Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:31:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25688 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:46:15 pm »

        Đồng chí Đặng Kinh - Tổng tham mưu phó phụ trách về quân sự địa phương. Đồng chí có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh du kích trong địch hậu, với trận đánh nổi tiếng vào sân bay Cát Bi (1954), trực tiếp chỉ huy các đơn vị của B4, thọc sâu vào chiếm thành phố Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).

        Với cuộc sống giản dị, khiêm tốn nhưng kiên trì tranh luận và giữ vững quan điểm chiến tranh nhân dân, trong thời gian có chuyên gia quân sự muốn ép ta học tập nặng về chính quy hiện đại, coi nhẹ kết hợp với chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích.

        Đồng chí Doãn Tuế nguyên là Trung đoàn trưởng pháo binh đầu tiên của quân đội ta; là Tư lệnh Bộ Tư lệnh pháo binh, đã từng làm Tư lệnh Pháo binh trong các chiến dịch chiến lược lớn. Về làm Tổng tham mưu phó phụ trách quân lực và nội bộ Bộ Tổng Tham mưu.

        Là một con người hiền từ, điềm đạm, tác phong tỉ mỉ; trong sinh hoạt gần gũi với anh em, ăn nói ôn tồn có khi hay “pha trò” cho vui, đoàn kết trong nội bộ.

        Đồng chí Cao Văn Khánh thời gian này là Tổng Tham mưu phó thứ nhất, là người thay thế Tổng Tham mưu trưởng điều hành giữ sinh hoạt trong nội bộ Bộ Tổng Tham mưu khi đồng chí Lê Trọng Tấn đi vắng.

        Tôi đã được gặp và phục vụ đồng chí trong chiến dịch Sầm Nưa (1953) và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), mà đồng chí là Tư lệnh B70; chiến dịch Trị Thiên (1972), mà đồng chí là Phó Tư lệnh chiến dịch. Là một người đồng chí, thủ trưởng mà tôi rất mến phục, tính tình khiêm tốn, hòa nhã, chỉ huy sâu sát đơn vị, vừa giỏi về nghệ thuật chiến dịch, vừa thông thạo về huấn luyện chiến thuật.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, trong lúc đồng chí Tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí Tổng Tham mưu phó khác ra chỉ huy các mặt trận, thì đồng chí là trợ thủ đắc lực của Tổng Tư lệnh, luôn có mặt ở Tổng hành dinh để giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và đồng chí Võ Nguyên Giáp điều hành Bộ Tổng Tham mưu, truyền đạt và tổ chức thực hiện các chủ trương mệnh lệnh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Như đánh giá của đồng chí Võ Nguyên Giáp đối với đồng chí Cao Văn Khánh trong cuốn “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, trang 306:

        “Đồng chí Cao Văn Khánh - Phó Tổng Tham mưu trưởng là một trí thức yêu nước, tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945, anh Khánh là một cán bộ quân sự chỉ huy Đại đoàn 308 đánh những trận lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từng là Tư lệnh B70 mặt trận Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ, một con người hăng hái, trung thực, có kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu...”.

        Tôi bắt tay vào nắm tình hình nội bộ Cục và tình hình địch - ta trên các quân khu biên giới. Sau một tuần công tác trên cơ quan Bộ, tôi xin phép đồng chí Tấn ký giấy giới thiệu cho tôi đi nắm tình hình các quân khu.

        Đầu tiên tôi lên Quân khu 1, gặp đồng chí Quang Trung - Tư lệnh và đồng chí Lê Thanh - Tham mưu trưởng nghe giới thiệu qua tình hình chung. Đồng chí Quang Trung nguyên Tư lệnh Quân khu 4 và B5, trước đây tôi đã nhiều lần gặp trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, mà Quân khu 4 là “cán xoong”, nơi địch tập trung đánh phá, hay trong những ngày chiến đấu ở B5. Đồng chí kéo tôi về nhà ở của đồng chí, bày la liệt trên bàn các mẫu đá, mô hình máy thủy điện nhỏ và một tấm bản đồ vẽ những con đường mới sẽ làm. Đồng chí chỉ nói sơ qua về tình hình chiến đấu vừa qua (vì đã có đồng chí Thanh - Tham mưu trưởng nói rồi), mà chủ yếu là nói kế hoạch xây dựng Quân khu sắp tới của đồng chí. Với giọng nói oang oang, say sưa, đồng chí nói: “Quân khu sẽ làm những con đường dọc, ngang này!... Không có đường để cơ động bộ đội thì không thể đánh thắng được... Nào là Quân khu 1, Cao Bằng, Bắc Cạn có những mẫu đá này! rất quý, rất quý! Xây dựng công trình cũng rất tốt, đắp đê kè cũng tốt! Mà xuất khẩu cũng quý! Phải tổ chức khai thác. Nào là ở Cao Bằng có nhiều khe suối này! Phải đắp đập làm thủy điện, tôi đặt ở Hà Nội làm máy thủy điện nhỏ, kiểu này, thắp sáng cho bộ đội, cho cả dân, sẽ điện khí hóa cả tỉnh Cao Bằng! Không có điện thì không phát triển kinh tế được. Lênin đã nói “Chủ nghĩa xã hội = chính quyền Xô viết + điện khí hóa mà”! “Kế hoạch 3Đ của tôi là: Đường + điện + đạm”. Quân khu 1 sẽ làm đường nhiều, sẽ điện khí hóa, sẽ nuôi trồng cho bộ đội cho dân có nhiều chất đạm...”. Đồng chí nói “thao thao bất tuyệt” vừa nói vừa vỗ đùi, mồ hôi ướt đẫm cả áo sau lưng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:49:34 pm »

        Về kinh nghiệm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng chí nói “kinh nghiệm của tôi phải làm kinh tế địa phương mạnh, xây dựng hậu phương tại chỗ mạnh. Tỉnh có nhiều tiểu đoàn địa phương mạnh. Vừa qua ít lực lượng, Bộ chi viện cho nhiều d (tiểu đoàn) nhưng toàn là tiểu đoàn mới tập trung lính mới. Đưa nhiều “dê non” (tiểu đoàn mới) lên đây không biết địa hình, không biết đánh giặc, các con “dê non” ấy chạy loanh quanh rồi biến đâu mất”!

        Đồng chí là cán bộ quân sự lão thành, vừa giỏi về quân sự vừa hăng say làm kinh tế. Trước đây trong chiến tranh phá hoại, vào công tác ở Quân khu 4, đã có lần đồng chí kéo tôi lên nhà ở của đồng chí dưới khe suối núi Đại Huệ, đồng chí nói về chống máy bay bắn phá của địch thì ít, vì tôi đã nghe tham mưu tác chiến giới thiệu, mà đồng chí nói về cách chọn giống cá trắm, nuôi cá trắm thế nào để đẻ con nhiều, chóng lớn. Rồi đồng chí đưa tôi ra xem một khe suối, đồng chí đã đắp chắn lại thành một hồ con, nuôi nhiều cá trắm. Buổi trưa đồng chí bảo công vụ bắt hai con to gần bằng hai bắp chân của đồng chí, một con rán vàng một con nấu canh chua mời tôi ăn cơm cùng đồng chí và cậu công vụ.

        Làm việc xong ở Quân khu, ngày hôm sau tôi với một cán bộ tác chiến Quân khu đi xe ôtô lên Cao Bằng, từ 6 giờ sáng mãi tới 10 giờ tối mới tới nơi, vì đường đi vấp đá ngổn ngang, nhiều đoạn bị phá hoại cắt đường, mới lấp lại. Tôi căng võng ngủ lại ở một lán chân đồi Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu.

        Sáng hôm sau lên gặp đồng chí Đàm Văn Ngụy - Tư lệnh phó, phụ trách tiền phương giới thiệu tình hình, đồng chí nói: “Tôi nói ít để anh đi xem thì biết. Úi chà chà! Nó ác quá! Nó chết cũng nhiều! Nhưng nó phá cũng nhiều. Mấy năm nay Cao Bằng xây dựng được bao nhiêu, thì bây giờ nó phá hết. Nó ác thật!

        Anh đi xem thì biết!”. Đồng chí chỉ giới thiệu tình hình vắn tắt mấy lời đó thôi, mặc dầu cán bộ tác chiến đã trải một tấm bản đồ chiến sự to trên bàn, đặt bên cạnh một bản báo cáo viết tay. Nói xong đồng chí cán bộ tác chiến ngồi chung xe tôi đi xem thực địa. Không chờ ăn cơm trưa nữa (vì có lương khô mang theo), tôi chia tay đồng chí Đàm Văn Ngụy ra đi theo đường Hòa An ra Hà Quảng vào hang Pắc Bó.

        Đúng như lời đồng chí Đàm Ngụy nói, dọc đường ngổn ngang cột điện, cột dây thông tin bị quân của đối phương phá ngã gục hai bên đường, nhiều nhà gạch ngói họ chiếm đóng, khi đi họ đặt mìn phá sập chỉ còn nền nhà; nhiều trâu bò lợn gà chết thối trên đồng ruộng... Qua nhà đồng chí Dương Đại Lâm một chiến sĩ trong đội bảo vệ đầu tiên của Bác (sau này là Tư lệnh phó Quân khu Việt Bắc). Nhà bỏ trống, qua cầu gỗ mục nát vào Pắc Bó thì các bảng giới thiệu di tích lịch sử bị đạp gãy nằm xuống đất, nhiều tảng đá lớn nằm chặn trước cửa hang (nghe nói họ đặt mìn phá), nhưng di tích trong hang vẫn còn.

        Đến tối, tôi về thị xã Cao Bằng ngủ và ngày hôm sau đi theo đường số 4 qua Thạch An, Đông Khê. Xem lại khu vực Thạch An, mà xe tăng đối phương vượt biên giới vào đường số 4, đến sáng dân ta vẫn tưởng là xe tăng của ta. Ngủ ở Đông Khê, ngày hôm sau chúng tôi lại đi qua Thất Khê về Lạng Sơn.

        Nhớ lại trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng biên giới của ta (1950). Từ sau thắng lợi quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã chi viện cho ta về trang bị vũ khí và cử cố vấn sang phổ biến những kinh nghiệm quý báu của họ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài sự chi viện về vật chất, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc còn phái các đơn vị công binh sang giúp ta xây dựng công trình quốc phòng và đường cơ động, các sư đoàn phòng không sang cùng quân dân ta chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Công ơn của Đảng Cộng sản Trưng Quốc, nhân dân và giải phóng quân Trung Quốc, chúng ta không bao giờ quên! Tình hình hữu nghị chiến đấu giữa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và Quân đội nhân dân Việt Nam lúc đó thật khăng khít. Nhưng những gì mà tôi bắt gặp sau ngày 17 tháng 2 năm 1979 ở Cao Lạng đã làm phai mờ một phần những ấn tượng và hình ảnh tốt đẹp đó trong lòng chúng ta.

        Đi nghiên cứu các đường tiến quân và khu vực bố trí của đối phương xung quanh thị xã Lạng Sơn và khu chùa Tam Thanh, tôi tiếp tục về Hà Nội theo đường số 1, nghiên cứu các khu vực trận địa bố trí phòng thủ của ta ở Đồng Mỏ, Chi Lăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:53:30 pm »

        Sau chuyển đi nghiên cứu tình hình Quân khu 1, tôi lại đi nắm tình hình Quân khu 2, qua Sở chỉ huy Quân khu ở cây số 18 nắm tình hình, rồi tôi đi thẳng lên khu mỏ Cam Đường cũng bị phá hoại, còn thị xã Lào Cai thì coi như bằng địa. Đứng trên đồi bên này quan sát sang bên kia Hồ Kiều thì thấy im lặng, chỉ thấy một số người đi lại, phố xá vẫn nguyên vẹn. Ban đêm vẫn có đèn điện.

        Ở Quân khu 2 về, tôi lại đi ra khu Đông Bắc, không có điều kiện và thời gian ra nghiên cứu các đảo, chỉ đi quan sát đường bộ, ra biên giới, trọng điểm là khu vực Móng Cái.

        Chặng đường đi nghiên cứu cuối cùng của tôi là vào Quân khu 4, kết hợp thăm bố, mẹ tôi và bà con ở Vinh. Sau gần một tháng đi nắm tình hình các quân khu, trở về Cục công tác, lên báo cáo với đồng chí Tấn, thì gặp đồng chí Khánh bí thư, đưa cho xem một biên bản của Văn phòng Chính phủ gởi sang, ghi buổi gặp giữa đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng và trưởng đoàn cố vấn Liên Xô Đại tướng Ôbaturốp.

        Trong đó đồng chí phàn nàn là: “Cán bộ quân sự Việt Nam chưa hợp tác chặt chẽ với các cố vấn Liên Xô, nêu ví dụ như đồng chí Cục trưởng mới Cục Tác chiến đã về nhận công tác một tháng chưa hề gặp cố vấn của Cục mình”.

        Tôi vào báo cáo với đồng chí Lê Trọng Tấn là được sự đồng ý của đồng chí, gần một tháng qua tôi đi nghiên cứu các quân khu, nên chưa gặp đồng chí Dimianhenco để làm việc, vả lại đồng chí đó còn bận tham gia tổng kết chiến tranh biên giới với đồng chí Lê Hữu Đức. Đồng chí Tấn nói: “Thôi được, rút kinh nghiệm về làm việc và từ nay cần quan hệ chặt chẽ với cố vấn Liên Xô”.

        Từ đó, giữa tôi và đồng chí Cố vấn Dimianhenco quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Thời gian đầu đồng chí còn được vào làm việc trong khu A, trong nhà làm việc của Cục, gặp gỡ nhau hàng ngày, có khi đồng chí còn vào cả phòng làm việc kiêm phòng ngủ của tôi để bàn công việc. Về sau, theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ta, cố vấn Liên Xô đến làm việc tại nhà khách Bộ Quốc phòng ở 28 Cửa Đông, thì tôi chỉ gặp một tuần một lần, các đồng chí cục phó, trưởng phòng, phân công tiếp hàng ngày bàn các chuyên đề.

        Đồng chí Thiếu tướng Dimianhenco, Cố vấn đầu tiên của Cục, là một người có trí thức, có lý luận, có kinh nghiệm về công tác tham mưu, xã giao khéo, tuy có tính áp đặt bắt mình làm theo đúng ý kiến đồng chí đề xuất. Có khi cũng tỏ thái độ bực bội với nhau, nhưng trong gần 3 năm đồng chí cũng đã giúp chúng tôi và cho cả Cục nhiều việc. Công việc nổi nhất mà đồng chí giúp Cục là công tác tham mưu trong việc tổ chức các cuộc diễn tập tham mưu 2-3 cấp có một phần thực binh, mở đầu là cuộc diễn tập ở đặc khu Quảng Ninh, rồi Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5 và một lần diễn tập chiến dịch Mb81 của cơ quan Bộ với 4 quân khu phía Bắc. Những cuộc diễn tập sau, thì đồng chí đã về nước, nhưng sự giúp đỡ của đồng chí với các cuộc diễn tập đầu tiên đã xây dựng được một nền nếp cho các cuộc diễn tập sau.

        Tuy rằng về nghệ thuật chiến dịch, cách đánh, sử dụng lực lượng, có những ý kiến không phù hợp với hoàn cảnh của ta, nhưng về mặt công tác tham mưu thì qua các diễn tập, cơ quan tham mưu các cấp (từ huyện - tỉnh - quân khu - Bộ) đã được tiến bộ một bước.

        Công việc nổi thứ hai của đồng chí Dimianhenco là đã giúp Cục biên soạn chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu để làm cơ sở ra lệnh báo động chuyển các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nâng cao ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cho cơ quan chỉ huy và các đơn vị. Tuy rằng, sau này tình hình phát triển phải bố sung thay đổi nhưng chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu đầu tiên (47QP) cũng đã làm nền giúp Cục dựa vào đó mà bổ sung phát triển.

        Trong quá trình quan hệ với nhau khi hết thời gian công tác rời khỏi Việt Nam, hai vợ chồng đồng chí đã để lại một tình cảm hữu nghị tốt đẹp với anh em trong Cục.

        Sau khi về nước đồng chí được phong quân hàm Trung tướng làm Tổng cục Trưởng Tổng cục phòng vệ dân sự của Liên Xô. Năm 1983 khi tôi đi nghỉ ở Bungari về qua Matxcơva gặp đồng chí Cứu (trước đây là phiên dịch), lúc đó học ở Học viện quân sự Liên Xô điện thoại nói tôi đến Matxcơva, thì đồng chí mời hai người tới nhà ăn cơm và nói: “Vì học tập được chiến tranh nhân dân Việt Nam, về công tác dân quân, nên về nước cấp trên bố trí đồng chí làm công tác phòng vệ dân sự của Liên Xô”.

        Năm 1986, khi tôi sang tham quan cuộc diễn tập chiến lược “Pháo đài 86” của Cu Ba, nghe các đồng chí chuyên gia quân sự Việt Nam ở Cu Ba nói với đồng chí Dimianhenco (lúc này là Phó trưởng đoàn cố vấn kiêm Tham mưu trưởng của Liên Xô ở Cu Ba) là có tôi sang công tác ở Cu Ba, thì đồng chí đến tận chỗ ở của đoàn chuyên gia quân sự của ta ở Lahabana, mời tôi tới tham quan Sở chỉ huy của đoàn cố vấn Liên Xô và tới nhà riêng của hai ông bà ăn cơm. Đồng chí nói: “Có lẽ cũng nhờ học tập chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời gian tôi công tác ở Việt Nam, nên cấp trên lại cử tôi sang làm Cố vấn quân sự ở Cu Ba đây!”.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Năm, 2016, 07:02:44 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:58:37 pm »

        
*

*       *

        Trở lại công việc của tôi trong 2-3 năm đầu về Cục (1979-1981): ngoài việc quan hệ với cố vấn Liên Xô về công tác xây dựng cơ quan, huấn luyện diễn tập chiến dịch nói trên, việc chính là rút kinh nghiệm qua hai cuộc chiến tranh hai đầu biên giới, nghiên cứu bổ sung phương án phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Vừa nghiên cứu trên cơ quan Bộ, vừa đi xuống địa phương, đơn vị, thực địa kiểm tra và bàn việc bố trí lực lượng tại chỗ.

        Có một lần, tôi bố trí cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Văn Tiến Dũng và Tổng Tham mưu phó Đặng Kinh đi kiểm tra bố trí phòng thủ ở Quân khu 2. Tôi sử dụng một chiếc máy bay Mi8 thiết bị thông tin mới do Liên Xô viện trợ, để bố trí đồng chí Văn Tiến Dũng, đồng chí Đặng Kinh, tôi và đồng chí Sáng bảo vệ ngồi. Đồng chí Tuyến - Bí thư đồng chí Dũng ngồi riêng một chiếc trực thăng UH1. Đồng chí Dũng và đồng chí Đặng Kinh đồng ý đi thử chiếc trực thăng có thiết bị thông tin chỉ huy này.

        Máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm lên Lai Châu làm việc với Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nghỉ đêm tại đây, sáng hôm sau cả hai trực thăng bay lên Điện Biên Phủ, thăm lại các di tích lịch sử của chiến trường xưa. Sau khi ăn cơm trưa, hai máy bay cất cánh bay về Yên Bái để làm việc với Tư lệnh Quân khu 2 - đồng chí Vũ Lập đang chờ ở đấy.

        Nhưng khi trực thăng bay trên đỉnh núi Fansipăng thì bay vào một vùng mây trắng dầy đặc, không còn trông thấy gì nữa, mất địa tiêu, không nhận ra đường đi và đỉnh núi. Hai máy bay mất liên lạc bằng máy thông tin với nhau. Máy bay UH1 của đồng chí Tuyến nhỏ, nhẹ đi trước luồn qua vùng mây trắng dày đặc và bay về đến sân bay Yên Bái, cùng đồng chí Vũ Lập đón chờ đồng chí Văn Tiến Dũng. Máy bay Mi8, vì có thiết bị máy thông tin nặng, ngoài tổ lái lại thêm 4 người, trọng tải nặng, tổ lái cứ nâng cần mãi nhưng máy bay không lên nổi, độ cao đồng hồ báo dưới 1.000 mét. Máy bay cứ lẩn quẩn mãi trong mây mù mịt. Tổ lái toát mồ hôi. Đồng chí Sáng bảo vệ từ khoang tổ lái bước ra ghé tai tôi thì thầm: “Chết rồi anh ạ! Cứ luẩn quẩn thế này thì đâm vào núi mất?”. Đồng chí Dũng ngước mắt lên nhìn tôi hỏi: “Cậu Sáng nói gì đấy?”. Tôi báo cáo: “Máy bay không vượt qua nổi dãy Fansipăng, đề nghị cho quay lại Điện Biên Phủ”, đồng chí Dũng gật đầu. Tôi bước vào khoang lái, bảo tổ lái cho quay lại Điện Biên Phủ. Tổ lái cho máy bay quay đầu lại bay được chốc lát, thì tổ trưởng lái bảo hướng Điện Biên Phủ có mưa giông nên phải quay về hướng tây nam. Bay được khoảng 20 phút thì trông thấy lờ mờ dưới đất có đồng ruộng, có bản làng. Tổ lái vừa cười vừa nói “thấy địa tiêu rồi!”, tôi cũng thấy nhẹ cả người. Máy bay lượn mấy vòng, rồi từ từ hạ xuống một thửa ruộng bậc thang. Xuống mặt đất, mới biết đây là cánh đồng Than Uyên, các đồng chí huyện ủy cùng nhân dân ra đón và xem máy bay, vì chưa bao giờ có máy bay hạ cánh xuống đây. Đồng chí Bí thư huyện ủy mời đồng chí Dũng vào cơ quan nghỉ mai lại bay về Yên Bái. Nhưng đồng chí Dũng nói phải về Yên Bái chiều nay để làm việc, vì đồng chí Vũ Lập đang chờ ở đó. Tổ lái cũng nói với tôi phải về sân bay Yên Bái để tiếp xăng.

        Chờ gần một tiếng đồng hồ, nhìn lên trời thì cả bốn phía mây mù mịt. Tôi hỏi tổ trưởng lái máy bay, theo quyết tâm của thủ trưởng như thế, thì có cách nào bay về được Yên Bái không? Đồng chí tổ trưởng lái (mà tôi đã quên tên và sau này cũng đã hy sinh trong một tai nạn máy bay) nói: “Chỉ có cách là cất cánh lên cao, bay về hướng đông nam theo tín hiệu của đài phát thanh Mễ Trì, rồi đến chỗ nào đấy trời quang trông thấy mặt đất sẽ bay thấp quay ngược lên Yên Bái”. Tôi báo cáo ý kiến đó với đồng chí Dũng, đồng chí đồng ý. Máy bay cất cánh lên, bay cao về hướng Đông Nam để vượt các dãy núi ở vùng Than Uyên, Nghĩa Lộ, núi hướng đông này không cao như dãy Fansipăng. Bay được một thời gian cũng khoảng 40 phút, qua hết vùng mây dày đặc, lờ mờ thấy sông, thấy nhà ngói, thị trấn. Hạ thấp độ cao của máy bay, tổ lái chỉ cho tôi nhìn xuống ngã ba sông Thao, sông Lô, thấy thành phố Việt Trì và cầu Việt Trì rồi, nên quay lại hạ thấp độ cao bay ngược rất thấp theo dòng sông Thao lên lại sân bay Yên Bái thì trời đã gần tối.

        Đồng chí Vũ Lập và đồng chí Tuyến đang đứng chờ ở đó, đồng chí Vũ Lập vui mừng ôm choàng đồng chí Văn Tiến Dũng và quay lại nói với tôi: “Đồng chí đưa thủ trưởng đi mạo hiểm quá! (quay sang bắt tay đồng chí Đặng Kinh), à! Cả Tổng Tham mưu phó nữa! Cả hai anh liều thật ! Bọn mình sốt ruột quá, đứng chờ mấy tiếng đồng hồ mỏi cả chân, cứ nghe tiếng ù ù lại nghển cổ lên xem có phải trực thăng đến không!”.

        Làm việc ở Bộ Tư lệnh Quân khu 2 xong, sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình bằng hai trực thăng, chúng tôi lại đưa thủ trưởng lên Cam Đường, Lào Cai làm việc. Những ngày tiếp theo, bay sang Hà Giang, rồi bay sang Lạng Sơn, về Đông Mỏ làm việc với Quân đoàn 5 (là Quân đoàn 14) rồi bay về Hà Nội an toàn.

        Qua cuộc hành trình này, tôi cũng tự kiểm điểm thấy trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch và bảo đảm cho thủ trưởng đi công tác bằng máy bay không chu đáo. Tuy rằng chuyến đi về được an toàn và thủ trưởng hài lòng vì đã làm việc được với nhiều đơn vị, nghiên cứu được thực địa nhiều nơi đã bị đối phương bắn phá qua chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979, nghiên cứu được nhiều trận địa phòng thủ của bộ đội ta gần biên giới.

        Tôi tự rút kinh nghiệm, sử dụng một phương tiện kỹ thuật mới phải tìm hiểu tính năng kỹ thuật của nó. Cứ tưởng máy bay mới là tốt, nên đề nghị sử dụng cho thủ trưởng đi, là lần đầu tiên dùng máy bay đường dài (mặc dù đã được Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân đồng ý). Sau hỏi lại chuyên gia Liên Xô, họ nói “trực thăng có thiết bị thông tin, nhiều máy móc nặng, chỉ dùng cho sĩ quan đi quan sát chỉ mục tiêu cho pháo binh, tên lửa, có thể dùng cho chỉ huy cấp chiến thuật (sư đoàn, quân đoàn) ngồi 2-3 người, sao lại dùng chở lãnh đạo cấp chiến lược, chở nhiều người, nhiều quà tặng cho các đơn vị? không đảm bảo an toàn!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:01:36 pm »


        Theo dõi phục vụ sự chỉ đạo tác chiến trên chiến trường Campuchia

        Chiến trường chính thời kỳ này là miền Bắc Việt Nam, nên tôi tập trung theo dõi phục vụ sự chỉ đạo tăng cường củng cố phòng thủ miền Bắc, trọng điểm là 3 quân khu biên giới (đặc khu Quảng Ninh, Quân khu 1, Quân khu 2). Công việc chính là nghiên cứu kế hoạch chiến lược phòng thủ, giúp thủ trưởng Bộ duyệt các kế hoạch của các quân khu, quân đoàn, binh chủng. Từng thời gian đưa các thủ trưởng Bộ hoặc bản thân cùng các cán bộ trong Cục đi xuống các đơn vị nắm tình hình thực hiện các kế hoạch Bộ đã thông qua.

        Nhưng chiến trường Campuchia cũng là một trọng điểm, nơi “nước sôi, lửa bỏng”. Sau cuộc phản công chiến lược giúp bạn giải phóng Campuchia, lập xong chính quyền cách mạng Campuchia từ Trung ương đến phum xã, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, ta vẫn phải để lại một đội quân tình nguyện lớn. Hàng ngày vẫn phải chống các cuộc tập kích, phục kích địch ở nội địa và các cuộc phản công của chúng ở vùng biên giới rừng núi Campuchia - Thái Lan. Vì vậy, Bộ Quốc phòng tổ chức một Bộ Tư lệnh quân tình nguyện mạnh và một đoàn chuyên gia quân sự giúp bạn (Bộ Tư lệnh 719) do đồng chí Lê Đức Anh phụ trách. Cục Tác chiến cử một số đồng chí cán bộ thay nhau làm việc trong cơ quan Tham mưu Bộ Tư lệnh 719 (như các Cục phó Lê Duy Mật, Khiếu Anh Lân, Lê Quang San, Phú Chút, Minh Long). Ngoài ra Cục Tác chiến còn cử một bộ phận cán bộ trực ở Tân Sơn Nhất, làm cơ quan trung gian giữa Sở chỉ huy cơ bản Hà Nội và Phnôm Pênh.

        Theo dõi phục vụ sự chỉ đạo tác chiến, thời gian này, tôi ở Sở chỉ huy cơ bản Bộ ở Hà Nội để nắm tình hình chung, trọng điểm là tình hình biên giới phía Bắc, từng thời gian tôi đi nắm lại tình hình ở Campuchia, ở cơ quan 719 và đi các mặt trận, các quân khu (759 ở Stưng treng, 779 ở Cômpông Chàm, 479 ở Xiêm Riệp, Poi Pét, 979 ở Takeo CôCông). Mỗi năm hai lần tôi đi với đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn, có khi đi cả với đồng chí Hoàng Văn Thái vào Tân Sơn Nhất và sang Campuchia dự tổng kết hoạt động quân sự mùa khô, bàn kế hoạch quân sự mùa mưa tiếp theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:06:37 pm »


        Kinh nghiệm từ trận đánh của một đơn vị thuộc Mặt trận 479

        Có một lần vào mùa hè năm 1983, tôi đưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn đi sang Campuchia nghiên cứu kế hoạch tác chiến mùa khô 1983 - 1984. Khi trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất bay sang hạ cánh ở sân bay quân sự Pôchengtông, đồng chí Lê Đức Anh ra đón đồng chí Lê Trọng Tấn về làm việc. Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh 719, tôi bố trí trực thăng đưa đồng chí Lê Trọng Tấn đi làm việc với các mặt trận và xuống các đơn vị. Cùng đi với Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh 719 cử đồng chí Lê Duy Mật - Cục phó Cục Tác chiến và đồng chí Trần Ôn, cán bộ Phòng Tác chiến cùng đi. Tới Bộ Tư lệnh 479, sau khi nghe đồng chí Hồ Quang Hóa - Tư lệnh mặt trận báo cáo kế hoạch tác chiến đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua, đoàn tới thăm và nghe kế hoạch cụ thể của các đơn vị đóng quân ở Xixôphôn, Báttambang. Trở về Phnôm Pênh, đoàn tới Bộ Tư lệnh 979 nghe đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung) - Tư lệnh Mặt trận 979 báo cáo, rồi bay đi Sihanoukville.

        Kết thúc chuyến đi công tác ở Campuchia, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn về Thành phố Hồ Chí Minh, rồi lên Học viện Lục quân Đà Lạt làm việc. Tôi được phép trở về thăm và nghỉ ở gia đình.

        Sáng hôm sau, tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất để cùng đi chung máy bay YAK40 ra Hà Nội, thì đồng chí Tấn hỏi tôi có nghe tin bộ đội 479 đánh sang đất Thái Lan không mà đài địch nó kêu? Tôi báo cáo là tôi có vào cơ quan tác chiến ở Tân Sơn Nhất nghe anh em nói bộ đội ta có đánh một căn cứ Khmer đỏ ở Nong Chang trên biên giới đất Thái, nhưng chưa rõ kết quả, mà khi ở Bộ Tư lệnh 479 anh đã nghe anh Hồ Quang Hóa báo cáo kế hoạch này đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua. Tình hình tưởng không có việc gì rắc rối xảy ra.

        Về Hà Nội được vài ngày, một buổi chiều đồng chí Văn Tiến Dũng gọi tôi sang nhà riêng nói: “Vừa qua anh đi với anh Tấn sang Campuchia, thông qua kế hoạch đánh địch trên đất Thái thế nào mà bây giờ nó kêu om sòm là quân Việt Nam lại xâm lược Thái Lan? Ở Matxcơva anh Ba (đồng chí Lê Duẩn), anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng) đang hội đàm về việc viện trợ với đồng chí Brê-giơ-nhép, đồng chí ấy nói: “Trong tình hình hiện nay, các đồng chí không nên đưa chiến tranh sang một nước thứ ba nữa...”. Anh Thận (đồng chí Trường Chinh) cũng điện thoại hỏi tôi, sao lại cho quân ta sang đất Thái? Kế hoạch đánh thế nào mà không báo cáo Quân ủy, tôi cũng không biết...? Tôi báo cáo lại tình hình chuyến di công tác với anh Tấn vừa qua và sự kiện đánh Nong Chang là kế hoạch của Bộ Tư lệnh 479 đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua, không phải anh Tấn thông qua kế hoạch này. Anh Tấn chỉ nói với Bộ Tư lệnh 479 kế hoạch đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua rồi thì các đồng chí cứ thi hành. Anh Tấn chỉ nhắc nhở: “Phải chuẩn bị chu đáo, thận trọng, đánh chắc thắng, tiêu diệt nhanh gọn, rút về...”. Anh Dũng bảo tôi: “Thế thì ngày mai cậu đi trực thăng xuống Đồ Sơn báo cáo với anh Thận, anh không bằng lòng về chuyện này đấy! để anh Thận điện sang anh Ba, anh Tô biết...”.

        Sáng hôm sau tôi đi trực thăng UH1 hạ cánh xuống sân bay nhỏ ở Đồ Sơn, Văn phòng Trung ương đã cho xe đón ở đây. Tôi vào khu nhà nghỉ của Trung ương ở khu trung tâm Đồ Sơn, báo cáo mọi sự việc với anh Thận. Anh Thận nói: “Các đồng chí quân sự chỉ đạo tác chiến bây giờ phải thận trọng, vì tình hình chính trị phức tạp và kinh tế ta đang gặp khó khăn.

        Bộ đội ta đánh sang đất Thái thế nào mà họ kêu rùm beng, động đến các đồng chí lãnh đạo ta đang bàn xin viện trợ ở Liên Xô. Nguyễn Cơ Thạch (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đang ngồi bàn bên đất Thái. Kinh tế đang gặp khó khăn, dân đang đói vì thiếu gạo nghiêm trọng. Vừa qua bàn với Thái Lan, họ chịu bán gạo gửi gấp sang ta, chỉ có 5 vạn tấn gạo tấm thôi, thế mà nay họ đình lại, bộ đội Campuchia đánh sang đất Thái sao Quân ủy không biết. Tổng tham mưu trưởng sang nghe tình hình thế nào mà về không báo cáo với Quân ủy? Thôi, sáng ngày mai đồng chí vào Sài Gòn gặp anh Sáu Thọ (đồng chí Lê Đức Thọ) và anh Sáu Nam (đồng chí Lê Đức Anh) truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị là từ nay trở đi không được hành động như thế. Rồi khi anh Ba, anh Tô về sẽ họp kiểm điểm vấn đề này...”. Ngay chiều hôm đó, tôi đi trực thăng về Hà Nội và sang báo cáo ngay với anh Dũng. Anh Dũng chỉ thị ngày mai tôi phải đi máy bay vào Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo sự việc này với anh Sáu Thọ và anh Sáu Nam. 10 giờ trưa ngày hôm sau, tôi vào cơ quan tác chiến ở sân bay Tân Sơn Nhất, gọi điện thoại Văn phòng Trung ương 2 ở T78 tại Thành phố Hồ Chí Minh xin gặp hai anh để báo cáo ý kiến anh Trường Chinh và Văn Tiến Dũng. Buổi chiều, khi vào cơ quan T78, đầu tiên gặp trước báo cáo với anh Sáu Nam. Anh Sáu Nam nghe, im lặng rồi nói chủ trương đánh địch ở đây, có anh Sáu Thọ đại diện Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, anh sang báo cáo với anh Sáu Thọ, anh ấy cũng đang chờ nghe anh báo cáo đấy!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:09:51 pm »

        Tôi sang nhà bên cạnh gặp anh Thọ đang mặc bộ quần áo bà ba lụa vàng, phe phẩy cái quạt cầm tay, thấy tôi, anh gọi vào ngồi ở ghế salông nghe báo cáo. Tôi giở sổ đỏ đã ghi toàn bộ ý kiến anh Ba, anh Tô điện ở Matxcơva về, ý kiến anh Trường Chinh nói ở Đồ Sơn và ý kiến anh Dũng trước khi tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh. Nghe chưa hết bản báo cáo của tôi, anh Thọ có vẻ không bằng lòng, đứng dậy xếp quạt, tay phải cầm quạt, gõ đầu quạt vào bàn tay trái, vừa đi lại trong phòng, vừa nói: “Các anh tham mưu tác chiến biết tình hình mà cũng không báo cáo rõ cho các anh trên biết. Anh Tấn - Tổng tham mưu trưởng và anh, Cục trưởng Cục Tác chiến vào thông qua kế hoạch tác chiến, tại sao không báo cáo với Quân ủy lại đổ lỗi cho bọn này? Các anh cũng biết đấy, địch nó cứ ở biên giới bên đất Thái Lan, mà Thái Lan cho phép nó ẩn náu ở đấy, bắn pháo sang đất Campuchia làm thương vong bộ đội ta và dân Campuchia. Ta cứ ngồi thế mà chịu đòn à? Cứ nói đánh trên đất Campuchia thôi, thì đánh vỗ mặt làm sao bao vây tiêu diệt được nó, lại ăn pháo nó. Nó từ đất Thái bắn pháo sang đất Campuchia, thì ta bắn pháo sang tiêu diệt quân Khơme đỏ, có bắn vào quân đội và dân Thái đâu. Đánh vòng sang đất Thái một tí, chỉ để diệt Khơme đỏ mà Thái cho nó đóng quân ở đấy! Vì Thái cho Khơme đỏ đóng quân, để cảnh báo, họ còn che giấu quân Khơme đỏ trên đất Thái đánh tôi, thì tôi có quyền đánh trả và tôi còn đánh nữa đấy? Còn chuyện không để lại dấu vết, thì anh em đã cố gắng thu dọn chiến trường sạch trước khi lui quân. Nhưng có phải sân nhà mình đâu, mà bảo anh em phải quét cho sạch dấu vết được. Anh ra báo cáo lại cho các anh ngoài đó biết...”. Sự việc tôi cứ tưởng như thế là qua! Không ngờ, sau khoảng 10 ngày, đồng chí Ba Duẩn và đồng chí Tô đã về Hà Nội. Đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã ra Hà Nội, các đồng chí Bộ Chính trị họp bàn gì, mà một hôm trực ban tác chiến báo với tôi, là điện thoại Văn phòng Trung ương báo chiều nay anh sang gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà riêng (số 7 dường Nguyễn Cảnh Chân).

        2 giờ chiều hôm đó, tôi đến nhà riêng đồng chí Lê Đức Thọ qua phòng làm việc của đồng chí Ngọc (Bí thư đồng chí Thọ) bảo anh Sáu đang chờ anh trong đó. Tôi vào phòng của đồng chí Thọ, thấy đồng chí cũng trong bộ quần áo bà ba lụa vàng, đang ngồi trên một ghế salông. Đồng chí chỉ tôi ngồi ghế trước mặt, rồi đồng chí nói ngay một loạt: “Anh về báo cáo thế nào mà để các đồng chí trong Bộ Chính trị hiểu lầm nhau, làm tham mưu, làm Cục trưởng Cục Tác chiến phải báo cáo cho đúng sự thật, đừng che giấu khuyết điểm của mình, đừng bao che cho thủ trưởng mình, lại đổ lỗi cho tôi tự do cho quân sang đánh trên đất Thái Lan. Chính Tổng tham mưu trưởng, Cục trưởng Cục Tác chiến các anh sang thông qua kế hoạch rồi về lại nói không biết...”. Tôi vừa mở cặp, vừa giở sổ ghi chép lời nói của đồng chí nói với tôi ở T78 và những lời tôi báo cáo lại với đồng chí Văn Tiến Dũng (nguyên văn lời đồng chí Thọ nói), chứ không báo cáo với anh Trường Chinh (vì không được gọi để báo cáo). Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ không cho tôi báo cáo hết, mà cứ nói tiếp, tay trái vừa rút trong túi áo bà ba một tập điện đánh máy: “đây này, điện tôi gởi ra Bộ Chính trị, anh em cơ yếu có gởi Quân ủy Trung ương nói tình hình cụ thể, chủ trương đánh địch thế này!

        Đây này! Đây này! Sao lại nói không báo cáo, tự do chủ trương đánh sang đất Thái... Các anh Quân ủy không ai đọc, Cục trưởng Cục Tác chiến cũng không đọc à? Sao lại bảo không có báo cáo?...”, đồng chí cứ nói đi nói lại liên tục, tôi vừa cải chính thì đồng chí lại ngắt lời tôi và nói tiếp. Tôi ức quá nghẹn cả cổ, không nói lên lời được nữa, bỏ sổ vào cặp, ngồi thẫn người, nghe đồng chí phân tích tình hình, nói cả những việc trước đây trong hội nghị Pari, đồng chí đấu tranh với Kít-xinh-giơ thế nào, ý kiến của đồng chí thế nào, ý kiến chỉ đạo thế nào. Tôi đang căng đầu, nên cũng không hiểu được gì cả và cũng không còn nhớ gì nữa! Nói một hồi xong, đồng chí nói “thôi nhé! Về báo cáo lại với anh Tấn...”. Tôi đứng dậy chào ra về, qua phòng đồng chí Ngọc - Bí thư, tôi nói không hiểu sao hôm nay anh Thọ gọi tôi sang “quạt” một trận nên thân, tôi chìa quyển sổ ghi chép của tôi và nói “tôi định báo cáo nội dung tôi đã báo cáo với anh Dũng thế này, nhưng anh ấy không cho nói...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:13:48 pm »

        Đồng chí Ngọc cầm quyển sổ ghi chép của tôi và nói “anh Sáu nóng một tí thế thôi, để sổ đây, tôi xem và báo cáo lại với anh ấ...”.

        Hai ngày sau, anh Lê Duy Mật - Cục phó Cục Tác chiến ra Hà Nội gặp tôi. Tôi nói lại chuyện hôm tôi gặp anh Thọ. Anh Duy Mật nói “được rồi, tôi cùng đi với anh Tấn và anh lên Mặt trận 479, nghe anh Hóa báo cáo kế hoạch, việc đánh Noọng Chang là do Bộ Tư lệnh 719 thông qua, có phải anh Tấn thông qua đâu, tôi sẽ sang thăm anh Thọ và báo cáo lại”. Chiều hôm sau, anh Mật và tôi lại sang nhà riêng anh Thọ ở đường Nguyễn Cảnh Chân. Sau khi chào hỏi, anh Mật nói vắn tắt qua tình hình Campuchia gần đây, tôi nói tiếp “hôm trước anh không cho tôi báo cáo tình hình về chuyện đánh Noọng Chang, hôm nay có anh Mật đây, báo cáo thêm với anh”. Anh Mật báo cáo rõ thêm sự việc hôm cùng đi với anh Tấn và tôi lên Mặt trận 479. Anh Thọ mặt vẻ bình thường, không cáu giận như hôm trước, cầm quyển số đỏ ghi chép của tôi (mà tôi đã đưa cho đồng chí Ngọc khi ra về) trả lại cho tôi và nói: “Thôi được, mấy ngày tới, tôi sẽ đi nghỉ ở Đà Lạt, ghé qua gặp hỏi thêm các đồng chí trong đó...”.

        Mười ngày sau, tôi đang làm việc ở cơ quan Cục Tác chiến, thì đồng chí Bính, Trưởng phòng hành chính Bộ Quốc Phòng sang gặp đưa xem một bức điện của Ban Cơ yếu Trung ương (Phòng 6) chuyển sang Văn phòng Bộ Quốc phòng. Nội dung bức điện:

        “Gửi anh Hoàng Nghĩa Khánh, Bộ Quốc phòng.

        Tôi sang đây gặp anh em nói thì sự việc anh báo cáo là đúng. Báo lại để anh yên tâm.

Lê Đức Thọ”        

        Tôi cầm bức điện này lên đưa cho đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Văn Tiến Dũng đọc.

        Sự kiện này cũng để lại một dấu ấn trong đời làm công tác tham mưu tác chiến của tôi. Tuy không vấp phải một khuyết điểm gì nghiêm trọng qua sự kiện này, về công tác tham mưu tôi có ưu điểm ghi chép đầy đủ, báo cáo đúng sự thật với cấp trên, nhưng tự kiểm điểm, theo trách nhiệm của một Cục trưởng Cục Tác chiến, không nhạy bén trước tình hình chính trị, kinh tế của đất nước, không làm tròn vai trò tham mưu của mình đề đạt về tình hình khi nghe thủ trưởng thông qua kế hoạch. Ý thức đơn giản trước một sự kiện quan trọng có liên quan đến chính trị, nếu không nói là “quân sự thuần túy”. Khi tình hình chiến sự xảy ra, chỉ để nắm về diễn biến, kết quả trận đánh, mà không suy nghĩ đến hậu quả và ảnh hưởng của nó sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:16:42 pm »


        Theo dõi sự chỉ đạo quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn ở Lào

        Sau khi cách mạng Lào giành được thắng lợi hoàn toàn, thành lập Chính phủ liên hiệp, miền Nam cũng được giải phóng, Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, chỉ để lại một đoàn chuyên gia quân sự ở Bộ Quốc phòng Lào và một số tỉnh, trường học. Nhiều cán bộ và quân tình nguyện Việt Nam được Chính phủ Lào khen thưởng, tôi cũng được Nhà nước Lào tặng thưởng một Huân chương Itsala hạng nhất và một Huy chương “Anh dũng chống Mỹ” của Pathét Lào.

        Nhưng bọn phản động trong nước Lào, được sự giúp đỡ của các lực lượng phản động quốc tế, nhất là trong chiến tranh xâm lấn biên giới Bắc Việt Nam tháng 2 năm 1979, một quốc gia “láng giềng” cũng có âm mưu qua con đường viện trợ kinh tế, đưa quân sang giúp Lào xây dựng đường sá ở Bắc Lào, để khuất phục nước Lào theo quĩ đạo của họ và chia rẽ sự đoàn kết giữa Lào với Việt Nam. Theo đề nghị của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ Lào, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam lại trở sang Lào, giúp quân đội Lào tiễu phỉ và đứng chân ở một số vùng trọng điểm. Hàng năm phái đoàn quân sự hai nước qua lại trao đổi đánh giá tình hình và kinh nghiệm. Theo yêu cầu của bạn, Bộ Tổng Tham mưu và Cục Tác chiến cử những phái đoàn từng thời kỳ sang góp ý kiến với bạn về xây dựng kế hoạch phòng thủ bảo vệ đất nước Lào và tiến hành các cuộc diễn tập liên minh chiến đấu.

        Tôi có lúc đi chung với thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, có lần dẫn đầu đoàn Cục Tác chiến sang giúp Bộ Tổng Tham mưu và trao đổi kinh nghiệm với Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu của bạn.

        Đầu năm 1983, được sự ủy nhiệm của Bộ Tổng Tham mưu, tôi phụ trách một đoàn cán bộ (gồm cán bộ Cục Tác chiến, Quân báo, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Tham mưu, Tổng cục Hậu cần) sang giúp bạn tổ chức tập huấn về chiến dịch phòng ngự cho cán bộ các Cục của Bộ Tổng Tham mưu, một số cán bộ Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Chính trị Lào.

        Sau tập huấn, tiến hành diễn tập tham mưu hai cấp (Bộ Tổng Tham mưu, Quân khu Bắc Lào và 2 sư đoàn) tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu. Tham gia diễn tập có đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đang giúp quân đội Lào. Sau cuộc diễn tập được đồng chí Khăm Tày, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Xom Xắc nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân dội nhân dân Lào chiêu đãi đoàn cán bộ Việt Nam, có đồng chí Trần Văn Quang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sang tham dự.

        Bạn Lào đánh giá qua cuộc diễn tập đã nâng cao tri thức về nghệ thuật chiến dịch cho cán bộ quân sự Lào, nhất là về nghiệp vụ công tác tham mưu.

        Chuyên gia quân sự Liên Xô cũng khen cán bộ quân sự Việt Nam có trình độ khá và giúp Lào tập huấn và diễn tập có kết quả tốt. Cán bộ quân sự Việt Nam nói, thì cán bộ Lào mới làm, chứ trước đây chuyên gia Liên Xô cũng đã nhiều lần đề cập giúp đỡ cán bộ Lào tập huấn và diễn tập chiến dịch, nhưng cán bộ Lào không tiếp thu, chỉ học tập Liên Xô về kỹ thuật và nghiệp vụ tham mưu một phần ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu.

        Mùa thu năm 1983, theo sự thỏa thuận giữa hai Bộ Tổng Tham mưu, đoàn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu do tôi phụ trách, thành phần lần này đông hơn (cơ quan C59, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị) sang tỉnh Uđomxay (Bắc Lào) để chuẩn bị cho cuộc diễn tập tham mưu hai cấp của Quân khu Bắc Lào, có một phần thực binh ở địa hình dã ngoại. Cuộc diễn tập này mang ký hiệu “HN83” (hữu nghị 83). Chỉ đạo cuộc diễn tập này về phía Việt Nam do Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn và đồng chí Phó Tổng tham mưu trường Phùng Thế Tài; về phía Lào do đồng chí Tổng tham mưu trưởng Xom Xắc và Phó Tổng tham mưu trưởng Chumaly phụ trách. Tham dự diễn tập còn có một số chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam do Thượng tướng Krivơda trưởng đoàn và một số chuyên gia quân sự Lào do đồng chí Thiếu tướng trưởng đoàn phụ trách.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 08:57:13 pm »

        Thành phần tham dự diễn tập liên minh chiến đấu phía Lào do Tư lệnh Quân khu Bắc Lào Thiếu tướng Khămpha chỉ huy chung; phía Việt Nam do Đại tá Trần Ngọc Trai chỉ huy một Quân đoàn tình nguyện Việt Nam, ngoài ra còn có cơ quan 2 sư đoàn bạn, cơ quan tỉnh ủy và chỉ huy quân sự tỉnh Uđomxay, để phối hợp giữa quân tình nguyện Việt Nam, sư đoàn chủ lực Lào với bội đội địa phương dân quân du kích tỉnh Uđomxay. Cuộc diễn tập đã diễn ra an toàn tuyệt đối, với tình hữu nghị gắn bó Việt - Lào và quan hệ tốt với đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở hai nước Việt - Lào. Qua diễn tập, bạn đánh giá kết quả, nâng cao hiểu biết về hiệp đồng chiến đấu binh chủng hợp thành, rút kinh nghiệm về chỉ huy liên minh chiến đấu Việt - Lào, do bạn làm chỉ huy trưởng, đặc biệt lần diễn tập này đã đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng ủy chính quyền địa phương, các cơ quan tỉnh ủy, chính quyển nhân dân, cùng tham gia diễn tập, phát huy vai trò khả năng bộ đội địa phương và dân quân du kích Lào.

        Ngoài các cuộc diễn tập cùng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Lào và Quân khu Bắc Lào, cuối năm 1983, quân đội ta và bạn Liên Xô (Quân khu Viễn Đông) còn tổ chức một cuộc diễn tập chiến dịch, chiến lược lớn với lực lượng quân binh chủng hợp thành (các quân khu Việt Nam từ Quân khu 4 trở ra, và 4 quân đoàn). Bạn Lào có thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Lào và Quân khu Bắc Lào tham dự. Trong ngày diễn tập thông qua quyết tâm chiến dịch lớn ở hội trường T83 (của Bộ Tổng Tham mưu do Cục Tác chiến quản lý), ngoài các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, có đại diện cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô, Tư lệnh Quân khu Viễn Đông Liên Xô, có Tổng tham mưu trưởng Lào (Thượng tướng Xom Xắc) và Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng tham dự.

        Cuộc diễn tập này do Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam chỉ đạo, trực tiếp là Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Cục Tác chiến là cơ quan trung tâm hiệp đồng trong việc chuẩn bị phương án diễn tập, các mặt bảo đảm, điều hành cuộc diễn tập từ đầu đến cuối và tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm diễn tập.

        Năm 1984, sau khi quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đồng loạt tiến công tiêu diệt 13 căn cứ của quân Pôn Pốt ở biên giới Thái Lan - Campuchia, chiến sự lại xảy ra ở vùng Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đối phương dùng hỏa lực, pháo với mật độ cao (hơn cả thời gian Mỹ ngụy phản công thị xã Quảng Trị năm 1972).

        Ở Lào, quân Thái Lan đánh chiếm 3 bản ở biên giới thuộc huyện Paklay tỉnh Sayabury.

        Tình hình biên giới phía Bắc từ sau tháng 2 năm 1979 đến 1986 là thời gian căng thẳng kéo dài, có khi ác liệt không kém thời điểm chiến tranh tháng 2 năm 1979. Bộ đội ta phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về vật chất, tiêu hao sinh lực, xương máu. Tôi cũng như các thủ trưởng Cục và các cán bộ khác trong Cục Tác chiến, thường xuyên lên các chốt tiền tiêu quan sát trận địa, nắm tình hình, theo dõi tác chiến. Chúng tôi ít được “chia ngọt, xẻ bùi”, không “nằm gai, nếm mật”, mà cùng anh em “nằm hầm, nếm đạn pháo” của đối phương. Chúng tôi cùng ăn cơm chung với anh em với “bát canh toàn quốc” (nghĩa là canh chỉ là toàn là nước lõng bõng) với rau luộc và “nước chấm đại dương” (nghĩa là muối của biển lớn pha nước sôi).

        Thế nhưng lùi về sau vài chục cây số, ở các trạm hậu cần, ở các hậu cứ các đơn vị thì thực phẩm dồi dào do nhân dân ở địa phương gởi tới ủng hộ, vì đường sá đi lại khó khăn, núi cao rừng rậm, pháo địch chặn đường, nên bộ đội trên “điểm cao” trên “chốt biên giới” vẫn phải chịu thiếu thốn.

        Chính năm 1984 ấy, khi tôi lên nắm tình hình ở biên giới Vị Xuyên, ở chốt biên giới thì ăn uống quá thiếu thốn, về hậu cứ thì dồi dào, ăn uống thất thường, khi về Cục đi kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, chưa phát hiện gì.

        Khi tôi lên công tác ở biên giới huyện Tràng Định, Lạng Sơn thì có điện ở Cục gọi về gấp vào Bệnh viện 108 kiểm tra lại bệnh, tôi thắc mắc không biết bị bệnh gì mà phải về gấp thế. Về Bệnh viện 108 thì bác sĩ Dương, lúc đó là Chủ nhiệm khoa A1 nói tôi bị phát hiện trong nước tiểu có độ đường cao, cần kiểm tra lại và điều trị phòng biến chứng.

        Tôi nằm bệnh viện được 15 ngày, đường huyết không lên, hạ một ít, nhưng tôi xin ra viện, vì chiến sự đang căng thẳng. Bác sĩ Dương khuyên tôi ở lại chữa thêm, nhưng vì là Cục trưởng Cục Tác chiến, trong tình hình đang diễn ra xung đột quân sự lớn ở biên giới, nên bác sĩ buộc phải cho tôi ra viện. Từ đó bệnh tiểu đường của tôi lúc lên lúc hạ, kéo dài đến nay đã 25 năm (đến 2008).
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM