Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:36:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30315 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 12:21:10 pm »

        Từ ngày thành lập trung đoàn đến giữa năm 1964 chúng tôi chỉ mới được trang bị 5 máy, chủ yếu là Π8. Các trận địa đang còn ở các thung lũng như: Điện Biên, Cò Nòi, Nà Sản... cho nên các đài chỉ bắt được mục tiêu theo trục đường sóng và mục tiêu ở tầng cao. Tuy rằng việc bố trí mạng lưới ra-đa thời kỳ này của trung đoàn đã cố gắng vận dụng chiến kỹ thuật của bạn để bố trí, nhưng do thiếu thực tế, kinh nghiệm còn ít, còn dựa vào lý luận sách vở, quan hệ giữa mặt phản xạ với góc che khuất đòi hỏi cao nên việc tìm kiếm trận địa đưa ra-đa lên núi cao, vươn xa cánh sóng để bù lấp khu mù là một nhiệm vụ cấp thiết. Đó cũng là nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh kỹ thuật hiện đại.

        Toàn trung đoàn dấy lên một phong trào tìm kiếm trận địa. Một mỏm núi cao của chiến sĩ tiếp phẩm mách bảo. Một chân đồi gianh thoải dài của chiến sĩ quan sát báo đều được chấm lên bản đồ như những nụ cười hoa ban đến mùa đua nở.

        Tôi và các đồng chí trong thường vụ, cùng các đồng chí trợ lý trận địa có nhiều đêm thức trắng bên tấm bản đồ trải rộng. Những mái đầu chụm lại, những vết nhăn hiện hẳn trên trán. Những cặp mắt sâu hoắm vì thiếu ngủ. Tất cả đều tập trung toàn tâm toàn lực vào việc xác định trận địa. Một khó khăn đến với chúng tôi là: Đối với các đài sóng mét mặt phản xạ theo yêu cầu chiến thuật âm - dương chỉ chênh nhau trong giới hạn cho phép 4 - 5º là cùng. Còn Tây Bắc thì sự chênh lệch đến hàng chục độ là chuyện thường. Những cuộc tranh luận sôi nổi nổ ra. Bàn cãi, lập luận, cuối cùng đồng chí Cao Oanh - trợ lý trận địa đưa ra một ý kiến hay "để giải quyết mặt phản xạ có yêu cầu chiến thuật nên chọn những nơi nào mà xung quanh vị trí đặt đài có các đồi bát úp với bình độ tương tự. Chọn những đồi tranh, trọc mà hướng trọng điểm cánh sóng có thể vươn xa không bị góc che khuất tương đối lớn ảnh hưởng tới hình thành cánh sóng".

        Sau ba ngày làm việc căng thẳng, đo đạc tính toán trên bản đồ, chúng tôi quyết định đi đo đạc thực tế trận địa ở vùng này.

        Tôi, anh Trần Mỹ - nay là Phó hiệu trưởng Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Tên lửa - Ra-đa; Bùi Xuân Sách, Cao Oanh - Trợ lý trận địa, cùng với một số cán bộ quân khu cơm đùm, cơm nắm lên đường.

        Từ sớm khi sương mù đang còn ôm ấp những mảng rừng xanh, chúng tôi lên đường. Gió đông bắc đầu mùa thôi vù vù. Rét, cái rét làm cho chân tay ai cũng như tê dại đi, tím bầm. Hai hàm răng va vào nhau như đánh gõ. Chúng tôi qua các bản làng vào sâu núi rừng miền Tây hùng vĩ. Có nơi chưa ai đặt chân tới, nhiều cây to hai, ba người ôm hết, đâu đây vọng lại tiếng gầm của thú rừng nghe đến rợn tai. Tất cả những cái xa lạ ấy hình như không ai để ý. Trong câu chuyện dọc đường và mỗi lúc dừng lại để xác định, tôi thấy ai cũng lo lắng, ưu tư làm sao.

        Ngày đi đêm nghỉ trong một bản Mèo. Bên bếp lửa hồng, ăn cùng già bản bát cơm, uống cùng chén rượu, chúng tôi thấy cái mệt như vơi đi, tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân làm cho đôi chân càng dẻo dai để vượt mọi khó khăn lên tới các "cổng trời" cao vút. 

        Vào một buổi sáng, mà đến nay tôi còn nhớ mãi, in hình trong tâm trí không phai mờ được. Chúng tôi quyết định leo dốc lên đỉnh P có độ cao trên 1300m. Mặt trời đang dưới mình lên phía đông mà sương mù đang quây lấy mỗi bước chân chúng tôi. Một đồng chí cán bộ quân khu trong đoàn lên cơn sốt, kéo từng bước vất vả, nặng nề. Chúng tôi khuyên đồng chí nên nghỉ lại ở bản nhỏ dừng chân đêm trước, nhưng đồng chí không chịu cứ khăng khăng tiếp tục hành quân, uống thêm mấy viên thuốc cắt sốt đồng chí nói:

        - Công việc này là của mỗi người, có tìm được trận địa đưa máy lên cao chúng tôi mới có thời gian chuẩn bị chiến đấu tốt.

        Với tinh thần ấy, từ ngọn nguồn cội rễ sâu xa của tấm lòng yêu nước vì sự nghiệp bảo vệ đất nước, với ý chí quyết tâm vượt bằng mọi khó khăn gian khổ, đến gần trưa chúng tôi lên tới đỉnh 406 và "thiên nhiên hùng vĩ" miền Tây Bắc đã không phụ lòng chúng tôi. Đứng trên đỉnh đồi phóng con mắt nhìn về bốn phía, mọi người đều lặng im, cái lặng im để nén lại cái sung sướng vô ngần đang trào lên. Như không cưỡng lại được tất cả reo ầm lên:

        - Đây rồi, trời ơi đẹp chưa?

        Tôi chạy lại anh Mỹ, anh Sách, anh Cao Oanh và các anh trong đoàn ôm chầm lấy nhau. Trên khuông mặt, bàn tay còn rớm máu vì gai cào. Chúng tôi xiết chặt vai nhau trong hơi thở gấp gáp.

        - Như thế này thì chả cần đo đạc gì nữa - Tôi nói: Các đồng chí có thấy không, quanh đây đều là những đồi bát úp chạy dài và dốc dần về phía xa. Như vậy, không chỉ mặt phản xạ tương đối rộng mà nó còn làm cho các tia phản xạ có khả năng trượt xa trên độ dốc đó, làm cho cánh sóng còn vươn xa hơn, cao hơn con số mà chúng ta dự định tính toán.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 12:26:48 pm »

        Đồng chí Cao Oanh tiếp lời:

        - Ta có thể lợi dụng các ngọn đồi xung quanh để làm trận địa dự bị, thằng Mỹ xảo quyệt lắm. Nó phát hiện ra sẽ không để cho mình yên. Khi ấy ta có thể cơ động đài và đặt dây trời giả chỗ này để thu hút địch kiểu cơ động "đèn cù” ấy mà.

        Một ý kiến hay, sáng tạo chứng tỏ rằng học thuật quân sự Việt Nam rất phong phú, không chỉ những gì thu lượm được qua thực tế chiến đấu mà còn qua thực thế của nhiên nhiên tái tạo ưu việt mà con người cảm nhận bắt nó vào quỹ đạo của mình. Qua 4 năm chiến tranh phá hoại sau này cũng chứng tỏ rằng thằng Mỹ hiện đại nhưng "chậm nghĩ, chậm phán đoán". Chúng đã trút hàng tấn bom đạn xuống trận địa dây trời giả đồi 406 được gọi là "túi bom" ở miền Tây Bắc này.

        Tìm được trận địa rồi, cái khó tiếp theo là làm sao đưa máy lên đến "cổng trời" một cách an toàn và bí mật. Tuy rằng trong lần đi xác định trận địa chúng tôi đã đánh dấu con đường cơ bản, nhưng khí tài nặng, xe không thể kéo lên được. Thế là phải dùng đôi vai của mình. Quên sao được những ngày gian khổ và tràn đầy quyết tâm ấy. Với đôi vai của mình, các khối được đánh dấu rồi tháo rời ra theo đôi chân vượt dốc. Nhớ lại những năm kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta cũng vác vai hành quân qua đèo Pha đin tiến sâu vào Điện Biên Phủ. Có cái gì giống nhau ở 2 cuộc chiến tranh này. Đó là "chân đồng vai sắt" với ý chí quyết tâm để làm nên thắng lợi huy hoàng.

        Còn nhiều khó khăn tiếp theo đó là cuộc sống người chiến sĩ khi đã đứng trên "cổng trời", là nỗi day dứt khi cánh sóng vươn xa, sóng thu về chưa xa chưa rõ. Nhưng tất cả những khó khăn ấy đều lùi lại đằng sau nhường chỗ cho những kết quả bước đầu trườn lên chiếm lĩnh.

        Với khẩu hiệu hành động "vượt Sầm Nưa bám đường số 7", đại đội 37 cùng với cán bộ, chiến sĩ toàn trung đoàn dấy lên phong trào thi đua quyết tâm đưa cánh sóng vươn xa trên bầu trời Tây Bắc. Cán bộ chiến sĩ quên ăn, quên ngủ - nằm trên máy để chỉnh lý, thao tác kiểm tra các khối, các đường dây, mạch điện để tăng công suất, ổn định điện áp... Khẩu hiệu "lấn từng cây số trên không" của các chiến sĩ trắc thủ làm cho khí thế càng sôi động. Trên đồi 406, xung quanh là núi rừng trùng điệp, màu xanh trải rộng ngút ngàn, trước đây là chốn của thú rừng, bây giờ thay vào đó là tiếng cười, nói, tiếng hát của hơn hai mươi chiến sĩ cứ vang xa, bay xa…

        Đến tháng 10 năm ấy, máy bắt được một tốp mục tiêu ở cự ly 400km liên tục. Từ thực tế của đại đội 37, hành động của trung đoàn lúc đó lại được thay đổi cho sát với nhiệm vụ chính trị là: "Vượt đường số 7 bám sông Mê Công".

        Đến cuối năm 1965 sang đầu năm 1966, địch ngày càng trắng trợn leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng ra sức phá hoại các mục tiêu then chốt, giao thông, công nghiệp, điện lực, cơ sở quân sự, kho nhiên liệu và hệ thống phòng không.

        Phía Tây Hà Nội càng trở nên quan trọng vì phần lớn lực lượng máy bay không quân chiến thuật đều xuất phát từ Thái Lan qua Tây Bắc vào đánh yếu địa. Để phục vụ chiến đấu, ở hướng Tây trung đoàn được Quân chủng trang bị thêm khí tài, từ số lượng 5 máy lên 10 máy rồi 15 máy. Chấp hành chỉ thị của Đảng ủy Quân chủng, để khép kín mạng ra-đa ở Tây Bắc, các đại đội phải đưa máy lên điểm cao.

        Đại đội 35 chiếm lĩnh trận địa Phù Tĩn.

        Đại đội 39 chiếm lĩnh trận địa Chiềng Sang và đồi Tân Cương.

        Các đại đội 34, 38, 36 cũng được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu tác chiến.

        Đưa máy lên đồi cao là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã có kinh nghiệm của đại đội 37, do đó tuy có gặp khó khăn nhưng kết quả đưa khí tài lên đồi cao đều an toàn và kịp thời.

        Ngoài đại đội 37 chốt ở đỉnh 406 còn đại đội 35 chiếm đỉnh Phù Tĩn cũng là điểm chốt quan trọng. Bố trí đại đội 35 ở đây rất lợi hại, có thể vươn xa cánh sóng về phía Thái Lan để bắt mục tiêu địch khi chúng vừa cất cánh ở sân bay.

        Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt - Nay là phó hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Ra-đa, được bổ nhiệm đại đội trưởng 35 và cấp tốc về Quân chủng nhận máy hành quân lên. Sau khi xác định trận địa Phù Tĩn xong, chúng tôi được trên điều về một đại đội công binh làm đường để xe lên. Khi đưa máy lên đồi cao có một quãng đường độ 15 - 20m tương đối dốc mà xe khó có thể bò lên được. Đồng chí Đạt nảy ra sáng kiến, vừa dùng sức người vừa dùng sức máy, ý kiến đưa ra được tán thành. Hai dây song to bằng bắp tay buộc 2 đầu móc xe. Cả bộ đội ra-đa, bộ đội công binh và nhân dân địa phương đứng thành 2 hàng. Khi máy rú ga thì lập tức những bắp tay săn cứng lại, những bắp chân căng ra kéo xe, người đẩy với tiếng hô "Dô ta nào" vang động cả một vùng. Xe nhích từng tý một, mệt nhọc bò qua đoạn dốc. Tôi lại liên tưởng đến những ngày đánh Pháp ở Điện Biên. Tiếng hò kéo pháo xưa kia để làm nên chiến thắng huy hoàng thì nay tiếng hò kéo máy của chúng tôi nơi đây để làm nên chiến thắng sau này của người chiến sĩ ra-đa trên trận tuyến thầm lặng canh trời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 01:34:14 pm »

        Có thể nói rằng, mạng lưới ra-đa ở giai đoạn này chuyển biến căn bản về công tác trận địa vùng rừng núi. Hầu hết các đại đội đã lên núi cao. Mạng ra-đa trung đoàn vẫn hình thành một tuyến nhưng đưa ra-đa lên núi đã bù lấp được khu mù cho nhau giữa các đại đội ở tuyến ngoài từ biên giới trở ra. Một số đại đội 39, 36, 37 đã bắt được mục tiêu từ khu vực Sầm Nưa vào đường 2.

        Điểm nổi bật của trung đoàn mà tôi muốn nhắc lại là đã chốt được ở đại đội 37, 35 ở 2 vị trí rất lợi hại. Hai đại đội này trở thành đơn vị chủ công của trung đoàn về phát hiện xa đồng thời máy 513K đưa lên đồi Tân Cương cũng là máy phát hiện khá tốt.

        Đưa ra-đa lên núi cao, vươn hết tầm xa của cánh sóng, phát hiện địch từ xa là một thành công lớn trong thế trận đánh Mỹ của bộ đội ra-đa. Thành công đó không những chứng minh cho nghệ thuật quân sự Việt Nam phong phú, sáng tạo mà còn có tiếng vang lớn trên thế giới. Tôi còn nhớ mãi lời nói của đồng chí trưởng phái đoàn quân sự của một nước anh em sau khi trao đổi kinh nghiệm và tham quan phiên trực ban chiến đấu của trung đoàn và đại đội 37: "...Bộ đội ra - đa Việt Nam xứng đáng được Tổ quốc tin cậy, làm chủ trận địa, làm chủ màn hiện sóng. Tầm nhìn của trắc thủ ra-đa Việt Nam đã vượt xa giới hạn trên sách vở của nhiều nước tiên tiến. Việt Nam đã chiến thắng và nhất định sẽ chiến thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược. Vì các đồng chí có Đảng Lao động Việt Nam, có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, có nhân dân Việt Nam rất dũng cảm, thông minh, sáng tạo".

        Ngoài việc bố trí đội hình chiến đấu, các mặt hoạt động khác cũng được trung đoàn xúc tiến song song. Phong trào học tập để nâng cao trình độ phát hiện mục tiêu "vạch nhiễu tìm thù” và phương châm "học đâu nắm chắc đấy" được anh em áp dụng triệt để, nhất là phong trào học thuộc sóng về địa vật. Không những anh ern học thuộc từng sóng mà còn hiểu kỹ bản chất của nó. Khi thời tiết thay đổi để phân rõ, không bị nhầm lẫn khi mục tiêu bay vào. Do nghiêm túc trong học tập với sự tìm tòi nhiệt tình, đội ngũ trắc thủ còn có thể sửa chửa hỏng hóc nhỏ, khắc phục phần nào khi thợ trung đoàn chưa đến kịp, bảo đảm máy chiến đấu liên tục.

        Giải quyết hậu cần tại chỗ cũng được nêu rõ trong các nghị quyết Đảng ủy trung đoàn. Do giao thông đi lại khó khăn nhất là mùa lũ nên đảm bảo cơ số về xăng, dầu, về lương thực, thực phẩm cho bộ đội từ 3 đến 6 tháng luôn được coi trọng và kiểm tra thường xuyên. Đồng thời các đơn vị còn tích cực tham gia để cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Mỗi đại đội thường có từ 3 đến 5 con bò, trên dưới 10 con lợn. Một mẩu chuyện nhỏ dưới đây sẽ làm nổi bật lên phong trào tăng gia đó.

        Một lần có đồng chí chuyên gia Liên Xô đi cùng các đồng chí cán bộ Quân chủng xuống kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn. Giờ giải lao, đồng chí công vụ đem đến cho mỗi người một cốc nước đậu xanh. Bừa ăn trưa, chúng tôi lại đưa "cây nhà lá vườn" ra thết đãi một đĩa giò lụa. Đồng chí chuyên gia sửng sốt hỏi:

        - Ở vùng rừng núi xa xôi này các đồng chí kiếm đâu ra những thứ quý đó?

        Đồng chí chủ nhiệm hậu cần nói vui:

        - Chúng tôi phải đánh xe về tận Kim Liên mua đấy!

        Chưa hết ngạc nhiên vì giữa rừng núi nay lại có giò ăn, nước mát đậu xanh, đồng chí chuyên gia không tin nhìn tôi. Biết vậy, tôi chỉ vào chiếc cối đá trả lời:

        - Báo cáo đồng chí, công thức làm giò của chúng tôi là cối đá cộng đậu tương thôi ạ. Còn thịt thì chúng tôi có cả một "trại chăn nuôi tổng hợp".

        Đồng chí chuyên gia cười vỗ vai, nhìn theo tay tôi chỉ phía bìa rừng. Ở đấy thỉnh thoảng lại vang lên tiếng ụt ịt, tiếng chạy đi chạy lại của đàn lợn, đàn bò. Hiểu ý, đồng chí xiết chặt tay tôi, lắc mạnh thay cho lời khen ngợi và cảm phục.

          Thế là sau hơn một năm kể từ hội nghị Đảng ủy trung đoàn ngày 26 tháng 8 năm 1964, những nhiệm vụ cấp bách đề ra đã được triển khai và hoàn thành. Thế trận trên cao của Đoàn Tô Hiệu đã mở ra một hướng chiến thuật mới, đáp ứng với tình hình mới mà Quân chủng giao phó. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Bầu trời miền Tây được khép kín bằng cánh sóng ra-đa, giăng lưới đón lũ cướp trời vào xâm phạm.

        Chính vì có sự chuẩn bị sẵn sàng nên khi địch đánh vào Tây Bắc chúng tôi không bị bất ngờ, không những thế mà còn cung cấp cho cấp trên nhiều tình báo có ý nghĩa chiến lược. Trong 4 năm chiến tranh phá hoại, trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao cho - đó là: Không để Hà Nội bị bất ngờ.

        Chiến tranh - Một điều ai cũng nhận ra rằng đó là sự đối đầu giữa hai lực lượng. Và để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh đó, hai bên đều có tính toán mưu lợi riêng để giành phần thắng cho mình. Đế quốc Mỹ đã thực hiện chương trình đó với những âm mưu thâm độc kể cả chiến thuật, kỹ thuật và tất cả những gì có được trong hai thế kỷ của nước Mỹ cả thực tế và lý luận, dồn sức cho chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 01:37:25 pm »

        Nhưng chúng đã lầm, chúng tưởng rằng khoa học hiện đại như Mỹ, tiềm lực kinh tế như Mỹ sẽ đè bẹp được bất cứ nước nào. Mọi tính toán của chúng đều còn phụ thuộc vào khả năng của ta. Bằng ý chí quyết tâm, óc thông minh sáng tạo, biết vận dụng lý luận quân sự của Đảng, đón trước được những mưu đồ đen tối của chúng, chúng ta đã làm cho đế quốc Mỹ phải chuốc lấy thất bại và thất bại hoàn toàn.

        Ở chiến trường Tây Bắc cũng vậy, sau những bước thăm dò, thám thính, đến giữa 1965 chúng bắt đầu thực hiện chương trình dọn đường đến "khách sạn Hin Tơn" ở Hà Nội.

        Ngày 14 tháng 6 năm 1965, không quân Mỹ đánh phá vào Mộc Châu. Mở màn cho chiến dịch leo thang lên Tây Bắc. Mục tiêu đánh phá đầu tiên là doanh trại Đoàn 315 ở khu vực thảo nguyên Mộc Châu. Chúng dùng từ 12 đến 24 lần chiếc với các loại F105, F100, F4, F102 điên loạn gầm rú, gào thét cả vùng trời. Địch đi theo 3 hướng, dọc đường số 43 vào, đường số 6 tới và đường 13. Với thủ đoạn đi nhiều hướng đan chéo nhau, lợi dụng địa hình hiểm trở, luồn lách qua các mỏm núi cao hòng thoát khỏi sự phát hiện của ra-đa. Nhưng các đại đội 37, 38, 39 của trung đoàn đã phát hiện tốt, theo dõi từng đường bay của địch, thông báo liên tục, kịp thời, phục vụ cho quân và dân Mộc Châu trận đầu bắn rơi 2 máy bay Mỹ.

        Mới dọn đường đã bị "đòn đau”, địch cay cú như "chó cắn càn". Ngày 18 tháng 6, mới 6 giờ sáng khi sương mù bắt đầu lan tỏa đi, cánh sóng đại đội 36 vươn xa để gìn giữ một buổi sáng bình yên ấm cúng của các ngôi nhà đang lên lửa. Tự nhiên màn hiện sóng của đại đội 36 không thấy gì nữa. Nghe đại đội 36 báo cáo về bị nhiễu nặng, tôi chưa kịp hỏi gì thêm thì đại đội 39 báo cáo tiếp phát hiện 4 tốp máy bay địch bay thẳng từ Thái Lan vào thị xã Sơn La. Bọn địch bắt đầu dùng phương tiện kỹ thuật hiện đại che mắt mình đây. Tôi ra lệnh cho đại đội 36 phải chống nhiễu kịp thời. 7 phút sau đại đội 36 báo về đã thấy bọn "quạ đen". Tình báo của 2 đại đội sáng hôm ấy, anh em nói vui là "luyện mắt buổi sáng" đã được thông báo kịp thời cho quân khu và các đơn vị hỏa lực. Cả quân và dân thị xã Sơn La sẵn sàng chờ địch.

        9 giờ 46 phút, 18 máy bay Mỹ cũng gồm F100, F102, F105, F4 bay thành từng tốp 2 đến 4 chiếc ở độ cao 3 đến 6 km đột nhập nhiều hướng vào đánh phá Quân khu bộ và sở chỉ huy trung đoàn chúng tôi. Đến 10 giờ 32 phút địch gây nhiễu toàn mạng. Các đại đội 38, 39 tích cực chống nhiễu, bám sát địch. Các đơn vị hỏa lực nổ súng giòn giã. 3 máy bay địch bị bắn rơi tại chỗ, bắt giặc lái. Trong trận này địch đánh phá gần sở chỉ huy trung đoàn, nhưng các chiến sĩ thông tin đại đội chỉ huy vẫn bình tĩnh dũng cảm làm nhiệm vụ. Đường bay trên bảng mi ca vẫn được kéo dài, hên tục theo thông báo từ chiến sĩ trắc thủ trở về. Những ngón tay dẻo dai vẫn gõ nhịp đều đều liên tục phát đi.

        Trận chiến đấu kết thúc. Kết quả địch thí mạng 4 máy bay Mỹ, trong đó có 1 chiếc AD6 bị rơi dưới tầm súng của đoàn bộ. Tôi và đồng chí phó chủ nhiệm Quân khu tới thăm đại đội 36, cán bộ chiến sĩ rất vui mừng, phấn khởi vì trận đánh đã giành thắng lợi. Trên khuôn mặt mọi người bụi đất bám đầy, mồ hôi chạy dài trên má. Họ ngồi bên cửa máy rút kinh nghiệm, trao đổi với nhau và ghi vào sổ những gì thu lượm được qua trận đánh làm tài liệu học tập sau này.

        Địch bắt đầu "ngửi thấy" ra-đa ở miền Tây Bắc. Ngày 20 tháng 6 năm 1965 địch chính thức đánh vào mạng lưới "điện tử" đối phương. Có thể nói trận oanh tạc vào đại đội 36 là một tọa độ lửa. 15 giờ 30 phút, 2 tốp 8 chiếc F105 thi nhau dội bom. Trận địa đại đội 36 ngút trời đất đá và khói bom. Đạn địch bắn trúng kho xăng, lửa bốc ngang trời, nóng rực. Các tay súng đánh trả quyết liệt. Khẩu 14 ly 5 vì bắn nhiều quá nóng đỏ lên. Để tiếp tục chiến đấu, chiến sĩ điện công Phạm Nhất Thanh đội mưa đạn của địch để thay nòng súng. Rốc két làm đứt dây néo dây trời ra-đa. Phan Thanh Đạm và 3 chiến sĩ đang ở trung đội bắn máy bay kịp thời lao lên cùng 5 dân quân ghìm giữ dây néo để ra-đa tiếp tục làm việc. Lái xe Trần Văn Ngoan bình tĩnh, dũng cảm lái xe băng qua bom đạn địch tới vị trí an toàn.

        Gần một giờ đồng hồ địch oanh tạc ác liệt nhưng đại đội 36 vẫn bám trụ vững vàng, cánh sóng vẫn vươn xa, màn huỳnh quang vẫn thu về mục tiêu địch. Những con số thông báo vẫn vang lên to, gọn trong tiếng bom đạn nổ. Tiếng tích tà, tích tà vẫn đều đều phát đi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 01:40:52 pm »

        Càng thua đau địch càng dở chứng và liều lĩnh. Chúng tung các loại máy bay, kỹ thuật điện tử để thăm dò, tìm kiếm các trạm ra-đa ở Tây Bắc. Chiến dịch chuẩn bị đánh vào ra-đa được mở rộng về quy mô và lực lượng. Chúng phát hiện được đại đội 37 ở đồi 406. Chúng coi đây là hàng rào điện tử rất lợi hại, nguy hiểm ở cửa ngõ Tây Bắc này. Ở Lầu Năm góc, sau mấy ngày trăn trở, Giôn-xơn đập bàn đập ghế và ra lệnh bất cứ giá nào cũng phải hủy diệt cho bằng được trạm ra-đa đồi P và quyết định "cắt khẩu phần cơm" cho bọn không chiến.

        Theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy trung đoàn họp đề ra kế hoạch bố phòng, bảo vệ an toàn cho đại đội 37. Đảng ủy trung đoàn quyết tâm không những bảo vệ được đại đội 37 mà còn bắt giặc Mỹ phải đền tội tại "cổng trời" này.

        Sau trận đánh ngày 16 tháng 8 năm 1965 của địch vào đại đội 37, chúng tôi quyết định cơ động ngay trong đêm đó để giữ gìn bí mật. Lần này các máy đều phải kéo ra đồi thông cách đó hàng chục ki-lô-mét chứ không cơ động theo kiểu "đèn cù” nữa, vì tất cả các mỏm đồi xung quanh đều bị bom đạn địch cày tung. Theo kế hoạch để nghi binh địch, một dàn dây trời giả được dựng lên trên đồi 406 trong đêm ấy. Trung đội 14ly5 có nhiệm vụ ở lại cùng với đại đội 37ly của Quân khu chi viện hỏi tội bọn không quân Mỹ.

        Mọi việc đã xong, chúng tôi chờ đón địch trong tư thế chủ động với mềm tin tất thắng.

        Chiến dịch đánh vào đồi 406 của không quân địch diễn ra quyết liệt suốt 21 ngày đêm liên tục, kể từ ngày 26 tháng 8 năm 1965. 21 ngày đêm liên tục công kích chúng đã trút xuống đây hàng trăm tấn bom đạn. Bầu trời Pa Háng bị xé tươm từng mảnh, không lúc nào ngớt tiếng gào thét điên loạn của kẻ thù. Hết lũ ném bom oanh tạc lại đến lũ trinh sát nhòm ngó. Nhưng bộ dây trời giả trên đồi 406 vẫn đứng vững hiên ngang thách thức và thu hút địch. Đánh đi đánh lại, quần nát cả một vùng đất, vùng trời. Cứ qua mỗi lần như vậy chúng lại phải thí mạng ít nhất 2 chiếc. Thế mà trạm "Điện tử lớn nhất Bắc Việt" như có phù phép linh thiêng vẫn đứng vững trên "cổng trời" miền Tây hùng vĩ. Đồi 406 được mệnh danh là "túi bom" ở miền Tây Bắc, cũng là "túi bom" lớn nhất trong chiến dịch hủy diệt mạng ra-đa trinh sát trên không của địch đồi với ta từ trước tới nay, kể cả sau này.

        Để đối phó kịp thời, với mỗi trận đánh ác liệt, với âm mưu thủ đoạn của địch trên đồi 406 đều có sự chỉ đạo của Đảng ủy trung đoàn. Chúng tôi luôn luôn túc trực bên máy để theo sát từng giờ từng phút, chỉ đạo tác chiến và kịp thời báo cáo tình hình diễn biến về Bộ tư lệnh Quân chủng. Có thể nói, đồi 406 Pa Háng lúc này là điểm nóng của Quân chủng. Mọi người đều hướng về 406, dõi theo từng nhịp thở của 406...

        Trận đánh ngày 27 tháng 9 năm 1965 là trận quyết liệt nhất. 16 máy bay địch gồm F4, F105 lao tới xả bom xuống Pa Háng. Ngay từ loạt đạn đầu, khẩu đội 141y5 của Đào Công Trực bắn rơi 1 F105. Địch hoảng sợ chạy tán loạn, trút bom và bắn rốc két xuống trận địa. 6 khẩu 14 ly 5 của đại đội 37 và đại đội pháo 37 ly nổ súng mãnh liệt vào kẻ thù. Trong trận chiến đấu này các xạ thủ 14 ly 5 và pháo 37 ly đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm. Nguyễn Văn Toán 2 lần bị thương vẫn không rời trận địa. Binh nhất Đào Công Trực và Đoàn Văn Mơ bị thương lần thứ nhất vẫn nhìn thẳng vào quân thù, nghiến răng biến cái đau thành lòng căm thù giặc, chiến dấu đến hơi thở cuối cùng. Đồng đội hy sinh, Đào Thế Kỷ tiếp tục vào vị trí chiến đấu nổ súng mãnh liệt vào lũ cướp trời.

        Núi rừng Tây Bắc quên sao được chiến công của các chiến sĩ đại đội 37 đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất này để cánh sóng vươn xa, đan lấy nhau ôm chặt lấy khoảng trời. Hoa ban nở rộ, thắm lừng chiến công của các chiến sĩ Bọn địch có thể san bằng đồi 406 nhưng không thể làm nhụt ý chí quyết đánh, quyết thắng của các chiến sĩ đại đội 37 và đại đội pháo 37 ly của Quân khu.

        Nói đến những ngày ác liệt ấy, gian nan ấy, tôi không thể không nhắc tới tình cảm của các đơn vị, cơ quan và nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Một lá thư bay tới động viên, cổ vũ tinh thần của các đoàn thể. Một gói quà nhỏ của những bà mẹ đều sâu nặng tình nghĩa quân dân, chan chứa lòng yêu thương đối với con em mình trên tuyến đầu chống Mỹ. Nhân dân Tây Bắc vô cùng tự hào với những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ ra-đa trên đồi 406 trận địa Pa Háng xứng đáng với cái tên "Cồn Cỏ của miền Tây Tổ quốc" mà nhân dân đặt cho.

        Là một cán bộ quân đội đang chiến đấu ở miền Nam, những vùng đất tận cùng của Tổ quốc, tôi được về sống và chiến đấu cùng biết bao bạn bè, anh em ngày đêm phát sóng canh trời và mảnh đất ấy - mảnh đất Tây Bắc thân yêu đã gắn với tôi biết bao kỷ niệm. Hôm nay, nghĩ về hôm qua. Một quá khứ vô cùng oanh liệt và nóng bỏng. Có những gian nan vất vả ấy mới có chiến công huy hoàng, đội ngũ ta mới trưởng thành, trưởng thành vượt bậc trên những tầm cao mà chúng ta đang vươn tới, tầm cao của các chiến sĩ ra-đa Tây Bắc, là tầm cao thời đại mà Đảng và Bác Hồ đã vun đắp. Đội ngũ chúng ta hôm nay còn phải vươn lên hơn nữa, xứng đáng được mang tên "Đoàn Tô Hiệu” - Người chiến sĩ cộng sản xưa kia đã góp phần xương thịt mình nơi đây làm rạng rỡ truyền thống anh hùng dân tộc để cho hoa ban, hoa đào mùa tiếp mùa thêm đẹp mãi...

Tháng 2 năm 1984       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 03:51:20 pm »

       
VƯỢT ĐỈNH TRƯỜNG SƠN VƯƠN DÀI CÁNH SÓNG

ĐÀO VĂN KHÁNH                       
Đại tá - Nguyên Phó tư lệnh binh chủng       

        Đầu năm 1969, ở Mỹ Níchxơn lên thay Giônxơn, học thuyết mang chính tên hắn được triển khai trên cả hai miền Nam, Bắc nước ta.

        Bước vào mùa khô năm 1970, 1971 trên tuyến đường Trường Sơn địch đã dùng mọi kiểu loại máy bay kể cả B-52 hàng ngày trút hàng trăm tấn bom đạn xuống dọc con đường này. Đồng thời máy bay Mỹ còn đánh phá ác liệt vào các tuyến đường giao thông, kho tàng, các trận địa tên lửa, cao xạ, sân bay... trên địa bàn Quân khu 4 hòng ngăn chặn tận gốc sự chi viện của ta cho miền Nam.

        Trước tình hình trên Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh Ra-đa khẩn trương mở rộng trường ra-đa sang phía Tây, trực tiếp phục vụ cho giao thông vận chuyển.

        Hai đại đội ra-đa 12, 20, thuộc trung đoàn 290, đang triển khai chiến đấu trên đất Quảng Bình được lệnh chuẩn bị đi chiến trường.

        Sau khi được Bộ Ngoại giao của Lào nhất trí, đồng chí Hứa Mạnh Tài hồi đó là tham mưu phó binh chủng, cùng các đồng chí Trần Đình Hợi - Trung đoàn phó, Trần Hữu Đảm, Nguyễn Văn Chính, đại đội trưởng đại đội 12, 20 được lệnh đi khảo sát trận địa.

        Do tình hình khẩn trương, đoàn lên đường vào đúng mùa mưa, lại bao gạo trên vai, với chiếc gậy Trường Sơn, vật lộn với núi cao, suối sâu, có lúc phải vượt qua những con nước lũ của hai con sông lớn là Băng Hiêng và Băng Phai, bằng phao, bằng bè mảng tự tạo tưởng chừng không qua nổi.

        Nhưng với bản lĩnh của người chỉ huy đã được tôi luyện nhiều năm trong chiến tranh, cùng với những tri thức quân sự sẵn có, đoàn trưởng Hứa Mạnh Tài cùng anh em trong đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Các trận địa ra-đa mà các anh chọn hồi đó đã đi vào lịch sử truyền thống của bộ đội ra-đa. Sau này có dịp đưa 2 đại đội sang chiến đấu trên các trận địa này mới thấy hết sự đóng góp của các anh trong thế trận phòng không bảo vệ giao thông vận chuyển trong giai đoạn đó là rất to lớn.

        Đầu năm 1971 đông chí Trần Đình Hợi được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng thay thế đồng chí Phan Văn Hóa về Học viện Quân sự cấp cao. Tôi từ trung đoàn 291 được điều động vào trung đoàn 290 làm trung đoàn phó.

        Sau một thời gian tìm hiểu đơn vị. Tháng 10 năm 1971 tôi được phân công chuẩn bị đưa các đại đội ra-đa 12, 20 vượt Trường Sơn đi bảo đảm ra-đa cho giao thông vận chuyển. Công việc đầu tiên của tôi là vào Bộ tư lệnh Đoàn ,559 hiệp đồng chiến đấu.

        Ngày 8 tháng 11 năm 1971 đoàn chúng tôi lên đường, sau một ngày khá vất vả chúng tôi đã đến nơi an toàn. Đồng chí trực ban hướng dẫn chúng tôi vào gặp đồng chí Nguyễn Quang Bích - Phó tư lệnh Đoàn 559 nguyên là Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Được gặp lại người thủ trưởng cũ tôi rất yên tâm.

        Tôi đã báo cáo ngắn gọn đầy đủ nhiệm vụ của 2 đại đội ra-đa, rồi đề xuất với anh một số yêu cầu để anh giúp đỡ.

        Với giọng nói thân mật, khúc triết, mạch lạc của người chỉ huy đã từng Nam tiến từ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và đã từng làm tham mưu trưởng Đoàn pháo cao xạ 367 trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, anh căn dặn, hướng dẫn tôi rất cụ thể đôi lúc pha những câu nói dí dỏm, tế nhị. Anh bảo tôi: "Những quả bóng tạt sườn bao giờ cũng rất lợi hại, phải cố gắng khai thác hết khả năng của hai tiền đạo biên này, sẽ có lúc chọc thủng lưới đối phương...". Qua lời anh tôi biết anh là một cầu thủ bóng đá nhưng mãi sau này tôi mới thấy hết ý nghĩa câu nói của anh.

        Anh nói tiếp: "Mình sẽ chỉ thị trực tiếp cho binh trạm 12, 20 cử một cán bộ theo dõi giúp đỡ các cậu”. Nhận một số giấy tờ từ đồng chí văn thư, ký xong anh trao cho tôi rồi xiết chặt tay chúng tôi một lần nữa.

        Trên đường trở về trung đoàn theo kế hoạch, đoàn chúng tôi vào kiểm tra công tác chuẩn bị của đại đội 12, 20. Khi thấy đoàn chúng tôi tới đơn vị tất cả cán bộ chiến sĩ đều reo hò phấn khởi thể hiện sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ nặng nề mà trung đoàn giao cho. Hai bộ ra-đa Π12, Π15 của Liên Xô cũ chế tạo cùng các khí tài thông tin, máy nổ nguồn điện đều được đội ngũ kỹ thuật của trung đoàn xuống tận nơi kiểm tra, hiệu chỉnh, thay thế.

        Tôi trở về trung đoàn báo cáo với các anh trong thường vụ và Ban chỉ huy trung đoàn kết quả chuyến đi vừa rồi, sau đó tôi và đồng chí Vũ Ngọc Diệp - Phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn, được phân công đưa đại đội 20 vượt cổng trời đi theo đường 12 sang chiến đấu tại trận địa Na Tăng Chay thuộc trung Lào. Đồng chí Nguyễn Đình Táo - Trung đoàn phó, tham mưu trưởng, đồng chí Trần Quang Sáng và đồng chí Lê Khuyến - phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn, được phân công giúp đỡ đại đội 12 hành quân theo đường 20 sang chiến đấu tại trận địa Phu Then Kham cũng thuộc vùng trung Lào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 03:55:38 pm »

        Ngày 12-11-1971 đại đội 20 được lệnh hành quân lên vị trí tập kết cách cổng trời (Cửa khẩu 12) chừng 10 ki-lô-mét cây số. Đến đây đơn vị được chia làm 2 bộ phận bộ phận đi bộ gồm 25 người do đại đội trưởng Chính (đã đi khảo sát trận địa) và đồng chí Diệp chỉ huy đi trước bộ phận khí tài 4 ngày vừa để gọn nhẹ cho đoàn khí tài khi qua các trọng điểm, vừa để chuẩn bị trước trận địa đặt máy chỗ ăn, chỗ ở cho bộ đội.

        Trong khi bộ phận khí tài tập kết ở nơi quy định, tôi lên sở chỉ huy Binh trạm 12 làm việc. Đồng chí Thành - binh trạm trưởng Binh trạm 12 tiếp tôi tại sở chi huy được bố trí trong một hang đá khá rộng nằm sát phía bên này dốc cổng trời. Trong sở chỉ huy cũng có bảng tiêu đồ thu mạng tình báo trên không của quốc gia, gọi là mạng B1, đèn điện sáng trưng thuận tiện cho chỉ huy chiến đấu và điều hành vận chuyển.

        Tôi dành trọn 2 đêm 1 ngày ngồi trong sở chỉ huy binh trạm theo dõi quy luật đánh phá, trinh sát của máy bay địch để quyết định thời điểm nào vượt cổng trời là an toàn nhất, đồng thời cũng là để chờ đại đội trưởng Chính quay trở về dẫn đường. Nhưng hết ngày thứ 4 vẫn chưa thấy đồng chí Chính đâu cả. Tôi quyết định vẫn hành quân theo đúng kế hoạch.

        Sáng ngày 19 tháng 11 năm 1971, tôi đến chào và tạm biệt binh trạm trưởng 12. Biết được tâm tư của tôi và nhiệm vụ quan trọng của đơn vị, đồng chí binh trạm trưởng đã chủ động điều cho tôi một người dẫn đường. Anh bảo tôi chờ 30 phút sau người dẫn đường sẽ có mặt nhưng chưa đến 20 phút thì đã có một chiến sĩ trẻ, vóc người to lớn nhanh nhẹn có đôi mắt rất sáng đến gặp tôi. Anh chủ động hỏi tôi với giọng nói lơ lớ xứ Thanh: "Thủ trưởng có phải là Khánh không ạ?". Tôi trả lời: "Đúng rồi tôi là Khánh đây!". Anh tự giới thiệu "Em là Minh, quê Thanh Hóa, là lính lái xe Trường Sơn được lệnh đi dẫn đường cho đơn vị của thủ trưởng”. Tôi mừng rỡ nắm chặt tay anh rồi chúng tôi cùng ra xe về khu vực tập kết.

        Khoảng 18 giờ ngày hôm ấy (19 tháng 11 năm 1971) bộ phận khí tài gồm 8 xe, đi đầu là xe xích dẫn đường, tiếp theo đó là bốn xe ra-đa và các xe thông tin, hậu cần, xăng dầu đã sẵn sàng bên này dốc cổng trời chờ lệnh xuất phát.

        Đúng quy luật hoạt động của địch, khoảng 20 giờ một tốp 3 chiếc máy bay cường kích đến ném bom ầm ầm xuống một số trọng điểm dọc con đường 12 mà chúng tôi sắp sửa đi qua. Tiếng bom truyền lan vang vọng vào các quả núi nghe mãi không dứt. Phải chờ máy bay địch đi khói, chờ lực lượng công binh và thanh niên xung phong san lấp các hố bom, giải phóng xong mặt đường mới có lệnh hành quân. Ngồi chờ trên ca bin xe xích tôi có dịp hỏi chuyện người dẫn đường vui tính này. Tôi sờ vào chiếc áo cộc tay dày cộp của anh. Biết tôi định hỏi gì, Minh kể cho tôi nghe về cái áo chống bom bi của mình rồi anh cởi ra định đưa cho tôi mặc thử. Minh nói: "Thủ trưởng cứ mặc thử xem tuy nó nặng đây nhưng bom bi cứ phải gọi nó bằng cụ, em được phát đã hơn 6 tháng nay, có hôm vội đi nhận hàng em bỏ quên nó ở doanh trại, có hôm em đưa cho đồng chí sĩ quan đi áp tải hàng mặc, em nghĩ rằng chết là do số phận cả! Ra trận mạc đạn nó tránh mình chứ mình khó tránh được đạn, có đúng không thủ trưởng?". Tôi chưa kịp trả lời thì Minh nói tiếp: "Có người còn nói rằng ra mặt trận những anh nhút nhát thường dễ bị hy sinh, em cho câu nói đó có phần đúng vì có lần đoàn xe chúng em lọt vào khu vực đánh phá của máy bay địch, em liều mạng cho xe tăng tốc độ vượt qua trọng điểm an toàn. Bạn em đi sau sợ quá cho xe nép vào vách đá bên vệ đường thì bị thương vong". Minh kể chuyện rất có duyên và hấp dẫn khiến tôi và các đồng chí ngồi bên cạnh càng mến phục. Tôi nghĩ bụng mới chớm vào cửa ngõ Trường Sơn mà đã gặp một người lính dũng cảm, mưu trí như thế này thì chắc chắn rằng trên dọc tuyến đường Trường Sơn này có hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ như Minh, bom đạn Mỹ không thể nào khuất phục được họ bởi vì họ có trái tim của người lính trên tuyến đường mang tên Bác.

        Chúng tôi quay sang bàn nhiệm vụ của xe dẫn đường và hộ tống. Khoảng 22 giờ, 3 phát pháo hiệu từ bên kia dốc cổng trời vút lên báo thông đường, đồng thời cũng là lệnh xuất phát của bộ phận khí tài chúng tôi.

        "Cổng trời" nơi đây từ thời Pháp thuộc, chúng đã lắp đặt "Không trung thiết lộ", nơi đây còn có cái tên "Cửa tử" hoặc "Tọa độ lửa". Không hiểu cái tên này ai đặt cho nó nhưng quả là không sai. Nó vừa cao vừa hiểm, máy bay địch khống chế cái đầu nút giao thông này hầu như suốt ngày đêm. Qua dốc cổng trời sang địa phận đất Lào gió Tây thổi rất mạnh. Cả một quãng đường dài đến 2 - 3km cây cối hai bên còn đang cháy dở đỏ rực lửa phát ra những tiếng nổ rất to do bom đạn của máy bay địch đánh phá trong ngày còn để lại. Đoàn anh em đi bộ kể với chúng tôi đêm hôm vượt khẩu, anh em đều phải đi giật lùi để tránh gió tạt và tránh tàn lửa bắn vào mặt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 04:00:14 pm »

        Tôi ngồi trên xe xích đi đầu tiên, bên cạnh là chiến sĩ dẫn đường mặc áo giáp và 2 sĩ quan, theo sau là đoàn khí tài. Đi được khoảng trên 3km thì gặp cua tay áo khá gấp, là một trong 3 trọng điểm đánh phá của máy bay địch trên tuyến đường này. Tôi cho xe xích dừng lại xuống kiểm tra rồi cắm một đồng chí sĩ quan xuống đây để nhắc nhở từng người chỉ huy xe và từng lái xe khi qua cua này phải xuống kiểm tra rồi dẫn xe qua an toàn.

        Nhưng sự việc chẳng đơn giản như vậy. Đồng chí Giai - Chính trị viên đại đội 20 chỉ huy xe thứ 4 thấy các xe trước đã đi chót lọt nên anh không xuống kiểm tra và cũng không chỉ huy xe để cho lái xe Nguyễn Đức Vinh mở cua hơi rộng, thế là xe chở máy nổ của ra-đa Π10 bị dệ.

        Tôi đang nghiên cứu ở một trọng điểm thứ hai cách cua tay áo chừng 300m thì nghe được ba phát súng nổ phía sau, đó là tín hiệu cấp cứu. Biết là có sự cố, tôi cho xe xích quay trở lại thì thấy xe của Vinh bị dệ rất nặng. Tôi nhanh chóng cho bộ đội mở rộng đường để các xe còn lại vượt lên. Trong khi đó, máy bay OV-10 vẫn bay lượn trên không dọc tuyến đường 12, thỉnh thoảng lại bắn một loạt đạn chiếu sáng nhưng sự quấy nhiễu của nó không những không cản trở được mà trái lại các chiến sĩ ta còn lợi dụng pháo sáng địch để kiểm tra công việc còn lại.

        Trong khi mở đường cứu máy, đài trưởng Π12 Nguyễn Viết Tạo đã ứng khẩu thành những câu hò động viên bộ đội rất kịp thời. Tôi còn nhớ một đoạn hò của anh:

                Chúng ta chăng sợ hiểm nguy
       
                Mở đường cứu máy ta đi kịp thời.

                Pháo sáng mày bắn trên trời

                Cũng không dọa nổi những người ra-đa.


        Dứt mỗi câu hò các chiến sĩ ta lại hò lơ hò lờ theo làm cho anh em quên cả mệt nhọc. Cùng lúc ấy đoàn pháo cao xạ của bạn Lào hành quân phía sau đã bị máy bay địch đánh trúng đội hình, lửa cháy đỏ rực và có tiếng nổ khá to. Tôi tưởng xe chở xăng dầu đi sau cùng đội hình bị cháy, vội vàng cùng đồng chí Duệ trợ lý kỹ thuật quay lại kiểm tra, đi được một đoạn thấy xe chở xăng dầu vẫn ngụy trang kín đáo nằm sát thành núi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

        Mở xong đường, các xe còn lại đã vượt lên khỏi cua tay áo, đến lượt xe xích quay đầu chuẩn bị kéo xe bị dê thì một tình huống khá phức tạp xảy ra mà bản thân người lái xe xích Nguyễn Văn Y cũng chưa gặp lần nào trong đời lái xe của mình. Đó là do mặt đường bị bom đạn cày xới nhiều lần, được các chiến sĩ công binh dùng máy ủi gạt bằng, nhưng thực chất lòng đường lại hoàn toàn là đất mượn, nên khi xe xích quay đầu thì xích của xe đã chệch khỏi bánh răng. Thế là lại phải dùng sức lực của bộ đội gạt hết đất ở gầm xe và hai bên ra ngoài, để xe xích nổ máy tự xê dịch tại chỗ đưa bánh xe răng trở về với xích. Phải làm đi làm lại 2 lần như vậy, cứ mỗi lần điều chỉnh như thế thì lửa lại tóe sáng rực thành những tia dài do bánh răng cọ vào xích. Cuối cùng xe xích trở lại được trạng thái bình thường. Đến khi móc được dây cáp từ đầu xe xích vào đầu xe máy nổ, bắt đầu kéo thì xe máy nổ tụt xuống sườn vực. Nhờ có một gốc cây khá to và sức nặng của xe xích, mà xe máy nổ nằm lại cách mặt đường chừng 5 - 6m, sợi dây cáp móc giữa xe xích với xe máy nổ lúc này rất căng. Làm thế nào đây? Tôi hội ý chớp nhoáng với các cán bộ có mặt ở đó. Để đảm bảo an toàn cho cả đoàn khí tài, tuy tiếc đứt ruột nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải bỏ lại hai chiếc máy nổ trên xe. Tôi hạ lệnh chặt cáp để giải phóng xe xích.

        Lái xe Nguyễn Đức Vinh ân hận đứng cạnh tôi khóc nức nở. Tôi an ủi Vinh: "Lỗi này không phải chỉ riêng một mình đồng chí mà cả chúng tôi cũng có trách nhiệm". Tôi bảo Vinh ngày mai quay về Binh trạm 12 báo cáo với đồng chí Thành để binh trạm có kế hoạch trục lên giúp, rồi tìm cách kéo về khu vực an toàn.

        Tôi vừa hạ lệnh chặt xích xong, đài trưởng Nguyễn Viết Tạo đã vác từ trên máy của mình xuống một cái búa tạ. Các trắc thủ đã thay nhau dùng búa đập đứt từng sợi, từng sợi của chiếc dây cáp và thế là xe xích lại  vượt lên đầu đội hình tiếp tục hành quân. Khi xe xích vượt lên gần hết đội hình thì chính trị viên Giai chạy ra trước đầu xe xích ra hiệu cho xe dừng lại, sợ tôi không nghe được anh báo cáo rất to: "Còn thiếu đài trưởng Tạo và lái xe ra-đa Π12". Tôi rất ngạc nhiên và phân vân vì cách đây ít phút Tạo còn quai búa chặt cáp cùng anh em sao lại thiếu được! Tôi cho xe xích tắt máy rồi đi bộ trở lại chỗ chiếc xe bị dê. Tôi gọi Tạo rất to đồng thời dọi đèn pin xuống chỗ chiếc xe bị dê. Chiếc đèn pin "chiến trường" của tôi chỉ phát ra một tia sáng rất hẹp, tôi nghe thấy có tiếng người thưa ở dưới chiếc xe rồi thấy 2 bóng người đang loay hoay đưa một vật gì đó từ trong xe ra, chờ một lát tôi nắm tay từng người kéo họ lên đường. Tạo vừa thở hổn hển vừa báo cáo: "Em tiếc cái bình điện này quá, nó còn rất mới nên cố gắng lấy nó để làm dự phòng". Lúc này sự bực bội của tôi đã dịu đi, nhường chỗ cho sự cảm phục Tạo và người lái xe của anh. Trong thời điểm giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, ai cũng muốn nhanh chóng vượt qua trọng điểm ác liệt này. Vậy mà vẫn có những con người không sợ hiểm nguy lo lắng đến lực lượng dự trữ cho chiến đấu lâu dài sau này, nhất là khi xa trung đoàn. Lòng tôi lâng lâng tự hào và giục anh em khẩn trương lên để hành quân tiếp vì đường còn dài lắm. Cũng may lúc đó tôi chưa thốt ra những lời khiển trách nặng nề với Tạo, đỡ cho sự ân hận của tôi sau này mỗi khi gặp lại anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 04:03:19 pm »

        Đoàn xe tiếp tục hành quân, rút kinh nghiệm khi qua cua tay áo, đến các trọng điểm sau chúng tôi chỉ huy từng xe đi qua xong rồi mới hành quân tiếp.

        Sau khi qua được trọng điểm cuối cùng là ngã ba Lằng Khăng, tưởng rằng mọi trắc trở đã hết, không ngờ xe xích đi đầu do ánh sáng của đèn gầm bị hạn chế nên chút nữa thì đâm phải một tảng đá lớn nằm chắn ngang giữa đường. Chúng tôi lại phải làm việc hết 15 phút để làn hòn đá này sang một bên. Lúc này tôi mới thấy hết tác dụng của chiếc xe xích hộ tống, nhờ có nó và mấy sợi dây cáp dự phòng, mấy chiếc xà beng mà chúng tôi đã kéo nó ra vệ đường nhanh chóng.

        Giải quyết xong các khó khăn trên suốt tuyến đường 12, đoàn khí tài mới vượt được gần 20km. Lúc này trời đã rạng sáng, đồng chí dẫn đường báo cáo: "Đến đây là hết các trọng điểm đánh phá của máy bay địch rồi, thủ trưởng có thể cho anh em dừng lại nghỉ tại đây, đợi tối nay hành quân tiếp".

        Tôi hội ý chớp nhoáng trong cán bộ rồi ra lệnh cho sơ tán, ngụy trang kín đáo. Tôi còn đang đứng trên thùng xe xích để quan sát khu vực định sơ tán thì trước mặt tôi chừng 20m, xuất hiện một chiến sĩ đầu đội mũ sắt tay cầm ca và khăn mặt đang đi về phía suối, rồi 2, 3, 4 chiến sĩ nữa xuất hiện. Tôi nhanh chóng đến gặp họ thì mới biết đó là các chiến sĩ pháo cao xạ phòng không 37 ly của Binh trạm 12 bố trí trận địa ở đây. Tối qua trong lúc chờ đợi vượt cổng trời, tôi đã chứng kiến họ nổ súng bắn vào máy bay địch. Họ đánh rất hay, tuy không tiêu diệt được chiếc máy bay nào nhưng cũng đã cảnh cáo chung và chính nhờ có những loạt đạn pháo 37 ly ấy mà các tốp máy bay trinh sát OV- 10 phải bay khá cao không phát hiện được đoàn khí tài chúng tôi, và các đợt đánh phá đường 12 của máy bay cường kích cũng giảm đi so với qui luật đánh phá trước đó mà tôi đã nắm được.

        Tôi cảm ơn họ và bắt tay từng chiến sĩ, đồng thời nhắc anh em sáng nay phải ngụy trang sơ tán thật tốt. Tôi lập tức thay đổi kế hoạch, bằng giá nào cũng phải rời ngay khỏi vị trí này, nếu chậm đến sáng máy bay địch sẽ đánh phá phản ứng vào đơn vị bạn, ta sẽ bị thương vong lớn. Tôi hạ lệnh tiếp tục hành quân.

        Trời sáng rõ dần, nhưng cũng may là có sương mù và từng đám mây trắng vẫn còn lác đác bao phủ ngang sườn núi trên dọc đường mà đoàn xe chúng tôi đi qua 2 chiếc OV-10 bay dọc từ đường 128 sang đường 12, độ cao khoảng 3km, nối đuôi cách nhau khoảng 2km đã xuất hiện phía trước, bên trái đoàn xe chúng tôi. Trời càng sáng rõ tôi đứng ra ngoài cửa ca bin xe xích nhìn đoàn xe nối đuôi nhau lăn bánh phía sau lòng tràn đầy tự hào tin tưởng vào ý chí, quyết tâm của những cán bộ chiến sĩ bộ đội ra-đa anh hùng và nhớ lại câu châm biếm của chiến sĩ ta: "OV-10 chính là OV mù” quả thật không sai. Đoàn khí tài chúng tôi tiến sâu vào khu vực an toàn chừng 5 - 6km thì dừng lại sơ tán nghỉ ngơi.

        Đúng như dự đoán khoảng từ 8 giờ sáng trở đi, nhiều tốp máy bay địch đến đánh bom vào trận địa đơn vị pháo cao xạ đã nổ súng đêm hôm trước, chúng lượn vòng ngay trên đỉnh đầu khu vực mà đoàn chúng tôi đang sơ tán.

        Sau một ngày nghỉ ngơi, 18 giờ ngày 20 tháng 11 năm 1971 đoàn chúng tôi tiếp tục hành quân. Sáng sớm hôm sau chúng tôi đã đến trận địa giữa tiếng hoan hô reo hò của các chiến sĩ hai bộ phận gặp lại nhau. Chiều hôm đó cấp ủy đại đội 20 họp đánh giá kết quả đợt hành quân cơ động và bàn công tác lãnh đạo triển khai chiến đấu.

        Ngày 23 tháng 11 năm 1971 cả 2 đài ra-đa Π10, Π12 đều được triển khai xong, các tham số kỹ thuật đều bảo đảm tốt. Tôi điện báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn. Ngày 25 tháng 11 năm 1971 hai đài đã có lịch mở máy trực ban chiến đấu.

        Sau khi triển khai chiến đấu xong, tôi và đồng chí Diệp còn ở lại đại đội 20 thêm 3 tuần nữa để tìm thêm trận địa dự bị và theo dõi khả năng phát hiện máy bay địch ở trận địa này.

        Ngay phiên mở máy đầu tiên, tôi cũng có mặt bên máy ra đa Π12. Tôi đã chứng kiến kíp trắc thủ của Tạo phát hiện được một tốp 3 chiếc pháo đài bay B-52 ở độ cao 9000m, từ cự ly 270km bay vào phía Tây Quảng Trị. Khi mới phát hiện được chúng, trên các màn hiện sóng của trắc thủ đều không có nhiễu, bay đến cự ly 160km trở vào mới có nhiễu nhẹ. Kíp trắc thủ của Tạo vẫn thông báo liên tục tốp B-52 này về sở chỉ huy các cấp. Tôi rất mừng và thầm nghĩ rằng nếu giờ này đồng chí Quang Bích - Phó tư lệnh Đoàn 559 đang có mặt trong sở chi huy của mình, chắc chắn anh sẽ nhận ra đây là công lao của những "tiền đạo biên" mà anh đã trao nhiệm vụ cách đây không lâu. Đến lượt đài ra-đa Π10 mở máy trực ban cũng phát hiện được một tốp B-52 ở cự ly tương tự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 04:06:05 pm »

        Sáng sớm hôm sau sở chỉ huy trung đoàn điện biểu dương đại đội 20 phát hiện và thông báo chính xác máy bay B-52 vào đánh khu vực đường 9 Nam Lào.

        Qua thông báo của trung đoàn, đại đội 12 đã hành quân an toàn và các đài ra-đa cũng phát hiện được B-52 khá tốt. Nhìn trên tấm bản đồ mang theo tôi rất phấn khởi vì các tốp pháo đài bay B-52 đã bị những con mắt thần của bộ đội ra-đa tóm gọn ngay khi chúng vừa rời khỏi hang ổ trên đất Thái Lan ít phút.

        Ngoài phát hiện pháo đài bay B-52 chính xác, 2 đơn vị này còn phát hiện được các loại máy bay khác, trong đó có loại C130 mà các chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã đặt cho nó cái tên gọi là máy bay "Xin thùng, xin thùng". Loại máy bay này vốn là loại vận tải quân sự được Mỹ cải tiến lắp đặt các máy móc trinh sát điện tử hiện đại, hai bên cánh lắp hỏa tiễn hoặc pháo 40mm, đêm đêm thường bay ở độ cao rất thấp trinh sát dọc tuyến đường vận chuyển của ta. Khi phát hiện được các đoàn xe chở hàng, nó nã pháo và hỏa tiễn. Loại máy bay này lúc mới xuất hiện đã có không ít xe chở hàng của ta bị bắn trúng thùng, nên các chiến sĩ lái xe đặt cho nó cái tên như vậy.

        Nhưng vỏ quít dày đã có móng tay nhọn. Chỉ sau một thời gian ngắn, các chiến sĩ ra-đa của ta đã phát hiện được loại máy bay này và đã thông báo kịp thời, chính xác cho các chiến sĩ phòng không Đoàn 2075 tiêu diệt chúng. Hai chiếc AC130 đã bị bắn rơi tại chỗ, 1 chiếc rơi tại Cam Tha Mé, 1 chiếc khác rơi ở Sa Vắn. Các loại máy bay khác như Thần Sấm, Con Ma, Giặc nhà trời... cũng chịu chung số phận với AC- 130, cùng bỏ xác trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

        Sau khi máy bay AC-130 và các loại máy bay khác bị bắn rơi tại chỗ, hoạt động của không quân địch trên tuyến đường 559 đã giảm hẳn.

        Ngày 11 tháng 12 năm 1971 chúng tôi có điện gọi về trung đoàn. Được tin này cán bộ, chiến sĩ trong đại đội đã truyền cho nhau rất nhanh. Ngươi thì mang đến tặng chúng tôi cái lược, người tặng cái ca làm bằng thép không gỉ từ ống pháo sáng của địch. Có đồng chí còn tặng tôi một cái dù pháo sáng mà anh em nhặt được xung quanh trận địa. Tôi từ chồi thế nào cũng không được. Riêng đài trưởng Tạo tặng tôi một khóm phong lan rất đẹp. Chúng tôi cảm động ôm chặt lấy nhau, chúc nhau mạnh khỏe và thắng lợi.

        Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ chiếc dù pháo sáng làm kỷ niệm. Mỗi khi dùng đến nó tôi lại có dịp nhớ lại những tình cảm tốt đẹp của cán bộ chiến sĩ đại đội 20 đã dành cho tôi trong những năm tháng chiến đấu ác liệt trên đất bạn Lào, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Riêng khóm phong lan tôi đã tặng lại đồng chí Đào Văn Dương - Phó tư lệnh Binh chủng Ra-đa khi vào kiểm tra chiến đấu trung đoàn. Sau này mỗi khi đến thăm đồng chí Dương, tôi vẫn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khóm hoa phong lan này treo trên giàn hoa trước nhà anh.

        Chúng tôi trở về trung đoàn theo đường 12 (con đường mà chúng tôi đã hành quân). Chúng tôi đã chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi nhau vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, có cả đơn vị pháo cao xạ, tăng thiết giáp, bộ binh cơ giới cùng hành quân chi viện cho miền Nam. Đúng là một chiến dịch vận chuyển lớn. Chúng tôi đi nhờ đoàn xe của binh trạm 12 về nước ngay giữa ban ngày. Mãi sau này khi đọc tập hồi ký "Chặng đường mười ngàn ngày" của Thượng tướng Hoàng Cầm, hồi đó anh là đại tá, Ủy viên Quân ủy miền, giữ chức Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, tôi hiểu rõ thêm: Chính mùa khô năm 1971 - 1972 ta đã vận chuyển được hàng trăm ngàn tấn hàng và đã cơ động một số đơn vị chủ lực chi viện cho mặt trận miền Nam, tạo nên những thắng lợi to lớn làm cho địch phải kinh hoàng như chiến thắng Sa Mát - Đường 22 - miền Đông Nam Bộ; Cồn Tiên, Dốc Miếu ở mặt trận Trị - Thiên; Đắc Tô, Tân Canh ở mặt trận Công Tum và sau đó là chiến thắng Lộc Ninh - Nơi đặt tổng hành dinh của Mặt trận dân tộc giai phóng miền Nam Việt Nam.

        Suy nghĩ và nhớ lại, tôi càng tự hào về truyền thống của bộ đội ra-đa, chiến đấu gian khổ, ác liệt, thầm lặng nhưng rất anh hùng, càng thấy chủ trương của trên mở rộng trường ra-đa sang phía Tây Trường Sơn phục vụ giao thông vận chuyển trong thời điểm ấy là rất sáng suốt.

        Hà Nội, tháng 4 năm 1997
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM