Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:33:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời ở cục chính trị QGPMN (B2)  (Đọc 14533 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:57:33 pm »

        Về mặt ác liệt mà nói, chiến trường Đông Nam Bộ nếu không nói là hơn thì cũng không kém chiến trường nào. Nhưng về hậu cần (trừ Khu 6 và vùng Bà Rịa) lại tương đối khá. Có những đợt chúng tôi thiếu gạo nhưng lại ăn độn bằng đỗ xanh. Có một quãng thời gian ngắn năm 1970, chúng tôi không có đủ lương thực, mỗi người mỗi ngày chỉ có một lon gạo. Các đồng chí lãnh đạo Cục Chính trị Miền đã phải tính đến nước xem tài sản của Cục thứ gì có giá trị để đem bán lấy tiền đong gạo nuôi đơn vị. Nhưng thật may, rừng miền Đông, nguồn thực phẩm lại khá phong phú. Hồi đó, gần căn cứ chúng tôi có rất nhiều chim, người địa phương gọi là "gà đẫy", vì nó có một cái túi ở trước ngực. Chúng đi kiếm ăn rất xa, có người nói tận Biển Hồ ở Cam-pu-chia. Chúng để dành những con cá, bỏ vào cái túi, mang về tổ nuôi con. Đó là nguồn bổ sung thực phẩm của chúng tôi trong những ngày thiếu gạo. Thịt loại chim này lại có mùi cá, nhưng khi khó khăn, chúng tôi lại không phải là những người khó tính.

        Hàng năm, cứ đến cuối mùa mưa là chúng tôi càng bận rộn. Năm nào cũng vậy, đến mùa khô Bộ Chỉ huy Miền đều tổ chức chiến dịch hoặc đợt hoạt động trên toàn Miền.

        Và chiến dịch nào cũng vậy, Bộ Chỉ huy Miền cũng lập Sở chỉ huy tiền phương của Bộ để chỉ huy sư đoàn, các binh chủng, các trung đoàn chủ lực trực thuộc tiến hành chiến dịch. Trong phần lớn các chiến dịch này, tôi đều được cử đi Sở chỉ huy tiền phương của Bộ.

        Kỷ niệm sâu sắc nhất là chiến dịch mùa khô 1972. Tôi được cử làm phái viên xuống Trung đoàn 209 thuộc Sư đoàn 7 trong suốt chiến dịch. Trên đường ra mặt trận, vì còn là cuối mùa mưa nên có ngày hầu như suốt cuộc hành trình, chúng tôi phải lội nước. Rất thương anh em chiến sĩ, nhất là ở các đơn vị trực chiến. Vai mang vác nặng thế mà khi nghỉ, không có một mỏm đất nhô lên mặt nước để anh em đặt vũ khí, hành lý xuống, ngay cả khi ăn cơm.

        Trung đoàn tác chiến ở ven đường 22, khu vực Xa Mát, Thiện Ngôn. Tôi, có khi xuống tiểu đoàn, đại đội, nhưng thường là anh Việt Hồng, Trung đoàn trưởng (sau này là Thiếu tướng Phó tư lệnh Quân khu l) yêu cầu tôi ở Sở chỉ huy trung đoàn. Đây là những ngày đêm tôi chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu những gian khổ hy sinh trong các công việc liên tục: hành quân, đào hầm hố, canh gác, tuần tra, chiến đấu trong hoàn cảnh ở hầm, cơm nắm, thiếu ngủ, đạn bom của máy bay cường kích, máy bay lên thẳng, của các giàn đại bác, của biệt kích, của bộ binh và xe tăng thiết giáp địch. Tôi chia sẻ với anh em niềm vui khi chiến thắng và nỗi buồn khi có đồng đội hy sinh. Ngay Sở chỉ huy trung đoàn cũng mấy lần bị máy bay oanh tạc và pháo giặc đánh trúng. Tôi đã cùng anh em chôn cất các đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Phó tham mưu trưởng trung đoàn. Và chính ở đây, người em họ gần của tôi là Ngô Quý Linh, trợ lý quân lực của Trung đoàn đã hy sinh. Bản thân tôi cũng mấy lần cách thế giới bên kia trong gang tấc. Có một lần máy bay địch thả một quả bom trúng cửa hầm tôi đang trú ẩn. Nhưng thật may, nó đã không nổ. Tổn thất gian nan như vậy, song cái chính là niềm phấn khởi: Trong chiến dịch Trung đoàn 209 đã hoàn thành nhiệm vụ và có bước trưởng thành dài.

        Đầu năm 1973, do thắng lợi của Hội nghị Pa-ri, Hiệp định hòa bình được ký kết, tôi được cử làm một cán bộ trong đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tham gia Ban Liên hợp quân sự bốn bên ở trại Đa-vít ngay trong thành phố Sài Gòn đang còn bị Mỹ - nguy kiểm soát. Đoàn sẽ do máy bay lên thẳng của Mỹ đưa từ sân bay Lộc Ninh. Chúng tôi dự kiến các tình huống xấu có thể xảy ra và định cách đối phó. Tình huống xấu nhất là địch xé lẻ đoàn chúng tôi, đưa mỗi nhóm lên mỗi chiếc trực thăng đến mỗi nơi khác nhau với âm mưu nham hiểm. Chúng tôi hứa với nhau dù hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều giữ vững khí tiết và tư thế của người chiến sĩ cách mạng chiến thắng.

        Đến ngày giờ quy định, chúng tôi có mặt ở sân bay Lộc Ninh. Trong khi chờ máy bay trực thăng, chúng tôi vẫn phải cảnh giác, sẵn sàng đối phó nếu địch lật lọng cho máy bay chiến đấu đến oanh kích. Điều này đã từng xảy ra trong một dịp chúng ta trao trả tù binh Mỹ ở Tây Ninh. Nhưng rồi đã thấy xuất hiện những máy bay lên thẳng trên nền trời phía Sài Gòn bay lại. Chúng lần lượt đỗ xuống đường băng. Các phi công Mỹ xuống, mở cửa máy bay. Từ đây cho đến suất thời gian ở Ban Liên hợp quân sự bốn bên trong trại Đa-vít, tôi có một cảm giác rất lạ. Chúng ta và Mỹ - ngụy trước đây hễ xuất hiện đối diện nhau là nổ súng, bây giờ gặp nhau là để đối thoại, để làm việc, để đấu tranh với nhau bằng các biện pháp khác.

        Chúng tôi lên máy bay. Các máy bay lần lượt rời khỏi đường băng và bay về phía Sài Gòn. Tôi nhìn xuống: Những cánh rừng xanh thẳm, những con đường, những dải hố bom B52 dài dằng dặc, những khoảnh rừng vàng úa vì chất độc hóa học, rồi những cánh đồng, những thôn ấp, thị xã Thủ Dầu Một, những cây cầu đi vào Sài Gòn, rồi thành phố Sài Gòn xe cộ tấp nập. Nhưng máy bay lại chưa hạ độ cao, còn lượn mấy vòng quanh bầu trời bắc Sài Gòn. Về sau chúng tôi được biết lúc đó sân bay Tân Sơn Nhất còn chưa được sẵn sàng ít phút sau, đoàn máy bay lần lượt hạ xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Xung quanh bãi đáp, những tên lính ngụy mũ sắt, quần áo rằn ri, lăm lăm súng M16 Mỹ nòng chĩa chếch lên trời. Chúng tôi xuống máy bay lên xe buýt đi vào trại Đa-vít, vốn là một doanh trại của quân Mỹ trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

        Sự có mặt Đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đứng đầu là tướng Trần Văn Trà rất quen thuộc với đồng bào Sài Gòn và Đoàn quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do tướng Lê Quang Hòa là Trưởng đoàn, tại giữa thành phố Sài Gòn là thêm một minh chứng hùng hồn về thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân cả nước ta, mặc dù địch ra sức xuyên tạc, bưng bít.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:58:04 pm »

        Trong những ngày chúng tôi ở trại Đa-vít, địch hết sức hạn chế sự tiếp xúc của chúng tôi với nhân dân. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp nhận được tình cảm của đồng bào đối với cách mạng qua ánh mắt, nụ cười và những cử chỉ kín đáo của bà con những khi chúng tôi, mặc dù chỉ bằng ô tô, đi trên các đường phố Sài Gòn.

        Trong dịp miền Bắc trao trả cho Mỹ đợt đầu tiên những phi công Mỹ bị bắt, tôi được lãnh đạo Đoàn cho phép ra gặp gia đình nhưng với danh nghĩa một thành viên bộ phận của Đoàn miền Nam cùng bộ phận của Đoàn miền Bắc, bộ phận của phía Mỹ - nguy và Ủy ban Quốc tế ra Hà Nội chứng kiến cuộc trao nhận tù binh Mỹ. Các anh ở Đoàn miền Bắc đã điện ra Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu để báo cho gia đình tôi. Chúng tôi ra Bắc trên một chiếc máy bay C130 của Mỹ. Từ trên máy bay nhìn xuống miền Bắc thân yêu, xuống thành phố Hà Nội quê hương, lòng tôi bồi hồi không sao tả xiết, máy bay hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Cơ thể tôi có một nhược điểm cứ đi máy bay là tai bị ù nhức, người bị say choáng váng. Vừa xuống máy bay, tôi được một đồng chí quen dẫn tới một căn phòng nhỏ. Bước đến cửa phòng, tôi nhìn thấy nhà tôi và hai cháu. Làm sao mà nói hết được nỗi mừng vui của chúng tôi khi được gặp nhau sau bảy năm xa cách trong chiến tranh khốc liệt? Song chúng tôi không nói chuyện được nhiều với nhau vì đông đảo bạn bè hỏi han tíu tít. Thằng con lớn của chúng tôi lại bị sốt. Các bè bạn tất bật đánh gió cho cháu. Anh Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ, bảo gia đình chúng tôi ra trước nhà để anh chụp cho mấy kiểu ảnh. Tôi cười hỏi: "Tôi đang trong vai thành viên của phái đoàn miền Nam, anh không ngại phía Mỹ - ngụy la lối sao?". Anh cười đáp: "Kệ cha chúng nó!". Thế là chúng tôi cười vang và đi ra chụp ảnh. Tôi cũng không có thì giờ về thăm lại căn hộ của gia đình mình ở ngay bên kia sông Hồng, trên đường Điện Biên Phủ. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau với niềm tin ngày tái ngộ không còn xa lắm.

        Công tác được khoảng hai tháng không may tôi bị đau bụng dữ dội do viêm tắc ống dẫn mật. Mặc dù được dùng mấy thứ thuốc, có thứ quý hiếm do các anh trong hai phái đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Pa-ri mang từ Pháp về nhưng tôi vẫn chưa khỏi bệnh. Tôi buộc phải kết thúc những ngày Ở trại Đa-vít, ra căn cứ để chữa bệnh và công tác.

        Sau khi bộ đội Miền giải phóng hoàn toàn tỉnh Phưởc Long ít lâu, một buổi đơn vị tôi đang tu sửa lại doanh trại và vun xới vườn rau thì có các anh lãnh đạo Miền đến thăm. Anh Bảy Cường (tức đồng chí Phạm Hùng), Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Miền cười hỏi: "Các đồng chí định ở đây lâu dài hay sao mà chăm chút cẩn thận dữ vậy" Chúng tôi linh cảm có những sự kiện trọng đại sắp diễn ra.

        Quả nhiên sau đó ít hôm, tôi được triệu tập vào Bộ Chỉ huy Miền nghe phổ biến riêng về chiến dịch lớn sắp tới, chiến dịch giải phóng miền Nam. Các anh giao cho tôi dự thảo lệnh động viên toàn thể các lực lượng tham gia chiến dịch. Lòng tôi bồi hồi xúc động vô cùng. Sẽ khác Mậu Thân năm 1968, lần này nhất định chúng ta sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tôi ngồi vào bàn và dự thảo văn kiện lịch sử này. Tay tôi run lên khi viết dòng chữ: "Nhất định chúng ta sẽ cắm cao lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch trên nóc Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của bè lũ Mỹ - ngụy". Sau vài hôm, tôi rất phấn khởi được tin bản dự thảo đã được thông qua, chỉ sửa chữa thêm bớt đôi chút, trong đó có thêm một ý của anh Bảy Cường: "Với khí thế Trường Sơn chuyển mình, Cửu Long dậy sóng".

        Trong chiến dịch này, tôi được cử làm phái viên đến Quân đoàn 3, tác chiến trến hướng tây bắc Sài Gòn. Chúng tôi đi giữa ban ngày đến Sở chỉ huy Quân đoàn. Đất Củ Chi bị Mỹ - ngụy san ủi hoang hóa mênh mông, không còn cây cao, chỉ có cỏ lau sậy và những cụm cây xấu hổ lúp xúp. Đến một chỗ có dân ở, chúng tôi được cô bác mời ăn dưa hấu. Trong đời, chưa khi nào tôi ăn dưa hấu thấy ngon mát như vậy. Trời nắng nóng, miệng khát khô và lòng dân "đất thép".

        Tôi có mặt ở Sở chỉ huy Quân đoàn vào đêm Sư đoàn 320 đánh căn cứ Đồng Dù - Củ Chi. Trận đánh dứt điểm và toàn quân đoàn tiến về Sài Gòn thì mờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn chuyển cho tôi bức điện của Cục Chính trị Miền gọi tôi về căn cứ để nhận nhiệm vụ mới.

        Trong lòng, tôi rất muốn đi cùng đơn vị đang tiến đánh Sài Gòn, nhưng vì kỷ luật, tôi bắt buộc phải trở lại căn cứ của Cục Chính trị Miền. Tôi có mang theo một chiếc đài thu thanh nhỏ. Vừa đi đường tôi vừa nghe đài Sài Gòn. Đến Bến Củi thì tôi nghe được lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, Tổng thống nguy quyền. Cũng y như hồi ở căn cứ của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị ở Việt Bắc khi nghe tin ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của Pháp Ở Điện Biên Phủ, lần này tôi cũng không sao nén nổi xúc động, tôi và đồng chí bảo vệ ôm chầm lấy nhau mà khóc.

        Khi về đến căn cứ thì toàn bộ cơ quan đang chuẩn bị hành quân về tiếp quản các cơ sở của Tổng cục Chiến tranh chính trị của quân ngụy tại thành phố Sài Gòn được giải phóng. Sau đó ít lâu, tôi thực hiện được mong ước của vợ chồng tôi khi tôi đi B: Trở về Hà Nội đoàn tụ gia đình qua thành phố Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:59:13 pm »

       
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

MAI CHIẾN THÁI       

        Cũng như biết bao đồng đội khác, trong đời ít ai có được may mắn công tác và chiến đấu ở một đơn vị từ đầu đến cuối. Tôi đã phải kinh qua nhiều đơn vị và công việc khác nhau và ở đâu tôi đều cảm thấy sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau đầy ắp tình đồng chí, đồng đội, tình người. Nhưng đơn vị gây ấn tượng sâu sắc nhất, sống và làm việc đẹp nhất đối với tôi, đó Ià Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Miền - B2.

        Khi quân xâm lược Mỹ ồ ạt kéo quân vào miền Nam và Ieo thang chiến tranh miền Bắc nước ta, cũng là lúc Đoàn 707 - đoàn cán bộ miền Bắc tăng cường cho chiến trường miền Nam do anh Lê Nam Phong, nay là Trung tướng, làm Trưởng đoàn đã có mặt ở căn cứ địa của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền đóng ở Tây Ninh - Đông Nam Bộ.

        Với cái lạ lẫm vùng căn cứ kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ, cách đồn bốt Mỹ - nguy không xa lắm, với sự háo hức của một cán bộ trẻ mới tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ trung cấp chính trị ở Học viện Quân chính Bộ Quốc phòng, tôi được bổ sung về Phòng Tuyên huấn.

        Ở đây tôi được sống và làm việc trong vòng tay thân tình ưu ái của các anh các chị đã công tác từ nhiều năm trước. Trong hoàn cảnh chiến tranh, Phòng Tuyên huấn lúc bấy giờ có quy mô bề thế, có đủ các ban tuyên truyền, giáo dục, văn nghệ, ban trị sự Báo Quân giải phóng, ban tư liệu, bình xã luận Báo Quân giải phóng kiêm phục vụ đài phát thanh, văn công, điện ảnh, văn thư bảo mật, nhà in, điện đài minh ngữ...

        Một guồng máy cả mấy trăm con người gồm những cán bộ, chiến sĩ khắp ba miền quy tụ về đây, đặc biệt có các cô, các cháu ở các tỉnh thuộc các khu 7, 8, 9 và Sài Gòn - Gia Định như Hai Hải, Minh Khai, Văn Nga, Mỹ Dung, Ngọc Hóa, Kim Thanh, Lý Chí Nguy... đã vượt qua vòng vây kìm kẹp của Mỹ - ngụy lên chiến khu tham gia kháng chiến, cũng có mặt trong Phòng Tuyên huấn. Dù thân gái dặm trường, Thúy Nga, Phương Thịnh, Vinh, Hồng Xuân đã vượt hàng ngàn cây số Trường Sơn kề vai sát cánh với các "đấng nam nhi" tuyên huấn.

        Như những con ong chăm chỉ, theo sự phân công của tổ chức, người làm việc ở căn cứ, người xuống cơ sở hay ra phía trước, vừa phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu, vừa phải tự lo lấy cuộc sống hàng ngày.

        Ở Phòng Tuyên huấn có cái lý thú là sau một ngày làm việc vất vả, tối đến, phát huy sở trường của mình, vài ba anh em xuống suối câu cá, bốn năm anh em vào rừng đi săn. Trong đội săn bắt ít khi thiếu vắng các "cây thiện xạ" đầy kinh nghiệm như các anh Hai Hùng, Hai Nhã, Ba Rêu và mỗi khi bắn được thú lớn, quy mô cải thiện không bó hẹp ở Phòng Tuyên huấn mà trở thành "ngày hội", bạn bè các phòng bạn đến chung vui. Chúng tôi lại có dịp ôn chuyện hậu phương, chuyện gia đình quê hương.

        Qua mấy đời trưởng phòng như anh Tư Trực, anh Sáu Tòng rồi anh Ngô Thế Kỷ.., mọi việc ở Phòng Tuyên huấn diễn ra nhịp nhàng, không ồn ào, nhưng đầy khí phách và đạt hiệu quả cao.

        Hơn bốn mươi năm sống, công tác và chiến đấu trong quân ngũ, có thể nói đây là thời điểm bom đạn ác liệt nhất, sinh hoạt thiếu thốn, gian khổ nhất và cũng là thời kỳ sóng gió nhất. Chúng tôi thường tâm sự với nhau, đã ở R (căn cứ địa B2) thì phải chấp nhận chung sống với bom B52, chất độc hóa học và sốt rét ác tính. Nhưng theo tôi đây là thời kỳ đẹp nhất, thời kỳ đáng ghi nhớ nhất về tình đồng chí, đồng đội, tình người. Suốt thời gian dài, cả chục năm không hề có phân biệt trong Nam hay ngoài Bắc, không phân biệt vì cấp bậc địa vị, không cậy tuổi tác và sự cống hiến, không phân cách bởi đơn vị đóng quân ở vòng trong hay vòng ngoài.

        Tất cả, tất cả cùng một ý chí, một tấm lòng vì công việc. Ai cũng thầm mong cho những chuyến đi ra phía trước của đồng chí mình được trở về an toàn, ai cũng vui mừng reo lên sau mỗi đợt máy bay B52 ném bom mà vẫn nghe có tiếng gọi nhau ở hầm bên cạnh báo hiệu cho sự an toàn. Và đã bao lần nghẹn ngào trước sự hy sinh của bao đồng nghiệp ra đi mà không bao giờ trở về, biết bao các cô, các chú, các cháu nhỏ bị bom đạn Mỹ - nguy cướp mất cuộc sống!

        Ngần ấy năm công tác ở Phòng Tuyên huấn phải thấm trải bao nỗi buồn, vui, mất mát, những thương đau trước sự hy sinh thầm lặng của hàng ngũ với những người cầm bút, những người phục vụ... ấy vậy mà bao giờ lương tâm cũng giục giã mọi người phải có dũng khí, phải vươn lên làm tròn nhiệm vụ ở tiền tuyến lớn để rút ngắn khoảng cách với hậu phương lớn. Hiếm thấy có sự bon chen, cơ hội, vị kỷ trong cuộc sống. Ở đây chân lý "mình vì mọi người và mọi người vì mình" được thể hiện thật đậm nét.

        Có lẽ với những con người như thế, với tâm hồn trong sáng như thế, với cách đối nhân xử thế đầy tình nghĩa như thế đã chắp cánh cho anh chị em trong Phòng Tuyên huấn chúng tôi vượt lên tất cả làm tròn nhiệm vụ của một "lính chiến" ở tiền tuyến lớn.

        Tuy đã xa đồng chí, đồng đội nhưng tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh đẹp của một thời công tác, chiến đấu ở Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị B2. Xin ghi lại vài nét mộc mạc của một thời để nhớ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 09:00:24 pm »

        
NHỮNG NĂM THÁNG Ở CỤC CHÍNH TRỊ MIỀN

NGUYỄN VIẾT TÁ        

        Từ khi tôi được điều về công tác ở Cục Chính trị Miền vào tháng 10 năm 1962 cho đến khi Cục giải thể vào đầu năm 1976 tính ra cũng được gần 14 năm. Biết bao nhiêu kỷ niệm đối với đơn vị, với đồng chí, đồng đội và các thủ trưởng trong cơ quan.

        Chuyện được điều về Cục cũng là một kỷ niệm khó quên đối với tôi. Không biết ai giới thiệu, sau mấy lần nhận điện của anh Hai Chân rồi anh Hai Hậu, anh Bảy Mai, Chính ủy Trung đoàn 2 kêu tôi lên nói: "Anh muốn giữ em ở lại trung đoàn nhưng không thể trái lệnh hai anh, thôi em bàn giao công việc theo đường giao liên về R".

        Từ khu A (Chiến khu Đ) về khu B, tôi chưa hình dung được "R" Ở đâu, và đinh ninh đó cũng rừng sâu thăm thẳm như khu A. Còn mấy chục bạc, tôi mua mấy gói trà "Con cọp" chiêu đãi giao liên và anh em cùng đi. Không ngờ chỉ mấy bước chân, từ Xóm Giữa đến Sóc Thiếc, tôi được dự Hội nghị công tác đảng, công tác chính trị các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và cũng là bắt đầu được công tác ở Cục Chính trị Miền (lúc đó chưa gọi là Cục mà là cơ quan chính trị của Ban Quân sự Miền).

        Người gây ấn tượng mạnh đầu tiên đối với tôi là anh Hai Hậu (Trần Lương - Trần Nam Trung), lúc đó chưa gọi là chính ủy mà là phụ trách công tác đảng, công tác chính trị Quân giải phóng miền Nam Viêt Nam (anh Hai Chân - Lê Văn Tưởng phụ trách cơ quan chính trị Miền). Anh em cán bộ trong cơ quan kháo nhau về chuyện anh Hai Hậu gặp chiến sĩ Quân giải phóng hỏi có biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ai không, chiến sĩ mau mắn trả lời tướng Giáp cũng như tướng Ty (ngụy). Do đó anh đề nghị tăng cường giáo dục chính trị cho các lực lượng vũ trang giải phóng. Phải chăng qua lời đề nghị của anh Hai Hậu, Trung ương Cục chấp thuận cho Ban Quân sự Miền tiến hành Hội nghị công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Với gương mặt phúc hậu, tính tình điềm đạm, thái độ luôn cởi mở trong công việc cũng như lúc sinh hoạt vui chơi văn nghệ, anh Hai Hậu rất được cán bộ, chiến sĩ mến phục.

        Cuối năm 1962, từ thủ trưởng đến cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan chính trị mới có chừng vài chục người nhưng đã triển khai đầy đủ các mặt tuyên huấn, tổ chức, cán bộ, bảo vệ, dân vận, văn công, điện ảnh. Chuẩn bị cho Hội nghị công tác đảng, công tác chính trị, các mặt khác đều có bài bản ở miền Bắc mang về. Về công tác dân vận, anh Nghề được phân công chuẩn bị báo cáo, rất lo chưa biết làm gì, anh Hai Chân lệnh anh xuống Bàu Cỏ, vùng giáp ranh giữa ta và địch chỉ có một ít dân, tìm hiểu tình hình về chuẩn bị. Và rồi đâu cũng vào đó.

        Có một chuyện vui. Cơ quan điều về một số nữ. Anh Hai Chân biết có năm, bảy đồng chí chưa lập gia đình nên chỉ thị không ai được "đụng chạm" đến chị em để tập trung xây dựng cơ quan. Tôi xuống may cờ "đảo chính" ở Xưởng quân trang Miền, Võ Trần Nhã về thâm nhập vành đai diệt Mỹ ở Bình Mỹ, Thanh Giang về công tác quê Bến Tre. Nhờ đó cả ba đều xây dựng gia đình. Nhưng rồi dần dà chị em hầu hết đều tác thành với cán bộ trong cơ quan.

        Sau Hội nghị công tác đảng, công tác chính trị các lực lượng vũ trang giải phóng mỉền Nam, cơ quan chuyển về lại căn cứ ở vùng Trảng Chiên, sát biên giới Việt Nam  Cam-pu-chia. Anh Hai Chân gọi tôi lên phân công phụ trách tờ tập san Quân giải phóng. Tôi thưa khi còn ở miền Bắc không được học một trường quân sự hay chính trị chính quy nào, nên chỉ xin nhận làm trợ lý tuyên truyền như hồi còn ở Sư đoàn 338 Nam Bộ. Nhưng rồi tôi lại gắn với nghề báo cho đến kết thúc chiến tranh.

        Đầu năm 1963, chiến thắng Ấp Bắc làm nức lòng quân dân cả nước, đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ cũng như đồng bào miền Nam, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, giải tỏa được tâm trạng lo ngại về trực thăng địch tung hoành như trước. Một hôm, sau bữa cơm, anh em tuyên huấn bàn luận rất sôi nổi về ý nghĩa của chiến thắng Ấp Bắc. Tôi chợt nghĩ ở miền Bắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phát động phong trào thi đua "Đại phong", "Ba nhất" rất sôi nổi và hiệu quả nên đề nghị anh Tư Thành (phụ trách tuyên huấn) ở miền Nam nên có phong trào thi đua Ấp Bắc trong các lực lượng vũ trang miền Nam. Anh em đều nhất trí đề nghị báo cáo Ban Quân sự Miền phát động phong trào thi đua Ấp Bắc. Anh Tư báo cáo lên với anh Hai Chân, anh Hai báo cáo anh Bảy Tiến (Phó ban Quân sự Miền) và được chấp nhận. Anh Tư nói với tôi: "Đồng chí đề nghị thì đồng chí dự thảo Hiệu triệu thi đua Ấp Bắc để đưa lên thông qua Ban Quân sự Miền". Sau khi được anh Bảy Tiến thông qua, anh Hai Chân sai tôi cầm bản Hiệu triệu thi đua qua Ban Tuyên huấn R để phát trên đài, nhưng chỉ phát công khai nội dung, còn không được phát Ban Quân sự Miền. Qua gặp anh Năm Quang (Trần Bạch Đằng), anh nói đồng chí về báo cáo anh Hai tôi chịu trách nhiệm đưa lên công khai Ban Quân sự Miền. Về nhà, chờ cả tuần chưa thấy đài Hà Nội phát, anh Hai Chân sốt ruột sai tôi báo cáo với anh Hai Hậu có gì bất trắc không. Rất may dọc đường tôi nghe đài Hà Nội đã phát rất nhiều lần Hiệu triệu thi đua Ấp Bắc của Ban Quân sự Miền (lúc đó chưa gọi là Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam). Lúc đầu mới có một mình tôi được phân công đi giao ban ở Ban Quân sự Miền về báo cáo lại tình hình và đưa tin viết bình luận chiến sự trên chiến trường miền Nam gửi qua Thông tấn xã và đài Giải phóng phát. Lần đầu tiên, anh Tư Trực, Trưởng phòng Tuyên huấn giao viết một bài bình luận, tôi chưa hiểu bình luận ra sao đề nghị anh chỉ cách viết, anh Tư nói: "Mình cũng chưa viết bao giờ, cấp cho cậu cái đài, cứ nghe đài Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa bình thế nào mà làm theo". Khi được giao viết xã luận tôi cũng viết như bình luận, anh Chín Vinh kêu tôi hỏi có biết viết văn officielle (chính luận) không, tôi dạ và mò mẫm viết. Khoảng đầu năm 1965, cánh Tư Hội, Ngô Thế Kỷ, Hồ Văn Sanh, Mai Chiến Thái, Ngô Vi ân lần lượt về tăng cường thành lập bộ phận A5, tôi học thêm được nhiều, cùng các anh viết bình luận, xã luận, thông cáo quân sự và các bài chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền. Tôi nhớ có lần, anh Tư Trực được Bộ Chỉ huy Miền phân công viết một bài chỉ đạo mang tính chiến lược với chủ đề "Tấn công và nổi dậy là quy luật tất yêú của cách mạng miền Nam". Anh Tư bệnh, giao tôi viết để anh chữa xong đưa lên thông qua Bộ Tư lệnh. Tôi phải tập trung tìm tư liệu và viết trong 10 ngày đêm, anh Mười Khang (Đại tướng Hoàng Văn Thái) trực tiếp thông qua, lấy bút danh của anh là Nam Hải, đưa qua Đài phát và đăng trên Tập san Tiền phong, Báo Giải phóng và Báo Quân giải phóng. Qua phục vụ bài viết có tính chỉ đạo chiến lược của anh Mười, được sự góp ý của anh, tôi thấy mình có bước trưởng thành khá lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 09:01:31 pm »

        Trong các đợt hoạt động mùa khô và có lúc cả mùa mưa, Cục Chính trị thường phân công một số cán bộ trợ lý và cả các đồng chí văn nghệ đi phục vụ Bộ Chỉ huy tiền phương, xuống các đơn vị, chiến trường ở B2 (Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên) thu thập tư liệu phục vụ công tác chuyên môn và công tác tuyên truyền.

        Riêng tôi, đã được phân công làm phái viên chính trị tham gia các trận đánh đồn Bổ Túc, sau đó là đồn Trại Bí, đồn Tà Păng Ro Bon của Trung đoàn 1, thị trấn Bến Súc của Trung đoàn 2, phục vụ tiền phương Bộ Chỉ huy Miền trong Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

        Về công tác tuyên huấn, nhất là công tác báo chí, tuyên truyền trên báo, đài, anh Sáu Di (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), các anh Chín Vinh, Tám Trần rất quan tâm và tham gia trực tiếp viết những bài chỉ đạo hoạt động vũ trang của Bộ Chỉ huy Miền rất sắc sảo.

        Nhắc lại những năm tháng ở Cục Chính trị Miền, tôi lại bồi hồi nhớ đến nhiều đồng chí đã hy sinh tại chiến trường cũng như tại cơ quan. Riêng Phòng Tuyên huấn đã có đến hơn 20 liệt sĩ. Chỉ trong hai trận địch dùng máy bay B52 ném bom rải thảm xuống căn cứ ngày 31 tháng 10 và ngày 5 tháng 11 năm 1972, Phòng Tuyên huấn đã truy điệu 8 liệt sĩ. Thương tâm nhất là mẹ con cô Dung và cháu Hằng đã ra đi, khi cô Dung đặt niềm hy vọng miền Nam sắp giải phóng sẽ được về Sài Gòn, cháu Hằng sẽ được gặp ông bà ngoại. Thực hiện chủ trương của Ban liên lạc truyền thống Cục Chính trị Miền, Trần Hàm Ninh đã bỏ công sức trong mấy năm lên danh sách 103 liệt sĩ của Cục trong 14 năm chống Mỹ, cứu nước. Có thể còn được anh chị em bổ sung thêm.

        Từ năm 1965, Cục Chính trị phân công các anh Hồ Văn Sanh, Tư Hội, Mai Chiến Thái và tôi thay nhau đi giao ban bên Bộ Chỉ huy Miền. Một thời gian ngắn, Tư Hội được phân công về làm Phó chính ủy Viện quân y K71. Đến đầu năm 1973, anh Bảy Sanh vào Sài Gòn tham gia Phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam; năm 1974, Mai Chiến Thái đi theo đoàn anh hùng, chiến sĩ thi đua ra miền Bắc, còn lại mình tôi đi giao ban ở Bộ Chỉ huy Miền.

        Ngày 26 tháng 4 năm 1975, tôi được lệnh của Cục Chính trị đưa đội điện đài minh ngữ đi trên một chiếc com-măng-ca xuống tiền phương Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh phục vụ công tác tuyên truyền trên đài. Đài minh ngữ điện công khai không qua mật mã nên rất bị địch phát hiện địa điểm, lâu nay thường phải đặt xa cơ quan chỉ huy vài chục ki-lô-mét. Lần này được lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch cho đặt gần để đưa tin thật nhanh, kịp động viên chiến đấu. Vừa sắp xếp xong chỗ ở cho anh em, anh Sáu Tòng (Nguyễn Văn Tòng), Cục phó Cục Chính trị gọi tôi lên bảo thảo ngay Thông cáo của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới ánh điện, tôi viết đến đâu, anh Sáu Tòng sửa ngay đến đó, đưa lên Bộ Chỉ huy chiến dịch thông qua và chuyển ngay qua đài Giải phóng để phát. Sau này tôi mới biết đây là Thông cáo của Bộ Chỉ huy chiến dịch nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận tấn công vào hang ổ cuối cùng của Mỹ - ngụy ở trung tâm Sài Gòn.

        Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại Sở chỉ huy tiền phương Bộ Chỉ huy chiến dịch, cái đài tôi mang bên hông phát tin Tổng thống nguy Dương Văn Minh đề nghị bàn giao chính quyền. Cùng lúc đó, tôi thấy một cán bộ đặt một cái đài khác trên bàn của Bộ Chỉ huy chiến dịch đang phát tin ấy. Đồng chí Bảy Hồng (Phạm Hùng), Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch đứng dậy và nói to: “Không có bàn giao gì cả, chỉ có đầu hàng vô điều kiện, điện ngay cho các cánh tiếp tục chiên đấu cho đên lúc đich đầu hàng”.

        Ngày 1 tháng 5 năm 1975, tại Sở chỉ huy tiền phương Bộ Chỉ huy chiến dịch, cán bộ phục vụ được Bộ Chỉ huy chiêu đãi một tiệc nhẹ. Tôi nhớ chỉ có rượu bia. Vinh dự cho tôi được cụng ly với Chính ủy Phạm Hùng, được đồng chí bảo vệ chụp hình, nhưng tiếc rằng không nhận được. Dù sao đây cũng là một kỷ niệm không thể nào quên về ngày toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 09:03:12 pm »

        
VỀ CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

BÙI ĐÌNH BẢNG      

        Sau khi tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, tôi được rút về học khóa đào tạo cán bộ chính trị trung cấp tại Trường trung, sơ H12. Nhà trường bấy giờ đặt ở một khu rừng rậm phía bắc tỉnh Tây Ninh, bên cạnh sông Vàm Cỏ, vùng Lò Gò, Xóm Giữa, giáp biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Kết thúc khóa học tưởng rằng được trở lại đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu; phần đông anh em cùng khóa học gấp rút chuẩn bị quân tư trang để trở lại đơn vị. Mỗi người một nơi, khắp các chiến trường, các tỉnh. Riêng bốn anh em tôi: Bảng, Thanh, Toan quê Thái Bình, anh Châu quê Hải Dương được Ban lãnh đạo nhà trường giữ lại và trao quyết định về nhận công tác tại Cục Chính trị Bộ Chỉ huy Miền. Nhận quyết định, ngay ngày hôm sau bốn anh em ba lô trên vai đi bộ theo dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia về căn cứ Rừng Le gần Cà Tum, nơi đây là trạm đón tiếp của Bộ Chỉ huy Miền, cũng nằm sát biên giới. Thời gian này, chiến trường miền Nam nhất là Miền Đông Nam Bộ, bắc Sài Gòn rất ác liệt Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ - ngụy liên tục nống ra càn quét, đánh phá vùng căn cứ Tây Ninh, đến sát biên giới. Chúng rải chất độc hóa học, dùng bom phát quang và bom xăng đốt trơ trụi cây rừng, phá căn cứ và kho tàng của ta. Căn cứ Cục Chính trị Bộ Chỉ huy Miền lúc này phải chuyển về khu vực Suối Đá Bằng, vùng Móc Câu, Mỏ Vẹt. Chờ đợi ngoài trạm khách vài ngày sau tôi được bổ sung vào công tác ở Phòng Chính sách của Cục. Phòng Chính sách cũng mới được tách ra từ Phòng Tổ chức theo nhu cầu phát triển của chiến trường, nên cũng còn nhiều khó khăn. Cả phòng chỉ có hơn chục cán bộ, được chia làm hai ban: ban theo dõi công tác thương binh hệt sĩ, gọi tắt là Ban Thương binh; ban theo dõi công tác khen thưởng gọi là Ban Khen thưởng. Bếp ăn có một nuôi quân, một quản lý. Có một tiểu đội vệ binh vừa làm công tác bảo vệ vừa phục vụ. Trưởng phòng là anh Mười Hưng; anh Tám Hưng, Trưởng ban Khen thưởng; cán bộ theo dõi khen thưởng có anh Ba Cởi Phạm Lam; tôi và anh Võ Thành Đô. Cứ mỗi đợt mở chiến dịch hầu hết số cán bộ đều xuống đơn vị, đi theo các mũi các hướng để nắm tình hình, đôn đốc việc chấp hành chính sách thương binh, liệt sĩ và khen thưởng.

        Lương thực, thực phẩm thời kỳ này toàn Miền gặp không ít khó khăn. Cuối năm 1968, cả năm 1969 sang đầu năm 1970, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng, tăng cường xe tăng, pháo binh, không quân kết hợp với bộ binh nống ra càn quét, phản kích quyết liệt, lập thành vành đai trắng để bảo vệ Sài Gòn, cắt đứt nguồn tiếp tế của ta từ đồng bằng lên, từ Tây Nguyên vào và các cửa khẩu ven biên giới Cam-pu-chia sang. Cơ quan của Miền cũng chung cảnh mua được gì cấp nấy, mua được bao nhiêu cấp bấy nhiêu, lương thực thiếu phải ăn độn đủ thứ. Nhớ lại có thời kỳ ăn toàn đậu xanh, trong bữa ăn có giá đậu xanh, chả rán đậu xanh, canh hầm đậu xanh, cơm cũng nấu bằng đậu xanh, đến bừa xuống nhà ăn, mùi đậu xanh bốc hơi nồng nặc đã thấy rùng mình. Khổ nhất là những anh sốt rét, ngửi mùi đậu xanh càng sợ. Thực phẩm trong bữa ăn chủ yếu là tự túc bằng đủ mọi cách, săn bắn, đánh lưới, câu cá, sản xuất rau xanh, lấy măng rừng để cải thiện và duy trì đời sống cho cơ quan. Cứ như vậy, ngày làm việc, đêm đi kiếm ăn, cán bộ và chiến sĩ đều phải thay nhau làm. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, gian khổ cũng nhiều, đi chiến trường chiến đấu ác liệt, bệnh sốt rét có cơ hội hoành hành. Anh em thường nói vui "ai chưa sốt rét thì chưa phải là Quân Giải phóng". Vì vậy sốt rét rừng bình thường như cơm bữa không ai thoát khỏi. Đang ngồi làm việc, ngáp vài cái, thế là cơn sốt rét từ đâu kéo đến đùng đùng, rét run cầm cập rồi lại nóng, nóng như có lửa đốt, ít phút sau cắt cơn sốt lại vào bàn làm việc tiếp. Cuộc sống và công tác thời chiến là như vậy, không có ai kêu ca phàn nàn gì. Cuộc sống vẫn vui tươi đầy tự hào và tin tưởng. Cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan hội tụ đủ các miền Bắc - Trung - Nam, đủ mọi lứa tuổi, già có, trẻ có nhưng sống chan hòa như anh em một nhà, vui buồn no đói có nhau.

        Gần bảy năm sống và công tác ở Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam, trong chiến tranh ác liệt, bao ký ức, bao kỷ niệm mang theo suốt cuộc đời tôi.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM