Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:45:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25687 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:04:25 am »


        Làm chủ nhiệm đề tài chiến lược: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh nhân dân để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

        Thời kỳ này theo quyết định của Hội đồng khoa học Nhà nước, Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường quyết định giao cho các Bộ làm để tài khoa học cấp Nhà nước, trong đó Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ được giao một chương trình nghiên cứu “Chiến lược quốc phòng an ninh”, do đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Chủ nhiệm chương trình, đồng chí Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Đỗ Trình, Trung tướng Bộ Nội vụ Dương Thông - Trưởng ban nghiên cứu chiến lược nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Bộ Nội vụ trong Ban Chủ nhiệm chương trình. Trong “chương trình khoa học” này, có 15 đề tài được Bộ Quốc phòng phân chia cho Bộ Tổng tham mưu và các Cục cử cán bộ nghiên cứu. Cục Tác chiến được phân công 3 đề tài (xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh nhân dân - chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến - Chiến lược bảo vệ biển và quần đảo kết hợp với kinh tế biển...). Theo ý kiến của đồng chí Nguyễn Thới Bưng và đồng chí Vũ Cao giao cho tôi làm Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” ký hiệu là “KX09-07”. Còn 2 đề tài khác do Cục phó Nguyễn Văn Ninh, và đồng chí Trí, Trưởng phòng kế hoạch làm Chủ nhiệm đề tài.

        Trong bản quyết định danh sách các chủ nhiệm đề tài của chương trình khoa học, do Bộ trưởng Đoàn Khuê ký, thì tôi là Chủ nhiệm đề tài trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thịnh (sau là Thiếu tướng) Cục trưởng Cục Tham mưu tổng hợp Bộ Nội vụ làm Phó chủ nhiệm đề tài.

        Trong Ban chủ nhiệm đề tài KX09-07 có đồng chí Đại tá Nguyễn Tự Lạc làm thư ký đề tài và đề tài này còn có 5 đề tài nhánh là:

        - Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, do đồng chí Phó tiến sĩ Đại tá Trần Độ, Cục Khoa học quân sự phụ trách.

        - Xây dựng thế trận an ninh nhân dân, do đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh.

        - Phân vùng chiến lược do Thiếu tướng Phú Chút phụ trách.

        - Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành) do Đại tá Hoàng Xuân Lâm, Phó chủ nhiệm khoa Quân sự địa phương Học viện Quân sự cấp cao (sau này là viện phó Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng) phụ trách.

        - Xây dựng hậu phương chiến lược, do Đại tá Giang Hà phụ trách (sau này là Trưởng ban tổng kết Bộ Tổng Tham mưu).

        Đề tài được nghiên cứu biên soạn trong 2 năm, qua 3 cấp hội đồng khoa học nghiệm thu (Hội đồng khoa học của Ban Chủ nhiệm chương trình KX09, Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng và Hội đồng khoa học Nhà nước).

        Năm 1994, Hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu đề tài có 11 đồng chí, do đồng chí Lê Minh Hương là Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm chủ nhiệm Hội đồng. Trong Hội đồng còn có các đồng chí Đặng Hữu - Bộ trưởng và một đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, đồng chí Nguyễn Thới Bưng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đặng Quân Thụy - Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự, Thượng tướng Nguyễn Hữu An - Giám đốc Học viện cao cấp làm phản biện 1, một đồng chí Giám đốc Học viện công an Bộ Nội vụ làm phản biện 2. Trung tướng Dương Thông - Phó Tổng Cục trưởng An ninh Bộ Nội vụ, đồng chí... PTS chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Trung tướng Đỗ Trình - ủy viên Hội đồng kiêm Tổng thư ký. Ngoài ra còn một số khách mời, như đồng chí Giáo sư Đỗ Nguyên Phương - Phó giám đốc Học viện chính trị quốc gia (sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế), đồng chí Đoàn Chương - Viện phó Viện Chiến lược quân sự, v.v...

        Sau khi tôi (Chủ nhiệm đề tài KX09-07) báo cáo tóm tắt đề tài, các phản biện 1, 2 và các đồng chí trong Hội đồng chất vấn, tôi đã trả lời bảo vệ luận án. Hội đồng họp riêng bỏ phiếu kín đề tài đạt tiêu chuẩn “xuất sắc” với 100 phần trăm số phiếu bầu.

        Đó là một thành công của tập thể Ban nghiên cứu đề tài khoa học “Cấp nhà nước KX09-07” của chúng tôi, có sự chỉ đạo nghiên cứu của Ban chủ nhiệm chương trình chiến lược quốc phòng an ninh “KX09”, sự giúp đỡ góp ý kiến của các đơn vị cơ sở (thủ trưởng và cán bộ Cục Tác chiến và Cục Tham mưu tổng hợp Bộ Nội vụ).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:07:23 am »


        Trở lại làm công tác tổng kết của Bộ tổng tham mưu

        Sau khi hoàn thành nghiên cứu chương trình khoa học cấp Nhà nước “KX09-07” theo chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng Đoàn Khuê và đồng chí Tổng tham mưu phó Nguyễn Thế Bôn phụ trách Tổng kết Bộ Tổng tham mưu (lúc này thay đồng chí Lê Ngọc Hiền nghỉ hưu), tôi và Thiếu tướng Hoàng Dũng nguyên Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu giúp đồng chí Đại tá Giang Hà (lúc này thay đồng chí Phan Văn Cẩn - Trưởng ban Tổng kết lịch sử Bộ Tổng tham mưu nghỉ hưu) làm Chủ nhiệm Ban biên soạn đề tài “Tổng kết Bộ Tổng tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

        Thừa hưởng sự nghiệp của các đồng chí phụ trách tổng kết cũ (đồng chí Lê Ngọc Hiền - Phi Long - Phan Văn Cẩn) và tập thể cán bộ trong Ban tổng kết Bộ Tổng tham mưu, được sự chỉ đạo chặt chẽ của đồng chí Văn Tiến Dũng, dựa vào tài liệu dự thảo tổng kết lần thứ nhất, sau một năm biên soạn bổ sung, cuối cùng tài liệu đã được tập thể các thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu (các đồng chí Văn Tiến Dũng, Đoàn Khuê, Phạm Văn Trà, Nguyễn Trọng Xuyên, Trần Hanh, Lê Ngọc Hiền, Nguyễn Thế Bôn, Đỗ Đức, Phan Hàm, Cao Pha - nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự) và một số thủ trướng các Cục đương chức thông qua, nghiệm thu đề tài.

        Sau đó, Ban tổng kết lịch sử Bộ Tổng Tham mưu tu chỉnh tài liệu, in phát hành gửi các quân khu, quân đoàn, binh chủng, các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, làm tài liệu nghiên cứu tham khảo để làm tổng kết công tác tham mưu cấp mình.

        Tham gia tổng kết Bộ Tổng tham mưu trong 25 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 -2000)

        Sau khi hoàn thành tài liệu “Tổng kết Bộ Tổng Tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, theo quyết định của đồng chí Trần Hanh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi và đồng chí Nguyễn Tự Lạc lại có nhiệm vụ giúp đồng chí Giang Hà (Trưởng Ban Tổng kết Bộ tổng tham mưu) tiếp tục làm “Tổng kết Bộ Tổng tham mưu trong 25 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

        Viết dự thảo lần thứ nhất xong, in thành 2 tập.

        Đầu năm 1999, Thủ trưởng Bộ do đồng chí Thiếu tướng Trần Công Thìn, Phó Tổng tham mưu trưởng (phụ trách nội bộ và tổng kết) chủ trì mời một số cán bộ cao cấp phía Nam (các đồng chí Nguyễn Thới Bưng, Hoàng Cầm, Phan Hàm, Lê Phi Long, Khiếu Anh Lân, Minh Long, Mai Xuân Tần, Đoàn Huyên, Lê Nam Phong, Hoàng Dũng,...) tham dự và góp ý kiến.

        Sau cuộc họp lấy ý kiến của các cán bộ cao cấp phía Nam, giữa năm 1999, Thủ trưởng Bộ lại tổ chức họp ở Trạm 66 (Hà Nội) mời các Thủ trưởng Bộ cũ (đồng chí Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Lê Ngọc Hiền.

        Đỗ Đức, Nguyễn Thế Bôn), Nguyễn Đình Ước - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự; các thủ trưởng cũ của Cục Tác chiến Lê Hữu Đức, Vũ Cao, Đồng Thoại, Nguyễn Văn Ninh, Phú Chút, Tổng cục phó Tổng cục 2, các Thủ trưởng các Cục đương chức và các đồng chí trong Ban tổng kết Bộ Tổng Tham mưu do Thiếu tướng Trần Công Thìn Phó Tổng tham mưu trưởng chủ trì để tham gia ý kiến vào tài liệu tổng kết.

        Sau khi đã được hai cuộc họp cán bộ cấp cao ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội tham gia ý kiến vào bản thảo lần 2, về “Tổng kết Bộ Tổng Tham mưu trong 25 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, tài liệu này đã được Ban Tổng kết lịch sử Bộ Tổng Tham mưu tu chỉnh lại; Tổng tham mưu trưởng đã thông qua và phát hành vào năm 2001.

        Tôi về nghỉ hưu năm 1998, lại được Chủ tịch nước (gửi vào Thành phố) tặng thêm một Huân chương Độc lập hạng nhì.

        Từ đó đến nay, tôi trở lại cuộc sống đời thường, tham gia tích cực, là một thành viên trong Chi hội Cựu chiến binh (Chi hội 2) và là một đảng viên trong chi bộ A2 thuộc Đảng bộ phường Đakao - Quận 1 và đến năm 2007, tôi chuyển sang cư trú ở phường 4 - Quận Tân Bình - Thành phố Hồ Chí Minh.

        Thế là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một quân nhân trong 55 năm phục vụ Quân đội (1/9/1945 - cuối năm 1998), hoàn thành trách nhiệm một đảng viên Cộng sản Việt Nam trong hơn 60 năm phấn đấu trong hàng ngũ Đảng (2/1947 đến tháng 2 năm 2007), được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của Ban Tổ chức Trung ương.

        Bây giờ là một “công dân” trong cuộc sống “đời thường” tôi nguyện tiếp tục giữ vững truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, bản chất người đảng viên cộng sản trong những năm còn lại của cuộc đời. Cuộc đời còn có thể kéo dài, ngoài 80! Như nhiều đồng chí khác; phải cố gắng rèn luyện sức khỏe, để kéo dài tuổi thọ hơn nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:09:25 am »

         
Đôi điều suy gẫm

        Qua hơn nửa thế kỷ phục vụ quân đội, từ người lính trở thành cán bộ chỉ huy, khi ở đơn vị chiến đấu, khi ở cơ quan tham mưu, biết bao việc làm đúng, có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những khuyết điểm. Nay hồi tưởng lại, không thể nào nhớ hết. Suy ngẫm qua cuộc đời bộ đội tôi rút ra vài điều sau đây:

        1 - Quán triệt đường lối nghị quyết của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn, mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình

        Có thể có người nói: “Đó là nguyên tắc muôn thuở!”. Tôi suy ngẫm qua cuộc đời bộ đội của mình, viết điều đó lên hàng đầu. Vì với bản thân, ôn lại qua hơn 55 năm, những việc gì mình đã làm đúng, làm nên việc, cũng là nhờ nắm được điều đó. Ngược lại là phạm sai lầm.

        Tôi rất tâm đắc lời kết luận trong cuốn hồi ức “Niềm tin và lẽ sống” của Trung tướng Nguyễn Đệ (Ba Trung) nguyên Tư lệnh Quân khu 9 (trang 468) viết:

        “Niềm tin tạo nên lẽ sống và lẽ sống là kết quả tất yếu của niềm tin với Đảng anh minh...”.

        Tin ở Đảng, quán triệt các đường lối, chấp hành đúng đắn các nghị quyết của Đảng, là “lẽ sống”, là kim chỉ nam hành động, trong cuộc sống chiến đấu của mình...”.

        Tôi đọc cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, thấy ở trang 357 chương X (Những “dòng suy ngẫm” đầu tiên mà đồng chí nêu lên là chân lý tất yếu:

        “Kiên định mục tiêu cách mạng, vận dụng thế giới quan, quan điểm thực tiễn, phương pháp luận Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là bài học mang tính cách mạng và khoa học, có ý nghĩa to lớn của học thuyết quân sự việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh. Làm đúng theo bài học đó thì thành công.

        Không làm theo bài học đó thì sai lầm, thất bại...”.

        Ở tầm vĩ mô đồng chí Võ Nguyên Giáp tổng kết về chiến lược, thì đó cũng là bài học quan trọng nhất, sâu sắc nhất!

        Ở một con người, một đảng viên, trong cuộc đời quân ngũ của tôi, từ chiến sĩ, tiểu đội trưởng tự vệ, hoạt động trong Đoàn thanh niên Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, trước khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, cho đến khi gia nhập Đảng, trưởng thành từ người cán bộ cấp thấp lên cao, thì điều đó cũng là điều suy ngẫm đầu tiên của tôi.

        Hơn 60 năm qua, cách mạng Việt Nam đã phát triển qua nhiều giai đoạn, Quân đội nhân dân Việt Nam đã qua các cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo của Đảng bên cạnh sự phát triển, thuận lợi cũng có bước thăng trầm gặp khó khăn. Khi chuyển chiến lược qua từng giai đoạn hay thực hiện đường lối “đổi mới” Đảng ta đều có các nghị quyết, chính sách thích ứng đối với từng thời kỳ.

        Tổ chức hay cá nhân, ở bất cứ cương vị nào, trong bất cứ thời kỳ nào, tình huống nào, khi thực thi nhiệm vụ nào cũng phải nắm vững điều đó!

        Nắm vững và vận dụng lại phải theo quan điểm “lịch sử, thực tiễn và phát triển”.

        Có những chủ trương và việc làm phù hợp với yêu cầu thực tiễn tình hình hiện tại; nhưng có thể không phù hợp và chưa thể làm, căn cứ vào tình hình khách quan lịch sử của quá khứ. Những chủ trương việc làm hiện tại, nhưng sau này tình hình phát triển, cũng có thể phải bổ sung thay đổi. Tính “phủ định tất cả!?” là sai, nhưng “bảo thủ giữ mãi” cũng là không đúng!

        Muốn nắm vững và vận dụng chủ trương chính sách của Đảng, phải ra sức học tập, học tập mãi. Học tập lý luận trên sách vở, lại phải học tập trong công tác thực tế, trong chiến đấu thực tế. Muốn trưởng thành, tiến lên là phải học tập không ngừng.

        Phải “tự học”, học cái hay của những người xung quanh mình, của thủ trưởng cấp trên và học tập kinh nghiệm các nước bạn. “Tự học”, tự rèn luyện mình là rất quan trọng. Ngoài việc tự nghiên cứu sách vở, báo chí, phải tự rút kinh nghiệm việc làm thực tế của mình, việc nào làm đúng, việc nào làm sai, để dần dần bớt việc làm sai và làm nhiều việc đúng.

        Học những cái hay của những người xung quanh, của Thủ trưởng cấp trên, cả về tri thức, cả về đạo đức, tác phong. Phải học tập những kinh nghiệm của bạn, nhưng với tinh thần độc lập, tự chủ, vận dụng sát vào hoàn cảnh thực tiễn của đất nước mình, tránh máy móc dập khuôn.

        Như lời dạy của Bác Hồ (tháng 4/1958, trong lễ bế mạc khóa 10 Trường Sĩ quan Lục quân): “... Cần mạnh dạn áp dụng những điều đã học được, nhưng phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta, chớ giáo điều, chớ máy móc...”.

        Học lý luận kết hợp với tổng kết thực tiễn để không ngừng nâng cao trình độ lý luận và khả năng công tác thực tiễn của mình...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:13:42 am »


        2- Quan hệ đoàn kết với mọi người để sống thanh thản, hòa hợp trong mọi hoàn cảnh, môi trường, hoàn thành mọi nhiệm vụ!

        Hồ Chủ tịch đã dạy:

        “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

        Thành công, thành công, đại thành công”.


        Đó là đức tính cao đẹp nhất của Bác Hồ và cũng là kim chỉ nam vạch ra mọi chính sách, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tạo nên sức mạnh vĩ đại để hoàn thành mọi nhiệm vụ Cách mạng. Bác Hồ là “biểu tượng” của sự đoàn kết các tầng lớp, các dân tộc, của toàn dân, và quốc tế.

        Sự nghiệp cách mạng nói chung, “Đoàn kết” là yếu tố cơ bản để giành thắng lợi. Một con người cũng vậy:

        Không đoàn kết thì chẳng làm nên việc gì.

        Quan hệ trong xã hội cũng vậy: “Người với người là bạn”.

        Quan hệ trong nội bộ Đảng: “Phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

        Quan hệ trong gia đình: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

        Muốn đoàn kết được với mọi người, trong mọi hoàn cánh, thì trước hết bản thân phải có lòng chân thành, có tính vị tha, có thái độ khiêm tốn, kiên trì, nhiệt tình, cởi mở.

        Quan hệ trong xã hội: “Người với người là bạn”; nhưng khi những con người ấy đã thành “kẻ thù của nhân dân”, thì không còn là bạn nữa, Khi kẻ thù đó không còn hành động thù oán gì với nhân dân, thì ta có thể hợp tác như là “bạn”. “Ta đánh kẻ chạy đi, không bao giờ đánh kẻ chạy lại với ta...”.

        “Quan hệ cá nhân với đồng chí, đồng đội” là đoàn kết gắn bó cùng mục tiêu lý tưởng, thành thực, nhưng không thành kiến.

        Có người nhấn mạnh: “Đoàn kết nhưng phải đấu tranh”, không nên “dĩ hòa vi quý”. Nhưng không nên “Đấu tranh bằng đao to búa lớn”, mà đấu tranh phải có lý có tình, bảo vệ chân lý, giữ vững nguyên tắc, nhưng có thể bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt thì “dĩ hòa vi quý” cũng là điều đúng.

        Sống với nhau có “nhân tâm”, có “tình nghĩa”:

        “Chữ “tâm” quý báu hơn vàng.

        Có “tình”, nhớ mãi hàng ngàn năm sau”.


        Có người vì lý do gì đấy, mà thành kiến với mình, nói nặng lời với mình, thậm chí căm ghét mình, thì cũng không nên vì thế mà “trả thù” lại, hoặc lánh né xa đi.

        Tôi không tán đồng ý kiến của đồng chí T... trong bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 30 tháng 7 năm 2000 có câu:

        “Dao đâm có lúc lành thương tích

         Lời nói đâm nhau hận suốt đời...”


         Tất nhiên lời nói “đâm nhau” của ai đó là “xấu”: nhưng cũng không nên vì thế mà “hận suốt đời”.

        Cũng không nên vì người có lời nói “đâm mình” thì mình phải nói “đâm lại”!

        Tôi rất phục có đồng chí lãnh đạo, bị kẻ xấu xuyên tạc, nói thế này, thế nọ, để nhằm hạ uy tín, giảm công lao của đồng chí đó đối với Đảng với nhân dân, nhưng:

        “Hữu xạ thì tự nhiên hương”

        “Dù ai nói ngả, nói nghiêng

         Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân!”.


        Đồng chí lãnh đạo đó vẫn vững vàng, tin tưởng ở Đảng, ở tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục cống hiến cho cách mạng đến trọn đời mình.

        Trong mỗi gia đình, quan hệ vợ chồng, con cái là quan hệ ruột thịt, cùng chung máu mủ thì giữ gìn đoàn kết là giữ gìn sự êm ấm, hạnh phúc gia đình.

        Không phải là “tề gia” để “trị quốc, bình thiên hạ”.

        Nhưng mỗi gia đình có hòa thuận, thì xã hội mới yên bình. Tất nhiên trong gia đình không xuề xòa, bỏ qua mọi chuyện làm ăn sai trái, bỏ qua “kỷ cương phép nước”, “cá mè một lứa”. Phải giữ nếp “thuần phong, mỹ tục”, “truyền thống dòng họ, tổ tiên”. Ông cha ta cũng thường khuyên răn:

        “Một sự nhịn, là chín sự lành...”

        “Chồng giận thì vợ làm lành,

        Miệng cười vui vẻ, rằng anh giận gì?...”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:14:57 am »


        3- Tôn trọng tập thể, phát huy trí tuệ tập thể thì công việc làm mới đúng đắn; công tác nghiên cứu mới chính xác, toàn diện.

        Dù ở cương vị nào cũng vậy. Khi ở đơn vị chiến đấu hay ở cơ quan tham mưu, cá nhân đều sống, công tác và chiến đấu trong một tập thể, nên vừa phải làm tròn trách nhiệm cá nhân, vừa phát huy sự đóng góp ý kiến, trí tuệ của tập thể, thì mới hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Nếu chủ quan chỉ dựa vào khả năng của mình, đơn độc, cặm cụi tích cực làm, thì việc nhỏ cũng khó hoàn thành tốt đẹp.

        Ở cơ quan Tham mưu chiến lược, công tác nghiên cứu lại càng rộng lớn hơn, quan hệ với các cơ quan đơn vị trong quân đội và ngoài quân đội lại càng nhiều hơn. Vì vậy càng phải phát huy sự đóng góp trí tuệ và công sức của tập thể lớn hơn, mới làm tốt công việc của mình. Nhưng một mặt khác, lại phải đảm bảo nguyên tắc bí mật. Phát huy trí tuệ tập thể nào, bộ phận nào, hay một số cá nhân nào, liên quan đến phần việc nào trong công tác nghiên cứu. Không được bàn bạc tràn lan, quá rộng rãi với những người không liên quan, với những việc không liên quan.

        Nghiên cứu một vấn đề cụ thể, có khi phải bàn bạc lại nhiều lần, trong vài tuần, vài tháng. Từ dự thảo lần thứ nhất, có khi phải viết đi sửa lại vài ba lần, mới thành văn bản chính thức.

        Nghiên cứu một kế hoạch chiến lược hay một công trình, một đề tài lớn, có khi phải vài ba năm.

        Nghiên cứu với tập thể ở cấp trên (vĩ mô), rồi lấy thêm ý kiến của tập thể cấp dưới (vi mô) những phần liên quan. Có những công trình nghiên cứu xong, cần qua thực nghiệm ở đơn vị dưới, tổng kết lấy ý kiến tập thể rộng rãi, mới hoàn thành đề tài chính thức.

        Vì vậy phải đề cao trách nhiệm cá nhân, phải tôn trọng tập thể trong mọi lĩnh vực công tác.

        Công tác nghiên cứu của cơ quan Tham mưu chiến lược, vừa phải độc lập suy nghĩ, vừa phải phát huy trí tuệ tập thể. Phải khách quan, tránh chủ quan, phiến diện. Phải sáng suốt tiếp thu ý hay của người khác, tránh tự mãn, bảo thủ ý mình. Nghiên cứu phải chín chắn, thận trọng và kiên nhẫn, bền bỉ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:16:22 am »

        
        4- Luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời nắm bắt tình hình, sâu sát th ực tế, khẩn trương, tỉ mỉ trong công tác. Đó là yêu cầu, là tác phong không thể thiếu của người cán bộ Tham mưu tác chiến.

        Cuộc đời bộ đội hay nhiệm vụ quân đội nói chung có ba chức năng: “Chiến đấu, công tác và sản xuất”, mà “chiến đấu” là chức năng chủ yếu. Cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu là yêu cầu trước tiên để đảm bảo chiến đấu thắng lợi. Dù ở đơn vị chiến đấu hay cơ quan cũng vậy, nhất là ở cơ quan tác chiến thì yêu cầu cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu là ý thức trách nhiệm, là tác phong công tác cấp thiết đối với mỗi cán bộ Tham mưu tác chiến. Cuộc đời bộ đội hơn 55 năm qua đã đem lại nhận thức sâu sắc điểu đó cho tôi.

        Trong chiến tranh, mặt đối mặt với kẻ thù, chúng ta không thể không cảnh giác sẵn sàng chiếu đấu.

        Trong hoàn cảnh hòa bình hiện nay, chủ trương của ta là “là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”. Thực hiện chính sách “mở cửa” mở rộng quan hệ với các nước để xây dựng, phát triển kinh tế.

        Chúng ta bắt tay với các nước, kể cả những nước trước đây là thù địch với ta. Nhưng chúng ta vân phải luôn luôn nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, vì đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, không bao giờ thành tâm muốn ta mạnh lên mọi mặt. Chúng vẫn đang thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, xâm phạm biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo, quần đảo của ta. Chúng lợi dụng việc “mở cửa” quan hệ kinh tế với ta để luồn vào lũng đoạn, phá hoại nội bộ ta và tăng cường thực hiện âm mưu thâm độc đó của chúng.

        “Chúng ta bỏ qua quá khứ, nhưng đừng bỏ quên quá khứ”.

        Đối với các nước đã gây chiến tranh xâm lược hay các thế lực phản động đã có những âm mưu, hành động tàn bạo phá hoại đối với đất nước ta. Họ đã gây nhiều tội ác với nhân dân ta, thì những việc ấy, bây giờ ta “bỏ qua” không cần giữ hận thù với họ nữa.

        Chúng ta bắt tay với họ để bình thường hóa, hợp tác phát triển kinh tế, hai bên cùng có lợi.

        Nhưng đừng “bỏ quên” những bài học lịch sử, những kinh nghiệm xương máu của quá khứ. Đừng “bỏ quên” truyền thống hào hùng của dân tộc ta. Cần giáo dục cho thế hệ trẻ mãi mãi ghi nhớ những anh hùng, liệt sĩ, những bài học lịch sử của quá khứ, trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

        Trước những lời lẽ hay hành động trắng trợn đe dọa đến chủ quyền biên giới, hải đảo, đến an ninh đất nước ta, chúng ta cần phải xử lý bình tĩnh, không để “việc bé xé ra to” cho họ lãy cớ hoặc tạo cớ dùng sức mạnh gây xung đột vũ trang hay chiến tranh với ta. Chúng ta giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển kinh tế nhưng phải kiên quyết phản đối đừng để họ “lấn được đằng chân, sẽ lấn đến đằng đầu”. Có biện pháp tích cực ngăn chặn kịp thời những hành động phi nghĩa, phi pháp của họ.

        Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng và sẵn sàng chiến đấu, nhất là đối với các lực lượng vũ trang và các cán bộ Tham mưu tác chiến.

        Chúng ta phải luôn luôn nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch:

       “Lúc có địch cũng trấn tĩnh như khi không có địch. Lúc xa địch cũng nghiêm ngặt như khi gần địch”.

        Cũng có lúc Bác nhắc nhở:

       “Khi có địch thì ung dung đàng hoàng như khi không có địch. Khi không có địch vẫn phải cảnh giác sẵn sàng như khi có địch”.

        Để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, thì phải nhạy bén với tình hình, kịp thời nắm bắt tình hình.

        Muốn vậy phải thường xuyên theo dõi tình hình một cách chặt chẽ, không được một phút lơ là, một giây buông lỏng.

        Từ đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, cho đến khi chiến đấu, động tác quân sự nói chung và người Tham mưu tác chiến nói riêng, phải hết sức khẩn trương, hoạt bát. Phải tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút để hành động quân sự nhanh chóng, vì thời gian lúc đó là “lực lượng”, thời gian là “sức mạnh”, thời gian là “thắng lợi”.

        Hành động phải khẩn trương, tác phong lại phải tỷ mỉ, cụ thể. Tính qua loa đại khái cũng là một trong những nguyên nhân đem đến sai lầm và thất bại.

*

*        *

        Cuộc đời bộ đội đã qua! Hơn 55 năm ấy một chặng đường dài! Biết bao chuyện vui, buồn, bao lần thuận lợi, nhiều lúc khó khăn, có lúc thành công, có khi vấp váp. Không sao nhớ hết và kể lại hết. Những dấu ấn đậm nét để lại trong đầu óc tôi, suy ngẫm lại có bốn điều đó.

        Điều cuối cùng (thứ tư) chắc ít khả năng vận dụng cho cán bộ đã nghỉ hưu, nhưng rất cần chú ý đối với cán bộ tham mưu tác chiến đương chức. Nhưng ba điều nói trên, còn có thể phải làm trong cuộc “đời thường” còn lại. Đó là điều tôi phải làm, phải nhớ và nhớ mãi...

HẾT
       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM