Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:12:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25691 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 03:38:53 am »

        
        - Tên sách: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh
        - Tác giả: Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh
        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2008
        - Số hoá: Tuaans, Giangtvx

Lời giới thiệu

        Tôi xem hồi ký “Đường lên cơ quan Tổng hành dinh” Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh viết về cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi rất ấn tượng về anh, tuổi rất trẻ bước vào cuộc đời đã phải nếm trải biết bao đau khổ hy sinh nhưng đầy tự hào về lòng yêu Tổ quốc.

        Tôi đã có dịp chung sống, một thời ở cơ quan tác chiến Bộ Tổng tham mưu, rồi thì anh ở cơ quan, tôi ra đơn vị chiến đấu, lại thường gặp nhau trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, gặp nhau trong nhiều cuộc diễn tập chiến dịch, trong nhiều cuộc hội thảo khoa học.

        Anh, mà cuộc đời là binh nghiệp, qua các trang hồi ký trải dài sóng gió máu lửa từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, tôi càng hiểu thềm và rất yếu mến về tác phong tỉ mỉ, thận trọng, có một trí nhớ tuyệt vời của anh.

        Thật không nhiều lắm cán bộ có khả năng, được tín cẩn, củng có phần nào chút may mắn để được phân công, giao nhiệm vụ quan trọng, được chứng kiến nhiều thời khắc bàn thảo, chí đạo, chỉ huy chiến tranh mang tính lịch sử ở Tổng hành dinh.

        Anh được thử thách rèn luyện trong hoạt động bám sát theo dõi, đốc chiến ở những nơi, những lúc gay go quyết liệt của những cuộc chiến sinh tử.

        Trong anh, có thể nói là một kho tư liệu sống rất phong phú, đa dạng rất quý giá của người trong cuộc về chỉ đạo chiến tranh, về xây dựng - Quốc phòng toàn dân, Quân đội nhân dân. Đặc biệt vai trò của sự hiện diện cơ quan tác chiến và cùa anh trong các mốc mang tính lịch sử, những sự kiện lớn của cách mạng: chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch giải phóng Tây Bắc, Điện Biên Phù, Thượng Lào, mười hai ngày đèm Điện Biên Phủ trên không, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hai đầu đất nước...

        Anh Hoàng Nghĩa Khánh với cuộc đời binh nghiệp mang đậm nét là cán bộ tác chiến chuyền nghiệp.

        Những năm dài ở cơ quan cấp cao - Tổng hành dinh, nơi đào tạo giúp anh có nhận thức sâu, hiểu biết khá rộng, song anh vẫn giữ nếp sống giản dị, khiêm tốn, dề gần, trên quý, dưới thương.

        Hồi ký của anh là một của quý đáng được nghiên cứu, giúp ích cho việc giáo dục truyền thống quân đội, bồi dưỡng đào tạo cán bộ chuyên nghiệp, nhất là về tham mưu, tác chiến.

        Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


             

Trung tướng NGUYÊN THỚI BƯNG          
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng        
Phó Tổng tham mưu trưởng            

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Năm, 2016, 04:39:38 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 11:52:53 am »

        
Lời nói đầu

        Nhiều bạn tôi trong quân đội đã viết hồi ký của mình và khuyên tôi viết hồi ký. Nhưng tôi nghĩ đời mình có gì đáng viết và viết để làm gì? Nên chưa viết được.

        Nay mọi việc công tư cơ bản đã xong, có thời gian tương đối nhàn rỗi, ôn lại chuyện cũ, nhớ lại một thời dĩ vãng mình đã qua và lưu lại cho con cháu, chắt, nội ngoại biết ông cha mình trước đây đã sống và chiến đấu như thế nào.

        Đến tuổi 75 tôi mới bắt đầu tự tay mình viết lại những dòng ghi nhớ cuộc đời đã qua. Tôi không biết viết văn, vì không phải là nhà văn. Củng có mấy lần có nhà văn gọi điện thoại, có lần gửi thư kèm theo đề cương nội dung yêu cầu đến phỏng vấn cuộc đời hoạt động của tôi. Nhưng tôi đã cảm ơn vì thấy bản thân không có vấn đề gì lớn cần viết sách hoặc đăng báo và bởi thấy sự đóng góp của cá nhân mình chỉ là một hạt cát trong biển cả mênh mông. Sức mạnh to lớn là của quân đội và nhân dân ta, nên không muốn nói cái gì riêng về mình. Tôi chần chừ mãi, đã 8 năm qua.

        Nay sang tuổi 83, tôi muốn để lại một chút kỷ niệm cho đơn vị cũ và những người thân, nên tôi nhớ gì tự tay viết nấy, cả cuộc đời tư và công tác phục vụ cách mạng, phục vụ quân đội.

        Tôi sẽ kể lại từ thời học sinh, bước vào phục vụ cách mạng, trong quân ngũ, từ người lính trở thành cán bộ, khi ở đơn vị chiến đấu, khi về công tác ở cơ quan. Từ những ngày trước khởi nghĩa, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Ghi lại những kỷ niệm vui buồn không bao giờ quên, trong những ngày chung sống, chiến đấu và công tác với các bạn quốc tế, các nước láng giềng (Lào, Campuchia) và các bạn Trung Quốc, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cu Ba...

        Tôi sẽ kể lại những điều mà tôi đã học được trong cuộc đời phục vụ quân đội.

        Lúc ở đơn vị cơ sở, tôi đã học tập được anh em cán bộ, chiến sĩ đồng đội, trong cuộc sống và chiến đấu.

        Thời gian công tác ở Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, tôi đã học tập được nhiều kinh nghiệm và tác phong công tác của các Thủ trưởng Cục trực tiếp và cán bộ đồng nghiệp trong cơ quan nhưng không thể nhớ và ghi lại hết.

        Trong cuốn “ghi nhớ” này, tôi chỉ có thể nhớ lại những hình ảnh và đức tính tốt đẹp của một số Thủ trưởng Bộ mà tôi đã được phục vụ trong từng thời gian hay nhiều lần tiếp xúc (có một số Thủ trưởng nay không còn nữa) mà tôi rất cảm phục. Tôi chỉ nêu lên những ưu điểm nổi bật mà tôi đã học tập được. Tôi không dám nhận xét đánh giá toàn diện, tài năng đức độ, vì tôi chí biết một thời gian không biết toàn bộ cuộc đời hoạt động của các đồng chí; còn khuyết điểm, nhược điểm thì không ai có thể tránh khỏi như Bác Hồ thường nói.

        Tuy rằng kể ra còn chưa đầy đủ và do khuôn khổ cuốn sách này, không thể kể ra hết với tất cả các Thủ trưởng Bộ khác.

        Trong thời gian công tác ở Bộ Tổng Tham mưu, tôi củng nhớ lại và suy nghĩ về một số sự kiện đã xảy ra mà tôi được biết. Nhưng với tư cách cá nhản, trước những vấn đề lớn đã và đang tiếp tục được tổng kết , tôi không thể nói ra hết được các chi tiết, về các sự kiện, nhân chứng.

        Tôi nhớ lại và nêu lên những suy nghĩ của cá nhân mình về một số chiến dịch do Bộ chỉ đạo mà tôi được tham gia học tập. Nhưng không nói cụ thể về chủ trương, sử dụng lực lượng, diễn biến chiến dịch, các trận đánh; vì đã trình bày rõ trong các bản tổng kết chiến lược, tổng kết các chiến dịch các trận đánh của Viện Lịch sứ Quân sự và của các cơ quan tổng kết.

        Do tuổi đã cao, sức khỏe có mặt hạn chế, tôi nhớ gì viết nấy nên không tránh khỏi nhầm lẫn về sự kiện, thời gian, địa danh, tên tuổỉ bạn bè, có thể bỏ sót nhiều việc đáng nói trong đời mình. Rất mong nhận được sự thông cảm, độ lượng, góp ý kiến bổ sung của bạn đọc.

        Cuốn sách này tôi đặt tên là “Đường lên cơ quan Tổng hành dinh”. Tuy là những việc ghi nhớ trong cả “cuộc đời’’ của tôi, hơn ba phần tư thế kỷ, nhưng nói về chiến đấu và công tác từ đơn vị cơ sở lên Tổng hành dinh thì chí là việc cống hiến rất nhỏ bé của tôi trong cuộc đời phục vụ quân đội và cách mạng.

        Nhân cuốn sách được ra mắt bạn đọc, tôi xin chân thành cảm ơn Đại tướng Lê Văn Dũng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; cố Đại tướng Văn Tiến Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Văn Quang; Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ

        Quốc phòng cùng nhiều vị tướng lĩnh trong Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tác chiến các thời kỳ, các đồng chí, đồng đội dã động viên, tham gia góp ý kiến. Cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện hoàn chính bản thảo, cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này vào dịp kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

TÁC GIẢ        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 11:55:16 am »


Chương một

THỜI NIÊN THIẾU VÀ NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TRONG QUÂN NGŨ

        Tôi sinh ra tại làng Phổ Đông, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình tiểu tư sản, tiểu thương. Mẹ tôi bán hàng nhỏ ở chợ Vinh, trong cải cách ruộng đất xác định là dân nghèo thành thị. Từ nông thôn ra ở ngoại ô thành phố Vinh trong một xóm gọi tên “Yên Giang” - “một 'dòng sông bình yên”. Nhưng lại là một nơi không “yên bình” chút nào. Trong một xóm nghèo đa số là dân lao động, hàng ngày dân nghèo đụng chạm với một tay đội “cu lít” tên là “Bát Tạo”, nó đi về hoạnh họe đánh dân. Ai đi đường không tránh nó, nó hỏi biết tao là ai không? Dạ là “cụ Bát Tạo ạ”, nó nói “Bát Tạo” là “bạo tát” rồi vô cớ tát tai dân. Sau này vào năm 1944 - 1945 những cảnh chết đói đầy đường, hàng đoàn xe ba gác chở xác người từ thành phô" qua cầu Cửa Tiền ra xóm Yên Giang chôn vào nghĩa địa trước mặt nhà tôi (Cồn Đền). Những hình ảnh ấy bắt đầu để lại trong đầu óc tôi.

        Gia đình tôi vốn có chút ít học hành, cha tôi trước đây có học chữ Hán (không biết trình độ nào) nhưng dân làng thường gọi “ông Tú” và buổi giao thời “Hán Nho” thất thế, cũng học được ít tiếng Pháp, nên có thời gian làm thư ký Sở Địa chính (Cadastre). Nhưng tính tình cũng không ổn định nên khi làm, khi bỏ việc; đi giúp người ta ghi chép buôn bán gỗ miền ngược. Mẹ tôi con một gia đình cân thuốc bắc ở thành phố Vinh, hồi nhỏ cũng được học biết chữ quốc ngữ, bà con khen “con người hiền hậu sẽ để lại phúc lộc cho con cháu sau này”, tần tảo lo nuôi con ăn học.

        Giấy khai sinh của tôi khi vào học lớp đồng ấu (cours enfantin) là 10 tháng 6 năm 1926. nhưng cũng không biết ngày đó có phải là ngày sinh chính thức của tôi không? Vì hồi nhỏ có khi nghe cha mẹ tôi nói “nó phải khai thêm một tuổi mới đủ tuổi vào trường công”, có khi nói tuổi Dần, có khi nói tuổi Mão. Tên họ tôi từ khi khai sinh đến giờ là một “Hoàng Nghĩa Khánh”, giữ nguyên dòng họ, tổ tông “Hoàng Nghĩa”. Tôi chẳng có “bí danh” gì cả, vì chẳng có gì phải bí mật. Mà cũng chẳng có “pháp danh”, “giáo danh” gì cả, vì gia đình tôi không theo đạo nào. Hồi nhỏ có lần tôi nghe mẹ nói có một ông thầy “tướng số” nào đó xem “tử vi” cho tôi bảo là tôi có “số tốt” nên được “quý nhân phù trợ”! Có phải thế, nên có lần tôi đi thi xe đạp từ Vinh vào Hà Tĩnh để lấy bằng thể thao “Brevet d'Taudax”, hòng đi thi bằng cấp có được thêm điểm. Nhưng khi đi từ Hà Tĩnh về không có tiền ăn, đói lả nằm lăn ra đường bên núi Hồng Lĩnh. Có một ông đồn kiểm lâm chợ Củi dìu về nhà cho ăn ngủ tại nhà một đêm (bà vợ rất thương vi ông bà không có con). Cả đêm đó thầy tôi đi xe kéo tay suốt đêm dọc đường Bến Thủy, Hà Tĩnh tìm tôi không thấy. Đến 3 giờ sáng tôi tỉnh dậy lặng lẽ lấy xe đạp về nhà, vì sợ làm phiền ông bà mất giấc ngủ nên cả nhà không ai biết, mà dạo ấy đường dọc núi Hồng Lĩnh nhiều vụ cướp giết người lấy của, cũng may! Tôi cũng nhớ ông bà đồn kiểm lâm chợ Củi mà khi ra đi quên không một lời chào cảm ơn ân nhân của mình. Sau này nhiều lần qua đường Hồng Lĩnh nhớ lại cảnh cũ người xưa, tôi dừng xe đứng xuống đường nhìn ngôi nhà ở bến đò chợ Củi, chỉ còn thấy nền nhà nhưng không biết ông bà đó còn sống hay đã chết, bây giờ ở đâu?

        Trong những năm học trung học trường Thuận An ở Vinh mà hiệu trưởng là thầy Võ Thuần Nho (em ruột ông Võ Nguyên Giáp); có nhiều thầy học như cụ Hoàng Đức Thi, Trần Hậu Toàn... và nhiều thầy khác, hồi đó nghe nói là những thầy “ương ngạnh”, “cứng đầu” nên không được dạy ở trường công, hùn nhau mở trường tư. Ớ tuổi trưởng thành của tôi cũng đâ bắt đầu tiếp thu những chuyện “chống đốì nhà nước, quan Tây”, chuyền tay nhau đọc những sách về phong trào chống Pháp như cuốn “Nguyễn le patriote” “Nguyễn Ái Quốc”. Không nhớ ai viết, nhà xuất bản nào? Chắc nội dung xuyên tạc nhiều, nhưng nghe tên sách đã bắt đầu biết ông Nguyễn Ái Quỏc và tò mò thích đọc. Rồi cùng lớp học sinh thanh niên hồi đó có buổi tham gia cuộc tụ tập ném đá vào nhà hiệu bán vải của dân tư sản Ấn Độ da đen (do ức hiếp đánh các cô gái ở thôn quê ra thành phố làm đầy tớ cho cửa hiệu) ở đường Albert Sarraut. Một ngày tháng 4-1941 tôi theo cùng bạn bè lớp học “bãi khóa”, bỏ học, đi lên cổng chốt tham gia tụ tập chống việc xử bắn “Đội Cung”. Những ngày sau bị bọn phòng nhì “2e bureau” đến lớp dọa nạt, nhưng các thầy đã có ác cảm với “đầy tớ Tây”, cũng lờ đi cho qua chuyện.

        Tốt nghiệp với bằng thành chung “Diplome”, tôi bắt đầu chạy xin việc làm. Trong buổi giao thời “Pháp - Nhật” nên khó kiếm nghề nuôi thân. Tôi định lên dạy một trường tiểu học tư ở Nghĩa Đàn, bắt tay vào nghề mà bạn học lúc đó gọi là nghề “godautre” (gõ đầu trẻ). Nhưng cha mẹ tôi sợ “vùng rừng núi nước độc” chưa cho đi. Tôi lại tham gia vào “hội truyền bá quốc ngữ” và dạy ban đêm một lớp “bình dân học vụ” ở một ngôi chùa gần cầu Cửa Tiền.

        Vào một buổi sáng đầu tháng 4 năm 1945, tôi về nhà thấy một tờ báo của Mặt trận Việt Minh (Nghệ An) in bằng tay, không biết ai quẳng trên màn ở chiếc phản tôi ngủ, gần đường hẻm qua nhà. Tôi lén lút đọc thấy hay và giấu kín. Rồi sau đó vài ngày, tôi nhận được tiếp mấy tờ báo nữa. Từ đó tôi được bạn bè rủ đi tham gia đội tự vệ của xóm, vào “đội thanh niên cứu quốc” của Việt Minh. Do có trình độ văn hóa hơn thanh niên trong xóm, nên tôi được cử làm đội trưởng đội tự vệ xóm Yên Giang, cùng hăng hái tham gia đội bóng đá của xóm, buổi tôi đi dạy bình dân học vụ. Rồi đến một buổi sáng tháng 8 năm 1945 (23/8/1945) dòng người cuồn cuộn từ các làng ở nông thôn, ở chợ Tràng, già trẻ trai gái, tay cầm gậy, giáo, mác, vừa đi bộ vừa hô khẩu hiệu chống phát xít, vào thành phố Vinh. Đội tự vệ chúng tôi cũng tay cầm giáo mác gậy gộc cùng đoàn biểu tình đi qua Cửa Tiền vào tòa công sứ cũ của Pháp, vào thành nội. Nha Giám binh, kéo qua các đường phố Vinh (Boulevard Destenay, Marechal Foch...), xuống nhà máy Trường Thi, Bến Thủy, ... Ngày hôm sau cả thành phố treo cờ đỏ sao vàng, dự lễ ra mắt của chính quyền cách mạng mới thành lập (do ông Tài làm chủ tịch...). Các buổi tối đến các nhà tư sản lớn nghe đài phát thanh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (các chủ nhà đặt máy phát thanh ngoài cửa cho dân nghe) và tụ tập ở ngã Ba chợ Vinh nghe diễn thuyết, cùng nắm tay phải qua đầu hát các bài ca Cách mạng (Diệt phát xít...).

        Trong tiểu đội lúc này chỉ có gậy gộc, đại đao tự rèn, tôi và một vài đồng đội đêm đến trại hiến binh Nhật (chiếm đóng ở cửa hiệu Gô Đa) nhặt trộm các xắccốt, ghệt da, kiếm cũ của quân Nhật để lại về trang bị thêm cho tiểu đội. Cũng từ đó đội tự vệ cứu quốc của chúng tôi bắt đầu công khai hoạt động, chiều nào cũng vừa đi “một, hai” vừa hát “Tiến quân ca”., lên Cồn Đền tập quân sự.

        Có đêm đi tập trận giả với gậy tre vót nhọn và đại đao, nằm ép sát bờ sông Cửa Tiền, tập đánh chiếm lại tòa công sứ cũ (nay là cơ quan ủy ban Cách mạng).

        Từ một học sinh thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị, sống ở xóm ngoại ô thị xã Vinh, học hành không được liên tục, nhưng nhờ các ông chú, ông cậu và họ hàng giúp đỡ, chỉ học tốt nghiệp được bằng thành chung. Trong phong trào Cách mạng được giác ngộ và đi theo con đường cứu quốc để giành độc lập tự do. Từ một học sinh vào đời trong đoàn thanh niên cứu quốc, đội tự vệ chiến đấu thành Vinh, rồi gia nhập vào hàng ngũ quân đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 11:58:56 am »

        
*

*       *

        Ngày 1 tháng 9 năm 1945, tôi gia nhập Quân chính cục, trụ sở đóng trong một nhà tư sản ở cổng Chốt, đồng chí Trần Văn Quang làm Quân chính Cục trưởng, sau đổi tên thành Vệ Quốc quân. Do nhu cầu trang bị cho bộ đội, tôi được chuyển sang một đội sản xuất lựu đạn do anh họ tôi là Phạm Mỹ Vinh làm quản đốc, binh công xưởng đặt trong nhà thờ Xã Đoài (bắc thị xã Vinh).

        Mấy tháng sau, tôi ngồi xem một công nhân lắp lựu đạn do không hiểu về kỹ thuật, sơ ý làm tụt cò lựu đạn, bị nổ đứt lìa cánh tay, còn tôi được gọi về lại Cục Quân chính. Với tính tò mò hòng đem kinh nghiệm ấu trì của mình nhồi thuốc súng để làm lựu đạn tặng đội tự vệ cũ của mình, bị cháy bỏng mặt, tay chân, phải nằm bệnh viện Vinh mất một tháng. Ra viện một thời gian tôi được giới thiệu đi học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa một ở Sơn Tây, với tiêu chuẩn lúc đó là một học viên phải có bằng Thành chung trở lên.

        Vào đầu năm 1946, tôi từ giã gia đình, lần đầu tiên xa quê hương lên tàu hỏa ra Hà Nội để nhập học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa một ở Sơn Tây.

        Thê là một cuộc sống mới lại bắt đầu! Một học viên của trường Võ bị chính qui đầu tiên của quân đội ta. Được rèn luyện 6 tháng trong một trường quân sự cách mạng, trước đây là trường sĩ quan cũ của quân đội Pháp, với những khu học xá đẹp trên một ngọn đồi ở ngã ba tỉnh lỵ Sơn Tây đi lên khu quân sự Tông (Hòa Lạc), do ông Hoàng Đạo Thúy làm Giám đốc và ông Trần Tử Bình làm Chính ủy.

        Tốt nghiệp trường Võ bị (cuối năm 1946) trong hoàn cảnh kháng chiến toàn quốc đã nổ ra. Chúng tôi được điều về Hà Nội vào một đêm mà trong thành phố đã có nhiều cuộc đụng độ quân sự. Tiếng súng, lựu đạn, pháo nổ khắp nơi. Sau đó, mỗi người chúng tôi được điều đi công tác ở các đơn vị tôi được điều về làm trung đội trưởng ở chi đội Đội Cung (sau này là trung đoàn 57 tiếp phòng quân) đóng quân trong doanh trại của quân Pháp cũ (gọi là Caserne Liautey) ở Bến Thủy, thị xã Vinh.

        Thời kỳ này Liên khu 4 chuẩn bị thành lập trường “Kháng chiến học hiệu”. Do được đào tạo từ một trường quân sự chính qui ra, một tháng sau tôi được điều động về khung trường “Kháng chiến học hiệu” đóng quân trong khu “thành nội” - thị xã Vinh để vừa bồi dưỡng cho cán bộ khung, vừa triệu tập học viên.

        Sau khi được thành lập, thầy trò “Kháng chiến học hiệu” hành quân lên đóng quân ở đồn khố xanh cũ ở xã Cát Văn huyện Thanh Chương để bắt đầu khai giảng. Nhà trường lúc đó chỉ có hai đại đội học viên do đồng chí Nguyễn Thanh Đồng, nguyên Chính ủy Liên khu 4 làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy. Có một cán bộ Trung Quốc tên là Trần Quang (nghe nói là một tiểu đoàn trưởng của giải phóng quân Trung Quốc ở Hoa Nam, bị đánh dạt từ Quảng Tây sang) và hai cán bộ quân sự Trung Quốc khác làm huấn luyện viên trường ở cấp đại đội, tôi làm trung đội trưởng huấn luyện một trung đội học viên.

        Là một huấn luyện viên được nhận xét là khá ở nhà trường, nên tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 10 tháng 2 năm 1947 (thời kỳ này Đảng đã lui vào hoạt động bí mật) do đồng chí Lê Trung - Chủ nhiệm Chính trị hiệu bộ và đồng chí Lê Cần - Chính trị viên trung đội giới thiệu. Qua 3 tháng, Trường Kháng chiến học hiệu bế giảng, đầu năm 1947 tôi được điều động về làm Đại đội trưởng Đại đội 83, tiểu đoàn 199 (sau này đôi phiên hiệu là tiểu đoàn 400) thuộc trung đoàn 103 Hà Tĩnh do đồng chí Tùng Lâm là Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Quang Minh là Chính ủy. Về làm đại đội trưởng với tuổi 20, dáng người thư sinh, trong khi một người đội khố xanh hơn tôi gần 10 tuổi làm quyền đại đội trưởng, phải hạ xuống làm đại đội phó, nên tôi bị thử thách nhiều với ông ta. Có lần ông rủ tôi cùng ông, hai người phi ngựa nước đại từ Chu Lễ lên Tân Ấp, xóm Cúc (gần biên giới Việt - Lào) hoặc trong những buổi thi bắn bia cùng đại đội. Nhưng dần dần tôi được anh em tín nhiệm và ông đại đội phó đó cảm phục.

        Đại đội cơ động nay đây mai đó, sống trong nhà dân trong tình cảm thắm thiết với đồng bào địa phương và sự chăm sóc chu đáo của các “bà mẹ chiến sĩ”. Mỗi lần đến làng dân mừng, mồi lần ra đi dân quyến luyến chia tay, tình cảm quân dân thắm thiết đúng như bài hát:

                “Các anh đi ngày ấy đã xa rồi

                Xóm làng tôi còn nhớ mãi...

                Các anh về tưng bừng trước ngõ

                Lớp lớp đàn con hớn hờ chạy theo sau,

                Mẹ già bịn rịn áo nâu

                Vui đàn con ở rừng sâu mới về..”


        Tình cảm quân dân như “cá nước”, tình nghĩa đồng đội cán bộ chiến sĩ chan hòa như anh em trong một gia đình. Rồi đến cuối năm 1947 tôi được đề bạt làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 400 (đồng chí Trần Mạnh Đàn làm tiểu đoàn trưởng, Mai Trọng Thường làm chính trị viên) và tiểu đoàn bắt đầu rời Hà Tĩnh vào Quảng Bình chiến đấu.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Năm, 2016, 09:23:18 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 12:01:32 pm »

        Được bắt đầu rèn luyện trong các trận chiến đấu từ các trận đánh đồn Ba Đồn (Quảng Trạch), chống càn ở Cự Nẫm (BốTrạch) rồi vượt Liên U, Ba Rền (trên dãy Trường Sơn) vào chiến khu Quảng Ninh (anh em gọi là chiến khu Ruốc, vì thức ăn chỉ toàn rau tàu bay hay rau khoai lang nấu với ruốc Quảng Bình). Tiểu đoàn hành quân tiếp vào chiến khu Rợn - Bang - Đan Quế (Lệ Thủy). Với trận đánh đồn Phú Hòa, bắt sông tên đồn trưởng Pháp.

        Tiếp sau đấy, một trận đánh đồn bằng binh vận là đồn Mỹ Trạch, tôi được cử đi bắt liên lạc với ông đội Thời, chỉ huy phó đồn Mỹ Trạch (đồn trưởng là người Pháp). Đi đêm từ chiến khu ra, từ rừng xuống đồng bằng, nhân mối đưa tôi vào một nhà bỏ hoang, báo ở đấy chờ đội Thời để ra bắt liên lạc, bàn việc binh biến giết chỉ huy và lính người Pháp để cướp đồn. Tôi và một chiến sĩ ngồi chờ suốt ngày, không thấy đội Thời đến, thỉnh thoảng thấy các toán lính cả Pháp và người Việt đi tuần qua lại ngoài hàng rào, bắn vài phát đạn “đum đum”, hai tiếng nổ “tắc bọp”. Tôi và một chiến sĩ đi cùng vào buồng ẩn nấp của nhà bỏ hoang, đến tối không bắt liên lạc được với đội Thời, lại trở về chiến khu Bang trong đêm đó. Ngày hôm sau nhân mối báo tin, sở dĩ đội Thời không ra gặp được vì do tên đồn trưởng người Pháp giữ lại trong đồn không cho ra làng và hẹn hai hôm sau đưa tiểu đoàn đến bao vây đồn vào 12 giờ đêm, chờ khi nào trong đồn lính Việt mở cửa và bắn chết tên đồn trưởng, lính Lê dương người Pháp, thì đơn vị xông vào chiếm đồn. Nằm ép sát đồn chờ mãi đến 3 giờ sáng vẫn không thấy động tĩnh gì, sợ trời sáng hành quân về đường đồng bằng bị lộ, phải lui quân; nhưng khi cả đơn vị vừa vào tới bìa rừng thì 5 giờ sáng nghe tiếng súng nổ trong đồn. Cả đơn vị đứng nhìn về đồn Mỹ Trạch tiếc ngẩn ngơ. Đến ngày hôm sau đội Thời cùng 3 lính chạy về chiến khu, bảo là phục mãi đến 5 giờ sáng mới tiếp cận được nhà ngủ của tên đồn trưởng Pháp, bắn súng vào nhà và rút chạy thoát thân.

        Thế là một trận đánh đầu tiên bằng binh vận không thành công, do hiệp đồng không chặt chẽ, kế hoạch không tỉ mỉ!

        Tiểu đoàn 400 cơ động chiến đấu hầu khắp các huyện trong tỉnh Quảng Bình trong hơn một năm, khi đánh tập trung cao là tiểu đoàn thiếu đại đội, thông thường đánh từng đại đội, nhiều trận cấp trung đội! có đánh phục kích, chống càn, tập kích đồn và một trận đánh binh vận. Từ chiến khu rừng núi chiều tối “bôn tập” đánh địch ở đồng bằng, địch hậu, sáng sớm lại lui quân về chiến khu.

        Một năm trước (1947) làm đại đội trưởng, tiểu đoàn phó, cơ động trong tất cả các huyện Hà Tĩnh (là một vùng tự do chưa có địch) chủ yếu là luyện quân và làm công tác dân vận. Bộ đội sống trong nhà dân, trong lòng dân, tình quân dân thắm thiết, trong những đêm tâm tình ngồi quanh rổ khoai lang nóng hổi, đọi cà muối và bát nước chè xanh.

        Hơn một năm (vào năm 1948) lăn lộn chiến đấu trong tỉnh Quảng Bình, địch tạm chiếm hầu hết đồng bằng, quân dân chính Đảng của ta ở chiến khu vùng núi rừng. Tiểu đoàn chiến đấu trong điều kiện xa dân, thiếu thốn vật chất, chủ yếu dựa vào khoai sắn, mì, tăng gia sản xuất tại chỗ. Thỉnh thoảng có cán bộ hay chị em phụ nữ lên họp, đèo cho bao gạo, túi mắm cá khô. Những tối về địch hậu hoạt động, chị em chèo thuyền từng tổ, từng tiểu đội, bí mật luồn về nông thôn ở địch hậu, trong không khí đầm ấm của các mẹ chiến sĩ, chị em Lệ Thủy (nơi gạo trắng nước trong) nhiều cô gái xinh đẹp trong bộ áo dài quần đen, tóc búi sau gáy, dúi cho bộ đội gói kẹo mè xửng, hộp kẹo bạc hà (Pastille Valda), bao thuốc lá Basto hay Cotab, với bữa cơm ngon, canh ngọt, cá tươi gạo trắng “thật tươi vô cùng!”. Những giọt nước mắt quyến luyến không rời tay nhau khi bước lên thuyền để trở về chiến khu.

        Hình ảnh cô gái Lệ Thủy từ đồng bằng gùi gạo lên chiến khu Rợn, qua khe suôi Bang bị pháo binh địch bắn tới, chết ngã giữa dòng suối, bao gạo chìm, túi ny lông bọc cá khô, gói kẹo trôi theo dòng nước cùng với màu đỏ của máu, thật cảm động và thương tâm biết chừng nào! Cho nên khi tiểu đoàn từ giã chiến trường Quảng Bình, hành quân ra đất Thanh Hóa, một buổi chiều trên đê sông Mã nhớ lại câu thơ:

                “Đất “Thanh” trông cảnh yên bình

                Không quên “Lệ Thủy” đang uỳnh uỳnh đạn bom.

                Lội suối “Bang” buổi chiều hôm

                Mảnh bom cắt đứt “mối tình bạn ta”.


        Người bạn gái xinh đẹp đầu tiên quê Lệ Thủy, đã không bao giờ còn gặp mặt lại nữa.

        Tiểu đoàn được lệnh hành quân trở về trung đoàn 103 Hà Tĩnh, rồi được điều động ra Thanh Hóa cùng một tiểu đoàn “của đại hội tập” Quân khu 4 (tiểu đoàn 353) và tiểu đoàn 375 (Quảng Bình) thành lập trung đoàn chủ lực đầu tiên của Liên khu 4 (đặt tên là trung đoàn Quang Trung, do đồng chí Tùng Lâm làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Kiện làm Chính ủy). Tôi được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng 400, đồng chí Trần Thanh Từ làm chính trị viên tiểu đoàn.

        Thế là qua 5 năm đầu trong quân ngũ, được sự bồi dưỡng của tập thể, rèn luyện trong thực tế, từ chiến sĩ tiểu đội tự vệ, chuyển thành cứu quốc quân, rồi chiến sĩ Vệ quốc quân, học viên trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, ra đơn vị làm trung đội trưởng, đại đội trưởng, trưởng thành trong chiến đấu lên tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng của một đơn vị chủ lực đầu tiên của Liên khu 4. Từ một thanh niên yêu nước được Đảng (Đảng Cộng sản Đông Dương) giáo dục trở thành một đảng viên (10/02/1947), rồi được bồi dưỡng, bầu làm Bí thư chi bộ, Bí thư Tiểu đoàn ủy và Đảng ủy viên Trung đoàn 9.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 12:19:33 pm »


Chương hai

CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

        1. Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn Quang Trung - Trung đoàn chủ lực đầu tiên cứa Liên khu 4

        Từ những ngày tiền khởi nghĩa, trang bị của tiểu đội tự vệ chỉ có gậy gộc, dao găm, 2-3 chiếc mã tấu, 1-2 cây gươm Nhật, quần áo tự do, tư trang riêng của từng người, ăn cơm nhà.

        Khi về làm Trung đội trưởng Trung đoàn 57 (Tiếp phóng quân) thì chính qui hơn, một tiểu đội có thêm 2-3 khẩu súng của Pháp để lại (mousqueton- Indochinois), ngoài ra có mìn giật dây, đại đao.

        Về làm đại đội trưởng, rồi tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 199 của một trung đoàn địa phương Hà Tĩnh (el03), thì trang bị đã khá hơn, một tiểu đội được 4-5 khẩu súng cũ, ngoài mìn, phóng lao còn có thêm bom ba càng. Đặc biệt trong đại đội có một khẩu súng máy 12,7 ly (anh em gọi là Đuxết), do tiểu đội trưởng Hồ Lý Nại giữ. Tôi còn nhở mãi tên họ và hình dáng của anh, một lính khố đỏ cũ được giác ngộ, tiến bộ, người to béo, ăn khỏe nhưng thiếu cơm nên lúc nào cũng kêu đói bụng. Một người hăng hái, chất phác, một mình vác cả khẩu “ Đu xết”, khi hành quân hay trong huấn luyện chạy băng băng, lại còn giúp đỡ anh em yếu mang theo bao ruột tượng gạo, ngô; có khi còn một tay giúp thêm anh nuôi xách sọt rau để được “ưu đãi” thêm cơm cháy. Thật đáng thương! Anh chiến đấu dũng cảm và đã hy sinh!

        Tháng 8 năm 1947, từ Quảng Bình khói lửa, tiểu đoàn được điều động ra Liên khu 4 ở Thanh Hóa, thành lập trung đoàn chủ lực đầu tiên của Liên khu 4 được Thiếu tưởng Nguyễn Sơn đến thăm hỏi, động viên và cung cấp trang bị tốt hơn. Cán bộ có bộ đồ thống nhất vải phin màu xanh (mua từ địch hậu Liên khu 3 ra), chiến sĩ có quần áo vải sợi to nhuộm màu xanh lá cây. Vũ khí súng trường tiểu đội được 5-6 khẩu, mỗi trung đội có thêm khẩu Badôca, có trung đội còn có thêm khẩu súng máy (Mácxim hay Brơnô).

        Tiểu đoàn 400 hơn các tiểu đoàn khác có 2 con ngựa hồng mang từ Hà Tĩnh ra (nghe nói trước đây trưng thu của đồn điền Chu Lễ). Tiểu đoàn trưởng với bộ quần áo xanh, mũ ca lô xanh đội nghiêng, lưng đeo khẩu súng ngắn (côn bát) thỉnh thoảng ngồi trên lưng ngựa hồng, thong dong bên bờ đê sông Mã! nhiều khi nghĩ lại cũng buồn cười!

        Trong thời gian đầu, Trung đoàn Quang Trung mới thành lập, trong cuộc vận động “rèn cán chỉnh quân”, cán bộ cấp tiểu đoàn trưởng được tập trung trong một ngôi đền ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nghe Thiếu tướng Khu trưởng Nguyễn Sơn giảng dạy các bài học quân sự (nuôi quân, cầm quân, cách đánh giặc...). Thời kỳ này tiểu đoàn trưởng được cấp một chiếc xe đạp Sterling mua ở địch hậu ra, học theo tác phong của Khu trưởng đi xe “cuốc” (ghi đông cong), đội mũ bê rê lệch... thỉnh thoảng sau mỗi buổi học, còn được đạp xe theo Khu trưởng về “Cầu Bố” (khi đó anh em còn gọi là Thủ đô kháng chiến của Liên khu 4) ăn uống trong một cửa hàng người Hoa kiều.

        Cuộc sống ở chiến trường gian khổ, nhưng tình thương yêu nồng thắm, ơ trên miền đất phía tây Quảng Bình khô cằn (như lời một bài thơ của Chính Hữu):

                “Nơi đây:

                ...đất cày lên sỏi đá...

                Áo anh rách vai,

                Quần tôi có vài miếng vá

                Miệng cười buốt giá

                Chân không giày

                Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...”

        Ra đất Thanh Hóa, “vựa lúa của Khu 4” (vùng tự do, địch chưa chiếm đóng), những ngày đầu sướng thật! “Rèn cán, chỉnh quân”, huấn luyện bộ đội xong, tiểu đoàn lại bước vào chiến đấu ở Nga Sơn, Mai An Tiêm, vùng ven Phát Diệm. Cuộc thử lửa đầu tiên của trung đoàn chủ lực đầu tiên của khu 4. Vào giữa năm 1948, với những trận đánh địch trên núi đá, những đồn bốt ở đồng bằng trống trải không đạt được thắng lợi gì to lớn, nhưng cũng gây tiếng vang của một trung đoàn chủ lực, buộc địch phải rút một số đồn bốt ở Nga Sơn, bảo vệ trọn vẹn vùng tự do của tỉnh Thanh Hóa.

        Sau những trận ra quân đầu tiên của trung đoàn, Tiểu đoàn 400 cùng các đơn vị trong Trung đoàn lui quân về đóng ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Tiểu đoàn đóng quân từ Bồng Trung, Vĩnh Lộc, khu vực bến phà Kiêu được nhân dân đón tiếp niềm nở đoàn quân chiến thắng trở về! Các đoàn thể, chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi đến thăm hỏi các anh, các chú bộ đội, với các thùng kẹo, bánh, “chè lam Phủ Quảng” nối tiếng đất Thanh Hóa.

        Nghỉ ngơi tổng kết kinh nghiệm những trận đánh vừa qua, thu đông 1949 tiểu đoàn lại cùng các đơn vị trong trung đoàn hành quân theo đường Vĩnh Lộc - Cẩm Thủy vượt đèo đá sang đất Hòa Bình để tham gia “Chiến dịch Lê Lợi” do đồng chí Hoàng Sâm Tư lệnh Liên khu 3 làm chỉ huy trưởng chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn (nguyên Trung đoàn trướng Trung đoàn 209) làm phó. Trung đoàn Quang Trung chiến đấu ở nam sông Đà, Trung đoàn 209 ờ Bắc sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình - Phú Thọ để mở thông đường vận tải Nam - Bắc từ Thanh Hóa (Liên khu 4) qua Hòa Bình (Liên khu 3) lên Việt Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 12:23:15 pm »

        Trên đường hành quân, tôi bị lên cơn sốt rét nặng, sốt 40 độ, phải nằm nghỉ tại trạm xá ở thị trấn Cẩm Thủy. Trong đêm đó một cô y tá ngồi bên cạnh đống lửa, bóp trán, săn sóc suốt đêm. Sau khi cho tôi uống mấy viên thuốc vàng và tiêm thuốc quinacrine. Mờ sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy cô y tá thức suốt đêm nằm ngủ trên chiếc chiếu góc phòng, tôi lặng lẽ kéo cậu liên lạc dậy, mang balô ra đi đuổi theo kịp bộ đội, không một lời từ biệt cảm ơn và cũng không biết tên tuổi. Qua ánh lửa lờ mờ lúc tôi đang trong cơn sốt mê, chỉ nhớ cô gái mặt bầu bầu, trắng trẻo, giọng nói thỏ thẻ tiếng Huế.

        Tiểu đoàn hành quân qua một bản người Mường thuộc đất Cẩm Thủy, vượt đèo núi đá sang đất Hòa Bình đế vào tham gia chiến dịch với những trận đánh đầu tiên được giao là đánh 2 đồn “Khống”, “Khạng” ở biên giới hai tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình, rồi tiến ra diệt đồn Tử Nê trên đường 12 Hòa Bình. Hành quân đường dài khá vất vả, vai mang nặng, leo đèo đá, đầu người sau đụng chân người trước, trời mưa leo lên trượt xuống, từng bước một, vượt qua “đồi cọ”. Dũng Quí, đại đội trưởng Đại đội 83, một thanh niên đẹp trai dũng cảm, một “cây văn nghệ” của tiểu đoàn (sau này là Tiếu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng 400), đẩy vai tôi đi trước (vì tôi mới ốm dậy) và ngâm thơ động viên bộ đội, cao giọng:

        “Đèo Cọ cheo leo,

        Mỏm núi hiểm nghèo

        Anh ơi! Gớm đá tai mèo đau ghê!

        Mồ hôi đổ giọt dầm dề

        Bàn chân sưng đỏ tái tê

        Nhưng ta mơ đồn Tử Nê

        Sẽ tan như xác pháo !

        Lập công đầu trong chiến dịch họ Lê (Lê Lợi)...

         ...Hờ lơ...Hò lờ!..."


        Thế là mọi người vang tiếng cười, tiếng hò, hăng hái vượt lên, không kể mỏm đá nhọn, đèo cao.

        Tiểu đoàn đánh xong đồn “Khống”, “Khạng”, vượt qua đường 12 đánh đồn Tử Nê thì quân địch rút bỏ chạy, được lệnh trên cơ động xuống phía Đông theo đường 12 vào đánh đồn Chiềng Vang (thuộc huyện Vụ Bản), một bản lớn do tên phía tạo chỉ huy, có đồn trưởng người Pháp, trong một đêm chiên đấu, lần đầu tiên được trung đoàn cho phối hợp một phân đội súng phóng bom trợ lực. Từ trên đồi cao nhìn xuống đồn, phóng được 3 quả bom, 2 quả trúng vào đồn, một quả rơi ra ngoài hàng rào. Hết bom, dùng súng 12,7 ly bắn chĩa xuống đồn, xung kích leo thang vượt rào tre chông nhím (lúc đó chưa có bộc phá), không mở hàng rào vào chiếm đồn được. Địch bắn côi 81 ly lên đồi, đồng chí trung đội trưởng chỉ huy súng phóng bom ngồi hầm kề tôi bị hy sinh. Đến trời sáng bộ đội ta phải rút lui. Nhưng sáng hôm sau, địch ra xem thấy hố bom lớn, vì lần đầu tiên ta sử dụng súng “phóng bom”, nên sợ quá cũng phải phá đồn rút chạy vào rừng.

        Thế là đường 12 từ thị xã Hòa Bình đến huyện lỵ Vũ Bản không còn địch. Phía nam sông Đà được giải phóng, nối liền từ thị xã Hòa Bình (thuộc Liên khu 3) sang Cẩm Thủy, Thanh Hóa thuộc Liên khu 4, mở thông đường hành lang vận chuyển từ Khu 4 qua đồn Vàng, Vũ Ẻn, Lâm Thao - Phú Thọ lên Việt Bắc. Sau chiến dịch Lê Lợi, tiểu đoàn cùng các đơn vị trung đoàn Quang Trung lại được lệnh lui quân về hậu phương Thanh Hóa, đóng quân trên đất huyện Thọ Xuân, chuẩn bị tham gia thành lập Đại Đoàn 304, đại đoàn chủ lực thứ hai của Bộ Tổng Tư lệnh vào tháng 3 năm 1950.

        Tiểu đoàn 400 lại bước sang một thời kỳ mới, bước lên hàng ngũ của một binh đoàn chủ lực chính qui của quân đội, trong cuộc kháng chiến từ giai đoạn “cầm cự” chuẩn bị chuyển sang giai đoạn “phản công”. (Theo phương châm chiến lược xác định lúc bấy giờ).
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Năm, 2016, 09:24:26 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:26:28 pm »

        Tiểu đoàn 400 của Trung đoàn 9 Đại đoàn 304 chủ lực của Bộ Tổng Tư Lệnh

        Sau Đại đoàn 308, Đại đoàn 304 là binh đoàn chủ lực thứ hai của Bộ Tổng Tư lệnh được thành lập, do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm Đại đoàn trưởng và đồng chí Trần Văn Quang làm Chính ủy. Đại đoàn có 3 trung đoàn: Trung đoàn 66 Liên khu 3, Trung đoàn 57 của Nghệ An và Trung đoàn 9. Trung đoàn 9 lúc đó có Tiểu đoàn 375 từ Quảng Bình rút ra, Tiểu đoàn 353 thành lập từ Đại Hội tập Khu 4 và Tiểu đoàn 400 của Trung đoàn 103 Hà Tĩnh chiến đấu từ Quảng Bình ra làm nòng cốt xây dựng Trung đoàn Quang Trung (sau này đổi phiên hiệu là Trung đoàn 9 trong Đại đoàn 304).

        Tôi vẫn làm Tiểu đoàn trưởng, Bí thư Tiểu đoàn ủy và trung đoàn ủy viên Trung đoàn 9, đồng chí Đặng Tiệp - một trí thức hiền lành, tác phong cần cù, cụ thể, từng làm thư ký riêng cho đồng chí Vương Thừa Vũ, về làm Chính trị viên tiểu đoàn.

        Đại đoàn được thành lập, sau một thời gian xây dựng củng cố. Tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước sang giai đoạn mới, sau khi quân dân ta đã giải phóng vùng biên giới phía Bắc từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Đình Lập. Trung đoàn 9 được lệnh hành quân lên biên giới để tiếp nhận vũ khí mới do Trung Quốc viện trợ, tham gia thu dọn chiến trường ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng thời tăng cường làm công tác dân vận, trị an ở vùng mới giải phóng.

        Tiểu đoàn 400 là đơn vị hành quân đầu tiên. Tiểu đoàn bàn giao vũ khí lại cho đại đoàn để trang bị cho đơn vị khác, một tiểu đội chỉ mang theo 1-2 khẩu súng trường đế canh gác, trang bị dao, chủ yếu mang gạo, muối mắm để lên cung cấp cho bộ đội địa phương và đồng bào dân tộc ở biên giới.

        Đầu tháng 11 năm 1950, chúng tôi theo hướng đường đi chiến dịch Lê Lợi, nhưng không theo đường mòn, dốc núi, vách đá cũ mà theo đường cái rộng thênh thang đã được giải phóng, qua Kim Tân Nho Quan, dọc đường 12 lên Hòa Bình, vượt sông Đà, Đồn Vàng, Vũ En, Lâm Thao lên Sơn Dương - Bắc Cạn - Cao Bằng.

        Tiểu đoàn hành quân ngày đi, đêm nghỉ, rất hiên ngang hùng dũng, lá ngụy trang đầy người. Nhưng dọc đường, nhân dân, nhất là trẻ em cứ chê “bộ đội gì toàn gánh gồng, không có súng thì đánh chác gì được”! Chúng tôi đến các bản làng nghỉ đêm, dân đón tiếp không được niềm nở như khi làm nhiệm vụ chiến đấu, đóng quân ở vùng đông dân ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Thái độ dân ở dọc đường hành quân không nhiệt tình lắm, vì nhà chật chội mà gánh gồng, gạo mắm vừa ngốn ngang vừa hôi hám! Nên trong tiểu đoàn cũng có thanh niên tự ái đòi bỏ hàng ngũvề lại Thanh Hóa. Hành quân dọc đường số 3 từ Bắc Cạn lên Cao Bằng, gặp tù binh Âu - Phi lao động sửa chữa đường để cho xe ôtô đi lại. Tù binh Âu - Phi nhìn tiểu đoàn với con mắt ngạc nhiên, hơi khinh khỉnh. Vì có lẽ chúng thấy bộ đội gì mà nhếch nhác chỉ gánh gồng, không có súng mà lại đánh thắng chúng, những binh đoàn trang bị hùng mạnh! Nhiều tên thèm thuốc quá, gặp “đoàn quân gồng gánh” này cũng đứng nghiêm giơ tay chào “Capitaine-Cigarette” (Chào sĩ quan - Xin thuốc lá). Vừa hành quân xa, mang nặng, chân phỏng rộp, trước thái độ như thế, nhiều cậu văng tục “garét, garét, cái củ c...”.

        Tới thị xã Cao Bằng, anh em được Ban Quân quản cho nghỉ ngơi, tôi tới gặp đồng chí Trần Đàng Ninh (lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) đang ở một bản ngoại ô, chỉ đạo công tác ổn định vùng giải phóng và quan hệ với Trung Quốc đê nhận hàng viện trợ.

        Tôi báo cáo tình hình tiểu đoàn và xin nhận nhiệm vụ, đồng chí Trần Đăng Ninh nói: “Các cậu ở khu 4 lên đây, hành quân xa mệt nhọc thế, nhiệm vụ tiếu đoàn bây giờ là nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe...” và đồng chí chỉ thị cho một cán bộ bảo dùng chiến lợi phẩm bồi dưỡng cho anh em.

        Được cấp phát đầy đủ, ngoài gạo, thịt tươi, vịt Hòa An, lại rất nhiều thùng đồ hộp (nào thịt hộp, cá hộp, đường, sữa, lại có cả kẹo sôcôla, cacao, thuốc lá, rượu Tây nữa...), cán bộ, chiến sĩ bao nhiêu mệt nhọc, ấm ức gần nửa tháng đều tiêu tan hết. Nhiều thanh niên gặp các cô gái Tày, gái Nùng mập mạp trong bộ quần áo xanh thẫm, càng nổi lên làn da trắng mịn với đôi má ửng hồng, lại càng mê tít, thì thầm với nhau: “đẹp hơn các o Khu Tư ta”. Có cậu đáp lại “rứa thì mi xin tiểu đoàn trưởng ở lại đây luôn, đừng quay về Khu Tư nữa”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:28:26 pm »

        Một tuần sau tiểu đoàn tiếp tục hành quân qua Quảng Uyên, vượt đèo Mã Phục lên thị trấn Trùng Khánh (giáp biên giới Trung Quốc). Hàng đêm nhận các thùng súng đạn của quân giải phóng Trung Quốc chở xe ôtô sang. Bộ đội khuân vác vào các kho dự trữ trong hang đá và được cấp phát đủ các loại súng theo tiêu chuẩn trang bị của một tiểu đoàn, đủ súng trường Thất cửu (7.9), tiểu liên K50, trung liên, đại liên, súng cối 60-81 ly, thắt lưng, bao đạn da đầy đủ, lại cả quần áo xanh lá mạ vải Tô Châu, có chiến sĩ người nhỏ, mặc thùng thình nhưng vẫn ưng ý. Mọi người phấn khởi, trút hết gánh nặng ưu tư vừa qua. Sau đó được lệnh hành quân theo đường số 4 qua Đông Khê, Thất Khê và Lạng Sơn. Qua cầu Bản Trại, nhiều cô gái Nùng nhìn theo và bấm nhau cười khúc khích, làm nức lòng chiến sĩ, đôi chân rảo bước càng mạnh, nhưng lại muốn đi chậm, vừa đi vừa ngoái cổ nhìn lại.

        Tới thị xã Lạng Sơn đông người, dân đón tiếp rất nồng hậu, tưởng là quân đã tham gia chiến dịch giải phóng biên giới, đánh bại các binh đoàn lê dương sừng sỏ của Âu - Phi (Lơ Pagiơ - Sáctông); có biết đâu đây là đội quân gồng gánh đi tiếp nhận vũ khí, mới “thay da đổi lốt”!

        Sau một thời gian ngắn làm công tác dân vận và bảo vệ trị an vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn, tiểu đoàn được lệnh hành quân về xuôi. Được trang bị vũ khí đầy đủ, trên đường hành quân, có đoạn đi bộ, có đoạn được đi nhờ ôtô về Tuyên Quang vào tháng 1 năm 1951.

        Một ngày ghi nhớ mãi suốt đời của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 400, cũng như cả Đại đoàn 304 là chiều tốì ngày 28 tháng 1 năm 1951, tại một khu rừng cà phê ở Tuyên Quang, tiểu đoàn trong đội hình toàn đại đoàn được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, tiểu đoàn trưởng được ngồi bệt xuống đất hàng đầu nhưng cũng không nhìn rõ mặt Bác, vì trời đã mờ tối, ánh lửa củi đốt hai đầu bập bùng khi sáng khi mờ, ai nấy im phăng phắc khi Bác giang hai tay gạt xuống, ra hiệu ngồi im lặng và tôi nghe được câu đầu:

        “Hôm nay cha đến thăm con, Bác đến thăm cháu

        Không riêng là Chủ tịch nước đến thăm bộ đội...”


        Câu nói đó đậm tình thương bao la, tình cảm thắm thiết của Bác Hồ mà cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 304 còn ghi mãi trong tâm trí mình.

        Tôi chỉ nghe được câu nói đó của Bác, còn những lời nói tiếp sau của Bác, tôi cũng không nghe rõ và cũng không nhớ được gì, vì mắt cứ mải nhìn Bác từ đầu đến chân, ngồi xổm lên để nhìn cho rõ, rồi ngồi bệt xuống đất, cứ vỗ tay từng đợt theo mọi người...

        Sau ngày gặp Bác, Đại đoàn lại được lệnh hành quân cấp tốc xuống Vĩnh Yên đế tham gia chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Trung Du. Bộ đội mới được trang bị đầy đủ vũ khí nên khí thế sôi nổi, ai cũng hăm hở hăng hái ra trận. “Chân ướt chân ráo” mới hành quân đến tập kết ở một khu rừng gần Trạm Thản, Tam Dương. Nhận lệnh tối mai tiểu đoàn phải “bôn tập” (thuật ngữ khi đó gọi là chạy nhanh đến vị trí chiến đấu để tập kích địch). Tôi, tiểu đoàn trưởng và các đại đội trưởng, trung đội trưởng, một tiểu đội trinh sát đi ngay đêm đó để chuẩn bị chiến trường, cấp phó và chính trị viên ở lại chuẩn bị bộ đội, chiều hôm sau hành quân đến vị trí qui định. Chúng tôi, đội tiền trạm đi trước đến nghiên cứu trận địa phục kích đánh địch trên đoạn đường Vĩnh Yên đi Tam Đảo. Nhưng khi đó cũng chưa biết địch ở đâu, bạn quân ở đâu? sau khi phân chia khu vực bố trí, mỗi đại đội, trung đội đi nghiên cứu địa hình ở khu vực đơn vị mình sẽ bố trí. Tôi và một trung đội trưởng và một tố trinh sát, từ rừng thông ven đường cái đi xuống thị xã Vĩnh Yên thì gặp một toán địch, chúng vừa hô đứng lại vừa bắn tiểu liên liên tục, chúng tôi nằm sát xuống mặt đường, ruộng thấp hơn mặt đường nên đạn từng vệt sáng vọt qua đầu, chỉ có đồng chí trung đội trưởng nằm bên kia mép đường, khi nhảy sang bên này cùng chúng tôi không may bị một viên đạn xuyên qua bắp chân. Chúng tôi khi này cũng có súng tiểu liên băng tròn, nhằm theo vết ánh lửa của nòng súng địch bắn xôi xả lại. Trời tối đen như mực, hai bên không nhìn thấy nhau, chỉ dùng tiểu liên bắn vu vơ và ném vài quả lựa đạn. Rồi thấy địch dừng tiếng súng rút lui; chúng tôi cũng rút lui. anh em trinh sát lấy chăn vải mỏng mang theo khiêng đồng chí trung đội trưởng về trạm xá.

        Tồi hôm sau đội tiền trạm chúng tôi đón bộ đội vào vị trí. Đến nửa đêm nghe ở phía thị xã Vĩnh Yên đạn nổ khắp nơi, đặc biệt trên núi Đanh, quân ta đang tấn công dữ dội. Hôm sau, trong thị xã vẫn có tiếng súng lẻ tẻ suốt ngày có khi lại nổ dồn dập. Chờ một ngày không thấy địch đi qua, hôm sau tiểu đoàn được lệnh rút về vị trí cũ. Buổi chiều tôi trên đường về thì bị pháo địch trong thị xã bắn ra hướng tiểu đoàn đang hành quân. Chúng tôi đi sau bị pháo chặn trước đường đi, lần đầu tiên bị “pháo bầy” bắn dồn dập (batterie), tất cả nằm ép tại chỗ. Dứt tiếng pháo, chúng tôi lại theo tiểu đoàn hành quân về vị trí tập kết cũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:35:20 pm »

        Sau chiến dịch, tiểu đoàn lại hành quân về “quê cũ”, hậu phương Thanh Hóa đóng quân ở huyện Thiệu Hóa.

        Thời kỳ này có đoàn cố vấn quân sự quân giải phóng Trung Quốc sang giúp các đại đoàn chủ lực. Cố vấn Đại đoàn 304 là “Chu sư trưởng”, cố vấn Trung đoàn 9 là đồng chí Triệu, cố vấn Tiểu đoàn 400 là đồng chí Cát - một tiểu đoàn trưởng quân giải phóng Trung Quốc. Các đồng chí cố vấn Trung Quốc qua chiến tranh chống Nhật, chống Tưởng lâu dài gian khổ, đất nước mới được giải phóng hơn một năm, các đồng chí là những chỉ huy quân sự trong các binh đoàn “Nam Hạ” giải phóng Vân Nam, Quảng Đông, rồi sang giúp quân đội Việt Nam luôn. Khi đó với tinh thần quốc tế cao nên rất nhiệt tình, tích cực giúp đỡ tiểu đoàn trong huấn luyện và đi sát bộ đội trong chiến đâu. Chúng tôi bắt đầu học tập kinh nghiệm chiến đấu của giải phóng quân Trung Quốc, huấn luyện đánh “bộc phá liên tục”, mở hàng rào dây thép gai đồn bốt địch. Học chiến thuật “nhất điểm lưỡng diện”, lý thuyết quân sự của Lâm Bưu (đánh đồn tập trung binh hỏa lực vào điểm chủ yếu và có một hai hướng hỗ trợ”, với đội hình “tứ tổ nhất đội”, “đầu nhọn đuôi dài”. Phải nói là bước sang thời kỳ này được Trung Quốc viện trợ vũ khí mới, có cố vấn Trung Quốc giúp đỡ nên tiểu đoàn có tiến bộ lởn. Quan hệ giữa ta và bạn cũng tốt. Bác Hồ thường nhắc nhở: “Các chú nay có cố vấn, có “cố” thì phải chiếu cố vật chất, lo bảo đảm sức khỏe cho các đồng chí đó. “Cố” rồi thì phải “vấn” là phải lo hỏi han học tập bạn. Chỉ “cố” mà không “vấn”, không được. Ngược lại chỉ vấn mà không cố (chiếu cố) bạn cũng không được”.

        Sau một thời gian không đầy một tháng, Tiểu đoàn 400 trong đội hình đại đoàn hành quân ra Ninh Bình tham gia chiến dịch ở Hà Nam Ninh mang tên chiến dịch Quang Trung vào tháng 6 năm 1951. Trong chiến dịch, Tiểu đoàn 400 được đánh một số trận, cả trận công đồn như trận Bụt Nổi, chống địch phản công chi viện từ Phát Diệm lên đường 1, bao vây 2 ngày diệt cao điểm núi Sậu và phối hợp Tiểu đoàn Cô Tô, Trung đoàn 66 đánh tàu chiến địch trên sông Ninh Bình,... tiêu diệt đồn Bụt Nôi đã cắt đứt tuyến chiếm đóng các đồn bốt địch từ Phát Diệm lên khu vực đường sô 1, buộc địch phải đưa quân ở Phát Diệm lên giải vây, bị tiểu đoàn đánh chặn ở nam sông Yên Thổ. Trong trận này tiểu đoàn đánh lui cả một trung đoàn địch tiến công lên định chiếm lại đồn Bụt Nổi, nối liền tuyến đường Phát Diệm lên đường số 1. Địch bị tổn thất nặng, phải rút quân về Phát Diệm nhưng khuyết điểm của tiểu đoàn là không tiêu diệt gọn được địch. Một kỷ niệm rất buồn là trên tuyến ngăn chặn phía trước của tiểu đoàn, đồng chí Bính - Đại đội trưởng Đại đội 83, một thanh niên 20 tuổi, quê Hà Tĩnh, người khỏe mạnh hăng hái trong huấn luyện, dũng cảm trong chiến đấu, một cán bộ rất có triển vọng bị địch bắn thủng bụng trong lúc đang đứng lên chí huy đại đội giữ vững trận địa, khi địch sắp xung phong vào bờ tre ngăn chặn của bộ đội ta. Được tin, tôi và Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Thượng Hiền chạy lên tại chỗ xem xét, đồng chí Bính chỉ nắm tay tôi nói được một lời “Em chết mất anh ạ!”. Tôi nắm chặt tay đồng chí Bính, ngồi tần ngần không nói lên lời, không cầm được nước mắt, trong lúc đại đội phó tiếp tục chỉ huy bộ đội đánh lui đợt xung phong đầu tiên của địch. Đồng chí chính trị viên kéo tay tôi đứng dậy nói “Thôi ta trở lại vị trí chỉ huy đề phòng địch tiếp tục đợt tấn công khác”. Tôi bảo hai chiến sĩ thay nhau cõng đồng chí Bính đưa về trạm cứu thương và tôi lom khom theo bờ ruộng về Sở chỉ huy tiểu đoàn, trong lòng thương tiếc vô cùng một cán bộ trẻ tuổi gan dạ.

        Trận núi Sậu, một trận đánh tiếp theo ác liệt, khó khăn khác của tiểu đoàn trong chiến dịch; là trận đánh một đồn địch trên dãy núi đá cao nhất, không chế cả huyện Yên Mô và kiểm soát cả đoạn đường số 1, từ ngã ba Ghềnh ra thị xã Ninh Bình. Đồn núi Sậu lại đóng trên dãy núi cao nhất của dãy núi đá (núi Sậu). Tiểu đoàn đã thành công trong trận đánh núi Sậu mà trong quyển lịch sử của Trung đoàn 9 và của Đại đoàn Vinh Quang (tập 1) cũng đã nói đến. Tiểu đoàn dùng hai đại đội bố trí bao vây vòng ngoài, Đại đội 83 trang bị gọn nhẹ, chủ yếu là tiểu liên bao vây sát chân núi Sậu, chỉ có một đường dốc đá nhỏ bị hỏa lực địch kiểm soát. Các tổ mang các gói bộc phá nhỏ, lựu pháo, leo dốc đá thẳng đứng, trèo lên trượt xuống. Hai khẩu cối đặt ở chân núi đá bắn cầu vồng lên đỉnh đồn địch thì nhiều quả lăn xuống nổ lưng chừng núi. Phân đội trợ chiến leo núi đá khiêng lên được hai khẩu đại liên đặt được trên một đỉnh đồi đối diện, có tác dụng bắn sang đồn địch, nhưng đạn bắn vào vách đá tóe lửa cũng khó trúng địch. Cứ thể bao vây lấn dần lên. Sở chỉ huy nhẹ của tôi chỉ nấp được 5 người trong một hốc đá dưới chân núi. Suốt một đêm, hai ngày chiến đấu căng thẳng, pháo địch không có nơi nào bắn chi viện tới, chỉ có máy bay (Hencát) bay vòng đi vòng lại nhưng không dám thả bom vì bộ đội đã áp sát, bắn súng đại liên trên máy bay xuống cũng không kết quả, thả mấy quả bom cháy (napan) thì tuột ra ngoài ruộng có một quả nổ trước hang đá sở chỉ huy tiếu đoàn. Không có cách cứu viện, sống trên núi đá không được ăn, thiếu nước, ta dùng loa kêu gọi, tối ngày thứ hai tất cả 48 tên địch trên đồn phải ra đầu hàng. Quân ta lên thu vũ khí, dẫn tù binh về trại tiếp nhận của đại đoàn.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM