Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:56:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc  (Đọc 42037 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 09:47:40 pm »

        Trong chiến tranh nhân dân hiện đại, không quân là quân chủng có sức mạnh lớn. Nó có nhiều tính ưu việt cần phát huy đầy đủ như có sức cơ động cao, tốc độ lớn, tầm hoạt động xa, vừa có uy lực mạnh, hành động bất ngờ và khống chế được một không gian rộng. Ở địa hình rừng núi có thể tổ chức những đơn vị máy bay lên thẳng và máy bay lên thẳng vũ trang để làm đội dự bị, cơ động lực lượng, các đội chống tăng. Những đơn vị này có thể bất ngờ tác chiến vào sâu phía sau lưng địch; đồng thời vừa đột phá tiền duyên phòng ngự địch vừa đánh vào chiều sâu; vào phía sau đội hình phòng ngự của đối phương làm cho chúng phải đối phó ở khắp mọi nơi và không đâu được an toàn. Nghệ thuật quân sự hiện đại của chiến tranh nhân dân yêu cầu phát triển không quân một cách thích hợp. Vì bất cứ một quân chủng, binh chủng nào cũng cần phải có sự chi viện của không quân và hiệp đồng với không quân.
       
        Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc cũng dự báo trước những phát triển mới của đấu tranh vũ trang trên vùng biển và tác chiến bảo vệ hậu phương chiến lược. Điều đó đặt ra yêu cầu phát triển và hoàn thiện quân chủng hải quân và quân chủng phòng không.
       
        Có tổ chức, biên chế thích hợp thì sẽ phát huy được chất lượng của con người và vũ khí, kỹ thuật, biến sức mạnh của từng người và sức mạnh của vũ khí kỹ thuật thành sức mạnh tổng thể. Cần hết sức chú trọng tính thiết thực và tính hiệu quả của tổ chức, biên chế.
       
        Đối với dân quân, tự vệ, biên chế, tổ chức cần gắn liền với tổ chức sản xuất cơ sở, kết hợp huấn luyện với sản xuất một cách chặt chẽ linh hoạt và thiết thực. Chú trọng huấn luyện kỹ năng chiến đấu cơ bản và phương pháp tác chiến trên địa hình tại chỗ với trang bị hiện có; kết hợp lãnh đạo, chỉ huy dân quân, tự vệ với lãnh đạo chỉ huy sản xuất một cách hữu cơ… Quy mô tổ chức của bộ đội địa phương phải thích hợp với yêu cầu tác chiến của địa bàn. Bộ đội địa phương cũng tiến lên theo hướng hiện đại, vừa cần có khả năng đánh tập trung tốt, vừa cần có khả năng đánh độc lập của các đơn vị nhỏ tốt; thuần thục cả tác chiến phòng ngự và tiến công trên địa hình của địa phương trong các tình huống có thể xảy ra. Trong những hướng, tỉnh, thành phố quan trọng, tổ chức bộ đội địa phương phải đáp ứng yêu cầu tổ chức và thực hành những trận đánh lớn.
       
        Bộ đội chủ lực là tổ chức cao của lực lượng vũ trang nhân dân. Nó là những quả đấm mạnh để làm chuyển biến cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Vấn đề đặt ra là, tổ chức nó như thế nào để phù hợp với nhiệm vụ mà nó đảm nhiệm, phù hợp với yêu cầu phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
       
        Chiến tranh, cuối cùng là phải đánh lớn và đánh được mọi kẻ địch trong mọi loại hình tác chiến trong mọi hình thức chiến thuật. Tổ chức những binh đoàn bộ đội hợp thành như quân đoàn mới có khả năng độc lập mở những chiến dịch lớn, hay đảm nhiệm tác chiến ở một hướng chiến lược. Trong tác chiến, bộ đội chủ lực cần hình thành những tập đoàn chiến dịch và tập đoàn chiến lược, gồm nhiều quân đoàn, liên kết với nhau nhằm bảo đảm tổ chức các đòn chiến lược nối tiếp nhau, tạo nên thắng lợi dây chuyền, tiến tới đòn quyết chiến, giành thắng lợi quyết định và đánh bại những đòn chiến lược quyết định của địch.
       
        Sức mạnh chiến thắng của ta là sức mạnh của cả ba thứ quân trên cơ sở chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Vì ta là một nước nhỏ đánh với đội quân xâm lược của một nước lớn. Bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ cùng với nhân dân là cái nền cho bộ đội chủ lực tác chiến. Bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ tạo thế, đi đến tạo lực cho bộ đội chủ lực. Không có các thứ quân khác giam chân, phân tán, tiêu hao, tiêu diệt quân địch, thì bộ đội chủ lực không có ưu thế và không thể tự do hành động để đánh những đòn tập trung tiêu diệt lớn khi thời cơ xuất hiện, đánh tan, đánh bại quân địch cũng như làm phá sản các thủ đoạn, biện pháp tác chiến chiến lược của địch, đi đến kết thúc chiến tranh một cách trọn vẹn. Thí dụ như chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 09:51:23 pm »

       
        Xác định cách đánh có hiệu lực cao:
       
        Đó là nghệ thuật tìm chọn và xác định phương pháp, thủ đoạn, mục tiêu, nhằm tập trung lực lượng để đánh chiếm và thực hiện tiêu diệt lớn, tiêu diệt gọn, đánh tan rã lớn, đánh bại quân địch, phá vỡ đội hình tác chiến của địch, phá vỡ ý định tác chiến của chúng. Cách đánh là lĩnh vực sáng tạo cụ thể, linh hoạt.
       
        Trong hoàn cảnh phải lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, ông cha ta đã vận dụng nhiều cách đánh hay, có hiệu quả cao. Chúng ta thấy nổi lên mấy nét lớn cần nghiên cứu phát huy trong điều kiện mới:
       
        - Chia địch ra, giam địch lại mà đánh: Khi xâm lược nước ta, địch thường dùng quân đông, vũ khí nhiều, tập trung ưu thế để đánh nhanh. Để thắng được giặc, ta thường phát huy khả năng tác chiến của ba thứ quân đánh địch ở khắp nơi, cả đằng trước mặt địch và đằng sau lưng địch, buộc địch phải chia lực lượng ra đối phó, muốn tập trung mà buộc phải phân tán và bị vây hãm, tiêu hao, suy nhược. Cuối cùng ta tập trung chủ lực đánh đòn tiêu diệt lớn. Như Trần Hưng Đạo nói: "Ta thì chụm, địch thì chia làm mười, thế mà lấy mười mà đánh một, thế thì quân ta nhiều mà quân địch ít"1.
       
        - Đánh hiểm: là đánh địch từ nhiều phía cả trước mặt, sau lưng, bên sườn và nhất là đánh vào nơi hiểm yếu trong đội hình tác chiến của địch. Đánh vào nơi hiểm yếu sẽ làm cho thế trận địch rung chuyển, tan vỡ, hoặc buộc phải phản ứng bị động, bộc lộ sơ hở để ta tập trung sức đánh đòn tiêu diệt lớn. Như Nguyễn Trãi nói: "Bỏ chỗ vững, đánh chỗ hở, tránh chỗ chắc, đánh chỗ hư, như thế thì sức dùng một nửa công được gấp đôi"2.
       
        - Đánh tiêu diệt: là tiêu diệt lớn và đánh tan rã lớn những đạo quân, những tập đoàn lực lượng chủ chốt của địch. Trong điều kiện nhỏ đánh lớn, ít đánh nhiều, phải đánh tiêu diệt mới chóng chuyển hóa được lực lượng ta, địch, tạo nên so sánh lực lượng có lợi cho ta: Đánh tiêu diệt là đánh cả vào thể xác và tinh thần quân địch, khiến chúng phải suy sụp nhanh. Có thể nêu lên vài thí dụ trong lịch sử như sau
       
        Lý Thường Kiệt đã chặn giữ 20 vạn quân Tống ở địa bàn bắc sông Như Nguyệt, chia cắt hai cánh quân thủy, bộ của chúng, quần cho chúng nhược rồi tổ chức đòn phản công chiến lược, đánh tiêu diệt, đánh tan đạo quân chủ chốt của giặc trên bộ.
       
        Trần Hưng Đạo đã đưa đạo quân Nguyên-Mông khổng lồ vào địa hình nhiều đầm lầy, sông ngòi, khiến sở trường tác chiến bằng kỵ binh của chúng không phát huy được mà còn bị vây hãm, tiêu hao đến nguy hiểm. Trần Hưng Đạo tiến hành vây hãm thủy trại Chương Dương, một điểm hiểm yếu trong thế trận giặc, buộc chúng phải đưa quân từ Thăng Long ra ứng cứu. Ta vừa tiêu diệt quân địch đi ứng cứu bằng cách đánh vận động; vừa lợi dụng sơ hở đánh úp thành Thăng Long, nơi tập trung quân của giặc và buộc giặc tan vỡ, tháo chạy.
       
        Đứng trước tình thế 15 vạn binh nhà Minh chia làm hai cánh ùn ùn kéo vào, với 10 vạn quân của Vương Thông trong nội địa sẵn sàng phản kích đón quân viện, Lê Lợi-Nguyễn Trãi đã hạ quyết tâm, tiến hành vây hãm quân Vương Thông; chặn giữ cánh quân Tây Bắc của Mộc Thạnh; tập trung lực lượng tiêu diệt cánh quân mạnh 10 vạn viện binh của Liễu Thăng trên hướng Đông Bắc là một thế hiểm để đánh. Cánh quân Liễu Thăng bị tiêu diệt, ta không phải đánh mà Mộc Thạnh phải rút quân, Vương Thông xin hàng.
       
        Quang Trung cùng một lúc bằng nhiều mũi, trên nhiều hướng bất ngờ tiến công vào toàn thế trận của quân Thanh, đánh thẳng vào Thăng Long, đầu não của địch, khiến địch không kịp trở tay, tan vỡ nhanh chóng.
       
        Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp ta đã kéo khối chủ lực cơ động của địch ra năm hướng cánh xa nhau, để tập trung sức tiêu diệt ở Điện Biên Phủ, buộc địch phải ký hiệp định đình chiến, giải phóng nửa nước. Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã căng toàn bộ chủ lực địch ra hai đầu chiến tuyến, buộc địch phải sơ hở ở Tây Nguyên và ven biển miền Trung để ta tổ chức chiến dịch mở màn chắc thắng Buôn Ma Thuột, điểm yếu và hiểm yếu của cả chiến trường. Ta chiếm được Buôn Ma Thuột làm đảo lộn thế trận địch, dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền của chúng, v.v…
       
        Như vậy, nếu tập trung lực lượng chủ lực đánh trúng vào điểm hiểm yếu trong đội hình tác chiến của địch thì có thể từ sự thắng lợi mang ý nghĩa chiến thuật tạo nên hiệu quả về chiến dịch và tiến tới phá vỡ quân địch về chiến lược.

----------------
1. Trần Hưng Đạo. Binh thư yếu lược, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 218.

2. Nguyễn Trãi. Toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr. 59.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 09:55:07 pm »

       
        Xây dựng thế trận vững chắc, lợi hại:
       
        Xây dựng thế trận là một vấn đề cơ bản của nghệ thuật quân sự; một nội dung quan trọng của nền quốc phòng toàn dân hiện nay.
       
        Thế trận là hình thái bố trí lực lượng, tổ chức hệ thống trận địa, căn cứ và thiết bị chiến trường tạo ra điều kiện để lực lượng vũ trang nhân dân hành động theo đúng ý định của ta, hãm lực lượng của đối phương vào trạng thái và hình thái ta mong muốn. Trong quá trình chiến tranh, thế trận phản ánh thực chất và xu thế phát triển của sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân nói chung, của lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng.
       
        Thế trận của ta là thế trận chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nó là sự liên kết hữu cơ giữa lực lượng chiến đấu của toàn dân và quân đội nhân dân, giữa chuẩn bị và thực hành tác chiến của dân quân, tự vệ ở từng làng bản, xí nghiệp, khu phố, cơ quan trường học với sự chuẩn bị và thực hành tác chiến của bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trên từng hướng, từng địa bàn và trên phạm vi toàn quốc. Đó là thế trận làng, nước thế trận chiến tranh nhân dân trong cả nước.
       
        Lập thế trận là xác định và tìm ra biện pháp để các lực lượng của ta có vị trí đứng chân thích hợp, có nhiều điều kiện phát huy đầy đủ hiệu lực để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến, có xu thế phát triển thuận lợi. Để lập thế trận vững chắc, cần nắm vững mấy vấn đề sau:
       
        - Trước hết, cần nắm vững tình hình địch, hiểu rõ và dự kiến sát đúng phương hướng, thủ đoạn tác chiến cụ thể của địch nếu xảy ra tác chiến trên từng địa bàn. Đó là điều kiện rất quan trọng để bố trí lực lượng và phương tiện, xác định đội hình tác chiến phù hợp nhất của ta, dự kiến các tình huống có thể xảy ra một cách đúng đắn và có dự kiến xử lý với từng tình huống. Có như vậy mới giành chủ động từ đầu.
       
        - Lập thế trận, ta luôn gắn với phương án dự kiến phá thế trận địch, thực hiện các yêu cầu về cách đánh của ta. Phải cài thế và tạo thế đánh được cả phía trước mặt, bên sườn và sau lưng địch; chia cắt, dàn mỏng đội hình tác chiến địch. Dự kiến những điểm yếu của đội hình địch, những tình huống sẽ diễn ra và tạo thành hình thế cài xen vào đội hình địch. Thế trận cài xen kẽ là một thế trận vô cùng lợi hại, thế trận đánh gần. Nó làm cho địch phải căng mỏng ra khắp nơi, phải phân tán khối lực lượng chủ lực, đông mà hóa ít và luôn luôn bị động. Còn ta thì tập trung và giữ được chủ động để tự do hành động; khối chủ lực của ta có thể chủ động tìm chỗ hiểm và đánh vào chỗ hiểm của địch. Một quân đội ít địch với một đội quân đông, nếu không có thế trận cài xen kẽ của chiến tranh nhân dân thì khó mà thắng được. Thế trận càng hiểm hóc thì tình huống diễn ra càng giản đơn, xử trí càng dễ dàng.
       
        - Cần vận dụng mưu kế trong lập thế. Tích cực vận dụng rộng rãi các thủ đoạn nghi binh lừa địch, khoét sâu mâu thuẫn của địch; dụ, nhử, điều động địch theo dự kiến của ta để tạo ra sơ hở của địch và đánh chúng ở địa bàn ta có thuận lợi hơn, ở nơi ta có chuẩn bị chắc.
       
        Cần giữ bí mật tuyệt đối các phương án của thế trận và thủ đoạn chuyển hóa thế trận của mình.
       
        Bất cứ loại đấu tranh nào cũng cần đến mưu kế. Mưu kế là suy nghĩ đầu tiên, là bước đầu của quyết tâm và kế hoạch. Ít địch nhiều, nhỏ thắng lớn thì yếu tố mưu kế càng quan trọng. Trong trăm ngàn mưu kế, cái hay nhất là nhử địch vào kế của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 09:56:57 pm »

       
        Tích cực tạo ra thời cơ và hành động kịp thời:
       
        Thời cơ là một yếu tố rất quan trọng của nghệ thuật quân sự. Hành động đúng thời cơ sẽ tạo được hiệu quả tác chiến lớn, giành và giữ được quyền chủ động trên chiến trường.
       
        Thời cơ là cơ hội thuận lợi nhất, tốt nhất, là tình huống chín muồi nhất diễn ra trong một thời điểm nhất định, trong một không gian nhất định. Trong thời điểm ấy tình hình cho ta những điều kiện thuận lợi nhất để hành động đạt hiệu quả cao. Nguyễn Trãi nói: "Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: "Lạc nước hai xe đành bỏ phí. được thời một tốt cũng thành công"2.
       
        Thời cơ không tự nhiên đến, mà do kết quả sự nỗ lực chủ quan của ta hành động phù hợp với quy luật và điều kiện khách quan tạo nên. Thời cơ trong tác chiến xuất hiện chủ yếu do thắng lợi của tác chiến, phản ánh sự thay đổi so sánh thế và lực ta, địch, có lợi cho ta. Vì vậy thời cơ có thể tạo ra trên cơ sở việc sử dụng đúng lực lượng, lập thế trận hiểm, điều hành chuyển hóa thế trận linh hoạt; thực hiện các yêu cầu của cách đánh và xử trí các tình huống diễn biến chính xác.
       
        Muốn hành động đúng thời cơ thì cơ quan lãnh đạo chỉ huy cần có khả năng phân tích tình hình, dự kiến được thời cơ, nắm đúng thời cơ khi nó xuất hiện trên cơ sở những dự kiến chính xác; đồng thời luôn luôn hình thành các phương án hành động; luôn nắm chắc thực lực, nhất là lực lượng dự bị và có hệ thống truyền tin thông suốt. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là một mẫu mực về tạo, nắm thời cơ và hành động đúng thời cơ. Ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột là điểm đúng huyệt của thế trận chiến dịch, đồng thời cũng là đánh trúng nơi hiểm yếu của thế trận chiến lược địch. Vì vậy, sự bùng nổ chiến thuật đã tạo ra thời cơ cho ta hành động gây đột biến chiến dịch; sự đột biến chiến dịch lại tạo ra thời cơ để ta hành động phá vỡ chiến lược của địch trong một thời gian ngắn hơn dự kiến nhiều.
       
        Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc nắm thời cơ, hành động đúng thời cơ của thời kỳ đầu chiến tranh, nhất là những ngày đầu là rất quan trọng. Nếu ta nắm đúng ý định và hành động xâm lược của địch ngay từ lúc nó triển khai, thì ta có thể đánh trả kịp thời và có thể gây tác động lớn về chiến dịch hoặc chiến lược đối với địch.
       
        Cho nên cách đánh của ta là đánh bằng mưu và bằng thế, và nghệ thuật chiến thắng trong tác chiến của ta là nghệ thuật về kết hợp lực, thế và thời, nghệ thuật về sử dụng lực lượng, tạo thế trận, tạo ra thời cơ và hành động đúng thời cơ.
       
        Trước những điều kiện mới và trước sự phát triển rất cao của chiến tranh nhân dân hiện đại, nghệ thuật quân sự trên đây phải được hoàn thiện hơn nữa với chất lượng mới, phản ánh sức mạnh mới của chế độ xã hội chủ nghĩa, của nghệ thuật toàn dân đánh giặc, nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều. Điều đó đòi hỏi có sự góp sức nghiên cứu của nhiều người, nhiều cơ quan trên tất cả lĩnh vực có liên quan. Trước hết, xây dựng cho được hệ thống đồng bộ về lý luận và cơ chế tổ chức thực tiễn chuẩn bị cho toàn dân và cho lực lượng vũ trang những tiền đề vững chắc để nghiên cứu và vận dụng nghệ thuật quân sự với hiệu quả lớn nhất.
       
-----------------
1. Sách dẫn trên tr. 116-117.
2. Hồ Chí Minh. Nhật ký trong tù, NXB Phổ thông, Hà Nội, 1971, tr. 27.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 09:59:26 pm »

        
MỤC LỤC
       
PHẦN THỨ NHẤT
        Di sản nghệ thuật quân sự của Tổ tiên
        
PHẦN THỨ HAI
        Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh
        
PHẦN THỨ BA
        Nghệ thuật quân sự trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ Quốc.           Nghệ thuật quân sự Việt Nam-truyền thống và hiện đại.
        Nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng.
        Nghệ thuật lập thế trận.
        Nghệ thuật chỉ huy tình huống.)
        Mưu kế và chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950.
        Về thế trận trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ.
        Nghệ thuật quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
        Vận dụng nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta vào việc xây dựng lực lượng vũ trang và Quốc phòng toàn dân.
        Tổ chức lực lượng nhìn từ nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
        
HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM