Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:31:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25693 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 09:01:48 pm »


        Tổ chức phòng thủ biên giới

        Rút kinh nghiệm chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979, ta ngày càng tăng cường phòng thủ bảo vệ miền Bắc. Thời kỳ này theo hiệp định Việt - Xô, được Liên Xô viện trợ nhiều trang bị kỹ thuật hiện đại, lại có cố vấn Liên Xô giúp đỡ, nên kế hoạch phòng thủ bảo vệ miền Bắc có những quan điểm giải pháp khác nhau:

        Theo Đại tướng Ơbaturốp, Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô đề nghị chiến lược phòng thủ là “phòng ngự tích cực”, bố trí lực lượng thành hai tuyến, mỗi tuyến có 3 dải phòng ngự cấp sư đoàn, tiền duyên phòng ngự cách biên giới khoảng 11 kilômét (ngoài tầm pháo của đối phương bắn từ bên kia biên giới).

        Ta học tập kinh nghiệm Liên Xô trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhưng vận dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và giữ vững quan điểm phát huy truyền thống chiến tranh toàn dân của ta với chiến lược “tiến công làm chủ, làm chủ tiến công”. Ta bố trí tuy vẫn phân chia tuyến 1, tuyến 2, nhưng tổ chức phòng thủ các sư đoàn ở các vùng trọng điểm, chủ yếu ngăn chặn địch trên các trục đường chính từ bên kia bên giới sang. Xen kẽ giữa các khu vực phòng thủ của sư đoàn chủ lực là các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích bảo vệ cạnh sườn, đề phòng đối phương đánh vu hồi các khu vực phòng thủ sư đoàn. Phía trước tiền duyên phòng ngự vẫn tùy địa hình, cách biên giới khoảng 10 - 11 kilômét, nhưng tố chức thành “dải tác chiến phía trước”, không gọi là “dải bảo đảm” bằng lực lượng địa phương, dân quân du kích, chốt giữ các cao điểm khống chế và chủ động đánh ngăn chặn, phục kích, tập kích tiêu hao sát thương địch, trước khi vào tiền duyên phòng ngự của ta. Nói chung ta bố trí lực lượng phòng thủ mạnh giữ vững các khu vực trọng điểm, nhưng vẫn để lực lượng dự bị lớn ở các cấp để tiến hành phản kích, phản công và tiến công.

        Tôi phụ trách làm kế hoạch phòng thủ trong thời gian này cũng bị nhiều “sức ép”, nhưng theo sự chỉ đạo của đồng chí Tổng tham mưu trưởng và các thủ trưởng khác của Bộ Tổng Tham mưu, trao đổi thuyết phục cố vấn Liên Xô, có khi cũng trải qua tranh cãi gay gắt, nhưng cuối cùng bạn cũng đồng ý theo kế hoạch của ta. Việc bố trí 12 sư đoàn ở dãy 1 biên giới Bạn nhiều lần đề nghị mỗi sư đoàn có một tiểu đoàn xe tăng hoặc pháo binh tự hành (ZCY) và một tiểu đoàn ôtô vận tải. Bộ Tổng Tham mưu không đồng ý và đề nghị để số xe tăng, ôtô Liên Xô viện trợ bổ sung làm lực lượng dự bị. Một hôm tôi “mang cặp” đi theo Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn để làm việc với Đại tướng Ơbaturốp giải quyết “dứt điểm” vấn đề này. Ý kiến hai bên tranh cãi gay gắt, đồng chí Tấn phân tích nhiều về lợi hại và kiên quyết đề nghị để số xe tăng, ôtô đó làm lực lượng dự bị. Đại tướng Ơbaturốp cuối cùng nói một cách giận dữ: “Nếu các đồng chí không đồng ý bố trí các tiểu đoàn xe tăng và các tiểu đoàn ôtô cho các sư đoàn dải một biên giới, thì tôi không có lý do gì để đề nghị Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô viện trợ thêm xe tăng và ôtô cho các đồng chí. Các sư đoàn ở dải 2, các quân khu, quân đoàn và Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam, mỗi cấp đều có lực lượng dự bị một trung đoàn hoặc lữ đoàn xe tăng, một trung đoàn ôtô vận tải rồi, thì xin viện trợ xe tăng, ôtô nữa để làm gì?...”. Giờ nghỉ ra phòng uống nước, bên cạnh phòng họp, đồng chí Tấn nói với tôi: “Thôi, trở vào họp lại, tôi sẽ nói đồng ý bố trí 12 sư đoàn dải một biên giới, mỗi sư đoàn có một tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn ôtô để đồng chí Ơbaturốp có lý do xin thêm viện trợ xe tăng và ôtô cho ta. Ta sẽ biên chế cho 12 sư đoàn đó một thời gian, sau sẽ rút dần về làm lực lượng dự bị...” Khi vào họp lại, đồng chí Tấn trả lời đồng ý kế hoạch của bạn, đồng chí Ơbaturốp đứng dậy ôm hôn đồng chí Tấn và nói “rất tốt, rất tốt, cảm ơn đồng chí!”. Thế là quân đội ta lại được viện trợ thêm một số lớn xe tăng, ôtô, kèm theo là nhiều phương tiện, phụ tùng dự bị thay thế. Nhưng một số cán bộ quân sự ta lại không hiểu, phê phán là “Bộ Tổng Tham mưu hữu khuynh, giáo điều! Chịu theo sự áp đặt, sức ép của cố vấn Liên Xô!”. Bố trí xe tăng và pháo lên tiền duyên phòng ngự thế, nếu đối phương tấn công, thì “bị nướng hết”. Phê phán Bộ Tổng Tham mưu tất nhiên trong đó có Cục Tác chiến, tay chân Bộ Tổng Tham mưu mà Cục trưởng Tác chiến là tham mưu trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng.

        Mùa hè năm 1984, chiến sự diễn ra “nóng bỏng” ở Hà Giang. Bộ Tổng Tham mưu đã điều các sư đoàn của Quân khu 2, cả Sư đoàn dự bị chiến lược Quân đoàn 1 luân phiên tấn công nhưng không giải quyết được. Có đồng chí lãnh đạo cao của Chính phủ phê bình “bộ đội đánh nhỏ không được, thì đánh to (chiến tranh quy mô lớn xảy ra) thế nào được!”. Cũng có cán bộ quân sự cấp cao của ta hăng hái đề nghị “đưa Quân đoàn, cả xe tăng, máy bay, vòng sang đất đối phương mà tiêu diệt một trận cho ra trò, cứ be bờ như kiểu đánh quân Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam năm 1977 - 1978, chỉ ăn đòn pháo của họ. Có phản công sang đất Campuchia như tháng 1 năm 1979 mới giải quyết được ,,. Đồng chí đó không nghĩ rằng đối tượng tác chiến này khác quân Pôn Pốt, dùng sức mạnh quân sự lúc này mà đánh thì không dễ thắng, mà chiến tranh lan rộng lại càng bất lợi về chính trị cho ta.

        Vì vậy Bộ Tổng Tham mưu, một mặt tăng cường phòng thủ, không cho đối phương mở rộng đất lấn chiếm ra vùng Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang.

        Trên các hướng khác, ta nâng đội hình phòng thủ của các sư đoàn của ta ở dải một lên dải tác chiến phía trước, chiếm trước các cao điểm khống chế. Những cao điểm đó, nếu ta chiếm trước, củng cố công sự vững chắc, thì đối phương cũng khó đánh, nếu để họ chiếm trước thì ta rất khó đánh chiếm lại.

        Lúc này lại có ý kiến phê bình Bộ Tổng Tham mưu sao lại đưa bộ đội chủ lực ta lên bố trí sát biên giới? Cố vấn Liên Xô cũng có ý kiến sao lại đảo lộn đội hình bố trí phòng phủ bảo vệ miền Bắc?

        Nhưng thực tế, nếu ta không đưa lực lượng mạnh lên bố trí gần biên giới, thì các nơi khác ở biên giới sẽ xảy ra nhiều “Thanh Thủy, Vị Xuyên nữa”. Điều chỉnh bố trí đội hình như thế này, cũng chỉ là “biện pháp tình thế” đối phó với đối phương tấn công lấn chiếm biên giới thôi, vì Bộ Tổng Tham mưu nắm được tình hình đối phương chưa chuẩn bị để có thể tấn công qui mô lớn. Nếu có triệu chứng đối phương tấn công lớn, thì ta điều chỉnh lại bố trí theo đội hình phòng thủ cơ bản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 07:19:13 am »


        Huấn luyện diễn tập chiến dịch và quan hệ với các Cố vấn quân sự Liên Xô

        Đoàn cố vấn quân sự Liên Xô giúp quân đội ta toàn diện, nhiều mặt, về kế hoạch viện trợ trang bị, về tổ chức xây dựng lực lượng, về huấn luyện, tổ chức phòng thủ, về đảm bảo hậu cần kỹ thuật và cả công tác chính trị... giúp Cục Tác chiến chủ yếu công tác phòng thủ và huấn luyện diễn tập chiến dịch.

        Trong thời gian từ cuối năm 1979 đến 1985. Bộ Tổng Tham mưu đã tiến hành 19 cuộc diễn tập chiến dịch cấp quân khu, quân đoàn và 2 cuộc diễn tập chiến dịch chiến lược các lực lượng ở miền Bắc năm 1981 và 1983) và các cuộc diễn tập của Quân chủng Phòng không, Không quân chống các cuộc tấn công oanh tạc của không quân Mỹ. Tất cả những cuộc diễn tập đó đều do Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Trưởng ban chỉ đạo (có các thủ trưởng các Tổng cục trong ban chỉ đạo) và tôi Cục trưởng Cục Tác chiến Trưởng ban tham mưu diễn tập. Đồng chí Lê Quang Sang, Cục phó phụ trách huấn luyện chiến dịch giúp tôi làm phương án diễn tập. Diễn tập các quân chủng Phòng không - Không quân có Cục phó Nguyễn Văn Ninh phụ trách Quân chủng ở Cục Tác chiến làm tham mưu, có sự giúp đỡ của các Cố vấn quân sự Liên Xô. Diễn tập đã tiến hành từ đặc khu Đông Bắc Quân khu 1, 2 vào đến Quân khu 4, 5, 7, 9.

        Hai cuộc diễn tập giúp bạn Lào cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Lào ở Viêng Chăn và cuộc diễn tập quân khu Bắc Lào. Một đoàn cán bộ được Tổng tham mưu trưởng chỉ định gồm Tác chiến, Văn phòng Quân lực, Cục Khoa học quân sự, Cục Dân quân, Cục Quản lý hành chính, các Tổng cục, một số cán bộ học viện quân sự cấp cao, do Cục Tác chiến chủ trì, như một “gánh hát” đi trước xuống từng quân khu để chuẩn bị cho ban chỉ đạo diễn tập.

        Qua các cuộc diễn tập đó, cũng có đồng chí phê phán là “học tập giáo điều! Đánh theo kiểu quân đội Liên Xô!”, có đồng chí nói: “tôi tập thế này nhưng tôi không đánh thế này!”. Các đồng chí đó phê bình có đúng một phần là trong phương án diễn tập lúc đầu ta có nặng về diễn tập chủ lực, nhẹ về sử dụng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong phòng ngự, sử dụng lực lượng dự bị của Bộ tiến hành phản công sớm để được khôi phục trận địa biên giới sớm, đánh thắng địch ngay từ tuyến đầu biên giới. Tất nhiên học tập lý luận quân sự của Liên Xô hay Trung Quốc và nước nào cũng vậy: Học tập lý luận phải áp dụng vào thực tiễn chiến trường, từng đối tượng không áp dụng một cách máy móc.

        Qua kết luận các cuộc diễn tập, cũng như hội nghị tổng kết hàng năm về huấn luyện diễn tập chiến dịch, thủ trưởng Bộ đều đánh giá, nhìn chung đạt kết quả tốt. Ta đã hiểu được phương pháp tổ chức tiến hành diễn tập chiến dịch, thực sự nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác tham mưu ở các cấp (từ Bộ Tổng Tham mưu đến cơ quan tham mưu các quân khu, quân đoàn, binh chủng, các tỉnh, các huyện). Qua các cuộc diễn tập đạt kết quả cao, đã gây nên một phong trào học tập sôi nổi, chỉ huy lo rèn luyện cơ quan mình.

        Qua diễn tập từ Bộ, Cục Tác chiến và các quân khu, đơn vị đều rút kinh nghiệm bổ sung vào phương án tác chiến của mình.

        Về nghệ thuật chiến dịch, phát huy truyền thống của quân đội ta, tác chiến kết hợp hai phương thức chiến tranh (chủ lực và địa phương) về sau ta dã lồng vào các phương án và bạn cũng đồng ý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 07:22:31 am »


        Về quan hệ với các đồng chí Cố vấn quân sự Liên Xô, với quân đội Liên Xô và quân đội Cộng hoà Dân chủ Đức

        Trong 8 năm đầu tôi làm Cục trưởng Cục Tác chiến (1979 - 1986), qua 5 nhiệm kỳ Cố vấn Liên Xô giúp dỡ Cục Tác chiến. Cục Tác chiến còn thường được các trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô (Đại tướng Ơbaturop, Thượng tướng Krivơda, Thượng tướng Zaruzin) trực tiếp làm việc. Từ năm 1987 trở đi thì đoàn cố vấn quân sự Liên Xô rút dần về nước. Phải nói là các cố vấn quân sự Liên Xô tuy đôi lúc quan hệ với cán bộ quân sự Việt Nam có vấp váp mâu thuẫn do thái độ của các đồng chí muốn ta phải làm theo ý họ, nhưng nói chung các đồng chí đều có tinh thần quốc tế, có trách nhiệm cao, giúp đỡ ta nhiệt tình.

        Kết quả nổi bật nhất là nhờ các đồng chí đặt kế hoạch xây dựng lực lượng và đề nghị Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô trong thời kỳ này đã viện trợ trang bị cho ta một khối lượng vũ khí nhiều nhất, so với các thời kỳ trước đây.

        Về các mặt khác (tổ chức biên chế huấn luyện, diễn tập...) các đồng chí cũng đã giúp ta nhiều ý kiến tốt. Trong hơn 8 năm công tác ở Việt Nam, khi ra về các đồng chí Cố vấn quân sự Liên Xô nói chung và riêng 5 đồng chí Cố vấn Cục Tác chiến đã để lại tình cảm hữu nghị thân thiết đối với cán bộ quân sự Việt Nam nói chung và Cục Tác chiến nói riêng.

        Đồng chí Đại tướng Ơbaturốp mà tôi thỉnh thoảng có tiếp xúc, là một người cộng sản kiên định, có tinh thần quốc tế cao cả, có trình độ quân sự giỏi toàn diện cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật quân sự. Tuy có lúc tính nóng nảy và áp đặt độc đoán, nhưng là một vị tướng hiểu biết rộng về nghệ thuật quân sự, lại tự mình lái xe tăng và hiểu rõ tính năng các loại súng. Khi đồng chí từ giã Việt Nam về nước, trong một buổi chiêu đãi, đồng chí đã ôm hôn cán bộ Việt Nam, rơm rớm nước mắt và nói “Tôi về Liên Xô, nhưng một phần trái tim tôi vẫn để lại Việt Nam...”. Về nước làm Giám đốc Học viện quân sự Frunde, đồng chí rất quan tâm đến cán bộ quân sự Việt Nam học tập ở học viện, từ việc học tập đến nơi ăn ở. Ngày tết cổ truyền Việt Nam, đồng chí chỉ đạo cho Ban hậu cần Học viện phải chăm lo chu đáo về vật chất cho học viên Việt Nam. Đêm giao thừa, đồng chí đến đón giao thừa cùng học viên Việt Nam, cùng uống rượu và chúc mừng năm mới.

        Có lần tôi sang Liên Xô, gặp đồng chỉ Nguyễn Thuật, Phó tùy viên quân sự Việt Nam ở Liên Xô kể lại: “Năm 1988 nhân ngày sinh nhật đồng chí 70 tuổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh có gởi một hộp quà tặng phẩm. Đồng chí Ơbaturốp tới nhà tùy viên quân sự Việt Nam, có một Trung tá Liên Xô cùng đi.

        Khi đồng chí Thuật trao quà tặng, đồng chí giơ hai tay nhận, rồi đưa bàn tay phải đặt vào trái tim nói:

        “Nhờ đồng chí chuyển lời cảm ơn của tôi tới đồng chí Bộ trưởng Lê Đức Anh và các đồng chí Việt Nam và nói hộ rằng Ơbaturốp này, dù có phải đứng dưới chân tường vẫn hô “Đảng Cộng sản Liên Xô muôn năm!...” (trong tình hình lúc đó đang có khủng hoảng lớn trong Đảng Cộng sản Liên Xô, đe dọa khủng bố những người cộng sản lão thành kiên cường chống đường lối Goócbachốp và nguy cơ giải tán Đảng)”.

        Kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/1995), đồng chí là một trong những người Liên Xô được Nhà nước và quân đội ta mời sang Việt Nam dự lễ, nhưng vì điều kiện khó khăn, đồng chí không sang được, và tiếc thay! Sau năm đó đồng chí qua đời!

        Đồng chí Thượng tướng Krivơđa là Trưởng đoàn cố vấn quân sự thứ hai sang thay đồng chí Ơbaturốp, là một tướng quân sự chính trị kiêm toàn. Thái độ mềm dẻo, khiêm tốn. Tôi đã có nhiều lần gặp đồng chí để báo cáo tình hình tác chiến và trong các cuộc diễn tập. Đồng chí với giọng nói nhẹ nhàng, chân tình cũng đã giúp tôi nhiều ý kiến tốt trong công tác tham mưu và đánh giá các cuộc diễn tập.

        Về nước, đồng chí được đề bạt lên Đại tướng và làm việc ở Viện Lịch sử quân sự Liên Xô.

        Đồng chí Thượng tướng Zaruzin là Trưởng đoàn cố vấn quân sự thứ ba, cũng là Trưởng đoàn cố vấn quân sự cuối cùng ở Việt Nam. Đồng chí là một Anh hùng quân đội Liên Xô, đã qua chiến tranh Vệ quốc (1944 - 1945) và chiến tranh ở Afganistan. Đồng chí sang Việt Nam cũng xông xáo như đồng chí Ơbaturốp, đi khắp các đơn vị từ Bắc vào Nam, cả Lào và Campuchia. Đồng chí rất khiêm tốn, thường nói “tôi sang giúp các đồng chí một phần, nhưng chính là để học tập các đồng chí Việt Nam, vì các đồng chí đã đánh thắng Mỹ”. Có lần đồng chí nói “Quân đội Việt Nam rất anh hùng, nhưng rất dân chủ, khác với quân đội Liên Xô, lính thường sợ tướng, không dám đến gần, nhưng ở quân đội Việt Nam, tôi có lần thấy một người lính dám đến gần Đại tướng Lê Đức Anh trò chuyện và xin thuốc lá hút! Đó là một điều đặc biệt mà chúng tôi cần học!”. Sau khi đồng chí Zaruzin về nước, tôi nghe nói có một đồng chí Thượng tướng nữa (mà tôi chưa gặp mặt, không biết tên) tới thay làm trưởng đoàn, nhưng vừa sang thì bị dột tử do nhồi máu cơ tim; và cũng là kết thúc hệ thống cố vấn quân sự Liên Xô ở Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 07:25:59 am »


        Về 5 cố vấn trực tiếp Cục Tác chiến

        Đồng chí Thiếu tướng Dimianhenco, như đã nói ở trên, Cố vấn đầu tiên của Cục Tác chiến trong những năm 1979 - 1981, là một trí thức có trình độ đã giúp đỡ Cục Tác chiến xây dựng bước đầu về công tác tham mưu diễn tập và chế độ sẵn sàng chiến đấu. Cả hai vợ chồng đã có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh và đến thăm nhà riêng của tôi (số 10 Phan Kế Bính). Hai vợ chồng về nước đã để lại tình bạn bè thân thiết cho tôi và cả vợ con tôi. Khi sang gặp anh chị ở Matxcơva hay Lahabana Cu Ba, vợ đồng chí Dimianhenco còn nhờ hỏi thăm, nhớ tên “Bà An” (vợ tôi) và tên 1-2 đứa con tôi.

        Trong thời gian làm Cố vấn Cục Tác chiến, bản thân đồng chí nhiệt tình giúp tôi và còn đề nghị đồng chí Ơbaturốp và đồng chí Lê Trọng Tấn cho chúng tôi sang tham quan Liên Xô để về tổ chức diễn tập ở Việt Nam. Đầu năm 1980 tôi dẫn đầu một đoàn cán bộ tham mưu tác chiến (có các đồng chí Khiếu Anh Lân, Trần Bá Hào - Cục phó, Lê Quang San, Phú Chút, Trưởng phòng huấn luyện chiến dịch, khoa học quân sự đồng chí Cửu phiên dịch, đồng chí Nam Hồ, Tham mưu phó Quân khu 1, Đào Dũng, Tham mưu phó đặc khu Quảng Ninh,... cùng đi). Lúc đầu vào thăm Học viện quân sự Vôrôsilốp ở Matxcơva gặp đồng chí Viện trưởng giới thiệu tình hình, rồi xuống các khoa của học viện. Sau đó đoàn đi máy bay tới thăm Quân khu Zacapca, gặp tham mưu trưởng giới thiệu tổ chức sở chỉ huy của quân khu, rồi tham mưu trưởng đưa tới tỉnh Têbilitxi thăm một tập đoàn quân, do Trung tướng Tư lệnh tập đoàn ra sân bay đón và đưa đi tham quan diễn tập ở Ba Cu. Tập đoàn quân này tổ chức riêng một cuộc diễn tập cho đoàn xem rồi vào phòng diễn tập xem các mô hình, biểu đồ diễn tập để rút kinh nghiệm. Trước khi trở về Matxcơva, Tham mưu trưởng quân khu còn đưa đoàn đi thăm quê hương Stalin ở Grudia, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền Xô Viết địa phương đón tiếp nhiệt tình, mời thưởng thức cả rượu vang nổi tiếng chôn dưới đất nhiều năm. Đi theo đoàn hồi đó có một Trung tá người cùng quê với Stalin để chụp ảnh từ đầu đến cuối cuộc hành trình tham quan, rất thân mật, nhiệt tình mà tôi còn nhớ câu nói nhiều lần của đồng chí ấy thường nói: “esopaze” (lần nữa) là đã chụp xong, lại yêu cầu chụp thêm một lần nữa cho chắc, được ảnh đẹp. Từ quân khu xuống quân đoàn ra bờ biển Ba Cu, đến vùng rừng núi Grudia, các bạn Liên Xô cả già lẫn trẻ, cả nam lẫn nữ, cả tướng lẫn sĩ quan binh lính, đồng bào các dân tộc trong liên bang Xô Viết vui mừng đón tiếp, đoàn kết thân mật biết bao!

        Nhưng bây giờ đau đớn biết bao khi Liên Xô tan rã nhiều cuộc xung đột vũ trang, “huynh đệ tương tàn” đã diễn ra ở những nơi này...

        Đồng chí Thiếu tướng Semal là cố vấn thứ hai sang thay đồng chí Dimianhenco, là một con người có tính chất nông dân, thân hình vạm vỡ, chân thật và khiêm tốn, hai vợ chồng quê ở Ucraina, cha mẹ chết vì địch giết trong chiến tranh, chị ruột chết đói cũng trong chiến tranh, nên đồng chí nói rất thông cảm với nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã từng làm tham mưu phó tác chiến Quân khu Ô-đét-xa, nên cũng đã giúp Cục về công tác tham mưu có kết quả. Đồng chí góp ý kiến được thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu đồng ý, giúp Cục xây dựng một “Trung tâm huấn luyện diễn tập” gọi là T83, gồm một hội trường lớn, một hội trường nhỏ và 13 phòng trưng bày các bản mẫu về kế hoạch và văn kiện huấn luyện chiến dịch các Cục, các binh chủng. Rất tiếc các phòng học các Cục, các binh chủng nay không còn nữa.

        Đồng chí cũng đã từng công tác ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nên đồng chí đề đạt cho Cục trưởng tác chiến và một số cán bộ sang tham quan Sở chỉ huy của quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức cũ).

        Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn, tôi lại dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm các đồng chí phụ trách Sở chỉ huy Cục Tác chiến như đồng chí Tâm, đồng chí Ái, các đồng chí Phó tư lệnh thông tin, Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự... sang Đông Đức tham quan cách tổ chức Sở chỉ huy diễn tập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 08:06:18 am »

        Sang tới nơi có đồng chí Thượng tá Phan Trọng Ngự tùy viên quân sự và đồng chí Bắc (con đồng chí Lê Quang Đạo) đang học ở Đức làm phiên dịch. Ta sang chỉ yêu cầu xem cách tổ chức một sở chỉ huy diễn tập để vế rút kinh nghiệm xây dựng thiết bị “Trung tâm huấn luyện diễn tập chiến dịch của ta ở T83”. Nhưng không ngờ, khi mới sang tới nơi Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức trực tiếp đón và giới thiệu cả tình hình tổ chức quân đội của bạn. Sau đó đồng chí cho đi xem Sở chỉ huy thực của Bộ Quốc phòng có 7 tầng trên mặt đất và cả Sở chỉ huy 2 tầng hầm sâu dưới mặt đất hơn 50 mét, có đường hầm thông dưới lòng đất (nghe nói gần 100 kilômét) qua Thành phố Béclin, ra một cánh rừng ở ngoại ô thành phố, rồi thông tới một Sở chỉ huy dự bị thời chiến, cũng hai tầng hầm ngầm dưới đất. Chúng tôi nghe giới thiệu như thế, nhưng không đi theo đường hầm dưới thành phố Berlin, mà xem xong Sở chỉ huy ngầm ở Bộ Quốc phòng, lên ôtô đi ra tham quan Sở chỉ huy ngầm ở ngoại ô cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Sở chỉ huy của Bộ Quốc phòng thật hiện đại quá sức tưởng tượng. Đi đâu cũng thấy máy tính, camera, cửa thông phòng này sang phòng khác bằng sắt mở tự động theo nút bấm có mã khóa, sinh hoạt trong đường hầm như trên mặt đất, có phòng ăn, phòng tắm, câu lạc bộ... Anh em nói với nhau: “Việt Nam, 100 năm nữa cũng không làm được như thế này”. Sau khi tham quan Sở chỉ huy ở Bộ Quốc phòng, chúng tôi lại được đưa đi tham quan Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh lục quân, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, đi lên phía bắc thành phố Roctok tham quan Sở chỉ huy hải quân. Từ Bộ Quốc phòng ra đi, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức cử Thiếu tướng Tư lệnh Phòng không Không quân cùng đi (vì đồng chí này đã được sang thăm Việt Nam sau ngày giải phóng miền Nam), nên đồng chí rất nhiệt tình.

        Khi gặp Đô đốc Hải quân, thấy đồng chí đó giới thiệu riêng với Đô đốc: “đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến này là Đại tá, nhưng là đại tá bốn sao, như bên mình là Tướng đấy”.

        Sau khi thăm Sở chỉ huy các quân binh chủng, đồng chí đó đưa đoàn cán bộ chúng tôi tới một tập đoàn quân, chỉ giới thiệu ở Sở chỉ huy độ nửa giờ, Tư lệnh tập đoàn quân hướng dẫn ra xem một sư đoàn diễn tập thực binh trong hơn một tiếng đồng hồ, từ báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đến sư đoàn triển khai dã ngoại chiếm lĩnh trận địa, sở chỉ huy sư đoàn, trung đoàn hoạt động náo nhiệt, xe tăng, xe bọc thép, xe xích chạy rầm rầm khói bụi mù trời như đánh thật... là một cuộc diễn tập tốn kém, nhưng chỉ để trình diễn cho chúng tôi tham quan học tập.

        Sau khi tham quan diễn tập một tập đoàn quân, chúng tôi lại được đi ôtô dọc bức tường và hành lang có hàng rào điện tử của bộ đội biên phòng Đức, ngăn cách giữa Đông và Tây Béclin. Cuối cùng được đi tham quan các đài tưởng niệm chiến thắng phát xít, tòa nhà Quốc hội và lên tháp truyền hình ngồi quay một vòng 360 độ ngắm toàn cảnh Đông Tây Béclin.

        Anh em nói với nhau, không ngờ các đồng chí cho xem tất cả “những bí mật quân sự của Đức”. Đồng chí Phan Trọng Ngự tùy viên quân sự nói “có lẽ là đoàn Cục trưởng tác chiến dẫn đầu, họ tin tưởng Cục Tác chiến, cơ quan tuyệt mật của Quân đội Việt Nam, nên cho đi xem hết như thế. Tôi ở đây gần hết nhiệm kỳ 3 năm, đón nhiều đoàn quân sự của ta sang thăm Đức, nhưng chưa bao giờ được đi tham quan nhiều nơi và những nơi bí mật như thế!”. Chúng tôi ra về, bạn còn tặng cho một số vật chất để về bổ sung vào thiết bị T83. Các bạn Đức đã để lại một tình cảm hữu nghị thân thiết trong lòng chúng tôi không bao giờ quên!

        Nhưng đến nay cũng thật rất tiếc là không còn “một Đông Đức, một quân đội hiện đại như thế nữa”, những người bạn Đức ấy, không biết ai còn, ai mất? Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã!...

        Đồng chí Thiếu tướng Grunốp là Phó trưởng đoàn cố vấn Quân khu 2 về thay đồng chí Semal làm cố vấn thứ 3 của Cục Tác chiến. Cũng đã từng làm Tham mưu phó một quân khu ở Liên Xô. Đồng chí này tính tình vui vẻ, hay kể chuyện tiếu lâm Liên Xô, cũng khiêm tốn, thường nói “Tôi sang làm cố vấn cho các đồng chí, nhưng chính tôi lại phải học tập ở các đồng chí nhiều, vì khi tôi mới vào quân đội thì các đồng chí đã là cán bộ trung đoàn, sư đoàn trong chiến tranh rồi”. Trong thời gian chiến sự xảy ra ở Vị xuyên, đồng chí cũng thường yêu cầu đi theo cùng tôi lên Thanh Thủy, Vị Xuyên để rút kinh nghiệm chiến đấu thực tế, vì đồng chí nói đồng chí chưa qua chiến tranh, một mặt khác đã từng làm cố vấn Quân khu 2, cũng có tình cảm với bộ đội Quân khu 2 nên đồng chí muốn lên thăm anh em ở Quân khu 2. Nhưng vì bệnh sỏi thận nặng, nằm điều trị ở Bệnh viện 108 hơn 1 tháng không khỏi, vợ chồng đồng chí cũng rất tiếc phải rời khỏi Việt Nam sớm để về nước diều trị bệnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 08:08:25 am »

        Đồng chí Thiếu tướng Labrinhenco là cố vấn thứ 4 của Cục Tác chiến, một con người to cao vạm vỡ.

        Với thái độ hơi dè dặt, một mặt vì đồng chí cũng chưa có kinh nghiệm chiến đấu thực tế, sang Việt Nam thời kỳ này quân đội ta đã tiếp thu nhiều kinh nghiệm của các cố vấn trước rồi. Hình như đồng chí cũng cảm thấy “những bài bản” mà đồng chí định mang sang góp ý kiến với Cục Tác chiến, thì anh em Cục Tác chiến chúng tôi cũng đã biết rồi, đã làm được rồi, nên không có “bài” nào khác nữa. Hàng tuần tôi chỉ gặp đồng chí một lần hội báo tình hình để đồng chí đó báo cáo lại với trưởng phó đoàn cố vấn Liên Xô và có ý kiến gì của trưởng phó đoàn lại thông báo cho tôi, có việc góp ý kiến chung ở Bộ Tổng Tham mưu, có việc gì góp ý kiến riêng với Cục Tác chiến.

        Thời gian này tình hình chính trị trong nước Liên Xô cũng đang diễn biến phức tạp, trong quân đội Liên Xô về chế độ chỉ huy cũng đã bắt đầu có thay đổi, viện trợ quân sự cho ta giảm, có mặt hàng đã ngưng, nên cố vấn quân sự riêng của Cục Tác chiến và chung cả đoàn cố vấn ít phấn khởi hơn trước và giúp đỡ ta ít hiệu lực hơn trước.

        Đồng chí Thiếu tướng Obikhốt là cố vấn thứ 5, là cố vấn cuối cùng của Cục Tác chiến. Đồng chí này còn trẻ, tuổi khoảng trên 40, là một Tham mưu phó quân khu nhỏ (tỉnh) trong đại quân khu Viễn Đông. Đồng chí sang Việt Nam vào thời điểm Liên Xô đã bắt đầu có rối loạn về chính trị trong nội bộ Đảng và quân đội, kinh tế bắt đầu gặp nhiều khó khăn thiếu thốn.

        Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đất nước ta bắt đầu thực hiện “đổi mới”. Nên đồng chí sang giúp Cục Tác chiến được rất ít, chỉ làm nhiệm vụ như một sĩ quan liên lạc giữa đoàn cố vấn quân sự Liên Xô với Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam. Đồng chí thường gặp tôi hay trưởng phòng tổng hợp của Cục Tác chiến nắm tình hình là chính để về báo cáo với trưởng phó đoàn cố vấn quân sự Liên Xô.

        Đồng chí thường phàn nàn buồn, vì đất nước đồng chí đã thay đổi, rất tiếc không giúp gì được cho các đồng chí Việt Nam, không giúp gì được Cục Tác chiến như các đồng chí cố vấn trước đây. Thời gian này theo hiệp định mới về lương của chuyên gia kinh tế, kỹ thuật cũng như cố vấn quân sự trả bằng đôla cao hơn trước. Hai vợ chồng đồng chí ra về, chưa hết nhiệm kỳ (mới được hơn 1 năm). Khi ra về vì có tiền lương mới, nên mua được nhiều thứ hàng (có cả nhiều thùng mì tôm Việt Nam) và đồng chí đã thành thật nói với các cán bộ Cục Tác chiến khi ra tiễn chân (tôi vì bận đi công tác không ra tiễn chân được), vừa nói vừa rơm rớm nước mắt: “Đất nước chúng tôi bây giờ khó khăn lắm, thiếu thốn lắm! Tôi về không biết còn được ở lại trong quân đội Liên Xô nữa không?! Rất tiếc là tôi sang vào thời điểm không giúp gì được cho các đồng chí, xin tạm biệt, mong có ngày gặp lại!...” Dù khó khăn, dù các đồng chí Liên Xô không giúp được gì cho chúng ta nữa, nhưng tình hữu nghị giữa quân đội Việt Nam và quân đội Liên Xô, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô, giữa các cố vấn Cục Tác chiến với chúng tôi vẫn in đậm trong trái tim chúng tôi. Chúng tôi nhớ mãi và cảm ơn Liên Xô mãi mãi! Chúng tôi cũng mong có ngày được gặp lại các bạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 08:12:35 am »

         
Chương năm

CÔNG TÁC Ở BỘ TỔNG THAM MƯU
TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

        Đất nước ta bước sang một thời kỳ mới, mở đầu thực hiện chính sách “đổi mới toàn diện” theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Vi tháng 12 năm 1986.

        Đại hội Đảng toàn quân năm 1986 là một sự kiện chính trị của quân đội ta và cũng là một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời sống chính trị của tôi: Giữa năm 1986, đại hội Đảng toàn quân, tôi được bầu là một đại biểu quân đội đi dự Đại hội Đang toàn quốc.

        Nhưng tôi không dự đại hội được vì đi nghiên cứu học tập chiến dịch chiến lược “pháo đài 86” ở Cu Ba.

        Cuối năm 1986, tôi một mình đi một xe ra sân bay Nội Bài mà đồng chí lái xe cứ tưởng đưa tôi ra sân bay Nội Bài đi công tác như những lần trước. Tới sân bay gặp đồng chí tùy viên quân sự Cu Ba đã chuẩn bị đủ vé, giấy đăng ký, đưa tôi vào phòng đợi. Đồng chí hỏi tôi không có ai đưa tiễn đồng chí à? Tôi chỉ nói cho qua chuyện, anh em bận việc, không chờ máy bay cất cánh, đã trở về cơ quan rồi. Tôi tới sân bay Matxcơva vào ban đêm, được đồng chí Đôn Tự tùy viên quân sự Việt Nam và một tùy viên quân sự Cu Ba ở Liên Xô đón. Đồng chí tùy viên quân sự Cu Ba mời tôi về nhà khách Đại sứ quán Cu Ba, nhưng tôi cảm ơn và nói xin về Đại sứ quán Việt Nam, vì đã ở đó quen rồi, tôi không biết tiếng Tây Ban Nha về nhà khách Đại sứ quán Cu Ba bỡ ngỡ trong quan hệ. ở lại Matxcơva 3 ngày, tùy viên quân sự Cu Ba mua vé hạng nhất cho tôi bay từ Matxcơva sang Lahabana Cu Ba.

        Tới sân bay Lahabana (Hôxê Macti), khách vẫn ngồi trên máy bay, đồng chí trưởng máy bay vào phòng hạng nhất (chỉ có một dại sứ Cu Ba ở Liên Xô về nước và tôi) mời tôi xuống máy bay trước. Tôi xuống sân bay đã có đồng chí Bêtăngcua - Tổng tham mưu phó Cu Ba và một số cán bộ quân sự Cu Ba, đồng chí Trần Hải Phụng - quyền Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam ở Cu Ba (vì đồng chí Văn trưởng đoàn về phép), đồng chí Trí Anh tùy viên quân sự Việt Nam ở Cu Ba, đồng chí Vũ Văn Ba và một số chuyên gia quân sự Việt Nam ở Cu Ba đón tôi ở cầu thang và đưa thẳng về một khách sạn 11 tầng ở Lahabana. Vì ở một mình buồn, về sau tôi xin về ở chung nhà nghỉ của đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam. Các đồng chí Cu Ba rất quan tâm chiếu cố đến cuộc sống, làm việc và đi lại của tôi trong thời gian ở Cu Ba. Đồng chí Trung tướng Ulixet - Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba tiếp tôi lúc mới đến và trước khi ra về. Các đồng chí bố trí đi cùng tôi có 4 đồng chí sĩ quan Cu Ba (1 cán bộ tác chiến, 1 bảo vệ người da đen, 1 phiên dịch người Cu Ba đã học tiếng Việt ở Việt Nam, đặt tên Việt Nam là “Nam”, 1 lái xe chuyên lái xe đen “Traica” (xe dùng cho cấp Bộ trưởng Cu Ba).

        Tôi được nghe các Cục trưởng Bộ Tổng Tham mưu và thủ trưởng các quân binh chủng giới thiệu tình hình ở trong nhà làm việc của Bộ Quốc phòng Cu Ba và được đi tham quan các quân khu, các tỉnh (tất cả 12 tỉnh và đảo thanh niên Cu Ba), gặp tất cả các tổ chuyên gia quân sự ta ở các tỉnh Cu Ba.

        Đến tỉnh nào, các đồng chí bí thư kiêm chủ tịch tỉnh mà các đồng chí Cu Ba gọi là “Chủ tịch hội đồng phòng thủ tỉnh” tiếp đón nhiệt tình. Trong một cuộc míttinh kỷ niệm ngày thành lập quân đội ta khi tôi tới tỉnh Villaclara thì được ngồi ở Chủ tịch đoàn và mời tôi lên phát biểu nói chuyện tại cuộc mít tinh của tỉnh.

        Trong cuộc diễn tập “pháo đài 86”, một cuộc diễn tập chiến lược toàn quốc, toàn dân tham gia (mà các báo của Cu Ba đưa tin có 8 triệu người dân trong tổng số 10 triệu dân Cu Ba tham gia diễn tập trực tiếp và phục vụ diễn tập). Trong cuộc diễn tập đó, tôi cùng đi với đồng chí Văn trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam ở Cu Ba, tới các sở chỉ huy quân khu, một số tỉnh và một số đơn vị tham gia diễn tập. Có lần gặp cả đồng chí Phiđen Caxtơrô, hay đồng chí Raun Caxtơrô (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) trong một sở chỉ huy diễn tập. Các đồng chí lãnh đạo Cu Ba đó gặp chúng tôi bắt tay thân mật và hỏi ý kiến chúng tôi về đánh giá kết quả diễn tập.

        Sau khi dự họp tổng kết diễn tập và trước ngày lễ kỷ niệm 30 năm thành lập lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba, tôi bất ngờ được mời cùng đồng chí Văn trưởng đoàn chuyên gia quân sự và một số đồng chí chuyên gia quân sự Việt Nam ở Cu Ba, tới nhà khách Bộ Quốc phòng nhận “Huân chương Chiến thắng” của lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba, do Nhà nước Cu Ba tặng. Đồng chí Thượng tướng Clômé ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng thứ nhất Bộ các lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba trao Huân chương trong một buổi lễ long trọng này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 08:17:14 am »

        Ngày hôm sau, dự lễ duyệt binh lớn tại quảng trường kỷ niệm ngày thành lập lực lượng vũ trang Cu Ba, tôi cũng được mời tới dự lễ và lại một lần bất ngờ nữa xảy ra là tôi được Cục trưởng Cục Đối ngoại Cu Ba đưa tôi lên ngồi hàng ghế thứ hai trên lễ đài, cùng với các Đại tướng, nguyên là các trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Cu Ba qua các nhiệm kỳ từ ngày cách mạng Cu Ba thắng lợi đến nay. Tôi cứ sợ mình ngồi nhầm vị trí, nhưng đồng chí Cục trưởng Cục Đối ngoại nói: “Đây là ghế ngồi của riêng đồng chí, chúng tôi đứng sau lễ đài chờ đồng chí, sau buổi lễ sẽ đưa đồng chí về nhà nghỉ”. Hàng đầu là các đồng chí Phiđen Caxtơrô, Raun Caxtơrô, Clomé và các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị khác của Đảng Cộng sản Cu Ba.

        Về sau hỏi đồng chí cán bộ tác chiến đi cùng, tôi mới biết sở dĩ tôi được đón tiếp trọng thể như thế, không phải là đón tiếp cá nhân Cục trưởng của tôi mà các đồng chí Cu Ba coi tôi là người đại diện Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, vì bận dự đại hội Đảng toàn quốc không sang thăm Cu Ba được, nên tiếp tôi với tiêu chuẩn của Tổng tham mưu trưởng.

        Các đồng chí Cu Ba rất kính trọng và khâm phục đồng chí Lê Trọng Tấn. Tôi nhớ lại một lần đồng chí Võ Quang Hồ có kể chuyện với tôi, sau ngày giải phóng miền Nam, đoàn đại biểu quân sự của ta sang thăm Cu Ba do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu (trong đoàn có đồng chí Lê Trọng Tấn, đồng chí Võ Quang Hồ, v.v... ). Một hôm đồng chí Phiđen Caxtơrô tiếp kiến đoàn, đồng chí ấy chỉ đồng chí Lê Trọng Tấn hỏi: “Có phải đồng chí Tấn là vị tướng chỉ huy đánh giặc giỏi nhất của Việt Nam không?”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: “Vâng, đồng chí Tấn là một trong những tướng giỏi nhất của Việt Nam...”.

        Đồng chí Phiđen Caxtơrô nói tiếp: “Vậy thì đồng chí cho đồng chí Tấn sang giúp chúng tôi chỉ huy quân tình nguyện Cu Ba đang chiến đấu ở Angola...”.

        Nhưng thật choáng váng, 5 ngày trước khi tôi về nước, đồng chí Đại tá Nguyễn Trí Anh tùy viên quân sự mang một tin đau buồn đến cho đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam và tôi, là đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn đã đột ngột từ trần sau một cơn bệnh hiểm nghèo. Mọi người cúi đầu, im lặng không nói nên lời. Chúng tôi đã gởi điện chia buồn về Bộ Tổng Tham mưu và gia đình của đồng chí.

        Ngày hôm sau, trên báo “Gramma” cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu Ba cũng đăng trên trang đầu tin tức với đầu đề chữ lớn “Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu trưởng quân đội, người anh hùng của nhân dân Việt Nam, đã từ trần”. Tôi cất giữ tờ báo đó và khi về Việt Nam đã đưa cho đồng chí Khánh (Bí thư đồng chí Tấn).

        “Vô cùng thương tiếc đồng chí Lê Trọng Tấn! là một thủ trưởng trực tiếp của tôi, qua những năm công tác ở Bộ Tổng Tham mưu, trong thời gian đồng chí làm Tổng tham mưu phó trực tiếp giúp bạn Lào và chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam trong các chiến dịch Cánh Đồng Chum, Phôn Xa Vẳn. Khi tôi làm Tham mưu phó tác chiến các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và Trị Thiên (1971-1972) mà đồng chí là Tư lệnh chiến dịch, và trong chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975) mà đồng chí là Phó Tư lệnh chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh Đông (gồm Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2).

        Đồng chí Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy quân sự có đức có tài. Là một con người trung thực và nhân hậu. Tuy có lúc nóng tính, nói thẳng, nhưng cán bộ cấp dưới bị đồng chí phê bình lại cảm thấy thoải mái vui vẻ và kính phục, càng quý trọng thủ trưởng của mình. Đồng chí Lê Trọng Tấn là một vị tướng tài ba, người chỉ huy linh hoạt trong các chiến dịch chiến lược lớn, quyết đoán, xử lý các tình huống phức tạp.

        Đồng chí là người chỉ huy hai trận đánh vào sở chỉ huy đầu não của quân địch trong hai chiến dịch lịch sử: “Chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh”. Đó là trận đánh vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 1954, trận đánh quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là trận đánh vào cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn ở Dinh Độc Lập 30 tháng 4 năm 1975, trận đánh quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

        Với những chiến công lừng lẫy đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp trong một bài đăng trên báo Thanh niên viết: “Đồng chí Lê Trọng Tấn xứng đáng được tuyên dương hai lần anh hùng”.

        Đồng chí Lê Trọng Tấn còn là người chỉ huy trực tiếp quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và trong cuộc phản công chiến lược giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, là Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các lực lượng vũ trang chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, củng cố phòng thủ bảo vệ Tổ quốc...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 08:20:29 am »


        Nghiên cứu điều chỉnh chiến lược và làm lại kế hoạch phòng thủ bảo vệ Tổ quốc

        Tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ Cục trường Cục Tác chiến. Sau khi báo cáo tình hình tác chiến với đồng chí Lê Đức Anh, Tổng tham mưu trưởng, mấy tháng sau đồng chí Đoàn Khuê ra làm Tổng tham mưu trưởng. Đồng chí Lê Đức Anh lên làm Bộ trưởng chỉ đạo tôi nghiên cứu lại kế hoạch chiến lược cơ bản cho phù hợp với tình hình mới.

        Thực hiện một cuộc điều chỉnh chiến lược lớn, bố trí lại lực lượng, một cách cân đối, để bảo vệ Tổ quốc, để phòng địch trên các hướng ở Việt Nam.

        Thực hiện đường lối “đổi mới” của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI để từng bước bình thường hóa trong quan hệ với Trung Quốc, việc đầu tiên ta làm là dãn lực lượng áp sát biên giới ở phía Bắc Việt Nam.

        Đồng chí Lê Đức Anh sau khi đi nghiên cứu tình hình tại thực địa ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, đề ra chủ trương: “Ta không tiến hành tiến công các cao điểm đối phương đã chiếm trên đất ta nữa, mà tiến hành gọi loa, kêu gọi bên kia ngừng bắn và rút lực lượng về bên kia biên giới...”. Cuối cùng họ ngừng bắn, ta dãn lực lượng ra phía sau không chiếm những cao điểm khống chế đối đầu với họ nữa, rồi họ cũng rút dần lực lượng ra phía sau và về trên lãnh thổ của họ.

        Sau khi các đồng chí lãnh đạo mới của Đảng ta chủ động đề nghị gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc để hội đàm ở Thành Đô (Trung Quốc), hai bên thỏa thuận ngưng tấn công nhau về quân sự và từng bước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ta thực hiện rút bộ phận lớn chủ lực trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc ra phía sau. Bảo vệ 6 tỉnh biên giới phía Bắc giao cho bộ đội địa phương và dân quân tự vệ các tỉnh tự đảm nhiệm. Điều chỉnh bố trí lại các quân đoàn dự bị chiến lược của Bộ. Lực lượng phòng không không quân cũng điều chỉnh một số đơn vị về phía sau.

        Tăng cường phòng thủ trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, bố trí thêm lực lượng và đài quan sát khí tượng thủy văn, xây dựng công trình ở một số đảo gần khu vực khai thác dầu khí để hợp pháp hóa chủ quyền vùng biển có tiềm năng lớn về dầu khí của ta.

        Thực ra kế hoạch điều chỉnh bố trí lực lượng ở biên giới phía Bắc đầu năm 1985, đồng chí Cục phó tác chiến Lê Phi Long đã đưa đồng chí Lê Đức Thọ đi nghiên cứu thực địa bố trí lực lượng ta ở các tỉnh biên giới. Khi về, đồng chí Lê Đức Thọ đã đề xuất ý kiến nên rút bớt lực lượng ra phía sau, để anh em, chiến sĩ ở trên các cao điểm đỡ khổ, vì thiếu thực phẩm, vì giá lạnh. Đồng chí Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn cũng có chỉ thị cho tôi: “Cục Tác chiến xem, nên làm kế hoạch điều bớt lực lượng thế nào cho hợp lý mà vẫn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu”.

        Đầu năm 1986, Cục Tác chiến đã chuẩn bị một kế hoạch điều chỉnh 12 sư đoàn đã nâng dội hình lên sát biên giới, rút trở lại phía sau, về trận địa dải một theo đội hình phòng thủ cơ bản (đề phòng đánh lớn) chỉ trừ một số đơn vị đã đóng chốt giữ các cao điểm quan trọng sát biên giới. Khoảng tháng 4 năm 1986, khi tôi báo cáo ý định này, đồng chí Tấn nói cơ bản đồng ý, nhưng thời cơ nào thì điều chỉnh để chờ theo dõi tình hình đã, vì trong thời gian này đối phương vẫn tiếp tục bắn pháo mạnh ở Thanh Thủy, Vị Xuyên và vẫn uy hiếp tấn công ở các nơi khác, như cao điểm 600-820 ở Tràng Định, Lạng Sơn.

        Đồng chí Tấn chỉ thị cho tôi lên báo cáo với đồng chí Văn Tiến Dũng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

        Khi tôi lên gặp đồng chí Văn Tiến Dũng báo cáo dự kiến kế hoạch này và ý kiến của anh Tấn, thì suy nghĩ một lúc anh Dũng nói: “Tôi cũng thấy kế hoạch bố trí lực lượng ở biên giới hiện nay không hợp lắm.

        Nhưng tình hình ở biên giới còn đang căng thẳng, đã gần đến đại hội Đảng toàn quân, toàn quốc, lực lượng ta bố trí đang tạm ổn định, ta thay đổi bố trí lực lượng trong thời gian này,... thì không hay lắm, cứ để yên bảo vệ đại hội Đảng họp xong sẽ hay...” Việc điều chỉnh bố trí lực lượng chiến lược vào đầu năm 1987 (sau Đại hội VI) là một chủ trương đúng đắn, vừa hợp thời!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 08:24:13 am »

        
        Làm kế hoạch giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và chính quyền cách mạng của mình, để quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia từng bước rút quân về nước

        Năm 1989, ta mới thực hiện rút hết quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước, nhưng chủ trương này đã có từ trước. Năm 1979, khi tiến hành phản công chiến lược giúp bạn Campuchia giải phóng thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt, ta định để lực lượng tình nguyện một thời gian rất ngắn, giúp bạn ổn định tình hình rồi rút quân về nước. Nhưng vì có thế lực hậu thuẫn ra sức giúp lực lượng tàn quân của Pôn Pốt đeo đẳng, giành giật với lực lượng cách mạng Campuchia, trong khi lực lượng cách mạng Bạn chưa đủ sức tiêu diệt chúng; đồng thời theo yêu cầu của Bạn, buộc ta phải để lực lượng lớn ở lại tiếp tục giúp Bạn trong một thời gian dài.

        Đến đầu năm 1984, sau khi quân tình nguyện ta phối hợp với bạn đã đánh tan các căn cứ của quân Pôn Pốt ẩn náu ở vùng biên giới Thái Lan - Campuchia, hai Bộ Chính trị của Đảng ta và bạn đã có bàn dự định tăng cường giúp bạn để quân tình nguyện Việt Nam từng bước rút về nước, với chủ trương “làm cho địch suy yếu, tàn lụi, làm cho bạn mạnh hẳn lên, để quân tình nguyện bàn giao cho bạn từng bước rồi rút quân về nước”.

        Tôi đi với đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Hoàng Văn Thái vào dự tổng kết mùa khô 1984 - 1985. Trong thời gian chuẩn bị hội nghị tổng kết các đồng chí Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái bàn riêng với đồng chí Lê Đức Anh, sau đó đồng chí Lê Trọng Tấn bảo tôi “ngày mai anh bay ra Hà Nội sang Văn phòng Trung ương xin xem văn bản hội đàm giữa anh Trường Chinh và đồng chí Bun Thong (ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của bạn) xem nội dung các đồng chí bàn về việc quân tình nguyện Việt Nam rút quân thế nào vào báo cáo với chúng tôi và làm kế hoạch từng bước rút quân tình nguyện Việt Nam về nước...”. Tôi ra đến Hà Nội, báo cáo việc này với anh Dũng, rồi nhờ Văn phòng Quân ủy điện sang Văn phòng Trung ương gặp đồng chí Nguyễn Khánh (lúc này là Chánh văn phòng Trung ương), đồng ý cho tôi mượn biên bản hội đàm giữa đồng chí Trường Chinh và đồng chí Bun Thong, sang ngồi ở một phòng bên cạnh đọc (không cho mang biên bản về Bộ Quốc phòng). Đọc xong đồng chí Nguyễn Khánh nói với tôi:

        Nếu muốn hiểu ý định cụ thể hơn, anh lên gặp đồng chí Bun Thong (hiện nghỉ ở nhà khách Trung ương ở Quảng Bá - Hồ Tây) để hỏi thêm chi tiết về ý định của đồng chí đó.

        Chiều hôm đó, tôi lên Quảng Bá được đồng chí Bun Thong tiếp và nói: “Lực lượng chúng tôi còn yếu, các bạn Việt Nam đã hy sinh xương máu nhiều, tốn kém nhiều, đã giúp cách mạng Campuchia tiêu diệt nhiều địch, chúng đã suy giảm nhiều hơn trước, nhưng so với chúng tôi thì cũng chưa mạnh hơn chúng. Anh em bộ đội Việt Nam phải ở Campuchia lâu, xa gia đình khổ cả vật chất và tinh thần. Vì vậy chúng tôi bàn với nhau, cố gắng hết sức mình, để tự lo việc của mình cho anh em Việt Nam được về nước càng sớm càng tốt, nhưng cũng phải làm từ từ, phải vài ba năm, rút rỗng một lúc thì Campuchia khó đấy...”.

        Nắm được tinh thần biên bản hội đàm giữa hai Bộ Chính trị (mà đại diện là đồng chí Trường Chinh và Bun Thong), sáng ngày hôm sau, tôi lại bay vào Tân Sơn Nhất báo cáo lại với ba anh (đồng chí Lê Trọng Tấn, đồng chí Hoàng Văn Thái, đồng chí Lê Đức Anh). Đồng chí Tấn chỉ thị cho tôi: “Thế thì anh chuẩn bị kế hoạch đi, để báo cáo hội nghị xin ý kiến rồi chúng tôi quyết định...”.

        Ngày họp tổng kết đầu tiên, gồm đông đủ thành phần, ngoài các thủ trưởng Bộ (anh Thái, anh Tấn), thủ trưởng Bộ Tư lệnh 719 (các anh Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Lê Hai, Lê Khả Phiêu); Trưởng đoàn chuyên gia quân sự giúp Bộ Quốc phòng bạn (đồng chí Mai Xuân Tần...), cán bộ các cơ quan Văn phòng Bộ, Cục Tác chiến, Quân báo, tổ chức động viên của cơ quan Bộ Tư lệnh 719, các thủ trưởng quân khu phía Nam (Quân khu 5, 7, 9), các chỉ huy mặt trận quân tình nguyện ở Campuchia (Mặt trận 579, 779, 479, 979), thủ trưởng tiền phương các Cục Tác chiến, Quân báo, các binh chủng ở Campuchia. Trong một ngày rưỡi đầu tiên đó, chỉ nghe cơ quan Bộ Tư lệnh 719 báo cáo tổng kết tác chiến mùa khô 1984 - 1985. Trưa hôm sau, theo chỉ thị đồng chí Tấn, đồng chí Hoàng Dũng (Chánh văn phòng) tuyên bố chương trình chiều nay nghỉ họp, sáng mai họp hẹp thành phần ngoài các thủ trưởng Bộ và Bộ Tư lệnh 719, chỉ định một số thủ trưởng quân khu, thủ trưởng mặt trận và cơ quan Bộ. Buổi chiều, đồng chí Tấn nghe tôi báo cáo dự kiến kế hoạch, rồi bảo: “anh cứ báo cáo ý kiến như thế của cơ quan tác chiến, xem ai có ý kiến gì thì phát biểu, chúng tôi nghe, rồi tôi và anh Thái bàn với anh Sáu Nam, kết luận sau”.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Năm, 2016, 08:39:19 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM