Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:46:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137404 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« vào lúc: 26 Tháng Tám, 2008, 08:51:06 pm »

Ấm   chè   “thái giám"   
     

Tháng tư, đã chớm bước vào hè. Trời nắng không gắt, lại có gió man mác nên lòng người cũng thư thái,  dễ hoà vào với thiên nhiên. Chiều nay có buổi thực tập nghề, được về sớm nên có nhiều thời gian. Mặc kệ cho lũ bạn cùng lớp ào ào lấy xe  kéo đến nhà nhau, tôi tách ra rồi lững thững đạp xe chầm chậm men theo hè về nhà.
      Qua đường Đại Cồ Việt, tôi chợt nghe một tiếng gọi giật tên tôi rất to:
      - Tiến!
      Rồi một người mặc áo lính từ sát phía trong hè bước nhanh ra với tay gần như nắm vào ghi đông xe đạp của tôi, vừa lúc tôi dừng lại.
      Tôi nhìn và nhận ngay ra hắn:
      - A! Hà! Thằng Hà “thái giám”.
      Hà cười. Chúng tôi gần như ôm lấy nhau. Cả hai tíu tít hỏi chuyện nhau.
      - Về nhà tớ đã, rồi chúng mình hàn huyên. Dễ đến ba năm rồi còn gì. - Hà bảo.
      Thế là tôi theo Hà về nhà nó ở xóm Vân Hồ. Dọc đường nó nói đủ thứ chuyện linh tinh, nhưng tôi chẳng nghe được gì. Tôi  đang nhớ lại ba năm  về trước.

      Dạo đó Hà và tôi cùng trang lứa, cùng là lính C6-Sư 320A. Vào chiến dịch Tây nguyên xuân 1975 thì tôi là trung trưởng, còn Hà là tiểu đội trưởng  trong cùng trung đội với tôi. Trong khi các Sư bạn chuẩn bị đánh Buôn Mê Thuột, thì Sư  chúng tôi nhận nhiệm vụ cắt đường 14 đánh tiêu hao sinh lực địch, và đánh quân cứu viện.
      Ngày 5 tháng 3, trung đoàn chúng tôi triển khai phục kích trên đường 14 ở khu vực Cẩm ga, cách Buôn Mê Thuột ngót 100km về phía bắc. Đại đội tôi nằm ở phía nam đội hình mai phục. Đến chiều 7/3 thì có tin trung đoàn 45 nguỵ thuộc Sư 23 đang hành quân từ Pleiku về tăng viện cho Buôn Mê Thuột. Chúng tôi được lệnh chặn đánh, đại đội tôi đánh chặn đầu. Khoảng 5 giờ chiều, chiếc GMC đầu tiên của địch đã đi lọt qua hết chiều dài 1km của đội hình phục kích. Cả hai khẩu DKZ của trung đoàn cùng đồng loạt nổ súng, bắn cháy ngay chiếc xe đi đầu. Đội hình hành quân của địch chững ngay lại. Lập tức các loại hoả lực trên toàn tuyến cùng nã xối xả vào đội hình địch, bắn cháy thêm một số xe khác. Vì khu vực phục kích là sườn dốc, có một phần cây lúp súp và đồi tranh, nên cánh bộ binh phải đào hầm phục kích cách xa mép đường tới hai ba trăm mét để giữ bí mật. Trong lúc hoả lực mạnh của trung đoàn bắn phá đội hình địch thì bộ binh chúng tôi vận động ra mép đường, tiếp cận để tiêu diệt địch bằng hoả lực và xung lực của bản thân. Nhưng trong lúc đó thì bọn địch còn sống đã kịp nhảy khỏi xe và triển khai hoả lực chống trả mãnh liệt. Chúng nã cối 81, DKZ và rốc két M72 ầm ầm về phía ta, mặc dù đang ở thế thấp bất lợi. Cả trận địa ầm vang tiếng súng, khói lửa mù mịt. Trong lúc xung phong, tiểu đội của Hà vẫn chạy chếch sau  bên trái tôi. Lúc gần tới  mép đường thì một qủa đạn cối rơi trúng tiểu đội Hà. Tôi ngã sấp xuống trong hơi tạt của quả đạn nổ, song vẫn kịp ngoái lại. Doanh, chiến sĩ giữ M79 trong tiểu đội Hà đã hy sinh ngay, còn Hà đang giãy dụa, mồm há ngáp ra vì đau. Tôi nhoài lại sờ thấy Hà bị thương ngay nơi  hạ bộ, máu ra ướt đẫm quần. Tôi xé chiếc băng cá nhân buộc chặt lại cho Hà như kiểu đóng khố, rồi dẫn trung đội đánh tiếp xuống đường. Cùng với các trung đội bạn, chúng tôi yểm hộ cho nhau và quần nhau với bọn tàn quân địch, dồn chúng xuống khe cạn bên kia đường để tiêu diệt. Chúng tôi hầu như không bắt tù binh. Tới khi chúng tôi làm chủ trận địa thì trời đã tối mịt. Một tiểu đoàn của trung đoàn 45 nguỵ bị tiêu diệt . Hai tiểu đoàn còn lại rút ngược trở lại Pleiku. Bọn địch ở xa căn cứ, lại không nắm vững tình hình nên không đám gọi pháo bắn trả. Chúng tôi rút quân trở về đến khu tập kết thì đã nửa đêm.
      Ngay đêm đó, chúng tôi chôn cất xong tử sĩ, còn số thương binh thì đã được đơn vị dự bị chuyển về phẫu phía sau.
      Các ngày tiếp sau, cùng với Buôn Mê Thuột được giải phóng, chúng tôi đánh tiếp các cứ điểm Kênh Săn và Tam giác trên đường 14.
      Rồi chúng tôi đi suốt chiến dịch Tây nguyên, tham gia tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng 30/4 chúng tôi đánh trận cuối cùng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Miền Nam giải phóng, trung đoàn chúng tôi được đóng quân 4 tháng trời ở căn cứ cũ Đồng Dù của địch, trước khi phải trở lại địa bàn rừng núi Tây Nguyên quen thuộc.
Một chiều tháng 6/1975, Hà từ Quân y viện về thăm đơn vị cũ trước khi giải ngũ ra Bắc. Bây giờ cậu ta đã là thương binh. Trông cậu ta có vẻ béo tốt, khoẻ mạnh. Tứ chi lành lặn, nhưng mảnh cối tai ác đã chém phăng đi của Hà  nguyên cả cái bộ phận, mà phải có nó, người ta mới được gọi là đàn ông. Lính tráng chúng tôi chả kiêng dè gì, đè nó ra xem rồi ai đó đặt luôn cho nó cái tên Hà “thái giám”. Hà ở thăm đơn vị mấy ngày rồi ra Bắc.
      Hai năm sau, tôi cũng giải ngũ, về đi học. Thế rồi hôm nay gặp lại Hà, thấm thoắt đã ba năm.

      Gian nhà của Hà nằm trong xóm lao động. Đồ đạc đơn sơ như của đại đa số các gia đình khác. Tôi hơi ngạc nhiên khi đã mấy năm rồi mà nó vẫn còn giữ được nguyên trang phục lính, đủ cả dép cao su đúc và mũ cối.
      Tôi hỏi:
      - Thế mấy năm nay cậu làm gì?
      - Đi buôn.- Hà đáp và nhìn xoáy vào bộ mặt ngơ ngác của tôi.
      - Cậu đùa đấy à. Cậu thì biết quái gì mà đi buôn.
      - Thật chứ lại. Nhưng buôn nhỏ thôi. Chờ pha ấm chè rồi tớ kể chuyện này   cho mà nghe.
      Khi Hà đặt ấm chè lên bàn, tôi lại ngạc nhiên:
      - Cậu sang nhỉ. Moi đâu ra chè móc câu tuyệt vời thế này.
      Hà cười:
      - Có chuyện, nên  mới có chè mà uống. Chứ thật ra lâu nay cả thiên hạ chỉ có chè bồm và chè gói toàn cẵng thôi, đúng không? Nói chứ tớ cũng thèm chè búp như hồi bọn mình còn đang đánh nhau trong Bàu Cạn B3 lắm, nhưng bây giờ đó là của quý. Tớ cũng chỉ có đôi ba ấm thôi, hôm nay là đãi cả cậu và tớ đấy.
      Thế là vừa uống trà, Hà vừa kể cho tôi nghe chuyện về ấm chè này.
     
     Từ  ngày ra quân, Hà cũng làm đủ thứ việc để sống, phụ thêm vào số tiền trợ cấp thương binh bậc 2 ít ỏi hàng tháng. Một trong những việc đó là thỉnh thong nó ngược lên Thái Nguyên buôn về mỗi chuyến một hai cân chè  hoặc vaì cân măng.
      Cách đây ít ngày, Hà lên Thái Nguyên và khi về, nó mang trong chiếc ba lô 2kg chè móc câu. Hơi nhiều hơn mọi khi, và có lẽ đó là điều không may. Khi chiếc xe ca Ba Đình tậm tạch chạy về đến cầu Phủ Lỗ thì trời đã cuối chiều. Xe vừa qua cầu thì có ba người của phòng thuế xuất hiện bên đường. Hai nam và một nữ. Họ ra hiệu cho xe dừng lại, rồi một người nam trèo lên xe. Anh ta đưa mắt nhìn một lượt từ đầu đến cuối xe rồi lớn giọng:
      - Ai có hàng hoá buôn bán gì khai mau và đem ra cho cơ quan thuế kiểm tra.
      Chừng như đã quen với cảnh này nên từ bác tài xế đến mọi hành khách chẳng ai có phản ứng gì trước cái lối nói xóc óc đầy quyền uy của nhà chức trách. Bác tài còn đế thêm:
      - Thôi, bà con ai có hàng buôn gì thì báo luôn cho nhanh để xe còn kịp về Hà Nội sớm.
      Mọi người nhìn nhau, rồi có hai người đứng lên đi ra ngoài cửa xe. Tự giác cho nhanh chứ giá có giấu cũng chẳng ăn thua gì. Người thứ nhất là một  bà đi buôn măng chừng ngoài năm mươi tuổi. Hàng hoá đến gần chục cân măng. Lập tức đôi thúng và quang gánh của bà ta bị lôi xuống đất. Bà  ta vừa  nhăn nhó, trình bày, van xin với anh phòng thuế đứng dưới đất, vừa chậm rãi dềnh dàng mở cái túi vải đựng măng. Còn người có hàng hoá thứ hai là thằng Hà "thái giám". Nó vừa ôm khư khư cái ba lô dựng hai cân chè trước bụng, vừa cười mếu với anh phòng thuế thứ hai đứng ở cửa xe:
      - Dạ thưa anh, em là thương binh, chỉ có ít chè đem về xuôi biếu người nhà thôi ạ.
      - Biếu với biếc cái gì? Cả một ba lô chè to tướng thế này, không đi buôn thì là gì? Xuống xe ngay.- Người phòng thuế quát to rồi tóm được một bên quai ba lô của Hà kéo mạnh và nhảy xuỗng đất, rồi ra lệnh:
      - Mở ngay ra cho kiểm tra.
      Thằng Hà vẫn giữ chặt miệng ba lô, cố gắng nài nỉ:
      - Thưa anh, đúng là em đem làm quà thật mà.
      - Giở ra, không có xin xỏ gì cả. Đi buôn lậu định trốn thuế hả.
      Lời qua tiếng lại, hai bên giằng co một hồi. Cả  bác tài và hành khách có vẻ sốt ruột. Hà đành nói thật với người phòng thuế, mong cho xong chuyện:
      - Anh ơi, anh làmơn làm phúc tha cho  em. Em có buôn thật, nhưng chỉ có hai cân chè. Anh thông cảm cho em là thương binh, chưa tìm được việc làm gì.
      - À, mày lại còn định giả vờ là thương binh doạ tao à. Định chống lại nhà nước hả?- Người phòng thuế không những không nương tay cho Hà, mà còn lớn giọng, đoạn anh ta bất ngờ giật mạnh chiếc ba lô trên tay Hà.
      Chiếc ba lô bị văng mạnh xuống bãi cỏ, bật nắp, rách giấy báo làm chè văng ra tung toé. Nhìn những búp chè văng ra đất, Hà xót ruột, mắt hoa lên. Rồi bỗng nhiên mặt nó nóng bừng, không bình tĩnh được nữa. Nó đứng thẳng người lên nhìn vào mấy người phòng thuế, thét to:
      - Chúng mày mở to mắt mà nhìn đây này. Bố  mày đã từng đi chiến đấu. Bố mày đã hiến dâng cả bộ c... của bố mày cho Tổ quốc, mà bây giờ có hai cân chè cũng bị cướp à.
      Vừa hét, Hà vừa đưa tay cởi nhanh thắt lưng, tụt cả cái quần vứt xuống đất. Tình huống bất ngờ. Tất cả mọi người kể cả hành khách trên xe lẫn mấy người phòng thuế đều ngẩn người ra khi nhìn thâý người thanh niên mặc áo lính cóm róm lúc nãy, bây giờ đứng hiên ngang bên vệ đường nhưng tồng ngồng và ấn tượng hơn là ở ngay giữa chỗ kín của anh ta không có gì cả, ngoài một mảng đen nham nhở. Chưa ai kịp hiểu ra điều gì thì Hà đã cúi xuống rút ngay chiếc đòn gánh của bà buôn măng huơ lên trời theo hình vòng cung rồi nện một đòn trúng lưng một người phòng thuế. Đoạn nó giật lại rồi trở đầu đòn gánh kia lia một nhát vào ngay cẳng chân người phòng thuế thứ hai đúng lúc anh này co cẳng chực chạy. Còn người đàn bà phòng thuế thì tuy không bị phang gậy nào, song cũng ngã dúi ngã dụi xuống bãi cỏ vì quá luống cuống và sợ hãi.
      Cảnh tượng diễn ra thật bi hài.
       Sau mấy đường gậy tung hoành  như Lục Vân Tiên đánh cướp, bây giờ Hà đứng đó trên bãi cỏ, hiên ngang trong ánh nắng chiều xiên xiên. Còn hai người phòng thuế thì đang lạy như tế sao, van vỉ anh anh em em xin Hà nương tay. Người thương binh đang tồng ngồng trước mặt họ không chút ngượng ngập và chẳng còn gì để mất, chắc dám đổi mạng lắm.
    Hà vẫn còn tức, nó gào to trong hơi thở hổn hển như phân giải:
      - Bố mày không công thần, đã chẳng thèm đi trộm cướp, chỉ mong kiếm sống tử tế qua ngày, nay có hai cân chè, đã phải van nài chúng mày mà chúng mày còn không tha thì bố mày quyết tử cho chúng mày biết.
      - Dạ chúng em xin anh, anh tha cho tụi em. - Hai người phòng thuế vẫn rối rít lạy xin.
      Lúc này mọi người trên xe mới ùa cả xuống. Một số người đến khuyên giải Hà và giúp nó mặc lại chiếc quần. Còn số đông thì xúm lại nhặt số búp chè rơi trên đất cỏ giúp Hà. Bà con còn cẩn thận gói số chè bị dính chút đất để riêng. Bác tài cũng vui vẻ chờ bà con thu xếp và đưa Hà lên xe. Ba người phòng thuế nhân lúc mọi người xúm lại giúp Hà cũng nhanh chân rút gọn. Bà buôn măng cũng được hưởng lây, không mất đồng thuế nào, bày tỏ lòng cám ơn Hà rối rít. Chiếc xe ca lại chuyển bánh, kịp về Hà nội trước lúc trời tối.
      - Đấy là nguồn gốc ấm chè mời cậu đấy. Tớ đã đãi sạch lại số chè dính đất, được mấy ấm để uống. - Hà kết thúc câu chuyện.
      Tôi xoay chén trà nóng trên tay, ngắm nhìn làn hơi nóng đang lung linh trên mặt nước chè. Nhấp ngụm chè vào miệng, tôi thấy bên trong hương chè thơm chát  như có lẫn chút vị hăng của cỏ, và có một vị gì đấy như là mồ hôi,  không phải của đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà. Tôi nghĩ đó là vị chè “thái giám”.

      Nhiều năm trôi qua, tôi không gặp lại Hà. Sau lần được Hà mời về nhà uống chè ít lâu, cậu ta chuyển vào Nam, lại trở lên Tây nguyên thì phải. Trong một lần đi công tác Thái Nguyên, tôi dừng chân bên cầu Phủ lỗ. Cạnh bãi cỏ năm xưa nơi xảy ra trận xung đột của người thương binh “thái giám” để giữ gìn miếng cơm manh áo, người ta đã xây một trạm xăng, nhưng bãi cỏ thì vẫn còn. Tôi đứng nhìn  mà tưởng như bên dưới gốc những cây cỏ kia đâu đó vẫn còn vương vãi những búp chè. Chúng vẫn còn mang đủ vị của chè, của cỏ và cả hơi ấm của một người từng là đàn ông, đã hiến dâng phần quan trọng nhất trong cơ thể mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


Hà Nội, tháng 4 năm 2002
Vũ Công Chiến



« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2008, 05:59:51 pm gửi bởi dongadoan » Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #1 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2008, 09:00:44 am »

Thương nhớ miền Trung

      “Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em? Nắng mưa đêm ngày cách trở đường xa núi đồi, người ơi ...”. Lời một bài hát xa xưa của một nữ ca sĩ Sài gòn, đôi lúc cứ  vang lên trong tôi, trầm lắng trong một nơi sâu thẳm nào đó của cõi lòng.
     
Tôi đi công tác lâu ngày mới trở lại cơ quan. Có thêm vài nhân viên mới vào công tác. Lúc đi lên cầu thang, một cô gái chạy vụt qua ngược chiều, chợt dừng lại và nghiêng đầu chào tôi. Tôi chợt ngỡ ngàng khi nhìn thấy một đôi mắt mở to trên gương mặt tròn, và nhất là một giọng nói miền Trung nhè nhẹ thoảng qua. Đứng lặng người nhìn theo đôi bím tóc dày líc lắc trên đôi vai tròn theo nhịp chạy của cô gái, thì tự nhiên cái lời bài hát trên bỗng lại vang lên da diết, đưa tôi trôi về một miền quê vùng núi rừng Hà Tĩnh, và câu chuyện năm xưa lại hiện ra như mới hôm nào ...
     
*
    *  *
     

Ngày ấy, vừa học xong phổ thông thì tôi vào bộ đội, như bao bạn bè cùng lứa. Tôi được phiên chế vào một đơn vị bộ đội chủ lực miền Trung. Thế là bắt đầu cuộc đời cầm súng. Nhiều năm, đơn vị chúng tôi cứ qua lại giữa miền Trung và đất bạn Lào, giúp bộ đội Pathet đánh bọn Vàng-pao và quân phái hữu, nên từ một lúc nào đó, chúng tôi trở thành bộ đội tình nguyện Việt - Lào. Tiểu đội trưởng của tôi người Nam Định. Anh có cái tên nghe cứ như đang xung trận: Dương Phi Phóng. Anh Phóng nhập ngũ trước tôi 3 năm, nhưng hơn tôi những sáu tuổi. Trong tiểu đội, mọi người đều coi anh như người anh cả. Anh to khoẻ, vui tính và cực kỳ dũng cảm. Dù đã là tiểu đội trưởng, nhưng anh luôn có một câu nói vui cửa miệng khi tự giới thiệu: “Hạ sĩ Dương Phi Phóng, tổ trưởng tổ tam tam, thế thủ cây trung liên, đi khắp đất Nam Lào”. Trong chiến đấu cũng như công tác, anh tận tình chỉ bảo và giúp đỡ chúng tôi ân cần. Nhưng khi chúng tôi có lỗi, anh cũng hay mắng thẳng thừng, bảo chúng tôi là “cứ ngơ ngơ như bò cái Nam định”. Nghe nhiều đâm quen, nhưng lúc thảnh thơi vui vẻ, chúng tôi bảo anh:
     
-Người ta nói là “ngơ ngơ như bò đội nón” chứ cái con bò quê anh, nhất lại là bò cái thì có liên quan quái gì ở đây.
     
 Anh cười bảo, ngày trước anh chuyên đi chăn bò, thấy con bò cái ở quê anh nó như thế thì nói vậy, chứ có biết rõ được con bò nơi khác nó ra sao đâu.
     
Mùa mưa vốn không phải là mùa chiến dịch, không ủng hộ lính chiến trường. Nhưng nhiều khi do tình hình chiến cuộc, chúng tôi vẫn phải đánh nhau vào mùa mưa. Năm đó, trung đoàn chúng tôi đánh căn cứ Đồng-Hến ở vùng Nam Trung Lào. Do trinh sát nắm địch không tốt, vây ép đến 5 ngày mà không chiếm được cứ điểm, lại thêm bọn phỉ Vàng-Pao đánh chặn vùng cứ sau lưng, trung đoàn bị tổn thất, nên chúng tôi được lệnh rút thẳng về Việt Nam, vượt qua biên giới với hơn năm chục cây số đường rừng. Cũng vì rút theo từng đơn vị nhỏ, nên ngót một tuần chúng tôi mới tập kết được về một vùng đồi thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
     
Nơi này không đông dân, lại sát vùng rừng nên không bị tàn phá nhiều trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đơn vị chúng tôi được dừng chân nơi đây để củng cố, luyện tập và bổ xung thêm quân để rồi lại tiếp tục vào chiến trường. Thế là chúng tôi  tạm thời được quên đi sự ác liệt, hy sinh, để được sống trong lòng hậu phương, chăm lo luyện tập. Tiểu đội tôi  trú quân trong vườn đồi của một nhà dân. Nhà neo người, chỉ có bà mẹ và hai người con. Cô con gái đã lớn chừng 17, 18 tuổi, gọi là o Huệ, còn cậu em mới độ 8 tuổi tên là Hiếu. O Huệ tham gia dân quân, nên vắng nhà luôn. Đám lính chúng tôi cũng lo học tập, huấn luyện, nên thường chỉ lúc sẩm tối mới loáng thoáng nhìn thấy o Huệ. Là con nhà lao động, lại vào tuổi thiếu nữ, nên trông o rắn rỏi lắm. Tuy đóng quân gần nhà dân, nhưng do có chính sách dân vận rất nghiêm khắc, nên hầu như chúng tôi cũng chẳng được đi đến đâu. Chúng tôi là lính bộ binh, còn các o dân quân luyện tập bắn máy bay, nên giữa hai bên cũng ít có dịp tiếp xúc gặp gỡ chuyện trò.
     
Trong những lúc giải lao ngoài thao trường, hay lúc rảnh rỗi giữa giờ sinh hoạt, tiểu đội trưởng Phóng lại là trung tâm tình cảm của tiểu đội. Anh biết nhiều chuyện, lại hiểu biết rộng, nên hầu như lúc nào rỗi, chúng tôi lại muốn quấn lấy anh. Anh cũng hay nói chuyện triết lý cuộc sống rút ra từ bản thân, nhiều khi làm bọn lính “mầm non” như tôi cứ há hốc mồm, ớ người ra mà nghe. Chủ đề tình yêu hay được anh nói đến. Anh bảo khi nào biết yêu, thì dấu hiệu của nó là “mỗi khi nhắc đến người mình yêu, thì ngay lập tức trái tim sẽ đập tăng lên được một nhịp”. Tôi chưa yêu bao giờ, không có điều kiện để kiểm nghiệm, nên tin sái cổ điều anh nói. Mấy thằng khác trong tiểu đội cũng không hơn gì tôi, nên im như thóc. Dần dần, chúng tôi biết anh Phóng có để mắt đến o Huệ, nhưng anh sẽ chinh phục o như thế nào thì chịu. Vả lại chúng tôi luôn tuân phục anh, quý mến anh, nên sẽ ủng hộ anh. Chả đứa nào dám có ý nghĩ sẽ theo dõi chuyện riêng của anh. Chúng tôi chỉ biết rằng lúc chiều hoàng hôn, trước hoặc sau bữa cơm chiều, anh hay hướng ánh mắt về phía nhà o Huệ, dù miệng anh vẫn đang nói một chuyện gì đó với chúng tôi. Nhất là những hôm mưa được phép tập ngắm bia ruồi trong lán, anh hay bố trí hướng ngắm bia chếch chéo về phía nhà o Huệ, và thời gian tập buổi chiều thường bị kéo quá giờ. Những hôm như thế, cu Hiếu được phép vào lán chúng tôi chơi lúc giải lao. Cả tiểu đội đều quý cu Hiếu, nhưng hơn cả  vẫn là anh Phóng. Anh hay ôm nó vào lòng, tỉ tê đủ chuyện. Đôi khi cu Hiếu còn được anh cho thanh lương khô dành từ suất ăn dã ngoại, hay vài viên Polivitamin anh xin được trên trạm xá Trung đoàn. Anh hỏi nó nhiều chuyện về o Huệ. Cu Hiếu còn bé cứ sao nói vậy nên đôi lúc cũng tức cười. Thế rồi có một lần dại dột anh xui nó:
     
- Hôm nào chị cháu đi tập về thay quần áo, cháu đo thử xem cái của chị cháu dài bao nhiêu?
     
- Đo thế nào được hả chú? Chị cháu không cho đâu.- Cu Hiếu đáp.
     
- Thì cháu phải đo trộm chứ! Nấp kín trong buồng ấy.-Anh Phóng gà nó.
     
- Nhưng đo bằng gì hả chú?- cu Hiếu lại hỏi.
     
- Thì đo bằng một mẩu dây, hay cọng rơm chẳng hạn.
     
Cu Hiếu ngồi im không nói gì. Rồi nó ra về.
     
Cả tiểu đội được một phen cười nghiêng ngả. Sau đó chúng tôi nghĩ đó chỉ là chuyện đùa cu Hiếu, nên ai đấy đều quên bẵng đi.

(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2008, 07:55:20 pm gửi bởi hoacuc » Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #2 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2008, 05:46:21 pm »

      Ngày ngày trôi qua, thời tiết đẹp, và chúng tôi đều đặn ra thao trường. Chúng tôi ít có dịp tập ban ngày trong lán để ngó nghiêng phía nhà o Huệ, và vẫn chỉ được nhìn thấy o vào lúc hoàng hôn mà thôi. Tôi cũng chưa hiểu là anh Phóng đã gặp nói chuyện được với o Huệ lần nào hay chưa.
      Rồi đến một ngày chúng tôi học chính trị, buổi chiều được thảo luận ở nhà.   Chiều đó cu Hiếu đi bắt chuồn chuồn lượn ngang qua lán chúng tôi mấy lần, nhưng không ghé vào. Sau này nhớ lại, chứ lúc ấy chúng tôi cũng không để ý lắm. Té ra cu cậu vẫn nhớ câu chuyện dạo trước. Cậu ta chờ dịp chúng tôi có nhà để thể hiện, và điều trớ trêu là hôm đó o Huệ lại về sớm hơn mọi ngày.
Khi buổi thảo luận học chính trị ở tổ sắp kết thúc, chúng tôi bỗng nghe thấy tiếng kêu rất to từ nhà o Huệ:
      - Đo được rồi, chú Phóng ơi! Cháu đo được rồi.
       Và liền sau đó nhìn thấy cu Hiếu mặc độc chiếc quần đùi, chân đất từ trong nhà lao ra, thẳng về lán chúng tôi, tay huơ huơ một cọng rơm.
       Cũng từ phía nhà o Huệ bật lên tiếng khóc nghẹn ngào, tức tưởi, rồi thấy bóng o Huệ chân đất chạy ra khỏi nhà lao về trong xóm. Tôi còn kịp nhận thấy bóng đôi vai tròn của o Huệ trong chiếc áo nâu non, và bóng đôi bàn chân trắng của o loang loáng trên nền đất.
      Cả tiểu đội tôi ngây người, không ai kịp phản ứng gì. Cả anh Phóng nữa, anh cũng chẳng còn tâm trí đâu mà nhìn vào cái mẩu rơm còn giữ nguyên ngấn tay mà cu Hiếu đang cầm khi nó lao vào lòng anh, định khoe chiến công.
      Rồi anh Phóng đi vào xóm, không quên dặn chúng tôi trông nom thằng Hiếu. Chúng tôi không ai dám nói gì, chỉ nhìn cu Hiếu, không giận mà chỉ thương nó, trách mình. Tất cả mọi sự dại dột là của đám lính, tuy người lớn, nhưng vẫn thật là trẻ con.
      Tối hôm ấy,  cả  đơn vị biết chuyện, thông qua cuộc họp giao ban. Chính trị viên đại đội  đã trực tiếp đưa anh Phóng đến nhà o Huệ để xin lỗi o và gia đình, kết hợp đưa cu Hiếu về cùng để tránh cho nó một trận đòn. Lúc chiều chúng tôi đã phải giữ cu Hiếu lại cùng ăn cơm chiều.
      Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Trong một buổi họp chi bộ tiếp sau, anh Phóng đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Cả tiểu đội sững sờ.
      Rồi cũng vì mới 25 tuổi đời, vẫn còn tuổi đoàn viên, nên một lần nữa, trong buổi họp chi đoàn, anh Phóng lại suýt bị khai trừ tiếp ra khỏi Đoàn. Tiểu đội tôi đã phát biểu gần như khóc để xin cho anh. Tội của anh nếu cứ phân tích mãi về chính sách dân vận, chính sách hậu phương, tình quân dân, rồi đạo đức cách mạng của anh bộ đội cụ Hồ ... thì có nói mãi cả tháng cũng chưa hết. Nhưng tiểu đội tôi, đám lính “mầm non” chúng tôi cần có anh để dẫn dắt. Hãy giao nhiệm vụ nào nguy hiểm nhất cho chúng tôi, cho chúng tôi được hy sinh để chuộc tội này cho anh, và cho cả chúng tôi.
     Chuyện trong đơn vị rồi cũng được thông báo cho chi đoàn địa phương. Và nhờ có tiếng nói mang đậm sự chân tình và độ lượng của chi đoàn dân quân, cả tiểu đội tôi mới  giữ được tất cả đều  còn là đoàn viên.
      Anh Phóng trầm ngâm mất mấy ngày. Anh bảo không bận tâm nhiều lắm về chuyện kỷ luật, được mất trong đời người lính là bình thường. Nhưng điều anh day dứt chính là mối quan hệ tình cảm với o Huệ. Anh cần phải gặp trực tiếp,  giãi bày để giữ gìn danh dự cho o, để o tha thứ và thông cảm cho anh.
      Một tối thứ bảy, anh Phóng sang nhà o Huệ. Gặp o, anh vò đầu bứt tai  giãi bày. Rằng anh  quý mến o, anh không hề có ý định gì xấu xa, bậy bạ. Chuyện  xảy ra thật đáng tiếc, như là có ma xui quỷ khiến thế nào đó, chứ thực ra anh không phải vậy v.v... và v.v... Nói tóm lại là anh rất trân trọng o, muốn o thứ lỗi. Còn o muốn trừng phạt anh thế nào cũng được. Anh sẽ làm mọi việc để chuộc lỗi với o. O Huệ còn giận lắm, chẳng nghe và cũng không thèm nói gì với anh Phóng.
      Sau đó, tiểu đội trưởng Phóng còn tiếp tục tìm gặp  o Huệ nhiều lần. Mỗi lần anh đi, là một lần chúng tôi nín thở chờ đợi. May mà o Huệ có lòng vị tha, và có lẽ cái sự chân thành, kiên nhẫn đến tội nghiệp ở anh đã làm o mủi lòng. Rồi dần dà o cũng tha thứ cho anh, và đã nói chuyện với anh.
      Hết mưa là nắng hửng. Tình hình được cải thiện dần, chỉ còn việc anh Phóng bị kỷ luật Đảng thì không thay đổi được.
    O Huệ trở thành gần gũi với chúng tôi. Cả cu Hiếu nữa, nhưng không bao giờ chúng tôi còn dám xui gì nó, hay nhắc lại chuyện cũ nữa. Riêng tôi coi anh Phóng như anh cả, nên tôi cũng coi o Huệ như người chị dâu của mình vậy.
        *
      *  *
      Cuối mùa khô năm 1971, quân nguỵ Sài gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 theo đường số 9 đánh sang Nam Lào, nhằm hướng Sepon. Các đơn vị chủ lực của ta có xe tăng phối hợp  đã cấp tốc hành quân, chặn đánh. Chiến trường sôi động. Trung đoàn chúng tôi cũng được lệnh hành quân gấp vào chiến trường. Chỉ có 2 ngày chuẩn bị, và xe ô-tô chở chúng tôi đổ thẳng vào Quảng Bình.
      Trong khung cảnh tấp nập khẩn trương ấy, dù phải giữ bí mật, song anh Phóng vẫn kịp chia tay o Huệ, kịp hẹn hò một điều gì đó.
      Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, chúng tôi làm thê đội 2 cho Sư đoàn 3 Sao vàng. Sau 2 tháng chiến dịch, quân ta đại thắng, bẻ gãy  cuộc hành quân của các đơn vị quân nguỵ Sài Gòn, tiêu diệt một lữ đoàn dù do đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy, bắt sống đại tá Thọ. Sư 3 rút về nước, còn Trung đoàn chúng tôi vượt qua tỉnh Khăm-muộn, Sà-vằn-nà-khẹt vào phối hợp với sư 2 Quảng Đà đánh tỉnh Sa-ra-van của Lào. Ba tháng sau, Sa-ra-van giải phóng, chúng tôi dồn địch vào cao nguyên Bô-lô-ven và vây đánh thị trấn Pắc-soòng. Tiểu đội chúng tôi luôn được giao nhiệm vụ mở cửa và đánh lô cốt đầu cầu. Anh Phóng luôn xông xáo và đi đầu. Chúng tôi lại nhìn thấy ở anh một người chỉ huy dũng  cảm và bản lĩnh. Dù lúc nằm bắn hay khi xung phong, khẩu AK trong tay anh luôn đĩnh đạc điểm xạ 2 phát một, chính xác và dứt khoát. Thấy tôi hay có cái kiểu đứng dé chân chèo quét AK theo một đường vòng cung dọc theo chiến hào ở khu vực đầu cầu, anh bảo: “Bắn như thế chỉ đẹp dáng thôi chứ kém hiệu quả, lãng phí đạn”. Tôi cũng biết vậy, nhưng học được như anh cũng không phải dễ. Nói chung, tôi đã quen có anh bên cạnh trong các trận đánh, và hoàn toàn vững tin khi được ra trận cùng anh.

(Còn tiếp...)
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tám, 2008, 10:28:10 pm gửi bởi Trinhsat » Logged
liua
Thành viên
*
Bài viết: 93


« Trả lời #3 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2008, 10:35:14 pm »

Hay.Tiếp đi bác Trinh sát.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2008, 09:58:11 am »

     Đầu mùa mưa năm 1972, chúng tôi giải phóng được gần 30 cây số dọc đường 23, dồn địch vào ngã ba Lào-ngam. Tiểu đội tôi bị hy sinh 3 người, còn lại 4. Mưa trên cao nguyên thật khủng khiếp. Có khi cả tuần không có một tia nắng. Nước suối dâng cao, đường lầy trơn nhoe nhoét, không khí ẩm thấp nặng nề, và quần áo không lúc nào khô. Việc đi lại vận chuyển khó khăn, khẩu phần ăn suy giảm. Cả ta và địch đều cắm chốt, giảm hẳn hành quân tác chiến. Tiểu đoàn chúng tôi được rút về phía sau làm nhiệm vụ cùi cõng lương thực, và củng cố chờ mùa khô.
      Có thời gian, chúng tôi lại nói chuyện gẫu, chuyện quê hương, gia đình và bè bạn. Rồi chuyện của anh Phóng lại quay về o Huệ. Anh bảo 2 người đã hẹn hò trai gái, đã yêu thương, và o Huệ đã tặng anh một chiếc khăn tay có thêu chữ H. Họ đã kịp hôn nhau một cái vào đêm chia tay. Tôi hỏi anh, thế lúc đó tim anh đập thêm mấy nhịp? Anh cười bảo, vì lúc đó nín thở nên hình như nó đập chậm lại, nhưng tiếng thình thụp thì lại to hơn. Rồi anh nhìn lên khoảng trời bé nhỏ, xa xăm  mơ màng. Những lúc như thế tôi cũng im lặng, nhìn lên bầu trời đen cố tìm một ngôi sao xa xăm. Tôi biết anh đang bay về với o Huệ trong một nếp nhà tranh ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh; còn tôi thì bay về cái lán nhỏ ven đồi gần nhà o Huệ. Tôi thấy o Huệ bước ra sân, lắc đầu hất mái tóc dài ra sau vai, và mở to đôi mắt trên khuôn mặt tròn. O cất tiếng gọi anh Phóng, giọng miền Trung mà sao nghe lại nhè nhẹ chứ không nặng. Rồi bóng thằng cu Hiếu chập choạng trong nắng chiều, tay huơ huơ cọng rơm...
     Khi đã bớt mơ màng, anh Phóng lại bắt chuyện. Anh bảo hết chiến tranh, anh sẽ về tìm o Huệ, sẽ cưới o làm vợ. Nếu như o Huệ không muốn về miền đồng chiêm trũng có những con bò cái ngơ ngác của quê anh, thì anh sẽ ở lại quê o. Anh sẽ là một người thợ cày giỏi. Vùng quê o ruộng ít đồi nhiều thì anh sẽ nuôi một đàn bò lấy giống từ quê anh. Anh sẽ vun đắp hạnh phúc cùng o. Rồi anh lại móc túi áo, lần giở trong túi ni-lon ra chiếc khăn tay có chữ H của o Huệ ngắm nhìn. Chiếc khăn đựợc anh cất trong túi áo trái, nơi gần trái tim, coi như một lá  bùa hộ mệnh. Anh nói nhiều và vẽ ra viễn cảnh hay đến mức nhiều lúc tôi đã mong rằng hết chiến tranh, tôi cũng về quê với anh. Tôi cũng sẽ học anh làm ruộng, sẽ dựng một nếp nhà sát cạnh nhà anh. Và tôi cũng sẽ tìm được một cô gái như o Huệ làm vợ. Điều quan trọng nhất là tôi được sống gần anh, được coi anh như anh cả. Cuộc đời chỉ cần như thế thôi, tuyệt vời biết bao.
      Cuối mùa mưa năm đó, tiểu đoàn chúng tôi ra quân bằng một trận đánh có xe tăng, tiêu diệt một tiểu đoàn lính Thái Lan tại ngã ba Lào-ngam. Những tưởng sau đó chúng tôi đánh tiếp vào Phù Chiêng để giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven. Không ngờ 5 ngày sau, địch cho 2 trung đoàn đổ bộ ngược ra chiếm lại vùng Sa-ra-van đã giải phóng, uy hiếp sát ngay con đường vận chuyển nhánh Tây Trường Sơn thuộc tuyến đường 559. Thế là cả trung đoàn phải hành quân ngược trở lại ngót trăm cây số đánh địch. Sa-ra-van là bình nguyên, toàn rừng Khôộc và ụ mối, cây thưa thớt, tầm quan sát xa nên công tác trinh sát rất khó, giấu quân cũng khó. Chúng tôi toàn đào hầm và nằm  ngay trên mặt đất chứ không mắc võng được. Nhưng dù sao Sa-ra-van cũng đã là vùng giải phóng của ta, nên bọn địch nống ra đây thiếu hẳn sự yểm trợ của pháo lớn. Chúng tôi chỉ phải chống lại với hỏa lực của bản thân các đơn vị quân địch mà thôi.
      Sau hai tháng tác chiến, địch bị hao tổn nặng và một trung đoàn của chúng đã phải rút chạy khỏi Sa-ra-van. Trung đoàn còn lại là ZM 41 co cụm về  Tây Nam sông Sê-công. Ta và địch cách nhau một con sông rộng chỉ chừng hơn trăm mét. Vào mùa khô nên nước sông cạn, nhiều đoạn chỉ ngang thắt lưng. Để chuẩn bị cho trận tác chiến cuối cùng, trung đoàn quyết định cho từng đơn vị nhỏ vượt sông tạo thế cài răng lược để làm bàn đạp đưa  toàn bộ trung đoàn  qua sông vây đánh địch.
     Một đêm trăng mờ tháng 12 năm 1972, anh Phóng dẫn cả tiểu đội vượt sông sang đào hầm chốt, tạo một cái răng lược ở bờ Tây Nam. Mùa khô cây lá trơ trụi. Chỉ có một ít cây lúp súp và cây Khôộc thưa thớt trên một dẻo đất rộng vài chục mét sát bờ sông. Tiếp đó là nương lúa đã  gặt từ mùa mưa, nay chỉ  còn có gốc rạ khô. Hầu như không có vật che khuất và rất khó nguỵ trang. Chúng tôi chỉ còn cách rải những lá Khôộc khô lên nóc hầm. Hầm của tôi, Hinh và Sơn nằm sát mép cây lúp xúp, được che khuất ít nhiều, nhưng anh Phóng thì lại đào hầm dịch hẳn ra ngoài nương, chếch phía trái tôi. Tôi biết cách bố trí hầm của anh sẽ gây được bất ngờ và hiệu quả cho loạt nổ súng đầu tiên, song cũng bất lợi nếu trận chiến kéo dài. Anh Phóng cũng thừa biết nhưng cố tình làm vậy. Đã có lần trong một trận chốt, khi anh Phóng  nổ súng tiêu diệt tên địch đi đầu, thì nó đổ gục xuống  cách anh chỉ chưa đầy 1 mét. Cái tính  lỳ lợm của anh,  cả tiểu đoàn đều biết tiếng chứ chẳng riêng gì chúng tôi
      Suốt buổi sáng hôm đó, địch không nống ra, nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy lao xao tiếng nói của chúng thoảng trong gió. Tháng 12 mà sao ở đây nắng nóng kinh khủng thế. Đến trưa, chúng tôi giở cơm ra ăn. Gói cơm nếp bọc bằng vải dù đã bị cái nắng rát làm khô cứng lớp vỏ, tôi phải cậy ruột ra rồi vừa nhai vừa tu nước mới nuốt nổi. Quần áo nóng như vừa lấy ra từ chảo rang. Mồ hôi chảy ra ướt đầm lưng áo, rồi  được gió thổi khô dần, rồi lại ra mồ hôi, lại gió thổi khô. Địa hình trống trải không cho phép chúng tôi bò sang hầm nhau. Mọi trao đổi chỉ là suỵt soạt và ra hiệu.

(Còn tiếp...)
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 07:19:38 am »

     
      Trời đã ngả sang giữa chiều. Trong cái nắng vẫn còn làm rung rinh lớp không khí sát mặt đất, bỗng nhiên có tiếng địch lao xao to hẳn lên. Từ phía góc bên kia của bờ nương, bọn địch bắt đầu xuất hiện. Chúng định tổ chức sục sạo thăm dò ra mé sông. Cả tiểu đội dán mặt sát đất, nín lặng quan sát. Những nòng súng nóng rát dưới nắng đã hướng về phía địch chờ đợi. Tốp địch đi đầu chừng sáu, bảy tên đã dò dẫm vào gần đúng hướng chúng tôi chốt. Chúng đi thưa và dàn thành 1 hàng chênh chếch. Lùi về phía sau cũng còn khoảng hơn chục tên nữa.
      Địch đã vào gần 15 mét.
      Rồi 10 mét.
      Tôi đã bắt đầu nghe rõ tiếng tim mình đập. Tên đi đầu cắp tiểu liên cực nhanh AR-15  chỉ còn cách hầm anh Phóng chừng 5 mét. Chúng chưa phát hiện ra chúng tôi, và anh Phóng vẫn chưa nổ súng. Ngón tay trỏ của tôi đã tì căng cò súng. Tôi không dám thở mạnh, cảm giác gần như đang nín thở và tôi không còn nghe tiếng tim mình đập nữa.
      Tên địch đã bước vào gần anh Phóng tới 3 mét. Đúng lúc tôi cảm thấy như nó đã phát hiện ra chúng tôi thì anh Phóng nổ súng. Tôi và Hinh cũng gần như đồng loạt xiết cò. Những loạt đạn AK nổ đanh bất ngờ, cùng phát đạn B40 của Sơn chớp lửa đã quật ngã cả toán địch đầu tiên. Bọn đi sau lập tức nằm bẹp xuống và tháo lui một đoạn. Chúng không kịp phát hiện ra vị trí hầm của chúng tôi, nhưng cũng xả đạn loạn xạ về phía chúng tôi. Còn chúng tôi sau khi đã bồi thêm vài loạt đạn nữa và 1 phát B40 vào bọn đi sau, chúng tôi cũng lập tức nằm im, dừng bắn.
      Địch lùi ra xa hẳn, chúng cũng không bắn nữa. Thời gian trôi qua chậm chạp, nặng nề. Rồi địch được tăng thêm quân, và chúng lại tiến về phía chúng tôi. Nhưng chúng chỉ dừng lại ở xa, nơi mà chúng tôi có bắn cũng không đạt hiệu quả. Rồi  trung liên Bar bắn đến như mưa, đạn bay ràn rạt. Chúng bắn cày xới thăm dò từng phần đất một. Mấy khẩu cối cá nhân M79 của địch cốc oành khắp lượt. Tiếng nổ đinh tai và khói súng khét lẹt. Tình thế bất lợi khiến chúng tôi phải thụt xuống hầm. Bọn địch vẫn chưa xác định chính xác cửa hầm của chúng tôi, chứ nếu không thì chúng sẽ bắn từng quả cối vào từng miệng hầm chúng tôi như thả đáo lỗ.
      Trời càng về chiều, nắng đã dịu. Bọn địch bắn chán không thấy gì, chúng lại tổ chức quân lò dò lên. Lần này chúng đi thưa, dò đẫm hết sức chậm chạp và thận trọng. Nhất định chúng sẽ lên đến chỗ xác đồng bọn để thăm dò. Càng đến gần, chúng càng bắn mạnh. Yếu tố bất ngờ không còn, và chúng tôi cũng chẳng còn lùi vào đâu được nữa. Khi mấy tên địch vào gần tới chỗ xác của tốp đầu, thì đột nhiên khẩu B40 của Sơn phát hoả. Thế là anh Phóng, tôi và Hinh cùng nhoài lên, ghì AK nã từng loạt đạn dài. Vài tên gục ngã. Những tên sống sót chạy bổ trở lại. Chúng tôi dừng bắn, bọn địch cũng lùi ra xa, không bắn trả.
      Nắng đã tắt, nhưng trời mùa khô còn sáng lắm. Không gian bỗng lặng im một cách đáng ngờ. Không lẽ địch chịu bỏ cuộc.
      Đúng là chúng không bỏ cuộc. Bây giờ, địch đã phát hiện rõ vị trí của chúng tôi. Nhưng chúng không nã M79. Chúng điều hẳn DKZ lên. Loại súng này mà bắn có khác gì pháo tăng. Nó bắn được từ xa tới 2 km, tầm xa mà súng AK hay B40 không thể nào với tới được, lại rất chính xác. Điều này về sau tôi mới biết. Lúc đó tôi chỉ còn nhớ rằng trong không gian yên tĩnh bỗng có ánh chớp loé lên, rồi tôi không còn biết gì nữa.
      Rồi tôi bỗng thấy mình như đang bồng bềnh trên mây. Chân tay như bị trói chặt. Tôi mở mắt, dần tỉnh lại. Địch đã rút. Màn đêm đã buông xuống từ bao giờ. Ánh trăng mờ hắt xuống bãi đất trơ trụi, xơ xác. Cảnh vật im lìm. Tôi cố nhoài người ra khỏi căn hầm sập. Đau ê ẩm. Tôi lần sờ khắp người, thấy mình không bị thương. Tôi dần nhớ lại sự việc. Trong đợt tấn công cuối cùng, địch đã không dùng bộ binh, mà chúng chỉ đặt DKZ từ xa nã vào. Tôi bị sức ép, bị đất hầm sập vùi ngay từ phát đạn đầu và đã ngất đi. Nhưng còn anh Phóng, còn Hinh, còn Sơn? Tôi bới đất moi khẩu AK của mình lên, rồi bò sang hầm anh Phóng. Căn hầm bị bật tung lên, nham nhở. Tôi bới tay vào miệng hầm, và bủn rủn hết cả người. Anh Phóng đã hy sinh bởi một phát đạn pháo chính xác của địch. Phần  trên đã bay mất, chỉ còn lại nửa người của anh từ thắt lưng trở xuống vùi trong đất. Chỗ bị nát, ruột gan và máu thịt nhầy nhụa, tanh nồng. Tôi bò tiếp sang hầm của Sơn, rồi của Hinh. Cả hai căn hầm đều bị trúng đạn, tung nát nhưng không sờ thấy xác. Thế là chỉ còn lại một mình. Tôi ngửa người nằm lại một lát. Mệt, đói và khát. Đơn vị chắc  đã biết chúng tôi mất chốt, nhưng không biết lúc nào mới có chi viện. Tôi doãi người nằm nghỉ một lúc lâu, rồi quyết định vượt sông trở về chỗ trú quân. Tôi quàng súng trước ngực rồi xốc anh Phóng lên vai cõng đi. Tôi không đành lòng để  anh nằm lại bên này sông.
      Đoạn sông ngay gần điểm chốt có sâu một chút, song vẫn lội qua được. Lúc lên bờ bên kia, nước sông trộn lẫn máu trong xác anh Phóng chảy ròng ròng ướt đẫm suốt từ cổ vai áo tới tận chân tôi. Anh Phóng chỉ còn lại nửa người mà sao nặng vô cùng. Từ sông về đơn vị chỉ chừng hai cây số mà tôi tưởng như mình đang vượt cả Trường Sơn. Tôi cứ cúi gập người, lầm lũi như thế mà đi trong đêm. Khẩu AK đeo xộc xệch trước cổ, cứ một chốc lại chổng ngược nòng, thúc báng súng vào háng đau điếng. Quần áo tôi trộn đẫm mồ hôi, nước và máu, dính sát vào da, lết bết. Tôi không còn cảm nhận được vị tanh của máu nữa. Sự mệt nhọc đã xâm chiếm tất cả. Tôi cũng không khóc được, nước mắt đã chảy vào trong, còn cổ họng thì khô rát. Trong người tôi tràn ngập cảm giác hụt hẫng xót xa, chán chường. Nhưng tôi không nghĩ được gì cụ thể cả. Tôi về đến đơn vị vào quá nửa đêm.
       Đơn vị tôi đã cho người qua chốt để giải quyết nốt chính sách. Đêm nay, các đơn vị bạn lại tiếp tục cho những nhóm lẻ qua sông, tiếp tục lập chốt cài răng lược mới. Và đêm mai, cả đại đội tôi cũng sẽ vượt sông cùng Tiểu đoàn.
       Bờ Đông sông Sê-công đã lập một nghĩa trang. Nơi đó yên nghỉ duy chỉ có 3 người lính của tiểu đội tôi, trong đó có một người mà tôi yêu mến nhất.
            *
      Chiến dịch còn kéo dài hơn một tháng nữa. Tôi vẫn tiếp tục chiến đấu trong đơn vị, nhưng lòng tôi nguội lạnh. Tôi mặc cảm như mình luôn có lỗi. Cả tiểu đội tôi, cả anh Phóng đã hy sinh cả rồi. Chiến tranh ác liệt, mỗi chúng tôi đều xác định rồi đến một lúc nào đó  cũng sẽ đến lượt mình ngã xuống. Nếu tôi cũng hy sinh cùng anh em trong tiểu đội tôi, thì mọi việc chắc sẽ bình thường và đơn giản. Mà tại sao người còn sống sót không phải là anh Phóng. Người như anh Phóng không nên chết. Anh có nhiều lý do để nên sống hơn những người như tôi. Bây giờ, tôi biết khi nhận được tin, bố mẹ anh sẽ buồn lắm. Nhưng rồi thời gian sẽ làm điều đó nguôi ngoai. Gia đình anh  sẽ còn có niềm tự hào được cống hiến một người  con cho Tổ quốc. Nhưng  còn lời ước hẹn với o Huệ của anh  trên đời này dang dở, còn một người con gái  đang phải mòn mỏi chờ anh. Anh Phóng không trở về được nữa rồi. Sẽ không có những con bò Nam Định ăn cỏ trên vùng đồi núi Kỳ Anh, sẽ không có hai nếp nhà tranh của anh và tôi dựa vào nhau nữa. O Huệ rồi có biết anh hy sinh, hay là chờ anh mãi không thấy về sẽ nghĩ anh bội ước? Không phải vậy đâu, o Huệ ơi. Những người lính chúng tôi coi lời ước hẹn cũng thiêng liêng như lời thề quân ngũ vậy. Một lần nữa, xin o hãy tha thứ cho anh Phóng, o Huệ nhé.
          *
        *  *
      Chiến tranh còn kéo dài gần 3 năm nữa. Tôi đã cùng đơn vị đi qua nhiều chiến trường, nhiều chiến dịch. Nhưng không bao giờ tôi quên được anh Phóng, người tiểu đội trưởng đầu tiên của tôi.
      Ngày ra Bắc, tôi được đi ô-tô theo binh trạm. Con đường mà nhiều năm trước chúng tôi phải hành quân ròng rã ba bốn tháng trời, thì nay chỉ có năm ngày xe chạy. Một buổi chiều xe chạy qua Hà Tĩnh. Tôi ngóng mắt nhìn về những dãy đồi núi phía Tây, cố mong tìm ra nơi nào năm xưa chúng tôi đã đóng quân. Ở nơi ấy có o Huệ, chắc vẫn còn đang chờ anh Phóng ngày chiến thắng trở về. Vẫn còn đó một tình yêu, một khát vọng dành cho một người lính. Ven đồi nhà o đã có bảy người lính từng sống, đã từ đó ra trận mà nay chỉ có một trở về. Tôi những muốn gặp o để kể lại tất cả, nhưng tôi sẽ lý giải thế nào về sự sống sót của mình? Tôi có cái quyền ấy không? Mắt tôi nhoà đi. Xe vẫn chạy, và tôi xa dần cái nơi đã gắn bó một thời  tuổi trẻ của tôi. Và mãi mãi  tôi vẫn là người có lỗi với mảnh  đất này, nơi tôi đã từng coi như quê hương.
        *
       * *
      Thời gian có thể xoá nhòa đi tất cả, nhưng ký ức, kỷ niệm thì không thể nào quên.
       Bây giờ, mỗi khi bất chợt được nghe một giọng con gái miền Trung nhè nhẹ, tôi lại thấy mình như đang ở trong một căn lán ven đồi. Tôi vẫn là người lính “măng tơ” năm nào bên anh Phóng, bên o Huệ. Và trong tôi lại hiện lên hình ảnh thằng cu Hiếu chập choạng trong nắng chiều, tay huơ huơ cọng rơm ...


(Vũ Công Chiến)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Chín, 2008, 08:01:13 am gửi bởi Trinhsat » Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 08:00:17 am »

về tác giả:

Tự giới thiệu
 
Tôi vốn là một người lính trong chiến tranh.
Tôi vẫn đang công tác. Chuyện gia đình và công việc không có gì đặc biệt
Người lính tự cho mình là một "NGƯỜI LÍNH" thì bản chất mãi mãi vẫn là một người lính.
Coi sinh mạng của người khác quý hơn sinh mạng bản thân mình, và coi trọng cuộc sống của người khác hơn của chính mình là bản chất của những người lính chúng tôi.
"Không vì lợi ích của mình mà làm phương hại đến lợi ích của người khác", là phương châm sống của tôi.

Username: chienc6 
 
Nickname: chienc6 
 
Tuổi: 55
 
Giới tính: Nam
 
Công việc: Nhà nước
 
Nơi ở: Hà Nội
 
Quốc gia: Vietnam 

Nguồn: http://www.ngoisaoblog.com/view_profile.php?m=56574&page=2

Buồn 5 phút.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 08:41:06 am »


Đừng vội buồn thế, bác Tuaans ạ.
Theo bác thì tôi nên Post sang đây cho mọi người xem, hay chỉ nêu đường Link  rồi mọi người qua đó tự đọc. Bên đó là Blog mà, còn nhiều chuyện vụn vặt linh tinh khác chứ đâu chỉ có mỗi chuyện về lính.
Hoặc giả là những chuyện lính đó không đáng xem, thì Trinhsat tôi sẽ Stop.
Thân ái.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2008, 09:53:01 pm »



" Lấy chồng thời chiến chinh
   Lấy chồng chiến binh,
   Mấy người đi trở lại ?

   Sợ khi mình đi mãi,
   Sợ khi mình không về.
   Thì thương
   người vợ chờ,
   bé bỏng chiều quê … "         
( Hữu Loan)
   
   Ra đi lâu quá chưa về, hay mãi mãi không về, đều làm đau lòng người chờ đợi.

   Xin được kể chuyện này …

   
   Một chiều thu đông năm 1975.
   Đoàn tàu ngược rúc lên một hồi còi dài, xả khói, giảm tốc độ, chầm chậm rồi dừng lại trên sân ga Vũ Ẻn. Hoàng xốc lại chiếc ba lô trên vai, rồi lần ra đầu toa tàu, theo những người khách bước xuống sân ga. Ga xép, nên chỉ có chừng hai chục người khách xuống tàu, và cũng chừng hơn chục người khách khác lên tàu để tiếp tục đi lên mạn ngược. Hoàng tập tễnh bước chầm chậm sau những người khách khác. Vẫn là cái sân ga nhỏ hẹp và cũ kỹ, láng xi-măng mà anh đã nhìn quen từ thời chưa vào Nam chiến đấu. Vẫn giàn  hoa giấy mọc um tùm bên cạnh cửa ra vào sân ga. Khi đoàn tàu ngược kéo còi lăn bánh, tiếp tục cuộc hành trình, cũng là lúc Hoàng ra khỏi cổng soát vé. Phía ngoài ga chỉ lèo tèo vài quán nước, đơn sơ như mọi sân ga lẻ miền trung du khác. Hoàng chưa vội lên đường. Anh rẽ vào một quán nước nhỏ của một bà cụ. Hàng họ trong quán đơn sơ. Chỉ có hai món nước uống là chè xanh và nước vối, lọ kẹo vừng, xấp bánh đa, ít gói thuốc lào cùng vài nải chuối. Hoàng ngồi xuống và xin bà cụ bát nước vối. Đã lâu lắm rồi, anh mới lại được uống thứ nước dân dã quê mùa này. Nó làm anh nhớ đến nồi nước vối mẹ anh vẫn đun, uống trong những ngày mùa độ trước. Thứ nước có vị ngọt mát mang đầy hương vị làng quê. Mà phải rồi. Anh sắp về nhà, và mẹ anh cũng sẽ nấu nước vối, hay nước chè xanh cho anh uống.
   Nước vối ngon quá. Hoàng xin thêm một bát nữa. Uống xong, anh chậm rãi đứng dậy, lấy tiền trả. Bà cụ hàng nước nhìn bộ quân phục bạc màu, nhìn gương mặt nhằng nhịt sẹo của anh rồi lắc đầu, không nhận tiền nước. Thế nhưng Hoàng vẫn một mực đặt đồng năm xu vào tay bà cụ, rồi xin phép lên đường.
   Hoàng đi dọc theo con đường từ ga, vòng sát qua sông Hồng để ra thị trấn Thanh Ba. Mọi cảnh vật đều quen thuộc, vì đây chính là quê hương anh. Nhìn xéo ra sông Hồng, Hoàng chợt nhớ đến câu ca quê anh:
   " Sông sâu, nước đục, ngưòi đen,
       Ai đến Vũ Ẻn thì quên đường về."
   Hoàng cười khẽ một mình. Con gái quê anh có tiếng là đen. Nhưng đen ở mức độ nào mà để cho khách phải quên đường về thì cũng thật khó nói. Thực ra, con gái đất trung du có nước da nâu rất đẹp. Từ xa xưa các cô gái đã nổi tiếng với vẻ đẹp má hồng. Ngày mùa, càng nắng, càng nóng thì má các cô gái càng ửng hồng. Các anh vệ quốc đoàn thời Kháng chiến chống Pháp, khi hành quân qua miền đất  trung du “rừng cọ, đồi chè” của Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã từng xao xuyến bởi hình ảnh các cô thôn nữ chít khăn mỏ quạ cho nắng khỏi làm rám má hồng. Con gái quê anh như thế đó.
   Hoàng đã đi qua Thị trấn Thanh ba, và rẽ sang con đường đất trải đá dăm dẫn về Hạ Hoà quê anh. Từ đây về nhà anh còn khoảng 15 cây số. Bình thường thì anh chỉ đi hết chưa đầy 4 tiếng đồng hồ. Nhưng bây giờ với cái chân bị thương như thế này, chắc phải tối mịt, anh mới về đến nơi. Nhưng Hoàng cũng không vội. Anh nghĩ, có khi về đến nhà vào lúc tối lại hoá hay. Vừa đi, anh vừa nhớ lại quãng thời gian đã qua.
*
*  *
   Ba năm trước, khi đã 23 tuổi, Hoàng mới lên đường vào bộ đội. Trong những năm chiến tranh, trai tráng nông thôn đều phải lên đường nhập ngũ từ năm 18 tuổi. Hoàng được hoãn đi bộ đội, vì là con liệt sĩ. Bố anh là bộ đội từ thời chống Pháp. Hoà bình lập lại, ông đã được giải ngũ về làng. Nhưng rồi Kháng chiến chống Mỹ nổ ra, ông lại lên đường tái ngũ trong những đợt gọi đầu tiên, năm 1962. Trong nhiều năm, ông đã làm cán bộ khung, huấn luyện nhiều đợt tân binh gửi vào Nam. Giữa năm 1965, ông được điều động thẳng vào Nam chiến đấu, trong đội hình của cả một trung đoàn. Đơn vị ông đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt với bọn Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Đặc biệt. Năm 1967, trung đoàn ông tham gia đánh Khe sanh và cụm cứ điểm làng Vây. Ông đã ngã xuống cùng hơn một vạn người lính Bắc Việt trong chiến dịch nổi tiếng ấy. Năm đó, Hoàng, đứa con trai duy nhất của ông vừa tròn 18 tuổi.
   Hoàng được hoãn gọi nhập ngũ theo chính sách lúc bấy giờ. Học xong phổ thông, anh ở nhà làm ruộng. Khoẻ mạnh và đẹp trai, Hoàng trở thành tâm điểm chú ý của nhiều cô gái làng. Hơn nữa, lúc này đang chiến tranh, trai tráng trong làng phải ra trận hết, nên đàn ông hầu như cũng không còn mấy ai. Nhà chỉ còn hai mẹ con, nên năm 20 tuổi, Hoàng đã lấy vợ. Vợ anh là Bình, một cô thôn nữ đẹp nhất làng. Nhan sắc của cô rạng ngời, dầu lúc nào cũng chít khăn mỏ quạ, chỉ để lộ có đôi con mắt. Bình kém Hoàng một tuổi. Thật là đẹp đôi, đúng như câu nói của các cụ: "Gái hơn hai, trai hơn một". Cái gia đình bé nhỏ này càng hạnh phúc hơn nữa, khi một năm sau, Bình sinh hạ được một cậu con trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng đặt tên con là Vinh.


(Còn tiếp...)
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2008, 07:06:33 am »


      Cuộc sống đáng lẽ cứ thế trôi qua bình thường, nếu như chiến sự trong Nam không ngày càng quyết liệt. Năm 1971, 1972 chiến trường cần rất nhiều quân. Khắp nơi liên tục gọi nhập ngũ, kể cả những thanh niên vừa qua tuổi 17. Mỗi năm 4 đợt tòng quân. Không chỉ có thanh niên nông thôn và đường phố, ngay cả công nhân, cán bộ, sinh viên các nhà máy, cơ quan, trường học, kể cả các thày giáo tuổi đã gần kề 30 cũng được gọi động viên nhập ngũ. Hoàng đã phải suy nghĩ nhiều. Anh không muốn mình cứ ẩn mãi sau cái bóng liệt sĩ của bố. Trai thời loạn, mỗi người đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Lúc này, cu Vinh cũng đã được hai tuổi. Thế là anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Vợ anh là con gái nông thôn, vốn bản tính quen cam chịu, nên không nói gì. Mẹ anh buồn, song bà cũng không ngăn cản. Ngày ra đi, anh hơi bịn rịn bế cu Vinh hồi lâu. Rồi anh bế xốc hai nách nó lên và đu đưa nó là là mặt đất như người ta đu võng. Cu Vinh thích chí cười khanh khách. Hình ảnh này đã ghi đậm trong trí nhớ của vợ anh.
   Vào bộ đội, Hoàng trở thành anh tân binh "già" giữa đám lính 17, 18 tuổi trong cùng lần nhập ngũ. Sau 5 tháng huấn luyện trên đất Bắc, Hoàng cùng đồng đội hành quân vào Nam chiến đấu. Anh được bổ xung vào một sư đoàn chủ lực đóng trên cao nguyên miền Trung . . .
*
   Trời đã xế chiều. Hoàng đã đi đến vùng đồi sim. Vùng trung du nào trên đất Bắc cũng có đồi sim. Những dãy đồi có sim thì chỉ có sim và cỏ, nhiều nhất là loại cỏ may mọc tốt trên đất cằn thiếu nước. Bây giờ là cuối thu, nên những bụi sim trông xơ xác, bạc màu. Nhưng vào độ hè thì những đồi sim thật đẹp. Cây sim mọc kín hàng dãy đồi, trải dài khắp một vùng rộng lớn. Những bụi sim cao ngang tầm người nở rộ đầy hoa tím. Những bông hoa sim 5 cánh nở tung phô màu tím Huế như rực lên trong nắng, tràn ngập khắp vùng đồi. Hoa sim màu tím, mà những quả sim khi chín cũng màu tím, nhưng đậm hơn. Những quả sim chín be bé bằng đầu ngón tay, mòng mọng trông thật thích mắt. Trẻ chăn trâu thường thả trâu ăn cỏ trên đồi sim, rồi rủ nhau hái sim ăn. Những quả sim chín ăn có vị ngọt nhan nhát và lạo xạo trong mồm vì có nhiều hạt. Ăn xong, thè lưỡi ra  thấy lưỡi cũng có màu tím. Vào những ngày chợ phiên, những người đàn bà vùng đồi sim thường hay hái sim đem bán. Sim được bán theo đấu như bán gạo. Giá sim rất rẻ. Một đấu sim chỉ có một hào bạc, bằng hai bát nước chè xanh. Ngày còn yêu nhau, những buổi chiều khi nắng đã tắt, Hoàng hay dẫn Bình lên đồi sim chơi. Họ cùng trò chuyện và hái sim ăn, rồi thè lưỡi cho nhau xem màu tím và cười khúc khích. Hoa sim tím đã là một cái gì đó đặc trưng cho vùng trung du, thân thương vô cùng. Hoàng đã gọi đùa Bình là hoa sim tím. Anh bảo cứ nhìn hoa sim là như thấy Bình. Ghi trong tim anh là Bình và bông hoa sim tím, không thể nào quên được. Hái sim chán rồi, hai người lại đuổi nhau lượn quanh các bụi sim, để cho cỏ may bám đầy gấu quần. Rồi lại ngồi nhặt hoa cỏ may cho nhau mà cười rúc rích. Bình bảo Hoàng, nếu em là hoa sim tím thì anh là bông cỏ may nhé. Làm sao lại cứ tìm cách bám dính người ta mãi như thế này.
    Không biết từ đâu, màu tím được coi là tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Màu tím ấy là từ hoa sim, hay từ loài hoa tím nào khác nữa, Hoàng không biết. Nhưng anh rất yêu màu tím của hoa sim. Hoàng biết nhà thơ Hữu Loan có một bài thơ "Màu tím hoa sim" rất tuyệt và anh rất thích bài thơ ấy. Nhà thơ quê ở Thanh Hoá, chắc những vùng đồi quê ông cũng có rất nhiều sim. Sau này đi bộ đội, Hoàng mới biết là bài thơ hay ấy đã được phổ nhạc thành bài hát. Có điều, bài hát ấy không phải Hoàng được nghe văn công biểu diễn, mà là nghe trộm qua đài địch, do các ca sĩ Sài Gòn hát. Năm 1973, sau Hiệp định đình chiến Pari, quân ta và quân nguỵ chia đất, giữ cờ đóng quân cách nhau có trăm mét. Bọn nguỵ thường hay chĩa loa sang ta, mở to các bài hát, trong đó có bài "Chuyện hoa sim" này. Lời bài hát, nghe thật bùi ngùi. Lúc đó bài hát này bị phía ta coi là nhạc "vàng", cấm nghe, cấm hát. Hoàng thấy buồn nhất khi nghe câu:
      "Sao không chết người trai khói lửa,
      Mà chết người em nhỏ hậu phương"
   Lúc đó, trong lòng cứ nao nao thế nào ấy. Vậy là màu tím hoa sim vừa là nỗi nhớ, vừa là nỗi lo của người ra trận.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM