Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:21:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25692 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 04:02:16 pm »

        Tôi trở lại nhà anh Văn. Vào nhà thấy cơm đã dọn sẵn. Anh Văn đứng dậy ra hỏi tôi: “ý kiến anh Ba thế nào?”, chị Hà (vợ anh Văn) nói: “ăn cơm xong làm việc được không?”. Tôi mở xắc cốt định lấy sổ ghi chép ra báo cáo, anh Văn cầm sổ của tôi đút vào xắc cốt và kéo tay tôi ra vườn hoa phong lan nói: “tác chiến các cậu, cứ hễ báo cáo là mở sách vở, bây giờ vừa đi cậu vừa báo cáo tôi nghe, dùng trí nhớ trong đầu mà nói...”. Tôi cũng chỉ báo cáo độ 15 phút về tình hình chiến dịch, ý kiến anh Dũng và Bộ Tư lệnh chiến dịch, ý kiến anh Ba Duẩn. Nghe xong anh Văn bảo: “Thế là được rồi, sáng mai họp Quân ủy Trung ương, cậu sang báo cáo anh Hai (Trần Quý Hai) triệu tập hội nghị”. Tôi định quay đi thì đồng chí còn kéo lại giới thiệu tên mấy loại hoa phong lan bằng tiếng Latinh (mà tôi chẳng biết hoa gì). Đồng chí nói: “Đây là những giỏ hoa năm ngoái tôi vào thăm sở chí huy, sau thắng lợi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, các cậu tặng... Đây là các dàn hoa phong lan mới của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên và anh em 559 mới gởi ra...”, rồi kéo tôi vào nhà bảo ăn cơm luôn, về gặp anh Hai sau. Tôi ngồi ăn cơm với anh Văn và chị Hà, cơm đã nguội, chỉ có đĩa giò lụa, đĩa thịt rang mặn với rau cải luộc và nước rau nhưng ăn thấy ngon lành vì bụng đã đói, việc báo cáo đã xong.

        Sáng ngày hôm sau (27/4/1972) vào họp Quân ủy Trung ương, có các đồng chí Bộ Chính trị (anh Ba Duẩn, anh Văn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh... Bộ Quốc phòng có anh Song Hào, Trần Quý Hai), đồng chí Vũ Lăng - Cục trưởng Cục Tác chiến và tôi dự để báo cáo. Vào cuộc họp anh Ba nói ngay: “Tối qua tôi đã nghe anh Khánh báo cáo ý kiến anh Dũng, anh Tấn trong đó, bây giờ để anh Khánh báo cáo lại các anh nghe...”.

        Anh Lê Đức Thọ ngẩng đầu lên nói: “À tôi tưởng Cao Văn Khánh ra báo cáo!”, anh Văn đỡ lời ngay: “Đây là Khánh tác chiến”, anh Ba nói “thôi báo cáo đi, cậu ấy nắm được tình hình đấy”. Tôi giăng bản đồ ra vừa báo cáo được khoảng 20 phút về tóm tắt tình hình, ý kiến anh Dũng và Bộ Tư lệnh chiến dịch... anh Ba nói cắt ngang khi tôi chưa hết lời: “Tối hôm qua tôi và anh Văn đã nghe rồi, tôi đồng ý, cứ thế mà 1àm...”. Anh Thọ đứng dậy vừa đi lại quanh bàn vừa nói: “Tối hôm qua tôi cũng nghe anh Ba nói đã nghe anh Khánh ra báo cáo, tôi tưởng là Cao Văn Khánh, tôi cũng đã nói nhất trí ý kiến với anh Ba và đồng ý để các đồng chí trong đó cho đánh ngay. Ngày mai tôi trở lại hội nghị Pari, anh vào bảo các đồng chí trong đó đánh mạnh lên, có thắng lợi lớn thì tôi ăn nói ở hội nghị mới có sức mạnh”, anh Ba quay lại hỏi: “Có ai có ý kiến gì khác không?”, anh Văn nói cũng đã nghe và đồng ý với ý kiến anh Ba. Các đồng chí khác cũng chỉ nói “thế là được...”, không ai có ý kiến khác nữa. Hội nghị chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ. Anh Ba nói “Nếu không có ý kiến gì khác thì anh Văn điện ngay cho anh Dũng và Bộ Tư lệnh chiến dịch biết ngoài này đã đồng ý, để các đồng chí tiến hành ngay... và cậu Khánh vào báo cáo ngay ý kiến tôi và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương...” Các đồng chí Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ra về. Đồng chí Lê Đức Thọ vỗ vai tôi nói “Mai tôi lên máy bay đi Pari, cậu vào báo cáo các anh trong đó đánh mạnh lên để kết hợp quân sự với ngoại giao nhé...”. Đồng chí Văn kéo tôi và đồng chí Vũ Lăng ngồi lại trên ghế salông dài, anh Văn cầm sổ viết điện, viết ngắn: “Gửi anh Dũng+Tấn+Đạo, hội nghị Quân ủy, anh Ba và các đồng chí khác đồng ý kế hoạch của các anh. Cứ thế triển khai ngay. Khánh sẽ vào báo cáo cụ thể”. Đưa điện cho anh Lăng gởi và quay lại bảo tôi “Cậu vào báo cáo với các anh trong đó nhé”.

        Tôi ghé qua nhà ở khu 1A Hoàng Văn Thụ thấy nhà tôi đang chuẩn bị sơ tán. Trước đây cơ quan sơ tán ở Đức Thắng - Hiệp Hòa - Bắc Giang, nay cơ quan về Hà Nội, thay đổi địa điểm sơ tán. Tối nay gia đình tôi ngồi chung xe tải của cơ quan đi sơ tán ở Lập Thạch Vĩnh Phú. Tối hôm qua khi tôi mới về nhà, mẹ con vui mừng. Nhà tôi nói “may quá có anh về, tối mai nhờ xe đưa mẹ con và bà (6 người) qua bến phà Chèm (một trọng điểm địch thả bom bắn phá ở Hà Nội) thì tốt quá. Nếu không, cả 6 người cùng đồ đạc chen chúc nhau với người của cơ quan trên một chiếc xe tải, máy bay địch đến thì không biết đường nào mà chạy...”. Tôi đang phân vân suy nghĩ chưa nói gì được, trưa nay ghé về nhà nói có lệnh phải đi ngay đây.

        Nhà tôi buồn bã cúi mặt xuống, bà ngoại và 4 đứa nhỏ ngơ ngác hỏi “Ba lại đi ngay à!”, tôi vội vã ăn cơm rồi vác balô ra đi, trong lòng áy náy vô cùng!

        Nghĩ thương vợ, 4 con nhỏ và bà già đêm nay đồ đạc lỉnh kỉnh đi sơ tán. Đường xe qua phà nguy hiếm, không biết làm thế nào? Một mặt khác trên đường đi vào mặt trận làm sao cho kịp trước ngày nổ súng đợt hai chiến dịch... trong lòng cũng rất rối bời!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 04:39:59 pm »

        Xe vào đến bãi xe, tôi leo các ngọn đồi vào Sở chỉ huy, qua phòng trực ban tác chiến gặp đồng chí Phạm Đăng Lung tươi cười bắt tay “tốt quá rồi, anh em lo lắng quá!”, tôi không kịp trả lời, quẳng balô lên bàn rồi leo ngay lên đồi Tư lệnh gặp đồng chí Doãn Tuế (Tư lệnh pháo chiến dịch), trên đồi đi xuống đang chống batoong giơ tay chào tôi “hoan nghênh đặc sứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về, thôi cậu lên ngay các cụ đang chờ trên đó...”. Tôi thở hổn hển leo lên đỉnh đồi vào hầm chỉ huy báo cáo ngay kết quả cuộc họp ở Quân ủy với anh Dũng, anh Tấn, anh Đạo.

        Nghe xong các anh tươi cười bảo: “ở đây cũng đã nhận điện anh Văn, vừa họp triển khai chuẩn bị đợt tiến công mới, ra lệnh cho các đơn vị rồi, thôi cậu về nghỉ đi”. Tôi đưa cho đồng chí Tuyến (bí thư của đồng chí Dũng) chai rượu mơ và hai quả bưởi chị Kỳ (vợ anh Dũng) gởi vào làm quà nhân ngày sinh nhật tới của anh Dũng (1/5), trở về nhà hầm trực ban tác chiến lăn ra ngủ mê mệt.

        Sáng sớm hôm sau (29/4) dự họp giao ban, nghe các đơn vị bộ binh, pháo binh đã vào vị trí chiến đấu đầy đủ, cùng với các đồng chí Khiếu Anh Lân, đồng chí Hòa (cán bộ Học viện quân sự tăng cường vào Sở chỉ huy) nắm tình hình từng giờ để báo cáo với Tư lệnh. Đêm hôm đó quân ta bắt đầu tấn công vượt cầu Quảng Trị, đánh chiếm căn cứ La Vang và thị xã Quảng Trị làm chủ hoàn toàn trong ngày 30 tháng 4.

        Trưa 1 tháng 5 đồng chí Văn Tiến Dũng gọi lên nhà hầm của đồng chí Dũng. Đồng chí Tuyến mở chai rượu mơ, bóc sẵn 2 quả bưởi cùng đồng chí Tấn, đồng chí Đạo đồng chí Doãn Tuế uống chén rượu mơ, chúc mừng thắng lợi mở đầu đợt 2 và ngày sinh nhật đồng chí Văn Tiến Dũng.

        Ngày 2 tháng 5 năm 1972, đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy bước vào phòng hội nghị Pa-ri hội đàm với Kít-xinh-giơ, trong tư thế của người chiến thắng!

        Ngày 3 tháng 5 năm 1972, quân ta phát triển tiến công một mạch tới bắc cầu sông Mỹ Chánh (tiếp giáp tỉnh Thừa Thiên). Hà Nội chuyển ngay bằng điện thoại bức điện của đồng chí Lê Đức Thọ đánh từ Pari về chúc mừng thắng lợi.

        Bị cụm phòng thủ của địch ở cầu Mỹ Chánh chặn đường tiến công và con sông Mỹ Chánh cắt ngang là chướng ngại lớn (như khi vượt sông Thạch Hãn), bộ đội ta phải dừng lại. Trong lúc ta đang tiếp tục điều thêm lực lượng, phương tiện vượt sông và hậu cần bảo đảm thì Ngô Quang Trưởng (tư lệnh vùng 1) cho quân tiếp viện ra phản công quyết liệt, dưới sự chi viện mạnh mẽ của không quân Mỹ và pháo hạm cỡ lớn của tàu chiến Mỹ ngoài biển bắn vào. Cho nên bộ đội ta phải rút dần về bám trụ ở La Vang và thị xã Quảng Trị, củng cố tuyến phòng ngự ở bắc sông Thạch Hãn.

        Cuộc chiến đấu phòng thủ giữ thành phố cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm rất gay go ác liệt, để phối hợp với đấu tranh ngoại giao trên bàn hội nghị Pari. Thất bại trên chiến trường miền Nam, và bị ta đánh bại trong cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng Chạp 1972 buộc đế quốc Mỹ phải ký kết hiệp định Pa-rỉ (28/01/1973) rút quân về nước.

        Hai chiến dịch lớn (phản công 71, tiến công 72) do thủ trưởng Bộ và cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục trực tiếp chỉ đạo chỉ huy đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược: “Đánh cho Mỹ cút và tiến tới đánh cho ngụy nhào”.

        Tổng kết hai chiến dịch này, về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật có những bài học lớn:

        1. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971), Bộ Tổng Tham mưu dự báo đúng tình hình, chuẩn bị trước kế hoạch và lực lượng cơ động (B70) nên khi địch tiến công ra đường 9, ta kịp thời cơ động lực lượng ra tiến hành chiến dịch phản công ngay.

        2. Về chỉ đạo chiến dịch, ta đã điều động lực lượng, có đơn vị bảo vệ kho tàng của Đoàn 559 và một bộ phận Sư đoàn 31 chặn đầu, điều Sư đoàn 324 từ B4 ra đánh địch từ phía nam, đường 9 phối hợp với Binh đoàn B70 là hướng chủ yếu tấn công tiêu diệt địch từ phía bắc đường 9. Cho nên đội hình địch bị đánh từ ba phía, bị chia cắt, nên bị thiệt hại nặng phải rút lui mặc dầu có sự chi viện mạnh bằng pháo và không quân của Mỹ.

        Khi địch rút lui về căn cứ Khe Sanh (23/3/1971), Bộ Tư lệnh chỉ đạo kết thúc chiến dịch kịp thời, không tiếp tục tiến công vào Khe Sanh, một căn cứ mạnh của Mỹ ngụy, ta sẽ bị thương vong mà không giải quyết được.

        Đây cũng là nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch mở đầu chiến dịch phản công kịp thời và kết thúc chiến dịch đúng lúc.

----------------
1. Tác giả nhầm, đúng phải là Sư đoàn 2 - Giangtvx
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 04:45:15 pm »

        Cũng như chiến dịch Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1952, ta kết thúc chiến dịch không phát triển tiến công nữa, khi địch đã co cụm thành tập đoàn cứ điểm mạnh ở Nà Sản là đúng, nếu tiếp tục tiến công càng bị tổn thất mà không giải quyết được.

        3. Trong chiến dịch tiến công chiến lược Trị Thiên (từ 30/3/1972 đến tháng 1/1973) là một chiến dịch kéo dài bằng nhiều đợt. Bộ Tư lệnh chiến dịch thay đổi ba lần Tư lệnh và Chính ủy (đồng chí Lê Trọng Tấn và Lê Quang Đạo ra nghỉ chữa bệnh, thì đồng chí Trần Quý Hai và đồng chí Song Hào vào thay. Đến cuối chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn lại vào làm Tư lệnh).

        Là một chiến dịch hiệp đồng binh chủng lớn, trong giai đoạn tiến công có tốc độ cao (đợt 1 trong 9 ngày từ 30/3 đến 09/4/1972 giải phóng bắc Quảng Trị; đợt 2 trong 6 ngày từ 27/4 đến 02/5), tiêu diệt tập đoàn phòng ngự của địch ở Đông Hà - Ái Tử - Quảng Trị - La Vang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

        Đến đợt 3 trong 8 ngày từ 20 tháng 6 đến 27 tháng 6, phát triển tiến công vào sông Mỹ Chánh bị chặn lại.

        Từ đó địch tiến hành phản công, dưới sự chi viện mạnh của không quân và pháo hạm trên tàu của Mỹ bắn từ biển vào, quân ta phải dần dần rút lui về phòng ngự ở thành cổ Quáng Trị và nam sông Thạch Hãn.

        Trong giai đoạn phòng ngự từ 27 tháng 6 đến 31 tháng 1 năm 1973, ta kiên quyết phòng thủ giữ thành cổ (từ 28/6 đến 16/9/1972) trong 81 ngày đêm chiến đấu gay go quyết liệt.

        Qua chiến dịch này, Bộ đã tổ chức tổng kết rút ra 8 bài học quan trọng nhưng có 2 vấn đề lớn nhất là:

        1. Ta không coi trọng phòng ngự trong chiến dịch. Chiến dịch chiến lược Trị Thiên năm 1972 là chiến dịch tiến công. Nhưng sau đợt tiến công 1 và 2 (từ 30/01 đến 02/5/1972 ) trong 34 ngày giải phóng được tỉnh Quảng Trị, địch đã bắt đầu tập trung lực lượng tiến hành phản công quyết liệt, thì thực tế diễn biến đối phó của ta đã phải hình thành phòng ngự trong một thời gian dài, hơn 200 ngày (từ 27/6/1972- 21/01/1973), mà khi đó chưa khắng định là phải tổ chức chiến dịch phòng ngự.

        Về nghệ thuật chiến dịch tiến công phải kết hợp chặt chẽ với phòng ngự, phát triển tiến công phía trước phải đi đôi với củng cố thế trận phòng ngự bảo vệ vùng mới giải phóng phía sau.

        Chiến dịch tiến công phát triển đến một mức nào đó, căn cứ vào tương quan lực lượng, ta không còn đủ sức tiếp tục tiến công, thì phải kịp thời chuyển sang phòng ngự để bảo vệ vững chắc vùng lãnh thổ ta đã giải phóng. Cứ muốn tiếp tục tiến công nhưng không đủ sức thì tiến công cũng không được mà lại càng bị tổn thất.

        2. Phòng thủ giữ thành cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm, bị tổn thất thương vong lớn do yêu cầu chính trị đấu tranh ngoại giao phải giữ cho bằng được. Vì trong hội nghị Pa-ri ở thời điểm cao rất căng thẳng, quyết liệt để chuẩn bị vào ký kết ngừng bắn. Giữ được thành cổ Quảng Trị, tuy chỉ là một địa danh trên bản đồ, nhưng thế giới cho là ta vẫn giữ được cả tỉnh Quảng Trị.

        Về nghệ thuật quân sự, ta đã tổ chức phòng ngự đơn thuần, phòng thủ thụ động, không kết hợp được với tích cực phản kích, phản công sau lưng và hai bên sườn địch, cho nên các đơn vị phòng thủ ở “thành cổ” phải đơn độc đối phó với ba hướng tấn công của địch vào thành cổ.

        Về công tác tham mưu và tổ chức Sở chỉ huy, do cơ quan Bộ tổ chức lần đầu tiên, chúng tôi cũng rút được một số kinh nghiệm: Chuẩn bị chiến dịch phản công phải có nhiều phương án để đối phó, vì ta không chủ động như chiến dịch tiến công. Tổ chức cơ quan chiến dịch phản công phải nhanh chóng hình thành mới bảo đảm, điều hành nhanh chóng chiến dịch phản công, trong tình hình địch đang tiến hành tiến công mà chưa chiếm được những mục tiêu dự kiến và chưa chiếm lĩnh củng cố, phòng thủ giữ được các mục tiêu đó.

        Khác với Sở chỉ huy của chiến dịch tiến công (có thể chuẩn bị trước), Sở chỉ huy chiến dịch phản công phải dự kiến nhiều vị trí (địa điểm). Sở chỉ huy chiến dịch phản công sẽ triển khai trong quá trình địch hành quân, tiến công. Vì vậy không có điều kiện chuẩn bị trước, thông thường bước đầu xây dựng dã chiến, bảo đảm ưu tiên là thông tin liên lạc, với các đơn vị cấp dưới tham gia chiến dịch và với tổng hành dinh (cơ quan chỉ đạo cấp trên).

        Nhưng dù Sở chỉ huy chiến dịch tiến công (có chuẩn bị từ trước), hay Sở chỉ huy chiến dịch phản công (không có chuẩn bị từ trước) cũng phải được giữ bí mật và củng cố công trình dần dần mới bảo đảm sự ổn định, an toàn chỉ huy chiến dịch.

        Không nên làm như Sở chỉ chiến dịch Khe Sanh, mà đồng chí Doãn Tuế (sau này là Trung tướng Tổng Tham mưu phó) đã tổng kết bằng một câu “tiếu lâm”: “Đường đi như mạng nhện, ồn ào như họp chợ, điện sáng như sao sa! Thì chỉ tổ ăn bom!” Sở chỉ huy chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào tuy triển khai gấp, gần trục đường cái, nhiều cơ quan ra vào nhưng vẫn bảo đảm được bí mật, an toàn là nhờ đã tránh được những khuyết điểm đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 04:47:51 pm »

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (xuân 1968), buộc đế quốc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đẩy quân ngụy tiến hành một cuộc hành quân lớn ra cắt đường vận chuyển chiến lược của ta.

        Lần đầu tiên ta sử dụng một lực lượng lớn chủ lực miền Bắc (Binh đoàn 701 với các đơn vị quân binh chủng (cả tên lửa phòng không, xe tăng, pháo lớn 130 ly, D74,...) tiến hành hai chiến dịch chiến lược lớn, tác chiến quân binh chủng hợp thành. Đó là chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971) và chiến dịch tiến công chiến lược Trị Thiên (1972), đã bước đầu đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

        Hai chiến dịch lớn này do đồng chí Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy và các đồng chí khác tham gia Đảng ủy và làm cấp phó trong Bộ Tư lệnh. Nhưng có đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tăng cường sức mạnh chỉ đạo chỉ huy hai chiến dịch đó, giành thắng lợi lớn có ý nghĩa chiến lược.

        Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 320 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, một vị tướng chỉ huy cương quyết, táo bạo và linh hoạt, đã tổ chức những cuộc tập kích thọc sâu vào hang ổ quân phản động đội lốt Thiên chúa giáo ở Phát Diệm, làm lung lay hệ thống ngụy quyền ngụy quân, mà hồi đó cán bộ tác chiến chúng tôi ở Bộ đặt tên là chiến thuật “bôn tập” “nhảy dù” vào sâu trong lòng địch.

        Trong khi địch đưa các binh đoàn cơ động (GM) tiến công ra đường số 6 và thị xã Hòa Bình, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ huy cả Đại đoàn trang bi đầy đủ cả sơn pháo 75 ly, vượt sông Đáy, sông Hồng vào vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ dày đặc đồn bốt ngụy. Đồng chí đã tổ chức các trận đánh lớn, xây dựng các căn cứ du kích, khu du kích trong vùng địch tạm chiếm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá sập hệ thống ngụy quyền, xây dựng cơ sở chính quyền cách mạng của ta ở sau lưng địch, phối hợp chặt chẽ với chiến dịch phản công lớn của ta ở Hòa Bình, tiêu diệt bộ phận và đánh bại các binh đoàn cơ động của quân đội Lê dương Pháp.

        Sau này, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, theo quyết định của Bộ Chính trị, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch quân binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên, tạo thời cơ thuận lợi thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, sớm hơn một năm theo kế hoạch chiến lược dự kiến.

        Tiếp sau đó, đồng chí là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng với đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa, Đinh Đức Thiện,... trong Bộ Tư lệnh chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

        Đồng chí Văn Tiến Dũng là một vị tướng chỉ huy đi sâu sát chiến trường, đơn vị, có tính quyết đoán nhưng trầm tĩnh, lại là một vị tướng tham mưu tối cao (Tổng Tham mưu trưởng), nghiên cứu sáng tạo, tổ chức thực hiện tài tình các chủ trương của Bộ Chính trị (như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968). Một vị tướng tham mưu ghi chép công việc hàng ngày rất tỉ mỉ, cẩn thận, đầy đủ, cả trong công việc khi ở cơ quan Bộ Tổng tham mưu, khi ở mặt trận, hay khi xuống công tác ở các đơn vị, với chữ viết đẹp rõ ràng (có chỗ chú thích bằng mực đỏ), lưu lại được hàng chục cuốn sổ công tác dày, tạo thuận lợi cho đồng chí sau này chỉ đạo các bản tổng kết chiến lược của Bộ Chính trị qua các cuộc chiến tranh.

        Đó cũng là một điều, cán bộ tác chiến cần học tập trong công tác và nghiệp vụ tham mưu...

        Kết thúc chiến dịch tiến công Quảng Trị Thừa Thiên trở về Cục, cuối năm 1972 tôi được cử đi trong phái đoàn Đảng và Chính phủ thăm Trung Quốc.

        Đoàn do đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng dẫn đầu; Bộ Quốc phòng có đồng chí Trần Quí Hai và tôi được tham gia. Năm 1972 ta giành thắng lợi lớn trên toàn miền Nam và đánh bại cuộc tập kích chiến lược lớn bằng B52 trên bầu trời miền Bắc (Điện Biên Phủ trên không), buộc đế quốc Mỹ phải ký kết hiệp định Pa-ri và rút quân về nước.

        Trong năm này tuy đã hòa hoãn với Mỹ, sự giúp đỡ vật chất đã hạn chế nhiều, nhưng nhân dân Trung Quốc thì rất vui mừng trước những thắng lợi lớn của ta. Các đồng chí Trung Quốc trước đây thường nói: “Đất nước Trung Quốc bao la, là hậu phương vững chắc đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...”. Nhân dân Trung Quốc có truyền thống hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Lần này bạn tổ chức đón tiếp phái đoàn ta công khai rầm rộ. Hàng chục vạn nhân dân Bắc Kinh đón tiếp đoàn rất niềm nở nhiệt tình từ sân bay về đến chỗ nghỉ (Điếu Ngư Đài). Đoàn có đi thăm các tỉnh, ở đâu cũng được đón tiếp long trọng, như ở Thượng Hải gần một triệu người đứng hai bên lề đường đông nghịt, có nhiều bà mẹ bế con vẫy cờ đỏ sao vàng Việt Nam trên cửa sổ của các tầng lầu cao, trẻ con trèo lên các cành cây vẫy chào...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 04:54:30 pm »

        Đoàn còn đến thăm căn cứ địa Diên An cũ và cả nơi ở và làm việc của Mao Trạch Đông, Chu Đức... trong các nhà hầm ở Diên An (bây giờ là nhà lưu niệm). Đi thăm nhiều nơi, ở đâu đoàn cũng được nhân dân Trung Quốc (già, trẻ, gái, trai) đón tiếp nồng nhiệt biểu thị tình cảm và tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tính đến năm 1972, ta đã giành được thắng lợi quyết định “đánh cho Mỹ đã cút” và đang tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Phái đoàn Đảng và Chính phủ ta lần này sang cảm ơn Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc. Nhưng khi vào hội đàm, tiếp tục đề nghị bạn viện trợ để ta có thể tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng đất nước thì kết quả rất hạn chế.

        Mặc dầu vậy, chúng ta cũng không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Như trong một lời đáp từ: “Các đồng chí tiếp tục giúp chúng tôi, chúng tôi rất cảm ơn. Các đồng chí không tiếp tục giúp chúng tôi, chúng tôi cũng cảm ơn”.

        Chúng ta mãi mãi nhớ ơn các đồng chí cố vấn Trung Quốc. Sau cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống Nhật, đánh Tưởng, đất nước mới được giải phóng hoàn toàn chưa được một năm, những cán bộ giải phóng quân Trung Quốc chưa có thời gian đoàn tụ gia đình đã sang giúp quân đội ta về vật chất trang bị, về kinh nghiệm chiến tranh và huấn luyện bộ đội, nên đã góp phần giúp ta giành những thắng lợi lớn từ chiến dịch giải phóng Biên giới (1950) đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954).

        Chúng ta mãi mãi nhớ ơn các Sư đoàn phòng không quân tình nguyện giải phóng quân Trung Quốc đã giúp ta, kề vai sát cánh đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ đường bộ, đường sắt từ Lạng Sơn đến Bắc Giang.

        Chúng ta cảm ơn các chi đội công binh giải phóng quân Trung Quốc đã sang giúp chúng ta xây dựng công trình phòng thủ từ Quảng Ninh đến Sầm Sơn, Thanh Hóa và xây dựng 11 tuyến đường bộ ở Việt Bắc và Tây Bắc.

        Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao và thương tiếc các liệt sĩ giải phóng quân Trung Quốc đã hy sinh trong chiến đấu cũng như trong tai nạn lao động trên những công trình xây dựng đường sá, cầu cống và xây dựng công trình phòng thủ.

*

*       *

        Đi theo phái đoàn về nước, tôi trở về Cục Tác chiến. Nhân dịp đồng chí Lê Ngọc Hiền ở Bộ Tư lệnh Miền ra Hà Nội cũng về công tác ở Cục Tác chiến, tôi đề nghị đồng chí Lê Trọng Tấn cho tôi vào công tác ở Nam Bộ, vì tôi mới được hoạt động trong kháng chiến chống Pháp trước đây và trong chống Mỹ hiện nay, chỉ ở chiến trường từ Bình Trị Thiên và Trung Lào trở ra, chưa được vào Nam Bộ và Campuchia. Đồng chí Tấn đồng ý và nói tôi lên xin ý kiến anh Văn Tiến Dũng.

        Tôi lên gặp anh Văn Tiến Dũng ở Văn phòng Quân ủy, đề đạt nguyện vọng. Anh Dũng đồng ý và nói sẽ đề nghị Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Miền cho làm Sư đoàn trưởng một sư đoàn. Tôi rất phấn khởi vì sẽ được ra chiến đấu, học tập thực tế, không còn phải công tác ở cơ quan nữa.

        Nhưng sau đó, không rõ anh Lê Trọng Tấn trao đổi với anh Lê Đức Anh thế nào mà anh Lê Trọng Tấn lại phổ biến cho tôi là “cậu vào công tác ở Bộ Tham mưu Miền và chuẩn bị 1-2 ngày sau đưa anh Lê Đức Anh vào theo đường Trường Sơn”.

        Anh Lê Đức Anh vừa ra theo đường biển để báo cáo với Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về tình hình địch thực hiện kế hoạch “lấn đất cắm cờ bình định cấp tốc” và kết quả đánh trả, tiếp tục tiến công của Quân khu 9. Nay anh Lê Đức Anh trở về lại miền Nam làm Tư lệnh phó Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam. Xe con của tôi đi trước dẫn đường vừa để bảo vệ xe con của anh Lê Đức Anh (Sáu Nam) đi sau chỉ có một bảo vệ đi cùng. Đến Bộ Tham mưu Miền vào một đêm tháng 1 năm 1973, cậu bảo vệ dẫn tôi tới một nhà âm, lợp lá trung quân và nói “thủ trưởng ở đây là nhà anh Lê Ngọc Hiền trước đây ở”.

        Sáng hôm sau, tôi gặp anh Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Miền nói với tôi: “Bây giờ cấp trên bảo anh tạm ở lại, công tác ở Bộ Tham mưu Miền”. Trong một buổi giao ban, anh Năm Ngà giới thiệu với mọi người: Anh Lê Ngọc Hiền trở về Cục Tác chiến thì nay anh Hoàng Nghĩa Khánh ở Cục Tác chiến vào công tác ở Bộ Tham mưu Miền, theo cách xưng hô Nam Bộ “Bảy Hiền” ra thì nay “Bảy Khánh” vào. Anh Năm Ngà đặt tên đầu cho tôi là “Bảy” mà tôi không biết. Nhưng phải là “Ba” mới đúng vì tôi chỉ có một chị gái đầu. Từ đó trở đi, anh em trong Nam gọi tôi là “Bảy Khánh” hoặc “anh Bảy”.

        Từ Tổng hành dinh lại về Tham mưu Miền, rồi ra làm Tham mưu trưởng của một quân đoàn ở Nam Bộ. Thế là tôi lại được ra đơn vị chiến đấu, nhưng không phải “đơn vị chiến đấu thực sự”, mà là Tham mưu trưởng của một quân đoàn chủ lực của Bộ chiến đấu trên đất miền Đông Nam Bộ. Từ đơn vị chiến đấu cơ sở (Tiểu đoàn trưởng) về công tác ở cơ quan Tổng hành dinh là một bước mới trong đời bộ đội của tôi.

        Về Cục Tác chiến trong một thời gian dài (1951- 1973) ở cơ quan, có nhiều thời gian đi về làm phái viên tác chiến ở các chiến trường miền Nam và Trung Thượng Lào. Đời làm phái viên tác chiến có cái hay là được đi sát đơn vị chiến đấu, tuy không được trực tiếp chỉ huy chiến đấu nhưng cũng được học tập kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Nhưng làm phái viên thì không có trách nhiệm rõ ràng, mà có khi cũng “quyền rơm, vạ đá” nếu phổ biến sai ý định cấp trên, và cuộc sống phái viên cũng vất vả!

        Đồng chí Doãn Tuế, một người hay nói “tiếu lâm” cũng đã đúc kết “tình cảnh” anh phái viên Bộ là các anh “đi kèm, ăn ghẹ, nói leo...” (đi kèm: đi nhờ xe ôtô vì không có xe riêng, ăn ghẹ: vào đâu có ăn là ngồi ăn ghẹ, vì đi lang thang không ổn định ở một bếp nào, nói leo: là cuộc họp nào cũng ghé vào, được dự cũng phát biểu nhưng không được chính thức vào kết luận, nghị quyết).

        Từ năm 1971 đến 1973 tôi được đi các chiến dịch có chức danh hẳn hoi, là tham mưu phó Bộ Tư lệnh các chiến dịch (chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Trị Thiên), nhưng vẫn là “quân số, đảng số” của Cục Tác chiến. Sau chiến dịch lại về Cục Tác chiến.

        Nay làm Tham mưu trưởng một quân đoàn là rời hẳn Cục Tác chiến (cơ quan tổng hành dinh), về một đơn vị chiến đấu.

        Cuộc đời bộ đội của tôi lại sang một bước mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:04:23 pm »


        5. Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 trong các chiến dịch Phước Long - Dầu Tiếng - Chơn Thành - Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

         Tham mưu trưởng Quân khu 7 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt


        Từ Bộ Tổng Tham mưu vào công tác ở Bộ Tham mưu Miền (Quân giải phóng miền Nam). Khoảng 10 ngày, tôi đã đi bằng xe Honđa do một chiến sĩ lái xuống các phòng trong Bộ Tham mưu (Phòng Tác chiến, Phòng Quân báo,...). Gặp đồng chí Vũ Long ở Phòng Tác chiến (trước đây cùng công tác ở Cục Tác chiến) và đồng chí Tư Văn ở Phòng Quân báo (trước đây cũng công tác ở Cục 2 Bộ Tổng Tham mưu). Tôi nắm tình hình địch ở Nam Bộ, cụ thể ở miền Đông và nghiên cứu các đơn vị của ta, kinh nghiệm các trận đánh vừa qua. Tôi cũng đi xe sang Cục Chính trị Miền, gặp chị Hồ Thị Bi ở Phòng Chính sách (trước đây cùng ở khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ) và một số đồng chí ở Cục Chính trị để nghiên cứu về tình hình chính trị. Các cơ quan này đều ở trong rừng Lộc Ninh.

        Đi xa hơn ra phía Bắc, tôi cũng đến Cục Hậu cần Miền gặp đồng chí Bùi Phùng làm Cục trưởng (trước đây là Tham mưu phó Tổng Cục Hậu cần mà chúng tôi đã gặp làm việc ở Bộ), nắm tình hình tổ chức hậu cần khu vực, các binh trạm hậu cần. Tôi cũng đến Bộ chỉ huy xe tăng thiết giáp của Miền (ở Bù Đốp), nắm tình hình khả năng các đơn vị xe tăng thiết giáp của Miền. Tuy thời gian ngắn, nhưng bước đầu tôi cũng đã nắm được những đặc điểm về địa hình, về hoạt động địch, tình hình và khả năng tác chiến của ta.

        Trở về cơ quan Bộ Tham mưu Miền, gặp đồng chí Hoàng Cầm (Năm Thạch) Tư lệnh phó Bộ Chỉ huy Miền, tôi nhận nhiệm vụ đi trước xuống đường 7 ngang theo dõi tác chiến của Sư đoàn 9. Tôi đi xe Jeep do đồng chí Bảy Luận, một đội trưởng trinh sát của Miền lái.

        Trong thời gian theo dõi tác chiến ở Sư đoàn 9 cùng đồng chí Hoàng Cầm, thỉnh thoảng tôi lại sang bên kia Sông Bé nắm tình hình của Sư 7. Đó là thời gian sau khi nắm tình hình trên cơ quan Miền, tôi xuống các đơn vị nghiên cứu học tập kinh nghiệm thực tế chiến đấu.

        Sau khi trở về Bộ Chỉ huy Miền, nhận nhiệm vụ chính thức làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 41 , tôi và một số cán bộ tham mưu của Quân đoàn (có đồng chí Hiển - Trưởng Phòng Tác huấn và đồng chí Tư Đáng - Trưởng phòng Hành chính của Bộ Tham mưu Miền) xuống khu vực suối Bà Chiêm để bước đầu tập hợp các cơ quan của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4.

        Tới suối Bà Chiêm, đã có một số nhà tre lá do công binh Quân đoàn đã xây dựng, bộ phận đầu tiên của Quân đoàn (do tôi Tham mưu trưởng và đồng chí Ba Vinh - Tư lệnh phó phụ trách Cục Hậu cần Quân đoàn) tổ chức họp giao ban hàng ngày, tiếp nhận cán bộ của Bộ Chỉ huy Miền dần dần tăng cường cho cơ quan Quân đoàn. Sau khoảng nửa tháng thì cán bộ cơ quan Quân đoàn được tập trung đầy đủ theo biên chế, vị trí các cơ quan đã ổn định, tình hình thông tin liên lạc đã thông suốt nắm được các đơn vị trực thuộc của quân đoàn và liên lạc được với Bộ Chỉ huy Miền. Sau đó đồng chí Hoàng Cầm (Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy) xuống tổ chức họp Đảng ủy đầu tiên của Quân đoàn (Đảng ủy viên Quân đoàn có đồng chí Ba Vũ, Ba Vĩnh, Tư Thanh và tôi) để triển khai các mặt công tác.

        Tất cả các công tác Quân đoàn lúc này, tập trung chuẩn bị tốt cho trận ra quân đầu tiên của Quân đoàn là chuẩn bị mở chiến dịch giải phóng chi khu Đồng Xoài (theo quyết định của Bộ Chỉ huy Miền).

        Bộ Tham mưu chuẩn bị tài liệu về đánh chi khu quận lỵ, lập một sa bàn mô phỏng địa hình ở Đồng Xoài. Sau khi cán bộ cấp tiểu đoàn trở lên của hai sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9), bộ đội đặc công 429 và các lữ đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không, công binh, thông tin... học lý thuyết về cách đánh chi khu quận lỵ, sử dụng một trung đoàn (Trung đoàn 14) của Sư đoàn 7 thực hành diễn tập đánh một cứ điểm được xây dựng tại gần căn cứ Bà Chiêm cho cán bộ xem và rút kinh nghiệm.

        Sau tập huấn và xem diễn tập, Quân đoàn vạch kế hoạch đánh cứ điểm Đồng Xoài bằng binh chủng hợp thành, do Sư đoàn 7 đảm nhiệm, còn Sư đoàn 9 triển khai đánh địch tiếp viện trên đường 14 đoạn Phước Vĩnh lên.

        Tôi và một số cán bộ tham mưu đi trước chuẩn bị Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn ở bắc Đồng Xoài khoảng 7 kilômét và chuẩn bị kế hoạch trinh sát địa hình và điều tra địch ở cứ điểm chi khu Đồng Xoài (gọi là kế hoạch điều nghiên).

        Khi Tư lệnh đến, chúng tôi tổ chức cùng cán bộ Sư đoàn 7 và đoàn cán bộ của Tư lệnh đi tiếp cận nghiên cứu vị trí địch ở chi khu Đồng Xoài.

---------------
1. Thành lập ngày 20 tháng 7 năm 1974.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:09:12 pm »

        Trong lúc cơ quan và đơn vị đang chuẩn bị thực hiện phương án thì đồng chí Tư lệnh đi họp trên Bộ Chỉ huy Miền về phổ biến chủ trương của Bộ thay đổi, không cho sử dụng xe tăng, pháo 130 ly và chưa đánh chi khu Đồng Xoài, để dành đạn pháo, xe tăng cho các trận đánh quyết định sau.

        Chủ trương của Bộ và chỉ huy Miền giao đánh tiểu khu Bù Đăng và yếu khu Bù Na trước, để giải phóng một đoạn đường 14, cô lập chi khu Đồng Xoài và tiếp tục đánh sau.

        Quân đoàn được tăng cường Sư đoàn 3 của Miền do đồng chí Sáu Hưng làm Sư đoàn trưởng. Chủ trương của Quân đoàn dùng Sư đoàn 3 và một bộ phận binh chủng tấn công tiểu khu Bù Đăng, do Tư lệnh trực tiếp chỉ huy là hướng chủ yếu. Tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy Lữ đoàn đặc công (2 tiểu đoàn) và hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 12 Sư đoàn 7 cùng hai khẩu đội pháo 105 đánh yếu khu Bù Na và một vị trí (chốt) trên cây số 11 đường 14 giữa Bù Na - Đồng Xoài.

        Trong đêm 13 tháng 12 năm 1974 Sư đoàn 3 tấn công tiểu khu Bù Đăng. Hướng giữa một tiểu đoàn tăng cường hỏa lực của trung đoàn 12 tiêu diệt chốt địch ở cây số 11. Ở Bù Na sau khi dùng đặc công kỳ tập bị lộ, ta chuyển sang dùng 2 khẩu đội pháo 105 đánh cường tập, đến sáng địch rút chạy, bị ta tiêu diệt một trung đội và thu toàn bộ vũ khí đạn dược trong đồn (trong đó có nhiều đạn pháo 105 ly).

        Sáng ngày hôm sau, bộ đội ta truy kích địch dọc đường 14, tiếp tục diệt địch, chiếm đồn cây số 31, ngã ba đường 14 và cây số 6, tôi đi trên một ôtô “Molotova” cùng đồng chí Điều (cán bộ tác chiến) và một tố trinh sát bám đuôi bộ đội truy kích, ngược đường 14, cách ngã ba đường 14 đi Liêu Đức khoảng 15 kilômet thì gặp một bộ phận đồng chí Sáu Hưng (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3, đi xuống sau khi giải phóng Bù Đăng. Bộ phận đồng chí Sáu Hưng rải dây điện thoại từ Bù Đăng đi xuống và thông tin của bộ phận tôi kéo dây điện thoại từ Bù Na lên, bắt liên lạc, tôi báo cáo ngay bằng điện thoại cho Tư lệnh Hoàng Cầm về tình hình chiến đấu ở Bù Na, cây số 11 và dọc đường từ Đồng Xoài lên Bù Đăng đã thông, đường 14 được giải phóng.

        Sau đó bộ phận của đồng chí Sáu Hưng (Sư đoàn 3) và bộ phận đi cùng tôi vòng theo đường 6 lên hướng Phước Long, chuẩn bị đánh vị trí “Bùi Đốp lưu vong” giải phóng đường 14 và một đoạn đường từ ngã ba đường 6 và 14. Chi khu Đồng Xoài và tỉnh lỵ Phước Long bị cô lập, Bộ Chỉ huy Miền đồng ý cho đánh chi khu Đồng Xoài bằng binh chủng hợp thành.

        Sư đoàn 7 tiêu diệt xong chi khu Đồng Xoài, tỉnh lỵ Phước Long càng bị cô lập và tách xa sự chi viện bằng đường bộ của địch. Vì vậy Bộ đồng ý cho quân đoàn tập trung lực lượng đánh vào tỉnh lỵ Phước Long. Bộ phận do tôi phụ trách vòng về hướng đông nam núi Bà Rá, chuẩn bị Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn để mở cuộc tấn công giải phóng tỉnh lỵ Phước Long.

        Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Hoàng Cầm, ở Sở chỉ huy tiền phương, đồng chí Ba Vũ - Tư lệnh phó và tôi Tham mưu trưởng Quân đoàn, đồng chí Mười Thứ - Tham mưu trưởng Sư đoàn 7, chỉ huy các đơn vị tiến công chiếm tỉnh lỵ Phước Long vào sáng ngày 6 tháng 1 năm 1975.

        Trận Phước Long có ý nghĩa như một đòn trinh sát chiến lược, tạo nên cục diện mới ở chiến trường, mở ra khả năng mới là quân giải phóng miền Nam có thể giải phóng các tỉnh ly, thành phố ở miền Nam Việt Nam mà địch không thể phản công chiếm lại được, làm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở các chiến dịch, chiến lược lớn giải phóng miền Nam trong một thời gian tương đối sớm.

        Sau chiến dịch ra quân trận đầu thắng lợi lớn, các đơn vị Quân đoàn rút về căn cứ cũ. Cán bộ từ tiểu đoàn trở lên của Quân đoàn tập trung tiến hành tổng kết chiến dịch. Kết luận hội nghị tổng kết, đồng chí Tư lệnh nêu ra nhiều bài học về đánh tỉnh lỵ, và khen Bộ Tham mưu đã chuẩn bị hội nghị tổng kết nhanh gọn “chứ không như chiến dịch Bình Long An Lộc của Đoàn 301 trước đây đánh kéo dài, tổng kết cũng kéo dài mà đến nay chưa kết luận được”.

        Đánh Đồng Xoài trước hay đánh sau khi giải quyết xong Bù Đăng, Bù Na, lúc đó cũng có ý kiến khác nhau giữa đồng chí Trần Văn Trà và Bộ Tổng Tham mưu (như trong quyển hồi ký Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của đồng chí Trần Văn Trà, trang 162 - 165).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:12:40 pm »

        Lúc đầu theo kế hoạch của Quân đoàn 4, được Bộ Chỉ huy Miền phê chuẩn ra quân trận đầu, Quân đoàn 4 sử dụng Sư đoàn 7 đột phá tấn công chi khu Đồng Xoài... Mọi công tác “điều nghiên”, chuẩn bị vật chất và các đơn vị đã cơ động đến vị trí tập kết, coi như công tác chuẩn bị chiến dịch đã xong. Đến khi đồng chí Trần Văn Trà ra miền Bắc họp Quân ủy Trung ương thì ý kiến Bộ Tổng Tham mưu không đồng ý sử dụng xe tăng, pháo binh 130 ly, D74 đánh Đồng Xoài trước, lý do là phải tiết kiệm đạn pháo xe tăng để sử dụng vào thời cơ sau này. Mặt khác Quân đoàn 4 ra quân trận đầu cần đánh chắc thắng nên không đánh một chi khu lực lượng địch mạnh như Đồng Xoài. Ý kiến giữa đồng chí Trần Văn Trà và các đồng chí Bộ Tổng Tham mưu trao đổi có khi căng thẳng. Đồng chí Trần Văn Trà thì cho rằng “Quân đoàn 4 chuẩn bị đầy đủ, khả năng có thể tiêu diệt địch ở Đồng Xoài và tiêu diệt lớn quân địch chi viện từ Phước Vĩnh lên, sẽ mở toang đường số 14 xuống uy hiếp Bình Dương. Nếu đánh Đồng Xoài sau thì mất yếu tố bí mật bất ngờ, sẽ dứt điểm khó khăn hơn và đảo lộn kế hoạch của Bộ Chỉ huy Miền trong mùa khô này”.

        Cuối cùng phải theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Trần Văn Trà điện về Miền; đồng chí Lê Đức Anh triệu tập đồng chí Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn phổ biến quyết định mới của Bộ Tổng Tham mưu phải chấp hành không có ý kiến gì khác nữa. Đồng chí Hoàng Cầm phổ biến cho Đảng ủy Quân đoàn, mọi người ngơ ngác, lại phải xoay chuyển lực lượng, xe pháo, nhất là mặt đảm bảo hậu cần và tổ chức trinh sát lại chiến trường, lập lại kế hoạch tác chiến mới. Chuyển hướng chủ yếu về chiến thuật, một trận đánh trong thời gian gấp đã là khó khăn.

        Nay chuyển hướng chủ yếu của chiến dịch ở địa hình rừng núi, địa bàn rộng lại càng khó khăn. Nhưng cán bộ, chiến sĩ quyết tâm ra quân trận đầu thắng lợi và khắc phục mọi khó khăn.

        Sau đó thực hành phương án mới đánh Bù Đăng, Bù Na trước rồi sau khoảng 10 ngày được dùng xe pháo đánh Đồng Xoài đã giành thắng lợi. Thời cơ thuận lợi phát triển đánh thị xã Phước Long, giải phóng một tỉnh lỵ đầu tiên, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Nhưng vì thắng lợi quá lớn, nên khi tổng kết chiến dịch không kết luận quyết tâm chiến dịch đánh Đồng Xoài trước (theo quyết định của Bộ Chỉ huy Miền) hay đánh Đồng Xoài sau (theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu) ai đúng ai sai? Các đồng chí lãnh đạo của Miền và của Bộ Tổng Tham mưu sau này cũng không ai đả động đến vấn đề này nữa.

        Sau này trong cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” ở trang 164 nêu: “Thực tiễn chiến trường đã chứng tỏ ý kiến của các anh ở B2 là đúng... (nghĩa là chủ trương của Miền theo trận đột phá mở đầu đánh Đồng Xoài là đúng). Đó là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

        Theo suy nghĩ của tôi, nếu thực hiện phương án đầu của Bộ Tư lệnh Miền, dùng Sư đoàn 7 và một số đơn vị đánh chi khu Đồng Xoài trước, đồng thời dùng một lực lượng khác (có thể là một bộ phận của Sư đoàn 3 hoặc lữ đoàn đặc công 429) đánh tiêu diệt chốt địch ở cầu 38, chiếm giữ ngã ba Liễu Đức. Ta có thể tiêu diệt địch ở chi khu Đồng Xoài, thì toàn bộ hệ thống địch trên đường 14 từ chi khu Bù Đăng đến Đồng Xoài sẽ tan rã (mà không cần đánh chi khu Bù Đăng, yếu khu Bù Na), tạo điều kiện cô lập địch ở thị xã Phước Long sớm hơn và ta có thể tập trung lực lượng giải phóng thị xã Phước Long nhanh hơn.

        Hội nghị tổng kết xong, Quân đoàn chuẩn bị chiến dịch giải phóng thị xã Tây Ninh để mở rộng căn cứ của Trung ương Cục. Sau khi đi trinh sát trận địa cùng đồng chí Hoàng Cầm về, nhận định Tây Ninh là một căn cứ tỉnh lỵ mạnh, lại có căn cứ núi Bà Đen khống chế nên chuyển ý định sang đánh hướng chi khu Dầu Tiếng, Chơn Thành.

        Sư đoàn 9 được giao nhiệm vụ tấn công chi khu Dầu Tiếng. Thời gian này Bộ Chỉ huy Miền tăng cường đồng chí Lê Ngọc Bì nguyên Sư đoàn trướng Sư đoàn 1 về làm Tham mưu phó Quân đoàn. Đồng chí Lê Ngọc Bì ở lại Sở chỉ huy cơ bản Quân đoàn, tôi được phái đi đốc chiến ở Sư đoàn 9 tấn công chi khu Dầu Tiếng.

        Sau khi giải phóng khu vực chi khu “Tri Tâm Dầu Tiếng”, thời gian này quân ta ở Tây Nguyên cũng vừa giải phóng xong thị xã Buôn Ma Thuột. Trong tình hình mới để chuẩn bị mở thông với vùng giải phóng Tây Nguyên và miền Trung, Quân đoàn 4 được tăng cường biên chế thêm Sư đoàn 341 từ Quân khu 4 vào (có đủ 3 sư đoàn bộ binh 7, 9, 341). Theo lệnh của Bộ và Bộ Chỉ huy Miền, Quân đoàn 4 cơ động bộ phận lớn gồm Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 (thiếu một trung đoàn), các đơn vị binh chủng và cơ quan Quân đoàn do Tư lệnh Quân đoàn chỉ huy sang hướng đường 20. Sư đoàn 7 tấn công tiêu diệt chi khu Định Quán, Bảo Lộc, Di Linh, sau đó cùng Sư đoàn 341 và các đơn vị binh chủng bao vây tấn công khu vực địch tập trung ở Long Khánh (Xuân Lộc), án ngữ phía đông bắc Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:18:37 pm »

        Sư đoàn 9 và 1 trung đoàn của Sư đoàn 341 ở lại do Chính ủy Hoàng Thế Thiện và tôi phụ trách, tổ chức bao vây tấn công chi khu Chơn Thành và củng cố vùng mới giải phóng ở Tri Tâm, Dầu Tiếng. Sau khi đánh địch rút lui từ An Lộc chi khu Chơn Thành, đường 13 được giải phóng đến Thủ Dầu Một (Bình Dương). Sau đó bộ phận này cơ động sang bắc Xuân Lộc, bắc ngã ba Dầu Giây tập trung vào đội hình quân đoàn, chuẩn bị tiếp tục tấn công địch ở Long Khánh - Xuân Lộc “để mở cửa ngõ vào Sài Gòn”.

        Riêng Sư đoàn 9 được điều sang Binh đoàn 232 cùng Sư đoàn 3, Sư đoàn 5 để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công từ hướng tây nam Sài Gòn.

        Thời gian này các đơn vị trên mặt trận Tây Nguyên đã đánh tan quân địch rút chạy từ Pleiku - Kon Tum về Tuy Hòa - Nha Trang, Quân đoàn 2 của ta đánh dọc theo đường số 1 mở toang vùng duyên hải đã tiến tới Bình Thuận. Xuân Lộc trở thành một “cánh cửa sắt” ngăn chặn các cánh quân phía bắc (Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, một bộ phận Quân đoàn 3) tiến vào Sài Gòn. Địch tập trung ở đây toàn bộ lực lượng Quân đoàn 3 ngụy và các đơn vị tổng dự bị.

        Nhiệm vụ của Quân đoàn 4 lúc này là phải tiêu diệt cho bằng được địch ở Xuân Lộc, để tạo điều kiện cho các cánh quân phía Đông (Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4) tiến quân giải phóng thành phố Sài Gòn theo quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        Quyết tâm giải phóng Xuân Lộc, nhưng cách đánh thế nào? Đó là một vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Lúc này Thượng tướng Trần Văn Trà - Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh tới Sở chỉ huy Quân đoàn 4 để dự họp Đảng ủy Quân đoàn xác định kế hoạch tấn công dứt điểm Xuân Lộc.

        Đêm trước ngày họp Đảng ủy Quân đoàn, đồng chí Trần Văn Trà (Tư Chi) sang lán của tôi chơi và hỏi “Tham mưu trưởng đã có ý kiến chuẩn bị phương án đánh Xuân Lộc thế nào?”. Tôi đứng dậy nhường chiếc võng của tôi cho đồng chí Trà ngồi ngả lưng, tôi ngồi trên ghế tre bên cạnh và báo cáo ý kiến cá nhân mình. Tôi trình bày: “tình hình Xuân Lộc bây giờ thành một khu vực địch co cụm rất mạnh. Hầu hết quân chủ lực Quân đoàn 3 địch tập trung phòng thủ ở đấy. Ở thị xã Biên Hòa bây giờ trống, chỉ có cơ quan Quân đoàn bộ Quân đoàn 3, đã có hiện tượng bắn nhau như hồi quân ta tấn công Quảng Trị, lực lượng chủ lực Quân đoàn 1 ngụy tập trung đối phó ngăn chặn ở La Vang thành cổ Quảng Trị, thì ở thành phố Huế cũng trống, lính ngụy cũng đã bắn nhau ở chợ Đông Ba, khi đó nếu ta có đường sá cơ động lực lượng từ phía tây có thể đánh chiếm thành phố Huế. Chiếm được thành phố Huế phía sau thì toàn bộ quân địch từ nam cầu Quảng Trị (nam sông Thạch Hãn)”, vào tới Huế quân địch bị đánh cả phía trước, phía sau sẽ tan rã. Ở đây Xuân Lộc sau 2 trận tấn công của ta, Bộ Tổng Tham mưu ngụy càng tăng cường phần lớn tổng dự bị (sư dù, thiết giáp, pháo binh) ra củng cố phòng thủ càng vững chắc và quyết tâm cố thủ đến cùng.

        Nếu ta lại tiếp tục tấn công vào Xuân Lộc là đánh vào một tỉnh lỵ lớn (lớn hơn thị xã Phước Long), địa hình phức tạp, có hệ thống công sự vòng ngoài kiên cố nhiều xe tăng thiết giáp hỗ trợ, nhiều trận địa pháo chi viện thì sẽ bị thương vong lớn, khó giải quyết.

        Trên đường số 1 từ Xuân Lộc đến thị xã Biên Hòa, vì dồn hết lực lượng ra Xuân Lộc nên bố trí chốt giữ đường lực lượng mỏng. Theo tin trinh sát, ở Trảng Bom chỉ có hai tiểu đoàn công binh, công sự dã chiến bố trí trong rừng cao su.

        Liên hệ với chiến dịch Biên giới bắc Việt Nam (1950), lúc đầu ta định tấn công vào Cao Bằng nhưng vì địch phòng thủ ở thị xã Cao Bằng mạnh nếu đánh sẽ bị thương vong lớn mà khó giải quyết nên sau ta chuyển sang tấn công vào Đông Khê, tiêu diệt được địch ở Đông Khê, buộc binh đoàn Lơ Pagiơ ở Lạng Sơn phải lên chi viện và đón binh đoàn Sác Tông ở Cao Bằng rút về, bộ đội ta phục kích đánh vận động tiêu diệt cả hai binh đoàn, bắt sống nhiều tù binh Âu Phi, trong đó có cả hai đại tá chỉ huy hai binh đoàn đó.

        Vì vậy ở đây tôi đề nghị không tiếp tục tiến công Xuân Lộc nữa, chọn điểm tấn công địch ở Trảng Bom (chỉ có 2 tiểu đoàn công binh địch), ta bố trí lực lượng mạnh phục kích đánh địch từ Xuân Lộc rút về chi viện cho Trảng Bom. Sau đó thừa cơ ta thọc vào chiếm thị xã Biên Hòa (Sở chỉ huy của Quân đoàn 3 nguy) và chốt giữ cầu Đồng Nai, chuẩn bị bàn đạp để tấn công vào nội đô Sài Gòn khi có lệnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:23:52 pm »

        Điều kiện đánh vào Trảng Bom ta có thể cơ động xe M113, cả xe tăng trên đường tả ngạn bờ sông Bé và bố trí trận địa pháo binh phía tây Trảng Bom (vì thời gian này là mùa khô) và đồng chí Sáu Thịnh (lúc này phụ trách cụm hậu cần sông Bé, sau này là Thiếu tướng Tư lệnh phó, Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu 7) có lần nói với tôi: “nếu bộ đội tập trung hướng phía bắc Trảng Bom, thì đồng chí đó có thể cho thuyền trôi xuôi sông tiếp tế đạn dược các loại và lương thực vào hướng đó dễ hơn chở bằng ôtô theo đường 20 xuống Xuân Lộc...” Trong lúc nghe tôi trình bày, đồng chí Trần Văn Trà thỉnh thoảng gật đầu, không nói năng gì. Khi tôi trình bày hết ý kiến thì đồng chí đứng dậy nói: “Đó cũng là một phương án, sáng mai đồng chí báo cáo xem ý kiến hội nghị Đảng ủy như thế nào. Bây giờ tôi về nghỉ vì đi suốt ngày hôm nay tới đây mệt rồi!”.

        Trong cuốn hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” ở trang 254 đồng chí Trần Văn Trà cũng có ghi lại vắn tắt ý kiến của tôi trong hội nghị Đảng ủy: “Đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 sau khi phân tích gọn tình hình đề nghi bỏ Xuân Lộc đánh vào Trảng Bom rồi thọc sâu chiếm Biên Hòa...”.

        Sáng ngày hôm sau, họp Đảng ủy Quân đoàn, tôi chỉ báo cáo tóm tắt tình hình (không nói cụ thể như khi trình bày với đồng chí Trần Văn Trà tối hôm trước) và đề nghị phương án không tấn công vào Xuân Lộc nữa vì địch mạnh mà tiến công vào Trảng Bom, đánh quân viện hoặc rút lui từ Xuân Lộc về Trảng Bom, về Biên Hòa, tranh thủ thời cơ thọc vào chiếm thị xã Biên Hòa và chốt giữ cầu Đồng Nai...

        Sau đó, trong hội nghị có đồng chí phát biểu muốn tiếp tục đánh vào Xuân Lộc là một trận đánh vang dội, trận đánh lần trước quân ta đã vào được tới dinh tỉnh trưởng... có ý kiến cho rằng nếu ta đánh xong Trảng Bom thọc vào được Biên Hòa chốt giữ được cầu Đồng Nai sớm, trong lúc các cánh quân khác (của 4 quân đoàn) chưa tới kịp, sợ lộ ý định tấn công vào Sài Gòn. Quân ta vào được thị xã Biên Hòa, chốt được cầu Đồng Nai sớm, lực lượng ta đơn độc đột xuất, có thể bị địch tập trung lực lượng phản công chiếm lại...

        Cuối cùng theo ý kiến của Tư lệnh, Đảng ủy kết luận: “Không tiếp tục tập trung tấn công đánh thẳng vào Xuân Lộc nữa mà tấn công vào cao điểm Núi Thị và quân địch đóng dọc đường Núi Thị đến ngã ba Dầu Giây, bao vây Xuân Lộc và bố trí lực lượng đón lõng nếu địch từ Xuân Lộc ra tiếp viện cho Núi Thị và tiêu diệt quân địch nếu từ Xuân Lộc rút về thị xã Bà Rịa...”.

        Thực hành quyết tâm này, ta tấn công địch ở Núi Thị và quân địch từ Núi Thị đến ngã ba Dầu Giây tiêu diệt được phần lớn trung đoàn 52 ngụy, nhưng quân ta cũng bị thương vong một số, do nhiều trận địa pháo ở Long Khánh (Xuân Lộc) có thể chi viện tới.

        Quân địch ở Xuân Lộc phải rút chạy, ta truy kích tiêu diệt được bộ phận nhỏ, còn bộ phận lớn chúng tháo chạy được tới thị xã Bà Ria, sau này vòng theo đường 15 co cụm lớn ở khu vực Biên Hòa (căn cứ Quân đoàn 3 ngụy cũ).

        Đến khi thực hành chiến dịch Hồ Chí Minh, mũi thọc sâu của Sư đoàn 7 tiến về Biên Hòa lại vấp phải quân địch mạnh chống cự (quân ở Xuân Lộc rút xuống Bà Rịa rồi vòng lên co cụm ở thị xã Biên Hòa), nên Quân đoàn 4 không thực hiện được ý định của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, vào trước cắm cờ ở Dinh Độc Lập, tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền.

        Đây cũng là một mối băn khoăn day dứt của các đồng chí lãnh đạo Quân đoàn 4 sau này.

        Cầu Đồng Nai và sông Đồng Nai là một chướng ngại lớn cho cánh quân phía đông (Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4), do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy. Khi tiến công vào Sài Gòn, nhờ có lực lượng đặc công, biệt động của Miền chiếm giữ được trước khi 2 Quân đoàn vượt qua, nếu không thì cả Sư đoàn 304/quân đoàn 2 và cả Sư đoàn 7/Quân đoàn 4 cũng không vào sớm hơn các cánh quân khác để chiếm Dinh Độc Lập. Nếu phải bắc cầu hay tổ chức vượt sông bằng phà (theo kế hoạch dự phòng của Chủ nhiệm công binh Quân đoàn - đồng chí Xuyên Khung) thì không thể “thần tốc” được!...

        Khi mũi thọc sâu của Sư đoàn 7 tiến công vào Sài Gòn, tôi và đồng chí Tư Hiệp (Phó Chính ủy Quân đoàn) cùng vào đến trưa 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 thọc sâu vừa chiếm lĩnh Dinh Độc Lập. Đồng chí Tư Hiệp gặp đồng chí Hoàng Đan nhận bàn giao và tổ chức tiếp quản Dinh Độc Lập. Các đơn vị khác của Sư đoàn 7 chiếm một số mục tiêu quan trọng khác như trụ sở Bộ Quốc phòng, ngân hàng, đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM