Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:50:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh  (Đọc 25804 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:26:50 pm »

        Tôi ngồi xe ôtô con (xe kiểu Bắc Kinh do đồng chí San lái, đồng chí Bình bảo vệ) đi thẳng tới biệt khu thủ đô (nơi Sư 9 vừa chiếm đóng) để chuẩn bị Sở chỉ huy của Quân đoàn. Đầu tiên tôi cho bộ phận thông tin và tác huấn vào đặt tạm Sở chỉ huy tại nhà Thiếu tướng Lâm Văn Phát (Tư lệnh biệt khu Thủ đô) và cơ quan tư pháp của biệt khu để kịp triển khai thông tin bắt liên lạc với các đơn vị thuộc Quân đoàn. Tôi trao đổi với đồng chí Võ Văn Dần (Ba Hồng) - Tư lệnh Sư đoàn 9 chuyển đi nơi khác để toàn bộ cơ quan Quân đoàn bộ sẽ đóng ở Biệt khu thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) để Quân đoàn làm nhiệm vụ quân quản thành phố. Chiều và đêm 30 tháng 4 năm 1975 tôi ngồi chiếc xe con “Bắc Kinh” theo hướng dẫn của một chiến sĩ biệt động đã hoạt động nội thành đi bắt liên lạc với bộ phận đồng chí Tư Hiệp đang tiếp quản Dinh Độc Lập và các đơn vị khác của quân đoàn đã vào nội đô Sài Gòn. Buổi chiều thì dân ùn ùn đông nghẹt đi trên đường và các vỉa hè, cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (nửa xanh, nửa đỏ, sao vàng) đã được treo khắp trên các dãy phố hai bên đường, lính cảnh sát ngụy quyền đã tan rã bỏ chạy hết, thanh niên sinh viên Sài Gòn tự giác đứng các ngã ba đường làm nhiệm vụ điều khiển xe cộ, giữ gìn trật tự giao thông và ban đêm thì đường phố vắng tanh, vì dân chấp hành nghiêm chỉ lệnh giới nghiêm, thỉnh thoảng chỉ có vài xe quân sự đi lại, đèn điện vẫn rực sáng.

        Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, buổi giao ban đầu tiên của Bộ Tham mưu quân đoàn tại sở chỉ huy mới của Quân đoàn ở Biệt khu thủ đô để nắm tình hình thì Tư lệnh Hoàng Cầm và Chính ủy Hoàng Thế Thiện sau một đêm nằm ngủ tại Dinh Độc Lập tới. Từ đó sở chỉ huy chính thức của Quân đoàn 4 được thiết lập, phục vụ việc nắm tình hình và chỉ huy của ủy ban quân quản thành phố (Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Cầm là phó ban quân quan), các đơn vị Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ chính, quân quản thành phố...

        Đồng chí Thượng tướng Hoàng Cầm là một vị “tướng trận mạc”. Chỉ huy chiến đấu từ phân đội đến chỉ đạo chỉ huy binh đoàn chiến dịch. Một tướng lĩnh sống một cuộc đời giản dị, thân thiết với cán bộ cấp dưới, với chiến sĩ; thân mật, chân thành, thẳng thắn với bạn bè. Cuộc sống chiến đấu hơn nửa thế kỷ lăn lộn trên khắp các chiến trường ba nước Đông Dương, trên các mặt trận nóng bỏng nhất, với những chiến công lừng lẫy trong các trận quyết chiến “lịch sử”: chỉ huy Trung đoàn 209 Đại đoàn 312, tiến công chiếm sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ Cátxtơri (1954). Là Tư lệnh Quân đoàn 4 trong chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long (6/1/1975) giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Chỉ huy Quân đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào đánh chiếm các mục tiêu trọng điểm ở Sài Gòn thủ đô ngụy quyền (30/4/1975) và đến năm 1979 chỉ huy Quân đoàn 4 thọc sâu vào chiếm thủ đô Phnôm Pênh trong chiến dịch phản công chiến lược giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt.

        Đồng chí là một tướng chỉ huy có bản lĩnh kiên cường, sâu sát trong các trận đánh, bò vào sát hàng rào các căn cứ của địch, chiến đấu dũng cảm, để lại trên người nhiều thương tích...” Tình hình Sài Gòn được ổn định dần, cán bộ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc trở về và một số các ngành ở miền Bắc tăng cường vào, nên bộ máy chính quyền từ thành phố đến các cấp quận huyện, phường xã được củng cố, an ninh trật tự được đảm bảo. Cơ quan Quân đoàn được lệnh chuyển về đóng quân tại khu Sóng Thần (căn cứ của sư đoàn thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên), nhường căn cứ Biệt khu thủ đô cho Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

        Tại căn cứ Sóng Thần, ngoài các cơ quan quân đoàn bộ được bố trí ổn định dần, các lữ đoàn binh chủng cũng được củng cố doanh trại. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 cũng đóng quân trong các doanh trại cũ của quân đội Mỹ - ngụy ở Củ Chi và Bình Dương. Riêng Sư đoàn 341 tiếp tục ở lại thành phố Sài Gòn vừa làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, vừa bắt đầu chấn chỉnh tổ chức huấn luyện bộ đội.

        Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua tham gia các chiến dịch năm 1971, 1972 tôi được Chủ tịch nước tặng thêm một Huân chương Quân công hạng ba, một Huân chương Chiến công hạng nhất. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh 1976 được tặng thưởng thêm một Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì và một Huân chương Chiến công hạng nhất.

        Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy và các đồng chí khác trong Bộ Tư lệnh chiến dịch (các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa, Đinh Đức Thiện, Lê Đức Anh) và đồng chí Lê Đức Thọ đại diện Bộ Chính trị, đã chỉ đạo chỉ huy trận đánh quyết định kết thúc thắng lợi rực rỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài gian khổ, quyết liệt vô cùng oanh liệt của nhân dân và các lực lượng vũ trang ta, chúng ta đã hy sinh nhiều xương máu và của cải vật chất mới giành được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:29:04 pm »

        Công lao vĩ đại của nhân dân và các lực lượng vũ trang ta đã ghi thêm vào truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ giang sơn đất nước.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dẫn dắt nhân dân ta giành thắng lợi này đến thắng lợi khác trên con đường giải phóng dân tộc.

        Nắm vững tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đứng đầu là cố Tổng bí thư Lê Duẩn và Quân ủy Trung ương do đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bí thư, đã lãnh đạo tài tình, sáng suốt trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, nắm bắt thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm tổng tiến công chính xác, kịp thời, như điện của đồng chí Văn gởi các quân đoàn (7/4/1975): “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

        Công lao của đồng chí Võ Nguyên Giáp thật to lớn! Đồng chí là anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

        Đồng chí Võ Nguyên Giáp có tầm nhìn chiến lược rộng, có tài tổng kết nhanh. Đồng chí chỉ đạo về chiến lược nhưng rất chú ý đến công tác tham mưu.

        Nhiều mật điện đồng chí tự tay viết và góp ý kiến sửa chữa rất cụ thể cho cán bộ của Cục Tác chiến khi đưa các bản chỉ thị hay bức điện để thông qua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bí thư Quân ủy Trung ương.

        Trong chiến tranh, đồng chí chỉ đạo rất quyết tâm, táo bạo nhưng cũng cân nhắc kỹ tình hình, thận trọng, để giảm bớt thương vong cho cán bộ, chiến sĩ trong các trận đánh (như ý kiến đồng chí Trần Văn Trà khi phát biểu với một nhà báo).

        “Quyết tâm và chắc thắng”, “Quyết đoán và thận trọng”, đó là hai mặt không thể thiếu của người chỉ huy quân sự...”.

        Quân đoàn bước sang một thời kỳ mới, từ thời chiến sang thời bình, bắt tay vào xây dựng chấn chỉnh tổ chức theo biên chế mới, huấn luyện bộ đội theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu.

        Cán bộ tiểu đoàn trở lên, từng đợt tập trung ở quân đoàn do Bộ Tham mưu hướng dẫn học tập quân sự theo chế độ, có kiểm tra sát hạch, cho điểm, đã dấy lên một phong trào học tập sôi nổi.

        Trong căn cứ Sóng Thần, trước giải phóng địch tổ chức nơi cho binh lính ngụy theo đạo Thiên chúa và đạo Phật tới làm lễ, nhưng bị chúng phá tan hoang khi bỏ chạy. Bộ Tham mưu cho cải tạo thành một hội trường và một thư viện. Dãy nhà gia binh giữa hai nơi này được tu bổ thành một chiêu đãi sở và cũng là nơi cán bộ về ăn nghỉ học tập ở đó (gọi là A10).

        Theo chỉ đạo của Bộ Tham mưu, các đội quân nhạc, bóng chuyền, bóng đá được thành lập. Đội bóng chuyền phát huy truyền thống đến sau này đã trở thành một đội hạng A của toàn quốc, có năm giật giải vô địch. Đội quân nhạc được lựa chọn từ những người lính chiến đấu trẻ ở các đơn vị lên. Với các dụng cụ nhạc cũ, các kèn đồng nhặt trong kho và trong nhà thờ đạo thiên chúa, xây dựng trưởng thành đến nay, thành một đội quân nhạc có trình độ nhạc công khá, thường được các quận, các cơ quan đơn vị mời tới phục vụ trong các ngày lễ hội.

        Bộ Tham mưu Quân đoàn cũng phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong quân đoàn, tổ chức các cuộc biểu diễn, đồng diễn thể dục của các đơn vị, thi các khoa mục thể thao và tổ chức duyệt binh trong các ngày lễ, tại một sân vận động do công binh Quân đoàn xây dựng.

        Bộ Tham mưu cũng chủ trì tổ chức hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ chí Minh do Bộ Tư lệnh chỉ đạo, có đại biểu các tỉnh, Bộ Tư lệnh, Bộ Tham mưu Quân khu 7 và Thượng tướng Trần Văn Trà tới dự. Theo chỉ đạo của Tổng cục Chính trị và Đảng ủy Quân đoàn, Bộ Tham mưu Quân đoàn tổ chức Đại hội Đảng bộ, bầu Đảng ủy Bộ Tham mưu và tôi lại được cử làm Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Quân đoàn.

        Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, chuẩn bị đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Đảng bộ Bộ Tham mưu Quân đoàn tiến hành đại hội Đảng, tôi được bầu vào đoàn đại biểu của Đảng bộ với số phiếu cao nhất (100%) Tiếp sau đó tiến hành đại hội đảng bộ Quân đoàn và tôi cũng được bầu đi dự đại hội Đảng bộ toàn quân ở Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Năm, 2016, 05:34:42 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:32:04 pm »


        Đi học ở Học viện quân sự Vôrôsilốp Liên Xô


        Giữa năm 1976, quan hệ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Liên Xô, tiếp tục thực hiện các hiệp định sau chiến tranh, quân đội ta lại cử một đoàn cán bộ cao cấp sang học ở Học viện Vôrôsilốp (Matxcơva). Đoàn gồm 10 cán bộ cao cấp do đồng chí Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên làm trưởng đoàn, đồng chí Hoàng Minh Thi - nguyên Chính ủy Quân đoàn 1 làm phó, còn có các đồng chí Thiếu tướng Thái Dũng - Giám đốc Trường Sĩ quan Lục quân 1, các Đại tá Mạnh Quân - Cục trưởng Cục Quân huấn, Tống Trần Thuật - Phó cục trưởng Cục Quân báo, Anh Đệ - Cục trưởng Cục Quân lực, Sùng Lãm - Tư lệnh phó Quân khu 4, Kim Tuấn - Tư lệnh Quân đoàn 3. Quân đoàn 4 được cư hai người là đồng chí Bùi Cát Vũ (Ba Vũ) - Phó Tư lệnh và tôi Tham mưu trưởng Quân đoàn (bây giờ có 7 đồng chí đã mất là các đồng chí: Kim Tuấn hy sinh trong chiến đấu, đồng chí Hoàng Minh Thi trong một tai nạn máy bay trực thăng, các đồng chí Thái Dũng, Anh Đệ, Mạnh Quân, Ba Vũ và đồng chí Hoàng Minh Thảo đã từ trần vì bệnh, 3 người còn sống).

        Đoàn ra đi bằng xe lửa với bốn người một phòng, qua Bắc Kinh, Ulanbator Mông Cổ đến ga Matxcơva, được đại diện của Học viện ra đón đưa về nghỉ ở nhà khách Bộ Quốc phòng (chân đồi Lê Nin). Nhà có 11 tầng, mỗi đồng chí một phòng với thiết bị đầy đủ, nhưng ăn tại phòng ăn của khách sạn. Sau năm ngày, đoàn thấy từ chỗ nghỉ tới Học viện phải đi lại bằng ôtô đường xa, cái chính là mỗi ngày tiền ăn hơn hai rúp (trong khi đó lương chỉ có 90 rúp), lấy lý do “cơm Tây” không hợp khẩu vị, đoàn xin về một chiêu đãi sở của Học viện, một tầng lầu, gần Học viện đi lại chỉ mất có 5 phút. Mỗi buổi chiều đi học về, cá nhân hoặc tổ hai ba người cắp cặp ra phố vào cửa hàng lương thực mua bánh mì, thịt sữa... về nhà có bếp điện tự nấu ăn, có đồng chí còn mang theo cả mì tôm, nước mắm, bánh đa nem làm chả giò... Mỗi ngày ăn không hết một rúp, tiền thừa còn để mua quà về nhà, phổ biến mỗi người có một nồi áp suất...

        Sinh hoạt ở một nước xã hội chủ nghĩa thời đó còn chế độ bao cấp, hàng hóa dồi dào, thật thỏa mãn sau bao nhiêu năm chiến tranh gian khổ. Quan hệ bạn bè trong quân đội và với dân Nga thật hữu nghị, thân mật, đối với chúng tôi đại diện cho một quân đội chiến thắng sau chiến tranh lần đầu tiên được sang học tập ở Liên Xô (tuy rằng trong chiến tranh cũng có nhiều đoàn sang học).

        Về nội dung học tập cũng dễ tiếp thu, vì chương trình học tập, bạn có sang nghiên cứu chiến trường ở miền Đông Nam Bộ và vận dụng một phần vào đặc điểm địa hình và hoàn cảnh của quân đội ta. Tất cả các cán bộ sang học đều đã được tham gia các chiến dịch trong cuộc tổng tiến công nổi dậy và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với qui mô tác chiến 5 Quân đoàn hợp đồng binh quân chủng, nên cũng nắm bắt được những kiến thức lý luận khoa học quân sự hiện đại Xô Viết trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

        Bản thân tôi sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đã tham gia đoàn cán bộ quân sự Việt Nam đầu tiên qua học tập 5 năm ở Học viện quân sự Trung Quốc ở Nam Kinh. Bốn năm đầu chương trình học tập như ở học viện Frunae của Liên Xô, có cố vấn quân sự Liên Xô ở học viện, đến năm thứ 5 cuối cùng, Trung Quốc tiến hành chống “giáo điều chủ nghĩa”, cố vấn Liên Xô rút về nước, thì học tư tưởng quân sự Mao Trạch Đông và kinh nghiệm chiến tranh kháng Nhật, đánh Tưởng, kháng Mỹ viện Triều của Trung Quốc.

        Lần này, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, tôi cũng được cử vào đoàn cán bộ quân sự cao cấp đầu tiên sang học ở Học viện quân sự Liên Xô.

        Học tập ở Học viện quân sự Trung Quốc về lý luận rồi được áp dụng và rèn luyện trong thực tế chiến đấu ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng. Nay lại được sang học tập những lý luận quân sự của một nền khoa học quân sự tiên tiến và những kinh nghiệm mới về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nên tôi cũng tự thấy được mở rộng và nâng cao sự hiểu biết của mình lên một bước.

        Kết thúc lớp học, đoàn trở về Việt Nam bằng máy bay Tu154 từ Matxơva qua Bom Bay Ấn Độ về Hà Nội. Rồi chúng tôi mỗi người chia tay một ngả, về các đơn vị cũ.

        Đồng chí Ba Vũ và tôi lại trở về Quân đoàn 4.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Năm, 2016, 05:37:27 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 05:41:08 pm »

        Chống các cuộc tấn công quân sự của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari ở biên giới Tây Nam

        Tôi trở về lại tiếp tục làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4.

        Năm 1977, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary gây chiến tranh lấn chiếm biên giới, chiến sự ngày càng lan rộng suốt dọc biên giới Tây Nam từ Bù Đốp - Lộc Ninh - Tây Ninh đến Châu Đốc - Hà Tiên. Chúng tàn sát đồng bào ta, phá hủy nặng nề mùa màng, chùa chiền, nhà cửa, bắt nhiều trâu bò...

        Nặng nề nhất là các vùng Lộc Ninh - Xa Mát (Quân khu 7), dọc kênh Vĩnh Tế - An Giang và Hà Tiên (Quân khu 9). Các đơn vị chủ lực của quân đoàn vừa giảm chính biên chế, có đơn vị vừa phân tán đi làm kinh tế, phải trở về làm nhiệm vụ chiến đấu ngăn chặn địch xâm lấn biên giới và bảo vệ nhân dân.

        Địch ngày càng tăng cường lực lượng, đưa 21 sư đoàn trong tổng số 25 sư đoàn của chúng ra biên giới, từ các cuộc xâm lấn khu vực mở rộng thành một cuộc chiến tranh biên giới trên toàn tuyến Tây Nam của Tổ quốc.

        Cho nên Bộ Tổng Tham mưu sử dụng cả hai quân đoàn (Quân đoàn 3 và 4) vào chi viện cho các lực lượng địa phương bảo vệ biên giới. Phía tây bắc thị xã Tây Ninh do Quân đoàn 3 ra phòng thủ, trọng điểm là khu vực Xa Mát. Phía tây của tỉnh Tây Ninh do Quân đoàn 4 ra ngăn chặn địch ở khu vực Mộc Bài - Bến Sỏi. Quân đoàn 4 lại chuyển một bộ phận vào thời chiến, sử dụng Sư 7, Sư 9. Sư 341 đang đi làm kinh tế cũng trở về làm nhiệm vụ chiến đấu. Bộ đội lại trang bị theo biên chế chiến đấu. Bộ Tham mưu truyền đạt lệnh báo động chiến đấu của Bộ Tư lệnh trong một đêm, các đơn vị cơ động ra vị trí chiến đấu.

        Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn do Tư lệnh Hoàng Cầm và tôi, Tham mưu trưởng cơ động tạm thời ra chợ Bến Cầu gần cửa khẩu Mộc Bài để chỉ huy các đơn vị.

        Sau khi ngăn chặn địch mở rộng xâm lấn vùng Mộc Bài - Bến Cầu, Quân đoàn được sự đồng ý của Bộ Tổng Tham mưu mở cuộc phản công hạn chế sang đất địch ở Bavét 1-2 đến Chipu. Sau đó, được lệnh của Bộ lại rút quân ngay về phòng thủ bên biên giới đất ta.

        Khi quân ta mở cuộc phản công hạn chế sang đất Campuchia, mới biết rõ thực trạng tình hình đất nước Bạn. Cánh đồng bỏ hoang, nhà cửa tan nát, chợ búa không còn, chùa chiền bị phá, một số dân bị giết, trẻ em bị bắt đi lính. Khẩu hiệu gây căm thù Duôn (Việt Nam) dán khắp nơi. Khi bộ đội ta rút về, dân Campuchia đòi đi theo vì sợ Pôn Pốt sát hại, ta khuyên họ ở lại làm ăn, cho một số lương thực nhưng bộ đội đi trước thì dân nối đuôi, xe bò, vai mang tay nải đi theo sau. Hơn 4 vạn nhân dân Campuchia theo bộ đội sang Việt Nam, được ta làm nhà tạm, ở phía sau, cho lương thực, giao đất làm ăn, một số thanh niên được Quân khu 7 lựa chọn đưa về đào tạo ở Suối Râm trở thành các đơn vị vũ trang cách mạng Campuchia và những cán bộ cốt cán của chính quyền cách mạng Campuchia sau này...

        Ngăn chặn đánh địch xâm lấn ở Tây Ninh, lúc đầu cả Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 phạm sai lầm là dàn mỏng lực lượng be bờ. Hành động chiến thuật của địch là “địch tiến ta lui, địch lui ta đuổi, địch dừng ta quấy...”. Ta dùng sức mạnh pháo binh cấp tập thì địch rút, bắn vào chỗ trống. Có ý kiến phê bình là dùng búa đập ruồi. Ta bố trí nơi nào thì địch bu bám nơi đó. Về sau ta phải đánh vòng bên sườn và sau lưng địch thì bắt sống được địch hoặc chúng phải bỏ chạy tan rã. Nhưng vòng phía sau lưng địch thì thường bộ đội ta lại phải đánh sang đất Campuchia, mà trong thời điểm này về chính trị ta phải hết sức kềm chế.

        Có vòng sang đất địch thì lại phải nhanh chóng rút về ngay và xóa dấu vết. Không để chúng lợi dụng vu cáo ta xâm lược. Không lợi cho hoạt động của ta trên chính trường quốc tế, vì lúc này Việt Nam đã là một thành viên của Liên hiệp quốc.

        Tình hình ở biên giới Tây Ninh được tương đối ổn định thì tình hình ở Châu Đốc, Bảy Núi - Hà Tiên, địch lại hoạt động mạnh hơn, tiến sâu vào đất ta có nơi tới 10-15 kilômét. Ở Bảy Núi chúng chiếm cả một dãy núi Phú Cường, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức một mặt trận với lực lượng địa phương của Quân khu 9 và Sư đoàn 4 chủ lực Quân khu, tăng cường Sư đoàn 341 của Quân đoàn 4. Đồng chí Võ Quang Hồ, Cục phó Cục Tác chiến xuống truyền đạt mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng chỉ định đồng chí Trần Văn Nghiêm (Hai Nghiêm) Tư lệnh phó Quân khu 9 làm Chỉ huy trưởng và tôi Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 làm Chỉ huy phó mặt trận. Sư đoàn 341 và các đơn vị tăng cường của Quân đoàn cơ động bằng xe ôtô theo đường bộ. Đồng chí Võ Quang Hồ và tôi đi trực thăng xuống trước ở huyện Long Xuyên - An Giang, họp Bộ Chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ và bàn kế hoạch. Sau đó đồng chí Võ Quang Hồ trở về Bộ, đồng chí Hai Nghiêm và tôi cùng cán bộ sở chỉ huy mặt trận đi ôtô xuống Bảy Núi để triển khai chỉ huy Sư đoàn 4 Quân khu 9 và một số đơn vị binh chủng của Quân đoàn 4 tăng cường tấn công địch ở Phú Cường (Tri Tôn) là hướng chủ yếu. Sư đoàn 341 đánh địch ở Hà Tiên. Đồng chí Hai Nghiêm và tôi là hai người bạn thân thiết từ sau lớp chỉnh huấn chính trị ở Việt Bắc (1951), vác ba lô cùng về nhận công tác ở Cục Tác chiến (ở Chợ Chu, Định Hóa). Cho tới ngày hòa bình trở về thủ đô Hà Nội thì đồng chí Nghiêm là Cục phó, tôi là Trưởng phòng Tác chiến. Vào B2 Nam Bộ thì hai người cùng gặp nhau công tác ở Bộ Tham mưu Miền. Nay cùng nhau làm chỉ huy trong một Bộ chỉ huy mặt trận, vừa là bạn, là đồng chí, đồng đội tâm đầu ý hợp, cùng ăn một mâm, cùng ngủ một nhà, cùng chỉ huy chiến đấu.

        Sau khi diệt địch ở Phú Cường, đuổi địch lui về đất Campuchia bên kia kênh Vinh Tế, Sư đoàn 341 tăng cường cho Quân khu 9 ở lại hoạt động một thời gian, giải thể Bộ chỉ huy mặt trận, tôi và một số đơn vị tăng cường của Quân đoàn 4 trở về đội hình Quân đoàn ở “Sóng Thần”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:18:55 pm »


        Chuyển sang làm Tham mưu trưởng Quân khu 7 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam

        Địch vẫn tăng cường lực lượng và hoạt động quân sự ở vùng biên giới Tây Nam nhưng không xâm lấn được sang đất ta. Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước của Bạn đã được thành lập, Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia được phục hồi, một số tiểu đoàn của lực lượng cách mạng Campuchia được xây dựng, một số cán bộ cốt cán của Campuchia được đào tạo ở Quân khu 7, cùng một số chỉ huy từ trong hàng ngũ của Khơme đỏ (như ông HengXomRin, Hunsen), được móc nối đưa về bên ta. Ta và bạn nhất trí làm lại “cuộc cách mạng lần thứ 2” ở Campuchia, tổ chức lật đổ bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

        Trong thời gian này, trong một cuộc họp Đảng ủy Quân đoàn 4 ở “căn cứ Sóng Thần”, đồng chí Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến dự họp và sau đó phổ biển quyết định của Quân ủy Trung ương, đồng chí Tư Thanh - Chủ nhiệm chỉnh trị Quân đoàn 4 về làm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7. Tôi - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 về làm Tham mưu trưởng Quân khu 7. Đồng chí Tư Thanh và tôi còn được chỉ định là Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 7.

        Từ một đơn vị chủ lực của Bộ đứng chân trên địa bàn Quân khu 7, trở về một quân khu, địa bàn rộng gồm 6 tỉnh và một thành phố lớn với ba thứ quân, mà bộ phận lớn lực lượng đang triển khai hoạt động ở biên giới.

        Bộ Tư lệnh Quân khu 7 lúc này rất đông đủ và mạnh, đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, các đồng chí: Đồng Văn Cống, Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà), đồng chí Nguyễn Văn Bứa (Hai Bứa), đồng chí Lương Văn Nho (Hai Nhã) là Tư lệnh phó và đồng chí Nguyễn Thới Bưng (Út Thới) Tham mưu trưởng được đề bạt Tư lệnh phó khi tôi về làm Tham mưu trưởng, Phó Chính ủy có đồng chí Năm Thạnh, đồng chí Dương Cự Tẩm.

        Ở Bộ Tham mưu Quân khu 7 cũng có nhiều đồng chí từng là thủ trưởng cơ quan tham mưu Miền và các đơn vị chiến đấu trước đây của B2 như đồng chí Chín Như, Út Đặng, Năm Bích, Hiền Tràng là Tham mưu phó, tôi là Tham mưu trưởng mới được điều động tới.

        Vì tôi là Đảng ủy viên quân khu nên trong một cuộc họp hội nghị Đảng ủy mở rộng các đồng chí cử tôi kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Quân khu.

        Về Bộ Tham mưu vừa được khoảng 5 ngày, chưa nắm bắt được tình hình chung toàn quân khu thì đồng chí Tư lệnh Trần Văn Trà gọi tôi lên chuẩn bị báo cáo để làm việc với đồng chí Ba (đồng chí Lê Duẩn). Đi cùng ôtô của đồng chí Trần Văn Trà sang nhà họp của Bộ Chính trị ở T78, thì thấy đồng chí Lê Đức Anh (Tư lệnh Quân khu 9), đồng chí Bảy Sỹ (Tham mưu trưởng Quân khu 9) đã có mặt. Đồng chí Lê Duẩn nói: “Tôi đã nghe Quân khu 9 báo cáo tình hình rồi, bây giờ Quân khu 7 báo cáo đi”. Đồng chí Trà bảo tôi căng bản đồ báo cáo tình hình địch, tình hình bố trí phòng thủ lực lượng của Quân khu. Sau đó đồng chí Trà báo cáo ý định sắp tới về giúp bạn Campuchia xây dựng lực lượng và giúp bạn mở rộng địa bàn hoạt động, sang đặt căn cứ trên đất bạn, khi có lệnh của trên.

        Đồng chí Lê Duẩn trầm ngâm suy nghĩ, xem đi xem lại bản đồ bố trí địch trên biên giới Campuchia và Việt Nam, nhìn ngược lên phía Phnôm Pênh, sờ tay lên biên giới Campuchia - Thái Lan, như có ý nghĩ lớn trong đầu óc của đồng chí. Sau đó đồng chí vừa thoa thoa tay trên tấm bản đồ Campuchia vừa nói:

        “Được, các đồng chí cứ về làm như thế, tôi sẽ ra bàn với Bộ Chính trị...”. Khi ngồi xe trên đường về Quân khu, đồng chí Trà nói với tôi: “Hình như ông Ba đang có ý đồ gì lớn đấy”. Tôi cũng có cảm nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra.

        Công tác ở Quân khu thêm 4 - 5 ngày nữa thì đồng chí Trần Văn Trà lại gọi tôi lên bảo: “anh về chuẩn bị, chiều nay lên đây với tôi báo cáo với đoàn đại biểu quân sự Liên Xô vừa ở Hà Nội vào, về tình hình chiến tranh vừa qua ở miền Nam, địa hình thời tiết miền Đông, tình hình biên giới và lực lượng ta...”.

        Tôi hoảng quá, mình mới về Quân khu, chưa kịp nắm bắt tình hình, chưa biết “mô tê” gì mà lại phải báo cáo gấp với một đoàn quân sự cấp cao của Liên Xô (nghe nói là Tổng Tham mưu phó dẫn đầu), báo cáo không đạt, họ “vặn mình” thì sau sẽ bị Tư lệnh phê bình chê trách khi mới về nhận chức ở Quân khu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:24:33 pm »

        Cả trưa hôm đó tôi cặm cụi chuẩn bị, may cũng nắm được tình hình qua tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh (là vấn đề Bạn quan tâm nhất), tình hình địch hoạt động ở biên giới và lực lượng ta thì đã có “bài” chuẩn bị báo cáo với đồng chí Lê Duẩn trước mấy ngày. Đến 3 giờ chiều tôi lên gặp đồng chí Trà thì nghe nói là có 4 đồng chí Liên Xô, một Thứ trưởng quốc phòng. Khi đón đoàn Liên Xô chỉ có đồng chí Trà và tôi. Sau khi bắt tay vào làm việc ngay. Không có lời xã giao, không có giới thiệu (vì bạn mặc thường phục). Tôi báo cáo trong một tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng đồng chí Trà lại xen vào bổ sung thêm vài ý.

        Bạn ngồi nghe, những cán bộ đi theo thì ghi chép, đồng chí trưởng đoàn thỉnh thoảng gật đầu, khi thì nói “Đa! Đa” (Được, vâng), khi thì nói “Kharasô” (tốt), nên tôi càng tự tin, báo cáo suôn sẻ.

        Đó là hai lần báo cáo “với đồng chí Lê Duẩn và với Liên Xô”. Như hai lần thử thách, hai lần “ra quân đầu tiên” của tôi khi vào “ghế” Tham mưu trưởng Quân khu 7, không bị “vấp váp” gì, và trong cương vị công tác mới thấy thuận lợi. Khi gặp đồng chí Trần Văn Trà thấy vẻ mặt tươi cười, có lần gọi chụp ảnh chung, có lần đồng chí bảo cùng đi ra ăn tiệc ở nhà khách.

        Khoảng 20 ngày sau khi về nhận công tác ở Quân khu, thì tôi được lệnh tổ chức một sở chỉ huy nhẹ lên chỉ huy các đơn vị của quân khu đánh địch ở vùng Cà Tum, do đồng chí Nguyễn Thới Bưng (Út Thới) - Tư lệnh phó Quân khu làm Chỉ huy trưởng, tôi làm phó, phụ trách tham mưu, giúp tôi là đồng chí Út Đặng - Tham mưu phó Quân khu. Sau khi đánh địch rút khỏi Cà Tum, tôi đi cùng Sư đoàn 5 do đồng chí Chín Tùng, Sư đoàn trưởng và đồng chí Quang, Chính ủy sư đoàn và Sư đoàn 302 do đồng chí Nguyễn Văn Thược (Năm Thược) làm Sư đoàn trưởng, vòng lên đánh giải phóng MiMốt, mở đường móc nối một số cán bộ Khơme đỏ tiến bộ ở vùng 20, đồng chí Ngọc (cán bộ trinh sát Quân khu làm Bí thư cho đồng chí Lê Đức Anh) dẫn về tăng cường cho lực lượng cách mạng Campuchia. Giải phóng xong MiMốt, tôi đi trực thăng về Cà Tum bàn với đồng chí Út Thới chuyển sở chỉ huy sang Lộc Ninh để chuẩn bị tấn công lên hướng Snoul.

        Đồng chí Út Đặng được lệnh sang trước xây dựng cơ sở cho sở chỉ huy tiền phương. Tôi về doanh trại Quân khu ở Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình và kế hoạch tới cho Tư lệnh mới của Quân khu 7 là đồng chí Lê Đức Anh (khi này đồng chí Trần Văn Trà ra Hà Nội nhận chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

        Đến Sở chỉ huy mới ở bắc Lộc Ninh khoảng 10 km, đồng chí Út Thới và tôi vẫn đi với nhau, trực tiếp điều hành Sư đoàn 5 và Sư đoàn 302 từ Mi Mốt đánh sang ngã ba Snoul. Quân khu tăng cường thêm Sư đoàn 303 (do đồng chí Năm Hưng làm Sư đoàn trưởng) đánh vòng phía sau Snoul. Giải phóng xong Snoul, đồng chí Út Thới bị đau dạ dày phải ra Bệnh viện 108 mổ điều trị một thời gian, đồng chí Năm Ngà (Phó Tư lệnh) lên thay đồng chí Út Thới trực tiếp chỉ huy, tôi vẫn phụ tá cho đồng chí Năm Ngà và đồng chí Út Đặng vẫn giúp tôi làm công tác tham mưu. Thời gian này Bộ Tư lệnh lại cử thêm đồng chí Hồ Quang Hóa vừa được điều động về làm Tư lệnh phó Quân khu, lên tăng cường chỉ huy ở Sở chỉ huy tiền phương Quân khu.

        Ba sư đoàn của Quân khu và một số đơn vị binh chủng tiếp tục tiến công đẩy lùi địch về thị xã Kratie, tôi đề nghị đồng chí Năm Ngà điều thêm lực lượng, cả lữ đoàn pháo cao xạ, pháo binh của Quân khu lên tăng cường và tiếp tục tấn công vào thị xã Kratie. Bộ Tham mưu Quân khu do đồng chí Chín Như và đồng chí Năm Bích ở Sở chỉ huy cơ bản, điều động lực lượng lên nhanh. Chúng tôi tổ chức hiệp đồng bao vây tấn công thị xã Kratie, cao xạ Quân khu bắn rơi tại chỗ một máy bay (T6) của địch, tên phi công nhảy dù rơi vào rừng sâu, là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị bắn rơi và quân ta đánh chiếm thị xã Kratie, cũng là thị xã đầu tiên ở Campuchia được giải phóng.

        Cùng thời gian ấy, đồng chí Bảy Cống (quyền Tư lệnh Quân khu) lên phổ biến chủ trương mở chiến dịch phản công chiến lược của Bộ, giúp Bạn giải phóng Campuchia.

        Đồng chí Lê Đức Anh nguyên Tư lệnh Quân khu, nay làm Tư lệnh phó chiến dịch xuống Quân khu 9 để chỉ huy hướng tấn công phía Nam (gồm các đơn vị Quân khu 9 và Quân đoàn 2 + Lữ hải quân đánh bộ và tàu hải quân do đồng chí Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân chỉ huy). Đồng chí Lê Trọng Tấn - Tư lệnh chiến dịch phản công chiến lược lần này, trực tiếp chỉ huy Quân đoàn 4, Quân đoàn 3 và các đơn vị của Quân khu 7, các đơn vị binh chủng xe tăng, pháo binh, đặc công, máy bay của không quân, tấn công vào thủ đô Phnôm Pênh để giải phóng toàn bộ lãnh thổ Campuchia.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:30:17 pm »

        Giải phóng xong tỉnh Kratie, các đơn vị Quân khu 7 bắt đầu cùng các đơn vị bạn thực hành đồng loạt tổng tấn công. Hướng tây nam, lực lượng hải quân đánh bộ, đổ bộ chiếm hải cảng và thành phố Sihanoukville, Quân đoàn 2 và các lực lượng Quân khu 9 tấn công chiếm Takeo phát triển lên tây nam thủ đô Phnôm Pênh, vòng lên Pursat giải phóng vùng lãnh thổ phía tây nam Campuchia. Hướng đông bắc Campuchia, Quân khu 5 của ta với lực lượng 3 sư đoàn theo Đường 19 tấn công quân phản động Pôn Pốt, giải phóng các tỉnh đông bắc Campuchia Rattanakiry, Mônđunkiri, Stưngtreng đến Previhia. Hướng trung tâm là chủ yếu, Quân đoàn 4 do đồng chí Lê Nam Phong trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 7 thọc sâu bằng bộ binh cơ giới đánh chiếm tỉnh lỵ Soài Riêng, vượt sông Niêcluông, đánh chiếm thủ đô Phnôm Pênh. Sư đoàn 7 chiếm thủ đô Phnôm Pênh đã làm địch suy sụp nhanh chóng bị tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu quy định.

        Quân đoàn 3 tiến công chiếm Côngpông Chàm, Côngpông Chơnăng, Côngpông Thơm, phát triển theo đường 6 lên chiếm tỉnh lỵ Xiêm Riệp. Hướng bắc, các Sư đoàn Quân khu 7 không tổ chức vượt sông Mê Kông được để tiến lên đường 6 phối hợp với Quân đoàn 3, tiến công lên Xixôphôn và biên giới Campuchia - Thái Lan, mà phải vòng trở lại Côngpông Chàm, Côngpông Thơm lên Xiêm Riệp. Trung đoàn 16 của Sư đoàn 5 được tăng cường xe thiết giáp do đồng chí Đồng Văn Cống, Hồ Quang Hóa và tôi mang theo một xe thông tin cơ động, trong đêm vượt qua đội hình của Quân đoàn 3 ở Xiêm Riệp. Tôi có lại cầu Xiêm Riệp gặp đồng chí Khiếu Anh Lân - Tham mưu phó Quân đoàn và đồng chí Phú Chút cán bộ học viện quân sự làm phái viên của Bộ đi theo Quân đoàn 3, để hỏi tình hình. Sau đó cùng bộ phận đi đầu của Sư đoàn 5 tiến thẳng lên Xixôphôn trong ngày hôm sau (thời gian này đồng chí Lê Đức Anh xuống Quân khu 9, nên đồng chí Năm Ngà phải trở về Sở chỉ huy cơ bản của Quân khu 7 ở Thành phố Hồ Chí Minh thường trực chỉ huy).

        Đánh chiếm Xixôphôn, trong lúc một số lực lượng cơ quan Trung ương Khơme đỏ có Iêng Xary vừa rút chạy theo đường số 5 Phnôm Pênh - Pursat - Báttambang tới đây, để chạy sang Thái Lan. Cả đoàn xe này bị đánh tan rã bỏ rất nhiều ôtô đẹp, chạy bằng đường bộ sang Thái Lan và quẳng lại nhiều bó lớn hồ sơ tài liệu (trong đó có hộ chiếu của Iêng Xary).

        Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 7 đặt tại Xixôphôn, chỉ huy Sư 302 tiến lên chiếm Ốtđômiên Chay và sư đoàn 5 tiến về chiếm tỉnh lỵ Báttambang cùng sư đoàn 10 của Quân đoàn 3, có bộ phận phát triển về Pursat, phối hợp cùng lực lượng Quân khu 9 đánh lên.

        Giải phóng xong toàn bộ Campuchia, lực lượng Quân khu phụ trách các tỉnh Côngpông Thơm, Xiêm Riệp, Xixôphôn giúp Bạn củng cố vùng mới giải phóng, xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang. Thời gian này Sở chỉ huy tiền phương đặt ở Xiêm Riệp, đồng chí Đồng Văn Cống và Hồ Quang Hóa lại về Sở chỉ huy cơ bản và đồng chí Năm Ngà lên thay ở Sở chỉ huy tiền phương.

        Một thời gian sau, Bộ phân công lại khu vực phụ trách giúp bạn. Các lực lượng Quân khu 7 đảm nhiệm từ Xiêm Riệp trở xuống Côngpôngthơm nối liền XaMát và biên giới lãnh thổ Quân khu 7. Quân đoàn 3 phụ trách Báttambang, Xixôphôn, Ốtđômiênchay.

        Tôi lên Xixôphôn tổ chức rút trung đoàn 14 sư 5 bố trí từ Poipét - Xixôphôn, gặp đồng chí Quốc Thước (lúc này là Tư lệnh phó Quân đoàn 3) bàn giao địa bàn Xixôphôn - Poipét cho Quân đoàn 3.

        Tôi trở về lại Xiêm Riệp thì bị đau dạ dày chảy máu. Trong lúc đó đồng chí bác sĩ sang khám, tiêm Vitamin K cầm máu và theo ý kiến đồng chí Năm Ngà sáng hôm sau quân y đưa tôi ra sân bay Xiêm Riệp đi máy bay về Tân Sơn Nhất, có xe đón sẵn ở sân bay đưa thẳng vào nằm bệnh viện Thống Nhất, mà gia đình tôi không ai biết.

        Gia đình tôi ở khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ, Hà Nội. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, vợ con cùng bà ngoại đi sơ tán cùng cơ quan ở các tỉnh xung quanh Hà Nội, tôi thường đi công tác ở các chiến trường, không thường xuyên ở nhà. Khi đi công tác trở về Cục Tác chiến ở Hà Nội thì tạt lên chỗ sơ tán thăm vợ con. Vợ tôi là người đảm đang công việc gia đình cho tôi được yên tâm đi công tác xa. Vừa lo cho 4 đứa con ăn học ở nơi sơ tán, nuôi nấng bà mẹ già. Có thời kỳ ở Nghệ An bị bom đạn ác liệt của máy bay Mỹ, cả ông bà nội cũng ra ở với gia đình tôi.Vợ tôi phải phục vụ ông bố tôi bị mù hai mắt. Có thời gian mấy đứa cháu con người em ruột tôi, cũng là một cán bộ quân đội hoạt động, chiến đấu ở chiến trường Lào, nên mẹ các cháu lại gởi ra Hà Nội nhờ bác giúp đỡ giữ hộ đi sơ tán. Cả tuần lo làm việc ở cơ quan nơi sơ tán, chiều thứ 7 vợ tôi lại phải đạp xe về Hà Nội mua hàng tem phiếu để chiều chủ nhật đạp xe lên chỗ sơ tán tiếp tế cho cả gia đình. Những ngày mùa đông giá buốt hay mưa phùn, với chiếc xe đạp đèo hàng nặng, đẩy lên xuống cầu phao bắc qua sông Hồng (lúc này cầu Long Biên đã bị bom Mỹ đánh sập) nên vợ tôi rất vất vả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:33:00 pm »

        Sau ngày miền Nam được giải phóng, nhờ sự chiếu cố của đồng chí Phùng Thế Tài và Cục Tác chiến, vợ và 4 con, cả bà ngoại được đi máy bay quân sự vào Thành phố Sài Gòn thăm tôi và Quân đoàn cho xe đi tham quan vùng mới giải phóng (Vũng Tàu, Đà Lạt...). Khi cả gia đình trở ra Hà Nội thì con trai út (Tuấn Anh) mới 5 tuổi, thích các chú bộ đội, đòi ở lại với tôi ở căn cứ “Sóng Thần”. Nhưng vì chiến tranh biên giới xảy ra, tôi lại phải trực ở sở chỉ huy tiền phương ở biên giới Tây Ninh, có thời gian dài ở mặt trận biên giới Quân khu 9, nên các chú bộ đội (chú Bình) ở sở chỉ huy cơ bản “Sóng Thần” giúp đỡ chăm sóc cháu, ăn ngủ chung với các chú bộ đội ở Bộ Tham mưu Quân đoàn.

        Khi tôi được diều động sang làm Tham mưu trưởng Quân khu 7 chiến đấu ở biên giới và trên đất Campuchia, đồng chí Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn 4 còn chỉ thị cho cơ quan giúp đỡ chuyển gia đình tôi từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, ở nhà số 10 Phan Kế Bính. Ngôi nhà này do Tư lệnh Hoàng Cầm ký quyết định cho gia đình tôi ở từ năm 1978 cho đến năm 2000.

        Gia đình tôi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, vợ tôi từ Viện Khoa học Việt Nam ở Nghĩa Đô Hà Nội, được chuyển công tác vào phân viện khoa học Việt Nam ở đường Mạc Đĩnh Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Được sự giúp đỡ của Bộ Tham mưu Quân đoàn 4 và sau này của Bộ Tham mưu Quân khu 7, nhà cửa, đồ dùng trong nhà mới được sắp xếp tạm ổn định, các cháu vừa mới được liên hệ học ở các trường, vợ tôi bắt đầu nuôi lợn bán thịt, nuôi gà bán trứng để đảm bảo cuộc sống. Thì bất ngờ tôi lại nhận được lệnh mới!

        Sau ngày tôi được chở máy bay về nằm bệnh viện Thống Nhất thì đồng chí Ký lái xe Jeep đi đường bộ về nhà báo tin tôi đã về nằm viện. Ngày hôm sau, 5 mẹ con vào bệnh viện thăm tôi, cũng chưa biết chuyện gì. Bốn ngày hôm sau, đồng chí Đồng Văn Cống quyền Tư lệnh Quân khu 7 vào bệnh viện thăm tôi. Đồng chí hỏi thăm sức khỏe tôi. Tôi nói là đã trở lại bình thường khỏe mạnh. Đồng chí cười và hỏi tôi, nếu thôi bệnh rồi thì có trở lại Sở chỉ huy tiền phương được không? Tôi trả lời là cho tôi về thăm gia đình một ngày, vì từ khi gia đình ở Hà Nội vào tôi chưa về nhà và chưa biết gia đình đã ổn định chỗ ở chưa? Đồng chí Bảy Cống cười và nói không phải một ngày mà vài ngày cũng được, vừa rút một tờ giấy từ trong túi áo trên, đưa cho tôi. Đó là quyết định bổ nhiệm do Đại tướng Võ Nguyên Giáp nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký. Một quyết định chung:

        - Bổ nhiệm tôi Tham mưu trưởng Quân khu 7 ra làm Cục trưởng Cục Tác chiến.

        - Bổ nhiệm đồng chí Tư Thanh, Chủ nhiệm chính trị lên làm Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7.

        Thế là hai người cùng nhận quyết định chung từ Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 4 về cùng một lúc làm Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7.

         Nay lại cùng một quyết định, một người vẫn được ở lại Quân khu 7, một người phải ra Bộ công tác!

        Tôi cầm tờ quyết định bổ nhiệm công tác mới, phân vân suy nghĩ, nếu mình nấn ná nằm lại bệnh viện điều trị thêm một thời gian nữa, trong lúc đối phương đang gây chiến tranh xâm lấn ở biên giới Bắc Việt Nam, sẽ bị hiểu nhầm là vì gia đình mới vào nên chần chừ chưa muốn ra! Ngày hôm sau tôi xin phép ra viện và về gia đình (ở số 10 Phan Kế Bính). Gặp vợ con lúc đầu tôi chưa dám nói thẳng là có quyết định thuyên chuyển ra Cục Tác chiến, sợ bị đột ngột vì cả gia đình vừa mới “chân ướt chân ráo” từ Bắc vào Nam. Nay tôi lại bỏ đi ra Bắc, mang tiếng “đem con bỏ chợ”. Tôi chỉ nói ra Hà Nội họp, công tác một thời gian. Tôi vào gặp Bộ Tư lệnh Quân khu 7 để báo cáo xin ra ngay Bộ nhận công tác. Sau khi ăn cơm thân mật với đồng chí Bảy Cống quyền Tư lệnh và đồng chí Dương Cự Tẩm - Phó Chính ủy, chiều xuống dự bữa cơm liên hoan chia tay với anh em trong Bộ Tham mưu Quân khu và bàn giao công việc của Bộ Tham mưu.

        Nhưng thật sự tôi về làm Tham mưu trưởng Quân khu hơn một năm, mà thời gian ở Sở chỉ huy cơ bản cả khi đi về cộng khoảng gần 2 tháng. Thời gian hơn 12 tháng là ở sở chỉ huy tiền phương Quân khu trên biên giới và trên đất Campuchia, công việc điều hành Bộ Tham mưu ở hậu phương vẫn do đồng chí Chín Như nắm, nên việc bàn giao công việc trước khi chia tay với Bộ Tham mưu cũng nhẹ nhàng, đơn giản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:37:18 pm »

        Tôi trở về nhà, ngày hôm sau nói thật với vợ con là tôi mới nhận quyết định ra Hà Nội làm Cục trưởng Cục Tác chiến. Lúc đầu mới nghe nói, vợ tôi sửng sốt, rồi trấn tĩnh lại được ngay, vì cũng đã nhiều lần bị nghe những tin đột ngột như thế, nay lại trọng tình hình bùng nổ chiến tranh biên giới phía Bắc, nên không dám có ý kiến gì thêm. Vợ tôi chỉ nói “anh bị chảy máu dạ dày chưa lành hẳn, mà phải đi ngay à?”.

        Tôi chỉ nói vì tình hình biên giới đang căng thẳng phải ra ngay. Tôi vội chuẩn bị đồ đạc, sáng hôm sau cùng đồng chí Ký (lái xe kiêm bảo vệ) đi máy bay ra Bộ công tác.

        Sau này đồng chí Lê Trọng Tấn có lần vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, cùng chị Tấn đến nhà tôi chơi. Chị đến xem chuồng lợn của nhà tôi nghe vợ tôi giới thiệu kinh nghiệm nuôi lợn. Đồng chí Tấn trong lúc trò chuyện nói vui an ủi vợ tôi: “Tôi định cho cậu Khánh công tác ở Quân khu 7 lâu dài, nên mới bảo Hoàng Cầm giúp đỡ đưa gia đình vào. Nhưng sau lại phải ra Bộ công tác là do chiến sự nổ ra chứ không phải tại tôi đâu nhé”.

        Còn đồng chí Lê Đức Anh, một lần làm việc với anh Lê Ngọc Hiền và tôi ở nhà “con ó” cơ quan Bộ Tổng Tham mưu ở Tân Sơn Nhất, giờ nghỉ, anh Lê Đức Anh chỉ tay vào tôi cười nói: “Quân ủy điều cậu Khánh - Tham mưu trưởng quân khu ra Bộ mà mình Tư lệnh Quân khu không biết. Khi về Quân khu thì anh em nói Tham mưu trưởng đã bỏ về Bộ rồi, đi nhanh thật! Có lẽ gia đình ở Hà Nội nên có lệnh là đi ngay, không cần chờ báo cáo với Tư lệnh”. Tôi báo cáo “anh còn ở Quân khu 9, anh Bảy Cống giao quyết định bảo tôi phải đi ngay”. Anh Lê Ngọc Hiền - Tổng Tham mưu phó đỡ lời: Anh phê oan cậu ấy, cậu Khánh bị “tréo giò” đấy. Gia đình mới đưa vào Sài Gòn lại phải ra Bộ công tác. Khuyết điểm là do tham mưu dự đoán tình hình sai đấy!”. Anh Lê Đức Anh nói: “À ra thế! Tôi không biết đã đưa gia đình vào, bây giờ ở đâu? Có khó khăn gì không, để tôi bảo anh em Quân khu giúp đỡ...”.

        Tôi trở về Bộ công tác! Cuộc đời bộ đội của tôi gắn bó với Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu như là một vòng xoáy quanh Bộ Tổng Tham mưu. Nhưng vòng xoáy sau cao hơn vòng xoáy trước một nấc. Từ cấp tiểu đoàn trưởng về Cục Tác chiến là một cán bộ, một phái viên tác chiến. Sau khi đi học 5 năm ở Trung Quốc lại về Cục Tác chiến được lên cấp phó phòng, trưởng phòng rồi Cục phó. Từ Cục phó tác chiến ra đi, vào công tác ở Bộ Tham mưu Miền, làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Tham mưu trưởng Quân khu 7, nay trở về lại Bộ Tổng Tham mưu làm Cục trưởng Cục Tác chiến.

        Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Campuchia trở về, tôi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất và Nhà nước Campuchia tặng một Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất.

        Tôi lại từ đơn vị chiến đấu trở về Tổng hành dinh cuối tháng 2 năm 1979.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 06:40:11 pm »


Chương bốn

TRỞ LẠI TỔNG HÀNH DINH,
LÀM CỤC TRƯỞNG CỤC TÁC CHIẾN TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI CHÍNH QUY,
RÈN LUYỆN CƠ QUAN THAM MƯU,
CỦNG CỐ PHÒNG THỦ, BẢO VỆ TỔ QUỐC

        Tôi về nhận công tác ở Cục Tác chiến trong tình hình quân của đối phương đã rút khỏi biên giới phía Bắc nước ta. Cán bộ trong Cục đang lao vào công tác nắm tình hình điều chỉnh lực lượng ta.

        Một số cán bộ do đồng chí Đại tá Lê Hữu Đức - nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến đang nghiên cứu tài liệu chuẩn bị làm tổng kết cuộc chiến tranh chống quân xâm lược vừa qua. Tôi về cơ quan cũ, gặp anh em là những cán bộ cũ trước khi ra đi và một số cán bộ mới về, nhưng là những người đã quen biết. Mọi người cũng đã biết tôi về nhận công tác Cục trưởng.

        Đồng chí Võ Ngọc Đạo phụ trách công tác chính trị của Cục, đã bố trí cho tôi một phòng, vừa là phòng ngủ vừa là chỗ làm việc.

        Chiều hôm đó, tôi lên phòng làm việc của đồng chí Lê Trọng Tấn. Đồng chí đang bận họp với một số thủ trưởng, các đồng chí đó cũng đều biết tôi ra làm Cục trưởng Cục Tác chiến. Đồng chí Tấn bắt tay tôi và nói: “Khánh đã ra rồi à! Thôi về nhận công tác đi, cho Lê Hữu Đức tập trung vào công tác tổng kết”. Và vì bận họp nên đồng chí cũng không nói gì thêm nữa.

        Sáng hôm sau, tôi dự họp giao ban Cục, có đông đủ cán bộ trong Cục. Trước lúc đồng chí trực ban báo cáo tình hình, đồng chí Lê Hữu Đức chỉ nói: “Giới thiệu đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh nay ra làm Cục trưởng Cục Tác chiến thay tôi và bắt đầu làm việc từ hôm nay...”. Sau giao ban ra hành lang, gặp đồng chí Thiếu tướng Dimianhenco, cố vấn đầu tiên của Cục Tác chiến; hình như đồng chí ấy đã nghe tin và biết tôi sẽ làm Cục trưởng, cho nên sau khi đồng chí Đức giới thiệu “Đây là Cục trưởng mới...” thì đồng chí cố vấn vui vẻ bắt tay tôi và nói “Rất hân hạnh sẽ được hợp tác làm việc với đồng chí...” và chào: “Sẽ gặp lại”.

        Rồi đồng chí đó đi làm việc với tổ tổng kết của đồng chí Lê Hữu Đức.

        Sáng hôm sau, tôi dự họp giao ban Bộ do đồng chí Cao Văn Khánh - Tổng Tham mưu phó chủ trì. Dự giao ban, các thủ trưởng Cục khác cũng đã biết tin tôi về công tác ở Cục Tác chiến rồi, nên đồng chí Cao Văn Khánh đứng dậy kéo tôi đứng lên, giới thiệu tôi với cán bộ trong phòng họp “đây là tân Cục trưởng Cục Tác chiến”', mọi người vỗ tay hoan nghênh rồi bắt đầu giao ban Bộ.

        Tôi nhận bàn giao công tác mới ở Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu cũng đơn giản như khi bàn giao công tác cũ ở Quân khu 7.

        Về công tác ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu thời kỳ này, đồng chí Lê Trọng Tấn đã được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng. Các Tổng tham mưu phó có:

        Đồng chí Lê Ngọc Hiền - Tổng tham mưu phó phụ trách tác chiến là một đồng chí đã từng làm Cục trưởng Cục Tác chiến, Tham mưu phó Miền, từng làm chỉ huy các mặt trận và thông thạo công tác ở Bộ Tổng Tham mưu. Đồng chí nắm rất chắc các chủ trương chiến lược, vì được dự nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Tinh thần công tác của đồng chí rất tích cực, khẩn trương. Đêm nào đồng chí cũng có mặt ở Sở chỉ huy Cục Tác chiến và đọc hết tất cả các mật điện của các quân khu, đơn vị gởi về Bộ. Tác phong công tác rất cụ thể, cán bộ tác chiến lên thông qua một bức điện với đồng chí có khi phải sửa chữa đi lại 3 - 4 lần.

        Đồng chí Phùng Thế Tài lúc đó phụ trách về công tác Quân chủng phòng không, không quân, hải quân, các binh chủng và xây dựng công trình. Đồng chí là một thủ trưởng rất xông xáo, miệng nói tay làm. Đồng chí là người tổ chức thực hiện rất giỏi và khẩn trương các lệnh của cấp trên, một “thủ trưởng đốc chiến” rất năng động, đôn đốc “quân và vật chất” trên tuyến đường Trường Sơn với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, vào thật nhanh chiến trường giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        Không quân phải luôn luôn có một trực thăng trực chiến, hễ có việc gấp, Tổng tham mưu trưởng giao, là đồng chí lên trực thăng đến ngay tại chỗ giải quyết công việc. Một số cán bộ rất sợ đồng chí khi bị “quạt”, nhưng đồng chí lại là người rất thương yêu cán bộ cấp dưới của mình, nóng gắt xong lại vui vẻ ngay nên cán bộ cũng rất mến.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM