Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:36:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30189 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 08:03:46 pm »

       
TÂM HỒN NGƯỜI CHIẾN SĨ RAĐA

HOÀNG VĂN NGỮ                         
Đại tá Nguyên Chính ủy Binh chủng Rađa       

        Tôi chuyển về công tác ở binh chủng từ tháng 3 năm 1967. Nhiệm vụ mới ở cương vị cao hơn đến với tôi làm sao khỏi những ngày đầu không băn khoăn, lo lắng. Nhìn những cỗ máy hiện đại, giàn ăng ten lặng lẽ, mải miết quay với những con người điềm tĩnh trầm mặc đang ngày đêm bảo vệ bầu trời Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao cho: Phát hiện xa, nhanh, đúng, đủ, liên tục, kịp thời, không để sai sót, lọt, chậm mọi loại máy bay của đích. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các máy bay quốc tế, dân dụng, máy bay chiến đấu của ta.

        Hôm nay, lắng nghe những âm thanh của ngày đã qua vọng về 25 năm phát sóng canh trời của bộ đội rađa và 15 năm kể từ ngày thành lập binh chủng, tôi không được may mắn là người đang trực tiếp chiến đấu, huấn luyện cùng đội ngũ. Cái tuổi tác, sức khỏe đâu có chiều theo ước vọng của lòng người, nhưng hai tiếng rađa vẫn âm vang trong lòng. Bao nhiêu kỷ niệm về cuộc sống và chiến đấu mình đã trải qua ấy là bấy nhiêu niềm tin mà mỗi khi nghĩ lại, hoặc khơi dậy nó lên dẫu chỉ là nhỏ thôi, tức thì nó rạo rực trong lòng, cháy bừng và cảm thấy mình như đang về với những ngày oanh liệt đó.

        Là cán bộ chính trị trong Bộ tư lệnh binh chủng, tôi thấy công việc của người làm công tác chính trị thật là phong phú. Lại là một binh chủng kỹ thuật, nó không chỉ đơn thuần như các đơn vị khác và cũng không như một số quan niệm sai lầm làm chính trị chỉ biết vùi đầu vào sách vở, viết lách... mà mối bước đi, mỗi sự chuyển biến của cách mạng là một đề tài mới đòi hỏi người cán bộ phải có cách nhìn sáng tạo để đáp ứng với yêu cầu của đơn vị. Làm sao nói hết được một bức tranh vô tận, nóng rực chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà 25 năm qua mỗi chặng đường lại được nhân lên gấp bội, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của dân tộc.

        Năm 1967, với những thất bại liên tiếp của không quân Mỹ trong các đợt leo thang bắn phá ác liệt vào các yết hầu giao thông và các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh tế, công nghiệp làm cho Nhà Trắng phải ôm đầu để khỏi "Cái đau của sự thất bại" hành hạ. Bộ máy chiến tranh của Mỹ lại "leo thang mới" vạch ra một kế hoạch khác. Nhưng trên bản đồ Việt Nam, những điểm yết hầu giao thông, điểm yết hầu kinh tế vẫn không thoát khỏi nòng chi đỏ được chúng tô đi tô lại chỉ khác là mục tiêu đánh phá của chúng không rải rác ở các điểm riêng mà tập trung đánh toàn bộ vào 6 hệ thống mục tiêu then chốt: Điện lực, công nghiệp, giao thông, cơ sở quân sự, kho nhiên hếu và hệ thống phòng không, hòng gây áp lực ngày càng tăng để miền Bắc chấm dứt chi viện cho miền Nam.

        Đối với ta, kể từ khi đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam rồi dựng lên sự kiện "Vịnh Bắc Bộ" để lấy cớ "Hợp pháp" phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, trải qua các giai đoạn đánh phá của địch, lực lượng phòng không lớn mạnh không ngừng. Nhiều trung đoàn, tiểu đoàn được thành lập để đáp ứng với yêu cầu tác chiến phòng không.

        Bộ đội rađa cũng trưởng thành nhanh chóng, từ các vọng quan sát đầu tiên đến nay cũng có tới 4 trung đoàn Do yêu cầu chiến đấu khẩn trương ngày 24 tháng 3 năm 1967 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh chủng Rađa. Bốn trung đoàn 290, 291, 292, 293 đóng rải khắp từ miền Trung khói lửa đến miền núi xa xôi hẻo lánh vùng Tây Bắc, chiến đấu trong đội hình của binh chủng các đồng chí cán bộ chỉ huy lãnh đạo đầu tiên của binh chủng là: Trung tá Lương Hữu Sắt - Tư lệnh phó quyền Tư lệnh, tôi là Phó chính ủy quyền Chính ủy, trung tá Đào Văn Dương - Tham mưu trưởng, trung tá Nguyễn Đăng Tuất - Chủ nhiệm chính trị, thiếu tá Nguyễn Văn Thưởng - Chủ nhiệm hậu cần, thiếu tá Hoàng Tấn Chỉnh - Chủ nhiệm kỹ thuật. Nhiệm vụ cụ thể đầu tiên mà đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài giao cho là: Thường xuyên ngày đêm cảnh giác, phát hiện mọi loại mục tiêu địch xâm phạm không phận miền Bắc ở mọi độ cao, đặc biệt là đối với máy bay bay thấp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 08:04:26 pm »

        Là binh chủng bảo đảm chủ yếu trong đội hình chiến đấu của Quân chủng, lại được thành lập sau so với các binh chủng khác nên vừa phải sẵn sàng chiến đấu, vừa phải xây dựng và phát triển lực lượng luôn luôn được trang bị các khí tài mới và nhiệm vụ luôn được đặt ra nặng nề hơn lúc này là một số cán bộ dân chính đang được điều vào binh chủng. Hai tiếng rađa đối với họ thật là mới mẻ và không ít ngỡ ngàng. Nhìn những cỗ máy đồ sộ, với những núm vặn dày đặc, cái đơn giản nhất là mở tắt máy cũng chưa biết thế nào. Trình độ chiến sĩ hầu hết lớp 7, chưa qua trường lớp nghiệp vụ gì. Kẻ địch thì vũ khí hiện đại, phương tiện chiến tranh luôn được cải tiến tinh vi. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ chiến sĩ không những nắm được máy, làm chủ được máy mà còn phải làm chủ trận địa tạo ưu thế chiến thuật thì mới đánh bại mọi âm mưu của địch. Trong các cuộc họp Đảng ủy và các chỉ thị cho các đơn vị chúng tôi đều nhấn mạnh:

        Mỗi cán bộ đảng viên, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần cách mạng và ý chí tiến công liên tục. Không ngại khó khăn gian khổ luôn luôn rèn luyện mình có ý thức dám nghĩ dám làm. Ra sức học tập tốt không kể mọi thời gian để nắm vừng khí tài. Tất cả vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời thân yêu.

        Thường vụ giao công việc này cho tôi và anh Tuất - Chủ nhiệm chính trị chỉ đạo và theo dõi.

        Chúng tôi đang phát động một phong trào thi đua, học tập. Các đồng chí cán bộ kỹ thuật ở binh chủng viết giáo án và tỏa ra các đơn vị để giúp đỡ. ở đơn vị cơ sở mở lớp học tại chỗ. Lúc đầu chỉ mở một số lớp cho các đồng chí đã am hiểu ít nhiều về rađa, sau đó số cán bộ này trực tiếp về các đơn vị mở lớp bồi dưỡng phương châm ai biết nhiều giảng cho người biết ít: "Chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học" là khẩu hiệu trung tâm cho mọi cán bộ, chiến sĩ hướng tới và phấn đấu sử dụng mọi thời gian, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để nắm vững khí tài kết hợp học với hành tại chỗ. Các trung đoàn giao ước với nhau, ở đại đội người người thi đua học tập. Lần tôi xuống Trung đoàn 291, 293 đêm đã khuya ở đâu cũng sáng lên ánh đèn cán bộ chiến sĩ chụm đầu vào nhau thảo luận. Những mái đầu lốm đốm bạc bên những mái đầu đen mượt. Những con mắt tỏa sáng trên trang giấy, trên sàn máy, tìm tòi truy trao học tập.

        Kết quả chỉ sau một thời gian học tập, hầu hết anh em cán bộ, chiến sĩ đã nắm được tính năng kỹ thuật cơ bản, thành thạo mở máy và thao tác chống nhiễu, đảm bảo chiến đấu liên tục được trong mọi tình huống.

        Trong chiến tranh, bất cứ loại chiến tranh gì nhất là chiến tranh điện tử, đế quốc Mỹ luôn luôn lấy phương châm đánh nhanh rút nhanh, muốn vậy phải tìm một ưu thế chiến thuật bất ngờ, chủ động, cũng như trong một trận đấu võ nếu tạo được một thế đứng, có những động tác điêu luyện là tìm được sơ hở, đánh đúng vào điểm huyệt của đối phương thì nhất định giành được phần thắng. Sau ba năm thất bại liên tiếp ở các chiến trường đặc biệt là các chiến dịch "Sấm rền" chúng lại giở trò mới và thay đổi thủ đoạn. Chúng muốn tìm một kẽ hở nào đó trong chiến thuật hòng làm cho ta trở tay không kịp. Chúng cho rằng hạ thấp độ cao bay sâu vào nội địa sẽ tránh được hỏa lực của ta. Bay thấp còn tránh được "Mắt thần", bởi vì lúc ấy chỉ đi dưới mép cánh sóng rađa làm cho ta khó phát hiện được do sóng điện tử ở đó mỏng, ít, không đủ công suất thu về hiện rõ trên màn hiện sóng. Các trạm rađa của ta lúc này như đại đội 14, đại đội 19, đại đội 25... chủ yếu là ở trong làng, bị ảnh hưởng của cây cối lớn và nhà cửa cho nên không phát huy hết ưu thế chiến kỹ thuật. Yêu cầu cấp bách nhất của Bộ tư lệnh là các đơn vị này phải chuyển ra đồng để có mặt phản xạ tốt, không bị nhiễu địa vật cố định che khuất để cảnh giới xa, phát hiện máy bay địch ở các tầng, các hướng.

        Một số cán bộ, chiến sĩ cho rằng ra đồng dễ bị lộ, phải làm công sự với hàng trăm mét khối đất đá, xây dựng nhà cửa, đường xá và biết bao công trình sinh hoạt khác, đến lúc nào xong được. Một mặt có số anh em ngại khổ, xa dân, cuộc sống không được thuận lợi như trước nữa. Một số người chưa hiểu ý đồ chiến thuật, có tiếng ra, tiếng vào cho cấp trên là thế này thế nọ, làm cho anh em hiểu được và có trách nhiệm không phải là đơn giản.

        Tôi với anh Tuất - Chủ nhiệm chính trị bàn với nhau trước hết phải lấy cán bộ đảng viên làm nòng cốt, đầu tàu gương mẫu không để những ý nghĩ đơn giản lấn át. Nêu cao vai trò trách nhiệm, có tinh thần cách mạng tiến công để nhận và hoàn thành mọi nhiệm vu. Sau khi cán bộ đảng viên đã nắm vững chủ trương của thường vụ Đảng ủy, thì mở rộng ra quần chúng bằng nhiều hình thức. Một đợt sinh hoạt diễn đàn thanh mền được tiến hành ở các đại đội đại đội 19 ở Quảng Thành, đại đội 25 ở Kiến Xương, đại đội 14...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 08:05:39 pm »

        Kết quả đem lại rất tốt đẹp, không những đã động viên thuyết phục anh em hiểu được yêu cầu mục đích cơ động trận địa mà còn gây được lòng tin đối với nhân dân, cho nên trong quá trình làm công sự, cơ động, các đơn vị đã được nhân dân tận tình giúp đỡ. Lần ấy xuống Đại đội 19 có một chi tiết nhỏ làm tôi nhớ mãi:

        Cán bộ, chiến sĩ đại đội 19 cùng nhân dân xã Quảng Thành đang khẩn trương đào đắp công sự ngay trong đêm đó. Đất lật lên từng lớp ngào ngạt mùi thơm mới. Một cô gái đứng gần tôi vừa làm vừa hát:

Quê hương em đồng xanh bát ngát
Cho máy anh phát sóng canh trời.

        Không may, chiếc xẻng gặp phải hòn đá nghiêng lưỡi vấp phải bàn chân bên phải. Một dòng máu tứa ra. Cô gái lặng lẽ rút chiếc khăn mùi xoa trên mái tóc buộc vết thương. Không ai nhìn thấy, chỉ có tôi, tôi cảm động không nói nên lời cứ nhìn mãi chiếc khăn mùi xoa đang thấm dần máu. Tôi đi lại gần cầm lấy chiếc xẻng và nói:

        - Cháu nghỉ đi và cố rịt lại vết thương, để bác làm cho, cô gái ngước mắt nhìn tôi nói:

        - Không sao bác ạ, cháu còn làm được, bác còn phải bao nhiêu việc mà, nghe mấy anh bảo tối nay phải gấp rút hoàn thành công sự, phải không bác.

        Một cảm giác lạ dâng lên trong lòng. Tôi lặng lẽ đứng nhìn cô gái. Đẹp biết bao, cái đẹp của lòng người yêu nước, vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, quân với dán ra sức làm, kẻ đào, người xúc không nghỉ, Một niềm vui xôn xao trong lòng, bởi ở đâu xa ngay tại mảnh đất này, chỗ tôi đứng đây là nhịp điệu của bản hùng ca sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tươi rói tình quân dân, tô đậm nét đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Bác Hồ đề ra và dày công vun đắp.

        Ở Kiến Xương cũng vậy, trong những ngày anh em Đại đội 25 chuyển ra sống và chiến đấu ngoài đồng có khi chỉ một đĩa lạc rang, củ khoai luộc thêm ấm lòng và niềm tin của người chiến sĩ. Chúng tôi như có một điểm tựa vững chắc mà kẻ thù hiện đại đến đâu, xảo quyệt đến mức nào cũng không thể nào phá vỡ nổi.

        Chính vì vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn - một ngày một đêm các đơn vị được lệnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa tất cả máy móc khí tài ra trận địa mới, đảm bảo an toàn, bí mật trận địa nằm giữa đồng, lợi dụng mặt bằng làm mặt phản xạ để phát huy hết ưu thế tính năng kỹ thuật chiến đấu của đài rađa vươn cánh sóng xa hơn. Dù cho địch trăm phương ngàn kế bay nhiều tầng nhiều hướng cũng không thoát khỏi tầm mắt xa của các chiến sĩ, một khi trận địa và khí tài đã phát huy hết năng lực của khí tài và yếu tố con người.

        Trận địa có xa dân, không được cái cảnh đầm ấm thường xuyên nhưng trận địa vẫn ở giữa lòng dân. Một bát nước chè đỡ khát sau phiên trực, một tấm gỗ kê bệ máy và biết bao cành lá ngụy trang che mắt địch. Tất cả những cái đó là đoàn kết quân với dân một ý chí, vì sự nghiệp cách mạng, xuất phát từ tấm lòng yêu nước, của mỗi con người Việt Nam đã được hun đúc hàng ngàn năm lịch sử.

        Tinh thần cách mạng tiến công và ý chí tiến công liên tục, không ngại khó khăn gian khổ, dám nghĩ dám làm, không phải được phát động rộng rãi thời kỳ binh chủng thành lập, mà nó đã có một nguồn sâu xa từ ngày phát sóng canh trời. Tinh thần ấy đã được liên kết chặt chẽ, phát triển cùng với tiến trình đi lên của cách mạng và trở thành tiềm thức trong mọi suy nghĩ của người chiến sĩ rađa trong suốt 25 năm, đạp bằng mọi gian khổ, khó khăn để canh giữ bầu trời thân yêu của Tổ quốc.

        Đi ngược dòng thời gian, làm sống lại những ngày đầy gian nan nghiệt ngã - Thời kỳ 1965 - 1966 tôi không khỏi khâm phục những con người đưa rađa lên núi cao, vươn tới những tầm cao vũ trụ. Những con người sống và chiến đấu giữa núi rừng Tây Bắc, vùng đất mà hoa ban trắng nở, hoa đào khoe sắc không phai mờ hồn người chiến sĩ cộng sản năm xưa nằm lại nơi đây đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng gọi tiếp bước đàn em noi theo.

        Thời kỳ này, tôi đang công tác ở một trung đoàn pháo cao xạ phòng không, không được cùng sống với các chiến sĩ rađa để lên tới các "Cổng trời", nhưng qua báo chí, bạn bè đồng đội kể lại và tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, tôi mới thấy sức mạnh lớn lao biết bao kể cả tâm hồn và trí tuệ của những người chiến sĩ canh trời miền Tây Tổ quốc.

        Năm 1965 sau một năm địch xâm phạm vùng trời Tổ quốc, chúng đã dòm ngó đến Tây Bắc. Những đỉnh núi trùng điệp đứng chen vai nhau, là những đỉnh núi cao, những thung lũng là điều kiện thiên nhiên thuận lợi để địch tiến sâu vào nội địa ta.

        Các trận địa rađa của ta đang nằm phần lớn ở các thung lũng, lợi dụng các chân đồi choãi ra làm nơi đóng quân. Do đó cánh sóng thường bị những đỉnh núi cao án ngữ phạm vi phát hiện bị hạn chế. Đại đội 35, 39, 37 chỉ phát hiện được từ hành lang biên giới trở vào cho nên không thể đảm bảo thời gian thông báo tình báo cho các đơn vị hỏa lực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đối với không quân thì lại càng không đủ thời gian để có thể đến trước vùng đánh chặn được.

        Sau khi nghiên cứu - thảo luận ở các hội nghị quân sự thường vụ Đảng ủy Quân chủng ra nghị quyết quyết định các đại đội rađa miền Tây Bắc phải lên núi cao để giăng hàng rào điện tử đón lũ con ma, thần sấm "Hoa Kỳ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 08:06:37 pm »

        Cái khó khăn đầu tiên là làm sao tìm được trận địa, bởi vì trên núi cao không dễ gì tìm được trận địa có mặt phản xạ tốt. Mặt khác còn phải đảm bảo đường đi, đời sống cho bộ đội, rồi làm sao đưa máy lên cao để phát sóng, cuộc sống anh em bám trụ ngày đêm trên đó như thế nào? Khó khăn chồng chất khó khăn, cái khó khăn vất vả cứ luôn cập kề bên nhau đưa tới. Những cán bộ, chiến sĩ đã hiểu hết ý nghĩa của nó, những đồi cao có thể dễ bị lộ nhưng cũng rất thuận lợi cho ta vươn xa tầm nhìn đôi mắt. Đường xe lên không được, các chiến sĩ phải dùng đôi vai của mình, tháo gỡ từng khối một đưa máy lên cao. Mồ hôi làm vẹt mòn tảng đá. Bàn chân bấm máu dồn săn cứng lại. Các đơn vị chia thành kíp cứ 12 giờ hôm trước xuống thì 12 giờ hôm sau lên. Con đường mòn lên cao đã trở thành thân thuộc, đã giữ lại bao kỷ niệm gian nan khó nhọc của người chiến sĩ canh trời.

        Cán bộ các cấp trên thường xuyên xuống để động viên anh em, anh Trần Mỹ - Chính ủy Trung đoàn 292 luôn có mặt cùng anh em khuân vác, bộ đội lúc này có sức chịu đựng bền bỉ lạ thường. Đại đội 37 trong 5 ngày đêm hành quân đến đỉnh núi, vừa làm công sự, chuyển máy móc, dựng lán tạm để chiến đấu được ngay. Đại đội 35, tìm được trận địa rồi, cán bộ chiến sĩ phải về Hà Nội nhận máy. Đường xa hàng trăm ki-lô-mét, khó đi nhưng vẫn đảm bảo đúng thời gian, an toàn. Khi đưa được máy lên cao. Do yêu cầu đặt mặt phản xạ và hướng phát sóng chưa đạt lại phải di chuyển sang ngọn núi khác. Rồi Đại đội 39, 36... lần lượt lên cao giăng lưới đón không quân địch đã lên thế trận Đại đội 37, Đại đội 35 chốt ở hai vị trí Pa Hán, Phù Tĩu là hai đơn vị chủ công của trung đoàn, làm cho địch phải hoảng sợ, chúng cho Đại đội 37 là trạm rađa lớn nhất Bắc Việt. Vì thế chúng không tiếc gì dội xuống đồi C400 hàng trăm tấn bom đạn hòng hủy diệt sự sống của Đại đội 37. Với tinh thần dũng cảm kiên cường, trung đội súng máy 14 ly 5 của Đại đội 37 đã bám trụ không mệt mỏi, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Dưới tầm bom đạn địch, đôi mắt sáng ngời ý chí cách mạng tiến công, nhìn thẳng vào kẻ thù nổ súng. Phẩm chất cao đẹp của các chiến sĩ Đại đội 37, tiêu biểu là Đào Công Trực, Đoàn Văn Mơ... càng tô điểm thêm vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

        Trận tuyến của các chiến sĩ rađa vùng Tây Bắc đâu chỉ ngày một ngày hai, cũng không chỉ riêng trong những ngày khốc liệt của chiến tranh. Mà đến hôm nay, mai sau họ còn phải bám trụ trên đó để phát sóng bám trụ canh trời, đỉnh núi cao, sương mù bao phủ quanh năm. Mùa đông không giọt mưa rơi, rét kéo về tê tái. Mùa hè nóng hôi hổi, gió nóng thổi về rút hết cái tươi mát, trong lành. Không một tối phim, không một tối văn nghệ. Một mảnh thư nhà chung nhau đọc, tờ báo cũ san sẻ từng câu. Tối tối chụm đầu vào nhau bên chiếc đài nghe tin quê hương, đất nước, cơm bữa no bửa đói. áo lành đùm áo rách. Thiếu thốn tình cảm là thế nếu cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không có một tinh thần cách mạng cao, xác định tốt vị trí chiến đấu của mình thì làm sao vượt qua mọi khó khăn để có một tinh thần trụ vững trên đó.

        Có một lần tôi với anh Tuất và các đồng chí cán bộ Đoàn Tô Hiệu đi thăm và kiểm tra một số đơn vị vùng Tây Bắc. Leo cái dốc Đại đội 37, Đại đội 35 thở ra mang tai. Đi được một đoạn lại bám đá tai mèo hai bên để nghỉ - Phải vứt bỏ giày dọc đường, mới đi được tiếp. Thế mà anh em vẫn sống tươi vui, dẻo dai ở trên đó. Rừng núi có thêm tiếng nói cười, tiếng đàn tiếng hát sau phiên trực của các chiến sĩ, con chim cũng muốn đậu gần hơn. Hôm nay, mỗi khi nhắc đến tôi lại thấy xôn xao trong lòng. Tình thương, sự trìu mến trào lên và cũng đủ niềm tin khẳng định lớp con em mình đang sống và chiến đấu trên đó một niềm tin tất thắng và mãi mãi là người chiến thắng, dù kẻ thù nào, hung bạo đến đâu cũng không khuất phục nổi.

        Tôi làm sao nói hết được cái sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua tâm hồn người chiến sĩ rađa, bởi nó nhiều quá, không thể lược tếch được để nói cái gì bỏ cái gì? Cái gì cũng quý cũng muốn trang trải và trong tôi cũng không bao giờ hết cảm kích. Những con người qua đi như Đào Công Trực, Đoàn Văn Mơ, Phan Sĩ Yêng... để thế trận rađa càng vươn cao. Một lớp người khác càng tới nhiều, càng đông hơn, mạnh mẽ hơn như dòng sông chảy dâng về biển cả. Nguyễn Văn Giăng dùng kỹ thuật thao tác bắt máy bay bay thấp. Đinh Hữu Thuần, Nghiêm Đình Tích tìm ra phương pháp thao tác chống bom tự dẫn của địch khi bắn vào rađa và phát hiện B-52 khi chúng bay vào Hà Nội. Biết bao con người khác, họ luôn luôn học tập sẵn sàng chiến đấu trên mọi chiến trường từ Bắc chí Nam và ở nước bạn. Họ hiểu rằng, nếu chỉ lơi là một giây thôi thì có thể có hại rất lớn mà không ai lường nổi. Lời huấn thị của đồng chí Trường Chinh với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 290 tháng 2 năm 1959 cũng là lời huấn thị cho tất cả cán bộ chiến sĩ rađa cả hôm nay nay và ngày mai: "Thời bình cũng như thời chiến bộ đội rađa cũng luôn làm nhiệm vụ phía trước, dù các đồng chí đặt máy ở Hà Nội vẫn là vị trí tuyến đầu. Không phút nào được lơi là tinh thần cảnh giác cách mạng, phải phát hiện từ xa và không bỏ sót...".

        25 năm qua đi, năm tháng và cuộc đời đã gắn chặt với người chiến sĩ rađa. Có những ngày hôm qua căng thẳng, nóng bỏng, quyết liệt để hôm nay giữ cho bầu trời Tổ quốc trong xanh và mãi mãi trong xanh. Trong lòng người chiến sĩ canh trời luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí tiến công liên tục. Dám nghĩ dám làm không ngại khó khăn gian khổ. Đó là tâm hồn cách mạng mà bọn đế quốc, xâm lược không bao giờ có được.

Tháng 2 năm 1984       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 12:52:15 am »

       
XÂY DỰNG ĐƠN VỊ CƠ SỞ Ở BINH CHỦNG RAĐA

NGUYỄN HỮU HÙNG       

        Năm 1970 Quân chủng điều tôi từ Sư đoàn 367 về làm chủ nhiệm chính trị và sau đó làm phó chính ủy Binh chủng Rađa. Đồng chí Nguyễn Xuân Mậu - Phó chính ủy Quân chủng đã có lần nói rằng: "Xây dựng đơn vị cơ sở ở rađa là có tính chất chiến lược".

        Tìm hiểu tình hình binh chủng và đi sâu thâm nhập các đại đội rađa tôi càng thấy lời nói đó rất đúng.

        Đại đội rađa quản lý một vùng trời rộng lớn hay phục vụ cho một sân bay nhất định. Các đại đội rađa dẫn đường thường kiêm cả hai nhiệm vụ cảnh giới và dẫn đường.

        Chấp hành nhiệm vụ tốt hay xấu của một đại đội rađa ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ không chỉ của một số lực lượng phòng không ở một địa phương hay khu vực mà còn của cả Binh chủng Rađa và Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 11 năm 1970, vào lúc 02 giờ 8 phút đến 03 giờ 30 phút Mỹ tổ chức một cuộc tập kích bất ngờ xuống một địa điểm thuộc thị xã Sơn Tây mưu cứu bọn giặc lái Mỹ mà chúng nghi là bị giam ở đó Đại đội 38 ở Tây Bắc phát hiện thông báo về sở chỉ huy binh chủng một số tốp máy bay địch, đồng thời vọng quan sát mắt 20 ở Suối Rút phát hiện tiếng động cơ báo cáo về tổng trạm. Nhận được thông báo của binh chủng mà người trực chỉ huy lúc đó là tham mưu trưởng Tâm Trinh. Sở chỉ huy Quân chủng ra lệnh báo động cho tên lửa cao xạ, kể cả trường Huấn luyện Phòng không ở Sơn Tây. Một số tiểu đoàn tên lửa đã bắn các máy bay địch trên cao hạ được 2 chiếc, còn loại bay thấp và chậm chính là trực thăng thì rađa chỉ thông báo được một số mũi đứt quãng và cũng không phán đoán được là loại gì Trực thăng địch quần đảo trên thị xã Sơn Tây, một số đổ xuống nơi là trại giam giặc lái đã di chuyển. Học viên trường Phòng không đã ngồi sẵn trên mâm pháo cao xạ nhưng người chỉ huy phân vân không rõ ta hay địch nên không hạ lệnh bắn. Nếu hôm đó cao xạ ta nổ súng thì có thể tiêu diệt hết toán biệt kích không để chúng chạy thoát.

        Ngày 18 tháng 12 năm 1972 là một ngày lịch sử đáng ghi nhớ của Binh chủng Rađa và Quân chủng Phòng không - Không quân. Vào hồi 19 giờ 10 phút đại đội rađa 16 và đại đội rađa 45 bố trí ở Nghệ An đã phát hiện được nhiễu B-52 và các tốp máy bay B-52 từ không vực hồ Noọng La Han (Thái Lan) bay vào vùng trời miền Bắc. Chỉ huy trực của Binh chủng Rađa Hứa Mạnh Tài (tham mưu phó) khẳng định là B-52 vào đánh Hà Nội nên chỉ huy trực của Quân chủng hạ lệnh cho các lực lượng phòng không - không quân sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Ba mươi phút sau xuất hiện các tốp B-52 và các loại máy bay chiến thuật khác. Bộ đội phòng không đàng hoàng kịp thời nổ súng phóng tên lửa chặn đánh chúng. Quân dân ta không bị bất ngờ nên ngay trong đêm đầu B-52 ném bom Hà Nội đã bị bắn rơi tại chỗ.

        Qua ví dụ điển hình trên đây đủ thấy vai trò quan trọng của một đại đội rađa đối với binh chủng và toàn Quân chủng như thế nào cho nên Đảng ủy và Bộ tư lệnh binh chủng luôn coi trọng việc xây dựng các đại đội rađa thành những đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện.

        Mạng lưới rađa phải bố trí phân tán quản lý toàn bộ vùng trời đất nước nên các đại đội đều đóng quân xa các sở chỉ huy trung đoàn, nơi gần nhất cũng trên 10km, còn thường từ 40 đến 50km. Việc chỉ huy từ trung đoàn, binh chủng xuống các đại đội rađa phải bằng phương tiện vô tuyến điện phát đi theo ngôn ngữ mật, rất ít trường hợp chỉ huy trung đoàn nói trực tiếp với chỉ huy đại đội.

        Vì những điều kiện đặc thù trên đây nên đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đại đội rađa phải phát huy cao độ tính độc lập sáng tạo, tính nguyên tắc, tính kỷ luật cao, ý thức chính trị vững vàng, trình độ hiểu biết khá về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 12:53:00 am »

        Xây dựng đơn vị cơ sở là phải vừng mạnh toàn diện nhưng thường tập trung vào những vấn đề chính như tư tưởng, tổ chức, cán bộ, đời sống và kỹ thuật. Thông qua các cuộc hội nghị sơ kết tổng kết công tác xây dựng cơ sở tôi thấy tuy mạnh yếu có khác nhau nhưng nhìn chung các đại đội rađa đều đạt được những kết quả sau đây:

        Về tư tưởng: Trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội trong từng thời kỳ, các đại đội đặc biệt quan tâm giáo dục ý nghĩa chính trị của nhiệm vụ được giao xây dựng quyết tâm hoàn thành tốt: Cảnh giới thì phát hiện thông báo chính xác kịp thời không để xảy ra sai sót lọt chậm, dẫn đường thì phục vụ vô điều kiện cho không quân ta luyện tập chiến đấu bắn rơi máy bay địch bất kể ngày đêm.

        Để làm tròn nhiệm vụ các đơn vị thường xuyên rèn luyện bộ đội tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bộ đội rađa gian khổ hơn là phải trực ban nhiều, thức đêm nhiều, phải đóng quân ở nơi xa xôi hẻo lánh, có đơn vị phải gùi thồ lương thực, xăng dầu lên trận địa trên cao, phải cơ động nhiều, làm doanh trại nhiều lần, ốm đau rất khó khăn...

        Khó khăn ở rađa là phải chống được các loại nhiễu "vạch nhiễu tìm thù" phải phân biệt được sóng về cố định dày đặc với tín hiệu mục tiêu nhỏ bé lẫn lộn, phân biệt được mục tiêu giả và thật...

        Lại còn phải đối phó với các thủ đoạn bay thấp phóng Sơ-rai vào theo cánh sóng của đài rađa đang cảnh giới hoặc dẫn đường. Phải đảm bảo phát hiện hên tục để dẫn đường không bị gián đoạn mà vẫn giữ được an toàn khí tài.

        Ý thức kỷ luật tự giác là một vấn đề đặc biệt quan trọng của mỗi cán bộ chiến sĩ rađa.

        Do căng thẳng mệt mỏi nhiều nên đôi khi chấp hành các chế độ trực ban không nghiêm (ngủ gật bỏ ra ngoài...), kiểm tra tham số hàng ngày không chu đáo tỷ mỉ. Có những vị trí chiến đấu có lúc chỉ có một người trực không ai theo dõi kiểm tra nên dễ sinh chủ quan lơ là tùy tiện do vậy sai sót lọt chậm khó tránh khỏi.

        Một vấn đề về ý thức tư tưởng nữa, nếu đơn vị nào không quan tâm đầy đủ là dễ xảy ra nhiều chuyện không hay ảnh hưởng đến hoàn thành nhiệm vụ. Đó là tinh thần đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể giữa các bộ phận, đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, đoàn kết với các đơn vị liên quan nhất là với đơn vị bạn, đoàn kết với các cơ quan quân dân chính, nhân dân nơi đóng quân, chấp hành nghiêm kỷ luật quần chúng.

        Đã có trường hợp một vọng quan sát có thành tích được đề nghị trên xét khen huân chương nhưng khi trên xuống kiểm tra, nhân dân tố cáo là bộ đội bắt trộm trâu của dân làm thịt nên phải hủy đề nghị đó và thi hành kỷ luật nghiêm khắc.

        Có đại đội rađa do quan hệ cán bộ và chiến sĩ không tốt không được giải quyết kịp thời nên một chiến sĩ đã dùng súng bắn cán bộ, hoặc bắn nhau...

        Do công tác tư tưởng được thường xuyên coi trọng đặt lên hàng đầu nên nhìn chung các đại đội rađa đều hoàn thành nhiệm vụ, có những đơn vị xuất sắc bộ đội rađa chưa để xảy ra bất ngờ nghiêm trọng đối với các tình huống trên không và đóng quân ở đâu cũng được nhân dân quý mến, đùm bọc che chở, chính quyền đoàn thể giúp đỡ động viên. Có đơn vị ở rất lâu một địa phương mà không bị không quân địch phát hiện.

        Về tổ chức: Hai tổ chức ở đơn vị cơ sở phải được xây dựng vững mạnh là chi bộ Đảng và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

        Chi bộ mạnh là phải lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác được trên giao cho, nội bộ phải đoàn kết nhất là giữa các cán bộ chủ trì, đảng viên phải gương mẫu làm tốt chức trách, quan hệ với quần chúng trong đơn vị và nhân dân địa phương tốt được quần chúng tín nhiệm, nhân dân quý mến, công tác phát triển đảng viên thành lập được các tổ Đảng lãnh đạo các bộ phận.

        Vai trò chi ủy nhất là bí thư chi bộ và đại đội trưởng có tác dụng quyết định đến việc xây dựng chi bộ và đơn vị. Hai đồng chí này làm việc tập thể, bổ sung cho nhau, ủng hộ lẫn nhau, đoàn kết nhất trí trên cơ sở đúng đắn thì mọi công việc của đơn vị đều trôi chảy, đơn vị ngày càng đi lên. Nếu giữa hai thủ trưởng đơn vị có mâu thuẫn, lủng củng mất đoàn kết thì phải được chi ủy, chi bộ kịp thời kiểm điểm chỉ ra phương hướng sửa chữa, nếu còn mất đoàn kết kéo dài thì cấp trên phải xem xét thay đổi về tổ chức cán bộ. Tác phong công tác của bí thư (chính trị viên) và năng lực chỉ huy của đại đội trưởng có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lãnh đạo của chi bộ. Bí thư chi bộ phải sâu sát quần chúng, nhạy bén phát hiện vấn đề, phát huy dân chủ sáng tạo của mọi người để tìm ra biện pháp hay làm cho nhiệm vụ được hoàn thành tốt. Tác phong công tác của bí thư là thuyết phục giáo dục, giải quyết có lý có tình để quần chúng tự giác, phải gương mẫu trong hành động nhất là lúc khó khăn, hạn chế việc dùng đến mệnh lệnh. Tôi đã thấy nhiều trường hợp chính trị viên vì cũng biết kỹ thuật nên nhận trực thay cho chiến sĩ hay cùng tham gia sửa chữa khí tài với anh em, do đó được anh em quý mến nể trọng, sẵn sàng chấp hành mọi chỉ thị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 12:53:38 am »

        Chỉ huy đại đội biết nghiên cứu địa hình, tìm được trận địa tốt, biết tổ chức duy trì trực ban chiến đấu nghiêm ngặt, biết tổng kết kinh nghiệm đối phó với các thủ đoạn của địch, biết huấn luyện bộ đội... thì đơn vị nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại đội 26 thuộc trung đoàn 293 yếu kém kéo dài, chấp hành nhiệm vụ có nhiều sai sót do năng lực của đại đội trưởng có mặt yếu. Trung đoàn đã cử đồng chí Trần Văn Thu là trợ lý tác chiến xuống thay. Sau một thời gian đại đội 26 có nhiều chuyển biến. Tháng 5 năm 1972 đại đội đã phục vụ dẫn đường cho không quân ta bắn rơi 7 máy bay địch trên vùng trời Sơn La, Yên Bái. Từ đó đơn vị ngày càng tiến bộ.

        Hai mặt chiến đấu và xây dựng tác động lẫn nhau. Nếu chiến đấu tốt thì đơn vị phấn khởi, các mặt xây dựng đều lên, nếu xây dựng tốt thì chiến đấu có cơ sở lâu dài, vững vàng trong mọi lúc khó khăn.

        Đoàn thanh niên cộng sản là một tổ chức quần chúng trong đại đội. Vai trò nổi bật của chi đoàn là phát động thi đua hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị tổ chức các hoạt động vàn nghệ thể thao vui chơi cho thanh niên đơn vị và thanh niên địa phương.

        Thỉnh thoảng các chi đoàn cũng tổ chức "Tự do diễn đàn" để thanh niên phát biểu suy nghĩ nhận thức của mình về một chủ đề nhất định, qua đó rèn luyện tư tưởng chính trị cho anh em.

        Xây dựng đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật: Đội ngũ cán bộ cơ sở tính từ tiểu đội trưởng trở lên cùng đội ngũ trắc thủ thợ sửa chữa được coi như bộ xương vững chắc của đơn vị không thể để suy yếu bộ phận nào vì tác dụng của một đài trưởng, trắc thủ, báo vụ… ảnh hưởng có khi quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

        Các chi bộ rất coi trọng "Xích hóa" đội ngũ này nghĩa là giáo dục động viên anh em phấn đấu trở thành đảng viên cộng sản, qua đó bồi dưỡng anh em về phẩm chất đạo đức cách mạng.

        Các đài trưởng thường là sĩ quan được đào tạo cơ bản có trách nhiệm bồi dưỡng cấp dưới nhưng cấp dưới có khi lại có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn nên phải đặt vấn đề cán bộ chiến sĩ học tập lẫn nhau thông qua rút kinh nghiệm thường xuyên sau mỗi ngày trực ban chiến đấu.

        Các đại đội đều chú trọng bồi dưỡng những trắc thủ báo vụ giỏi để tăng cường trực ban khi có những tình huống phức tạp.

        Ở các đại đội bắt thấp khi có mục tiêu bay vào thì Đỗ Ngoạn, Nguyễn Văn Giằng đều phải lên máy và đều phát hiện tốt không để lọt. Đồng chí Nghiêm Đình Tích là một tấm gương về tự học tập nghiên cứu rút kinh nghiệm xây dựng được quy trình phát hiện nhiễu B-52 và tìm ra mục tiêu trong nhiễu nên đã giúp cho cấp trên khẳng định được B-52 đánh ra miền Bắc tạo nên thành tích lịch sử của trung đoàn 291 và binh chủng ngày 18 tháng 12 năm 1972.

        Các chuyên gia Liên Xô xuống các đại đội đã ca ngợi các báo vụ của chúng ta là những bàn tay vàng mà ở Liên Xô hiếm có.

        Về kỹ thuật: Bộ đội rađa chiến đấu bằng các khí tài có kỹ thuật hiện đại. Một đơn vị rađa có quyết tâm cao, có trình độ khá, mà khí tài hỏng thì cũng phải nghỉ chiến đấu. Chăm lo cho khí tài của đại đội luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có tham số tốt là một nội dung rất quan trọng của việc xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện.

        Bộ đội rađa hàng ngày phải chấp hành chế độ kiểm tra tham số, phải tuân theo đúng các chế độ bảo quản bảo dưỡng không được qua loa tùy tiện. Khi xảy ra hỏng máy phải tập trung lực lượng sửa chữa. Những trường hợp ở xa cấp trên chưa chi viện kịp thời, nhiều đơn vị đã phát huy dân chủ bàn bạc có khi nảy ra sáng kiến hay, khắc phục tạm thời để đảm bảo chiến đấu như quan hệ với các xưởng máy ở gần nhờ giúp cuốn hộ biến thế bị cháy hoặc nạp hộ ắc quy...

        Công tác kỹ thuật cũng phải kết hợp với công tác tư tưởng. Có trường hợp trực ban chiến đấu nhiều quá mệt mỏi nên anh em cũng không tích cực sửa máy để được nghỉ ngơi. Thời kỳ B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng rađa phải trực ban chiến đấu liên tục nhưng máy hỏng lại rất ít do anh em có quyết tâm và trách nhiệm cao với Thủ đô với đất nước, không ai muốn đơn vị mình phải ngừng chiến đấu trong lúc này nên tìm mọi cách sửa chữa máy nhanh nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 12:54:36 am »

        Về đời sống: Đơn vị nào quan tâm đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội thì đơn vị đó cũng có sức chiến đấu khi các đơn vị đóng quân ở những vùng xa xôi hẻo lánh thường gặp khó khăn về khan hiếm lương thực, thực phẩm. Các đơn vị ở những vùng gần đô thị lại gặp khó khăn, giá cả đắt đỏ.

        Bữa ăn của bộ đội thường xuyên nghèo nàn chỉ vài miếng thịt mỡ, vài hạt lạc, bát canh suông, rau cũng ít, cơm thiếu. Đơn vị nào cũng phát động phong trào thi đua tăng gia chăn nuôi, đặt thành tiêu chuẩn lượng rau thịt phải nộp cho nhà bếp.

        Trắc thủ đều có tiêu chuẩn bồi dưỡng nhưng nhiều đơn vị không tìm ra đủ thực phẩm đành phải phát tiền cho anh em. Có nơi anh em lại có sáng kiến là dùng tiền đó mua gà nuôi lấy trứng bồi dưỡng. Vai trò trách nhiệm của quản lý, anh nuôi cũng phải được động viên và kiểm tra.

        Có đơn vị hội đồng quân nhân cử người đi cùng tiếp phẩm để kiểm tra giá cả chất lượng thực phẩm. Có đơn vị phải thay những đồng chí nuôi quân kém trách nhiệm bằng những đồng chí nhiệt tình, tích cực, hoặc cử người xuống nấu những bữa ăn kiểu mẫu, có chế độ kiểm soát tay ba để bảo đảm đúng định lượng.

        Những đơn vị ở vùng đồng bằng và đô thị lại chú trọng đến cải tiến bếp lò để tiết kiệm than củi tăng thêm tiền cho bữa ăn.

        Đi đôi với nâng cao dinh dưỡng còn phải chú trọng vệ sinh phòng bệnh chống bệnh sốt rét ở vùng rừng núi và chống các bệnh truyền nhiễu ở các nơi gần đô thị đông người để đảm bảo sức khỏe cho bộ đội đủ quân số chiến đấu. Đời sống tinh thần của bộ đội trong điều kiện chiến tranh rất nghèo nàn. Cả đại đội chỉ có một chiếc đài bán dẫn. Báo chí không đủ và đến rất chậm. Hàng mấy tháng mới xem phim một lần, các đơn vị phải đặt chế độ hàng ngày, chiến sĩ các đài tập trung về đại đội nghe đọc báo hoặc nghe chính trị viên nghe đài ghi chép lại và thông báo thời sự.

        Trên đây là một số nội dung phương pháp chính trong việc xây dựng đơn vị cơ sở mà cấp trung đoàn có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo kiểm tra.

        Về phía binh chủng việc xây dựng đơn vị cơ sở thường tập trung vào những việc sau đây:

        - Binh chủng mở trường đào tạo trắc thủ các loại và báo vụ để thường xuyên bổ sung cho các đơn vị.

        - Chọn lọc những trắc thủ báo vụ giỏi có triển vọng cử đi đào tạo sĩ quan trở thành đội ngũ cán bộ kế tiếp lâu dài cho binh chủng.

        - Hàng năm tổ chức những cuộc tập huấn tổng kết kinh nghiệm về các mặt để bồi dưỡng trực tiếp cho cán bộ cơ sở.

        - Tổ chức những cuộc họp chuyên đề đã tổng kết kinh nghiệm sâu về từng mặt (chống nhiễu bắt thấp, dẫn đường, chống Sơ-rai...).

        Việc phát hiện B-52 trong nhiễu khi chúng đánh vào Hà Nội đạt được thắng lợi là do có hội nghị chuyên đề phổ biến kinh nghiệm phát hiện B-52 của trung đoàn 290 trước đó.

        - Có thời kỳ cán bộ chính trị thiếu, trên không có đủ để bổ sung, binh chủng đã mạnh dạn mở lớp bồi dưỡng công tác đảng, công tác chính trị cho một số cán bộ quân sự trắc thủ, báo vụ, thợ có đủ phẩm chất và năng khiếu nhất định rồi bổ nhiệm làm chính trị viên đại đội. Nhiều đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và còn phát triển lên các chức vụ cao hơn (đồng chí Ninh Quốc Lập từ đại đội trưởng chuyển sang chính trị viên sau lên đến phó chính ủy trung đoàn).

        - Phát động các phong trào thi đua xây dựng Đơn vị quyết thắng, Chiến sĩ quyết thắng, từ đó lưa chọn những đơn vị và chiến sĩ khá nhất đề nghị trên xét phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Phong trào này đã phát huy nội lực vươn lên của các đơn vị cơ sở.

        - Cử các đoàn do một thủ trưởng binh chủng hay thú trưởng cơ quan binh chủng dẫn đầu đi kiểm tra các đấl đội rađa. Vấn đề này đã thành nền nếp của binh nhung. Qua các cuộc kiểm tra đã đánh giá đúng hơn tình hình các đơn vị đồng thời trực tiếp bồi dưỡng giúp đỡ giải quyết những khó khăn thực tế của đơn vị.

        - Đối với những đơn vị rađa có vai trò quan trọng trực tiếp phục vụ cho sở chỉ huy binh chủng và Quân chủng thì tập trung bồi dưỡng giúp đỡ về các mặt nhất là về cán bộ và kỹ thuật như đã làm đối với đại đội 26.

        - Đối với đơn vị rađa yếu kém lâu ngày binh chủng cùng với trung đoàn cử cán bộ xuống nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, giúp đỡ phương pháp phát động sự nỗ lực của đơn vị tự vươn lên, đồng thời cũng tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho đơn vị như bổ sung cán bộ có trình độ có kinh nghiệm, tăng thêm linh kiện phụ tùng tốt để sửa chửa máy nhanh hoặc có khi phải thay đổi trận địa có mặt phản xạ tốt...

        Thời kỳ tôi làm phó chính ủy binh chủng được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở tôi đã đi đến hầu hết các đại đội rađa, nắm được nhiều tình hình, đã có suy nghĩ nhất định về những kinh nghiệm cần rút ra, nhưng chưa có điều kiện tổng kết. Nay nhiều sự việc đã quên, chỉ có thể ghi lại những điểm chính trên đây để các đồng chí tham khảo.

Hà Nội, 2 tháng 11 năm 2003       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 12:58:05 am »

       
CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ CỦA BỘ ĐỘI RAĐA

NGUYỄN ĐĂNG TUẤT       

        Binh chủng Rađa làm nhiệm vụ bảo đảm rađa cho sự lãnh đạo và chỉ huy của cấp trên, phục vụ cho các lực lượng phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng phòng không khác đánh thắng máy bay của kẻ địch xâm phạm vùng trời của Tổ quốc Việt Nam.

        Được xây dựng và chiến đấu trong thời điểm đất nước còn bị chia cắt, miền Bắc đang làm nhiệm vụ xây dựng trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, và làm nhiệm vụ chi viện chiến đấu, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

        Đường lối cách mạng sáng suốt do Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ chỉ đường dẫn lối, được cấp trên lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ, có sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân và sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của các đơn vị bạn, cán bộ và chiến sĩ rađa với lòng căm thù địch sâu sắc, với tư tưởng cách mạng tiến công, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại, không sợ hy sinh gian khổ, kiên cường chiến đấu với kẻ thù xâm lược, mưu trí sáng tạo đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của không quân đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào những chiến công của Quân chủng Phòng không - Không quân và quân dân cả nước, bảo vệ vững chắc miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

        Binh chủng Rađa được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, trong thành tích đó có sự đóng góp của công tác đảng, công tác chính trị của bộ đội rađa.

        Trong quá trình tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đều có ưu, có khuyết. ở đây tôi muốn nói lại những điều mà ta đã làm được, có kết quả để thấy được những cố gắng của chúng ta trong khi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ và chiến sĩ rađa.

        Bộ đội rađa muốn tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị trước hết vẫn phải quán triệt các đường lối, quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, và sự chỉ đạo của Đảng ủy và cơ quan chính trị cấp trên một cách nghiêm chỉnh và thường xuyên, nhưng trong thực hiện thì mỗi cấp phải biết vận dụng vào tình hình cụ thể của từng đơn vị. Bộ đội rađa cũng có những nét chung như các đơn vị khác, đồng thời cũng có những nét riêng về nhiệm vụ, tính chất chiến đấu, trang bị khí tài, điều kiện ăn ở, đóng quân v.v...

        Để tiến hành được tốt công tác đảng, công tác chính trị phải biết kết hợp chặt chẽ giữa cái chung và vận dụng kết hợp với đặc điểm tình hình của rađa mà có những chủ trương, biện pháp phù hợp một cách sáng tạo.

        Trên tinh thần đó, vừa qua công tác đảng, công tác chính trị đã làm tốt được những mặt công tác như sau:

        I - VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG:

        Chấp hành những nội dung chỉ đạo của trên vận dụng vào rađa, Đảng ủy và cơ quan chính trị các cấp đã xoay quanh nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ và tính chất chiến đấu của Binh chủng Rađa để xác định nội dung:

        - Trước hết phải chăm lo giáo dục ý chí chiến đấu, tư tưởng cách mạng tiến công, làm cho bộ đội nhận rõ kẻ thù là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thấy rõ âm mưu xâm lược và thủ đoạn tàn ác của chúng. Khơi dậy lòng căm thù đối với kẻ địch.

        - Giáo dục nhiệm vụ và quyết tâm cách mạng của Đảng và lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Giáo dục nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc, quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 12:58:41 am »

        - Giáo dục nhiệm vụ của quân đội, của Quân chủng Phòng không - Không quân, nhiệm vụ của bộ đội rađa trên cơ sở đó động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, ra sức học tập nắm vững trang bị khí tài, mưu trí sáng tạo, có cách đánh giỏi, không sợ hy sinh gian khổ, không khuất phục trước những âm mưu, thủ đoạn tàn bạo và xảo quyệt của không quân đế quốc Mỹ, thường xuyên cảnh giác không để Tổ quốc bị bất ngờ, phát hiện định từ xa, chính xác, phục vụ cấp trên lãnh đạo, chỉ huy phục vụ các lực lượng hỏa lực đánh địch kịp thời.

        Kết quả đó thể hiện trong xây dựng và chiến đấu, bộ đội rađa đã nêu cao tinh thần yêu nước trên mọi nơi, mọi lúc. Trong học tập làm chủ khí tài trang bị đã có nhiều tấm gương của cán bộ, chiến sĩ giỏi như trắc thủ Phan Quang Đại đã học thuộc hàng ngàn sóng về của máy rađa. Trong chiến đấu, chiến sĩ Phan Sĩ Yêng ở đại đội 11, Phạm Xuân Hảo Đại đội 11, Đào Công Trực, Đoàn Xuân Mơ - đại đội 37 bị thương vẫn không rời vị trí, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Các chiến sĩ pháo 14,5 ly kiên cường đánh trả máy bay Mỹ đánh vào trận địa đơn vị. Chiến sĩ Trần Vinh Quang - đại đội 14 bị thương nặng vẫn động viên đồng đội cứu khí tài, trước khi tắt thở còn hô to: "Hồ Chủ tịch muôn năm".

        Trắc thủ Vũ Ngọc Diệu bị thương không dời vị trí, vẫn tiếp tục sửa chữa khí tài để chiến đấu, cứu chữa đồng đội bị thương. Các chiến sĩ thông tin, báo vụ, tiêu đồ thợ sửa chữa, lái xe... thành phần nào cũng có những gương dũng cảm ngoan cường lập công xuất sắc. Các đại đội 11, 12, trung đoàn 290, đại đội 19, 25, 45 trung đoàn 291, đại đội 37 trung đoàn 292... là những tập thể nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng có nhiều thành tích phát hiện, thông báo máy bay Mỹ, phục vụ các bỉnh chủng pháo cao xạ, tên lửa và dẫn đường cho không quân ta tiêu diệt máy bay Mỹ. Bản thân đơn vị đã sử dụng súng 14, 5 và súng trường bắn rơi nhiều máy bay của Mỹ, góp phần làm nên truyền thống của bộ đội rađa.

        II- XÂY DỰNG TỔ CHỨC MẠNH, CON NGƯỜI MẠNH:

        Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm của bộ đội rađa, lãnh đạo chỉ huy đã thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng, đơn vị cũng như cơ quan, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên đến các thành phần chiến đấu álủ chốt vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn kỹ thuật, có ý thức tổ chức và kỷ luật nghiêm, có đầy đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

        Về tổ chức Đảng, Đảng ủy, chi bộ thường xuyên chăm lo xây dựng bồi dưỡng các cấp ủy có lập trường chính trì vững vàng, có năng lực hành động giỏi, nắm vững đường lối chính sách, hiểu rõ nhiệm vụ của đơn vị, có tinh thần đoàn kết phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân phụ trách, chủ động sáng tạo, lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

        Đối với chi bộ thực hiện tốt cuộc vận động "Xây dựng chi bộ bốn tốt", thường xuyên nêu cao sự lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đảng viên 4 tốt luôn nêu cao vai trò gương mẫu làm tốt công tác lãnh đạo quần chúng, xây dựng chi bộ vững mạnh thường xuyên phải phấn đấu chi bộ có chi ủy, trung đội có tổ Đảng, máy rađa và bộ phận nhỏ phải có đảng viên. Chi bộ phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng quần chúng và làm tốt công tác phát triển đảng viên mới. Thường xuyên chăm lo xây dựng và lãnh đạo các liên chi đoàn, và chi đoàn bồi dưỡng giáo dục đoàn viên. Xây dựng bồi dưỡng tổ trưởng tổ 3 người làm lực lượng giúp cho chi bộ lãnh đạo quần chúng và bồi dưỡng quần chúng ưu tú để làm tốt công tác phát triển đảng viên mới.

        Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp về lập trường quan điểm vững, và năng lực lãnh đạo chỉ huy, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mỗi cán bộ phải quán triệt đường lối cách mạng, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của đơn ví, có tinh thần đoàn kết, có tính tổ chức và kỷ luật, có trách nhiệm cao trong lãnh đạo chỉ huy đơn vị, với tinh thần chủ động sáng tạo, không ỷ lại thụ động, không giấu khuyết điểm, tự do vô kỷ luật.

        Về kế hoạch biện pháp: Từ Bộ tư lệnh binh chủng, các trung đoàn đến các đại đội đều phải có kế hoạch sắp xếp dự kiến cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng thay thế trước mắt và lâu dài, trên cơ sở đó có kế hoạch giáo dục cho cán bộ đi dự các lớp đào tạo, học tập của trên và tổ chức phân công bồi dưỡng tại chức như: Cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cấp trưởng bồi dưỡng cấp phó và bản thân mỗi cán bộ phải có kế hoạch tự học, tự rèn luyện, từng thời gian có kiểm điểm rút kinh nghiệm, hàng năm mỗi người phải làm bản tự nhận xét để gửi lên cấp trên. Cuối năm có nhận xét đối với cấp dưới và chỉ rõ mặt mạnh, mặt yếu để giúp cán bộ tiếp tục phấn đấu rèn luyện, thường xuyên phê bình và tự phê bình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM