Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:59:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 29389 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 03:41:46 pm »

        Hai ngày sau trận thắng giòn giã của Trung đoàn 923, ngày 16 tháng 6 năm 1968, biên đội chuyển vào Thọ Xuân và 16 giờ xuất kích chiến đấu. Míc-21 tiếp tục ra quân. Biên đội Đinh Tôn - Nguyễn Tiến Sâm, trong điều kiện thời tiết khó khăn, trời đầy mây, lại tiếp địch ở thế gần đối đầu. Đồng chí Đinh Tôn đã xử lí tình huống khá nhanh, cương quyết và hợp lí, đánh dũng mãnh, bắn chuẩn xác, hạ một chiếc F-4. Nguyễn Tiến Sâm lần đầu tiên ra trận, đã tỏ ra có bản lĩnh, cương quyết bám đội, yểm hộ số 1 tới cùng trong điều kiện mây nhiều, động tác chiến đấu của số 1 rất mau lẹ, dứt khoát và địch đối phó quyết liệt. Hai anh Tôn, Sâm sau này đều trở thành những phi công anh hùng của Không quân nhân dân Việt Nam. Ở chiến trường mới, không quân ta diệt địch không nhiều, do nhiều điều kiện khó khăn, nhưng đã có một ý nghĩa lớn trong thế trận chung, buộc địch phải giãn ra, tiêm kích yểm hộ nhiều, chiếm một nửa số phi vụ, số  bom đạn địch đánh ít hơn. Các đoàn xe vận tải vào chiến truờng có thêm thời cơ vượt các trọng điểm. Lực lượng vận tải đỡ tổn thất về người và vật chất, xe cộ. Trong các đợt vận tải lớn, theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh 559, Không quân phối hợp, nghi binh, thu hút sự chống trả của địch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn xe ra tiền tuyến. Đặc biệt hoạt động về đêm, Không quân nhiều lần đánh địch giãn ra. Nghe thông báo có Míc-21 đang bay chờ ở các trọng điểm, là C-130, B-52 phải lập tức giãn ra xa. Chúng nó không thú vị gì khi gặp Míc.

        Ngày 9 tháng 7, vào buỏi sáng, những đám mây Cu-công bắt đầu bám vào các đỉnh núi, trên mây, tầm nhìn khá tốt. Biên đội hai chiếc Míc-17 xuất kích, bay độ cao thấp 50m vào Đức Thọ thì gặp 4 chiếc F-8 đang ném bom phà qua sông Lam. Hùng biên độ trưởng, đã đuổi 2 chiếc F-8 chạy vào đến gần thị xã Hà Tĩnh. Anh đã bắn rơi 1 chiếc F-8 ngày loạt đầu tiên. Số 2 vẫn bám sát theo yểm hộ cho số 1, về sau bị địch bám đuôi, số 2 phản kích. Các anh bị mất biên độ. Trên đường về, không quân hải quân cho 1 tốp F-8 chặn các anh ở Nghĩa Đàn. Hùng lệnh cho số 2 cứ về, vì dầu còn quá ít. Riêng anh quay lại phản kích, cản địch để bạn về an toàn. Một mình, dầu cạn, đạn hết, nhưng anh vẫn tiến công 4 chiếc F-8 hoàn toàn còn đang sung sức. Anh tránh được hai quả tên lửa. Khi anh vửa cải độ nghiêng quan sát, quả đạn thứ 3 đẫ nổ trúng máy bay. Anh hi sinh khi mới bước vào tuổi 25. Tôi còn nhớ, trong khóa học, Nguyễn Phi Hùng là học viên bay giỏi. Anh rất cẩn thận trong công tác chuẩn bị bay. Anh là trai Hà Nội, học trò trường Chu Văn An, da hơi ngăm, anh em hay gọi đùa là thằng Hùng nhẻm. Anh bắn rơi 5 máy bay Mĩ. Chiếc F-8 anh bắn rơi ở Hà Tĩnh là chiếc cuối cùng trong cuộc đời phi công tiêm kích. Ngày 10 tháng 12 năm 1994, liệt sĩ Nguyễn Phi Hùng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 03:49:57 pm »

        Sau trận thắng có tổn thất ngày 9 tháng 7 của Míc-17, ngày 10 tháng 7 Trung đoàn 921 lại ra quân. Đây là lần dầu tiên Míc-21 vận dụng chiến thuật biên đội 3 chiếc nhằm mục đích tăng cường khả năng quan sát và tạo thế bất ngờ. Vì lâu nay, trong tiêm kích, thường áp dụng biên đội chiến đấu 2 chiếc, hoặc 4 chiếc, lấy biên đội 2 chiếc làm cơ bản. Số 1 nhiệm vụ chính là dẫn đội và công kích. Nhiệm vụ của số 2 là yểm hộ cho số 1, khi có điều kiện, có thể công kích địch, nhưng phải báo cáo và nhanh chóng trở lại nhiệm vụ yểm hộ của mình. Biên đội 4 chiếc, số 1 chỉ huy biên đội, cùng với số 2 là tốp công kích chủ yếu; số 3 và số 4 là một cặp, vừa có nhiệm vụ công kích như đôi số 1, số 2 vừa phải giữ thế chiến thuật hai chiếc luôn hỗ trợ nhau trong một khu vực tác chiến. Biên đội 3 chiếc, số 1, số 2 thường đi trong đội hình ổn định; chiếc thứ 3 tự do cơ động về độ cao và cự li căn cứ vào vị trí mặt trời, vào điều kiện thời tiết, có thể bay cao hơn hoặc thấp hơn, số 1 và số 2, độ cao chênh lệch khá lớn, từ 500m đến 1000m. Số 3 trong biên đội 3 chiếc, được chọn từ những phi công đã có kinh nghiệm và rất linh hoạt trong xử lí tình huống. Số 3 phảỉ tự mình cơ động để quan sát phía sau, tự bảo vệ cho mình, đồng thời, sẵn sàng công kích địch lẻn vào đuôi số 1.

        Biên đội 3 chiếc xuất kích lần đầu vào ngày 9 tháng 7, do điều kiện khí tượng phức tạp, mây nhiều, ra đa bắt địch, ta, đều bập bõm, chỉ huy xử trí lúng túng, trình độ kĩ thuật của phi công còn yếu, nên không gặp được địch, phải quay về hạ cánh tại sân bay Thọ Xuân. Trung đoàn 921 rút kinh nghiệm và quyết tâm tổ chức trận đánh tiếp theo.

        Ngày 1 tháng 8, biên đội 3 chiếc gồm Nguyễn Đăng Kính số 1, Nguyễn Mạo số 2, Nguyễn Hồng Nhị số 3. Trời đầy mây, biên dội bay thấp, độ cao 200m, bay dọc đường 15 vào khu vực Đô Lương - Thanh Chương - Nam Đàn (Nghệ An). Chỉ huy sở bắt được địch tốt. Sĩ quan dẫn đường vừa mới cho biên dội cải hướng lần thứ 2, đã gặp địch. Số 3 phát hiện trước, báo cho số 1, địch bên trái, 30 độ, 15km. Biên đội trưởng hai lần bám sát tốp F-8, nhưng mây nhiều quá, mục tiêu bị mất. Nhìn thấy bờ biển, anh vòng trở lại. Trong lúc đó, số 3 bám theo 1 chiếc F-8, đang vòng ra biển, độ nghiêng  khoảng 60 độ. Với mức cơ động này, Míc-21 của Nguyễn Hồng Nhị bám theo quá nhẹ nhàng. Sợ tên địch lủi vào mây, ở cự li vừa phải anh ngắm sơ bộ, bắn một quả tên lửa, với ý định buộc địch phải cải hướng. Anh định bắn phát thứ 2 cho chắc ăn, thì máy bay địch đã bùng cháy. Chiếc F-8 thứ 2, vòng phải, bám được đuôi máy bay Nguyễn Hồng Nhị. Anh tăng lực, kéo cao, vòng độ nghiêng nhỏ, định lấy độ cao lớn hơn, thoát li khỏi thế bất lợi. Nhưng hệ thống tăng lực hỏng, tốc độ  máy bay anh bị giảm và thằng F-8 vẫn bám riết sau đuôi. Cự li anh cách địch trong tầm bắn khoảng 300m. Anh cố gắng cơ động, tránh được 2 lần F-8 công kích. Lần đầu địch vọt lên trước; lần sau, đạn trưọt bên phải. Lần thứ 3 anh ngoặt gấp xuống bên trái, tránh đuợc làn đạn nguy hiểm. Số 1 kịp thời quay lại yểm hộ cho số 3. Nguyễn Đăng Kính tiếp cận đến cự li tốt, độ 2.000m, anh ấn nút phóng tên lửa, nhưng tên lửa không ra, do hệ thống điện điều khiển bị trục trặc, đúng lúc ấy hai thằng F-8 bay từ cửa Sót vào, phóng 2 quả tên lửa. Máy bay anh Nhị lấy dộ cao, cơ động quá nhẹ, bị dính một quả tiên lửa bốc cháy. Số 1 và số 2 thoát li khỏi khu vực chiến đấu, kéo cao, bay dọc dãy núi cao, về Thọ Xuân hạ cánh. Anh Nhị nhảy dù xuống vùng núi cao, dù treo lơ lửng trên cây. Anh nhìn xuống gốc cây, thấy một chú gấu ngựa to đùng, chắc vừa an mật ong xong, nằm ngủ ngon lành. Anh lập tức tháo dù, bám được vào một cánh cây, ngay trên mình gấu ngựa. Lúc đầu anh rút súng, định bắn nhưng nghĩ thương tình chú gấu đang ngủ say sưa, anh nhẹ nhàng theo dây rừng leo xuống, êm ái, rời khỏi gốc cây to. Lạc mãi trong rừng sâu, hai ngày sau, anh mới tìm đươc đường về Lâm trường Thanh Sơn, Hôm sau, Lâm trường cho xe chở anh về Thọ Xuân.

        Trận đánh chứng minh sự gay go, quyết liệt ở chiến trường Quân khu 4. Đặc biệt sự chống trả quyết liệt của không quân địch với Không quân ta. Không quân tiêm kích ta xuất kích không nhiều, nhưng địch phải dành ra một nửa lực lượng để đối phó. Địch phải tổ chức hoạt động thành đợt, yểm hộ chặt chẽ, tỉ lệ có lúc 1 tiêm kích yểm hộ cho 1 cường kích. Về sau địch thường kết hợp cùng F-4 và F-8, vừa mang bom, vừa mang tên lửa, để đánh các mục tiêu mặt đất và sẵn sàng đối phó với Míc.

        Bện cạnh việc đánh độc lập, về sau, Quân chủng thường tổ chức trong một khu vực chiến đấu, có cả hai loại Míc-17 và Míc-21. Míc-17 đánh ở tầng thấp, Míc-21 đánh các máy bay tiêm kích ở tầng cao hơn. Cách đánh như thế phát huy được sức mạnh của hai loại máy bay tiêm kích có tính năng kĩ thuật khác nhau, hỗ trợ cho nhau trong một khu vực tác chiến.

        Nói về Nguyễn Hồng Nhị, anh quê ở Bình Định, nhập ngũ vào cuối thời kì chống thực dân Pháp (năm 1952). Anh được kết nạp Đảng rất sớm, đi học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô. Ở Việt Nam, anh là người lái Míc-21 đầu tiên trên bầu trời Tổ quốc. Tuy ở 2 trung đoàn khác nhau, nhưng trường họp hiệp đồng chiến đấu và sau này cùng chỉ huy một sư đoàn không quân, nên anh thân thiết với chúng tôi như người cùng đơn vị. Trong chiến đấu, anh rất gan dạ, bình tĩnh, ít nói, nhưng lời nói như đinh đóng cột. Anh rất thương chiến sĩ và các sĩ quan thuộc quyền, Trong công tác, anh luôn có quyết dịnh đúng đắn, chính xác, kịp thời và trách nhiệm. Anh đã qua nhiều cấp chỉ huy cao ở trong quân đội cũng như ở Hàng không dân dụng. Trước sau như một, anh luôn giữ được sự tin yêu của đồng chí, anh em. Anh bắn rơi 8 chiếc máy bay Mĩ, là một trong số ít phi công Míc-21 bắn rơi nhiều máy bay Mĩ. Hiện nay, anh đã nghỉ hưu, thành ông nội, ông ngoại, tóc bạc trắng, vẫn khỏe mạnh, nhân hậu như tiên ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:06:53 pm »

        Mùa hè năm 1968, Quân khu 4 nóng bỏng lửa đạn. Trên trời, máy bay địch suốt ngày gầm rú, trút bom đạn xuống làng mạc, trọng điểm là các bến phà. Tàu chiến vào sát bờ biển, pháo kích dọc đường số 1, đánh vào các trọng điểm và đánh các đoàn xe chở gạo, đạn, thuốc men vào chiến trường. Lực lượng pháo mặt đất của các binh đoàn chủ lực và dân quân đánh trả địch quyết liệt, đánh chìm, bắn cháy nhiều tàu biệt kích và tàu khu trục của Mĩ. Quân chủng Phòng không - Không quân tăng cường 2 sư đoàn cho Quân khu 4. Anh em pháo cao xạ, tên lửa suốt đêm ngày quần nhau với bọn giặc Mĩ. Dân quân du kích với các lọại súng tầm thấp, phối hợp giúp đỡ bộ đội trong chiến đấu và cùng triển khai nhiều trận địa pháo mặt đất và súng bộ binh bắn máy bay địch bay thấp.

        Lực lượng Không quân tiêm kích của Trung đoàn 921 và 923 luôn sát cánh, chia lửa với nhân dân Quân khu 4, quyết giữ vững mạch máu giao thông, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trung đoàn 923 khắc phục vô vàn khó khăn, liên tục đưa bộ đội vào chiến đấu ở chiến trường miền Trung, tổ chức nhiều trận đánh hay.

        Trận đánh ngày 29 tháng 7 năm 1968.

        Khoảng 15 giờ ngày 28 tháng 7, biên đội 4 chiếc Míc-17 gồm: Lưu Huy Chao số 1, Hoàng Ích số 2, Lê Hải số 3, Lê Sĩ Diệp số 4 chuyển trường vào sân bay Thọ Xuân. Chỉ huy sở cử cán bộ tham mưu xuống, phổ biến cụ thể hơn tình hình địch hoạt động trong ngày và ý định chiến đấu ngày mai. Thời tiết đang nắng nóng, mấy hôm này địch đánh phá liên tục dọc đường 7, đường số 1, bến phà Đức Thọ, phà sông Gianh. Bộ Tư lệnh có ý định tổ chức một trận phối hợp giữa Míc-17 và Míc-21 tại khu vực Đức Thọ - Nam Đàn - Thanh Chương. Lực lượng sử dụng 4 chiếc Míc-17 và 2  chiếc Míc-21 chiến đấu cùng khu vực. Míc 17 đánh địch ở tầng thấp, Míc-21 đánh địch tầng cao hơn, không cho địch dùng chiến thuật “giã gạo”, từ trên cao, bổ xuống Míc-17 của ta đang đánh nhau với bọn ở tầng thấp. Biên đội Míc-21: Ngân số 1, Thái số 2. Ngày 29 tháng 7, diễn biến trận đánh, 9 giờ 30 phút, 4 chiếc Míc-17 vào cấp một, cất cánh, bay thấp, độ cao 300m vào khu vực chến đấu. Đài bổ trợ mặt đất do anh Lâm Văn Lích phụ trách sẽ hướng dẫn cụ thể kết hợp với quan sát trên không. Đài chỉ huy của anh Lích đặt trên đỉnh núi Đại Huệ - Nam Đàn. Biên đội vào gần đến khu vực chiến đấu, đã nghe thông báo của anh Lích: Có 4 chiếc F-8 đang bay dọc đường 7, chúng vòng xuống Thanh Chương, tốc độ 750km/giờ.

        Biên đội Míc-21 cất cánh, vào khu vực Thanh Chương, độ cao 3.000m, do chỉ huy sở dẫn. Biên đội Míc-17 cải hướng, bay về phía Thanh Chương, số 3 báo cáo đã phát hiện được 4 chiếc F-8 ở bên trái, phía trước, 45 độ. Đài chỉ huy bổ trợ thông báo tiếp có 4 chiếc F-8 bay thấp, độ cao 500m, từng đôi kéo dài 2.000m, cũng đang bay về phía Thanh Chương - Nam Đàn. Biên đội trưởng Lưu Huy Chao thông báo đã thấy địch, anh hạ lệnh biên đội tăng lực, thả thùng dầu phụ: Chú ý, có Míc-21, khéo nhầm, số 3 và số 4 đánh tốp sau. Bốn chiếc Míc-17, quần nhau với 4 chiéc F-8. Số 1, số 2 đang công kích vào tốp sau. Chúng tôi chưa phát hiện được bốn chiếc F-8 đang bay về phía sau ở độ cao thấp.

        Động tác tiếp cận địch của tôi khá mạnh, mới cắt được vào phía sau đôi F-8, chúng cũng đã thấy tôi bám, số 4 bám theo số 3, bị bung ra ngoài. Diệp vừa đi viện về, bay hồi phục xong, đi luôn cùng biên đội, do sức khỏe chưa tốt, nên bay không kịp. Vừa mới ngắm, chuẩn bị bắn thằng phía sau, tôi giật mình, nghe giọng anh Chao hô: Nhảy dù, nhảy dù! Ngoái lại , tôi đã thấy máy bay Diệp cháy bùng mà mãi vẫn không thấy bung dù. Hai thằng F-8 vừa bắn Diệp xong, tốc độ lớn, trườn ngay trước máy bay tôi. Tôi bỏ ngay chiếc trước, làm nửa thắt vòng nghiêng, bám ngay vào đuôi chiếc F-8 đi sau. Máy bay tôi bám dịch trong tư thế bay ngửa, tôi lật lại, cho chắc ăn, ngắm nhanh, siêu cự li, mở vòng sáng to nhất, điểm trung tâm làm chuẩn, phương hướng và lượng đón bắn phải tự phán đoán, tôi nổ liền loạt đầu, ở cự li 300m. Chiếc F-4 phía sau đang có độ nghiêng lớn bám theo đội, bị loạt đạn, lật ngửa như con cá quả đang bơi trong nước, bị nhát dao chém trúng đầu, lật ngửa bụng, bùng cháy. Sau khi bắn, tôi vừa ngoái cổ lại, quan sát phía sau đuôi máy bay, xem có thằng nào bám không. Thật hú vía, ngay trên đuôi đứng, ở cự li 50m, tôi nhìn thấy rõ đầu nhọn hoắt và 2 miệng hút khí sơn đỏ của một thằng F-8. Thì ra, vừa rồi khoảng mấy chục giây, tôi đuổi và hạ thằng đã bắn Diệp, quên mất không cảnh giác phía sau. Thằng này theo tôi chắc đã khá lâu, tiếp cận máy bay tôi tốc độ lớn, ở cự li quá gần, nó không kịp hoặc không dám bắn, vì bắn sợ máy bay tôi nổ, nó cũng đi đời theo. Tôi đạp mạnh chân trái và kéo giật máy bay. Động tác điều khiển này làm máy bay thất tốc ở chế độ tốc dộ lớn. Đột nhiên máy bay rơi như một tàu lá, đầu chúi xuống hẻm núi. Tôi vừa cải máy bay thoát ra thế hiểm nghèo, vừa quan sát 2 chiếc F-8 vừa bám phía sau. Máy bay địch tốc độ lớn hơn, vọt lên phía trước. Lúc đó tôi cũng đã cải được thế máy bay bay bằng, nên giữ nguyên tăng lực, kéo may bay lên, bắn với đôi F-8. Đạn vọt sau, không trúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:10:09 pm »

        Tôi vòng trở lại, thấy anh Chao và Ích đang đuổi theo 1 đôi F-8. Anh Chao bắn liền 2 loạt ở cự li 500m, trúng một thằng F-8, rơi tại chỗ.

        Đôi Míc-21 yểm hộ phía trên, đang không chiến với 4 chiếc F-4 từ biển mới bay vào.

        Anh Chao ra lệnh rút khỏi chiến đấu. Trong khi 2 Míc-21 của Ngân - Thái vẫn tiếp tục không chiến với 4 chiếc F-4 chưa phân thắng bại, 3 Míc-17, cơ động ở độ cao thấp, rút khỏi chiến đấu.

        Trong gần 7 phút chiến đấu, là một trong những trận không chiến khá quyết liệt, biên đội 4 chiếc Míc-17 của Trung đoàn đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc F-8. Ta bị rơi một, Lê Sĩ Diệp đã hi sinh trên chiến trường Quân khu 4 anh hùng.

         Lần không chiến này, 4 chiếc Míc-17 đánh nhau với 8 chiếc F-8 và 2 chiếc Míc-21 không chiến với 4 chiếc F-4. Ta hạ 2 chiếc F-8, tổn thất 1 chiếc Míc-17.

        Ở chiến trường Quân khu 4, hễ gặp bọn F-8 là đánh nhau rất quyết liệt. Tính năng cơ động mặt bằng của F-8 tốt, phi công Mỹ ở hạm tàu có kĩ thuật giỏi. Đánh F-8, phải có kinh nghiệm, không chiến cơ động tốt mới hạ được đối thủ.

        Bọn phi công F-8, bay theo đội hình 2 chiếc, kéo dài các đội, độ cao chênh lệch lớn, rất khó nhìn hết đội hình. Ta đuổi bắn thằng trước, nếu không cảnh giác, chỉ mươi, mười lăm giây là bị bám đuôi rồi. Nhiều phi công Míc-21 và cả Míc-17 bị hi sinh vì thủ đoạn này của địch. Bản thân tôi cũng suýt mất mạng vì chiến thuật kéo dài đội hình của bọn giặc lái Mỹ.

        Lại nói trên đường về, anh Chao và Ích bay trước, tôi cơ động cảnh giới phía sau. Bất ngờ, xa xa, ở độ cao hơn máy bay tôi, cự li khoảng 3.000m, 2 chiếc F-8 đang đuổi theo biên đội. Cả biên đội Míc-17 dầu còn lại rất ít. Máy bay tôi hết đạn, dầu chỉ còn đủ về sân bay. Tôi nghĩ nếu cả 3 anh em cùng quay lại phản kích, thì có thể hết dầu về, phải nhảy dù mất. Tôi liền báo cáo: số 1 và số 2 cứ về, tôi quay lại phản kích. Tôi ngoặt gấp máy bay, cứ nhằm thẳng thằng bay đầu mà lao tới. Thằng địch bất ngờ gặp đòn quyết đấu, khi hai máy bay gần lao vào nhau, nó vội kéo máy bay vọt lên cao và vòng ra biển. Trong giây lát sắp đâm vào máy bay địch, tôi chỉ kịp nghĩ: Đời mình sẽ là viên đạn cuối cùng lao vào kẻ thù. Ngoài ra, vì quá nhanh nên không kịp trăn trối gì.

        Sau gần 40 năm, tôi vẫn còn nhớ như ngày hôm qua, cái thế quyết đấu ngày, sống đến ngày hôm nay là nhờ trời phật phù hộ, độ trì. Thỉnh thoảng nhớ là và tôi sờ vào gáy… vẫn thấy vài cọng tóc còn dựng.

        Lê Sĩ Diệp ra đi, khi vừa mới có người yêu. Người yêu của anh là cô y tá xinh đẹp ở Viện 108. Anh là học sinh miền Nam, tôi và Diệp học cùng lớp, cùng tuyển, trúng phi công, cùng học bay và cùng về 1 trung đoàn. Chàng trai xứ Huế rất trắng trẻo, nhanh nhẹn, chữ viết rất đẹp và yêu cũng rất đậm đà, thủy chung. Diệp còn hơn các bạn bè khác, nhiều phi công tiêm kích trẻ, khi hi sinh chưa hề biết vị cay, ngọt của một mối tình đầu.

        Hoàng Ích, chàng trai Hải Dương, con một gia đình cán bộ công nhân ở thành phố Cảng. Tốt nghiệp khóa 2 phi công chiến đấu của trường Không quân Việt Nam, anh bay giỏi, hăng hái chiến đấu. Sau vài tháng bổ sung vào phi đội, anh được vào trực ban lớp chiến đấu. Trận ngày 29 tháng 7 là trận đầu của anh. Tuy chưa trực tiếp bắn rơi máy bay địch, nhưng anh rất kiên cường yểm hộ đội trưởng từ đầu đến cuối trận. Đối với một phi công mới vào trận đầu, thế là quá xuất sắc. Nhất là đã thử sức với đối tượng F-8, rất khó đánh. Ngay cả phi công cũ, cũng phải cẩn thận đối với địch thủ này.

        Đồng chí Hoàng Ích, đã anh dũng hi sinh trong trận đánh với F-4, trên đỉnh sân bay Anh Sơn - Nghệ An vào tháng 10 năm 1968. Chàng trai đất Cảng đã vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, thanh thản ra đi khi mới bước vào tuổi 24.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:14:18 pm »

        Kể từ ngày 3 tháng 4 năm 1965 đến ngày 31 tháng 10 năm 1968, Không quân nhân dân Việt Nam đã làm theo lời Bác Hồ dạy, mở mặt trận trên không thắng lợi. Trải qua hơn một nghìn ngày đêm vừa chiến đấu vừa xây dựng, Không quân đã xuất kích 1.602 lần chiếc máy bay, đánh 251 trận, và bắn rơi 218 máy bay Mỹ, gồm 19 kiểu loại của không quân và hải quân địch. Không quân đã cản phá được 1.206 lần chiếc máy bay địch vào đánh các mục tiêu, đặc biệt cản phá có hiệu quả các đợt hoạt động lớn của địch đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Không quân đã góp phần cùng nhân dân miền Bắc, đánh bại các bước leo thang của địch, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, bảo vệ miền Bắc, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu quan trọng khác, liên tục tăng cường chi viện cho miền Nam ruột thịt. Không quân vận tải - Lữ đoàn 919 cũng lập nên nhiều chiến tích rất anh hùng: Đánh tàu biệt kích bằng máy bay AN-2, thả dù trong đêm chi viện cho chiến trường dịp Tết Mậu Thân 1968, oanh tạc các căn cứ trên đất địch. Đồng thời, các đồng chí đã tổ chức hàng trăm chuyến bay chuyên cơ an toàn trong chiến tranh.

        Đế quốc Mỹ kiêu hãnh, lạc quan quá đáng về sức mạnh “Không thể tưởng tượng nổi của không lực Hoa Kì”. Để đánh phá miền Bắc, chúng đã huy động trên 1.300 máy bay chién thuật và hơn 100 pháo đài bay B-52, động viên hàng nghìn phi công vào chiến tranh, sử dụng nhiều kiểu loại máy bay hiện đại nhất thời ấy, cường độ xuất kích từ 300-350 lần chiếc trong một ngày. Vũ khí, khí tài của địch luôn được cải tiến, đặc biệt là nhiễu và vũ khí chính xác, có tính năng hủy diệt cao. Thủ đoạn đánh phá và không chiến của chúng luôn thay đổi. Chúng sử dụng các căn cứ từ Thái Lan, từ miền Nam Việt Nam, từ các tàu chở máy bay ở vịnh Bắc Bộ. Gần các mục tiêu đánh phá, ra đa địch, máy bay QB-66 dẫn đường đến mục tiêu. Trong quá trình leo thang đánh phá miền Bắc, nhất là sau những trận bị Míc bắn rơi, địch nghiên cứu, đối phó quyết liệt với Míc. Chúng tăng cường tiêm kích yểm hộ, sử dụng máy bay vừa mang bom, vừa mang tên lửa để vừa đánh các mục tiêu mặt đất, vừa tự vệ, không chiến khi gặp Míc. Đế quốc Mỹ đã từng huy động một lực lượng không quân lớn, vận dụng nhiều mưu kế, quyết quét sạch Míc khỏi vùng trời Việt Nam.

        Không quân Việt Nam bước vào chiến đấu với không quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam, phải đánh nhau với một không quân nhà nghề, trang bị hiện đại, già dặn kinh nghiệm, tổ chức chiến đấu, thủ đoạn xảo quyệt, trình độ bay của phi công tốt với hàng nghìn giờ bay, có tên đạt hàng vạn giờ. Trong khi dó, Không quân ta còn rất non trẻ. Khởi đầu, ta chỉ có một trung đoàn tiêm kích Míc-17 - Trung đoàn 921 - Đoàn Sao Đỏ.

        Số phi công này chủ yếu học tập ở Trung Quốc. Ngày 6 tháng 8 năm 1964 về nước, đóng quân tại Nội Bài, đánh trận đầu, mở mặt trân trên không ngày 3 tháng 4 năm 1965. Trung đoàn tiêm kích thứ 2 được thành lập trên cơ sở đoàn bay thứ 2, học tại Trung Quốc; được thành lập ngày 4 tháng 8 năm 1965 tại sân bay Nội Bài. Người kí quyết định thành lập Trung đoàn Không quân thứ 2 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày chiến thắng trận đầu, ngày 4 tháng 3 năm 1966, phi công Ngô Đức Mai bắn rơi 1 chiếc F-4 tại Vạn Yên, Mộc Châu, Sơn La.

        Cả hai trung đoàn mới vẻn vẹn có gần 60 phi công vào những năm này (1965-1968).

        Trong chiến đấu và xây dựng, Không quân ta được kế thừa truyền thống vẻ vang của cả dân tộc và của quân đội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không quân ta chiến đấu trong thế trận chiến tranh nhân dân, hiệp đồng với các đơn vị bạn, đặc biệt là với lực lượng phòng không của ba thứ quân, lấy chiến đấu và xây dựng lực lượng lớn mạnh không ngừng dể có thể chiến đấu lâu dài với quân xâm lược mạnh hơn ta cho đến thắng lợi hoàn toàn. Không quân lúc đầu đánh nhỏ, lẻ, đánh gần là chủ yếu, từng bước đánh nhỏ với lực lượng vừa. Về sau, đánh phối hợp với giữa các loại máy bay tiêm kích có tính năng chiến thuật khác nhau, hỗ trợ nhau, đánh cản phá đội hình lớn của địch, phối hợp cùng cao xạ, tên lửa lập trung bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng và các tuyến giao thông quan trọng. Chiến thuật của tiêm kích cũng luôn phát triển. Mỗi loại có cách đánh truyền thống, phù hợp với tính năng máy bay và tình hình địch trên chiến trường. Không quân Mỹ phải công nhận, dù biết chiến thuật của Míc, nhưng cũng khó chống đỡ, luôn bị tổn thất lớn, nhất là thời kì chúng tập trung đánh phá Hà Nội - Hải Phòng bằng những biên đội lớn hàng vài chục chiếc máy bay chiến thuật.. Tháng 3 năm 1967, Không quân đã trở thành một binh chủng của Quân chủng Phòng không - Không quân, tiếp tục vươn lên để đáp ứng nhiệm vụ ngày càng lớn hơn của cách mạng Việt Nam.

        Ngày 3 tháng 11 năm 1968, Bác Hồ kêu gọi đồng bào, và chiến sĩ cả nước: “Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, song đó mới chỉ là thắng lợi bước đầu. Đế quốc Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt. Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta lúc này là nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước”.

        Anh em phi công ghi nhớ sâu sắc lời kêu gọi của Bác Hồ. Chúng tôi vừa huấn luyện, vừa sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi hiểu, trước khi thắng lọi hoàn toàn, chắc chắn sẽ còn nhiều phen đọ sức quyết liệt với giặc Mỹ. Cần phải nâng cao sức chiến đấu của Trung đoàn, của Không quân, sẵn sàng đối phó với các tình thế mới của chiến tranh xảy ra. Bài học phải luôn cảnh giác cách mạng với bọn xâm lược luôn được chúng tôi ghi nhớ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:18:26 pm »

       
Chương III

CHUẨN BỊ CHO NHỮNG TRẬN CUỐI CÙNG
       
        Chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ thực chất đến cuối năm 1968 đã thất bại. Nhà cầm quyền Mỹ buộc phải xuống thang. Níchxơn lên thay Giônxơn làm Tổng thống nước Mỹ. Vừa bước vào “Nhà trắng”, Níchxơn cùng tập đoàn diều hâu tìm chiến lược nhằm đối phó với tình hình mới của các phong trào đấu tranh ở châu Á và trên thế giới.

        Trong thế thua, trưóc sức ép của dư luận Mỹ và thế giới đòi chấm dứt chiến tranh, Níchxơn buộc phải rút quân Mỹ khỏi chiến trường miền Nam. Nước Mỹ giàu nhưng không mạnh. Tiền của và nhân lực không thể đổ mãi vào chiến trường Việt Nam. Đối với Mỹ, càng lao sâu vào chiến trường Việt Nam, càng như chui đầu vào đường hầm không lối thoát. Nhưng với bản chất ngoan cố, Mỹ vẫn chủ trương “giữ cam kết ở Việt Nam”, “tiếp tục chiến đấu”, “mang chiến thắng về cho nước Mỹ”, “không thể chấp nhận bất cứ điều gì khác để thay đổi cho thắng lợi”. Tập đoàn Níchxơn đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thực chất của chiến lược này là nhằm “thay đổi màu của trên xác chết”, thực hiện cùng công thức quân đội Sài Gòn cộng với hỏa lực tối đa và viền trợ dồi dào của Mỹ. Chúng thực hiện những thủ đoạn rất tàn bạo, thâm độc, để bình định, giành dân, giành lại những đìa bàn chiến lược đã mất. Chúng dùng không quân, pháo binh đánh phá hủy diệt các căn cứ hậu cần của Quân giải phóng miền Nam. Bom, đạn, chất độc màu da cam thả tràn lan khắp núi rừng và các vùng căn cứ cách mạng. Chúng hòng làm cho ta cạn nguồn tiếp tế, các lực lượng vũ trang địa phương không bám được vào dân, thực hiện độc kế “tát nước, bắt cá”. Chúng âm mưu với sức mạnh của Hoa Kì và dùng quân đội ngụy được nuôi dưỡng lớn mạnh, đẩy các binh đoàn chủ lực của ta ra khỏi miền Nam, giành thắng lợi quyết định trong chiến tranh, thực hiện được mục tiêu, chiến lược ở Đông Nam Á và thế giới.

        Đối với Bắc Việt Nam, Níchxơn gây sức ép và răn đe, luôn duy trì một lực lượng lớn không quân đóng ở Thái Lan, Guam, miền Nam và hạm đội 7 được tăng cường các tàu sân bay chầu chực ở vịnh Bắc Bộ. Lực lượng không quân Mỹ sẵn sàng tiến công trở lại miền Bắc Việt Nam với lực lượng gồm 1.261 máy bay chiến thuật và 120 máy bay B-52. Chúng tiến hành trinh sát tầng cao bằng SR-71, bay cao 1.5000m, tốc dộ gấp 2 lần tiếng động, dùng máy bay không người lái trinh sát vùng Bắc Bộ, Khu 4; dùng máy bay không người lái và máy bay chiến thuật trinh sát các trục đường vận chuyển vào miền Nam và các chân hàng. Nhiều lần chúng cho B-52 và máy bay cường kích đánh các kho hàng và các đoàn ô tô vận tải. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta tuy đã giành được thắng lợi bước đầu, nhưng còn gay go, quyết liệt. Khẩu hiệu “Tất cả vì chiến thắng quân xâm lược, vì miền Nam ruột thịt, hết lòng chi viện cho chiến trường”, luôn được quán triệt sâu sắc trong các đơn vị không quân, đặc biệt là lực lượng tiêm kích.

        Trong trái tim của những chiến sĩ không quân luôn in đậm hình ảnh Bác Hồ vô cùng kính yêu và sâu nặng nghĩa tình. Chúng tôi được nghe kể lại, mỗi lần các đồng chí cán bộ Bộ Tổng Tham mưu báo cáo lên Bác về các trận đánh máy bay Mỹ, có không quân tham gia, đầu tiên Bác hỏi: các chú phi công đánh trận về có đầy đủ không. Rồi mới hỏi tiếp việc ta bắn rơi được mấy chiếc.

        Bác gửi huy hiệu của Người tặng chiến sĩ không quân trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ. Bác còn đề nghị cho sơn một ngôi sao đỏ trên máy bay vừa lập chiến công. Khi nhận những phần thưởng này, cả Trung đoàn từ phi công đến thợ máy, các cán bộ thám mưu, hậu cần, chiến sĩ nấu ăn đều rất tự hào, phấn khởi, quyết lập công nhiều hơn. Chiến công này là của chung. Tất cả các bộ phận trong Trung đoàn đều đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau hơn. Trong những lúc khó khăn, bị tổn thất, hi sinh, chúng tôi lại càng thấm thía điều Bác dạy: “Thắng không kiêu, bại không nản”, “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành được tự do, độc lập”. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.

        Trong lễ truy điệu Người, các phi đội tiêm kích Míc-17, Míc-21, Míc-19 vinh dự được bay tiễn biệt. Phi đội 12 chiếc Míc-17 do đồng chí Cao Thanh Tịnh - Trung đoàn phó dẫn đầu đoàn bay tiễn Bác. 12 chiếc chia thành 3 tốp, phi công toàn là các chiến sĩ đã bao phen vào sinh ra tử với quân giặc. Hầu hết anh em trong biên đội đều bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Phi đội 12 chiếc Míc-21 và Míc-19 cũng chọn toàn anh em ưu tú. Tôi bay trong tốp đầu tiên của phi đội Míc-17. Tôi còn nhớ mãi, bay tiễn biệt Bác sao nặng nề, căng thẳng hơn nhiều so với bay chiến đấu. Suốt gần 40 phút bay, qua Ba Đình chỉ 30 giây, tôi cố gắng giữ tốt biên đội đúng từng mét, bay thật ổn, mà lòng tái tê.

        Khi hạ cánh xong, đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Chính ủy thông báo Bộ Tư lệnh khen ngọi các đồng chí không quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi đứng lặng thinh, mắt ai cũng rơi lệ khi nghĩ về Bác. Anh em chúng tôi không ai kìm được. Các phi công đứng nghiêm trang mà nước mắt chảy ròng ròng. Thương Bác khôn nguôi. Một lãnh tụ suốt cuộc đời vì nước, vì dân. Sức mạnh bắt nguồn từ tình cảm sâu đậm, từ tình yêu. Yêu quê hương, đất nước, yêu Bác Hồ, yêu cha mẹ, anh em đồng bào, đồng chí, yêu con người, yêu làng quê.

        Các chi bộ trong Trung đoàn đều sinh hoạt, nêu quyết tâm biến đâu thương thành sức mạnh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, nguyện tiếp tục hoàn thành sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:23:42 pm »

        Thời kì từ năm 1969 đến năm 1971, Binh chủng và Trung đoàn vừa sẵn sàng chiến đấu nếu địch quay trở lại ném bom miền Bắc, vừa chiến đấu, tiêu diệt các máy bay trinh sát không người lái ở tầng thấp và tầng cao; tập trung huấn luyện, nâng cao trình độ kĩ thuật cho lái cũ, lẫn các đồng chí lái mới được bổ sung về các trung đoàn; hồi phục, tăng cường đầu máy bay tốt; tổ chức thêm lực lượng mới; huấn luyện bộ đội kĩ thuật, chiến thuật bay ngày, bay đêm. Các phi công Míc, được huấn luyện bay không chiến, bay các bài kĩ thuật phức tạp một chiếc, biên đội 2 chiếc và 4 chiếc. Trong thời gian này, mỗi phi công bay trung bình 40-50 giờ huấn luyện kĩ thuật và tổ chức diễn tập bay đối kháng, các bài bay ứng dụng được hình thành: 4 chiếc tiêm kích, đánh với 4 tiêm kích giả địch. Nhờ chủ trương đúng đắn này và cách tổ chức vừa linh hoạt, vừa kiên quyết của các cấp chỉ huy, trình độ phi công được nâng cao hơn trước cả về kĩ thuật bay và chến thuật. Không chỉ tập không chiến trong từng trung đoàn, mà còn tổ chức hiệp đồng, bay tập chiến đấu giữa Míc-17, Míc-19 và Míc-21. Trung đoàn 927 (Míc-21) và Trung đoàn 925 (Míc-19) được thành lập. Như vậy, đến cuối năm 1971, ở miền Bắc về không quân có 3 trung đoàn tiêm kích, gồm 921, 923 và 925 và trung đoàn bạn K gồm 2 phi đội Míc-17 và 1 phi đội Míc-21. Ngoài ra còn có một tiểu đoàn cường kích, máy bay IL-28, mới đào tạo ở Liên Xô về. Trung đoàn vận tải 919 phát triển thành lữ đoàn gồm 1 tiểu đoàn AN-2, 1 tiểu đoàn trực thăng, 1 tiểu đoàn Li-2, IL-14, IL-18. So với thời kì đầu (1964) đến cuối năm 1971, Không quân ta đã thực hiện thắng lợi phương châm: vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, để có thể đánh lâu dài với giặc Mỹ, cho đến thắng lợi hoàn toàn. Tổng cộng lực lượng phi công tiêm kích các loại máy bay Míc-17, Míc-19, Míc-21 có khoảng 170 người. Không quân vận tải có 61 tổ bay các loại. Thông thường, tổ bay vận tải 5 người gồm lái chính, lái phụ, cơ giới, dẫn đường và thông tin trên không.

        Thợ máy, số đi học ở Liên Xô, Trung Quốc tiếp tục về, số sơ cấp đào tạo tại Việt Nam, đủ để biên chế cho các trung đoàn tiêm kích và lữ đoàn vận tải.

        Xăng dầu được dự trữ, chứa trong 500 bể bố trí ở 48 địa điểm khác nhau, đủ sức phục vụ cho lực lượng máy bay tiêm kích triển khai chiến đấu trên toàn miền Bắc.

        Hệ thống sân bay qua nhiều lần bị bom đạn được sửa chữa. Quân chủng làm thêm các sân bay dã chiến bằng đất, ngụy trang cẩn thận. Địch trinh sát hoài mà vẫn không phát hiện được, như sân bay Gát ở Quảng Bình.

        Quân chủng đã chú trọng xây dựng Trường Không quân Việt Nam, bổ sung cán bộ, xe máy, máy bay các loại, hình thành 2 hệ: huấn luyện, đào tạo phi công và hệ mặt đất gồm: thợ máy và cán bộ tham mưu.

        Đánh giá sự trưởng thành của Không quân, nghị quyết của Đảng ủy Binh chủng nhận định: Đã có sự trưởng thành về nhiều mặt, nhưng còn nhiều hạn chế, non yếu. Đảng ủy đề ra nhiệm vụ trước mắt là “Vừa chiến đấu, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tranh thủ thời gian để dốc sức huấn luyện, nâng cao chất lượng hoàn diện của bộ đội, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ là khâu chính, đẩy mạnh huấn luyện quân sự và xây dựng cơ bản theo phương châm ít mà giỏi. Chuản bị sẵn sàng để đánh địch ở mặt đất, mặt nước, vận tải chi viện kịp thời cho các chiến trường, làm tốt nhiệm vụ chuyên cơ và các nhiệm vụ khác”. Về nhiệm vụ chiến đấu ở Quân khu 4, Đảng ủy nhấn mạnh yêu cầu: “Đánh chắc thắng, hết sức giữ gìn, bồi dưỡng lực lượng ta”.

        Quân chủng mở nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, mỗi lần từ 5 đến 7 ngày cho cán bộ các cấp về tư tưởng, phương châm tác chiến, về công tác tham mưu, tổ chức huấn luyện, chiến đấu. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng lớp cán bộ mới được bổ nhiệm ở các cấp. Công tác hậu cần chuẩn bị cho chiến đấu, công tác nuôi dưỡng bộ đội, đặc biệt là nuôi dưỡng phi công được chú ý toàn diện. Phi công ta không phải ăn theo cách của nước ngoài, mà được nuôi bằng các món ăn Việt Nam, hợp khẩu vị và khoa học, có các y bác sĩ dinh dưỡng theo dõi sát sao.

        Thời kì này, công tác dân vận, công tác bảo vệ an ninh được đặc biệt quan tâm. Trung đoàn quan hệ với Đảng ủy và chính quyền địa phương, làm tốt công tác bảo vệ. Hàng vạn tấn vật tư, khí tài, nhiên liệu sơ tán khắp núi rừng, trong làng bản đều an toàn, luôn được Đảng, chính quyền và dân địa phương giám sát, bảo vệ.

        Các căn cứ không quân quan trọng như Nội Bài, Kép, Yên Bái được các tiểu đoàn pháo 37mm trực tiếp bảo vệ. Pháo cao xạ được bố trí trực tiếp trong khu vực sân bay. Trong khi đánh nhau, các tiểu đoàn này đã bắn yểm hộ trực tiếp cho không quân rất hiệu quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:31:51 pm »

        Năm 1969, Trung đoàn 923, Trung đoàn 921 tổ chức xuất kích 540 lần, bắn rơi 10 máy bay không người lái. Năm 1970, xuất kích 70 lần, 6 lần gặp địch, nổ súng, không bắn được chiếc nào. Ngày 9 tháng 3 năm 1970, đồng chí Lương Đức Trường - phi công Míc-17, bắn rơi một chiếc máy bay không người lái tại vùng Cửa Ông, nhưng máy bay bị tai nạn, đồng chí hi sinh.

        Khi Mỹ “xuống thang” đánh phá miền Bắc, dồn bom đạn hủy diệt khu vực từ vĩ tuyến 20 trở vào, Quân chủng tổ chức cho Míc-21, từ Nội Bài vào Vinh, Đồng Hới, Anh Sơn xuất kích đánh B-52 và đánh giãn địch ở các cửa khẩu để bộ đội 559 thuận lợi vượt các trọng điểm trên đường Trường Sơn.

        Trên đường 12, ngày 18 tháng 1 năm 1970, biên đội Míc-21 gồm Đỉnh - Tuân, cất cánh  từ sân bay Vinh, gặp địch cứu giặc lái vừa bị cao xạ bắn rơi.

        Buổi sáng, trời khá mù ở sân bay Vinh. Vào khu vực chiến đấu, biên đội phát hiện cả F-4 và máy bay trực thăng CH-53. Vũ Ngọc Đỉnh bắn bằng tên lửa, trúng chiếc CH-53 rơi tại chỗ. Khí tượng ở khu vực chiến đấu vừa có mù, vừa bị mây che các đỉnh núi cao. Trên đường chở về, máy bay của Phạm Đình Tuân va vào núi, bị tai nạn. Số 1, Vũ Ngọc Đỉnh về an toàn, hạ cánh tại sân bay Vinh. Trận chiến từ lúc cất cánh, đến lúc về hạ cánh chỉ 25 phút.

        Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (đầu năm 1971), ta dùng Míc-21 đánh đuổi bọn C-130, không cho chúng đánh vào đội hình bộ binh và xe tăng đang triển khai ở Bản Đông. Suốt thời gian chiến dịch, không quân ta đã làm cho B-52, C-130 giãn ra, tạo thuận lợi cho bộ binh hoàn thành nhiệm vụ.

        Ngày 4 tháng 10 năm 1971, đồng chí Đinh Tôn bay vào hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, phục kích B-52. Sân bay bị địch ném bom, còn 3 quả bom từ trường chưa nổ. Đồng chí Đinh Tôn cất cánh, máy bay chạy bon qua bom nổ chậm từ trường để làm nhiệm vụ. Anh Phạm Ngọc Lan và các đồng chí cán bộ tham mưu, anh em bộ đội sân bay Anh Sơn đứng ngay nơi bom chờ nổ để chỉ huy và động viên đồng đội xuất kích. Máy bay tiếp tục bay vào chiến trường.

        Do địch gây nhiễu nặng, thời tiết xấu, gặp B-52 ở thế đối đầu, Đinh Tôn không bắn được, phải quay về Thọ Xuân hạ cánh.

        Anh Đinh Tôn quê ở Hoài Nhơn, Bình Định. Anh vào bộ đội vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, học lái máy bay ở Tiệp Khắc, về nước năm 1959. Lần đầu tiên người dân Hà Nội thấy máy bay biểu diễn trên sông Hồng vào ngày 2 tháng 9 năm 1959 do anh lái. Tiếp sau, Đinh Tôn bay Li-2 - máy bay vận tải hạng trung của Liên Xô sản xuất. Khi vận chuyển qua Lào, giúp tiểu đoàn Coong Le khởi nghĩa, bị máy bay T-28 địch đánh đuổi bắn, trên máy bay Li-2 không trang bị vũ khí, anh vòng lại, đối đầu với T-28. Tên địch ớn lạnh, phải buông anh ra, bay một mạch về Viêng Chăn hạ cánh. Trong quá trình chiến đấu, Đinh Tôn bắn rơi 4 máy bay Mỹ, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31 tháng12 năm 1973. Anh là một phi công rất giỏi, điều khiển được nhiều loại máy bay. Sau này, anh bị ung thư vòm họng. Do bệnh quá nặng, các thầy thuốc cả trong và ngoài quân đội đã tận tình cứu chữa, nhưng anh vẫn không qua khỏi. Anh mất năm 1980. Con trai anh sau này cũng trở thành phi công. Hiện cháu đang công tác tại chính đơn vị cũ mà bố cháu đã từng công tác trước khi chuyển qua bay Míc.

        Thực hiện quyết tâm bắn rơi B-52, ngay từ đầu năm 1968, một số tổ bay Míc-21 và Míc-17 được huấn luyện để bay đêm, kể cả trong điều kiện phức tạp. Quân chúng đã cử cán bộ vào Nam Khu 4, qua Lào, nghiên cứu cách đánh B-52. Hệ thống thông tin, chỉ huy được triển khai, rất bí mật. Hệ thống ra đa dẫn đường cho Không quân được triển khai tận Quảng Bình, để có thể dẫn dắt tiêm kích ta đánh pháo đài bay. Anh Đinh Tôn gặp B-52 một lần, ở thế đối đầu, không đánh được.

        Đêm 20 tháng 11 năm 1971, phi công Vũ Đình Rạng trực ban chiến đấu tại sân bay Anh Sơn, phục kích đánh B-52. Vào lúc 20 giờ, một tốp B-52 hoạt động ở bầu trời khu vực Sầm Nưa; 30 phút sau, ra đa ta bắt được một tốp B-52. Sở chỉ huy lệnh cho Rạng cất cánh. Địch bay cao 10.000m. Ta bay độ cao thấp hơn, 5.000m để tránh tiêm kích địch bay cùng độ cao yểm trợ máy bay ném bom. Cách tốp B-52 độ 100km; chỉ huy sở lệnh cho phi công kéo lên cao 10.000m. Máy bay ta ở phía sau tốp B-52, đang tăng lực, vứt thùng dầu phụ, tiếp cận gần B-52. Cách địch 15km, Rạng mở ra đa, phát hiện mục tiêu tốt, anh tiếp cận đến 8km, phóng 1 quả tên lửa. Vòng lài, nhìn bằng mắt thường thấy chiếc B-52 khác, anh bắn quả tên lửa thứ 2 rồi nhanh chóng thoát li. Một quả tên lửa nổ, làm hỏng một động cơ B-52. Máy bay địch cố lê về Thái Lan hạ cánh.

        Trận đánh chuẩn bị công phu, thời cơ gặp địch trong đời chỉ một lần, Anh Rạng đã bắn từng quả là xử lí không chuẩn xác. Máy bay địch chỉ bị thương, chúng cố bay về hạ cánh xuống một sân bay bần biên giới Thái Lan. Sau trận này, địch phải tạm dừng hoạt động ở bắc đường số 7 một thời gian để nghiên cứu cách đối phó với Míc.

        Mặc dù B-52 chưa rơi tại chỗ, nhưng rút ra được bao bài học kinh ngiệm cho phi công và hệ thống chỉ huy của ta. Sau này, Không quân ta hạ được B-52 trên chiến trường miền Bắc, một phần cũng nhờ bài học rút ra từ sự không thành công này. Trong lịch sử Không quân Việt Nam đánh B-52, dù thời gian có trôi qua, nhưng trận đánh ban đầu, mở đường cho thắng lợi, đánh thắng B-52, phải kể đến phi công Đinh Tôn và Vũ Đình Rạng. Các dồng chí sĩ quan dẫn đường, sĩ quan quân báo, thông tin, ra đa, bộ đội trinh sát điện tử, phối hợp nhịp nhàng, vạch nhiễu, tìm thù, quyết dẫn đường cho tiêm kích ta tiêu diệt địch, là ý chí rất cao của cả một tập thể anh hùng. Các đồng chí cán bộ chỉ huy, những người tổ chức huấn luyện, chuẩn bị và chỉ huy trực tiếp, có công lớn trong việc diệt B-52. Trận đánh còn khẳng định một điều quan trọng là, dù B-52 được bảo vệ bằng tiêm kích, phủ đủ loại nhiễu, nhưng đã vào gây tội ác ở Việt Nam là nhất định bị Không quân Việt Nam trừng trị, tiêu diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:36:21 pm »

       
Chương IV

NHỮNG NGÀY THÁNG RỰC LỬA

        Sau 3 năm tạo lực, tạo thế, liên tục tiến công địch trên mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, ngày 30 tháng 3 năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền nam. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ phá sản hoàn toàn. Tập đoàn Níchxơn quyết định “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh. Chúng đã sử dụng không quân và hải quân - hai quân chủng át chủ bài của quân đội Mỹ, tham gia chiến đấu trực tiếp, cùng quân ngụy đối phó ngăn chặn các đòn tiến công của ta ở miền Nam và đánh phá trở lại miền Bắc.

        Níchxơn không dùng thủ đoạn leo thang chiến tranh như Giônxơn, mà dùng lực lượng lớn không quân, hải quân, đặc biệt dùng B-52 đánh ngay vào những mục tiêu có ý nghĩa chiến lược trên miền Bắc.

        Ngày 6 tháng 4 năm 1972, Mỹ dùng 106 lần máy bay cường kích và pháo hạm đánh Quảng Bình.

        Đêm 10 tháng 4, địch cho B-52 ném bom đánh phá thành phố Vinh.

        Đêm 13 tháng 4, B-52 đánh Thanh Hóa, ném bom sân bay Thọ Xuân.

        Ngày 16 tháng 4, đánh Hải Phòng bằng không quân và pháo kích từ hạm tàu.

        Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Giônxơn phải mất gần 3 năm, mới “leo thang” từ Quảng Bình ra đến Hà Nội. Còn Níchxơn, chỉ hơn một tuần, khói lửa bom đạn của Mỹ đã rải khắp miền Bắc. Níchxơn dùng trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2 toàn những vũ khí chính xác, đã được cải tiến, như bom lade, bom vô tuyến. Ban ngày, Mỹ dùng máy bay cường kích, với sự yểm hộ chặt chẽ đề phòng Míc, tập kích liên tục, ác liệt các sân bay - căn cứ Không  quân Việt Nam. Có lúc chúng tập trung gần 100 lần chiếc, đánh bom như mưa xuống sân bay Nội Bài - căn cứ chính của Míc-21. Chúng đánh tất cả các sân bay suốt ngày đêm, không cho ta có điều kiện sửa chữa. Các máy bay cường kích Mỹ, còn tập trung đánh các đơn vị tên lửa, mối hiểm họa to lớn của B-52. Ban đêm, trước khi B-52 đến ném bom, máy bay cường kích thả nhiễu (những sợi bằng kim loại) đầy trời, rồi máy bay gây nhiễu hoạt động trên hướng B-52 sẽ xuất hiện. Các sân bay của Míc bị tập kích bằng A-7, F-111 bay độ cao thấp và cực thấp. Có tốp A-6, A-7 bay quá thấp, thả bom chùm còn nguyên vẹn ngồi nổ, rơi trên đường băng sân bay Kép. Địch sử dụng lực lượng hàng nghìn máy bay chiến thuật, đánh các mục tiêu mặt đất, trọng điểm là các sân bay, các trận địa tên lửa, để đảm bảo an toàn cho máy bay chiến lược đến hủy diệt với âm mưu làm Cộng sản “sụn gối, quy hàng”.

        Chiến tranh phá hoại lần thứ 2, “át chủ bài” của Níchxơn là B-52; trận chiến quyết định là bầu trời Hà Nội. Việc này, khi còn sống, Bác Hồ đã lường trước. Trung ương Đảng, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho quân đội, trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân: Phải chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng chỉ đạo: Trong những tình huống nhất định, có thể không nhất thiết địch leo thang từng bước trước khi đánh phá các thành phố lớn và khu công nghiệp lớn của ta. Do đó, cần hết sức cảnh giác và thực sự đề phòng trước những âm mưu thâm độc và tàn bạo mới của đế quốc Mỹ.

        Địch đã huy động lực lượng lớn trong thời gian ngắn có ý nghĩa quyết chiến chiến lược này.

        30 phần trăm số máy bay chiến thuật của toàn không quân Mỹ gồm 1.077 chiếc, trong tổng số 3.400 chiếc hiện có.

        150 máy bay chiến lược B-52 trong tổng số 400 chiếc B-52, chiếm 37 phần trăm số máy bay chiến lược.

        5 tàu sân bay trong tổng số 14 tàu sân bay của đế quốc Mỹ.

        58 trong tổng số 98 tàu chiến các loại của hạm đội 7 - hạm đội lớn nhất của Mỹ. Hình thức hoạt động của chúng là tập trung đánh thành từng đợt, trong 5 đến 7 ngày; đánh có trọng điểm, B-52 lướt qua mục tiêu nào là hủy diệt mục tiêu ấy. Ý đồ của chúng là làm cho Hà Nội khiếp sợ, phải theo điều kiện Mỹ đặt ra trên bàn hội nghị.

        Kể cả các khu dân cư đông đúc như Khâm Thiên ở Hà Nội, khu dân lao động An Dương ở Hải Phòng đều là mục tiêu hủy diệt của B-52. Giặc Mỹ cố tình đánh vào dân chúng hòng làm cho dân ta sợ hãi, gây áp lực với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, trong những tháng ngày rực lửa chiến đấu này, đã trở thành chiến trường quyết định giữa dân tộc ta với bọn xâm lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 04:41:16 pm »

        Chính phủ ra lệnh sơ tán triệt để dân chúng ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn. Hàng vận đồng bào ở các đô thị, tỏa về sơ tán ở các vùng nông thôn rộng lớn. Ở lại thành phố, chủ yếu chỉ còn bộ đội, dân quân tự vệ và cán bộ Nhà nước, công an. Các bệnh viện dân y trở thành bệnh viện quân y, thành các trung tâm cấp cứu. Thủ đô Hà Nội đã trở thành Thăng Long bách chiến, bách thắng. Các cô tự vệ, súng trường trên vai, mũ rơm đội đầu, vững vàng, kiên cường bám trụ nhà máy, sản xuất và chiến đấu cùng các chiến sĩ phòng không - không quân. Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngay trên bầu trời Thủ đô, mỗi người dân là một chiến sĩ, quyết chiến và quyết thắng, hào khí chống giặc, tỏa sáng khắp trời Hà Nội.

        Thời điểm này, cả dân tộc ta đứng trước nguy cơ thành bại. Ý chí độc lập - tự do của cả dân tộc bị thách thức. Đảng đã động viên toàn quân, toàn dân, quyết chiến đấu: Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không để mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

        Các đơn vị phòng không - không quân, tuy có chuẩn bị, nhưng trong giai đoạn đầu, cũng bị thiệt hại nhiều về khí tài và người. Lực lượng ta đang dàn trải khắp Quân khu 4, các sư đoàn phòng không chưa kịp ra tăng cường bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng.

        Các sân bay quân sự Míc hoạt động bị đánh phá nhiều loại bom cùng một lúc: bom nổ ngay, bom dứa (như quả dứa). Địch phá. Ta sửa. Địch cứ phá. Ta lại sửa. Cách sửa gấp sân bay như sau:

        Công binh kết hợp với bộ đội không quân, bộ phận sân đường đổ sẵn những tấm bê tông có kích thước khác nhau, mỗi cạnh từ 2m-3m, tấm nhỏ vuông nửa mét, dày 20cm. Sau khi lấp các hố bom bằng đất, cát, lu lèn chặt, đặt tấm bê tông lên, là có thể cất cánh được, còn dải bảo hiểm là đường băng bằng đất. Cả Míc-17 lẫn Míc-21 đều có thể cất hạ cánh trên đường băng dã chiến. Trời mưa, đất lún quá, thì phải chờ khô ráo hoặc tạm dừng chiến đấu nếu không còn đường bê tông.

        Địch liên tục đánh phá các căn cứ không quân, nhằm tiêu diệt lực lượng ta từ mặt đất. Chúng làm cho không quân không có điều kiện hoạt động, không thể đánh chúng từ xa. Sân đường là mục tiêu vừa to, vừa dễ dàng đánh nhất. Không có đường băng, thì Không quân ta bó tay. Chúng đánh vào khu vực sơ tán máy bay. Mi-6 cẩu Míc-17, Míc-19, Míc-21 sơ tán trong rừng, cách sân bay 5km đến 30km. Sân bay sửa chữa xong, Mi-6 lại cẩu máy bay chiến đấu về. Không quân tiêm kích ta lại tiếp tục xuất kích. Nhờ cách làm sáng tạo này,  mà bao phen Mỹ bị bất ngờ. Míc đã xuất kích từ các sân bay vừa bị đánh ác liệt ngày hôm qua, hôm nay đã lại bất ngờ xuất kích, nện cho chúng những đòn đau. Để tăng cường khả năng cơ động, Míc-21 còn dùng tên lửa đẩy phụ, chỉ độ 300m là rời đất, kĩ sư Trương Khánh Châu có sáng kiến lắp dù đuôi cho máy bay Míc-17. Từ Đễ bay thử thành công tại sân bay Kép. Thông thường, Míc-17 chạy đà sau khi hạ cánh khoảng 1.500m. Trong khó khăn, cán bộ, chiến sĩ không quân có nhiều sáng kiến, khắc phục muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, để bầu trời miền Bắc luôn có cánh én của Tổ quốc hoạt động.

        Míc là nỗi lo lắng, sợ hãi của không quân Mỹ; là niềm tin yêu, tự hào của quân dân cả nước. Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, cán bộ, chiến sĩ không quân cũng khắc phục để những cánh bay tiêm kích Việt Nam không vắng trên bầu trời Tổ quốc, động viên đồng bào, đồng chí giữ vững quyết tâm thắng không quân Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội.

        Trong chiến đấu, vô vàn những con người bình thường đã quên mình để làm những nhiệm vụ phi thường. Phá bom nổ chậm là công việc vô cùng nguy hiểm. Chiến sĩ sân đường Nguyễn Văn Hoành ở đại đội sân đường, thuộc tiểu đoàn sân bay Kép, đã cột dây vào chân, để đồng đội thả mình, chui xuống hút bom, mở ngòi nổ, phá bom bổ chậm, để công binh có điều kiện an toàn chữa gấp sân đường. Nhân dân, các Đảng bộ và chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã có sân bay, đều lấy tiếng bom địch nổ trong sân bay làm hiệu lệnh hiệp đồng chữa gấp. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh trực tiếp động viên và chỉ huy cùng cán bộ quân đội, huy động hàng nghìn dân vào chữa gấp trong đêm. Ban ngày, bộ đội, công binh làm. Bộ phận rà phá bom nổ chậm tranh thủ xử lí ban ngày để có mặt bằng, đến đêm, quân, dân vào chữa gấp đường băng. Quân với dân quả là một ý chí. Chiến tranh nhân dân là như vậy. Không quân Việt Nam đã cất cánh từ lòng dân, thì kẻ thù nào không bị họ đánh bại. Đó là bài học lịch sử muôn đời.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM