Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:53:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30199 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:07:08 pm »


        Cơ quan làm kế hoạch.

        Sau khi nghe báo cáo của cơ quan và đi kiểm tra các đại đội tôi bắt đầu nghĩ đến nhiệm vụ của trung đoàn trong giai đoạn khẩn trương này.

        Địa hình của Quân khu 4 ba mặt đều giáp với địch, phía Nam sát giới tuyến khu phi quân sự tạm thời, phía Tây giáp Lào và Thái Lan, phía Đông giáp biển, máy bay Mỹ từ các sân bay Thái Lan, trên các tàu sân bay Mỹ ở biển Đông bay luyện tập hằng ngày trên biển, trên không, trên đất liền liên tục khi cần thiết có thể hạ thấp độ cao, bay vào đất liền tập kích bất ngờ các mục tiêu bảo vệ gây khó khăn cho lực lượng phòng không ba thứ quân.

        Các thành phố và thị trấn của Quân khu 4 như Vinh, Bến thủy, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Hồ Xá, Vĩnh Linh đều rải thành một tuyến dài theo ven biển cùng với quốc lộ 1. Các trận địa ra-đa của trung đoàn cũng chiếm lĩnh đơn độc thành một tuyến dài không có chiều sâu, khi trực ban bình thường sẽ bị đứt đoạn tạo kẽ hở lớn đới với trường ra-đa của trung đoàn dễ bị bất ngờ.

        Các chế độ trực ban chiến đấu của bộ đội phải khẩn trương nhanh gấp nhiều lần so với thời bình, so với các đơn vị ra-đa của đồng bằng Bắc Bộ. Trong lúc đó trung đoàn chưa thay đổi nếp sinh hoạt trực ban thời chiến, nhất là đối với đài quan sát mắt và các trận địa súng máy phòng không của đơn vị.

        Các trận địa của các đại đội ra-đa của trung đoàn 290 đã triển khai trực ban chiến đấu từ năm 1960 đến nay đã 5 năm liền trong thời bình; chỉ ở vị trí ban đầu, máy bay trinh sát tầng thấp tầng cao của Mỹ đã bay trinh sát chụp ảnh trên miền Bắc; dưới đất thì ủy ban kiểm soát đình chiến quốc tế theo hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đi lại hàng ngày từ Vinh, Vĩnh Linh, Cửa Tùng không thể giữ bí mật được, phải có trận địa dự bị để trong thời chiến khi cần có thể di chuyển để tiếp tục chiến đấu lâu dài.

        Vì vậy muốn thực hiện các vấn đề này phải bàn bạc với các đồng chí trong ban chỉ huy trung đoàn, các cán bộ chỉ huy của các cơ quan trung đoàn chuẩn bị thành văn bản, thông qua thường vụ Đảng ủy trung đoàn, sau đó quán triệt với tất cả cán bộ đại đội ra-đa thống nhất ý chí và hành động. Phải có thời gian cho bộ đội học tập, tổ chức lại chế độ trực ban huấn luyện diễn tập liên tục thành thạo mới giành được thắng lợi ngay từ trận đầu.

        Buổi giao ban cuối tuần có các cơ quan và các đồng chí thủ trưởng trung đoàn, sau khi kết thúc tôi mời các anh trong thủ trưởng trung đoàn: Anh Tuất - Chính ủy, anh Thanh Bình - Phó chính ủy, anh Bùi Đình Cường - Trung đoàn phó, anh Phan Văn Hóa - Tham mưu trưởng, anh Hồ Quang Huy - Chủ nhiệm chính trị, anh Nghĩa - Chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật của trung đoàn cùng một số đồng chí trợ lý tác chiến để bàn công việc sắp tới.

        Trên tấm bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000 vẽ khả năng phát hiện của trường ra-đa trung đoàn, tôi trình bày với các anh những nội dung đã suy nghĩ như trên, bao gồm: Địch, địa hình và tình hình chế độ trực ban chiến đấu của bộ đội, trình độ kỹ chiến thuật cũng như các trận địa đã trực ban lâu nay, chỗ mạnh chỗ yếu của ta, âm mưu thủ đoạn sắp tới của địch trong khu vực của trung đoàn phụ trách. Những vấn đề cần giải quyết ngay trước mắt để tránh khỏi bị bất ngờ.

        - Chấn chỉnh lại các chế độ trực ban tác chiến của các đơn vị, bao gồm trực ban vọng quan sát mắt, trận địa 12 ly 7, 14 ly 5, chế độ thay phiên của trắc thủ, báo vụ máy nổ và nhân viên trong sở chỉ huy đại đội, vấn đề bố trí chỗ ở cho các phiên ban, bảo đảm địch đến là nổ súng ngay, có báo động là lên máy ngay; không phải từ chỗ ở chạy đến máy, đến súng khá xa mất thời cơ chiến đấu. Ngoài ra các đơn vị phải tự mình đào đắp công sự chiến đấu hào giao thông để có điểm tựa đánh trả địch khi chúng tập kích vào trận địa của ta.

        Các đơn vị phải liên hệ với địa phương đóng quân để hiệp đồng chiến đấu, phối hợp với các trận địa của dân quân và bộ đội trong vùng gần trận địa của mình để tạo thành các lưới lửa phòng không bắn máy bay địch, hỗ trợ cho nhau trong chiến đấu, ngoài ra còn hợp đồng công tác tải thương cứu chữa và cứu sập.

        - Mỗi đại đội phải tìm 2 cho đến 3 trận địa dự bị, bảo đảm phải có đủ hồ sơ trận địa như ở các trận địa cơ bản. Các đơn vị cử người đi tìm trận địa ngay, trong khu vực của mình, cách trận địa cơ bản không quá 3 đến 5km, báo cáo về trung đoàn.

        - Cơ quan tham mưu tác chiến phải viết lại các chế độ trực ban, sau khi đã trao đổi với chính trị và hậu cần kỹ thuật để ngày 10 tháng 10 thông qua tập thể thủ trưởng trung đoàn, thông qua Thường vụ Đảng ủy trung đoàn. Ngày 15 tháng 10 triệu tập các đại đội trưởng và các chính trị viên đại đội về họp để phổ biến. Hết tháng 10 tất cả các đại đội phải tổ chức và huấn luyện bộ đội, có diễn tập nhiều lần và đầu tháng 11 phải trực ban theo chế độ mới.

        Các anh trong thủ trưởng trung đoàn đều có ý kiến trao đổi nhất trí với các chủ trương trên, bổ sung thêm các vấn đề tổ chức huấn luyện xây dựng công sự nhất trí hoàn toàn với thời gian cần làm ngay. Trong đó cơ quan tác chiến và hậu cần kỹ thuật phải giải quyết nhiều vấn đề: Vật liệu làm chỗ ở cho các kíp trực ban tại máy tại trận địa để có thể học tập huấn luyện tại chỗ khi chưa tham gia mở máy và chưa có địch; cấp cuốc xẻng cho các đại đội đào đắp công sự chiến đấu và giao thông hào quanh trận địa; bảo đảm khỉ máy bay địch đến có thể từ nhà ra giao thông hào vào công sự dùng súng bắn máy bay tầm thấp được ngay.

        Gần một tuần sau các văn bản qui định chế độ sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn đã xong. Mỗi lần viết xong từng phần, tôi đã cùng với anh Hóa - Tham mưu trưởng thông qua và sửa chữa bổ sung dần đến khi toàn bộ đã viết xong, đọc lại và hoàn chỉnh cuối cùng.

        Để một buổi các anh thủ trưởng trung đoàn góp ý kiến cùng với các anh thủ trưởng cơ quan, tất cả đều đọc tài liệu nghe cơ quan tác chiến trình bày và trao đổi bổ sung một số ý kiến, tất cả đều đồng ý và thông qua.

        Sau đó thường vụ Đảng ủy trung đoàn bàn lãnh đạo các công việc sắp tới để tất cả các cấp ủy Đảng và các đơn vị trong trung đoàn chuyển biến tình hình thực hiện cho được vấn đề sẵn sàng chiến đấu tốt trong tình hình hiện nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:16:48 pm »


        Cuộc họp các đại đội ra-đa của trung đoàn 290.

        Ngày 15 tháng 10 năm 1964 các đại đội trưởng và chính trị viên đại đội về cơ quan trung đoàn ở Vinh họp đông đủ. Sau ngày 5 tháng 8 đây là lần đầu tiên các cán bộ đại đội gặp mặt và bàn bạc với trung đoàn về nội dung chuẩn bị chiến đấu cho thời gian sắp tới.

        Đầu tiên tôi trình bày với các cán bộ đại đội về phần địa hình Quân khu 4, về trường ra-đa của trung đoàn, âm mưu thủ đoạn của địch, các chế độ sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn trong thời gian vừa qua cần phải chấn chỉnh lại, trách nhiệm của trung đoàn trong thời gian tới với khu vực Quân khu 4, không được để bất ngờ như ngày 5 tháng 8 đợt tập kích đầu tiên. Với tình hình chiến thắng của chiến trường miền Nam như hiện nay nhất định máy bay Mỹ sẽ đánh lại miền Bắc, đặc biệt ở địa bàn Quân khu 4. Ta phải tranh thủ thời gian gấp rút chấn chỉnh lại sinh hoạt trực ban chiến đấu của bộ đội sẵn sàng đánh địch, phát hiện ngay máy bay Mỹ vào đánh miền Bắc, không được để bất ngờ.

        Anh Tuất còn dặn thêm một số vấn đề về giáo dục tình hình hiện nay cho anh em, hiểu rõ âm mưu của địch, lãnh đạo các cấp cơ sở Đảng với nội dung sẵn sàng chiến đấu cao nhất hiện nay; tổ chức tốt kết hợp với các ngày lễ 22 tháng 12, ngày tết dương và âm lịch, bảo đảm đời sống tinh thần và vật chất tốt cho bộ đội nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ tốt không được mất cảnh giác.

        Phần còn lại, anh Phan Văn Hóa trình bày toàn bộ qui định chế độ trực ban chiến đấu của trung đoàn và cơ bản phần đại đội. Trong phần này quan trọng nhất là phần tổ chức trực ban chiến đấu của vọng quan sát mắt, của các khẩu đội 12 ly 7 và 14 ly 5, khi trực ban chiến đấu pháo thủ phải ngồi ngay trên súng, kéo nấc cò thứ nhất, hướng vào hướng chủ yếu (vùng biển), hết hai giờ thay phiên khác, không được ngồi trong lán khi có báo động mới chạy ra trận địa. Mỗi trung đội súng máy phòng không phải trực ban thường xuyên một khẩu, mỗi khẩu đội 14 ly 5 hai nòng chỉ trực ban một nòng mà không cần cả hai pháo thủ, khi thấy mục tiêu pháo thủ sẽ kéo tiếp nấc cò thứ hai và bắn luôn không phải thao tác nhiều lần.

        Đối với tất cả các phiên ban trắc thủ, máy nổ, điều phối và nhân viên sở chỉ huy khi công bố danh sách trực ban trong ngày, theo hai giờ một, phải đến tại chỗ, giờ mở máy phải lên máy trực ban, giờ không mở máy cũng phải đến tại dưới máy học tập huấn luyện, khi có kẻng báo động phải lên máy ngay, không phải chạy từ nhà ra, mất thời gian sẵn sàng chiến đấu. Riêng trung đội súng máy phòng không phải làm lán ở ngay sát trận địa vừa trực học tập vừa trực ban trên súng, khi có báo động 100% quân số có mặt ngay để chiến đấu.

        Các đơn vị phải tự lực đào giao thông hào từ nhà ra công sự chiến đấu, liên tục bao quanh khu vực trận địa. Các tổ bắn máy bay ba người có chỉ huy thống nhất, công sự gần nhau để cùng bắn khi có lệnh của tổ trưởng. Thiết bị xây dựng cả hầm cứu thương, hầm dự trữ đạn v v Trừ những đồng chí trực ban trên máy, sở chỉ huy, trận địa súng máy phòng không, còn lại những cán bộ chiến sĩ khác đều theo giao thông hào ra trận địa bắn máy bay bay thấp hoặc bổ nhào theo khu vực đã qui định.

        Thực hiện các vấn đề này, trung đoàn sẽ cấp đủ cuốc chim, xẻng cá nhân, xẻng pháo binh cho các đơn vị và kinh phí tác chiến để mua vật tư tranh tre nứa lá làm lán che chắn chỗ ở của các phiên ban tại máy, tại trận địa.

        Tất cả các nội dung trên phải được phổ biến huấn luyện cho tất cả các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị học tập và kiểm tra chặt chẽ; tiến hành diễn tập nhiều lần, chấn chỉnh thường xuyên trong quá trình thực hiện, làm cho tất cả mọi người hiểu rõ và thực hành thành thạo. Thời gian hoàn thành ngày 5 tháng 11 năm 1964 báo cáo về trung đoàn, sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra đơn vị, kiểm tra việc chấp hành các qui định và kiểm tra sự hiểu biết đến từng chiến sĩ.

        Về trận địa dự bị của các đại đội, mỗi đơn vị phải cử ngay một tổ do đồng chí đại đội phó phụ trách, đi trong khu vực gần trận địa cự ly khoảng cách 3 đến 5km cách trận địa cũ theo bản đồ tỷ lệ 1/100.000, tìm hai đến ba trận địa dự bị, đo đạc các số liệu của nó, lập hồ sơ gửi về trung đoàn, xác định vị trí trên bản đồ để trung đoàn đánh dấu chính thức vào bản đồ ô vuông 99 của sở chỉ huy trung đoàn khi cần di chuyển đã có số liệu chính thức. Thời gian cũng hoàn thành đúng thời hạn trên.

        Tiếp theo, các cán bộ đại đội thảo luận sôi nổi, góp ý kiến bổ sung làm cho bản tài liệu phong phú thêm, tăng thêm không khí khẩn trương sẵn sàng chiến đấu cao của đơn vị.

        Cuối ngày tôi kết luận cuộc họp và nhắc các đơn vị khẩn trương trở về ngay, trung đoàn sẽ cho xe chở cán bộ và vật tư tài liệu trở về đơn vị. Tối hôm đó tôi và anh Tuất tranh thủ làm việc thêm với các anh Hồ Sĩ Hưu, đại đội trưởng đại đội 12 ở Đồng Hời, anh Lan đại đội trưởng đại đội 11 ở Vĩnh Linh về tình hình nhiệm vụ của khu vực giới tuyến quân sự tạm thời này, nó chính là tuyến đầu khi địch đánh trở lại miền Bắc bằng máy bay không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.

        Sáng hôm sau rất sớm, 2 xe vận tải của trung đoàn chở cán bộ và cuốc xẻng để các đơn vị trở về nhanh chóng, an toàn (một chiếc xe chở cuốc xẻng và cán bộ cho các đại đội 13, đại đội 12, đại đội 11 chạy về phía Nam, một chiếc chở cho các đại đội 14, 15, 16 chạy về phía Bắc, riêng đại đội 17 đi xe khách).

        Cuộc họp này đánh dấu sự chuyển biến không khí thời chiến của các đơn vị một cách sâu sắc, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần cho bộ đội sẵn sàng đánh trả địch những ngày đầu năm 65 khi chúng đánh lại miền Bắc XHCN mà Quảng Bình, Vĩnh Linh là trận đầu tiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:31:07 pm »


        Quân và dân cùng xây dựng trận địa.

        Tháng 11 năm 1964 cũng là tháng tiếp theo địch tập trung hoạt động bắn phá ném bom các trục đường miền Tây Quân khu 4 giáp các cửa khẩn biên giới Việt, Lào như trục đường 7, đường 8, đường 12 v.v... để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam , máy bay địch hoạt động đa số là loại F101, F105 riêng máy bay U2, BQM-34A bay trinh sát miền Bắc ở độ cao 18km bay liên tục hàng tuần chụp ảnh trên không phận (các đường giao thông các thành phố lớn và các cảng biển) của miền Bắc XHCN.

        Ngày 18 tháng 11 năm 1964 tiểu đoàn cao xạ pháo 37 của Quân khu 4 chiến đấu ở đường 12 miền Tây Quảng Bình, vùng biên giới Việt Lào đã bắn rơi chiếc máy bay F101 của Mỹ ngay từ loạt đạn đầu, sau đó địch tập trung công kích ném bom bắn rốc két vào trận địa, tiểu đoàn 14 đã liên tiếp bắn rơi thêm 2 máy bay Mỹ nữa; chiến công vang dội của pháo cao xạ 37 ly bắn rơi máy bay phản lực siêu âm của Mỹ làm phấn chấn dư luận, làm tăng thêm lòng tin tưởng của lực lượng vũ trang ba thứ quân của quân khu. Chính trị viên tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Viết Xuân đã chiến đấu cùng với chiến sĩ bằng mệnh lệnh: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn". Chính mệnh lệnh đó thành khẩu hiệu thiêng liêng của những chiến sĩ cao xạ tầm thấp trong chống toàn quân sau này trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.

        Quân khu 4 đã triệu tập trung đoàn 290, 280 và các đơn vị trực thuộc của quân khu đóng quân quanh thành phố Vinh về cơ quan quân khu phổ biến kinh nghiệm trận đánh thắng lợi của tiểu đoàn 14 ở cửa khẩu đường 12 miền Tây Quảng Bình, rút ra những bài học chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu của đơn vị bạn.

        Trong tháng 11 năm 1964 các thủ trưởng trung đoàn phân công nhau cùng cơ quan đến kiểm tra chiến đấu ở các đại đội về việc thực hiện các qui định chế độ "trực ban sẵn sàng chiến đấu cao trong tình hình mới" của trung đoàn đã ban hành vào ngày 15-10 vừa qua.

        Tôi và một số anh em cơ quan tham mưu, chính trí, hậu cần đi kiểm tra các đại đội phía Nam đại đội 11, đại đội 12, đại đội 13 ở Vĩnh Linh, Đồng Hời và Hà Tĩnh. Anh Phan Văn Hóa tham mưu trưởng trung đoàn đi kiểm tra đại đội 16 ở Đô Lương, đại đội 15 ở Diễn Châu; anh Bùi Đình Cường - trung đoàn phó đi kiểm tra đại đội 14 và sau đó là đại đội 17.

        Mới hơn một tháng, sau cuộc họp ở trung đoàn, các đại đội đã tiến hành thực hiện các qui định, chế độ trực ban thời chiến nghiêm túc chặt chẽ khẩn trương, hệ thống các chỗ ở của các phiên ban đã xây dựng kín đáo ở trận địa, ở các đài ra-đa, ấm cúng và hợp lý. Kiểm tra các phiên ban ở cạnh máy, trận địa 12 ly 7 đều có danh sách hàng ngày và đều thực sự có mặt tại vị trí, kể cả khi không mở máy; pháo thủ trực ban sẵn sàng trên súng quay về hướng chính, kéo nấc cò số một, sẵn sàng chiến đấu. Các vọng quan sát mắt đã được khôi phục, được trang bị ống nhòm và hệ thống điện thoại về sở chỉ huy đại đội.

        Công sự và hệ thống hào giao thông bao quanh trận địa đã được đào đắp, ngụy trang cẩn thận, hầm hào của các tổ bắn máy bay bằng súng bộ binh đã được kiến trúc chu đáo, có trồng cỏ ngụy trang đã lên xanh.

        Cả hai đại đội 11, 12 ở Vĩnh Linh và Đồng Hỡi chiếm lĩnh trên các ngọn đồi đất đỏ và các ngọn đồi đất cát pha, nên hệ thống công sự và hào giao thông được đào đắp bao quanh thuận lợi. Các đoàn kiểm tra tổ chức báo động chiến đấu, bộ đội đã thực hiện triển khai khẩn trương và tương đối thành thạo. Ngoài ra còn tổ chức kiểm tra miệng và giấy đối với cán bộ, chiến sĩ để có kiến thức, hiểu các chế độ qui định chiến đấu tốt hay không? Đặc biệt đối với trắc thủ, đài trưởng ra-đa và pháo thủ 12 ly 7 và 14 ly 5.

        Riêng ở các đại đội 11, 12 này sau khi kiểm tra xong, tôi đã bàn với các anh Hồ Sĩ Hưu đại đội trưởng đại đội 12 và anh Lan đại đội trưởng đại đội 11 về một số nội dung tôi đang băn khoăn: "Cái gì đã họp ở trung đoàn về, các đại đội đều chấp hành tốt nghiêm chỉnh, đã chuyển biến được không khí sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị; tuy vậy người và vũ khí đều ở trong công sự khi chiến đấu nhưng đài ra-đa, máy nổ, sở chỉ huy đại đội vẫn ở trên mặt đất chưa có công sự, chơ vơ giữa trời, nếu địch đánh vào trận địa thì không thể duy trì được sức chiến đấu ngay từ loạt đạn đầu”.

        Các anh đều đồng ý với tôi như thế, mặc dù trong qui định của trung đoàn không nói đến việc đào đắp công sự cho đài ra-đa, máy nổ, sở chỉ huy.

        Bây giờ qua kiểm tra thực tế cần phải bổ sung; công sức phải đổ ra nhiều, vất vả nhưng trách nhiệm phải làm của đơn vị và liên hệ với địa phương để xin chi viện nhân lực thêm, thực hiện cho được vấn đề này.

        Riêng sở chỉ huy đại đội phải dời từ trong nhà ra công sự, dây điện thoại mắc từ đài ra-đa, vọng quan sát mắt, trận địa 14 ly 5, máy phát điều phối đến sở chỉ huy đại đội phải chôn ngầm theo giao thông hào bảo đảm an toàn hơn khi địch đánh vào trận địa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:34:27 pm »

        Các anh Hưu đại đội 12 và anh Lan - Đại đội 11 đều vui vẻ thấy cần thiết phải làm ngay. Tôi cũng hứa với các anh, về lại trung đoàn sẽ bàn với cơ quan bổ sung vào qui định những điều còn thiếu và vào liên hệ với địa phương để xin chi viện về nhân lực cho các đại đội đào đắp công sự.

        Tôi còn nhớ lại, lúc kiểm tra ở đại đội 11 Vĩnh Linh, đi xem trận địa dự bị của đại đội đã chọn ở phía Tây Vĩnh Linh, gần sân bay cũ của Pháp ở Ba Đình, đối chiếu với hồ sơ trận địa đã đo đạc, các yêu cầu về mặt chiến thuật đều đạt so với trận địa cũ của đại đội 11 ở Vĩnh Chấp. Tôi rất mừng vì các đại đội ở phía Nam này đã lo xa, chuẩn bị trận địa chu đáo khi thời chiến xảy ra, tuy vậy không khí hòa bình vẫn còn lộ rõ; các anh ấy vẫn đặt đài ra-đa chơ vơ giữa đồi trọc không có cây cối để ngụy trang. Tôi đã góp ý kiến cần phải điều chỉnh lại các trận địa dự bị, đạt yêu cầu chiến kỹ thuật của ra-đa nhưng phải kín đáo không phải như thời bình, phải có cây cối che kín xe cộ, người, vũ khí khi triển khai chiến đấu mới duy trì trực ban lâu dài được.

        Trời đã về chiều, trên đường về lại đại đội 11 ở Vĩnh Chấp, xe chúng tôi đã bị sa vào rãnh nước xói mòn trên đường đi sâu hoắm, đầu tôi bị đập va vào kính chắn gió của xe, kính trước vỡ tan một bên, các mảnh vỡ xóc vào trán của tôi chảy máu, may mắn không có mảnh nào vào mắt; anh em băng lại trán cho tôi và đào kích xe lên, về đến nhà trời vừa tối, y tá kiểm tra sát trùng dán lại băng dính, không có vấn đề gì chỉ rách da chảy máu mà thôi.

            Sáng hôm sau từ đại đội 11 ở Vĩnh Linh chúng tôi trở về trung đoàn. Trên đường đi đến Đồng Hời xe chạy không có kính chắn gió một bên, đồng chí Anh lái xe đã cắt một miếng gỗ dán che lại "Để thủ trưởng khỏi bị gió lùa" vừa làm vừa nói như trên.

        Đến Đồng Hời gần 10 giờ, phải nghỉ lại nhà bà dì - em ruột của mẹ tôi, ở thị xã để lái xe đưa xe đi cắt kính lắp lại kính chắn gió; chúng tôi chia nhau nghỉ đêm lại ở đây chiều tối kính xe đã lắp xong; bàn với nhau sáng mai sẽ đi sớm.

        Tối ở lại nhà dì tôi có hai, ba phụ nữ đến mời bà đi liên hoan, tôi hỏi bà sau khi đi về, mới biết các chị này là gia đình các cán bộ của Sư đoàn 325 đóng ở Đồng Hời, gia đình các đồng chí này công tác ở các cơ quan kinh tế của Quảng Bình, nay được lệnh trên, Sư đoàn 325 đi B, vào chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên nên các gia đình tổ chức liên hoan tiễn chồng con lên đường.

        Đây là cuộc lên đường lần thứ hai sau 10 năm hòa bình xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Bắc. Không khí tiễn đưa không phải như những năm 1945 các đoàn xe lửa chở bộ đội Nam tiến, có cờ hoa kèn trống, có mít tinh mà bây giờ các cuộc tiễn đưa ở các gia đình, bạn bè xóm làng, tuy không rầm rộ nhưng sâu sắc quyết tâm và có kinh nghiệm nhiều hơn sau 9 năm kháng chiến và 10 năm hòa bình; được trang bị tri thức quân sự và vũ khí hiện đại hơn rất nhiều so với thời kỳ Nam tiến sau cách mạng tháng Tám. Kẻ thù lúc này cũng độc ác hơn, mạnh hơn rất nhiều so với trước; một cuộc đụng đầu lịch sử, mà chiến thắng sẽ thuộc về phía những người chiến đấu cho chính nghĩa, cho giải phóng đất nước.

        Các đoàn kiểm tra chiến đấu đã về lại trung đoàn, cuộc họp báo cáo phản ánh lại tình hình chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị báo cáo lại hệ thống trận địa dự bị để đánh dấu lên bản đồ.

        Các thủ trưởng trung đoàn, cơ quan đều nghe lại kỹ tình hình, đơn vị đã chấp hành tốt các qui định chiến đấu của trung đoàn sau cuộc họp ngày 15 tháng 10 vừa qua, đặc biệt đại đội 16 và đại đội 15 ở trực tiếp trên cánh đồng lúa nên công sự phải đào và đắp nổi vì nước ngập; anh em tốn rất nhiều công nhưng cũng hoàn thành tốt đẹp đối với hệ thống giao thông hào chiến đấu, các hàng cây trồng quanh nhà và xung quanh khu vực tự tạo che kín đáo các trận địa này.

        Tôi cũng báo cáo lại với các anh về công sự của xe ra-đa và máy nổ, công sự của sở chỉ huy chưa có mà trong qui định cũng chưa nói rõ; các đại đội 11, đại đội 12, đại đội 13 tôi đã trực tiếp bàn với các anh thủ trưởng đại đội cho tiến hành ngay nhưng phải bổ sung vào qui định của trung đoàn; các đại đội này ở trên đồi cao nên đào đắp sẽ dễ hơn, còn các đại đội phía Bắc 14, 15, 16 đều ở trên ruộng vì vậy công sức rất lớn; cần phải báo cáo với Tỉnh ủy Nghệ An để địa phương chi viện thêm lực lượng dân công tại chỗ lấy đất đắp công sự.

        Nhân cuộc họp này anh Tuất, anh Hồ Quang Huy báo cáo lại: Tỉnh ủy Nghệ An cho người vào hỏi, có cần dân công để đào đắp công sự không? cho biết ở khu vực nào? Để Tỉnh ủy và ủy ban giao nhiệm vụ cho các địa phương huy động dân công vùng đó chi viện cho các đơn vị nhưng chỉ làm ban đêm từ 7 giờ tồi đến 10 giờ đêm còn ban ngày để sản xuất, công việc chia ra làm nhiều đêm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:38:16 pm »

        Đúng như hạn gặp mưa dông, trung đoàn cừ đồng chí Hồ Quang Huy ra Tỉnh ủy Nghệ An báo cáo xin chi viện dân công cho đại đội 16 ở Đô Lương, đại đội 15 ở Diễn Châu, đại đội 14 ở Nghĩa Lộc; huy động đắp đều tất cả các công sự của xe ra-đa, máy nổ, trạm phát và sở chỉ huy đại đội. Trung đoàn còn cử một đoàn cán bộ tác chiến và công binh xuống đại đội 14 ở Cửa Hội đo đạc, cắm cọc chiều rộng chiều cao của các công sự đã nói, ở trên trận địa, vẽ thành bản thiết kế gửi cho các đại đội để đào đắp thống nhất.

        Sau khi làm thí điểm ở đại đội 14, các đoàn cán bộ của trung đoàn đến các đơn vị 15, 16 phổ biến và liên hệ với địa phương tổ chức đón tiếp dân công đến giúp bộ đội.

        Đối với các đại đội 11, 12, 13 trung đoàn cũng cho người vào mang bản vẽ công sự, cùng với các đơn vị đến liên hệ với cơ quan của Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh để xin dân công.

        Suốt nửa tháng 11 đầu tháng 12 năm 1964 cứ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm, các đại đội cho máy nổ chạy, căng dây đèn đến các công sự, cung cấp ánh sáng cho bà con quanh vùng đến đắp trận địa, phụ nữ, đàn ông, người già em thiếu niên đều đến giúp bộ đội; họ mang cuốc xẻng, quang sọt đến nhận các vị trí và cùng với bộ đội đắp hàng đêm cho đến khi hoàn chỉnh phủ cỏ ngụy trang mới thôi.

        Tuy đông đảo như thế, nhưng đồng bào được các xã tổ chức chặt chẽ; mỗi xã có một cán bộ phụ trách, các thôn có cán bộ dẫn bà con đến, lên danh sách từng người, có kiểm tra ghi chép để cấp gạo bồi dưỡng cho bà con đến, phân công trách nhiệm từng khu vực cho hợp với số lượng dân công làm từ đầu cho đến kết thúc các công sự.

        Bộ đội ngoài số trực ban theo phiên, còn tất cả đều ra hiện trường đào đắp với bà con, số lượng không đông nhưng chia đều đến các vị trí, lên các mặt công sự, căn cứ theo dây đã căng, chỉ cho đồng bào đổ đất, bộ đội san ra và dậm chặt lại, cứ lần lượt từ dưới lên trên, đắp đến đâu hình thành đến đó.

        Hàng đêm bộ đội nấu nước chè xanh mời đồng bào đến giúp, uống nước để chống khát hồi sức.

        Nhờ kinh nghiệm tổ chức dân công đi chiến trường của 9 năm chống Pháp, lúc đó Nghệ An, Hà Tĩnh là hậu phương của chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào nên ngày nay tổ chức dân công của các xã đều có quy củ, quản lý tốt, động viên bà con, không khí rất vui vẻ phấn khởi, không có cãi và to tiếng với nhau, bộ đội rất biết ơn và khâm phục công tác tổ chức và quản lý dân công của địa phương.

        Thấm thoát trong vòng hai tuần, tất cả các đại đội trong trung đoàn từ Quảng Bình, Vĩnh Linh đến Hà Tĩnh, Nghệ An, nhờ sức dân và cố gắng nỗ lực của mình đã xây dựng công sự và đào đắp ụ chiến đấu xong hoàn toàn, có ngụy trang chu đáo. Những công sự xe ra-đa, máy nổ cao hơn 3m dài 7m đều được đắp và trồng cỏ hoàn chỉnh.

        Tất cả các đơn vị đã sinh hoạt trực ban trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao của thời chiến.

        Tuy vậy chúng tôi cũng nghĩ rằng đó là đối phó với trận chiến đấu đầu tiên mà thôi, chứ không phải cố thủ phòng ngự cố định trong công sự để chiến đấu lâu dài được mà phải luôn cơ động, bí mật bất ngờ mới duy trì được hệ thống ra-đa hoàn chỉnh trong cuộc chiến đấu đất đối không lâu dài, trong vùng gần sát địch này.

        Ngày 7-2-1965 đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc bắt đầu từ Quảng Bình, Vĩnh Linh.

        Trong những tháng cuối năm 1964, tình hình miền Nam có những hoạt động quân sự to lớn của ta ở miền Trung (Quân khu 5), miền Đông Nam Bộ giành chiến thắng vang dội ở các thành phố, thị xã và ở các vùng nông thôn; tiêu diệt sinh lực địch nhất là bọn cố vấn Mỹ, các tiểu đoàn chủ lực Mỹ - ngụy, phá banh các ấp chiến lược, giải phóng đồng bào về quê cũ làm ăn.

        Đêm 31 tháng 10 năm 1964 lực lượng pháo binh miền Đông Nam Bộ pháo kích sân bay Biên Hòa, căn cứ chiến lược không quân Mỹ - ngụy vào loại lớn nhất miền Nam; vừa là căn cứ cất cánh của các loại máy bay đánh phá miền Bắc, miền Nam, Lào và Cam-pu-chia; nơi đào tạo giặc lái của ngụy; nơi tập trung nhiều nhất phi công Mỹ và các lực lượng yểm trợ của Mỹ, cũng như kho tàng bom đạn, xăng dầu, đặc biệt các loại máy bay chiến đấu mới được chở tới từ Mỹ để lắp ráp bay thử ở đây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:44:02 pm »

        Chỉ trong một đêm trong trận pháo kích này, anh em pháo binh miền Đông chỉ bắn 136 viên đạn pháo 122 ly vào các mục tiêu trong căn cứ một cách chính xác và rút lui an toàn; diệt và làm bị thương nhiều giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ, phá hủy 59 máy bay (trong đó có 21 chiếc máy bay B-57) ném bom, được đưa từ Mỹ sang chưa kịp sử dụng.

        Chúng tôi được lệnh sẵn sàng chiến đấu ngay sau trận pháo kích sân bay Biên Hòa đồng thời Quân khu 4 mấy ngày sau triệu tập phổ biến ngay chiến thắng và nhắc nhở sẵn sàng đề phòng địch đánh trả. Trung đoàn 290 và 280 được thông báo tình hình từ 2 phía: Quân khu 4 phổ biến thông tin cụ thể nhắc nhở chiến đấu khẩn trương cho các đơn vị đóng quân ở Quân khu, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhắc nhở bằng điện cơ yếu, điện thoại và ra mệnh lệnh chuẩn bị chiến đấu trực tiếp.

        Trung đoàn 290 cũng thông báo tình hình chiến trường miền Nam sau khi được phổ biến ở Quân khu 4 cho các đại đội ra-đa và cơ quan trung đoàn.

        Ngày 2 tháng 12 năm 1964 chiến dịch Bình Giã ở miền Đông Nam Bộ, khu vực Bà Rịa bắt đầu nổ súng. Đây là chiến dịch tiến công của quân dân miền Đông trong đó lực lượng chủ lực của Miền làm nòng cốt, kéo dài đến ngày 3 tháng giêng năm 1965.

        Trong thời gian này chúng tôi được phổ biến liên tục tin chiến thắng ở chiến trường hàng ngày, hàng tuần ở Bộ Tư lệnh Quân khu 4, được nhắc nhở cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao. Ngày 24 tháng 12 năm 1964 lực lượng biệt động Sài Gòn dùng 200kg thuốc nổ để trên xe tô áp sát tầng 1 khách sạn Mỹ Brinxcơ ở trung tâm Sài Gòn, khối bộc phá nổ làm sập tòa nhà cao tầng, diệt và làm bị thương trên 100 tên Mỹ, tất cả đều là sĩ quan và quân nhân.

        Sở chỉ huy trung đoàn nhận được lệnh của Quân chủng Phòng không - Không quân sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.

        Năm nay tết âm lịch đến, ngày âm lịch và dương lịch trùng nhau nhưng khác tháng, ngày mùng 1 tết âm lịch cũng đúng ngày 1 tháng 2 năm 1965. Trung đoàn tổ chức cho anh em ăn tết, có lẽ là tết cuối cùng trong những năm hòa bình, vì vậy công tác chuẩn bị khá chu đáo ao cá và trại tăng gia của trung đoàn ở núi Hồng Lĩnh đã đưa thực phẩm chăn nuôi được đến các đơn vị quanh thành phố Vinh và gửi tiền tăng gia, tiêu chuẩn tết của quân đội đến các đơn vị ở xa.

        Tuy vậy công tác chuẩn bị chiến đấu vẫn được duy trì và kiểm tra chặt chẽ; ngày 30 tết tôi trực tiếp đến kiểm tra chiến đấu đại đội 13 ở Hà Tĩnh, tại Rú Nài, ra-đa ở trong công sự đã được đào đắp cẩn thận. Các phân đội súng máy phòng không 12 ly 7 các chiến đấu viên trực chiến đã ngồi sẵn sàng chiến đấu kéo nấc cò số một.

        Ngay trước và trong những ngày tết, chúng tôi cũng được thông báo tình hình chiến trường miền Nam, tối 29 tháng giêng năm 1965 tức là tối 29 tết, Quân khu 4 thông báo biệt động Sài Gòn đã đánh trụ sở chỉ huy của phái đoàn MAAG của Mỹ ở trung tâm Sài Gòn, 55 tên Mỹ trong đó có hai tên cấp tướng bị thương và chết. Chúng tôi cũng điện nhắc các đơn vị không được vì tết mà lơ là chiến đấu.

         Sáng ngày 7 tháng 2 năm 1965 Trung đoàn 290 được thông báo trực tiếp của Quân khu 4 và của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đêm 6 tháng 2 năm 1965 bộ đội ta ở Quân khu 5 tiến công sân bay Cù Hanh, trại Hô-lô-uê ở Plâycu đã phá hủy 42 máy bay trực thăng giết và làm bị thương nhiều tên Mỹ - ngụy, cũng trong đêm đó ta đánh khách sạn Việt Cường ở Qui Nhơn diệt nhiều cố vấn Mỹ đồng thời bộ đội ta tiêu diệt cứ điểm Dương Liễu - Gia Hựu cắt đứt đường quốc lộ 1 từ Phú Mỹ đi Bồng Sơn ở Bình Định - Khu 5 v.v...

        Với tình hình khẩn trương như trên, 8 giờ sáng ngày 7 tháng 2 năm 1965 trung đoàn 290 được lệnh của Quân chủng Phòng không - Không quân sẵn sàng chiến đấu; Quân chủng còn thông báo tiếp các chiến thắng trên, trung đoàn đã ra lệnh báo động chiến đấu cho các đơn vị và thông báo bằng điện cơ yếu cho các đại đội.

        Sở chỉ huy của trung đoàn lúc này là anh Phan Văn Hóa - tham mưu trưởng trực ban, tôi cũng hội ý với anh Hóa về ý đồ sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn, phát lệnh cho các đại đội chuẩn bị chiến đấu; ngày 7 tháng 2 là ngày chủ nhật lệnh cho các đơn vị không cho bộ đội ra ngoài, 100% quân số phải có mặt tại vị trí; riêng các chiến sĩ báo vụ thu tin của sở chỉ huy trung đoàn trực tiếp với các đại đội được nhắc nhở thường xuyên, gọi và liên lạc chặt chẽ với các đơn vị không được để gián đoạn thông tin; các trực ban tác chiến được lệnh thông báo cho tất cả các chiến sĩ báo vụ biết mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu cao, không được lơ là để mất liên lạc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:48:32 pm »

        Lúc này đã 9 giờ sáng ngày 7 tháng 2 là ngày chủ nhật, trên biển Đông yên tĩnh, không thấy các đường bay của máy bay Mỹ bay tập trên không, mà mọi ngày không lúc nào vắng. Đó là triệu chứng chuẩn bị của địch, vì vậy tôi bàn với anh Hóa - tham mưu trưởng trung đoàn: "Hiện tượng này thế nào địch cũng đánh trở lại đúng trưa nay, vì vậy cần nhắc các đơn vị ngay, chuẩn bị chiến đấu nhất là đối với các kíp trực ban".

        13 giờ 48 phút trên không đang yên tĩnh bỗng kẻng báo động cấp một ở sở chỉ huy trung đoàn. Tôi đang nghỉ trưa, vội vã đến sở chỉ huy, anh Hóa thủ trưởng trực ban báo cáo tình hình trên không ở bàn đánh dấu, đại đội 12 đang trực ban thông báo một đường bay liên tục từ biển Đông vào đất liền vòng vèo trên thị xã Đồng Hời với liên tiếp nhiều tốp bay vào kể cả hướng Vít Thù Lù, chứng tỏ địch đang tập kích đánh vào Đồng Hời và miền Tây Lệ Thủy, Vĩnh Linh.

        Đại đội 12 đang trực ban báo cáo bằng mật ngữ: "Địch đang ném bom Đồng Hời". Tất cả tình báo diễn biến ở vùng này, sở chỉ huy trung đoàn 290 đã thông báo về sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân ở Hà Nội, sở chỉ huy Quân khu 4 cũng như trung đoàn cao xạ 280 ở Vinh.

        Anh Hóa đã cho đại đội 11 ở Vĩnh Linh chuyển cấp mở máy tăng cường, tôi chỉ thị cho mở máy chuyển cấp tiếp cho đại đội 13 và chỉ thị mục tiêu cho nó.

        14 giờ kết thúc trận đánh, đại đội 12 không phát hiện đường bay nữa, trên không vùng Đồng Hời, Quảng Bình, Vĩnh Linh yên tĩnh.

        Tất cả các đại đội mở máy tăng cường đều cho tắt máy nghỉ, trừ các đại đội mở máy trực ban theo phiên; sở chỉ huy trung đoàn yêu cầu đại đội 12 ở Đồng Hời báo cáo trận đánh.

        Chiều nay buổi giao ban cuối ngày, được phân tích theo bản đường bay lưu của đại đội 12 trong trận chiến đấu nhận định ngày mai thế nào địch cũng đánh lại Quảng Bình, Vinh Linh, đồng thời trung đoàn cũng nhận được lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhắc trung đoàn sẵn sàng chiến đấu cao vì địch còn tiếp tục đánh phá khu vực phía Nam Quân khu 4.

        Tất cả các anh trong thủ trưởng trung đoàn và cơ quan đều đến dự giao ban tác chiến; chúng tôi hội ý với nhau "Đại đội 12 chỉ mới thông báo đường bay trên bản đồ đánh dấu và mật ngữ: "Địch đánh Đồng Hỡi" còn tình hình chưa nắm được, phải đợi đến tối mới có điện cơ yếu báo cáo, tuy vậy chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã xảy ra trên miền Bắc; vì vậy tối nay phải cử một đoàn cán bộ của trung đoàn vào đại đội 12 và đại đội 11 để nắm tình hình, anh Cường - Trung đoàn phó phụ trách đoàn này, đi ngay trong đêm nay vì thế nào ngày mai địch cũng còn đánh phá Đồng Hới nữa".

        Sau khi đoàn của trung đoàn đã lên đường, 19 giờ đại đội 12 báo cáo bằng điện cơ yếu, nội dung báo cáo với thời gian như trên, 13 giờ 48 phút, địch bay vào đánh Đồng Hỡi chia ra nhiều tốp, theo cửa sông Nhật Lệ, theo Lộc Đại - Phú Xá, hai tốp bay vào cùng đánh Đồng Hỡi, đánh doanh trại của Sư đoàn 325. Các lực lượng phòng không của địa phương, của Sư đoàn 325, của tàu hải quân trên sông Nhật Lệ đã nổ súng kịp thời bắn rơi 3 máy bay Mỹ trong đó có một chiếc của trung đội 14 ly 5 đại đội 12. Binh nhất Nguyễn Khắc Được trực ban ngồi trên súng quay hướng về biển khi nghe kẻng báo động, còi phòng không Đồng Hỡi nổi lên, anh đã thấy chiếc máy bay Mỹ bay rất thấp từ làng Phú Hội ở bờ biển bay vào to như chiếc thuyền, lập tức anh quay súng đưa vào vòng ngắm bắn ngay một loạt, chiếc máy bay bốc cháy rơi vào bờ biển làng Nhân Trạch, phía Bắc sân bay Đồng Hỡi. Tình báo của đại đội 12 đã thông báo cho dân quân Quảng Bình rất sớm, ở cự ly 80km, còi báo động phòng không sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng phòng không ở vùng thị xã chuyển cấp kịp thời, nên rất chủ động đánh địch.

        Tối đến đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, phát thanh thông báo chính thức ngày 7 tháng 2 năm 1965 quân và dân thị xã Đồng Hỡi bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo cho trung đoàn 290 biết trong ngày 7 tháng 2 Mỹ đã dùng 4 máy bay gồm các loại A4-D, F8-U, A3-D cất cánh từ hai tàu sân bay Cô-ran-xi và Hen-cốc đánh phá Đồng Hỡi. Địch cũng sử dụng 34 máy bay của tàu sân bay Ren-giơ đánh vào Vít Thù Lù, Hướng Lập, đánh vào cụm kho của Quân khu 4 đang triển khai ở đó, Quân chủng còn nhắc ngày mai 8-2 địch còn đánh phá Quảng Bình, Vĩnh Linh, lệnh cho trung đoàn 290 tiếp tục sẵn sàng chiến đấu.

        Trung đoàn cũng gửi điện thông báo cho các đơn vị nhất là đại đội 11, đại đội 12 sẵn sàng chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:52:30 pm »

        Ngày 8 tháng 2 năm 1965 đến 12 giờ lịch trực ban mở máy lúc này là đại đội 11 phát hiện ba tốp máy bay liên tục xuất hiện ở Đông Đà Nẵng, sau đó 8 phút, phát hiện ba tốp này ở cách mũi Lay, Vĩnh Linh 80km, tất cả đường bay đã thể hiện lên sở chỉ huy trung đoàn. Dự kiến với tình huống này địch sẽ đánh Vĩnh Linh, Đồng Hỡi, trung đoàn đã ra lệnh cho đại đội 12 vào cấp một mở máy chiến đấu. Tất cả tình báo đường bay của đại đội 11, đại đội 12 đều đã thông báo trực tiếp cho lực lượng vũ trang Quảng Bình, Vĩnh Linh chuyển cấp sẵn sàng đánh địch, còi báo động phòng không ở hai thị xã và thị trấn Đồng Hới báo cho nhân dân sơ tán xuống hầm.

        Hai đại đội 11, đại đội 12 đã mở máy theo phiên và mở máy tăng cường kịp thời, nên phát hiện sớm các tốp máy bay của hải quân Mỹ vào đánh Đồng Hới, thị trấn Hồ Xá, doanh trại của Sư đoàn 341. Địch lợi dụng mặt biển bay thấp để đánh bất ngờ, nhưng bị ra-đa phát hiện rất sớm khi chúng cất cánh từ tàu sân bay, địch bay thấp để giành bất ngờ nên bị lưới lửa phòng không tầm thấp của ba thứ quân đều phát huy hiệu quả, kể cả pháo cao xạ 37 và pháo của tàu hải quân trên hạm đều bắn rất chính xác.

        Trong đợt tập kích ngày 8 tháng 2 này, lực lượng phòng không của Quảng Bình - Vĩnh Linh đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có cả máy bay AD-6 của ngụy quyền Sài Gòn, tên Nguyễn Cao Kỳ bị chết hụt, máy bay của hắn bị thương phải quăng bom bừa bãi rồi tháo chạy.

        Trong thời gian này các đoàn kiểm tra của Quân chủng Phòng không - Không quân đã có mặt ở Đồng Hới và Vĩnh Linh, do chính ủy Quân chủng Đặng Tính dẫn đầu đã đến kiểm tra trực tiếp đại đội 12 ra-đa: "Sau hai ngày chiến đấu đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, phát hiện sớm máy bay địch, thông báo kịp thời cho lực lượng phòng không Quảng Bình bắn trúng, bắn rơi máy bay địch, các đồng chí cần rút kinh nghiệm những bài học để tiếp tục chiến đấu. Đó là lời nhận xét thiết thực động viên của chính ủy Quân chủng với đơn vị cơ sở; sau đó đồng chí ra lệnh cho đại đội 12 di chuyển về trận địa dự bị đã chuẩn bị sẵn ở Chánh Hòa - Bố Trạch, cách trận địa cũ 5km để chiến đấu.

        Chính ở trận địa này, đại đội 12 đã phát hiện máy bay địch vào đánh Đồng Hới ngày 11 tháng 2 năm 1965, khả năng phát hiện của trận địa này cũng đạt yêu cầu tốt như trận địa cũ. Ngày 24 tháng 3 năm 1965 địch dùng 24 máy bay hải quân đánh vào trận địa cũ của đại đội 12 ở Lộc Đại nhưng nhờ di chuyển sớm nên đại đội 12 an toàn, ngược lại địch bị bắn rơi hai chiếc do hỏa lực phòng không của ta đã bố trí sẵn để đánh địch.

        Đêm 8 tháng 2 năm 1965 trung đoàn 290 được lệnh của Quân chủng cho ôtô ra sân bay Vinh đón hai chiếc máy bay vận tải chở 4 khẩu 14 ly 5 hai nòng để tăng cường cho đại đội 11, đại đội 12 ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, sau đó chở tiếp 4 khẩu 14 ly 5 và cử trợ lý súng máy phòng không đi áp tải đưa 4 khẩu súng này đi ngay trong đêm đến Đồng Hới, Vĩnh Linh giao cho đại đội 11, đại đội 12, trực tiếp huấn luyện ngay cho pháo thủ của hai đại đội trên biết sử dụng thành thạo để chuẩn bị cho các trận chiến đấu tiếp theo; hỏa lực tầm thấp để bảo vệ trận địa ra-đa đã được tăng cường.

        Ngày 11 tháng 2 năm 1965 máy bay Mỹ lại tiếp tục đánh phá Đồng Hới; do được Quân chủng Phòng không - Không quân báo trước, các đại đội 11, đại đội 11 mở máy tăng cường nên chủ động phát hiện sớm máy bay địch vào đánh Đồng Hới. Đúng 12 giờ 50 phút các tốp máy bay của các tàu sân bay Mỹ ở biển Đông tiếp tục bay vào đánh Đồng Hỡi. Ra-đa phát hiện rất sớm cách bờ biển về phía Đông Đà Nẵng 80km; báo cho lực lượng phòng không và hỏa lực tầm thấp của địa phương cũng như đồng bào thị xã sẵn sàng đánh địch và phòng tránh.

        Sau ngày 7 và 8 tháng 2 năm 1965 nhận định địch sẽ đánh lại Quảng Bình, Vĩnh Linh nên cấp trên đã điều các lực lượng phòng không vào chi viện cho địa phương này. Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều một tiểu đoàn cao xạ từ Vinh vào Đồng Hới và điều hai tiểu đoàn học viên pháo cao xạ của Trường Sĩ quan Phòng không đang học thực hành chiến đấu dã ngoại vào Quảng Bình - Vĩnh Linh chiến đấu thực tập tại chiến trường, tại chỗ đã có tiểu đoàn pháo cao xạ 37 của Sư đoàn 325 đóng quân từ trước.

        Được báo động sớm, lực lượng phòng không đã được tăng cường từ trước, bố trí chủ động. Từ 12 giờ 50 phút đến 14 giờ 15 phút ngày 11 tháng 2 năm 1965 nhiều tốp máy bay của hải quân Mỹ vào đánh Đồng Hới, các lực lượng phòng không ba thứ quân của Quảng Bình đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt giặc lái, tên thiếu tá Su-mếch-cơ nhảy dù bị dân quân xã Lý Ninh, thị xã Đồng Hỡi bắt sống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:56:59 pm »

        “Kết thúc ba ngày chiến đấu quân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, kế hoạch "Mũi lao lửa" của địch bị thất bại... Đồng bào cả nước vô cùng phấn khởi trước chiến thắng vẻ vang của quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các đại đội ra-đa 11, 12 của trung đoàn 290 Quân chủng Phòng không - Không quân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba". Không riêng hai đại đội 11, 12 được khen thưởng mà đại đội 8C chỉ huy của trung đoàn 290 cũng được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

        Trong đợt hoạt động chiến đấu này, vì hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, trung đoàn 290 được Nhà nước thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

        Sau ngày 11 tháng 2 năm 1965 địch chuyển sang hoạt động nhỏ lẻ trên các đầu mối giao thông phía Tây Quân khu 4. Nhưng từ ngày 14 tháng 3 đến 17 tháng 3 năm 1965 địch đã sử dụng 160 lần chiếc máy bay đánh ra vĩ tuyến 19 từ Cầu Bùng trở về phía Nam thường xuyên có máy bay hoạt động. Các lực lượng vũ trang luôn sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, quyết liệt nhất là các lực lượng súng phòng không tầm thấp. Đại đội 14, đại đội 15 ở Cửa Hội và Diễn Châu, mỗi đại đội bắn rơi một máy bay Mỹ đều được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

        Cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đã lan rộng dải đất từ Vĩnh Linh đến Nghệ An. Địch đánh phá liên tục, các cơ quan của Nhà nước, kho tàng, đều bắt đầu sơ tán; các trường học của các cháu đã chuyển vào các làng mạc học tập, phân tán có hầm hào che chắn. Các chuyến xe vận tải, xe hành khách chuyển sang chạy ban đêm bằng đèn gầm, các bến phà đều ngăn xe từ xa, lần lượt xuống bến đủ số xe của chuyến phà, đề phòng địch đánh, liên tục chở xe suốt đêm. Ngoài quốc lộ 1, đường 15 kháng chiến đã bắt đầu hoạt động, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chi viện miền Nam bảo vệ miền Bắc lâu dài.

        Trung đoàn 290 và 280 được lệnh di chuyển sở chỉ huy chính về sở chỉ huy dự bị sau ngày 17 tháng 3 năm 1965 ở núi Quyết.

        Sau ngày 11 tháng 2 năm 1965 đoàn cán bộ do anh Bùi Đình Cường - Trung đoàn phó làm trưởng đoàn đi kiểm tra đại đội 11, đại đội 12 về lại trung đoàn. Anh Tuất, anh Hóa, anh Thanh Bình và tôi cùng các thủ trưởng cơ quan nghe lại tình hình chiến đấu của các đại đội trên (lúc này trung đoàn chưa di chuyển vẫn ở doanh trại cũ).

        Anh Cường báo cáo lại các nội dung:

        - Các đơn vị đại đội 11, đại đội 12 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong phát hiện máy bay địch từ xa, thông báo chính xác chủ động cho các cơ quan, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh sẵn sàng chiến đấu, đánh trả kịp thời máy bay Mỹ.

        - Ngoài nhiệm vụ phát hiện và thông báo máy bay Mỹ cho các lực lượng trên, các đại đội này còn tham gia trực tiếp chiến đấu, bắn máy bay Mỹ cùng hỏa lực phòng không địa phương, riêng đại đội 12 đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên khi bay thấp vào làng Phú Hội qua trận địa của trung đội 14 ly 5 mà pháo thủ đang trực chiến.

        - Bộ đội chiến đấu trên máy ra-đa, trong sở chỉ huy đại đội trên súng máy phòng không, ở các tổ bắn máy bay của đơn vị đều ở trong công sự được chuẩn bị từ trước nên rất vững vàng. Cùng với hệ thống công sự và lưới lửa súng bộ binh bắn máy bay của dân quân các xã bao quanh trận địa tạo thành sự phối hợp chiến đấu gắn bó giữa các lực lượng vũ trang ba thứ quân nhịp nhàng trong trận đọ sức với máy bay Mỹ vừa qua.

        Cuối cùng anh Cường cũng nêu ra mối lo lắng của mình: Đây là trận đầu tiên chiến đấu trong công sự ở trận địa chính của mình, đã qua nhiều năm; nếu các lần sau địch đánh trở lại mà cứ ở cố định mãi một chỗ như vậy thì sẽ bị địch phát hiện đánh vào trận địa của mình, khó lòng duy trì được sức chiến đấu của ra-đa lâu dài.

        Đó là mối lo nghĩ chung của tất cả anh em cán bộ của trung đoàn 290; cần phải di chuyển từ trận địa chính về trận địa dự bị mới trụ vững được tuyến đầu của miền Bắc này, chiến đấu lâu dài, chống lại địch ở cả trên không, và pháo bờ biển; như đại đội 12 đã được đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng PK-KQ cho di chuyển sau ngày 11 tháng 2 năm 1965.

        Đó là hai quan điểm khác nhau trong thời kỳ đầu đánh Mỹ ở miền Bắc, cuộc chiến đấu đất đối không lâu dài trên 10 năm này. Một bên giữ ý kiến trụ lại đánh trả máy bay địch và phát hiện mục tiêu trên không. Một bên ý kiến cần phải di chuyển về trận địa dự bị chiến đấu liên tục, giữ bí mật trận địa để phát hiện máy bay địch, chiến đấu ngoan cường nhưng phải giữ được bí mật bất ngờ, mưu trí linh hoạt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 03:01:59 pm »

        Hai quan điểm này vẫn liên tục trao đổi ý kiến. Đó là những ngày đầu tiên trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc; vấn đề cách đánh của bộ đội ra- đa còn đang hình thành trong thời kỳ đầu cuộc chiến tranh, những vấn đề nảy sinh trong chiến đấu cần nghiên cứu trao đổi để khẳng định. Trong năm 1965 địch đánh vào các trận địa ra-đa của trung đoàn 290 ở Quân khu 4 đại đội 11, 12, 13) sau đó đánh vào trận địa ra-đa của Đại đội 19 ở trên đồi Sầm Sơn, tiếp đó đến tháng 6, tháng 8, tháng 9 năm 1965 địch đánh vào trận địa ra-đa của đại đội 36 trung đoàn 292 ở Nà Sản, Tây Bắc, trận địa của đại đội 37 ở biên giới Việt - Lào.

        Đó là những trận địa ra-đa bố trí ở các điểm đột xuất lộ rõ trên các địa hình, chiến đấu trong thời bình, địch trinh sát chụp ảnh được nên đánh phá hệ thống này, đã gây trở ngại đầu tiên cho địch khỉ vào đánh miền Bắc.

        Từ sau đó 1966 trở đi cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ lần thứ nhất (1965 - 1968), trong các năm 1966 - 1967 địch đánh vào Hà Nội, Hải Phòng liên tục nhưng rút kinh nghiệm các lần trước, Quân chủng đã cho phép các trung đoàn ra-đa được quyền di chuyển trận địa các đại đội của mình khi cần thiết, miễn là bảo đảm trực ban chặt chẽ liên tục thay phiên, không làm ảnh hưởng đến trường ra-đa chung cả nước; mà không cần xin phép Quân chủng; chỉ cần báo cáo cho biết ngày hôm trước về tổng trạm ra-đa để cắt lịch trực ban ngày hôm sau không trùng vào đại đội di chuyển. Ngược lại các đại đội ra-đa chỉ được quyền đề nghị di chuyển trận địa, phải được lệnh của trung đoàn để bảo đảm có được đại đội khác thay thế.

        Với sự phân công quyền hạn như trên, suốt từ năm 1965 đến năm 1975, với cách đánh cơ động di chuyển trận địa bí mật bất ngờ, trường ra-đa cảnh giới phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân vừa tác chiến phát hiện địch, các loại mục tiêu của địch, vào đánh miền Bắc ở trên không, bảo đảm cho các lực lượng phòng không ba thứ quân sẵn sàng chiến đấu và phòng không nhân dân phòng tránh. Ngược lại các trận địa ra-đa ít bị địch phát hiện đánh vào trận địa của mình như những thời gian đầu của năm 1965.

        Địch mở chiến dịch "Sấm rền" bắt đầu đánh vào hệ thống ra-đa miền Bắc, ngày 23-3-1965 máy bay Mỹ đánh vào trận đia đại đội 11, trung đoàn 290 tại đồi 32 Chấp Lễ, Vĩnh Linh.

        Sau ngày 7 tháng 8 năm 11 tháng 2 năm 1965 và đợt hoạt động của máy bay Mỹ từ vĩ tuyến 19 trở vào, máy bay bị bắn rơi ngày càng nhiều, giặc lái bị bắt sống, không gây được bất ngờ trong các trận chiến đấu đối với lực lượng phòng không ba thứ quân của ta. Trận nào địch đến đều bị đánh quyết liệt ngay từ phút đầu, bị thiệt hại lớn.

        "Tổng thống Mỹ Giôn-xơn buộc phải ra lệnh ngừng đánh phá, họp hội đồng an ninh quốc gia để đánh giá lại tình hình phòng không miền Bắc Việt Nam và tìm cách đối phó" (Dẫn theo: Lịch sử quân chủng Phòng không, sđd, tr.23) Giới cầm quyền Mỹ cho rằng trở ngại chính cho các phi vụ, trước hết là hệ thống ra-đa của miền Bắc, nên quyết định mở chiến dịch đánh phá các trận địa ra-đa ở nam Quân khu 4 nhằm "đập tan hệ thống thần kinh điện tử của Bắc Việt Nam".

        Đó là sau này chúng tôi mới biết, sau các trận đánh của máy bay địch vào các đại đội 11, đại đội 12 đã xảy ra.

        Cũng trong thời gian cuồl tháng 2 đầu tháng 3 năm 1965, với âm mưu trên, địch tăng cường trinh sát chụp ảnh liên tục các trận địa ra-đa từ Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh bằng máy bay RF-101, máy bay U-2, bay ở tầng thật thấp và tầng rất cao.

        Đại đội 11 ở Vĩnh Linh được trang bị 4 khẩu 14 ly 5 hai nòng từ trước đã có hai khẩu, sau ngày 7-2 lại được trang bị thêm hai khẩu nữa vì địch đã đánh Quảng Bình - Vĩnh Linh, Quân chủng đã tăng cường hỏa lực để bảo vệ cho đại đội 11 và đại đội 12. Nhưng sau ngày 17-3 Quân khu 4 trực tiếp điều hai khẩu 14 ly 5 của đại đội 11 đưa xuống tàu chở ra đảo Cồn Cỏ ngay lập tức bổ sung cho đảo, tất cả súng và pháo thủ đều điều đi.

        Mở đầu chiến dịch "Sấm Rền" sau một thời gian trinh sát bằng các loại máy bay có người lái và không người lái, chụp ảnh và quan sát trực tiếp; địch bắt đầu đánh vào đảo Cồn Cỏ, tưởng rằng ở đó có trạm ra-đa hải quân. Trong một số ngày liên tục, hỏa lực phòng không ở đó bắn trả quyết hệt, hai khẩu đội 14 ly 5 của đại đội 11 vừa ra đã tham gia trực tiếp chiến đấu với anh em đảo Cồn Cỏ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM