Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:00:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 29387 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 05:08:02 pm »

        Cách đánh các mục tiêu của không quân Mỹ vào khu vực có hỏa lực phòng không mạnh và Míc hoạt động như sau:

        - Hoạt động của không quân chiến thuật: Gây nhiễu mạnh trước và trong các đợt hoạt động, bằng nhiễu điện tử và từng đàn F-4 thả hàng triệu dải kim loại, độ cao bắt đàu thả từ 8km-5km. Có lúc đầy trời dây kim loại, cùng với nhiễu điện tử che khuất đội hình, làm cho màn hình ra đa ta trắng xóa. Ta không bắt được địch mà địch cũng không nhận ra ta. Tức là bịt mắt ra đa, làm cho các vũ khí phòng không, cao xạ, tên lửa của ta bó tay!

        - Trước khi có đợt hoạt động lớn, địch trinh sát khí tượng từ xa, cách mục tiêu vài trăm cây số. Tiếp đến cho tiêm kích vào không chế các khu vực thường xuất hiện Míc. Định dùng tốp nhỏ, bay thấp, tập kích sân bay có Míc, cho tiêm kích yểm hộ, khống chế sân bay, ngăn chặn Míc cất cánh và sẵn sàng không chiến ngay trên khu vực sân bay.

        - Các tốp máy bay cường kích mang tên lửa Sơ-rai, chống tên lửa đối không, bay lảng vảng từ xa, sẵn sàng tiêu diệt các trận địa tên lửa nếu phát hiện sóng điều khiển.

        - Để đối phó với không quân tiêm kích của ta, địch tăng cường lực lượng yểm hộ, có lúc dùng tỉ lệ hai chiếc tiêm kích, hộ tống cho một máy bay mang bom làm nhiệm vụ cường kích. Đội hình rút ngắn lại, cách mục tiêu khoảng 100km, dàn thành chữ “T”, hoặc hàng ngang. Chúng tăng lực sớm hơn, để vượt qua khu vực thường có Míc đón lõng.

        - Sử dụng lực lượng máy bay chiến thuật - chủ yếu dùng F-4D vừa mang bom, vừa mang tên lửa không chiến, ít sử dụng F-105, F-105D, chủ yếu mang tên lửa, từ xa, rình diệt các trận địa tên lửa mặt đất của ta. Vũ khí không chiến được cải tiến tốt hơn trước nhiều. Tên lửa điều khiển bằng tia lade, bom vô tuyến truyền hình. Ngay từ đợt đầu công kích bằng tiêm kích đội nhỏ, địch đã phá được nhiều mục tiêu. Do vũ khí được cải tiến, địch không cần dùng đội hình lớn vài chục chiếc để đánh một mục tiêu quan trọng như trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Nhờ vậy, địch có khả năng duy trì nhiều đợt hoạt động trong ngày, làm cho ta không kịp khôi phục sức chiến đấu. Nhiều trận địa thiếu đạn, vì không kịp bổ sung. Tên lửa ta đánh ban ngày địch cố tìm diệt bằng được. Tàu khu trục hạm đội 7 liên tục pháo kích vào các mục tiêu ven biển, dọc đường số 1 đoạn miền Trung suốt ngày đêm. Không quân - hải quân, chủ yế đánh các mục tiêu ven biển và Hải Phòng. Đánh vào Hà Nội và các vùng xung quanh, địch sử dụng chủ yếu lực lượng không quân - chủ lực là F-4D, loại mới được cải tiến của không quân Mỹ.

        Ban ngày, địch dùng chủ yếu máy bay chiến thuật; đánh dọn đường, để tối đến, dùng B-52 hạ sát các mục tiêu quan trọng. Địch cũng biết, lực lượng không quân ta bay đêm còn ít. B-52 là những quan tài bay đối với tiêm kích Việt Nam. Các phi công ta sẵn sàng đổi mạng để tiêu diệt B-52. Tiêm kích chiến đấu ban đêm lệ thuộc chủ yếu vào sự dẫn dắt của ra đa, hệ thống chỉ huy mặt đất. Còn ban ngày, đối với B-52, phi công ta có thể phát hiện bằng mắt thường khi cách nó hàng chục kilômét, có khi cả trăm kilômét, vì chúng bay ở tầng kéo khói.

        Tôi muốn diễn tả tường tận hơn và cũng khái quát hơn thủ đoạn đối phó của giặc Mỹ với Không quân và cao xạ, tên lửa của ta hi vọng thế hệ không quân hôm nay và mai sau của ta có thể gạn lọc điều gì đó có ích trong huấn luyện và chiến đấu khi cần. Thực tế chiến đấu của không quân ta thời đánh Mỹ vô cùng phong phú. Chiến thắng nhiều, song cũng không ít tổn thất, hi sinh. Bao xương máu đã đổ ra trên mâm pháo, trong các xe điều khiển, trên bệ phóng, bao chiến sĩ cất cánh mà không có lần trở về hạ cánh, bao hi sinh của đồng bào, đồng chí vì đất nước, mới rút ra được những kinh nghiệm đó. Kẻ địch mỗi thời mỗi khác. Thoát Hoan trên lưng ngựa. Giặc Pháp cưỡi tàu đồng. Quân xâm lược Mỹ ngồi trong B-52. Vũ khí của giặc, thời nào thứ ấy, có giáo mác, đến tàu thuyền, máy bay, tên lửa, bao giờ chúng cũng mạnh hơn ta, mới dám đến xâm lược ta.

        Nhưng “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, không có thứ vũ khí nào, dù hiện đại nhất, lại không có mặt yếu của nó. Tên lửa đánh xa, nhưng không bắn được gần bằng súng ngắn. Tầu bay tuy hùng hổ, nhưng cũng phải đầu xuống đất, xuống tàu thủy. Ta không đánh được chúng ở trên trời, tìm cách, thế nào cũng đánh được nó ở dưới đất, dưới nước. Tóm lại không có cái gì là mạnh tuyệt đối, cũng không có cái gì chỉ toàn là yếu. Sự mạnh, yếu phải trong sự việc cụ thể. Cái yếu nhất là mất hết ý chí. Cái mạnh nhất là kiên chí, bền gan. Năm 1972, những tháng này rực lửa chiến đấu,  ở miền Nam, ở miền Bắc, ở Hà Nội, ở Hải Phòng… là những mốc son đáng ghi nhớ trong lịch sử chống ngoại xâm, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam của dân tộc ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 05:12:35 pm »

        Những trận đánh quyết liệt của không quân ta với không quân Mỹ trong năm 1972.

        Trước thế trận giặc Mỹ huy động ào ạt lực lượng lớn máy bay chiến thuật, hàng nghìn chiếc, cùng hàng trăm chiếc B-52, tập trung đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng nhất, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân đã kịp thời điều chỉnh, bố trí lực lượng không quân và lực lượng cao xạ, tên lửa cho phù hợp với điều kiện khẩn cấp.

        Trung đoàn không quan tiêm kích 921 - “Anh cả đỏ” - sử dụng máy bay Míc-21 – F-96 (có 4 thùng dầu phụ - thời gian hoạt động được 2 giờ 30 phút trên không mang 4 quả tên lửa). Máy bay tiêm kích có khả năng đánh xa nhất của ta thời bấy giờ, đánh địch trên vùng trời Khu 4 và sẵn sằng chi viện cho các hướng trên miền Bắc. Trung đoàn tiêm kích 927, mới thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1972, đánh địch từ vĩ tuyến 20 trở ra và chi viện cho Trung đoàn 921 khi cần. Căn cứ chính của Míc-21 là sân bay Nội Bài. Sân bay cơ động chủ yếu là Thọ Xuân, Kiến An, Gia Lâm.

        Trung đoàn tiêm kích 923, đánh địch ở hướng Tây, Đông Bắc, Đông Nam (vùng ven biển). Căn cứ chính là Gia Lâm. Sân bay cơ động là Hòa Lạc, Kiến An, Kép, Nội Bài.

        Trung đoàn tiêm kích 925, mới thành lập, lực lượng chủ lực sử đụng Míc-19. Căn cứ chính ở Yên Bái. Sân bay cơ động Nội Bài - Gia Lâm. Lữ đoàn 919 ngoài nhiệm vụ vận tải, dùng máy bay AN-2, Li-2, IL-14 lắp rốc két và bom, có nhiệm vụ đánh các mục tiêu mặt nước và đất liền.

        Tiểu đoàn cường kích IL-28, tiếp tục huấn luyện, sắn sàng đánh các mục tiêu mặt đất. Lực lượng tiểu đoàn có 8 máy bay chiến đấu và 10 tổ lái. Mỗi tổ lái 3 người, gồm 1 lái, 1 dẫn đường (ngồi ở đầu máy bay) và 1 thông tin tiêm kích bắn súng (ngồi sau đuôi).

         Chuẩn bị cho việc đánh các tàu chiến Mỹ, đặc biệt tiêu diệt tàu khu truc của hạm đội 7 hay vào gần bờ, pháo kích các mục tiêu ven biển, ven đường số 1, Trung đoàn 923 dã chuẩn bị một phi đội cường kích. Phi đội này được huấn luyện tại vùng ven biển Hải Phòng, Bạch Long Vĩ, với sự giúp đỡ của các phi công Cu Ba có nhiều kinh nghiệm ném bom thia lia ở độ cao cực thấp. Cu Ba cử trung úy phi công Etnéttơ và một cán bộ kĩ thuật không quân giúp ta kĩ thuật đánh tàu chiến địch. Căn cứ huấn luyện phi đội bay biển tại sân bay Kiến An. Phi đội tập ném bom ở quần đảo Long Châu. Anh Lưu Huy Chao - Trung đoàn phó, ra đảo nhỏ, chỉ huy trực tiếp việc bay tập trên biển. Sau thời gian huấn luyện, đến tháng 3 năm 1972, Trung đoàn 923 đã có 6 phi công thuần thục động tác bay cực thấp, ném bom.

        Chuẩn bị cho trận đánh tàu khu trục địch, Bộ Tư lệnh Binh chủng tổ chức hệ thống chỉ huy máy bay chiến đấu ở Quân khu 4. Không quân hiệp đồng với hải quân, pháo bờ biển, ra đa hải quân cung cấp thông tin tình báo về hoạt động tàu địch. Tin tức còn nhân được từ các trạm quan sát ven biển của hải quân, pháo binh và dân quân.

        Đồng chí Nguyễn Phúc Trạch - Phó Tư lệnh Binh chủng, được phân công vào Quảng Bình, lập chỉ huy sở tiền phương, chỉ huy chung việc đánh tàu địch.

        Trung đoàn 923 của đồng chí Lưu Huy Chao, tổ chức chỉ huy sở trực tiếp ở Đồng Hới, căn cứ vào các tin tình báo tổng hơp, báo cáo lên trên và lệnh cho bộ đội xuất kích. Đồng chí Cao Thanh Tịnh tổ chức chỉ huy tại sân bay Gát. Binh chủng bố trí một tổ chỉ huy hỗ trợ tại chỉ huy sở hải quân, gồm một đài quan sát tại cửa Dinh, một trạm ra đa đối hải 403 ở cửa Nhật Lệ, nhằm thu tập tin tức tình báo, cung cấp cho hệ thống chỉ huy. Hệ thống chỉ huy tập trung nghiên cứu hoạt động của không quân và hải quân địch, đặc biệt nắm chắc quy luật hoạt động bắn phá của các tàu khu trục Mỹ, sự yểm hộ và hoạt động của không quân địch. Sau một tuần, các chỉ huy theo dõi mọi hoạt động trên không, trên biển của của các tàu khu trục hạm đội 7, đã xác định thời điểm chuyển sân tốt nhất, chuẩn bị cho trận đánh sắp tới. Về thời tiết vào tháng 3 âm lịch, sáng thường có mù, trưa trời tốt.

        Ngày 10 tháng 4 năm 1972, ba phi công Dị, Bảy, Lục cùng số thợ máy C12, Trung đoàn 923 vào sân bay Gát, chuẩn bị phương án chiến đấu, hành quân đường bộ, mang theo cơ số bom loại 250kg, đạn 37mm, 23mm đủ cho 2 cơ số chiến đấu.

        Nói về sân bay Gát, từ những năm 1968, đồng chí Trần Mạnh, lúc này là Phó Tư lệnh Binh chủng vào Khu 4 chỉ huy không quân chiến đấu, đã nhận thấy đoạn đường, qua làng Gát thẳng, có thể cải tạo thành sân bay dã chiến bằng đất, tiện cho không quân đánh phục kích. Đồng chí Mạnh đã đề xuất ý kiến, được Bộ Tư lệnh Binh chủng, Quân chủng nhất trí phê chuẩn. Sau đó, công binh tiến hành sửa chữa. Sân bay được giữ bí mật, làm đến đâu ngụy trang đến đó, nên tuy rất gần bờ biển, hàng ngày máy bay giặc Mỹ luôn bay qua, bay lại mà vẫn không phát hiện được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 05:25:44 pm »

        Tổ chức chuyển trường, bí mật, an toàn là thắng lợi đầu tiên. Nhiệm vụ quan trọng này, được giao cho 2 phi công: Lê Hồng Điệp và Từ Đễ thực hiện. Hai đồng chí đã từng chiến đấu nhiều trận, đã bay đêm, nên việc hạ cánh lúc hoàng hôn là không có gì khó khăn. Thời điểm gần tối, địch ít hoạt động. Ta tổ chức chuyển sân cho hai máy bay. Hai Míc-17F, được cải tiến lắp dù đuôi, giảm tốc, do Điệp và Đễ lái, cất cánh từ sân bay Kép hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm lúc 16 giờ 15 phút.

        Sau khi tra nạp thêm dầu, lúc 16 giờ 45 phút, hai đồng chí tiếp tục bay vào Vinh, dọc đường giữ độ cao bay 100m, không liên lạc, bí mật trực tiếp kéo dài cự li giữa các máy bay, hạ cánh an toàn. Từ sân bay Vinh, Điệp bay một mình, độ cao thấp, vào hạ cánh trực tiếp xuống sân bay dã chiến Gát. Tiếp đến, Từ Đễ chuyển sân bay chiếc thứ 2, hạ cánh an toàn khi mặt trời đã lặn.

        Thợ máy lập tức kéo máy bay vào khu vực sơ tán, ngụy trang bằng lưới, cành cây. Các tổ thợ máy chuẩn bị kĩ thuật, kiểm tra máy bay sau khi bay. Trong đêm ấy, anh em kĩ thuật đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày mai, máy bay xuất kích; bom, đạn, đều đầy đủ hết.

        Đêm 18, rạng ngày 19 tháng 4 năm 1972, các tàu khu trục của hạm đội 7 vào cách bờ 10km - 15km pháo kích khu vực Quảng Xá, Lí Nhân Nam, Quảng Trạch - Quảng Bình. Quy luật hoạt động như trước. Qua đó, các đồng chí chỉ huy nhận định rằng: ta giữ được bí mật. Địch chưa hay biết gì về cú đánh trời giáng sắp đến.

        Sáng ngày 19 tháng 4, các tốp tàu chiến địch hoạt động ngoài cửa Lệ Thủy, cửa Dinh, cách bờ khoảng 40km - 100km. 17 tàu khu trục địch vẫn ung dung bắn phá như mọi ngày từ cửa Sót đến cửa Nhật Lệ. Thời tiết không thuận lợi, tầm nhìn hạn chế. Chỉ huy sở chưa cho xuất kích.

        Sở chỉ huy Hải quân, các đài quan sát của pháo binh, dân quân, liên tục thông báo vị trí và tình hình hoạt động của các tàu khu trục. Vào lúc 15 giờ, một tốp 4 tàu chiến địch tiến vào cửa Lí Hòa, cách bờ 15km, một tốp tàu vào đông Quảng Trạch, cách bờ 7km, ba tàu ở đông Lí Hòa 18km, ra đa 403 phát hiện 1 tốp 4 tàu địch đậu cách cửa Nhật Lệ 16km. Thời tiết tốt hơn, tầm nhìn trên 10km. Thời cơ đã đến. Chỉ huy sở lệnh biên đội cấp 1 lúc 16 giờ. 16 giờ 5 phút, cho biên đội Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) cất cánh. Sau khi tập hợp biên đội, vì điều kiện sân bay dã chiến quá hẹp (chiều ngang 25m) không thể cất cánh biên đội, số 1 liên lạc đưọc với chỉ huy sở Đồng Hới. Chỉ huy sở thông báo 4 tàu địch ở về hướng nam 15 độ. Biên đội được lệnh đánh tốp này. Vượt qua cửa Lí Hòa, nhìn vào bờ thấy những điểm khói, số 1 phán đoán địch đang pháo kích. Quan sát trên biển, biên đội vẫn không phát hiện được mục tiêu, nhìn xa xa, thật kĩ, biên đội mới thấy hai vệt trắng trên làn nước xanh thẳm. Số 1 báo cáo đã phát hiện tàu địch, cách 10km đến 12km, xin phép công kích. Chỉ huy sở tiếp tục thông báo về địch và nhắc biên đội: Bình tĩnh, chuẩn xác, quyết tâm tiêu diệt địch.

        Số 1, Lê Xuân Dị vòng ra biển, chọn hướng công kích tàu địch từ ngoài khơi vào bờ. Anh đổi hướng vào giữa hai thân tàu địch, cải bằng máy bay đang mang 2 trái bom 250kg.

        Từ độ cao cách mặt nước biển 200m, anh tăng lực, giảm xuống bay bằng, ổn định ở độ cao 50m, tốc độ 800km/giờ, đường ngắm ổn định, vòng sáng siêu cự li mở to nhất, quả trám ánh sáng ở phía dưới cũng dần dần chuyển động từ mặt biển, đến khi vừa chạm điểm mức nước với thân tàu, khu trục. Tiếng nổ trên biển vang trời. Số 1 nhìn thấy cột nước vọt lện, phủ tàu giặc. Anh báo cáo về chỉ huy sở, đã đánh trúng mục tiêu. Số 1 được dẫn về, hạ cánh tại sân bay Gát lúc 16 giờ 18 phút. Anh đã cố gắng phanh, nhưng không được, máy bay lao vào lưới Atu (lưới bảo hiểm khi máy bay xông ra đường băng, do Liên Xô chế tạo). Nhưng may mắn, người và máy bay đều an toàn.

        Nói về số 2 Nguyễn Văn Bảy (B). Khi số 1 vòng trái ra biển chuẩn bị công kích, số 2 quan sát, cảnh giới trên không đề phòng tiêm kích của địch. Quay lại, không còn nhìn thấy số 1, anh bay ra hướng biển, tìm mục tiêu. Đến đông bắc cửa Dinh, vẫn không thấy tàu địch, anh bay thêm vài phút nữa, thì phát hiện 2 tàu khu trục Mỹ đang pháo kích vào bờ. Anh báo cáo chỉ huy sở, xin phép công kích. Mục tiêu quá gần, không công kích được. Anh bay lướt qua tàu khu trục, ép độ nghiêng vòng trở lại. Anh đổi thẳng hướng vào mạn tàu khu trục từ từ giảm dộ cao xuống 50m, tăng lực đạt tốc độ 800km/giờ, các phần tử ngắm ổn định như bay huấn luyện ở biển Hạ Long vậy. Từ ngoài khơi anh công kích vào phía bờ biển. Khi điểm ngắm vừa trạm mớm nước, cách tàu địch 750m, anh cắt bom, kéo máy bay vượt qua ăng ten của tàu. Hai trái bom trạm mớm nước thia lia đâm thủng tàu, phía gần đuôi. Một cột vừa nước, vừa khói màu da cam bao phủ tàu địch, cao đến 20m. Càng về sau, lửa cháy càng to trên tàu khu trục. Nhìn lại, anh thấy tàu địch bốc cháy và một quả tên lửa địch bốc cháy. Một quả tên lửa địch phóng lên, nổ trên cao khoảng 200m, tại khu tàu bị cháy. Mấy phút sau, 2 chiếc F-4 đến lượn vòng trên khu vực tàu vừa bị đánh. Nguyễn Văn Bảy về hạ cánh an toàn sau số 1 gần 2 phút. Trận đánh diễn ra từ khi cất cánh đến khi chiếc số 2 hạ cánh xong, chỉ trong 17 phút.

        Trận đánh của hai anh Dị - Bảy (B) là một trận tập kích tuyệt diệu. Tạo được thế bí mật, quân ta dũng mãnh tiến công bất ngờ làm hai tàu khu trục bị thương nặng; bọn Mỹ phải dìu nhau, chạy xa ra biển.

        Sau trận bị đánh đau này, đô đốc hạm đội Thái Bình Dương phải lệnh cho các tàu lùi ra xa, tạm dừng pháo kích, để tìm cách đối phó với không quân miền Bắc Việt Nam. Để trả đũa, chiều 19 tháng 4, không quân Mỹ đánh phá dữ đội sân bay Đồng Hới và sân bay Vinh. Mãi ba ngày sau, chúng mới phát hiện được sân bay dã chiến Gát. Không quân Mỹ tập trung mấy chục lần chiếc đánh phá ác liệt. Hai máy bay Míc-17 được giấu trong hai hẻm núi, ngụy trang kĩ, vẫn bị phát hiện và một chiếc bị hỏng vì bom, phải bỏ lại sân bay Gát. Tối hôm sau, sau khi chữa gấp, chiếc còn tốt được phi công bay về Gia Lâm an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 05:31:22 pm »

        Mỹ cố bưng bít thông tin, nhưng tin tức hai tàu khu trục hiện đại bị Míc đánh bị thương nặng vẫn lan truyền. Quốc hội Mỹ cho rằng, sau ngày 5 tháng 8 năm 1964, tàu Mađốc bị tàu phóng lôi miền Bắc Việt Nam đánh, thì sự kiện này là thách thức rất nghiêm trọng. Thực tế này bác bỏ luận điệu của Níchxơn cam kết với dân Mỹ là “chấm dứt chiến tranh trong danh dự”, “mang lại chiến thắng về cho dân Mỹ”.

        Trận đánh này có ý nghĩa quan trọng. Lần đầu tiên, Không quân Việt Nam đương đầu trực tiếp với hải quân hùng mạnh của Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Ta đã bí mật, bất ngờ, vượt qua hệ thống phòng thủ, chống trả của địch, để tổ chức một trận đánh thắng lợi giòn giã.

        Vũ khí ta dùng là loại bom 250kg rất thông thường, máy bay chỉ có 2 quả 250kg. Phương tiện ngắm chỉ là vòng sáng cố định, chế độ bay siêu cự li (mở to nhất) của Míc-17.

        Tóm lại, về vũ khí, máy bay của ta hoàn toàn thuộc hàng cổ điển. Cái tuyệt diệu là ở con người đã sử dụng các phương tiện khá đơn giản, thô sơ ấy, một cách đầy hiệu quả. Chiến thuật bay thấp, ném bom thia lia trên biển là bài học quan trọng nhất, để lại cho đời sau. Trận đánh thắng tàu khu trục, mở ra khả năng chiến đấu mới của Không quân Việt Nam, tạo tiền đề cho lực lượng tiêm kích - bom phát triển, góp phần vào các cuộc chiến đấu giải phóng và bảo vệ Tổ quốc ở chiến trường miền Nam và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam sau này.

        Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ, ta có hàng trăm trận không chiến, nhưng chỉ có một trận duy nhất, máy bay cường kích Việt Nam đánh tàu khu trục hạm đội 7. Qua trận đánh, thể hiện một phần nghệ thuật tổ chức và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ không quân đang trưởng thành. Muốn thắng kẻ thù hùng mạnh, phải dùng phục kích, mà yếu tố bí mật, bất ngờ, luôn chủ động tiến công cương quyết, là những bài học sâu sắc.

        Nói về anh Lê Xuân Dị và anh Nguyễn Văn Bảy (B) hai phi công tham gia trận đánh kể trên.

        Anh Dị quê ở Bắc Ninh. Anh nhập ngũ vào bộ binh, sau được tuyển phi công, học lái máy bay Míc-17 tại Liên Xô năm 1962. Năm 1965, anh làm giáo viên huấn luyện tại Trường Không quân Việt Nam ở Tường Vân, Trung Quốc. Anh cùng 5 đồng chí giáo viên được nhà trường cử về nước tham gia chiến đấu, để sau này, “làm vốn” cho nhà trường. Anh được biên chế về Trung đoàn 923. Anh Dị đánh nhiều trận, đã bắn rơi 2 chiếc F-4 trước khi tham gia đánh tàu của Mỹ.

        Trong cuộc sống chiến đấu gian khổ, anh Dị luôn có tác phong gần gũi các đồng chí phi công trẻ. Họ vừa là học trò của anh, vừa là bạn chiến đấu cùng biên đội. Anh luôn giản dị, khiêm nhường. Cuối cuộc đời bộ đội, anh là đại tá, thanh tra quân đội. Đến tuổi về hưu, anh về nghỉ tại quê nhà. Cả cuộc đời anh sống thanh bạch, như bao người thầy đúng nghĩa. Nhiều trận không chiến, tôi đã cùng anh chiến đấu. Chúng tôi luôn dành cho anh tình cảm tốt đẹp. Thời bình, mỗi người một việc. Ở các cương vị khác nhau, nhưng chúng tôi, mỗi gần gặp nhau không quên nhắc lại những kỉ niệm sâu sắc khi cùng công tác và chiến đấu tại đơn vị cũ. Anh, một người giản dị, nhưng đã lập nên một sự tích anh hùng có một không hai của Không quân Việt Nam thời đánh Mỹ.

        Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1943 tại Cà Mau. Anh tập kết ra miền Bắc năm 1955, học ở các trường học sinh miền Nam. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào miền Nam, và mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cả nước sục sôi khí thế đánh Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Đang học đại học, anh Bảy cùng các bạn tạm xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Anh nhập ngũ năm 1965 và sau đó đi học lái máy bay chiến đấu Míc-17 ở Liên Xô, về nước năm 1968.

        Cuối 1968, do thất bại, Giônxơn phải tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc. Tranh thủ thời gian địch giãn ra, Trung đoàn 923 vừa tổ chức chiến đấu ở Quân khu 4, vừa tranh thủ huấn luyện bay cường kích. Trung đoàn 923, theo các chỉ thị trên, có hai nhiệm vụ: Tiếp tục cùng các trung đoàn bạn chiến đấu và sẵn sàng đánh địch trên không, nhiệm vụ quan trọng là tập luyện cho bộ đội ném bom, bắn các mục tiêu mặt đất, mặt nước, để sẵn sàng làm nhiệm vụ đánh độc lập hoặc đánh trong đội hình binh chủng hợp thành, khi thời cơ đến. Chính nhờ chủ trương sáng suốt này, Trung đoàn 923 có điều kiện, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và hệ thống chỉ huy sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ khi chiến trường đòi hỏi. Kinh nghiệm này là bài học sâu sắc cho các đồng chí chỉ huy trong nắm thời cơ và tính sẵn sàng của bộ đội và hệ thống chỉ huy. Việc hạ quyết tâm chiến đấu nhanh chóng, chính xác của người chỉ huy là nhân tố quyết định làm nên lịch sử. Trong yêu cầu tính “sẵn sàng” bao hàm cả ý nghĩa bộ đội được huấn luyện về kĩ thuật, chiến thuật, kĩ năng chiến đấu, bản lĩnh chính trị, quyết tâm chiến đấu cao. Những nội dung này đã được Đảng ủy, hệ thống cơ quan công tác chính trị quán triệt đến từng chiến sĩ, cán bộ phân công trực tiếp chỉ huy bộ đội huấn luyện trên biển. Khi chiến đấu, dưới sự chỉ đạo của Quân chủng vệc xử trí các tình huống khó khăn được nhanh chóng, thuận lợi. Phi công và chỉ huy sở hiểu ý định chiến đấu của nhau, vì vậy, các tình huống không thuận lợi từ ban đầu trận đánh, đã được khắc phục nhanh chóng.

        Trung đoàn 923 có hai người đều là Nguyễn Văn Bảy. Anh Bảy lớn được phong Anh hùng năm 1966, nên anh em thường gọi là anh Bảy A để phân biệt với Bảy B.

        Nguyễn Văn Bảy (B) người tầm thước, hơi gầy so với anh em phi công trong đơn vị, nhưng sức lực rất dẻo dai, hiếm khi bị sổ mũi, nhức đầu. Dân học sinh miền Nam vốn dạn dày sương gió mà. Bảy B bay giỏi, cơ động kĩ thuật chính xác và rất dứt khoát. Phi công cường kích, khi bổ nhào đánh mục tiêu mặt đất, mặt nước, chỉ cần chậm 1 giây là có thể nguy hiểm, vì tốc độ tiếp cận mục tiêu lớn, khoảng 800km/giờ. Như vậy 1 giây máy bay lao xuống đất 400m. Khi bắn mục tiêu mặt đất thì thời cơ nổ súng ở độ cao 400m mới có hiệu quả.. Động tác bắn xong, phải dứt khoát thoát li ngay, chần chừ 1 giây là lao xuống đất,cắm đầu vào mục tiêu. Ngyễn Văn Bảy (B), là phi công có kĩ thuật bay tốt, ý chí chiến đấu cao. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh tàu khu trục Mỹ. Sau trận đánh tàu, anh về sân bay Thọ Xuân tác chiến. Ngày 6 tháng 5 năm 1972, biên đội anh không chiến với một tốp máy bay Mỹ vào cứu giặc lái ở miền tây Thanh Hóa. Sau khi bắn rơi 1 chiếc A-D6, anh bị tên lửa F-4 bắn trúng. Nguyễn Văn Bảy (B) đã anh dũng hi sinh.

        Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20 tháng 12 năm 1994. Hơn 30 năm sau, gia đình, bạn bè, Quân chúng đã đưa anh về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà ở Cà Mau.

        Học sinh miền Nam học tập, công tác trên đất Bắc tới hơn một vạn người. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, rất nhiều người vào bộ đội, góp phần giải phóng quê hương, bảo vệ miền Bắc. Trong số hàng nghìn chiến sĩ quân đội xuất thân từ học sinh miền Nam chỉ có hơn chục người là phi công tiêm kích. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt với kẻ thù, anh em hi sinh gần hết khi mới 24-25 tuổi đời. Hết chiến tranh, số còn lại đếm được trên đầu ngón tay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 05:38:03 pm »

        Lại nói tiếp những trận không chiến mùa hè rực lửa năm 1972. Gần hai tháng tiếp tục tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ 2, địch đã bộc lộ ý đồ, lực lượng, thủ đoạn và vũ khí, kĩ thuật. So với lần chiến tranh phá hoại trước, lần này ta phải đối phó với một đối tượng mới, vũ khí, kĩ thuật hiện đại hơn, đã có kinh nghiệm đối phó với lực lượng phòng không và không quân của ta.

        Rút kinh nghiệm số trận ta bị khó khăn, ngày 27 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn 921 tổ chức trận đánh ở phía tây Vụ Bản - Nam Hà. Biên đội Hoàng Quốc Dũng số 1, Cao Sơn Khảo số 2, xuất kích tại sân bay Nội Bài, gặp địch ở phía tây Vụ Bản. Ở thế đối đầu với 2 chiếc F-4 đang bay vào, cự li địch 6km, biên đội cao hơn địch, Bằng một động tác lộn xuống, kéo cần lái đến hoa cả mặt, Hoàng Quốc Dũng bám được vào đuôi chếc F-4 đi đầu. Bọn địch vẫn không hay biết gì. Tiến đến cự li cách chiếc F-4 độ 1.500m, Dũng phóng một quả tên lửa, máy bay địch bùng cháy. Số 2 bám theo, yểm hộ cho số 1, định công kích chiếc đi sau, nhưng vừa thấy chiếc F-4 bị Dũng bắn rơi, chiếc F-4 đi sau lộn ngay xuống thấp, tăng tốc chạy thoát. Hoàng Quốc Dũng lập công lần đầu ra trận. Đây cũng là một đặc điểm của chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2: Nhiều phi công trẻ vào chiến đấu, đã liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc.

        Thời đánh Mỹ, dẫn dắt máy bay tiêm kích chủ yếu thực hiện từ chỉ huy sở cơ bản, ở đó các đồng chí chỉ huy, sĩ quan tham mưu dẫn đường, tình báo ở các trạm ra đa dẫn đường, truyền về chỉ huy sở phải qua tổng trạm thông tin, chiến sĩ tiêu đồ vẽ bằng bút chì xanh, đỏ thể hiện địch, ta. Căn cứ vào dó, đồng chí chỉ huy và sĩ quan dẫn đường xử lí các tình huống, lệnh cho phi công qua vô tuyến điện. Quy trình này chậm hơn thực tế. Có khi chỉ huy sở thông báo máy bay địch cách vài chục kilômét, thì nó đã ở ngay trước mũi máy bay của ta. Trời mù, tầm nhìn hạn chế, máy bay Míc-17 và Míc-19 không có ra đa, Míc-21 có hoặc ra đa tính năng quan sát cũng rất hạn chế, phi công ta dễ bị bất ngờ.

        Để khắc phục mặt yếu này, Binh chủng tổ chức các tổ chỉ huy hỗ trợ xuống tận trận dịa ra đa dẫn đường, mục đích phụ trợ với chỉ huy sở chính, giúp phi công xử lí kịp thời tình huống khẩn cấp. Các đồng chí dẫn đường ở các trạm ra đa, nhìn vào màn I-KO (màn hình ra đa) thấy rõ ta, địch, độ cao, tốc độ từng loại, trực tiếp thông báo cho phi công xử trí kịp thời.

        Nhiều đồng chí sĩ quan dẫn đường ra đa được phi công tin tưởng, mến mộ, như đồng chí Hùng, đồng chí Cậy ở các trung đoàn 921, 927, đồng chí  Hải ở Trung đoàn 923. Họ đã cùng phi công và cả tập thể, lập bao chiến công, oanh liệt. Rất tiếc trong cả 2 cuộc chống chiến tranh phá hoại, ta không bồi dưỡng được ai trong số họ trở thành Anh hùng.

        Ngày 9 tháng 5 năm 1972, địch bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng. Níchxơn ra lệnh đánh phá bằng không quân và hải quân các mục tiêu quân sự, cắt đứt các đường giao thông thủy, bộ trên toàn miền Bắc. Địch tăng cường đánh vào các mục tiêu sâu trong hậu phương miền Bắc. Chúng tăng cường các biện pháp đối phó với không quân ta ở mặt đất và cả trên không. Hướng tiến công lần này - hướng tây, từ Thái Lan bay qua, vẫn là hướng quan trọng.

        Binh chủng lệnh cho Trung đoàn 921, có nhiệm vụ thu hút địch, yểm hộ cho Trung đoàn 925 - trang bị Míc-19, lần đầu ra quân, đánh thắng trận đầu. Trung đoàn 925 có nhiệm vụ bảo vệ nhà máy thủy điện Thác Bà, sân bay Yên Bái.

        Trung đoàn trực 2 biên đội 4 chiếc Míc-19 ở hai đầu nam - bắc sân bay.

        - Đầu phía bắc, biên đội gồm Nguyễn Ngọc Tiếp số 1, Nguyễn Đức Tiêm số 2, Phạm Hùng Sơn số 3, Nguyễn Hồng Sơn số 4.

        - Đầu phía nam sân bay, biên đội gồm: Nguyễn Ngọc Tâm biên đội trưởng số 1, Nguyễn Mạnh Tùng số 4.

        Ngày 8 tháng 5 năm 1972, ra đa ta phát hiện dịch vào hướng Mộc Châu, độ cao 5.000m. 8 giờ 40 phút, 2 chiếc Míc-21 cất cánh lên hướng Tuyên Quang yểm hộ cho Míc-19. Đến 8 giờ 47 phút, chỉ huy sở lệnh biên đội 4 chiếc trực đầu bắc sân bay Yên Bái xuất kích. Sân bay phủ đầy mây, trần mây cao khoảng 1000 - 1.200m. Sau khi cất cánh, tập hợp biên đội, chỉ huy sở cho biên đội lên 4.000m. Địch qua bắc Vạn Yên, 5 phút sau, số 3 Phạm Hùng Sơn phát hiện địch, bên phải, 40 độ, 6km, độ cao 4.000m, xin phép vào công kích. Tốp F-4 sau cũng nhìn thấy Míc-19. Chúng cùng nhau phóng liền 4 quả tên lửa vào biên đội Míc-19 và triển khai đội hình chiến đấu, từ “bàn tay xòe” thành từng đôi, kéo dài cự li, phân tầng độ cao để yểm hộ nhau. Số 1 và số 2 vừa tránh tên lửa, vừa bám theo tốp F-4 vòng trái. Số 3 và số 4 ngoặt gấp, làm một thắt vòng nghiêng, tránh thế bị bám đuôi và đuổi theo một đôi F-4 đang vòng xuống ở độ cao 2.000m, gần sát núi. Anh tiến đến cự li 500m nổ súng liền 3 loạt, máy bay địch vòng dích dắc tránh đạn. Chúng chui vào mây, anh dẫn số 2 vòng lại, đuổi theo 1 chiếc F-4 khác đang từ trên cao lao xuống. Anh bám chặt tên này, đến cự li 300m, nổi loạt súng 30mm dài, hạ tại chỗ 1 chiếc F-4. Địch bám theo số 1, số 2, quay lại phản kích, liên tục hai lần, anh bị mất đội. Anh kéo cần lái mạnh, độ nghiêng lớn, lại chưa thả thùng dầu phụ, máy bay rung, mất độ cao.

        Số 3 thả thùng dầu phụ, ấn nhầm công tác thả dù đuôi, làm chiếc dù bay mất. Anh đuổi theo 1 đôi F-4, bắn liền 3 loạt. Máy bay có tốc độ lớn, ngắm chưa ổn định, nên không trúng. Số 4 bay sau yểm hộ, thấy 1 chiếc F-4 phóng tên lửa, lập tức hô số 3 kéo cần gấp, tránh tên lửa. Chiếc F-4 vừa phóng tên lửa vào biên đội, do tốc độ lớn lao lên trước máy bay Nguyễn Hồng Sơn. Anh liền bám theo bắn liền 2 loạt đạn phủ đầy thân máy bay F-4, phủ trùm cả đuôi. Anh vội kéo máy bay lên gấp, trước mặt là núi cao.

        Trận đầu ra quân, Trung đoàn tiêm kích Míc-19 đã phát huy truyền thống vẻ vang: chiến thắng trận đầu. Biên đội 4 chiếc Míc-19 đã hạ tại chỗ 2 chiếc F-4, ta về hạ cánh an toàn

        Trận này địch dùng 12 chiếc F-4, chủ trương không chiến với ta. Trung đoàn 925 đã chủ động cất cánh sớm, biên dội có thế, có tốc độ, độ cao tương đương địch, biên đôi đã ra khỏi mây, đội hình chỉnh tề, có công kích, có yểm hộ từng đôi chặt chẽ. Hai đôi, 4 chiếc Míc-19 trong quá trình là chiến đấu, yểm hộ, kịp thời nhắc nhau cơ động tránh tên lửa địch. Nên dù địch bắn nhiều tên lửa một lúc vào toàn đội, nhưng anh em kịp thời tránh. Số 4 Nguyễn Hồng Son vừa phản kích, vừa chớp thời cơ địch tốc độ lớn, vọt lên trước ta, liền nổ súng tiêu diệt. Động tác nhanh, chuẩn xác trong xạ kích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 02:27:16 am »

        Để hỗ trợ cho biên đội Míc-19 đang không chiến ác liệt với 12 chiếc F-4 trên đỉnh sân bay Yên Bái, biên đội 2 chiếc Míc-21 do Phạm Phú Thái số 1, Võ Sĩ Giáp số 2, cố gắng kìm giữ một bộ phận địch tại vùng trời Tuyên Quang. Bọn F-4 quần nhau kịch liệt với đôi Thái - Giáp. Chúng phóng nhiều tên lửa vào biên đội Míc-21. Số 1 Phạm Phú Thái, số 2 Võ Sĩ Giáp nhiều lần cơ động tránh tên lửa và tìm cách phản kích, nhưng chưa bắn trúng được quả tên lửa nào. Các anh biết biên đội Míc-19 của Trung đoàn 925 cũng đang chiến đấu với lực lượng địch gấp hơn nhiều lần. Sân bay Yên Bái địch vẫn còn khống chế, các phi công Míc-19 chưa hạ cánh được. Các anh cố tiến công, ghìm bọn này lại, không để chúng tăng cường về sân bay Yên Bái. Đã hơn 6 phút, 2 chiếc Míc-21 vẫn còn cơ động, không chiến ác liệt với 8 chiếc F-4. Bất ngờ, máy bay số 2 bị dính 1 quả tên lửa địch. Giáp báo cáo máy bay bị thương, tốc độ giảm. Chỉ huy sở cho phép nhảy dù. Nhưng anh thấy vẫn còn điều khiển được, xin phép hạ cánh bắt buộc. Còn lại một mình, số 1 vẫn tiếp tục chiến đấu với 8 chiếc F-4, yểm hộ cho Giáp hạ cánh bắt buộc.

        Giáp chọn một cánh đồng hạ cánh, nhưng bất ngờ, trước mặt anh là một trường học. máy bay xuống thấp, anh thấy các cháu đang chạy ùa ra để xem. Trong lúc khẩn cấp, Giáp đã đạp mạnh bàn đạp, máy bay đột ngột quay hướng, va vào bờ đất, vỡ tan. Võ Sĩ Giáp đã quên mình vì nhân dân, vì các cháu nhỏ thân yêu. Nhân dân xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú vô cùng cảm phục, ghi nhớ người con đã sống chết vì dân.

        Võ Sĩ Giáp, người con Hà Tĩnh kiên cường. Năm 1965, nhập ngũ, anh được chọn vào Trường Không quân Việt Nam, học lái máy bay chiến đấu. Năm 1968 tốt nghiệp về nước, được bổ sung vào phi đội 2, Trung đoàn 923. Lúc này, tôi đang làm cán bộ phi đội, đã trực tiếp cùng bay với Giáp. Người anh rất trắng trẻo. là sinh viên trước khi vào lái máy bay, lại luôn chịu khó học hành, say mê tìm tòi, học hỏi nên anh tiến bộ rất nhanh, nhất là trong lĩnh vực kĩ thuật. Anh đã được vào trực ban chiến đấu ở Míc-17, là lực lượng trẻ, triển vọng. Theo chủ trương trên, chọn một số phi công trẻ, có kĩ thuật tốt, bổ sung cho lực lượng Míc-21. Năm 1970, anh nằm trong số vài chục anh em từ Trung đoàn 923 qua trung đoàn 921 lái máy bay Míc-21.

        Trong chiến tranh ở Việt Nam có 5 lần phi công chiến đấu phải hạ cánh bắt buộc. Anh Phạm Ngọc Lan, hạ cánh thành công ở bãi sông Hồng. Chiếc Míc-17 này bị hư nhẹ, được sửa chữa lại và sau này đưa về Trường Không quân Việt Nam làm máy bay huấn luyện. Đó là chiếc Míc-17, không có tăng lực. Khi còn là học viên khóa 1 của trường, chúng tôi đã từng bay trên chiếc máy bay mang số 30 này. Chúng tôi rất tự hào, mỗi khi ngồi vào buồng lái chiếc Míc-17, mà chủ nhân của nó là một trong những người đã mở mặt trận trên không lịch sử.

        Người thứ 2 là đồng chí Trần Hanh, phải hạ cánh bắt buộc ở hẻm núi miền tây tỉnh Nghệ An. Khi đánh nhau bị hết dầu. Máy bay hỏng hoàn toàn. Anh Trần Hanh an toàn. Lần hạ cánh bắt buộc này cũng lại là Míc-17.

        Tiếp đó, Nguyễn Phi Hùng trong khi đang không chiến, hết dầu, phải hạ cánh bắt buộc xuống bãi khoai lang, máy bay hư nhẹ. Đây là lần hạ cánh bắt buộc trong chiến đấu thành công hiếm có vào mùa hè năm 1967 đối với Míc-17. Một đặc điểm của Míc-17 là máy bay có trọng lượng nhẹ, chỉ gần 6 tấn tất cả, cánh dày, lực nâng lớn, tốc độ tiếp đất khi hết dầu, hết đạn, chỉ độ 270km/giờ.

        Trong một trận chiến đấu ác liệt, Đỗ Văn Lanh bắn rơi 1 chiếc F-4, máy bay hết dầu, ở độ cao 5.000m, cự li cách sân bay 50km, anh bình bĩnh, hạ cánh có thả càng thành công trên đường băng năm 1972. Với Míc-21, đây cũng là lần duy nhất thành công.

        Míc-21 và các loại máy bay chiến đấu sau này, như Su-22, Su-27 đều rất nặng, tốc độ tiếp đất lớn, hạ cánh ngoài sân bay là rất mạo hiểm, có hạ cánh được máy bay cũng hỏng. Tốt nhất trong hai cái mất, người và máy bay, phi công nên chọn cách nhảy dù là hợp lí nhất. Đó lời khuyên của người đã từng 30 năm lái hầu hết các loại máy bay chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 02:36:57 am »

        Trung tuần tháng 5 năm 1972, địch liên tục tổ chức những trận đánh lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. Không quân Mỹ rất quan tâm, tổ chức, yểm hộ, nghiên cứu kĩ chiến thuật đối phó với từng loại Míc. Với Míc-17, Míc-19, tốp sau đuổi theo phóng tên lửa điều khiển hoặc tên lửa cải tiến, vừa điều khiển, vừa tự động bám theo luồng nhiệt của máy bay đối phương. Đối với Míc-21, chúng nhận thấy rằng tính năng cơ động, đặc biệt là lấy độ cao trung bình 4.000m trở lên, Míc-21 vượt xa F-4. Khi gặp Míc-21, thông thường, F-4 vòng xuống thấp, cơ động mặt bằng. Ở độ cao thấp, F-4 có lợi hơn Míc-21. Đội hình chiến đấu đi hàng ngang, giãn cách 900m, để quan sát cho nhau tốt và kịp thời ứng phó khi bị Míc bám đuôi.

        Bọn tiêm kích địch thường vào trước 20 đến 30 phút, khống chế sân bay có tiêm kích của ta, rồi đội hình lớn đánh mục tiêu mới lục tục vào sau.

        Tháng 5 năm 1972, các trung đoàn không quân phát động thi đua, tiêu diệt nhiều máy bay F-4, mừng sinh nhật Bác Hồ. Anh em không quân quyết tâm lập nhiều chiến công dâng Bác, bảo vệ Hà Nội, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu.

        Ngày 10 tháng 5 năm 1972, vào 8 giờ 30 phút, địch cho 70 lần chiếc vào Hải Phòng. Các tốp tiêm kích địch chặn ta ở Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang), Tứ Kì, Ninh Giang (Hải Dương). Để đối phó với thủ đoạn tiêm kích địch vào không chế sân bay, không cho tiêm kích ta cất cánh, Bộ Tư lệnh Binh chủng triển khai lực lượng Míc-21 ngăn chặn trên bầu trời nhiều sân bay cùng một lúc với Míc-17, Míc-19.

        Sân bay Kép trực 1 biên đội 4 chiếc Míc-17 và 2 biên đội Míc-21 của Trung đoàn 921. Biên đội Đặng Ngọc Ngự số 1, Nguyễn Văn Ngãi số 2 cất cánh trước. Biên đội Lê Thanh Đạo số 1, Vũ Đức Hợp số 2 đang mở máy. Biên đội Ngự - Ngãi chạy đà cất cánh rời đất, thì bất ngờ từ hướng đài xa, cách sân bay khoảng 5km đến 6km, xuất hiện một đôi F-4 bay rất thấp, lao đến. Đôi máy bay Míc-21 vừa rời đất, chưa thu càng, độ cao khoảng 6m, 7m liền bị ngay 4 quả tên lửa phóng tới của đôi F-4. Máy bay Nguyễn Văn Ngãi rơi ngay đầu sân bay Kép. Đài chỉ huy và Lê Thanh Đạo báo ngay cho Đặng Ngọc Ngự cơ động. Số 1 bình tĩnh cơ động nhẹ, tránh tên lửa và thu càng máy bay. Anh tăng lực, tăng tốc độ, ghìm máy bay ở độ cao thấp, lấy tốc độ. Hai chiếc F-4 sau khi phóng tên lửa, bay vọt qua đầu máy bay Ngự. Anh lấy dần độ cao, tăng tốc độ lên 1.100km/giờ.

        Hai tên địch giở trò phân tốp, để lừa anh. Một chiếc F-4 vẫn giữ độ cao 1.000m, chiếc thứ hai vòng lên cao. Phán đoán đúng ý đồ của địch, anh giả vờ vòng đuổi thằng lên cao, bất ngờ, Ngự cho máy bay vòng trở lại, bám theo tên F-4 đang bay bằng. Anh tiếp cận cự li 1.200m, ấn cò phóng 1 quả tên lửa, tiêu diệt ngay chiếc F-4 này, trên vùng trời sân bay Chũ, cách sân bay Kép 30km về phía đông. Ngự tiếp tục đuổi theo tên F-4 còn lại. Cách tên này ở cự li phóng tên lửa tốt, anh bấm cò, nhưng tên lửa không ra. Anh định dùng súng. Tên này tăng lực chạy thoát. Khi anh thả thùng dầu phụ, cách lái lên xuống bị hỏng, máy bay rất khó điều khiển. Trong tình thế hiểm nghèo, máy bay vừa cất cánh, tốc độ còn nhỏ, độ cao thấp, máy bay không thể cơ động lớn, lại bị địch bám phóng tên lửa phía sau, Ngự vẫn bình trí xử trí tốt, biến nguy thành an, giành chiến thắng.

        Qua trận này, phi công ta và chỉ huy rút được nhiều kinh nghiệm, trong cách đánh địch khi sân bay bị khống chế. Đặc biệt là cách xử trí vừa thông minh, bình tĩnh của phi công Đặng Ngọc Ngự.

        Đồng chí Đặng Ngọc Ngự đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay trinh sát không người lái. Nhiều trận, anh đã chỉ huy biên đội nhỏ, cản phá đội hình lớn của địch đánh vào Hà Nội và các mục tiêu quan trọng. Ạnh là người Biên đội trưởng dũng cảm, mưu trí và đặc biệt rất bình tĩnh trong mọi tình huống khẩn cấp. Tính tình anh vui vẻ, luôn lạc quan trong lúc khó khăn. Thân hình anh chắc nịch như nắm cơm. Anh đã góp phần xứng đáng xây dựng nên tuyền thống anh hùng của Trung đoàn 921 và phi đội do anh chỉ huy.

        Các biên đội Míc-17 khi hiệp đồng chiến đấu với Míc-21, có biên đội của Đặng Ngọc Ngự, đồng đội rất yên tâm. Bao giờ anh cũng là người rút khỏi chiến đấu sau cùng. Với Míc-21, tính năng ưu việt, bao giờ anh cũng đợi cho đồng đội rút hết, sau khi phóng hết tên lửa vào máy bay tiêm kích Mỹ, anh mới vọt lên cao, chào tạm biệt, về hạ cánh. Ngày 10 tháng 5 năm 1972 phía đông, từ 8 giờ 30 phút, địch đã cho 70 lần chiếc vào đánh cảng Hải Phòng. Biên đội Ngự - Ngãi đã xuất kích. Địch khống chế sân bay Nội Bài, Hòa Lạc, Kép. Phi công Nguyễn Văn Ngãi, bị tên lửa địch phóng lúc cất cánh, đã hi sinh. Đặng Ngọc Ngự đã anh dũng, mưu trí, hạ tại chỗ 1 chiếc F-4 vừa công kích biên đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 02:43:37 am »

        Ở hướng tây, vào lúc 9 giờ 20 phút, địch huy động 66 lần chiếc vào đánh Hà Nôi. Trung đoàn 921 phối hợp với Trung đoàn 925, tổ chức một trận không chiến lớn, rất quyết liệt cản phá hoàn toàn cánh quân này của địch.

        Lúc 9 giờ 44 phút, chỉ huy sở Binh chủng lệnh cho Trung đoàn 921, xuất kích biên đội 2 chiếc lên hướng Tuyên Quang nghi binh và yểm hộ cho biên đội Míc-19 thứ nhất trực ở đầu nam sân bay Yên Bái cất cánh gấp.

        Đội hình địch gồm 20 chiếc F-4, đã dàn thế trận vừa mới thấy 4 chiếc Míc-19 lên, bọn địch đã ỷ thế đông, thay nhau, liên tục phóng tên lửa vào biên đội. Các phi công Míc-19, cơ động tránh tên lửa, quần bám chặt địch. Ngay phút đầu, số 1 và số 2 đã bám được đuôi đôi F-4 gần nhất, đường ngắm chưa ổn định, nên bắn không trúng Đến phút thứ 16 của trận đánh, số 3 Lê Đức Oánh đuổi theo 1 chiếc F-4 giảm đến độ cao 2.000m, cự li cách địch 300m, anh nổ súng. Ba khẩu 30mm trên Míc-19, tuôn đạn, phủ đầy thân chiếc F-4. Máy bay địch bùng cháy, số 3 lao gần hơn, bồi thêm loạt nữa, chiếc F-4 gãy làm đôi, thân rơi lả tả xuống rừng núi. Số 4 yểm hộ chặt chẽ cho số 3 suốt thời gian đuổi theo bắn rơi chiếc F-4. Anh nhìn thấy phía sau, 2 chiếc F-4 chuẩn bị phóng tên lửa vào biên đội, anh ngoặt gấp, quay lại phản kích, bắn liền 3 loạt. Địch cơ động dích dắc, anh bắn không trúng mục tiêu. Sắp bắn loạt đạn tiếp theo, máy bay anh bị tên lửa của đội F-4 bắn trúng. Lê Đức Oánh nhảy dù, bị tai nạn, hi sinh ở núi Là tỉnh Tuyên Quang.

        Những trận không chiến thông thường diễn ra từ 3 phút đến 5 phút. Có nhiều trận chỉ độ 1 đến 2 phút, thậm chí dưới 1 phút. Trận không chiến ác liệt cũng chỉ diễn ra độ 7 đến 10 phút. Vậy mà biên đội Míc-19 không chiến đã 20 phút, địch vẫn chưa tan, chúng còn kéo đến thêm lực lượng. Biên đội đánh nhau đã gần hết dầu. Chỉ huy sở Trung đoàn cho biên đội 4 chiếc thứ hai, trực ở đầu bắc sân bay xuất kích, yểm hộ cho biên đội đầu hạ cánh.

        Số 2 xuất kích, từ độ cao 1.600m, lao xuống hạ cánh. Tốc độ máy bay lớn, lướt mãi trên đường băng. Quá hai phần ba đường băng mới tiếp đất. Máy bay xông ra ngoài, hỏng hoàn toàn. Phi công không làm sao.

        Số 1 và số 3 phản kích nhiều lần, về hạ cánh, dầu cạn gần hết.

        Còn biên đội, Míc-19 thứ hai vừa lên đến đỉnh sân bay, gặp địch, liền lao vào không chiến. Số 4 bám vào đôi F-4 vừa vòng trái, đang giảm độ cao. Anh nổ súng liền 3 loạt chiếc F-4 bay sau cháy bùng, cắm đầu rơi xuống phía Tây sân bay. Số 3 cũng đuổi theo công kích đôi F-4 khác. Anh bắn liền hai loạt, cự li xa, đường ngắm không ổn định, bắn không trúng. Số 2 và số 1 cơ động chiến đấu ác liệt với một tốp 6 chiếc F-4, nhưng vì bắn vội, đường ngắm không ổn định, nên đều trật mục tiêu.

        Biên đội thứ 2 đánh địch ngay tại đỉnh sân bay, thả thùng dầu phụ sớm, tăng lực nhiều trong chiến đấu. Đã không chiến đến phút thứ 18, tuy còn địch trên khu vực chiến đấu, chỉ huy sở cho biên đội thoát li, về hạ cánh vì máy bay sắp hết dầu. Số 1, số 3 làm hàng tuyến nhỏ, hạ cánh gấp, an toàn. Số 2 sau khi phản kích, đuổi địch ra xa, quay về hạ cánh tốt. Số 4, máy bay hết dầu từ độ cao 1.400m, lao xuống, hạ cánh gần cuối đường băng, máy bay xông ra ngoài, nổ, phi công hi sinh.

        10 giờ 47 phút, trận đánh trên đỉnh sân bay Yên Bái kết thúc. Trận này, Trung đoàn 925 đã xuất kích 2 biên đội, 8 chiếc Míc-19. Trong 8 phi công chiến đấu, 6 phi công đã nổ súng, hạ tại chỗ 2 chiếc F-4 tiêm kích, bắn hết 1.050 viên đạn 30mm.

        Ngoài phi công Lê Đức Oánh, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, bị tên lửa F-4 bắn trúng, nhảy dù, nhưng vì khóa dù chưa đóng chặt, khi dù bung, người rơi từ trên cao xuống núi, hi sinh ở núi Là, trong trận này hi sinh còn có phi công Lê Văn Tưởng - quê ở Sài Đồng, Gia Lâm. Khhi chiến đấu, máy bay hết dầu, trên sân bay còn địch khống chế, Tưởng hạ cánh lấy tầm quá cao, máy bay tiếp đất gần cuối đường băng, xông ra ngoài, va vào chướng ngại vật, nổ, đồng chí đã anh dũng hi sinh.

        Ngày 8 tháng 7 năm 1972, biên đội 2 chiếc Míc-21 do anh Ngự chỉ huy, không chiến với 8 chiếc F-4. Sau khi bắn rơi 1 chiếc F-4, máy bay anh bị trúng tên lửa địch. Anh đã anh dũng hi sinh  trên vùng trời tỉnh Hòa Bình.

        Ngày 11 tháng 1 năm 1973, liệt sĩ Đặng Ngọc Ngự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đã mấy chục năm xa anh, vào một chiều thu, từ trong Nam lặn lội ra Bắc, tôi đến nghĩa trang thăm anh và các đồng đội. Anh vẫn trẻ mãi với nụ cười đôn hậu bên các bạn bè, nhưng sao lòng tôi se lại, hai hàng lệ rưng rưng. Phía trước nghĩa trang là một trường học vang tiếng trẻ thơ học bài. Đất nước đang đổi mới từng ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 02:49:09 am »

        Trung đoàn tiêm kích 925 mới thành lập, lực lượng chiến đấu hầu hết là anh em phi công đào tạo ở nước bạn mới về nước. Trung đoàn chỉ có một số ít chiến cán bộ nòng cốt từ các trung đoàn chiến đấu chuyển về, chủ yếu là cán bộ bay của Trung đoàn 923. Tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai, địch đã phải rất chú trọng đối phó với Không quân ta, từ mặt đất tới trên không. Các phi công của Trung đoàn 925 bước vào chiến đấu, đã gặp ngay những trận không chiến ác liệt, địch có chuẩn bị trước lực lượng gấp nhiều lần ta, vũ khí được cải tiến, chiến thuật đối phó với từng loại Míc của tiêm kích địch có bài bản. Nhiều trận, địch đã vào khống chế sân bay, biên đội của ta mới cất cánh, vừa lên, chưa có độ cao, chưa có thế trận đã phải không chiến ngay. Vì vậy, trong biên đội thực hiện có công kích, có yểm hộ là rất khó khăn. Số đi sau, yểm hộ phải phản kích ngay khi bị địch bám, cho nên ngay từ đầu, dễ lâm vào thế trận tự bảo vệ mình. Yểm hộ trên không, chỉ có thể bằng cách nhắc nhau cơ động, tránh tên lửa địch và cùng chiến đấu trong một khu vực nhỏ, dùng hỏa lực chi viện cho nhau. Và rồi, cảnh chiến đấu đó, thường đưa vào thế xen kẽ ta, địch bám nhau. Vào thế trận này, phi công nào ham đuổi bắn, mất cảnh giác, không quan sát phía sau đuôi khoảng 10 đến 15 giây, là có thể bị đối phương lợi dùng sơ hở bắn hạ. Máy bay Míc-19 tuy có tốc độ lớn hơn Míc-17, hỏa lực mạnh hơn, nhưng cũng chỉ có súng. Nhược điểm lớn của Míc-19 là khá nặng nề, dễ thất tốc và tiêu hao dầu nhiều. Thời gian có thể chiến đấu ngắn khi đã thả thùng và tăng lực.

        Anh em phi công Trung đoàn 925, hầu hết là mới, ít hoặc chưa có kinh nghiệm không chiến, lại gặp ngay bọn tiêm kích F-4 có chuẩn bị đánh với ta. Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, Trung đoàn vẫn giữ vững quyết tâm chiến đấu, ngay từ lần xuất kích đầu tiên hạ được máy bay địch, xây dựng truyền thống vẻ vang: đã ra quân là đánh thắng. Từ những trận đánh của Trung đoàn 925, không quân tiêm kích ta có thêm kinh nghiệm trong không chiến, khi bị khống chế sân bay. Quả thật, mỗi kinh nghiệm của mặt trận trên không chống giặc trời Mỹ, đều phải đổi bằng bao nhiêu công sức của cả Trung đoàn từ đồng chí chỉ huy đến anh em chiến sĩ.

        Các phi công Míc-19 đã bắn rơi máy bay địch trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2 năm 1972 có: Tiếp - Sơn B (Nguyễn Hoàng Sơn), Phúc - Tưởng - Sơn A (Nguyễn Hồng Sơn), Sơn C (Phạm Hồng Sơn)… Mỗi người bắn rơi được 1 chiếc, trong điều kiện không chiến vô cùng ác liệt. Trong chiến đấu, nhiều phi công Trung đoàn 925 đã hi sinh anh dũng, như các đồng chí: Lê Đức Oánh, quê ở Hà Tĩnh; Lê Văn Tưởng, quê ở Gia Lâm, Hà Nội; Phạm Ngọc Vân, phi đội trưởng và Phạm Hùng Việt cùng quê ở Nam Trung Bộ.

        Các anh đã ra đi, lịch sử chiến đấu vẻ vang của Trung đoàn, của Không quân còn ghi nhớ mãi những chiến công bất diệt. Các phi công tiêm kích lớp sau, tự hào và nguyện noi theo những tấm gương oanh liệt của các dũng sĩ trên bầu trời Tổ quốc Việt Nam anh hùng.

        Trân trọng, học tập và vận dụng sáng tạo trong tình hình mới, những kinh nghiệm của lớp người đi trước luôn bảo đảm cho bộ đội sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, là phẩm chất quan trọng nhất của người chỉ huy. Thời nào cũng vậy, nhận việc thì quên nhà, vào trận thì quên thân. Đã là phi công tiêm kích, phải chấp nhận điều này.

        Trong khi 2 biên đội Míc-19 liên tục không chiến ác liệt với hơn 20 chiếc F-4 tại khu vực sân bay Yên Bái, trên vùng trời Tuyên Quang, biên đội 2 chiếc Míc-21 xáp trận với 6 chiếc F-4, đội hình kéo dài từng đôi một. Tình huống chiến đấu xảy ra rất khẩn trương. Biên đội Míc-21 đuổi theo đôi F-4 và cùng phóng tên lửa ở cự lí tốt, có hiệu quả. Một chiếc F-4 bùng cháy, chiếc F-4 đi đầu lủi xuống thấp, tránh được quả tên lửa của số 1 phóng. Ngay sau đó đôi F-4 bám phía sau biên đội Míc-21, chúng phóng liền 4 quả tên lửa, máy bay số 2 bùng cháy, phi công không kịp nhảy dù. Máy bay số 1 bị thương 16 lỗ, tiếp tục cơ động, giảm độ cao, theo sườn Tam Đảo về sân bay Nội Bài hạ cánh.

        Trong không chiến ác liệt, địch đông, ta ít, chúng chia nhiều tầng độ cao. Thằng cơ động không chiến trực tiếp với ta ở vòng trong, đửa lảng vảng bên ngoài, nhằm Míc sơ hở, mải mê công kích đối phương từ ngoài, dùng tên lửa điều khiển phóng vào đội hình ta. Trường hợp này, Míc-17, Míc-19 đều bị không ít. Trong lúc hỗn chiến, ta cơ động thoát, địch bắn trúng nhau như trận biên đội anh Nguyễn Văn Bảy đánh với F-4 ở Sơn Động, Lục Ngạn năm 1967.

        Biên đội Míc-17 do anh Bảy chỉ huy, không chiến với 6 chiếc F-4 ở độ cao rất thấp tại vùng trời Sơn Động - Lục Ngạn. Anh Bảy đang đuổi chiếc F-4 vòng gấp, độ cao chỉ độ 100m, cách mặt đất. Anh bám mục tiêu, nhưng vẫn cảnh giác phía sau đuôi. Một F-4 bám theo, phóng tên lửa, anh lật máy bay tránh thoát, tên lửa lao tới, trúng vào đuôi chiếc F-4 anh đang đuổi. Máy bay địch cháy bùng lao xuống gần sân bay Chũ. Thế là không tốn một viên đạn, coi như anh hùng Nguyễn Văn Bảy vẫn hạ ngon lành một F-4. Rèn luyện có được kĩ thuật điêu luyện và tỉnh táo trong chiến đấu trên không để có thể xử trí tình huống như anh Bảy là điều không dễ dàng.

        Đội hình địch kéo dài từng đôi, vừa khó mà cũng vừa thuận lợi cho ta. Trong một lúc, biên đội không phải đối phó với nhiều địch thủ. Cái khó khăn là phải nhớ cảnh giới phía sau đuôi. Chỉ cần một sai lầm nhỏ, mải mê đuổi bắn địch trong vài chục giây là có thể gặp hiểm nguy ngay từ phía sau. Anh em phi công mới vào vài trận đầu, tinh lực tâp trung bám đội trưởng hoặc có khi ham bắn, dễ sơ hở khung thành. Người biên đội trưởng có kinh nghiệm, phải luôn nhớ điều đó. Trong không chiến, số 2 có nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ số 1 quan sát toàn diện, nhưng đặc biệt dề phòng ở hướng nguy hiểm. Có điều kiện, cùng công kích với số 1 nhưng sau đó, phải nhanh chóng trở về vị trí yểm hộ. Trong phi công tiêm kích thời kì đánh Mỹ, có những đôi bạn chiến đấu tiêu biểu, hiểu ý nhau, gắn bó, thực hiện tốt vừa công kích vừa yểm hộ nhau. Tiêu biểu ở Míc-21 như đôi Chiêu - Cốc, ở Míc-17 như đôi Bảy - Mẫn, Chao - Hải. Nhiều trận, kể cả những trận địch đông gấp nhiều lần ta, các anh vẫn không rời nhau trong suốt cuộc không chiến và người nào cũng bắn rơi máy bay địch.

        Ngày 10 tháng 5 năm 1972 là một trong những ngày Không quân ta, cả bốn trung đoàn tiêm kích, đều xuất kích chiến đấu. Cả ngày, địch tổ chức nhiều đợt đánh lớn vào Hà Nôi, Hải Phòng. Kết thúc các trận đánh buổi sáng, Bộ Tư lệnh chỉ thị cho các đơn vị củng cố lại lực lượng, giải quyết hậu quả và chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 02:57:03 am »

        12 giờ 25 phút, địch huy động 66 lần/chiếc gồm F-4B, A-6, A-7 đánh phá Hải Phòng, mục tiêu chính là hai cầu Lai Vu và Phú Lương. A-6, A-7 - hai loại máy bay cường kích của không quân, hải quân Mỹ, chuyên hoạt động ở độ cao thấp và trung bình.

        Chỉ huy sở Trung đoàn cho biên đội Míc-17 gồm: Thọ, Trung, Hạng, Kiếm xuất kích. Biên đội cất cánh từ sân bay Kép, lên độ cao 3.000m bay về phía Hải Dương. Đội hình địch kéo dài, từng tốp 4 chiếc A-6, A-7 liên tục bổ nhào, đánh phá các mục tiêu. Bọn tiêm kích F-4B bay trước, sau và hai bên yểm hộ bọn cường kích. Cách Hải Dương 15km, biên đội Míc-17 đã phát hiện địch. Số 1 Nguyễn Văn Thọ lệnh cho biên dội vứt thùng dầu phụ, tăng lực và cùng số 2 lao vào công kích tốp A-6 đang bổ nhào ném bom vào cầu Lai Vu. Số 3 và số 4 vòng lại phía sau, ghìm chân bọn F-4B. Số 2 bám theo một A-6, nổ súng, đường ngắm không ổn định, đạn không trúng. Số 1 nổ súng vào tốp A-7, máy bay địch chúi xuống thấp, tránh được làn đạn sắc như dao chém của anh. Anh ghìm phía sau, phát hiện 8 chiếc F-4B đang lao tới, chúng sắp phóng tên lửa. Thọ cơ động gấp vòng lại phản kích. Trên khu vực cầu Phú Luơng, cách anh độ 3km, số 3 và số 4 cơ động không chiến với F-4B tiêm kích. Phía sau, đội hình địch còn đông, chúng vẫn tiếp tục kéo vào. Bọn cường kích vội vàng ném bom ngoài mục tiêu, chen nhau chuồn ra hướng biển.

        Thọ quay lại, một mình vừa cơ động tránh nhiều lần tên lửa F-4 vừa phóng, vừa đuổi theo những chiếc A-7 định lao xuống ném bom cầu. Bọn F-4 ỷ thế đông quây lấy anh liên tục phóng tên lửa. Số 3 và số 4, chiến đấu rất kiên cường, nhưng vì địch đông, chúng thay nhau công kích. Máy bay Kiếm bị một quả tên lửa của F-4, cháy bùng, anh không kịp nhảy dù. Mấy phút sau, Hạng đang bắn chiếc F-4 phía trước, máy bay anh bị tên lửa địch bắn. Anh nhảy dù, hai chiếc F-4 lao theo bắn đạn 20mm vào anh, khi dù đang còn lơ lửng trên không. Hạng tiếp đất, trong tư thế rơi không điều khiển được dù, anh bị thương rất nặng vì trúng đạn 20mm của địch. Các đồng chí dân quân đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng anh không qua khỏi.

        Còn một mình Thọ, nhưng anh vẫn quyết chiến với bọn F-4. Dầu gần hết, địch bu quanh. anh vẫn bình tĩnh chiến đấu. Con của người Vệ quốc đoàn ôm bom cảm tử năm xưa (ba anh Thọ đã từng hi sinh khi ôm bom ba càng ở Bình Định năm 1945). Hổ phụ sinh hổ tử. Bất ngờ về cuối trận, máy bay anh bị 1 quả tên lửa nố gần đuôi, không điều khiển được, anh nhảy dù. Anh đã cùng nhân dân, chôn cất chu đáo hai đồng đội của mình trước khi trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

        Biên đội đồng chí Thọ đã chiến đấu kiên cường, bảo vệ được mục tiêu. Do lực lượng chênh lệch quá lớn, thời gian không chiến kéo dài, tiêm kích địch đông, trận đánh ác liệt, ta hi sinh hai đồng chí.

        Qua trận này, anh em Trung đoàn 923 có thêm kinh nghiệm về thời cơ rút khỏi chiến đấu. Sức ta có hạn, lực lượng ta thường ít hơn địch nhiều lần. Bảo vệ mục tiêu là nhiệm vụ chung của lực lượng phòng không, không quân. Không quân là lực lượng quan trọng, chỉ có khả năng bảo vệ mục tiêu trong thời điểm nhất định. Còn khả năng bảo vệ lâu dài, thường xuyên phải là cao xạ và tên lửa đất đối không. Quán triệt phương châm tác chiến trong từng trận cụ thể, Không quân phải bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, tiến công quyết liệt, tiêu diệt được một phần sinh lực địch và nhanh chóng, chủ động rút khỏi chiến đấu, bảo toàn lực lượng để có thể chiến đấu lâu dài.

        Trong quá trình không chiến, khởi đầu địch thường đông hơn ta nhiều lần, sau đó, còn có lực lượng tăng cường là lẽ thường. Trong khu vực chiến đấu, trên ta, ngang ta, dưới ta, đâu đâu cũng thấy địch. Một số phi công tiêm kích, cả anh em mới lẫn cũ thưòng có cảm giác bị bao vây. Chuyện này không có gì là lạ, cũng không nên vội cho là anh em sợ địch. Vì đã sợ, sao còn dám đi đánh. Cái chính yếu, điều đầu tiên là phải giải quyết vấn đề tư tưởng. Trời rộng bao la. Mỗi phi công một máy bay, tự do cơ động. Một mình cũng đánh. Địch càng đông, trong cái mớ hỗn tạp đó, ta bình tĩnh, nhanh chóng, có nhiều thời cơ tiếp cận địch. Không bắn vào thằng này thì bắn vào thằng khác. Nhưng phải nhớ là, sau ta, đã có thằng ngắm bắn ta rồi. Nên làm sao cơ động tiếp cận bắn thằng trước mặt, đồng thời cũng là động tác tránh thằng phía sau đu bám có thể bắn ta. Điều thứ hai, để giải quyết vấn đề này là trình độ kĩ thuật lái và dẫn đường. Căn cứ vào tính năng  của máy bay và điều kiện địch, ta để chủ động thoát li khỏi chiến đấu, mặc dù trong khu vực còn nhiều địch. Ta tránh tên địch uy hiếp ta nhất và tìm cách hô nhau cùng rút. Các phi công có thời cơ rút khỏi chiến đấu khi chỉ huy sở hoặc biên đội ra lệnh rút khỏi chiến đấu. cả biên đội phải cùng tìm cách thoát li. Không cùng nhau, không được lần chần khi rút, anh nọ chờ anh kia là thất thế.

        Thông thường, với Míc-17, cơ động rút khỏi chiến đấu ở độ cao thấp là tốt nhất. Bay độ cao 20m, 30m, cơ động nhẹ nhàng. Chú ý công tác dẫn đường về sân bay, bằng hướng khái quát, căn cứ vào mặt trời, căn cứ vào địa tiêu, vừa rút, vừa tập hợp biên đội, yểm hộ, quan sát tốt trên đường về căn cứ. Tốc độ lớn nhất cho phép, thông thường từ 800km/giờ, chủ yếu nhìn bên ngoài giữ trạng thái máy bay, bay bằng mắt. Lúc này, đồng hồ độ cao trong buồn lái chỉ tham khảo chút đỉnh. Nếu địch đuổi theo, ở độ cao cực thấp và tốc độ lớn gần âm tốc, cũng không nhất thiết cần quay lại phản kích. Vì sao?

        - Bay ở độ cao và tốc độ lớn nhất như vậy là rất nguy hiểm. Địch không thể dùng súng, vì dùng súng, phải có góc chúc, góc tiến vào nếu cùng ngang độ cao. Ở khoảng cách mặt đất 20m, 30m, không một phi công nào dám liều lĩnh lao vào bắn đối phương trong điều kiện gần đất, xa trời. Bay ở độ cao này, thì tất cả địch đều cao hơn ta. Phạm vi quan sát của ta bớt đi một nửa, không còn sợ bất ngờ  có địch thủ nào bay dưới bụng ta thọc tên lửa lên.

        - Còn đối phương dùng tên lửa, nếu bay cùng độ cao với địch thủ tên lửa bị nhiễu loạn, dễ rơi xuống đất trước khi đến mục tiêu. Ở trên cao bắn xuống không phải là dễ. Phản kích khi cần, động tác rất quyết liệt. Nhưng khi địch đã bỏ chạy, ta cũng không ham đuổi theo vì dầu và vũ khí cũng đã cạn.

        Rút khỏi chiến đấu là một nghệ thuật vừa chủ động, thông mình và phải rất cương quyết. Điều này phải hiệp đồng kĩ càng trong biên đội 2 chiếc, 4 chiếc. Lấy biên đội 2 chiếc làm cơ sở trong quá trình chiến đấu và chủ động rút khỏi chiến đấu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM