Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:18:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời ở cục chính trị QGPMN (B2)  (Đọc 14616 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:08:36 pm »

      
        - Tên sách : Một thời ở Cục chính trị Quân giải phóng miền Nam
        - Nhà xuất bản : Quân đội nhân dân
        - Năm xuất bản : 2007
        - Số hóa : Giangtvx





« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2020, 05:56:33 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 06:52:58 pm »

        
LỜI GIỚI THIỆU

        Tôi rất vui mừng và xúc động được cầm trên tay bản thảo cuốn sách tập hợp những ký ức của những đồng chí đã từng trực tiếp làm công tác đảng, công tác chính trị tại chiến trường Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên trong suốt cuộc kháng chiến chông Mỹ, cứu nước cho đên ngày toàn thắng.

        Với tâm huyết của người trong cuộc, các đồng chí đã ghi chép lại những kỷ niệm sâu sắc nhất của bản thân, của đồng chí đồng đội trong những ngày tháng đáng nhớ nhất. Cuốn sách viết về những sự thật lịch sử, những người thật, việc thật rất phong phú ở chiến trường với cách thể hiện chân thực, có chiều sâu khá hấp dẫn, từ đó toát lên những tình cảm sâu nặng ruột thịt Bắc - Nam, niềm lạc quan cách mạng và tình đồng chí, đồng đội trong những khó khăn gian khổ và ác liệt nhất.

        Đó là giá trị nổỉ bật của cuốn sách.

        Là một chiến sĩ trưởng thành trong các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị giữa chiến trường khói lửa B2, nên khi đọc cuốn sách, từng trang, từng bài đã cuốn hút tôi. Có thể nói rằng cuốn sách không chỉ phục vụ cho bạn đọc hôm nay mà còn rất cần cho các thế hệ mai sau. Chúng ta có thể tìm thấy ở đây bài học lớn và rất sâu sắc về việc xây dựng "quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ”, trong đó nổi bật là vai trò của Cục Chính trị B2 đã góp phần xứng đáng dấy lên phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ", sôi sục trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

        Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Cục Chính trị B2) có thế nói là Tiền phương của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trên một chiến trường giữ vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng.

        Tập sách này giúp chúng ta hiểu rõ hơn và nhớ lại những hình ảnh từ thuở ban đầu, nhớ những cán bộ chính trị của các đơn vị miền Nam tập kết ra Bắc được trở về Nam chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam đã được giao nhiệm vụ thành lập cơ quan chính trị đầu tiên của Ban Quân sự Miền (1961). Khi được Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền (1963) thì Tống cục Chính trị đã cử một số đông cán bộ của các cơ quan trong Tổng cục Chính trị như Tuyên huấn, Tổ chức, Cán bộ, Bảo vệ, Chính sách, Địch vận, cùng với số phóng viên báo chí, nhà văn, phóng viên quay phim, nhiếp ảnh, văn công... đi gấp vào Nam để sát cánh với các đồng chí tại chiến trường nhanh chóng xây dựng một cơ cấu tương đối hoàn chỉnh của Cục Chính trị tại chiến trường B2.

        Nhớ lại và suy ngẫm, chúng ta hết sức tự hào về một thời kỳ vô cùng oanh liệt và rất tuyệt vời của dân tộc ta, của quân đội ta trong thế kỷ XX, đó là thời kỳ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

        Với tình cảm của người chiến sĩ B2, tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách: "Một thời ở Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam (B2)" với các đồng chí và đông đảo bạn đọc.
                            
Hà Nội, ngày 2 tháng 12 năm 2007        

Đại tướng LÊ VĂN DŨNG                          
Bí thư Trung ương Đảng                          
Chủ nhiệm Tổng cục Chính tri Quân đội nhân dân Việt Nam
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tư, 2016, 08:14:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 06:58:07 pm »

        
TRỞ VỀ NAM QUYẾT TÂM DIỆT THÙ
GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG

LÊ VĂN TƯỞNG        
       
        Nhận lệnh về Nam

        Học văn hóa được nửa năm, vừa học xong lớp 6/10, tôi và một số anh trong lớp học được Tổng cục Chính trị triệu tập dự hội nghị nghe phổ biến tình hình sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong hội nghị này còn có các anh Đào Sơn Tây, Trần Hải Phụng, Nguyễn Hoài Pho, Đỗ Vọng...

        Anh Ba Lê Duẩn phổ biến tình hình thời sự trong và ngoài nước, tình hình cách mạng miền Nam và sau đó phổ biến Nghị quyết 15: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân" và "theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân".

        Tiếp theo Nghị quyết 15, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam (chỉ thị ngày 31/l/1961).

        “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng của ta về cả hai mặt chính trị và quân sự, tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng, phát động một phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng của ta, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên một phạm vi ngày càng rộng lớn tiến lên làm chủ rừng núi, giành lại toàn bộ đồng bằng; ra sức xây dựng cơ sở và đẩy mạnh đấu tranh ở đô thị; tạo điều kiện và nắm mọi thời cơ chuẩn bị đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam".

        Tôi còn nghe anh Ba Duẩn nói:... "Đánh sao cho Mỹ đừng vào, nếu Mỹ vào nó có sức ỳ như tảng đá. Muốn bật được tảng đá ấy phải có cách xeo đúng chỗ yếu của nó giống như nông dân Đồng Tháp Mười xeo gốc tràm lụt vậy" Đại tướng Võ Nguyên Giáp vạch trần âm mưu phản bội Hiệp định Giơnevơ, phân tích ý đồ chiến lược của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam.

        Anh Hoàng Văn Thái cũng đến dự và nói về "Biện chứng pháp quân sự" để trang bị thêm lý luận cho anh em.

        Được nghe phổ biến tình hình chung và Nghị quyết 15, anh em rất phấn khởi.

        Vài ngày sau, chúng tôi được Tổng cục Chính trị triệu tập Trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chính thức phổ biến lệnh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cho một số đồng chí về lại miền Nam chiến đấu (năm 1961, Trung tướng Song Hào thay Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).

        Tôi có nêu nguyện vọng xin trở lại tỉnh Tân An là chiến trường quen thuộc của tôi thời chống Pháp. Nhưng Trung tướng Song Hào nói: Quân ủy Trung ương dự kiến phân công anh về Nam làm công tác chính trị, tham gia công tác quản lý cán bộ về B2 chiến đấu và góp phần tổ chức các cán bộ khung cấp trung đoàn sắp tới nên anh không thể xin về Tân An được.

        Mấy bữa sau, chúng tôi đến bộ phận tổ chức của Tổng cục Chính trị để gửi lại Huân, Huy chương và làm thủ tục cần thiết.

        Đồng chí thiếu tá Ích hỏi tôi:

       - Được phân công về Nam chiến đấu, anh có ý nghĩ gì không? Bệnh đau khớp của anh đỡ chưa?

       Nghe anh Ích hỏi, tôi không hài lòng, nên nói với anh:

       - Anh đã biết tôi là người miền Nam, nay được lệnh về Nam chiến đấu mà lại hỏi như vậy, tôi không trả lời. Nếu anh hỏi, ngày mai có lên đường về Nam được không, thì tôi trả lời anh.

        Nhân đó, tôi cũng nói với anh: "Anh đừng nói tôi đau khớp nhé. Tôi đã hết đau rồi?" (thực tế lúc ấy, tôi vẫn thường xuyên mang băng bằng thun hai đầu gối).

        Đoàn Phương Đông vượt Trưởng Sơn vào Nam

        Trước ngày lên đường, đoàn họp tại Câu lạc bộ sĩ quan Bộ Tổng tham mưu. Anh Trần Văn Quang nêu ý kiến nên chọn cho đoàn một mật danh.

        Cán bộ trong đoàn đề xuất mật danh của đoàn là Đoàn Phương Đông nhằm ghi dấu sự kiện Liên Xô vừa phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông 1 đưa phi công vũ trụ Gagarin lần đầu tiên bay vào khoảng không vũ trụ (12/4/1961).

        Trước Đoàn Phương Đông đã có các đoàn cán bộ hồi hết vào Nam nhưng là đoàn ít người như đoàn anh Tăng Thiện Kim, đoàn anh Ba Trần, đoàn anh Phong Ba...

        Đặc biệt Đoàn Phương Đông có số lượng đông nhất, gần 600 người, đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Quân ủy Trung ương chấp hành Nghị quyết 15, tổ chức cán bộ hồi kết quy mô lớn để phối hợp với cán bộ bám trụ miền Nam xây dựng cơ quan quân sự miền Nam và các quân khu, tổ chức các trung đoàn chủ lực đầu tiên đáp ứng tình hình cách mạng miền Nam theo nhận định của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tư, 2016, 08:14:29 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:05:38 pm »


        Bộ chỉ huy Đoàn Phương Đông gồm: - Thiếu tướng Trần Văn Quang - Trưởng đoàn.

        - Đại tá Trần Đình Xu - Tham mưu trưởng.

        - Thượng tá Lê Văn Tưởng - phụ trách chính trị.

        - Đồng chí Mười Kiên - phụ trách hậu cần.

        - Trung tá Lê Văn Xai - phụ trách thông tin liên lạc.

        Trước khi đi, Tổng cục Chính trị yêu cầu cán bộ chủ chốt đổi tên để giữ bí mật khi về Nam. Thường các anh chọn tên vợ hoặc tên con ghép với thứ hay họ của mình để thành tên mới (bí danh).

        - Anh Trần Đình Xu lấy tên mới là Ba Đình.

        - Anh Đào Sơn Tây là Tư Khanh.

        - Anh Nguyễn Văn Quảng là Năm Phòng.

        - Tôi, Lê Chân, lấy tên con trai đầu lòng của tôi.

        Trước ngày đoàn xuất phát, anh Quang phân công tôi vào Nghệ An, Hà Tĩnh bắt liên lạc với Tiểu đoàn tiền trạm của anh Hai Lâm (Lê Văn Nhỏ) để nhằm tổ chức cầu vượt sông Bến Hải. Tiểu đoàn anh Hai Lâm đi mở đường. Anh Hai Lâm cho biết chưa vượt qua Bến Hải được, mà đóng quân phía bờ bắc Bến Hải thì pháo phía Nam bắn qua chịu không nổi.

        Tôi về báo cáo lại chỉ huy đoàn, anh Quang báo lên Quân ủy và Bộ Quốc phòng để xin ý kiến.

        Bộ Quốc phòng lệnh cho đoàn mở hướng sang Lào. Do vậy đoàn chia làm mấy bộ phận nhỏ và lần lượt xuất phát.

        Đoàn chúng tôi rời Hà Nội ngày 7/5/1961. Tôi còn nhớ lúc xe đến Thanh Hóa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh liên tục các ca khúc kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Điệu nhạc, lời ca hùng tráng làm nức lòng các chiến sĩ mùa thu trên đường hồi kết, về lại chiến trường xưa. Ngủ lại Hà Tĩnh một đêm, sáng hôm sau xe đưa đoàn tiếp đến Quảng Bình. Tại đèo Mụ Giạ phía bắc Quảng Bình, sát biên giới Lào, đoàn chia làm nhiều toán bắt đầu đi bộ.

        Hôm dừng chân ở Lằng Khằng (thuộc tỉnh Khăm Muộn của Lào, ngang Quảng Bình), tôi liên lạc với đồng bào địa phương để mua một con heo cỏ. Ở đây đồng bào nuôi heo thả vào rừng và chỉ bán heo đực. Mặc dù hỏi kỹ như thế nhưng anh Ba Đình ngại vi phạm chính sách nên cự nự quá cỡ.

        Anh Tư Khanh vai bếp trưởng, Đoàn Hùng phụ đào gò mối làm lò quay. Củi rừng không thiếu. Anh Tư Khanh hỏi:

       - Sao anh Tưởng? Anh Ba Đình rầy rà quá?

       Tôi nói:

        - Không sao đâu, anh cứ nấu nướng, tôi hỏi kỹ rồi không vi phạm gì cả.

        Vậy mà nấu nướng xong, mời anh Ba Đình, anh vẫn không ăn.

        Đến Na Phi Lăng, đoàn nhận gạo tiếp tế từ máy bay thả xuống. Mỗi người vô đầy "ruột tượng" 5 kilôgam để ăn dần đến trạm kế tiếp. Lúc bấy giờ chưa có lương khô, mỗi người đi được cấp:

        - 1 kilôgam nước nắm cô đặc.

        - 1/2 kilôgam mì chính (bột ngọt).

        - 1 kilôgam đường cát.

        Đi cùng đoàn có bác sĩ, y tá và cơ số thuốc cần thiết dùng cho đoàn. Tôi còn mang theo tài liệu mật mã của Trung ương gửi vào Xứ ủy (nặng khoảng 1 kilôgam), anh Tư Khanh phụ trách mấy người mang tiền.

        Đoàn chia làm ba đoàn nhỏ (mỗi đoàn gồm hai đại đội). Tôi và anh Tư Khanh đi chung một đội.

       Anh Ba Đình đi chung với mấy anh dự kiến đi về các quân khu như các anh Đỗ Vọng, Nguyễn Hoài Pho, Nguyễn Văn Tư, Hải Phụng (Trần Lương)... Anh Tám Xai đi cùng nhóm thông tin liên lạc của anh.

        Đi sâu vào đất Lào thuộc tỉnh Xavẳnnakhẹt, thị trấn Mường Phìn vừa được bộ đội Lào giải phóng, một vài nơi cháy, khói còn lên nghi ngút.

        Hành trình của đoàn thật gian khổ vì đây là chuyến đi đông người đầu tiên, lương thực các trạm dọc đường cung cấp không đủ, bản thân anh em Ở trạm cũng thiếu, nhiều đoạn chưa thông, vừa trinh sát mở đường vừa đi. Từ Mường Phìn vượt qua ngọn đồi thấp, hôm sau vượt núi Pehai là núi cao nhất trong chặng này. Từ sáng sớm lên dốc đến khoảng 9 giờ, tôi mở đài nghe tin tức. Tôi kêu anh Tư Khanh vượt lên đi gần tôi để nghe tin tức và nghe Trần Khánh hát.

        Anh nói:

        - Ôi, leo mệt thấy mồ mà còn cố nghe hát càng thêm mệt! Một hôm tôi được bố trí ở nhà hai cha con ông cụ người Lào, có cô con gái độ chừng mười tám, mười chín tuổi.

        Ông cụ có cây gậy bằng tre rừng nhiều đốt, chỗ tay cầm cong tự nhiên rất đẹp; thật đắc dụng cho người lớn tuổi trèo đèo vượt suối.

        Nhân lúc thay quần áo sau khi tắm suối lên, tôi lấy chiếc quần ngắn ra dấu xin đổi cây gậy.

        Ông cụ hiểu ý lại lấy cây gậy trao cho tôi và nhận cái quần ngắn ra vẻ thích thú.

        Trong lúc tôi chải tóc, cô gái đứng nép bên vách nhìn theo hình như lạ lắm. Tôi đưa chiếc lược cho cô và ra dấu bảo cô chải tóc của cô. Cô gái làm theo tỏ ra vui mừng. Tôi tặng luôn cho cô chiếc lược.

        Cây gậy Trường Sơn năm ấy tôi vẫn giữ kề bên mình cho đến bây giờ. Tre rừng lên nước vàng óng, cây gậy là kỷ vật của thời vượt Trường Sơn gian khổ hào hùng, nhìn gậy lại nhớ đến hai cha con cụ già người Lào tốt bụng năm xưa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:06:53 pm »

        Đường đi quanh co theo địa thế thiên nhiên, khi lên cao, lúc xuống thấp, trạm bố trí dọc đường đi những chỗ có suối để lấy nước dùng trong sinh hoạt thường ngày.

        Sông Xê Băng Hiêng rộng mà không sâu lắm, đến huyện ly Xê Pôn chia làm hai nhánh: nhánh hướng lên đông bắc trên đất Lào ngang vùng Bến Hải (Quảng Trị); nhánh đông nam xuôi về tây bắc Khe Sanh.

        Ở sông Xê Băng Hiêng có mấy chiếc thuyền độc mộc đủ sức chở chín đến mười người, đồng bào hỗ trợ đoàn qua sông, nhất là bộ phận thông tin, bộ phận vũ khí.

        Đã vào mùa mưa hơn một tháng, măng le và măng tre rừng có nhiều (loại tre rừag không gai, dao lóng, giống như cây luồng ngoài Bắc hoặc tre lục bình trong Nam).

        Rau rừng và măng là nguồn lương thực thiên nhiên góp phần đắc lực nuôi sống bộ đội Trường Sơn mọi thời kỳ.

        Sông Xê Mang Khang hẹp hơn sông Xê Băng Hiêng, rộng chừng vài mươi mét. Bình thường dân có thể đi qua được nhưng lúc đoàn đến đây phía trên nguồn có mưa lớn nên nước tràn về, dâng cao. Anh em ở trạm có đi thuê giùm voi để giúp thồ hàng qua sông nhưng nước hơi sâu và chảy xiết giữa các gộp đá ngầm nên voi không đi được.

        Cuối cùng anh em công binh dùng dây dù cột vào dây mây rừng để lội kéo qua dòng nước chảy xiết, cột hai đầu dây vào gốc cây ở hai bên bờ để giúp anh em nương theo lúc lội qua sông.

        Anh Năm Phòng quê Ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai) không biết bơi nên cẩn thận lột dép xâu lại rồi quàng lên cổ lúc nương theo dây vượt qua sông (Năm Phòng tức Nguyễn Văn Quảng sau này là Chính ủy Sư đoàn 9, Phó chính ủy Quân khu 8, Tư lệnh Quân đoàn 4). Anh Tám Xai ỷ mình biết lội, đủ sức "qua cầu"' nên cứ để nguyên dép qua sông. Rủi cho anh, nửa chừng trượt chân thế nào đó mất chiếc dép bên chân trái.

        Bên này sông anh Tám Xai cười, chọc anh Năm Phòng là "cục đá miền Đông", ngầm ý rớt đâu cũng chìm.

        Sang bên kia sông, Tám Xai xé ống quần quấn bàn chân thay dép. Năm Phòng nói:

        - Ngày xưa cô Tấm quê mùa nhưng ăn Ở hiền lành, nên rủi mất chiếc giày mà duyên may trở thành hoàng hậu. Thời nay giữa Trường Sơn thơ mộng, anh Tám mất dép trở thành thủ lĩnh "Đại cái bang!".

        Anh Tám trừng mắt nhìn Năm Phòng nói:

        - Mày cười trên đau khổ của tao hả mậy!

        - Anh em cười ồ, quên cái vất vả lúc vượt sông.

        Đến trạm liền kế, Năm Phòng ngoại giao với anh em xin cho Tám Xai đôi dép khác. Không rõ Tám Xai có nối lại cái ống quần đã xé không?

        Nhân nói về anh Tám Xai và anh Năm Phòng, lại nhớ thêm câu chuyện "tiền trảm hậu tấư".

        Hôm đến A Roi, tây bắc tỉnh Quảng Nam, con ngựa trợ chân của anh Quang thiếu ăn, thiếu chăm sóc, ốm đi không nổi. Người xưa nói "Trường đồ tri mã lực" (đường dài mới biết sức ngựa). Lẽ thông thường là như vậy nhưng hành trình vượt Trường Sơn thật gian lao, lương thực dành cho người còn không đủ thì lấy đâu bồi dưỡng cho ngưa. Điều kiện hành quân lại khẩn trương không có thì giờ chăm sóc nên trong trường hợp này, sức chịu đựng của ngựa không kham nổi. Không còn cách nào khác, Tám Xai và Năm Phòng quyết định "tiền trảm hậu tấư' vì lúc đó anh Quang đã vượt trước, không chung một cung đường.

        Chiều hôm ấy, Năm Phòng đến chỗ anh Quang. Năm Phòng kể:

        "Anh đang ngồi nghỉ trên nhà sàn cạnh bếp hun muỗi, râu ria xanh rì, có lẽ mấy ngày không cạo, chân lại sưng to vì bị rắn lục chạm. Mặt rám nắng, sạm đen, trông anh tôi liên tưởng đến các vị "Hảo hán Lương Sơn Bạc" trong truyện Thủy hử. Vừa thấy tôi (Năm Phòng) anh nói:

       - To gan! Sao dám xẻ thịt con ngựa của tớ!

        Tôi nói:

        - Thưa anh, tôi đến để báo cáo với anh đây, nhưng ai lại nhanh hơn "người trong cuộc" báo với anh sớm vậy?

        Anh Quang nói:

        - Là thủ lĩnh mọi chuyện xảy ra đều phải biết chứ? Này, đến báo cáo mà có đem thịt ngưa theo không đấy?!

        - Thưa anh, "tang chứng, vật chứng" có đầy đủ đây ạ!".

        Trong bài viết "Đoàn Phương Đông vào Nam" anh Quang kể:

        "Đúng ngày kỷ niệm Điện Biên Phủ 7/5 (1961), chúng tôi lên đường... Sau 2 ngày đi ô tô đến đèo Mụ Giạ, đoàn chia làm nhiều bộ phận bắt đầu đi bộ. Khi đi trên đất ta, lúc đi trên đất Lào, Campuchia với rất nhiều gian nan, vất vả. Hầu hết trang bị mang theo mọi người đều vất bỏ, chỉ giừ lại bốn thứ: bao gạo, bi đông nước, bật lửa, vũ khí.

        Khổ nhất là cái đói. Các trạm giao liên mới triển khai có trạm chỉ cấp gạo hoặc sắn cho chúng tôi đủ ăn một hai ngày đường, có trạm lo ăn cho bản thân chưa đủ lấy gì cấp cho đoàn.

        Một lần, đoàn nghỉ trưa ở một bản dân tộc Giá Rai ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia. Anh em mang cơm nắm ra ăn. Theo phép lịch sự, tôi mời gia đình cùng ăn. Họ ăn thật? Chúng tôi đành ôm nhau ngủ, chịu đói. Ông chủ nhà tinh ý, vác cần câu chạy ra suối, câu được hơn một chục con cá, ông nướng cá kêu chúng tôi dậy, bảo: "Cá đây, chúng mày ăn đi". Sau đó nhà còn ít sắn khô, ông vét hết bắt chúng tôi nhận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:07:36 pm »

        Đến trạm giao liên Đắc Trưng, quá mệt mỏi tôi đề nghị trạm cho nghỉ vài ngày. Trạm chỉ có gạo cấp cho chúng tôi đi đường, còn ở lại thì chỉ có sắn. Sắn rất nhiều. Anh em tha hồ đào sắn để nướng, để luộc.., lại được trạm cho hai con trâu giết thịt bồi dưỡng. Thế là hết người này đến người khác nằm la liệt vì bị say sắn, bị "Tào tháo đuổi", bị sốt rét ập đến... Vài ngày sau đoàn lên đường vào Kon Tum, đành để lại gần 50 người đi sau.

        Từ Kon Tum trở vào, đoàn chia làm hai bộ phận: Một số theo đường 14 đi về phía tây thẳng vào Nam Bộ. Tôi (Trần Văn Quang) và gần chục đồng chí đi về hướng đông, vừa đi vừa làm việc với lãnh đạo Lâm Đồng và Khu 6.

        Căn cứ của các khu đều nằm ở trong rừng sâu núi cao, khí hậu khắc nghiệt, nước lạnh buốt, anh em hàng tháng mới xuống núi tắm một hai lần...

        Đoàn anh Quang được trạm Đắc Trưng chiêu đãi, bồi dưỡng nên được ăn thịt trâu miễn phí, ngược lại đoàn của tôi (Lệ Văn Tưởng) và Tư Khanh mua trâu của dân, trả tiền đàng hoàng nhưng chẳng ăn được miếng thịt nào...

        Số là hôm đến tây Lâm Đồng, anh em trong đoàn nhờ ông trưởng trạm tên là Ma Thân mua giùm một con trâu trong đàn trâu do dân nuôi thả lan ở rừng với giá 2.000 đồng - dân giúp bắt trâu và cột néo vào gốc cây ven rừng. Con trâu to và khá hung hăng.

        Ông trưởng trạm rất khó tính, anh em trong đoàn nói mãi ông mới đồng ý cho bắn hai phát súng để hạ con trâu.

        Ba cán bộ tác chiến đều là xạ thủ có hạng ở sư đoàn, anh nào cũng muốn ra tay nhưng tự dàn xếp với nhau, cuối cùng đồng chí Xuyến được giao nhiệm vụ xạ thủ.

        Anh Tư Đức phụ trách tài vụ trong đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ cùng mấy cậu nữa đi mua trâu về xẻ thịt.

        Tôi và anh Tư Khanh nằm đợi, tưởng tượng các món thịt trâu nướng, thịt trâu xáo măng, ăn một ít, một ít dành đi đường!

        Nằm đợi mỏi mòn, tranh thủ chợp mắt chốc lát để sáng sớm lên đường. Đến hai giờ sáng anh Tư Đức về báo lại: cậu xuyến bắn không trúng vào đầu con trâu mà trượt vào bả vai, con trâu lồng lên, bứt dây chạy vào rừng tìm mãi không bắt lại được.., giờ không biết tính sao! (vì đã trả tiền và bắn trâu bị thương).

        Thấy gương mặt anh Tư Đức ỉu xìu tôi nói: "Người ta giao trâu cho mình, giúp cột trâu vào gốc cây coi như việc bán trâu đã xong rồi, mình bắn không chết, làm trâu bị thương chạy mất thì mình chịu chứ chẳng lẽ đòi tiền lại à?!

        Thế mới biết, cái gì vào đến bụng rồi mới chắc ăn là vậy!

        Đoàn anh Hai Bứa vào sau, tìm gặp chúng tôi anh kể: "Con trâu đoàn anh mua bắn bị thương chạy vào rừng, trạm tìm bắt lại được vào giao cho chúng tôi (đoàn Hai Bứa) xẻ thịt - ông trưởng trạm cho biết đoàn các anh trả tiền rồi nên ông không nhận nữa và bảo chúng tôi tìm các anh để hoàn số tiền 2.000 đồng”.

        Thời ấy cán bộ, chiến sĩ thật trung thực, trong sáng, rất đáng quý.

        Cũng từ cung đường này trở vào, lương thực mỗi ngày thêm khó khăn. Anh em phải ăn độn rau rừng, măng tre. Măng tre rừng ăn dễ say, phải luộc bỏ nước đầu. Theo kinh nghiệm của người đi trước, say măng có thể uống mật ong hoặc thuốc Bl với đường cát để giải độc.

        Đồng bào miền cao thường trồng mè bao quanh nương rẫy vì mè thường có sâu, voi rừng thấy sâu rất sợ nên không dám càn vào rẫy phá hoại. Thời kháng chiến chống Pháp tôi tham gia khóa đào tạo đại đội trưởng tại miền Đông nên biết điều này. Cần vụ của anh Đào Sơn Tây và anh Tư Thành lựa rau không kỹ còn sót lá mè báo hại mấy anh bị "Tào Tháo đuổi" ngủ không được.

        Đến trạm Phước Long do anh Hai Phong (Hai Nghỉ) phụ trách. Trạm cũng hết gạo nên mỗi đại đội chỉ được phát 90 lon vét bồ nấu ăn đỡ đói, anh em được phát thêm trái bắp khô loại để giống, phải ngâm nước rồi ăn dặm thêm chống đói.

        Trong khi tôi và anh Ba Đình vào làm việc với Tỉnh ủy Phước Long thì anh Năm Phòng và một số anh em khác trong đoàn tổ chức tiệc trà mừng đã tới được miền Nam. Anh Năm Phòng đề nghị tất cả hướng về miền Bắc cảm ơn đồng bào đã nuôi dưỡng sáu, bảy năm qua. Tôi ít hút thuốc nên còn để dành được hai bao thuốc Thăng Long cùng góp vào tiệc trà. Thời điểm ấy mà được uống trà Ba Đình, hút thuốc Thủ đô, Thăng Long thì tuyệt vời, anh em tạm quên cái đói khi vừa về tới địa đầu Nam Bộ.

        Trong bài viết "Đoàn Phương Đông vào Nam" do anh Trần Văn Quang kể, Văn Thành ghi có đoạn:

        "Ngày 27 tháng 8 năm 1961 bộ phận cùng đi với tôi vào đến Nam Bộ, tiếp đến là những anh khác. Cuối năm 1961, người cuối cùng của Đoàn Phương Đông mới vào đến cà Mau...".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:08:14 pm »


*

*         *

        "Trong khi chờ Hội nghị Trung ương Cục, anh Linh giao cho tôi (Trần Văn Quang) cùng với anh Ba Bường, anh Hai Xô triển khai gấp cơ quan lãnh đạo, chỉ huy (về quân sự) của Trung ương Cục, tuyển tân binh để thành lập hai trung đoàn chủ lực của Miền, chuẩn bị điều kiện đẩy mạnh hoạt động đấu tranh vũ trang của Miền với quy mô lớn".

        Đoàn Phương Đông vào đến đồi 300 chiến khu Đ, căn cứ của Xứ ủy nghỉ dưỡng khoảng hai tuần. Lúc này lương thực đang thiếu, ăn cháo thường xuyên, có hôm phải ăn rau rừng đỡ đói. Anh Hai Xô (Hai Già) là ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương Cục phụ trách hội đồng cung cấp (hậu cần) cho Xứ ủy nỗ lực rất lớn để giải quyết lương thực cho bộ đội. Tiêu chuẩn 6 kilôgam gạo/tháng/người.

        Những ngày ở đây tôi và bác sĩ Khiết dù đang bệnh cũng tham gia đi Đất Cuốc tải gạo về căn cứ. Dịp này bảo vệ có bắn được con voi xẻ thịt ăn mấy ngày. Thịt voi lành, đang đói như thế mà ăn thịt voi no vẫn không hề gì.

        Cầu Mã Đà là một cây rừng to, dài mười mấy mét, nằm vắt ngang qua suối Mã Đà, có hôm đói bụng đi qua cầu run chân, tôi và anh Khiết phải nương nhau qua cầu.

        Xứ ủy mở hội nghị để phổ biến tình hình cách mạng miền Nam, cán bộ chủ chốt Xứ ủy và các quân khu về dự. Thời điểm này chuẩn bị đổi Xứ ủy thành Trung ương Cục.

        Trước khi về Nam, cán bộ phụ trách Đoàn Phương Đông được Trung ương dặn dò: Khi vào Nam, thực tế cần gì báo ra Trung ương giải quyết.

        Chính vì vậy, khi dự hội nghị Xứ ủy, tôi và anh Ba Đình có phát biểu lặp lại ý này. Không ngờ gặp phản ứng của vài anh bám trụ trong này. Phản ứng vì lẽ trước đây, đôi lần các anh có đề đạt yêu cầu xin cấp vũ khí thích hợp để giải quyết chiến trường nhưng cấp trên chưa đồng ý. Nay nghe chúng tôi phát biểu như trên, các anh không hài lòng.

        Sau hội nghị anh Quang họp đoàn và nhắc nhở chúng tôi: Từ nay các anh không được nói những điều chưa biết chắc chắn, điều quan trọng là phải nắm chắc tình hình tại chỗ, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của anh em, nhất là tại các quân khu, tại các chiến trường trọng điểm.

        Lúc này anh Ba Đình được phân công phụ trách cơ quan tham mưu của Ban Quân sự Xứ ủy, tôi phụ trách chính trị. Anh Tư Khanh phụ trách hậu cần. Các anh Nguyễn Văn Tư về Quân khu 7, anh Đỗ Vọng về Quân khu 8, anh Nguyễn Hoài Pho về Quân khu 9, anh Trần Hải Phụng, anh Ngọc Lộc về Khu Sài Gòn - Gia Định (T4).

        Cùng về Phòng Chính trị của Ban Quân sự Xứ ủy với tôi có các anh:

        - Tư Thành phụ trách tuyên huấn Phòng Chính trị.

        - Năm Phòng phụ trách cán bộ.

        - Ba Đoàn (Đoàn Cẩm Thính) phụ trách tổ chức.

        - Đoàn Hùng phụ trách bảo vệ.

        Từ tháng 10 năm 1961, thực hiện ý kiến chỉ đạo của anh Quang, tôi phân công cán bộ Phòng Chính trị về Khu 7 và T4 (Sài Gòn - Gia Định) đi xuống chiến trường để tìm hiểu tình hình cụ thể.

        Trước đó, giữa tháng 9 năm 1961, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đánh tiêu diệt tiểu khu Phước Thành của thiếu tá tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn đã tạo không khí phấn khởi toàn quân khu. Thắng lợi quân sự này càng có ý nghĩa lịch sử khi Trung ương Cục vừa thành lập và lần đầu tiên xóa sổ hẳn một tỉnh trong hệ thống ngụy quyền miền Nam.

        Anh Quang phân công tôi cùng các anh trong Phòng Chính trị đi dự hội nghị đánh giá chiến thắng Phước Thành.

        Dịp này tôi gặp các cán bộ chủ chốt trụ lại tại miền Đông như các anh Mai Chí Thọ, anh Hai Phong. Bấy giờ anh Mai Chí Thọ là Bí thư Phân khu ủy miền Đông, anh Tám Xuyến là Tư lệnh, anh Hai Phong là Tham mưu trưởng, anh Tư Việt Hồng là Chính ủy.

        Tham gia một số hoạt động có tính chiến lược đốí với lực lượng vũ trang giải phóng

        Tổ chức hội nghị về công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng vũ trang giải phóng.

        Từ tháng 10 năm 1961, sau khi có ý kiến chỉ đạo của anh Trần Văn Quang - Phó trưởng ban quân sự Xứ ủy, cán bộ của Phòng Chính trị được phân công đi xuống các quân khu, các chiến trường trọng điểm để nắm tình hình.

        Anh em đi chiến trường về, kết hợp tình hình thực tế nắm được và dựa vào tài liệu từ Bắc mang vào về đường lối cách mạng Việt Nam, tình hình cách mạng miền Nam để xây dựng "Đề cương công tác đảng, công tác chính trị, trong Quân giải phóng" (cơ sở là Nghị quyết 15 và chỉ thị của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trước mắt của cách ínạng miền Nam tháng 1 năm 1961).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:09:03 pm »

        Nội dung đề cương gồm một số ý chính:

        + Tổ chức bộ máy đảm nhận công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Miền và các quân khu.

        Phương châm tư tưởng.

        - Xây dựng tư tưởng giai cấp công nhân.

        - Xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ.

        - Chống tư tưởng tư sản, phong kiến, địa chủ.

        - Chống ảnh hưởng tiểu tư sản.

        - Tranh thủ tiểu tư sản tiến bộ và địa chủ kháng chiến...

        Lúc này, cơ quan Trung ương Cục chuyển về Lò Gò - xóm Giữa (tỉnh Tây Ninh).

        Tôi xin ý kiến anh Hai Hậu (Trần Nam Trung), Thường vụ Trung ương Cục, tổ chức hội nghị về công tác đảng, công tác chính trị đối với Quân giải phóng (Hội nghị cấp Miền, các quân khu về dự).

        Phân công anh Tư Thành phụ trách tuyên huấn của Phòng Chính trị sang trình bày với anh Hai Văn (Phan Văn Đáng), Thường vụ Trung ương Cục phụ trách tổ chức giáo dục xin thông qua nội dung đề cương sẽ triển khai học tập trong hội nghị.

        Anh Tư Thành báo cáo với Thường vụ Trung ương Cục một buổi, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục góp ý về quan điểm tranh thủ các thành phần trí thức tiểu tư sản và địa chủ tiến bộ vì Trung ương Cục đang chủ trương củng cố mở rộng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

        Để có thêm cơ sở hoàn chỉnh cho Đề cương công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, những tháng đầu năm 1962, cán bộ Phòng Chính trị tiếp tục đi xuống các chiến trường trọng điểm để nắm bắt tình hình thực tế và ghi nhận tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, số cán bộ còn lại tập trung lo chuẩn bị Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lần thứ nhất.

        Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được tổ chức từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 3 tháng 3 năm 1962, có khoảng 100 đại biểu đủ mọi thành phần xã hội tôn giáo, dân tộc về dự.

        Sau đại hội, Đề cương công tác đảng, công tác chính trị lại được báo cáo với Thường vụ Trung ương Cục. Sau khi nghe đầy đủ đề cương, anh Hai Văn nói:

       - Theo đề cương này thì không những cánh quân sự học mà tất cả cán bộ, chiến sĩ các cơ quan của Miền cũng tham gia học.

        Anh Hai Văn hỏi thêm:

        - Tài liệu có sẵn hay các anh tự biên soạn?

        Anh Tư Thành trả lời:

        - Căn cứ vào tài liệu từ Bắc mang vào kết hợp tình hình thực tế trong đợt thâm nhập chiến trường.

        Anh Tư Thành về báo lại; Thường vụ Trung ương Cục đồng ý thông qua Đề cương công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, đồng ý cho tổ chức hội nghị.

        Giao Phòng Chính trị in tài liệu học tập cung cấp đủ cho đại biểu tham dự hội nghị.

        Khoảng tháng 10, tháng 11 năm 1962, lần đầu tiên cấp Miền tổ chức Hội nghị về công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng vũ trang. Đại biểu các quân khu 6, 7, 8, 9 và Khu Sài Gòn - Gia Định đều về dự.

        Hội nghị được tổ chức tại Trường Huấn luyện tân binh Nam Bộ ở Lò Gò, chiến khu Dương Minh Châu. Chỗ này thời chống Pháp là căn cứ của chị Năm Bi (tức Hồ Thị Bi). Hội trường làm bằng cây rừng, lợp lá trung quân dưới tán những cây dầu, cây dó rợp bóng mát.

        Văn nghệ phục vụ lớp học cũng chỉ là kể chuyện vui trong chiến đấu, chuyện tiếu lâm hò lờ đối đáp. Anh em dự hội nghị còn nhớ đồng chí Tám Tùng, nguyên Chính ủy bộ đội Tây Đô và đồng chí Ngọc Lộc, Chủ nhiệm Chính trị Khu Sài Gòn - Gia Định giúp vui bằng hoạt cảnh "Trâu chém lộn". Chân quê vậy thôi mà cả hội trường cười đến nôn cả ruột. Lúc bấy giờ văn công chuyên nghiệp và điện ảnh còn "mỏng lắm".

        Hội nghị đạt kết quả tốt, phát huy được tác dụng trên chiến trường. Cán bộ chính trị trong Quân giải phóng được củng cố thêm lập trường tư tưởng, nâng cao hiệu quả công tác.

        Khoảng tháng 2, tháng 3 năm 1963, thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục, Phòng Chính trị Miền mở đợt chỉnh huấn cho các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần theo Đề cương công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang như ý kiến của anh Hai Văn lúc thông qua đề cương.

        Cán bộ ba cơ quan trên lần lượt dự các đợt tập huấn do đồng chí Tư Thành, Trưởng ban Tuyên huấn Phòng Chính trị Miền báo cáo, tôi góp phần giải đáp thắc mắc hoặc giải thích mở rộng thêm trong các buổi học...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:10:20 pm »

     
CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN[

Đại tướng LÊ VĂN DŨNG        

        - Dạ, thưa cô Ba, con định chuyến nay xin cô Ba cho con nhập ngũ vô bộ đội chủ lực.

        Cô Ba nhìn tôi ái ngại, nói:

        - Coi bộ mày nhỏ con quá đi bộ đội sao được.

        Tôi nhìn cô Ba, rồi nói cứng:

        - Nhỏ thì con làm việc nhỏ. Bộ đội thiếu gì việc, cô Ba. Rồi con cũng sẽ lớn chứ bộ.

        Cô Ba là Bí thư chi bộ xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre quê tôi. Hồi đồng khởi, mọi người gọi là cô Ba Thắng (trong tập thể chi ủy: Đồng, Tâm, Cường, Quyết, Thắng). Cô là chi ủy viên đảm trách phụ vận cùng đội quân tóc dài Phong Mỹ nổi dậy nhập vô đội quân của bà Định làm kẻ địch run sợ. Rồi những năm sau đồng khởi cô vẫn chỉ huy chị em phụ nữ bí mật kéo lên thị xã, bất ngờ giương cờ, biểu ngữ, biểu tình chống Mỹ - Diệm. Vậy mà bây giờ, đứng trước mặt tôi là một cô Ba hiền hậu như một người mẹ.

         Người Giồng Trôm quê tôi nghèo lắm, bởi đồng chua nước mặn. Diện tích canh tác thì ít, dân số lại đông. Vì bát gạo làm ra không đủ nuôi sống, nên thường phải chống xuồng đi làm thuê, làm mướn. Có người kiếm được chén gạo, củ mì mang về nuôi vợ, nuôi con; cũng không ít người bị chìm xuồng rồi bỏ xác. Cậu tôi, ông Lê Văn Chắc và anh Nguyễn Văn Điển con bác Năm tôi cũng tha phương cầu thực mãi Long An, Bạc Liêu để kiếm sống, rồi cũng gửi xác quê người. Tía tôi làm tá điền cho địa chủ, sau này thoát khỏi cảnh làm thuê và mua được ít ruộng. Cái nghèo cứ đeo đẳng mãi suốt đời người dân quê tôi. Nhưng hễ nói đến Mỹ - Diệm thì hầu hết ai cũng thù ghét, ai cũng muốn tham gia việc gì đó cho cách mạng để góp phần đánh đuổi bọn xâm lược.

        Ngày 1 tháng 1 năm 1963, chiến thắng Ấp Bắc vang dội, làm nức lòng quân và dân cả nước. Ở Nam Bộ dấy lên phong trào "Thi đua với ấp Bắc giết giặc lập công" và phát động thanh niên lên đường nhập ngũ. Không khí tòng quân ở Bến Tre như một cơn lốc cuốn hút, thôi thúc tôi tham gia vào quân đội.

        Ngày tuyển quân ở Giồng Trôm thật nô nức. Thanh niên đến tuổi trưởng thành kéo nhau đi khám tuyển. Tôi chỉ cân nặng được 38 cân, nhưng bù lại mọi tiêu chuẩn khác tôi đầy đủ, nên vẫn trúng tuyển. Tôi về khoe ngay với cô Ba:

        - Cô Ba nè, con được đi bộ đội rồi đó. Vậy mà cô Ba chê con nhỏ thó.

        Tôi kể cho cô Ba chuyện ở nơi khám tuyển, chuyện anh cán bộ tuyển quân phỏng vấnlamf tôi hồi hộp quá:

        - Đi bộ đội là gian khổ lắm đó, có khi còn hy sanh cả tính mạng. Mà đi là tuốt luốt luôn, hổng có được về nhà đâu nghen.

        Tôi trả lời:

        - Dạ thưa, tui xác định đi là đi. Các đồng chí đừng lo tui bỏ trốn. Khổ mấy tui cũng ráng chịu. Ở nhà tui chỉ còn ông già và đứa em gái. Tui hứa với các đồng chí là tui sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

        Thế là hàng dừa xanh nghiêng mình bên dòng kinh xanh, mái nhà lá đơn sơ nép mình dưới bóng lá của quê hương Phong Mỹ xa dần.., bao thân thương, bao kỷ niệm tuổi thơ của tôi gửi lại. Trước mặt là con đường cách mạng đầy chông gai gian khó đang chờ tôi phía trước. Hồi đó tôi chỉ nghĩ đi bộ đội tham gia cách mạng để giết giặc giải phóng quê hương, rồi về làm ăn chứ đâu có ngờ 5 năm sau (1968) tôi trở thành cán bộ chính trị quân đội, để rồi hơn 30 năm sau nữa Đảng trao cho tôi nhiệm vụ nặng nề: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Tôi được bổ sung vào tiểu đội trinh sát bộ binh, đến đầu năm 1964 được cử làm tổ trưởng, năm 1965 được giao tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng. Tháng 9 năm 1965 sau một thời gian rèn luyện, chiến đấu tôi được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1965, khi tiểu đội trinh sát rút lên tiểu đoàn, tôi ở lại làm tổ trưởng tổ liên lạc đại đội. Sang đầu năm 1966 tôi được bổ nhiệm đại đội phó đại đội 12 tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tư, 2016, 08:15:32 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 08:10:52 pm »

        Đầu năm 1968 đơn vị "xuống đường" đợt một, tôi bị thương phải đi bệnh viện điều trị. Sau khi ra viện lại tiếp tục về đơn vị cũ chiến đấu. Nhưng làn bị thương sau của đợt "xuống đường" đợt hai nặng hơn, nên mãi đầu tháng 5 năm 1968 mới xuất viện. Trở về thì ban chỉ huy đại đội 12 đã được klện toàn đầy đủ. Tiểu đoàn xếp tạm cho tôi làm chính trị viên phó 2 của đại đội. Hồi đó tôi cũng nghĩ, đây chỉ là nhiệm vụ tạm thời để rồi khi có điều kiện lại trở về vị trí đại đội phó, chứ tôi nào có biết làm cán bộ chính trị.

        Những năm sau này, khi đã là cán bộ chính trị thực sự, nghĩ lại sự kiện trên tôi cho rằng lẽ nào là cái duyên, cái cớ để cấp trên chuyển tôi sang chính thức làm cán bộ chính trị. Và đúng như vậy, tôi nhớ mãi vào một ngày cuối tháng 6 năm 1968, nhân một cuộc chỉnh huấn chính trị tại trung đoàn, trong một căn lán nhỏ ở rừng sâu, anh Lâm Văn Chắn, Chính ủy trung đoàn gọi tôi lên giao nhiệm vụ. Anh Chắn hồi đó khoảng gần bốn mươi tuổi, người cao, da trắng, nói năng mực thước. Trông anh ra dáng một trí thức hơn là người lính chiến. Giọng anh nhỏ nhẹ:

        - Căn cứ vô năng lực và phẩm chất của Dũng, Đảng ủy trung đoàn đã quyết định bổ nhiệm chính trị viên đại đội 6, tiểu đoàn 2...

        Nghe anh giao nhiệm vụ, tôi toát mồ hôi, vừa lo, vừa hoảng. Trời đất qủy thần ơi, từ ngày đi bộ đội có làm chính trị bao giờ? Mấy tháng làm chính trị viên phó 2 tạm thời cũng chỉ làm ba cái báo tường, truyền thanh nội bộ của đại đội, chứ biết gì "chính trị, chính em". Tôi ngại quá liền báo cáo:

        - Báo cáo anh Ba, tôi không làm được đâu. Từ ngày đi bộ đội tôi đâu có làm chính trị. Làm chính trị viên là phải làm bí thư chi bộ. Tôi lại không học hành gì hết trơn hết trọi. Tôi không làm nổi đâu, anh Ba giao cho người khác đi.

        Tôi nói xong, nghĩ lại thấy ân hận vì sự phản ứng khá bộc trực trước chính ủy trung đoàn. Nhưng dẫu sao tôi cũng nói ra được tâm trạng của mình.

        Anh Ba Chắn vẫn điềm tĩnh, nhìn vào mắt tôi trìu mến:

        - Đảng ủy ôã bàn bạc và cân nhắc rất kỹ, thấy đồng chí có năng khiếu và có thể làm được nên mới giao nhiệm vụ.  Anh ngừng một lát như để tiên lượng cảm nhận của tôi, rồi nói tiếp. - Việc gì cũng thế, trước chưa biết làm, nhưng vừa làm, vừa học rồi sẽ làm được hết. Hồi cậu mới vô bộ đội có ai dạy làm đại đội phó, vậy mà cậu làm được, lại còn làm tốt nữa. Làm cán bộ chính trị cũng như làm cán bộ quân sự thôi. Chỉ có điều phải gần gũi, sâu sát anh em hơn, phải gương mẫu hơn để anh em noi theo; phải xây dựng chi bộ và làm công tác phát triển Đảng...

        Anh Ba động viên và hướng dẫn tôi khá ân cần, tỉ mỉ. Một là nể ảnh, hai nữa tôi thấy ảnh nói cũng có lý. Có ai dạy mình làm trinh sát đâu, rồi mình cũng làm được, lại còn làm tới cán bộ trung đội, đại đội nữa chớ. Chỉ có điều, từ trước tới nay, tụi cán bộ quân sự chúng tôi rất khâm phục cán bộ chính trị, bởi họ có trình độ văn hóa, chính trị và điều quan trọng nhất họ như linh hồn của đơn vị. Bởi thế, chúng tôi cho rằng phải giỏi như thế nào đó mới làm được cán bộ chính trị. Chính vì vậy mà tôi hoảng khi được giao nhiệm vụ này.

        Gần đây, tôi có gặp lại anh Ba Chắn và có hỏi ảnh hồi đó thấy tôi thế nào mà ại điều tôi sang làm chính trị? ảnh cười cười nói: "Thì thấy mày cũng hiền và có chút năng khiếu... Nhưng cái chín là do yêu cầu nhiệm vụ". Thì ra đôi khi cũng chỉ là cái cớ đó mà làm cuộc đời con người ta có thể rẽ ngoặt sang mộ hướng khác. Chính cái ngoặt đó làm mình thay đổi, và nó cũng chính là điểm nhấn, suất đời không bao giờ quên được.

        Sau một hồi nghe anh Ba giải thích chỉ bảo, tôi đồng ý nhận nhiệm vụ nhưng thực tình cũng còn nhiều băn khoăn lắm.

        Tôi mang nỗi niềm tâm sự với anh Huỳnnh Chiến Công, chính trị viên phó đại đội 6 nơi tôi mới nhận công tác. Anh Công lật cái nón tai bèo ra sau gáy, để lộ cái đầu hói của mình rồi chậc lưỡi:

        - Mày cứ làm tới đi. Cái gì chưa biết đã có anh em, lo gì.

        Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đại đội 6 bị trúng bom B.52 của địch thương vong nhiều. Tư tưởng của bộ đội có hoang mang, dao động. Nằm trên võng, tôi suy nghĩ đến không ngủ được. Làm thế nào để kiện toàn tổ chức, củng cố lại tư tưởng cho bộ đội? Làm thế nào để lấy lại sức mạnh chiến đấu cho đơn vị? Bao nhiêu thách thức đặt ra, mà lời giải đáp còn ở phía trước. Với cương vị là bí thư chi bộ, tôi bàn với chi ủy và thống nhất quan điểm trước hết phải kiểm điểm đánh giá sâu sắc trong chi bộ, sau đó ra hội nghị quân chính và cuối cùng là quần chúng chiến sĩ; đồng thời cùng nhau xác định một số nội dung chính cần nhấn mạnh trong khi kiểm thảo. Tôi đề nghị chi ủy để anh Huỳnh Chiến Công giúp tôi dự thảo nghị quyết chi bộ, bởi anh là người nắm chắc tình hình đơn vị.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM