Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:00:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25694 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:15:10 am »

        Qua “thư từ, đi về”, cách nhau hàng nghìn dặm để tìm hiểu nhau, đến mùa hè năm 1957, về Việt Nam nghỉ phép, được sự đồng ý của Cục Cán bộ, chúng tôi tổ chức đám cưới hết sức đơn giản (chỉ có nước trà, đĩa kẹo, gói thuốc lá) tại một hội quán Hoa kiều ở Vinh.

        Đúng là vì “hữu duyên”, nên dù “thiên lý” cũng đã được “tương ngộ”!

        Đi sang Trung Quốc lần này là đoàn học viên quân sự Việt Nam gồm 18 cán bộ do Thượng tá Đặng Kinh - nguyên Cục phó Cục Tác chiến làm Trưởng đoàn. Đây là đoàn học viên quân sự đầu tiên ra nước ngoài học tập, trong điều kiện miền Bắc vừa mới được giải phóng vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trước khi ra đi, Cục Cán bộ chỉ may cho mỗi cán bộ học viên hai bộ đồ xanh công nhân, một mũ vải (một bộ mặc trong người, một bộ cùng các thứ khác bỏ trong một túi vải trắng dày, có giây thắt nút, lúc này chưa có va ly). Từ ga Bằng Tường đi tàu hỏa đến ga Nam Kinh, cán bộ ta được cán bộ Học viện Quân sự Nam Kinh ra đón. Khi ngồi lên xe xong, cán bộ Trung Quốc hỏi các đồng chí còn đồ đạc gì nữa không? Chúng tôi trả lời chỉ gỏn gọn túi vải này thôi!

        Vào đến Học viện thì được cấp phát đủ thứ, nào vải đệm giường, quần áo bông và quân phục quân giải phóng Trung Quốc với quân hàm vải màu đỏ (màu quân hàm học viên quân sự).

        Sau 5 năm học tập ở Học viện quân sự Nam Kinh (một năm dự khóa, bốn năm chính khóa). Năm 1960 tôi trở về Cục Tác chiến với quân hàm thiếu tá, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội ta và nhận nhiệm vụ phó Phòng Tác chiến. Nhận công tác ở Cục Tác chiến, tôi đưa nhà tôi và con gái đầu lòng ra Hà Nội (ở số nhà 1 Văn Miếu).

        Công tác ở Cục mới được hơn 1 tháng thì xảy ra cuộc đảo chính của Coongle ở Lào (9/8/1960). Vào khoảng 2 giờ sáng của một ngày nào đó (mà tôi đã quên), có đồng chí liên lạc ra bảo tôi vào cơ quan có việc gấp. Tôi vào Sở chỉ huy thì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi lên giao nhiệm vụ. Đồng chí Đại tướng nói: “Bộ giao cho cậu ngày mai đi máy bay sang Lào, tìm gặp đoàn cán bộ của anh Chu Huy Mân đang giúp quân Coongle để nắm tình hình về báo cáo Bộ, vì hiện nay Bộ không liên lạc được bằng điện đài...”. Đồng chí còn hỏi tiếp: “Nếu bị địch bắt thì cậu khai thế nào?”. Tôi trả lời là tôi khai làm y tá. Đồng chí cười và nói lại: “Cậu biết những thứ thuốc gì mà khai làm y tá?”. Tôi nói tôi biết các loại thuốc sốt rét như quinin chẳng hạn. Đại tướng vỗ vai tôi và bảo: “Thôi về chuẩn bị sáng mai đi, nhớ là phải thay quần áo Pathét Lào, không được mang theo sổ sách giấy tờ gì cả, chỉ hỏi tình hình rồi ghi nhớ trong đầu về báo cáo...”.

        3 giờ sáng, tôi về nói với nhà tôi là đi công tác vài ngày thôi, đạp xe vào Cục, thay bộ quân phục Pathét Lào, mũ lưỡi trai, khoác ba lô. Cục Bảo vệ cử đồng chí Tấn chuẩn úy đi theo (đồng chí Tấn sau này là trung tá Phòng Doanh trại C59B, hiện nghỉ hưu ở đường Cửu Long trong sân bay Tân Sơn Nhất).

        Hai người đi ô tô sang sân bay Gia Lâm, lên một chiếc máy bay của Liên Xô (Li 2), chỉ chở một xì téc xăng to dài cả khoang máy bay, bay sang sân bay Viên Chăn, viện trợ cho Lào theo ký kết của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Phu Ma trước đây.

        Máy bay cất cánh từ Gia Lâm sang Lào. Nhìn xuống qua cửa kính máy bay đang bay trên đường số 7, cánh đồng Chum rộng bao la thì một phi công Liên Xô vỗ vai tôi chỉ bên trái thấy một máy bay sơn cờ sao nhiều cánh màu trắng (ký hiệu máy bay Tưởng Giới Thạch) đang bay cặp theo máy bay Liên Xô. Bất thình lình máy bay Liên Xô hạ tụt độ cao xuống, cặp đuôi máy bay có ký hiệu cờ “Tưởng Giới Thạch” vụt lên trước.

        Sợ bị bắn từ phía sau đuôi, máy bay “cờ Tưởng” tăng tốc độ bay sang Thái Lan, máy bay Liên Xô rẽ hướng đường số 13 rồi hạ thấp độ cao xuống sân bay Văng Viêng (một sân bay dã chiến của quân ngụy Lào ở bắc Viêng Chăn).

        Sau khi tôi xuống và bắt tay cảm ơn phi công, máy bay Liên Xô lại cất cánh bay tiếp về phía Viêng Chăn. Tôi và đồng chí Tấn hỏi thăm dân Lào rồi băng qua rừng vào một ngọn suối để bắt liên lạc với cán bộ Việt Nam, theo chỉ dẫn của dân Lào.

        Tôi gặp được hai cán bộ là đồng chí Khanh ở Đoàn CP31 (cơ quan giúp Lào của Trung ương ta) và đồng chí Hòa (sau này là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tại lào). Hai đồng chí đó nằm trên mấy tàu lá chuối, bên cạnh một bếp lửa than củi còn cháy. Gặp nhau tay bắt mặt mừng vì là những người đã từng quen biết (đồng chí Khanh ở CP31 đường Lý Nam Đế mà tôi thường gặp khi sang họp; đồng chí Hòa là người cùng học với tôi 5 năm ở Học viện quân sự Nam Kinh). Tôi rất mừng là đã hoàn thành nhiệm vụ, bước đầu tìm bắt liên lạc được với người của ta. Hai đồng chí đó cũng rất mừng vì đang ở trong tình cảnh mất liên lạc với đồng chí Chu Huy Mân đi với quân Coongle, đang rút từ Viêng Chăn ra, mới tới Phôn Hồng (bắc thành phố Viêng Chăn), nay lại được gặp phái viên của Bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:19:15 am »

        Sau khi nắm được toàn bộ tình hình của quân Coongle và kế hoạch của đoàn cán bộ quân sự ta đang giúp đỡ họ (tiến quân về hướng Salaphukhum - Mường Xủi để đánh chiếm Cánh Đồng Chum). Sáng hôm sau (như đã hẹn với phi công Liên Xô) chúng tôi trở ra sân bay Văng Viêng bay về Gia Lâm (Hà Nội) báo cáo tình hình với Bộ.

        Về Cục Tác chiến, nghe anh em nói, trong mấy ngày qua cũng có một trực thăng (MI4) do phi công của ta lái, bay sang Lào bắt liên lạc nhưng vì sương mù nên bay lạc sang bên kia sông Mê Kông (đất Thái Lan), phải hạ cánh bắt buộc xuống một cánh đồng đất Thái, đốt máy bay, rồi phi công và cán bộ ta vượt sông Mê Kông trở về đất Lào.

        Khoảng nửa tháng sau (1/1/1961), cũng vào khoảng 2-3 giờ sáng, tôi đang ngủ nghe tiếng gõ cửa (lúc này ở nhà riêng chưa có điện thoại), một đồng chí liên lạc đến gọi vào đi công tác gấp. Nhà tôi cũng ngồi dậy ngơ ngác và hỏi đi đâu mà dậy sớm thế; tôi chỉ trả lời “có lẽ lại đi công tác đột xuất 1-2 ngày như lần trước thôi”. Tôi vào Cục thì thấy cơ quan đã chuẩn bị sẵn quân phục Pathét Lào, trang bị đầy đủ hơn lần trước. Đồng chí Tấn bảo vệ đã chờ sẵn, ngoài ra còn có một tổ điện đài, cơ yếu 5 đồng chí cùng đi. Rút kinh nghiệm mất liên lạc giữa Bộ Tổng và bộ phận cán bộ ta giúp Coongle lần trước nên lần này tôi được mang theo một tổ điện đài để làm dự bị. Tôi nhận nhiệm vụ đi máy bay sang cánh đồng Chum để gặp đồng chí Chu Huy Mân (mang bí danh là Thao Chăn) và giúp đỡ về công tác tham mưu cho bộ phận cán bộ quân sự ta làm cố vấn cho Coongle.

        Chúng tôi đi ôtô sang sân bay Gia Lâm vào trạm của cơ quan viện trợ CP31, thì gặp đồng chí Võ Quang Hồ (thời gian này công tác ở Bộ Tư lệnh pháo binh), đang chỉ huy sắp xếp đạn pháo 105 ly và các hàng viện trợ khác cho quân Coongle để chở bằng máy bay.

        Chúng tôi ngồi chờ mấy chục phút rồi cùng xe chở hàng viện trợ ra sân bay để cùng đi một chuyến bay.

        Lần này không phải là máy bay kiểu Li2 chở xăng dầu như trước mà là một máy bay vận tải lớn hơn (IL14), chở bộ phận chúng tôi đi cùng số hàng viện trợ, phần lớn là đạn pháo 105.

        Lúc máy bay hạ cánh xuống sân bay Cánh Đồng Chum, một sân bay lớn lát ghi sắt. Cánh cửa mở, tôi bước xuống trước thì gặp đồng chí Chu Huy Mân trong trang phục quân Coongle (áo Canadien thắt bụng, mũ vải ...) ra tận chân thang máy bay đón. Tôi đứng nghiêm chào, đồng chí Mân bắt tay tôi rồi hỏi: “Có ai nữa không?” Tôi trả lời: “Chỉ có tôi và một số anh em thông tin”. Đồng chí mỉm cười nói: “Thế ra là Khánh tác chiến! Mình xem điện ông Văn nói, cử đồng chí Khánh sang giúp đỡ, tưởng là Cao Văn Khánh, nhưng Khánh tác chiến cũng tốt...”, rồi đồng chí Thao Chăn kéo tay tôi lên xe Jeep của đồng chí và vào rừng phía Bắc sân bay, vào chỗ làm việc của đồng chí.

        Trong mấy cái lán cành cây lợp lá và một cái tăng vải bạt nhỏ, với khoảng 4-5 người đi theo giúp việc và một tổ điện đài, đồng chí bảo tôi: “Bây giờ cậu giúp tôi công tác tham mưu và quan hệ với đại úy Đươn (sau này là đại tá Đươn)”. Đồng chí Thao Chăn trực tiếp làm việc với đại úy Coongle cũng ở trong lán cây và căng vải bạt ở một đồi bên cạnh.

        Trong lúc này thì quân Coongle đang đánh địch mở rộng về Phôn Xa Vẳn, một thị trấn nhỏ của Lào, là một chi khu quân sự của quân Phu Mi và truy lùng địch ở Cánh Đồng Chum chạy về thị xã Xiêng Khoảng.

        Đồng chí Thao Chăn bảo tôi đi cùng đại úy Đươn xuống kiểm tra tình hình ở Phôn Xa Vẳn. Tôi cũng được quân Coongle cấp cho một chiếc xe Jeep và một người tài xế lính Coongle. Tôi và đại úy Đươn làm việc ở Phôn Xa Vẳn bố trí lại lực lượng (trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp), rồi lại quay về Cánh đồng Chum.

        Cơ quan đồng chí Thao Chăn ngày càng được tăng cường thêm nhiều cán bộ, đủ các ngành quân dân chính Đảng, các Tổng cục, nhà cửa được xây bằng gỗ đàng hoàng, do có cầu hàng không Gia Lâm - Cánh đồng Chum, tiếp tế bằng thả dù và máy bay hạ cánh sân bay Cánh đồng Chum cho cơ quan và các đơn vị của Coongle, PaThét Lào và của ta.

        Khi đồng chí Trung tá Thăng Bình ở Sư đoàn 316 về giúp đồng chí Thao Chăn, tôi được lệnh đồng chí Thao Chăn cùng một trung đội quân Coongle do trung úy Chẹng và trung úy Thiệp chỉ huy đi xuống thị xã Xiêng Khoảng, liên lạc với trung úy Khăm Bọn (một sĩ quan của Coongle) đã đưa quân xuống trước đánh chiếm thị xã Xiêng Khoảng. Cùng đi với tôi còn có một tổ điện đài cơ yếu để liên lạc với đài đồng chí Thao Chăn (vượt cấp liên lạc với cả đài của Bộ) và một khẩu đội pháo 105. Tôi còn có nhiệm vụ đưa ông Thao Tu (một thủ lĩnh rất có uy tín với người Mẹo) đi xuống để nắm chính quyền và dân ở Xiêng Khoảng (đa số dân ở đây là người Mẹo).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:23:11 am »

        Khi đoàn chúng tôi hành quân từ Cánh Đồng Chum tới cách thị xã Xiêng Khoảng 10 kilômét thì bị quân Coongle (lính của Khăm Bọn) đặt ba-ri-e chặn lại không cho vào thị xã, vì Khăm Bọn không muốn cho Thao Tu vào nắm dân Mẹo và muốn được quyền một mình nắm tỉnh Xiêng Khoảng (Khăm Bọn sau này trở thành phản động, bỏ Coongle theo lại với Phu Mi). Vì không muốn nổ súng chống lại, tôi bàn với trung úy Chẹng và trung úy Thiệp cùng trung đội quân Coongle ở lại, bố trí quân tại chỗ. Tôi và ông Thao Tu, có đồng chí Tấn bảo vệ, đi một xe Jeep vào thị xã gặp Khăm Bọn, nên bọn lính cho chúng tôi vào. Đi đến chỗ ở của Khăm Bọn (một ngôi nhà ngói gần chợ Xiêng Khoảng), lính gác vào báo cáo, chúng tôi chờ mãi ở cổng. Sau đó, Khăm Bọn bước ra với dáng vẻ còn loạng choạng từ trong phòng ngủ với một cô gái Lào gặp tôi (lúc đó vào khoảng 5 giờ sáng).

        Biết tôi, vì 1-2 lần làm việc với đại úy Đươn ở Cánh đồng Chum có gặp tôi ở đấy, nên sau khi tôi nói lệnh của ông Coongle và ông Thao Chăn, Khăm Bọn không thể từ chối và lệnh cho lính mở ba-ri-e đề trung đội của Chẹng - Thiệp vào thị xã, chiếm lĩnh khu trung tâm. Tôi đưa ông Thao Tu vào ở nhà tỉnh trưởng của tỉnh Xiêng Khoảng. Chiếm lĩnh thị xã Xiêng Khoảng 2 ngày, theo lệnh đồng chí Thao Chăn, tôi cùng trung đội của Chẹng - Thiệp, bộ phận điện đài cơ yếu và khẩu đội pháo 105 của tôi, bắt đầu phát triển, tiến công mở rộng khu chiếm đóng xuống Ta Viêng Tha Thơm, để cho bộ phận lính của Khăm Bọn ở lại giữ thị xã Xiêng Khoảng. Được tự do một mình chiếm cứ Xiêng Khoảng nên Khăm Bọn rất thích thú, vui vẻ tiễn đưa chúng tôi và trung đội của Chẹng - Thiệp xuất quân đi Ta Viêng, với nhiều vật chất làm quà mang theo.

        Trung úy Chẹng là một sĩ quan trẻ tuổi, có học thức, trực tiếp chỉ huy trung đội, trung thành với Coongle, quan hệ tốt với Việt Nam và Pathét Lào (bây giờ là Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Lào).

        Trung úy Thiệp là một sĩ quan dù (đội bêrê đỏ lệch một bên, quần áo rằn ri), có tính tình thẳng thắn, có hơi ngang ngạnh nhưng dũng cảm, một mình lái xe Jeep đi trước có gắn khẩu đại liên (Trung úy Thiệp sau này là Đại tá, Cục trưởng Cục Công binh Bộ Tổng Tham mưu Lào). Cả hai người trước học trường sĩ quan Pháp đào tạo theo lối đánh của quân đội Pháp. Khi hành tiến xuống Ta Viêng Tha Thơm thì đội hình đi đầu là một xe Jeep gắn khẩu đại liên của Thiệp, vừa đi vừa bắn hai bên đường, một chiếc xe húc đi kèm, vừa chạy vừa mở đường (gạt cây đổ và chỗ sụp lở) tiếp sau là trung đội của Chẹng và bộ phận điện đài của tôi, sau cùng là khẩu đội 105. Khi bị địch đánh chặn dọc đường, quân Chẹng dừng lại, bắn 2 bên, pháo 105 chiếm lĩnh trận địa chi viện bắn vào sau đội hình địch, hoặc trên các đồi cao địch chiếm đóng. Quân của Chẹng vừa hành quân cơ giới vừa chiến đấu, đẩy quân Phu Mi và lính Mẹo phản động chạy tản lên các dãy núi cao.

        Ngày hành quân, tối dừng lại nghỉ thì quân lính của Chẹng - Thiệp ở trong bản ăn uống thả cửa.

        Nhưng chúng tôi (cả bộ phận điện đài và pháo) thì đóng lui phía sau trong rừng, điện đài chiếm đồi cao căng ăngten đánh điện báo cáo với đồng chí Thao Chăn. Chúng tôi không đóng quân trong bản cùng quân Chẹng - Thiệp vì một mặt đề phòng địch tập kích, một mặt khác cũng cảnh giác với quân Coongle, đề phòng có tên nào phản động nó lại “thịt” mình khi đang ngủ.

        Sau khi đánh chiếm Ta Viêng (12/1/1961), đoàn quân tiến xuống đánh Tha Thơm (18/1/1961). Ở đây địa hình núi đá, cửa ngõ xuống Pạc San, đường 13.

        Địch dựa vào hang đá chống cự. Quân của Chẹng phải dừng lại, đang tìm đường vòng vu hồi đánh vào sau dẫy núi đá thì một hôm vào buổi sáng thấy một toán quân từ hướng Tha Thơm tiến lên gặp chúng tôi, hai bên bắn nhau một hồi. Tôi nhìn thấy bên kia mặc quần áo Pathét Lào (không phải lính Phu Mi) hô cho bên này ngừng bắn. Một đồng chí chỉ huy của đội quân bên kia (quân Pathét Lào) tiến lên gặp tôi, thì té ra đồng chí Xom Xắc, đang dẫn tiểu đoàn 2 trong vòng vây từ Pạc San lên Cánh Đồng Chum qua Tha Thơm bị chặn đánh và vượt qua Tha Thơm tiến lên gặp quân của Chẹng. Đồng chí Xom Xắc người to, mập, nhưng mặt đã hốc hác, đeo một bao tượng đầy “bạc kíp”, nhưng đồng chí bảo bộ đội Pathét Lào mấy ngày nay không có gì ăn vì đi đến đâu cũng không gặp dân, có nhiều tiền mà chẳng mua được gì. Bộ đội của Chẹng san sẻ lương thực, thực phẩm cho Tiểu đoàn 2 Pathét Lào (vì bộ đội Coongle đi đến đâu đều có máy bay Liên Xô thả dù tiếp tế lương thực, thực phẩm dồi dào). Sau đó Tiểu đoàn 2 Pathét Lào tiếp tục hành quân về phía Cánh Đồng Chum để gặp chính phủ trung ương Pathét Lào đã lên đó hợp tác với quân Coongle (đồng chí Xom Xắc sau này là Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Lào). Có lần gặp tôi trong bữa ăn cơm chung với đồng chí Trần Văn Quang và đồng chí Khăm Tày tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Lào ở Viêng Chăn, sau cuộc diễn tập chỉ huy của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Xom Xắc kể chuyện nói: “Hồi đó không gặp Ai (anh) Khánh thì bộ đội tôi chết đói”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:26:15 am »

        Chúng tôi cùng đi với trung đội Chẹng một thời gian, giữa bộ đội Việt Nam (tôi và tổ điện đài, khẩu đội pháo) với trung đội Chẹng - Thiệp rất vui vẻ đoàn kết với nhau, chiến đấu mở rộng khu kiểm soát nam Xiêng Khoảng tới Tha Thơm. Chẹng - Thiệp và binh lính của họ thường gọi tôi là “quan năm” (Colonel Khánh), đồng chí Tấn bảo vệ được đề bạt là quan ba (Capitaine Tấn).

        Quân của Chẹng ở lại bảo vệ vùng mới được giải phóng nam Xiêng Khoảng, tôi được lệnh trở lại Cánh đồng Chum, gặp cơ quan anh Thao Chăn. Lúc này ở Cánh đồng Chum Phôn Xa Văn nhộn nhịp, máy bay lên xuống chở cán bộ đi lại và tiếp tế lương thực hàng ngày. Dưới đất thì ôtô tải, xe con (Jeep) chạy bụi mù trời, như là thủ đô của quân “Liên hiệp Pathét Lào - Coongle”. Cơ quan đồng chí Xu PhaNuVông và đồng chí Kay Xơn cũng lên làm việc ở Khang Khay. Tôi được phân công làm tham mưu cho đồng chí Thao Chăn một thời gian, thỉnh thoảng có đi lại báo cáo tình hình chiến sự trực tiếp với đồng chí Xu PhaNuVông và đồng chí Kay Xơn (Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước và Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào).

        Tôi sang Lào đợt này chiến đấu và công tác gần hai tháng, tóc râu bù xù (vì không có hiệu cắt tóc).

        Đến khi đồng chí Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn sang làm việc với đồng chí Thao Chăn. Thời gian này đồng chí Hoàng Sâm lên thay đồng chí Thao Chăn (đồng chí Hoàng Sâm mang bí danh là Thông Đi).

        Đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị cho tôi về Cục Tác chiến để theo dõi tình hình Lào. Tôi trở về Cục cùng chuyến bay của đồng chí Lê Trọng Tấn.

        Gần hai tháng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Thao Chăn (Chu Huy Mân), các chuyên gia quân sự Việt Nam giúp đỡ quân Coongle và bạn Pathét Lào tác chiến mở rộng và củng cố khu vực Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng, một địa bàn chiến lược quan trọng ở bắc Đông Dương. Đây là thời gian dài nhất tôi được gần gũi đồng chí, tuy trước đây có biết và có làm việc với đồng chí trong từng thời gian ngắn, khi tôi là phái viên tác chiến xuống đơn vị của đồng chí.

        Đại tướng Chu Huy Mân là một vị tướng vừa chính trị, vừa quân sự, từng làm Chính ủy Trung đoàn 174, Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 316, Chính ủy quân khu Tây Bắc trong và sau kháng chiến chống thực dân Pháp, là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Tư lệnh Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sau chiến tranh. Đồng chí là một tướng lĩnh suốt hai cuộc kháng chiến, chuyên hoạt động ở những vùng rừng núi chiến đấu ác liệt, khó khăn gian khổ, thiếu thốn về vật chất, thời tiết khắc nghiệt, như ở biên giới, dọc đường 4 Việt Nam - Trung Quốc, ở Tây Bắc, ở chiến trường rừng núi Lào, ở Tây Nguyên...

        Đồng chí Chu Huy Mân còn là một người có tính kỷ luật cao, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh cấp trên, quan tâm cấp dưới và đoàn kết giúp đỡ bạn (cả bạn Pathét Lào và quân Coongle) với giọng nói ôn tồn, điềm đạm thong thả nhưng chắc chắn, đồng chí bình tĩnh xử lý mọi việc và các tình huống khó khăn.

        Khi ở mặt trận Tây Nguyên về Hà Nội, có lần đồng chí Cao Văn Khánh nói chuyện với anh em: “Chiến trường Tây Nguyên ác liệt, gian khổ, nhưng có đồng chí Chu Huy Mân làm cho anh em càng vững lòng tin”. Có lần đồng chí sang chơi nhà ở của đồng chí Chu Huy Mân trong rừng Tây Nguyên, thấy buổi chiều đồng chí vẫn xắn quần cuốc đất trồng sắn, trồng rau, trồng cả những cây ăn quả lâu năm. Đồng chí Cao Văn Khánh nói: “Anh định trụ lại ở đây bao nhiêu lâu mà trồng những cây ăn quả này?”. Đồng chí bảo: “Kháng chiến trường kỳ mà! mình đi nơi khác thì chỉ huy khác đến dùng”. Đồng chí cũng là người phát động phong trào trồng sắn ở vùng rừng núi Tây Nguyên, giải quyết được lương thực cho bộ đội Tây Nguyên khi không có gạo và cung cấp được một phần cho các đơn vị từ miền Bắc vào Nam Bộ chiến đấu khi thiếu gạo trên đường hành quân qua Tây Nguyên...

        Về đến nhà, sum họp gia đình vui vẻ, vợ tôi nói khi tôi ra đi được độ năm ngày thì đồng chí Hải Châu (một cán bộ trong Cục Tác chiến) mang xe đạp và gói quần áo của tôi ra. Nhà tôi rất lo ngại, không hiểu sao lại giao quần áo lại, không biết đã xảy ra điều gì không may! Hỏi mãi nhưng đồng chí Hải Châu không nói đi đâu, chỉ nói chị yên tâm, không có gì xảy ra đâu. Sau này đồng chí Hải Châu thường lui tới thăm gia đình và qua các cán bộ (sang Cánh Đồng Chum) đi lại, về nói chuyện, dần dần cũng được tin tức nên yên tâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:30:07 am »

        Về công tác lại ở Cục Tác chiến một thời gian thì ta và bạn chủ trương mở chiến dịch Mường Sinh, Nậm Thà, để mở rộng vùng giải phóng Thượng Lào.

        Chiến dịch này do đồng chí Bằng Giang làm Tư lệnh, đồng chí Trần Độ làm Chính úy. Trong lúc cơ quan chiến dịch đang triển khai sở chỉ huy, đồng chí Đặng Kinh - Cục phó Cục Tác chiến và tôi được cử tới gặp Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến những chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh.

        Một buổi sáng, đồng chí Đặng Kinh, tôi và đồng chí Việt Kỳ (Trưởng phòng Tác chiến Quân khu Tây Bắc, được điều sang làm Trưởng phòng tác chiến Bộ chỉ huy chiến dịch) sang Gia Lâm để bay trên một chiếc máy bay nhỏ (AN2) sang Lào.

        Lần đầu tiên, máy bay AN2 do phi công ta lái bay sang vùng địch còn chiếm và núi rừng cao, thường có mây mù dày đặc nên trước khi lên máy bay đồng chí trung úy Tình (phi công chính) giao cho chúng tôi mỗi người một balô dù, đeo vào lưng và hướng dẫn cách rút dây dù tung ra, đề phòng trường hợp do địch bắn hay tai nạn mà máy bay bị rơi.

        Máy bay bay sang gần địa điểm Sở chỉ huy chiến dịch (nói là gần nhưng đi bộ cũng mất một ngày do có nhiều dốc núi cao). Trên bản đồ có ký hiệu sân bay dã chiến cũ, gần bản Mường Ải.

        Máy bay quay đi quay lại mấy vòng mới bắt dầu tìm ra hướng hạ cánh. Nhưng khi hạ cánh do gió quạt mạnh cũng làm tốc mái một ngôi chùa ở đầu đường băng. Máy bay hạ cánh xuống sân bay, do mưa lũ lâu ngày lại có chỗ dân đã trồng trọt nên máy bay chạy xóc như đi ngựa. Chúng tôi xuống máy bay đi tới sở chỉ huy chiến dịch thì trời đã tối.

        Sau khi làm việc với Bộ chỉ huy chiến dịch, đồng chí Đặng Kinh ra về bằng đường bộ, tôi ở lại làm phái viên theo dõi tác chiến. Chiến dịch diễn ra thuận lợi, quân ta giải phóng khu vực Mường Sinh (3/5/1962) và Nậm Thà (4/5/1962). Một bộ phận địch tan rã chạy về hướng Vieng Phu Kha Houisai, giáp biên giới Thái Lan.

        Tôi đi theo bộ phận truy kích địch đến Viêng Phu Kha vào ngày 6 tháng 5 năm 1962 thì quân ta được lệnh dừng lại, chiếm lĩnh đèo Viêng Phu Kha, không tiến ra Houisai, tránh đụng độ với quân Thái Lan và tàn quân thổ phỉ Tưởng đang ngăn chặn ở biên giới trong tình hình chính trị lúc này không lợi.

        Chiến dịch Nậm Thà kết thúc thắng lợi (8/5/1962). Đồng chí Cục phó Cục Tác chiến Đỗ Đức Kiên đi máy bay AN2 (cũng do đồng chí Tình lái) từ Hà Nội sang hạ cánh ở sân bay Nậm Thà gặp Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến kế hoạch củng cố vùng mới giải phóng, bố trí lại lực lượng của bạn, một bộ phận quân tình nguyện của ta rút về phía sau và tiến hành tổng kết chiến dịch. Sau đó đồng chí Đỗ Đức Kiên và tôi lên máy bay AN2 bay về Hà Nội.

        Trên đường bay, vừa bay khỏi bầu trời Nậm Thà thì một máy bay T28 của nguy Lào đuổi theo. Máy bay AN2 của ta không trang bị súng. Máy bay T28 của nguy Lào có súng bắn rốc-két. Đồng chí Tình phi công ta lái rất giỏi, hạ thấp độ cao tránh máy bay địch, có lần địch bắn hụt một quả rốc-két, không trúng máy bay ta mà lại trúng xuống một bản làng ở dưới đất, nhà dân bị cháy.

        Máy bay ta bay đến biên giới Việt - Lào (khu vực Điện Biên Phủ) thì máy bay địch quay trở lại. Máy bay ta bay theo đường Thuận Châu - Nà Sản về Hòa Bình, trên đường bay về gần thị xã Sơn Tây thì phía trước trời mưa to, mây đen nghịt, có chớp sáng lòe.

        Đồng chí Tình nói có mây điện (mây CB), nên lập tức quay đầu bay về hướng Phú Thọ hạ cánh bắt buộc xuống sân bay (đây cũng là một sân bay cũ, đã lâu không dùng). Dân thị xã và các làng xung quanh sân bay chạy ra bao vây máy bay và lúc đầu giữ chúng tôi lại nghi là máy bay của ngụy Lào sang hàng (vì trước đây có một máy bay của Coongle sang hạ cánh bất ngờ ở sân bay Bạch Mai).

        Mãi đến chiều mưa đã ngớt, máy bay AN2 lại bay về theo hướng Thái Nguyên, phải tránh mây điện, bay vòng về hướng Hải Dương, tới 6 giờ chiều mới hạ cánh tại sân bay Gia Lâm.

        Trong thời gian này, Bộ Tư lệnh không quân ta báo cáo không bắt liên lạc được với máy bay ta, sợ mất tích. Một cuộc hành trình bằng máy bay rất vất vả trong một ngày (đáng lẽ chỉ mất 2 giờ đồng hồ từ Nậm Thà về Hà Nội). Nhưng nhờ đồng chí Tình có trình độ lái giỏi, dũng cảm, bình tĩnh xử lý tình huống phức tạp, tránh được địch bắn và vượt qua tai nạn (Rất tiếc đồng chí Tình sau này trong một buổi bay biểu diễn AN2 ở không phận Hải Phòng bị tai nạn, máy bay rơi và đồng chí đã hy sinh).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:32:19 am »

        Tôi trở về Cục Tác chiến tiếp tục công tác, phụ trách theo dõi tình hình Lào. Khi bạn thực hiện hiệp định Giơnevơ đình chiến ở Lào (23/7/1962), thì cùng đồng chí Bình Sơn - Tham mưu phó Đoàn 959, chuyên gia quân sự ở Lào, đi điều chỉnh lực lượng và rút quân tình nguyện Việt Nam về nước.

        Khi địch phá hiệp định đình chiến với chính phủ Liên hiệp, gây chiến tranh trở lại tháng 4 năm 1963 thì tôi làm phái viên tác chiến, đi lại nắm tình hình các nơi xảy ra chiến sự ở Lào, trọng điểm là khu vực Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng).

        Nhiều lần tôi đến Phôn Xa Vẳn, Cánh đồng Chum gặp đồng chí Nguyễn Hữu An, chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam phối hợp quân PaThét Lào, phòng thủ Cánh đồng Chum. Có khi đi với đồng chí Nguyễn Hữu An sang gặp đại diện chính phủ Trung Quốc, có trụ sở đóng ở thị trấn Phôn Xa Vẳn (nghe nói đồng chí này là một Tướng của Giải phóng quân Trung Quốc), để bàn kế hoạch bảo vệ Cánh đồng Chum - Phôn Xa Vẳn, qua đồng chí này để xin viện trợ trực tiếp cho bộ đội Pathét Lào và quân tình nguyện Việt Nam.

        Chiến tranh ở Lào ngày càng lan rộng, khu vực Cánh Đồng Chum, là điểm nóng ác liệt nên có thời gian ta và bạn mở các chiến dịch phòng ngự, phản công và có các đồng chí Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn hoặc Nguyễn Đôn sang trực tiếp chỉ huy.

        Từ ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), tôi công tác ở Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu theo dõi chỉ đạo tiễu phỉ ở Đồng Văn - Hoàng Xu Phì và tổ chức tiếp đón bộ độ ta ở miền Nam quân tình nguyện ở Campuchia và ở Lào ra tập kết ở miền Bắc chấn chỉnh lực lượng củng cố phòng thủ bảo vệ miền Bắc. Sang năm 1955 đi học ở Học viện quân sự Nam Kinh (Trung Quốc). Năm 1960 trở về lại công tác ở Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu với chức vụ Phó Phòng Tác chiến. Mới hơn một tháng thì xảy ra đảo chính của quân Coongle ở Lào, tôi được lệnh sang công tác giúp bạn ở Lào - Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Nậm Thà (Thượng Lào và Trung Lào).

        Thời gian này, từ 1960 thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, ở miền Nam bắt đầu chuyển sang đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, phong trào đồng khởi nổi dậy nhiều nơi, vì vậy Phòng Tác chiến của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu bắt đầu chuyển sang thời chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 07:35:50 am »


        2. Chấn chỉnh tổ chức cơ quan Tổng hành dinh tăng cường chỉ đạo, chỉ huy trong tình hình chiến tranh mở rộng trên cả ba nước Đông Dương

        Vào những năm 1963 - 1964 ở miền Nam Việt Nam, chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và tay sai đã phát triển đến đỉnh cao. Ở miền Bắc Việt Nam, địch đã tăng cường phá hoại bằng các biện pháp: xâm phạm không phận, thả biệt kích. Ở Lào, chính phủ liên hiệp bị phá vỡ, chiến tranh đã nổ ra trên toàn lãnh thổ. Ở Campuchia bọn phản động Lon Non đã tiến hành lật đổ chính phủ trung lập của Xihanúc.

        Cơ quan Tổng hành dinh đã chuyển sang chỉ đạo chỉ huy các lực lượng vũ trang trong tình hình chiến sự đang lan rộng. Ở Cục Tác chiến, Phòng Tác chiến đã được tăng cường cán bộ, phát triển thành một Phòng B (theo dõi chiến trường miền Nam), tổ C trong Phòng Tác chiến tách ra thành Phòng C (theo dõi tình hình Lào). Tôi vẫn là Trưởng phòng tác chiến A (theo dõi các lực lượng vũ trang ở miền Bắc Việt Nam, làm kế hoạch chiến lược lâu dài và phòng thủ bảo vệ miền Bắc).

        Quan hệ với các đồng chí Trung Quốc và Liên Xô làm kế hoạch chiến lược do đồng chí Đỗ Đức Kiên, đồng chí Bùi Công Ái, đồng chí Nguyễn Quang Minh và tôi. Khi đồng chí Ái chuyển sang làm Phó phòng B, đồng chí Minh làm trưởng phòng chi viện chiến trường, thì tôi phụ trách làm kế hoạch chiến lược có sự giúp đỡ của đồng chí Hoàng Dũng (cán bộ tác chiến Phòng A).

        Kế hoạch chiến lược, do tình hình phát triển, được bổ sung qua các thời kỳ:

        Lúc đầu làm kế hoạch phòng thủ bảo vệ miền Bắc, với phương châm là “phòng ngự tích cực”, đối tượng tác chiến chủ yếu là quân Mỹ và tay sai, hướng tấn công chủ yếu là đổ bộ từ bờ biển Bắc Bộ, phối hợp từ Nam vĩ tuyến đánh ra.

        Giữa hai nước bạn (Trung Quốc và Liên Xô) có ý kiến khác nhau, nhưng ta xác định theo quan điểm và đặc điểm tình hình đất nước ta.

        Khi tình hình chiến sự ở miền Nam phát triển, ta đưa một bộ phận chủ lực vượt qua giới tuyến quân sự tạm thời để “chia lửa” với quân dân miền Nam. Đề phòng địch phản công ra nam Quân khu 4, kế hoạch chiến lược của ta có bổ sung, tập trung vào việc chuẩn bị đánh bại địch nếu chúng tiến công ra nam Quân khu 4. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Tham mưu phó Vương Thừa Vũ, thời gian này kiêm Tư lệnh Quân khu 4, tôi và một số cán bộ Cục Tác chiến và các cục khác trong Bộ Tổng Tham mưu đi nghiên cứu, triển khai kế hoạch và bố trí lực lượng ở Quân khu 4.

        Đồng chí Vương Thừa Vũ là một người chỉ huy có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sâu sát thực tế và nghiên cứu sâu về các loại hình chiến thuật. Đồng chí đề xuất kế hoạch tác chiến bảo vệ khu vực, phát huy lực lượng tại chỗ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, huy động mọi lực lượng (chủ yếu là bộ đội địa phương và nhân dân du kích), để bảo vệ địa phương mình.

        Đồng chí Vương Thừa Vũ dẫn đầu đoàn cán bộ đi nghiên cứu địa hình và tiến hành luyện tập tại chỗ từ phía bắc (Cửa Lò, Cửa Hội, Cao Sơn, Thần Vũ, Hồng Lĩnh) đến phía nam Quân khu (rú Bung, Đồng Hới, Vĩnh Linh). Trọng điểm phía nam Quân khu 4 được củng cố, bố phòng chu đáo, làm bàn đạp và hậu phương vững chắc cho các đơn vị ta chiến đấu ở phía Nam giới tuyến...

        Viết tới đây tôi lại tưởng nhớ đến đồng chí Trung tướng Vương Thừa Vũ. Đồng chí là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 308. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với những chiến công lừng lẫy, mà cả tướng tá Pháp cũng phải kính nể, đặt cho cái tên là “Vị tướng sắt thép”. Nhưng đồng chí lại là người rất hiền từ, thương yêu cán bộ cấp dưới.

        Hòa bình lập lại (sau năm 1955) đồng chí làm Tổng Tham mưu phó phụ trách chính về huấn luyện, nhưng có thời gian phụ trách cả tác chiến và nội bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu.

        Phụ trách công tác nội bộ Bộ Tổng Tham mưu trong những năm 1959 - 1960, vật chất thiếu thốn, lương thực khó khăn, nhưng đồng chí đã lo đến từng bữa ăn của cán bộ chiến sĩ cơ quan. Đồng chí đã đến tận nhà bếp động viên “anh chị em nuôi quân”, xem cân gạo có đủ tiêu chuẩn không? Chia có đều không? Dặn dò cẩn thận nấu cơm không bị cháy, để cơm ăn còn ít. Khi nhà ở tập thể bị “tắc nước” hoặc “mất điện”, đồng chí đã đến tại chỗ, cùng anh em doanh trại đôn đốc sửa chữa kịp thời.

        Phụ trách công tác nghiên cứu huấn luyện, mỗi khi phái viên tác chiến đi chiến trường về, đồng chí đều gọi lên nghe tình hình cụ thể từng trận đánh và suy nghĩ sáng tạo ra cách đánh của ta. Là một người đã từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu có nhiều kinh nghiệm thực tế, đồng chí đã nghiên cứu cách đánh cho phù hợp khả năng trang bị của bộ đội và yêu cầu của chiến trường. Chiến thuật “vận động tiến công kết hợp chốt”, “Vây lấn, tấn phá triệt diệt...”, “Tác chiến bảo vệ khu vực”. Về kỹ thuật phá rào FR để công đồn (phóng từng đoạn dây có ống bộc phá để đồng loạt phá rào dây thép gai nhiều lớp) là công lao nghiên cứu tìm tòi của đồng chí. Đồng chí Vương Thừa Vũ thường nói với cán bộ “Mình chịu khó nghiên cứu, nghiên cứu phải tỉ mỉ, tìm cách đánh phù hợp, để anh em cán bộ chiến sĩ ở chiến trường đỡ hao tổn xương máu...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 08:21:50 am »

        Thời gian vào làm Tư lệnh Quân khu 4, đồng chí đã đi sâu, đi sát nghiên cứu địa hình, leo núi cao trong trời mưa rét để chuẩn bị kế hoạch phòng thủ.

        Anh em còn nhớ hình ảnh đồng chí Vương Thừa Vũ bị đau dạ dày đã cắt bỏ còn một phần ba, ăn một lần không được nhiều, giữa bữa phải có gì lót dạ, khi chiếc bánh qui, khi củ khoai luộc cho đỡ đau dạ dày, nhưng đồng chí vẫn tươi cười và không bao giờ chịu dừng lại giữa dốc, khi cùng cán bộ leo núi nghiên cứu trận địa...”.

        Sau khi quân Mỹ tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam, ta vẫn chủ trương chiến lược tiến công, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của quân Mỹ (vào mùa khô 1965-1966 và 1966 - 1967). Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội, có lần gọi tôi đến nhà ở của đồng chí ở đường Lý Nam Đế, để nghe tôi báo cáo kế hoạch chiến lược phòng thủ cơ bản, xem có gì thay đổi trong thời gian đồng chí đi công tác ở chiến trường miền Nam. Đồng chí nói với tôi: “Trước đây ta chưa có kinh nghiệm về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” (mới có kinh nghiệm về chiến tranh giải phóng) nên nghe các ông bạn đề xuất “chiến lược phòng ngự tích cực”. Nay qua thực tiễn chiến trường ở miền Nam, quân Mỹ vào đến 30 vạn, cộng thêm lực lượng quân ngụy thì so sánh về quân sự nó mạnh hơn ta nhiều, nhưng ta vẫn kiên trì “chiến lược tiến công”, nên bước đầu đánh bại các cuộc phản công ồ ạt của Mỹ - ngụy. Các cậu làm kế hoạch tác chiến phải bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm, không nên học tập dập khuôn, cứng nhắc theo cách nhìn cũ. Cần nghiên cứu lại kế hoạch chiến lược cũ và báo cáo lại với các Thủ trưởng Bộ và Quân ủy Trung ương...”. Đó là một lời chỉ giáo rất sâu sắc của một đồng chí lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược một cách toàn diện, lại là người luôn luôn sát thực tế, nhạy bén nắm bắt tình hình, quyết đoán kịp thời.

        Đối với tôi, một cán bộ được trưởng thành trong chiến đấu ở cấp tiểu đoàn, khi về cơ quan thì làm phái viên chạy đi chạy lại xuống đơn vị nhiều. Nay ở cơ quan tham mưu chiến lược, đây là một bài học lớn, được mở rộng tầm nhìn chiến lược, soi sáng cho công tác nghiên cứu chiến lược của mình.

        Tôi về báo cáo ý kiến của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và Thượng tướng Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng). Hai đồng chí vừa qua vì bận chỉ đạo công tác trước mắt chưa có thời gian chỉ đạo rà lại kế hoạch chiến lược cơ bản lâu dài nên sau khi nghe ý kiến đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đều đồng ý và chỉ thị cho cơ quan tác chiến nghiên cứu lại chiến lược cơ bản để báo cáo thông qua Quân ủy Trung ương.

        Sau này xác định lại: phương châm chiến lược quân sự trên các chiến trường (đang có chiến tranh) là “chiến lược tiến công”. Ở miền Nam là “tiếp tục chiến lược tiến công”. Ở miền Bắc, địch chưa tiến công bằng lục quân, nghĩa là chưa có địch trên đất miền Bắc, thì ta tiến công ai? Với tư tưởng chiến lược tiến công, nhưng khi địch tiến công ra miền Bắc ta vận dụng “chiến lược phản công”, tiến hành phản công và tiến công ngay từ đầu, cả về chiến dịch, chiến thuật và các trận chiến đấu), khi kẻ địch mới bước chân lên lãnh thổ miền Bắc. Tất nhiên tích cực phản công và tiến công phải kết hợp chặt chẽ với phòng ngự một cách vững chắc...

        Đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp ý kiến sâu sắc cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu điều chỉnh chiến lược phù hợp với tình hình mới.

        Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một vị tướng “Quân sự - chính trị kiêm toàn”, là một đồng chí lãnh đạo có đạo đức cách mạng trong sáng, học và làm theo gương Bác Hồ “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.

        Con người của đồng chí toát lên “Tư tưởng tiến công cách mạng”, kiên quyết tiến công chống kẻ thù và kiên quyết tiến công, đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân.

        Khi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã ra sức lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, để xây dựng bản chất quân đội nhân dân “Một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Nhờ vậy đã nâng cao tinh thần chiến đấu và bản lĩnh chiến đấu của quân đội ta, góp phần cùng toàn dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp.

        Khi hòa bình được lập lại, sau hiệp định Giơnevơ 1954, quân đội ta về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và các thành thị của các vùng địch tạm chiếm, đồng chí đã kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hòa bình hưởng lạc, công thần, chống ảnh hưởng của tư tưởng tư sản, giữ vững kỷ luật, giữ bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, chấp hành nghiêm các chính sách vùng mới giải phóng trong khi vào thủ đô và các thành thị, nên được nhân dân càng mến phục, càng tin tưởng Đảng và chính phủ, tin tưởng chế độ mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 11:54:45 am »

        Tôi còn nhớ những buổi đồng chí nói chuyện với cán bộ quân đội ở Câu lạc bộ quân nhân hay ở hội trường Tổng cục Hậu cần, đồng chí đã phê phán thẳng thắn, nghiêm khắc trong mấy tiếng đồng hồ liền, một số cán bộ bị ảnh hưởng tư tưởng sinh hoạt tư sản, cả vợ con một số cán bộ cao cấp học đòi tác phong sinh hoạt, cách ăn mặc của giai cấp tư sản.

        Đồng chí là một đồng chí lãnh đạo “miệng nói tay làm” xắn quần quá đầu gối lội xuống ruộng bùn cùng nông dân, xuống ăn nằm với chiến sĩ, để cổ vũ động viên nông dân tăng năng suất trồng lúa và chiến sĩ tăng cường rèn luyện quân sự và học tập chính trị trong phong trào thi đua “Gió Đại phong, cờ Ba nhất”.

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí là một cán bộ quân sự cao cấp nhất vào miền Nam để cùng các đồng chí trong Trung ương Cục, Quân ủy Miền lãnh đạo chỉ huy quân dân miền Nam chiến đấu trong giai đoạn khó khăn nhất, lúc Mỹ mới đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ, với khẩu hiệu chỉ đạo của đồng chí: “Tiếp tục tiến công, bám địch mà đánh, cứ đánh Mỹ đi thì sẽ tìm ra cách đánh Mỹ, quyết chiến và quyết thắng quân Mỹ xâm lược...”. Đồng chí đã đi sát xuống các đơn vị chiến đấu để giáo dục động viên bộ đội và bàn cách đánh Mỹ. Không ngồi ở trên cơ quan chỉ đạo mà bàn cách đánh.

        Quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của đồng chí đề ra, dưới sự lãnh đạo trực tiếp cua Trung ương Cục, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền, chỉ đạo và chỉ huy quân giải phóng và nhân dân miền Nam đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của quân Mỹ - ngụy, khi quân Mỹ đã đưa vào miền Nam gần nửa triệu quân.

        Tiếc thay! đồng chí đã từ trần sớm (mới tuổi 53) vì bệnh nhồi máu cơ tim khi chuẩn bị trở lại vào miền Nam để cùng quân dân miền Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử Tết Mậu Thân (1968) đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ đến đỉnh cao...”.

        Về theo dõi công tác tác chiến ở miền Bắc Việt Nam: là Trưởng phòng tác chiến A, tôi vừa phụ trách nghiên cứu kế hoạch chiến lược, vừa giúp thủ trưởng cục, thủ trưởng Bộ theo dõi nắm tình hình củng cố phòng thủ và bảo vệ miền Bắc.

        Đây là một công tác thường xuyên, hàng ngày, với yêu cầu cao trong thời kỳ này là phải luôn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho cơ quan và toàn quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 11:58:02 am »

        Một việc đáng ghi nhớ trong thời gian này là sự kiện ngày 2 tháng 8 năm 1964

        Khoảng 19 giờ ngày 2 tháng 8 năm 1964, đồng chí Trần Văn Nghiêm (mới được đề bạt Cục phó) và tôi ngồi ở Sở chỉ huy, nghe trực ban tác chiến báo cáo là có một khu trục hạm của Mỹ đang đi vào hải phận của ta, vòng lên hướng đảo Cát Bà. Trực chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hải quân, Tham mưu phó Đoàn Bá Khánh xin chỉ thị Bộ cách xử trí. Đồng chí Trần Văn Nghiêm báo cáo với thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, thường trực chỉ huy là Thiếu tướng Trần Quý Hai để xin chỉ thị. Đồng chí Tổng Tham mưu phó trả lời: “Ủa! cách xử trí như thế nào à? Tàu địch vào hải phận của ta thì phải đánh chứ còn chờ gì nữa?”, lập tức chúng tôi chuyển lệnh cho đồng chí Khánh trực chỉ huy Hải quân là Bộ đồng ý đánh. Hải quân ta cho hai tàu phóng lôi do đồng chí Khoái chỉ huy ra đuổi, tàu khu trục địch quay đầu chạy về phía nam. Vào hải phận tỉnh Thanh Hóa, ở đông đảo Hòn Mê, tàu phóng lôi ta phóng hai quả ngư lôi vào tàu địch nhưng bị trượt.

        Khu trục hạm Mỹ bắn tàu phóng lôi ta bị thương nặng một chiếc. Được tin này, chúng tôi báo cáo với đồng chí Tổng Tham mưu phó và đồng chí chỉ thị cho tôi xuống ngay Hải Phòng xem tình hình để rút kinh nghiệm... Sau khi gặp đồng chí Đoàn Bá Khánh nắm toàn bộ diễn biến và kết quả, tôi về báo cáo thủ trưởng Bộ, rồi 5 giờ sáng hôm sau tôi đi ôtô vào Sầm Sơn trực tiếp nghe các đồng chí hải quân báo cáo tình hình quan sát cuộc hải chiến ở trong hải phận ta vùng biển đông Hòn Mê. Tôi vừa về Bộ thì được gọi sang báo cáo tình hình với đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng vừa đi công tác về. Sáng ngày hôm sau (4/8/1964) tôi đi với đồng chí Tổng Tham mưu trưởng bằng máy bay trực thăng, hạ cánh xuống sân bay Kiến An đón đồng chí Tạ Xuân Thu, Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân (đang điều trị ở bệnh viện trở về sở chỉ huy quân chủng), cùng bay ra căn cứ Hải quân ở Mũi Chùa (đông Tiên Yên) để nghe đồng chí Khoái và các thủy thủ báo cáo trận đánh tàu Mađốc của Mỹ. Đồng chí Văn Tiến Dũng không nói gì đến chủ trương của Bộ Tổng Tham mưu và của Hải quân về sử dụng tàu phóng lôi ta đánh khu trục hạm Mỹ.

        Đồng chí khen ngợi tinh thần dũng cảm của anh em và nói cần rút kinh nghiệm để lần sau chiến đấu tốt hơn vì tàu phóng lôi ta đuổi theo tàu địch mà bắn từ sau đuôi mục tiêu nhỏ hẹp nên ngư lôi phóng trượt bên mạn tàu. Nếu phóng lôi ta tăng tốc độ vượt nhanh lên quay đầu phóng vào chiếu ngang của tàu, mục tiêu to, dài thì ngư lôi sẽ trúng tàu, không làm cho nó chìm được thì tàu cũng bị thủng lỗ lớn, gây tổn thất cho chúng.

        Chiều hôm đó, máy bay trực thăng lại cất cánh từ Mũi Chùa bay về hạ cánh sân bay Kiến An cho đồng chí Tạ Xuân Thu về lại Sở chỉ huy Hải quân và bay thẳng về sân bay Gia Lâm - Hà Nội. Ngồi trên máy bay, đồng chí Văn Tiến Dũng nói với tôi: “Về phần anh em thủy thủ tàu phóng lôi ra quân trận đầu rất dũng cảm, dám đuổi một khu trục hạm to lớn của Mỹ là đáng biểu dương khen thưởng, anh em sử dụng tàu chiến đấu chỉ bám đuôi mà không phóng ngư lôi vào bề ngang của mạn tàu địch là vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng đứng về phía chỉ đạo của Bộ, chủ trương dùng tàu phóng lôi ta đánh tàu địch trong tình hình ta còn hạn chế, không để chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, là sai lầm. Về cơ quan tác chiến của Bộ và của hải quân làm tham mưu cho Bộ không đúng, về tổ chức tác chiến của hải quân ta thì quá đơn giản...”. Tôi về nói lại với đồng chí Nghiêm và cả hai chúng tôi đều thấy rõ khuyết điểm và trách nhiệm của mình.

        Sáng hôm sau (5/8/1964), để chuẩn bị cho chiều họp Quân ủy kiểm điểm về sự kiện này (theo chỉ thị của Bộ Chính trị), đồng chí Trần Văn Nghiêm lấy sổ nhật ký chiến đấu, tôi ghi rõ từng giờ, phút, chúng tôi báo cáo tình hình, chỉ thị của thủ trưởng Bộ, ... đồng chí Nghiêm khen tôi “cậu ghi chép đầy đủ, rõ ràng, ta có khuyết điểm một phần nhưng không phải là tự ra lệnh và chuyển lệnh sai của thủ trưởng”. Tôi ngồi cùng trực ban tác chiến ở Sở chỉ huy theo dõi tình hình, thì khoảng 11 giờ trưa đồng chí Văn Tiến Dũng gọi điện thoại sang hỏi “Các cậu có nghe đài địch không? Nó nói là đêm qua (4/8/1964) tàu ta lại đánh khiêu khích tàu chiến Mỹ ngoài Hải phận quốc tế và Giôn xơn tuyên bố đánh trả đũa đấy! Lệnh ngay cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu”. Tôi ngơ ngác, bất ngờ quá! có tàu mình đánh tàu địch nữa đâu? Tôi vội vàng chuyển lệnh ngay, ưu tiên cho Quân chủng Phòng không, Hải quân, rồi đến các quân khu, các tỉnh ven biển phải vào báo động cấp 1 “sẵn sàng chiến đấu”. Sau đó tôi hỏi trực ban “Cục 2” (Quân báo), có nhận tin tức gì không? Khi đó trực ban cục 2 mới báo cáo là vừa bắt được đài BBC nói Giôn xơn vừa ra lệnh trả đũa vì tàu ta lại đánh tàu địch, nhưng Phòng 2 Hải quân nói không có tàu ta xuất kích.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM