Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:48:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30182 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 12:59:28 am »

        - Từ binh chủng, các trung đoàn đến các đại đội đã thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng trung đoàn mạnh và đơn vị cơ sở mạnh toàn diện. Từng đơn vị đều phải có kế hoạch tự xây dựng theo mẫu hướng dẫn của trên để làm căn cứ phấn đấu. Bộ tư lệnh và các trung đoàn thường xuyên tổ chức đoàn làm nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở gồm cán bộ của 4 cơ quan: Chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật giúp lãnh đạo chỉ huy xuống theo dõi, giúp đỡ các đơn vị cơ sở bên dưới thực hiện tốt cuộc vận động. Tập trung giúp xây dựng đơn vị khá để rút ra những kinh nghiệm hay, bổ ích để phổ biến cho toàn đơn vị, thúc đẩy các đơn vị yếu kém vươn lên kịp phong trào chung.

        Do các cấp ủy và cán bộ chỉ huy đã làm tốt việc xây dựng tổ chức và con người mạnh nên trong những năm chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ, khó khăn, ác liệt, lực lượng bộ đội rađa càng đánh càng mạnh, đáp ứng được những yêu cầu chiến đấu và xây dựng binh chủng từ lúc đầu mới có 2 trung đoàn 290, 291 đến hết chiến tranh Binh chủng Rađa đã trở thành một binh chủng gồm có: Bộ tư lệnh binh chủng đủ 4 cơ quan, với 6 trung đoàn và một nhà trường rađa thông tin. Binh chủng còn cung cấp cán bộ sĩ quan và hạ sĩ quan cho sự phát triển lực lượng của Quân chủng.

        III- CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ ĐÃ THƯỜNG XUYÊN CHĂM LO CHỈ ĐẠO ĐỐI VỚI CÔNG TÁC HẬU CẦN, KỸ THUẬT:

        Bộ đội rađa được trang bị những vũ khí, kỹ thuật khoa học cao, để hoàn thành được nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù là không quân đế quốc Mỹ, phải kết hợp giữa con người với trang bị khí tài hiện đại, nên phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ biết coi trọng việc giữ gìn, yêu quý xe, máy. Có ý thức giữ tốt dùng bền, phải chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ bảo quản, bảo dưỡng, chế độ kiểm tra hiệu chỉnh, bảo đảm các tham số kỹ thuật, không để mất mát hư hỏng do thiếu trách nhiệm. Thực hiện khẩu hiệu "Yêu xe như con, quý xăng như máu”.

        Phải coi trọng công tác nuôi quân, phòng bệnh giữ được sức khỏe để chiến đấu hên tục ngày đêm, bền bỉ dẻo dai vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Phải chấp hành đúng quy định về dự trữ, dự phòng, kết hợp dựa vào sức dân để đảm bảo hậu cần tại chỗ tốt. Mặt khác phải có kế hoạch động viên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tranh thủ thời gian, tận dụng đất đai nơi đóng quân để tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Ngăn ngừa các biểu hiện tham ô, lãng phí...

        IV - COI TRỌNG VÀ LÀM TỐT CÔNG TÁC DÂN VẬN, BẢO ĐẢM ĐOàN KẾT QUÂN DÂN:

        Thường xuyên giáo dục bộ đội giữ nghiêm kỷ luật quần chúng, thực hiện đi dân nhớ, ở dân thương. Giữ tốt mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân. Các đơn vị đã xây dựng thành nền nếp, khi đơn vị đến đâu đều chủ động đến báo cáo với cấp ủy và ủy ban địa phương nơi đóng quân và có kế hoạch hợp đồng chiến đấu và các mặt quan hệ khác giữa đơn vị và địa phương, tạo điều kiện trao đổi giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ: Bộ đội giúp địa phương công tác tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho nhân dân, kết nghĩa với chi đoàn, giúp đỡ học tập quân sự cho dân quân tự vệ...

        Do làm tốt công tác dân vận nên đã được nhân dân giữ bí mật trận địa cho bộ đội. Có lần bộ đội cơ động gặp khó khăn: Đẩy xe, kéo máy, lấy lá ngụy trang trận địa, giúp đơn vị xây đắp công sự... Đã có rất nhiều hình ảnh đẹp giữa bộ đội với dân, như hình ảnh anh chiến sĩ rađa đã lấy thân mình che bom đạn địch cho em bé. Giúp đỡ dân khi gặp khó khăn.

        Địch vừa hết đánh phá vào trận địa đại đội 11, đồng chí Bí thư Đảng khu Vĩnh Linh đã đưa xe cứu thương vào giúp đơn vị giải quyết thương binh. Nhân dân địa phương và dân quân vào lo chôn cất liệt sĩ và giải quyết ăn, ở cho bộ đội. Đại đội 13 hành quân xe máy hỏng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã giao cho xí nghiệp xe của tỉnh đưa thợ và phụ tùng vào giúp đơn vị có xe tốt để hành quân kịp thời.

        Bộ đội rađa ở đâu cũng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân thương yêu đùm bọc, giúp đỡ hết lòng để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Xương - Thanh Hóa đã phát biểu rất đáng ghi nhớ: "Mỗi lần tôi qua cổng doanh trại Đại đội 19 mà không vào thăm đơn vị tôi thấy chưa yên tâm". Điều đó nói lên sự quan tâm của Đảng bộ địa phương đối với bộ đội rađa thật thắm thiết.

        Trong chống Mỹ cứu nước, bộ đội rađa là một binh chủng trẻ tuổi, công tác Đảng, công tác chính trị còn ít kinh nghiệm, nhưng nhờ có tinh thần học hỏi vươn lên, lại được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, cán bộ, đảng viên và toàn thể chiến sĩ bộ đội rađa đã quán triệt vận dụng một cách sáng tạo công tác Đảng, công tác chính trị, làm được nhiều việc có kết quả, đóng góp vào sự trưởng thành và chiến thắng của Binh chủng, để lại những kinh nghiệm quý báu cho cán bộ và chiến sĩ của Binh chủng Rađa anh hùng.

Hà Nội, tháng 10 năm 2003       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 01:09:03 am »

       
QUÝT MIỀN ĐỒI

ĐÔ NGHỊ       

        Sau tết năm ấy, chúng tôi tổ chức đi tham quan công trình thủy điện Hòa Bình. Xe của đoàn ghé cửa chợ thị xã nghỉ, vui chân tôi dạo đến dãy hàng quýt, nâng một rọ đỏ au rồi nói bâng quơ:

        - Quýt miền Đồi?

        - Bác cũng ở miền Đồi à?

        Câu hỏi lại niềm nở làm tôi sửng sốt. Tôi nhìn chủ hàng quýt. Một thiếu nữ Mường khuôn mặt đầy đặn, răng hơi to, đôi mắt sáng. Dáng vóc đó làm tôi bất giác nghĩ đến một người quen đã lâu:

        - Ún là con mẹ Nhiên phải không?

        - Vâng ạ! Đúng là bác Nghị bộ đội rađa rồi.

        Nghe cô gái reo lên, lúc đầu tôi ngạc nhiên nhưng sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa hai bác cháu tôi hiểu ra: "Mấy chục năm qua bà con miền Đồi vẫn nhớ bộ đội rađa, và riêng tôi đã để lại một niềm thương nhớ đối với một cô gái Mường - cô Nhiên".

        Cuối năm 1969, tôi là trợ lý rađa Trung đoàn 292 được cử xuống Đại đội 34 để chỉ đạo tháo hai máy: 513K và Π12 đưa lên đỉnh Hăng Le thuộc xã Miền Đồi, huyện Tân Lạc - Hòa Bình. Tôi ở cùng cán bộ đại đội đóng tại nhà cô Nhiên ngay dưới chân núi.

        Việc của tôi hồi ấy là giúp đại đội thiết kế hai thùng đựng máy và hai bộ giá đỡ ăngten và hướng dẫn thợ mộc đóng, nhưng việc chính là phải tổ chức hướng dẫn tháo hai bộ máy đưa lên núi cao và cùng thợ sửa chữa, điều chỉnh, hoàn thiện cho đúng với tính năng ban đầu.

        Binh chủng Rađa chưa tháo rời máy đưa lên núi cao bao giờ nên chưa có kinh nghiệm. Về phần tôi, khi ở Học viện kỹ thuật Quân sự chỉ được học sơ qua rađa điều khiển pháo COH-9A nhưng về Trung đoàn 292 thì toàn rađa cảnh giới và dẫn đường. Tôi chưa kịp làm một công việc cụ thể nào về kỹ thuật, cũng chưa kịp tìm hiểu các loại máy thì đã được cử đi tháo máy cho Đại đội 34, công việc quá khó, tôi rất lo.

        Thời kỳ đầu ở Đại đội 34, trong lúc anh em đi làm đường, làm trận địa cùng dân công, tôi phải tranh thủ nghiên cứu sơ đồ khối, sơ đồ lắp ráp và cấu tạo của hai bộ máy rađa và cả hai loại máy nổ AD-5, AD-10 nữa để lập kế hoạch tháo, lắp, vận chuyển. Ngoài ra còn phải nghiên cứu tính năng kỹ thuật, sơ đồ nguyên lý mạch điện từng hệ thống. Nói chung là phải gấp gáp học nhiều thứ để làm việc được. Do đặc điểm công việc như thế nên hàng ngày hầu như chỉ có mình tôi ở nhà cô Nhiên và cũng vì vậy tôi được gia đình quen biết hơn những anh em khác.

        Một buổi sáng tôi đang ngồi mải mê làm việc ở gần bếp lửa nhà sàn thì cô Nhiên lại bên tôi, lần cạp váy hoa Mường lấy ra hai quả quýt to, đưa cho tôi:

        - Ăn đi!

        Tôi chưa kịp cảm ơn thì Nhiên đặt trước mặt tôi một chai rượu trắng:

        - Anh Nghị uống đi!

        Lòng vui vui, tôi hỏi:

        - Ún chiêu đãi anh à? Mà quýt em mua ở đâu ngon thế?

        - Ở trên núi gần chỗ bộ đội đang làm nhà nhiều lắm, hôm nào em dẫn anh đi hái nhé, thích không! Thích chứ!

        Mặt Nhiên đỏ bừng, đôi mắt to lúng liếng.

        Sau hơn hai tháng làm đường, làm trận địa, doanh trại, công việc chuẩn bị tạm ổn, ngày 5 tháng 1 năm 1970 tiến hành tháo máy. Lực lượng kỹ thuật trung đoàn có tôi và ba đồng chí thợ, gồm anh Áp, anh Mừng - thợ rađa, anh Bửu - thợ máy nổ. Phòng kỹ thuật binh chủng tăng cường cho anh Thêm - trợ lý rađa, anh Bào - trợ lý máy nổ và anh Tư thợ Π12. Từ chiều hôm trước tất cả xe máy đã tập kết sát chân dốc ngay cạnh Uỷ ban nhân dân xã. Theo kế hoạch, tháo 513K đưa đi trước xong mới tháo Π12 để khỏi nhầm lẫn giữa hai máy. Đối với máy nổ cũng vậy, tháo AD-5 trước, tháo AD-10 sau.

        Đại đội 34 mới thành lập, cán bộ ít, lính biên chế chưa đủ nên phải huy động dân công ở xã Miền Đồi khiêng vác máy. Sáng hôm ấy không mưa nhưng trời đầy sương, đường lên núi dốc và trơn vô cùng. Để đảm bảo an toàn, ngoài công tác tư tưởng, động viên chính trị tôi và đồng chí Năng - đại đội trưởng lập một bảng danh sách giao cho những ai vác khối máy nào phải ký nhận, vì thế nâng cao được trách nhiệm của từng người. Ngoài ra còn phát cho mỗi người một chiếc gậy "Trường Sơn" để chống trơn.

        Phương châm là tháo đến đâu đưa luôn đi đến đó. Những khối dễ tháo, nhẹ vừa một người vác tháo trước, các bộ phận nặng dỡ sau, phân công bộ đội và dân công khiêng kèm. Tôi phải ở lại để kiểm tra nên đi sau cùng. Nhìn đoàn người vác máy rồng rắn trên triền núi cao tôi cảm thấy rất yên tâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 01:09:48 am »

        Vượt dốc, đến đại đội bộ nằm giữa đoạn đường từ chân núi đến đỉnh Hăng le thì nghỉ giải lao. Bộ đội mời anh chị em dân công ăn lương khô, thanh niên bản do Nhiên dẫn đầu tranh thủ xuống bìa rừng gần đó hái quýt về mời bộ đội. Bữa liên hoan đơn giản nhưng vui lắm. Trai gái ném cho nhau những quả quýt dở xanh, dở đỏ cười vang một vùng đồi.

        Trước lúc đi tiếp, anh Quế chính trị viên phó nhắc bảo an toàn tuyệt đồi, và nhấn mạnh: "Nếu ai làm rơi máy, bị hỏng coi như mắc tội phá hoại vũ khi”. Hội lính trẻ cười ồ, xem đó là câu nói hài hước, động viên.

        Gần đến trận địa thì nhóm khiêng khối giảm tốc Π12 bị ngã, đồng chí xã đội trưởng nhoài người lấy vai đỡ. Còn Nhiên trong nhóm đó bị lăn, váy vướng vào đinh ốc kéo lên gần hết đùi. Chân Nhiên bị rách, máu chảy ướt cả vỏ máy, trong khi y tá chưa đến kịp tôi dùng vải bảo quản sạch buộc chặt vết thương cho cô Nhiên rồi cùng mọi người nâng khối giảm tốc. Xã đội trưởng gượng đứng dậy, may không bị thương, còn Nhiên vẫn tiếp tục khiêng máy được. Vậy là khối máy bị rơi vẫn an toàn.

        Khoảng quá trưa thì tất cả các bộ phận đưa đầy đủ những khối máy được phân công lên đến đỉnh Hăng le. Công việc tháo máy và vận chuyển coi như xong. Tôi thở phào, nói với anh Quế cảm ơn bà con khiêng máy.

        Đội ngũ kỹ thuật tập trung bảo quản, lắp ráp xong gọn trong ngày, nhưng để máy chiến đấu được phải mất hơn một tuần sau, vì trong quá trình tháo, lắp, khiêng vác các vị trí bị sai lệch nên tham số không ổn định.

        Sau đợt tháo máy đó, tôi còn trở lại Đại đội 34 nhiều lần nữa. Khi thì cùng thợ sửa chửa, khi thì chỉ đạo đơn vị chống ẩm. Đặc biệt là cái quạt gầm của 513K làm tốn công sức chúng tôi khá nhiều. Do trên đỉnh núi xung quanh là rừng, tiết trời sang xuân mưa phùn liên tục, độ ẩm cao làm quạt gầm của rađa 513K cháy nhiều, khắc phục bằng mọi cách vẫn không được. Cuối cùng đành phải đóng một cái hộp gỗ hai lớp, giữa nêm chặt hạt chống ẩm, khi mở máy chiến đấu thì tháo ra để quạt mát cho các hệ thống phát và nguồn, khi máy nghỉ thì đậy kín. Sau này cái hộp gỗ ấy được đưa về triển lãm sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở Quân chủng, các anh em trong phòng kỹ thuật vẫn nói đùa: "Cái hộp bẫy chuột". Cách chống ẩm cho quạt gầm bằng "Cái bẫy chuột" chỉ là phương pháp tình thế, nhưng đã giúp cho quạt gầm không cháy nữa.

        Lần cuối tôi đến Đại đội 34 là ba mươi tết năm đó. Sáng sớm, từ sở chỉ huy trung đoàn đóng ở Mai Lịch, Mai Châu trực ban kỹ thuật điện về, báo: "Cả hai máy của Đại đội 34 bị hỏng". Đồng chí Trực - chủ nhiệm kỹ thuật cử ngay một đoàn gồm tôi, anh Lê Trọng Bích, trạm trưởng sửa chữa và hai thợ lên xe KPA3-1Π đi ngay.

        Chúng tôi dự định sẽ cùng ăn tết với Đại đội 34 nên khi cắt cơm đã mang theo bánh chưng và tiêu chuẩn hàng Tết mới được phân phối.

        Xe khởi hành lúc 7 giờ kém, xuống đến Miền Đồi đúng trưa. Đến đoạn gần nhà cô Nhiên do mưa đường trơn, xe bị trôi tụt xuống vệ đường. Chúng tôi đang loay hoay tìm cách kéo xe lên thì bà con Miền Đồi ùa ra chật kín dốc. Đồng chí chủ tịch xã báo động triệu tập dân quân đến, mỗi người một tay xúm vào đưa được xe lên ngay.

        Cô Nhiên săn đón mời chúng tôi vào nhà ăn Tết. Anh Bích chỉ lái xe Phú, nói vui:

        - Nhờ bà con trông hộ lái xe bao giờ xong việc chúng tôi xuống vui xuân cùng bà con!

        Thấy việc quân sự là "hỏa tốc" nên bà con đồng ý để chúng tôi lên núi. Hôm đó đại hàn rét lắm nhưng lên đến đỉnh núi áo mọi người cũng ướt đẫm mồ hôi. Anh Bích và Hanh, thợ Π10 vào chữa máy 513K, còn tôi và Bằng vào chữa Π12. Do khi vận chuyển bị va chạm nên chân đèn trộn tần máy thu Π12 bị long, lấy đèn mới thay, máy tốt hơn trước nhiều. 513K chữa lâu hơn, phải dò sơ đồ nguyên lý dùng đồng hồ ABO-5M đo mới phát hiện thấy thủng tụ lọc nguồn hiện sóng nhìn vòng. Sửa chữa xong, hiệu chỉnh toàn bộ máy cho các tham số thật tốt, chúng tôi chúc tết anh em ở hai trung đội 513K và Π12, tặng anh em 5 chiếc bánh chưng và một số quà tết mang theo rồi chia tay.

        Xuống núi, tôi thấy bâng khuâng: "Thế là trên đỉnh Hăng le cao tít, quanh năm mây mù bao phủ ấy chỉ còn lại hơn chục lính rađa ăn Tết".

        Về đến nhà Nhiên khoảng 4 giờ chiều, khắp nhà sàn thịt, lòng lợn luộc thái to bày la liệt trên các tàu lá chuối non. Bà con niềm nở rót rượu mời chúng tôi. Từ sáng chưa kịp ăn cơm, đoàn chúng tôi ai cũng đói lả nên bữa cỗ Mường hôm đó thật ngon.

        Khi ra về, bà con tặng bao nhiêu là thịt, rượu. Riêng Nhiên đưa cho tôi hai sọt quýt to, bịn rịn nói:

        - Bao giờ các anh quay lại Miền Đồi?

        Cầm tay Nhiên, tôi an ủi:

        - Sẽ có ngày!

        Phú cắm xong cành đào vào đầu xe, chúng tôi và bà con Miền Đồi vẫy tay tạm biệt trong tình thương yêu như những người thân trong gia đình.

        Từ đó đến nay tôi không giữ được lời hứa với Nhiên, chẳng có dịp quay lại Miền Đồi.

        Trên đường đi tiếp đến Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tôi miên man nghĩ về những ngày tháo máy ở Đại đội 34, nghĩ về bà con Miền Đồi và những quả quệt chín mọng mà Nhiên tặng bộ đội rađa. Chính những thứ đó đã góp một phần nhỏ vào thành tích của bộ đội rađa, trong đó có chiến thắng điện Biên Phủ trên không lịch sử tháng Chạp 1972 và bao nhiêu chiến thắng khác.

Tháng 10 năm 2003       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 02:47:45 pm »

       
MẤY SUY NGHĨ VỀ BẢO ĐẢM HẬU CẦN,
KỸ THUẬT CỦA BỘ ĐỘI RAĐA

TRẦN LIÊN       

        Đội hình bố trí của bộ đội rađa rất phân tán, rộng khắp trên mọi miền của đất nước, cả ở biên giới, hải đảo đồng bằng, trung du và rừng núi.

        Trong cuộc chiến tranh vừa qua, đường sá giao thông chưa phát triển, nhất là ở vùng rừng núi biên giới, tiếp tế vận chuyển khó khăn, lại ở vùng khí hậu nhiệt đới, nóng nắng, mưa bão nhiều, độ ẩm cao trên 80% nên khí tài điện tử rất dễ hư hỏng.

        Công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho bộ đội rađa, một binh chủng kỹ thuật điện tử phải phát sóng chiến đấu liên tục ngày đêm, cả bốn mùa, trong mọi điều kiện thời tiết rất khó khăn phức tạp.

        Công tác bảo đảm không chỉ đơn thuần cung cấp lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng, nhà cửa, ăn ở mà còn phải bảo đảm một lượng dự trữ nhiên liệu, xăng dầu lớn cho hoạt động liên tục của khí tài.

        Ở vùng rừng núi biên giới các trạm rađa thường bố trí trên cao, xa dân, vùng hải đảo thường xuyên bị sóng gió nước mặn làm han rỉ khí tài. Ở các khu vực này nước ngọt và thức ăn tươi sống cho sinh hoạt càng khó khăn. Mùa mưa bão trên đất liền thì đường sá hư hỏng sạt lở ngoài biển thì gió to sóng lớn việc vận chuyển tiếp tế dễ bị đứt đoạn. 

        Thời kỳ đầu mới triển khai (1959) với một hai trung đoàn, với hơn mười trạm rađa quanh Hà Nội và vùng phụ cận, việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đều do Cục Hậu cần Quân chủng Phòng không đảm nhiệm. Lúc này Quân chủng cũng chỉ mới có bộ đội pháo cao xạ và rađa số lượng còn ít. Từ năm 1963 sau khi sát nhập Cục Không quân về thành Quân chủng Phòng không - Không quân, vừa phải gấp rút xây dựng thêm lực lượng, vừa triển khai chiến đấu như bộ đội tên lửa, không quân; số lượng trung đoàn của binh chủng trong Quân chủng ngày càng lớn, việc lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng cũng như bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trực tiếp từ Quân chủng đến từng trung đoàn lại càng khó bảo đảm.

        Đầu năm 1967 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập các Bộ tư lệnh các binh chủng Tên lửa, Không quân và Rađa trực thuộc Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân để từng binh chủng chuyên sâu tổ chức xây dựng, chỉ huy, lãnh đạo bảo đảm mọi mặt của binh chủng mình cho phù hợp. Bộ đội rađa được trang bị thêm khí tài cho các trạm (mỗi trạm có từ 2 đến 4 đài) đội hình được mở rộng trường cảnh giới cả miền Bắc, nhất là ở tuyến trước. Việc bảo đảm chỉ huy, lãnh đạo cũng như bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trở nên rất khó khăn phức tạp.

        Sau tháng 4 năm 1975 khi đất nước đã thống nhất, bộ đội rađa có lúc đã lên tới 6 trung đoàn với 40 đến 50 trạm, với hàng trăm đài các loại bố trí khắp cả nước và cả trên đất bạn Lào và Campuchia. Việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phải chuyển sang phương thức hậu cần tại chỗ dựa vào sự giúp đỡ của các quân khu, mặt trận đối với các trạm rađa trong đất liền, và của các vùng hải quân đối với các trạm rađa hải đảo. Công tác bảo đảm hậu cần tại chỗ này bao gồm cả cung cấp lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng, thuốc men y tế, xăng dầu nhiên liệu với lượng dự trữ 3 đến 6 tháng tại các trạm rađa, tùy theo mùa và tình hình giao thông vận chuyển từng khu vực. Việc làm công sự, ngụy trang cơ động, cấp cứu thương bệnh binh, chôn cất từ sĩ phải liên hệ với các đơn vị dân quân địa phương, trạm cứu thương gần nhất giúp đỡ giải quyết mới kịp thời thực hiện được. Binh chủng Rađa phải lập kế hoạch dự trù chi tiết, thông qua hậu cần Quân chủng đề nghị lên Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng phân cấp cho hậu cần các quân khu, mặt trận, vùng hải quân hàng năm bảo đảm.

        Về bảo đảm kỹ thuật những sửa chữa đột xuất cơ khí nhỏ (động cơ, xe cộ...) nhờ vào các trạm xưởng cơ khí tại chỗ của các xí nghiệp trong và ngoài quân đội, nông trường, các đơn vị của quân khu còn phần điện khí thì bộ đội rađa phải đảm nhiệm. Biên chế cho các trạm có thợ rađa, trung đoàn và binh chủng có trạm sửa chữa và trang bị theo đài một số lớn phụ tùng dự trữ cần thiết để trạm có thể tự sửa chữa nhỏ. Trạm sửa chữa của trung đoàn và binh chủng có kế hoạch luân lưu để bảo dưỡng khí tài tại chỗ ở các trạm theo định kỳ và cử thợ đi sâu sửa chửa cấp tốc đối với khí tài hỏng đột xuất. Công tác trung đại tu rađa theo định kỳ sẽ đưa về các xưởng sửa chữa của Quân chủng và của Bộ Quốc phòng (Z119 ở phía Bắc và A29 ở phía Nam). Phương thức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trên đã được thực hiện suốt cuộc chiến tranh ở miền Bắc cũng như sau này đất nước đã được giải phóng hoàn toàn trong hòa bình.

        Ngày nay với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Tổ quốc đang ngày càng tiến lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giao thông phát triển, nhiều khu vực công nghiệp mọc lên ở mọi miền thì việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật tại chỗ cho bộ đội rađa có nhiều thuận lợi hơn.

        Với những kinh nghiệm đã có việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho rađa và các binh chủng kỹ thuật ngày nay sẽ được giải quyết tại chỗ do hậu cần, kỹ thuật các Bộ tư lệnh khu vực chiến lược trong đó có tổ chức các Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân khu vực đảm nhiệm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 02:50:23 pm »

       
KỶ NIỆM THÁNG BA

ĐÔ NGHỊ         

                                Tháng bay về với trung đoàn,
                                Nắng hong, ban nở đại ngàn trắng hoa.
                                Chập chờn đỉnh núi mờ xa
                                Lẫn trong mây cánh rađa nép rừng.
                                Gặp nhau tay bắt mặt mừng
                                Dưới lòng hanh lạnh canh chừng tin đưa.
                                Ngẫm về thủa ấy ngày xưa
                                Ơi đoàn Tô Hiệu ta chưa quên mình.
                                Lát già, nứa rậm Chiềng Sinh
                                Chở che ta đậm nghĩa tình rẻo cao.
                                Tháng ba: Bọ chó - gió Lào
                                Miền Tây Bắc nhớ nôn nao một thời.
                                Rừng sâu nắng rát, mưa rơi
                                Cùng rađa giữ bầu trời bao la
                                Yêu người Hát Lót, Tà Sa
                                Mộc Châu, Phố Vãng nuôi ta đi về.
                                Hội xuân qua bản Chiềng Ve
                                Được em dắt lối đi nghe khèn chiều
                                Mắt cười trao tặng khăn piêu
                                Rượu cần uống ít ngắm nhiều mà say.
                                Nhịp xòe tay ấm trong tay
                                Vung văng ngây ngất men cay rượu nồng.
                                Tháng ba với lính phòng không
                                Là rađa khuấy nỗi lòng xa xăm.


Tháng 3 năm 2002         

        Ghi chú: Suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới, đoàn rađa Tô Hiệu chiến đấu trên vùng trời Tây Bắc Tổ quốc. Những ngày gian khổ mà oanh liệt ấy đã để lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 02:53:00 pm »

       
RAĐA TRONG 12 NGÀY ĐÊM ĐÁNH B-52

HỮU HÙNG         

                               Hiệp định Pa-ri vừa dự thảo xong
                               Kit-xinh-giơ lại giở lắm mưu gian
                               Miệng vừa nói hòa bình đang gần tới
                               Đã vội bay về Mỹ chuẩn bị bom
                               Quân chủng chỉ thị phải cảnh giác
                               Hiệp đinh Pa-ri không ký được
                               Chúng sẽ dùng đền "át chủ bài"
                               Đánh vào Thủ đô gây áp lực
                               Nếu B-52 mò ra gây tội ác
                               Dù cho nhiễu có nặng nề dày đặc
                               Phải bắn rơi trên cửa ngõ Thủ đô
                               Bắt giặc lái không cho chúng nó thoát
                               Rađa phải phát hiện thông báo xa
                               Không để các đơn vị bị bất ngờ
                               Với Quân chủng đây là một thời cơ
                               Lập công lớn góp phần xoay cục diện
                               Tư lệnh rađa sục sôi phấn chấn
                               Hối hả ngược xuôi tranh thủ thời gian
                               Những kinh nghiệm 290 phổ biến đầu tiên
                               Rồi tập huấn quy trình thao tác mới
                               Trường rađa được đem ra xem lại
                               Bố trí sao cho phát hiện thật xa
                               Tận dụng các đài dẫn đường cho máy bay ta
                               Làm cánh sóng lướt sườn khi quân thù bay tới
                               Các trắc thủ đắm mình trong buồng tối
                               Một cuộc đấu tranh thử chí đọ tài
                               Con mắt căng ra nhức nhối đêm ngày
                               Mùa đông rồi mà hai vai ướt đẫm
                               Cơn buồn ngủ không sao cưỡng được
                               Chớp một giây thôi khi đường quét vẫn xoay
                               Trong không gian đã có cái gì đây?
                               Ôi! rađa vẫn tội nhiều mà công ít.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 02:56:03 pm »

        
VIẾNG BẠN

NGUYỄN ĐẮC TẤN        

                              Nếm cái rét tháng giêng - gọi ta về cõi nhớ
                              Trong giấc ngủ mơ màng nghe nhịp tàu đang thở
                              Đưa ta về đâu như bay khắp không gian
                              Đất nước - mùa xuân dệt cánh én rộn ràng
                              Đồng chiêm trũng đang còn vụ cấy
                              Yên Lợi đây rồi - nhớ thương biết mấy
                              Nơi bạn ta đang yên giấc ngàn thu
                              Cuộc đời người như áng phù du
                              Mới còn đó - bây giờ trở thành thiên cổ
                              Bao kỷ niệm khó quên những ngày bom rơi, đạn nổ
                              Sống chết bên nhau cùng chia nửa chiến hào
                              Tình cảm anh em lúc gọi mày tao
                              Khi cáu giận nâng lên tầm đồng chí
                              Ý hợp tâm đầu cùng chung dòng suy nghĩ
                              Cuộc sông tuy nghèo nhưng tình cảm bao la
                              Xẻ áo nhường cơm, giao cả cửa nhà
                              Để con bạn ở, những ngày xa quê đi học
                              Gợi kỷ niệm khó quên nói bằng nước mắt
                              Trước mặt ta rồi - giữa cánh đồng lộng gió quạnh hiu
                              Nấm mộ cỏ xanh đắp nắng nhẹ trời chiều
                              Tấm bia đá khắc tên nguội đã khuất
                              Chú Hiếu, chú Sơn nhìn ta lau nước mắt.
                              Dưới suối vàng Thiêm, Kỷ có hay?
                              Nén hương trầm tỏa khói bay bay
                              Trời khép nắng ta xin chào vĩnh biệt
                              Ông bà cụ ôm ta - vuốt ve thân thiết
                              Nhắc chuyện xưa, cách mấy chục năm trước anh về
                              Làng Bình Điền nghèo lắm một vùng quê
                              Nay anh trở lại có phần đổi mới
                              Lá xanh rụng - lá vàng đang đợi.
                              Tuổi xấp xỉ chín mươi như trẻ lại một phần
                              Bữa cơm nghèo nhưng đượm hương vị ngày xuân
                              Cũng bò húc, rượu ngâm, thịt gà, thịt lợn
                              Anh thợ ảnh người nhà cuối xóm
                              Đem máy hình ghi cuộc hội ngộ hôm nay
                              Ngày hết rồi phải đến lúc chia tay
                              Hai cụ đứng bên hiên mắt nhìn theo bịn rịn
                              Chú Hiếu đánh xe dẫn đường đưa tiễn
                              Tôi ngoảnh nhìn về ngôi mộ phía trời xa
                              Tôi ra về trong nỗi thương nhớ thiệt tha!
 

Yên Lợi 26 tháng giêng Ất Dậu 2005      
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 03:00:57 pm »

                             
NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI LÍNH RAĐA

TÂM TRINH       

                              Là người lính phòng không của đất nước
                              Canh biển trời cho cuộc sông bình yên,
                              Không lơ là phải cảnh giác thường xuyên
                              Để sớm biết khi trên trời có giặc!
                              Anh có mặt trên Trường Sơn núi khuất
                              Tận Trường Sa, tận Phú Quốc xa xôi
                              Từ Đồng Văn đến đất mũi vắng người
                              Giữa làng mạc ấm tình dân thân thuộc!
                              Anh đứng gác cả bốn mùa thời tiết
                              Không tính ngày chẳng giờ giấc tháng năm
                              Giữa gió sương, mặc bão táp mưa giông
                              Đông lạnh buốt với nắng hè khắc nghiệt!
                              Nơi anh ở là núi cao chót vót
                              Máy anh dùng, anh tháo gọn gùi lên
                              Từng giọt xăng, anh phải tính ngày đêm
                              Để bảo đảm cho từng giờ máy trực!
                              Cuộc chống Mỹ đã bao năm canh thức
                              Bao nhiêu ngày đấu trí lực ngày đêm
                              Đầy hy sinh, không giây lát sờn gan
                              Bom nổ cạnh, dây trời vẫn phát sóng!
                              Đã bao đợt, địch đánh vào máy hỏng
                              Có lệnh trên cơ động phải dời ngay
                              Anh đặt luôn dây trời giả vào thay
                              Máy bay địch đã mắc lừa tưởng thật!
                              Càng thất bại, giặc Mỹ càng xảo quyệt
                              Tìm đủ trò làm tê liệt rađa
                              Nào Sơ-rai, nào nhiễu chặn từ xa
                              Nào bay thấp nào bay cao hiểm hóc!
                              Vỏ quít dày đã có móng tay sắc
                              Có bay vào mà chẳng thấy chúng ra
                              Lửa phòng không kết hợp lưới rađa
                              Tiêu diệt gọn không tên nào để thoát!
                              Giờ Tổ quốc đã hòa bình độc lập
                              Càng tự hào với sứ mệnh canh trời
                              Để con thơ ngon giấc ngủ trong nôi
                              Để đôi lứa xuân lại về hạnh phúc!
                              Và đất nước ngày dựng xây vững chắc
                              Hãy luôn luôn cảnh giác với kẻ thù
                              Cùng nhân dân nhạy cảm mọi mưu mô
                              Khi kẻ địch lại giở trò khiêu khích!
                              Binh chủng bốn lăm năm ngày thành lập
                              Tự hào thay một binh chủng anh hùng
                              Hãy vươn lên, trọn đời vì Tổ quốc
                              Giữ bầu trời nguyện mãi thức mãi canh!

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM