Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:12:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 29464 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 07:19:40 pm »

        Sáng ngày 19 tháng 11 năm 1967, khoảng 8 giờ, biên đội Hồ Văn Quý, Lê Hải, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Phú Hùng được lệnh cất cánh, bay ở độ cao 50m, bí mật không dùng vô tuyến điện, biên đội kéo dài cự li, từng chiếc hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An, mới được chữa gấp. Sở chỉ huy phán đoán địch sẽ đánh Hải Phòng, cho biên đội vào cấp 1. Đúng 10 giờ 40 phút, biên đội được lệnh mở máy, cất cánh gấp. Đồng chí Lê Oánh - Trung đoàn phó,  trực tiếp chỉ huy ở chỉ huy sở Kiến An. Anh Chuyên - sĩ quan dẫn đường của Binh chủng trực tiếp dẫn. Trước đó, anh Chuyên đã cùng thủ trưởng Quân chủng xuống dự cuộc họp quân sự dân chủ của phi đội - đã từng nghe tôi phát biểu cách đánh, nên chúng tôi rất hiểu nhau. Máy phát mấy lệnh, mà vẫn không thấy anh Quỳ trả lời, trong khi đó, chúng tôi đều nghe được. Tôi hiểu số 1 khó khăn rồi. Địch đang kéo vào, chỉ huy sở quyết định: tôi lên dẫn đội. Tôi lắc cánh báo cho anh Quỳ biết và tăng ga, vượt lên dẫn trước, dẫn cả biên đội, vừa cải hướng vừa lấy tiếp độ cao khoảng 2.500m. Mấy loáng thoáng khoảng 3 đến 4 phần. Tầm nhìn rất tốt. Chỉ huy sở tiếp tục thông báo, địch bay theo đội hình kéo dài, 6 chiếc F-4 đi trước, phía sau 20 chiếc A4 ném bom, biên đội chú ý quan sát, địch cao hơn, cách ta 30km, phía trước, 30 độ. Tôi dẫn đội, lấy thêm độ cao đến 3.000m. Lúc này tốc độ chúng tôi 750km/giờ. Biên đội ta 4 chiếc hùng dũng bay về phía Đồ Sơn. Tôi thông báo đã phát hiện địch, xin phép chỉ huy sở vào đánh.

        Sau khi dõng dạc lệnh cho số 3 và số 4 chặn đánh tốp sau, tôi và anh Quỳ đánh tốp đầu tiên.

        Biên đội vứt thùng dầu phụ, tăng lực. Lúc này máy bay tôi đã đạt 800 - 850km/giờ. Độ cao xấp xỉ địch. Vừa nhìn thấy máy bay tôi, đội F-4B đầu tiên vội vòng ra biển. Lúc này tôi hơi thấp hơn địch khoảng 200m. Lợi dụng lúc thằng F-4B ép độ nghiêng, vòng ra biển, tôi nghĩ, nếu cứ cắt bán kính, vòng ngay vào bên trong để rút ngắn cự li công kích như cách đánh thông thường, thằng này sẽ phát hiện và cơ động mất. Tốc độ máy bay tôi đã lớn, F-4 có nhược điểm lớn là khi tăng lực, muốn tăng tốc độ, phải chờ gần 30 giây sau. Máy bay lúc này phải bay bằng hoặc động cơ nhỏ, thì mới đạt tốc độ lớn. Đằng này, thằng địch bất ngờ gặp biên đội tôi, vừa vòng, vừa tăng lực. Đó là thất thế của F-4. Tôi quyết định tiếp cận máy bay địch đến cự li nổ súng bằng cách chui dưới bụng máy bay địch ở phía dưới, bị cánh máy bay che khuất nên địch không thể nhìn thấy tôi. Thật như trò ú tim, máy bay tôi tiến vào dưới đôi cánh của chiếc F-4 che khuất tầm quan sát. Tôi thấy chiếc F-4 cải bớt độ nghiêng, lật qua, lật lại quan sát. Vừa thấy chiếc Míc-17 đây, lại đâu mất rồi. Đến cự li độ 400m, tôi nhìn rõ máy bay địch, nhìn rõ làn khói đen từ đuôi máy bay F-4. Được rồi, tôi nâng máy bay lên bình tĩnh ngắm, bắn liền một loạt. Đạn rơi vào sau đuôi, đạn vạch đường thẳng băng, nhưng hơi thấp. Tôi nâng tay lái tăng thêm lượng đón và bắn liền một loạt dài thứ 2. Trúng rồi, loạt đạn vạch đường báo cho tôi biết cự li tốt, đạn nổ trên lưg chiếc F-4B như vết chân chó chạy trên cát. Máy bay địch xì khói ở thân. Tôi bắn thêm loạt ngắn nữa, đạn tuôn trên lưng chiếc F-4. Tự nghiên, tôi thấy máy bay địch như dừng lại, có lẽ động cơ bị phá hỏng, máy bay mình tiếp cận máy bay địch rất nhanh. Tôi nhìn rõ chữ USAF trên cánh, và quân hiệu không quân hải quân Mĩ, ngôi sao trắng trên cánh chiếc F-4, đã bị trúng 3 loạt đạn của tôi. Nó vẫn chưa bùng cháy. Tiếp cận đến cự li rất gần, chỉ còn khoảng 150m nữa là hai máy bay có thể đâm vào nhau, nó vẫn còn bay. Tôi bắn loạt cuối, bắt đầu nổ súng ở cự li 30 - 40m. Tất cả đạn đều xuyên vào chiếc F-4. Không một viên nào nổ. Để bảo đảm an toàn cho phi công, đạn 37mm và 23mm của Míc-17 bắn mục tiêu gần hơn 50m, thì tất cả biến thành đạn xuyên. Quá gần rồi, tôi chỉ còn kịp đẩy cần lái và buông cò súng, chui qua bụng chiếc F-4, khói phả đen buồng lái máy bay tôi, động cơ của chiếc F-4 vẫn còn phun khói đen ngòm, hai đuôi sau của nó như hai tấm phản, vút qua đầu tôi. Trong một phần trăm giây, thần chiếc F-4B che khuất buống lái máy bay tôi, tựa như xuyên qua đám mây đen vậy. Sau khi thoát qua, tôi cứ đinh ninh, đuôi máy bay tôi chắc bị đứt rồi. Một giây bần thần, khá nguy hiểm, tôi đạp thử bàn đap, máy bay nghe theo sự điều khiển. Lạy trời, đã thoát rồi. Tôi liền cơ động tìm chếc khác. Anh Quỳ đang bay sau tôi, nhìn thấy cảnh này, thốt lên: Thôi rồi, thằng Hải chắc đã lao vào chiếc F-4B vừa bắn xong. Số 3 báo cáo đã bắn rơi 1 chiếc F-4. Biên đội quần nhau với những chiếc F-4 còn lại. tôi nhìn sau đuôi máy bay, thấy một chiếc F-4B đang bám theo tôi và xa xa, độ 2.000m, một chiếc Míc-17 mày xám bám vào chiếc này, nhưng cự li còn quá xa, chưa thể xạ kích. Phi Hùng bay chiếc sơn màu xám.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2016, 02:31:18 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:35:50 am »

        Thế trận ta và dịch bám xen kẽ là rất lợi hại. Ăn thua nhau chỉ trong chớp mắt, nhìn đường bay và chiếc máy bay sơn màu xám xanh tôi biết ngay là Nguyễn Phi Hùng vì hai đứa tôi quá hiểu nhau. Nếu tôi cơ động mạnh, thằng F-4 kia sẽ không bám được tôi và Hùng cũng khó bề bắn được nó. Tôi liền nghĩ ra một kế mạo hiểm. Tôi hô: Hùng, tôi nhử mồi. Hùng báo rõ. Tôi liền giảm độ nghiêng, giảm bớt lượng kéo cần lái nhử cho tên giặc đuổi theo mê mải có điều kiện ngắm bắn. Tôi luôn phải nhìn phía sau, vì với tốc độ tên lửa gấp 3 lần tiếng động, ở cự li khoảng 2.000m, thì trong chớp mắt nếu chậm chân tay, tôi sẽ thành than bụi. Tên địch tăng độ nghiêng, ngắm bắn. Tôi cứ để cho nó bắn, khi nhìn thấy máy bay địch vừa giảm độ nghiêng và khói đen dưới cánh máy bay F-4 vừa xì ra, nghĩa là tên lửa vừa khởi động, chưa rời khỏi máy bay địch, tôi lập tức tăng độ nghiêng, kéo mạnh cần lái, lập tức tên lửa địch vừa bắn vèo qua đuôi máy bay tôi. Phải thật nhanh, thật khéo và quyết đoán từng giây, từng nửa giây. Không thì, từ nhử mồi sẽ thành mồi thật. Lần thứ nhất, địch bắn, tôi tránh thoát. Lại cái trò bay lửng lơ trước mũi; lần thứ hai, thằng địch bắn, tôi vẫn tránh được.

        Đến lần thứ ba, tên địch vừa chuẩn bị bắn, thì Phi Hùng đã vào được cự li tốt, một loạt chỉ có 11 viên đạn. Máy bay địch bùng cháy. Thế là lần đầu tiên trong không chiến, chiến thuật nhử mồi, hai anh em tôi đã áp dụng thành công. Anh Quỳ cùng nổ súng, tuy vô tuyến điện bị hỏng không nghe được đồng đội và chỉ huy sở suốt cả trận đánh, chỉ trong vòng 3 phút, 3 chiếc F-4B, máy bay tiêm kích của không quân hải quân Mĩ bị Míc-17 bắn rơi lả tả. Bọn A4 và F-4B bị đánh, vứt vội bom, tuồn ra biển. Cả đội hình địch vào đánh Hải Phòng bị 4 Míc-17 đánh cho tan tác. Đồng bào, bô đội Hải Phòng, không núp vào hầm nữa, chạy ra reo hò bắt giặc lái và nhìn tận mắt một trận không chiến ngay trên bầu trời thành phố Cảng. Thật đã đời, hả giận. Biên đội rời khỏi khu vực chiến đấu trở về hạ cánh tại sân bay Gia Lâm. Bốn anh em ôm nhau trong tiếng hoan hô vui mừng của anh em thợ máy tại khu trực chiến.

        Cuộc đời lái máy bay tiêm kích, có những phút giây cực kì gay cấn, nhất là lúc vào trận mạc, một mất, một còn. Đánh nhau với không quân Mĩ, vừa đông, trang bị hiện đại hơn hẳn ta, kĩ thuật bay của phi công Mĩ khá lão luyện. Có từ 2.000 đến 3.000 giờ bay trên máy bay chiến đấu là thông thường đối với phi công Mĩ. Nhiều tên bay hàng vạn giờ. Thật là khó khăn trăm bề đối với ta. Nhưng các chiến sĩ trên bầu trời của Không quân Việt Nam không chịu bó tay. Trong chiến trận, có tổn thất, có thắng lợi là chuyện không có gì lạ. Nhất là phải biết lấy ít thắng nhiều, lấy thô sơ hơn để thắng giặc được trang bị tốt. Ông cha ta đánh giặc cũng phải như vậy. Nhưng ngày nay, trong không chiến thì trên trời, chẳng có núi rừng, cây cối đâu mà ẩn núp, để phục kích. Phi công ta bay còn ít giờ hơn phi công Mĩ nhiều. Trong đội, trừ anh Quỳ là phi công cũ, bay trên máy bay chiến đấu khoảng được 400 - 500 giờ, còn chúng tôi, đến cuối năm 1967, mới bay trên Míc-17 gần 200 giờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:37:50 am »

        Sức mạnh của chúng tôi là sức mạnh của cả Trung đoàn. Anh em không sợ chết, khi gặp địch là chỉ có tiến công, tiến công mãnh liệt. Trải qua vài tháng huấn luyện bổ sung, cuối năm 1967, trình độ lái, trình độ không chiến của phi công Trung đoàn khá hơn trước nhuều. Chiến thắng vừa qua là chiến thắng của sức mạnh tinh thần và kĩ thuật chiến đấu điêu luyện với cách đánh của Không quân Việt Nam.

        Chiến thuật phục kích của Trung đoàn 923 đã có bài bản từ chỉ huy, tổ chức bảo đảm, đến xử trí tình huống của dẫn đường, của phi công. Ta bí mật hạ cánh, che giấu lực lượng ở các sân bay địch không ngờ. Từ đó cất cánh lên, dũng mãnh tiếp địch ở hướng bất ngờ. Tiến công cương quyết, xạ kích chuẩn xác nhanh. Ngay lần công kích đầu tiên, đã phá vỡ đội hình địch, làm cho địch hỗn loạn, chưa kịp triển khai đối phó đã bị ta hạ gục trước.

        Sau trận thắng của biên đội anh hùng do Nguyễn Văn Bảy chỉ huy, đây là trận thứ tư Trung đoàn tổ chức phục kích ở sân bay Kiến An đánh địch. Cả 4 trận đều thắng giòn giã. Ta bắn rơi 10 máy bay Mĩ. Không quân ta an toàn. Lực lượng trực tiếp phục kích ở Kiến An trong các trận, chủ yếu là đội 2. Chiến thuật đánh phục kích, đánh có sự chỉ huy hỗ trợ của đài chỉ huy mặt đất, ngày càng hoàn thiện, trở thành sở trường của Trung đoàn. Đài chỉ huy mặt đất tham gia dẫn bằng mắt thường, đánh địch và nhắc nhở phi công kịp thời tránh địch công kích, bắt đầu từ cuối năm 1966. Trận các anh Biên - Mẫn đánh nhau với 12 chiếc F-105 trên khu vực sân bay Nội Bài. Kinh ngiệm này, được áp dụng trong nhiều trận về sau ở Khu 4, trên đỉnh sân bay Kép năm 1967. Địch tiếp tục đánh vào Hà Nội - Hải Phòng và các vùng phụ cận, tuy bị nhiều đòn đau của không quân, cao xạ, tên lửa. Nhiều giặc lái Mĩ đã vào Hỏa Lò, Hà Nội - được chúng gọi là “khách sạn Hintơn”. Hàng nghìn máy bay địch đã bị bắn rơi, nhưng chúng vẫn ngoan cố, dấn sâu vào tội ác, hòng làm cho ta kiệt quệ, lung lay ý chí bảo vệ Tổ quốc và quyết giành độc lập của quân và dân ta. Trung đoàn 921 và Trung đoàn 923 liên tục chiến đấu và giành nhiều chiến thắng oanh liệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:40:47 am »

        Ngày 14 tháng 12 năm 1967, biên đội Míc-17 do phi đội Lưu Huy Chao số 1, Lê Hải số 2, Bùi Văn Lưu số 3, Nguyễn Đình Phúc số 4, được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm, đánh địch trên vùng trời tỉnh Thái Bình. Biên đội quần nhau kịch liệt với F-8 - bọn tiêm kích không quân của hải quân địch. F-8 có tính năng cơ động mặt bằng khá tốt, tương đương với Míc-17; vừa có tên lửa, vừa có súng 20mm đánh cự li gần. Lũ F-8 hay dùng chiến thuật con thoi, một số lảng ra xa, tăng tốc độ, lợi dụng ta sơ hở, lướt qua khu vực đang dánh quần, phóng tên lửa. Tôi bị một chiếc F-8 bám đuôi. Tôi đã bay 3 vòng, vẫn không dứt ra đươc. Anh Chao ngoặt gấp, từ trên cao bổ xuống, bắn một loạt đối đầu, tên F-8 mới chịu buông tôi ra. Trong khi đó Lưu số 3 và Phúc số 4 cũng đang kịch liệt quần nhau với 3 chiếc F-8. Đến vòng chiến đấu thứ hai, tạo thế có lợi, số 4 Nguyễn Đình Phúc nổi súng hai loạt dài, bắn rơi 1 chiếc F-8. Sau 7 phút chiến đấu, với những động tác cơ động mặt bằng, mặt phẳng nghiêng, vòng chiến đấu, chúng tôi mới dứt được bọn F-8 cứ lẵng nhẵng bám theo. Anh Chao dẫn đội về, biên đội gọi mãi vẫn không thấy Phúc trả lời. Khi thoát li, Phúc bay về theo đường số 5. Anh bay rất thấp, độ cao khoảng 20m. Đến vùng Hưng Yên, máy bay Phúc vướng vào một rặng tre, lật nhào ngay trên thửa ruộng. Khi ba chúng tôi hạ cánh, mặt trời gần lặn. Chỉ huy sở vẫn tiếp tục gọi số 4, nhưng mãi vẫn không thấy Phúc trả lời. Cảnh trời chiều, sương đã xuống, đất trời mờ mờ, tiếng chỉ huy gọi nghe như cuốc kêu, sao mà buồn.

        Trong các loạt máy bay của giặc Mĩ, F-8 là loại khó đánh nhất vì F-8 cơ động tốt hơn Míc-21 nhiều. Ở thế vòng bằng, khi chiến đấu, Míc-21 lấy độ cao, thì nó thua, nhưng vòng cứ vòng bằng, cơ động, thường bị nó bắn trúng. Còn với Míc-17, tính năng hai loại tương đương. Tốc độ F-8 có lớn hơn, nhưng lợi hại nhất là có tên lửa. F-8 bay theo đội hình 3 chiếc từng tốp nhỏ. Độ cao chênh lệch giữa các tốp địch khá lớn từ 1.000 mết đến 2.000 mét. Ta khó phát hiện toàn độ hình địch. Khi ta tập đánh vòng trong, bọn chúng bay lảng vảng bên ngoài, lừa cơ ta sơ hở, từ xa phóng tên lửa vào. Anh em ta hay bị hi sinh vì chiến thuật này. Hầu như trận nào đánh với F-8, đều rất quyết liệt. Bắn được nó, thì ta cũng tổn thất, hi sinh.

        Nguyễn Đình Phúc hi sinh ngày 14 tháng 12 năm 1967, lúc anh vừa bước vào tuổi 25 đày sức sống. Phúc rất khéo tay, vẽ đẹp. Anh đã dùng từng khúc gỗ bình thường, cần mẫn có thể đẽo gọt thành mô hình máy bay rất đẹp. Đến nay tôi vẫn còn tấm ảnh hai đứa bá vai nhau, cười rất rạng rỡ, chụp sau trận chiến thắng bắn rơi 3 chiếc F-4B trong trận phục kích gần sân bay Kiến An - Hải Phòng.

        Những chiến sĩ hi sinh vì Tổ quốc sống mãi với non sông. Phúc bắn rơi được hai chiếc máy bay Mĩ. Phi, Hùng, Phúc, Lượng đều từ bay trực thăng chuyển qua bay Míc-17, đến mùa hè năm 1968, Hùng là người ra đi cuối cùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:42:37 am »

        Đã vào mùa đông, giữa hai đợt gió mùa, thời tiết thường tốt, địch tranh thủ mở những trận đánh phá lớn vào Hà Nội trong những ngày này.

        Ngày 17 tháng 12, biên đội Lưu Huy Chao số 1, Nguyễn Hồng Thái số 2, Bùi Văn Sửu số 3 và tôi - Lê Hải số 4, cất cánh từ sân bay Gia Lâm, hiệp đồng với biên đội Míc-21, đánh chặn đội hình 36 chiếc F-4D trên vùng trời Việt Trì, Phú Thọ. Đội hình địch vừa bị Míc-21 dùng chiến thuật thọc sâu, xuyên suốt, đánh từ phía sau, bắn rơi 1 chiếc F-4D. Míc-17 chặn ngang đội hình F-4D vừa tiêm kích, vừa cường kích, buộc chúng phải vứt bom, không chiến. Biên đội bắn rơi 2 chiếc F-4D. Địch tháo chạy tán loạn, nhân lúc hỗn loạn ấy, bốn chiếc Míc-17 hạ thấp độ cao, cơ động rút khỏi chiến đấu. Hai chiếc Míc-21 vẫn tiếp tục không chiến ở tầng cao, để yểm hộ chiếc Míc-17 lui quân. Sau đó, các chiếc Míc-21 kéo cao, dùng tốc độ lớn, về Nội Bài hạ cánh. Trận này ta phối hợp Míc-21 và Míc-17, bắn rơi 3 chiếc F-4D.

        Những ngày cuối tháng 12, các phi đội của Trung đoàn liên tục xuất kích. Tiếp theo là các trận thắng ngày 14, 17 và 19 tháng 12, của biên đội 4 Míc-17 do anh Vũ Thế Xuân - Phi đội phó, số 1 chỉ huy, Nguyễn Xuân sinh số 2, Lê Hồng Điệp số 3, Nguyễn Hưng số 4.

        Biên đội bay lên vùng trời Phú Thọ, gặp một đội hình lớn gồm hơn 20 chiếc F-4 và F-105. Anh em ta xông vào giữa đội hình, bọn đich ùn lại. Lũ F-105 hốt hoảng vứt bom, giảm độ cao, luồn núi thoát thân. Bọn F-4 tăng lực vọt lên cao, điên cuồng phóng tên lửa vào các máy bay ta. Anh em giữ tốt biên đội, hô nhau cơ động, tránh được tên lửa địch. Biên đội bắn rơi liền trong chưa đầy 4 phút 2 chiếc F-105 và 1 chiếc F-4. Trận thắng lợi vẻ vang của phi công thuộc phi đội 4 của Trung đoàn 923 kết thúc một năm đánh Mĩ đầy vẻ vang. Tết năm 1967, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm chúc Tết đơn vị. Thủ tướng biểu dương không quân có nhiều cố gắng, vượt qua gian khổ, khi sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc và căn dạn, phải học tập đồng bảo và các đồng chí giải phóng quân miền Nam, bám thắt lưng địch mà đánh. Năm 1968, nhất định ta sẽ thắng giặc to lớn, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhất định thành công… Lòng chúng tôi tràn đầy tin tưởng, phấn khởi đón Thủ tướng đến thăm, đón mùa xuân đại thắng sắp tới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:45:07 am »

        Tính sổ trong năm 1967, Trung đoàn đánh 46 trận, 42 trận nổ súng, bắn rơi 50 máybay Mĩ, trong đó có 29 chiếc F-4, 14 chiếc F-105, 2 chiếc AD-6, 3 chiếc A-4 và 2 chiếc F-8.

        Nhận định về hoạt động của Không quân ta trong hai năm qua, Đảng ủy Binh chủng thấy rằng, Không quân mới bước vào xây dựng, tổ chức chưa hoàn chỉnh, tất cả còn mới mẻ, bảo đảm hậu cần, kĩ thuật, thông tin… còn yếu kém hơn địch nhiều. Tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng phòng không trong thế trận chiến tranh nhân dân còn rất phức tạp. Trong điều kiện khó khăn đó, địch lại luôn đối phó rất quyết liêt với Không quân ta. Chúng thường xuyên thay đổi chiến thuật, tăng lực lượng tiêm kích, nhằm đối phó với Không quân ta. Chúng liên tục đánh phá các căn cứ Không quân, nhằm chủ yếu vào các sân bay có lực lượng Trung đoàn 921 và Trung đoàn 923 đóng quân. Sân bay hầu như ngày nào cũng bị đánh phá. Mĩ quyết làm tê liệt các căn cứ Không quân ta bằng bất cứ giá nào, diệt Không quân ta ngay từ gốc. Bộ đội không quân đã thực hiện tốt phương châm “Lấy ít làm nhiều, lấy chất lượng cao làm chính”, đã diệt nhiều máy bay hiện đại của địch, cản phá nhiều đợt tiến công của đich vào các mục tiêu quan trọng, bắn chìm nhiều tàu biệt kích, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng vũ trang nhân dân. Không quân xây dựng lực lượng ngày càng trưởng thành về mọi mặt, để có thể chiến đấu lâu dài với không quân Mĩ.

        Đảng ủy Binh chủng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong tổ chức và chỉ huy chiến đấu. Có đơn vị, có thời gian vận dụng phương châm chỉ đạo tác chiến chưa thật sâu sắc, cách đánh thiếu linh hoạt, nhất là khi nhiệm vụ chiến đấu thôi thúc và địch thay đổi thủ đoan. Có trận Không quân ta sử dụng lực lượng quá khả năng, đánh vào chỗ mạnh của địch, mất hết các yếu tố bí mật, bất ngờ khi gặp địch. Tổ chức hiệp đồng giữa các biên dội Míc-17, giữa Míc-17 với Míc-21 trong khu vực tác chiến chưa tốt… Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là trình độ chỉ huy và bảo đảm chiến đấu chưa theo kịp yêu cầu chiến đấu trên không; nắm địch, nắm ta có lúc chưa chắc; quyết tâm không kịp thời, thiếu chính xác; chỉ huy chiến đấu chưa vững chắc. Số lái cũ chưa được bồi dưỡng nâng cao trình độ, số lái mới còn ít thực tế rèn luyện trong chiến đấu. Có thời kì để tổn thất liên tiếp về lực lượng và máy bay…

        Chúng tôi sinh hoạt Đảng ngay ngoài khu trực chiến. Các đồng chí chính ủy Trung đoàn, chính trị viên phi đội, luôn theo sát, trực tiếp phổ biến nghị quyết cấp trên và luôn theo sát, trực tiếp phổ biến nghị quyết cấp trên và làm công tác chính trị, động viên bộ đội xây dựng quyết tâm chiến đấu. Những nghị quyết ấy đi vào đời sống chiến đấu của bộ đội, làm chúng tôi sáng mắt, sáng lòng và vững lòng tin khi cất cánh đi chiến đấu.

        Trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của Không quân và quân đội ta, những trận đánh ác liệt trên không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trong năm 1967, mãi mãi là những chiến công bất diệt của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, của chân lí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bằng tài trí và sự dũng cảm vô song của mình, bộ đội không quân đã mở mặt trận trên không, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm rạng rỡ lịch sử anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bước đầu hình thành nghệ thuật chiến đấu trên không độc đáo và sáng tạo của Không quân nhân dân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:48:24 am »

         Đầu năm 1968, theo nhận đinh của Bộ Tổng tham mưu, địch có thể tổ chức đánh lớn vào Hà Nội, kể cả khi thời tiết xấu. Các trung đoàn không quân tích cực chuẩn bị tác chiến bảo vệ Hà Nội.

        Ngày 3 tháng 1 năm 1968, từ sáng sớm, địch đã cho EB-66 vào gây nhiễu ở hướng Tây Bắc. Theo quy luật, EB-66 gây nhiễu ở hướng nào, thì địch có thể đánh trước, đánh từ xa. Biên đội Nguyễn Đăng Kính số 1, Bùi Đức Nhu số 2, lên gặp địch, đội hình lớn gồm F-105 và F-4.

        Lập tức biên đội Kính, Nhu dùng tốc dộ lớn, lướt qua đội hình địch, mỗi người bắn rơi 1 chiếc F-105, về Nội Bài hạ cánh an toàn. Cùng lúc, Trung đoàn cho biên đội Míc-17 Lưu Huy Chao số 1, Lê Hồng Điệp số 2, Bùi Văn Sưu số 3, Lê Hải số 4 có nhiệm vụ chặn tốp lớn của địch theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội ở độ cao 3.500m. Trời rất nhiều mù, sau khi đổi hướng bay, tìm địch, biên đội không thấy và chỉ huy sở cũng không biết được đich do nhiễu quá nặng. Chỉ huy cho biên đội trở về. Đúng lúc ấy trong tầm mù, biên đội phát hiện một đội hình F-4, cách ta 8km, ở phía trái 450 và xin chỉ huy vào công kích. Số 1 hạ lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng lực, đuổi theo tốp F-4 gần nhất. Số 2 Lê Hồng Điệp bám theo số 1 yểm hộ, nhưng vừa mới cải bớt dộ nghiêng, số 2 đã bị tên lửa tốp F-4 phía sau bắn trúng, phi công nhảy dù an toàn. Số 3 và tôi vào công kích tốp F-4 bên phải. Địch bay theo đội hình chữ “T”, nhiều chiếc đi ngang với biên đội Míc-17. Sưu bám được vào chiếc F-4 bay sau, đến cự li an toàn 500m, trời mù, nhìn địch chưa thật rõ, anh vẫn bắn. Trúng rồi! Tên địch rơi tại chỗ. Phía sau có địch, tôi báo số 3, số 4 phản kích. Bọn địch thấy tôi vòng lại, đối đầu, kéo vọt lên cao. Chỉ huy sở cho biên đội thoát li chiến đấu. Tôi giảm độ cao, cơ động bay tốc độ lớn, rời khỏi khu vực chiến đấu. Tôi bị lạc đội do trời mù. Đề phòng địch đuổi theo bắn, khi không còn biên đội chặt chẽ, tôi bay độ cao thực tế khoảng 30m đến 50m. Đồng hồ trong buồng lái chỉ không chính xác. Chỉ có thể bay bằng mắt thường. Tôi nghe đội trưởng báo 3 chiếc đã về tới Gia Lâm. Còn tôi, sau khi đã rời khu vực chiến đấu khoảng bảy phút, với tốc độ bay 800 - 900km/giờ, trời mù quá, bay tới đâu biết tới đó. Tôi tạm thời chưa xác định mình đang ở khu vực nào. Dầu còn 600 lít. Tôi giảm ga, bay chế dộ tiết kiệm. Đồng hồ chỉ hướng bay làm việc không ổn định. Chủ yếu phải bay bằng địa tiêu. Tôi lên độ cao 300m. Kia rồi, dòng sông Hồng. Bám theo sông, thấy ngã ba sông lớn, có núi trập trùng, Bình tĩnh định hướng, tôi nhận ra là mình lạc đến ngã ba Việt Trì. Bây giờ thì ngược lại, theo sông Hồng về Gia Lâm. Tôi lên độ cao 400m, bay tốc độ cao 600 - 650km/giờ. Tốc độ tiết kiệm nhiên liệu nhất và sắn sàng xử trí khi địch đuổi theo. Tôi liên lạc được với sở chỉ huy và báo cáo đã thấy Hà Nội, Hồ Tây. Đồng thời khi đó, nhiều điểm đạn cao xạ nổ quanh máy bay tôi. Tôi chợt hiểu, pháo mặt đất tưởng máy bay tôi là máy bay trinh sát của địch sau mỗi đợt đánh phá lớn. Tôi vội cơ động tránh cao xạ. Cánh máy bay bị thủng một lỗ to. Vẫn còn điều khiển được, tôi giảm độ cao, tăng tốc độ, thông trường, hạ cánh vòng kín bé. Thật hú hồn, chỉ cần bay thêm vài phút nữa sẽ hết dầu. Khi đó, không hiểu cơ sự sẽ ra sao!

        Trận đầu năm, có nhiều tình huống phức tạp, song do chỉ huy tốt, phi công dũng cảm, linh hoạt, đã chuyển từ thế bất lợi thành thuận lợi, bắn rơi 2 chiếc F-4.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:52:37 am »

       
Chương II

CHIẾN TRƯỜNG QUÂN KHU 4
       
        Tết Mậu Thân năm 1968, khắp chiến trường miền Nam, ta đồng loạt Tổng tiến công và nổi dậy, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng. Tổng thống Mĩ buộc phải tuyên bố “xuống thang”, mở đầu cho một loạt thất bại toàn diện về chiến lược ở chiến trường miền Nam.

        Đối với miền Bắc, chúng tập trung đánh phá từ vĩ tuyền 17 đến vĩ tuyến 20. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, địch đã sử dụng 79.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, cả máy bay chiến lược B-52 và sử dụng 4.596 lần chiếc tàu tuần dương, tàu khu trục bắn phá vào dải đất hẹp Quân khu 4, trọng điểm từ sông Lam - Nghệ An đến sông Gianh - Quảng Bình. Trên một diện tích hẹp bằng một phần tư miền Bắc, số trận ném bom tăng 2,6 lần, mật độ bom đạn tăng 20 lần. Bom đạn chúng cải tiến, uy lực sát thương mạnh hơn, đặc biệt nguy hiểm hơn là bom từ trường và bom nổ chậm.

        Để đối phó, đề phòng không quân tiêm kích của ta, địch tăng cường các đoàn tàu ra đa cảnh giới, gây nhiễu đủ các loại. Máy bay tiêm kích trực trên các tàu luôn sẵn sàng cất cánh, ngăn chặn Míc. Tàu tên lửa, vào gần bờ, phối hợp với không quân, hải quân, đối phó quyết liệt với các loại Míc ở chiến trường Khu 4.

        Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quan đã trực tiếp vào Quân khu 4 triển khai hệ thống chỉ huy và sân bay chiến đấu dã chiến. Tiêm kích lấy sân bay Thọ Xuân làm căn cứ chính để vươn vào phía Nam. Sân bay Vinh, sân bay Anh Sơn, Đồng Hới, Gát… là những sân bay cơ động trong chiến đấu. Đường cất cánh, hạ cánh bằng đất, do công binh ta làm. Tôi còn nhớ, đường băng mấp mô, mỗi lần cất cánh, bụi mù mịt, giữ hướng rất khó. Cất cánh biên đội, số 2 phải đậu gần số 1, hai đầu cánh chỉ cách nhau vài sải tay nên rất dễ va nhau, nếu số 1 bị nổ lốp hoặc giữ hướng không tốt. Chúng tôi chuẩn bị hiệp đồng cất cánh biên đội, kĩ như hiệp đồng một trận đánh. Trung đoàn 921 và Trung đoàn 923 với tinh thần chia lửa với đồng bào, đồng chí Quân khu 4 - hậu phương trực tiếp của miền Nam ruột thịt, có giặc là ta cứ đi.

        Trung đoàn tổ chức huấn luyện, cất hạ cánh trên dải bảo hiểm bằng đất ở sân bay Kép. Phi đội 2 chọn Gia Lâm, làm căn cứ, để cất cánh vào Thọ Xuân, hiệp đồng chiến đấu với Míc-21.

        Ngày 7 tháng 5, biên đội Đặng Ngọc Ngự số 1, Nguyễn Văn Cốc số 2 của Trung đoàn 921, lần đầu tiên ở chiến trường Quân khu 4 bắn rơi 1 chiếc F-4.

        Tin thắng lợi của đội bạn, làm chúng tôi rất náo nức. Qua trận này, nhiều bài học về công tác tổ chức chỉ huy,

        Về chiến thuật, về những thủ đoạn đối phó của tiêm kích địch và của cả hệ thống chỉ huy địch, được triển khai dầy đặc nhằm chống lại không quân ta. Liên tiếp mấy trận sau, Míc-21 đánh không thành công. Ta không bắn được thêm chiếc nào, nhưng lại bị tổn thất vì tên lửa địch từ tàu bắn trúng. Thủ đoạn của không quân địch cố đánh quần, nhiều tốp tăng độ cao, kéo ta ra biển để tên lửa bắn… Sau đợt tạm thời ngừng chiến đấu, rút kinh nghiệm, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng Míc-17 vào chiến đấu tiếp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:55:39 am »

        Sáng ngày 14 tháng 6 năm 1968, biên dội Chao - Hải cất cánh từ Gia Lâm bay ven sông Hồng độ cao 100m, vượt qua dãy Tam Điệp bằng cách bay lách núi, ven các thung lũng, độ cao cách mặt đất 50m, vào hạ cánh, không dùng vô tuyến điện trong suốt chuyến bay. Đồng chí sĩ quan quân báo phổ biến cho biên đội tình hình hoạt động mới nhất về địch. Đồng chí nhắc nhở chúng tôi là phải tuyệt đối giữ gìn bí mật vô tuyến điện và chỉ được phép bay thấp, độ cao 100m cách mặt đất ven theo vách núi mà vào khu vực chiến đấu. Ở Khu 4, trời mùa hè, gió Tây nóng dễ sợ. Buổi trưa, nhà trực chiến làm tạm bằng cây vầu, lợp tranh. Trưa nóng quá, cây vầu nổ lốp bốp. Quần kháng áp của chúng tôi nhễ nhại mồ hôi. Điện không có, quạt cũng không, Anh thợ máy và hai chúng tôi phải ra bụi tre ngồi cho đỡ nóng.

        Buổi sáng, địch trinh sát và hoạt động mấy đợt, nhưng chỉ huy sở chưa cho biên đội vào cấp. Các đồng chí nắm thêm quy luật hoạt động của địch, và dự tính đánh vào buổi chiều, dễ bất ngờ hơn. 14 giờ 48 phút, chỉ huy sở phát lệnh vào cấp 1, biên đội được lệnh cất cánh theo tín hiệu hai phát pháo đỏ và mốc K5 (vị trí chỉ huy cất, hạ cánh) kéo cờ đỏ. Anh Chao mở máy lăn ra, thu vòng quay động cơ nhỏ nhất chờ tôi. Tôi đứng lui phía sau vài mét, đầu cánh máy bay số 1 cách dầu cánh máy bay của tôi hơn 2 sải tay. Chúng tôi nhìn rõ mặt nhau; đánh ở độ cao thấp, chúng tôi không mang vòi dưỡng khí, chỉ để bên buồng lái làm dự bị. Anh Chao nhìn tôi và ra tín hiệu, vòng quay lớn nhất. Tăng lực. Hai máy bay chạy đà trên đường đất mới lu lèn, nhảy chồm chồm như muốn va vào nhau. Được tập luyện trước, chúng tôi vững vàng điều khiển và cùng nhau tách đất. Độ cao 10m, thu càng; độ cao 100m cánh tà 200, chúng tôi tăng tốc độ.

        Biên dội bay theo đường 15, về phái Nam. Độ cao chúng tôi khoảng 300m, bên cạnh là vách núi cao sừng sững. Qua Nghĩa Đàn, biên đội theo lệnh chỉ huy sở, tăng dần độ cao lên 1.500m, về hướng Thanh Chương. Đến tây Thanh Chương, chỉ huy sở thông báo dịch đang vào theo đường 7, độ cao 3.000m. Biên đội tiếp tục lấy độ cao, tăng tốc độ lên 750km/giờ. Tôi bay phía phải biên đội trưởng, vừa giữ tốt cự li trong biên đội, vừa quan sát phía trái, theo chỉ dẫn của dẫn đường mặt đất. Kia rồi, hai dải khói đen ở xa xa, bọn F-4 đang tăng lực. Tôi phát hiện và báo cáo với số 1: địch bên trái 10km, 45 độ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2016, 02:58:56 am »

        Số 1 báo: chưa thấy máy bay địch. Tôi phán đoán, cứ bay theo hướng như cũ, sẽ lọt phía trước địch. Tôi báo cho anh Chao, vòng trái 45 độ, tăng lực lấy thêm độ cao. Anh Chao làm như tôi đề xuất, nhưng vẫn chưa thấy địch. Khi nghe tôi báo cáo: địch bên trái 5km, anh Chao ra lệnh: số 2 vào công kích, tôi yểm hộ. Tôi hô anh Chao: vứt thùng dầu phụ, tôi đánh thằng đang vòng xuống, anh chú ý thằng rẽ lên cao. Vì tăng lực kịp thời nên tôi vòng cắt bán kính, nhanh chóng tiếp cận chiếc đang cố vòng gấp xuống thấp. Nhanh như chớp, tôi tiến đến cự li vừa thấy rõ quân hiệu không quân trên cánh bằng cái bát, rõ 5 cánh trắng của chiếc F-4. Tôi đưa máy bay địch vào tầm ngắm siêu cự li - chỉ cốt lấy phương hướng còn lượng đón bắn, tôi đã quen lắm rồi. Có anh Chao yểm hộ phía sau, tôi yên tâm tiếp cận tên địch đang cố cơ động tháo chạy. Tôi nổ lièn hai loạt đạn dài, chiếc F-4 nổ tung, rơi ngay xuống trận địa ra đa, nơi mà ngày hôm qua, bọn F-4 đã ném bom. Máy bay tôi lao vào vùng chiếc F-4 vừa nổ tung. Tôi chỉ thấy máy bay mình bị rung nhẹ. Tôi nghe số 1 phấn chấn hô lớn qua vô tuyến điện: Nó cháy rồi. Tôi vòng trở lại, sau anh Chao. Hai chiếc F-4 nữa đã vào trận, chúng phóng liền hai quả tên lửa. Anh Chao và tôi đều tránh được. Số 1 đang đuổi hai chiếc F-4. Tôi hô: Số 1 - Tôi yểm hộ! Cự li còn hơi xa…! Cố lên tí nữa…!

        Tôi bay cao hơn anh Chao và cả 2 chiếc F-4 bị anh bám. Từ trên cao, nhìn máy bay số 1 đuôi phụt lửa tăng lực, miệng máy bay phun lửa đạn quanh đường. Ở trên trời, vừa yểm hộ, vừa xem không chiến, thật hiếm có. Vì hai anh em mà đánh nhau với 6 thằng là quá thư thả. Anh Chao bắn liền hai, ba loạt, hạ một thằng F-4 bay phía sau. Chiéc bay trước bỏ mặc thằng F-4 lâm nguy, thoát ra biển. Anh Chao lệnh cho tôi tập hợp về Thọ Xuân. Chỉ trong 2 phút 30 giây, hai anh em hạ lièn 2 chiếc F-4. Bọn F-4 khác, vội vàng tẩu hết ra biển.

        Dầu liệu cũng đã tới mức phải về, vì đường còn xa và trong trận không chiến, hai anh em tăng lực hơi nhiều, vì gần gặp địch mà ta còn thấp hơn. Biên đội tề chỉnh, chúng tôi thông qua đường băng, vào hạ cánh. Từ khi cất cánh, đến khu vực chiến đấu, trở về tiếp đất, chưa đầy 35 phút. Máy bay số 1 hạ cánh trước. Tôi hạ cánh sau, vừa tắt máy, anh em ùa ra chào mừng biên đội đã chiến thắng. Bõ công cả Trung đoàn 923 chuẩn bị, nghiên cứu cách đánh và không phí mấy tháng tập luyện. Đông chí Tổ trưởng đi kiểm tra máy bay sau khi đi chiến đấu về, hốt hoảng báo với tôi: Cánh trái bị thương, có cục gì to, dắt vào cánh, anh ạ! Các đồng chí thợ máy lấy búa sắt, đập mãi mới lấy được một đoạn kim loại của càng chiếc F-4 bị tôi bắn vỡ tung, vướng vào cánh. Cánh Míc-17 có một thanh thép trắng, tròn bằng cổ chân làm thanh chịu lực chính. Đoạn kim loại ấy lao vào, dắt sâu vào thanh chịu lực, tí nữa thì gẫy cánh. Hú vía, đoạn càng chiến lợi phẩm này, anh Chao giao cho các đồng chí cán bộ chính trị, đưa vào bảo tàng không quân. Không rõ bây giờ, mảnh càng máy bay Mĩ còn đó hay không?

        Trận ngày 14 tháng 6 năm 1968 của biên đội Míc-17, ta sử dụng lực lượng nhỏ, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Biên đội đã áp dụng chiến thuật bay thấp, kết hợp dẫn đường chỉ huy sở với quan sát của phi công. Biên đội phát hiện địch sớm, chủ động tiếp cận địch nhanh, đánh gần, tiến công mãnh liệt, xạ kích tốt trong lần vào công kích đầu tiên. Ngay từ phút đầu tiên đã giành ngay thế chủ động hoàn toàn, bắn rơi máy bay địch, làm cho đội hình chúng tan tác, chống trả yểu ớt. Chủ yếu vì quá bất ngờ, bọn F-4 lo chạy tháo thân ra biển.

        Trong biên đội, số 1 và số 2, hiệp đồng ăn ý. Có công kích, có yểm hộ. Biên đội trưởng xử lí linh hoạt, đã tạo cho số 2 vào công kích và ngay lần công kích đầu, số 2 đã đánh dứt điểm chiếc F-4, tạo khí thế cho quân ta, dồn ép địch vào thế bí. Sau khi bắn rơi địch, số 2 lại quay sang yểm hộ cho số 1, tiếp tục tiến công… Chưa đầy 3 phút, trận đánh đã kết thúc, biên đội rút khỏi khu vực chiến đấu nhanh chóng, nên địch cũng không kịp điều lực lượng vào chặn ta trên đường về căn cứ. Đây là những kinh nghiệm rất quý giá khi không quân tiêm kích đánh địch ở chiến trường Quân khu 4.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM