Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:52:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30177 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 04:08:43 pm »

       
ANH CÁN BỘ TAY CHỐNG GẬY HÈO!

NGUYỄN ĐÌNH SƠN       
Đại tá Nguyên Tư lệnh Binh chủng Ra-đa       

        Nếu nói đến bộ đội ra-đa thì từ chiến sĩ đến cán bộ không ai là không tâm đắc đối với bài hát "Anh cán bộ đi tìm trận địa"... Có anh cán bộ tay chống gậy hèo! Có thế thì từ các trận địa núi cao, đảo xa, đèo heo hút gió như Pa-háng - Pha Đin - Phia Uắc - Tam Đảo - Sìn Hồ - đỉnh Sài Hồ điểm cao 501 Mường Hung - Nậm Ích - Ba Rền - Côn Sơn - Phú Quốc - Thanh Lân - Bạch Long Vĩ - Trường Sa... Đôi chân anh cán bộ đã đi lên, đi xuống không biết bao nhiêu lần để đo đạc, xác định đặt máy, đưa khí tài và cùng anh em lên trụ tại đấy để làm nhiệm vụ ít ra cũng phải là từ 3 đến 5, 7 năm. Phải chăng đấy cũng là một tiêu chuẩn để xác định đúng là anh cán bộ ra-đa! Đó cũng là một đặc thù của một binh chủng kỹ thuật mà nhiệm vụ là ngày đêm canh giữ bầu trời không để Tổ quốc bị bất ngờ... Khác hẳn với các binh, quân chủng khác, vì nhiệm vụ thiêng liêng của đất nước mà Tổ quốc giao phó.

        Thật vậy, việc tìm kiếm trận địa, đặt trận địa từ cán bộ binh chủng đến cơ sở đại đội không một ai từ chối, nản lòng trước khó khăn, gian khổ vất vả đó. Chúng tôi, với sức trai, còn trẻ hơn, vượt cái gian khó đó cũng không mấy khó khăn nhưng mỗi lần cứ nghe hát đến bài "Có anh bộ đội đi tìm trận địa..." là đều lâng lâng tự hào và nhớ lại đến anh Bùi Đình Cường một cán bộ lớn tuổi nhất của binh chủng, từ một cán bộ thuộc Binh chủng Cao xạ được chuyển sang. Anh vốn là một nông dân chất phác, mộc mạc, giản dị. Anh sống rất chan hòa, bình dị với anh em, nhưng việc làm thì rất tỷ mỷ, cần cù, trách nhiệm, dứt khoát nói là làm nên anh em trong binh chủng ai cũng quí mến, gần gũi. Bữa ăn của anh rất giản dị đạm bạc, thế nào cũng ngon miệng, nhưng sau bữa ăn là cứ phải có dăm bát nước chè xanh đậm, miếng trầu thuốc và điếu thuốc lào ngon. Thế là anh lại lên đường tìm trận địa suốt ngày được, quên mệt, luồn rừng lội suối, leo đèo, có hôm mãi tối mịt anh về lại doanh trại vì phải cố xác định cho xong một trận địa, trợ lý đi theo anh ai cũng mệt nhoài, mồ hôi mồ kê thở hổn hển... Anh được nghỉ hưu từ năm 1973, nhân dịp năm 1982 anh được Quân chủng Phòng không mời về dự kỷ niệm mười năm đánh thắng B-52 (1972 - 1982). Binh chủng Ra-đa đón và mời các cụ về thăm lại binh chủng, cũng chỉ với bát nước chè xanh, miếng trầu tươi và điếu thuốc lào Tiên Lãng và anh em mừng đón các cụ bằng vài tiết mục văn nghệ của binh chủng. Khi anh em hát bài "Anh cán bộ đi tìm trận địa" - Có anh cán bộ tay chống gậy hèo!... dốc núi tai mèo ta cứ đi... bỗng nhiên anh Bùi Đình Cường đứng dậy khoát khoát tay... nước mắt dàn dụa...

        - Thôi!... Thôi!... cám ơn, cám ơn các đồng chí.

        Trên sân khấu, tiếng hát của chiến sĩ ra-đa vẫn ngân vang đến hết bài, các cụ trong đoàn ai cũng mủi lòng xúc động. Anh Bùi Đình Cường ôm hôn các chiến sĩ văn nghệ vỗ nhẹ vào vai tỏ lòng cám ơn. Thật là cảm động một cuộc đón tiếp nhẹ nhàng nhưng đầm ấm...

        Về đời thường ở vùng quê Trường Sơn - Thạch Hà - Hà Tĩnh bà con rất quí mến thường cứ gọi anh là "Cố đại tá 4 sao...". Thật vậy anh thường ra đoạn sông gần nhà để bắt thêm con tôm, con tép về cải thiện cuộc đời dân dã... nên bà con đều gọi anh với cái tên trìu mến đó. Năm 1995, một chiều cuối thu anh đã ra đi vĩnh biệt bà con xóm làng, đồng chí, đồng đội... ở tuổi 73. Anh đã có một cuộc sống anh dũng, thủy chung, thanh thản!... ai ai cũng mến tiếc... và cứ mỗi lần bài hát "Anh cán bộ đi tìm trận địa"... của Binh chủng Ra-đa lại nhớ đến anh một người cán bộ của một binh chủng mà ít được mọi người biết đến!!!...

Tháng 3 tháng 1997       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 04:11:15 pm »

       
RA ĐẢO

LÊ VĂN HIỀN         

        Trước thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tăng tiến công của quân và dân miền Nam dịp tết Mậu Thân - 1968, địch thất bại nặng nề trên toàn chiến trường miền Nam. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới ủng hộ công cuộc đấu tranh của nhân dân ta, phản đối Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ Giônxơn đã phải ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhưng lại tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt từ Khu 4 trở vào để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.

        Bản chất xâm lược của Mỹ không thay đổi, từ Thanh Hóa trở ra, chúng tăng cường mở chiến dịch trinh sát để chuẩn bị thực hiện âm mưu đánh phá trở lại miền Bắc. Ngoài thủ đoạn sử dụng máy bay trinh sát tầm cao U2 hoặc SR.71; không người lái BQM.34A, địch còn áp dụng thủ đoạn mới: Từ biển dùng máy bay vận tải loại lớn DC.130A phóng máy bay không người lái 147.J, 147.SE trinh sát tầng thấp. Mục tiêu trinh sát là khu vực đồng bằng Bắc Bộ mà trọng tâm cụm mục tiêu yếu địa là Hà Nội, Hải Phòng.

        Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ tư lệnh Binh chủng Ra-đa, đầu năm 1969, trung đoàn 293 quyết định điều chỉnh đội hình bổ sung lực lượng chiến đấu trên hướng chiến dịch (Đông và Đông Bắc - Hà Nội), nhằm phát hiện sớm, xa và nhanh nhất triệu chứng và thủ đoạn hoạt động C.130 phóng không người lái trinh sát tầng thấp của địch. Cơ quan tham mưu đã nghiên cứu lập kế hoạch, báo cáo và được phê chuẩn của thường vụ Đảng ủy và chỉ huy trung đoàn: Cơ động đại đội ra-đa 23 ra đảo Đông Kho (Lợn Lòi) thuộc tỉnh Quảng Ninh. Khó khăn mới lại nảy sinh là việc đưa đại đội ra-đa lên núi cao, trung đoàn đã ít nhiều có kinh nghiệm, nhưng cơ động ra-đa vượt biển ra đảo xa là lần đầu tiên, mọi việc còn mới mẻ, bỡ ngỡ. Về mặt lý luận đưa ra-đa ra đảo sẽ tận dụng được mặt phản xạ lý tưởng là biển, góc che khuất bằng không, khả năng phát hiện tầng thấp rất tốt, bảo đảm thời gian cần và đủ kịp thời chuyển cấp cho tiêm kích và các lực lượng hỏa lực phòng không để tiêu diệt máy bay không người lái của địch. Nhưng thực hành tổ chức chỉ huy thực hiện nhiệm vụ hành quân cơ động và công tác đảm bảo lại là vấn đề cần được xem xét khẩn trương nhưng thận trọng, kỹ lưỡng để đại đội 23 hành quân cơ động an toàn, triển khai chiến đấu tốt bám trụ lâu dài trên đảo.

        Phương tiện vận chuyển một phần được sự tham gia hiệp đồng của đơn vị bạn còn chủ yếu dựa vào dân với nhưng chiếc thuyền thô sơ làm sao đưa được hàng trăm tấn vũ khí, khí tài điện tử, lương thực, thực phẩm, lượng dự trữ tác chiến và gần 100 cán bộ chiến sĩ ra đảo sống, chiến đấu và sinh hoạt... Rồi công tác giáo dục chính trị lãnh đạo tư tưởng để cán bộ chiến sĩ giữ được bí mật, kỷ luật, yên tâm bám đảo chiến đấu lâu dài, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cả cơ quan trung đoàn bộ sôi động hẳn lên, cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật có nhiều cuộc họp mở rộng dân chủ quân sự, chính trị (ngày nay gọi là hội thảo) phát huy trí tuệ tập thể và dân chủ đã được tập trung thể hiện ở kế hoạch và thực hiện ở từng cơ quan.

        Cơ quan chính trị cử cán bộ xuống đại đội 23 trực tiếp phổ biến quán triệt nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy trung đoàn và nhiệm vụ chính trị của đại đội. Theo dõi phát hiện chỉ đạo ổn định tư tưởng của cán bộ chiến sĩ, xây dựng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ hành quân cơ động, triển khai chiến đấu đúng thời gian quy định và an toàn tuyệt đối.

        Cơ quan kỹ thuật lập kế hoạch thực hành chỉ đạo tháo dỡ các ăng ten, giá đỡ, khối máy, phụ tùng linh kiện điện tử, trạm nguồn điện ra-đa, thông tin, vũ khí, đạn dược đóng thành từng linh kiện. Các kiện hàng đều được bao bọc bằng những tấm ni-lông chống thấm nước biển, đặc biệt các kiện hàng điện tử còn được đệm lót bằng giẻ bao quanh và cả quần áo cũ của cán bộ, chiến sĩ để hạn chế thấp nhất hư hỏng do va chạm trong quá trình bốc xếp ở các bến bãi, vận chuyển trên biển và khuân vác lên các điểm cao trên đảo. Nhìn cán bộ, chiến sĩ ta quần áo phong phanh vì họ đã dùng phần lớn số quần áo vào việc bảo quản khí tài mà cảm phục tinh thần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần đánh mọi âm mưu thủ đoạn dã man của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ Hà Nội, bảo vệ trái tim của Tổ quốc. Những chuyến tàu thuyền chở vũ khí, khí tài cuối cùng đã hướng ra đảo, để lại trên bến Cửa ông (nơi tập kết cuối cùng chặng đường hành quân đường bộ) chỉ là những chiếc xe đặc chủng rỗng không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 04:14:06 pm »

        Khi ra đến đảo cán bộ, chiến sĩ lại tiếp tục khuân vác các kiện hàng đến từng vị trí triển khai, nặng nhọc nhất là hai đài ra-đa được đưa lên chiếm lĩnh hai đỉnh cao cách mặt biển hơn 150 mét với đường rừng và dốc dựng đứng. Một bộ phận khác vào rừng tìm những cây gỗ lớn xẻ thành ván đưa về đóng thành thùng ca bin đúng kích cỡ như thiết kế trên xe rồi mới lắp giá đỡ, lắp các khối máy, các thiết bị khác và dựng ăng ten sao cho khi lên máy đài trưởng và trắc thủ vẫn có cảm giác như lên xe ra-đa, không có một chi tiết nào sai lệch lớn ảnh hưởng đến chỉ huy và thao tác chiến đấu. Các nhân viên kỹ thuật được trung đoàn củ ở lại đại đội để kiểm tra, hiệu chỉnh bảo quản sao cho các tham số kỹ thuật ở trong trạng thái tốt nhất. Cơ quan hậu cần đã liên hệ với đơn vị bạn và nhân dân địa phương giúp đỡ chuyên chở hàng trăm tấn nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân y, doanh trại ra đảo để đảm bảo chiến đấu và phục vụ đời sống sinh hoạt tối thiểu cho cán bộ chiến sĩ, bảo đảm lượng dự trữ tác chiến thường xuyên 3 tháng. Riêng đối với quân y phải cử y sĩ, y tá có tay nghề cao giải quyết được những ca sơ cấp cứu, kể cả những phẫu thuật đơn giản như đau ruột thừa. Vì từ đảo vào đất liền có thuyền ngay, thuận buồm xuôi gió cũng phải mất 1 ngày, nếu gặp ngày biển động sóng lớn thì không thể tính trước được. Cơ quan hậu cần đã giúp đại đội mua một chiếc thuyền, đại đội đã lập đội vận tải trên biển đưa đón cán bộ chiến sĩ thường xuyên đi công tác và chuyên chở hàng hóa tiếp phẩm cho đơn vị.

        Trên đảo, bữa ăn của bộ đội hàng ngày thường đạm bạc, nhưng họ không sợ thiếu thịt, thiếu mỡ bằng thiếu rau xanh. Anh em tiếp phẩm đội vận tải mỗi chuyến thuyền vào đất liền lại lùng mua cho được nhiều rau, nhiều lần rau mang tới đảo đã héo vàng, trơ cọng, nhưng dù sao có rau cũng đã quý lắm rồi.

        Ngay từ khi có ý định của chỉ huy trung đoàn, để chuẩn bị văn kiện: Phương án tác chiến, các kế hoạch bảo đảm… báo cáo lãnh đạo và chỉ huy trung đoàn. Đồng chí tham mưu trưởng Hồ Văn Chính đã sớm chỉ thị cho tiểu ban tác chiến có kế hoạch chuẩn bị trước và đã cử trợ lý trận địa Nguyễn Ngọc Thấu sau đó là đồng chí Phạm Khắc Phương ra đảo đo đạc, khảo sát những tham số cơ bản để tìm chỗ lập trận địa, nhất là vị trí đặt 2 đài ra-đa cảnh giới tầng thấp. Kết hợp số liệu đo được địa hình và tính toán trên bản đồ, nếu triển khai xong hai đại đội 28 và 23 thì khả năng phát hiện thấp của trung đoàn vươn ra phía biển Đông sẽ "bắt" thêm được mục tiêu xa từ 50 đến 70km ở độ cao 500m đến 1000m, xác xuất phát hiện trên 0,85 như vậy độ tin cậy được bảo đảm. Đồng chí trung đoàn trưởng Tạ Văn Hoan sau khi thông qua phương án tác chiến (ngày đó chưa gọi là kế hoạch chiến đấu như bây giờ) đã nói: "Chúng ta phải quyết tâm thực hiện kế hoạch đưa đại đội 28 lên núi và đại đội 23 ra đảo mới đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo chỉ huy binh chủng, mới hoàn thành được nhiệm vụ bảo đảm ra-đa chuyển cấp cho tiêm kích ta đánh chặn và hỏa lực phòng không ta tiêu diệt không người lái của địch ở tầng thấp".

        Sau khi dựng đài xong, cơ quan tham mưu giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Hồng Kém và đồng chí Lê Văn Miền tiếp tục theo dõi chỉ đạo phần còn lại trong kế hoạch chỉ đạo của cơ quan. Đồng chí Lê Hồng Kém chỉ đạo và trực tiếp cùng trung đội thông tin tổ chức mạng thông tin chỉ huy thông báo, mạng vu hồi và mạng thu tình báo xa luôn luôn thông suốt trong mọi tình huống. Đồng chí Lê Văn Miền cùng đại đội trưởng Hà Văn Rau, đại đội phó Nguyễn Ngọc Tân và các đồngchí đài trưởng trắc thủ hai đài ra-đa theo dõi tổng kết bước đầu kết quả phát hiện và xây dựng được quy trình thao tác, phương án phát hiện máy bay C130 và không người lái tầng thấp. Tổ chức kíp trắc thủ, kíp trực ban sở chỉ huy huấn luyện theo quy trình và phương án đã được xây dựng. Tiếp đó đồng chí Lê Văn Miền cùng đồng chí Nguyễn Ngọc Tân liên hệ hiệp đồng cùng đơn vị bạn xây dựng phương án đánh địch bảo vệ trận địa, tổ chức cho bộ đội thực hành huấn luyện theo phương án kiên quyết trụ vững trận địa trên đảo kể cả trong tình huống xấu nhất.

        Hoàn thành nhiệm vụ hành quân cơ động đại đội 23 ra đảo đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của trung đoàn trên hướng chiến dịch Đông và Đông Bắc Hà Nội, góp phần giúp cho sở chỉ huy và cơ quan chiến dịch binh chủng, quân chủng nghiên cứu, chỉ đạo kịp thời sử dụng lực lượng đánh thắng địch bảo vệ cụm mục tiêu địa Hà Nội - Hải Phòng và các tỉnh Đông Bắc. Ra đảo đã thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết một lòng, phát huy trí tuệ tập thể khắc phục khó khăn của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan, đơn vị của cán bộ chiến sĩ chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

        Một ngày đẹp trời năm 1969, cánh sóng trên đảo Đông Kho của đại đội 23 đã chính thức hòa vào mạng lưới ra-đa cảnh giới toàn quốc, chính nó đã tạo cho trung đoàn 293 chủ động chiến đấu và chiến thắng nói riêng, toàn quân và dân ta nói chung, đã không để Tổ quốc bị bất ngờ.

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2001       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 04:42:24 pm »

       
CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM TRẬN ĐỊA RA-ĐA TRÊN ĐẤT BẠN LÀO

TRẦN CHÂU TỰ       

        Dãy núi Trường Sơn chạy dài dọc phía Tây Trung Bộ đã che chắn và hạn chế khả năng phát hiện của ra- đa trên hướng Tây - Tây Nam. Để khắc phục tình trạng này, Quân chủng Phòng không - Không quân ra lệnh cho trung đoàn đi tìm trận địa ở Lào để bố trí.

        Trung đoàn 291 tổ chức một đoàn đi tìm trận địa ở Lào gồm có 8 người - 4 chiến sĩ và 4 cán bộ: Hồ Văn Chính, Tham mưu phó trung đoàn, làm trưởng đoàn; Trần Châu Tự, Phan Văn Trưng, Nguyễn Đình Lãng. Tôi là cán bộ của Quân chủng phái xuống đi theo đoàn.

        Thời gian rất khẩn trương, không quân địch tập trung đánh phá ác liệt ở Khu 4 và các đường phía Nam. Đi tìm trận địa có rất nhiều khó khăn, phức tạp nhất là ở các vùng núi cao, rừng rậm, đường xá khó khăn, chỉ có thể lợi dụng các thung lũng bằng phẳng có mặt phản xạ tối thiểu để đặt máy; mặt khác còn thiếu kinh nghiệm như giữa ra-đa và trận địa có mối quan hệ chặt chẽ, máy tốt mà trận địa xấu hay ngược lại đều không đạt được yêu cầu máy đặt trên cao, sóng về địa vật nhiễu dày đặc không phát hiện được máy bay địch. Ngoài ra trận địa phải có đường vào ra thuận lợi hoặc có khó khăn mà khắc phục được để đảm bảo ăn ở và tiếp tế vận chuyển máy móc phương tiện, khí tài máy nổ.

        Tôi vào Vinh đầu tháng 6 năm 1965, phải chờ đồng chí Chính đang cơ động sở chỉ huy, cùng đồng chí đi Bộ tư lệnh Quân khu 4 xin giấy tờ và tổ chức đoàn đi. Các giấy tờ và vật chất như quân tư trang, súng AK, súng trường, quần áo bộ đội Pa-thét Lào, muối gạo, thức ăn khô, thuốc men cấp cứu.

        Chúng tôi bắt đầu hành quân lúc 9 giờ ngày 6 tháng 7 từ Đô Lương qua Nam Đàn về Vinh. Thị xã Vinh lúc này bị đánh phá ác liệt, đều sơ tán vắng vẻ, khu vực Quân khu bộ 4 và Bến Thủy bị đánh hỏng nhiều. Do cầu phà bị ách tắc, 3 ngày sau chúng tôi mới đến đại đội 10 cách Hương Khê 7km gặp đồng chí Trưng đi tiền trạm trước ở đó. Nghỉ 1 ngày để chuẩn bị, ngụy trang xe cộ kỹ lưỡng, dân biết tin đoàn sắp đi rất thân tình tiễn đưa chúng tôi quyến luyến như người nhà. Ra đi chúng tôi lo lắng nhất là lái xe mới, đường rừng chật hẹp quanh co nhiều dốc nhiều cầu nhưng cùng động viên nhau để quyết tâm vượt qua. Ra đi trăng sáng nên thuận lợi, đến 4 giờ sáng thì xe bị hỏng, may nhờ có xe sau, nhờ lái xe bạn sửa hộ, một lúc sau mới đi tiếp đến được Tân ập thì trời sáng rõ. Tiếp theo qua đường Thanh Lạng - Khe Ve - Bãi Dinh khó khăn vất vả hơn, mưa lại nhiều, địch lại đánh liên tục, phải mất 3 ngày đoàn mới vượt qua được an toàn. Đến gần Cha Lo suối ngập nước phải nghỉ lại. Sáng hôm sau, đoàn trưởng và tôi đến công an biên phòng làm việc, báo cáo công tác; đang làm việc thì 4 chiếc F105 bay đến thả 2 loạt bom vào đồn tiền tiêu thị trấn Cha Lo, một khối đá to làm gãy xà nhà, hỏng máy điện thoại, may mà người đã vào kịp công sự nên an toàn. Có 2 thanh niên trúng mảnh bom bị thương nặng. Trưa và chiều cùng ngày, tôi và đồng chí Lãng đi tìm gặp ban phụ trách quân sự kinh tế ở biên giới đề nghị giúp đỡ khi cần thiết. Ở đây địch tự do hoạt động mạnh ngày và đêm. Chúng tôi nhanh chóng sửa soạn hành trang để cho xe ô tô quay trở lại về nước và chúng tôi bắt đầu đi bộ sang đất bạn. Theo đường 12 cũ ít lầy lội hơn đường 12 mới, nhưng rất dốc, gần Ba-na-phào có đoạn dài 4 đến 5km, trống trải, bị bom phá hỏng nặng nên chỉ còn vệt đường mòn, vừa dốc vừa trơn, may mà có ánh trăng chúng tôi đi đỡ vất vả hơn. Chúng tôi lội qua nhiều suối, phải tránh nhiều tảng đá chắn đường, vừa đi vừa kể chuyện vui; mải mê nghe chuyện nhau nên đã tách thành tốp nhỏ bỏ xa nhau, có lúc tưởng là lạc phải chờ đợi nhau rất lâu. Đến 4 giờ sáng cả đoàn rất mệt, mỏi nhừ, phải nghỉ 1 giờ để lấy lại sức. Sáng sớm tôi và một chiến sĩ cùng với đồng chí Liễu, cán bộ kinh tế của ta ở Lào đi đến Bản Phồn nghỉ lại nấu ăn cạnh một con suối sau đó tiếp tục đi. Ngày 18 tháng 7 đoàn nghỉ lại chờ đồng chí đoàn trưởng và 1 chiến sĩ đi trước tìm gặp Tỉnh ủy và ủy ban tỉnh Khăm Muộn. Tại đây có cửa hàng mậu dịch ở trong bản. Cửa hàng có 4 nhân viên nữ làm việc thay nhau lương mỗi tháng được 270 kíp để tiêu vặt còn cơm ăn thì do Nhà nước đài thọ, nếu có con nhỏ thì mẹ được thêm 10 kíp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 04:50:27 pm »


        Đoạn đường đi sắp tới đầy nguy hiểm nên sáng ngày 20 tháng 7, chúng tôi hành quân trong tư thế sẵn sàng đánh phỉ, mang rất gọn nhẹ, lần theo bản đồ, gặp EB66, RF101 bay trinh sát. Đến bản Hẹ, đoạn đường nghi có phỉ, gặp 4 F105 lượn vòng bắn phá ria đường bằng rốc két, súng 20: ly, chỉ cách chúng tôi vài trăm mét. Nghỉ trưa xong 15 giờ đi tiếp vừa đi vừa hái măng rừng để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Tối đến vào bản Hay liên hệ để ở. Lần đầu tiên ở nhà dân Lào chúng tôi nhắc nhau phải hết sức giữ và làm tốt công tác dân vận. Dân đối xử rất tốt, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng cách ra hiệu và làm dấu, nói với nhau đôi tiếng Lào mới học. Ngày hôm sau đi Nhom ma rát, đồng chí Trưng bị đau chân đi rất chậm, phải chờ nhau. Tôi và đồng chí Lãng vượt lên đi trước để đổi muối lấy gà, cải thiện bữa ăn; không ngờ đến cơ quan của tỉnh Khăm Muộn, dân rất nhiều gà nhưng không đổi, họ mời vào nấu cơm cho ăn rất vui vẻ. Buổi tối đồng chí tỉnh trưởng vừa mới ở Việt Nam về. Đồng chí là người thuộc phái trung lập tiến bộ, vợ làm y sĩ và cả 3 con đang theo học ở Việt Nam. Chúng tôi nghỉ ở cạnh hang của tỉnh, hang rất rộng, xuyên núi dài, đi bộ phải mất 25 phút. Chúng tôi được Tỉnh trưởng mời gặp và nói chuyện. Nhắc đến tình hữu nghị Việt - Lào đồng chí đọc hai câu thơ của Bác Hồ:

                "Việt - Lào hai nước chúng ta,

                Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”


        Tối đến chúng tôi được Tỉnh trưởng chiêu đãi đoàn bửa cơm thịnh soạn, chuyện trò cởi mở. Các bạn cũng có phong trào tăng gia sản xuất, từ Tỉnh trưởng đến chiến sĩ đều phải lao động sản xuất. Chúng tôi nhờ bạn ôtô đi Nhom ma rát. Đường lách qua rừng, lái xe của bạn rất thạo nên mặc dù có máy bay địch, chúng tôi vẫn đi an toàn. Đến nơi không gặp cơ quan tỉnh vì đã di chuyển đi nơi khác. Chúng tôi phải nhờ mấy dân quân dẫn đến gặp Do được bên nhà và Quân khu 4 điện trước giới thiệu đoàn với bạn nên chúng tôi gặp cơ quan Tỉnh ủy dễ dàng.

        Hôm sau 4 dân quân Tày người dẫn chúng tôi đi Na Kay. Trời mưa to, vượt suối sâu, nước chảy xiết chúng tôi dò đi từng bước qua đến Pa Hố. Trèo lên đến đỉnh nhìn rõ thấy Nhom ma rát, ở đây trước kia đã đặt trận địa pháo 105 đánh bọn phản động Phumi. Đến 4 giờ chiều chúng tôi đến bản Na Kay, liên hệ với đại đội độc lập của tỉnh và vào ở 2 nhà dân. Đêm đến cơm nước xong, bạn mời uống 2 chai nước nóng gọi là nước đoàn kết - "Samakhi".

        Ngày hôm sau trời mưa rất to, 4 người dẫn đường thì 2 sợ máy bay địch bỏ về còn 2 người đi cùng đoàn. Chúng tôi theo bản đồ lên đỉnh núi 741 mét. Mặc dù thời gian có hạn chúng tôi quyết tâm trèo lên, quần áo ướt sũng, vắt nhiều như trấu, nhiều đoạn phải chạy nhanh tránh vắt bám vào. Đến được đỉnh núi, trời mù quá xem xét địa điểm không đạt yêu cầu, chúng tôi xuống núi, vào ở nhờ nhà dân. Dân bản cho biết ở đây còn ngụy binh Phumi, thổ phỉ, có đêm chúng về bắn phá nên phải tổ chức canh gác cẩn thận.

        Ngày 27 tháng 7 chúng tôi lên đỉnh núi 699 mét, người dẫn đường rất tích cực, đường lên không dốc lắm nên chúng tôi đến đỉnh núi khảo sát xác định được trận địa, nhưng vì trời mưa to không quan sát được xung quanh.

        Hôm sau chúng tôi lên đỉnh núi Phu xét cao 399 mét. Tuy độ cao trung bình nhưng không có đường lên nên không bố trí được. Lúc trở về chúng tôi bị lạc một đoạn rừng, người dẫn đường phát hiện có dấu chân thổ phỉ đi trước, chúng tôi vội vàng lên đạn sẵn sàng chiến đấu nhưng không gặp phỉ.

        Tối đến đơn vị bạn tổ chức ca múa, thổi khèn, hát Lăm tơi, có hai cô gái Lào xinh đẹp cùng dự làm cho không khí thêm náo nhiệt.

        Ngày 29 tháng 7 đoàn đi sân bay Nakay cùng với 4 đồng chí Pa-thét Lào. Trời tốt nhưng gạo đã sắp hết. Chúng tôi hy vọng sân bay sẽ có mặt bằng tốt nên rất phấn khởi. Đường to cây cao vừa, hai bên đường cây cối lúp xúp um tùm, ngụy trang kín đáo. Máy bay qua lại nhiều, bạn rất sợ nhưng thấy chúng tôi bình tĩnh rồi bạn cũng quen dần. Trong rừng cây cà boong, trâu của dân bản đã biến thành trâu rừng gặp người chạy tứ tung, biến mất vào rừng. Vượt qua rừng thông dài đến sân bay Nakay. Đây là một sân bay nhỏ, dã chiến, lát ghi sắt rộng khoảng 800 mét, dài 1.200 mét, có suối nhỏ chạy qua một đầu sân bay, ba phía góc che khuất nhỏ có thể bố trí được một đại đội ra-đa. Chúng tôi muốn đi sâu vào trong sân bay nhưng bạn sợ vướng mìn, sợ thổ phỉ mặc dầu chúng tôi động viên sẽ đi trước nhưng họ cũng không chịu nghe. Đang chuẩn bị vẽ lại địa hình thì 2 chiếc F105 bay ở độ cao 400 mét vòng qua, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để bắn nhưng chúng đã bay xa. Về lại bản, tôi và đồng chí Lãng mua 2 con gà bằng 140 kíp ăn liên hoan lấy lại sức. Gặp gỡ dân bản chúng tôi thấy dân còn nghèo lắm nhưng hết sức giúp đỡ đoàn. Hôm sau chúng tôi lại định lên điểm cao 741 mét để khảo sát nhưng mưa lại rất to trời mây mù không quan sát được nên thôi. Chúng tôi gặp đại đội trưởng đại đội độc lập 96. Đồng chí Đút và đồng chí Hội - Cố vấn Việt Nam, đồng chí quản lý Việt kiều cảm ơn sự giúp đỡ của bạn trước khi chia tay. Nhân dân cũng đến quyến luyến và xúc động tiễn đưa chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 04:54:33 pm »

        Trên đường đi Bung Bao, đoàn nghỉ dưới chân núi Phắc, qua đèo xuống hết dốc là đến Nhom ma rát. Đồng chí Pa-thét dẫn đường đi qua gần nhà đề nghị chúng tôi vào nghỉ chân thăm gia đình. Đồng chí hái quả me để ăn. Về chiều đến Bung Bao chúng tôi nghỉ lại ở đây cơ sở rất tốt.

        Ngày 31 tháng 7, chuẩn bị thêm lương thực, gạo, muối để lên đường, đoàn đến gặp các cố vấn Việt Nam và một số cán bộ Lào chuyện trò trao đổi công tác và nhờ các đồng chí hên lạc xe tô đi Lằng Khăng.

        Đến bản Phồn gần Lằng Khăng trời mưa to đồng chí Lãng đi hên hệ tìm người dẫn đường lên núi Phu Vuốt 1116 mét. Mãi cả đêm hôm sau mới đến ngã ba Lằng Khăng, ở đây gặp được đồng chí Xiêng Tang đại đội trưởng dân quân của tỉnh đội.

        Chúng tôi nhờ đồng chí giúp đỡ và anh nhận lời. Hôm sau chúng tôi leo lên núi, đến giữa chừng bị một tảng đá khổng lồ chắn ngang, chúng tôi phải đi men theo sườn núi đá, vì trời mưa đất lở tảng đá lăn xuống, may mà tránh được không việc gì. Riêng tôi bị ngã sượt cả mông, đau cả xương đùi. Người dẫn đường sợ máy bay quá không dám đi ra đường cái sớm. Chúng tôi vừa đi về vừa tìm người dẫn đường khác để đi lại.

        Sau bữa cơm chiều, đồng chí Lãng và Xiêng Tang đi tìm "tài xẻng" (trưởng thôn) để xin người dẫn đường mới. Cả đêm và hết sáng hôm sau mới mượn được 2 người. Theo đường khác từ hướng Ba Na Phào lên, để 2 dân quân ở lại lán bảo vệ còn chúng tôi tiếp tục đi lên khảo sát.

        Khoảng gần 6 giờ tối chúng tôi cố gắng đến xóm làng Ba Na Phào, ở đây dân ít nhà chật chúng tôi tạm thu xếp để nghỉ. Trời đã khuya trưởng thôn đã tìm giúp người dẫn đường nhưng họ không đi vì đường trống trải sợ máy bay. Chúng tôi đành phải quyết tâm đi tiếp, nhưng vì mưa to liên tục chúng tôi quay trở lại Lằng Khăng và chuyển đi theo hướng khác.

        Ngày 9 tháng 8 chúng tôi lên đỉnh Phu vuốt, trời nắng phấn khởi quá, trước khi đi anh bạn dẫn đường Xiêng Tang bàn một phát súng hành quân. Theo lối đi cũ của Pháp trước đây chúng tôi đi dần nhưng càng lên cao càng khó đi. Người dẫn đường rất thuộc đường nên đi nhanh vừa đi vừa hát. Chúng tôi cũng được động viên và hăng hái đi. Đến giữa dốc, qua con suối lớn, có mấy tảng đá, đứng lên đó nhìn xuống xung quanh, cảnh vật thiên nhiên rất đẹp; ở đây chúng tôi nhìn rõ được Lằng Khăng, sân bay Nà chắc. Càng đi dốc càng cao có đoạn phải bò. Cuối cùng chúng tôi cũng lên đến đỉnh cao 1405 mét. Mặt đỉnh rộng 12m x 20m, có cây cao 4 đến 5 mét, kín đáo. Trèo lên cây to quan sát được 4 phía: Pù Chương, Ba Na Phào, Na Tù, Na Chắc. Đường kéo lên rộng khoảng hơn 1 mét. Chúng tôi thấy khu vực này đạt được các yêu cầu của trận địa bố trí.

        Quá trưa chúng tôi xuống núi, trời lại u ám mưa. Tuy đã xuống rất nhanh nhưng vẫn không kịp phải nghỉ lại giữa rừng nấu cơm, uống nước sâm đất. Chúng tôi ngủ lán, Xiêng Tang ngủ võng. Vì leo dốc quá mệt nên ai cũng đánh một giấc ngủ ngon cho đến sáng, quên cả trời đất, cả thú rừng đang rình rập.

        Chúng tôi chia tay Xiêng Tang, người bạn Lào đã giúp chúng tôi khảo sát được các đỉnh núi, tuy gian khổ nhưng đã tìm được một số trận địa để bố trí ra-đa. Cuộc gặp đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp, mãi không thể quên.

        Trên đường về, chúng tôi ghé qua bản Phồn, Lằng Khăng thăm và cảm ơn các cố vấn. Về đến Cha Lo chúng tôi báo qua kết quả chuyến đi và cảm ơn các đồng chí công an biên phòng. Chúng tôi nhờ các đồng chí liên hệ đi xe tô qua từng chặng đường và về đến đơn vị vào trung tuần tháng 8 năm 1965. Đồng chí đoàn trưởng cùng chúng tôi hoàn chỉnh hồ sơ trận địa và báo cáo tình hình kết quả với trung đoàn và Quân chủng.

        Chuyến đi tìm trận địa dài ngày ở nước bạn Lào gần 1 tháng rưỡi, đầy khó khăn gian khổ và nguy hiểm nhưng đã bảo đảm được an toàn và đã tìm được các trận địa ở trên núi, hướng Tây - Tây Nam của đội hình. Chuyến đi đã góp phần tôi luyện chúng tôi trong chiến đấu; chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Hy vọng kể lại đây để cùng nhau tìm ra được nhiều điều hữu ích trong công tác trận địa của bộ đội ra-đa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 06:27:52 pm »

        
KHÔNG ĐỂ TỔ QUỐC BỊ BẤT NGỜ

HỒ SỸ HƯU                                                    
Đại tá - Nguyên Tham mưu phó Quân chủng Phòng không - Không quân        

        Ngày 7 tháng 2 năm 1965, lúc 2 giờ sáng quân dân ta ở Tây Nguyên và đồng bằng Trung Bộ cùng một lúc tiến công sân bay Cù Hanh, trại lính Mỹ Hô-lơ-uê ở Plâycu và cứ điểm Dương Liễu ở Bình Định gây cho địch thiệt hại nặng, quân dân ta thắng lớn. Sáng sớm ngày 7 tháng 2 năm 1965, Bân-đi - cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ - vừa đến Sài Gòn, Oét-mo-len - Tổng tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam - và Nguyễn Khánh - Quốc trưởng bù nhìn - hối hả lên Plâycu thị sát nhưng họ chỉ còn được chứng kiến cảnh hoang tàn của chiến địa đang nghi ngút bốc khói, xác quân Mỹ ngổn ngang và buông ra nhiều lời lẽ chê trách bộ hạ của họ.

        Sân bay Cù Hanh là sân bay lớn và quan trọng nhất của Mỹ - ngụy ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trại Hô-lơ-uê nằm giữa sân bay và sở chỉ huy quân đoàn 2 ngụy, trong trại có hàng trăm cố vấn Mỹ. Hệ thống canh gác cẩn mật thế mà lại bị tấn công bất ngờ, chịu thiệt hại nặng. Tin thất trận chắc chắn đã đến Lầu năm góc.

        Thắng lợi lớn của quân dân miền Nam vang dội trên hai miền Nam, Bắc. Phấn khởi, vui mừng trước thắng lợi, nhưng những người lính canh giữ bầu trời Tổ quốc ở phía Bắc nghĩ gì về những diễn biến sắp tới?

        "Mỹ sẽ trả đũa", đó là câu trả lời khá chắc chắn.

        Tôi vừa mới rời khỏi ghế Học viện Phòng không quốc gia Liên Xô trở về nước mấy tháng, được nhận nhiệm vụ làm đại đội trưởng đại đội 12 thuộc trung đoàn ra-đa 290 đang triển khai chiến đấu trên tuyến đầu vùng giáp ranh giới tuyến tạm thời. Ngày vác ba lô lên Quân chủng nhận nhiệm vụ, mới bước ra khỏi phòng họp, Cao Xuân Việt còn nói thêm với tôi rằng "Quân chủng đưa anh đi vào nơi đầu sóng ngọn gió đấy, cố gắng lên". Lúc đó tưởng chừng như một câu nói dí dỏm của anh - người đã từng ngồi chơi uống nước trà, hút thuốc lào với tôi, cùng dân Nghệ Tĩnh. Nhưng rồi trong thực tế của cuộc chiến đấu của tôi, lời nói đó đã thực sự là lời động viên chân tình của một người phụ trách công tác cán bộ của Quân chủng.

        Về đến căn cứ Trung đoàn 290 ở ngoại thành Vinh, trung đoàn trưởng Lương Hữu Sắt - Người đã có thời gian cùng học ở Học viện Phòng không quốc gia với tôi, hiểu biết khá nhiều về tôi, đã ân cần dặn dò chân tình, cởi mở biểu thị mềm tin khá rõ đối với một cán bộ mới bước vào cuộc chiến đấu ra-đa, dưới sự chỉ huy của mình.

        Tôi tranh thủ lên xe vào trận địa ở Đồng Hới với lòng tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng nước nhà, với lòng tin vào tâm hồn cách mạng trong sáng của chính mình mà đã bao nhiêu năm được Đảng và Bác giáo dục, đã trở thành một đảng viên cộng sản từ ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

        Và rồi khung cảnh mới đã đến - Tất cả đều được kiểm nghiệm qua thực tiễn cuộc sống chiến đấu - Tất cả những gì các anh dặn dò đã trở thành sự thực.

        Trận địa đại đội ra-đa 12 nằm trong hệ thống ra-đa tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đặt trên gò cát đỉnh dốc Lộc Đại, cạnh sân bay, cách thị xã Đồng Hời theo đường chim bay khoảng 2km, làm nhiệm vụ chủ yếu phát hiện, thông báo về kết quả địch xâm nhập từ hướng biển.

        Quân số đại đội lúc đó chỉ có 52 người, trừ các đồng chí đi công tác, bệnh viện chỉ còn có mặt hơn 50 đồng chí, trang bị có 2 đài ra-đa (Π8 + Π10) 2 khẩu súng máy 14,5 ly 2 nòng để bảo vệ trận địa và một số phương tiện chiến đấu bổ trợ khác. Quỹ tài chính của đại đội đồng chí Nghiêm Đào (đại đội trưởng cũ) bàn giao cho tôi chỉ có 250 đồng. Lúc đó thế cũng là nhiều vì mọi thứ đều được cung cấp.

        Một tuần sau tôi đảm nhận thêm nhiệm vụ bí thư chi bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, tuy mới làm chỉ huy đơn vị nhỏ, nhưng đã nhiều lần nhận nhiệm vụ chiến đấu phân tán, tin ở mình có khả năng xử trí nhiều tình huống chiến đấu một cách độc lập, nhưng sao bây giờ cảm thấy mênh mông, rộng lớn quá mà cũng chỉ là một đại đội thôi. Tầm mắt của đại đội không phải chỉ đến thị xã Đồng Hời, đến những cồn cát sông Nhật Lệ mà trên màn hiện sóng đến tận sân bay Đà Nẵng, ra xa tít ngoài biển Đông đến hàng vài trăm dặm - Ngày ngồi trên ghế Học viện, tôi đâu có học chỉ huy mấy đài ra-đa, đâu có học thao tác mấy loại đài, có ít nhiều thì cũng chỉ là một mớ lý thuyết.

        Băn khoăn có nhiều, nhưng nồi lo âu trăn trở nhất của tôi và cũng là của anh em toàn đại đội là phát hiện mục tiêu bay ở độ cao thấp trên biển. Để Tổ quốc bị bất ngờ là tội lỗi to lớn của một đại đội ra-đa tiền tiêu. Trước mặt chúng tôi không có một đại đội ra-đa nào khác, chỉ có ở phía Tây (Vĩnh Chấp) có đại đội ra-đa 11, ngoài xa có đại đội ra-đa 13 ở Rú Nài, Hà Tĩnh, mỗi đơn vị phụ trách một hướng. Tính năng kỹ chiến thuật của các loại đài được trang bị, và điều kiện trận địa khó đáp ứng yêu cầu bắt mục tiêu bay thấp, nhất là cực thấp. Trong chiến tranh thế giới thứ II các chiến hạm Mỹ ở Trân Châu Cảng bị tập kích bất ngờ, chính vì Nhật khéo nghi binh, khéo kết hợp nhiều thủ đoạn trong đó có thủ đoạn bay thấp đột nhập mục tiêu bất ngờ của không quân Nhật. Đó là bài học không thể quên.

        Suy nghĩ và lo âu thế nào rồi cũng phải bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Một nửa đất nước, bom đạn Mỹ đang ngày đêm gieo cho nhân dân miền Nam ta biết bao đau thương, tang tóc. Sứ mệnh chiến đấu nặng nề này trước hết phải giải quyết bằng mối tình cảm sâu đậm chia sẻ máu thịt với miền Nam, bằng sự lao động cần cù rèn luyện tri thức, khả năng chiến đấu, bằng sự hy sinh dũng cảm của người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc... Chúng tôi tin rằng có một tập thể đoàn kết nhất trí, có sự lãnh đạo chỉ huy chặt chẽ, với hơn 50 bộ óc đầy nhiệt tình cách mạng nhất định sẽ làm nên tất cả, đem lại chiến thắng cho đại đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2016, 06:34:29 pm »


        Đúng như dự đoán, ngày 7 tháng 2 năm 1965 đế quốc Mỹ cho không quân ra đánh phá khu vực Đồng Hới. Sau trận ngày 5 tháng 8 năm 1964 đây là ngày đầu địch phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta (Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi và bài học, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Lưu hành nội bộ - Hà Nội 1996, tr. 54).

        12 giờ trưa, đại đội vào cấp 1 theo lịch phiên ban, khác với những ngày khác, từ sáng sớm đến giờ đại đội đã nhận được liên tiếp nhiều chỉ thị về sẵn sàng chiến đấu và động viên của trung đoàn trưởng Lương Hữu Sắt và chính ủy Nguyễn Đăng Tuất. Trên trận địa đại đội và trong các buồng máy ra-đa không khí chiến đấu khẩn trương hơn bao giờ hết - Cả đại đội sàn sàng chiến đấu.

        Đài ra-đa Π10 mở máy. Đã hơn 1 giờ trực ban, áo quần kíp chiến đấu đã thấm đẫm mồ hôi nhưng các cặp mắt của trắc thủ vẫn không rời màn hiện sóng.

        Tuy là một ngày chủ nhật, không khí nhưng ngày tết âm lịch chưa qua, nhưng hầu như tất cả mọi suy tư về ngày tết, về gia đình, vợ con, bè bạn, những cảnh vui chơi của những chàng trai cô gái trong ngày hội xuân giờ này đều ra ngoài lề trận địa. Có ai đó chưa quen chiến đấu lúc này vào trận địa chỉ nghe tiếng rền vang của máy nổ, bóng dây trời quay ẩn hiện sau những làn cây phi lao của cồn cát nóng bỏng, xa hơn một ít các pháo thủ im lặng ngồi bên pháo. Chắc hẳn không tránh khỏi có những cảm giác bâng khuâng, sờ sợ. Trước giờ chiến đấu là như vậy đấy, nói đúng hơn là trước lúc máy bay địch đến.

        13 giờ 48 phút trên biển, hướng Đông Nam bỗng xuất hiện một điểm sáng rồi mất trên màn hiện sóng. Ở tọa độ này không có sóng về địa vật, cũng chưa bao giờ có sóng về một chiếc tàu biển. Câu hỏi đặt ra là có phải máy bay địch bay thấp không? Trên máy mới chỉ có một điểm sáng, chưa đủ căn cứ để nói là địch. Nhưng nếu thật quả là máy bay địch mà phân vân mãi thì lỡ thời cơ. Trong buồng máy vẫn trật tự im lặng nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ, có lo lắng. Nếu đúng là máy bay địch, không thông báo được là có tội, nhưng thông báo mà không đúng là địch thì phạm tội hoang báo. Nhưng rồi do bản lĩnh chiến đấu mọi suy nghĩ đều tập trung về một quyết định "Thông báo ngay tình báo đầu về địch". Trên thực tế của trận đánh, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác. 4 phút sau tín hiệu lại tiếp tục xuất hiện liên tục, mọi công việc thông báo đều hoàn thành tốt đẹp.

        Chỉ mấy phút sau nữa, từng đàn máy bay địch vượt các cồn cát sông Nhật Lệ vào đánh các mục tiêu ở Đồng Hới, trong đó có trận địa súng máy của đại đội. Súng máy 14,5 ly của đại đội kịp thời nổ giòn giã.

        Trận đánh của quân dân Đồng Hới - Quảng Bình đánh trả máy bay địch diễn ra chủ động, đĩnh đạc.

        Nhờ được ra-đa thông báo sớm, tỉnh đội Quảng Bình đã báo động kịp thời, nhân dân kịp thời xuống hầm, các lực lượng vũ trang trong khu vực; các đại đội tiểu đoàn pháo của Sư đoàn 325 của hải quân trên sông Nhật Lệ, dân quân tự vệ đều chủ động chiến đấu. Trong trận này nhân dân Đồng Hỡi, Quảng Bình đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó Đại đội 12 được công nhận bắn rơi 1 chiếc.

        Đại đội ra-đa 12 đã thành công trong trận đánh này trên nhiều mặt, đặc biệt là trong quyết đoán xử trí tình huống. Chỉ mới phát hiện một điểm, tin tưởng vào khả năng thông thạo sóng về địa vật, nắm vững địa bàn hoạt động của trắc thủ cũng chỉ mới giải quyết được một phần chưa đủ yếu tố để quyết tâm, nhưng đã nhanh chóng tập hợp nhiều yếu tố tổng hợp khác: Địch thất bại ở Plâycu, ta dự đoán chúng sẽ tiến công trả đũa. Căn cứ vào những dự đoán và chỉ thị của trên, khả năng dao động đường bay của địch trên biển v.v... để có thêm căn cứ hạ quyết tâm. Tuy vậy vẫn có điều cần đánh giá là trong trận đánh này kíp chiến đấu còn có sự mạo hiểm rất thích đáng. Trong chiến đấu không có may rủi, thực tế chiến đấu lượng thông tin thu về ít khi có đủ 100% để hạ quyết tâm, vì vậy cần có một tỷ lệ mạo hiểm nhất định của người cầm súng chiến đấu, không phải là phiêu lưu mạo hiểm mà là một thứ mạo hiểm thích đáng trong tình huống cụ thể thích hợp. Mạo hiểm đưa lại thành công được sản sinh ra từ một khả năng trực giác tích lũy được từ kiến thức, từ kinh nghiệm thực tế chiến đấu - Đó cũng là sự kết hợp cách mạng và khoa học không có gì là phiêu lưu, không có căn cứ. Đại đội 12 được một bài học quí báu.

        Sau trận đánh này, trong những ngày tiếp sau ngày 8, 11 tháng 2 - Đại đội 12 lại cùng tiếp tục chiến đấu với quân dân Quảng Bình thu thêm nhiều thành tích. Khi cơ động sang trận địa Chánh Hòa, được sự chỉ đạo của Quân chủng và trung đoàn, đại đội đã để lại trận địa cũ một bộ ra-đa giả tự sáng chế làm mồi nhử địch cho các đơn vị pháo phục kích đánh địch những ngày sau - tạo nên sự khởi thảo của một cách đánh hay.

        Với chiến công trong đợt đánh này đại đội ra-đa 12 được thưởng một Huân chương Quân công hạng Ba.

        Phát huy chiến thắng và những bài học thu nhận được, trên chặng đường nhiều năm chiến đấu không nghỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ Đại đội 12 liên tiếp lập được nhiều chiến công.

        Ngày 22 tháng 12 năm 1969, đại đội được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là một đại đội được phong danh hiệu sớm nhất trong số tám đại đội được phong danh hiệu cao quý của Binh chủng Ra-đa.

        Phát huy truyền thống chiến đấu vẻ vang ngày nay Đại đội 12 vẫn vững vàng đứng trên cao nguyên hùng vĩ, tỉnh táo canh giừ bầu trời Tổ quốc thân yêu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 01:58:38 pm »

       
NHỮNG NĂM THÁNG Ở TRUNG ĐOÀN RA-ĐA 290
THỜI KỲ ĐẦU CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

LƯƠNG HỮU SẮT       

        Về lại Trung đoàn 290.

        Hạ tuần tháng 9 năm 1964, tôi nhận quyết định của Bộ Quốc phòng về trung đoàn ra-đa 290 đơn vị trước đây của tôi để làm trung đoàn trưởng, sau 2 năm đi học ra-đa ở Liên Xô.

        Gặp lại anh em ở cơ quan trung đoàn rất vui vẻ phấn khởi; doanh trại của đơn vị đã sạch đẹp, cây cối trồng từ năm 60 - 61 nay đã xanh tốt, tỏa bóng mát trên các đường đi. Gặp lại các anh trong ban chỉ huy trung đoàn vẫn như cũ: Anh Nguyễn Đăng Tuất - chính ủy, anh Bùi Đình Cường - trung đoàn phó, anh Phan Văn Hóa - tham mưu trưởng, anh Nghĩa - chủ nhiệm hậu cần; riêng cơ quan chính trị đã thay đổi hai lần chủ nhiệm, anh Thanh Bình thay anh Đồng Lang, và bây giờ anh Hồ Quang Huy làm chủ nhiệm chính trị, anh Bình là phó chính ủy trung đoàn.

        Về lại trung đoàn cũ trong hoàn cảnh tình hình rất khẩn trương ở Khu 4 - vùng sát giới tuyến quân sự tạm thời; máy bay địch bay luyện tập, trinh sát ở vùng biển suốt ngày, trên biển lúc nào cũng có tình báo máy bay địch liên tục cách bờ biển 20 - 30km, chỉ cần 1 - 2 phút là có thể ngoặt vào bờ được. Ngày 5 tháng 8 tháng 1964 trận tập kích của máy bay Mỹ vào thành phố Vinh, trung đoàn 290 không thông báo được cho trung đoàn cao xạ 280 bảo vệ thành phố, nên trận đánh lần thứ nhất pháo phòng không bị bất ngờ, không nổ súng ngay khi máy bay Mỹ đánh thành phố và kho xăng; đến trận tập kích buổi chiều mới chủ động được.

        Nguyên nhân do đại đội 13 ra-đa của trung đoàn 290 ở Hà Tĩnh đang mở máy trực ban, phát hiện máy bay địch bay vào đất liền, đã thông báo đường bay của địch lên sở chỉ huy trung đoàn 290, nhưng máy phát thông tin của đại đội 13 bị hỏng, mà báo vụ và điều phối của đơn vị không biết nên các tình báo của đại đội 13 không đến được trung đoàn 290 và Trung đoàn cao xạ 280 coi như bị bất ngờ.

        Sau tổng kết trận đánh ngày 5 tháng 8 năm 1964, Quân chủng Phòng không - Không quân nhận xét trung đoàn 290 không hoàn thành nhiệm vụ trong trận tập kích lần đầu. Anh em cán bộ chiến sĩ trung đoàn rất buồn vì khuyết điểm trên, nhất là cơ quan của trung đoàn.

        Trong buổi tối đầu tiên về trung đoàn, anh Tuất - chính ủy đã trò chuyện với tôi về tình hình trung đoàn, về trận 5-8 như trên.

        Về các đại đội, anh Tuất cũng cho biết tất cả đều đã được trang bị 2 máy ra-đa, lúc tôi rời trung đoàn đi học mỗi đại đội chỉ được trang bị một máy mà thôi, từ cuối năm 1963 trên đã tăng cường thêm máy cho các đại đội, mỗi đại đội có một máy P8 và một P10 hoặc 513K. Riêng đại đội 14 ở Cửa Hội được trang bị 3 máy, hai máy sóng mét P8 và P10, vì làm nhiệm vụ bảo đảm dẫn đường cho sân bay Vinh nên được trang bị thêm một máy ra-đa đo cao 843 của Trung Quốc. Đại đội 13 ở Hà Tĩnh chỉ có một máy 406 vẫn như cũ.

        Về đội hình của trung đoàn cũng thay đổi so với trước; tháng 6 năm 1963 các đại đội 15, 18 ở Thanh Hóa (Sầm Sơn, Thọ Xuân, Điền Lư) đều được chuyển thuộc cho trung đoàn 291, các đại đội 15 đổi thành đại đội 19, đại đội 18 vẫn giữ nguyên tên gọi, đại đội 16 được điều đi nơi khác giao về trung đoàn 290.

        Trung đoàn 290 được thành lập thêm 3 đại đội mới 15, 16, 17 bố trí ở Diễn Châu, Đô Lương, Hương Khê.

        Như vậy đội hình của trung đoàn 290 vẫn có 7 đại đội ra-đa, trong đó 4 đại đội bảo vệ thành phố Vinh, còn đại đội 11 ở Vinh Lĩnh và đại đội 12 ở Đồng Hỡi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng giới tuyến quân sự tạm thời ở Vĩnh Linh và Quảng Bình. Ngoài nhiệm vụ thông báo trực tiếp cho trung đoàn 280 cao xạ bảo vệ thành phố Vinh và Sư đoàn 341 bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời; thông báo phòng không nhân dân cho các thị xã, thành phố của Khu 4, trung đoàn 290 còn có nhiệm vụ rất chủ yếu, phải thông báo các số liệu máy bay địch trên biển Đông và trên không ở Lào cho Quân chủng Phòng không - Không quân về sở chỉ huy tổng trạm ra-đa để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và đồng bằng Bắc Bộ khi có đánh lớn.

        Anh Tuất còn cho biết thêm: "Sau trận 5-8 đợt đầu không thông báo được cho trung đoàn 280 để bị bất ngờ, Quân chủng nhận xét trung đoàn không hoàn thành nhiệm vụ, anh em rất buồn và quyết lập công sau này, ngày đêm học tập chuẩn bị chiến đấu tốt, nghe tin ông trở về lại trung đoàn, anh em cán bộ chiến sĩ các đại đội đều mừng và cũng (anh nói vui thêm) nhắc nhau: Cẩn  thận đấy, ông Sắt trở lại trung đoàn rồi, những chuyện như thế này sẽ được nhận xét đích đáng đấy”. Tôi rất cảm động vì tình nghĩa gắn bó của anh em trong những năm công tác với trung đoàn, năm 60 - 62, những năm hoạt động sôi nổi nhất của thời kỳ hòa bình.

        Đó là buổi tối nói chuyện đầu tiên về lại trung đoàn sau 2 năm xa cách, cũng vẫn cái nhà cũ, phòng cũ và đơn vị cũ quen biết, như người con đi xa về, trong tình hình khẩn trương, chiến tranh ngấp nghé sát bờ biển và biên giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 02:01:52 pm »


        Đi kiểm tra và tìm hiểu tình hình.

        Để ra một số ngày đi thăm chỗ ăn ở, sở chỉ huy trung đoàn, chỗ làm việc của cơ quan và đại đội 8 - đại đội chỉ huy của trung đoàn, nghe cơ quan tác chiến, thông tin, hậu cần báo cáo lại tình hình tác chiến huấn luyện và đời sống của đơn vị; nghe anh Phan Văn Hóa - tham mưu trưởng trung đoàn báo cáo lại những vấn đề chiến đấu ngày 5-8 vừa qua, những đường bay trinh sát của máy bay U-2 và máy bay không người lái BQM-34A bay trinh sát chụp ảnh ở tầng cao trên bầu trời miền Bắc, các đường bay các loại máy bay RF-101 của Mỹ bay ở tầng thấp chụp ảnh dọc theo đường quốc lộ số 1; những quan hệ giữa trung đoàn ra-đa 290 với trung đoàn 280 cao xạ với Quân khu 4 từ khi có tình hình khẩn trương trong vấn đề thông báo máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời quân khu và thành phố Vinh.

        Đặc biệt nghe các đồng chí ở cơ quan tác chiến báo cáo lại toàn bộ hồ sơ trận địa của các đại đội (bao gồm sơ đồ cánh sóng, mặt phản xạ, góc che khuất v.v...) đối chiếu lại với các đường bay của Mỹ bay luyện tập; trinh sát và bay chiến đấu ngày 5 tháng 8 vừa qua. Thấy rõ thực tế hiệu quả của công tác di chuyển, xê dịch các trận địa trong các năm hòa bình, đến bây giờ đã có được một trường ra-đa của trung đoàn tương đối hoàn chỉnh ở tầng cao, tầng trung bình ở các hướng và tầng thấp ở mặt biển khi tác chiến. Các chế độ trực ban chiến đấu vẫn như trước chưa có gì thay đổi so với các năm 60 - 62 khi tôi còn ở trung đoàn.

        Riêng đối với các kíp trắc thủ ra-đa của các đại đội đã khá lên rất nhiều, mỗi đài ra-đa có hai kíp trắc thủ giỏi và một kíp trắc thủ trung bình; từ khi có lệnh của Nhà nước ngừng các chế độ phục viên, giữ các chiến sĩ hết hạn nghĩa vụ ở lại tham gia chiến đấu, được giáo dục động viên nên anh em tự nguyện ở lại sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

        Các đồng chí trợ lý chính trị cũng báo cáo cho biết tình hình tư tưởng của đơn vị sau khi được lệnh của trên chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu sau trận 5-8; được giáo dục kỹ về tình hình nhiệm vụ, tình hình miền Nam, của Quân khu 4 ở địa đầu miền Bắc, âm mưu thủ đoạn của địch, trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong tình hình mới, anh em cán bộ chiến sĩ đã xác định tốt nhiệm vụ của đơn vị và của mình, không khí chuẩn bị chiến đấu huấn luyện rất sôi nổi.

        Được xây dựng và rèn luyện trong thời bình, được giáo dục và đào tạo cơ bản, có hệ thống; bản lĩnh chiến đấu được bồi dưỡng vững vàng nhiều năm, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 290 sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu dài ngày đầy thử thách gian khổ ác liệt nhưng sẽ là thắng lợi vẻ vang đối với một kẻ địch hung ác, xảo quyệt và có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới.

        Về cán bộ đại đội trưởng cũng có những thay đổi: Đại đội 11 ở Vĩnh Linh anh Hồ Văn Chính đại đội trưởng về làm tham mưu phó trung đoàn, anh Lan thay làm đại đội trưởng. Đại đội 12 ở Đồng Hời anh Hồ Sĩ Hưu học ở Liên Xô mới về làm đại đội trưởng; đại đội 13 anh Hồ Anh Luật đi học Liên Xô và tôi mới về làm đại đội trưởng; đại đội 14 anh Bá vẫn đảm nhiệm chức vụ cũ; đại đội 15 anh Kim Quy về làm đại đội trưởng từ khi thành lập đại đội, triển khai chiến đấu ở Diễn Châu; đại đội 16 triển khai ở Đô Lương do anh Du làm đại đội trưởng, đại đội 17 có một đồng chí đại đội phó phụ trách.

        Như vậy tất cả đều là cán bộ cũ ở đơn vị đã lâu, trừ anh Hồ Sĩ Hưu ở đại đội 12 Đồng Hới là mới.

        Tranh thủ thời gian tôi đi thăm đại đội 16 và đại đội 15 ở Đô Lương và Diễn Châu (Nghệ An) mỗi đại đội ở một ngày xem lại khả năng phát hiện của đài ra-đa ở trận địa và trên mặt nổi hình của máy; do có mặt phản xạ tốt cánh động rộng phẳng, góc che khuất ở hướng Đông và Đông Nam rất nhỏ, có thể khống chế địch ở hướng biển và đường 1 đều khá tốt. Mặt khác cũng kiểm tra lại các chế độ qui định chiến đấu của đơn vị trong thời chiến có gì thay đổi không?

        Tình hình vẫn là như thời kỳ trước. Sau đó tôi đến đại đội 14 ở Cửa Hội có ba máy ra-đa trong đó có ra-đa đo cao 843 của Trung Quốc, đại đội 14 ngoài thông báo trực tiếp cho trung đoàn 290 còn có nhiệm vụ dẫn đường cho sân bay Vinh khi cần thiết.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM