Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:37:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30180 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 05:51:32 am »

        Ngày 9 tháng 8 năm 1964 tôi từ giã đại đội 19 ra đa ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới theo lệnh của đồng chí trung đoàn trưởng Đào Văn Dương, trong lòng không thật yên tâm về nhiệm vụ mới và lo cả những việc gì mà đơn vị cũ sẽ phải làm. Tôi cũng biết ngày mai 10 tháng 8 năm 1964 đại đội sẽ hành quân di chuyển về khu vực Thọ Xuân, một vùng mới để tiếp tục chiến đấu.

        Ngày 10 tháng 8 năm 1964 tôi vào tiếp kiến trung đoàn trưởng, việc đầu tiên đồng chí giao cho tôi là viết bản báo cáo tường trình trận chiến đấu của đại đội trong đó có cả phần phát hiện thông báo địch và bắn máy bay địch ngày 5 tháng 8 sau đó đồng chí cũng cho biết là cấp trên đã xác minh trong trận chiến đấu đó, đại đội 19 ra đa đã bắn rơi một máy bay của không quân hải quân Mỹ ở Lạch Trường, Thanh Hóa. Tôi lặng người đi nhưng trong lòng rất mừng, không thấy trung đoàn phê phán gì, tôi nghĩ như vậy là được cả "chì lẫn chài" vì bắn rơi được máy bay địch và bảo đảm an toàn trận địa (vì nếu địch đánh trận địa thì chắc đơn vị không tránh khỏi bị kỷ luật, tôi là người chịu trách nhiệm chính). Ngày hôm sau, tôi còn được biết thêm là trung đoàn đã điện giao nhiệm vụ cho đồng chí Nho Phú - đại đội phó đi gặp bộ đội hải quân ở Lạch Trường để xác minh thực tế chiếc máy bay địch mà đơn vị bắn rơi. Sự thể là trong đội hình 8 chiếc máy bay địch bay qua bờ biển xã Quảng Hùng đến Lạch Trường bị bắn rơi hai chiếc, khi vớt tang vật lên được hai cánh máy bay nhưng cả hai cánh đều nằm về một phía do đó có thể xác định chính xác là ít nhất có hai chiếc bị bắn rơi, một trong hai cánh máy bay có lỗ thủng do đạn 14,5 ly bắn. Tất nhiên trong trận này bộ đội hải quân không được trang bị súng máy 14,5 ly để chiến đấu. Để đảm bảo chắc độ tin cậy, đồng chí Nho Phú còn mang theo một viên đạn 14,5 ly để đo lỗ thủng của cánh máy bay, như vậy đã rõ ràng đại đội 19 - Một đơn vị ra đa đầu tiên của bộ đội phòng không đã góp phần vào chiến công bắn rơi nhiều máy bay địch trong ngày 5 tháng 8 năm 1964. Đó là chiến công hiếm có của đơn vị, với tôi đây cũng là một kỷ niệm sâu sắc trong đời binh nghiệp nói chung, những năm tháng ở Binh chủng Ra đa nói riêng.

        Sau hơn 1100 ngày với đại đội 19 ra đa, một trong những mốc thời gian mà quãng đời tôi gắn lâu nhất với một đơn vị cơ sở trực tiếp chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ. Từ đó tôi từ giã đại đội 19 ra đa và không quay trở lại với nó về vị trí chiến đấu, được biết với thành tích xây dựng và chiến đấu, đại đội đã được đón nhận danh hiệu "Đơn vị Anh hùng" - một vinh dự cao quí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 08:23:01 pm »

       
BẢO ĐẢM RAĐA CHO KHÔNG QUÂN
DÙNG MÁY BAY CỦA ĐỊCH ĐÁNH ĐỊCH

TRẦN LIÊN       

        Thời kỳ 1961 - 1964 địch tích cực tung biệt kích ra phá hoại miền Bắc. Ban đêm chúng cho máy bay cánh quạt C47, C123 tốc độ 300 - 400km/giờ ở độ cao 3000 - 5000m ra miền Bắc thả biệt kích. Ta đã tổ chức nhiều trận phục kích bằng pháo cao xạ nhưng địch lại dùng thủ đoạn bay cao hơn và thả biệt kích vào những vùng hiểm trở hy vọng ta khó cơ động lực lượng kịp thời đánh chúng và để bọn biệt kích lẩn trốn không bị bắt sống ngay tại trận. Chỉ có cách dùng máy bay đánh địch mới khắc phục được đặc điểm này.

        Tháng 9 năm 1963 một máy bay cường kích T28 của quân ngụy Lào sang ta xin cư trú. Ta đặt tên cho chiếc máy bay này là chiếc 963. Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật, sửa chữa và huấn luyện sử dụng, chiếc 963 đã được Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đưa vào làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu.

        Sử dụng chiếc 963 để đánh loại C47, C123 là phù hợp. Về ra đa thì ta chưa có khí tài chuyên dẫn đường cho máy bay. Lúc này sở chỉ huy Quân chủng mới chỉ có hai trạm nhìn vòng là T29 với trang bị một đài 403 và một đài đo cao 843 của Trung Quốc. T28 còn gọi là "Ấp Bắc" được trang bị hai đài Π10 sóng m và Π15 song dm của Liên Xô (đài 402 sóng cm dùng cho hải quân canh giới trên biển được bạn cải tiến để đảm bảo dẫn đường cho không quân, đặt tên là 403).

        Ngày 15 tháng 2 năm 1 965 hồi 23 giờ 23 phút, vọng quan sát ở Con Cuông, Nghệ An báo có tiếng động cơ máy bay. Trạm ấp Bắc và Trạm 29 được lệnh mở máy khẩn trương đảm bảo dẫn đường. Cả hai trạm đều phát hiện được chiếc C123 của địch đã vào đến Hồi Xuân - miền Tây Thanh Hóa. Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định sử dụng chiếc 963 lên đánh. Đồng chí Hiệp sĩ quan chỉ huy không quân lệnh cho hai đồng chí Ba và Phước lái chiếc 963 chuẩn bị. Tư lệnh Quân chủng lệnh cho tôi trực chỉ huy ra đa hôm đó thông báo ngay cho lực lượng phòng không Quân khu 3 "Không được bắn máy bay ta". Thời gian này thống nhất chung toàn miền Bắc là ban đêm máy bay ta không hoạt động nên các lực lượng phòng không được phép bắn nếu phát hiện máy bay. Tôi lo lắng không biết nên làm thế nào để đảm bảo an toàn cho máy bay ta khi cất cánh. Tôi gọi sở chỉ huy Quân khu 3 thông báo cho đồng chí Quang Hùng - Chủ nhiệm phòng không yêu cầu đảm bảo an toàn. Đồng chí Hùng trả lời tôi là "Anh Liên ạ, anh có báo cho vợ anh cũng không kịp nứa là tôi báo cho các lực lượng phòng không toàn quân khu, nhất là tự vệ". Tôi chỉ còn biết yêu cầu anh Hùng cố gắng. Ngồi quanh bàn dẫn đường của không quân gồm đủ các thành phần từ các đồng chí trong Bộ tư lệnh đến các tham mưu phó, sĩ quan chỉ huy không quân ra đa và sĩ quan dẫn đường rất hồi hộp vì đây là trận đầu chỉ huy máy bay lên đánh máy bay địch. Tôi và đồng chí Kính sĩ quan dẫn đường rất lo lắng: Làm sao để 963 cất cánh an toàn không bị pháo và súng máy phòng không bắn nhầm? Có ý kiến bàn cho máy bay ta lượn vòng lấy độ cao trên đầu sân bay để loại tầm súng máy của phòng không tự vệ nhưng sau chúng tôi bàn là giành bất ngờ vừa cất cánh bay thẳng đến mục tiêu vừa nâng dần độ cao sẽ tránh được hỏa lực mặt đất mà lại tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu để đánh địch. 0 giờ 07 phút chiếc 963 được lệnh cất cánh vừa bay thẳng đến mục tiêu vừa lấy độ cao và khi đã cách Hà Nội 35km rồi thì tiếng súng phòng không các cỡ của Hà Nội mới bắt đầu giòn giã nổ vang! Chúng tôi nhìn nhau yên tâm. Bây giờ lại lo đến việc bám sát địch, ta để dẫn 963 vào công kích.

        Đường bay của cả ta và địch, ra đa ta phát hiện đôi lúc bị đứt quãng? Có lúc không rõ sóng về nào là ta, sóng về nào là địch? Chiếc 963 thì không có máy trả lời theo ra đa ta. Cứ mỗi lần như vậy đồng khí Tài - Tư lệnh lại hỏi: "Địch đâu? Ta đâu? Ra đa thế nào?"... Chúng tôi rất lúng túng? Chỉ còn cách phối hợp chặt chẽ giữa trắc thủ và sĩ quan dẫn đường trên hiện sóng, đồng chí Ngư ở Trạm 29, đồng chí Chuyên ở Trạm 28 và với những sĩ quan dẫn đường trên sở chỉ huy để bổ trợ cho nhau. Chúng tôi phải dùng phương pháp lệnh cho 963 lúc kéo cao, lúc rẽ trái hoặc phải để phân biệt ta địch trên hiện sóng và mong sao cho các đồng chí Ba và Phước báo thấy địch để công kích là mừng. Sau những phút hồi hộp được các đồng chí lái báo thấy địch rồi cả sở chỉ huy mừng khôn xiết. Các đồng chí đã bắn và chiếc C123 địch đã quay đầu về phía Tây và mất dần độ cao. Phấn khởi vì đã đánh được địch, bây giờ lại lo lắng việc dẫn máy bay về an toàn. Trạm 29 và 28 đã bám sát được 963 dẫn về trong khi sóng về của địch đã mất hút. Chiếc C123 sau này mới tìm được xác ở Thượng Lào và thành tích của 963 mới được xác nhận.

        Đây là trận đầu ra đa bảo đảm dẫn đường cho không quân trong hoàn cảnh trang bị chưa đầy đủ, trắc thủ chưa có kinh nghiệm nhưng chúng ta đã thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 08:38:17 pm »

       
NHỚ LẠI ĐẠI ĐỘI 13 Ở RÚ NÀI - HÀ TĨNH

LƯƠNG HỮU SẶT       

        Ngày 7 và 8 tháng 2 năm 1965, địch mở kế hoạch "mũi lao lửa" đánh vào Quảng Bình, Vĩnh Linh bị thất bại; tiếp tục ngày 11 tháng 2 năm 1965 địch lại đánh phá Đồng Hới, ngay từ đầu các đại đội rađa 11 và 12 đều phát hiện địch sớm, thông báo cho các đơn vị phòng không của các địa phương nên báo động sớm. Thế trận phòng không đã sẵn sàng. Trận đánh ở Đồng Hới kéo dài 14 giờ 15 phút mới kết thúc. Sáu máy bay Mỹ bị bắn rơi và tên giặc lái Su-mếc-cơ bị dân quân xã Lý Ninh bắt sống.

        Do bị thất bại ở Quảng Bình - Vĩnh Linh, không giành được yếu tố bất ngờ, 13 giờ 55 phút ngày chủ nhật địch cho nhiều tốp máy bay bay rất thấp còn cồn cát Phú Hội đánh Đồng Hới. Chọn thời cơ buổi trưa ngày nghỉ chủ nhật, tưởng rằng gây bất ngờ với lưới lửa phòng không, lại bay thấp để không quan sát thấy, kể cả đánh thị trấn Hồ Xá - Vĩnh Linh cũng vào lúc 12 giờ và 14 giờ 8 phút. Tuy vậy tất cả các tốp máy bay này đều bị đại đội 11 và 12 rađa bố trí ở Lộc Đại, Quảng Bình và Vĩnh Chấp ở Vĩnh Linh phát hiện được sớm, mặc dầu bay rất thấp; báo động cho dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh sẵn sàng đánh địch.

        Địch cũng biết được như vậy, không giành được yếu tố bất ngờ vì các đại đội rađa cảnh giới này, các trận địa đã bố trí từ khi triển khai chiến đấu đầu tiên đến nay đã được gần 5 năm, vẫn ở chỗ cũ: Mặc dầu cuối năm 1964 nhân dân ở các xã quanh trận địa ngày đêm dốc sức đắp công sự bảo vệ các xe rađa, các hầm chỉ huy đại đội; các đài phát và thu vô tuyến điện, các kho đạn và trận địa súng máy phòng không 12,7 ly và 14,5 ly, hệ thống giao thông và công sự chiến đấu trên không và mặt đất.

        Ngoài ra mỗi đại đội cũng được chuẩn bị hai đến ba trận địa dự bị trong phạm vi 30km2 để bí mật bất ngờ di chuyển khi có chiến tranh xảy ra. Thiết bị các trận địa này có khác là bố trí kín đáo hơn nhưng cũng có công sự đắp nổi cho xe rađa, máy nổ, đài thu vô tuyến điện, chỉ huy sở của đại đội. Riêng giao thông hào và công sự cá nhân khi di chuyển bộ đội tự làm lấy sau.

        Địch quyết định hủy diệt hệ thống rađa của ta, nó là điều kiện đầu tiên tạo thuận lợi cho không quân và hải quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Trong thời gian còn lại của năm 1965, địch chuẩn bị ráo riết cho chiến dịch này. Các máy bay RB-66, RA-5C, RF-101 bay liên tục trinh sát vùng biên giới Việt Lào ở Tây Bắc và vùng Quân khu 4 để xác định hệ thống rađa cảnh giới ở biên giới và bờ biển khi phát sóng mở máy trực ban và chụp ảnh các vị trí trận địa rađa bố trí từ thời bình.

        Ngày 23 tháng 3 năm 1965 máy bay Mỹ bắt đầu mở chiến dịch "Sấm rền" đánh đại đội rađa 11 ở chân đồi 32 xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh lúc 13 giờ 50 phút.

        Ngày 24 tháng 3 năm 1965, 24 máy bay địch đánh vào các trận địa của đại đội rađa 12 bố trí ở đồi ngoài thôn Lộc Đại gần sân bay Đồng Hời, Quảng Bình, mặc dù lúc này đại đội 12 được di chuyển về trận địa dự bị ở Chánh Hòa cách trận địa cũ 6km. Do lệnh của đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đến kiểm tra chiến đấu ở Quảng Bình, Vĩnh Linh sau các trận chiến đấu ngày 11 tháng 2 năm 1965 bộ đội ta đánh trả các máy bay Mỹ vào ném bom Đồng Hới. Đồng chí đến thăm đại đội 12 kiểm tra chiến đấu. Thấy trận địa ở trên đồi, ăng ten rađa quay liên tục nên đồng chí đã lệnh cho di chuyển về trận địa dự bị, báo cáo về chỉ huy sở Quân chủng ở Hà Nội và thông báo cho trung đoàn 290 biết. Tuy đánh nhầm vào trận địa giả, địch đã sử dụng một khối lượng bom đạn để thực hiện ý đồ tiêu diệt đại đội rađa 12. Kết quả là 2 máy bay Mỹ bị quân dân Đồng Hời bắn rơi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 08:44:06 pm »

        Tại sở chỉ huy trung đoàn 290 ở Vinh đều nắm được đường bay của địch vào đánh đại đội 11, 12, nắm được báo cáo bằng miệng hàng ngày về tình hình chiến đấu của từng đại đội và trên cũng thông báo về chiến dịch "Sấm rền" của địch 15 giờ ngày 24 tháng 3 năm 1965 sau khi hội ý với anh Tuất - Chính ủy trung đoàn về ngày hôm sau thống nhất nhận định "thế nào địch cũng đánh đại đội 13 ở Rú Nài, Hà Tĩnh", tôi điện cho đại đội 13 sẵn sàng chiến đấu nay mai, đề phòng địch đánh vào trận địa; công tác bố trí hỏa lực phòng không và phối hợp chiến đấu với các lực lượng phòng không địa phương, chuẩn bị cho bộ đội chiến đấu tại chỗ và chuẩn bị trận địa dự bị khi có lệnh cơ động. Sau đó gọi điện về sở chỉ huy Quân chủng Phòng không: "Dự kiến ngày mai địch sẽ đánh vào trận địa của đại đội 13 rađa ở Rú Nài nên xin phép cho đại đội 13 di chuyển về trận địa dự bị". Sau 10 phút, được trả lời: "Quân chủng không đồng ý cho di chuyển đại đội 13 về trận địa dự bị, ở tại chỗ chiến đấu”.

        19 giờ cùng ngày Bộ tư lệnh Quân khu 4 có điện triệu tập một đồng chí thủ trưởng Trung đoàn 290 sang sở chỉ huy quân khu báo cáo. Vì phải chuẩn bị cho bộ đội chiến đấu ngày mai, tôi cử đồng chí Hóa - Tham mưu trưởng trung đoàn sang báo cáo tình hình với Tư lệnh Quân khu 4. Tư lệnh Quân khu 4 hỏi: Vì sao địch mở chiến dịch "Sấm rền" đánh phá các trận địa rađa, nó đã đánh đại đội 11 và 12. Tôi đi qua Hà Tĩnh, thấy ăng ten đại đội 13 ở Rú Nài vẫn quay tròn trên đồi, tại sao các đồng chí không lệnh cho anh em ở đó di chuyển về trận địa dự bị, như vậy là sao?

        Đồng chí Hóa báo cáo: Trung đoàn trưởng chúng tôi đã báo cáo về Quân chủng Phòng không - Không quân ở Hà Nội xin phép di chuyển đại đội 13 về trận địa dự bị nhưng trên cương quyết không cho di chuyển, phải ở lại vị trí cũ chiến đấu. Đồng chí tư lệnh quân khu giải thích tình hình và nói tiếp: "Tôi ra lệnh cho các đồng chí, và kêu gọi các đồng chí di chuyển đại đội 13 về trận địa dự bị; tôi sẽ báo cáo tình hình này lên Quân ủy Trung ương".

        Anh Hóa - Tham mưu trưởng trung đoàn 290 chào và xin phép về đơn vị để báo cáo lên trên. Về đến sở chỉ huy trung đoàn, anh Hóa báo cáo với tôi về ý kiến của Tư lệnh Quân khu 4 và hỏi ý kiến nên giải quyết như thế nào? Tôi bàn với anh Tuất và anh Hóa: "Bây giờ phải chuẩn bị cho bộ đội chiến đấu là vấn đề trước tiên, còn việc xin di chuyển về trận địa dự bị, ta đã đề nghị rồi, trên không đồng ý thì thôi vì thời gian còn lại rất ít, còn ý kiến của quân khu, trung đoàn phải báo cáo về sở chỉ huy của Quân chủng biết".

        Nhưng đến 21 giờ, anh Cận - Tham mưu phó Quân chủng - phụ trách về rađa gọi điện thoại gặp tôi để truyền đạt mệnh lệnh "theo lệnh của Tư lệnh Quân chủng cho di chuyển đại đội 13, đại đội 11 về trận địa dự bị ngay, thời gian hoàn thành trước 7 giờ sáng ngày 25 tháng 3 năm 1965; sau đó tiếp tục cho đại đội 14, đại đội 15, đại đội 16 lần lượt di chuyển về trận địa dự bị, chú ý không được để gián đoạn chiến đấu, giữ gìn an toàn trong di chuyển". Tôi ngạc nhiên hỏi anh Cận: "Vì sao lúc 15 giờ xin phép cho đại đội 13 di chuyển về trận địa dự bị, không những không cho mà còn bị phê bình, bây giờ lại cho di chuyển một lúc nhiều đại đội như vậy? Anh Cận bảo: "Bây giờ cấp trên chỉ thị cho di chuyển ngay; Tổng tham mưu trưởng chỉ thị đấy, chấp hành đi".

        Tôi rất phấn khởi, tính toán thời gian còn rất ít, sau khi hội ý các anh Tuất - Chính ủy, anh Hóa - Tham mưu trưởng; cho phát lệnh bằng mật ngữ ngay cho đại đội 13 hạ ăng ten di chuyển về trận địa số 1 ở Thạch Hạ. 6 giờ sáng ngày 25 tháng 3 phải trực ban chiến đấu được, đồng thời điện cho đại đội 11 ở Vĩnh Linh cho hạ ăng ten một máy rađa và tổ chức một bộ phận sở chỉ huy di chuyển ngay đêm nay về trận địa dự bị, bộ phận còn lại ở trận địa cũ vẫn trực ban mở máy theo phiên; khi nào trận địa dự bị sẵn sàng chiến đấu được 6 giờ sáng ngày 25 tháng 3, bộ phận trận địa cũ mới hạ ăng ten di chuyển; báo cho đại đội 12 ở Đồng Hới sẵn sàng thay thế đại đội 11 di chuyển. Thông báo tiếp cho đại đội 14, đại đội 15, đại đội 16 tổ chức chuẩn bị di chuyển lần lượt như đại đội 11. Máy rađa lần lượt thay thế nhau, các đại đội theo thứ tự lần lượt di chuyển không làm gián đoạn chiến đấu; đến 24 giờ ngày 25 tháng 3 năm 1965 phải di chuyển xong; các đại đội 11, 14, 15, 16 mỗi lần hạ ăng ten và di chuyển phải báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn để chỉ huy thống nhất bảo đảm chiến đấu liên tục, ưu tiên phát lệnh cho đại đội 13 trước tiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 08:44:36 pm »

        Trong sở chỉ huy lúc này rất khẩn trương, các máy thu, máy phát lệnh liên tục; bắt liên lạc các kênh sóng của nhau. Các đồng chí báo vụ gọi và phát tín hiệu đi các đại đội Các đồng chí trực ban thông tin, tác chiến, hướng dẫn thứ tự các bức điện phát đi lần lượt cho đại đội nào trước, đại đội nào sau v.v... 23 giờ các mệnh lệnh phát đi đã xong, các nơi đều nhận đủ. Riêng đại đội 13 nhận đủ đầu tiên lúc 21 giờ 15 phút.

        Địa điểm sở chỉ huy trung đoàn lúc này ở núi X; đây là một hầm ngầm kiên cố bề ngang 3m dài 8m kể cả đường xuống là 10m, vốn trước đây xây cho một đơn vị bộ binh. Trước ngày 15 tháng 3 đồng chí Nam Long - Tư lệnh Quân khu 4 đến thăm sở chỉ huy của trung đoàn rađa thấy xây dựng dã chiến trên mặt đất, đồng chí cho trung đoàn một hầm gần ngay tại đó để làm sở chỉ huy nên mới có địa điểm này.

        Bỗng nhiên 24 giờ có điện thoại của đại đội 13 báo cáo "ăng ten hạ xong xếp lên xe; đã kéo bệ ăng ten ra ngoài nhưng xe rađa hỏng không nổ máy được nên không thể lên khỏi hầm; xe rađa nặng 10 tấn, các loại xe khác quá nhẹ không thể kéo, lái xe, thợ tập trung sửa chữa nhưng không nổ được máy; yêu cầu trung đoàn chi viện".

        Tôi thấy tình hình này không kịp di chuyển để trực ban chiến đấu sáng mai vì thời gian còn lại rất ít, đầu dây bên kia anh Luật xúc động quá vừa nói vừa thở. Tôi vội động viên anh ấy "Tình hình bây giờ rất khẩn trương, trung đoàn sẽ cử đồng chí chủ nhiệm xe trung đoàn và hai thợ sửa chửa vào chi viện, nhưng đường xa 50km phải qua phà Bến Thủy, đi đêm cũng phải mất 2 giờ đi đường mới tới được như vậy không kịp thời gian di chuyển; tốt nhất anh hãy ra Tỉnh ủy gặp đồng chí Bí thư tỉnh hoặc Chủ tịch tỉnh hoặc đồng chí thường vụ thường trực của Tỉnh ủy báo cáo tình hình như trên, xin các anh cho xưởng đại tu ôtô của tỉnh Hà Tĩnh vào chi viện may là có thể kịp, cự ly giữa đại đội 13 và Tỉnh ủy chỉ có 2km thôi. Anh trực tiếp hoặc đồng chí chính trị viên đại đội ra báo cáo ngay mới kịp, còn trung đoàn sẽ cho thợ kỹ thuật vào với anh ngay nhưng sẽ vào muộn không kịp đâu”.

        Anh Luật nghe ra, hứa chấp hành nghiêm chỉnh. Tôi bàn với anh Hóa tổ chức giao cho anh Viên chủ nhiệm xe và một thợ sửa chữa đi xe mô tô ba bánh, đi ngay vào đại đội 13 giúp sửa chữa xe và chỉ đạo luôn vấn đề hành quân di chuyển; đồng thời báo cáo về sở chỉ huy Quân chủng tình hình đại đội 13 hiện nay.

        Ra khỏi sở chỉ huy vừa đi vừa nghĩ "Xin mãi mới cho di chuyển; bây giờ lại không đi được thật là phiền phức. Ngày mai không di chuyển kịp để nó đánh hỏng rađa thật là tai hại. Tuy vậy vẫn còn hy vọng có thể khắc phục được, vì nó rất thực tế”.

        2 giờ 45 phút tôi trở lại sở chỉ huy, đồng chí Hóa cũng có mặt tại đó chưa đi nghỉ; nhắc thông tin liên lạc thường xuyên với đại đội 13. Đột nhiên hai đồng chí sĩ quan trực ban thông tin và tác chiến cùng báo cáo "Đại đội 13 bắt đầu hành quân, xe rađa đã ra khỏi công sự" các đồng chí ấy dịch tín hiệu mật ngữ của đại đội 13 báo về; cả sở chỉ huy náo nhiệt hẳn lên, anh em ai nấy đều phấn khởi. Tôi và anh Hóa thở phào nhẹ nhõm, nhắc anh em theo dõi liên lạc với đại đội 13 cho đến khi triển khai ở trận địa mới và báo cáo ngay về sở chỉ huy Quân chủng; 5 phút sau anh Luật lại gọi điện thoại báo cáo: "Xe rađa mới chữa xong ra khỏi công sự bắt đầu hành quân gồm xe ăng ten và máy nổ, một bộ phận còn lại của sở chỉ huy đại đội, máy thu phát; còn các bộ phận khác đã hành quân trước đến trận địa dự bị để triển khai sớm, sau khi nhận được lệnh của trung đoàn lúc 21 giờ 15 phút".

        Tôi hỏi anh Luật "Ai chữa cho xe lên khỏi hầm, đoàn của đồng chí Viên - Chủ nhiệm xe đã lên chưa?".

        Đồng chí Luật trả lời: "Sau khi báo cáo trung đoàn chúng tôi ra gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình trên; các anh gọi cho xưởng xe của tỉnh, giao cho đồng chí phó giám đốc kỹ thuật cùng 4 thợ xe, mang cả phụ tùng đến đơn vị giúp sửa chữa; các đồng chí này đến đại đội lúc 1 giờ và sửa chữa đến 3 giờ thì xe ra khỏi công sự; nguyên nhân máy phát điện của xe rađa bị chập. Không những thế, tỉnh còn giao cho xưởng xe làm một ăng ten bằng gỗ và tre, để sáng mai 25 tháng 3 sẽ dựng lên ở vị trí của ăng ten rađa, hiện đã di chuyển. Đoàn kỹ thuật xe của trung đoàn mới đến cách đây 30 phút, bây giờ đang cùng hành quân với đơn vị đến vị trí mới".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 08:45:10 pm »

        Tôi nhắc lại anh Luật: "Rút kinh nghiệm sau này phải mở máy thông điện nổ máy kiểm tra hàng ngày, xung quanh đại đội 13 có nhiều đơn vị đến hợp đồng chiến đấu phải báo cho các đơn vị đó biết đại đội 13 đã di chuyển trận địa để bắt liên lạc. Sáng mai 7 giờ các thông báo đường bay phải đến được các đơn vị đó. Đến vị trí mới phải triển khai chiến đấu ngay, đúng giờ quy định phải trực ban. Tổ chức ngụy trang rađa cẩn thận, cho bộ đội đào công sự chiến đấu, gặp cấp ủy, thôn đội trưởng, xã đội trưởng bàn vấn đề hầm hào phòng tránh cho nhân dân chỗ đóng quân để bảo vệ an toàn cho địa phương. Sau trận chiến đấu ngày mai xong, các anh phải đến Tỉnh ủy, Uỷ ban tỉnh, cũng như xưởng xe của tỉnh cám ơn các đồng chí đó đã chi viện cho đại đội".

        Ngày 25-3 trời mưa phùn rả rích, sương mù giăng khắp nơi; 6 giờ sáng đại đội 13 đã báo cáo mở máy trực ban đúng giờ nhưng thời tiết rất xấu nên địch không thể cất cánh để đánh vào các mục tiêu nhỏ như vậy được. Âu cũng là thời tiết thuận lợi cho ta, đại đội 13 đủ sức làm ngụy trang công sự trận địa càng chuẩn bị chiến đấu tốt hơn. 15 giờ đồng chí Viên chủ nhiệm xe từ đại đội 13 về đến sở chỉ huy trung đoàn báo cáo kể lại lại tình hình trận địa mới rất cảm động. Sau khi đại đội 13 di chuyển về trận địa mới được nhân dân địa phương đón tiếp nồng hậu. Các xe và khí tài vào trận địa xong, dân quân và thanh niên nam, nữ đem lá ngụy trang và phủ kín các xe ở trong công sự. Các công sự đều lợi dụng lũy tre che khuất, riêng ăng ten của rađa đến 6 giờ sáng đã lấy được hướng chuẩn xong, dân quân, thanh niên nam, nữ, các cụ phụ lão khiêng đến bốn cụm tre đào nguyên gốc rễ và dựng lên trồng cố định xung quanh ăng ten, che khuất kín đáo nhưng cũng thuận lợi cho thao tác. Suốt ngày hôm nay, ngoài các đồng chí trực ban chiến đấu còn toàn thể cán bộ chiến sĩ cùng dân quân địa phương đào công sự cho từng gia đình mà bộ đội chiến sĩ cùng dân quân địa phương đào công sự cho từng gia đình mà bộ đội đến ở; tiếp tục giúp dân ở trong thôn mỗi gia đình đều có công sự ẩn nấp cũng như trên các đường làng và trường học của các cháu.

        Sáng ngày 26 tháng 3 trời hết mưa, mây mù nhiều và rất thấp, thời tiết ẩm ướt nhưng đến 10 giờ trời tốt dần lên đến 12 giờ trời tốt hẳn. Nắng đẹp mây quang dần, dự đoán thế nào địch cũng đánh vào đại đội 13; vì vậy sở chỉ huy cho đại đội 13 mở máy, tiếp đó là đại đội 14 và đại đội 12 mở máy. Phát tín hiệu cho đại đội 13 biết địch sắp sửa bay vào trận địa. 13 giờ 5 phút từ cửa Sót, cửa Nhượng 28 máy bay AD-6, F8U và F4H chia nhiều tốp bay thấp, lao vào đánh phá trận địa rađa giả ở Rú Nài, đại đội 13 phát hiện hai tốp máy bay này rất sớm cách trung tâm trận địa 80km, thông báo sớm cho các đơn vị hỏa lực và phòng không nhân dân của tỉnh. Địch bị mắc bẫy, một lưới lửa phòng không đã được bố trí sẵn. Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều tiểu đoàn 8 pháo cao xạ, học viên của Trường sĩ quan Phòng không chiến đấu từ Vĩnh Linh ra, Quân khu 4 điều lực lượng pháo cao xạ của quân khu đến; đại đội 27 pháo cao xạ của tỉnh đội Hà Tĩnh, phân đội 14,5 ly của đại đội 13 cùng với các trận địa súng máy phòng không, súng trường của dân quân tự vệ thị xã và huyện Thạch Hà bố trí thành một hệ thống hỏa lực rộng khắp, lấy Rú Nài làm trung tâm, sẵn sàng đón đánh máy bay Mỹ. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, kết thúc lúc 15 giờ chia ra làm nhiều đợt; địch bị thất bại thảm hại, 5 máy bay Mỹ bị bắn rơi, 98 quả bom và hàng nghìn rốc két Mỹ tập trung đánh phá một ăng ten bằng tre, gỗ và một số nhà tre lá của đại đội 13 đã di chuyển. Quân dân Hà Tĩnh rất tự hào với chiến công của mình; nhiều đơn vị được khen thưởng. Đại đội 13 là một trong những đơn vị tham dự trận đánh được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

        Trong sự nghiệp chiến đấu đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của không quân Mỹ trên miền Bắc, chiến tranh nhân dân đã phát huy đầy đủ bản chất ưu việt của nó trên mọi lĩnh vực, trên mọi phương diện. Từ năm 1965 đến năm 1975 kể cả những thời gian tháng 2 đến tháng 11 năm 1968 và năm 1972 địch ném bom đánh phá ác liệt, nhưng đại đội 13 vẫn bám trụ liên tục ở Hà Tĩnh, khi thì Bắc Cẩm Xuyên khi thì Thạch Hà, khi thì Nam Cam Lộc. Trong một khu vực nhỏ hẹp chiều ngang từ ven biển đến quốc lộ 1, nhân dân, Đảng bộ và chính quyền địa phương vùng này đã đùm bọc che chở cho đại đội 13 liên tục trực ban phát sóng chiến đấu cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 03:53:26 am »

       
ĐẠI ĐỘI RAĐA 41 CỨU CHÚNG TÔI

THIÊN CẦM       

        Trời những ngày gần tết trên Trường Sơn không quang mây, những hạt sương đêm đọng lại trong rừng cứ lộp bộp rơi suốt ngày. Mấy hôm nay, không khí Tết đã về hình như năm nay rộn ràng hơn mọi năm: Đi xa lấy lá rong, chuẩn bị củi cho nồi bánh, trang hoàng cho Tết... tuy nhiên, vẫn thấy hơn cả là cái không khí chuẩn bị cho trận đánh giáp Tết.

        Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng nằm sâu trong rừng lim, chênh vênh bên đồi, bí mật và lặng lẽ làm việc. Mấy chiếc đèn bão con không đủ sáng mặc cho nó được chăm chút mỗi ngày vài lần trong giờ trực chiến. Nhớ lại hôm nào kết thúc buổi họp giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đồng chí Tư lệnh Quân chủng còn vui vẻ trong câu:

       
"Ai về Rào Đá, Rào Trù
        Tiền phương Quân chủng lu bù chiến công!”.

        Lòng mỗi cán bộ và chiến sĩ còn lâng lâng, tự hào, chứa đựng một niềm hy vọng lớn lao vào công việc mình, vào trận đánh sắp tới. Những tín hiệu vẫn truyền đi truyền về, những máy điện thoại vẫn ngân đều bản đồng ca đơn điệu, những cặp mắt trũng sâu sau những ngày đêm trực ban không ngủ. Tất cả bước vào một cái tết vui nhưng khá căng thẳng. Còn mấy ngày nữa, Ních-xơn sang thăm Trung Quốc! Bọn Mỹ phải kiếm chác cái gì để làm "quà" chứ! Nhất định nó đánh! Phải sẵn sàng! Phải sẵn sàng đón nó ở đây. Phải đón nó bằng "kẹo đồng”.

        Chừng ngày một, ngày hai thôi, không được chủ quan, lơ là! Đó là những chỉ thị cuối cùng của đồng chí Phó chính ủy Quân chủng đối với chúng tôi. Những ngày cuối đông qua, phút giao thừa đến rộn rã, những bữa cơm liên hoan, những lời chúc tụng càng thúc giục mỗi người phải làm gì để năm mới báo cáo với trên. Qua tải ba, sáng nay đồng chí Chính ủy Quân chủng còn dặn dò: "Năm mới, đoàn kết, chiến thắng, chuẩn bị kỹ để đánh trận đầu năm!".

        Sáng ngày mồng 2 tết, thời tiết báo một ngày hửng nắng đầu xuân. Tất cả chúng tôi không ai bảo ai cũng đoán biết rằng thời tiết không có ảnh hưởng gì cho địch cả. Từ đài quan sát báo về: "Phía xa hướng đường 10, có nhiều tiếng động cơ?". Như thường lệ, chúng tôi trong sở chỉ huy rộn rã những chỉ thị truyền đi xuống các đơn vị trực ban - Tôi gặp anh Giáo trên điện thoại: "A lô 602 đây! đây! - Anh nghe rõ không?".

        - Tâm Trinh đấy phải không?

        - Vâng, anh thu phân tán tốt không? Anh thu 41 tốt không?

        - Thu tốt! Hôm nay làm ăn đấy nhái Khỏe không? Năm cũ rồi, đánh vài trận đã!

        - Đề nghị anh nhắc các tiểu đoàn thu phân tán tốt, có gì trục trặc, anh báo cho biết nhé.

        - Được, bây giờ thu tốt cả, không biết hữu sự, có thử kêu đốt tịt không biết?

        - Chúc anh khỏe nhé!".

        Những gì hân hoan trên nét mặt, trong tâm tư của đồng chí sư trưởng 365 hôm nay giờ đây còn đọng cả trên đường dây và ống nói, tôi như thấy rõ mồn một - Kiểm tra lần cuối cùng đồng chí Hợi, tôi nói: "Trời tốt, nó đánh sớm. Tôi đề nghị chú ý tăng cường phiên trực đại đội 41 vào giờ cao điểm! Anh chú ý nhắc đại đội 41 phát tín tốt để các nơi thu. Anh dặn chú ý phát hiện hướng Tây. Chú ý giữ vừng tiếp sức giữa anh và tôi trên này!". Hai chúng tôi từ bấy lâu nay vẫn lo ngay ngáy như vậy.

        Từ trận đánh của địch vào Hàm Rồng, rồi vào Vinh những ngày cuối tháng Chạp 1971, đến nay đã gần hai tháng rồi, kinh nghiệm phục vụ của bộ đội rađa là làm sao có tình báo địch đến thật nhanh, thật kịp thời cho tập trung đơn vị đánh. Mà muốn làm được như vậy thì nó còn lệ thuộc vào anh em của mình ở dưới lại còn phụ thuộc vào anh em của bạn, của đơn vị thu. Tuy chúng tôi đã nhiều lần họp với anh em, với bạn, nhưng vẫn cứ lo lo và cứ băn khoăn mãi. Suốt cả hai tuần nay, chúng tôi tập trung vào việc kiểm tra này. Cả trong lời chúc Tết với anh em trong trung đoàn: "Chúc các đồng chí phát thông báo phân tán tốt, năm mới thông báo phân tán tốt". Chúng tôi vẫn còn nhắn nhau như vậy. Hôm tôi ghé vào anh em đại đội 41 họp với đồng chí Nội, đồng chí Khâm, đồng chí Phổ và số anh em báo vụ. Tôi còn như nhớ như in lời hứa của anh em "Chúng tôi sẽ phát chân phương, sẽ phát đúng tốc độ để bạn thu tốt, chỉ cần rađa phát hiện xa, phát hiện sớm!".

        Trên trận địa phục kích địch từ Long Đại đến Bãi Hà, tuyến đường 15 hôm nay im lìm chờ địch. Những cỡ súng cao xạ các loại đang rạp mình trên mớ lá ngụy trang lẫn cây rừng lá bụi, những bệ phóng cồng kềnh đang lẫn với rừng cây. Trên tuyến đường số 1, trên các trận địa từ Quán Hầu đến Vĩnh Linh, nấp mình trong các bụi tre làng, giàn dây trời 41, 51, 52 liên tục quay đều trong nắng sớm và phát đi trong không gian những tình báo về mục tiêu địch phát hiện được.

        Trận địa Hồng Thủy đang phiên. Đài trưởng Thi - một đồng chí cán bộ xuất thân nghề nghiệp trắc thủ sớm đi vào trường Đào tạo sĩ quan Phòng không, hôm nay trực chính Anh khá quen thuộc với bụi cây, mái rạ của cái thôn bến Mốc này. Hồi nào mới về đây, anh có lần đề nghị đưa máy của anh ra sát lò vôi để bố trí với khát vọng có được một mặt phản xạ thật lý tưởng cho máy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đài. Hôm nay, anh không bố trí ở đấy vì cái lò vôi dễ là cái mục tiêu quân sự của Ních-xơn! Sợ vậy nên trên để anh bố trí xa cách lò vôi ra một ít, nhưng anh vẫn hài lòng vì ở hướng Đông Nam và Tây, trận địa đủ tốt, máy anh lại được ẩn mình vào mấy rặng tre làng kín đáo. Với cái tính tình hiền hòa như con gái anh bước vào đời làm lính gác trời này với anh em cũng hiền hòa nhẹ nhõm. Anh không làm ai phật lòng bao giờ, anh em vẫn mến anh như mến cả bản thân họ. Tâm tư thầm lặng của từng trắc thủ, như anh tâm sự, là tâm tư của những người đánh Mỹ lâu, khát vọng thắng Mỹ bao trùm lên tất cả sự hy sinh là lớn lao và tự nguyện. Anh thường nói: Mắt có kém đi, tuổi có luống thêm, sức lực có giảm xuống, nhưng ý chí và nguyện vọng thắng Mỹ còn săn, còn mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 03:53:59 am »

        Trong phiên trực, anh đã kiểm tra hết khí tài và đã thử hết thông tin với đại đội, anh nói lại những gì với kíp trắc thủ của mình, những gì cần thiết và là những gì mà trung đoàn và đại đội trưởng đã nói với đồng chí và đài. Tất cả là: “Tập trung phát hiện xa, phát hiện sớm địch cho bạn đánh". Trên màn hiện sóng của anh mỗi lần mở máy, anh đã làm quen với nhiều tín hiệu sóng về của những tốp địch hoạt động luyện tập và đánh phá xa. Nhưng hôm nay từ 1 giờ nay anh thấy rất ít. Anh chuyển công tắc cự ly 90, rồi 180, rồi 360. Từng mảng sóng về cố định của dãy Trường Sơn trùng điệp vẫn nằm đó, đôi lúc như trớ trêu anh - và những đôi mắt tinh tường của trắc thủ. Anh suy nghĩ: "Có lẽ địch hoạt động ít như hôm qua" nhưng rồi anh lại nói: "Hôm nay có đánh trưa nó mới đánh!" và anh lại cùng Dương, người trắc thủ giỏi của mình tiếp tục đưa mắt chạy đều theo đường quét trên màn hiện sóng. Bất giác, anh thấy xuất hiện những tín hiệu mục tiêu từ hướng Thái Lan đi tới Tốp 06, 07, 08... anh chuyển công tắc lệch tâm về Đông Bắc, anh dừng quay dây trời và sớm xác định xong số lượng máy bay địch. Anh cầm máy điện thoại báo cáo tất cả cho đại đội trưởng và thế là cự ly còn cách đài 235km 3 tốp F4 của đế quốc Mỹ thẳng đường đi vào nội địa. Lúc này là 11 giờ 48 phút ngày 16 tháng 2 năm 1972 một buổi trưa ngày mùng 2 Tết - địch từ sông Mê Công đất nước Vạn Tượng vào Bãi Hà, vòng lên đường 10, trút mấy loạt bom bay ra, mở đầu cho đợt phản ứng ra miền Bắc năm mới. Trận địa cao xạ Bãi Hà đã lập công. Tiếc thay giặc lái bị chết mất và đợt này do chưa quán triệt hết thủ đoạn của địch nên có vài đơn vị tên lửa lỡ thời cơ diệt địch, không hoàn thành nhiệm vụ.

        Kiểm tra việc thu nhận tình báo của bạn, tôi được biết là hôm nay bộ đội chuyển cấp sớm, có đơn vị trước 30 phút địch mới đến. Cho đến khi tên giặc trời cuối cùng lọt ra được khỏi đất liền, những tín hiệu truyền đi từ trận địa Hồng Thủy của đại đội 41 vẫn đều đều tới sở chỉ huy các cấp từ Trung đoàn cao xạ 218 đến các tiểu đoàn tên lửa trung đoàn 274 và sở chỉ huy tiền phương Quân chủng.

        Nhưng rồi lại một đợt chuyển cấp mới nữa. Đồng chí Khánh - Phó tư lệnh Quân chủng hỏi: "Tâm Trinh bây giờ máy móc mở thế nào? Bảo đảm tốt để đánh đấy!". Đồng chí cũng đang bực mình vì lỡ thời cơ đợt vừa rồi và bực lây sang cả tôi. Trong chiến đấu phòng không, mà nội dung cơ bản là chiến đấu hiệp đồng, tôi cũng đã quen nhiều về những nhận xét, những hệ quả của các trận đánh không thành và nhất là không thành công của phòng không và vì vậy tôi báo cáo: "Trung đoàn cho mở tăng cường tất cả các máy để bảo đảm".

        Tắt máy xong chưa được 10 phút, đài trưởng Thi đã được báo động mở máy khẩn trương trở lại kíp trắc thủ mới lên thay, nhưng hình như không thật an tâm lắm trong tình hình địch hiện nay, ăn vội bát cơm, đồng chí lại ngồi cùng trắc thủ.

        Theo những tín hiệu sóng về của mục tiêu chuyển dịch, kíp trắc thủ mới lên liên tục báo đi tình hình địch cho các nơi nhận. Chốc chốc, đài trưởng Thi lại báo cáo qua điện thoại: "Tốp 91 loại nhỏ, tốc độ lớn, có khả năng là chặn kích, tốp 92 một loại lớn, cự ly ít thay đổi có thể là tốp gây nhiễu...".

        Bên kia điện thoại, đại đội phó Dong lại qua maníp báo cáo về trung đoàn. Trên màn hiện sóng, số tốp tăng dần, cự ly địch rút ngắn. Xa xa tiếng súng cao xạ nổ đều. Ở trận địa tiểu đoàn tên lửa 89, tất cả đã ở cấp 1, bất ngờ một tốp máy bay lao thấp ném bom vào cạnh trận địa. Đường dây xuống đài bị đứt. Khói phả, bụi bom bay che kín trận địa, địch đã bỏ bom trúng đài 1 và giàn dây trời bị bom cắt ngang - Từ chỉ huy sở trung đoàn tên lửa lệnh về "Đài 1 bị hỏng, tiểu đoàn sử dụng tình báo phân tán đánh".

        Địch như những bầy thiêu thân liều mạng tiến vào. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 89, bám sát phần tử trên bản tiêu đồ phương vị cự ly, xuất hiện tốp 02 tọa độ 842: 8 chiếc độ cao 4500m, cả kíp xe chỉ huy rộn ràng.

        Báo cáo tiểu đoàn "Lệnh của trung đoàn trưởng bắn tốp 02".

        Trời Quảng Bình râm ran tiếng động cơ máy bay địch từ lúc nãy tới giờ bỗng dậy lên những tiếng nổ đanh gọn của hỏa lực tên lửa.

        "Cháy rồi!!! Giặc lái rơi rồi!!" - Tiếng hò reo vang trời dậy đất.

        Tốp 02 8 chiếc tách làm đôi, vòng vào đường 15 từ hướng Đông Nam đến đang tiến vào bị tiểu đoàn 89 đánh vỗ mặt. Chiếc thứ nhất cháy tại chỗ. Chiếc thứ 2 ngoặt lái tưởng tránh lại ăn luôn viên đạn thứ hai loạng choạng đâm đầu xuống vùng Ngư Thủy. Không còn gì vui hơn khi đó đây vang tiếng reo hò lái. Nhân dân Quảng Bình bấy lâu đã nghe tin thắng trận và đã đánh thắng nhiều, nhưng hôm nay tự mình thấy địch đến, thấy tên lửa phóng đi, tên lửa cụng đầu vào máy bay địch, bốc cháy. Vui lòng hả dạ của những ngày chiến thắng đầu năm Nhâm Tý.

        Cho đến 15 giờ 45, lúc mà trên màn hiện sóng chỉ còn thưa thớt mấy đốm trắng xa xa. Trận đánh địch đầu năm kết thúc. Trời Hồng Thủy trở lại im lìm, xa xa tiếng lao xao sóng vỗ lẫn với rừng phi lao rì rào, ngân vang dư âm chào đón một ngày mùa xuân mới, một ngày đánh thắng. Xuống khỏi máy, đài trưởng Thi hôm nay vui hơn mọi hôm, mặc dù bụng đói kẹp lép, mồ hôi nhễ nhại. Anh đã được biết toàn bộ tình hình trận đánh qua thông báo của trung đoàn và của đại đội phó. Nhưng có một điều mà chắc anh sẽ vui hơn khi được biết chính đài anh hôm nay không những đã giữ được vai trò một đài cảnh giới chung mà còn giữ vị trí của đài số 1 của nhiều tiểu đoàn tên lửa ở không cách xa anh mấy. Điều anh ước ao là làm sao bắt được xa, được sớm kẻ địch và phục vụ cho bạn đánh trúng, đánh rơi. Thì hôm nay trong chiến công đầu năm của quân dân cả nước, của nhân dân Quảng Bình, có phần đóng góp của đài anh, của những trắc thủ rađa chiến đấu ngày đêm thầm lặng.

        Tôi gọi dây nói gặp lại đồng chí Giáo, người Tư lệnh hôm nay đánh thắng. Chúng tôi trao đổi với nhau về một số điểm phục vụ của mình. Qua điện thoại, tôi vui vẻ nhận ý kiến của đồng chí: "Cám ơn các cậu, hôm nay chính đại đội 41 nó cứu tôi! Nó cứu tôi thật! Cám ơn và gửi lời biểu dương đại đội 41 nhé! Bắt được 3 thằng rồi!".

        Và những chiếc rađa lại quay đều, quay đều đều trong lòng dân, trong lòng đất nước, tiếp tục làm nhiệm vụ gác trời, gác biển của mình. Đế quốc Mỹ còn khoe nhiều và tự phụ với cái không quân của nó, mày còn vào thì chỉ còn một cách là tóm mày dẫn xác đến miệng hỏa lực, để phanh thây mày ra - Những trắc thủ rađa nguyện giữ trọn niềm tin là người lính gác của bầu trời Việt Nam yên lành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:00:41 am »

       
TRẬN ĐẦU RAĐA DẪN ĐƯỜNG
CHO KHÔNG QUÂN TA ĐÁNH TÀU BIỂN ĐỊCH

NGUYỄN TUẤN NĂNG       

        Vào cuối năm 1965 đầu năm 1966, cùng với việc mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn còn tăng cường cho tàu biển ra miền Bắc, bắn pháo vào các vùng dân cư ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

        Ở Thanh Hóa chúng dùng tàu khu trục bắn pháo vào khu vực Sầm Sơn, Quảng Tiến, Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Hải... thuộc huyện Quảng Xương.

        Có những đêm chúng còn cho nhiều chiếc vào sâu gần bờ để bắn pháo lên khu vực cầu Hàm Rồng, quốc lộ số 1, đạn pháo còn rơi rải rác xuống các xã lân cận như Nam Ngạn, Hoằng Long, Hoằng Quang... Cùng với những trận pháo kích ùng... oang đêm này qua đêm khác xuống các vùng quê gây nên bao cảnh đau thương tang tóc, xóm làng tan nát, địch còn cho những chiếc tàu biệt kích nhỏ vào sâu ven bờ lùng bắt ngư dân ta đánh cá ven biển. Nhiều người dân vô tội bị chúng bắt đem đi giam giữ đánh đập tra tấn vô cùng dã man. Chúng dùng hàng tâm lý rẻ tiền: Đài bán dẫn, đồ ăn, quần áo... để mua chuộc. Những người không khuất phục đầu hàng thì chúng giết quăng xuống biển làm mồi cho cá. Những người không chịu đựng được tra tấn phải đầu hàng, chúng tuyên truyền nói xấu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nói xấu Đảng, chính quyền rồi cho hàng tâm lý tung về thành lập cái gọi là "Đảng gươm thiêng ái quốc" để làm tay sai cho chúng gây rối phá hoại trực tiếp hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa gây cho ta không ít khó khăn.

        Vào thời điểm này lực lượng hải quân và pháo bờ biển của ta chưa đủ mạnh để tiêu diệt và ngăn chặn chúng. Chấp hành mệnh lệnh của trên cuối tháng 2 năm 1966 trung đội rađa 402 đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở sân bay Cát Bi, Hải Phòng đã hành quân về tăng cường cho đại đội 19 rađa đóng quân trên địa bàn huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa để làm nhiệm vụ dẫn đường cho không quân ta đánh tàu biển địch.

        Đường hành quân gần 300 ki-lô-mét liên tục bị máy bay địch bắn phá chặn đường. Vượt qua bom đạn đơn vị cũng đã về tới trận địa Quảng Hải - Quảng Xương - Thanh Hóa an toàn. Anh em bắt tay ngay vào đào đắp công sự ngụy trang trận địa và triển khai lắp đặt máy.

        Rađa 402 được anh em mệnh danh cho cái tên nặng nề là "Bốn lênh khênh". Quả là không ngoa chút nào bởi vì khi hành quân nó phải tháo rời ra từng khối đóng vào gần năm mươi cái hòm to nhỏ. Cả rađa máy nổ phải xếp thật khéo trên bảy chiếc xe tải lớn mới đủ. Có những khối như khối máy phát nặng hàng tạ, khối bệ dây trời nặng gần 6 tạ, máy nổ nặng trên 1 tấn. Không có cần cẩu anh em đều phải dùng đôi vai để khiêng vác. Do phải tháo rời ra từng khối nhỏ nên khi lắp ráp cũng khá phức táp, phải thận trọng tỉ mỉ sao cho thật khớp từng chi tiết nhỏ, đúng từng đầu dây, chỉ cần sai sót nhỏ nhầm một đầu dây sai lệch một vị trí của ốc vít là máy đã có trục trặc kỹ thuật không chiến đấu được, đòi hỏi người thợ rađa phải hết sức thận trọng đánh dấu từng đầu dây vẽ lại từng chi tiết khó. Tôi cùng anh em trắc thủ phải mấy mò lắp ráp theo sự ghi chép của mình và theo sơ đồ tranh vẽ. Công việc khá vất vả, căng thẳng nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua. Máy đã được lắp xong, bước tiếp theo là kiểm tra hiệu chỉnh. Do đường hành quân xa lại phải đi ban đêm xe qua những ổ gà, ổ trâu không tránh được nên máy bị hỏng hóc nhiều, chỗ thì chập điện, chỗ thì không có tín hiệu... sửa chữa điều chỉnh cả ngày mà tham số kỹ thuật vẫn chưa đạt yêu cầu. Khi chỉnh xong toàn bộ máy thì bộ phận dây trời, động cơ nâng hạ thay đổi góc tà bị chập hỏng làm cho việc bám sát mục tiêu không được liên tục nhất là mục tiêu tầm thấp. Nếu không sửa chữa kịp thời sẽ rất khó khăn cho công tác dẫn đường cho không quân ta và phát hiện tàu biển địch. Đơn vị không có điều kiện quấn, chữa lại. Tôi lúc đó là thợ sửa chữa rađa lại là người địa phương nên được đồng chí Giáp đại đội trưởng phân công đi sửa chữa.

        Thời gian rất gấp, cả đại đội không có chiếc xe đạp nào nên tôi đành phải cuốc bộ gần hai chục cây số, lên tới thị xã Thanh Hóa đã gần 7 giờ tối. Không kịp ăn uống gì tôi vào ngay nhà máy cơ khí Thanh Hóa nhưng do chiến tranh nên bộ phận điện cơ lại sơ tán, phải tìm mãi mới đến được. Gặp các đồng chí lãnh đạo tôi đưa giấy giới thiệu và trình bày yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Các anh đã vui vẻ đón nhận và cử người làm ngay trong đêm. Rất tiếc là tôi không còn nhớ tên họ của người thợ đã quấn động cơ cho tôi hôm đó. Lúc bấy giờ với khẩu hiệu "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" nên được góp một phần công sức để phục vụ chiến đấu là niềm vinh dự tự hào. Việc sửa chữa được làm xong ngay sáng hôm sau và tôi chỉ kịp cám ơn rồi ra về không phải thanh toán cũng không có chứng từ hóa đơn gì.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:01:22 am »

        Máy rađa đã sửa chửa xong bảo đảm các tham số kỹ thuật sẵn sàng chờ lệnh. Đúng nửa đêm ngày 1 tháng 3 nam 1966 rađa 402 được lệnh mở máy, phiên ban đầu tiên trên trận địa mới, lại làm nhiệm vụ hết sức mới mẻ, phải làm sao bắt được tàu biển địch? Phải làm sao bắt được máy bay ta bay thấp lẫn trong mảng sóng cố định từ phương vị 270 - 030. Biết bao câu hỏi đặt ra, hồi hộp chờ đợi. Gần như cả tiểu đội trắc thủ, cả trung đội rađa 402 vây quanh bên máy chăm chú nhìn vào đường quét sáng trên màn đèn huỳnh quang.

        Trắc thủ số 1 Bùi Đức Tĩnh bình tĩnh thao tác tay quay dây trời, mắt theo dõi từng đường quét sáng. Trắc thủ số 2 Trần Tặng có trung đội phó Nguyễn Văn Ngó - một người có nhiều kinh nghiệm trong phát hiện mục tiêu đứng cạnh. Cả 4 cặp mắt chăm chú lần từng sóng cố định nhấp nhô trên hiện sóng H. Khi phát hiện có tín hiệu lạ lập tức trắc thủ số 1 lắc đi lắc lại tay quay dây trời. Trắc thủ số 2 bật về nấc cự ly gần, bật công tắc mạch vi phân, mạch tích phân để làm giãn chân sóng cố định ra thuận tiện cho việc phát hiện mục tiêu.

        Khi dây trời quay về phương vị 150 - 170 phát hiện ba chấm sáng mờ nhỏ, trên hiện sóng H ba tín hiệu sáng xanh nhấp nhô lên xuống di chuyển chậm, mọi người reo lên - đúng tàu biển rồi. Bùi Đức Tĩnh lắc đi lắc lại dây trời một lần nửa, xác định đúng mục tiêu tàu biển địch, anh nhanh chóng thông báo về sở chỉ huy. Cùng với việc bám sát theo dõi di chuyển của ba chiếc tàu biển, các trắc thủ còn có nhiệm vụ quan sát phát hiện mục tiêu máy bay ta. Để giữ bí mật bất ngờ tiếp cận mục tiêu địch nên máy bay AN-2 của ta bay ở độ cao rất thấp từ 500m đến 800m. Tín hiệu lẫn trong đám sóng cố định dày đặc rất khó phát hiện. Nhưng dưới con mắt tinh nhanh của người trắc thủ, từ trong đám sóng cố định một tín hiệu sáng xanh nhỏ li ti đã hiện dần lên, những động tác thao tác thành thạo đã giúp các anh xác định chính xác mục tiêu của máy bay ta đang bay ở phía Tây thị xã Phủ Lý. Lúc này nhiệm vụ của trắc thủ là phải bám sát cả máy bay ta, cả tàu biển địch. Tôi đứng ngoài vừa theo dõi tình trạng kỹ thuật của máy vừa hồi hộp chờ đợi những phút giây máy bay ta bay ra biển tiếp cận với tàu địch.

        Tôi vội quay sang màn hiện sóng BUKO dành riêng cho người sĩ quan dẫn đường để bám sát mục tiêu. Đồng chí Thạnh một thanh niên trẻ đẹp trai người miền Nam giọng nói nhẹ, được đơn vị không quân cử sang làm sĩ quan dẫn đường trong trận này. Tín hiệu máy bay ta đã rõ dần, những tiếng hỏi đáp giữa người sĩ quan dẫn đường và người lái máy bay ngày một gần hơn. Khi máy bay ta bay ra biển lại tiếp tục hạ thấp độ cao chỉ còn 300 - 400m để tránh sự phát hiện của rađa trên các tàu địch. Nhiệm vụ bám sát của máy bay ta và tàu biển địch lúc này rất quan trọng. Trắc thủ số 1 liên tục điều khiển tay quay dây trời sục sạo theo hình cánh quạt từ phương vị 090 - 180. Những chấm sáng máy bay ta và tàu biển địch ngày càng nhích lại gần. Liên lạc giữa người lái máy bay và người sĩ quan dẫn đường vẫn được giữ vững. Tiếng hô từ trên máy bay phát về: Đã thấy mục tiêu địch, lập tức trên màn hiện sóng ba tín hiệu tàu biển cũng chạy dãn ra. Máy bay ta bám sát mục tiêu và tiếng thông báo từ máy bay về: "đang cho ăn chuối", từng loạt rốc két như đổ lửa xuống tàu địch, rồi tiếng hô báo về: Cháy rồi, một chiếc cháy lớn.

        Cả phòng máy rađa đang làm việc, mọi người reo lên nhưng những cặp mắt trắc thủ vẫn bám sát mục tiêu phát hiện thấy một chấm sáng mục tiêu tàu địch bị mất chỉ còn hai chấm sáng lừ lừ di chuyển về phía Đông đảo Hòn Mê. Máy bay ta hoàn thành nhiệm vụ trở về. Do bay ở độ cao thấp, các tay súng dân quân ven biển không được thông báo trước nên đã nổ súng, máy bay ta bị thương phải hạ cánh bắt buộc trên bãi biển Quảng Vinh, Quảng Xương.

        Sáng ngày hôm sau những câu chuyện bàn tán vui vẻ về trận chiến đấu vẫn còn râm ran thì nhận được thông báo của trên. Đêm ngày 1 tháng 3 năm 1966 máy bay AN-2 của ta đã bắn chìm một tàu biển địch và bắn bị thương 2 chiếc.

        Trung đội rađa 402 làm nhiệm vụ dẫn đường cho không quân ta trong trận này vinh dự được Chủ tịch nước ký lệnh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nâng tấm huân chương có chữ ký của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, ai cũng vui mừng khôn xiết. Đây cũng là chiến công đầu của trung đội rađa 402 thiết thực kỷ niệm bảy năm ngày truyền thống bộ đội rađa ngày 1 tháng 3 năm 1959 - ngày 1 tháng 3 năm 1966.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM