Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:33:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu  (Đọc 30197 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:24:08 pm »

        Cuối năm 1965, các đoàn quân sự Triều Tiên, Cu Ba, Ba Lan, Hungari sang ta nghiên cứu và rút kinh nghiệm chiến đấu. Tôi đã giới thiệu với họ kinh nghiệm chọn trận địa ở vùng rừng núi phía Tây này. Đoàn Triều Tiên đã nghe rồi về báo cáo với trong nước nhưng bị chất vấn và cho là khó tin!

        Năm 1967 họ sang lại xin ta đi thực địa để thấy tận mắt. Họ đã đến trạm và thấy rõ mục tiêu ở cự ly 350km trên màn hiện sóng, sau đó về nghe ta phân tích thêm về lý luận mới chịu về nước. Họ khen "Bộ đội ra-đa Việt Nam xứng đáng được Tổ quốc tin cậy".

        Trong chiến tranh chúng ta đã liên tiếp tìm và triển khai nhiều trạm lên cao để khắc phục địa hình rừng núi phía Tây như ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An... Có trận địa đường lên quanh co gần 10km, đưa máy lên dựa vào công sức của công binh và dân quân địa phương, rồi thử ở các điểm cao 500, 700, 1000m và đã phát hiện địch ở cự ly trên 300km. Hay thời kỳ năm 1972 ta đã tận dụng triển khai các loại ra-đa đã cũ (địch không chú ý) cũng như đưa một số trạm ra-đa của Trung đoàn Sông Mã sang phía tây Trường Sơn để mở rộng trường ra-đa phát hiện B-52 trong nhiễu xa hơn, sớm hơn. Có thể nói là cả quá trình chiến tranh chúng ta không ngừng củng cố đội hình tạo thế trận có chiều rộng và chiều sâu, có tuyến xa và tuyến gần thực hiện chiến thuật: "Lấy sau bù trước, hai bên sườn bổ trợ chính diện" để bao vây phát hiện địch từ nhiều phía trong đội hình nhiễu dầy đặc cũng như "lấy thô sơ để khắc phục hiện đại" giành bất ngờ phát hiện địch bảo đảm cho hỏa lực tiêu diệt.

        Nhờ những kinh nghiệm bố trí và sử dụng lực lượng trên mà ra-đa ra đã phát hiện B-52 ngay từ tốp đầu, trận đầu của cuộc tập kích đường không chiến lược của địch vào Hà Nội đêm 18 tháng 12 năm 1972 bảo đảm cho tên lửa ta chủ động bắn rơi B-52 tại chỗ bắt sống giặc lái.

        Sau này khi phải đối phó với không quân địch phía Bắc với những kinh nghiệm sẵn có chúng ta đã nhanh chóng tìm trận địa triển khai đội hình chuyển hướng trường ra-đa kịp thời bảo đảm nhiệm vụ.

        Việc làm sơ đồ trận địa, khả năng phát hiện thực tế của từng đài, ở trận địa là một yêu cầu không thể thiếu được người trắc thủ, đài trưởng đến người chỉ huy đại đội tiểu đoàn, trung đoàn và binh chủng phải nắm vững khả năng thực tế của từng trạm để có thể cắt lịch trực ban hàng ngày cũng như lệnh mở máy khẩn trương khi có tình huống được sát đúng và kịp thời. Khả năng phát hiện của từng đài ở từng trận địa không chỉ làm 1 lần mà phải thường xuyên được trắc thủ và đài trưởng bổ sung qua thực tế chiến đấu. 

        Công tác trận địa là một nội dung rất quan trọng của công tác tham mưu ra-đa nên trong biên chế của cơ quan tham mưu từ binh chủng đến trung đoàn đều có tổ trận địa.

        Quá trình triển khai ra-đa tôi cho đây là một công tác phức tạp khó khăn phải mất nhiều công sức nhất, nhưng chúng ta đã thành công và đã đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm quý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 11:47:09 am »

        
THẾ TRẬN BẮT THẤP CỦA ĐOÀN BA BỂ

BÙI ĐÌNH CƯỜNG                        
Đại tá Nguyên tư lệnh Binh chủng Ra-đa        

        Tháng 8 năm 1965, từ trung đoàn 290 tôi được lệnh ra nhận nhiệm vụ ở trung đoàn 291. Tạm biệt trung đoàn 290 tôi quyến luyến vô cùng. Kể từ lúc đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại đến nay, trung đoàn 290 đã thắng trận đầu và hên tục bám trụ, kiên cường phát sóng cùng quân và dân Khu 4 đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch. Bắt tay tạm biệt mà chân không muốn bước, không muốn rời vùng chiến trường nóng bỏng là quê hương tôi...

        Ngày 30 tháng 8 năm 1965 tôi ra đến sở chỉ huy trung đoàn 291 đóng tại Gia Lâm - Hà Nội. Thú thực, lúc ra nhận nhiệm vụ ở trung đoàn 291 tôi rất lo lắng, nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị rất nặng nề trong khi khả năng và kinh nghiệm của bản thân còn hạn chế. Hơn nữa vùng trời Hà Nội, Hải Phòng, khu vực đồng báng Bắc Bộ đối với tôi lúc này là một chiến trường mới, trong công tác chỉ huy nhất định sẽ có nhiều bỡ ngỡ khó khăn. Nhưng tôi tin rằng trung đoàn 291 sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Đây là trung đoàn đầu tiên của lực lượng ra- đa Việt Nam có đội ngũ vững vàng về chính trị, khả năng chuyên môn tương đối khá và đã trải qua mấy tháng chống chiến tranh phá hoại nên có ít nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Trang bị khí tài của trung đoàn cũng "dồi dào" hơn trung đoàn 290, ở đây Π15 khá nhiều, một điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát hiện máy bay tầng thấp.

        Từ tháng 6 trở lại địch ngày càng tăng cường các loại máy bay tầng thấp, đặc biệt là máy bay không người lái vào trinh sát khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, các khu công nghiệp, các đầu mối giao thông quan trọng. Tiếp đó địch sử dụng chiến thuật bay thấp để tiến hành đánh phá các mục tiêu thuộc khu vực này gây cho ta không ít khó khăn và tổn thất. Muốn đánh bại được chiến thuật bay thấp của địch, trước hết mạng ra-đa phải phát hiện và thông báo được tốt để phục vụ hỏa lực tiêu diệt.

        Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn 291 phải đảm bảo phát hiện chắc chắn tầng thấp, đặc biệt là đối tượng máy bay không người lái, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, các đồng chí thường xuyên đôn đốc động viên và cố gắng tập trung trang bị khí tài cho trung đoàn 291. Nhưng kết quả phát hiện tầng thấp vẫn chưa được đảm bảo. Dường như địch cũng hiểu được điều này nên chúng không ngừng vận dụng chiến thuật bay thấp để tiến hành trinh sát và đánh phá miền Bắc. Phát hiện máy bay tầng thấp đang là một thử thách lớn đối với bộ đội ra-đa chúng tôi hồi đó.

        Từ Nghệ An ra, trước khi về trung đoàn 291 tôi đã lên gặp đồng chí Đặng Tính, chính ủy Quân chủng Phòng không để nhận nhiệm vụ. Đồng chí thông báo tình hình phát hiện tầng thấp của trung đoàn 291 trong thời gian qua. Những khó khăn thuận lợi và nhiệm vụ sắp tới của trung đoàn. Đồng thời dặn tôi phải theo dõi nghiên cứu quy luật hoạt động của địch thật kỹ, nắm thật chắc, thật sâu sát tình tình đơn vị để xây dựng một phương án tác chiến phù hợp, đánh bại được chiến thuật bay thấp của địch. Tôi cứ nhớ mãi buổi giao nhiệm vụ hôm đó, giọng anh nhẹ nhàng ấm ấp, cấp trên giao nhiệm vụ cho cấp dưới mà cứ như một cuộc thảo luận để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng không vì thế mà chúng tôi không quán triệt được tầm quan trọng của nhiệm vụ mà anh thay mặt thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng giao. Tôi hứa với anh sẽ cố gắng cùng toàn đơn vị nâng cao khả năng chiến đấu, đảm bảo phát hiện và thông báo tốt mọi đối tượng mục tiêu, đặc biệt là tầng thấp và máy bay không người lái.

        Ngay sáng hôm sau, mặc dù chưa nhận bàn giao vì đồng chí trung đoàn trưởng Đào Văn Dương còn bận đi công tác vắng, tôi đề nghị họp Đảng ủy trung đoàn. Nội dung chủ yếu của cuộc họp là tiếp tục khẳng định, quán triệt nhiệm vụ bảo đảm thật tốt các mục tiêu bay thấp của trung đoàn. Tìm ra phương hướng và biện pháp khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Đảng ủy đã nghiêm khắc đánh giá kết quả chiến đấu vừa qua là chưa tốt, chưa đảm bảo phục vụ hỏa lực tiêu diệt mục tiêu tầng thấp. Để tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy đã chỉ ra những công tác cần thiết phải hoàn thành trong thời gian trước mắt:

        - Nghiên cứu xây dựng phương án tác chiến, tổ chức đội hình mạng phát hiện máy bay tầng thấp.

        - Xây dựng và cơ động sở chỉ huy trung đoàn về địa điểm mới.

        - Phát động phong trào quần chúng nghiên cứu hiến kế lập công, phát hiện máy bay tầng thấp thật tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 11:51:01 am »

        Sau cuộc họp Đảng ủy trung đoàn tôi dự hội nghị cán bộ trung cao cấp của toàn Quân chủng Phòng không - Không quân. Tại hội nghị này vấn đề đảm bảo phát hiện máy bay tầng thấp được đưa ra như một vấn đề cấp thiết nhất. Các đại biểu dự hội nghị đã khẳng định kết quả phát hiện của ra-đa là điều kiện tiên quyết, là tiền đề cho các lực lượng phòng không của chúng ta đánh thắng được thủ đoạn bay thấp của địch và thẳng thắn trao đổi đóng góp nhiều ý kiến vô cùng sát thực và bổ ích cho chúng tôi. Thay mặt cán bộ chiến sĩ trung đoàn 291 tôi phát biểu:

        - Toàn trung đoàn tôi sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đảm bảo sau 15 ngày sẽ tổ chức thông báo nội bộ và thông báo trên mạng B1 bằng thoại. Sẽ nghiên cứu tổ chức điều chỉnh đội hình, kỹ thuật thao tác phát hiện... đảm bảo sau 1 tháng phát hiện chặt chẽ máy bay tầng thấp, phục vụ đắc lực nhất cho các đơn vị hỏa lực tiêu diệt địch.

        Các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy Quân chủng rất tin tưởng và tỏ ý mong đợi kết quả chiến đấu của trung đoàn chúng tôi. Trên đường từ Quân chủng trở về trung đoàn trong lòng tôi ngổn ngang những suy nghĩ và những dự tính công việc mà sắp tới trung đoàn phải làm, làm thật tốt. Câu hỏi: Làm như thế nào luôn ám ảnh tôi đến nỗi khi đồng chí lái xe nhắc tôi mới biết là đã về đến trung đoàn.

        Muốn đánh bại đối phương trước hết phải hiểu rõ đối phương. Từ phương châm đó, chúng tôi tổ chức nghiên cứu thủ đoạn bay thấp của địch. Sau khi sử dụng chiến thuật bay tầng trung, tầng cao bị thất bại, địch sử dụng chiến thuật bay thấp và đã gây cho ta không ít khó khăn. Qua theo dõi chúng tôi thấy các loại máy bay trinh sát tầng thấp thường đột nhập từ hai hướng:

        - Hướng thứ nhất đột nhập khu vực từ Phát Diệm đến sông Đáy bay qua Ninh Bình, Nam Định, Phủ Lý vào Hà Nội lại chia 2 đường nhỏ. Một đường từ Hà Nội dọc theo đi lên quá Hà Bắc băng qua đường 18 về khu Đông Bắc ra biển, một đường từ Hà Nội dọc theo đường 2 lên Việt Trì - Phú Thọ, vòng về Mộc Châu sang Lào.

        - Hướng thứ hai đột nhập khu vực từ cửa Ba Lạt đến sông Bạch Đằng bay theo trục đường 18 hoặc giữa trục đường 18 hoặc đường 5 qua Hải Phòng - Hà Bắc lại chia thành hải đường nhỏ. Một đường từ Hà bắc dọc về Hà Nội - Phủ Lý - Nam Định và ra biển. Một đường từ Hà Bắc - Vĩnh Phú dọc đường 2 lên Việt Trì - Phú Thọ qua Lào.

        Vì vậy muốn phát hiện được loại mục tiêu này cần phải bố trí một mạng ra-đa ven biển để có thể vươn xa cự ly phát hiện về phía Đông, chủ yếu thuộc khu vực địch thường đột nhập, nói cách khác phải xây dựng một tuyến ra-đa miền duyên hải. Về phía ta, lúc bấy giờ ở khu vực này có các đại đội 23, 25, 19, 46, 24, 28 được trang bị các loại máy Π8, Π1O, Π15, 406. Nhưng thực tế cho thấy chất lượng phát hiện của các đại đội đều chưa tốt. Tại sao lại có tình trạng này? Có nhiều hôm tới 11 - 12 giờ đêm chúng tôi vẫn thức để trao đổi tranh luận với nhau. Cuối cùng chúng tôi thống nhất phải trực tiếp xuống nghiên cứu tại chỗ mới hòng khắc phục được tình trạng này.

        Trước tiên, chúng tôi xuống đại đội 25 đang bố trí ở Tây Ninh - Tiền Hải - Thái Bình. Nghiên cứu vị trí đặt máy, mặt phản xạ chúng tôi thấy vị trí này chỉ phù hợp với phát hiện tầng trung và tầng cao, khả năng phát hiện tầng thấp bị hạn chế. Các đồng chí trợ lý trận địa của trung đoàn cùng cán bộ đại đội 25 đã tìm được ở An Bồi, Tiền Hải một vị trí rất thuận lợi để triển khai trận địa ra-đa có khả năng bắt thấp tốt. Được sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đại đội 25 đã hoàn thành triển khai trận địa mới. Đại đội 25 đóng tại đây sẽ thành một cái chốt rất quan trọng quản lý hướng đột nhập từ cửa Ba Lạt vào nội địa của các loại máy bay tầng thấp, nhất là máy bay không người lái.

        Tiếp đó chúng tôi điều chỉnh trận địa của đại đội 46 từ Ngũ Phúc - Kiến Thụy - Thái Bình về (Minh Tân - Kiến Thụy - Thái Bình) để quản lý cửa Văn Úc - Nam Triều. Đại đội 24 từ nông trường Rạng Đông về Nghĩa Thành - Nam Hà. Đại đội 19 từ Quảng Hùng (Quảng Xương - Thanh Hóa) về Quảng Đông quảng Xương - Thanh Hóa).

        Nhằm tăng cường khả năng phát hiện cho tuyến ra-đa miền duyên hải, ban chỉ huy trung đoàn quyết định tổ chức 4 vọng quan sát ở cửa Đáy, Ba Lạt, Văn Úc, Cát Bà đồng thời đặt một trạm tiếp sức để tiếp nhận tình báo của 4 vọng quan sát này ở núi Gôi - Ninh Bình.

        Để chuyển tiếp hệ thống ra-đa trinh sát từ tiền duyên vào đến nội địa và Hà Nội, được sự đồng ý của cấp trên, trung đoàn chúng tôi tiến hành triển khai và điều chỉnh trận địa một số đại đội. Đại đội 21 ở Thư Tân - Nguyên Lý, Nam Hà, đại đội 27 ở Thuận Thành - Hà Bắc...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 11:53:59 am »

        Sau khi điều chỉnh lại đội hình ra-đa toàn khu vực của trung đoàn phụ trách, khả năng phát hiện, nhất là tầng thấp tăng lên một cách rõ rệt và ngày càng đảm bảo chắc chắn hơn. Tiếp đó tất cả các đại đội đều được trang bí máy Π15, một điều kiện thuận lợi cho trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ quản lý chặt chẽ tầng thấp.

        Khâu phát hiện nhìn chung tạm thời có thể vừa lòng nhưng vấn đề thông báo đang còn nhiều điểm chưa hợp lý ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình hoạt động chiến đấu của toàn đơn vị cần được nhanh chóng cải tiến. Mục đích của sự cải tiến này là nhằm rút gọn lại thời gian thông báo từ lúc các trắc thủ phát hiện được mục tiêu đến khi tình báo này về đến sở chỉ huy và các đơn vị hỏa lực Phát hiện tốt nhưng thông báo chưa tốt, lượng thông tin được thông báo chậm thì giá trị của lượng thông tin này giảm sút, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình hợp đồng chiến đấu giữa ra-đa - hỏa lực. Nhận thức thật sâu sắc điều này, đối chiếu thực tế của trung đoàn trong chúng tôi ai cũng thấy rằng cần phải tìm cách khắc phục khó khăn, cải tiến và nâng cao chất lượng công tác thông báo.

           Được sự đồng ý của cấp trên, Đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn đã quyết định thử nghiệm đại đội 21 thông báo bằng tín sang thông báo bằng thoại. Quy trình thông báo bằng tín có 7 khâu tất cả nhưng chuyển sang thông báo bằng thoại chỉ còn 3 khâu. Thời gian thông báo bằng thoại từ lúc phát hiện đến tổng trạm chỉ hết 60 giây hoặc ít hơn. bên cạnh đó chúng tôi vẫn chủ trương củng cố hệ thống thông báo tín để hoàn chỉnh phương tiện thông tin, thông báo, đảm bảo yêu cầu chiến đấu.

        Thử nghiệm ở đại đội 21 thành công, chúng tôi tiến hành cải tiến đồng loạt toàn trung đoàn. Đã có kết quả tiến lên công tác này nhanh chóng được hoàn thành trong vòng chưa đầy hai tuần lễ. Tôi ngạc nhiên về kết quả này, một thực tế khó cắt nghĩa - Khối lượng công việc khá lớn, nhu cầu vật tư thiết bị rất nhiều, nhân viên kỹ thuật để lắp đặt thiết bị thiếu... và mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về "tốc độ khủng khiếp" này cho dù ngay từ đầu tôi vẫn biết đó là kết quả của những ngày lao động miệt mài, cật lực nhất của toàn thể cán bộ chiến sĩ trung đoàn 291. Khi đã ý thức được giá trị công việc mình làm thì "dời non lấp biển" là một khả năng thực tế đối với bộ đội chúng ta. Chúng tôi thường nói với nhau điều đó.

        Ngay từ hôm mới về nhận nhiệm vụ ở trung đoàn 291 tôi đã nghiên cứu các nghị quyết của Đảng ủy và Thường vụ Đảng ủy trung đoàn. Trong nghị quyết quý 4 có nêu rõ: Tháng 11 phải hoàn thành cơ động cơ sở chỉ huy trung đoàn về địa điểm mới ở Công Hòa, Quốc Oai, Hà Tây.

        Nhưng đã đến thời hạn trên mà sở chỉ huy vẫn chưa bắt đầu di chuyển được - Trong lúc đó địch ngày càng tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc. Máy bay của chúng ngày càng tăng cường trinh sát khu vực Hà Nội. Trong phạm vi trung đoàn muốn đảm bảo chiến đấu trong điều kiện địch mở rộng chiến tranh, liều lĩnh đánh phá Hà Nội, nhất thiết phải triển khai sở chỉ huy ở địa điểm mới như nghị quyết trước đây của Đảng ủy trung đoàn. Thấy vậy, tôi hỏi đồng chí Lê Văn Quất - Phó chính ủy trung đoàn.

        - Đề nghị anh cho biết tình hình xây dựng sở chỉ huy trung đoàn ở Quốc Oai đã tiến hành đến đâu rồi, sắp hoàn thành chưa?

        Đồng chí Quất trả lời:

        - Báo cáo anh đã xây hầm chỉ huy sở.

        Sáng hôm sau chúng tôi đi lên Công Hòa - Quốc Oai thật sớm để kiểm tra cụ thể tình hình công việc. Lên đến nơi, chúng tôi thấy chỉ mới đào được hầm chỉ huy sở rất sơ sài chưa gia cố chống đỡ, nóc hầm lát chưa đảm bảo kỹ thuật và gay cấn nhất là chưa có nguồn điện.

        Thấy tình hình như vậy, tôi rất lo. Vì thế ngay tối hôm đó sau khi về đến trung đoàn, tôi đề nghị họp thường vụ Đảng ủy, chúng tôi thảo luận vấn đề hết sức sâu sắc và nghiêm túc. Về cuối cuộc họp tôi phát biểu:

        Cơ động sở chỉ huy trung đoàn là cần thiết và đã trở nên cấp bách. Đó là công việc phải làm và làm thật khẩn trương. Khó khăn rất nhiều nhưng phải hoàn thành đúng thời gian Quân chủng quy định. Muốn vậy chúng ta phải hết sức phấn đấu đem hết khả năng của trung đoàn để làm việc và phải dựa vào sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước, của chính quyền và nhân dân địa phương.

        Tiếp đó tôi đề nghị đồng chí Trần Doãn Tuyết đi liên hệ nhờ sở điện Hà Nội giúp đỡ kéo nguồn điện từ thị xã Sơn Tây về sở chỉ huy trung đoàn. Hầm chỉ huy sở và nhà của bộ đội sẽ liên hệ nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 11:58:19 am »

        Hôm sau đồng chí Tuyết đi gặp đồng chí giám đốc sở điện Hà Nội. Nghe đồng chí Tuyết trình bày nhiệm vụ và khó khăn của đơn vị, đồng chí giám đốc rất vui vẻ nhận lời triển khai xây dựng đường dây tải điện Sơn Tây - Công Hòa phục vụ trung đoàn 291 chiến đấu. Về sau tôi biết rõ hơn, mặc dù tuyến đường này khá dài (17km) và không có trong kế hoạch xây dựng của cơ quan nhưng với tinh thần tất cả vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, các đồng chí đã đưa ra thảo luận ở Đảng ủy của Sở và việc xây dựng đường dây này đã trở thành quyết nghị của Đảng ủy Sở điện Hà Nội. Điều kiện xây dựng trong chiến tranh hết sức khó khăn nhưng cán bộ công nhân sở điện đã tổ chức thi công hoàn chỉnh công trình này trong vòng 1 tháng vượt chỉ tiêu tiến độ thi công 15 ngày. Trung đoàn thiếu biến thế điện, các đồng chí trong ban giám đốc Sở bàn bạc thảo luận quyết định cung cấp cho trung đoàn để đảm bảo nguồn điện về sở chỉ huy đúng kế hoạch.

        Cùng thời gian đó, được sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Công Hòa, trung đoàn 291 đã hoàn thành hầm chỉ huy sở, nhà ở cho bộ đội... Nhân dân địa phương đã tự nguyện phá ruộng đồng để chúng tôi làm nhà kho, làm bếp...

        Tưởng chừng phải bó tay trước nhưng khó khăn thiếu thơn và sự hẹp hòi của thời gian nhưng trung đoàn 291, cán bộ công nhân Sở điện Hà Nội, nhân dân xã Công Hòa đã làm được những gì mình định làm.

        Tôi còn nhớ, khi thấy bác nông dân đang phá gần hết các ruộng dong chưa đến kỳ thu hoạch, tôi rất ái ngại và rất tiếc khi nhìn thấy hàng đống khoai bỏ đi. Tôi liền ra nói chuyện với bác và tỏ ý lấy làm tiếc, vì nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi mà phải phá bỏ mất nhiều hoa màu, làm phiền đến nhân dân địa phương. Dùng tay đào phá dong, bác nói với tôi:

        - Để phục vụ bộ đội chiến đấu thì 1 ruộng dong chứ 10 ruộng dong chúng tôi cũng không tiếc. Chúng tôi phá là vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích chung, vì lợi ích lâu dài của chúng tôi chứ có phải vì đồng chí hay đơn vị của đồng chí đâu mà đồng chí lo lắng suy nghĩ.

        Nghe vậy, tôi không dám nói gì thêm. Vì lợi ích chung của dân tộc, của cách mạng, trước hy sinh mất mát, con người ta trở nên tỉnh táo hơn, cao thượng hơn và biết coi thường lợi ích cá nhân hơn bao giờ hết. Có lẽ đây là nguồn gốc sức mạnh tinh thần của hàng ngàn năm lịch sử liên tiếp chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm của dân tộc ta.

        Được sự đồng ý của Bộ tư lệnh Quân chủng, chúng tôi tổ chức cơ động sở chỉ huy trung đoàn về địa điểm mới. Cơ động được một thời gian ngắn thì địch bắt đầu leo thang đánh phá Hà Nội. Ngay trận đầu tiên, trung đoàn 291 đã phục vụ các lực lượng phòng không Hà Nội bắn rơi máy bay địch trên bầu trời Thủ đô.

        Thế trận đẹp, khí tài hiện đại, tuy chưa đủ đảm bảo cho thắng lợi của trận đánh nhưng yếu tố con người là yếu tố quyết định sự thắng bại của cuộc chiến. Đó là chân lý và là thực tiễn. Là một cán bộ chỉ huy bất cứ ở chức vụ nào cũng cần phải hiểu điều đó thật sâu sắc và phải vận dụng linh hoạt vào thực thế chiến đấu của mình, nếu không sự khắc nghiệt của chiến tranh cũng sẽ dạy cho ta điều đó với giá đắt không lường trước được.

        Kết hợp với điều chỉnh đội hình, tổ chức trang bị thêm khí tài, cải tiến phương tiện thông tin... trung đoàn 291 phát động phong trào thi đua nghiên cứu phát hiện máy bay tầng thấp đặc biệt là máy bay không người lái. Phong trào thi đua diễn ra hết sức sôi nổi ở khắp các đại đội, các cơ quan toàn trung đoàn. Đại đội 25 là đơn vị đầu tiên của trung đoàn đảm bảo phát hiện tương đối khá mục tiêu tầng thấp và không người lái. Các đồng chí trắc thủ Đỗ Ngoạn, Trần Danh Tuyên đã liên túc bám máy nghiên cứu tìm ra quy trình thao tác hợp lý để phát hiện được các mục tiêu bay thấp kể cả máy bay C130 phóng máy bay không người lái. Qua thực tế chiến đấu mỗi đồng chí có những kinh nghiệm thao tác phát hiện C130 khác nhau. Sau khi xác định được các tốp ở ngoài khơi, đồng chí Đỗ Ngoạn dùng tay quay cơ khí để xác định C130 như đồng chí Trần Danh Tuyên thì vẫn dùng tay quay điện khí để xác định. Về sau các đồng chí trắc thủ này có thể xác định được chắc chắn lúc nào thì máy bay C130 phóng máy bay không người lái vào đất liền. Sau đó các đại đội tổ chức học tập rút kinh nghiệm đảm bảo phát hiện được C130 phóng máy bay không người lái. Trưởng thành từ thực tế chiến đấu ở trung đoàn 291 đã xuất hiện một đội ngũ trắc thủ phát hiện tầng thấp rất xuất sắc. Ở đại đội 46 có đồng chí Nguyễn Văn Giăng, ở đại đội 19 có đồng chí Bùi Tuấn Lý... Trong những trường hợp cần thiết, ở sở chỉ huy trung đoàn chúng tôi vẫn trực tiếp chỉ thị xuống các đại đội đề nghị các đồng chí trắc thủ xuất sắc đó vào trực ban. Gần như trung đoàn trực tiếp chỉ huy các đồng chí "con cưng" này. Để tiện chỉ huy tôi đã bàn với đồng chí Tuyết đặt số cho từng đồng chí một, phiên hiệu như số áo của các cầu thủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 12:00:11 pm »

        Từ chỗ 1 đại đội chỉ có một vài trắc thủ phát hiện thành thạo C130 phóng máy bay không người lái và các loại máy bay bay thấp, chúng tôi đã tổ chức phổ biến kinh nghiệm kèm cặp giúp đỡ nhau, đồng chí phát hiện giỏi giúp đỡ thêm đồng chí phát hiện chưa giỏi. Toàn trung đoàn thực sự trở thành trường học. Quá trình chiến đấu đồng thời là quá trình học tập, rèn luyện "đội tuyển" của chúng tôi ngày càng đông đảo và vững vàng hơn. Vì vậy kết quả phát hiện của chúng tôi ngày một đảm bảo hơn, phục vụ hết sức đắc lực cho các lực lượng phòng không đánh bại chiến thuật bay thấp của không quân Mỹ.

        Đối phó với thủ đoạn bay thấp của không quân Mỹ thực sự là một thử thách quyết liệt đối với các lực lượng phòng không nói chung và bộ đội ra-đa nói riêng. Đó là một cuộc đấu trí căng thẳng trong cuộc đấu một mất một còn đó, trung đoàn 291 đã giành phần thắng, đã khẳng định được phẩm giá và sức mạnh của mình bằng hành động chiến đấu.

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi qua, cái thời kỳ bắt thấp sôi nổi ấy đã cách đây gần 20 năm rồi mà tôi cứ ngỡ như nó mới diễn ra hôm qua... Làm sao tôi có thể quên được những gương mặt thiếu ngủ vì trực suốt 2 - 3 phiên liên tục của các đồng chí trắc thủ để cất sao nhận dạng thành thạo tín hiệu của C130, của các loại mục tiêu bay thấp trên màn hiện sóng, để tìm ra quy trình thao tác hợp lý nhất, có hiệu quả thấp. Cái dáng tất bật lấm lem dầu mỡ của các đồng chí điện công, những bàn tay chiến sĩ - nghệ sĩ của các đồng chí báo vụ, tiêu đồ... và hình ảnh anh công nhân treo mình trên cột điện kéo dây, bác nông dân tự tay phá ruộng dong do chính tay mình trồng ra... Tất cả đã trở thành ký ức không thể nào quên của tôi. Vòng quay ra-đa lặng lẽ, cuộc chiến đấu của chúng ta tưởng như âm thầm đơn điệu. Nhưng thực tế không như vậy. Đó thực sự là một mặt trận vô cùng sôi nổi ác liệt. Đó là sự đụng độ quyết liệt của cuộc chiến tranh điện tử. Giá trị của những vòng quay lặng lẽ là vô tận và cần phải hiểu rằng những vòng quay đó đã được đảm bảo bằng mồ hôi, thậm chí bằng cả sự hy sinh của những người chiến sĩ ra - đa.

        45 năm đã trôi qua kể từ ngày bộ đội ra-đa phát sóng bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Trải qua những năm tháng chiến tranh đội ngũ bộ đội ra-đa đã trưởng thành vượt bậc, trường sóng điện từ của chúng ta đã khép kín bầu trời Tổ quốc. Không một thế lực nào có thể phá hoại được sự bình yên của bầu trời Tổ quốc - đó là điều khẳng định. Dù cho khó khăn gian khổ, thiếu thốn hơn nữa, nhưng nhất định bộ đội ra-đa chúng ta sẽ vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhất nhiệm vụ canh trời Tổ quốc.

        Nhìn lại đội ngũ hôm nay tôi vui sướng vô cùng nhưng cũng không khỏi chạnh lòng thương nhớ những đồng chí vắng mặt. Các anh đã hy sinh vì sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, vì một bầu trời bình yên và cho sự trưởng thành của đội ngũ bộ đội ra-đa ngày nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 12:04:35 pm »

       
ĐƯA RA-ĐA LÊN ĐỈNH TAM ĐẢO

HỨA MẠNH TÀI                               
Đại tá Nguyên tham mưu phó Binh chủng Ra-đa       

        Đó là vào khoảng 6 năm 1964. Vừa đi công tác xa về đến Hà Nội, tôi được điều động làm trung đoàn phó trung đoàn 291 ra-đa, sở chỉ huy đóng ở sân bay Gia Lâm. Một hôm tôi đang trực trong sở chỉ huy thì có điện cho tôi phải lên ngay Tam Đảo để trực tiếp nhận lệnh của Tư lệnh Quân chủng. Tôi nhanh chóng thu xếp hành trang, cũng đơn giản thôi: Hai bộ quân phục để thay đổi, một chiếc vỏ chăn bộ đội, bản đồ khu vực, sổ công tác rồi cùng 1 đồng khí trợ lý lên xe đi luôn. Sau 2 giờ xe chạy tôi đã có mặt ở "cốt 400", khu nghỉ mát Tam Đảo Đúng lúc đó, đồng chí đại tá Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (hồi đó), vừa đi kiểm tra trận địa về, quần còn "xắn móng lợn" mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tôi vừa báo cáo "có mặt" xong, đồng chí đã chỉ thị ngay: "Quân chủng quyết định đưa một đài ra-đa 406 lên đỉnh Tam Đảo. Đường làm gấp để kéo xe lên cao và mặt bằng triển khai trận địa do một trung đoàn công binh cơ giới làm. Cậu có nhiệm vụ hiệp đồng với trung đoàn công binh của cậu Thước - Chính ủy và trực tiếp chỉ huy tổ chức cho đại đội 21 đưa khí tài lên triển khai. Phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và xe máy. Khi kéo máy lên cao phải triển khai đúng vị trí, bảo đảm đầy đủ kỹ thuật cho ra-đa, thực hiện đúng thời gian quy định. Việc kéo khí tài nặng hàng chục tấn lên đỉnh cao 1515 m có nhiều khó khăn vất vả, nhất là điều kiện kéo máy theo đường đất làm gấp, dốc cao, đường trơn, vách đứng, vực sâu lại phải chiếm lĩnh lúc trời mưa, tai nạn dễ xảy ra cho người và xe máy. Nhưng vẫn phải dám làm và làm cho bằng được không được để xảy ra một sơ suất nhỏ nào. Đây là một quyết tâm cao của Quân chủng mà cũng là một thể nghiệm mới về chiến thuật, kỹ thuật mở ra triển vọng bố trí ra-đa để bắt các mục tiêu địch bay thấp và thật thấp của Binh chủng Ra-đa. Cậu cùng anh em đại đội 21 phải hết sức cố gắng. Quân chủng tin tưởng ở các đồng chí. Đã làm việc nhiều năm với anh Tài, tôi hiểu tính anh rất quyết đoán, dám nghĩ dám làm, không ưa "bàn chùn" nhưng rất mực thương yêu chăm lo cho cấp dưới và chiến sĩ của anh. Cộng thêm cái "máu” dám làm, dám nghiên cứu mạo hiểm sẵn có trong tôi, tôi nghiêm trang nói luôn: "Anh yên chí, tôi thay mặt anh em xin nhận lệnh của Quân chủng, chúng tôi sẽ đem hết sức mình, hết kinh nghiệm và sự hiểu biết để cùng anh em bàn bạc, tìm mọi cách tốt nhất để kéo bằng được máy ra-đa lên cao triển khai đúng ý định và đạt mọi yêu cầu của Quân chủng, đúng thời gian quy định. Chỉ đề nghị các anh chi viện mọi mặt giúp đỡ chúng tôi đỡ khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Chuyện làm thế nào để đưa được ra-đa lên ngồi chễm trệ trên đỉnh 1515 Tam Đảo theo đúng lệnh của Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi xin kể lại tỷ mỷ vào một dịp khác. Trong bài này tôi chỉ xin kể một mẩu chuyện "nhỏ" mà lại "to" rất sâu đậm và đã thấm thía vào tâm can tôi và các anh em chiến sĩ đại đội 21, một mẩu chuyện chẳng thể nào quên được.

        Tam Đảo "cốt 400", nơi nghỉ mát "đầy hương vị Âu Tây” xưa kia của thực dân Pháp và lúc này còn hoang vu đổ nát. Đoạn đường chính rải nhựa chạy xuyên giữa khu nghỉ mát đã bị cỏ dại mọc lan kín mặt đường. Mấy ngôi nhà xây cho "Tây đầm" lên nghỉ ở cạnh lề đường giờ chỉ còn là những đống gạch đổ nát. Bể bơi, sân banh cũng chỉ để lại dấu vết hoang tàn lẫn dưới lau sậy um tùm. Bên trên suối nước chảy róc rách ở giữa thị trấn, ta chỉ mới làm được một tòa nhà 2 tầng làm khách sạn cho khách nước ngoài và cán bộ cao cấp lên nghỉ ngơi dăm bữa nửa tháng. Trên một nhánh đường con, dưới tán lá cây cao xanh tốt là một dấy năm sáu ngồi nhà gỗ sàn thấp, mái ngói, vách thưng, ván gỗ đánh véc ni bóng loáng. Mỗi ngôi nhà đều có vườn cây, lối vào rào ngăn và cổng gỗ thấp trông thật xinh xắn, khang trang. Tất cả "những thứ mới xây" ấy nổi bật trên khung cảnh xanh tươi rậm rạp đầy mầu sắc hoang dã của Tam Đảo chưa được tái thiết. Trên dốc cao, về phía Đông Bắc, một bản người Dao với mươi nếp nhà tranh lụp sụp, nền đất, tường "trình" nằm rải rác trên sườn đồi cô quạnh... Lúc này đang mùa thu hoạch xuyên khung, những đống củ rễ cây đen đen phơi đầy sân trước nhà, tỏa mùi hương đầy vị thuốc bắc, thơm lừng hết cả vùng đồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 12:08:56 pm »

        Các chiến sĩ công binh lên làm trận địa sớm chiều đã có xe tải đưa đón về nghỉ ở dưới thấp còn các chiến sĩ đại đội ra-đa 21 do trung úy Lê Tự Do người Nam Bộ làm đại đội trưởng phải bám trụ lại trên "cốt 400" vì lẽ xe máy đã được tập kết ở "sân banh", anh em phải ở lại canh gác xe máy, tranh thủ thời gian bảo quản bảo dưỡng khí tài trước khi đưa lên cao, anh em còn phải lao động trên trận địa và thêm vào đó cũng không có xe để đưa đón anh em đi về. Với một đại đội ra-đa quần số cũng chẳng nhiều nhặn gì, dăm chục anh em chăm sóc và sử dụng hơn 10 xe đại xa chuyên dùng và rơ móc, cùng với máy phát điện, khí tài thông tin và thiết bị sở chỉ huy. Thế là ban ngày chúng tôi thu gọn "đồ lề” xếp vào xe như ở tư thế hành quân, còn anh em lên công trường lao động thì ăn nghỉ tại chỗ. Ban đêm, chúng tôi căng ni lông dải trên dọc đường nhựa trên mấy khoảng đất bằng đã dọn sạch cỏ, lót lau sậy ở dưới dải bạt lên và căng màn nằm núp dưới mái ni lông. Riêng trung đội chỉ huy và ban chỉ huy đại đội mới được dành cho ưu tiên vào nằm ghé ở hàng hiên mấy ngôi nhà gỗ và mấy chỗ đất bằng ở trong vườn. Ấy là đồng chí phụ trách khu nghỉ mát đã rất thông cảm với bộ đội, nhiệt tình và tin tưởng bộ đội mới dám để cho vào khu cấm đó. Còn để cho bộ đội vào hẳn trong mấy ngôi nhà ấy là một điều cấm kị nghiêm ngặt của công tác bảo vệ an toàn. "Cán bộ chiến sĩ ra-đa hoàn toàn thông suốt điều đó và thấy rằng được sắp xếp như vậy là chiếu cố lắm rồi".

        Mới vào hè, thời tiết trên Tam Đảo lúc này thì thật khắc nghiệt: Ngày nắng, đêm mưa! ngày nắng thì nắng gay nắng gắt, làm cho tiết trời vừa oi bức vừa ngột ngạt. Cái nắng cứ hun đốt khí ẩm rồi liên tục phả những làn gió nóng bỏng vào lưng vào mặt chiến sĩ, mồ hôi vã ra ướt đầm rồi phút chốc lưng áo lại khô rang... Đêm thì mưa dầm dề, triền miên rắc từng lớp hạt nước mưa nhỏ lạnh buốt đọng dần trên các tán lá cây và cứ thế rỏ lộp bộp suốt đêm lên mái ni lông. Sương mù dày đặc, gió núi rét căm căm lùa từng cơn, từng cơn vào mọi chỗ hở, mọi khe kẽ chăn chiếu, như dội băng giá, trích những mũi kim lạnh buốt vào chân tay lưng mặt chiến sĩ. Khí ẩm đặc sệt, hơi thở ngột ngạt còn cái rét thì cứ ngấm dần vào trong xương tủy. Có khỏe như trâu cũng khó lòng chợp được mắt...

        Thế rồi buổi tối hôm ấy vào khoảng 9 giờ đêm, tôi đang cuộn tròn trong tấm chăn mỏng, cố chợp mắt để lấy sức cho ngày mai lao động. Một đồng chí chiến sĩ chạy vội đến giường tôi gọi dậy: "Thủ trưởng, dậy ngay để đón một đồng chí lãnh đạo". Tuy còn ngỡ ngàng, tôi cũng vùng ngay dậy, mặc vội chiếc áo đại cán và bước ra ngoài vọng gác. Một người nhỏ nhắn linh lợi đã tiến đến cạnh tôi, theo sau chỉ có một "vệ sĩ", bước đi hoạt bát, nhanh nhẹn mà vẫn ung dung. Đôi mắt sáng ngời, vầng trán cao, khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo và hiền hậu làm tôi nhận ra ngay đó là đồng chí Trường Chinh, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tôi vội rụt chân về đứng nghiêm và định giơ tay chào theo nghi thức quân đội thì đồng chí đã giơ tay ra trước bắt chặt tay tôi. Thật hồn nhiên, gần gũi, đồng chí hỏi luôn tôi:

        - Đồng chí là chỉ huy ở đây phải không?

        - Thưa đồng chí, vâng; tôi là Hứa Mạnh Tài, trung đoàn phó trung đoàn ra-đa 291 của Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi đang chỉ huy một đại đội ra-đa làm nhiệm vụ ở đây.

        - Bộ đội của đồng chí lên Tam Đảo làm gì?

        - Thưa đồng chí, chúng tôi có nhiệm vụ mở đường tổ chức đưa một bộ ra-đa tầm xa lên chiếm lĩnh đỉnh núi Tam Đảo để phục vụ cho chiến đấu phòng không.

        - Ra-đa nặng là thế, lại đưa lên đỉnh cao để bố trí, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này thì thật vất vả.

        - Vâng, nhưng có lên đó ra-đa mới có tầm kiểm soát rộng, mới có thể phát hiện từ xa và bám sát các tốp máy bay địch bay thấp, luồn lách khe núi, triền sông để bất ngờ lẻn vào đánh phá ta.

        - Bộ đội của đồng chí đang làm nhiệm vụ vất vả, nặng nhọc mà ăn ở như thế này thì làm sao giữ được sức khỏe để chiến đấu? Sao không vào trong các nhà kia mà nghỉ?

        - Thưa đồng chí, bộ đội đã có đủ ni lông căng lên che mưa không bị ướt. Còn việc chống rét, như đồng chí đã thấy, từng tổ ba người, tập trung 3 chăn mỏng lại cũng thành chăn dày, cùng đắp. Anh em được nằm bên nhau, ôm lấy nhau, truyền hơi ấm cho nhau, lại có dịp thủ thỉ tâm sự, thì càng ấm mà lại càng vui. Tuy nhiên có một số anh em yếu chịu rét cũng hơi khó ngủ. Còn những ngôi nhà kia, dành riêng để các đồng chí Trung ương nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, chúng tôi hoàn toàn tự nguyện không động chạm đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 12:11:51 pm »

        Đôi mắt của đồng chí như ngưng đọng lại ở xa xăm, sâu thẳm và bỗng thốt lên:

        - Nhà của Đảng là nhà của dân, bộ đội là con em của Đảng của dân, vì nhân dân chiến đấu mà phải chịu đựng vất vả, rét mướt như thế này, thì trong khi nhà chưa dùng đến anh em hoàn toàn xứng đáng được sử dụng những ngôi nhà ấy để giữ sức khỏe mới phải lẽ chứ!

        Xưa nay đồng chí vẫn là một con người thật điềm đạm, thận trọng. Đồng chí không nói gì thêm mà chỉ bảo tôi dẫn đi thăm từng chỗ nằm ngủ của chiến sĩ, cũng không cho tôi đánh thức anh em dậy để chào đón người lãnh tụ thân yêu. Rồi tôi đưa tiễn đồng chí về đến cửa nhà khách của Trung ương. Chia tay với tôi, đồng chí chỉ dặn dò một câu:

        - Vì chiến đấu cho dân tộc, chiến sĩ của ta đã phải chịu đựng mọi gian lao vất vả, người chỉ huy phải biết yêu thương sâu sắc và hết lòng chăm lo cho anh em.

        Về đến chỗ nghỉ mà tôi vẫn không hết bồi hồi xúc động. Văng vẳng bên tai tôi là lời khuyên ân cần của đồng chí... Sáng hôm sau, trong khi tôi còn đang tíu tít cùng anh em chuẩn bị để lên núi lao động, thì đồng chí phụ trách khu nghỉ mát cùng 2 nhân viên đến gặp tôi. Đồng chí hỏi han tình hình lao động và ăn ở của bộ đội rồi niềm nở nói:

        - "Anh em vất vả quá, mời đồng chí cho anh em thu xếp dọn đồ đạc vào trong tất cả các ngôi nhà dành cho Trung ương để ăn nghỉ, cốt nhất là giữ gìn trật tự vệ sinh và an toàn cho tốt. Có điều kiện nghỉ ngơi tốt, bộ đội mới giữ được sức khỏe để lao động và chiến đấu tốt. Riêng nhà khách còn đang bận tiếp đón khách nước ngoài mới lên. Buổi trưa và chiều tối, căng tin nhà khách sẽ mở cửa để phục vụ tất cả anh em bộ đội. Các đồng chí có thể ăn phở, cháo, bánh mỹ nóng hoặc mua bánh kẹo và các loại thuốc lá... tùy thích".

        Chúng tôi vừa vui mừng vừa xúc động, vội đáp ứng ngay lời mời mọc ân cần đó. Sau đó tiếp tục lên núi lao động. Không khí làm việc của anh em lúc này khác hẳn: Vui vẻ hồ hởi, hăng say, phấn chấn như vừa mới được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Anh em vừa làm việc vừa suy tư. Năng suất vượt xa các ngày trước nhiều... Cũng từ hôm đó, sau một ngày lao động cực nhọc, các chiến sĩ ra-đa được trở về nghỉ ngơi trong những ngôi nhà ấm cúng ấy, được che trở đùm bọc chống sương đêm và mưa gió rét, được ngủ đẫy giấc, sức khỏe của anh em tăng lên trông thấy. Con số người ốm mệt phải nghỉ lao động tụt xuống ở mức bằng số không. Việc làm đường và kiến trúc trận địa được đẩy nhanh với tốc độ cao nhất...

        Sau 2 tuần lao động khẩn trương, anh em công binh đã hoàn thành khai phá xong con đường làm gấp lên đỉnh Tam Đảo và mặt bằng triển khai khí tài. Còn chúng tôi đã nghiên cứu cách "đấu kéo" lực tổng hợp đưa được khối xe máy ra-đa nặng trên 12 tấn lên chiếm lĩnh trận địa an toàn tuyệt đối vào một buổi chiều đẹp nắng quang mây. Lập tức các khí tài được triển khai nhanh chóng chính xác, đạt đủ các tham số kỹ thuật, trong sự hân hoan reo vui của cả anh em công binh và ra-đa. Trong buổi mở máy đầu tiên, toàn bộ khu đồng bằng Bắc Bộ và cả vùng bờ biển Đông đã nằm gọn trong "cánh sóng quét" của ra-đa! Cũng ngay trong phiên trực ban đó, tuy chưa có máy bay địch bay thấp vào đánh phá, nhưng ra-đa đã phát hiện 3 tầu chiến địch xâm phạm vùng biển Nghệ An - Quảng Bình, cách bờ 40km. "Tình báo" về tàu chiến địch xâm phạm hải phận lập tức được truyền về sở chỉ huy trung tâm phòng không, để thông báo cho hải quân ta và lực lượng vũ trang ven biển xử lý.

        Ra quân lên chiếm lĩnh đỉnh núi cao trận đầu thắng lợi làm cán bộ chiến sĩ ra-đa chúng tôi nức lòng phấn khởi và tin tưởng.

        Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về trung đoàn, tôi đã kể lại câu chuyện thú vị này cho đồng chí trung đoàn trưởng của tôi nghe. Đó là trung tá Đào Văn Dương sau này là đại tá tư lệnh Binh chủng Ra-đa. Sau khi nghe tôi kể xong, vốn là một con người vui tính yêu đời, mộc mạc chân thành với bạn bè, đồng chí Đào Văn Dương "tán" luôn:

        - Các cậu sướng thật! Như vậy các cậu đã được là "khách quý" của Bộ Chính trị rồi đó!

        - Chứ sao!

        Nhìn nhau, thông cảm sâu sắc, chúng tôi cùng cất tiếng cười vang, thật sảng khoái.

Tháng 6 năm 1996       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 12:16:59 pm »

        
VƯƠN TỚI NHỮNG TẦM CAO

NGUYỄN KIM THIỆU                              
Đại tá - Nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 292        

        Mùa thu 1964 này Tây Bắc thường có những cơn mưa rào, có lúc chỉ ào qua, có lúc ầm ầm như để trút hết sự hờn giận của nó. Cạnh quốc lộ số 6, dưới một chân đồi choãi ra cách thị xã Sơn La 8 km là nơi đóng quân của Đoàn bộ Tô Hiệu. Nước trên đồi đua nhau đổ xuống, xói lở từng mảng đất màu, cuốn đi. Tôi giũ giũ chiếc áo mưa rồi bước vào phòng giao ban. Các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy có mặt đông đủ. Tôi hỏi anh Mỹ:

        - Thế nào anh đi họp về có gì mới không?

        - Nhiều lắm. Có lẽ ta bàn luôn - Anh Mỹ trả lời.

        Và thế là sau chén nước chè đặc chúng tôi ngồi nghe anh Mỹ - Bí thư Đảng ủy phổ biến nghị quyết Đảng ủy Quân chủng mà anh vừa đi họp về và bàn những vấn đề cấp bách của trung đoàn giai đoạn sắp tới. Những nhiệm vụ được đề cập là:

        - Bổ sung, điều chỉnh phương án tác chiến của trung đoàn tiến hành triển khai, luyện tập theo phương án để kịp thời đối phó với các tình huống phức tạp, thích ứng với tình hình nhiệm vụ.

        - Khẩn trương làm công sự cho người và máy.

        - Kiện toàn lực lượng, sắp xếp lại các thành phần chủ yếu. Tổ chức huấn luyện nâng cao chất lượng để đáp ứng tình hình.

        - Công tác hậu cần kỹ thuật phải chuyển biến, nhất là lực lượng dự trữ đề phòng chiến tranh xảy ra, giao thông bế tắc sẽ ảnh hưởng đến sức chiến đấu của bộ đội.

        Như vậy, nhiệm vụ lúc này là phải chuyển hướng mạnh mẽ từ thời bình sang thời chiến. Tăng cường sức chiến đấu về mọi mặt của trung đoàn đảm bảo phát hiện xa, thông báo nhanh không để bị bất ngờ, phục vụ đắc lực cho cao xạ và máy bay ta chiến đấu thắng lợi, trở về an toàn.

        Hội nghị lần này chúng tôi gọi là một hội nghị đặc biệt. Anh em thường nói vui là một hội nghị có "tầm cỡ” của Đảng ủy trung đoàn từ trước tới nay.

        Đúng vậy cho đến bây giờ ngẫm lại, tôi mới thấy nó càng có giá trị biết bao, càng thấy Đảng ta sáng suốt, nắm chặt địch từng bước để kịp thời đập tan những âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của chúng. Riêng chúng tôi những chiến sĩ canh trời ở miền Tây Tổ quốc được cấp trên giao phó, thì nhiệm vụ của mình rồi đây phải làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu đó.

        Đó là một ngày mùa thu, những cây ban trong rừng trụi lá. Những cơn mưa rào đổ xuống để lộ một vùng trời trong xanh, cao vợi. Tất cả như nhắc chúng tôi - Một chặng đường mới bắt đầu.

        Tây Bắc là một chiến trường rừng núi hiểm trở, phức tạp, cả chiều rộng và chiều sâu. Với chiều sâu gần 200km không quân địch rất có điều kiện triển khai đội hình và thực hiện các thủ đoạn chiến thuật. Cự ly tiếp cận từ biên giới tới các mục tiêu trung tâm về quân sự, chính trị, kinh tế mà trung đoàn bảo vệ rất gần. Tây Bắc còn là cái cầu nổi liền giữa hậu phương lớn và chiến trường bạn Lào. Có các tuyến giao thông chính quan trọng, đặc biệt là đường số 6 mà địch sẽ "dòm ngó" trước.

        Mặt khác, Tây Bắc là vùng đất có thời tiết khí hậu thay đổi thất thường, độ ẩm cao, có lúc lên tới 80 – 90%. Nhiệt độ về mùa đông có lúc xuống dưới 0ºC ảnh hưởng rất lớn đến tham số kỹ thuật của khí tài. Mùa nước lũ đến, giao thông đi lại khó khăn về dự trữ cơ số chiến đấu và đảm bảo hậu cần cũng là vấn đề mà người chỉ huy phải dự tính trước.

        Chính vì Tây Bắc có điều kiện tự nhiên phức tạp như vậy nên việc bố trí ra-đa trên rừng núi khó đảm bảo yêu cầu chiến thuật. Sóng cố định nhiều, khó phát hiện mục tiêu, mặt phản xạ kém, cánh sóng khó vươn xa. Đây là sự ngụy trang của tự nhiên mà địch có thể lợi dụng để đột nhập vào nội địa ta một cách an toàn.

        Vì vậy cũng như nhận định của cấp trên, chúng tôi khẳng định rằng: Tây Bắc là con đường dễ đi nhất để đánh vào Hà Nội của địch. Cho nên muốn vào Hà Nội, địch phải dọn đường trước. Thực tế này, trong bốn năm chiến tranh phá hoại, tỷ lệ địch bay vào Hà Nội chiếm 70% so với các hướng càng chứng minh cho vị trị Tây Bắc là chiến trường hết sức xung yếu.

        Thế mà lúc này có người cho rằng Tây Bắc chỉ là hậu phương. Không - Tây Bắc là cửa ngõ của Hà Nội.

        Trong các hội nghị của thường vụ Đảng ủy những năm trước đây và đặc biệt hội nghị ngày 25 tháng 8 năm 1964 chúng tôi đưa vấn đề này ra thảo luận, làm sao thống nhất trong chỉ huy, lãnh đạo và ở đơn vị cơ sở, thấu suốt nhiệm vụ sắp tới kể cả cán bộ, chiến sĩ. Gạt bỏ những ý nghĩ chủ quan, không coi trọng công tác huấn luyện và chuẩn bị mọi mặt. Phải thấy được vị trí quan trọng mà trung đoàn đảm nhận. Là cửa ngõ của Hà Nội thì phải làm sao, bất cứ giá nào cũng không để bọn "quạ Mỹ" bay qua mà không phát hiện được. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, nhất là giải quyết khâu trận địa làm sao bố trí một cách hợp lý nhất để không có một mảng trời xanh nào mà cánh sóng của ta không vươn tới được. Mạng ra-đa phải hoàn chỉnh, có cả chiều nông và chiều sâu. Quản lý được các tầng cao, trung, thấp, bắt các mục tiêu từ xa khi chúng chưa bay vào nội địa.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM