Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:04:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 29394 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2016, 06:58:30 am »

        Các phi công tiêm kích của cả 4 trung đoàn xuất kích liên tục. Đánh ban ngày, các biên đội Míc-21, Míc-19, Míc-17 đều bắn rơi được máy bay cường kích, bảo vệ các trận địa tên lửa, cản phá nhiều đợt bọn Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Tên lửa và Míc-21 đánh đêm, kiên quyết để giành và tập trung tiêu diệt B-52.

        Ngày 25 tháng 12, Bộ Tư lệnh Quân chủng triệu tập hội nghị cán bộ để rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt đầu và chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo. Bộ Tư lệnh và các đồng chí Tham mưu, phi công đều thấy rằng, yếu tố hàng đầu để có thể tiếp cận B-52 là phải bí mật, bất ngờ. Tiếp đến, hệ thống chỉ huy sở phải “nhìn” được ta, địch, để dẫn phi công ta bay trong đêm tối mịt mùng mà vẫn tiếp cận được mục tiêu. Khi đã nhận được mục tiêu, phi công mở ra đa trên máy bay ngắm bắn. Nếu ra đa trên máy bay bị nhiễu, vô hiệu hóa, thì dùng mắt thường ngắm bắn.

        Về giữ bí mật địa điểm và thời cơ cất cánh, Bộ Tư lệnh chủ trương đưa tiêm kích cơ động đánh đêm ra vòng ngoài. Phục kích ở những sân bay đã bị đánh phá, ta tranh thủ sửa sơ bộ, để có thể cất cánh như sân bay Yên Bái, sân bay Thọ Xuân, sân bay Cẩm Thủy ở Thanh Hóa, tuy rất phức tạp về địa hình, nhưng phải chọn phi công giỏi và có ý chí cao, có thể cất hạ cánh ban đêm an toàn.

        Hệ thống sở chỉ huy phải liên hoàn, hỗ trợ lẫn nhau để liên tục chỉ huy được tiêm kích ta trong các tình huống. Như vậy là hai vấn đề lớn đã cơ bản đã có lời giải. Còn việc thứ 3, là ngắm bắn tên lửa của phi công khi gặp địch bay đêm? Làm sao nhìn thấy mục tiêu B-52 trong đêm mà bắn? Sau một số lần tiếp cận địch, anh em phi công đều thấy B-52 và máy bay chiến thuật của Mỹ khi bay đêm đều bật đèn vì phải hoạt động phối hợp nhiều lực lượng với số lượng nhiều, sợ va nhau. B-52 có 4 đèn vàng. Máy bay chiến thuật có 3 đèn vàng hoặc 2 đèn xanh đỏ ở nút cánh và đuôi. Đây chính là “gót chân Asin” của bọn giặc nhà trời Mỹ.

        Bước vào đợt chiến đấu mới, toàn Binh chủng Không quân tràn ngập không khí tin tưởng nhất định chiến thắng oanh liệt.

        Sân bay Yên Bái bị địch đánh liên tục từ ngày 22 tháng 12 đến 26 tháng 12. Sân bay bị hư hỏng nặng đường băng, sân đậu phía Bắc, chỉ còn gần 2.000m ở phía Nam, tuy được sửa chữa gấp vào tối 26 tháng 12, máy bay có thể cất hạ cánh, nhưng rất khó khăn. Chiều 27 tháng 12, lúc gần tốí, Bộ Tư lệnh bí mật cho Phạm Tuân hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái. Trời đầy mây, độ cao đầy mây khoảng 200m đến 300m. Mây phủ hết các đỉnh núi quanh sân bay. Anh vui vẻ ăn cơm tối cùng một số anh em thợ máy và sĩ quan tác chiến trực tại sân bay. Đêm lịch sử bắt đầu.

        22 giờ 20 phút, Phạm Tuân cất cánh chiến đấu. Vượt qua đỉnh mây, anh thấy nhiều ánh dèn máy bay tiêm kích địch. Bình tĩnh, giữ độ cao 2.500m, anh vượt qua tốp máy bay tiêm kích này, Sở chỉ huy Quân chủng thông báo địch gần Mộc Châu. Các sở chỉ huy vòng ngoài ở Mộc Châu, Sơn La liên tục thông báo vị trí của máy bay B-52 cho Tuân. Anh xin phép chỉ huy sở bỏ thùng dầu phụ, bật tăng lực, lên độ cao 7.000m. Ở độ cao này, các trạm ra đa nhìn rõ máy bay ta và B-52. Phạm Tuân tăng tốc độ, vượt qua bọn tiêm kích hộ tống B-52. Anh lên độ cao 10.000m, ngang tầm độ cao B-52. Anh phát hiện 2 máy bay B52 ném bom bay hàng dọc, cách nhau 2.000m-3.000m. Tuân nhìn rõ B-52 có đèn vàng và lập tức báo cáo chỉ huy sở: Đã phát hiện mục tiêu, xin phép công kích.

        Chỉ huy ra lệnh: “Bắn hai quả một lần. Chú ý thoát li nhanh, phía sau có địch”.

        Tuân bình tĩnh, không mở ra đa. Anh cho máy bay lên ngang với chiếc bay sau, ngắm bắn chiếc B-52 đi đầu bằng mắt thường. Đường ngắm bắn tốt, anh bóp cò, Hai quả tên lửa cùng lao vào chiếc B-52, một quầng lửa bao phủ chiếc máy bay ném bom. Anh hân hoan báo cáo với chỉ huy sở: Nó cháy rồi và cho máy bay vòng xuống thấp, giảm độ cao, tránh bọn hộ tống đuổi theo, về hạ cách an toàn xuống sân bay Yên Bái. Số máy bay ném bom B-52 khác thấy một chiếc bị bắn rơi, hốt hoảng ném bom ngoài mục tiêu, bay trở lại căn cứ Guam.

        Ba mươi năm sau, Trung tướng Phạm Tuân, tuổi đã ngoài 50 mà dáng dấp còn trẻ trung như thanh niên. Anh sinh năm 1947, tạ Thái Bình; năm 1965 học bay ở Liên Xô, về nước tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 923 và Trung đoàn 921. Phạm Tuân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3 tháng 9 năm 1973.

        Năm 1980, sau khi hoàn thành xuất sắc chuyến bay vào vũ trụ cùng phi công vũ thụ Liên Xô Gorơbátcô, Phạm Tuân được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lao động và thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Ngày 31 tháng 7 năm 1980, anh còn được Nhà nước Xô viết phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

        Đời một con người không dài, mà làm được bao sự tích anh hùng như anh, kể ra không nhiều. Trong lớp phi công tiêm kích Việt Nam, Phạm Tuân là người được thưởng nhiều danh hiệu vẻ vang của Nhà nước nhất.

        Tiếp những trận chiến đấu của Không quân ta trong những ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, theo kế phục kích bất ngờ ở các sân bay dã chiến vòng ngoài, đồng chí Trần Mạnh - Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân đã trực tiếp cùng các phi công bay đêm vào sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tổ chức chiến đấu. Đêm 22 tháng 12, địch cho 12 chiếc B-52 thả hơn 200 quả bom xuống sân bay nhỏ bé này. Hằng ngày, Mỹ cho máy bay trinh sát lướt qua thấy sân bay vẫn tan hoang, lỗ chỗ hố bom sâu nên yên tâm là sân bay đã bị hủy diệt. Mấy ngày sau, công binh san lấp một luống nhỏ, vừa đủ cho Míc-21 cất cánh. Sân bay được ngụy trang, che mắt bọn máy bay trinh sát. Mỹ hoàn toàn bất ngờ, khi biết ta sử dụng sân bay này, nói đúng hơn là bãi hạ cánh hẹp, vì rất nguy hiểm khi cất cánh ban đêm và chỉ sử dụng ánh sáng bằng đèn dầu leo lét.

        21 giờ 41 phút ngày 28 tháng 12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy. Đội hình địch gồm 60 chiếc B-52 và 135 chiếc máy bay tiêm kích - cường kích hộ tống. Chúng quyết đánh trả đũa Không quân ta. Đêm nay, chúng sẽ hủy diệt các căn cứ Nội Bài, Kép, Yên Bái, Gia Lâm. Sở chỉ huy ở Thọ Xuân, phối hợp cùng sở chỉ huy Binh chủng và sở chỉ huy Trung đoàn 927, liên tục thông báo tình hình địch trên không cho Thiều. Sở chỉ huy dẫn anh bay vòng qua biên giới Việt - Lào, tiếp cận địch từ phía sau. Lên độ cao 10.000m, bằng mắt thường; anh nhìn rõ đèn vàng máy bay B-52 và đèn vàng, đèn xanh, đỏ của máy bay chiến thuật đi hộ tống. Sau, trước, bên phải, bên trái anh, đều nhấp ngáy nhiều đèn máy bay địch. Thiết Hùng - sĩ quan dẫn đường ra đa, dẫn anh vượt qua tiêm kích, tiếp cận B-52. Chỉ huy sở thông báo cho Thiều, máy bay B-52 phía trước 10km. Anh quan sát bầu trời, xa xa những vì sao nhấp nháy, kia rồi, đèn vàng của B-52. Anh báo cáo chỉ huy sở, đã phát hiện mục tiêu, xin phép công kích. Bọn B-52 phát hiện có Míc, liền bắn tên lửa nhử mồi. Anh nhắm bắn bằng mất thường chiếc B-52 đi sau. Đêm tối, anh cố tiếp cận và đã nhìn rõ đèn vàng B-52. Thiều phóng một lúc cả 2 quả tên lửa. Một quầng lửa to, B-52 bị nổ tung, bốc cháy. Do bắn ở cự li gần, máy bay anh lao thẳng vào quân thù. Bọn địch hốt hoảng, trút vội hết bom, quay trở ra, không dám tiếp tục vào đánh mục tiêu đã định.

        Vũ Xuân Thiều - người con Hà Nội, đã sống vẻ vang, chết oanh liệt cho quê hương, cho đồng bào cả nước. Anh hi sinh khi vừa tròn 27 tuổi. Vũ Xuân Thiều đã lập một chiến công oanh liệt góp phần làm vẻ vang lịch sử chiến đấu oai hùng của Không quân nhân dân Việt Nam và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngày 20 tháng 12 năm 1994, liệt sĩ - phi công Vũ Xuân Thiều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Đêm 28 tháng 12, ta tiếp tục bắn rơi tại chỗ hai chiếc B-52. Vũ Xuân Thiều bắn rơi 1 chiếc và bộ đội tên lửa hạ tại chỗ 1 chiếc.

        Với cái đà này, nếu Níchxơn cứ lao đầu vào Hà Nội, khoảng một tháng, thì toàn bộ trên 400 chiếc B-52 của Mỹ sẽ đi đời nhà ma.

        Gần nửa đêm 29 tháng 12, tiểu đoàn tên lửa 79 bắn rơi chiếc B-52 thứ 34 - chiếc cuối cùng của chiến dịch tập kích đường không của không quân Mỹ. Trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta đại thắng; mở ra một bước ngoặt mới, vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

        Nhớ lời Bác Hồ dạy: “Ở Việt Nam Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi chịu tha, trên bầu trời Hà Nội…”, chúng tôi càng tin tưởng một bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã hiển hiện trước mắt.

        Quân dân miền Bắc, nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân, đã chiến đấu xuất sắc, bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 chiếc B-52, hầu hết là rơi tại chỗ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm giặc lái. Dù ngày tháng có trôi đi, nhưng đòn đau này sẽ làm Mỹ nhớ đời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2016, 07:01:38 am »

       
Chương VI

       
TRẬN TIẾN CÔNG CUỐI CÙNG CHIỀU 28 THÁNG 4 NĂM 1975 VÀO SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM

        Cuộc tập kích chiến lược đường không với quy mô lớn nhất chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ đã bị thất bại thảm hại. ngày 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết. Mỹ phải công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ Hoa Kì cam kết, chấm dứt dính líu quân sự, không can thiệp vào công việc nội bộ Viêt Nam, chấm dứt các hành động quân sự đối với miền Bắc, rút hết quân Mỹ và quân viễn chinh về nước.

        Ngày 29 tháng 3 năm 1973, đơn vị quân đội Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam. Bộ chỉ huy Mỹ làm lễ cuốn cờ về nước. Lần đầu trong lịch sử của nước Mỹ, quân viễn chinh Mỹ phải rút lui không kèn, không trống. Đây là sự kiện rất trọng đại, mở ra một bước ngoặt mới cho cuộc cách mạng, là thời cơ để ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 7 năm 1973, Bộ Chính trị ra nghị quyết về giải phóng miền Nam, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến. Quân đội ta xây dựng các khối chủ lực cơ động mạnh trong năm 1973 và 1974. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thành lập các quân đoàn chủ lực và các binh chủng. Các trung đoàn không quân tích cực huấn luyện người lái mới, đưa hết lực lượng hiện có làm được nhiệm vụ trong thời gian ngắn, bảo đảm an toàn.

        Trung đoàn 923 cơ động, dừng chân trên các sân bay Kiến Anh, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới. Ngoài nhiệm vụ tiêm kích, Trung đoàn còn huấn luyện cho toàn bộ phi công thành thạo đánh mục tiêu mặt đất, mặt nước. Trung đoàn tham gia diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng. Lần đầu tiên, cuối năm 1973, quân đội ta diễn tập cấp quân đoàn. Lực lượng Trung đoàn 923 tham gia 1 phi đội. Anh em đã ném bom và bắn các mục tiêu mặt đất, đạt kết quả tốt. Đồng chí Tư lệnh Quân đoàn 1 - Lê Trọng Tấn chỉ huy cuộc diễn tập, khen ngợi Không quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuối năm 1974, các lực lượng không quân chiến đấu đã áp sát vĩ tuyến 17. Các trung đoàn tiêm kích Míc-21, cuối năm 1974, cũng lần lượt đứng chân ở các sân bay vùng Quân khu 4.

        Không quân ta vừa bảo vệ miền Bắc, cũng vừa sẵn sàng chiến đấu, vươn sâu vào phía Nam. hệ thống chỉ huy không quân được hoàn thiện, tổ chức liên hoàn từ Hà Nội đến các căn cứ không quân giáp phía Nam. Bộ Tư lệnh Không quân cử một số đồng chí cán bộ tham mưu, chỉ huy, cán bộ kĩ thuật, thông tin, đến hiệp đồng với Bộ Tư lệnh quân, binh chủng hợp thành. Mầm mống của hệ thống chỉ huy không quân mặt trận có từ lúc này. Sau chiến thắng Phước Long (6-1-1975), Bộ Chính trị nhận định thời cơ chién lược có thể đến sớm hơn dự kiến. Cả nước đẩy mạnh mọi mặt chuẩn bị để đón thời cơ sắp đến. Cuối năm 1974, Bộ chính trị đã thống nhất nhận định tình hình, đề ra chủ trưởng chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976). Đảng và Chính phủ động viên cả nước tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng trận cuối cùng. Bộ Tổng tham mưu ra lệnh, tất cả các quân, binh chủng chuyển vào cấp 1, sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

        Đầu tháng 3 năm 1975, ta nổ phát súng đầu tiên, mở màn chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 10 tháng 3, Buôn Ma Thuột được giải phóng. Trong một thời gian ngắn, bộ đội ta phát triển tiến công, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân đoàn 2 và quân khu 2 của địch.

        Trước sức tiến công như vũ bão của quân và dân ta, tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu trong thế bị động, lúng túng ra lệnh cho bọn quan, quân ngụy tùy nghi di tản.

        - Ngày 25 tháng 3, ta giải phóng Huế.

        - ngày 29 tháng 3, giải phóng Đà Nẵng.

        Quân ta như thác đổ, tràn vào phía Nam. Sau chiến tháng Tây Nguyên và giải phóng Huế, Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận đình tình thế cách mạng phát triển nhảy vọt, thời cơ tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Trận quyết chiến chiến lược đã bắt đầu.

        Tư tưởng chỉ đạo của chiến dịch là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

        Cả nước tưng bừng khí thế ra trận. Từng đoàn tàu hỏa nối đuôi nhua, chở xe tăng, đại bác. Các quân đoàn mới thành lập, hùng dũng tiến vào Nam. Ba nươi năm trường kì kháng chiến, biết bao hi sinh của đồng bào, đồng chí, mới có ngày nay. Bộ Tư lệnh Không quân tổ chức tiếp quản và đưa vào sử dụng ngay các căn cứ không quân mới được giải phóng.

        - Ngày 19 tháng 4, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ thị sơ bộ cho không quân: chuẩn bị một lực lượng để tham gia chiến đấu.

        Ngay sau khi nhận lênh, một số phi công của phi đội 4, Trung đoàn 923 bay từ Thọ Xuân ra Hà Nội. Để tạo thế bí mật, bất ngờ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định dùng máy bay mới thu được của địch ở các sân bay miền Trung để đánh địch trong trận cuối cùng và giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân thực hiện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2016, 07:08:22 am »

        Không quân ta quyết định dùng A-37 để thực hiện mhiệm vụ. Tại sao không dùng các loại máy bay khác, mà dùng A-37 vào trận này? A-37 là loại máy bay cường kích hạng nhẹ. Không quân ngụy hay dùng để oanh tạc các mục tiêu, yểm trợ cho bộ binh. Loại này có nhiều ở các sân bay trong miền Nam, khi hoảng loạn bỏ chạy, địch để lại một số chiếc còn tốt. Về tính năng máy bay, tốc độ trung bình khoảng 500-600km/gờ, bán kính hoạt động ở độ cao trung bình, độ 500km, chở được 2 tấn bom và có 1 khẩu đại liên 6 nòng với 2.000 viên đạn cỡ 7mm. Máy bay có máy ngắm để ném bom bằng quang học, đơn giản nhưng khá chính xác. Tốc độ hạ cánh gần như Míc-17. Buồng lái có điều hòa nhiệt độ rất mát, đối với phi công chiến đấu như vậy đã là khá sang trọng. Buồng lái A-37 nhô lên phía trước, góc quan sát mục tiêu rất thuận lợi. Anh em phi công đã lái Míc-17, khi chuyển loại bay A-37, chỉ cần bay kèm vài lần cho quen đặc tính điều khiển là có thể bay đơn. Việc sử dụng bom, đạn đối với phi công Trung đoàn 923 không có gì là lạ. Chính họ đã nhiều lần tập ném bom và đã trực tiếp đánh bom tàu khu trục Mỹ.

        Các đồng chí cán bộ kĩ thuật cùng đồng chí Hồ Thanh Minh đã vào trước, chuẩn bị một số máy bay A-37 ở sân bay Đà Nẵng. Ngày 22 tháng 4 năm 1975, phi đội “Quyết thắng” được thành lập tại sân bay Đà Nẵng. Hộ gồm các phi công thuộc đại đội 4 Trung đoàn 923. Hầu hết trong số đó, đã không chiến với “giặc trời” Mỹ trên bầu trời miền Bắc.

        Biên chế của phi đội gồm: Thượng úy Nguyễn Văn Lục - Phi đội trưởng - người đã bắn rơi 1 chiếc F-4 và 1 máy bay trinh sát của giặc Mỹ trong chiến tranh chống phá hoại. Thượng úy Trần Cao Thăng - Chính trị viên phi đội. Anh là một phi công điềm đạm, chắc chắn trong mọi việc.  Thượng úy Từ Đễ - Phi đội phó, bay giỏi, đẹp trai, hay cười và khá thông minh. Anh hay được cử bay thử máy bay sau định kì và thử bắn tên lửa A-72 trên Míc-17. Tiếp đến, 3 phi công là các trung úy Vũ Khởi Nghĩa, Tạ Đông Trung, Hoàng Mai Vượng. Về sau, ba chiến sĩ có quân hàm sĩ quân đều trưởng thành làm nên sự nghiệp. Một người trở thành Anh hùng, một người là đại tá Tham mưu trưởng sư đoàn - Phó tham mưu trưởng Quân chủng và một người đã hi sinh.

        Đồng chí Phạm Ngọc Lan, người biên đội trưởng đã mở mặt trận trên không năm nào,vào năm 1975, là chủ nhiệm dẫn đường Binh chủng Không quân. Anh Lan đã cùng phi công Trần Văn On - người Nam Bộ, kiểm tra kĩ thuật các máy bay A-37.

        Ngày 24 tháng 4 năm 1975, lần đầu tiên, Từ Đễ bay cùng với Trần Ngọc Xanh, phi công cũ của quân đội Mỹ, trên chiếc A-37. Thành công của chuyến bay có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của phi đội sau này. Quyết định của Bộ Tư lệnh Quân chủng, Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân có cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh được giao.

        Ngày 25 và 26 tháng 4, tiếp tục chuyển loại cho các phi công trong phi đội. Trong hai ngày huấn luyện, mỗi phi công bay được vài vòng. Họ chuẩn bị để chuyển trường đưa máy bay vào sân bay mới giải phóng, để gần mục tiêu chiến đấu.

        12 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, Tư lệnh Quân chủng ra lệnh: Chuyển toàn bộ lực lượng không quân tham gia chiến đấu ở sân bay Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát. Nguyễn Thành Trung kịp từ Nam Bộ ra, cùng phối hợp với anh em, trong phi đội “Quyết thắng”.

        15 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1975, hai phi công A-37 cũ là Trần Văn On, Trần Ngọc Xanh bay kiểm tra chọn được 6 chiếc A-37 chất lượng tốt.

        Cơ quan chỉ huy, Tham mưu Quân chủng quyết định chọn mục tiêu ném bom là sân bay để máy bay chiến đấu của bọn ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất.

        Tối 27 tháng 4, đồng chí Bí thư chi bộ chủ trì họp chi bộ, ra nghị quyết chiến đấu. Toàn chi bộ nhất trí đề nghị cấp trên lực lượng tham gia trận đánh gồm: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng và Trần Văn On.

        Sau khi họp chi bộ, toàn phi đội và các đồng chí chỉ huy, cán bộ cơ quan tham mưu bàn phương án chiến đấu ngày hôm sau.

        8 giờ ngày 28 tháng 4, Đại tá, Tư lệnh Quân chủng phê chuẩn lực lượng phi công tham gia chiến trận này và kế hoạch chiến đấu của phi đội “Quyết thắng”.

        Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh mặt trận, lệnh cho đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri, khẩn trương tổ chức cho không quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thời cơ chỉ còn một lần trong ngày 28. Trong khi không quân đang khẩn trương hết mức chuẩn bị cho trận quyết chiến vào hang ổ cuối cùng của địch, 17 giờ ngày 26 tháng 4, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu.

        9 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4, phi đội “Quyết thắng” xuất phát từ sân bay Phù Cát, 5 chiếc A-37 lần lượt hạ cánh an toàn xuống sân bay Thành Sơn, cách Sài Gòn 400km về phía Bắc.

        Trong khi tốp phi công tạm thời nghỉ ngơi chốc lát, rồi chuẩn bị nghiên cứu đường bay, phương án tập kích mục tiêu và hiệp đồng trong biên đội xử lí các tình huống về kĩ thuật và bất ngờ gặp địch, anh em thợ máy khẩn trưởng chuẩn bị kĩ thuật cho máy bay: nạp đầy dầu, lắp bom, đạn. Mỗi máy bay mang 4 thùng dầu phụ, lượng dầu tối đa có thể nạp trên máy bay. Vũ khí mang mỗi chiếc 2 bom 500 bảng Anh và 2 bom 250 bảng. Khoảng 11 giờ 30 phút, toàn bộ 5 máy bay đã sẵn sàng làm nhiệm vụ.

        13 giờ ngày 28 tháng 4, Đại tá Lê Văn Tri cùng các đồng chí Trần Mạnh, Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị trong Bộ Tư lệnh Binh chủng giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội, nhắc lại mục tiêu là khu để máy bay chiến đấu của quân đội ngụy. Đây là mục tiêu rất hiểm, nhất là lúc này, bọn Mỹ, ngụy chỉ còn con đường hàng không là duy nhất. Khi muc tiêu bị đánh sẽ gây hoảng loạn và làm cho địch càng mau tan rã.

        16 giờ, phi đội vào cấp 1, thời tiết trên sân bay đột ngột trở xấu. Mây đen bao phủ bầu trời, sấm chớp quanh vùng.

        16 giờ 15 phút, 2 phát pháo đỏ từ đài chỉ huy vút lên, 5 máy bay mở máy, lăn trên đường băng.

        16 giờ 17 phút, chiếc đầu tiên cất cánh, các chiếc khác tiếp theo cất cánh và tập hợp đội hình trên đường hành quân. Nguyễn Thành Trung dẫn đầu biên dội. Anh dẫn biên đội luồn lách qua những đám mây đen, bay dọc bờ biển. Nhiều lần phải thay đổi độ cao để tránh mây. Anh em phi công trong phi đội đều bay qua khí tượng phức tạp ở miền Bắc, nên mây mưa đối với họ không có gì ghê gớm. Đường bay dự kiến vào Vũng Tàu, qua khu vực Biên Hòa, tiến vào Tân Sơn Nhất. Đường bay này máy bay chiến đấu của địch hay bay, nên dễ gây bất ngờ cho không quân ngụy. Qua Nhà Bè, mây cao, sân bay Tân Sơn Nhất quang mây. Anh em thầm reo: “quả thật trời phù hộ không quân ta”. Biên đội nhìn rõ mục tiêu. Có 2 chiếc AD-6 bay ở độ cao thấp về sân bay Biên Hòa, nhưng không phát hiện phi đội 5 chiếc của ta ở độ cao 6.000 feet (3.000m). Nguyễn Thành Trung nhắc toàn đội: Mục tiêu bên trái, phía trước, kiểm tra công tác quân giới, lên độ cao, kéo dài cự li, chuẩn bị công kích. Số 1 từ độ cao 5.000 feet, bổ nhào xuống 1.500 feet, ngắm đúng mục tiêu, cắt bom. Lửa khói trùm khắp khu đỗ máy bay. Các máy bay trong biên đội, lần lượt vào công kích. Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rít, càng làm cho sân bay Tân Sơn Nhất và Sài Gòn náo loạn. Địch ở đài chỉ huy sân bay hốt hoảng hỏi: “Máy bay của không đoàn nào? Máy bay của phi đoàn nào?”. Trả lời bọn địch, Từ Đễ bổ nhào cắt liền 4 quả bom. Tiếp đó, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng liên tục công kích. Hàng chục máy bay đang đậu đổ đầy dầu, nổ tung, khỏi lửa mù trời sân bay Tân Sơn Nhất, che kín cả một góc trời Sài Gòn. Máy bay số 1 và số 3 thả chưa hết bom, vẫn vòng lại, bổ nhào ném bom lần thứ 2. Các máy bay đã thả hết bom, vòng trên cao yểm hộ và bổ nhào bắn đạn vào mục tiêu. Nguyễn Văn Lục hạ lệnh cho biên đội thoát li chiến đấu. Bốn chiếc tập hợp biên đội về ở độ cao thấp, do Quảng dẫn đầu. Nguyễn Thành Trung bay về Phan Rang ở độ cao trên những đám mây. Trời về xẩm tối, biên đội còn cách sân bay 20km. Từ Đễ báo dầu sắp hết, xin hạ cánh trước. Nguyễn Thành Trung dầu cũng còn ít. Hai máy bay này được ưu tiên hạ cánh trước. Máy bay của Lục, Quảng, Vượng, On cùng bay, mở đèn pha trên máy bay hạ cánh. Chiếc tiếp đất cuối cùng vào 18 giờ 15 phút ngày 28 tháng 4 năm 1975 tại sân bay Thành Sơn - Phan Rang.

        Trận đánh của không quân ta chiều 28 tháng 4 đã gây chấn động lớn Sài Gòn, góp phần làm cho bọn Mỹ - ngụy mau tan rã. Năm cánh quân đang ào ạt tiến vào Sài Gòn, càng sôi sục khí thế tiến công. Không quân và pháo binh đã phối hợp cắt đứt đường hàng không cuối cùng của địch tại Tân Sơn Nhất. Ngày hôm sau, 29 tháng 4, Mỹ buộc phải tổ chức di tản bằng trực thăng, mang tên chiến dịch “Người liều mạng”. Thời gian sụp đổ hoàn toàn của chính quyền ngụy chỉ còn tính bằng giờ. Trưa 30 tháng 4, ta giải phóng Sài Gòn. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc tiến hành suốt 30 năm trời, đã hoàn toàn thắng lợi.

        Tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận định: “Trận đánh của phi đội quyết thắng ngày 28 tháng 4 năm 1975 là sự phát triển mới về ngự thuật sử dụng quân - binh chủng của quân đội ta. Trận đánh không những có ý nghĩa lớn về tiêu diệt địch mà còn có ý nghĩa lớn về chiến dịch, chiến lược”. Sáng ngày 1 tháng 5, chiếc máy bay Mi-6, do đại úy Lê Đình Kí lái, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã sạch bóng quân thù.

        Trong lịch sử quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Bác và của Đảng, được nhân dân đùm bọc, các chiến sĩ không quân tiêm kích Việt Nam là người trực tiếp mở mặt trận trên không thắng lợi, cũng là những người tham gia trận quyết chiến chiến lược khép lại trang sử cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kì suốt 30 năm chiến đấu giành độc lập tự do của dân tộc ta. Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh đã biến những đứa con của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, những chàng trai bình thường của nhân dân lao động, trở thành những dũng sĩ trên bầu trời Tổ quốc. Các chàng trai dũng sĩ lái máy bay tiêm kích đã làm theo lời Bác Hồ dạy: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2016, 07:14:46 am »

       
LẮNG ĐỌNG MỘT THỜI

Thay lời kết       

        Tập sách này không phải là một cuốn tiểu thuyết. Bạn đọc nếu như có hi vọng tìm thấy ở nơi đây những mối tình lâm li, thống thiết, chắc chắn sẽ thất vọng. Đây cũng không phải là cuốn hồi kí, vì thể loại văn hồi kí thường dành riêng cho những người có tên tuổi và nhân vật chính của cuốn sách phải chính là tác giả. Tôi cũng không có ý định viết về những anh hùng của một thời oanh liệt, hoặc ca ngợi riêng ai. Tôi nghĩ cái đó không phải là nghề của mình và dĩ nhiên là không dễ gì tôi có thể làm được. Đơn giản là một người lính, một phi công trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi chỉ muốn kể lại với bạn đọc một số mẩu chuyện về những người bạn chiến đấu, về những người anh, về những đồng chí chỉ huy, những người đã góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những mẩu chuyện tôi kể hoàn toàn có thật, cả về sự việc, thời gian và địa điểm. Đêm khuya, khi đường phố hết cảnh nhốn nháo đi lại, kẻ mua, người bán…, tất cả chìm trông giấc ngủ, tôi lại cầm bút ghi lại từng dòng. Mong sao cuốn sách này giúp ích cho bạn đọc một đôi điều. Có những sự việc xảy ra cách đây đã non nửa thế kỉ, nhiều chuyện đáng ghi mà không nhớ, nhiều chuyện nhớ mà không thể ghi lại được. Đúng, sai; sai, đúng mong các bạn lượng thứ. Trước sau chỉ có một tấm lòng thành với người còn sống và cả những đồng đội đã ra đi. Một câu hỏi mà người đời thường đăt ra: Làm sao một đất nước nghèo như Việt Nam với lực lượng không quân mới ra đời, trang bị lạc hậu, số lượng ít ỏi mà lại thắng được Mỹ - một cường quốc được mệnh danh là hùng mạnh bậc nhất. Quân đội Mỹ và không quân Mỹ chưa từng thua ai. Họ chiến thắng nhiều nơi, khắp các chiến trường mà họ tới; nhưng khi đến Việt Nam, với quân hùng, tướng mạnh, lại bị sa lầy và thất bại. Hình ảnh chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 bị không quân, tên lửa, cao xạ pháo bắn cho tan xác, cháy đỏ cả trời Hà Nội trong chiến dịch tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972, xác máy bay B-52 bị vùi xuống đất trồng hoa làng Ngọc Hà. Tất cả thể hiện một chân lí ở đời: Khi một dân tộc đã quyết giành và giữ nền độc lập tự do, biết hòa quyện sức mạnh của mình trong sức mạnh của thời đại thì không có sức mạnh nào có thể khuất phục được. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, cả dân tộc đoàn kết chặt chẽ quanh Đảng, quanh Bác Hồ, đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Có đoàn kết mới tập trung được trí tuệ, sức lực, để chiến thắng kẻ thù hùng mạnh và hung bạo. Chân lí đó có vẻ giản đơn, nhưng thực thi thì không dễ. Không chiến với không quân Mỹ hùng mạnh và hiện đại bậc nhất thế giới, trong những năm đầu ta chỉ có Míc-17. Đem so sánh tính năng cơ động và trang thiết bị các loại máy bay chiến thuật của Mỹ dùng trên chiến trường Đông Dương với Míc-17 thì không có điểm nào ta vượt trội hoặc bằng địch. Những loại máy bay tiêm kích, cường kích Mỹ dùng chủ yếu để đánh phá miền Bắc là F-105, F-4, F-8, F-111, nhìn chung các loại máy bay này, tốc độ lớn nhất đều vượt hai lần tốc độ âm thành, vũ khí chủ yếu trong không chiến là tên lửa. Cách ta hàng chục ki-lô-mét, địch có thể bắn có hiệu quả. Vũ khí cận chiến của địch là khẩu đại bác 20mm 6 nòng, tầm bắn hiệu quả cũng hơn 1.000m. Khi tổ chức không chiến, máy bay tiêm kích Mỹ thường mang 8 quả tên lửa và 1 khẩu đại bác 20mm 6 nòng với 2.000 viên đạn. Thời ấy, ra đa trên máy bay F-4, F-105… có thể phát hiện đối phương cách xa hàng trăm ki-lô-mét. Máy bay Míc-17 tốc độ nhỏ chỉ bằng một nửa tốc độ máy bay Mỹ, trang bị 3 khẩu đại bác, trong đó có 1 khẩu 37mm và 2 khẩu 23mm với 200 viên đạn. Trong không chiến, chỉ cần nhỡ tay bóp cò quá 5 giây là đạn sạch trơn. Phi công tìm địch trên trời bằng mắt thường, gặp khi trời mù nặng, nhất là những tháng giáp Tết mưa phùn, gió bấc, có lúc bay gần va vào nhau mới thấy địch. Máy bay sản xuất trước đó gần 20 năm. Thật là khó khăn trăm bề. Nhưng con người Việt Nam cùng với vũ khí trang bị thích hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Bọn Mỹ lúc đầu coi thường Míc. Chúng coi Míc là “con mắt muỗi”, “đồ di sản của chiến tranh Triều Tiên”. Bọn “giặc trời” nhà nghề Mỹ sẽ quét sạch bầu trời các chiếc Míc cổ lỗ sĩ của Cụ Hồ Chí Minh. Về sau liên tiếp bị đòn đau, không chỉ bọn phi công cỡ đại úy, thiếu tá bị không quân tiêm kích Việt Nam bắn rơi, mà ngay cả các đại tá, cố vấn không quân cũng bị Míc-17 bắn hạ. Sau này, ta được chi viện Míc-21, các chiến sĩ phi công tiêm kích Việt Nam được trang bị khí tài hiện đại lại càng tỏ ra lợi hại hơn. 10 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1964-1973) quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 4.000 máy bay Mỹ các loại, trong đó Không quân nhân dân đã hạ 320 chiếc. Trang sử hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam in đậm những chiến công vô cùng oanh liệt. Hai phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước đã bắn rơi chiếc máy bay thả biệt kích Mỹ C-123 trên bầu trời miền Bắc năm 1963. Tiếp đó là trận không chiến của biên đội Lan, Túc, Quỳ, Phương bắn hạ 2 chiếc F-8U của hải quân Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa. Bọn xâm lược đi bằng đường biển, đường bộ hay bằng đường không đều không thoát những đòn trừng trị của các chiến sĩ Việt Nam. Trong không chiến, phi công tiêm kích Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất… Anh đã bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ bằng Míc-21. Tiếp theo là các anh Nguyễn Hồng Nhì, Phạm Thanh Ngân mỗi người bắn rơi 8 chiếc máy bay địch.  Phi công Míc-17 Nguyễn Văn Bảy đã bắn rơi 7 máy Mỹ. Kế sau là Lưu Huy Chao, Lê Hải mỗi người bắn rơi 6 chiếc. Nhiều anh hùng khác bắn rơi từ 4 rồi 5, đến 6 chiếc. Mỗi chiếc máy bay địch bị bắn rơi, phi công ta phải vượt qua hàng chục lần hút chết. Nhiều đồng chí bắn rơi được một chiếc đã hi sinh. Mỗi trận không chiến, một phi công Việt Nam phải chọi với ít nhất từ 5 đến 10 máy bay Mỹ. Trận nào ta 1 địch 2 hoặc 3 là quá thuận lợi. Không quân tổ chức một trận đánh là vô cùng phức tạp. Từ người chỉ huy cấp cao đến các sĩ quan tham mưu, quân báo, dẫn đường, thông tin, hậu cần đều dồn hết sức cho chiến thắng. Muôn người như một, chiến công của không quân là chiến công tập thể. Trong quân đội cách mạng, người lính gắn bó với nhau vì lí tưởng; sống vì dân, chết cũng vì dân. Nơi ấy tình đồng chí, tình anh em trọn đời thương nhớ. Ở quân - binh chủng nào cũng có những tình cảm cao đẹp, nhưng có lẽ không ở đầu có được tình cảm gắn bó như ở các phi đội phi công tiêm kích. Khi rời mặt đất bay lên khoảng không bao la mỗi phi công chỉ là một số trong biên đội. Đến già họ vẫn nhớ thương nhau như hồi trai trẻ. Nhiều trận cùng cất cánh bay lên, nhưng đồng đội đâu còn hạ cánh trở về. Tình đồng đội, ý chí quyết chiến, quyết thắng không sợ hi sinh, là những yếu tố đầu tiên cơ bản để chiến thắng kẻ thù đông hơn ta, hiện đại hơn và vô cùng xảo quyệt. Không quân ta đã hiệp đồng chiến đấu với lực lượng cao xạ, tên lửa, cùng nhau gánh vác những gian nguy, nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn. Không quân non trẻ mà anh hùng, chiến đấu trong thế trận chiến tranh nhân dân bách chiến bách thắng. Lớp lớp các đồng chí chỉ huy đi trước đã để lại tài sản vô giá là đức độ và tài năng cho thế hệ sau noi theo. Bây giờ lớp tiền bối đã ra đi gần hết vì tuổi cao sức yếu. Lớp cán bộ mới kế tiếp, nhiều đồng chí đã trải qua chiến đấu, lại được học hành cơ bản, hiện tại có nhiều thuận lợi. Họ đã gánh vác một cách xứng đáng những trọng trách được giao. Còn phục vụ trong quân đội hay chuyển ngành, dù ở đâu những chiến sĩ phi công tiêm kích năm xưa cũng đều phát huy được bản chất của người lính Cụ Hồ. Hiện nay nhiều phi công tiêm kích đã chuyển loại sang lái những chiếc máy bay dân dụng hiện đại. Nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo cục Hàng không hoặc Tổng công ti Hàng không Việt Nam. Tuy bộ đồ bay đẫm mồ hôi năm xưa được thay bằng chiếc áo vét lịch sự, nhưng tâm hồn và phong cách sống của các anh vẫn nguyên như người lính năm xưa. Đất nước và nhân dân ta mãi mãi tự hào về những phi công trung hiếu, quả cảm và thông minh, những phi công tiêm kích luôn ở tuyến đầu trong chiến đấu và cả trong dựng xây đất nước.
       

        LÊ HẢI

        - Sinh năm 1942

        - Quê quán: Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi

        - Tập kết ra miền Bắc năm 1954

        - Nhập ngũ năm 1961

        - Từ năm 1966 - 1973 là phi công lái máy bay phản lực, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn không quân 923, bắn rơi 6 máy bay Mỹ (4 chiếc F-4, 1 chiếc F-105, 1 chiếc F-8), được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970

        - Năm 1982 là Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân tiêm kích 372, sau đó là Cục phó Cục Huấn luyện nhà trường.

        - Năm 1991, chuyển ngành, là Phó Tổng giám đốc cụm cảng hàng không miền Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2016, 04:28:18 am »


MỘT VÀI HÌNH ẢNH MINH HỌA THÊM CHO CUỐN SÁCH

       Đầu năm 1967, bọn F-4 và F-105, loại tiêm kích và cường kích hiện đại nhất của Mĩ, liên tục bị thua đau. Có ngày máy bay Mĩ bị Míc (cả Míc-17 và Míc-21) bắn rơi 7 chiếc. Míc hoàn toàn vô sự! Không quân Mĩ cử tên đại tá Noócman Cađixơ là giáo sư, viện sĩ không quân, sử dụng F-4D (lọaị máy bay cường kích - tiêm kích) cùng một đội hình gồm 6 chiếc F-105 và 12 chiếc F-4D, chủ yếu tổ chức một trận không chiến hòng trị Míc, nhằm rút đưọc kinh nghiệm để quét sạch bầu trời.

        Biên đội Tịnh - Hải - Mai - Kỉ từ Gia Lâm, cất cánh lên phía tây ở độ cao khoảng 3.500 mét, gặp ngay đội hình tề chỉnh của Noócman trên đỉnh sân bay Hòa Lạc.

        Mây Cu-công, khoảng 5 đến 7 phần bầu trời. Biên đội phát hiện địch và địch cũng phát hiện được ta. Địch lập tức tổ chức không chiến. 6 chiếc F-105 không mang bom, chỉ mang tên lửa để không chiến, đánh quần với Míc-17, 12 chiếc F-4D chỉ mang tên lửa, mỗi máy bay mang 12 tên lửa, cả 2 loại nhiệt và điều khiển vô tuyến điện từ xa. Gần 30 máy bay của ta và địch, quần đảo, bám nhau, liên tục nổ súng và phóng tên lửa, lúc vào mây, lúc ra mây. Có viên đại tá chỉ huy, bọn tiêm kích F-4D càng hăng. Mỗi lần công kích, chúng phóng liền 2 quả tên lửa. Bầu trời rạch ngang dọc vạch khói tên lửa của gần 20 máy bay Mĩ. Bọn F-105 cũng bắn nhiều loạt đạn ca nông vào biên đội. Các chiếc Míc-17 hầu như tự không chiến với nhiều máy bay Mĩ. Các số chỉ nhắc nhau cơ động, khi thấy máy bay địch phóng tên lửa. Anh Tịnh và anh Kỉ đánh quyết liệt. Anh Tịnh bắn rơi chiếc F-105 đầu tiên. Liền đó, anh Kỉ cũng nổ một loạt súng, bắn rới chiếc F-105 thứ hai. Máy bay địch bốc cháy, lao xuống vùng núi xanh thẳm.

        Anh Mai và tôi quần nhau với bọn F-4D ở tầng cao hơn. Máy bay vào mây, rồi ra khỏi mây. Ta và địch vòng, chủ yếu là cơ động nghiêng, lượn chiến đấu. Do địch đông, chúng phóng tên lửa liên tiếp vào máy bay ta. Tôi tránh  liền mấy quả tên lửa, vẫn chưa có thời cơ nổ súng. Trong khi đó, anh Mai thấy 1 chiếc F-4D từ dưới đám mây vừa chui lên, lập tức bám riết trên lưng chiếc F-4D này. Vừa mới thấy 1 chiếc Míc-17 bám theo, giờ lại mất hút, tên đại tá Mĩ đang còn nhớn nhác nhìn, chưa thấy Míc đâu, đã bị anh Mai cho luôn một loạt trúng ngay lưng. Chiếc F-4D bùng cháy. Tên đại tá nhảy dù gấp, vị trí tiếp đất ngay đầu sây bay Hòa Lạc. Các dân quân trai gái làng gần đó vác súng truờng xông tới. Tên đại tá nhanh chóng run rẩy giơ tay đầu hàng. Thế là, kẻ đi tìm Míc để trị, để tiêu diệt, thì lại chính loại Míc-17 cho bài học đau, nhớ đời. Grin Biên đội bắn rơi 2 chiếc F-105 và 1 chiếc F-4, ta an toàn về hạ cánh ở Gia Lâm trong sự đón tiếp nồng nhiệt của thợ máy và của toàn thể anh em phục vụ.

        Anh Ngô Đức Mai, sinh ngày 6 tháng 11 năm 1938, quê ở Nghệ An, Anh đi bộ đội năm 1955, là phi công trong đoàn học lái máy bay chiến đấu thứ hai của Việt Nam tại Trung Quốc. Anh về nước chiến đấu đầu năm 1966. Ngày 4 tháng 3 năm 1966, biên đội của Trung đoàn 923 đánh trận đầu tiên, ở vị trí số 2, anh được biên đội yểm hộ, lập chiến công bắn rơi chiếc F-4 đầu tiên. Anh bắn rơi 3 máy bay địch, trong đó có máy bay của đại tá Mĩ.

        Anh đã anh dũng hi sinh ngày 3 tháng 6 năm 1967 trên vùng trời Hà Bắc - nơi biên đội đã đánh nhau với đội hình hơn 20 máy bay địch. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, liệt sĩ Ngô Đức Mai được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



« Sửa lần cuối: 18 Tháng Năm, 2016, 04:53:39 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2016, 04:33:46 am »

        Nói tiếp về những ngày tháng 7 năm 1972 rực lửa chiến đấu. Ngày 5 tháng 7, lúc 10 giờ 30 phút, thời tiết tốt, địch vào đánh bắc đường 1, hòng chặn cắt trục giao thông huyết mạch này. Chỉ huy Trung đoàn 927 cho biên đội Nguyễn Tiến Sâm số 1, Hạ Vĩnh Thành số 2, xuất kích. Đến Bắc Giang biên đội lên độ cao 4.000m, số 1 đã phát hiện địch. Anh Sâm lệnh số 2 thả thùng dầu phụ, tăng lực, chú ý phía sau. Sâm tiến đến cự li còn cách chiếc F-4 khoảng 2.000m. Nó vẫn bay bình thường, chưa biết thần chết đã bám sau lưng. Sâm ấn nút, phóng quả tên lửa đầu. Điểm nổ cách máy bay địch 50m. Máy bay địch xì khói, chưa bùng cháy. Sẵn đà đang có tốc độ tiếp cận lớn, anh lao vào gần hơn. Cự li cách địch không đến 1.000m, bắn tên lửa, với tốc độ tiếp cận như thế này là quá gần, có thể nguy hiểm. Sâm thoáng nghĩ nhất định phải diệt thằng này. Còn nuôi, chết bỏ! Anh bóp cò, phóng quả tên lửa thứ 2, máy bay địch nổ bùng ngay trước mặt. Sâm cho máy bay xuyên thẳng qua điểm nổ, thoát li chiến đấu. Hạ Vĩnh Thành bay sau yểm hộ, nhìn rõ máy bay số 1 lao vào quả cầu lửa. Anh xót xa nghĩ: Thôi rồi! Khi nhìn kĩ máy bay Sâm vừa thoát qua cầu lửa, đen thui như cột nhà cháy, vẫn bay phía trước, Thành phấn khởi hô tô: Nó rơi rồi. Anh đuổi theo chiếc F-4 còn lại, phóng 1 quả tên lửa, máy bay địch lộn nhào rơi tại chỗ. Đôi bạn trở về sân bay Nội Bài hạ cánh. Chiếc Míc-21 của Thành vẫn trắng nguyên. Chiếc Mic-21 của Sâm đen thui, vì bị “xông khói” máy bay địch bốc cháy lúc trên không. Sự việc chui qua “điểm nổ” của máy bay địch khi ta bắn hạ mà người và máy bay an toàn, chỉ có một lần duy nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.



Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2016, 04:44:47 am »

       Sáng ngày 19 tháng 4, các tốp tàu chiến địch hoạt động ngoài cửa Lệ Thủy, cửa Dinh, cách bờ khoảng 40km - 100km. 17 tàu khu trục địch vẫn ung dung bắn phá như mọi ngày từ cửa Sót đến cửa Nhật Lệ. Thời tiết không thuận lợi, tầm nhìn hạn chế. Chỉ huy sở chưa cho xuất kích.

        Sở chỉ huy Hải quân, các đài quan sát của pháo binh, dân quân, liên tục thông báo vị trí và tình hình hoạt động của các tàu khu trục. Vào lúc 15 giờ, một tốp 4 tàu chiến địch tiến vào cửa Lí Hòa, cách bờ 15km, một tốp tàu vào đông Quảng Trạch, cách bờ 7km, ba tàu ở đông Lí Hòa 18km, ra đa 403 phát hiện 1 tốp 4 tàu địch đậu cách cửa Nhật Lệ 16km. Thời tiết tốt hơn, tầm nhìn trên 10km. Thời cơ đã đến. Chỉ huy sở lệnh biên đội cấp 1 lúc 16 giờ. 16 giờ 5 phút, cho biên đội Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) cất cánh. Sau khi tập hợp biên đội, vì điều kiện sân bay dã chiến quá hẹp (chiều ngang 25m) không thể cất cánh biên đội, số 1 liên lạc đưọc với chỉ huy sở Đồng Hới. Chỉ huy sở thông báo 4 tàu địch ở về hướng nam 15 độ. Biên đội được lệnh đánh tốp này. Vượt qua cửa Lí Hòa, nhìn vào bờ thấy những điểm khói, số 1 phán đoán địch đang pháo kích. Quan sát trên biển, biên đội vẫn không phát hiện được mục tiêu, nhìn xa xa, thật kĩ, biên đội mới thấy hai vệt trắng trên làn nước xanh thẳm. Số 1 báo cáo đã phát hiện tàu địch, cách 10km đến 12km, xin phép công kích. Chỉ huy sở tiếp tục thông báo về địch và nhắc biên đội: Bình tĩnh, chuẩn xác, quyết tâm tiêu diệt địch.

        Số 1, Lê Xuân Dị vòng ra biển, chọn hướng công kích tàu địch từ ngoài khơi vào bờ. Anh đổi hướng vào giữa hai thân tàu địch, cải bằng máy bay đang mang 2 trái bom 250kg.

        Từ độ cao cách mặt nước biển 200m, anh tăng lực, giảm xuống bay bằng, ổn định ở độ cao 50m, tốc độ 800km/giờ, đường ngắm ổn định, vòng sáng siêu cự li mở to nhất, quả trám ánh sáng ở phía dưới cũng dần dần chuyển động từ mặt biển, đến khi vừa chạm điểm mức nước với thân tàu, khu trục. Tiếng nổ trên biển vang trời. Số 1 nhìn thấy cột nước vọt lện, phủ tàu giặc. Anh báo cáo về chỉ huy sở, đã đánh trúng mục tiêu. Số 1 được dẫn về, hạ cánh tại sân bay Gát lúc 16 giờ 18 phút. Anh đã cố gắng phanh, nhưng không được, máy bay lao vào lưới Atu (lưới bảo hiểm khi máy bay xông ra đường băng, do Liên Xô chế tạo). Nhưng may mắn, người và máy bay đều an toàn.

        Nói về số 2 Nguyễn Văn Bảy (B). Khi số 1 vòng trái ra biển chuẩn bị công kích, số 2 quan sát, cảnh giới trên không đề phòng tiêm kích của địch. Quay lại, không còn nhìn thấy số 1, anh bay ra hướng biển, tìm mục tiêu. Đến đông bắc cửa Dinh, vẫn không thấy tàu địch, anh bay thêm vài phút nữa, thì phát hiện 2 tàu khu trục Mỹ đang pháo kích vào bờ. Anh báo cáo chỉ huy sở, xin phép công kích. Mục tiêu quá gần, không công kích được. Anh bay lướt qua tàu khu trục, ép độ nghiêng vòng trở lại. Anh đổi thẳng hướng vào mạn tàu khu trục từ từ giảm dộ cao xuống 50m, tăng lực đạt tốc độ 800km/giờ, các phần tử ngắm ổn định như bay huấn luyện ở biển Hạ Long vậy. Từ ngoài khơi anh công kích vào phía bờ biển. Khi điểm ngắm vừa trạm mớm nước, cách tàu địch 750m, anh cắt bom, kéo máy bay vượt qua ăng ten của tàu. Hai trái bom trạm mớm nước thia lia đâm thủng tàu, phía gần đuôi. Một cột vừa nước, vừa khói màu da cam bao phủ tàu địch, cao đến 20m. Càng về sau, lửa cháy càng to trên tàu khu trục. Nhìn lại, anh thấy tàu địch bốc cháy và một quả tên lửa địch bốc cháy. Một quả tên lửa địch phóng lên, nổ trên cao khoảng 200m, tại khu tàu bị cháy. Mấy phút sau, 2 chiếc F-4 đến lượn vòng trên khu vực tàu vừa bị đánh. Nguyễn Văn Bảy về hạ cánh an toàn sau số 1 gần 2 phút. Trận đánh diễn ra từ khi cất cánh đến khi chiếc số 2 hạ cánh xong, chỉ trong 17 phút.

        Trận đánh của hai anh Dị - Bảy (B) là một trận tập kích tuyệt diệu. Tạo được thế bí mật, quân ta dũng mãnh tiến công bất ngờ làm hai tàu khu trục bị thương nặng; bọn Mỹ phải dìu nhau, chạy xa ra biển.



Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2016, 04:50:45 am »

       Sân bay Yên Bái bị địch đánh liên tục từ ngày 22 tháng 12 đến 26 tháng 12. Sân bay bị hư hỏng nặng đường băng, sân đậu phía Bắc, chỉ còn gần 2.000m ở phía Nam, tuy được sửa chữa gấp vào tối 26 tháng 12, máy bay có thể cất hạ cánh, nhưng rất khó khăn. Chiều 27 tháng 12, lúc gần tốí, Bộ Tư lệnh bí mật cho Phạm Tuân hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái. Trời đầy mây, độ cao đầy mây khoảng 200m đến 300m. Mây phủ hết các đỉnh núi quanh sân bay. Anh vui vẻ ăn cơm tối cùng một số anh em thợ máy và sĩ quan tác chiến trực tại sân bay. Đêm lịch sử bắt đầu.

        22 giờ 20 phút, Phạm Tuân cất cánh chiến đấu. Vượt qua đỉnh mây, anh thấy nhiều ánh dèn máy bay tiêm kích địch. Bình tĩnh, giữ độ cao 2.500m, anh vượt qua tốp máy bay tiêm kích này, Sở chỉ huy Quân chủng thông báo địch gần Mộc Châu. Các sở chỉ huy vòng ngoài ở Mộc Châu, Sơn La liên tục thông báo vị trí của máy bay B-52 cho Tuân. Anh xin phép chỉ huy sở bỏ thùng dầu phụ, bật tăng lực, lên độ cao 7.000m. Ở độ cao này, các trạm ra đa nhìn rõ máy bay ta và B-52. Phạm Tuân tăng tốc độ, vượt qua bọn tiêm kích hộ tống B-52. Anh lên độ cao 10.000m, ngang tầm độ cao B-52. Anh phát hiện 2 máy bay B52 ném bom bay hàng dọc, cách nhau 2.000m-3.000m. Tuân nhìn rõ B-52 có đèn vàng và lập tức báo cáo chỉ huy sở: Đã phát hiện mục tiêu, xin phép công kích.

        Chỉ huy ra lệnh: “Bắn hai quả một lần. Chú ý thoát li nhanh, phía sau có địch”.

        Tuân bình tĩnh, không mở ra đa. Anh cho máy bay lên ngang với chiếc bay sau, ngắm bắn chiếc B-52 đi đầu bằng mắt thường. Đường ngắm bắn tốt, anh bóp cò, Hai quả tên lửa cùng lao vào chiếc B-52, một quầng lửa bao phủ chiếc máy bay ném bom. Anh hân hoan báo cáo với chỉ huy sở: Nó cháy rồi và cho máy bay vòng xuống thấp, giảm độ cao, tránh bọn hộ tống đuổi theo, về hạ cách an toàn xuống sân bay Yên Bái. Số máy bay ném bom B-52 khác thấy một chiếc bị bắn rơi, hốt hoảng ném bom ngoài mục tiêu, bay trở lại căn cứ Guam.



HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM