Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:10:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời ở cục chính trị QGPMN (B2)  (Đọc 14531 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:11:58 pm »


        Anh Công chuẩn bị khá công phu và chu đáo. Trên chiếc bàn ken bằng những cây gỗ nhỏ ở trong rừng, anh ngồi phân tích và giải thích cho tôi những điểm then chốt, những vấn đề cần lưu ý nhấn mạnh. Tôi hỏi anh những điều chưa nắm chắc và bổ sung một số nội dung, chủ yếu là phần phương hướng. Tôi trao đổi với anh cả phương pháp tổ chức một cuộc họp chi bộ như thế nào cho đúng nguyên tắc. Anh ân cần hướng dẫn tôi chu đáo.

        Trong cuộc đời chiến đấu của tôi đã gặp biết bao đồng đội dìu dắt, giúp đỡ và chỉ bảo... Anh Huỳnh Chiến Công cũng là một trong những người làm tôi nhớ suốt đời. Mặc dù là cán bộ chính trị trước tôi, lại là người cũ của đơn vị, nhưng ảnh không bao giờ tỏ ra kèn cựa, hoặc ý này, ý khác. Ngược lại, ảnh giúp đỡ tôi như người anh. Thực tình bài học làm cán bộ chính trị của tôi một phần là ở nơi ảnh. Ảnh có cái đầu trọi láng. Những khi hành quân, nóng quá ảnh lật cái nón tai bèo ra, anh em vội bẻ cành cây che lấy cái đầu nhẵn bóng của anh, rồi bảo: "ông định làm mục tiêu cho máy bay nó ném bom à?”

        Thế rồi trong một khu rừng hoang mạc, rộn tiếng chim và ngát hương hoa dại, các đảng viên của chi bộ kê dép, hoặc gốc cây ngồi bên một chiếc bàn để sinh hoạt. Lần đầu tiên trong đời, Ở cương vị bí thư chi bộ tôi điều khiển cuộc họp. Chu cha, sao hồi hộp quá trời. Tim tôi đập chả khác gì khi bước vào trận đánh đầu tiên ở Sở cao su Đất Thịt, xã An Nhơn, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định. Anh Công khích lệ tôi bằng ánh mắt nhìn tin tưởng. Tôi cũng lấy lại bình tĩnh bằng cái xoay người cho ngay ngắn trên chiếc ghế ghép bằng hai ây gỗ và "mở màn" "vào trận". Lúc đầu tôi còn bám sát vă bản chuẩn bị, nhưng sau càng nói càng hăng, lại còn dừ lại nhấn mạnh, phân tích những chỗ quan trọng (sau này khi làm cán bộ chính trị lâu năm, nghĩ lại cái buổi đầu tiên điều khiển họp chi bộ này, mới hiểu cùng với sự trưởng thành của quân đội, bản thân mình cũng được trưởng thành).

        Cuộc họp chi bộ lần đầu tiên do tôi điều khiển thành công. Tôi không bao giờ quên được những ý kiến đóng góp, bổ sung và phân tích của đại đội trưởng, của chính trị viên phó đại đội Huỳnh Chiến Công và các đảng viên trong chi bộ. Bài học đầu tiên tôi nhận thức được là dự thảo nghị quyết mới chỉ là những nét chính mang tính chất chủ quan của người bí thư. Sau khi được chi bộ đóng góp, bổ sung bản nghị quyết mới hoàn chỉnh đầy đủ và sâu sắc. Nó như một bản tổng hợp trí tuệ, sự hiến kế của tập thể. Mà cũng chính vì vậy nghị quyết trở thành sản phẩm của tập thể, ai cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc đưa nghị quyết trở thành hiện thực.

        Sau này khi đã trải qua và hoàn thành các cương vị lớn hơn nhưng trong tâm trí tôi không bao giờ quên được đại đội 6 tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1, nơi bắt đầu sự nghiệp làm công tác đảng, công tác chính trị của tôi; đó cũng chính là nơi dạy tôi những bài học đầu tiên của người cán bộ chính trị quân đội. Ở đó, lời anh Ba Chắn, Chính ủy trung đoàn vẫn là hành trang giúp tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ: "Việc gì cũng thế, trước chưa biết làm, nhưng vừa học, vừa làm, rồi sẽ làm được hết". Cũng từ bài học đó tôi thấm thía một điều: Công tác đảng, công tác chính trị là công tác của mọi cán bộ đảng viên, ít nhất cũng ở cương vị mình phụ trách. Ai là đảng viên, sĩ quan đều phải có ý thức làm công tác đảng, công tác chính trị, dù chưa được giao nhiệm vụ chuyên trách. Nếu đã có ý thức đó thì không có việc gì khó cả. Đó cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng tư tưởng chính trị trong quân đội.

        Mỗi lần về thăm quê hương, tôi không khỏi bồi hồi xúc động, lặng người trước hàng dừa xanh nghiêng mình soi bóng những hình ảnh cô Ba, hình ảnh những người dân Phong Mỹ tần tảo sớm khuya, vươn lên trong bão táp cách mạng giữ cho mảnh đất quê hương bình yên hạnh phúc... Quê hương nghĩa nặng tình sâu chính là điểm tựa, là dòng máu, nguồn động lực giúp trái tim tôi ủ nóng tình yêu quê hương đất nước; giúp tôi cùng đồng đội vững bước trên con đường cách mạng. Kỷ niệm xưa không bao giờ phai nhạt như bản tỉnh ca quê hương luôn vang lên trong tim tôi: "Ai đứng như bóng dừa. Tóc dài bay trong gió".

Nhà văn BÙI THANH MINH ghi       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:13:46 pm »

       
NHỮNG CUỘC ĐỌ SỨC LỚN NHẤT Ở MIỀN NAM

VĂN PHÁC       

        Đầu năm 1965, tôi vào tới chiến trường B2 Nam Bộ giữa lúc Bộ Tư lệnh miền Nam và các cơ quan đang bị cuốn hút theo bước phát triển mới sau chiến thắng vang dội "Bình Giã". Vừa đặt chiếc "ba lô con.cóc" xuống, ngay hôm sau tôi được dự cuộc họp mở rộng của Bộ Tư lệnh Miền với các đồng chí phụ trách các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và một số cán bộ trung, cao cấp từ A (miền Bắc) vừa được bổ sung về. Tôi được anh Hai Chân (Lê Văn Tưởng) dẫn tới hội trường bằng xe đạp theo đường mòn. Sắp Tết rồi, đi tới đâu cũng gặp mai vàng nở rộ. Tôi thật không ngờ rừng Nam Bộ lại bằng phẳng, lại đẹp như vậy và càng lạ mắt khi tới hội trường đồng thời là Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Miền. Đó là một ngôi nhà lớn làm bằng cây rừng, mái cũng lợp bằng một loại lá rừng rất dày, đốt không cháy, chống được bom na-pan được bộ đội đặt tên là "lá trung quân". Bàn ghế cũng toàn bằng những thân cây ghép lại. Bốn xung quanh không có vách, rất thoáng đãng với những tấm bản đồ chiến sự cỡ lớn treo trên dây. Ngoài ra là hàng dãy những chiếc điện thoại màu đen nằm trên những cái giá cũng bằng thân cây đặt ở một góc hội trường.

        Đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cái tên mới là anh Sáu Di chủ trì cuộc họp. Đồng chí nêu ra hai vấn đề lớn nhất để mọi người góp ý kiến với Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền.

        Một là: Chủ lực ta đã thắng ngụy keo đầu, vậy làm cách nào chồm lên đánh quy hẳn quân chủ lực ngụy.

        Hai là: Quân xâm lược Mỹ đã vào, ta làm cách nào nắm vững quyền chủ động trên chiến trường để đánh thắng cả ngụy, đánh thắng cả Mỹ. Đồng chí vui vẻ nói thêm: Đó là những vấn đề rất mới, rất khó đấy các đồng chí ạ? Nhưng dù khó mấy chúng ta cũng phải tìm mọi cách làm bằng được, chứ sao?...

        Câu nói đúng lúc hun nóng mọi người. Tư lệnh Trần Văn Trà (tên thường gọi là anh Tư Chi) khơi mào tiếp: "Đúng là ta mới thắng ngụy keo đầu, nói cụ thể hơn là ta mới diệt được chiến đoàn ngụy (đơn vị chiến thuật của nguy cỡ tiểu đoàn) ngoài công sự. Nay phải thừa thắng xông lên, phải làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường có lợi cho ta. Vì vậy tôi đề nghị ta không chủ quan, phải chuẩn bị kỹ, mạnh dạn tập trung lực lượng diệt cho được tiểu đoàn ngụy trong công sự vững chắc thì quân ngụy sẽ mất hết chỗ dựa về chiến thuật. Các đồn, bốt khác của ngụy trên toàn chiến trường rung động hết. Ta càng có điều kiện thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích, chống phá bình định của địch, mở rộng vùng giải phóng. Tới lúc đó Mỹ vào tới đây ta càng rảnh tay đọ sức với Mỹ.

        Những ý kiến khêu gợi của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Văn Trà như một luồng gió khua động cả khu rừng. Cuộc thảo luận bùng nổ tức thì. Nhiều người tán thành mở ngay chiến dịch. Nhưng có một số ý kiến lại bác bỏ thẳng thừng, cho rằng chủ lực ta còn mỏng, sử dụng phải thận trọng, lúc này dùng chủ lực đánh vào công sự vững chắc là phiêu lưu, khéo mất cả chì lẫn chài? Lại có ý kiến muốn chủ lực của Miền phải tập trung vào tập luyện, chuẩn bị đương đầu với Mỹ vì đối tượng tác chiến chính của ta là Mỹ rồi. Lời qua tiếng lại rất rôm rả, đôi lúc còn bốp chát, gay gắt. Bộ Tư lệnh phải dừng lại hội ý. Lúc sau họp lại, tất cả đều nhất trí với kết luận của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là phải mở chiến dịch tiếp tục, giáng cho quân ngụy những đòn đau hơn, kinh hoàng hơn chiến dịch Bình Giã làm cho chúng đã khốn đốn càng thêm khốn đốn.

        Sau một hồi bàn cãi tiếp về phương án chiến dịch c thể, mọi người nhất trí với Bộ Tư lệnh Miền trình với Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục cho mở chiến dịch "Đồng Xoài" là đúng với ý chí và ý nguyện của mọi người. Đồng Xoài là một chi khu quân sự của nguy thuộc tỉnh Phước Long, là một cứ điểm trọng yếu trong hệ thống phòng thủ từ xa của ngụy Ở phía bắc Sài Gòn, nằm trên trục đường 14, chạy thẳng tới Tây Nguyên thông ra hậu  phương lớn. Địch bố trí ở chi khu quân sự Đồng Xoài một lực lượng rất mạnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:16:11 pm »

        Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh thêm: Đây là chiến dịch lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta chọi nhau với chủ lực của ngụy. Đây cũng vừa là một trận công kiên lớn đầu tiên ta đánh địch trong công sự vững chắc (cỡ tiểu đoàn tăng cường) vừa bố trí diệt viện của địch trên đường 14. Đánh thắng chiến dịch này là ta bắn một mũi tên trúng hai đích: vừa là diệt ngụy, vừa là dằn mặt quân viễn chinh Mỹ. Vì vậy ta phải tập trung cao độ về lãnh đạo, chỉ đạo, về vật chất, tinh thần tư tưởng quyết tâm đánh thắng giòn giã chiến dịch này.

        Còn vấn đề thứ hai, chuẩn bị đánh Mỹ, thắng Mỹ thế nào? Mọi người cũng nhất trí với đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Bộ Tư lệnh Miền và các cơ quan cần chuẩn bị kỹ thêm, sẽ thảo luận sâu sắc và cụ thể vào một buổi khác. Bây giờ hãy lo cho chiến dịch này đã? Ngay sau đó một ban chỉ huy chiến dịch được thành lập gồm các vị tướng đánh công kiên giỏi thời chống Pháp: Đồng chí Lê Trọng Tấn (Ba Long), Tư lệnh phó Miền làm chỉ huy trưởng chiến dịch. Đồng chí Trần Độ (Chín Vinh), chính ủy. Đồng chí Hoàng Cầm (Năm Thạch), chỉ huy phó kiêm tham mưu trưởng chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà), Tư lệnh Khu 6, chỉ huy phó chiến dịch. Đồng chí Lê Văn Tưởng (Hai Chân), chủ nhiệm chính trị chiến dịch. Tôi được đồng chí Nguyễn Chí Thanh phân công theo dõi sát quá trình diễn biến của chiến dịch.

        Theo đúng kế hoạch, đêm 10 rạng ngày 11 tháng 5 năm 1965 chiến dịch Sông Bé - Phước Long mở màn (sau gọi là chiến dịch Đồng Xoài). Để bảo đảm chắc thắng, chiến dịch chia làm 2 đợt.

        Đợt 1, Ban chỉ huy chiến dịch dùng Trung đoàn 2 của Miền tấn công chi khu quân sự Phước Bình ở nam thị xã, nhằm ngay từ đầu cô lập bọn địch trong thị xã Phước Long. Do được chuẩn bị kỹ nên trận đánh diễn ra nhanh, gọn, tiêu diệt và làm chủ chi khu, diệt và bắt trên 100 tên địch.

        Đợt 2, bắt đầu từ ngày 9 tháng 6 năm 1965 với trận đánh then chốt là tiêu diệt và chiếm giữ cứ điểm Đồng Xoài. Cứ điểm Đồng Xoài được ngụy xây dựng rất kiên cố, vững chắc và do một lực lượng mạnh đóng giữ mà dân địa phương gọi là bọn "râu kẽm" dữ dằn lắm, lại có thêm 2 chi đội cơ giới, 2 khẩu pháo 105 ly yểm trợ.

        Trận đánh diễn ra ác liệt hơn nhiều trận đánh Phước Bình, kéo dài suốt từ đêm, qua ngày mãi chiều ngày 10 tháng 6 năm 1965 mới tiêu diệt hoàn toàn quân địch trong công sự. Ngày hôm sau, địch đổ quân tiếp viện cách Đồng Xoài 3km. Trung đoàn 1 Quân giải phóng phục sẵn, diệt gọn tiểu đoàn 1 trung đoàn 7 ngụy, bắt 87 tên. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, vượt yêu cầu. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Văn Trà có cơ sở để nhận định rằng: Trong chiến dịch Đồng Xoài chủ lực Quân giải phóng đã có bước trưởng thành về đánh công kiên, đã tiêu diệt đơn vị tiểu đoàn ngụy trong công sự vững chắc, mở ra khả năng mới là chủ lực ta có thể tiêu diệt được bất kể căn cứ chi khu nào khác ở chiến trường Nam Bộ, đánh dấu sự sụp đổ của chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam.

        Chiến dịch Đồng Xoài vừa chấm dứt, mọi người chưa kịp xả hơi đã phải tập trung ngay vào việc đối phó với quân Mỹ ùn ùn đổ vào miền Nam. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh bận làm việc tối ngày với các cơ quan và đơn vị chiến đấu. Ngoài ra đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Trần Văn Trà, đồng chí Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định còn cùng một số cán bộ chia nhau xuống tận đơn vị cơ sở và địa phương. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dành nhiều thời gian trò chuyện cởi mở với cán bộ và chiến sĩ ở nhiều đơn vị chủ lực, nghe anh em nói đánh Mỹ khác với đánh ngụy thế nào? Đồng chí Trần Văn Trà xuống sát vùng ven đô, gần những vùng đóng quân của Mỹ tìm hiểu kỹ những cuộc hành quân của địch và kinh nghiệm đối phó của địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Định đi bàn bạc với Tây Ninh, với Đặc khu Sài Gòn về chuẩn bị lực lượng các đoàn thể tiến hành đấu tranh chính trị trực tiếp của quần chúng với quân đội Mỹ. Qua những cuộc tiếp xúc sâu sát của các đồng chí lãnh đạo ở các đơn vị cơ sở và địa phương đều thấy nổi lên một số băn khoăn thắc mắc mới: Cấp ủy và nhân dân lo là ta đã thắng ngụy rồi, vậy có thắng được Mỹ không? Ta với Mỹ ngôn ngữ bất đồng vậy đấu tranh chính trị với Mỹ thế nào? Cán bộ và chiến sĩ đều hỏi ta đánh bằng cách nào để thắng Mỹ? Đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn nhắc mọi người, những thắc mắc đó là tất nhiên. Lúc này không có thắc mắc gì mới lạ! Nhưng lúc này không đợi giải quyết xong hết thắc mắc mới đánh. Phải khẩn trương lên, phải chuẩn bị kỹ về mọi mặt, phải vừa chạy vừa xếp hàng mới kịp đối phó với những cuộc hành quân lớn của Mỹ. Và ngay trong thời gian ta đang mở chiến dịch Đồng Xoài, Bộ Tư lệnh Miền đã nhận được tin mật là Ca-bốt Lốt, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã hộc tốc bay về Mỹ cấp báo tình hình nghiêm trọng ở miền Nam và xin viện trợ đột xuất. Cùng lúc đó, tướng Oét-mo-rơ-len, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam cũng lớn tiếng đòi tăng quân để có đủ nhiều điều kiện thắng bằng sức mạnh quân sự của Mỹ Ở miền Nam. Lúc này ở Mỹ, nội bộ giới cầm quyền chia làm hai phái: phái diều hâu và phái bồ câu! Phái diều hâu gồm những tướng lĩnh, những chính khách Mỹ bảo thủ hiếu chiến, tiêu biểu là Oét-mo-rơ-len. Tướng Oét và Tồng thống Giôn-xơn là cùng một giuộc. Nên chỉ sau chiến dịch Bình Giã kết thúc 1 ngày, ngày 9 tháng 3 năm 1965 Giôn-xơn quyết định điều 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ Ô-ki-na-oa (Nhật) vội vã đổ lên Đà Nẵng. Tiếp đó, tới ngày 1 tháng 4 năm 1965 Giôn-xơn họp Hội đồng.an ninh quốc gia quyết định 9 điểm trong đó chấp nhận đề nghị của tướng Oét tăng lực lượng chiến đấu của Mỹ vào miền Nam, tạo điều kiện cho Oét dùng sức mạnh quân sự đánh bại Quân giải phóng miền Nam trong một thời gian ngắn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:17:53 pm »

        Vì vậy đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Văn Trà thường nhắc chúng tôi phải theo dõi sát mọi động thái quân sự của Mỹ ở nước Mỹ và ở chiến trường để Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền có chủ trương và biện pháp đối phó kịp thời. Trong việc này, cơ sở mật của ta nằm tận cơ quan chóp bu ngụy quyền Sài Gòn đã phục vụ rất kịp thời và có hiệu quả. Toàn bộ kế hoạch chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam do tướng Oét vạch ra, vừa ráo mực, đã có ở Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền; trong đó, Oét đã vạch ra kế hoạch chiến lược 3 giai đoạn để mưu tìm chiến thắng. Mỗi giai đoạn đặt rõ trọng tâm trọng điểm:

        Giai đoạn l: Từ giữa đến cuối năm 1965, Mỹ đặt trọng tâm vào việc triển khai quân và chuẩn bị kế hoạch phản công quân sự trên các hướng và trọng điểm là miền Đông Nam Bộ và Khu 5.

        Giai đoạn 2: Vào mùa khô 1966-1967, Mỹ sẽ mở các cuộc phản công quân sự để giành lại quyền chủ động đã bị mất về tay Việt cộng, đồng thời tiến hành bình định.

        Giai đoạn 3: Từ giữa đến cuối 1967, quân Mỹ hoàn thành việc tiêu diệt Quân giải phóng và căn cứ kháng chiến của ta. Mỹ bắt đầu rút quân giao cho ngụy truy quét nốt Việt cộng và bình định.

        Kế hoạch của tướng Oét được phe hiếu chiến cho là hoàn hảo và khen tướng Oét hết lời; vì không có ai trong bọn họ dám cả quyết với vài ba cuộc phản công lớn trong hai năm mà trọng điểm là cuộc phản công mùa khô 1966-1967, Mỹ sẽ giải quyết xong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam.

        Được tin này, Bộ Tư lệnh Miền họp bàn rất kỹ, sau đó đồng chí Trần Văn Trà điện báo cáo ngay với Trung ương Cục và Quân ủy Trung ương xin mở Hội nghị Quân ủy Miền mở rộng để ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn chiến lược mới.

        Để bảo đảm bí mật căn cứ của Miền, Bộ Tư lệnh chỉ đạo mở Hội nghị ở rẫy sản xuất của các cơ quan tại một vùng giáp biên giới Cam-pu-chia. Ở đây có cả ruộng, rẫy của dân, rải rác ở ven rừng. Các đại biểu được giao liên đưa đến vào ban đêm, sáng ra đã vào gọn cả trong rừng. Chỗ họp là một căn nhà nhỏ để anh chị em các cơ quan đến phiên ra làm rẫy có chỗ ăn nghỉ. Hội nghị hoàn toàn không dùng bàn ghế, mà ngồi võng. Mỗi người một võng, trong nhà và những cây rừng xung quanh nhà không thiếu chỗ mắc võng. Chỉ cần hai cái cọc là xong, các đại biểu họp ở võng, ngủ luôn ở võng rất thuận tiện, chẳng phải giường, chiếu thêm lỉnh kỉnh. Đây cũng là cái nếp sinh hoạt trong thời chiến ở rừng miền Nam. Ai đi chiến đấu đi công tác, đi đâu cũng đều có cái võng bên mình. Các đại biểu nói vui là Tổng thống Mỹ thì họp Hội đồng an ninh quốc gia Ở bang Tếch-dát để bàn chiến lược xâm lược miền Nam, còn cụ Sáu Di (đồng chí Nguyễn Chí Thanh) thì mở Hội nghị quân sự cấp cao toàn Miền ở "bang rẫy" bằng võng để quyết đập tan xác quân xâm lược Mỹ, lịch sử lắm.

        Trong hội nghị những vấn đề nóng bỏng về địch, về ta đều được Bộ Tư lệnh nêu rõ để hội nghị đi tới thống nhất một ý chí đánh Mỹ. Cuộc bàn cãi về địch lần này sôi động ngay từ đầu xoay quanh vấn đề: "Ta đánh Mỹ khác đánh ngụy thế nào? Và ta đánh bằng cách nào để thắng Mỹ?".

        Những cánh võng đều đụng đậy vì các đại biểu đều nhấp nhổm muốn nói: Cái khác của Mỹ thì dễ nhận thấy, ai cũng nói được. Còn một vấn đề rất mới và rất lớn mà cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đều thắc mắc là: "Ta đánh Mỹ bằng cách nào để thắng được Mỹ" thì nhiều đại biểu còn ngắc ngứ, có ý chờ "bí quyết" của trên! Tuy nhiên trong đánh giá về địch nảy ra ý kiến khác nhau về đánh giá bộ binh Mỹ. Một số đồng chí chỉ huy chưa chạm trán với Mỹ thì phản ánh chiến sĩ ta có hai cái ớn: Một là ớn bom đạn ác liệt hơn, hai là ớn lính Mỹ to con hơn, chiến sĩ ta khó hạ gục nó khi đánh giáp lá cà. Thắc mắc này được các đồng chí đã đọ súng trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ cung cấp nhiều kinh nghiệm sốt dẻo. Các đại biểu này khẳng định bọn lính Mỹ chỉ dềnh dàng to xác thế thôi, nhưng khi đụng trận với ta nặng về chúi đầu trong công sự bắn bừa bãi và kêu cứu ỏm tỏi, không có yểm trợ của phi pháo là tháo chạy nhanh lắm!

        Còn một kinh nghiệm nóng hổi nữa cũng được hội nghị rất chú ý, là khi ta đã đụng quân Mỹ rồi thì phải sáp ngay vô mà đánh quyết liệt, đánh giáp lá cà với nó là chắc ăn. Chớ để có khoảng phân cách giữa Mỹ và mình thì chỉ tổ xơi bom đạn của nó, dễ toi mạng lắm? Vì vậy chỉ cần trên cho thêm lực lượng, cho thêm súng bén thì bộ đội ta bảo đảm đánh thắng bộ binh Mỹ!

        Trước khi thông qua Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn chiến lược mới, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thay mặt Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền tóm tắt và kết luận hội nghị. Đồng chí hoan nghênh những đóng góp tích cực của các đại biểu, nhờ trí tuệ tập thể đã giải quyết được nhiều vấn đề. Nhưng còn một vấn đề chúng ta còn mắc nợ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về thắc mắc "Ta đánh Mỹ bằng cách nào để thắng được Mỹ" thì chúng ta còn "cà lăm"1 chưa trả lời được rành mạch, dứt khoát, tuy đã có một số kinh nghiệm đánh Mỹ sốt dẻo ban đầu rất đáng quý. Rồi đồng chí cất giọng nói to hơn là muốn đánh cách gì thì cách, tôi đề nghị việc quan trọng bậc nhất lúc này chưa phải là cách đánh gì, mà phải làm cho tất cả mọi người, mọi cấp, kể cả trong quân đội và ngoài nhân dân đều không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ đã! Làm cho mọi người đều thấy lính Mỹ to nhưng không to gan bằng bộ đội ta, cổ vũ mọi người hãy làm theo kinh nghiệm sốt dẻo của những đơn vị đã đọ súng với Mỹ. Đơn vị nào, địa phương nào, cá nhân nào có gan dám đánh Mỹ, không sợ Mỹ cứ sáp vô mà đánh, bám thắt lưng Mỹ mà đánh sẽ tìm ra cách đánh Mỹ tốt nhất, có hiệu quả nhất!

------------------
1. "Cà lăm" là nói lắp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:18:44 pm »

        Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng nhất trí phải khẩn trương xây dựng lực lượng gồm ba thứ quân. Cả chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải phát triển cả về số lượng và chất lượng. Riêng bộ đội chủ lực ở miền Đông, một mình Sư đoàn 9 chưa đủ mà phải khẩn trương xây dựng thêm 1, 2 sư đoàn nữa. Quả đấm chủ lực phải mạnh hơn mới đủ sức chống chọi lại các cuộc phản công lớn của địch, trước mắt là mùa khô 1965-1966.

        Ngay trong hội nghị này Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền phát động phong trào thi đua mới "Tìm Mỹ mà đánh, thấy nguy là diệt". Chính câu nói "Bám thắt Iưng Mỹ mà đánh" của đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ đây đã trở thành khẩu hiệu hành động rất phổ biến trong phong trào thi đua quyết thắng của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.

        Cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất mùa khô 1965-1966 của quân viễn chinh Mỹ nổ ra đúng như Bộ Tư lệnh Miền đã nắm được trước, cuộc hành quân được gọi là cuộc hành quân "tìm và diệt" với mục tiêu là tìm diệt một bộ phận chủ lực Quân giải phóng mà họ nói bằng hình tượng là "bẻ gãy xương sống của Việt cộng".

        Mục tiêu quan trọng khác là "tìm và diệt" cơ quan đầu não của Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, phá nát căn cứ địa đạo kháng chiến Củ Chi, cùng lúc bình định vành đai, để bảo đảm an toàn cho sào huyệt của chúng ở Sài Gòn.

        Để chắc ăn, trong cuộc hành quân này, Mỹ dùng lực lượng quân viễn chinh Mỹ là chính gồm toàn bộ Sư đoàn 1 "Anh cả đỏ", toàn bộ trung đoàn xe tăng và xe bọc thép khoảng 600 chiếc với 100 khẩu pháo hạng nặng yểm trợ ngày đêm. Cuộc hành quân tập trung vào sáu xã vùng Củ Chi - Bến Cát mà Mỹ gọi là vùng "tam giác sắt".

        Mở đầu, Mỹ ra oai bằng bom, đạn của phi pháo. Trên một diện tích khoảng 70km2, quân và dân sáu xã Củ Chi và vùng Hố Bò huyện Bến Cát phải hứng chịu mỗi ngày khoảng 5.000 trái, làm nhà cửa của nhân dân bị đổ nát tanh bành, hàng nghìn héc-ta ruộng lúa và vườn cây của đồng bào bị hủy hoại. Sau đó Sư đoàn 1 "Anh cả đỏ" chia thành mấy cánh quân núp sau xe tăng bung ra lùng sục tưởng như chúng sắp "ăn gỏi" Đặc khu Sài Gòn - Gia Định đến nơi. Nhưng vùng "đất thép" Củ Chi đâu phải là nơi dễ tung hoành của bọn "Anh cả đỏ". Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Quân và dân Sài Gòn đã phòng bị, sẵn sàng đương đầu với từng cánh quân của Mỹ.

        Cánh quân đi "tìm và diệt" Sư đoàn 9, có phát hiện ra mấy chỗ khả nghi nhưng đều vồ hụt. Mặc dù 1 trung đoàn của Sư đoàn 9 được cử đến phốì hợp với quân và dân Sài Gòn vẫn ở quanh đấy, nhưng đơn vị này không dùng cách đánh chọi trâu với bọn "Anh cả đỏ" mà thu mình giấu quân, ém kỹ một nơi, chuẩn bị sẵn sàng bất thình lình áp vào tập kích quyết liệt làm địch không kịp trở tay. Đánh xong, quân lại rút nhanh về giấu quân, ém kỹ một nơi, rồi lại chờ thờ cơ đánh tiếp. Cánh quân Mỹ đi phá đường hầm địa đạo thì lùng sục đào bới hoài không tìm ra một cửa hầm, một bóng du kích nào. Ngày thì im ắng vậy, nhưng đêm đến là nỗi kinh hoàng cho địch. Chỗ nào có quân Mỹ là có tiếng súng nổ, những chiến sĩ bắn tỉa thoắt hiện, thoắt ẩn vào đường hầm làm cho bọn Mỹ nơm nớp rất sợ bị bắn tỉa.

        Còn cánh quân Mỹ đi hỗ trợ bình định thì vấp phải cuộc đấu tranh chính trị trực diện của đạo quân tóc dài. Các mẹ, các chị tay trong tay kéo ra đường ngang nhiên cản xe bọc thép, giơ cao các khẩu hiệu tiếng Anh đòi Mỹ chấm dứt càn quét, chấm dứt ném bom, bắn pháo, hô hào lính Mỹ về nhà không gây tội ác với người Việt Nam.

        Lúc đầu lính Mỹ cũng hung hăng giơ súng hù dọa, các bà, các chị không sợ, không chịu lùi bước, quân Mỹ phải chịu không dám đàn áp nhân dân.

        Cuộc hành quân lớn đầu tiên của Mỹ tuy gây cho ta những thiệt hại, nhưng chẳng đạt được mục tiêu nào dù nhỏ. Quân dân Đặc khu Sài Gòn - Gia Định đã đập tan cuộc phản công lần thứ nhất của Mỹ ở trọng điểm miền Đông Nam Bộ. Và từ trong cuộc đọ sức lớn đầu tiên ở ngay cửa ngõ Sài Gòn, trong phong trào thi đua chung toàn miền Nam "Tìm Mỹ mà đánh, thấy ngụy là diệt", nổi lên một phong trào thi đua mới là thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", đã xuất hiện nhừng gương chiến đấu diệt Mỹ kiên cường, nổi bật là gương diệt Mỹ của xã đội trưởng du kích xã Đức Lập, huyện Củ Chi Phạm Văn Cội và toàn đội du kích của anh đã đeo bám địch, đêm nào cũng diệt được Mỹ, người nào cũng diệt được Mỹ, ai cũng quyết tâm giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", không ai sợ Mỹ cả!

        Trong tổng kết chiến dịch, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã rút ra 10 bài học đánh Mỹ rất nóng hổi là: Dám đánh Mỹ, không sợ Mỹ thì ai cũng có thể diệt được Mỹ; vũ khí gì cũng có thể diệt được Mỹ; ở đâu cũng đánh được Mỹ; đánh thắng được tất cả các binh chủng của Mỹ, bộ binh, xe tăng, máy bay, đại bác; đánh Mỹ bằng vũ trang, bằng chính trị, binh vận...

        Cuộc thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" đã nhanh chóng thành phong trào rộng lớn của toàn chiến trường miền Nam và câu nói nổi tiếng "Ra ngõ gặp anh hùng" cũng từ phong trào này mà ra...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:19:09 pm »

        Sau thất bại cuộc phản công lần thứ nhất (1965-1966), Đại sứ Ca-bốt Lất lại tất tả bay về Hoa Thịnh Đốn để bẩm báo khẩn cấp. Tướng Oét-mo-rơ-len lại rên rỉ đòi tăng quân, tăng phương tiện chiến tranh hòng tìm được chiến thắng bằng quân sự. Giới hiếu chiến ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vào hùa, gây áp lực trong chính phủ và quốc hội Mỹ. Giôn-xơn lại vội vã họp Hội đồng an ninh quốc gia quyết định cấp tốc tăng thêm quân vào miền Nam. Con số đầu tiên từ 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến đầu tháng 3 đoàn và những tuần sau, tháng sau còn nhiều tiểu đoàn, lữ đoàn Mỹ tiếp tục đổ vào thêm. Đi đôi với việc tăng quân, Mỹ cũng vội điều chỉnh cân đối về chiến lược. Chiến lược "tìm diệt" trong cuộc phản công lần thứ nhất được điều chỉnh thành chiến lược "hai gọng kìm", ở miền Nam là chiến lược "tìm diệt" và "bình định", ở miền Đông Nam Bộ là cuộc hành quân lớn nhất kể từ khi quân Mỹ đổ vào miền Nam. Mỹ đã tung vào cuộc hành quân này hầu như toàn bộ các sư đoàn bộ binh thiện chiến nhất, là Sư đoàn 1 "Anh cả đỏ", Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới", Lữ đoàn dù 173 tới 45.000 quân với toàn bộ Lữ đoàn thiết giáp 11 tới 3.000 chiếc, với 300 đại bác hạng nặng và 300 trực thăng. Không kể máy bay phản lực ở các sân bay miền Nam, cò những "thần sấm", "con ma" từ Hạm đội 7 và máy bay chiến lược B.52 từ đảo Gu-am vào rải thảm... Lực lượng lần này lớn gấp đôi, gấp ba so với cuộc phản công lần thứ nhất vào Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Vì vậy Mỹ cũng đặt ra những mục tiêu cao nhất cho cuộc hành quân này là: Tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng; tiêu diệt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy của Miền (bao gồm Trung ương Cục Miền, Bộ Tư lệnh Miền, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam), đồng thời đẩy mạnh bình định tranh thủ con tim khối óc của người dân...

        Cuộc hành quân này được giao cho tướng ba sao Soa- man chỉ huy, Soa-man vội đặt tên cho cuộc hành quân là "Gian-xơn Xi-ty". Gian-xơn Xi-ty chỉ là một thị trấn nhỏ Ở bang Ken-sas xa xôi chẳng có tiếng tăm gì, nhưng đó là nơi ở của vợ con ông ta! ông ta còn hy vọng chiến dịch này sẽ là một kỷ niệm khó quên cho vị danh tướng của nước Mỹ!

        Với những mục tiêu cực kỳ quan trọng của cuộc hành quân nên Mỹ đã triến khai từng bước rất thận trọng. Ngay từ đầu mùa khô, Mỹ đã cho máy bay rải chất độc làm chết cây, rụng lá khắp rừng miền Đông. Mỹ thả rất nhiều toán biệt kích thám báo để thăm dò. Căn cứ vào những động thái của địch trên chiến trường, lại được cơ sở mật của ta cung cấp toàn bộ kế hoạch cuộc hành quân của Mỹ đánh vào căn cứ địa của Miền, qua nghiên cứu, Bộ Tư lệnh Miền nhận định đây là một cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ và đây là một cuộc đọ sức lớn nhất giữa quân Mỹ Quân giải phóng miền Nam.

        Biết vậy rồi nhưng ta làm cách nào để đánh bại được địch. Ta lại đang có nhừng khó khăn không dễ khắc phục. Căn cứ của Miền rộng nhưng đều là rừng, hầu như không có dân, không có bộ đội địa phương và dân quân du kích. Lực lượng chủ lực nhìn đi nhìn lại chỉ có Sư đoàn 9 và Trung đoàn bảo vệ căn cứ. Vì vậy rất cần có thêm lực lượng để có bộ phận bám sát, cầm chân địch để Sư đoàn 9 rảnh tay đánh những trận then chốt, quyết định. Ta còn nắm chắc được con bài tủ của Mỹ trong cuộc phản công này, là dùng sức mạnh yểm trợ tối đa của pháo bầy, xe tăng bầy làm chỗ dựa cho bộ binh Mỹ. Cuộc hành quân Ất-tơn-bo-rơ của Mỹ vào chiến khu Dương Minh Châu cũ gần đây đã cho ta kinh nghiệm đó.

        Trong cái khó, ló cái khôn. Trước tình hình nóng bỏng tột độ ở chiến trường, Tư lệnh Trần Văn Trà đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh và các cơ quan tìm ra nhiều giải pháp mới rất sáng tạo. Ngoài việc điện xin Trung ương cho thêm lực lượng, nhất là cho thêm nhiều súng B.40, B.41 chống tăng và lệnh điều một vài trung đoàn ở quân khu lên, Bộ Tư lệnh Miền và cả Trung ương Cục tách hẳn ra một bộ phận nhỏ, di chuyển đến một nơi khác để bảo đảm lãnh đạo chung, bộ phận lớn ở lại bám trụ, tổ chức thành những huyện, những xã, những đơn vị chiến đấu hẳn hoi, lựa  chọn những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đã qua chiến đấu gia nhập vào những đội du kích và đặc biệt là lấy tự nguyện vào đội diệt xe tăng địch bằng súng B40, B41. Việc tổ chức này được tất cả các anh chị em kể cả bên cơ quan Trung ương Cục hưởng ứng nhiệt liệt. Chỉ một thời gian ngắn các huyện, các xã, các đội du kích đã được thành lập xong trong khắp căn cứ với những tên gọi gắn với những tên địa phương rất quen thuộc như huyện Rầm Đuông, Sóc Mới; huyện Suối Mây; huyện Xa Mát; huyện Lò Gò - Bến Rạ; huyện Xóm Giừa, huyện Châu Thành, huyện Cà Tum, huyện Sóc Ky, huyện Bà Chiêm, huyện Bà Hảo; huyện Tà Đạt... Huyện nào cũng tổ chức được những đội du kích mạnh đều đã kinh qua chiến đấu, đều xung phong tự nguyện và được tập trung rèn luyện đêm ngày. Từ lúc này, phong trào thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" từ Đặc khu Sài Gòn đã nổi lên trong khắp căn cứ của Miền. Ai cũng muốn ở lại, muốn được vào đội du kích được tham gia chiến đấu trong thời cơ diệt Mỹ hiếm có này. Một nữ Việt kiều yêu nước Ở Cam-pu-chia, xin mãi mới được về nhập ngũ, rất phấn khởi được phân về làm chị nuôi ở Cục Chính trị Miền đến lúc này cũng năn nỉ xin cho vào đội đu kích, không được cầm súng chiến đấu thì cho làm y tá; cứu thương cũng được, xong trận này lại về làm chị nuôi như cũ. Cháu gái Tường Anh, cô liên lạc viên 17 tuổi "bẻ gãy sừng trâư' mếu máo gặp tôi xin ở lại, xin nhận một khẩu B40, chứ không muốn theo chỉ huy sở cơ bản đến một nơi an toàn. Đây là một thành công lớn, như một phép lạ đặc biệt trong tổ chức chiến đấu của cơ quan "R" trong kháng chiến chống Mỹ, đã biến không thành có, biến ít thành nhiều, biến yếu thành mạnh.

        Mọi việc chuẩn bị đối phó của ta được triển khai rất khẩn trương, rất bí mật, địch không hay biết gì cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:20:38 pm »

        Trước ngày N, Mỹ dùng máy bay chiến lược B.52 từ đảo Gu-am bay vào ném bom rải thảm suốt đêm, từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Tiếp là những đợt máy bay phản lực "Thần sấm", "Con ma" từ Hạm đội 7 nối tiếp nhau nhào vô giội đủ các loại bom khoan, bom bi, bom cháy...

        Cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty bằng bộ binh bắt đầu từ 22 tháng 2 năm 1967. Việc đầu tiên của quân Mỹ dùng toàn bộ Lữ dù 173 đổ bộ xuống giáp biên giới Cam-pu-chia để chặn đường rút của ta sang đất bạn. Tiếp theo là các lữ của Sư đoàn 1 Anh cả đỏ hình thành một vòng vây rộng hai sườn từ tây sang đông căn cứ, từ lộ 22 vòng sang lộ 4, bọc chặt lấy căn cứ Dương Minh Châu. Quân Mỹ đã chắc mẩm sắp vớ được mẻ lưới to. Để làm yên lòng giới hiếu chiến ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc và để lừa mị nhân dân Mỹ trước thế trận đó, tướng Oét đã vội hí hửng lên giọng rằng: "Chiến thắng của chúng ta đang đến gần. Quân đội Mỹ không thể bị đánh bại. Những người con thân yêu của nước Mỹ sắp được về nhà trong khúc khải hoàn ca hùng tráng và được đón tiếp trong vòng tay nồng ấm của những người thân"!

        Sau khi lập xong vòng vây, quân Mỹ làm nốt bước cuối cùng của cuộc hành quân là tiến vào vùng ruột căn cứ địa của Miền. Ngày bắt đầu là 18 tháng 3 năm 1967, Mỹ dùng Sư đoàn bộ binh 25 "Tia chớp nhiệt đới" hình thành các cánh quân theo sau xe tăng bầy của Lữ đoàn thiết giáp 11, thọc sâu vào các trọng điểm mà Mỹ đinh ninh là các vị lãnh đạo Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đang ở đó.

        Bọn lính Mỹ còn mang theo còng số 8 để nếu bắt được nhấn vật quan trọng nào thì còng ngay lại và cho lên trực thăng chở thẳng về Sài Gòn không được chậm trễ. Từ địa bàn xuất phát, bầy xe tăng Mỹ chạy phăng phăng như vào chỗ không người. Các đội diệt tăng của ta kiên trì đợi cho chúng đến thật gần mới nổ súng. Ngay từ loạt đạn đầu, mỗi phát B40 phóng ra là một chiếc xe tăng bị hạ gục. Hàng loạt xe tăng đi đầu bốc cháy dữ dội. Những chiếc sau khựng lại. Bộ binh Mỹ nhốn nháo, gọi đại bác, máy bay ến cứu. Quân ta vội lánh xuống hầm, dứt bom pháo lại ngoi lên trực sẵn Ở các vị trí chiến đấu. Bầy xe tăng lại bò vào, nhưng nhiều chiếc không thoát chết bởi đạn B40, B41, của các đội du kích cơ quan rất tài ba và dũng cảm. Đây có lẽ là bất ngờ lớn nhất của các nhà cầm quân Mỹ trong cuộc hành quân này. Họ những tưởng dùng xe tăng bầy là phá nát căn cứ địa kháng chiến của Miền trong chốc lát nào ngờ lại dậm chân tại chỗ. Họ càng không biết lực lượng nào đã cản nổi bước tiến xe tăng bầy của Mỹ. Họ vẫn đoán già, đoán non chỉ có thể là Sư đoàn 9 Nam Bộ!

        Thật ra Sư đoàn 9 không ở đó nhưng vẫn bám sát mọi hoạt động của các đơn vị quân Mỹ. Sư đoàn 9 vẫn không theo lối đánh chọi trâu, mà nhè chỗ sơ hở của Mỹ, thình lình sáp vô đánh nhanh, diệt gọn từng đơn vị Mỹ. Ngay trước khi quân Mỹ mở đợt thọc sâu vào căn cứ địa của "R", Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 đã tập kích mãnh liệt vào cứ điểm Đồng Pan ở ngã ba đường 22, là địa bàn xuất phát của địch, diệt trên 400 tên địch, phá hủy gần 200 xe cơ giới các loại. Tiếp theo là Trung đoàn 3 cũng của Sư đoàn 9 cùng tổ chức trận đánh vào cánh quân ở hậu cứ chiến dịch của địch ở Bàu Bàng diệt cả 100 xe cơ giới, làm chết và bị thương rất nhiều lính Mỹ. Cùng thời gian ấy, bộ đội đặc công bí mật tiếp cận vào đánh trúng sở chỉ huy chiến dịch của địch ở Dầu Tiếng.

        Trong hoàn cảnh ấy, quân Mỹ vẫn được lệnh tiếp tục thọc sâu, sục kỹ. Dần dà, lính Mỹ cũng tới được mấy ngôi nhà bỏ trống, nhặt nhạnh được ít tài liệu vương vãi. Xe tăng cũng khui được vài ngách hầm, nơi cất giấu phim quay, phim chụp ảnh của Điện ảnh Quân giải phóng. Tất cả được trực thăng Mỹ đem về mở cuộc triển lãm rất rùm beng ở Sài Gòn.

        Nhưng với binh hùng, vũ khí bén như vậy mà tướng Soa-man chỉ làm được đến thế là không thể tha thứ. Tướng Oét-mo-rơ-len đùng đùng nổi giận, cách chức tướng Soa-man ngay giữa chiến dịch. Danh tướng bỗng thành bại tướng. Bại tướng Soa-man cũng phải buột miệng than thở: "Chúng ta đến đây mà không giết được một tên "Việt cộng" nào và không tìm thấy gì thì thật là tưng hửng... ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:21:20 pm »

        Trảm tướng giữa trận, làm cho cấp dưới và binh sĩ Mỹ càng hoang mang chán ngán. Một lính Mỹ ở mũi thọc sâu, bị bỏ xác lại căn cứ còn mang trong mình lá thư viết cho vợ chưa kịp gửi: "Chiến sự thế nào, em theo dõi chắc đã biết. Anh đang ở đó. Đã năm ngày rồi không được tắm. Anh chỉ mong chóng hết tám tháng còn lại của đời lính để cởi bỏ áo khuy đồng và mũ sắt trả lại cho chính phủ, để về làm một người thứờng dân Mỹ sống bên em...".

        Cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ, càng kéo dài, càng thọc sâu, càng bị mắc kẹt. Mũi thọc sâu, với chiến thuật xe tăng bầy đã làm mồi cho các dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ bằng súng B40, B41 của các đội du kích cơ quan. Vòng vây hẹp bên trong, vòng vây rộng bên ngoài bị Sư đoàn 9 và các đơn vị khác chọc thủng, chặt đứt thành nhiều khúc, kẻ đi bao vây lại bị vây lại, bị cô lập ở nhiều chỗ.

        Loay hoay mãi không tiến được đành phải lui. Để bảo tồn lực lượng, tướng "Oét" lệnh cho mũi thọc sâu tạm dừng lại củng cố, còn các cánh quân vòng ngoài dồn lại từng cụm. Lúc này, nhất cử nhất động của Mỹ đều không qua được mắt Bộ Tư lệnh và các cơ quan của Miền. Các đơn vị Mỹ dồn đến đâu đều bị bám đánh đến đó. Cuối cùng ở hướng đông địch dồn cục thành cụm lớn ở trảng Ba Vũng, tây bắc Suối Ngô giáp với vùng căn cứ của Bộ Tư lệnh Miền. Ta phán đoán có thể địch co cụm về đây củng cố để tiếp tục cuộc hành quân hỗ trợ cho mũi thọc sâu đang bị mắc kẹt trong căn cứ, hoặc đây là nơi địch cụm lại để rút khỏi cuộc hành quân vô vọng này. Trong khi đó ngày 30 tháng 3 địch lại đổ thêm 2 tiểu đoàn Mỹ xuống trảng Ba Vũng và đổ 1 tiểu đoàn xuống trảng Ba Chân ở gần đó.

        Tư lệnh Trần Văn Trà và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Miền hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt cụm quân Mỹ này làm cho cuộc hành quân lớn của địch sớm ngã ngũ. Đồng chí Ba Long (Lê Trọng Tấn), Tư lệnh phó của Miền được phân công trực tiếp chỉ đạo trận đánh then chốt của chiến dịch.

        Ngay trong đêm 31 tháng 3 rạng sáng 1 tháng 4 năm 1967, Sư đoàn 9, có pháo binh của "R" yểm trợ, tập trung lực lượng tập kích mãnh liệt suốt đêm đến 6 giờ sáng tiêu diệt xong cụm địch lớn ở trảng Ba Vũng. Bọn địch báo về Sài Gòn ây là trận đánh ác liệt nhất trong cuộc hành quân Gian-xi-ty. Không những thế đây còn là trận góp phần chôn vùi bộ cuộc phản công chiến lược lớn nhất mùa khô 1966-1967 của địch.

        Hôm sau tôi xuống thăm đơn vị vừa tham gia đánh trận Ba Vũng (tây bắc Suối Ngô), được đọc bốn câu thơ trên tờ bích báo của đại đội như sau: "Miền Nam ta có hai mùa, Một mùa nắng, một mùa mưa.

                                                 “Miền Nam Mỹ có hai mùa,
                                                 Một mùa thất bại, một mùa thua"...


         Chiến sĩ ta tài thật, vừa đánh xong đã có thơ liền. Mà sự thật đã rõ ràng như vậy.

        Sự thật là cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô 1965-1966) Mỹ đã không tìm diệt được Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, mà còn bị mắc kẹt trong đường hầm địa đạo Củ Chi. Đến cuộc phản công chiến lược lần thứ hai (mùa khô 1966-1967), Mỹ mở cuộc hành quân lớn nhất, mưu tìm chiến thắng bằng quân sự để chấm dứt chiến tranh, nhưng lại là đỉnh cao thất bại của Mỹ về quân sự. Còn cuộc phản công lần thứ 3 theo kế hoạch của tướng Oét chưa kịp nổ ra, đã bị cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam mùa Xuân năm 1968 nhấn chìm, buộc Tổng thống Giôn-xơn phải xuống thang, phải thay đổi chiến lược "Chiến tranh cục bộ", phải rút quân đội Mỹ về nước trong tâm trạng ê chề của kẻ bại trận chứ không phải trong khúc khải hoàn ca hùng tráng như tướng Oét-mo-rơ-len và giới hiếu chiến Mỹ hằng mơ tưởng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:23:32 pm »


     ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH Ở CHIẾN TRƯỜNG

TÁM TRÂN        

        Một ngày cuối tháng 8 năm 1964, tôi có việc bận ở tòa soạn, nên về nhà muộn. Hồi đó, tôi đã từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuyển sang phụ trách Báo Quân đội nhân dân. Vào khoảng giữa trưa, bỗng một đồng chí liên lạc hối hả đến đưa tôi một công văn hỏa tốc, trong đó chỉ có mấy dòng ngắn, gọn của đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hẹn 14 giờ tôi vào gặp anh có việc gấp. Tôi vừa ăn trưa vừa phỏng đoán mãi việc gấp đó là việc gì.

        Nhà tôi ở giữa phố Lý Nam Đế, kề ngay cửa ngõ Tổng cục Chính trị. Tôi đã vào cơ quan sớm, trước giờ hẹn, ít phút sau anh Mậu đến. Anh hỏi tôi lúc chưa kịp ngồi:

        - Anh Thanh đã nói gì với cậu chưa?

        Tôi sửng sốt trả lời:

        - Chưa ạ!

        Quả thật, từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh thôi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ra chuyên trách mặt trận nông nghiệp, tôi rất ít gặp anh. Tôi sốt ruột hỏi lại anh Mậu:

        - Anh Thanh nói về việc gì hả anh?

        Anh Mậu cười. - Mình nói để cậu biết nhưng phải "bem" [1] tuyệt đối. Ngay về xóm nhà anh cũng phải ngậm miệng, đại sự quốc gia mà để lộ ra là chết bỏ bố cả lũ.

        Anh nhìn ra cửa, không thấy ai qua lại, mới nói tiếp:

        - Chắc cậu cũng chưa biết anh Thanh đã được phân công thay mặt Bộ Chính trị vào trực tiếp lãnh đạo chiến trường. Anh đề nghị chọn một số cán bộ đi cùng đợt này, trong đó có cậu đấy. Đã có quyết định của Quân ủy Trung ương đây rồi. Hôm nay tôi mời cậu vào là để phổ biến nhiệm vụ đó!

        Anh chuyển sang hỏi thăm sức khỏe, về việc thu xếp cho vợ con trước khi đi và trao đổi ý kiến về người phụ trách thay tôi ở Báo Quân đội nhân dân.

        Mấy hôm sau tôi được triệu tập dự một lớp học đặc biệt. Số cán bộ được tập trung đi B lần này lớn nhất từ trước đến nay, phần lớn là từ cấp tá trở lên; cán bộ đơn vị chủ lực gồm đủ mặt các anh tài của bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công và đủ cả cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần, v.v... Buổi kết thúc, lớp học được Bộ Chính trị đãi một bữa tiệc mặn tại nhà khách Bộ Quốc phòng ở số 33 phố Phạm Ngũ Lão. Cũng là một buổi kết thúc rất đặc biệt. Có gần đủ mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy. Trung ương đến dự. Đồng chí Phạm Hùng đến trước tiên, tiếp theo là các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê Quang Đạo,.Phạm Ngọc Mậu, v.v... Mọi người xúm quanh vào các anh trò chuyện. Bác đến đúng giờ hẹn, chúng tôi bật dậy vô cùng xúc động vì sự có mặt của Bác. Với dáng điệu ân cần, Bác giơ tay làm hiệu ngồi xuống, Đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng lên mời Bác nói chuyện với anh em. Bác nhìn mọi người rồi quay sang hỏi anh Văn:

        - Có cơm chưa?

        - Có rồi ạ.

        - Có cơm rồi thì vào ăn đã, ăn rồi nói gì thì nói, thế mới là ăn nói, phải không các chú?

        Mọi người vui vẻ vào phòng ăn. Bác đi một vòng xem xét thức ăn và chỗ ngồi của chúng tôi đâu vào đấy, rồi Bác mới trở về chỗ của mình. Bác lại chỉ vào đồng chí Võ Nguyên Giáp:

        - Bây giờ đề nghị đồng chí Văn hô "Xung phong”.

        Anh Văn đứng dậy vui vẻ nói:

        - Tối hôm nay là buổi liên hoan với các đồng chí được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Vậy theo lệnh của Bác, tất cả "Xung phong".

        Đợi chúng tôi ăn xong rồi, Bác mới nói chuyện. Bác phân tích cặn kẽ thắng lợi vừa qua, diễn biến tình hình sắp tới nhất là ở miền Nam. Bác so sánh những đặc điểm của hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ trước đây và chống thực dân mới ngày nay. Bác dặn chúng tôi phải gương mẫu, phải đoàn kết, phải sâu sát quần chúng, phải thật lòng thật dạ yêu thương giúp đỡ đồng bào, phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bác ngừng lại hỏi chúng tôi:

        - Nhiệm vụ chính của các chú là gì?

        Một đồng chí ngồi gần Bác đứng lên trả lời trôi chảy.

        Bác hài lòng nhấn mạnh thêm:

        - Nhiệm vụ chính mà Trung ương và Quân ủy giao cho các chú là phải quyết tâm đánh thắng, không được chủ quan khinh địch, lơ là mất cảnh giác.

        Đến đây, Bác ngoảnh sang đồng chí Tố Hữu: "Yêu cầu đồng chí Tố Hữu ngâm lại hai câu thơ hồi sáng nay tiễn Tổng thống Mô-đi-bô Cây-ta" (chắc là Bác đọc sáng nay).

        Đồng chí Tố Hữu bị gọi bất thần, nhưng đáp ứng kịp thời:

                                            "Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,
                                            Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công".


        Bác sửa lại chữ "về" bằng chữ "đi".

        Rồi Bác đọc lại cả câu: "Bạn đi chúc bạn ngày ngày thành công"..

----------------
1. "bem": B.M, bí mật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:24:50 pm »

        Trong buổi liên hoan đặc biệt, hiếm có này, riêng tôi cứ thấp thỏm vì sao một nhân vật quan trọng như đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại vắng mặt ở đây. Tôi lẻn đến hỏi anh Mậu. Anh Mậu ghé vào tai tôi nói nhỏ:

        - Ông Thanh đã đi bằng đường đặc biệt, vào tới trong đó an toàn rồi, đang điện ra giục các cậu vào gấp đấy. Còn vào làm gì, kể cả cậu, tới trong đó, anh Thanh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể.

        Vài ngày sau, chúng tôi được lệnh lên đường. Để bảo toàn lực lượng, chúng tôi được chia ra nhiều tốp nhỏ và mỗi tốp đi theo một đường khác nhau. Lúc đó chiến trường đang cần một số cán bộ bộ đội chủ lực có kinh nghiệm vào gấp để xây dựng quả đấm chủ lực của Miền, nên phần lớn đi bí mậ theo đường biển, về sau này thành tên gọi là đường HỒ Chí Minh trên biển. Tốp năm người chúng tôi cũng được làm một cuộc hành quân mạo hiểm theo đường biển. Sau bảy ngày, bảy đêm, con tàu bé nhỏ của chúng tôi chẳng khác gì một chiếc lá tre lênh đênh giữa đại dương, chất đầy vũ khí, thuốc nổ trong khoang, thêm năm cán bộ đi cùng, đổ bộ trót lọt vào cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh. Từ đó, chúng tôi chuyển sang đường giao liên trên bộ, lặn lội cả tháng trời ròng rã mới tới trạm đón của R (tên gọi tắt của cơ quan Trung ương Cục ở B2). Chúng tôi được đưa về Cục Chính trị Miền. Ngay sáng hôm sau, anh Hai Chân (Lê Văn Tưởng) đưa chúng tôi sang gặp anh Thanh ở Bộ chỉ huy Miền gần đấy. Lần đầu tiên tôi được đi xe đạp trong rừng miền Nam. Rừng rất bằng phẳng, cây thưa, nên cứ theo đường mòn mà đạp rất ngon lành.

        Anh Thanh đang làm việc, niềm nở ra đón chúng tôi vào nhà. Anh vui vẻ giới thiệu ngôi nhà xinh xắn do các đồng chí vệ binh dựng lên rất nhanh để anh vừa làm việc, vừa ngủ ngay bên hầm trú ẩn. Tôi chú ý đến những khác lạ của ngôi nhà. Mái nhà lợp bằng một thứ lá được đặt tên là lá "trung quân". Anh Hai Chân cho biết tất cả các nhà của cơ quan R đều lợp bằng lá trung quân, vì nó chịu được mưa nắng, bom na-pan thả trúng cũng không cháy. Cột nhà là những cây ngành ngạnh, không sợ mối mọt. Nhà để trống bốn bề, vì ở miền Nam cả đời không có gió bão, nên anh Thanh muốn để vậy cho thoáng. Bàn làm việc của anh bằng cây, có thêm một chiếc võng ni-lông mắc vào hai cây cột. Anh ngồi đu đưa trước võng và bắt đầu bằng việc xưng tên:

        - Các cậu này! Vào đây vui thật, mỗi người đều được đặt một tên mới, được phong "thứ" nữa. Nguyễn Chí Thanh bây giờ tên là Sáu Di đấy nhé. Cái tên này cũng có lai lịch để rồi nói sau. Từ nay cấm tiệt gọi tên cúng cơm, các cậu cũng vậy, đều đặt tên mới và gọi bằng thứ.

        Anh vui vẻ giới thiệu anh Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền (tức Tư Chi). Anh Lê Trọng Tấn - Tư lệnh phó (tức Ba Long). Anh Lê Đức Anh - Tham mưu trưởng (tức Sáu Nam), v.v... Một cuộc đặt tên cho chúng tôi diễn ra sôi nổi ngay tại nhà anh. Tôi vốn họ Trần, thấy chưa có ai nhận thứ tám, nên xin đặt tên mình là Tám Trần.

        Sau đó, phần quan trọng trong buổi gặp đồng chí lãnh đạo cao nhất của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam là nghe anh nói về tình hình và nhiệm vụ của chiến trường, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người.

        Trước hết anh hỏi chúng tôi trên đường đi có theo dõi chiến thắng Bình Giã không? Cũng nhờ Tổng cục Chính trị phát cho mỗi người một cái đài Pa-na-sô-ních của Nhật Bản nên không đến nỗi ú ớ lắm. Sau khi nghe chúng tôi trả lời, anh sảng khoái nhận định: Đây là đòn đầu tiên, trung đoàn chủ lực của ta diệt chiến đoàn nguy ngoài công sự Nhưng ta còn phải vượt lên, có nắm đấm chủ lực lớn hơn, mạnh hơn, đủ sức diệt gọn cả tiểu đoàn chủ lực ngụy trong công sự, mới hòng xoay chuyển nổi tình hình. Anh càng nói càng say sưa, hút thuốc lá liên tục. Anh nhắc đi nhắc lại nhiệm vụ cần kíp trước mắt là phải có phong trào chiến tranh nhân dân mạnh, đánh mạnh địch bằng cả "hai chân, ba mũi", làm cho địch khốn đốn trăm bề, không ngóc đầu dậy nổi. Bỗng anh nắm chặt bàn tay giơ cao trước mặt chúng tôi:

        - Nhớ là phải có quả đấm chủ lực mạnh mới mong nắm chắc phần thắng trong tay. Chính vì vậy mà Trung ương và Bộ Chính trị cho chúng ta vào đây để cùng các đồng chí trong này hoàn thành nhiệm vụ đó.

        Sau khi giao nhiệm vụ cho từng người đâu vào đấy vui vẻ, anh đưa chúng tôi đi dạo quanh một lượt. Khi đi ngang qua nhà bếp, một cô gái đen giòn chạy ra đon đả:

         - Thưa anh Sáu, đây là mấy chú vừa ở ngoài về hẻn? Tôi bật cười về cách xưng hô của cô, cô gọi đồng chí Nguyễn Chí Thanh là anh rất tự nhiên, còn bọn tôi thì được tôn là chú.

        Anh Thanh cười, bắt chước giọng Nam Bộ:

        - Ừ, mấy chú vừa "dô" đó. Hôm nay nhà bếp làm món gì tươi đãi khách nghen!

        Ngay tại đó, đồng chí Thuận, bác sĩ riêng của anh Thanh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui về "chị nuôi" này.

        Buổi đầu tiên anh Thanh về Bộ chỉ huy Miền, anh lững thững đi dạo, tiện đường ghé thăm nhà bếp. Người đầu tiên anh gặp là cô "chị nuôi". Anh vui vẻ hỏi trước: "Cô tên chi?", cô trả lời gọn: "Em tên Hường". Anh hỏi tiếp: "Thứ mấy?", "Thưa thứ năm". Anh Sáu thân mật đưa tay ra: "Xin chào chị nuôi Năm Hường nhá?". Năm Hường hỏi lại: "Anh mới "dô" hả?".

        - Phải.

        - Anh thứ mấy?

        - Thứ sáu.

        Mấy bữa sau, tuy Năm Hường biết rõ anh Sáu là thủ trưởng "bự" nhất rồi cô vẫn cứ quen miệng gọi anh Sáu và cũng trong lúc ấy cô lại gọi chú Tư Chi, chú Ba Long và cả chú Tám Trần nữa?

        Còn anh Thanh thì khen hết lời Năm Hường có tính hồn nhiên của người Nam Bộ, nên khi cô gọi anh là anh Sáu anh gật đầu cười vui vẻ hưởng ứng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM