Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:25:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 29484 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 03:59:00 am »

        Lại nói tiếp cuộc chiến đấu ở vùng trời tỉnh Hải Hưng vào quá trưa ngày 10 tháng 5 năm 1972. Ngay sau khi cho biên đội Míc-17 gồm: Thọ, Trung, Hạng, Kiếm cất cánh, sở chỉ huy Binh chủng cho biên đội Míc-21 của Trung đoàn 927 xuất kích. Trung đoàn tiêm kích 927 mới thành lập, tách ra từ Trung đoàn 921 - anh cả đoàn Sao đỏ. Lực lượng chiến đấu hầu hết là anh em phi công trẻ, mới đạo tạo ở nước ngoài về và Trung đoàn 923 mới chuyển loại Míc-21. Đồng chí Nguyễn Hồng Nhị - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân làm Trung đoàn trưởng. Các phi công đang náo nức lập chiến công đầu của Trung đoàn. Lê Thanh Đạo số 1, Vũ Đức Hợp số 2 được chỉ huy dẫn về Hải Dương, vừa thông báo địch cách 35km, độ cao 3.500m, số 1 đã báo cáo phát hiện địch. Đạo lệnh cho số 2 thả thùng dầu phụ, tăng lực để nhanh chóng tiếp cận địch. Địch ở tư thế đối đầu và chúng đã phát hiện đôi Míc-21. Tốp F-4, một chiếc vòng trái, chúi xuống dưới bụng máy bay số 1. Một chiếc vòng phải kéo lên cao. Lại trò phân tốp của bọn phi công Mỹ để lừa Míc. Đạo lệnh cho Hợp đánh chiếc đang kéo lên, còn mình vẫn bám theo chiếc chúi xuống thấp. Hợp đã tăng lực, đuổi theo chiéc F-4, cự li mỗi lúc một ngắn lại, còn khoảng 1.500m, anh phóng 1 quả tên lửa. Thấy quả tên lửa chệch mục tiêu, anh đang định phóng tiếp quả nữa, nhưng tên lửa nhiệt, vòng bám theo, máy bay địch cháy bùng.

        Hợp vui sướng kêu to qua vô tuyến điện: Nó cháy rồi. Nhìn xuống thấp, thấy 1 tốp F-4, anh định đuổi theo, nhưng hỏa lực cao xạ bắn lên, đạn nổ dày đặc, chỉ huy sở nhắc Hợp không được vào hỏa lực và dẫn anh về Kép hạ cánh lúc 13 giờ 18 phút.

        Trong khi Hợp đánh chiếc vòng lên, Đạo đuổi riết ráo chiếc lủi xuống thấp. Chờ cho thằng F-4 vừa cải bằng, cố vào đến cự li xạ kích tốt, Lê Thanh Đạo ngắm cẩn thận và bóp cò, phóng một quả tên lửa, máy bay địch bùng cháy. Sẵn ở độ cao thấp, tốc độ đang lớn, anh thoát li, bay thấp, 200m, về Kép hạ cánh, chỉ sau số 2 vài phút. Hai phi công Lê Thanh Đạo và Vũ Đức Hợp lập công xuất sắc, bắn rơi cả tốp máy bay địch. Đây là trận thắng mở đầu của Trung đoàn tiêm kích 927.

        Hôm sau, ngày 11 tháng 5, lúc 14 giờ 30 phút Trung đoàn tiếp tục tổ chức một trận đánh, biên đội nhỏ 2 chiếc Míc-21 vào đội hình lớn của địch đánh phá khu vực Bạch Mai, nam Hà Nội. Phía tây, địch vào 46 chiếc. trong đó hơn một nửa số máy bay địch làm nhiệm vụ tiêm kích, gây nhiễu.

        Biên đội Ngô Văn Phú số 1, Ngô Duy Thư số 2 cất cánh, bay về phía tây Hà Nội, độ cao 500m. Chỉ huy sở ra lệnh biên đội vứt thùng dầu phụ, kéo cao 7.000m. Vừa mới đạt độ cao, số 2 đã phát hiện một tốp máy bay địch ở cách 5.000m, bên trái, đằng trước 15 độ.

        Biên đội trưởng cũng đã phát hiện địch. Anh lệnh cho số 2 vào công kích. Thư đuổi theo tốp địch, đến cự li gần hơn, anh nhận rõ bọn F-105. Anh ngắm chiếc số 4 sau cùng, bên phải. Địch vẫn chưa hay biết gì có Míc. Thư tiếp cận đến cự li 1.200m, anh phóng một quả tên lửa, máy bay F-105 bùng cháy. Anh lao xuống tốp F-4 ở thấp hơn, góc bổ nhào quá lớn, hơn 60 độ, tốc độ tiếp cận lớn, cách máy bay địch có 600m, không thể xạ kích được, anh kéo máy bay lên, thoát li.

        Phú đuổi theo một tốp, vào gần, anh phát hiện tốp F-4 tiêm kích, bay sau yểm hộ cho bọn F-105. Anh điều chỉnh đường nắm tốt, phóng quả tên lửa thứ 2, bắn rơi ngay một F-4. Anh cho máy bay vòng phải, đột nhiên thấy máy bay rung mạnh, không điều khiển được nữa. Máy bay anh bị tên lửa của tốp F-4 phía sau bắn trúng. Anh nhảy dù, an toàn trở về đơn vị. Sau khi nằm viện ít ngày, anh lại trở về Trung đoàn tiếp túc tham gia chiến đấu.

        Những ngày đầu tháng 5, địch tổ chức nhiều đợt đánh lớn vào Hà Nội. Không quân tiêm kích ta đã liên tục xuất kích chiến đấu. Ta cản phá nhiều đợt tấn công, không cho chúng vào mục tiêu, bắn rơi nhiều máy bay cường kích và cả tiêm kích địch. Các đồng chí cao xạ, tên lửa cũng đã hạ được nhiều máy bay Mỹ.

        Địch tăng cường đối phó với hệ thống phòng không của ta. Đối với không quân, chúng tăng lực lượng yểm hộ trong đội hình, khống chế sân bay, oanh tạc sân bay, nhiễu ra đa dẫn đường và dùng tên lửa từ xa, phóng vào các trạm ra đa. Chúng tăng cường tổ chức các trận không chiến. Các máy bay F-4 được cải tiến, mang tên lửa và cả súng 20mm để đánh gần.

        Thủ đoạn chiến thuật thay đổi, lực lượng tiêm kích của địch được tăng cường, vũ khí được cải tiến, dùng chủ yếu F-4 cải tiến. Thời gian đầu, ta lúng túng. Tuy có chuẩn bị trước nhưng lường chưa hết khó khăn. Có nhiều trận ta theo kinh nghiệm cũ, tổ chức và chỉ huy còn hạn chế, mặt bảo đảm kĩ thuật còn chưa đáp ứng. Các đơn vị chiến đấu nhiều lúc gặp khó khăn, còn nhiều sơ hở, lực lượng phi công, máy bay bị tổn thất nặng.

        Trước đó hằng ngày Binh chủng trực ban chiến đấu từ 32 đến 34 chiếc, giảm xuống chỉ còn một nửa. Ta thực hiện phương châm đánh chắc, chủ động, dùng lực lượng vừa và nhỏ, tập trung đánh vào đội hình lớn của địch để đạt được mục đích vừa bảo vệ mục tiêu vừa tiêu diệt được địch. Các Trung đoàn dưới sự chỉ đạo chung của Binh chủng, cố gắng tổ chức những trận có sự phối hợp chiến đấu giữa Míc-17, Míc-19, Míc-21. Các loại máy bay tiêm kích có tính năng kĩ thuật khác nhau, cùng chiến đấu trong một khu vực, hỗ trợ cho nhau và hạn chế thế mạnh của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:03:14 am »

        Trích nhật kí của Binh chúng: Nửa cuối tháng 5, mặt trận trên không càng thêm quyết liệt. Đặc biệt, Trung đoàn 925 tổ chức nhiều trận cùng chiến đấu với Trung đoàn 923 và Trung đoàn 927, Trung đoàn 921 trong một khu vực.

        Ngày 12 tháng 5, biên đội 4 chiếc Míc-19, đánh quần với 12 chiếc F-4, không chiến quyết liệt. Địch phóng nhiều tên lửa vào đội hình Míc-19, anh em giữ chắc đôi, cơ động tránh tốt. Cả 4 phi công đều không có thời cơ nổ súng.

        Ngày 18 tháng 5, biên dội 4 chiếc Míc-19 bắn rơi 1 chiếc F-4 trên đỉnh sân bay Nội Bài, yểm hộ cho Míc-21 hạ cánh an toàn sau khi chiến đấu ở Mộc Châu về. Ngay chiều hôm đó, 12 chiếc F-4 giả vờ đội hình cường kích vào đánh sân bay, chỉ huy sở cho một đôi Míc-19 xuất kích. Thấy trời đầy mây, địch lập tức bu lại phóng tên lửa vào biên đội. Cả hai chiếc Míc-19 đều bị địch bắn rơi ở đầu sân bay Kép. Trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, ta bị tổn thất 2 lần đều tại sân bay Nội Bài. Lần thứ nhất vào đầu năm 1967, ba biên đội Míc-21 vừa mới lần lượt xuyên mây lên, chưa tập hợp được biên đội, đã bị địch bắn rơi 6 chiếc Míc-21, anh Đồng Văn Đe hi sinh. Lần này, địch cũng dùng thủ đoạn đánh lừa, bắn rơi 2 chiếc Míc-19. Trong binh thư người xưa có nói rằng: thấy vậy, nhưng không phải vậy. Người lính dù có tài giỏi gì nhưng mắc mưu đối phương cũng thua. Đây là bài học thấm thía của không quân tiêm kích Việt Nam.

        Ngày 23 tháng 5, sau khi rút kinh nghiệm, củng cố lại tinh thần cho bộ đội, Trung đoàn tổ chức tiếp một trận đánh ác liệt. Biên đội 4 chiếc Míc-19, đánh với 16 chiếc F-4 trên vùng trời Đại Từ - Thái Nguyên. Sau 6 phút chiến đấu, các phi công không chiến với máy bay địch vào đánh phá phía bắc Hà Nội. Trong trận này, số 2 bị trúng tên lửa địch, nhưng nhảy dù an toàn.

        Ngày 2 tháng 6, biên đội 4 chiếc Míc-19, do biên đội trưởng Phạm Ngọc Vân dẫn đầu, xuất kích lên hướng Đông Bắc chặn địch. Đến Bắc Giang, mây trên 7 phần, biên đội vừa mới từ độ cao thấp, bay lên trên các lớp mây, ta chưa thấy địch đâu, đã bị tên lửa F-4 phóng vào đội hình. Máy bay số 1 ngay từ loạt đầu đã trúng tên lửa địch, bốc cháy. Biên đội trưởng hi sinh. Ba chiếc Míc-19 còn lại hỗn chiến một lúc với F-4 rồi hạ độ cao, rút về hạ cánh ở Gia Lâm. Trận này, ta không rõ địch có bao nhiêu lực lượng. Nhưng chắc cũng chỉ độ 4 chiếc F-4 là cùng. Ra đa chỉ huy sở trục trặc, không bắt rõ địch, mây nhiều, biên đội khó quan sát, đội trưởng chọn độ cao bay chưa hợp lí. Tất cả những cái đó, đều phải đổi bằng giá rất đắt. Trong chiến tranh, hệ thống chỉ huy ở mặt đất có thể trục trặc là điều khó tránh khỏi. Lúc này, người chỉ huy trên không có vai trò quyết định.

        Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc, có nhiều trận không chiến tại đỉnh sân bay giữa tiêm kích ta và địch rất điển hình, thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng của những dũng sĩ Việt Nam trên trời cao với bọn cướp Mỹ xảo quyệt, ngoan cố.

        Cuối năm 1966, nhiều lần đội hình lớn máy bay cường kích - tiêm kích F-105 hiện đại vào bậc nhất thời bấy giờ bị các chiếc Míc-17 nhỏ bé, nhanh nhẹn, nện cho những đòn đau. Bọn phi công Mỹ quyết tâm tổ chức một trận không chiến 12 chiếc F-105 không hề mang một quả bom nào. Mỗi chiếc trang bị 6 tên lửa không đối không và súng đại bác Vuncan, 6 nòng 20mm với 2.000 viên đạn do tên thiếu tá Zencáctơ - “người hùng” của không quân Mỹ chỉ huy. Chúng bay đội hình tốp 3, mỗi tốp 4 chiếc, như đội hình mang bom vẫn thường đánh các mục tiêu. Bọn địch bay độ cao thấp, ven dãy Tam Đảo, vào sân bay Nội Bài.

        Biên đội 2 chiếc Míc-17 của ta xuất kích. Anh Biên số 1, anh Mẫn số 2 cất cánh vừa lên đến độ cao 500m, gặp ngay đội hình F-105 trên đỉnh sân bay Nội Bài. Bọn F-105 quay lại, tổ chức ngay cuộc không chiến với 2 chiếc Míc-17 bé nhỏ. Zencáctơ định “nuốt chửng” hai anh Biên - Mẫn. Các tốp F-105 chia ra từng đôi, luân phiên vào công kích.

        Anh Biên được anh Mẫn yểm hộ, lừa thế, cắt bán kính; tiếp cận 1 chiếc F-105, anh nổ súng liền 2 loạt, đạn phủ đầy thân chiếc “Thần sấm”. Nó cháy bùng, lao xuống phía tây sân bay.

        Zencáctơ lao đến bắn tên lửa vào máy bay anh Mẫn. Đài chỉ huy tại sân bay biến thành đài bổ trợ, trực tiếp nhắc nhở phi công ta cơ động tránh tên lửa khi bị địch bắn. Anh Mẫn, anh Biên vòng đánh quần với 11 chiếc F-105 còn lại. Nhiều lần, chúng phóng tên lửa, hai anh đều tránh thoát. Anh Mẫn tạo thế có lợi, tiếp cận được 1 chiếc F-105, cự li độ 300m, anh nổ một loạt dài. Chiếc F-105 bùng cháy, lộn cổ xuống đất. Anh tiếp tục bám chiếc F-105 phía trước, bắn một loạt, đạn trúng cánh trái, máy bay Zencáctơ bị thương. Pháo cao xạ bảo vệ sân bay, nhận dạng ta, địch bắn trực tiếp chi viện cho 2 chiếc Míc-17. Sau 30 phút không chiến, 2 chiếc Míc-17 bắn rơi 2 chiếc F-105, lại bắn bị thương máy bay chỉ huy, có pháo mặt đất bắn cản chi viện. Bọn F-105 hốt hoảng tháo lui. Hai chiếc Míc-17 trở về hạ cánh an toàn giữa sự hân hoan của bộ đội Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô.

        Cũng tại sân bay Nội Bài, đầu năm 1972, anh Đinh Tôn bay kèm chuyên gia Liên Xô trên Míc-21, chuyến bay đầu tiên trước khi mặt trời lặn của các chuyến bay đêm. Máy bay anh vừa vòng vòng 3, chuẩn bị thông trường như thường lệ, bất ngờ, địa chỉ huy sân bay phát hiện có 4 F-4 đuổi phía sau. Chỉ huy bay lập tức thông báo cho anh Tôn biết và báo cáo chỉ huy sở tình huống chiến đấu khẩn cấp. Trên máy bay Míc-21 có hai buồng lái cho 2 phi công điều khiển. Anh nói với bạn: có bọn F-4 phía sau, đồng chí để tôi lái. Đinh Tôn tăng lực, một mình vừa vòng tránh, vừa dùng súng chiến đấu với 4 chiếc F-4 tiêm kích Mỹ. Hai bên quần nhau kịch liệt, bọn F-4 bắn nhiều loạt tên lửa, anh Tôn đều tránh được. Trên máy bay huấn luỵện lúc ấy chỉ có súng, anh Tôn cũng bắn vài loạt, nhưng vì ngắm vội, không trúng chiếc nào. Sau hơn 10 phút không chiến với Míc, vẫn không làm sao hạ được đối phương, lại bị pháo cao xạ bắn chi viện quá rát, bọn Mỹ rút lui. Máy bay hạ cánh an toàn, đồng chí chuyên gia ôm hôn anh Đinh Tôn và tỏ lòng cảm phục sự nhanh nhẹn, quả cảm của phi công Việt Nam. Từ đó, cấp trên chỉ thị, tất cả máy bay tham gia huấn luyện, bất kể bay đêm hay ngày, đều mang theo tên lửa, sẵn sàng chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:07:18 am »

        Trong một đợt hoạt động, địch thường vào nhiều hướng một lúc, thời cơ xuất kích chiến đấu của mỗi trung đoàn khác nhau. Việc hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng tiêm kích thường chỉ tổ chức được cho hai trung đoàn ở trên một hướng. Binh chủng Không quân khắc phục nhiều khó khăn trong công tác tổ chức chiến đấu, đánh phối hợp giữa các đơn vị, lập chiến công xuất sắc nhân kỉ niệm sinh nhật Bác. Thời cơ ấy đã đến.

        Sáng 18 tháng 5 năm 1972, vào lúc 10 giờ, ra đa phát hiện một tốp từ hướng Đông Bắc, bay vào khu vực Kép. Binh chủng nhận định, địch có thể hoạt động lớn ở hướng này, lệnh cho Trung đoàn 923 xuất kích. Biên đội 4 chiếc Míc-17 gồm: Tưởng số 1, Điển số 2, Quy số 3, Lâm số 4, cất cánh bay xuống Bắc Giang, vòng trở lại sân bay lên độ cao 2.000m, đã phát hiện địch. Biên đội 4 chiếc Míc-17 xáp chiến với 4 chiếc F-4 tốp đầu. Bọn F-4 lại giở trò phân tốp, hòng lừa Míc-17. Bốn Míc-17 của ta chia làm 2 tốp, tập trung truy đuổi 2 chiếc F-4 vòng xuống thấp và cảnh giới đề phòng bọn F-4 trên cao. Bọn địch vào thêm 4 chiếc nữa, Lập tức, ở tầng cao, Binh chủng đã kịp đưa 4 chiếc Míc-19 vào chiến đấu.

        Trong một khu vực nhỏ, dưới thấp, độ cao 2.000m trở xuống, 4 chiếc Míc-17 đang quần nhau quyết liệt với 4 chiếc F-4. Tưởng cắt bán kính trong động tác lượn vòng chiến đấu, bắn rơi ngay 1 chiếc F-4 trong lần công kích đầu tiên. Khí thế quân ta càng hăng, cùng lúc ấy, trên độ cao 3.000m đến 4.000m, 4 chiếc Míc-19 quần nhau quyết liệt với 4 chiếc F-4. Lực lượng ngang nhau, địch chia làm 2 tốp, bên ta 4 chiếc Míc-19 cũng phân làm 2 tốp. Số 3 của Míc-19 bám theo 1 chiếc F-4, đang ở tư thế vòng lên lấy độ cao. Míc-19 tăng lực, lên độ cao nhanh hơn F-4. Đuổi đến cự li khoảng 300m, anh nổ liền 3 khẩu 30mm. Loạt đạn cưa đứt cánh phải máybay F-4 như một nhát chém, máy bay bùng cháy, thân rơi lả tả. Địch tăng cường vào tiếp tầng trên với 4 chiếc F-4, nhằm cứu bọn đang bị ta đánh. Đẹp làm sao, ở tầng trên cùng, đã xuất hiện 2 đôi Míc-21 của Trung đoàn 927. Bọn F-4 mới vào vùng phân tốp. Quân ta, Míc-21 cũng tương kế, tựu kế, số 1 giả vờ đuổi theo 1 tốp, bất ngờ, anh vòng ngược lại bám theo đôi vừa vòng chiến đấu lấy độ cao, anh bắn rơi ngay 1 chiếc F-4. Số 2 Míc-21 bám theo yểm hộ, anh hai lần vào công kích, địch cơ động tránh thoát. Đôi Míc-21 trên cùng, cũng đang đuổi theo 2 chiếc F-4 ở độ cao 6.000m.

        Bọn F-4 hay ỷ thế đông, trang bị nhiều tên lửa, có tốc độ lớn hơn Míc-17, hỏa lực mạnh hơn Míc-19 và tính năng cơ động lượn vòng, lủi xuống thấp tốt hơn Míc-21. Trong trận này, trời không tha cho chúng nó. Một lúc, bọn F-4 gặp cả 3 loại Míc. F-4 không giở được trò gì, cố sống, cố chết, cơ động, thoát nhanh ra hướng biển. Trên bầu trời sân bay Kép chỉ còn lại các máy bay tiêm kích của ta. Trận này, ta bắn rơi tại chỗ 3 chiếc F-4 còn thêm 2 chiếc F-4 bị Míc-21 bắn bị thương, bay ra đến biển thì rơi. Bọn Mỹ cứu được giặc lái.

        Trận chiến đấu phối hợp lực lượng của 3 trung đoàn, 3 loại máy bay tiêm kích cùng chiến đấu, hỗ trợ cho nhau, tạo ra thế mạnh chung áp đảo quân thù, giành chiến thắng giòn giã. Ta hoàn toàn vô sự. Kết quả trận đánh, thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy của Không quân ta đã được nâng lên, nghệ thuật chiến đấu trên không tiến bộ rõ. Trong công tác chỉ huy, các chỉ huy sở, dưới sự chỉ đạo của Quân chủng, Binh chủng, đã phối hợp với nhau khá tốt. Các phi công tiêm kích, những dũng sĩ trên bầu trời của Tổ quốc còn tiếp tục lập những chiến công oai hùng trong cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược.

        Bộ Tư lệnh Binh chủng theo dõi chặt chẽ tình hình chiến đấu, kịp thời chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm từng trận, từng đợt chiến đấu. Các đồng chí thủ trưởng Binh chủng Không quân đã cùng các đồng chí cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần, kĩ thuật, xuống tận các trung đoàn, nghe trực tiếp ý kiến của cán bộ chỉ huy đơn vị, của anh em phi công, thợ máy. Binh chủng cùng các trung đoàn phân tích sâu sắc âm mưu, thủ đoạn của địch trong chiến đấu, đối phó với từng loại tiêm kích Míc-17, Míc-19, Míc-21. Đồng thời chỉ rõ những ưu khuyết điểm của ta trong các trận đánh cũng như việc tổ chức hiệp đồng của từng trung đoàn trong Binh chủng. Hiệp đòng chiến đấu giữa không quân, cao xạ, tên lửa, để có thể phát huy cao nhất hiệu quả chiến đấu, tiêu diệt địch, bảo vệ ta. Công tác huấn luyện, đặc biệt là các bài bay ứng dụng chiến đấu cần phải tiến hành ngay ở các trung đoàn, cương quyết thực hiện phương châm vừa chiếu đấu, vừa huấn luyện. Đưa toàn bộ số phi công mới được bổ sung của Míc-21 và Míc-17 vào huấn luyện các bài bay theo phương án chiến đấu, tranh thủ tổ chức các bài bay huấn luyện nhỏ, lẻ giữa các đợt địch hoạt động. Sử dụng ngay một số máy bay đang trực chiến để bay tập. Trong lúc huấn luyện, luôn sẵn sàng chuyển qua làm nhiệm vụ chiến đấu. Chính nhờ chủ trương đúng đắn, kịp thời này được tổ chức thực hiện tốt ở các đơn vị, trong thời gian ngắn, trình độ kĩ thuật của phi công được nâng cao lên. Hầu hết các phi công mới đủ trình độ đưa vào trực ban chiến đấu. Lực lượng trực tiếp chiến đấu của Binh chủng được tăng cường. Các căn cứ Không quân của ta liên tiếp bị đánh phá, các trạm dẫn đường là mục tiêu hủy diệt của không quân Mỹ, nhưng anh em phục vụ, bảo đảm ở mặt đất luôn khắc phục khó khăn, bảo đảm hậu cần, kĩ thuật, dẫn dắt máy bay ta chiến đấu ngày một tốt hơn, vững chắc hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:11:40 am »

        Sau nhiều trận bị Không quân ta cho nếm đòn đau, không quân Mỹ cũng nhanh chóng thay đổi chiến thuật, phát huy ưu thế về số lượng và trang bị kĩ thuật hiện đại. Trung đoàn 923, Trung đoàn 925 liên tiếp bị tổn thất trong một số trận vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Sân bay Yên Bái ở xa trung tâm hỏa lực bảo vệ cụm sân bay, bị địch khống chế thường xuyên, một bộ phận lực lượng cơ động về Gia Lâm. Binh chủng nhận định: Trước mắt, vấn đề tổ chức chiến đấu và cách đánh của Míc-17, Míc-19 còn khó khăn, phải tiếp tục nghiên cứu.

        Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, dần dần, không quân ta đã rút ra được cách đánh phù hợp với tính năng Míc-21. Qua mấy tháng chiến đấu ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2, cách đánh hiệu quả đó ngày một hoàn thiện. Míc-21 sử dụng trong chiến đấu, chủ yếu biên đội 2 chiếc dùng tốc độ lớn, đánh thọc sâu, xuyên suốt đội hình địch; chủ yếu dùng tên lửa tiêu diệt đối phương; hạn chế chiến thuật đánh vòng, cơ động ở độ cao thấp với máy bay chiến thuật F-4, F-105, F-8. Khi thoát li, vọt lên cao, dùng tốc độ lớn, có ra đa dẫn về hoặc tự động dẫn đường; hạn chế việc rút khỏi chiến đấu bay ở độ cao thấp, vừa hao dầu, ra đa ta khó bắt và dễ rơi vào ổ phục kích của địch. Trong khi Trung đoàn 925, Trung đoàn 923 hạn chế xuất kích, Binh chủng tập trung sử dụng lực lượng của Trung đoàn 921, Trung đoàn 927. Các phi công trẻ của hai trung đoàn có thời cơ tung hoành trên bầu trời, lập nhiêu chiến công trong một thời gian ngắn so với các bậc đàn anh. Họ trưởng thành nhanh trong các trận chiến đấu ác liệt, nhiều người trong số các đồng chí phi công này trở thành Anh hùng và là cán bộ nòng cốt của không quân, của quân đội.

        Để minh họa thêm cho những chiến công của Không quân nhân dân Việt Nam, xin dẫn ra đây một vài đoạn nhật kí chiến đấu.

        Ngày 10 tháng 6 năm 1972, biên đội 2 chiếc Míc-21 của Trung đoàn 921 bắn rơi 1 chiếc F-4 tại vùng trời Hòa Bình.

        Ngày 13 tháng 6 năm 1972, Trung đoàn xuất kích 2 biên đội Míc-21 cản phá đội hình 12 chiếc F-4 vào định đánh phá Hà Nội, trên vùng trời Phú Thọ. Biên đội Míc-21 do Phạm Phú Thái dẫn đầu đã dũng cảm xuyên suốt đội hình địch. Bọn F-4 bị đòn bất ngờ, phải vứt bom khi chưa kịp tổ chức không chiến. Thái đã hạ tạ chỗ một chiếc F-4. Bọn địch hoàn toàn tan rã đội hình phải tháo lui. Biên đội thoát li chiến đấu ở độ cao 8.000m, dùng tốc độ lớn đươc chỉ huy sở dẫn về sân bay, hạ cánh an toàn.

        Biên đội của Thái vừa rút khỏi chiến đấu, trong khi địch còn chưa hoàn hồn vì một chiếc F-4 bị biên đội đầu bắn cháy, chỉ huy sở Trung đoàn 921 dẫn tiếp biên đội 2 chiếc Míc-21 thứ 2 vào công kích. Bọn F-4 đang phân tốp, Nguyễn Văn Lanh phát hiện 2 chiếc F-4 đang lượn vòng lên cao, ở phía trước biên đội cách độ 5.000m. Sau khi báo cho số 1 và được lệnh biên đội trưởng, Lanh đuổi theo công kích. Ngay quả tên lửa đầu, anh đã bắn cháy chiếc F-4 đi sau. Anh tiếp cận định tiêu diệt nốt tên số 1. Tên địch lật úp máy bay chạy thoát.

        Đỗ Văn Lanh học viên khóa thứ 2 do Trường Không quân Việt Nam đào tạo. Anh về nước tham gia chiến đấu năm 1968. Lanh mới được chuyển qua bay Míc-21. Ở Míc-17, Lanh là phi công giỏi, gan lì, chịu trận, ít nói và không chơi giỏi môn bóng nào, từ bóng chuyền, đến môn bóng rổ, chủ yếu giữ vai trò cổ vũ hăng hái. Míc-21 hơn hẳn Míc-17 về tính năng cơ động cũng như vũ khí, nên khi được chuyển sang lái Míc-21, anh như được chắp thêm đôi cánh. Trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Nguyên Văn Cốc đã hạ 9 máy bay Mỹ, riêng ở vị trí số 2, anh bắn rơi 6 chiếc. Phát huy truyền thống vẻ vang, nhưng đầy vất vả và gian nguy của vị trí số 2, Đỗ Văn Lanh trong một thời gian ngắn đã hạ liền 4 chiếc F-4 của Mỹ. Thật xứng danh Anh hùng “chim cắt số 2”.

        Đỗ Văn Lanh sinh ngày 24 tháng 10 năm 1948, ở tỉnh Ninh Bình, nơi đồng chua nước mặn. Bố mẹ đều làm ruộng, nhà nghèo. Ngay từ nhỏ, anh đã phải vừa đi học, vừa giúp bố mẹ làm ruộng, phụ nuôi đàn em nhỏ. Vào bộ đội, được lãnh ít phục cấp, anh không tiêu pha gì, dành dụm gửi về gia đình. Anh bay Míc-17 và được biên chế vào phi đội 2 anh hùng. Tôi là Trung đội trưởng đầu tiên của anh. Chúng tôi đã cùng nhau bay những chuyến trực ban chiến đấu đầu tiên trong cuộc đời phi công tiêm kích. Tôi nhớ mãi Lanh luôn có những đường bay mạnh mẽ, dứt khoát. Năm 1970, anh cùng một số anh em chuyển lên lái Míc-21. Trong số họ, nhiều người lập công xuất sắc. Đỗ Văn Lanh đã tham gia chiến đấu 68 trận, 10 lần gặp địch, phóng 7 quả tên lửa hạ 4 máy bay địch. Ngày 24 tháng 5 năm 1972, sau khi không chiến ác liệt trở về, máy bay hết dầu, tắt máy còn cách sân bay 50km, anh bình tĩnh đưa máy bay về hạ cánh an toàn trên đường băng. Máy bay hết sạch dầu, bắn hết tên lửa, chạy cự li ngắn, dừng lại trên đường bê tông, Đỗ Văn Lanh mở nắp buồng lái, cười tươi rói. Lần hạ cánh như thế, cả cuộc chiến tranh là duy nhất, thành công quá tốt đẹp.

        Sau chiến tranh, anh làm chủ nhiệm bay sư đoàn - một chức vụ tương đương cấp trung đoàn trưởng. Anh luôn tận tình truyền đạt lại kinh nghiệm và kĩ thuật lái cho anh em phi công trẻ. Những kinh nghiệm chiến đấu của anh đã trở thành tài sản quý giá của các chiến sĩ trẻ kế tiếp nhau, bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Năm 1980, trong một lần bay kèm, anh em lái một, bài bay khu vực phức tạp ở độ cao thấp, anh bị tai nạn, hi sinh. Đỗ Văn Lanh ra đi, để lại trong lòng anh em bao nỗi tiếc thương. Anh - người con hiếu thảo của gia đình, một phi công tiêm kích dũng cảm, thông minh, một người cán bộ luôn tận tụy, quên mình vì thế hệ mai sau, vì Tổ quốc thân yêu. Sau này, con trai anh cũng trở thành phi công tiêm kích. Đại bàng bố, sinh đại bàng con!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 04:17:16 am »

        Cùng với Trung đoàn 921, Trung đoàn 927 liên tục xuất kích, bắn rơi nhiều máy bay địch. Đặc biệt là từ khi anh em phi công Trung đoàn 927 được trang bị máy bay Míc-21 cải tiến (Míc-21- F96) trang bị 4 quả tên lửa, dầu nhiều, bay được lâu hơn loại F94 cũ. Tính năng điều khiển tốt, đặc biệt lấy độ cao nhanh, lực đẩy động cơ mạnh hơn, tăng tốc độ mau lẹ khi cần đuổi địch.

        Các loại tiêm kích cũ của ta do Liên Xô chế tạo, có nhược điểm lớn là thời gian hoạt động trên không ngắn. Nếu không mang thùng dầu phụ, chỉ bay được 30 phút. Do đó, bán kính hoạt động hạn chế. Míc-17, trung bình bán kính hoạt động cũng chỉ khoảng 250km, còn Míc-21-F96 có thể lớn hơn 300km vì tầm hoạt động của máy bay tiêm kích bị hạn chế như vậy, nên dễ tao ra khu vực chiến đấu quen thuộc, bọn Mỹ gọi là “thung lũng Míc”. Yếu tố bí mật, bất ngờ trong chiến đấu của ta bị hạn chế, từ ngày được trang bị Míc-21-F96, tiêm kích ta vươn xa hơn. Trung đoàn 927 tổ chức đánh 7 trận liền trong tháng 6, trận nào cũng bắn rơi máy bay địch, ta an toàn tuyệt đối.

        Chiều ngày 24 tháng 6 năm 1972, địch tổ chức 60 lần chiếc đánh Thái Nguyên và các mục tiêu giao thông trên đường 1 Bắc. Một nửa lực lượng là tiêm kích F-4 và máy bay gây nhiễu. Bọn tiêm kích Mỹ vào chặn ta trước ở khu vực Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn Dương (Tuyên Quang). Trung đoàn 927 cho biên đội Nguyễn Đức Nhu, Hạ Vĩnh Thành xuất kích. Bọn tiêm kích F-4 đuổi theo đôi Míc-21 Nhu - Thành. Chỉ huy sở liền tương kế tựu kế, lệnh cho đôi Míc-21 cất cánh đầu làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch. Quả nhiên 6 chiếc F-4 này mắc mưu, cố đuổi theo biên đội Míc-21 bay ở độ cao 4.000m.

        Trong khi đó, Trung đoàn cho đôi Nguyễn Đức Soát số 1, Ngô Duy Thư số 2 cất cánh gấp. Chỉ huy sở thông báo: địch cách biên đội Soát 25km, chia làm 3 tốp, mỗi tốp cách nhau 2 đến 3km. Phát hiện địch, biên đội Míc-21 của Soát vứt thùng dầu phụ, tăng lực, báo cảo chỉ huy sở xin phép vào công kích. Soát đưa tên địch vào điểm ngắn, nhưng vì tốc độ tiếp cận quá nhanh, cự li quá gần, anh không bắn được. Anh tiếp tục lao lên phía trước, ngắm bắn tên thứ hai, đến cự li tốt, anh phóng một quả tên lửa, máy bay địch bùng cháy. Sẵn đà công kích, anh cho máy bay xông thẳng lên biên đội F-4 bay phía trước, chuẩn bị phóng quả tên lửa thứ 2. Bọn F-4 phát hiện có Míc đuổi phía sau, vòng chúi xuống thấp trốn chạy. Phía sau vẫn còn nhiều địch, chỉ huy sở cho anh rút khỏi chiến đấu. Soát hạ thấp độ cao xuống 500m, bay tốc độ lớn về Nội Bài hạ cánh.

        Ngô Duy Thư yểm hộ số 1 trong suốt quá trình công kích. Quan sát phía sau, anh thấy có nhiều máy bay địch. Anh xin phép số 1 vào công kích. Tiếp cận một đôi F-4 ở cự li 1.500m, Thư phóng 1 quả tên lửa, tên địch bay sau nổ bùng. Anh phóng quả tên lửa thứ 2 vào tên số 1, nhưng vì tốc độ máy bay anh quá lớn, đường ngắm không ổn định, tên lửa bay lệch mục tiêu. Anh thoát li lên cao, chỉ huy sở dẫn anh về hạ cánh.

        15 giờ 42 phút, Trung đoàn 927 cho tiếp biên đội Nguyễn Văn Nghĩa số 1, Nguyễn Văn Tuấn số 2, lên để yểm hộ cho 2 đội Míc-21 xuất kích trước về hạ cánh. Phát hiện đôi Míc-21 Nghĩa - Toàn bám theo, 4 chiếc F-4 chia làm 2 đội, phân tốp, cơ động đan chéo để tránh bị công kích. Toàn ngắm chiếc bên phải, phóng 1 quả tên lửa nhưng không trúng mục tiêu. Nghĩa bám chiếc bên trái, anh lựa thế, khi nó vừa giảm bớt độ nghiêng để lật máy bay cơ động chéo trở lại, anh bóp cò, tên lửa phóng ra, lao vào chiếc F-4. Máy bay địch rơi tại chỗ, bùng cháy dưới cánh máy bay Nguyễn Văn Toàn.

        Trong vòng 30 phút, chỉ huy phán đoán địch đúng, sử dụng lực lượng linh hoạt, tập trung, liên tục tiến công vào đội hình tiêm kích địch, bắn rơi tại chỗ 3 chiếc F-4. Bọn cường kích hốt hoảng, vứt bom, tháo lui. Mục tiêu được bảo vệ, tiêu diệt địch nhanh gọn, ta thắng lợi giòn giã. Các phi công Míc-21 sử dụng chiến thuật dũng mãnh này, dù địch đã biết, cũng khó bề chống đỡ, biên đội 2 chiếc, gọn nhẹ, chủ động tiến công, không sa vào tình thế đánh vòng lẩn quẩn với bọn tiêm kích địch, các chiến sĩ Míc-21 liên tục chiến thắng nhiều đội hình lớn của địch.

        Ngày 27 tháng 6 năm 1972, địch tổ chức đợt đánh lớn vào Hà Nội. Lực lượng chúng gồm 24 chiếc mang bom, 20 chiếc F-4 làm nhiệm vụ yểm hộ. Tiêm kích địch vào trước 12 phút, khống chế ngay sân bay Nội Bài, Gia Lâm. Một lực lượng F-4 phục sẵn, chờ ta ở vùng trời Ngĩa Lộ, Vĩnh Phú. Một số F-105 mang tên lửa Sơrai đánh phá các trạm ra đa dẫn đường, với cách bố trí bài bản như vậy, bọn Mỹ tin chắc đã khóa tay Míc lần này. nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Sở chỉ huy Binh chủng đánh giá đúng âm mưu của địch, kịp thời lệnh cho hai trung đoàn Míc-21 chủ động xuất kích, liên tục giáng cho giặc Mỹ những đòn bất ngờ.

        10 giờ 15 phút, biên đội Nguễn Đức Nhu số 1, Hạ Vĩnh Thành số 2, xuất kích từ sân bay Nội Bài, trước khi bọn F-4 vào khống chế. Biên đội lên cao 5.000m, vừa đến vùng trời Nghĩa Lộ, phát hiện 4 chiếc F-4 đội hình từng đôi đang kéo dài, số 1 bí mật tiếp cận, bắn rơi tại chỗ một F-4. Lũ giặc còn lại, hốt hoảng lủi xuống thấp. Chỉ huy sở Trung đoàn 927 cho biên đội rút khỏi chiến đấu.

        Máy bay F-4 bị bắn rơi, giặc lái kêu cứu, Từng tốp 2 đến 4 chiéc F-4, F-105, quần đảo ở khu vực Hòa Bình, Mộc Châu, Vạn Yên, Sơn La, yểm hộ để bọn trực thăng vào cứu giặc lái.

        Đánh địch đang tổ chức cứu bọn phi công nhảy dù là thời cơ rất thuận lợi cho ta. Sở chỉ huy Trung đoàn 927, đưa biên đội Nguyễn Đức Soát số 1, Ngô Duy Thư số 2, vào khu vực Hòa Bình, Vạn Yên. Sở chỉ huy Binh chủng dẫn biên đội Míc-21 của Trung đoàn 921 gồm Phạm Phú Thái số 1, Bùi Thanh Liêm số 2 theo hướng Yên Bái - Nghĩa Lộ. Biên đội Nguyễn Đức Soát cất cánh lúc 11 giờ 53 phút, lên độ cao 5.000m, cách địch 20km, biên đội đã phát hiện 2 chiếc F-4, ở độ cao 3.000m. Ở vào thế có lợi, biên đội trưởng xin phép sở chỉ huy vào công kích. Được lệnh, anh dẫn số 2 lao vào tốp F-4. Soát ấn nút phóng tên lửa; một chiếc F-4 xì khói, nhưng chưa bùng cháy. Anh lao vào gần hơn bắn tiếp quả thứ hai, tên lửa nổ. Chiếc F-4 như bó đuốc lao đầu xuống núi. Khi nhìn thấy máy bay địch cháy rõ ràng, số 1 Nguyễn Đức Soát mới về Nội Bài hạ cánh đàng hoàng.

        Ngô Duy Thư phát hiện một tốp 4 chiếc F-4 bên trái, anh báo cáo đội trưởng xin vào công kích. Anh bí mật tiếp cận, bọn địch vẫn bay bình thường, chưa biết có thần chết đuổi theo sau lưng. Thư phóng liền 2 quả tên lửa vào 1 chiếc F-4 đi sau cùng, hạ ngay tên giặc này. Tăng lực nhiều, dầu còn ít, anh về hạ cánh tại sân bay Hòa Lạc.

        Lại nói tiếp về biên đội Thái - Liêm cất cánh từ sân bay Yên Bái lúc gần 12 giờ. Biên đội bay lên vùng trời Nghĩa Lộ. Lúc này, biên đội Soát - Thư đang tiến công bọn tiêm kích địch ở vùng trời Hòa Bình - Vạn Yên. Biên đội Thái - Liêm đến Nghĩa Lộ, gặp 4 chiếc F-4 ở thế đối đầu. Trời nhiều mây, vòng trở lại đuổi theo chúng chưa chắc còn thấy, Thái quyết định cùng số 2 bay về phía trước vì phán đoán rằng, thế nào cũng còn bọn ở phía sau. Quả nhiên, Thái phát hiện ở phía trước, bên trái, cách 15km, cùng chiều với biên đội Míc-21 có 4 chiếc F-4 đang phân tốp, đan chéo, lượn vòng, đề phòng Míc bất ngờ tấn công. Quan sát phía sau không có địch, Thái lệnh cho số 2 tăng lực, lên hàng ngang, cùng số 1 bắn chiếc bên trái, số 2 bắn chiếc bên phải. Hai Míc-21, tiến đến cự li tốt, Thái cách địch 1.300m, số 2 cách 1.500m. Thái hô, một, hai, ba, kiếm, chọc thẳng vào 2 chiếc F-4 đang bay cắt chéo. Hai máy bay địch gần như cùng đồng thời bốc cháy. Trong một giờ, ba biên đội Míc-21 cùng xuất kích, bắn rơi tại chỗ 5 chiếc F-4. Đây là một trong những trận đánh xuất sắc của hai trung đoàn Míc-21 trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 02:25:33 pm »

        Phát huy truyền thống vẻ vang, Trung đoàn 923 năm 1967 đã lập những chiến công hào hùng nhất. Trong năm, Trung đoàn đã xuất kích 46 trận, có 42 trận nổ súng, bắn rơi 50 máy bay Mỹ. Hai phần ba trong số này là loại F-4, F-105 hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ. Tiêu biểu cho khí phách anh hùng của Trung đoàn là những dũng sĩ diệt máy bay Mỹ trên trời cao, như các anh hùng Nguyễn Văn Bảy, Ngô Đức Mai, Lưu Huy Chao, Nguyễn Văn Bảy (B).

        Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ 2 diễn ra rất ác liệt. Không quân Việt Nam không còn là con mắt muỗi mà thực sự trở thành đối thủ đáng gờm của giặc trời Mỹ. Cùng với các lực lượng Phòng không, Không quân tiêm kích ta đã giáng cho địch nhiều đòn đau, nhớ đời, bảo vệ mục tiêu, góp phần khai thông đường Hồ Chí Minh, con đường giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Do địch đổi phó quyết liệt, tính năng máy bay của có nhiều hạn chế nên việc tổ chức chiến đấu của Míc-17, Míc-19 trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2 có nhiều khó khăn. Một số phi công tiêm kích Míc-17, Míc-19 đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu. Tinh thần quật cường của các dũng sĩ trên trời cao vẫn còn mãi trong lòng của các thế hệ phi công và đồng bào, đồng chí.

        Cuộc chiến tranh năm 1972, các trung đoàn Míc-21 liên tục lập nhiều chiến công oanh liệt, trở thành lực lượng chủ lực của Binh chủng. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 cùng toàn bộ sự nỗ lực của tập thể Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh chủng Phòng không, đã phải trải qua biết bao hi sinh xương máu và công sức, trí tuệ mới hình thành nên chiến thuật này và nâng lên một tầm cao mới. Lực lượng phi công trẻ của Trung đoàn 921, Trung đoàn 927 liên tục lập công xuất sắc. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Đức Soát, sau này trở thành Tư lệnh Quân chủng. Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa trở thành Hiệu trưởng Trường Hàng không.

        Vinh quang thay đất nước Việt Nam đã sinh ra lớp lớp những chàng trai dũng sĩ, họ kế tục sự nghiệp vẻ vang bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Năm tháng chiến tranh lui dần vào lịch sử, nhưng những chiến công hiển hách của một thế hệ phi công tiêm kích trong lửa đạn của cuôc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mãi như những vì sao lấp lánh trên bầu trời.

        Những trận đánh trên không vửa kể đang còn tiếp diễn. Cuộc kháng chiến còn kéo dài, những trận quyết liệt còn ở phía trước.

        Bộ Tư lệnh điều chỉnh, củng cố hệ thống chỉ huy sở. Các cơ quan Nhà nước ưu tiên cung cấp xăng dầu cho không quân. Lực lượng và phương tiện chữa gấp các sân bay được tăng cường. Các sân bay dã chiến được xây dựng ở Tân Trại (Vĩnh Phú); Điền Trạch, Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Những sân bay dã chiến làm trên nền đất, lu lèn đủ độ cứng cho máy bay cất cánh, hạ cánh. Nhiều sân bay ở vào địa điểm địch không thể ngờ như sân bay Cẩm Thủy. Bãi hạ cánh chỉ có thế cất và hạ cánh một đầu, hai bên và phía trước là núi cao. Nhìn xuống, sân bay dã chiến Cẩm Thủy như một con đường hầm độc đạo. Ban ngày bay đã khó, cất cánh hay hạ cánh ban đêm càng khó hơn. Khi hạ cánh, nếu có chuyện gì cần bay lại, từ độ cao 50 m trở xuống, dù có sống chết, phi công cũng phải hạ cánh. Bay lại là đâm vào núi cao trước mặt.

        Các đơn vị kĩ thuật khắc phục muôn vàn khó khăn, sửa chữa máy bay bị hư hỏng, lắp thêm tên lửa A.72 cho một số máy bay Míc-17, Míc-19 và L-29 (loại máy bay huấn luyện do Tiệp Khắc chế tạo) cũng được đưa vào tăng cường cho lực lượng chiến đấu. Loại L-29 dánh trực thăng cứu giặc lái rất tốt.

        Nhằm tăng cường lực lượng chiến đấu, Bộ Tư lệnh Binh chủng ra chỉ thị cho các trung đoàn tích cực huấn luyện.

        Nắm vũng những phương châm “vừa huấn luyện, vừa chiến đấu” tổ chức huấn luyện nhỏ, lẻ, bay theo phương án chiến đấu và chú trọng khoa mục xạ kích, cơ quan Tham mưu Binh chủng, căn cứ vào ý đồ chiến lược của Bộ Tổng tham mưu và của Quân chủng, soạn thảo, từng bước hoàn thiện cách đánh B-52; Tổ chức một phi đội tập theo phương án diệt B-52 cả ban ngày và ban đêm. Các trung đoàn quán triệt chỉ đạo của Binh chủng, trong huấn luyện nắm chắc tình hình hoạt động của địch và sẵn sàng chuyển qua chiến đấu. Một số phi công trong phi đội chuẩn bị đánh B-52, tập hạ cánh ban ngày và ban đêm ở sân bay Cẩm Thủy. Để chuẩn bị cho một chuyến hạ cánh của Míc-21 tại sân bay dã chiến, hàng trăm chiến sĩ ngồi hai bên lề đường băng, mỗi người cầm một cái nong bằng cật tre nhỏ, một mặt sơn trắng, một mặt sơn màu xanh để ngụy trang. Khi máy bay ta sắp vào hạ cánh, đồng chí đại đội trưởng sân đường hô to: Tất cả lật bề trắng lên. Lập tức chỉ sau một phút, đã có vạch chuẩn giới hạn hai bên để cho Míc-21 hạ cánh. Còn ban đêm, hai bên lề cho thắp đèn dầu nhỏ, được che ánh sáng ba bên, chỉ chừa lại đường máy bay vào hạ cánh là không sơn đen. Quả thật không ở đâu như ở quê mình, lắm sáng kiến nhỏ, góp phần vào sự nghiệp lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 02:32:25 pm »

        Thực hiện chỉ đạo của Binh chủng tích cực huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, ngày 11 tháng 7 năm 1972, Trung đoàn 923 tổ chức bay kế hoạch nhỏ. Biên dội Hán Vĩnh Tưởng số 1, Hoàng Thế Thắng số 2, cất cánh lúc 5 giờ 30 phút, bay tập sử dụng tên lửa A.72. Tên lửa A.72  là loại vũ khí vác vai của bộ binh, được cải tiến do đồng chí kĩ sư Hồ Thanh Minh chủ trì, A.72 được lắp trên một số Míc-17, Míc-19 và L-29. Huấn luyện bộ đội trong điều kiện địch có thể xuất hiện bất ngờ, Trung đoàn đã chuẩn bị cho biên đội chu đáo, kể cả phương án bất ngờ gặp địch. Trung đoàn lệnh cho đại đội ra đa dẫn đường, ra đa cảnh giới thường xuyên mở, cảnh giới địch.

        Biên đội đến khu vực Nhã Nam, vừa vòng tập được vài động tác, đã nghe chỉ huy sở thông báo: “Địch vào đến Nam Hải Dương, đang bay về phía tây, chú ý quan sát”. Chỉ độ chưa đầy một phút sau, Tưởng - Thắng được chỉ huy sở ra lệnh: “Địch vào đến Phả Lại, biên đội về Nội Bài ngay”. Biên đội Míc-17 vừa cải hướng về sân bay Nội Bài, chỉ huy sở trung đoàn đã thông báo: “Địch đã vào tới Bắc Giang”, tức là nam sân bay Kép, rất gần vị trí Tưởng - Hán đang bay. Chỉ huy ra lệnh, biên đội sẵn sàng chiến đấu. Số 1 phán đoàn, địch từ Bắc Giang lên, biên đội bay về hướng bắc, sẽ có góc tiếp địch lợi hơn. Tưởng lệnh cho số 2 lên đạn, chuẩn bị chiến đấu.

        Vừa cải bằng ở hướng 350 độ, số 2 báo cảo đã phát hiện địch gồm 2 chiếc F-4 ở bên trái 30 độ, phía trước. Nhìn theo hướng Thắng báo cáo, Tưởng cũng đã thấy đôi F-4, cách biên đội 4.000m đến 5.000m. Tưởng ra lệnh: “Míc-17 ở đô cao thấp dưới 3.000m, vòng cắt bán kính, tiếp cận chiếc F-4 đi đầu”. Còn cách địch 500m, anh quyết định không dùng A.72, mà dùng súng 37mm và 2 khẩu 23mm cho chắc ăn. Hạ thủ đối phương bằng đại bác là nghề của phi công Míc-17. Tưởng bắn loạt đầu, máy bay địch tránh được. Đạn rơi hướng bên phải, phía sau mục tiêu. Anh tiến vào gần hơn, chỉnh lại đường ngắm, bắn một loạt dài. Đạn trùm lên chiếc F-4. Trong khi Tưởng công kích chiếc F-4 bay trước, số 2 bám riết, đến cự li xạ kích tốt, anh bắn một loạt, cả 3 khẩu đại bác đều phun lửa. Chiếc F-4 cháy bùng, rơi ngay tại chỗ. Khi số 2 - Hoàng Thế Thắng mải đuổi theo tên địch, số 1 hạ thủ 1 chiếc F-4 đuổi sau lưng mà anh không hay. Máy bay Thắng bị trúng tên lửa địch. Anh nhảy dù, nhưng vì bị thương quá nặng, anh đã hi sinh. Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và đơn vị đã đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng vói các liệt sĩ thời đánh Pháp tại nghĩa trang địa phương.

        Hoàng Thế Thắng quê ở Chương Mỹ - Hà Đông. Ông bà thân sinh của anh làm nghề thợ nhuộm ở chợ làng Trúc Sơn. Khi đã ngoài 40 tuổi, các cụ cầu khắp các cửa chùa, mới sinh hạ được một mụn con trai là Thắng. Các cụ vô cùng quý thương. Bao tình yêu, hi vọng, các cụ đặt hết vào đứa con trai độc nhất. Càng lớn, Thắng càng trắng trẻo, đẹp trai; chăm học, chăm làm giúp cha mẹ. Học hết lớp 10, Thắng tuyển vào Không quân, đi học bay ở Liên Xô năm 1965. Năm 1968, anh về nước, biên chế vào Trung đoàn tiêm kích 923. Anh là một trong những phi công trẻ tuổi nhất đơn vị. Ngày trực ban chiến đấu đầu tiên, cũng là ngày kỉ niệm lần thứ 21 sinh nhật của Thắng. Con trai là phi công, ở đơn vị tiêm kích, đời chiến đấu may, rủi trong giây lát. Các cụ thương con, ruột nóng như rang suốt đêm ngày. Vùng Chương Mỹ, phía tây Hà Nội là nơi không quân ta thường đụng độ với giặc lái Mỹ. Nghe tin con trai mất, các cụ như đứt từng khúc ruột. Anh em đơn vị cũ của Thắng và cán bộ Quân chủng vẫn thường về thăm các cụ.

        Mỗi chiến công của các chàng phi công tiêm kích đâu chỉ có sự hi sinh của riêng họ, mà còn là sự hi sinh to lớn, thầm lặng của bao ông bố, bà mẹ Việt Nam. Đất nước trường tồn, anh hùng, vì có bao chiến công hiển hách, bao sự hi sinh cao cả.

        Năm nào cũng vậy, gần đến Tết, bất chấp mưa phùn, gió bắc lạnh căm căm, dân làng ở gần nghĩa trang xã Ngọc Vân đều thấy một vị tướng đầu đã điểm bạc, đứng lặng lẽ, thắp nến nhang nhớ người đồng đội năm xưa đã cùng mình chiến đấu. Đó là Trung tướng Hán Vĩnh Tưởng - Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 923 đã xuất kích hàng trăm trận, cơ động trên khắp chiến trường, đã bắn hạ 106 máy bay chién đấu của giặc Mỹ, đánh bom bị thương nặng 2 tàu khu trục hạm đội 7. Trung đoàn được tuyên dương Anh hùng ngày 3 tháng 5 năm 1973. Đại đội 4 được tuyên dương Anh hùng 3 lần, 10 cán bộ, phi công được tuyên dương Anh hùng. Đại đội 2 được tuyên dương hai lần Anh hùng. 10 cán bộ, phi công được tuyên dương Anh hùng. Trong trung đoàn, anh Nguyễn Văn Bảy, là người bắn rơi được 7 máy bay Mỹ. Tiếp theo là anh Lưu Huy Chao và tôi, mỗi người bắn rơi được 6 chiếc gồm F-4 và F-105. Sau khi phong Anh hùng, còn tiếp tục đi chiến trận, bắn rơi thêm một chiếc máy bay Mỹ là Nguyễn Văn Bảy và tôi.

        Ngày 8 tháng 1 năm 1973, biên đội Cống, Hoàng, Mai, Vượng bắn rơi một máy bay trinh sát của Mỹ trên vùng trời Thái Nguyên. Đây là trận đánh cuối cùng của Không quân Việt Nam trên bầu trời miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ.

        Hoàng Cống - cán bộ trẻ, rất hăng hái trong chiến đấu. Trong một lần đuổi máy bay trinh sát địch, bị cao xạ bắn nhầm, anh đã hi sinh. Với chiến công bắn rơi máy bay trinh sát cùng những chiến công nối tiếp ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, Trung đoàn đã thực hiện sứ mệnh vẻ vang: đâu có giặc là ta cứ đi. Cánh bay của Trung đoàn bắt đầu từ dải sông Hồng, đã vươn vào dòng Cửu Long giang. Nới ấy lại có thêm trung đoàn tiêm kích - bom, bắt nguồn từ Trung đoàn 923, tiếp tục lập nên những chiến công vẻ vang trong thời kì chiến tranh Tây - Nam, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Lịch sử Trung đoàn 927, xin dành kể cùng những sự tích anh hùng của Sư đoàn 372.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 09:57:17 pm »

        Nói tiếp về những ngày tháng 7 năm 1972 rực lửa chiến đấu. Ngày 5 tháng 7, lúc 10 giờ 30 phút, thời tiết tốt, địch vào đánh bắc đường 1, hòng chặn cắt trục giao thông huyết mạch này. Chỉ huy Trung đoàn 927 cho biên đội Nguyễn Tiến Sâm số 1, Hạ Vĩnh Thành số 2, xuất kích. Đến Bắc Giang biên đội lên độ cao 4.000m, số 1 đã phát hiện địch. Anh Sâm lệnh số 2 thả thùng dầu phụ, tăng lực, chú ý phía sau. Sâm tiến đến cự li còn cách chiếc F-4 khoảng 2.000m. Nó vẫn bay bình thường, chưa biết thần chết đã bám sau lưng. Sâm ấn nút, phóng quả tên lửa đầu. Điểm nổ cách máy bay địch 50m. Máy bay địch xì khói, chưa bùng cháy. Sẵn đà đang có tốc độ tiếp cận lớn, anh lao vào gần hơn. Cự li cách địch không đến 1.000m, bắn tên lửa, với tốc độ tiếp cận như thế này là quá gần, có thể nguy hiểm. Sâm thoáng nghĩ nhất định phải diệt thằng này. Còn nuôi, chết bỏ! Anh bóp cò, phóng quả tên lửa thứ 2, máy bay địch nổ bùng ngay trước mặt. Sâm cho máy bay xuyên thẳng qua điểm nổ, thoát li chiến đấu. Hạ Vĩnh Thành bay sau yểm hộ, nhìn rõ máy bay số 1 lao vào quả cầu lửa. Anh xót xa nghĩ: Thôi rồi! Khi nhìn kĩ máy bay Sâm vừa thoát qua cầu lửa, đen thui như cột nhà cháy, vẫn bay phía trước, Thành phấn khởi hô tô: Nó rơi rồi. Anh đuổi theo chiếc F-4 còn lại, phóng 1 quả tên lửa, máy bay địch lộn nhào rơi tại chỗ. Đôi bạn trở về sân bay Nội Bài hạ cánh. Chiếc Míc-21 của Thành vẫn trắng nguyên. Chiếc Mic-21 của Sâm đen thui, vì bị “xông khói” máy bay địch bốc cháy lúc trên không. Sự việc chui qua “điểm nổ” của máy bay địch khi ta bắn hạ mà người và máy bay an toàn, chỉ có một lần duy nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

        Ngày 24 tháng 7, lúc gần 11 giờ, tại chỉ huy sở 927, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị, căn cứ tình hình địch vào phía tây nam Hà Nội, theo lệnh Binh chủng, cho biên đội Nguyễn Tiến Sâm - Hạ Vĩnh Thành cất cánh.

        Biênh đội bay về hướng bắc Phủ Lí, lên độ cao 5.000m,số 2 phát hiện F-4 đang vòng đánh ga tàu lửa. Sâm cũng vừa phát hiện địch, chọn thế, thả dầu phụ, tăng lực, anh dẫn biên đội vào công kích. Trong chớp mắt, anh tiếp cận, bắn hạ ngay tại chỗ 1 chiếc F-4. Biên đội thoát li chiến đấu.

        Hạ Vĩnh Thành vào hạ cánh trước. Anh giảm tốc độ, vừa thả càng, thì 2 chiếc F-4 từ Tam Đảo, ở độ cao thấp, lủi ra định đánh chặn. Đài chỉ huy cất cánh hạ cánh thông báo ngay cho Thành biết tình thế khẩn trương, địch ở phía sau. Số 2 thu càng lên, tăng lực, phản kích quyết liệt. Hai chiếc F-4 thấy không thể “cắn trộm”, vội vàng tăng lực, thoát thân.

        Máy bay số 1 Nguyễn Tiến Sâm dầu còn ít, về trực tiếp hạ cánh từ đông qua tây. Hạ Vĩnh Thành, sau khi đuỏi địch, hạ cánh từ tây sang đông. Hai máy bay đối đầu khi hạ cánh. Thật là nguy hiểm. Thành chủ động báo: Số 1 cứ hạ cánh đường bê tông, Còn Thành, lạng máy bay ở độ cao rất thấp, điều khiển hạ cánh trên đường bảo hiểm bằng đất.

        Địch vẫn tiếp tục vào phía Đông Nam Hà Nội. Tiếp theo biên đội Sâm - Thành, chỉ huy sở lệnh cho Lê Thanh Đạo - Trương Tôn xuất kích. Biên đội địch gần đến bờ biển, Lê Thanh Đạo tiếp cận 1 chiếc F-4. Anh phóng quả tên lửa đầu, máy bay địch bốc cháy, Đạo lệnh cho số 2 vào công kích tiếp. Đạo yểm hộ. Tôn vào được cự li tốt, bắn 1 quả tên lửa, máy bay địch chúi xuống bờ biển. Tên phi công không kịp nhảy dù. Biên đội được lệnh về sân Bay Kép. Bọn F-4 chờ sẵn, phục kích trên hàng tuyến sân bay. Tình hình thật khẩn trương, số 2 Trương Tôn báo cáo dầu còn rất ít. Lê Thanh Đạo bảo số 2 cứ việc hạ cánh. Anh cho máy bay vòng lại, phản kích quyết liệt. Bọn F-4 bỏ chạy. Chờ cho số 2 hạ cánh an toàn, Đạo bay về sân bay Nội Bài hạ cánh.

        Trong anh em phi công tiêm kích có biết bao tấm gương cao đẹp vì đồng đội. Nguyễn Đăng Kính đã từng lao máy bay của mình vào bọn địch, để cứu đội trưởng khỏi bị địch bắn. Lưu Huy Chao xông thẳng, đối đầu, bắn chặn địch để cứu Lê Hải khỏi vòng vây của bọn F-8. Hạ Vĩnh Thành nhường đường băng bê tông cho Nguyễn Tiến Sâm hạ cánh lúc gian nguy, còn mình hạ cánh trên đường đất bảo hiểm mới bị bom gồ ghề. Lê Thanh Đạo quay lại phản kích, đánh nhau với 4 chiếc F-4, tạo điều kiện cho đồng đội hạ cánh an toàn. Chúng ta chiến thắng kẻ thù, đâu chỉ vì vũ khí ta hơn địch, mà còn từ chính sức mạnh của những người đồng chí cùng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

        Trung đoàn không quân tiêm kích 927, mới thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1972, đã bước ngay vào những trận đánh quyết liệt năm 1972. Trung đoàn tách ra lực lượng chủ yếu từ Trung đoàn 921, bổ sung một số anh em phi công Míc-17. Các đồng chí cán bộ Trung đoàn đã qua nhiều trận mạc, nhiều đồng chí là Anh hùng quân dội. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, biên đội Lê Thanh Đạo - Vũ Đức Hợp bắn rơi 2 chiếc F-4D trên vùng trời Hải Dương, mở đầu cho những trận thắng liên tiếp sau này. Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1972, Trung đoàn bắn rơi 42 máy bay phản lực Mỹ, trong đó có một “pháo đài bay” do phi công Anh hùng Vũ Xuân Thiều bắn hạ tại chỗ, vì bắn ở cự li quá gần, máy bay anh lao luôn vào B-52.

        Qua chiến đấu, nhiều phi công trẻ, lập công xuất sắc trong một thời gian ngắn, bắn hạ nhiều máy bay giặc Mỹ. Tiêu biểu như những Anh hùng Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Văn Nghĩa. Trung đoàn còn nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước. Điều đáng quý là, ở vị trí nào, anh em cũng phát huy được truyền thống kiên cường, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, luôn xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng ưu tú. Trong ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam, anh em gặp nhau lúc nào cũng chan hòa, cởi mở và thắm tình đồng chí.

        Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng ngày 20 tháng 12 năm 1979. Hai phi đội của Trung đoàn cũng được tuyên dương Anh hùng. Sáu phi công đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang chống Mỹ, cứu nước, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày nay, trong hòa bình, Trung đoàn 927 vẫn luôn ở tuyến đầu bảo vệ Tô quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 10:05:32 pm »

       
Chương V

HẠ PHÁO ĐÀI BAY B-52
VÀ TRẬN TIẾN CÔNG CUỐI CÙNG VÀO SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

        Cuối năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của quân và dân miền Nam giành được những thắng lợi quan trọng. Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, để đối phó với phong trào phản đối chiến tranh ngày càng lên cao ở trong nước, một mặt, Mỹ phải triệt thoái quân viễn chinh; mặt khác, chúng tăng cường không quân và hải quân nhằm “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh, cứu vãn chính quyền bù nhìn (ngụy quyền) trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Níchxơn ráo riết chuẩn bị những hành động phiêu lưu quân sự mới. “Văn bản” - Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, đã được các bên tham gia thỏa thuận. Ngày kí tắt và ngày kí chính thức đã được xác định. Nhà cầm quyền Mỹ tuyên bố nhằm lừa bịp dư luận “Hòa bình trong tầm tay”… Thực chất, bọn xâm lược Mỹ đang chuẩn bị những đòn “bất ngờ”, hi vọng giáng cho Hà Nội một đòn chiến lược, hạ “nốc ao”!

        Cuộc tập kích chiến lược mang tên “cứu vãn khung thành” với lực lượng, quy mô chưa từng có và kế hoạch rất chặt chẽ, bí mật đã được phác thảo. Đặc biệt, Mỹ đưa vào sử dụng kĩ thuật gây nhiễu hiện đại, làm vô hiệu hóa toàn bộ khí tài điện tử, phương tiện đánh trả chủ yếu của đối phương.

        B-52 là một trong ba vũ khí chiến lược rất hiện đại của Mỹ. B-52 có 16 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực, B-52 cùng với F-4, F-105 và RB-66 yểm hộ, thả các sợi hợp kim nhôm, tạo ra một tầng sợi nhiễu tiêu cực dài từ 40 đến 70km, rộng từ 5 đến 7km, dày 1 đến 2km. B-52 còn có tên lửa, phóng ra khi có tín hiệu trên màn ra đa. Được tiếp dầu, B-52 có thể bay xa 20.000km, tốc độ 800-1.000km/h, độ cao bay từ 240m-13.700m. Một tốp B-52 ba chiếc, có sức oanh tạc bằng 50 chiếc máy bay chiến thuật.

        Nhiễu của B-52 và các máy bay hộ tống che kín màn hiện hình mục tiêu, vô hiệu hóa ra đa đối phương. Chúng hi vọng, toàn bộ đội hình B-52 và máy bay yểm hô, sẽ ung dung bay vào Hà Nội, Hải Phòng… gây tội ác, rồi trở về, yên lành. Tổng thổng Níchxơn và bọn giặc trời Mỹ an tâm tin vào thắng lợi.

        Ngày 14 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn thông qua kế hoạch tập kích bằng pháo đài bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Chúng điều thêm tàu sân bay và tàu chiến đến vịnh Bắc Bộ, thành lập Bộ chỉ huy không quân chiến lược lâm thời số 57 để chỉ huy ba liên đội B-52 gồm 103 chiếc và 250 tổ lái, mỗi tổ 6 người, trinh sát liên tục hệ thống sân bay và hệ thống phòng không của ta ở Hà Nội, Hải Phòng.

        Khi bắt đầu chiến dịch, Mỹ tăng cường thêm 100 chiếc B-52 đến đảo Guam và Thái Lan. Chúng huy động toàn bộ 1.000 chiếc máy bay chiến thuật hiện có ở tại Đông Nam Á vào chiến dịch, hỗ trợ cho hơn 200 chiếc B-52, lực lượng tiến công chủ yếu của đòn tập kích chiến lược. Theo kế hoạch đã được phác thảo, cuộc tập kích của chúng có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày, chia làm 2 đến 3 đợt ngắn. Về khu vực tập kích, chủ yếu là Hà Nội, để gây sức ép tối đa, tiếp theo là Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác, không ngoại trừ oanh tạc các khu vực dân cư đông đúc ở Hà Nội và Hải Phòng.

        “Níchxơn đã gây ra một cuộc đụng đầu cực kì nguy hiểm. Sử dụng đến mức cao nhất sức mạnh tàn bạo của không quân Mỹ và những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật. Kẻ hiểu chiến này mưu toan gây cho dân tộc ta những thiệt hại đến chỗ không chịu đựng nổi mà phải khuất phục. Chúng cho rằng một khi hàng trăm máy bay chiến lược và chiến thuật của chúng trút hàng vạn tấn thuốc nổ xuống Hà Nội, Hải Phòng và các nơi khác, mạnh hơn cả bom nguyên tử, thì không có sức mạnh nào của con người đương đầu nổi. Hành động điên cuồng như vậy, bọn khát máu Níchxơn chẳng những mưu toan đè bẹp cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta, mà còn thị uy đối với các dân tộc và cả loài người bằng sự tàn bạo để cảnh cáo những ai chống lại chúng… Chúng ta không sợ sức mạnh khổng lồ của Mỹ. Đương đầu với B-52, chúng ta có sức mạnh của ý chí một dân tộc muốn sống văn minh góp phần bảo vệ những giá trị cao quý của loài người, làm cho các dân tộc bị thoát khỏi ách áp bức của bọ đế quốc”1.

        Nhân dân ta, quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã chuẩn bị từ nhiều năm trước cho cuộc đụng đầu lịch sử này. Quân chủng Phòng không - Không quân cùng quân và dân Tủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các địa phương khác, đĩnh đạc, đàng hoàng bước vào cuộc quyết chiến cuối năm 1972 với B-52 của Mỹ. Trong một dịp thăm và làm việc với các đồng chí chỉ huy quân đội, Bác Hồ đã từng căn dặn: “Sớm muộn bọn Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi bị thua trên bầu trời Hà Nội…”.

        Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và đích thân xuống duyệt “phương án tác chiến” đánh B-52 và ra lệnh: “Ngày 3-12-1972, Quân chủng phải hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị đánh B-52”.

------------------
1. Xã luận báo Nhân dân, ngày 30-12-1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2016, 06:52:01 am »

        Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ cho rằng, đối thủ nguy hiểm nhất của B-52 là Míc. Trước khi cho B-52 vào Hà Nội, chúng dùng F-111 và các máy bay cường kích đánh hủy diệt các căn cứ của Míc; dùng thủ đoạn gây nhiễu dày đặc, vô hiệu hóa các ra đa của ta ở miền Bắc, làm tê liệt hệ thống dẫn đường của Míc; đánh liên tục các sân bay, cả ngày lẫn đêm; không cho miền Bắc có thời cơ khôi phục hoạt động bình thường trên các sân bay có Míc hoạt động. Trận tập kích của không quân Mỹ được mô tả như sau: Tối 18 tháng 12, chiến dịch tập kích bắt đầu. Các máy bay F-111 bay ở độ cao cực thấp, tốc độ siêu âm, xông vào các sân bay. Máy bay F-4 bay theo dãy nhiễu, hình thành hành lang “bịt mắt” ra đa đối phương. Hành lang kéo dài từ Đông Bắc thung lũng sông Hồng như cánh tay chỉ về hướng Tây Nam. Phía cuối hành lang, song song với dãy núi Tam Đảo, các tốp B-52 tiến vào. Theo sau là 120 chiếc F-4 đánh chặn Míc và 4 chiếc F-105 mang tên lửa, để đánh ra đa, chế áp tên lửa (SAM).

        Về thủ đoạn chiến thuật, không quân Mỹ hoạt động cả ngày lẫn đêm, B-52 đánh đêm là chủ yếu, có máy bay tiêm kích cùng bay hộ tống. Máy bay cường kích chủ yếu đánh ban ngày vào các sân bay, trận địa phòng không, trọng điểm là diệt trận địa SAM, ban đêm, phối hợp với B-52. Trong hoạt động, chúng chú trọng nghi binh, cho máy bay cường kích, tiêm kích giả B-25 để lừa ta.

        Quân và dân miền Bắc đã được chuẩn bị trước nên chủ động trong trận đối đầu lịch sử này, với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân. Địch chủ yếu dùng B-52 đánh vào ban đêm, nên phần lớn lực lượng tiêm kích của ta gồm Míc-17, Míc-19 và môt phần Míc-21 phối hợp với lực lượng cao xạ, phòng không tầm thấp của dân quân đánh máy bay cường kích Mỹ ban ngày, bảo vệ tên lửa - lực lượng chủ yếu đánh B-52. Các đồng chí chỉ huy và phi công tiêm kích đã chuẩn bị phương án, nếu Mỹ tập kích B-52 vào ban ngày, lực lượng không quân tham gia chiến đấu nhiều hơn. Anh em phi công đã chuẩn bị cách đánh tiếp cận đối đầu với B-52, vượt qua tiêm kích nếu bắn không rơi sẽ đâm thẳng vào B-52. Với số lượng hơn 100 phi công tiêm kích, ít ra cũng đâm được 30 chiếc B-52. Mỹ sẽ gặp một cảnh hãi hùng trên bầu trời Hà Nội.

        Ngày 18 tháng 12 năm 1972, không quân Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược vào Thủ đô Hà Nội và cũng là ngày Không quân nhân dân Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu vô cùng cam go ác liệt với kẻ địch.

        - 18 giờ, ra đa cảnh giới ở Quảng Bình phát hiện nhiễu cường độ lớn.

        - 19 giờ10 phút, đại đội 16 Trung đoàn 921 phát hiện B-52 bay lên hướng Bắc.

        Bộ Tổng tham mưu báo cáo lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về hoạt động của B-52.

        - 19 giờ 15 phút, báo động B-52. Toàn Quân chủng sẵn sàng chiến đấu.

        Lực lượng trực chiến ban đêm Míc-21 trên các sân bay Nội Bài, Kép, Hòa Lạc gồm: Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, Nguyễn Văn Quang…

        - 19 giờ 25 phút, ba chiếc F-111 đánh sân bay Nội Bài. Đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn 921 kiểm tra đường băng thấy vẫn còn sử dụng được. Chỉ huy sở cho Phạm Tuân cất cánh lên chặn địch ở hướng tây Hòa Bình. Lên đến độ cao 5.000m-6.000m, nhìn trước, nhìn sau, Tuân đều thấy máy bay địch, mở ra đa trên máy bay, bị nhiễu, màn hình trắng xóa, không bắt được mục tiêu. Phạm Tuân thấy nhiều máy bay địch bật đèn, bay về hướng Hà Nội. Anh mở tăng lực, lấy độ cao và tránh tên lửa. Địch bám theo anh, đối phó cản Míc. Tình thế bất lợi, lại sắp vào trận địa hỏa lực tên lửa mặt đất, chỉ huy sở cho anh thoát li về Nội Bài hạ cánh.

        Sáu chiếc B-52 rải thảm sân bay Nội Bài. Hệ thống đèn hạ cánh bị hỏng. Đài chỉ huy sân bay thông báo cho anh, đường băng bị bom, chiều dài phía đông còn có thể hạ cánh khoảng 1.500m. Nhiên liệu gần hết. Phạm Tuân quyết định hạ cánh. Kiểu này là “năm ăn, năm thua”. Phạm Tuân bình tĩnh điều khiển máy bay theo đài dẫn đường xa, gần. Quanh anh, rực trời ánh chớp của bom nổ, chớp đỏ trời của đạn cao xạ. May sao lúc đó máy bay B-52 bị tên lửa hạ, cháy sáng cả một góc trời, soi đường cho anh kéo bằng tiếp đất. Anh thả dù, phanh gấp. Máy bay rung lên, dừng lại trước một hố bom sâu trên đường băng. Phạm Tuân đã lập một kì tích chưa từng có trong chiến tranh.

        Cũng trong đêm 18 tháng 12 năm 1972, một Míc-21 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, do bị nhiễu nặng, dẫn đường và phi công không phát hiện được địch, về hạ cánh, máy bay chạy lệch đường băng, gãy càng.

        Đối với không quân, có hai vấn đề gay cấn để có thể diệt B-52 là làm sao vượt qua hàng rào tiêm kích địch yểm hộ rất chặt chẽ cho B-52. Bóc lớp vỏ cứng này, mới vào được mục tiêu chủ yếu. Phải khắc phục được nhiễu ở ra đa dẫn đường và ra đa ngắm bắn trên máy bay Míc-21.

        Ngay trận đầu, tuy không quân chưa có điều kiện bắn hạ B-52, nhưng sự có mặt của máy bay tiêm kích ta đã gây cho địch nhiều khó khăn, vì phải đối phó một lúc cả trên không lẫn dưới mặt đất.

        Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn 261, đặt trận địa ở Cổ Loa, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, vừa bị một trận bom phủ đầu của F-111. Xe thông tin bị hất đổ. Anh em nhanh chóng khắc phục. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng cùng sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận và ba trắc thủ Độ, Tứ, Linh vẫn vững vàng trong xe điều khiển. Sát cánh bên các anh là đồng chí chính trị viên tiểu đoàn. Lúc 20 giờ 5 phút, theo lệnh tiểu đoàn trưởng Thăng, sĩ quan điều khiển Thuận ấn nút phóng quả tên lửa đầu tiên. Ba trắc thủ điều khiển nhịp nhàng, tên lửa vút lên độ cao 10km, lao thẳng vào chiếc B-52 mang kí hiệu tốp 671. Đài quan sát vui sướng thông báo: “Cháy rồi, đạn nổ trúng mục tiêu, cháy rất to”. Trong màn nhiễu dày đặc, các đồng chí tên lửa đã vạch nhiễu tìm thù mà diệt. Một số trắc thủ tên lửa đã từng diệt B-52 ở chiến trường Quân khu 4 đã được bổ sung về các đơn vị tên lửa và kinh nghiệm của các đồng chí là vốn quý để anh em càng thêm vững tâm khi điều khiển các quả đạn lao vào B-52.

        Đêm tập kích đầu tiên, địch đã sử dụng 90 chiếc B-52 và 130 chiếc máy bay chiến thuật đánh vào Hà Nội và các căn cứ không quân, các khu công nghiệp, đài phát thanh Mễ Trì. Ta hạ 3 chiếc B-52 (có 2 chiếc rơi tại chỗ) và 6 máy bay chiến thuật, trong đó lực lượng dân quân với súng trường, súng máy, đã bắn rơi một chiếc F-111.

        Trong cuộc họp báo ngay chiều 19 tháng 12 năm 1972, giặc lái Mỹ đã phải kinh hoàng thốt lên: “sợ lắm”, “rất sợ”, “thật khủng khiếp”; “không ngờ hỏa lực phòng không của Hà Nội mạnh và bắn chính xác đến thế”, “mọi sự tính toán của chúng tôi đã bị đảo lộn hết. Cấp chỉ huy và kĩ sư điện tử của chúng tôi khẳng định như đang nắm quả ngọt trong tay, phương án đánh của chúng tôi là tuyệt vời. Không một loại tên lửa nào hay Míc của Bắc Việt có thể bám, bắn được chúng tôi”…

        Từ ngày 19 tháng 12 đến 24 tháng 12, hàng đêm địch sử dụng trung bình 100 chiếc B-52 và từ 130 đến 150 chiếc cường kích đánh phá hủy diệt các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. Đêm Nôen, Mỹ phải tạm dừng để chuẩn bị cho đợt tập kích mới. Trải qua một tuần, quân và dân ta chiến đấu ác liệt, ngoan cường và đầy mưu trí, ta đã hạ được 46 máy bay địch, trong đó có 17 chiếc B-52 và 5 máy bay cánh cụp cánh xòe F-111, bắt giặc lái Mỹ, chủ yếu là bọn lái B-52.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM