Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:42:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25802 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:37:46 pm »

        Là một trận đánh đồn địch ở núi đá, kết hợp bao vây vòng ngoài, vòng trong, vây địch cả ngày lẫn đêm. Vây lấn dần từng mỏm đá, kết hợp tấn công quân sự và địch vận, là một trận đánh hay của tiểu đoàn, nên sau đó có nhiều cán bộ của các nhà trường và đơn vị bạn đến rút kinh nghiệm.

        Chiến dịch Quang Trung kết thúc, tiểu đoàn lui quân về nam Thanh Hóa, Trung đoàn 9 về đóng quân ở huyện Yên Thành (bắc Nghệ An) để tổng kết và tiếp tục củng cố huấn luyện.

        Thời gian này có cố vấn quân giải phóng nhân dân Trung Quốc sang giúp đỡ, trên Bộ Quôc phòng có tổ chức nhiều lớp chỉnh huấn chính trị. Trung đoàn 9 cử đồng chí Mai Trọng Thường (Chủ nhiệm chính trị trung đoàn) và tôi (tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 400) đi học lớp chỉnh huấn chính trị khóa đầu này. Tiểu đoàn 400 do đồng chí Dũng Quý thay tôi lên làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Thanh Từ lên làm Trung đoàn trưởng. Ra đi, đồng chí trung đoàn trưởng dặn “Các anh đi học lớp chỉnh huấn này để về làm cốt cán mở các lớp học trong trung đoàn”.

        Nhưng sau lớp học, chỉ có đồng chí Mai Trọng Thường được trở về đơn vị, còn tôi cùng đồng chí Trần Văn Nghiêm (Trung đoàn phó Trung đoàn 52 - Liên khu 3) vác ba lô về Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu.

        Với cương vị tiểu đoàn trưởng, trong 4 năm tiếp theo được tham gia chiến đấu ở bắc Liên khu 4 và Liên khu 3, trong các chiến dịch do Bộ chỉ đạo (chiến dịch Lê Lợi ở Hòa Bình, chiến dịch Trần Hưng Đạo và chiến dịch Quang Trung ở Hà Nam Ninh). Được rèn luyện và học tập nhiều kinh nghiệm chỉ huy trong chiến đấu thực tế. Cuộc đời hoạt động ở đơn vị với anh em cán bộ cấp dưới và chiến sĩ trong không khí đầm ấm như một gia đình, dù sao cũng là “một đầu gà” sinh hoạt đang sôi nổi hoạt bát với bộ đội, cơ động ở đồng bằng, nay đây mai đó, đi chiến đấu về gặp lại các bà mẹ chiến sĩ, các em nhỏ, sống ấm cúng trong nhà dân,... thì sau khi dự lớp chỉnh huấn chính trị phải về công tác làm “một đuôi voi” ở cơ quan Bộ, trong căn cứ địa xung quanh là rừng núi âm u. Thời ấy anh em thường “tán” với nhau “thích làm đầu gà, hơn đuôi voi

        Từ đơn vị chiến đấu lên cơ quan của Bộ Thống soái tối cao, cuộc đời binh nghiệp của tôi bước sang một bước mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:39:59 pm »


        2. Những năm tháng đầu tiên ở Tổng hành dinh

        Bế giảng lớp chỉnh huấn chính trị ở vùng Chợ Chu (Việt Bắc, cuối năm 1951), Bác Hồ đến thăm lớp học. Lần thứ hai gặp Bác, với cử chỉ tác phong mà tôi không bao giờ quên.

        Ban phụ trách lớp học và tất cả học viên đón Bác trong một hội trường bằng tre lợp lá. Bác vào, lên bục mà chưa nói chuyện gì. Bác bảo: “Các chú không cảnh giác! Sao lại tập trung đông người trong một hội trường này, nếu máy bay địch đến bắn phá thì chạy ẩn nấp ở đâu?”, thế rồi Bác bảo tất cả đi ra rừng. Ban phụ trách lại tập hợp học viên ngồi ở một gốc đồi cọ, mời Bác đứng trên đỉnh đồi nói chuyện. Bác nhìn một lượt bên trái, bên phải rồi lại nói: “Tại sao lại để các học viên ngồi ở chân đồi, ngầng mặt lên nghe Bác nói chuyện, mỏi cả cổ, còn Bác lại đứng trên chỗ này?”, Bác hô: “Tất cả đằng sau quay”, rồi Người đi vòng xuống chân đồi và nói: “Bây giờ Bác bắt đầu nói chuyện, nếu có máy bay địch tới, thì nửa bên trái này (tay chỉ ngọn suối bên trái dưới lùm tre) các chú tản xuống khe suối bên trái ẩn nấp, nửa bên phải này các chú rẽ xuống bên phải”, rồi Bác mới bắt đầu nói chuyện. Ý thức cảnh giác của Bác rất cao và tác phong nhanh nhẹn linh hoạt, lợi dụng giỏi địa hình, địa vật, giữ bí mật nghi binh, bảo đảm an toàn cho Bác và những người cộng sự xung quanh, tránh khỏi nhiều lần theo dõi lùng sục hòng ám hại Bác của những tên phản động, Việt gian trong cuộc đời cách mạng của Bác, cả khi ở nước ngoài và trong nước.

        Lớp chỉnh huấn giải tán, cán bộ mỗi người mỗi ngả trở về đơn vị, tôi vác ba lô về nhận công tác ở Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu. Thời kỳ này theo ý kiến của đoàn cố vấn Trung Quốc, cần củng cố cơ quan Bộ Tổng Tham mưu. Cục Tác chiến được tăng cường đồng chí Trần Văn Quang - nguyên Chính ủy Liên khu 4, Cục trưởng Cục Địch vận về làm Cục trưởng Cục Tác chiến; đồng chí Hà Văn Lâu nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 Thừa Thiên Huế về làm Cục phó và đồng chí Đỗ Đức Kiên làm Cục phó. Nhiều cán bộ ở các đơn vị chiến đấu cũng được điều dọng về Cục, trong đó có đồng chí Trần Văn Nghiêm nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 52 cùng học lớp chỉnh huấn chính trị với tôi. Nuôi tiếc “đời lính chiến đấu” phải trở về làm việc ở cơ quan, chúng tôi tự than vãn cho mình bây giờ trở thành “anh lính cậu”. Nhưng cùng may cho tôi, về Cục Tác chiến tôi được phân công vào tổ phái viên, chuyên đi xuống các đơn vị chiến đấu, thời gian ở cơ quan ít, làm cán bộ cơ động chạy nhiều nên khi đó anh em gọi là tổ GM (Groupement mobile) “Binh đoàn cơ động”.

        Bác Hồ bất ngờ thăm Sở Chỉ Huy Tác chiến

        Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại căn cứ địa Việt Bắc, nhà làm việc của trực ban Tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu ở trên một quá đồi. Đó là một ngôi nhà nhỏ lợp tranh, xung quanh được vây bởi các tấm đan bằng nứa, hai phần ba nhà dùng làm phòng nghỉ ngăn một tấm phên bằng tre, một phần ba nhà làm phòng trực ban. Giường ngủ chung của cán bộ lại là một tấm dài, cũng làm bằng nứa còn bàn làm việc của cán bộ trực ban và tham mưu điện thì làm bằng tre. Trên bàn đặt hai máy điện thoại kiểu Trung Quốc có hộp da bao có quai đeo khi di chuyển (một máy để liên lạc báo cáo với cấp trên, một máy liên lạc với các Tổng cục và các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu). Liên lạc với các đơn vị bằng mật điện cơ yếu (không có đường dây điện thoại).

        Trong biên chế Cục Tác chiến thời kỳ này, trong Sở chỉ huy có một đồng chí phụ trách nhận gửi các mật điện qua cơ yếu (gọi là Tham mưu điện). Khi có điện đi hoặc điện đến thì đồng chí đó ghi nội dung vào sổ mật điện. Thông thường gửi điện qua Ban Cơ yếu thì có một đồng chí liên lạc chuyển. Khi có “mật điện khẩn” của Đại tướng Tổng Tư lệnh hay Tổng Tham mưu trướng gửi các đơn vị, thì bản thân đồng chí Tham mưu điện đó, đưa điện sang Cục Cơ yếu dịch xong chuyển sang đài phát của Cục Thông tin; khi đơn vị báo đã nhận đủ điện thì đồng chí Tham mưu điện mới về lại Sở chí huy. Lúc đó chúng tôi gọi là “ốp đài” (nghĩa là phải ngồi tại chỗ đôn đốc, kiểm tra đánh điện cho nhanh).

        Khoảng 5 giờ chiều một ngày mùa đông, mưa phùn, giá lạnh, tôi làm trực ban tác chiến của Cục Tác chiến; đồng chí Bùi Quang Liên làm tham mưu điện. Đang rảnh việc, chúng tôi ngồi bên bếp sưởi lửa và nướng sắn cùng hai cháu gái con đồng chí Cục phó Đỗ Đức Kiên là Minh Thi khoảng 4 tuổi và Minh cầm 3 tuổi. Nhìn ra chân đồi, tôi thấy một tốp ba người đang đi lên chỗ chúng tôi. Đi đầu là một người đội nón, khoác áo tơi (một kiểu áo mưa của nông dân Nghệ Tĩnh). Ngay tiếp sau là một ông lão tay chống gậy, mặc bộ quần áo lính, đầu trùm tấm vải thô nhuộm chàm, khoác một áo dạ capôt dài mà nhìn từ xa, cán bộ tác chiến chúng tôi biết đó là áo chiến lợi phẩm của chiến dịch Biên giới 1950. Trời lạnh nhưng ông cụ đi dép lốp cao su (có lẽ vì phải lội suôi), đi sau cùng là một đồng chí đeo túi vải. Khi tới gần, chúng tôi nhận ra người đi đầu dẫn đường là đồng chí Trần Sâm - Tư lệnh Liên khu 4 vừa ra Bộ nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân lực. Thật đột ngột và quá bất ngờ khi đi đến gần thì thấy cụ già đó lại là Bác Hồ. Hai chúng tôi vội đứng dậy lúng búng mãi với câu chào “Thưa Bác”. Hai cháu bé ngơ ngác nhìn không biết ai và vẫn ngồi nướng sắn. Bác vào nhà, nhẹ nhàng ngồi xuống bên bếp lửa. Bác ôm hai cháu bé vào lòng, ấp trong áo khoác của mình. Bác hỏi một số vấn đề về tình hình chung, về tình hình làm việc của chúng tôi, rồi Bác ôn tồn nói: “Các chú làm việc vất vả, cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng phải chú ý chăm sóc các cháu nhé”. Bác vuốt những ngón tay bé bỏng của Minh cầm, thơm trên mái tóc của Minh Thi và chào chúng tôi, rồi ra đi. Đồng chí Trần Sâm cho biết Bác vừa họp duyệt kế hoạch Đông Xuân 1952 - 1953 ở hội trường Tống Quân ủy. Biết bộ phận tác chiến ở trên này, Bác chỉ ghé thăm một chút. Bác cùng đồng chí bảo vệ xuống chân đồi, lội suối trong đêm tôi để về chỗ ở của Bác.

        Lúc đó hai cháu Minh Thi, Minh cầm mới đứng dậy nhìn theo, luyến tiếc vì phải rời đôi vòng tay ấm áp của Bác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:42:10 pm »

        Về cơ quan độ một tháng, tôi được lệnh cùng bộ phận đi đầu của Sở chỉ huy chiến dịch Hòa Bình (đánh địch mở cuộc tiến công ra chiếm thị xã Hòa Bình, đường số 6), do đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và đồng chí Hoàng Văn Thái (Tống Tham mưu trưởng) phụ trách. Sau đó, tôi ở trong bộ phận tác chiến tiền phương của Sở chỉ huy chiến dịch Hòa Bình, do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng.

        Trong lúc tướng Đơlátđơ Tátxinhi điều hết các binh đoàn cơ động (GM) ở đồng bằng Bắc Bộ ra mở cuộc hành quân chiếm đóng thị xã Hòa Bình và đường số 6, thì ở đồng bằng Liên khu 3 chỉ có các đồn bốt dày đặc của lực lượng bảo an ngụy quân. Lợi dụng sơ hở này, Bộ Tổng Tư lệnh điều Đại đoàn 320 (đồng chí Văn Tiến Dũng làm Đại đoàn trưởng) vượt sông Đáy và sông Hồng vào địch hậu; 1 trung đoàn của Đại đoàn 316 (Trung đoàn 98) vượt sông Thương vào Bắc Giang để tấn công tiêu diệt các đồn bốt ở địch hậu Liên khu 3; mở rộng các căn cứ và các khu du kích sau lưng địch.

        Khi các binh đoàn cơ động của quân Pháp bị giam chân ở vùng rừng núi, sau trận đánh đồn Tu Vũ (của Trung đoàn 88 Đại đoàn 308) và trận Pheo (của Trung đoàn 102) tôi nhận lệnh đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mang một bức thư của Bộ Chỉ huy chiến dịch vào gặp đồng chí Văn Tiến Dũng (Đại đoàn trưởng 320) để đẩy mạnh hơn nữa tác chiến ở địch hậu. Chủ trương của Bộ chỉ huy là tiếp tục tiêu diệt các chi khu, quận lỵ, mở rộng vùng giải phóng sau lưng địch để phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính ở Hòa Bình. Làm cho địch càng bị động đối phó cả tuyến ngoài, tuyến trong (khi đó gọi là nội ngoại tuyến phối hợp), căng kéo diệt chủ lực địch và mở rộng căn cứ du kích.

        Trên đường vào địch hậu Liên khu 3, vượt qua sông Đà ban đêm, sáng hôm sau tôi ghé thăm đơn vị cũ (Tiếu đoàn 400), lúc này đang chiếm lĩnh trận địa, cắt đường, phục kích địch trên đường số 6, từ Pheo, thị xã Hòa Bình về Sơn Tây. Xem xét trận địa, ăn cơm nắm trưa với Tiểu đoàn trưởng Dũng Quí và Chính trị viên Nguyễn Thượng Hiền, tôi cuốc bộ đường 12 qua Vụ Bản rẽ về Kim Bảng - Hà Nam, vào Sở Chỉ huy Liên khu 3, do đồng chí Hà Kế Tấn làm Khu trưởng, đưa giấy giới thiệu để được cử người đưa vào địch hậu Liên khu 3.

        Được cơ quan giao Liên khu ủy cho nghỉ ở một làng nhỏ và chập tốì một cô nữ giao liên tuổi độ 19 - 20, mặc áo nâu quần đen xắn đến đầu gối, khăn mỏ quạ đi chân đất, vai đeo “tay nải” (có lẽ trong đựng đầy công văn) đến dẫn tôi đi vào địch hậu.

        Trên đường đi, vì giữ bí mật, cô ta chỉ hỏi tôi “có phải anh đi vào Đại Hoàng (Nam Định) gặp đơn vị 64 phải không? Đi bám theo em, không trời tốì dễ lạc đường đấy”. Tôi cũng lẽo đẽo theo sau, không hỏi gì hơn, mà hỏi chắc cô ta cũng giữ bí mật, không nói. Qua một con sông nhỏ (tôi không biết tên sông và bên đò gì) cô ta làm ám hiệu và một chiếc thuyền nan nhỏ, một cô lái đò mà trời tối không nhìn rõ mặt, dùng hai bàn chân chèo thuyền bập bềnh chỉ chở nổi hai người chúng tôi qua sông. Đến bờ sông bên kia, cô giao liên nhảy lên trước, thuyền chông chênh, cô kéo tay tôi lôi lên bờ.

        Vượt qua một cánh đồng rộng, khi đi trên bờ ruộng, khi đi ven làng, nhẹ nhàng đế chó không sủa, khi bằng qua ruộng nước đến mắt cá chân. Nhiều lúc cô giao liên phải dừng chờ tôi vì đôi dép cao su của tôi bị bám dưới bùn phải dừng lại lấy tay mò lên. Đến gần đường 21 (đoạn Phủ Lý về Nam Định), hai người phải nằm ép xuống ruộng một thời gian ngắn vì có xe ôtô địch chạy đi chạy lại trên đường. Thỉnh thoảng lại có ánh đèn pin chiếu sang hai bên đường (có lúc chiếu đến gần chỗ chúng tôi nằm), bọn lính đi tuần tra giữa đoạn hai đồn bốt địch đóng trên đường 21. Chờ đến khi thấy im lặng, cô giao liên bảo tôi nằm chờ, nhảy lên trước đi lại điều tra có động tĩnh gì không rồi quay lại gọi khẽ, kéo tay tôi đứng dậy nhanh chóng chạy băng qua đường cái. Chúng tôi lại tiếp tục đi qua đường bờ ruộng, có lúc phải chạy nhanh qua một đoạn đường làng, đến gần sáng thì cô giao liên đưa tôi tới một làng có rào tre, có cửa cũng bằng tre. Trong ngoài hàng rào, hai cô du kích và giao liên trao đổi ám hiệu nhận nhau, mở cửa cho chúng tôi vào. Cô giao liên đưa tôi vào một ngôi nhà nhỏ (không có người) giao tôi một gói xôi nếp, có miếng thịt muối, vừng đen, vài cọng rau cần muôi, bảo tôi chờ ở đây, nếu có địch tới thì vào buồng xuống cái hầm bí mật dưới một chõng tre, rồi cô đó biến mất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:44:04 pm »

        Ngày hôm sau, một mình tôi ở trong nhà, cái “xắc cốt” túi da (trong đó có quyển sổ tay và bức thư của Bộ Chỉ huy chiến dịch gửi đồng chí Văn Tiến Dũng) không rời khỏi vai. Khi nghe tiếng súng xa thì vẫn ngồi đấy, khi nghe tiếng súng gần nhà của bọn lính đi tuần thì lại tụt xuống hầm bí mật, vừa lọt một người ngồi, kéo nắp hầm lại. Khi yên tĩnh lại đẩy cửa hầm mò lên. Một ngày kéo dài, căng thẳng! mãi tới chập tối, cô giao liên quay lại mỉm cười nói: “Anh có mệt không, ta đi thôi!”. Tôi lại lẽo đẽo đi kịp theo chân cô giao liên trẻ tuổi thoăn thoắt bước, không hề ngoảnh cổ lại, không nói một lời, vào tối mùng hai tết, trong đêm chưa có ánh trăng trên đường đi im phăng phắc, trời tối đen. Thỉnh thoảng có vài loạt súng máy hay đạn cối nổ gần đường đi “do các đồn bốt ở gần bắn để trấn an”. Chó trong làng sủa lên từng hồi, rồi lại im lặng, chúng tôi vượt qua nhiều cánh đồng, ven theo nhiều làng, có mùi hương và không khí “Tết”, nhưng cả hai người chỉ được hưởng tết có lẽ là gói xôi nếp mà cô ta đưa tôi khi vào làng hôm trước. Lại đến một con sông nhỏ bí mật vượt qua như con sông đêm hôm trước, qua làng Yên Ninh, rồi đến làng Đại Hoàng (Nam Định) là đích cuối cùng của cuộc hành trình vào địch hậu. Đến đây, cô giao liên bàn giao tôi với một anh lính gác, bảo tôi: “Đây là bộ đội 64 đấy”, rồi cô ấy chào tôi và ra đi, tôi chỉ kịp một lời ngắn ngủi “cảm ơn cô!”.

        Lần đầu tiên, tôi đi lẻ một mình vào địch hậu với một cô giao liên trẻ, nhanh nhẹn, gan dạ, rất nhiệt tình và trách nhiệm cao với một “khách đưa đường”. Nhưng đối với con người thầm kín ấy, tôi thấy mến, thấy phục, nhưng không dám hỏi tên tuổi và sau này cũng không có dịp gặp lại nữa.

        Hình tượng ấy đã để lại mãi mãi trong ký ức tôi một hình ảnh rất đẹp, mà sau này trong một đoạn thơ, nhớ kỷ niệm “các buổi chiều” có câu:

                "... chiều chiều lại nhớ chiều chiều

                Trên đường địch hậu một chiều đón xuân...”


        Anh lính dẫn tôi vào một căn nhà trong làng Đại Hoàng, nói với tôi “nhà thủ trưởng đấy”. Tôi bước vào nhà trong ánh đèn dầu lờ mờ, thấy một người to nằm dài trên một tấm phản gỗ, đắp một chiếc chiếu ngắn, hai chân thò ra ngoài, đang ngáy khò khò. Nghe tiếng động, ông ngồi dậy ngơ ngác. Tôi đưa giấy giới thiệu. Ông ta xem rồi cười và nói “anh là cán bộ Bộ tổng à!...”, rồi gọi một cán bộ dẫn tôi sang một chỗ nghỉ ngơi, đến sáng mai sẽ bàn công việc. Ông ấy là Lê Ngọc Hiền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Đại đoàn 320 và sau này là Cục trưởng Cục Tác chiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng!

        Đồng chí cán bộ dẫn tôi sang nhà bên cạnh, cho tôi ăn đủ thứ (nào bánh chưng, giò lụa, các thứ kẹo, thuốc lá Cô-táp và còn hỏi có uống rượu không?), đồng chí đó bảo: “Đây là quà của nhân dân trong thành (thành phố Nam Định) gửi ra ủng hộ bộ đội ăn tết đấy. Cứ ăn đi rồi ngủ, mai làm việc với anh Hiền”.

        Đồng chí ấy là Lê Tiến Phục - Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 64, chị vợ khi đó là Trưởng ban Phụ nữ, sau này là Phó Chủ tịch thành phố Nam Định. Còn đồng chí Lê Tiến Phục sau này làm chuyên gia quân sự ở Lào, Thiếu tướng Cục trưởng Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, một con người rất nhiệt tình, chất phác, một người bạn rất chân tình, thân thiết với tôi, cả hai ông bà nay đã qua đời.

        Ở lại Trung đoàn 64 hai ngày, vừa nghỉ ngơi, vừa báo cáo với Trung đoàn trưởng chỉ thị của Bộ (theo tinh thần thư Bộ Chỉ huy chiến dịch gửi Đại đoàn trưởng 320), tôi lại tiếp tục sang Thái Bình tới Sở chỉ huy Đại đoàn 320. Lần này không có giao liên, trung đoàn cử một chiến sĩ liên lạc, có súng bảo vệ đưa đi. Phải đi vòng lên phía bắc, một nơi an toàn (không có đồn địch) để vượt sông lớn, rộng, đồng chí liên lạc và tôi gói ba lô đồ đạc, cả quần áo ngoài vào một túi ni lông to buộc chặt, mặc quần đùi, nắm túi ni lông làm phao mới bơi qua sông được.

        Được dẫn vào gặp Đại đoàn trưởng 320 Văn Tiến Dùng trong một ngôi nhà nhỏ ở làng Đông Hưng, bên một cái hầm nổi đắp bằng đất cao gần đến trần nhà vì đất nước trũng, tôi đưa thư của Bộ Chỉ huy chiến dịch cho đồng chí Văn Tiến Dũng rồi báo cáo tình hình diễn biến chiến dịch Hòa Bình, chủ trương tiếp theo của Bộ Chỉ huy chiến dịch.

        Sau khi nghe tôi báo cáo, ngồi một lát, đồng chí Văn Tiến Dũng hỏi tôi: “Trên đường đi vào địch hậu lần này, cậu thấy thế nào?” Tôi kể lại chuyện cô giao liên trẻ tuổi dẫn đường, đồng chí Văn Tiến Dũng nói: “Nhân dân vùng địch hậu này, cuộc sống gian nan nguy hiểm, chiến đấu dũng cảm và có nhiều cháu giao liên gan dạ như thế...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:46:49 pm »

        Ở lại Đại đoàn bộ hai ngày đêm, hôm sau tôi đến Trung đoàn 48 nơi vừa bị bom và đồng chí Trung đoàn trưởng đã hy sinh, chỉ gặp đồng chí Chính ủy Nguyễn Anh Bảo (sau này là Chính ủy Bộ Tư lệnh Thông tin, bị hy sinh do bom địch trên đường đi công tác vào Quân khu 4). Nắm tình hình chiến đấu của Trung đoàn 48 xong, tôi lại vượt sông Hồng sang Trung đoàn 64.

        Tôi đi theo dõi Trung đoàn 64 chiến đấu, tập kích vào thị trấn Phủ Lý, đánh đồn An Điền trên hữu ngạn đê sông Hồng và trận chổng càn “Amphibie”, khi các GM của địch đã rút ở Hòa Bình về. Lúc này địch tiến hành càn quét, để “líp” lại các căn cứ du kích ta vừa mở ra. Ở Thái Bình chúng tiến hành cuộc càn quét mang tên “Mercure”. Ớ Hà Nam địch tiến hành cuộc càn quét mang tên “Amphibie”. Sau cuộc càn quét, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tống Tham mưu trưởng điện gọi tôi về Bộ. Được hai chiến sĩ Trung đoàn 64 bảo vệ, tôi được trung đoàn tặng một khẩu súng tự động (Cácbin) chiến lợi phẩm, vượt sông Đáy trở về Cục Tác chiến (lúc này đóng ở một bản gần Chợ Chu).

        Từ một Tiểu đoàn trưởng chỉ huy chiến đâu, về công tác ở Bộ, lần đầu tiên, tôi được dự tổng kết học tập kinh nghiệm các chiến dịch lởn do Bộ chỉ đạo, chỉ huy, nên tôi mới bắt đầu hiểu biết một phần về chiến dịch:

        Để phát huy thắng lợi có ý nghĩa về chiến lược của chiến dịch giải phóng vùng biên giới Việt - Trung, Bộ đã chỉ đạo 3 chiến dịch liên tiếp trong năm 1951.

        - Chiến dịch Trần Hưng Đạo ở tuyến trung du Việt Trì - Vĩnh Yên - Bắc Giang (25/12/1950 đến 17/1/1951).

        - Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (từ 20/3 đến 7/4/1951) trên tuyến Phả Lại đến Uông Bí - Mạo Khê.

        - Chiến dịch Quang Trung tại các tỉnh đồng bằng (Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình) từ 28/5 đến 20/6/1951.

        Tuy có tác dụng một phần đẩy địch vào thế bị động đốì phó, nhưng cả 3 chiến dịch đều không đạt được mục đích chiến lược đề ra là làm thay đổi cục diện ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, do việc đánh giá so sánh lực lượng địch - ta không đúng; lại mở chiến dịch trên chiến trường trung du và đồng bằng, ta không kềm chế được hỏa lực phi pháo mạnh của địch.

        Đến chiến dịch phản công đánh địch tiến công ra thị xã Hòa Bình, lần này ta mới giành được thắng lợi to lớn, làm chuyến biến cục diện chiến trường:

        Tướng Đơlát tập trung các binh đoàn cơ động (GM) với 20 tiểu đoàn bộ binh, đủ cơ giới, có pháo binh, máy bay chi viện, mở chiến dịch ra đường 6 thị xã Hòa Bình để hòng thay đổi tình thế.

        Như lời Bác Hồ chỉ rõ: “...địch tự ra cho ta đánh, đây là cơ hội tốt cho ta...”, nên Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu chủ trương tập trung 3 đại đoàn (308, 312, 304) để bẻ gãy cuộc tiến công của địch; tiêu diệt hơn 7.000 quân tinh nhuệ của chủ lực địch. Đồng thời Bộ sử dụng Đại đoàn 320 ở nam bắc sông Hồng và Đại đoàn 316 ở nam bắc sông cầu (Bắc Giang) phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích, kết hợp tác chiến với nổi dậy, phá tề trừ gian, phát triển chiến tranh du kích ở địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, mở rộng các căn cứ du kích và các khu du kích, tiêu diệt hơn 15.000 tên địch, diệt và bức rút hơn 1.000 đồn bốt tháp canh.

        Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của binh đoàn chủ lực với tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương.

        Kết hợp chặt chẽ giữa “nội ngoại tuyến”, trên một chiến trường rộng cả chủ lực ở vùng rừng núi và phối hợp với lực lượng địa phương đồng bằng Bắc Bộ.

        Sau cuộc chỉnh quân (học tập chính sách cải cách ruộng đất), giữa năm 1952 tôi lại cùng đoàn tiền trạm của Bộ Tổng Tham mưu hành quân lên Yên Bái, chuẩn bị mở chiến dịch giải phóng Tây Bắc.

        Trong lúc đang chuẩn bị đường sá, bắt đầu vượt sông Thao (qua bến Au Lâu), thì địch phát hiện chủ lực quân ta đang hành quân lên hướng Tây Bắc. Chúng lập tức mở cuộc hành quân lên Trạm Thản - Phú Thọ, Đoan Hùng, đánh vào căn cứ hậu phương Việt Bắc, hòng kéo chủ lực ta về, phá vỡ kế hoạch giải phóng Tây Bắc của ta. Bộ Chỉ huy chiến dịch điều động Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 hành quân cấp tốc về hướng Phú Thọ, phối hợp với các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích chặn đứng cuộc hành quân ) của địch lên Phú Thọ, Đoan Hùng (Tuyên Quang).

        Sở chỉ huy tiền phương của Bộ liền cử đồng chí Trần Mạnh Quỳ - Cục trưởng Cục Dân quân và một số cán bộ Cục Tác chiến và Cục Dân quân ở Sở chỉ huy cơ bản xuống lập sở chỉ huy nhẹ ở Phú Thọ, và cùng chỉ huy Trung đoàn 36 phối hợp với lực lượng địa phương đánh địch. Từ sở chỉ huy tiền phương của Bộ ở chiến dịch Tây Bắc, tôi được phái về gặp đồng chí Trần Mạnh Quỳ báo cáo ý định của Bộ chỉ huy chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:56:04 pm »

        Sau khi đánh gãy cuộc hành quân này của địch với trận đánh lớn ở Trạm Thản, ngã ba Phú Hộ, địch phải rút về phòng tuyến Việt Trì. Sở chỉ huy nhẹ của Bộ trở về sở chỉ huy cơ bản ở hậu phương Việt Bắc, và tôi lại trở về cơ quan chiến dịch tiền phương ở Tây Bắc. Sau khi Trung đoàn 102 đánh đồn Pú Chạng và giải phóng khu Nghĩa Lộ, một bộ phận bộ đội ta truy kích địch lên Tú Lệ, Than Uyên, bộ phận chủ yếu cơ động về Quang Huy, Vạn Yên, Tạ Khoa để vượt sông Đà sang đánh địch ở Mộc Châu, Sơn La. Tôi hành quân đuổi theo cánh quân chủ yếu, đi bằng xe đạp vượt đèo Âu Lâu, Lũng Lô, dọc đường bộ đội công binh cùng thanh niên xung phong, dân công đang mở đường cho bộ đội hành quân. Trời mưa, đường lầy, bùn bám đầy bánh xe đạp, không lăn nối, đẩy xe lên, đường lầy trơn, xe trượt xuống. Thấy tôi vất vả, mồ hôi chảy đầm đìa, hai cô và một nam thanh niên xung phong hè vai giúp đỡ. Đây xe lên được tới đỉnh dốc thì không may, một cô thanh niên xung phong trượt chân ngã xuống dốc, đầu đập vào một tảng đá to, máu ở trán chảy thành dòng, thật tội nghiệp! Hai thanh niên khác băng đầu và dìu cô đi xuống chỗ mà họ đang lao động, đã bỏ cưốc xẻng giúp tôi. Tôi đứng tần ngần, buồn bã, rồi cột một cành cây có nhiều lá vào yên xe để giám tốc độ đẩy xe từ từ xuống dốc. Đây là một chiều buồn!

        Chiều hôm sau, tới bến phà Tạ Khoa, trong lúc chờ đợi vượt sông Đà, bên bếp lửa hồng tôi nhớ lại “các buổi chiều” ghi trong sổ tay mấy dòng, in dấu trong ký ức tôi:

                Nhớ lại các buổi chiều

                “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

                nhớ nàng “Lệ Thủy” một chiều “Suối Bang!”.

                Nhớ chiều tập kích “Chiềng Vang”

                Lửa thiêu, đồn cháy, rộn ràng lòng ta.

                Nhớ chiều, địch hậu Khu Ba

                Giao liên, cô ấy thật là đáng yêu!

                Chiều chiều lại nhớ một chiều

                Vác xe lội suối vượt đeo Âu Lâu

                Những chiều, nhớ lại, nơi đâu?

                Chiều thương, chiều nhớ, chiều sầu, chiều vui”.


        Tôi tiếp tục cuộc hành quân cùng bộ phận đi đầu của sở chỉ huy tiền phương chiến dịch, sau khi vượt sông Đà, sang ngã ba Cò Nòi tiến đánh Mộc Châu, rồi tiến lên bao vây tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Sơn La).

        Địch các nơi bị đánh rút chạy về co cụm ở Nà Sản, tô chức phòng thủ kiên cố, thành tập đoàn cứ điểm, hình thành hai tuyến vành khăn.

        Sau hai tháng chiến đấu, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, một vựa lúa của Tây Bắc (cả vùng đồng bằng Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Than Uyên đến Sơn La) buộc địch phải co cụm ở Nà Sản để ngăn chặn quân ta phát triển lên Thuận Châu, Lai Châu.

        Về cuối chiến dịch, lực lượng ta cũng bị phân tán và mệt mỏi, sau một vài trận đánh thăm dò, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc chủ trương kết thúc chiến dịch. Một bộ phận nhỏ ở lại củng cố vùng mới giải phóng, đại bộ phận chủ lực rút về sau để chấn chỉnh và tổng kết huấn luyện.

        Với so sánh lực lượng lúc đó, trước một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch, nếu tiếp tục tiến công thì ta không thể giải quyết được mà lại bị thương vong tổn thất, hạn chế thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc.

        Sau chiến dịch giải phóng Tây Bắc, ta và bạn Lào thống nhất mở chiến dịch Thượng Lào, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, đến bản Ban của Lào. Mục đích của chiến dịch này là giải phóng tỉnh Sầm Nưa, Thượng Lào, để nối liền các tỉnh Nghĩa Lộ, Sơn La của ta được giải phóng trong chiến dịch Tây Bắc và giúp bạn xây dựng căn cứ địa kháng chiến của Trung ương Pa Thét Lào ở Sầm Nưa.

        Để chuẩn bị cho chiến dịch tiếp theo, tôi được cử chỉ huy trực tiếp một đại đội trinh sát của Bộ (do đồng chí Lộc làm Đại đội trưởng, đồng chí Nam Chính trị viên đại đội). Là một đại đội trinh sát của Bộ, nên được trang bị đầy đủ, mỗi cán bộ chiến sĩ có một tiểu liên; trung đội có trung liên, đại đội có súng cối 60-81 ly, đại liên. Đại đội trang bị một máy thông tin gọn nhẹ, quay tay có cơ yếu để liên lạc thẳng với Bộ Tổng tham mưu. Kỹ thuật, võ thuật của chiến sĩ được huấn luyện khá. Đại đội hành quân từ Nà Sản về Mộc Châu, vượt sông Mã (đầu nguồn chảy về Thanh Hóa) sang Mường Hung (đất Lào) trinh sát địa hình, nắm địch tình để chuẩn bị chiến dịch Thượng Lào.

        Đại đội trinh sát bất ngờ tập kích ngụy quân Lào ở Mường Hung, mấy đồn bốt nhỏ của địch trên bờ sông Mã bỏ chạy truy kích đến Mường Hét (một bản lớn ở Châu Phìa) cũng bỏ chạy, chúng tôi tiếp cận cụm địch đóng ở sân bay Noọng Khang (bắc thị xã Sầm Nưa) để triển khai kế hoạch chuẩn bị chiến dịch giải phóng Sầm Nưa.

        Sau khi trinh sát địa hình xung quanh thị xã Sầm Nưa, chúng tôi xây dựng một sa bàn trận địa phòng thủ của địch ở Sầm Nưa.

        Ngày 24 tháng 2 năm 1953 được điện của Bộ đón đoàn cán bộ Đại đoàn 308 tới nghiên cứu địa hình và kế hoạch tác chiến. Chúng tôi đón đoàn gồm có đồng chí Đại tá Cao Văn Khánh - Đại đoàn phó, đồng chí Hải (Hải râu) - Tham mưu trưởng; đồng chí Vũ Yên - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102, đồng chí Thái Dũng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88, đồng chí Hồng Sơn - Trung đoàn trưởng 36, đồng chí Doãn Tuế Trung đoàn trưởng pháo binh đầu tiên của Bộ và một số cán bộ của quân báo, tác chiến đi cùng.

        Sau khi tôi trình bày đặc điểm địa hình và tình hình địch, đề xuất kế hoạch tác chiến và kế hoạch đi trinh sát thực địa trên sa bàn, chiều tối đoàn bắt đầu đi nghiên cứu địa hình ở phía đông thị xã.

        Trên đường đi gặp một toán địch phục kích, bắn trước mặt và cả hai bên, đoàn đi trinh sát nằm xuống đất. Đồng chí Cao Văn Khánh hô bằng tiếng Pháp “Đại đội 1 bên trái, đại đội 2 bên phải, bắn!” (Première compagnie à gauche, deuxieme compagnie à droite; feu!!), cả đoàn bắn trả lại bằng súng ngắn và tiểu liên. Bọn ngụy Lào biết tiếng Pháp, tưởng quân ta đông nên rút chạy. Thế là cả đoàn trinh sát lại tiếp tục đi vượt qua đường cái Sầm Nưa đi Mường Peun, Bản Ban, sang phía đông thị xã. Trời tờ mờ sáng đoàn leo lên một ngọn đồi, cây rậm, nhìn xuống thị xã rất rõ từng cao điểm, thấy cả lính trên đồn và dân đi lại trong phố. Sau khi giới thiệu tình hình chung, rút ra phía sau đồi nghỉ ngơi, trao đổi kế hoạch. Tối hôm sau cán bộ từng trung đoàn theo hướng dẫn của đội trinh sát, phân chia đi nghiên cứu riêng rẽ các hướng theo nhiệm vụ được phân công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 10:03:38 pm »


        Chiến dịch Sầm Nưa Thượng Lào! (tháng 4/1953)

        Các đơn vị bộ đội hành quân vào tập kết trên các hướng thì bị lộ, địch bắt đầu bỏ thị xã Sầm Nưa rút chạy. Bộ đội ta được lệnh lập tức chiếm lĩnh thị xã và đại bộ phận bám địch truy kích. Đại đội trinh sát chúng tôi đi trước dẫn đường cho bộ đội truy kích. Đến Mường Peun, quân ta (Đại đoàn 304) đánh địch ở Bản Ban xong, phối hợp với bộ phận Đại đoàn 308 và 312 đánh quân ở Sầm Nưa rút về. Bị đánh 2 đầu, chúng tán loạn vào rừng. Chiến dịch Sầm Nưa, Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Quân ta truy kích trên một chặng đường dài 270 kilômét, giải phóng một vùng rộng lớn (toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Xa Lỳ), tăng cường sự đoàn kết kề vai sát cánh chiến đấu của liên quân Việt - Lào.

        Chính phủ kháng chiến, Trung ương Pathét Lào ra mắt tại thị xã Sầm Nưa. Dân Lào cả các bản Mèo xa xôi về dự lễ hội rất đông. Đến tối, các nơi mở hội múa “Lâm vông”, có cả đồng chí Kay Xơn (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và đồng chí Xingcapo (Thứ trưởng Quốc phòng đại diện quân Pa thét Lào) cùng dự, múa rất đẹp. Tôi và một số anh em trinh sát cũng đi vòng quanh đống lửa múa theo.

        Ngày hôm sau, tôi và đại dội trinh sát hành quân trở về Tổng hành dinh.

        Sau một thời gian nghỉ ngơi củng cố huấn luyện bộ đội. Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy chủ trương mở chiến dịch giải phóng tỉnh Lai Châu.

        Phát hiện bộ đội chủ lực ta (Đại đoàn 316) đang trên đường tiến quân lên Tây Bắc, ngày 20 tháng 11 năm 1953, địch cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ.

        Chúng cho đây là vị trí chiến lược rất quan trọng, có đồng bằng Mường Thanh, “vựa lúa” lớn nhất khu Tây Bắc, có đường sang Thượng Lào.

        Bộ Tổng Tham mưu lại phái một đại đội trinh sát (do đồng chí Lộc - Đại đội trưởng và đồng chí Nam Chính trị viên), cử tôi phụ trách chung, đi trước lên Mường Thanh nắm tình hình địch và chuẩn bị vị trí Sở chỉ huy của Bộ.

        Sau khi Bộ Chỉ huy quyết định thay đổi phương châm chiến dịch và sở chỉ huy chiến dịch chuyển tới khu vực Mường Phăng, tôi và đại đội trinh sát được lệnh chuyển xuống phía Nam, bám sát tình hình khu vực Hồng Cúm.

        Trong chiến dịch, vừa làm nhiệm vụ phái viên tác chiến, theo dõi hoạt động của Đại đoàn 304, vừa trực tiếp chỉ huy đại đội trinh sát của Bộ, bám địch khu vực Hồng Cúm. Trong quá trình vây hãm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Là phái viên của Bộ, tôi thường đi với đồng chí Nguyễn Cận và Hoàng Đan (Trung đoàn trưởng và Trung đoàn phó Trung đoàn 57) kiểm tra việc xây dựng đường giao thông hào cắt ngang khu vực Mường Thanh và Hồng Cúm xem giao thông hào có đúng kích thước không? Từng đoạn có đào hầm ếch để tránh bom và pháo địch không? Tôi còn được lệnh chọn một số đồng chí trong đại đội trinh sát của Bộ và của đại đoàn tổ chức huấn luyện các tổ “dũng sĩ”, ngày đêm bắn tỉa bọn địch, ra lấy dù tiếp tế của máy bay thả xuống, thu được cả dù và đồ hộp địch. Cho nên có nhiều buổi liên hoan nhỏ bằng đồ hộp của địch thả dù xuống.

        Có những lúc đại đội trinh sát bố trí vây địch, còn bắn từng đợt súng máy và súng cối để thu hút đạn địch bắn trả về phía mình, bảo đảm an toàn cho bộ đội đào giao thông hào và hầm ẩn nấp.

        Khi Đại đoàn 308 cơ động qua Thượng Lào, đánh địch giải phóng một phần lãnh thổ ở vùng Mường Khoa, Mường Ngòi để cô lập tập đoàn Điện Biên Phủ, đại đội trinh sát của Bộ và tôi đi cùng Đại đoàn 308.

        Khi đại đoàn rút về tiếp tục bao vây địch ở Mường Thanh, chúng tôi lại về tiếp tục làm nhiệm vụ ở Hồng Cúm (phía nam Mường Thanh).

        Sau khi tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi và đại đội trinh sát Bộ bám sát tàn quân địch ở Hồng Cúm chạy sang Lào để hòng gặp binh đoàn cơ động của ngụy Lào sang ứng cứu gọi là GML (Groupement mobile Laos). Bị đại đội trinh sát cùng một đơn vị của Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 bám đuôi đến đỉnh đèo Tây Trang, tàn quân địch hoảng hốt chạy tản ra hai bên rừng. Đơn vị cơ động của ngụy Lào được tin Điện Biên Phủ đã thất thủ, tàn quân ở Hồng Cúm đã tan rã không thể đón được nữa, nên chúng cũng rút lui luôn. Đại đội tiếp tục truy kích quân ngụy Lào, vượt qua sông Mường Khoa, qua đèo Calăngtáp xuống khe suối thì gặp một bộ phận của một tiểu đoàn Trung đoàn 148. Tiểu đoàn này do đồng chí Thưởng là tiểu đoàn trưởng nhưng chỉ gặp đồng chí Hoàng Lê bàn tiếp tục truy kích địch, thì tối đó điện của Bộ bảo cả đại đội trở lại Mường Thanh nhận nhiệm vụ mới (đại đội trinh sát Bộ, có mang theo một đài nhỏ gọi là đài Crosley, chạy máy phát điện nhỏ bằng quay tay).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 10:14:44 pm »

        Về đến Mường Thanh, tôi nhận lệnh cả đại đội quay lại chuẩn bị chiến trường ở Luông Prabăng (vì lúc đó Bộ dự kiến sẽ mở chiến dịch tiếp theo giải phóng thủ đô Luông Prabăng và Thượng Lào). Được dự đám cưới đồng chí Cao Văn Khánh và chị Ngọc Toản tại hầm sở chỉ huy Đờ Cátxtơri (Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) do đồng chí Trần Lương (tức là đồng chí Trần Nam Trung) - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chủ hôn và đồng chí Hiền - Cục trưởng Cục Địch vận dự. Bộ phái đồng chí Cao Văn Khánh (là người giỏi tiếng Pháp) có nhiệm vụ quan hệ với Pháp để trao trả thương binh nặng và một cô y sĩ người Pháp chở bằng trực thăng từ điện Biên Phủ về Viêng Chăn. Đại đội trinh sát được phát đầy đủ lương thực, thực phẩm (hàng chiến lợi phẩm) lên đường hành quân cấp tốc sang Thượng Lào. Đại đội này vẫn do đồng chí Lộc và Nam (Đại đội trưởng và Chính trị viên), tôi làm phái viên tác chiến phụ trách chuẩn bị chiến trường và trực tiếp chỉ huy đại đội.

        Cục 2 cử thêm đồng chí Thận (Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn trinh sát của Bộ) giúp tôi làm phó.

        Chúng tôi vừa hành quân, vừa gặp đánh địch những tốp lẻ dọc đường, vừa làm công tác dân vận khi qua các bản Lào Lùm (ở đồng bằng), Lào Thênh ở lưng chừng núi và các bản Mèo trên đỉnh núi. Qua lại Mường Khoa, Mường Ngòi, Nậm Bạc, Sốp Vi, Sốp Chiếc, tới một bản Mèo trên đỉnh núi ở Luông Prabăng. Đây là một vị trí quan sát rất rõ và là một vị trí đặt sở chỉ huy tiền phương của Bộ để tấn công vào thị xã Luông Prabăng rất thuận lợi (có nhiều hang đá, hốc đá, quan sát rất tốt).

        Nhưng khi vào các bản người Mèo thì không thấy ai, dân sợ trốn lên rừng hết; không biết họ trốn đi đâu để bắt liên lạc. Chúng tôi đưa đài thông tin mang theo, mở làn sóng phát thanh ngụy quyền Lào, với các bài hát tiếng Lào, không biết nội dung bài hát gì. Với máy tăng âm và do núi đá, vọng tiếng rất to, nghe nhạc Lào hay, nên dần dần thấy các em nhỏ lác đác về nghe. Thu được nhiều tấm vải dù lụa chiến lợi phẩm màu đỏ của địch ở Điện Biên Phủ, anh em trinh sát xé ra cho mỗi em một miếng làm khăn quàng cổ (người Mèo rất thích khăn màu đỏ). Trẻ em dần dần về càng đông. Tiếp theo là các cô gái Mèo cũng lần lượt về tụ tập xung quanh đài thông tin nghe nhạc và nghe các bài hát tiếng Lào, vừa nghe vừa cười khúc khích. Thấy bộ đội Việt Nam hiền lành và cho các cô gái, trẻ em vải đỏ, các gói bánh quy, kẹo chiến lợi phẩm còn lại, nên sau đó các bà mẹ, bà già, các ông và cuối cùng là đám thanh niên cũng lần lượt về xem bộ đội, nghe hát, nghe nhạc. Thế là công tác dân vận Mèo bước đầu thành công, chúng tôi gặp các ông già làng, trưởng bản mời thuốc lá, mời bánh lương khô ngọt nên được dân cho vào nhà ở. Đại đội phân ra ở các nhà dân Mèo, từng tốp 4 - 5 người, nhà đông được 20 người. Đêm đó đốt lửa trại, bộ đội Việt Nam và dân các bản Mèo ngồi xung quanh, vừa vỗ tay vừa nhảy theo các điệu nhạc Lào. Sáng ngày hôm sau, dân làng cho ngô, cho củ su su rất to (vì khí hậu vùng cao lạnh, trồng trong các hốc đá nên rau củ to hơn ở đồng bằng Việt Nam nhiều). Dân lại còn mổ lợn ủng hộ bộ đội nữa và bộ đội thì cấp muối cho dân, đây là món quà, là hàng chiến lược rất quan trọng đối với dân Mèo vùng cao. Người này mang muối về khoe với người khác nên dân càng mang nhiều thứ ra cho bộ đội. Tình quân dân (bộ đội Việt Nam và dân Mèo Lào, cả Lào Thênh lên) trở nên đầm ấm. Ôm các em nhỏ vào lòng, tôi cảm hứng chợt nghĩ ra mấy câu thơ của người chưa hề biết làm thơ bao giờ:

                            “Chú từ Việt Nam, vượt suối băng đèo,

                            Đến đây gặp cháu, dân Mèo Mường Luông

                            Chú với cháu, không cùng dòng máu

                            Chưa hề gặp nhau, không cùng thứ tiếng

                            Gặp nhau sao quyến luyến lạ thường!

                            Phải chăng có một tình thưong

                            Thương cùng cảnh ngộ, chống phường thực dân.

                            Chú Pa thét, chú Việt Nam

                            Diệt thù giải phóng bản làng yên vui

                            Cho các cháu tung tăng múa nhảy

                            Cho lúa xanh phủ đầy nương rẫy

                            Việt - Lào sát cánh, nắm tay đời đời!...”


        Công tác dân vận đã thành công, công tác nắm tình hình địch và chuẩn bị chiến trường đang thuận lợi, có nhiều kết quả thì có điện khẩn tới: “Tình hình thay đổi, quân ta không cùng với bạn Lào mở chiến dịch giải phóng Luông Prabăng nữa, vì ta sắp ký hiệp định đình chiến ở Giơnevơ! Đại đội phải trở về Việt Nam”. Tôi phổ biến lệnh này, anh em sững sờ, vừa tiếc nhưng cũng vừa mừng. Tiếc vì nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường sắp hoàn thành, mừng vì do ta đại thắng ở Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ, hòa bình sẽ lập lại ở Đông Dương, miền Bắc sẽ được giải phóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 11:49:16 pm »

        Nhưng thật đáng buồn, đáng tiếc, một sự đau lòng xảy ra, một tổn thất cho đại đội, cho tiểu đoàn trinh sát của Bộ Tổng Tham mưu và cũng là cho quân đội ta! Đồng chí Thận - Tiểu đoàn phó, một cán bộ trung kiên, dũng cảm, chân tình với bạn bè, với đồng đội được tất cả anh em trong đại đội mến phục, hy sinh trong lúc lau súng tiểu liên bị cướp cò, đạn xuyên từ cổ lên đỉnh đầu, trong một bản người Lào Lum trên bờ sông Nậm Sương. Chúng tôi tổ chức lễ truy điệu, cả đại đội và dân bản người Lào đông đủ tới dự, khóc như mưa khi vĩnh biệt đồng chí.

        Chỉ mượn được một con thuyền độc mộc, đại đội phân công tôi, đồng chí Nam Chính trị viên và 5 chiến sĩ bơi dọc sông Nậm Sương đưa thi hài đồng chí đến nơi an nghỉ cuối cùng trong một khu rừng cách bản đó không xa.

        Thật đau đớn và tiếc thay! đồng chí đã ngã xuống trước ngày ngưng tiếng súng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp. Với tinh thần quốc tế cao cả, đồng chí nằm lại trên đất bạn xa xôi một mình mà chắc đến bây giờ chưa ai đến thăm được.

        Đại đội trinh sát của Bộ sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về Tổng hành dinh được khen thưởng, mấy đồng chí được thưởng Huân chương Chiến công, trong đó có tôi.

        Về công tác ở cơ quan tham mưu chiến lược qua gần 4 năm, tôi được may mắn đi công tác ở các chiến dịch, ở các chiến trường nên vừa mở rộng được tầm hiểu biết về chiến lược, vừa được học tập kinh nghiệm qua các chiến dịch lớn (từ chiến dịch Hòa Bình đến chiến dịch giải phóng Tây Bắc, Sầm Nưa và Điện Biên Phủ).

        Đặc biệt với chiến dịch Điện Biên Phủ, sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục ác liệt đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm này.

        Đây là một thắng lợi vang dội toàn cầu. Như tác giả Jules Roy đã viết trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”, dưới con mắt người Pháp: Thắng lợi Điện Biên Phủ còn hơn cả Oa-téc-lô.

        Trong tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành thắng lợi mới” cũng đã đánh giá:

        “Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, thật xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

        Thắng lợi lịch sử ở Điện Biên Phủ buộc đế quốc Pháp phải ký kết hiệp định Giơnevơ 1954, hòa bình được lập lại ở ba nước Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được giải phóng.

        Chiến tranh đã tạm thời kết thúc, đất nước ta bước sang một giai đoạn mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 11:57:00 pm »


Chương ba

TỔ CHỨC CỤC TÁC CHIẾN VÀ CƠ QUAN
TỔNG HÀNH DINH CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY TÁC CHIẾN
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC,
CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở VÀ
LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở CAMPUCHIA

        1. Tổng hành dinh từ vùng núi rừng Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội

        Đi trên một chiếc xe tải, tôi cùng đội tiền trạm của Bộ Tổng tham mưu từ vùng Chợ Chu Bắc Cạn theo đường Đại Từ qua Tuyên Quang về Việt Trì, vượt sông Đà qua Sơn Tây về chuẩn bị một địa điểm cho cơ quan nhẹ của Bộ Tổng Tư lệnh ở ngoại ô bắc thị xã Hà Đông.

        Khi cơ quan Bộ đã tới nơi, một buổi chiều, đồng chí Hà Văn Lâu tham gia hội nghị Giơnevơ trở về, làm việc trong phái đoàn liên hiệp đình chiến, đến gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp. Khi đồng chí Hà Văn Lâu ra về, tôi được cử đi cùng, vào Hà Nội trong một chiếc xe du lịch màu đỏ hãng Citroen.

        Xe đi tới Ngã tư Sở thì có một ba-ri-e của đội quân cảnh Pháp chặn lại. Tên lính Pháp đứng sau, tên lính ngụy ra hỏi giấy tờ. Đồng chí Hà Văn Lâu đưa cho xem thẻ, thấy xe có cắm cờ của “Liên hiệp đình chiến”, tên lính ngụy ngoái cổ lại hỏi, tên lính Pháp gật đầu và cho xe đi.

        Xe qua Hàng Bột, phố Khâm Thiên với ánh đèn hai bên dãy phố sáng trưng (theo tôi cảm nhận lúc đó, của một người từ trong vùng rừng núi trở về thành phố). Người qua lại đông đúc, trong lòng tôi cũng thấy rộn ràng, vui sướng, sau 9 năm được trở lại Thủ đô Hà Nội.

        Xe vào đến cổng trụ sở ủy ban Liên hiệp đình chiến, lúc bấy giờ ở số 56 Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo), đồng chí Hà Văn Lâu bảo tôi vào ngủ cùng phòng đồng chí Việt Kỳ, một cán bộ quân sự trong ủy ban.

        Sau 3 ngày làm việc trong tổ quân sự của ủy ban Liên hiệp đình chiến, vào một buổi sáng (9/10/1954) chúng tôi bận quần áo thường phục ra đứng bên lề đường phố Hàng Bài (gần bờ Hồ) cùng nhân dân Hà Nội đón đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, do Anh hùng Nguyễn Quốc Trị đi đầu. Cả một rừng cờ đỏ sao vàng, nhân dân Hà Nội tay cầm những bó hoa nhảy lên vui mừng, tiếng hoan hô ầm vang, đón chào bộ đội chiến thắng trở về.

        Chiều hôm sau, ngày 10 tháng 10 năm 1954, tại sân vận động Cột Cờ (lúc đó gọi là Stade Mangin), trước hàng ngũ chỉnh tề của bộ đội và các đoàn đại biểu quần chúng, ủy ban quân quản Thủ đô (đồng chí Vương Thừa Vũ và Trần Duy Hưng) ra mắt đồng bào.

        Đồng chí Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhật lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh. Tôi đứng phía sau khán đài cùng tổ quân sự của ủy ban Liên hiệp đình chiến và tổ bảo vệ an ninh để theo dõi tình hình về báo cáo Bộ.

        Ngày hôm sau, tôi được lệnh rời khỏi ủy ban Liên hiệp đình chiến về gặp đội tiền trạm của Bộ tổng tham mưu tại một cơ quan ngụy đối diện “Đồn Thủy” (sau này là cơ quan Bộ Tư lệnh Biên Phòng) để triển khai Sở chỉ huy của Bộ.

        Từ đó, các cơ quan Cục Tác chiến cùng Cục Thông tin liên lạc bắt đầu làm việc, theo dõi tình hình các đơn vị bộ đội, các cơ quan trung ương di chuyển từ căn cứ địa Việt Bắc về đồng bằng và thực hiện kế hoạch tiếp quản các vùng địch chiếm đóng trước đây.

        Ở cơ quan Tổng hành dinh mới, chúng tôi làm việc ăn ngủ tại chỗ. Trải chiếu nằm trên nền nhà, với một tấm ván vuông kê dùi làm bàn viết, chỉ có vài bàn gỗ ọp ẹp để đặt máy điện thoại, một cái ghế băng dài bằng gỗ để tiếp khách.

        Làm việc được vài hôm, các bộ phận từ Việt Bắc về ngày càng đông, cơ quan Bộ Quốc phòng lúc đầu định đóng quân ở Bạch Mai, nhưng sau đó quyết định về ở trong khu Thành Thăng Long - một di tích lịch sử, từ đó cho đến nay.

        Cục Tác chiến đóng trong “Khu A” một dãy nhà dưới chân “Lầu Công chúa”. Đồng chí Trần Văn Quang và các thủ trưởng Cục làm việc trên “Lầu Công Chúa”. Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu làm việc trên khu nhà của “Bệ Rồng”.

        Thời kỳ này tôi theo dõi các đơn vị tiếp quản khu Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, theo dõi tác chiến tiễu phỉ ở Đông Bắc, ở Đồng Văn, HoàngXuPhì - Hà Giang Đi kiểm tra, nắm tình hình các đơn vị của ta từ miền Nam, Campuchia, Lào ra tập kết ở miền Bắc. Sau gần 6 tháng tôi được cử đi học Trung văn ở thị xã Kiến An.

        Một sự kiện mới đến với tôi, là trước khỉ đi học ở Học viện quân sự Trung Quốc, tôi được về thăm nhà ở Vinh và tình cờ trong một lần đi chơi trên đường từ Vinh đi Bến Thủy thì gặp một cô giáo thành Vinh đi dạy học về nhà.

        Gặp nhau trò chuyện rồi rủ nhau đi chơi một hai lần, tâm sự với nhau vào một buổi tối ngồi trên bậc thềm nhà thờ Cầu Rầm, tâm tình hò hẹn “xe duyên kết tóc”. Đó là cô An, người bạn đời chung thủy với tôi đến nay, hơn nửa thế kỷ!. Tôi lên đường sang Nam Kinh (Trung Quốc) học quân sự ở một Học viện quân sự lớn của Giải phóng quân Trung Quốc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM