung đoàn địch đổ quân nhảy cóc ra đây cũng chỉ đóng quân chiếm giữ được một vài vị trí then chốt. Những nơi còn lại vẫn bị bỏ hoang.
   Vượt qua những khu nhà gỗ đổ nát, những đám cỏ cao lút, khoảng  tầm nửa đêm thì chúng tôi vào đến rìa sân bay. Chúng tôi bước thấp bước cao lội dọc theo một số đoạn hào ẩm ướt, chui qua vài ống cống xi măng thì đặt chân được lên nền đất sân bay. Cả trung đội cần phải vượt qua một khu trống không có vật che đỡ.
   Bất ngờ, hàng loạt pháo của địch cấp tập dội tới, trúng ngay giữa đội hình trung đội chúng tôi. Tiếng nổ đinh tai, đất đá rào rào bay tứ tung trong ánh chớp lửa liên hồi.
   Tôi đi sau cùng đội hình, chỉ kịp nhảy lùi lại xuống rãnh và chui vào trong một ống cống theo bản năng. Mặt đất rung lên theo tiếng pháo. Hơi trong lòng cống cũng rung lên từng đợt, tức ngực. Tôi cứ nằm im như thế, úp mặt xuống đất, không dám ngóc đầu lên.
   Khi tiếng pháo dứt được một lúc, tôi bò ra ngoài miệng cống. Chỉ có mùi đạn khét, còn không gian tối đen lặng lờ. Tôi không nghe thấy tiếng động gì. Tôi run run cất tiếng gọi anh Bình và Đức. Không có ai đáp lời. Tôi lại gọi to hơn. Vẫn không thấy gì. Tôi chợt hoảng, nhưng vẫn cố lần ra ngoài bãi đất trống. Tôi vấp phải một thân người và ngã sóng xoài. Tôi nhoài người quay lại, thấy người lính đó đã chết. Tôi ngồi im một lúc, cố gắng trấn tĩnh và nhìn xung quanh. Khi mắt đã  quen hơn với bóng tối, tôi phát hiện thêm những xác người. Tôi chợt nhận ra một sự thật kinh hoàng: trung đội tôi đã bị trúng đạn pháo hy sinh tất cả, chỉ còn sót lại mình tôi. Đột nhiên tôi thấy sợ hãi vô cùng, lạnh toát xương sống. Rồi không kìm được nữa, tôi cầm súng vùng đứng dậy, nhảy đại xuống rãnh nước rồi chạy ngược trở lại theo hướng xưởng cưa. Trong đêm tối đen, tôi cứ cắm đầu cắm cổ chạy với ý nghĩ là cần phải thoát nhanh ra khỏi nơi này. Bị vấp ngã, tôi lại vùng dậy chạy. Lại ngã, lại vùng dậy chạy. Cứ thế, ngã mấy lần nhưng tôi vẫn cứ chạy và chỉ có một ý nghĩ là chạy. Gần sáng, tôi lần được ra tới bờ sông Sê-Công. Tôi nằm vật xuống bên bờ nước và  thiếp đi vì mệt.
   Khi tôi tỉnh lại thì trời đã sáng rất rõ. Hình như vẫn có tiếng súng nổ lục bục phía Thị xã. Tôi nhìn lên trời và thấy hai chiếc máy bay T-28 của địch đang quần lượn. Bộ đội ta vẫn còn đang đánh nhau với địch trong Thị xã, hay đã rút đi đâu rồi? Nhưng tràn ngập trong lòng tôi vẫn là nỗi sợ hãi. Lòng can đảm và ý thức về người lính trong  tôi đã bay đi tất cả.
   Tôi lần giở ba-lô lấy gói cơm ra ăn. Gói cơm đã sang ngày thứ ba, có mùi, song cái đói đã át tất cả. Ăn xong, tôi lấy bi-đông nước ra tu ừng ực, rồi lại nằm xuống nghỉ một lát. Đầu óc tôi mung lung. Tôi vẫn không chiến thắng nổi nỗi sợ hãi đêm qua. Thế là tôi quyết định đảo ngũ, trở ra Bắc.
   Tôi lấy ni lông gói ba-lô lại, rồi quàng súng lên vai. Chờ khi không còn tiếng máy bay vè vè, tôi lội ào xuống sông. Nước chỉ sâu đến ngực, nên tôi lội qua sông khá dễ dàng. Lên đến bờ bên kia, tôi đeo ba-lô, xốc lại súng rồi nhắm hướng Đông thẳng tiến. Nơi đây không có đường. Bốn bề chỉ là rừng Khôôc, loại cây lá to, mọc thưa. Tầm nhìn xa đến vài chục mét. Chỉ có thể chọn hướng mà đi thôi. Tôi nghĩ, đi về phía Đông, thể nào cũng gặp con đường vận tải, chuyển quân của bộ đội Trường sơn. Tôi cứ vừa đi, vừa chạy, lúc nào cũng có cảm giác như có ai đuổi phía sau. Mệt thì tôi ngồi nghỉ, rồi lại đi tiếp. Phải lâu lắm, tôi mới vượt qua được những khu rừng khôôc rộng mênh mông của bình nguyên Sa-ra-van. Rừng bắt đầu dày với đa dạng loại cây hơn. Tôi phát hiện ra một con đường mòn có dấu vết xe ô-tô, nhưng vệt xe đã quá cũ, và cây cỏ đã mọc tràn hai bên đường. Có lẽ đây chỉ là con đường tạm mở ra cho một mặt trận nào đó, chứ chưa phải là đường của tuyến Trường sơn. Tôi lần theo dọc con đường, hướng về phía Bắc. Song chỉ được vài quãng, con đường lại quay sang hướng Tây đi vào bình nguyên. Thế là tôi lại rời bỏ con đường và đi cắt rừng theo hướng Đông.
   Đi mãi, rồi tôi cũng vào đến những cánh rừng rậm mà tôi cho rằng đã thuộc dãy Trường  Sơn. Đã có những ngọn núi cao trước mặt. Không có đường, việc đi cắt rừng qua núi thật khó, nhất là đối với một tân binh mới vào chiến trường được mấy ngày như tôi. Quãng đường trong rừng, tôi đi không được bao nhiêu. Nhiều lúc, tôi còn có cảm giác như mình đi theo vòng tròn. Loanh quanh một lúc, lại thấy như mình trở lại chỗ vừa đi qua. Mấy ngọn núi cao vẫn như nằm ngay trước mặt.
   Chiều tắt nắng, rồi rừng tối lúc nào không hay. Không còn biết đâu mà lần nữa, tôi đành tìm mấy gốc cây nhỏ căng võng nghỉ đêm. Tôi phải buộc ba-lô vào đầu võng và ôm súng trong lòng để ngủ. Lúc này tôi mới thấy thấm mệt. Không hiểu ngày hôm nay tôi đã đi được bao nhiêu đường đất. Rồi mệt quá, tôi ngủ thiếp đi.
   Tôi tỉnh dậy lúc trời còn chưa sáng. Rừng đêm tĩnh mịch. Tôi nằm im lắng nghe, chỉ thấy có mỗi tiếng côn trùng kêu rả rích. Rồi cơn đói kéo đến. Chút cơm thiu cuối cùng, tôi đã ăn hết từ trưa qua. Bi-đông nước cũng chỉ còn một nửa. Thế là trước mắt, tôi không còn chút lương thực nào cả, mà đường đi thì không biết tới đâu. Tôi bỗng cảm thấy cô đơn quá. Từ khi rời nhà bước chân vào lính, tôi đã quen cuộc sống quân ngũ có đồng đội rồi. Đi công tác lẻ thì chí ít cũng có hai người. Thế mà bây giờ chỉ có một mình, và lại phải tự quyết định tất cả. Chợt tôi thấy nhớ đơn vị. Nhưng đó lại là những bạn bè của đơn vị cũ ngoài Bắc cơ. Còn đơn vị trong này, tôi mới chỉ quen có hai ngày, mà mọi người lại hy sinh cả rồi. Tôi đã đi quá xa, bây giờ  mà có quay lại thì biết tìm ai. Tôi cứ nằm suy nghĩ vơ vẩn như thế cho tới lúc trời sáng.
   Gấp gọn tăng võng cất vào ba-lô xong, tôi lại khoác súng lên đường. Thôi, đã quyết định đảo ngũ rồi thì cứ nhằm miền Bắc mà tiến thôi.
   Đi được chừng hai tiếng đồng hồ, tôi tới một khu rừng rộng và tương đối thưa. Đột nhiên tôi nghe thấy rất nhiều tiếng bom nổ, rung chuyển cả mặt đất. Tiếng nổ ầm vang, liên hoàn  kéo nhanh lại hướng chỗ tôi. Rồi cả khu rừng như chìm trong bom đạn. Tôi chạy và  ngã gục xuống đất lúc nào không biết.

Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #141 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 04:14:59 pm »

 Các bài lạc đề từ Văn học qua hỏi đáp lựu đạn hay chăn trâu, đi bộ đội, em đã chuyển qua box Kiến thức quốc phòng.
 Các bác không lạc đề nữa nhé!
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #142 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 04:15:50 pm »

           ... Hình như tôi đang trôi trên mặt nước, dập dềnh nhưng không bị chìm hẳn. Tôi thấy ngạt thở, cố nhoi lên mặt nước mà không được.
   Tôi cảm thấy như có ai lay lay vào  vai mình, rồi tôi tỉnh dậy, mở mắt.
   Trước mắt tôi là một gương mặt trái xoan con gái dưới chiếc mũ tai bèo. Tôi nghe thấy một giọng nói nhẹ nhàng, nhưng vẫn như vọng từ đâu đó: "Đồng chí  tỉnh rồi à".
   - Tôi đang ở đâu đây?- Tôi hỏi.
   - Đồng chí vừa bị ngất vì sức ép của bom đấy. Để tôi đỡ đồng chí ngồi dậy.
   Cô gái đỡ tôi ngồi dậy. Tôi nhìn xung quanh, cố nhớ và chắp nối lại sự việc. Hóa ra vô tình tôi đã gặp phải một trận bom rải thảm B52 của địch. May mà tôi chỉ ở rìa của tọa độ bom, nên chỉ bị sức ép bom mà ngất đi thôi. Nếu tôi đi sâu hơn nữa vào tọa độ bom thì chắc không thể thoát chết. Cũng rất tình cờ, vì gặp bãi bom phải đi vòng để tránh, mà Liên - tên cô gái giao liên của một binh trạm Trường Sơn - đã gặp tôi.
   Ngoài việc bị sức ép bom, tôi còn bị bong gân bên chân trái, có lẽ do bị vấp ngã trong lúc chạy hoảng loạn. Liên hỏi chuyện và tôi đã nói dối là bị lạc đơn vị. Tưởng tôi thuộc một đoàn tân binh hành quân trên đường dây, nên Liên bảo:
   - Anh bị lạc cả ngày trời thế này, chắc đơn vị đã đi xa rồi. Anh nên về binh trạm rồi nhập theo đoàn tân binh sau thôi. - Liên đã chuyển cách xưng hô anh em với tôi tự lúc nào không rõ.
   Rồi Liên bảo: "Quay lại trạm trước cũng phải sáu bảy cây số, tự anh đi sẽ rất vất vả. Em cũng không thể quay lại cùng anh được vì còn phải chuyển công văn vào trạm sau. Có lẽ anh đi cùng em vào trạm sau thì hơn".
   Tôi rất muốn từ chối, muốn thoát khỏi Liên để còn chuồn ra Bắc. Nhưng tôi lại đang đau chân, đói và không biết đường. Thế là tôi đồng ý.  Liên chặt một cành cây cho tôi làm gậy chống, rồi chúng tôi lên đường. Từ đây, tôi không còn phải lo tìm đường nữa vì đã có Liên. Nhưng tôi đi được rất chậm. Phần vì đau chân, phần vì đói. Liên cứ phải chờ tôi. Đến một con suối nhỏ, Liên bảo ngồi nghỉ, rồi lấy nắm cơm vắt ra bảo tôi cùng ăn. Liên đã nhường cho tôi quá nửa, có lẽ vì cảm nhận thấy cái vẻ háu đói của tôi.
   Ăn xong, Liên kiểm tra lại vết  chân đau của tôi. Sau đó, Liên bảo tôi cứ ngồi nghỉ, rồi cắp AK đi sâu vào rừng. Tôi nhìn theo cái dáng nhỏ nhắn của Liên trong bộ quân phục bạc màu và hai bím tóc lắc lắc theo nhịp đi mà vừa cảm phục cô ấy, lại thấy xấu hổ cho mình.
   Liên quay lại, mang theo một nắm lá thân dài như lá dong. Liên vò nát ra rồi đắp vào chỗ bong gân của tôi và lấy băng  buộc lại. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Do đi chậm, Liên bảo hôm nay không thể về được đến trạm, cần phải tìm chỗ nghỉ đêm. Rồi Liên chủ động đưa tôi đến một khu rừng đã bị bom phá nát từ những đợt trước. Liên tìm được một khe suối nhỏ có một cái hầm  cũ kiểu hàm ếch. Phía bên trên là những bụi tre lớn, thân đổ ngổn ngang, xơ xác do bị bom. Liên bảo nơi này trông thì trống trải, nhưng an toàn. Nơi đã bị rải bom rồi thì hiếm khi bị bom lại. Liên đưa tôi vào ngồi trong cái hầm lộ thiên đó.
   Một lần nữa, Liên lại để tôi ở lại một mình rồi đi vào rừng. Rất lâu sau, cô ấy mới quay lại. Lần này Liên mang về một túi gạo nhỏ. Liên bảo ở giữa các cung đường của các trạm giao liên, thường có các kho bí mật của binh trạm để cất giữ lương thực. Kho rất nhỏ, nhưng cũng đủ để trợ giúp cho các giao liên khi lỡ đường. Các giao liên như cô đều biết vị trí của kho này. Rồi Liên tranh thủ đặt hăng-gô, bẻ những cành tre khô nhóm lửa nấu cơm. Liên bảo ở những chỗ như thế này không sợ khói, nhưng không được có ánh lửa lúc ban đêm.
   Bữa cơm tối chỉ có cơm với canh lá chua rừng, nhưng tôi ăn thật ngon lành. Tôi cảm động với cái cách Liên chăm chút cho tôi, có cái gì đó thân thương như trong gia đình, chứ không chỉ đơn thuần là tình đồng đội.
   Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi chui vào hầm. Liên đã trải ra một tấm nilon  để ngồi lên cho khỏi lạnh.  Chúng tôi ngồi trong bóng tối, dựa lưng vào vách hầm và nhìn ra khoảng trời trắng mờ trước mặt. Bây giờ là lúc nghỉ ngơi qua một ngày mệt nhọc. Rồi tôi và Liên kể chuyện mình cho nhau nghe. Liên kể, quê em ở Hà Tây, bên bờ sông Đáy. Làng có nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngày chợ phiên, Liên thường theo mẹ qua đò sang bên kia sông bán tơ cho phường dệt vải. Liên đi thanh niên xung phong từ năm 17 tuổi. Em tham gia làm giao thông ở khu Bốn chừng nửa năm thì được chuyển sang bộ đội Trường sơn. Đây là địa bàn thuộc Binh trạm của em. Nhiệm vụ chính của em là giao liên, chuyển công văn hoặc dẫn đường cho các đoàn tân binh hay cán bộ vào Nam, ra Bắc. Năm nay, Liên đã 18 tuổi.
   Thế là tôi hơn Liên gần một tuổi. Tôi cũng kể chuyện mình. Kể về cái góc phố nhỏ  Hòa Mã ở Thủ đô Hà Nội, nơi tôi còn cha mẹ và một chị gái đang sinh sống. Kể về cái trường cấp III Hai bà Trưng là mái trường cuối cùng trong đời học sinh của tôi. Bạn bè cùng lớp, bọn con trai đi bộ đội cũng nhiều. Bọn con gái thì hoặc đã đi học Đại học, hoặc đi công nhân cả. Con gái Hà Nội ít ai đi thanh niên xung phong. Tôi cũng nói với Liên là chưa có một cô bạn gái nào hẹn hò với tôi cả.
   Đến khi kể đến chuyện hiện tại thì tôi ngồi im khá lâu. Tôi ngần ngừ, phân vân và ngắc ngứ trong cổ. Liên ngồi bó gối bên cạnh, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn sang tôi, đôi mắt đen lay láy. Tôi bỗng thấy nóng bừng cả mặt. Rồi tôi quyết định nói thật với Liên tất cả. Cả một ngày trời, Liên đã lo lắng chăm sóc và giúp đỡ cho một người đồng đội tận tình như thế, mà chỉ nhận được điều dối trá thì thật bất công. Tôi thấy xấu hổ về mình trước tinh thần lạc quan, yêu đời và tận tụy vì công việc của Liên. Em ngồi lặng im nghe tôi kể. Em cũng không tỏ ra bất ngờ hay có thái độ gì căng thẳng. Kết thúc câu chuyện, tôi bảo:
   - Liên ơi. Bây giờ Liên khuyên tôi nên như thế nào.
   Liên có vẻ nghĩ ngợi một lúc, rồi bảo:
   - Em cảm nhận được suy nghĩ của anh. Em không trách gì anh. Có điều, trốn ra tận Bắc thì không nên. Nếu anh không muốn chiến đấu thì cùng em về binh trạm. Anh báo là lạc đơn vị rồi xin ở lại trạm công tác cũng được. Nhiều binh trạm cũng thu nhận bộ đội lạc đơn vị. Nhưng em nghĩ, anh nên tìm về đơn vị của anh. Mặt trận Sa-ra-van cách đây cũng chỉ hai chục cây số thôi.
   Khi quyết định kể hết mọi chuyện cho Liên, tôi cũng đã nghĩ tới điều này. Vì thế tôi bảo Liên, mai tôi sẽ tìm trở lại đơn vị.
   Quyết định rồi, tôi và Liên quay sang nói những chuyện khác, thật thoải mái.
...

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #143 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2009, 10:24:34 am »

         ... Về khuya, trời bỗng đổ mưa. Cơn mưa cuối mùa mà cũng nặng hạt. Liên đứng dậy lấy tấm tăng của tôi ra, buộc dây che chéo lên cửa hầm. Bây giờ căn hầm  có vẻ kín đáo và ấm áp hơn. Ngồi một lúc, Liên bảo:
   - Đêm còn dài mà chúng mình cứ ngồi mãi thế này thì mỏi mệt lắm. Anh và em cùng nằm xuống đi.
   Thế là Liên nằm lui vào trong, còn tôi nằm phía ngoài. Quả là được duỗi chân duỗi tay thì dễ chịu hơn thật. Tôi nằm quay lưng vào Liên. Mệt mỏi nên rồi tôi cũng ngủ thiếp đi.
   Gần sáng, trời xe lạnh. Liên đã nằm sát vào tôi. Bờ vai phía lưng tôi có cái gì đó mềm và ấm tỳ vào. Tôi cảm nhận được một điều gì đó thật hạnh phúc, nhưng cũng rất thiêng liêng. Tôi xoay người lại, nắm lấy bàn tay Liên. Liên cứ để im, không rút tay lại. Chỉ như thế thôi, không hơn, cho đến sáng.
*
   Buổi sáng, trời tạnh.
   Tôi thu dọn, xếp lại ba-lô, còn Liên tranh thủ nấu cơm. Liên nấu đủ cho bữa sáng, và gói cho mỗi người một nắm cơm.
   Xong xuôi, Liên bảo:
   - Em sẽ cùng anh đi một chặng đường. Sau đó, em sẽ chỉ hướng cho anh.
   Nhờ đắp  nắm lá rừng Liên kiếm hôm qua, cái chân đau của tôi đã đỡ hẳn. Tôi đã có thể đi nhanh hơn. Chúng tôi đi xuôi xuống phía Nam chừng 5 cây số thì gặp một con suối nhỏ. Liên dừng lại:
   - Chúng mình chia tay ở đây thôi. Anh đi qua suối, cứ thẳng hướng tây sẽ gặp sông Sê-công. Chỗ nào có tiếng súng, sẽ có bộ đội ta ở đó. Anh đi mạnh khỏe nhé.
   Tôi hất khẩu AK xoay vòng ra phía sau, rồi đưa cả hai tay mình nắm lấy hai bàn tay Liên:
   - Cảm ơn Liên. Anh sẽ nhớ em nhiều lắm.
   Liên ngước mắt nhìn tôi, ánh mắt bịn rịn.
   Tôi buông tay Liên, rồi lội qua suối. Sang đến bên kia bờ, tôi quay lại nhìn, vẫn thấy Liên đứng đó. Một cảm xúc trào dâng trong tôi. Tôi quay người, lội ào trở lại suối. Lên đến bờ, tôi nhào lại ôm lấy Liên. Liên cũng vòng tay ôm quàng qua cổ tôi. Tôi ghé môi hôn em. Nụ hôn đầu đời. Đôi môi Liên ướt, mềm và ấm, thơm mùi con gái. Trời đất xoay tròn. Chúng tôi hôn nhau rất lâu, tưởng như trên đời này chỉ có mỗi hai chúng tôi.
   Liên bình tĩnh lại trước. Em đẩy nhẹ tôi ra, nói trong hơi thở:
   - Hết chiến tranh, về quê tìm em anh nhé.
   - Anh sẽ về. Liên ơi! Nhất định anh sẽ về tìm em. - Tôi cũng nói gấp gáp trong hơi thở.
   Chúng tôi buông tay nhau, trở về thực tại. Tôi lại lội qua suối, vừa lội vừa ngoái lại nhìn Liên. Em đứng trên bờ đưa tay vẫy theo tôi một lát, rồi quả quyết xốc lại khẩu AK, quay mình bước đi. Tôi nhìn theo bóng Liên khuất  dần sau mấy lùm cây.
   Không gian bỗng trở lại yên tĩnh. Tôi xốc lại ba-lô, hít một hơi dài cho thêm phần can đảm, rồi nhằm hướng Sa-ra-van, vừa đi vừa chạy.
   Chiều tối hôm đó, tôi tìm về được Tiểu đoàn. Thế là tôi lạc đơn vị đã ba ngày trời. Đợt chiến đấu ở khu sân bay Sa-ra-van đã diễn ra rất ác liệt. Các đơn vị đều có tổn thất. Cũng có một số trường hợp bộ đội lạc và được ghép sang chiến đấu ở tiểu đoàn khác, nên trường hợp của tôi cũng không bị coi là ngoại lệ. Ít ngày sau, tôi được sắp xếp lại vào đơn vị mới.

*
   Đơn vị chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu, và chuyển dần địa bàn. Càng ngày, tôi càng xa con đường chiến lược Trường Sơn, xa cái Binh trạm có Liên ở đó.
   Tôi không kể cho ai nghe về chuyện tôi bị lạc đơn vị 3 ngày như thế nào. Tôi không có vật kỷ niệm nào của Liên, nhưng cái cảm giác nhớ về đôi môi mềm và ấm của Liên đã theo tôi  đi qua khắp các trận đánh.  Phải chăng, đó là nguồn sức mạnh đã giúp tôi đi qua  suốt cuộc chiến tranh này, cho đến ngày chiến thắng.

*
   Mãi đến giữa năm 1976, tôi mới được rời quân ngũ. Về nhà được nửa tháng là tôi bắt đầu đi tìm Liên. Chúng tôi chưa nói với nhau được một chữ Yêu, nhưng lời nói của Liên trong hơi thở giữa rừng Trường Sơn năm nào,"về tìm em anh nhé", đã như một lời ước hẹn của hai chúng tôi. Nó thiêng liêng như một lời thề quân ngũ của hai người lính.
   Suốt hơn một tháng trời, tôi cứ lần mò dọc theo hai bờ sông Đáy, suốt từ Hát Môn bên bờ sông Hồng cho đến tận Vân Đình, xem nơi nào có bến đò, làng nào có nghề trồng dâu nuôi tằm, là tìm vào đó hỏi thăm. Nhưng hình như bãi bồi sông Đáy là dành cho nghề trồng dâu, nên đâu đâu cũng có làng nghề này. Không ai biết Liên của tôi ở đâu.
   Tôi trở về Hà Nội với ý nghĩ hy vọng rằng, hay là Liên chưa được xuất ngũ, nên tôi chưa tìm được em.
   Nửa năm sau, tôi lại đi tìm Liên. Tôi đã từng hồi hộp chờ đợi giây phút tìm gặp được Liên. Chúng tôi sẽ ôm lấy nhau, sẽ hôn nhau giữa thanh thiên bạch nhật, trước cả xóm cả làng để công bố tình yêu của chúng tôi. Vậy mà tôi vẫn chưa thấy Liên.
   Rồi từ đó, năm nào, đến cái độ cuối thu, trùng với khoảng thời gian cuối mùa mưa trong chiến trường, tôi cũng lại về sông Đáy tìm Liên . . ."

...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #144 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2009, 10:45:21 pm »

         ... Giọng Trung trầm lại, rồi nhỏ dần. Trung ngừng kể, mắt nhìn xa xăm ra mặt sông. Con sông Đáy mùa này trong xanh và hiền hòa.
   
   Cuối thu năm 1987, tôi đến vùng Phúc Thọ và Đan phượng  công tác ít ngày. Trong một quán nước bên bến sông gần Phùng, tôi thấy một người đàn ông trạc tuổi mình ngồi trầm ngâm. Nghe mọi người trong quán hỏi thăm anh về chuyện tìm một người con gái nào đó, tuồng như họ đã quá quen với chuyện của anh rồi. Cảm thấy có điều gì đó khác thường, tôi đã lân la làm quen với anh. Lang thang với nhau trong các làng suốt một ngày, rồi kéo nhau ra bờ sông, anh mới kể lại chuyện mình cho tôi nghe. Trung là tên của anh.

    Nghe xong, tôi hỏi anh:
   - Năm nào cậu cũng đi tìm Liên? Đã hơn mười năm rồi còn gì.
   - Phải, hơn mười năm rồi, thế mà vẫn chưa tìm thấy Liên.- anh đáp chậm rãi, mắt nhìn xa xăm ra mặt sông, giọng buồn buồn.
   Tôi cũng từng là lính Trường Sơn. Cũng từng chiến đấu ở mặt trận Sa-ra-van trong câu chuyện của anh. Anh là đồng đội của tôi.
   -Thế cậu vẫn tiếp tục đi tìm Liên sao. - Tôi hỏi.
   - Phải, mình sẽ tiếp tục đi tìm Liên. Mình không thể nào quên được Liên.
   -Thế …

   Tôi định nói, mà lại không dám nói nữa. Đó là điều mà cả tôi và anh đều không muốn nghĩ tới. Chính từ trong thâm tâm, tôi cũng muốn nghĩ là Liên chỉ ở nơi nào đó thôi.

   "Anh đi tìm em, biết em ở nơi đâu? Phải qua bao nhiêu suối, qua bao nhịp cầu, qua bao dòng sông sâu? Để anh đi tìm em, em ở nơi đâu …?"
   
             Lời một bài hát bỗng vang lên trong tôi.

   Đúng rồi, tôi nghĩ. Liên vẫn ở một nơi nào đó trong Trường Sơn thôi. Có thể vào lại đó, Trung sẽ gặp được Liên. Vai khoác AK, mũ tai bèo và quân phục bạc màu, mắt đen tròn, mặt trái xoan có đôi bím tóc ngắn, cô ấy đang đứng giữa một đỉnh đèo lộng gió, giơ cao tay vẫy vẫy…
   Tôi hình dung ra Liên rất đẹp. Một người con gái yêu đời, đầy sức sống, vượt qua đạn bom, dâng hiến hết cả tuổi xuân, và có thể là cả cuộc đời, cho cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của Dân tộc.
   "Cái quý nhất của con người là đời sống ...". Một nhà văn Nga đã viết vậy. Và tôi nghĩ, cái quý nhất trong cuộc đời con người ta chính là tình yêu. Không phải thế sao, khi mà chỉ riêng nỗi nhớ về một nụ hôn đầu đời ấm áp của Liên, đã giúp cho Trung vững vàng đi qua cả cuộc chiến tranh.
*
   Tôi chia tay Trung. Rồi thời gian cứ trôi qua, nhiều năm tôi đã không gặp lại Trung. Tôi vẫn tin rằng, trong suốt cuộc đời này Trung vẫn sẽ đi tìm Liên và nhất định sẽ gặp Liên, dù cho những cuộc tìm kiếm và gặp gỡ ấy chỉ là những đêm mơ. Có đêm mưa, chợt thức giấc, nằm nghe tiếng mưa rơi mà tôi tưởng như nhìn thấy Liên đang đứng nép mình bên Trung trong một căn lán nhỏ. Trong đêm mưa lạnh, thế gian này đối với họ, chỉ có hai người ôm nhau trong hơi ấm của Tình yêu.

(Vũ Công Chiến)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2009, 10:48:06 pm gửi bởi Trinhsat » Logged
hoasimbiengioi
Thành viên

Bài viết: 0


« Trả lời #145 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2009, 10:51:30 pm »

Chiếc xe dừng lại trước cửa nhà và bấm còi như thúc giục. Anh chỉ kịp quay ra nhìn em âu yếm " Anh đi đây, em ở nhà chăm sóc con chu đáo, đừng buồn em nhé ". Em quay mặt đi như hờn giận anh, trách anh sao anh về rồi lại phải đi ngay? Bàn tay anh vỗ nhẹ vào vai em như chính anh tự an ủi lòng mình rằng chỉ vì nhiệm vụ thôi, em phải thông cảm cho anh chứ. Chiều nay tan lớp, em qua trường mẫu giáo đón con về. Tội nghiệp con bé, mấy tháng rồi chưa được gặp bố. Hàng đêm em và con vẫn luôn nhớ anh trong nỗi khắc khoải mong chờ, có những lúc lịm người đi khi nghe con hỏi " Mẹ ơi ! Bố đâu rồi? ". Ngẫm mình như câu chuyện về chàng Trương Chi thuở nào, em chỉ biết cưng nựng con và vỗ về nó bằng sự thổn thức của trái tim người mẹ trẻ : Bố đi công tác con à, con phải ngoan thì mẹ sẽ bảo bố mua thật nhiều búp bê cho con nhé " . Ánh mắt con ngời sáng, cho em thêm niềm hi vọng rằng anh cũng sẽ sớm về với mẹ con em. Chơi một lúc rồi con cũng ngủ , một mình em đêm dài thao thức với nỗi nhớ anh khôn nguôi.
Em còn nhớ...........
Ngày anh về phép lần ấy, hàng xóm láng giềng xôn xao, đi đâu họ cũng như chung một niềm vui với em : Chú bộ đội đã về rồi. Em thấy mình hạnh phúc anh à, các chị đồng nghiệp cũng thông cảm và tạo điều kiện cho em được ở bên anh, chăm sóc anh nhiều hơn, bù đắp những tháng ngày vợ chồng xa nhau. Anh gày đi và có vẻ rắn rỏi hơn, nước da xạm đen bởi nắng gió nơi miền sơn cước xa xôi. Mọi việc không tên trong nhà lẽ ra thường ngày là của em thì hôm nay anh gánh hết về mình, anh cười và bảo : Bộ đội mà em, có gì là không biết làm đâu, em cứ để đấy anh làm cho. Rồi anh hì hụi mang cái quạt ra lau chùi từng cánh, anh sửa lại công tắc điện và cho lên cao để tránh tầm với của con khi nó đang ở tuổi hiếu động........Đến giờ đón con, phải rất lâu rồi chúng mình mới được đi cùng một xe. Anh đèo em ngồi sau vòng tay ôm xiết chặt lấy anh, chúng mình đã đi qua những con đường hẹn hò mà nhớ lại thời còn yêu nhau. Đây rồi trường mầm non Hoa Hồng, em để anh vào đón con, còn em đứng ngoài. Em cứ xót xa mà trộm nghĩ rằng lâu anh không về có khi anh chẳng nhận ra con vì trẻ con nó khôn lớn từng ngày, vậy mà mới chỉ nhìn thấy anh thôi, con bé đã chạy ra ôm cổ bố, hôn lên má và bi bô rất nhiều. Nhìn hai cha con nô đùa mà niềm hạnh phúc trong em lan toả. Cả gia đình thong thả và đi thật chậm trên đường về nhà, ghé qua chợ em mua đồ ăn về để nấu chiêu đãi hai bố con. Vậy mà anh lại tranh làm hết, anh bảo em vất vả vì anh và con nhiều rồi, hôm nay anh sẽ tự tay nấu những món ngon nhất để chăm sóc sức khoẻ cho con và em. Rồi anh kể chuyện về anh em trên đồn, biên giới lúc nào cũng phức tạp, anh và đồng đội luôn luôn phải cảnh giác và cũng rất yên tâm khi có hậu phương vững chắc nơi quê nhà đấy em à.
Cảm ơn anh, em sẽ không bao giờ quên được những phút giây cả gia đình mình hạnh phúc bên nhau. Thỉnh thoáng đi làm về em vẫn đi qua con đường tình yêu, con đường có những cặp tình nhân hạnh phúc tay trong tay, em nhớ lại hình ảnh chúng mình ngày xưa. Thấy lòng mình đọng lại một nỗi buồn, vì sao vợ chồng mình không có được niềm hạnh phúc giản dị bên nhau như người ta? Em thật ích kỷ phải không anh? Vì em biết anh vì nhiệm vụ của một người lính với Quân đội và Đất nước. Đêm nay một mình em lại cô đơn trong nỗi nhớ anh, miệt mài bên trang giáo án cho những bài giảng tiếp theo, em sẽ chắp cánh cho những vần thơ này gửi đến bên anh một tình yêu son sắc và thủy chung :
 
Phép cộng nào diệu kỳ như phép cộng của tình yêu
Khi một cộng một bằng vô cùng mãi mãi

Phép trừ nào lạ kỳ, khi hai trừ một, mất đi những gì còn lại
Chỉ là trống rỗng vô cùng

Phép nhân nào đo đếm hết nhớ nhung
Tăng từng giây mình không gặp gỡ

Phép chia nào chia sang anh nỗi nhớ
Em lại nhận về nồng ấm những thương yêu.

Con gái sư phạm Toán chỉ biết viết như vậy, khô khan lắm phải không anh? Anh cũng biết em chẳng bao giờ mơ mộng từ những ngày mình còn yêu nhau.

Đêm đã về khuya rồi, anh vặn nhỏ volum đi, để nghe thấy tiếng em hát thì thầm - chỉ riêng mình anh thôi " ...bàn tay em xây ngôi trường, bàn tay em gieo lúa vàng. gửi tình lên biên giới có khoản trời thành phố mênh mong và trong xanh với bao người bạn thân tâm tình. Như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn người về nhụy hoa ngát hương, anh ơi em lại đón anh về. "
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #146 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2009, 11:43:46 am »

Chào Hoasimbiengioi,

   Tôi không phải nhà văn, nhưng cũng mạo muội góp đôi lời cho bài viết của bạn.

   Bài bạn viết chưa đủ để làm một truyện ngắn:
   - Truyện ngắn phải có cốt chuyện, cô đọng và đủ cả các phần mở ý, thân chuyện và kết luận. Thông qua chuyện để kể về một chuyện xảy ra, mang chủ đề nào đó. Ngay cả chuyện kể cũng phải mở ý để dẫn người đọc theo dõi một nội dung gì đó, khiến người đọc bị tò mò, cuốn hút và muốn đọc hết để biết kết cục câu chuyện thế nào. (Đọc xong mà người đọc ngồi lặng đi một chút, bồi hồi... là kể như cũng đạt đôi ba phần)
   - Bài của bạn mới chỉ tựa như một bức thư, một tâm sự kể lại về người chồng là anh lính biên phòng thông qua nỗi nhớ nhung của người vợ. Cái đó chưa đủ cốt chuyện. Người đọc chỉ thấy trong bài một người lính tốt, ham việc, thương vợ và sự nhớ mong chồng (chưa đủ khắc khoải) của người vợ trẻ cùng đứa con nhỏ.  Câu chuyện hơi bình thường, chưa nêu bật được điều gì (công trạng, sự hy sinh vì đồng đội, vì Tổ quóc...) ở người lính biên phòng khiến người đọc xúc động mà cảm thông và chia sẻ cho nỗi lòng người vợ nhớ chồng.
   - Về bố cục, nếu là truyện ngắn, nên ngắt đoạn rõ ràng khi chuyển ý để người đọc dễ chuyển trạng thái tình cảm khi chuyển cảnh, theo dõi chuyện được mạch lạc.
   - Về chi tiết, câu chuyện tình của Trương Chi (Tr chứ không phải Ch) thổi sáo và nàng Mỵ Nương là chuyện tình buồn, không thành công, không thể ví với trường hợp người vợ xa chồng...

   Đôi lời vậy, nếu nghe không lọt, xin bỏ qua cho TS nhé.
Logged
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #147 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 02:51:41 pm »

 hoasimbiengioi: Bài của bạn giống giống như những câu chuyện trong mục " Hậu phương quân đội " trên báo QĐND. Mong bạn luôn là một hậu phương vững chắc.
Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #148 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 09:49:14 am »

   Câu chuyện này đã từng được tác giả đưa lên mạng.
   Đáng lẽ gửi lại vào tháng 3 thì hợp hơn, nhưng có lẽ không hề gì vì đoạn kết câu câu chuyện kéo dài sang cả tháng 4.

    Xin gửi các bạn xem từ phần một...

Con gà vàng của Tham tán Ma-ca-rop


           Tháng 8 năm 1967. Tại Đại sứ quán Liên-xô ở phố Trần Phú, Hà Nội xảy ra một vụ trộm vô cùng kỳ lạ.

   Một buổi sáng, khi đến phòng làm việc của mình tại tầng 3 của toà nhà chính trong Sứ quán, sau khi mở toang hai cánh cửa sổ, Tham tán Thương mại Ma-ca-rop bỗng nhận thấy con gà bằng vàng vẫn để trên bàn làm việc của mình đã không còn nữa. Ông định thần lại một lúc rồi thận trọng kiểm tra lại sàn nhà và bên thành bàn làm việc. Vẫn không thấy con gà vàng. Lúc này ông mới lên tiếng gọi người thư ký, và nhẹ nhàng hỏi về con gà vàng. Viên thư ký Mi-sen-ko ngây người ra một lúc, rồi nghiêng ngó quanh bàn. Ông này cũng hy vọng là con gà vàng bị rơi xuống đâu đó trên sàn nhà. Nhưng rồi kết quả cũng không có gì. Khi đã xác định chắc chắn sự việc, viên thư ký liền báo gọi bộ phận an ninh của Sứ quán. Hiện trường được giữ nguyên.

   Một cuộc truy tìm trong phạm vi hẹp được tiến hành. Trong khu nhà làm việc 3 tầng chính này của Sứ quán, chỉ có các cán bộ người Liên-xô. Mặc dù trong phạm vi cơ quan của Sứ quán còn có  nhiều người Việt Nam, nhưng họ thuộc bộ phận phục vụ, và chỉ làm các việc như lái xe, dọn dẹp vệ sinh ngoài sân, chăm sóc vài luống hoa, cây cỏ  trong khuôn viên của Sứ quán. Hết giờ làm việc, không có người Việt Nam nào được phép ở lại. Ngay cả các cán bộ người Liên-xô của Sứ quán cũng về nhà riêng sau khi hết giờ làm. Trong Sứ quán, ban đêm chỉ có một bộ phận nhỏ bảo vệ là người Liên-xô. Bên ngoài cổng ra vào của Sứ quán có các trạm gác của cảnh vệ Việt Nam. Về nguyên tắc thì họ chỉ canh gác vòng ngoài và cũng không được phép đi vào bên trong Sứ quán.

   Kết quả ban đầu của cuộc điều tra không thu được thông tin gì. Bộ phận an ninh của Sứ quán xác định, sau giờ làm việc hôm qua, không có ai ở lại ban đêm. Trong đêm cũng không phát hiện được điều gì lạ. Tại hiện trường, mọi quan sát tìm tòi dấu vết và tìm dấu vân tay đều không có kết quả. Các dấu vết khoá cửa vẫn nguyên vẹn. Tìm các dấu vết trèo tường qua cửa sổ cũng không có. Ngoài con gà vàng bị mất, mọi thứ trong phòng đều còn nguyên và không có gì xáo trộn.

   Các cán bộ, nhân viên của Sứ quán, thậm chí cũng không ai xác định rõ mình nhìn thấy con gà vàng lần cuối cùng vào lúc nào. Tất cả mọi người đều biết ông Tham tán có con gà bằng vàng ròng vẫn bày trang trí trên bàn làm việc, nhưng vì đã quá quen thuộc nên cũng không ai chú ý nhiều. Chỉ có bản thân Tham tán là người khẳng định chiều qua trước khi ra về, ông vẫn còn nhìn thấy con gà vàng, và chính tay ông là người khoá cửa.

   Một mất thì mười ngờ. Một cuộc thẩm vấn nhẹ nhàng và cố gắng tiến hành hết sức tế nhị diễn ra trong nội bộ cán bộ Sứ quán. Kết quả vẫn không có gì, ngoài việc tạo nên một bầu không khí trầm lắng trong Sứ quán.

   Sang đến ngày thứ hai, an ninh Sứ quán mới thông báo cho các bộ phận có trách nhiệm trong Tổng cục An ninh và Bộ Ngoại giao của Việt Nam. Lại tiến hành điều tra, thẩm vấn, nhưng lần này là đối với các nhân viên người Việt Nam được bố trí làm việc trong Sứ quán Liên-xô. Tất cả đều không biết gì. Thậm chí, mọi người còn khẳng định là mình chưa bao giờ được nhìn thấy hình thù cái con gà vàng ấy nó như thế nào.

   Bộ phận cảnh vệ gác ngoài cổng được đặt ngoài diện nghi vấn. Các ca gác của đêm hôm đó còn trình đầy đủ nhật ký gác, xác định không phát hiện có gì khả nghi. Thời gian này, đế quốc Mỹ đang leo thang chiến tranh, đưa không quân ra đánh phá miền Bắc. Hà Nội cũng đã bị đánh bom nhiều lần. Người dân Hà Nội đã đi sơ tán hết, chỉ còn những người có trách nhiệm ở lại sản xuất và chiến đấu. Ban đêm, đường phố Hà Nội vắng ngắt. Chỉ có một số con đường là có cánh tự vệ - công nhân đi về lúc ca ba. Vì thế nên cũng loại trừ được khả năng đông người trà trộn để qua mắt cảnh vệ lúc đêm.

   Cả phía Liên-xô và Việt Nam đều cố gắng, hợp tác cùng nhau, song vẫn không tìm ra manh mối gì. Vài ngày, rồi một tuần, thậm chí hai tuần trôi qua. Các bên đều sốt ruột. Vụ việc này có phần khó xử, liên quan đến tính chất ngoại giao, nên làm các quan chức liên quan của cả hai bên, dù lớn hay bé đều hết sức đau đầu. Phía Liên-xô còn cử một ông chuyên gia của KGB có tên là Cu-do-nhet-xop sang hỗ trợ.

   Ông này làm việc rất bài bản. Việc trước tiên của ông là  tìm hiểu, đánh giá khả năng, trình độ của các cán bộ an ninh Việt Nam để tìm cách phối hợp. Các sĩ quan KGB đang công tác tại Việt Nam tìm và cung cấp cho ông đủ loại tài liệu về công an Việt Nam. Nghe đâu còn lẫn vào trong đó cả cuốn tiểu thuyết "Trinh thám An Nam" của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết từ trước năm 1945 về vụ án "cái lò gạch", khiến ông phải kêu trời và nghi ngờ khả năng nghiệp vụ của các đồng nghiệp Việt Nam. Cũng còn may lúc này, các tác phẩm của đồng chí Azit Nexin người Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa phổ biến và chưa được dịch ra tiếng ta, chứ nếu không, ông Cu-do-nhet-xop còn rối bời hơn nữa.
...
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Tư, 2009, 09:54:50 am gửi bởi Trinhsat » Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #149 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2009, 05:07:25 pm »

       ... Nhóm chuyên gia KGB của bạn có tiến triển thêm được một chút. Họ phát hiện ra rằng vào cái đêm bị mất con gà vàng, cửa sổ phía bàn làm việc của vị Tham tán chỉ đóng có cửa chớp, còn cửa kính để mở. Như vậy rất có khả năng kẻ gian vào qua đường cửa sổ. Nhưng kiểm tra bên ngoài tường suốt từ dưới đất lên vẫn không phát hiện ra vết trèo tường, hay vệt chân trên bậu cửa sổ. Cạnh cửa sổ cũng không có ống thoát nước hay dây thu lôi để mà trèo. Cửa chớp cũng không bị phá. Chả lẽ kẻ gian bay vào? Phía ngoài sân có một cây sà cừ to, nhưng cách nhà rất xa. Chỉ có cành của nó  vươn vào phía nhà, nhưng lại cao vút lên tận nóc nhà. Xem xét thân cây từ gốc lên không có vệt xước của sự leo trèo. Không hiểu kẻ gian vào, ra Sứ quán lúc nào, bằng cách nào mà không ai phát hiện được.

   Sự nghi ngờ quay sang nội bộ. Xuất phát từ suy đoán kẻ gian phải là người biết rõ trên bàn vị Tham tán có con gà vàng, các cán bộ KGB cho rằng kẻ gian rất có thể là người Liên-xô trong cơ quan Sứ quán. Do tìm mãi mà chưa ra dấu vết gì, ngay cả ngài Tham tán Ma-ca-rop đáng kính cũng được các nhân viên KGB đặt cho một dấu hỏi to tướng.  Nhưng nếu như vậy, thì không phải là mục đích kinh tế, mà là vì mục đích chính trị. Có thể từ chuyện con gà vàng, kẻ địch muốn làm xấu đi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên xô. Thế thì tầm cỡ của kẻ địch trong vụ này phải là một tên gián điệp được đào tạo rất cơ bản…Thật là rối bời. Nhất định vụ này phải tìm ra để giải quyết vấn đề danh dự và quan hệ ngoại giao hai nước. Nhưng tìm như thế nào, thì tất cả đều tịt.

   May sao, các "trinh thám An nam" nhà ta lại tìm ra đúng hướng. Tây có cách nghĩ của Tây, mà ta thì có cách nghĩ của ta. Vốn mang trong đầu tư tưởng sùng bái người Tây thời đó, quân ta thiên về hướng kẻ gian là người Việt Nam ta. Động cơ của vụ trộm này có khi lại rất đơn giản cũng nên. Người dân ta vốn đâu có ham mê cái chuyện chính trị. Chắc là "đói ăn vụng, túng làm liều" thôi. Phải công nhận cái thằng trộm này quá giỏi. Nhưng giỏi mấy thì cũng phải cần ăn. Lúc đói, nó sẽ phải đi bán con gà vàng đó để lấy tiền. Thế là công an ta, chìm có, nổi có, dù là dân an ninh hay công an giao thông đều được huy động đi rình mò, theo dõi xem có ai bán gà vàng.

   Trong giai đoạn này, việc buôn bán vàng ở Việt Nam bị coi là cấm. Cả Hà Nội chỉ có mấy cái tổ hợp tác mỹ nghệ vàng bạc, chế tác đồ trang sức nằm ở phố Hàng Bạc. Ngay cả hoạt động của các thợ thủ công đó cũng nằm trong sự quản lý của Nhà nước. Thế là cái phố Hàng Bạc bé tẹo ở khu Hoàn Kiếm, dài có vài trăm mét đó trở thành mục tiêu chính, mật độ công an chìm nổi đông hơn dân thường.

   Kể từ hôm ngài Tham tán Ma-ca-rop mất con gà vàng, ba tháng trời đã trôi qua. Mọi việc có vẻ im ắng và đi vào bế tắc. Cấp trên thì ăn không ngon, ngủ không yên, còn cánh trinh sát thì đã có phần uể oải.

   May sao, vào một buổi chiều, có một người đàn bà ăn vận như người mua bán đồng nát đi vào một tổ hợp tác chế tác vàng trên phố Hàng Bạc. Dáng vẻ ngập ngừng của bà ta lập tức được trinh sát công an để ý. Vì vậy, khi bà ta vừa mở chiếc khăn tay lấy ra một mẩu vàng để dạm bán, lập tức các "trinh thám An Nam" ập lại. Mẩu vàng đó có hình một chiếc chân gà con, tuy đã bị bóp bẹp.

   Tại cơ quan công an, bà ta dễ dàng khai ngay ra người bán. Theo đó,  các chiến sĩ công an tìm đến một căn nhà tập thể nằm cuối phố Cát Linh. Trong nhà chỉ có một cậu bé gầy gò, đen nhẻm chừng 12, 13 tuổi. Trên khuôn mặt gầy là đôi mắt sáng và có vẻ lanh lợi.

   Thấy nhiều người đến nhà, có cả bà bán đồng nát, cậu bé hiểu ngay ra sự việc. Tuy có hơi sợ, nhưng cậu ta không tìm cách bỏ trốn, cũng không chối quanh co. Cậu chui vào gầm giường và lôi ra một gói giấy, giao nộp. Trong đó là một con gà bằng vàng to bằng nắm tay trẻ con, bị mất một chân.

...
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tư, 2009, 05:46:06 pm gửi bởi Trinhsat » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM