Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:55:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30179 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:11:02 am »

       
ĐẠI ĐỘI RAĐA 45 PHÁT HIỆN MÁY BAY B-52
GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG TRONG TRẬN
ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG LỊCH SỬ

ĐINH HỮU THUẬN       
Nguyên đại đội trưởng đại đội 45       

        Ngày 20 tháng 10 năm 1972 Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 200 trở ra. Nhưng với người lính gác trời chúng tôi phải cảnh giác hơn lúc nào hết, luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.

        Tình hình diễn biến trên bàn Hội nghị Pa-ri càng ngày càng phức tạp. Các hoạt động của địch từ vĩ tuyến 20 trở ra có giảm, địch tăng cường dùng máy bay không người lái, máy bay có tốc độ nhanh như SR71 tiếp tục trinh sát Hà Nội và Hải Phòng.

        Các màn hiện sóng của đơn vị chúng tôi ngày đêm sát cánh với các đơn vị bạn theo dõi chặt chẽ các tốp tiêm kích, cường kích, máy bay B-52 vào đánh phá. Đặc biệt trên địa bàn Quân khu 4 chúng càng gia tăng cường độ hoạt động hơn trước. Chúng bay luyện tập đường dài từ Utapao, Hồ Nọng La Han, Pắc San, Sầm Nưa, số lần tốp bay trong từng đợt đã tăng lên từ 4 đến 5 tốp. Các hoạt động trên thường thấy ít đánh phá. Về quy luật các đường bay theo đường dài thường dùng nhiều tốp B-52, ít khi thấy bay đơn chiếc và không phát hiện được các điểm đánh của nó. Đặc biệt trên đoạn đường bay ngắn Cò Rạt, U Đôn, U Bôn, chúng hết sức thận trọng và đề phòng. Vùng trời rộng lớn của Tổ quốc được thu gọn vào các màn hiện sóng. Những người lính rađa canh trời đang ngày đêm theo dõi từng diễn biến của kẻ địch, mọi hoạt động của chúng, từ những chi tiết nhỏ nhất.

        Trung tuần tháng 12 năm 1972, đang phiên mở máy trực ban trên bản đồ đánh dấu đường bay, và trên màn hiện sóng vi cô trong sở chỉ huy, tôi thấy diễn biến của địch khác hẳn trước. Các tốp B-52 bay đường dài giảm đi một cách đột ngột mỗi đêm từ 14, 15 tốp chỉ còn 1 đến 2 tốp, thậm chí không có tốp nào bay. Từ ngày 15 tháng 12 đến 16 giờ ngày 18 tháng 12 mật độ hoạt động của các tốp tiêm kích và cường kích hoạt động thưa thớt trên bầu trời, từ đường 9 Nam Lào trở ra địch ngừng hoạt động. Trong giao ban hàng ngày tôi nhắc các đài rađa: Sự im ắng của kẻ địch như hiện nay là phải hết sức cảnh giác. Chúng tôi phải luôn tỉnh táo, đề phòng, chuẩn bị đối phó với các hoạt động mới của địch, không được coi thường.

        Trên bảng tổng hợp tình báo xa của toàn mạng (B1) trưa ngày 18 tháng 12 có một tốp không người lái vào trinh sát Hải Phòng, các đài rađa địch bắt đầu hoạt động mạnh, trên thông báo có hoạt động của máy bay F111 ở hướng Đông và hướng Tây.

        Đại đội 45 mở máy Π12 từ 18 đến 20 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1972, vào lúc 18 giờ 15 phút từ đài Π12 báo về nhiễu rất nặng cả 360°. Như vậy, theo kinh nghiệm đã có triệu chứng địch hoạt động lớn, nhất là có thể có B-52 vào đánh. Tôi hạ lệnh cho Π35 mở máy và báo về sở chỉ huy trung đoàn, đoàn trưởng Đỗ Văn Năm cho sở chỉ huy đại đội 45 vào cấp I và mở rađa Π35 khẩn trương.

        Trong giây lát tôi cho đồng chí Tích - Đài trưởng Π35 bật một máy phát trước để kiểm tra (vì nếu chờ đủ thời gian nối cao thế thì chậm, thông thường những tình huống khả nghi hoặc khẩn cấp chúng tôi thường mở cho một máy làm việc trước). Sau 2 phút đã có những dải nhiễu của máy B-52 lên cao. Trên hiện sóng vicô, B-52 đã bay tới Pắc San, tốp thứ nhất gây dải nhiễu ở phương vị 250°, cự ly 175km so với tâm trận địa đồi Si (Đô Lương) của chúng tôi. Các dải nhiễu sau liên tục xuất hiện trên các hiện sóng rất dày đặc, đài Π2 mất khả năng phát hiện mục tiêu. Các tốp B-52, F111, và các tốp tiêm kích tạo thành một đội hình bay rất quy mô dày đặc.

        Tôi báo cáo trực tiếp cụ thể tình hình diễn biến của B-52 địch với đoàn trưởng Đỗ Văn Năm, nhấn mạnh mật độ nhiễu lần này dày đặc, nhiều hơn trước, số máy bay bay kèm B-52 tăng lên nhiều lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:11:43 am »

        Trong khi cùng một lúc chúng xuất hiện đột ngột ồ ạt, một vấn đề được đặt ra là địch sẽ đánh vào đâu?

        Vì đường bay B-52 vẫn theo hướng đi lên, không thay đổi, vẫn di chuyển đi lên từ 250° lên 260°, chúng tôi loại trừ địch đánh khu vực từ Vinh trở vào. Các tốp B-52 được các tốp bay ngoài đội hình như F111 và các tốp tiêm kích, cường kích yểm hộ rất chặt chẽ, nên phán đoán có thể chúng bay ra miền Bắc.

        Trên khu vực Hà Nội lúc này đã xuất hiện các loại nhiễu rất mạnh, đặc biệt nhiễu tiêu cực (nhiễu kim loại). Các tốp B-52 đã lên gần sát biên giới Việt - Lào và lần lượt vượt biên giới bay vào Hà Nội. Khẳng định và quả quyết tôi quay điện báo cáo với đoàn trưởng Đỗ Văn Năm: B-52 sẽ vào đánh Hà Nội, và sau mỗi một tình báo phát đi tôi chỉ thị: Cho chiến sĩ báo vụ Liên phát kèm theo tín hiệu 3 chiếc B-52 đánh Hà Nội bằng lời rõ. Toàn bộ tình báo của 9 tốp B-52 đều đặn được phát về sở chỉ huy cấp trên kèm lời rõ 3 chiếc B-52 vào đánh Hà Nội. Lúc này chỉ còn 35 phút nữa thì chúng sẽ vào ném bom Hà Nội.

        Vì chưa khẳng định B-52 vào đánh Hà Nội, đồng chí Hứa Mạnh Tài - Tham mưu phó trực chỉ huy Binh chủng Rađa hỏi tôi có dám khẳng định là B-52 vào đánh Hà Nội không?

        Với kinh nghiệm nhận định của mình, tôi báo cáo lại: Tôi sẵn sàng lấy trách nhiệm và cả tính mạng để bảo đảm với cấp trên là chính xác B-52 vào đánh Hà Nội. Tôi nhắc lại một lần nữa tôi xin lấy đầu tôi ra để bảo đảm với cấp trên, chính xác là B-52 vào đánh Hà Nội.

        Lúc này đường bay của B-52 đã vượt sang tới phương vị 310 bay vào lãnh thổ của miền Bắc. Chúng tôi hồi hộp, lặng lẽ theo dõi từng dải nhiễu B-52 di chuyển và phát đi các phần tử tọa độ đều đặn liên tục không gián đoạn. Chúng tôi xúc động, nén chịu đựng những giây phút vô cùng căng thẳng. Tôi nối những đường bay theo dải nhiễu để tiêu đồ Lê Trường Kỳ vẽ đều đặn, theo các điểm chấm của dải nhiễu. Nước mắt tôi tự nhiên cứ ứa ra, tôi xúc động nghĩ về Thủ đô sẽ bị đánh phá ác liệt.

        Đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B-52 đánh vào trái tim của Tổ quốc, mình phải tự an ủi và động viên nhắc nhở đơn vị vững vàng. Hơn lúc nào hết phải tỉnh táo để phát hiện và thông báo chính xác, phân biệt chính xác B-52, tất cả để Hà Nội đánh thắng.

        Trên bản tiêu đồ tốp 17 (theo thứ tự xếp tốp của đơn vị lúc bấy giờ) vượt qua biên giới, đang tiến sâu vào lãnh thổ, hướng vào Hà Nội, tiếp sau là tốp 18, 19. Các tốp máy bay đi kèm đã có chiều hướng giãn ra khỏi khu vực Hà Nội nhường chỗ cho B-52 tiến vào. Đường bay của chúng tôi vẫn đều đặn phát đi, tiếng ma-níp của Liên, Tình gõ liên tục. Mỗi tình báo không quên lệnh phát đi kèm theo lời rõ 3 chiếc B-52 vào đánh Hà Nội.

        Đồng chí Tích báo cáo tốp đi đầu đã vào Hà Nội, tên lửa của ta đã bắn, lướt qua màn hiện sóng thấy các chùm tên lửa của ta điểm trúng B-52 địch.

        Cạnh sườn đồi Si thoai thoải trận địa của đại đội, lúc 20 giờ 20 phút, tôi tập trung toàn đơn vị động viên các bộ phận phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm tập trung mọi khả năng bảo đảm khí tài cho thật tốt để bảo đảm phục vụ cho Hà Nội đánh thắng. Tôi được đoàn trưởng Đỗ Văn Năm báo cho biết: Trong trận chiến đấu vừa qua chúng tôi đã phát hiện và xác định chính xác B-52 và báo sớm được đúng vị trí B-52 vào đánh, góp phần lập công đầu tiên cùng Hà Nội đánh thắng. Trên thông báo cho biết 3 pháo đài bay B-52, đã bị bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái.

        Chuông điện thoại lại vang lên, trận chiến đấu thứ hai lại bắt đầu. Lần này chúng tôi được mở máy Π35 sớm, quan sát thấy trên khu vực Hà Nội còn dấu vết của những dải nhiễu tiêu cực, lơ lửng, chưa tan hết.

        Các tốp EB66 và EC121 vẫn tiếp tục gây nhiễu tích cực nặng. Trên không không có tốp cường kích, tiêm kích nào bay, nhưng mật độ nhiễu tiêu cực lại cứ dần dần tăng, càng ngày càng dày hơn. Đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo cáo đều đặn những khu vực hoạt động của EC121 và EB66. Qua điện thoại tôi báo cáo tình hình diễn biến của địch trên các màn hiện sóng và những ý kiến nhận định phán đoán với đoàn trưởng, đồng chí thống nhất với nhận định của chúng tôi: Địch nhất định sẽ đánh tiếp tục đợt B-52 nữa. Đồng chí nhắc chúng tôi phải hết sức tỉnh táo, chú ý bảo đảm an toàn cho máy Π35 là máy chủ công duy nhất (máy ΠPB11 của chúng tôi đã bị Sơ-rai của địch đánh hỏng từ 20 tháng 11 năm 1972).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:12:23 am »

        Quan sát trên hiện sóng vicô trong sở chỉ huy, rõ ràng mật độ nhiễu tích cực và tiêu cực ở khu vực Hà Nội tăng mỗi lúc một cao và rất nhanh, cùng lúc đó các tốp tiêm kích, cường kích xuất hiện cuốn theo các dải nhiễu của chúng. Trắc thủ Phạm Hoàng Cầu phát hiện các tốp nằm trong dải nhiễu từ hướng Tây đang lao vào phía Hà Nội. Trắc thủ số 2 Nguyễn Văn Xích nhanh chóng xác định trên hiện sóng màn ảnh rộng IAĐ. Các tốp F số lượng mỗi tốp đều từ 3 đến 6 chiếc trên hướng bay vào Hà Nội. Tôi suy nghĩ có phải là một đợt tập kích của các tốp cường kích và tiêm kích đánh xen kẽ nhằm làm cho ta căng thẳng và mệt mỏi không? Tôi bảo đồng chí Tích nhắc trắc thủ chú ý phát hiện tốp mới, loại trừ dần các tốp không cẩn thiết vì lúc này nó đã xuất hiện quá nhiều tốp.

        Trên máy Π35 đồng chí Tích báo cáo tại phương vị 210° đã xuất hiện một dải nhiễu B-52 với góc độ nhỏ quan sát hiện sóng vicô. Tôi xác định và chấm ở cự ly 320km. Tính ra theo đường bay thì còn cách Hà Nội 720km. Tình báo tốp thứ nhất của đợt hai đã được xác định, và nhanh chóng cho báo vụ phát tình báo B-52. Tôi báo cáo với đoàn trưởng Đỗ Văn Năm đội hình của một trận tập kích B-52 mới. Đoàn trưởng bảo tôi: Trung đoàn đã nhận được đầy đủ phần tử B-52 của đơn vị 45 rồi. Vấn đề là chúng đánh vào đâu? Đường bay của nó vẫn đi lên nhưng phương vị có thay đổi chút ít, gần tới Tây hồ Nọng La Han vẫn theo hướng Pắc San, Sầm Nưa. Các dải nhiễu của các tốp thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7 vẫn diễn ra theo hướng đi của tốp 01. Chúng tôi phán đoán B-52 không đánh trên đất Lào. Các dải nhiễu của mỗi tốp B-52 tiếp tục chuyển hướng vào miền Bắc. Tổng cộng đã đến 7 tốp B-52, tất cả đang ở trên vùng trời Thái Lan.

        Trên khu vực Hà Nội nhiễu tiêu cực (nhiễu kim loại) đã hình thành đám mây nhiễu khổng lồ mới, bao phủ một không gian rộng lớn xuất hiện F111 đi cùng với B-52 và nhiều tốp tiêm kích khác kèm trước, kèm sau.

        B-52 lại tiếp tục vào đánh Hà Nội, tôi báo cáo tình hình đó lên trên. Hà Nội chắc đã sẵn sàng chờ chúng. Tình báo của các tốp B-52 đều được phát đi liên tục, đều đặn kèm theo 3 chiếc B-52 đánh Hà Nội bằng lời rõ. Hồi hộp xúc động, chúng tôi đều rất tỉnh táo chững chạc khoan thai, chỉ huy phát đi các tình báo, bảo đảm cho Hà Nội đảnh thắng. Các tốp B-52 đã lần lượt qua Pắc San rồi qua Sầm Nưa. Chúng đã gần đến biên giới của miền Bắc, lòng chúng tôi đầy sôi lên vì căm thù giặc, nghĩ rằng mỗi chiếc sẽ ném hàng chục tấn bom đạn xuống mảnh đất thiêng liêng Thủ đô của đất nước.

        Tốp thứ nhất đến biên giới Việt - Lào và xâm phạm không phận bầu trời Hà Nội, các tốp yểm hộ dần dần giãn ra khỏi Hà Nội nhường chỗ cho B-52 vào ném bom, tín hiệu báo tên lửa của ta đã bắn. Bỗng nhiên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam bị ngắt. Chúng tôi lặng người đi lo lắng.

        Theo dõi qua máy thu thanh có tiếng va chạm dụng cụ nghĩ rằng một đồng chí thợ nào đó sửa máy đã để đồ nghề vô tình hay hữu ý gây ra tiếng động. Qua tiếng động chúng tôi tin chắc đài phát thanh của ta vẫn hoạt động tốt. Những giây phút im lặng trôi đi, đài tiếng nói Việt Nam lại vang lên, tiếng nói của Hà Nội lúc này sao mà thiêng liêng đến thế! Đúng 0 giờ ngày 19 tháng 12 vẫn vang lên giọng nói ấm áp được phát đi từ trung tâm Thủ đô trái tim của Tổ quốc đưa tin các tốp B-52 đã bị quân dân Hà Nội bắn rơi, giặc lái nhảy dù đều bị bắt gọn.

        Chưa kịp đắp chăn tạm đi nghỉ một lát, một hồi chuông báo động lại reo lên. Chúng tôi lại về vị trí chiến đấu. Bầu trời Khu 4 lúc này im ắng chỉ còn những tốp EB66 và ECI21 vẫn tiếp tục phát nhiễu như thường lệ.

        Chiến sự vẫn còn tiếp diễn, B-52 vẫn còn hoạt động. Cả bầu trời rộng lớn bao la nằm gọn trong tầm quan sát của các trắc thủ rađa đang tiếp tục làm nhiệm vụ. Lại một đợt B-52 nữa vào đánh phá, đồng chí Tích báo cáo xuất hiện nhiễu B-52 ở phương vị 265°. Trên màn vicô, tôi chấm điểm đầu tiên ở cự ly 310km, ở phương vị 265°, chuyển thể tình báo từ phương vị cự ly thành phần tử 9 x 9, tiếp tục khẩn trương thông báo đi.

        Lần xuất hiện này của B-52 không phải từ hướng Hồ Nọng La Han mà từ Thái Lan sang. Đây là hướng đột nhập mới vào Hà Nội nhưng cũng từ hướng Tây Nam vào.

        Cả đêm tất cả chúng tôi không ai ngủ, các trắc thủ rađa vẫn tỉnh táo bám sát màn hiện sóng, các báo vụ viên liên tục gõ maníp thông báo, hoàn thành nhiệm vụ thông báo rađa cho Hà Nội đánh thắng cuộc đọ sức với dải nhiễu vô cùng dày đặc của địch trong các đêm 18, 19, 20, 21, 22... đã giành thắng lợi, đại đội 45 chúng tôi đã phát hiện chính xác, thông báo xa kịp thời nhanh không để bị bất ngờ. Cuộc tập kích của B-52 vào Hà Nội lập nên Điện Biên Phủ trên không toàn thắng.

        Nhà nước khen thưởng đơn vị Huân chương Quân công hạng Nhất.

        Tôi và đồng chí Tích được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai và Ba.

        Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập binh chủng, kể lại trận đánh phát hiện B-52 của đại đội 45, tôi hy vọng cùng các đồng đội ôn lại lịch sử anh hùng của binh chủng. Nay tuổi đời đã cao, trí nhớ đã hạn chế, rất có thể có những tình tiết chưa trọn vẹn, rất mong các đồng chí thông cảm.

Tháng 6 năm 2003       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:21:09 am »

       
NHỚ MÃI KỶ NIỆM VỀ TRẬN RAĐA
BẢO ĐẢM DẪN ĐƯỜNG CHO MÁY BAY MIG-21
BẮN RƠI MÁY BAY GÂY NHIỄU EB.66

NGHIÊM ĐÌNH TÍCH       

         Giữa năm 1966, không quân và hải quân Mỹ bắt đầu sử dụng các loại máy bay EB.66-C, EC-121, EA- 6B... để trinh sát điện tử gây nhiễu từ xa nhằm hạn chế khả năng phát hiện, bám sát của bộ đội rađa, che dấu đội hình máy bay cường kích thực hiện gây nhiễu ngoài đội hình, tạo yếu tố bí mật bất ngờ trong các trận vào đánh phá miền Bắc và hạn chế thiệt hại về máy bay, giặc lái của chúng.

        Không quân địch thường sừ dụng từ 1 đến 2 chiếc EB.66-C bay trên độ cao từ 8.000m - 10.000m, hoạt động ở khu vực biên giới Việt - Lào, theo hành lang tính sẵn. Trực tiếp bảo vệ EB.66-C có từ 1 đến 2 tốp F4C, mỗi tốp thường có 2 chiếc. EB.66-C có 4 sĩ quân điện tử làm nhiệm vụ trinh sát, đồng thời gây cả nhiễu tích cực (bằng máy phát nhiễu vô tuyến) và nhiễu tích cực (bằng sợi kim loại). Do được trang bị đầy đủ và hiện đại, địch có thể đồng thời gây nhiễu các loại rađa sóng mét, đề-xi-mét và xăng-ti-mét của ta với công suất lớn. Với tính toán từ trước, các bó dây kim loại được phóng ra sẽ tỏa tán dần để có thể che dấu đội hình bay của máy bay cường kích trên đường vào đánh phá mục tiêu.

        Chiến tranh càng phát triển, các tốp EB.66-C ngày càng bay sát vào nội địa, phía Tây Bắc vào tới khi vực Mộc Châu - Tuyên Quang, phía Tây vào đến khu vực Vụ Bản - Hòa Bình. Chính vì vậy, bộ đội rađa ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, bám sát mục tiêu, hạn chế khả năng bảo đảm cho tác chiến phòng không và dẫn đường cho máy bay tiêm kích của ta đánh địch.

        Trước tình hình đó, đồng thời với việc tổ chức lực lượng tên lửa tiến hành cơ động phục kích đánh EB.66-C, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân còn tổ chức cho lực lượng máy bay tiêm kích MIG-21 đánh loại máy bay này. Từ ngày 5 tháng 10 năm 1966 đến đầu năm 1967, bộ đội không quân đã tổ chức 5 trận đánh EB.66-C nhưng không thành công, có trận còn bị tổn thất. Nguyên nhân chủ yếu là địch nắm được quy luật hoạt động của máy bay MIG-21, tổ chức máy bay F4C đánh chặn ta và do các đơn vị rađa dẫn đường phát hiện không liên tục máy bay ta và nhất là EB.66-C trong giai đoạn tiếp cận, công kích giai đoạn có tổng hợp các loại nhiễu tích cực và tiêu cực dày đặc.

        Từ giữa tháng 4 năm 1967, trước các cuộc đánh lởn của địch vào Hà Nội, yêu cầu bảo đảm dẫn đường cho bộ đội không quân EB.66-C càng trở nên cấp thiết.

        Quán triệt nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Quân chủng và Bộ tư lệnh Binh chủng Rađa giao cho, được sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan tham mưu binh chủng và các trung đoàn rađa, các đại đội rađa dẫn đường đã tập trung nghiên cứu địch, nhất là quy luật, thủ đoạn hoạt động gây nhiễu của EB.66-C, bổ sung quy trình xử trí thao tác, đặc biệt là thao tác chống nhiễu và hợp đồng chặt chẽ với các tổ sĩ quan dẫn đường của binh chủng không quân, các trung đoàn không quân và tổ sĩ quan dẫn đường ở đơn vị để nâng cao chất lượng bảo đảm dẫn đường cho máy bay ta đánh địch EB.66-C.

        Thời kỳ này, hai Đại đội 45, 26 làm nhiệm vụ bảo đảm dẫn đường cho sở chỉ huy Binh chủng Không quân trong sở chỉ huy Quân chủng, Đại đội 43 bảo đảm dẫn đường cho sân bay Nội Bài, Đại đội 44 bảo đảm dẫn đường cho sân bay Hòa Lạc, Đại đội 42 bảo đảm dẫn đường cho sân bay Kép, Đại đội 47 bảo đảm dẫn đường cho sân bay Gia Lâm... Các đại đội dẫn đường ở sân bay trực tiếp bảo đảm dẫn đường cho máy bay ở sân bay mình phụ trách. Hai Đại đội 45, 26 ban đầu làm nhiệm vụ nhìn vòng cho sở chỉ huy Quân chủng, theo dõi bổ trợ tình báo và khi cần thiết sẽ trực tiếp bảo đảm dẫn đường thay thế cho đơn vị bạn.

        Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và yêu cầu bảo đảm dẫn đường của không quân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ huy và ban chỉ huy, cán bộ chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chỉ huy, đài trưởng và trắc thủ Đại đội 45 ở nông trường An Khánh đã tập trung rút kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ quy luật thủ đoạn hoạt động của EB.66 và bổ sung quy trình, xử trí thao tác và hiệp đồng thông báo bảo đảm dẫn đường cho máy bay ta chiến đấu.

        Sôi nổi nhất của hoạt động trên là ở Trung đội rađa Π35 do trung đội trưởng Đinh Hữu Thuần phụ trách. Dưới sự tổ chức của trung đội trưởng, như các cán bộ tiểu đội phụ trách thao tác đài trưởng Nguyễn Văn Tuyến, Nghiêm Đình Tích (tiểu đội trưởng và tiểu đội phó Tiểu đội 1), Cù Tất Đôn, Nguyễn Văn Triều (tiểu đội trưởng và tiểu đội phó Tiểu đội 2) các trắc thủ số 1 Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Duy Khôi, Nguyễn Danh Uy, Nguyễn Xuân Thiện... và các trắc thủ số 2 Hoàng Văn Tráng, Nguyễn Văn Xích... đều tập trung nghiên cứu đặc điểm quy luật và thủ đoạn gây nhiễu của EB.66-C trên màn hiện sóng. Sau nhiều ngày trăn trở kỹ lưỡng nghiên cứu, bàn cãi, tiểu đội 1 rút ra kết luận: Khó có thể phát hiện tín hiệu mục tiêu và máy bay ta ở giai đoạn tiếp cận và công kích vì nhiễu tổng hợp dày đặc. Kể cả trong trường hợp đã thao tác chống nhiễu tốt nhất. Với trí thông minh và sáng tạo, các chiến sĩ đã tìm được điểm yếu trong quá trình gây nhiễu của EB.66, trên cơ sở đó xác định được tọa độ của mục tiêu. Đó là: Do đồng thời gây cả nhiễu tích cực (giải nhiễu từ 5 - 7 độ) và nhiễu tiêu cực nên tọa độ của EB.66-C là giao điểm của 2 đường thẳng (trục của giải nhiễu tích cực và trục của nhiễu tiêu cực). Tuy nhiên, từ khi phát hiện và xác định được giao điểm đó, thông báo kịp thời quét quay được 1 vòng (ăng ten quay 6 vòng/vòng phút, 1 vòng hết 10 giây, tốc độ mục tiêu là 220m/giây), nên trắc thủ phải đọc trước giao điểm đó theo hướng bay của mục tiêu là sấp xỉ 2km. Nhiệm vụ này được giao cho trắc thủ số 1. Nhiệm vụ bám sát máy bay ta giao cho số 2, khi vào giai đoạn tiếp cận, công kích sẽ tắt tín hiệu rađa, bám sát, thông báo theo tín hiệu máy thu trả lời tích cực (COД-57).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:22:10 am »

        Sau khi tìm được cách xử trí thao tác trên, cả trung đội đã bổ sung, hoàn chỉnh quy trình xử trí, thao tác, thông báo theo tiến trình bảo đảm dẫn đường cho máy bay ta đánh EB.66-C. Các trắc thủ còn luyện tập phương pháp xác định tọa độ, cách thông báo mục tiêu đã thống nhất và cách thông báo máy bay ta theo tín hiệu COД-57.

        Từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 11 năm 1967, địch tập trung lực lượng tổ chức đợt đánh thứ 7 vào Hà Nội.

        Sau 2 ngày đầu tiên của đợt chiến đấu, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định thay đổi hướng đánh EB.66. Thay thế đường bay từ Nội Bài lên khu X chờ ở Thanh Sơn (Vĩnh Phú) mà địch đã phát hiện và cho F4C khống chế, lần này ta sử dụng hướng bay mới từ Nội Bài qua Sơn Tây bay thấp qua theo trục đường 1 đến khu vực Thanh Hóa sẽ tăng độ cao tiến vào tiếp cận đánh EB.66.

        6 giờ 35 phút ngày 19 tháng 11 năm 1967, được lệnh của sở chỉ huy Binh chủng Không quân, Đại đội 45 vào cấp 1, mở các đài rađa Π35, ΠPB-11, Π12.

        Thượng úy Lê Bá Nhơn, đại đội trưởng và trung úy Bùi Sĩ Nho, chính trị viên cùng các nhân viên đánh dẫn đường bay, ghi chép, phát thanh, báo vụ, hữu tuyến điện... có mặt đầy đủ ở sở chỉ huy.

        Trên xe hiện sóng đài rađa Π35 có thiếu úy Đinh Hữu Thuần, trung đội trưởng, trung sĩ Nghiêm Đình Tích, tiểu đội phó, thao tác ở vị trí đài trưởng; hạ sĩ Phạm Hoàng Cầu, trắc thủ số 1; hạ sĩ Nguyễn Văn Xích, trắc thủ số 2.

        Trên xe hiện sóng đài rađa ΠPB-11 có Chuẩn úy Đỗ Hải Đăng, trung đội trưởng, hạ sĩ Nguyễn Hoàng Oanh, trắc thủ.

        6 giờ 59 phút, kíp ban đài rađa Π35 phát hiện và thông báo tốp 01 ở khu vực biên giới Việt - Lào, số lượng 1 chiếc đang gây nhiễu tích cực và tiêu cực; trắc thủ đài rađa ΠPB-11 xác định độ cao của mục tiêu là 9.000m. Lập tức, tình báo tốp EB.66-C được các trắc thủ thông báo lên sở chỉ huy Binh chủng Không quân.

        Do xác định rõ và phát hiện trình báo liên tục, 7 giờ 13 phút, thủ trưởng trực ban Quân chủng ra lệnh cho biên đội MIG-21 của Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đăng Kính cất cánh đánh EB.66 theo phương án mới.

        Lúc này nhiệm vụ bảo đảm dẫn đường cho máy bay ta là sở chỉ huy Trung đoàn 921 ở Nội Bài do Đại đội 43 trực tiếp bảo đảm tình báo rađa. Nhưng đến khu vực Thanh Hóa, Đại đội 43 mất tín hiệu cả máy bay địch và máy bay ta. Lập tức, từ nhiệm vụ theo dõi, thông báo bổ trợ, Đại đội 45 được sở chỉ huy Binh chủng Không quân giao cho nhiệm vụ trực tiếp bảo đảm dẫn đường cho biên đội Đỉnh - Kính đánh EB.66-C.

        Với quy trình xử trí, thao tác mới, kíp ban Đại đội 45 đã phát hiện thông báo liên tục máy bay EB.66 và máy bay ta bảo đảm cho tổ sĩ quan dẫn đường ở sở chỉ huy đại đội và sở chỉ huy Binh chủng Không quân đánh rơi tại chỗ máy bay EB.66-C ở khu vực Vụ Bản (Nam Định), bắt sống 4 giặc lái Mỹ.


        Bộ đội rađa đã bảo đảm dẫn đường cho bộ đội không quân lần đầu tiên bắn rơi tại chỗ máy bay EB.66-C và cũng là chiếc EB.66 duy nhất của không quân bắn.

        Bài học kinh nghiệm từ trận đánh này là phải kiên trì và dày công nghiên cứu tìm được chỗ mạnh, chỗ yếu về chiến thuật, kỹ thuật của địch, tìm ra quy luật để phát hiện địch trong nhiễu, kịp thời bảo đảm cho không quân bắn hiệu quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 07:38:46 pm »

        
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ BỘ ĐỘI RAĐA
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

NGUYỄN TÂM TRINH        

        Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi từ Tiểu đoàn cao xạ 381 tham gia chiến dịch được điều về cơ quan tham mưu Đoàn 367 cao xạ. Làm công tác tham mưu ít lâu, tôi được cử đi Trung Quốc học Trường cao cấp phòng không Bắc Kinh. Học xong tôi tiếp tục cuộc đời binh nghiệp gắn liền với sự ra đời của bộ đội rađa. Được trang bị các hiểu biết bước đầu, tôi bỡ ngỡ với cuộc đời giáo viên về chiến thuật rađa. Cũng như sự phát triển của Quân đội nhân dân từ không đến có, từ du kích tiến lên chính quy, bộ đội rađa từ bộ binh, pháo binh, công binh chuyển sang thành binh chủng kỹ thuật. Vẫn con người ấy có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù sâu sắc vươn lên từ nô lệ, xây dựng một cuộc đời tự do độc lập, chỉ khác một bên là súng bộ binh, bây giờ là các binh khí kỹ thuật hiện đại, là các rađa, các máy phát điện, là các đài thông tin, là các xe hơi, máy kéo...

        Từ một cán bộ bộ binh, rồi chuyển thành cao xạ, bây giờ là một cán bộ rađa. Tôi bắt tay vào học kỹ thuật trên một máy đài, hiểu cấu tạo, hiểu nguyên lý, hiểu cách thao tác và cách bảo quản sửa chừa. Học xong thao tác sử dụng, học thêm cách đánh chiến thuật của mỗi cấp từ cơ sở đại đội đến trung đoàn, và binh chủng. Và cuối cùng là học các loại binh chủng mình phải hiệp đồng, thế nào là bảo đảm cho cao xạ, cho tên lửa, cho không quân và các binh chủng hợp thành, phòng không nhân dân. Là người chỉ huy bộ đội rađa không thể không thường xuyên đối mặt với mọi loại địa hình của các vùng miền đất nước để có một cách bố trí, một cách đánh hiệu quả. Mà như chúng ta biết, mảnh đất chứ S của ta hai đầu rộng, giữa thóp lại, rặt là sông rạch, núi non trùng điệp, đồng bằng hẹp, trung du, rừng núi nhiều.

        Những gì mới biết chưa được bao nhiêu thì giờ phút xung trận đã bắt đầu. Trước mắt mình là một kẻ địch mạnh, mạnh tuyệt đối về kỹ thuật, dùng kỹ thuật để đánh mình, trong lúc mình còn nhiều hạn chế. Và cái yếu tố cơ bản đó, không bao giờ quên được, để đánh trả nó, mình phải có cái trí tuệ bao trùm để hiểu, phân tích và lừa nó vào bẫy mình để hành động, giành lại hiệu quả cuối cùng trong cuộc chiến. Cái mạch dòng của bước đi trong chiến tranh, buổi ban đầu được cảm nhận thật tinh tế.

        Chiến tranh là thử thách lớn lao nhất của cuộc sống. Chúng ta có cái diễm phúc được nhìn lại nó, vì chúng ta đã đi qua nó. Chiến tranh là mất mát, hy sinh, là đau khổ, là chịu đựng, là từng giờ từng phút đè nén tâm hồn, thể xác để đi lên. Và đi qua xong cuộc chiến đó là niềm hạnh phúc khôn lường. Từ ngày đầu phát sóng trên trận địa Đại đội 24 cho đến lúc Đại đội 48 lui quân khỏi miền Ăngco trên đất nước chùa tháp bạn bè, chúng ta đã đi qua bao nhiêu chặng đường, ngày đêm canh giữ bầu trời, mặt đất của Tổ quốc. Và đã bao nhiêu lần đối mặt với quân thù, và chúng ta đã thắng. Lịch sử của bộ đội rađa, của các trung đoàn, các đại đội rađa đã nhiều lần ghi lại khá đầy đủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng tư lệnh, sự chỉ đạo sát sao của Bộ tư lệnh Quân chủng, những đồng chí chỉ huy của rađa đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo và chỉ huy binh chủng. Tính tích cực linh hoạt và sự sáng tạo đã phát huy hết sức mạnh của binh chủng thực hiện một cách xuất sắc chức năng chủ yếu của bộ đội rađa là canh trời, phát hiện và thông báo mọi cuộc tập kích của địch, bảo đảm cho việc tiêu diệt địch của các binh chủng hỏa lực, bảo đảm cho việc phòng tránh của toàn dân. Huấn luyện và xây dựng, tổ chức bảo đảm và hiệp đồng chiến đấu trong những tình huống khó khăn, họ đã quyết định chính xác tình hình địch trên không, bảo đảm thắng lợi trong mọi trận đánh. Với lòng trung thành vô hạn, những người lính rađa đã chịu đựng gian khổ, ngoan cường chiếm lĩnh hầu hết mọi điểm cao của Tổ quốc hoàn thành nhiệm vụ. Ở đó, họ đã hiểu thế nào là mảnh đất của Tổ quốc, thế nào là kẻ địch xâm phạm bầu trời. Ở đó họ đã giành giật không chút lơi lỏng chống lại mọi thủ đoạn của địch và bằng mọi sự hy sinh cần thiết, họ đã đánh thắng, phát hiện từ xa và không bỏ sót địch. Những người lính kỹ thuật với sự hiểu biết sâu sắc về vũ khí của mình đã ngày đêm bám sát trận địa. Họ đã sửa máy, họ đã nối dây, họ đã không một phút nào để trận địa ngừng phát sóng tiến công kẻ địch. Người có thể bị hy sinh, nhưng máy móc, vũ khí, thông tin không thể để gián đoạn, luôn luôn sáng ngời một khẩu hiệu: "Tất cả cho chiến thắng". Những người lính hậu cần rađa lầm lũi gùi xăng, vác gạo, chuyển hàng lên trận địa. Máy không được ngừng chạy, xe không được ngừng đi, cho dù trận địa ở tận nơi đâu, trên đỉnh U Bô, Pù Kéo Phó, Côlêa, núi Chúa... hoặc tận nơi hẻo lánh xa xôi của các vọng quan sát Bạch Long Vĩ, Yên Tử, Tam Đảo, Ba Vì, Suối Rút... hoặc ở chơi vơi giữa các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cô Tô, họ vẫn có mặt, bảo đảm cho phần ăn trọn vẹn, cho viên thuốc chữa bệnh để tất cả góp phần sức mình đánh thắng. Họ đã đứng vững nhằm thẳng quân thù phát sóng, chắt lọc từng tình báo để thông báo. Cũng trong cuộc đọ sức quyết liệt, họ đã ngã xuống, máy họ bị bắn phá hỏng, họ không hề sợ sệt, mà họ đã tự băng lấy vết thương rồi tiếp tục đứng dậy, tiếp tục đẩy dây trời chiến đấu. Họ đã vì dân mà hy sinh và ngược lại nhân dân mọi tầng lớp, mọi thế hệ đều đứng bên họ, luôn luôn che chở cho họ chiến đấu. Trên mọi miền tổ quốc đã đi qua để chọn và quyết định đội hình và trận địa chiến đấu, ở đâu cũng có bóng dáng người dân bên cạnh và mối tình cá nước quân dân đã trở thành một yếu tố của thắng lợi trong tất cả mọi trận đánh, mặc dù nơi rađa đứng chiến đấu thông thường là vùng hẻo lánh xa xôi nhất. Một nguyên nhân của thắng lợi nữa không thể không điểm ra ở đây là sự viện trợ và giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế. Những người anh em Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác luôn luôn chia sẻ góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Các đồng chí đã cùng ăn, cùng ở, cùng hy sinh bên cạnh chúng ta. Chúng ta bao giờ quên ân nghĩa sâu nặng đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 07:40:07 pm »

        Chiến tranh là sự đấu trí đấu lực, là sự thử thách của tương quan lực lượng, thắng lợi của chiến tranh là thuộc về mạnh được yếu thua. Mà trước hết là tinh thần, ý chí và tài ba của người lính. Suốt 20 năm trường chiến đấu, điều cảm nhận lớn lao nhất chính là bản linh chính trị, ý thức căm thù địch của chúng ta là điều quyết định. Trong mọi tình huống của chiến tranh, chúng ta đã tìm ra được cách đánh có hiệu quả nhất nhằm hạn chế chỗ địch mạnh, khoét sâu chỗ địch yếu, phát huy hết khả năng vũ khí giành thắng lợi. Chẳng có một thứ binh khí nào là hoàn mỹ cả, mỗi cái có ưu, có nhược điểm của nó, lúc này chỗ này nó ưu việt, lúc khác chỗ khác nó trở thành cản trở, nó là một vật chất, nó phát huy được tác dụng, nó giúp mình đánh thẳng, nhưng nó đều qua con người, trí tuệ của con người. Không thì nó cũng chỉ là cục sắt không hơn không kém. Nghệ thuật tác chiến của bộ đội rađa cơ bản là tư tưởng chỉ đạo tác chiến và cách đánh sáng tạo của nó nhằm thực hiện hiệu quả chức năng của bộ đội rađa cao nhất. Với một nhiệm vụ được giao, trên một thế trận được xác định, trong điều kiện binh khí hạn chế, chịu tác động của các ảnh hưởng về địa hình thời tiết hầu như bất biến, chúng ta đã đánh thắng hết thủ đoạn này đến thủ đoạn khác của địch, bảo toàn lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng ta đã kéo dài cự ly phát hiện, đã chống nhiễu, đã tránh được Sơ-rai, đã cơ động chống địch, đã không ngừng nâng cao độ chuẩn xác tính kịp thời của tình báo, bảo đảm cho mọi hiệp đồng chiến đấu thắng lợi. Tất nhiên là chúng ta cũng chẳng tránh được tổn thất mất mát do địch gây nên, ở trận này, ở chỗ khác, nhưng chúng ta đã thắng lợi vẻ vang. Chúng ta tự hào về bản lĩnh và trí tuệ của con người chúng ta.

        Chiến tranh kết thúc, đã lùi sâu vào quá khứ. Nhưng nhìn trở lại cả chặng đường đã qua, chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ lại các gương mặt đồng đội đã ngã xuống. ở các cương vị và hoàn cảnh sinh sống khác nhau, giờ đây những người còn sống thật vô cùng hạnh phúc. Chúng ta được độc lập, được tự do, được hòa bình và xây dựng đất nước. Nghĩ về lớp lớp con em thế hệ tiếp theo, chúng ta cũng thấy tự hào và vững tin ở họ.

        Thế giới đang ở vào vòng xoáy của bạo lực, của khủng bố, của bao sự bất ổn, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Để cho các lực lượng của Quân đội ta đánh thắng, không bị bất ngờ, vẫn là nhiệm vụ của bộ đội rađa trước hết. Chúng ta vẫn phải đứng ở vị trí hàng đầu, vị trí của vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc. Với thế thượng phong ngạo mạn của đế quốc Mỹ hiện nay, để chống lại có hiệu quả các cuộc chiến tranh không tiếp xúc của chúng, bộ đội rađa chúng ta vẫn phải tiếp tục mài sắc cảnh giác ra sức bảo vệ bầu trời thân yêu của chúng ta.

        Với một tấm lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng, đối với Quân đội, đối với nhân dân, ghi lại đôi điều cảm nhận đối với chiến tranh trong lĩnh vực tác chiến rađa, tác chiến phòng không, tôi hy vọng trao đổi với các bạn bè đồng đội và nhất là đối với thế hệ đang kế tục sự nghiệp của cha ông những điều thu hoạch bổ ích.

Tháng 10 năm 2003       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 07:42:44 pm »

       
BÀI CA BÊN CÁNH SÓNG

NGUYỄN ĐẮC TẤN                 
Ban tuyên huấn Binh chủng Rađa       

        Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội rađa, chắc chắn ai cũng khẳng định rằng có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng nói chung và công tác văn hóa văn nghệ nói riêng. Căn cứ vào đặc điểm của Binh chủng Rađa là phân tán rộng trong phạm vi cả nước, có nhiều đơn vị bám trụ nơi địa bàn phức tạp, gian khổ như trên những vùng núi cao, ngoài hải đảo và các vọng gác tiền tiêu heo hút trên các vùng biên cương của Tổ quốc.

        Xuất phát từ tình hình thực tế đó Đảng ủy và Bộ tư lệnh binh chủng rất quan tâm đến công tác văn hóa văn nghệ - coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với bộ đội.

        Vì vậy binh chủng đã tiến hành tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng văn hóa, văn nghệ nhằm làm hạt nhân, nòng cốt cho việc phát triển phong trào. Với phương châm tất cả hướng về cơ sở, phục vụ động viên bộ đội bám máy, bám trận địa, bám dân phục vụ đánh thắng địch trong mọi tình huống.

        Ngoài việc chỉ đạo văn hóa văn nghệ tại chỗ, hàng năm binh chủng tổ chức hội diễn văn nghệ từ cơ sở đến binh chủng nhằm chọn những tiết mục hay, những sáng tác hay, diễn viên xuất sắc tổ chức thành lập đội tuyên truyền văn nghệ. Nhiệm vụ đặt ra cho dội tuyên truyền văn nghệ là phải tập trung xây dựng một chương trình hoàn chỉnh. Đầu tiên là nhằm phục vụ cho các đơn vị trong binh chủng, tiếp theo là tham gia hội diễn cấp trên đồng thời tổ chức thu thanh những tiết mục tiêu biểu qua làn sóng phát thanh của đài tiếng nói Việt Nam phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước.

        Nhìn lại chặng đường phục vụ của các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ của Binh chủng Rađa chúng ta có quyền tự hào không những đã đạt được các thứ hạng cao qua các lần hội diễn mà chính là đã để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào những ấn tượng sâu sắc đã khắc họa được hình ảnh người chiến sĩ rađa qua những lời ca tiếng hát... cho đến bây giờ hẳn nhiều người còn nhớ bài hát "Anh cán bộ đi tìm trận địa" của Phạm Đĩnh; "Cánh sóng tiến công” của Xuân Khôi; "Bài ca anh nuôi" của Trọng Quyền và nhiều tiết mục kịch, chèo, thơ, múa, nhạc khác.

        Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, với khí thế "Tiếng hát át tiếng bom" đội tuyên truyền văn nghệ Binh chủng Rađa chỉ vẻn vẹn có trên, dưới 20 người, tập trung hầu hết ở các đơn vị trong toàn Binh chủng về, trang thiết bị nghèo nàn, thiếu thốn nhưng anh chị em vẫn hăng hái khăn gói hành quân hướng về cơ sở, hướng ra chiến trường, cố gắng phục vụ chiến sĩ và đồng bào ở mức tốt nhất. Những chuyến đi biểu diễn dài ngày từ núi rừng Tây Bắc đến hải đảo xa xôi, đặc biệt có chuyến đi phục vụ tuyến lửa Khu 4 anh hùng, anh chị em trong đoàn phải trèo đèo, lội suối, có lúc hành quân ngay cả trong tầm đánh phá của máy bay giặc Mỹ. Tiếng hát của đội tuyên truyền văn hóa đã từng vang vọng trên đỉnh Trường Sơn, góp phần làm ấm lòng những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong trên đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

        Với tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, khắc phục khó khăn thiếu thốn, các chiến sĩ - nghệ sĩ chia nhau từng bát nước uống, từng miếng lương khô, từng bát canh rau rừng để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

        Biết bao lần trong buổi thu thanh của đài tiếng nói Việt Nam tiếng hát của cả đội hòa lẫn trong tiếng máy bay B-52 của giặc Mỹ. Có những buổi biểu diễn mấy lần phải tắt đèn vì máy bay địch, có lần biểu diễn ngay trên trận ớự!a, khán giả ít hơn diễn viên. Cảm động biết bao khi có đêm diễn, nhìn từ sân khấu xuống khán giả hầu hết chít khăn tang vì gia đình họ ai cũng có người thân bị bom Mỹ sát hại. Làm sao có thể quên được những lời nói cảm động và chân tình của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình khi lên sân khấu tặng hoa và ôm hôn chiến sĩ diễn viên đội tuyên truyền văn nghệ: "Các đồng chí không ngại hy sinh, gian khổ, đã kịp thời đem đến lời ca, tiếng hát phục vụ động viên quân và dân Quảng Bình chúng tôi. Xin cám ơn các chiến sĩ bộ đội Rađa".

        Hết mỗi đợt diễn, anh chị em lại trở về đơn vị trực tiếp chiến đấu. Những diễn viên lại trở thành người lính trắc thủ, là anh báo vụ, tiêu đồ... và họ lại là nòng cốt cho phong trào văn nghệ của đơn vị. Có đồng chí đã dũng cảm hy sinh trong chiến đấu để lại trong lòng mọi người niềm tiếc thương vô hạn như đồng chí Trường Giang, đồng chí Hữu Ái...

        Cán bộ và chiến sĩ ta vẫn còn nhớ mãi những gương mặt, những giọng ca của các đồng chí: Phạm Đĩnh, Trọng Quyền, Quốc Hiền, Xuân Khôi, Huy Tải, Đình Xứng, Ngọc Nhân, Trọng Tường, Huy Xông, Doãn Lương, Bạch Tuyết, Bích Quỳ, Trọng Mai, Mỹ Duyên, Thanh Nhàn, Kim Tiến, Văn Thanh, Văn Phú, Trinh Thiêm... và nhiều đồng chí khác.

        Chiến tranh đã kết thúc hơn 20 năm. Hôm nay những người lính - những diễn viên đó đã trở về với cuộc đời thường. Họ đang sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc và phần lớn họ đã ở vào độ tuổi ngũ tuần, có người đã lên ông, lên bà và không ít những người vẫn còn chịu cảnh chăn đơn, gối chiếc. Trong số học có người đã chuyển ngành sang các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật... có người hiện đang ở trong quân ngũ, và cũng có nhiều anh chị em đang bươn trải với cuộc sống hàng ngày... Những khi có điều kiện gặp nhau họ đều cùng nhau ôn lại kỷ niệm cũ, những kỷ niệm sâu sắc mà không phải ai cũng có được. Vào ngày 1 tháng 3 hàng năm - Ngày truyền thống của Binh chủng Rađa anh hùng những người lính rađa lại có dịp gặp nhau và những người chiến sĩ - diễn viên của đội tuyên truyền văn nghệ lại có dịp mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ anh em, đồng đội. Những ông, bà, tóc đã bạc, da đã nhăn lại kề vai sát cánh bên nhau như thuở nào, hát vang những bài ca về người lính, về cái thời tuổi trẻ đẹp nhất của mình với cây gậy Trường Sơn, bộ quân phục giản dị và gia tài duy nhất là chiếc ba lô... và họ hát về những cánh sóng đã góp phần làm nên lịch sử...

        Hôm nay, đồng chí, đồng đội của họ có người còn, người đã nằm lại chiến trường, có người trên mình vẫn còn mang những vết thương, dấu tích của một thời chiến tranh ác liệt... Và trong cái muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống đời thường, mối tình người lính rađa vẫn được họ giữ gìn một cách son sắt vẹn toàn không thay màu đổi sắc.

        Thật đúng như lời của bài hát "Trận địa ta không xây trên cao, lòng ta biết mấy tự hào...", bài ca gửi theo cánh sóng rađa vẫn còn âm vang mãi không bao giờ tắt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 07:45:12 pm »

       
TẤM ẢNH "MẮT NGƯỜI VIỆT NAM LÀ RẤT SÁNG!!!"

NGUYỄN ĐÌNH SƠN       

        Những ngày đầu Xuân Giáp Tý, tiết xuân miền Bắc đang rét ngọt. Bác Phạm Văn Đồng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đang đi chúc Tết từ miền Trung nắng ấm về Hà Nội và kế hoạch cuối cùng là vào thăm và chúc Tết bộ đội rađa (Trạm rađa 53 - Sân bay Nội Bài). Khí hậu và thời tiết ngày đầu xuân ở miền Bắc thế này là đẹp nhưng với các cụ tuổi già như bác Phạm Văn Đồng thì vẫn là cái khó vì bác đã vào tuổi thượng thọ rồi.

        Bộ đội rađa, những người lính trẻ thật vinh dự và cảm động được đón Bác, được nắm tay bác quây quần bên bác chuyện trò tự nhiên, chụp ảnh... Với tình cảm ông cháu cha con đến mừng tuổi, đem phúc lộc đến cho con cháu nhân ngày đầu xuân. Chuyện này cũng nhờ Trung tướng Phùng Thế Tài (nay là Thượng tướng) anh em rađa rất quý mến, với lòng kính trọng thường gọi là "Anh Tài", tình thương yêu sâu lắng của người cán bộ cấp trên đối với những người lính trẻ canh trời ngày đêm thầm lặng vất vả gian khổ... mà ít được mọi người biết đến. Anh em rađa vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ và những đồng chí cán bộ cấp trên như thế. Đó là những dấu ấn với bộ đội rađa không thể nào quên được...

        Từ tối hôm mồng 3 tết (4-2-1984) được tin bác Phạm Văn Đồng đến vui Tết với bộ đội rađa cả Bộ tư lệnh thật vui sướng đến nghẹn ngào. Đây là món quà đầu xuân đến với binh chủng đang chuẩn bị đón ngày truyền thống 25 năm của bộ đội rađa, thật là một vinh dự và cũng thật là lo lắng phải làm sao cho bộ đội tề chỉnh, khí tài phải tốt nhất, trận địa phải ngăn nắp, sạch sẽ... để đón bác, để bác vui vẻ. Ngay từ sáng sớm mùng 4 Tết, các đoàn cán bộ binh chủng và Trung đoàn rađa 293 đã có mặt ở Trạm 53 để làm công tác chuẩn bị; từ cán bộ đến chiến sĩ ai ai cúng quần áo mới, quân hàm quân hiệu chỉnh tề, phấn chấn làm tốt mọi công việc để sẵn sàng đón bác, các máy rađa luân phiên mở trực ban để theo dõi chuyên cơ của bác, các tuyến canh gác, tiêu binh được rải khắp nghiêm ngặt..., 13 giờ từ sở chỉ huy trạm thông báo "... đã phát hiện chuyên cơ đang trên đường về Hà Nội" 13 giờ 15 phút trạm quan sát đỉnh đầu báo "...chuyên cơ đang vào sân bay đang hạ thấp độ cao..." tổ liên lạc sân bay cũng dồn dập đưa tin"... chuyên cơ đã hạ cánh an toàn! Các vị khách đang lên xe...". Mọi người tại trận địa rộn ràng hẳn lên tề tựu vào hàng ngũ suốt từ cổng đài rađa Π35, lúc này đài 35 đã được lệnh tắt máy quay hướng ăng ten để sẵn sàng đón bác. 3 phút sau xe bác đã qua cổng của trạm; với tiếng hô dõng dạc của Tư lệnh binh chủng, toàn trận địa im phăng phắc nghiêm trang... Xe bác Đồng từ từ dừng lại bác Phạm Văn Đồng tươi cười bước xuống giơ tay vẫy chào bộ đội. Đồng chí Tư lệnh binh chủng báo cáo và chúc mừng sức khỏe bác. Mọi người sung sướng nghẹn ngào, đúng bác đây rồi, bác Phạm Văn Đồng đã đến với bộ đội rađa đây rồi... Trời đầu xuân lúc này hửng nắng, bác Phạm Văn Đồng vẫn mặc giản dị, chỉ khoác thêm chiếc áo choàng dạ mỏng, đầu không đội mũ. Anh Tài và đồng chí Tư lệnh binh chủng dắt tay bác hướng lên đài rađa. Bác vui vẻ cười, anh Tài giới thiệu bác và bộ đội "... hôm nay nhân ngày đầu xuân và sắp đến ngày truyền thống 25 năm của binh chủng (1/3/1959 - 1/3/1984) bác Phạm Văn Đồng - ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm và chúc tết bộ đội rađa!!!.... Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội của bộ đội kéo dài mãi... "Kính chúc bác Phạm Văn Đồng luôn luôn mạnh khỏe, kính chúc bác Phạm Văn đồng luôn luôn mạnh khỏe...". Bác tươi cười đôn hậu, giơ tay vẫy chào bộ đội và vui vẻ ôn tồn bác nói: "Các đồng chí làm việc tốt là tôi khỏe thôi!"... Tiếng cười xốn xang tiếng vỗ tay lại vang lên kéo dài không dứt... mọi người ùa lại vây quanh lấy bác Đồng để nghe bác hỏi chuyện. Đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Thiếu tướng Trần Nhẫn thay mặt anh em thưa chuyện với bác. Với nét mặt đôn hậu giọng nói ấm áp miền Trung, Bác Đồng ân cần dặn bộ đội phải làm việc thật tốt, phải giữ gìn khí tài chiến đấu thật tốt, phải tăng gia, phải trồng cây để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho bộ đội. Bác Đồng nói với bộ đội rađa:

        "Mắt người phải hơn "mắt thần”. Mắt người Việt Nam là rất sáng. Trong mắt người Việt Nam thì mắt các chiến sĩ rađa phải sáng hơn tất cả mọi người!!!”.

        Tiếng vỗ tay, hoan hô của bộ đội lại vang lên, kéo dài mãi không dứt. Anh Tài mời bác cùng chụp ảnh chung với anh em nhân ngày đầu Xuân, bác cười vui vẻ đứng cùng anh em quây quần để chụp ảnh. Sau đó anh Tài lại xin phép mời bác ra xe, bác Phạm Văn Đồng bịn rịn thương yêu vẫy tay tạm biệt bộ đội... Tất cả anh em cùng ùa xuống ra tận xe để tiễn Bác trong niềm lưu luyến, thương yêu kính trọng... Xe từ từ chuyển bánh, bác Đồng vẫn vẫy tay chào bộ đội, anh em cũng lưu luyến tiễn đưa xe ra hết trận địa mà bộ đội vẫn đứng im sửng sờ trước một người ông, người cha - một lãnh tụ cấp cao của Đảng và Chính phủ đã đem không khí ấm áp của những ngày đầu xuân Giáp Tý đến với bộ đội rađa đang chuẩn bi đón 25 năm ngày truyền thống của binh chủng 1 tháng 3 năm 1959 - 1 tháng 3 năm 1984.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 07:51:39 pm »

        
CHUYỆN KỂ VỀ MỐI TÌNH HỮU NGHỊ

TÂM TRINH        

        Với tinh thần quốc tế cao cả các nước anh em Liên Xô (trước đây) và Trung Quốc giúp ta các trang bị, đào tạo cán bộ chỉ huy kỹ thuật để chiến đấu. Lãnh đạo các nước anh em đã cử các cố vấn, chuyên gia sang ta từ ngày đầu và suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt. Các đồng chí rất sâu sát xuống đơn vị, chịu đựng vất vả thiếu thốn cùng chung chiến hào chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Đầu năm 1958, đồng chí Hoàng và đồng chí Điền, cố vấn Trung Quốc đã bồi dưỡng về chiến thuật cho cán bộ ta, cùng ta đi nghiên cứu bố trí địa hình mạng rađa và mạng quan sát mắt. Các đồng chí Trương Liên, Đồng giúp huấn luyện thao tác sử dụng các đài, giới thiệu các kinh nghiệm của cuộc kháng Mỹ, viện Triều.

        Tôi nhớ lại vào một ngày tháng 6 năm 1966, cùng đồng chí Trương Liên xuống Đại đội 25 ở Đồng Lâm - Thái Bình để đôn đốc việc bắt máy bay tầng thấp. Hai đài P15 và P10 đặt ở sát rìa làng, hướng phía Đông là cả cánh đồng trống, mặt phản xạ lý tưởng; khi các loại máy bay A6, A7 vào đánh lén ở độ cao <1.500m đều bị máy phát hiện tốt, khi chúng bay ra hướng Bắc và Tây, do mặt phản xạ xa và gần của đài bị ảnh hưởng của làng mạc nên không phát hiện được. Đồng chí đại đội phó Bông đề nghị kéo máy ra phía trước bố trí gần biển. Đồng chí Trường Liên, đồng chí Danh cán bộ đại đội và tôi đi ra phía đê Trà Lý để khảo sát. Đã 10 giờ sáng, hoạt động của địch đang ở thời gian cao điểm. Tôi ái ngại lo đến an toàn cho bạn và dự kiến khoảng đến chiều mới đi. Thấy tôi ngập ngừng, đồng chí Liên nói với tôi: "Đồng chí phó phòng ạ, cứ ra xem sao, địch đánh đâu ta tránh đấy, lo gì, lo gì đồng chí!". Hội ý với đồng chí Lừng lái xe, tôi đồng ý đi. Đang khảo sát, đo đạc vùng sát cánh đập, thì 2 chiếc F8 bay vào thả một chùm bom, vừa nằm xuống tôi hô: "Ẩn nấp" bằng tiếng Trung Quốc. Đồng chí Trương Liên được tôi đẩy vào chiếc hố cá nhân dân quân đào sẵn bên cạnh, người lút ngập trong hố. Vòng lại, 2 chiếc F8 tiếp tục thả bom vào khu đập. Cả ba chúng tôi bò đến nằm che lấp miệng hố đồng chí Liên đang nấp. Bom làm sạt một phần mộ đập. Mấy phút sau, khói bom tan, địch bay xa. Chúng tôi đều không ai việc gì. Ra khỏi hố đồng chí cảm ơn sự quan tâm của chúng tôi và nói: "Xin lỗi đồng chí phó phòng và các đồng chí, chủ quan quá, không nắm được tình hình, xin lỗi, xin lỗi!". Tôi đùa lại: "Chúng tôi sợ đồng chí bí thở, vì bị bịt mất miệng hố”. Tất cả chúng tôi đều cười, hú vía. Trưa về đại đội, trong bữa cơm tôi nói đùa "Hôm nay đồng chí Trương Liên bất tử, đồng chí Trương Liên sống mãi! Can pây, can pây!", tiếng cười rộ, vui vẻ.

        Tháng 10 năm 1967, chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ leo thang ra ngoài vĩ tuyến 20, tôi đưa đồng chí Thiếu tướng Liên Xô I-li-u-khin xuống trận địa Giáp Khẩu của Đại đội 28 ở Quảng Ninh. Khi phà Bãi Cháy vừa mới cập bến Hòn Gai thì có kẻng báo động trên không. Liền sau đó bom nổ tứ tung quanh phà. Tôi và đồng chí Vít lái xe lo quá kéo vội đồng chí I-li-u-khin xuống ngay cạnh bến dưới gầm của một chiếc phà. Lội xuống nước tôi tiếp tục kéo đồng chí vào một cống thoát nước để trú ẩn và yên tâm nghe tiếng bắn trả của pháo cao xạ. Máy bay tiếp tục ném bom làm rung động cả bến phà. Báo yên, cả ba chúng tôi lóp ngóp bò ra ướt như chuột lột. Đã 60 tuổi đời trải qua cuộc chiến tranh chống phát xít vĩ đại, nhìn đến mái tóc bạc của đồng chí đang ướt sũng, tôi thật sự xúc động. Ngồi trên xe, đồng chí nói: "Chiến tranh là thế, chiến tranh là chiến tranh, số phận chúng ta còn may lắm". Tôi cho xe chạy vào văn phòng thị ủy Hòn Gai, mượn cho đồng chí ấy một bộ đồ để thay. Người đồng chí cao to mà bộ com lê lại chật và ngắn, mặc vào trông rất buồn cười. Đến Đại đội 28 đồng chí Chuyên đại đội trưởng phải đốt lửa để sấy luôn bộ đồ ướt của đồng chí. Sau khi mặc lại, lúc đó tôi mới thấy yên tâm, nếu không để đồng chí đóng hề Sác-lô mãi buồn cười không nhịn được.

        Cuối tháng 12 năm 1967, tôi đưa đoàn quân sự phòng không của Bắc Triều Tiên lên Đại đội 37 ở Pa-Háng, Tây Bắc. Không được đi ngày, đoàn xe len lỏi suốt đêm trèo đèo lội suối đến Mộc Châu, qua Bó Sập vào đại đội. Để động viên bạn và chống buồn ngủ, suốt đêm tôi và các anh em, đồng chí lái xe Sự liên tục tổ chức ăn lương khô, sữa, chè. Các đồng chí đều biết tiếng Trung Quốc nên tôi tán đủ chuyện làm bạn tỉnh ngủ, rất vui.

        Đến nơi trời cũng vừa sáng, sau ít phút gặp gỡ, đồng chí Trình đại đội trưởng khẩn trương bố trí các đồng chí vào máy 406 đang trực ban luôn. Trên màn hiện sóng, xuất hiện địch. Tôi và đồng chí bạn thay vị trí các trắc thủ thao tác điều chỉnh phát hiện địch. Chúng tôi theo dõi địch ở cự ly 280km, phương vị 250° còn trắc thủ đọc báo cáo sở chỉ huy. Lát sau khi nghe quan sát báo cáo máy bay địch qua đỉnh đầu, đồng chí bạn xin ra khỏi đài và tự mình quan sát thấy địch tăng tốc bay vào nội địa. Trưa hôm đó đại đội làm cơm đãi bạn và uống rượu cần Tây Bắc. Ăn xong đồng chí Thiếu tướng bạn đi nghiên cứu rất kỹ các tham số thực tế của trận địa. Đồng chí sao chép lại hồ sơ trận địa 37 và xin đại đội các bản lưu đường bay máy bay địch và ta của đại đội trên các hướng và xin đem về.

        Đến 14 giờ, máy 406 lại có phiên trực, cá đồng chí lại xin vào máy. Địch tăng cường hoạt động, xuất hiện trên hướng Tây - Nam phía Thái Lan ở phương vị 270°, cự ly từ 300km đến 180km bay vào nội địa miền Bắc và đều qua đỉnh đầu của đại đội. Một lần nữa các đồng chí lại ra khỏi máy quan sát.

        Về Hà Nội sau khi nghiên cứu trao đổi và kết luận có căn cứ khả năng phát hiện của Đại đội 37 trên núi cảo, các đồng chí rất cảm ơn về những kinh nghiệm chiến đấu của rađa sóng mét trên vùng rừng núi.

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bạn bè quốc tế luôn luôn đến với chúng ta, giúp đỡ nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm cùng nhau học tập. Kể lại một vài tình huống làm việc với bạn trên đây, chúng ta hết sức cảm ơn tinh thần đoàn kết quốc tế, góp phần nhân thêm sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến tranh của dân tộc ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM