Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:28:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 89890 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #260 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 05:40:35 pm »


PHỤ LỤC
1. BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO
2. PHÚ NÚI CHÍ LINH
3. VĂN BIA VĨNH LĂNG

Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Lam Sơn Vĩnh Lăng bi là ba bài văn hay, ghi được nhiều tư tưởng chính trị và quân sự của Nguyễn Trãi. Cả ba bài văn đều viết bằng chữ Hán, đã được nhiều người dịch ra tiếng Việt. Trong sách này, chúng tôi nhiều lần trích dẫn ba bài văn đó, và tham khảo những bản dịch trước, chúng tôi có dịch lại với ý muốn cho được sát với những ý của Nguyễn Trãi về chính trị và quân sự. Vậy chúng tôi in vào phần Phụ lục ba bản dịch, kèm theo bản phiên âm nguyên văn chữ Hán và chú giải, để bạn đọc tiện tham khảo và đối chiếu.
N. L. B.

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO
(Bản phiên âm chữ Hán)

Đại thiên hành hóa, Hoàng thượng nhược viết
Nhân nghĩa chi cử vụ tại an dân
Điếu phạt chi sư tất tiên khử bạo
Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam Bắc chi phong tục diệc dị
Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương
Tuy cường nhược thời hoặc bất đồng
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp
Cố Lưu Cung tham công nhi thủ bại
Triệu Tiết hiếu đại nhi xúc vong
Toa Đồ ký cầm ư Hàm Tử quan
Ô Mã hựu ế ư Bạch Đằng hải
Kê chư vãng cổ quyết hữu minh trưng
Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà
Trí sử nhân tâm chi oán bạn
Cuồng Minh tứ khích, nhân dĩ độc ngã dân
Nguỵ đảng hoài gian, cánh dĩ mại ngã quốc



BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO
(ĐẠI CÁO ĐÁNH THẮNG GIẶC NGÔ)1

Thay trời làm việc, nhà vua thường nói2
Làm việc nhân nghĩa, cốt để yên dân
Dấy quân đánh dẹp trước tiên trừ bạo

Xem như nước nhà Đại Việt
Thật là văn hiến quốc gia3
Núi sông bờ cõi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, mở mang dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, đứng vững một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt đời nào cũng có
Cho nên Lưu Cung tham công mà thất bại4
Triệu Tiết hám rộng phải tiêu vong5
Cửa Hàm Tử đã bắt Toa Đô
Biển Bạch Đằng lại giết Ô Mã6
Việc xưa xem xét, chứng cớ còn rành
Gần đây, nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Khiến trong nước nhân tâm oán hận
Quân cuồng Minh thừa dịp hại dân
Đảng nguỵ gian manh tâm bán nước
_________________________________________
1. Ngô tức Minh, Chu Nguyên Chương là vua đầu nhà Minh đã nổi lên ở đất Ngô, sau khi diệt nhà Nguyên, đóng đô ở Kim Lăng là đất Ngô cũ, cho nên nhà Minh cũng gọi là nhà Ngô, nước Minh là nước Ngô, quân Minh là quân Ngô.
2. Bài Bình Ngô Đại Cáo còn tới ngày nay là do một số sách cũ chép lại, như: Đại việt sử ký toàn thư, Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích, Ức Trai di tập của Dương Bá Cung, v.v... Các bản chép trong các sách thường có những chữ dùng không giống nhau. Sự khác nhau này chỉ là về lời văn, nó không làm thay đổi những ý chính và những sự việc chính trong bài văn. Thí dụ: câu đầu trong Bình Ngô Đại Cáo ở Hoàng Việt văn tuyển, chỉ có gọn hai chữ "cái văn" nghĩa là "từng nghe".
3. Văn hiến thường được giải thích là văn hóa, văn minh. Ở đây, Nguyễn Trãi giải thích hai chữ văn hiến rất hay, bằng 10 câu văn liền ở dưới. Theo Nguyễn Trãi, một nước có văn hiến là một nước hình thành và tồn tại từ lâu đời, có giang sơn bờ cõi riêng biệt, có đời sống văn hóa xã hội riêng, có đời sống chính trị và một nhà nước hoàn toàn độc lập với các nước khác và có một truyền thống anh hùng, đã đánh thắng mọi cuộc xâm lược từ bên ngoài. Định nghĩa văn hiến như thế, thật là đầy đủ, xác đáng.
4. Lưu Cung là vua Nam Hán cho quân sang xâm lược Việt Nam, đã bị Ngô Quyền đánh cho đại bại trên sông Bạch Đằng (năm 938).
5. Triệu Tiết là tướng nhà Tống đã cùng Quách Quỳ đem quân sang xâm lược Việt Nam, bị danh tướng của ta là Lý Thường Kiệt đánh cho thất bại nặng nề trên khu vực sông Cầu và phải xin điều đình để được rút quân về nước.
6. Toa Đô và Ô Mã Nhi là hai danh tướng của quân Nguyên xâm lược đã bị thất bại thảm hại trong những cuộc hành quân của chúng trên đất Việt Nam: Toa Đô bị chém lấy đầu tại trận, Ô Mã Nhi bị bắt sống, và sau bị giết ở ngoài biển.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #261 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 05:48:45 pm »


Hân thương sinh ư ngược diễm
Hãm xích tử ư họa khanh
Khi thiên võng dân, quỷ kế cái thiên vạn trạng
Liên binh kết hấn, nẫm ác đãi nhị thập niên
Bại nghĩa thương nhân, càn khôn cơ hồ dục tức
Trọng khoa hậu liễm, sơn trạch mi hữu nghiết di
Khai kim trường tắc mạo lam chướng nhi phủ sơn đào sa
Thái minh châu tắc xúc giao long nhi cắng yêu thẩn hải
Nhiễu dân thiết huyền lộc chi hãm tỉnh
Điễn vật chức thúy cầm chi võng la
Côn trùng thảo mộc, giai bất đắc dĩ toại kỳ sinh
Quan quả điên liên, câu bất hoạch dĩ an kỳ sở
Tuấn sinh linh chi huyết, dĩ nhuận kiệt hiệt chi vẫn nha
Cực thổ mộc chi công, dĩ sùng công tư chi giải vũ
Châu lý chi chinh dao trùng khốn
Lư diêm chi trữ trục giai không
Quyết Đông hải chi ba bất túc dĩ trạc kỳ ô
Khánh Nam sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác
Thần nhân chi sở cộng phẫn, thiên địa chi sở bất dung
Dư, phấn tích Lam Sơn, thê thân hoang dã
Niệm thế thù khởi khả cộng đái
Thệ nghịch tặc nan dĩ câu sinh
Thống tâm tật thủ giả thùy thập dư niên
Thường đảm ngọa tân giả cái phi nhất nhật
Phát phẫn vong thực, mỗi nghiên đàm thao lược chi thư


Nướng dân đen trên lò bạo ngược
Vùi con đỏ dưới hố tai ương1
Dối trời lừa dân, kế quỉ đủ ngàn vạn cách
Đem binh gây hấn, tội ác đầy hai chục năm
Nghĩa nát, nhân tan, đất trời muốn dứt
Sưu cao, thuế nặng, đằm núi vét trơn
Xông pha nơi lam chướng, lên rừng sâu, phá núi đãi vàng
Lăn lộn với thuồng luồng, xuống biển cả liều thân mò ngọc
Sách nhiễu dân, lấy hươu đen khắp nơi cạm bẫy
Tàn hại vật, đòi chim biếc mọi chốn lưới dăng
Cây cỏ côn trùng không thể sống
Khốn cùng quan quả chẳng yên thân2
Hút máu nhân dân, lũ hung đồ miệng răng nhờn béo
Ức người xây dựng, chỗ công tư dinh thự nguy nga
Nơi châu huyện, sưu thuế mấy tròng
Chốn hương thôn, cửi thoi vắng lặng
Tát cạn nước Đông hải, không rửa sạch tanh hôi
Chặt hết trúc Nam sơn, chưa ghi đủ tội ác3
Thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha
Ta, phát tích Lam Sơn, nương thân hoang dã
Quyết chẳng đội trời cùng kẻ địch
Thề không chung sống với quân thù
Đau lòng nhức óc, đã quá mười năm
Nếm mật nằm gai, chỉ đâu một buổi
Quên ăn đầy giận, cố học sâu thao lược binh thư
_______________________________________
1. Dân đen, con đỏ hay thương sinh, xích tử đều là những tiếng để chỉ quần chúng lao khổ tức quảng đại quần chúng nhân dân trong thời đại phong kiến.
2. Quan là goá vợ, quả là goá chồng.
3. Ở thời đại chưa có giấy viết, người phương Đông dùng mảnh tre, mảnh trúc để ghi chép.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #262 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 05:56:17 pm »


Tức cổ nghiệm kim, tế suy cứu hưng vong chi lý
Đồ hồi chi chí, ngộ mị bất vong
Đương nghĩa kỳ sơ khởi chi thời
Chính tặc thế phương trương chi nhật
Nại dĩ nhân tài thu diệp
Tuấn kiệt thần tinh
Bôn tẩu tiền hậu giả ký phạp kỳ nhân
Mưu mô duy ốc giả hựu quả kỳ trợ
Đặc dĩ cứu dân chi niệm, mỗi uất uất nhi dục đông
Cố ư đãi hiền chi xa, thường cấp cấp nhi hư tả
Nhiên kỳ đắc nhân chi hiệu, mang nhược vọng dương
Do kỷ chi tâm, thậm ư chửng nịch
Phẫn hung đồ chi vị điễn
Niệm quốc bộ chi do truân
Linh sơn chi thực tận kiêm tuần
Khôi huyện chi chúng vô nhất lữ
Cái thiên dục khốn ngã dĩ giáng quyết nhiệm
Cố dư ích lệ chí dĩ tế vu gian
Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập
Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm
Dĩ nhược chế cường, hoặc công nhân chi bất bị
Dĩ quả địch chúng, thường thiết phục dĩ xuất kỳ
Tốt năng dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn
Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo
Bồ Đằng chi lôi khu điện xiết


Xét xưa nghiệm nay, gắng tìm hiểu hưng vong mọi lẽ
Chí lo khôi phục, thức ngủ không quên
Chính khi cờ nghĩa phất lên
Là lúc thế giặc đương mạnh
Vậy mà tuân kiệt lưa thưa như sao sớm
Nhân tài lác đác tựa lá thu1
Bôn tẩu đó đây, ít kẻ đỡ đần2
Mưu mô bàn bạc, thiếu người giúp rập
Một niềm lo cứu nhân dân, những bực tức, miền Đông muốn tới3
Tha thiết đón xe hiền giả, hằng ngóng trông bên tả vẫn không4 
Mong người hiền như trông biển cả mịt mùng
Làm điều nhân là tự mình, phải gấp vội hơn cứu người bị đuối
Giận quân giặc vẫn chưa diệt được
Lo vận nước còn phải gian truân
Khi Linh sơn lương cạn mấy tuần
Lúc Khôi huyện quân không một lữ5
Ấy trời muốn thử ta trao nhiệm vụ
Nên ta càng cố trí vượt gian nan
Giơ gậy làm cờ, bốn phương dân cày tập hợp6 
Rượu hòa nước lã, một lòng tướng sĩ cha con7 
Lấy yếu thắng mạnh, nên bất ngờ tiến đánh
Lấy ít địch nhiều, thường đặc phục ra kỳ8 
Rốt cùng, lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo9 
Bồ Đằng sấm ran chớp giật
____________________________________
1. Về mùa thu, lá cây còn ít; về buổi sớm, sao mọc rất thưa. Nói nhân tài thưa thớt như lá thu, sao sớm, tức nói có ít quá.
2. Bôn tẩu: Lo chạy ngược xuôi.
3. Những bực tức, miền đông muốn tới, lấy ý một lời nói của Lưu Bang (Hán Cao tổ). Lưu Bang bị Hạng Vũ phong cho vào ở đất Tây Thục, Lưu Bang bực tức nói với Tiêu Hà: "Dư diệc dục đông nhĩ, an năng uất uất cửu cư thử hồ" (Ta cũng muốn tới miền đông, không thể yên chịu bực tức ở mãi đây được).
4. Bên tả vẫn không: thời xưa, khi tiếp khách hay khi cùng ngồi, thì bên tả chỗ mình ngồi là để mời khách quý. Thời Chiến quốc, ở nước Nguỵ có một người hiền, ở ẩn là Hầu Doanh. Công tử nước Nguỵ cho người mang lễ vật trọng hậu tới mời ra giúp việc. Hầu Doanh từ chối không nhận. Công tử nước Nguỵ mở tiệc rượu, mời đông tân khách. Khi khách đã ngồi yên, công tử lên xe ngựa, thân đi mời Hầu Doanh, và để trống chỗ ngồi bên tả ở trên xe để đón Hầu Doanh cùng ngồi. Ý câu này Nguyễn Trãi muốn nói Lê Lợi khẩn khoản đón mời người hiền, nhưng người hiền tới còn ít.
5. Mỗi tuần là mười ngày. Mỗi lữ là 500 quân. Linh sơn và Khôi huyện: xem trong sách (chương II, đoạn viết về 5 năm đầu của khởi nghĩa Lam Sơn).
6. Dân cày là dịch chữ manh lệ trong nguyên văn. Manh là dân cày, lệ là phụ thuộc, nghèo hèn. Manh lệ có nghĩa là dân cày nghèo, tức quảng đại quần chúng nông dân.
7. Rượu hòa nước lã: thời xưa, hai nước Sở và Tấn đánh nhau. Có người đem dâng vua Sở một vò rượu ngon. Vua muốn để toàn quân cùng hưởng, nhưng rượu có ít. Vua Sở liền đổ cả vò rượu xuống sông rồi bảo mọi người cùng múc uống. Cảm động trước tinh thần đồng cam cộng khổ đó, quân sĩ càng nức lòng chiến đấu và đã đánh thắng nước Tấn.
8. Thường đặt phục ra kỳ: nguyên văn là "thường thiết phục dĩ xuất kỳ". Nếu bỏ chữ "xuất kỳ" không dịch, là bỏ một ý quân sự quan trọng của Nguyễn Trãi trong đoạn văn này. "Xuất kỳ" hay "ra kỳ" là một khái niệm quân sự cổ. Xuất kỳ nghĩa đen là ra kỳ binh, nghĩa rộng là biến hoá linh hoạt các phép đánh. Trong binh pháp xưa có nói: "thiện xuất kỳ giả, vô cùng như thiên địa, bất kiệt như giang hà; chung nhi phục thủy, nhật nguyệt thị dã; tử nhi phục sinh, tứ thời thị dã...", có thể dịch là “giỏi ra kỳ thì biến hoá vô cùng như trời đất, cuồn cuộn chảy như nước sông vô tận, hết rồi lại bắt đầu như mặt trời mặt trăng, đã qua rồi lại đến như bốn mùa thay đổi vậy...". Ở đây, Nguyễn Trãi đã dùng chữ "ra kỳ" theo nghĩa rộng của binh pháp xưa, để nói lên rằng nghĩa quân Lam Sơn đã giỏi vận dụng linh hoạt các cách đánh, phù hợp với tình huống cụ thể của từng trận đánh, để thắng giặc.
9. Yếu đánh mạnh, ít đánh nhiều, đánh tập kích, đặt phục binh, ra kỳ binh nói ở đây, chỉ là những chiến lược chiến thuật chủ yếu của thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa, chứ không phải của toàn bộ cuộc khởi nghĩa. Nhưng, khi mới khởi nghĩa, tuy chỉ vận dụng những chiến lược, chiến thuật của chiến tranh du kích như vậy thôi, mà cuối cùng vẫn đánh thắng được hung tàn, đè bẹp được cường bạo, vì có đại nghĩa, có chí nhân. Đó là ý nghĩa của bốn câu văn này. Trong những giai đoạn sau của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chiến lược chiến thuật đánh địch ngày càng linh hoạt, phong phú, không chỉ đánh địch bằng phục kích, tập kích, mà còn đánh vận động, đánh trận địa, đánh thành và nhiều khi lấy mạnh thắng yếu, lấy nhiều đánh ít.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #263 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 06:00:22 pm »


Trà Lân chi trúc phá khôi phi
Sĩ khí dĩ chi ích tăng
Quân thanh dĩ chi đại chấn
Trần Trí, Sơn Thọ, văn phong nhi trĩ phách
Lý An, Phương Chính, suyễn tức dĩ thâu sinh
Thừa thắng trường khu, Tây Kinh ký vi ngã hữu
Tuyển phong tiến thủ, Đông Đô tận phục cựu cương
Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý
Tốt Động chi thi mãn dã, di xú thiên niên
Trần Hiệp tặc chi phúc tâm, ký khiêu kỳ thủ
Lý Lượng tặc chi gian đố, hựu bộc quyết thi
Vương Thông lý loạn nhi phần giả ích phần
Mã Anh cứu đấu nhì nộ giả ích nộ
Bỉ trí cùng nhi lực tận, thúc thủ đãi vong
Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất
Vị bỉ tất cải tâm nhi dịch lự
Khởi ý phục tắc nghiệt dĩ tốc cô
Chấp nhất kỷ chi kiến, dĩ giá họa ư tha nhân
Tham nhất thời chi công, nhi di tiếu ư thiên hạ
Toại sử Tuyên Đức ư giảo đồng, độc binh vô yếm
Viên mệnh Liễu Thăng chi nọa tưởng, dĩ du cứu phần
Đinh vị cửu nguyệt Liễu Thăng ký dẫn binh do Khâu Ôn nhi tiến
Bản niên bản nguyệt Mộc Thạnh diệc phân đồ tự Vân Nam nhi lai


Trà Lân trúc chẻ tro bay
Sĩ khí càng tăng
Quân thanh càng mạnh
Trần Trí, Sơn Thọ, nghe tin mất vía
Lý An, Phương Chính, nín thở tháo thân
Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh đã thuộc về ta1
Tuyển quân tiến thẳng, Đông Đô cũng thu hết đất
Ninh Kiều máu chảy thành sông, trôi tanh muôn dặm
Tốt Động thây phơi đầy nội, để thối ngàn thu2
Tâm phúc giặc, Trần Hiệp bêu đầu
Sâu mọt dân, Lý Lượng bỏ xác
Vương Thông hòng gỡ rối, thua vẫn hoàn thua
Mã Anh muốn cứu nguy, tức càng thêm tức3
Nó đến lúc chí cùng lực kiệt, nên phải đành chờ chết bó tay
Ta mưu dẹp bằng đánh vào lòng, không chiến trận mà địch phải khuất4
Những tưởng chúng sửa lòng đổi nghĩ
Nào hay chúng còn gây ác ra tai
Hợm mình một ý, vẫn muốn gieo vạ nước người
Tham công một thời, chỉ để mua cười thiên hạ
Khiến Tuyên Đức trẻ ranh cùng binh độc vũ quá5
Sai Liễu Thăng tướng nhát, chữa cháy đổ dầu thêm
Tháng chín Đinh Mùi, Liễu Thăng đưa quân, do Khâu Ôn tiến xuống
Cũng năm tháng ấy, Mộc Thạnh chia đường, tự Vân Nam kéo sang
_____________________________________
1. Tây Kinh tức Thanh Hóa, nơi có thành Tây Đô.
2. Trong Chí Linh Sơn Phú, Nguyễn Trãi tả trận Ninh Kiều, Tốt Động bằng những ý khác: "Trận Ninh Kiều như đê vỡ kiến trôi. Trận Tốt Động như gió rung cây gãy”.
3. Trong Chí Linh sơn phú, Nguyễn Trãi thuật lại tình cảnh bọn tướng địch lúc ấy bằng hai câu khác: "Trần Hiệp, Lý Lượng như hổ ngã hầm sâu, Vương Thông, Mã Kỳ như cá trong vạc cháy"
4. Binh pháp cổ cũng nói tới ý này: ”... thiện dụng binh giả, khuất nhân chi binh, nhi phi chiến dã", hoặc "bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã", nhưng không nói rõ khi nào thì có thể không chiến trận mà địch phải khuất. Nguyễn Trãi nói rõ là khi địch đã chí cùng lực kiệt. Binh pháp có nói đó là phép đánh mưu "Thử mưu công chi pháp dã", nhưng không nói "mưu công", đánh mưu như thế nào. Nguyễn Trãi nói rõ mưu dẹp bằng đánh vào lòng "Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất". Đó là một ưu điểm, một sáng tạo trong tư tưởng quân sự của Nguyễn Trãi.
5. Tuyên Đức là vua Minh, khi ấy còn ít tuổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #264 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 08:14:50 pm »


Dư tiền ký tuyển phục binh tắc hiểm dĩ tồi kỳ phong
Hậu hựu điệu kỳ binh tuyệt lộ dĩ đoạn kỳ thực
Thập bát nhật Liễu Thăng ký vi ngã quân sở công, kế truỵ ư Chi Lăng chi dã
Nhị thập nhật Liễu Thăng hựu vi ngã quân sở bại, thân tử ư Mã Yên chi sơn
Nhị thập ngũ nhật Bảo định Lương Minh trận hãm nhi táng khu
Nhị thập bát nhật thượng thư Lý Khánh kế cùng nhi vẫn cảnh
Ngã tự nghênh nhận nhi giải
Bỉ tức đảo qua tương công
Kế nhi tứ diện thêm binh dĩ bao vi
Kỳ dĩ thập nguyệt trung tuần nhi điễn diệt
Viên tuyển tì hưu chi sĩ
Thân mệnh trảo nha chi thần
Ẩm tượng nhi hà thủy can
Ma đao nhi sơn thạch khuyết
Nhất cổ nhi kình khoa ngạc đoạn
Tái cổ nhi điểu tán quân kinh
Quyết hội nghĩ ư băng đê
Chấn cương phong ư khô diệp
Đô đốc Thôi Tụ tất hành nhi tống khoản
Thượng thư Hoàng Phúc diện phọc nhi tựu cầm
Cương thi tắc ư Lạng Sơn, Lạng Giang chi đồ
Tiến huyết xích ư Xương Giang, Bình Than chi thủy
Phong vân vị chi biến sắc
Nhật nguyệt thảm dĩ vô quang


Ta trước đặt phục binh giữ hiểm, đập nát tiền phong
Sau đưa kỳ binh đánh chặn, cắt đường lương thực1
Ngày mười tám, Liễu Thăng bị đánh, Chi Lăng trúng kế
Ngày hai mươi, Liễu Thăng bị bại, Mã Yên tan thây
Ngày hai mươi lăm, Bảo định bá Lương Minh trận hãm bỏ mình
Ngày hai mươi tám, Binh thượng thư Lý Khánh kế cùng thắt cổ
Ta đưa dao, tới đâu tan đấy
Giặc quay giáo đánh lộn cùng nhau
Tiếp thêm quân bốn mặt bao vây
Hẹn giữa tháng mười cùng diệt giặc
Lựa quân hùm gấu
Cử tướng vuốt nanh
Voi uống mà cạn nước sông
Dao mài mà mòn đá núi2
Đánh trống trận đầu, phanh thây kình ngạc
Đánh trống trận nữa, tan tác chim muông
Đường kiến đục, đê lún vỡ toang
Cơn gió thổi, lá khô rụng trụi
Đô đốc Thôi Tụ quỳ gối chịu tội
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay nộp mình
Lạng Sơn, Lạng Giang, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Mây gió âu sầu biến sắc
Trời giăng thảm đạm mịt mờ
________________________________
1. Trong hai câu này, Nguyễn Trãi nói rõ việc dùng phục binh và kỳ binh để đánh thắng Liễu Thăng. Nếu không dùng chữ kỳ binh trong bản dịch thì không làm rõ được cái ý vận dụng phục binh, kỳ binh trong binh pháp xưa.
2. Hai câu này, ý nói: voi nhiều tới mức có thể uống nước mà cạn cả sông, gươm dao nhiều tới mức mài vào đá mà mòn cả núi. Những ý này nói lên cái thế của nghĩa quân Lam Sơn lúc đó là lấy nhiều đánh ít, lấy mạnh thắng yếu, đánh vận động, đánh trận địa, đánh thành luỹ, chứ không chỉ lấy ít đánh nhiều và đánh tập kích, phục kích như thời kỳ đầu khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #265 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 08:19:05 pm »


Kỳ Văn Nam binh vi ngã quân sở ách ư Lê Hoa, tự đỗng nghi hư hát nhi tiên dĩ phá đảm
Kỳ Mộc Thạnh chúng văn Thăng quân sở bại ư Cần Trạm, toại lạn tạ bôn hội nhi cẩn đắc thoát thân
Lãnh Câu chi huyết chử lưu, giang thủy vị chi ô yết
Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng
Lưỡng lộ cứu binh, ký bất toàn chủng nhi câu bại
Các thành cùng khấu diệc tương giải giáp dĩ xuất hàng
Tặc thủ thành cầm, bỉ ký trạo ngã hổ khất lân chi vĩ
Thần vũ bất sát, ngã diệc thể thượng đế hiếu sinh chi tâm
Tham tướng Phương Chính, nội quan Mã Kỳ, tiên cấp thuyền ngũ bách dư sưu, ký độ hải nhi do thả hồn kinh phách tán
Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, hựu cấp mã sổ thiên dư thất, dĩ hoàn quốc nhi ích tự cổ lật tâm kinh
Bỉ ký úy tử tham sinh nhi tu hảo hữu thành
Dư dĩ toàn quân vi thượng nhi dục dân đắc tức
Phi duy mưu kế chi cực kỳ thâm viễn
Ức diệc cổ kim chi sở vị kiến văn
Xã tắc dĩ chi điện an
Sơn xuyên dĩ chi cải quán
Càn khôn ký bĩ nhi phục thái
Nhật nguyệt ký hối nhi phục minh
Vu dĩ khai vạn thế thái bình chi cơ
Vu dĩ tuyết thiên cổ vô cùng chi sĩ
Ô hô!
Nhất nhung đại định, hất thành vô cạnh chi công
Tứ hải vĩnh thanh, đản bá duy tân chi cáo
Bá cáo thiên hạ, hàm sử văn tri



Binh Vân Nam bị quân ta đánh chặn ở Lê Hoa, sợ mà vỡ mật
Bọn Mộc Thạnh nghe quân Thăng thua to nơi Cần Trạm, bỏ chạy thoát thân1
Lãnh Câu máu chảy đầy dòng, nước sông nức nở
Đan Xá thây chồng khắp núi, cỏ nội đẫm hồng2
Hai đạo cứu binh, chửa quay chân đã bại
Các thành giặc khốn, đều cởi giáp xin hàng
Tướng giặc cầm tù, vẫy đuôi cọp đói cầu thương hại3
Uy thần chẳng giết, thể lượng đất trời đức hiếu sinh
Tham tướng Phương Chính, nội quan Mã Kỳ, trước cấp hơn năm trăm thuyền, đã vượt biển, vẫn hồn kinh phách lạc
Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, lại cho trên mấy nghìn ngựa, đã về nước, còn ngực đập chân run
Nó đã sợ chết tham sống, phải thành khẩn cầu hòa
Ta để cho giặc toàn quân4 mà dân ta được nghỉ
Chẳng những là mưu kế cực sâu xa
Mà cũng thật cổ kim chưa đã thấy
Xã tắc từ đây vững yên
Giang sơn từ nay đổi mới
Càn khôn hết bĩ lại thái
Nhật nguyệt hết mờ lại trong
Mở rộng nền thái bình muôn thủa
Rửa sạch điều hổ thẹn nghìn thu
Hỡi ơi!
Một khi mặc giáp nước yên ngay5, sự nghiệp vẻ vang khôn sánh kịp
Bốn biển thanh bình dân hưởng mãi, lệnh truyền đổi mới sớm ban ra
Bá cáo thiên hạ, ai nấy tỏ tường
___________________________________
1. Cần Trạm tức vùng Kép, Cần Dinh bây giờ, phía trên thị xã Bắc Giang chừng 20 ki-lô-mét.
2. Lãnh Câu, Đan Xá là hai địa điểm ở gần ải Lê Hoa. Lê Hoa ở phía biên giới Hà Giang - Vân Nam.
3. Chí Linh sơn phú cũng có 3 câu tương tự như 3 câu này.
4. Ở đây Nguyễn Trãi đã mượn một câu có sẵn trong binh pháp cổ để nói lên chủ trương của ta lúc ấy là tha cho mười vạn hàng binh, để cho chúng được toàn quân về nước. Cố nhiên toàn quân này chỉ là toàn quân còn lại của chúng khi chúng đầu hàng. Binh pháp cổ có nói: “Phù dụng binh chi pháp, toàn quốc vi thượng, phá quốc thứ chi; toàn quân vi thượng, phá quân thứ chi; toàn lữ vi thượng, phá lữ thứ chi, v.v…” có thể dịch là "Phép dùng binh là: "Giữ được vẹn nước (địch) là thượng sách, phá nước (địch) là kém; giữ được vẹn quân (địch) là thượng sách, phá tan quân (địch) là kém, giữ được vẹn lữ (của địch) là thượng sách, phá tan lữ (của địch) là kém...", cho nên chúng tôi hiểu mấy chữ "Dư dĩ toàn quân vi thượng...” của Nguyễn Trãi trong bài này là Nguyễn Trãi muốn nói "ta theo thượng sách: để cho địch được toàn quân...” do đấy mà tha cho mười vạn hàng binh về nước. Như vậy hai chữ "toàn quân" ở đây là toàn quân địch, chứ không phải toàn quân ta. Hiện nay có bản dịch "Dư dĩ toàn quân vi thượng" là "Ta muốn toàn quân làm cốt” hoặc "Ta lấy toàn quân làm hơn”, theo cái ý "toàn quân" là toàn quân ta, không phải toàn quân địch. Nếu hiểu là toàn quân ta như thế thì trái với nghĩa câu "toàn quân vi thượng" của binh pháp cổ và có lẽ không đúng với ý của Nguyễn Trãi muốn diễn đạt ở đây.
5. Nguyên văn chữ Hán "Nhất nhung đại định" là rút ra từ một câu trong Kinh Thư: "Nhất nhung y, thiên hạ đại định" có nghĩa là "Một khi mặc áo nhung, tức áo chiến, thì thiên hạ được bình yên". Cả một ý dài như vậy mà rút lại thành 4 chữ "Nhất nhung đại định" nên rất khó dịch. Có bản tạm dịch là "một mảnh nhung y" hay "một tấm nhung y", có bản dịch chệch ra là "một gươm đại định", v.v... Ở đây chúng tôi tạm dịch lại câu này với ý muốn giữ được ý chính của 4 chữ "nhất nhung đại định", mà không chú trọng được nhiều tới thể thức hành văn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #266 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 09:08:36 pm »


CHÍ LINH SƠN PHÚ

Thần long khởi hề phi Lam kinh
Thiên qua chỉ hề sóc tái thanh
Sáng nghiệp chi công thành bí tí
Tây thổ chi sơn xuyên hữu linh
Ê ngã hoàng chi thánh vũ
Đương tứ phương chi kinh dinh
Quốc bộ phương truân, tâm khốn lự hành
Ký ư thiên nhi thủ tất, nãi lệ chí dĩ cánh thành
Thử kim nhật sở dĩ hóa Hồ Việt vi nhất gia, nhi tư sơn đắc dĩ thiên cổ thùy danh dã
Đương kỳ nghĩa binh sơ khởi, tặc thế phương trương
Nhất quốc anh hào, thu diệp vẫn sương
Chí thôn Ngô hề, thục Chủng thục Lãi
Đồ hưng Hán hề, thục Bình thục Lương
Ngã hoàng phương độn tích vu tư sơn, duy sản thái dĩ mai quang
Thê tử lưu ly, sĩ tốt tán vương
Tuy xử khốn nhi ích hanh, tri tương hưng chi hữu tường
Cung giới trụ dĩ vi y, thực thái căn nhi vi lương
Chí cấp cấp ư đồ hồi, tâm uất uất nhi bất vương



PHÚ NÚI CHÍ LINH

Rồng thiêng dậy, bay rợp Lam kinh1
Giáo trời chỉ, dẹp tan Bắc binh
Dựng nước thành công nhiều khó nhọc
Miền Tây2 sông núi hẳn anh linh
Ôi! Vua ta tài thánh vũ
Đứng lên bốn phương kinh dinh.
Vận nước gian truân, khổ tâm lo tính
Thấy lẽ tất yếu của trời, càng quyết trí để nghiệp thành
Nhờ thế ngày nay Hồ Việt được một nhà,   mà núi này cũng lưu danh muôn thuở
Khi nghĩa quân mới dấy là lúc thế giặc đương hăng
Anh hào cả nước lưa thưa như lá thu gặp sương3
Chí nuốt giặc Ngô, ai Chủng, ai Lãi
Mưu dựng nghiệp Hán, ai Bình, ai Lương4
Vua tạ ẩn náu núi này, đành bặt tăm hơi, bưng kín ánh sáng
Vợ con lưu lạc, quân sĩ tha phương
Trong cảnh khốn vẫn bền lòng, vững tin ở ngày hưng vượng
Lấy giáp sắt làm áo mặc, lấy rễ rau làm quân lương
Chí rộn ràng lo khôi phục, lòng u uất thật khôn lường
___________________________________
1. Lam Kinh là Lam Sơn, quê của Lê Lợi, từ khi Lê Lợi lên làm vua, tại đó có xây dựng cung điện nên gọi là Lam Kinh.
2. Miền tây, hay Tây thổ, Tây kinh, Tây đô đều chỉ miền Thanh Hóa thời bấy giờ.
3. Mùa thu, lá cây bị khô rụng, gặp sương càng rụng nhiều. Ý câu này muốn nói anh hào cả nước ít ỏi quá.
4. Thời xưa, ở Trung Quốc, nước Việt bị nước Ngô đánh chiếm, về sau vua nước Việt là Câu Tiễn được những người có tài là Văn Chủng, Phạm Lãi giúp sức, đánh thắng được nước Ngô, khôi phục được nước Việt. Khi nhà Hán khởi nghiệp, Lưu Bang cũng được những người có tài như Trương Lương, Trần Bình giúp sức, nên đánh được nước Tần, diệt được nước Sở, dựng nên cơ đồ đế vương ở Trung Quốc. Tới đây Lê Lợi cũng muốn có được những người tài như thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #267 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 09:11:07 pm »


Tưởng tư sơn ư thử thời hề, khởi bất tự hồ Hán hoàng chi tại Mang Đãng giả da
Do kỳ tri bỉ tri kỷ, năng nhược năng cường
Đãi thời tứ tệ, thu phong liễm mang
Chẩm tân nhi ngọa, huyền đảm nhi thường
Tư tuyết tiền sỉ, dĩ phục cố cương
Tưởng tư sơn ư thử thời hề, khởi bất tự hồ Cối Kê chi thê Việt vương giả da
Ký nãi thu kỳ tàn tốt, phủ dưỡng ích cần
Nội tu chiến cụ, ngoại thác hòa thân
Quyên kim mộ sĩ, sát tượng hưởng quân
Nhân hoài thân thượng dĩ tử trưởng, tư dục hiệu lực dĩ thù ân
Ư thị: luyện binh tuyển tướng, chế thắng xuất kỳ
Sinh nhục tử vinh, tri ngã quân chi khả dụng
Hầu lương khí giới, giai nhân địch dĩ vi ti
Vạn toàn dĩ thủ, nhất thốc bất di
Cầm Bành khể tảng dĩ hiến địa
Phương Chính hư hát nhi động nghi
Nãi cứ hiểm nhi lập công
Hựu đa phương dĩ ngộ chi
Dạ tắc cử hoả, trú tắc trương kỳ
Đỗ Gia chi xâm địa tranh tiện
Khả Lưu chi độ giang trầm si
Lôi khu điện xiết, trúc phá khôi phi
Chu Kiệt hạm xa, Hoàng Thành bộc thi


Tưởng núi này lúc ây khác nào đất Mang Đãng khi Hán hoàng khởi nghiệp1
Biết người, biết mình, khi mềm, khi mạnh
Chờ thời, rình mệt, giấu nhọn, che sắc
Gối củi nằm gai, ngậm cay nuôi đắng
Lo rửa nhục trước, giành lại quê hương
Tưởng núi này khi đó, khác nào đất Cối Kê2 thời Việt vương ẩn náu
Thế rồi, thu nhặt tàn quân, nuôi dưỡng ân cần
Trong sửa chiến cụ, ngoài giả hòa thân
Quyên tiền mộ lính, giết voi khao quân
Ai cũng thân người trên, chết cho người trưởng, cố sức để đền ân
Từ đấy, luyện quân kén tướng, đánh địch ra kỳ3
Chết vinh hơn sống nhục, biết quân ta dùng được
Lấy của giặc đánh giặc, thu quân lương vũ khí
Vẹn toàn vững kế, một mũi tên không để phí
Cầm Bành rạp đầu dâng đất
Phương Chính khiếp vía chạy dài
Bèn giữ hiểm để lập công
Lại nhiều phương lừa đánh địch
Đêm lửa đốt, ngày cờ bay
Sớm chiếm Đỗ Gia, giành thế tiện trên núi ấy
Trước vượt Khả Lưu, đánh đắm địch tại sông này
Sấm ran chớp giật, trúc chẻ tro bay
Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây
_______________________________________
1. Mang Đãng: vùng núi ở Giang Tô. Lưu Bang trước khi dấy binh đánh Tần thường ẩn náu tại đây.
2. Cối Kê là tên một dãy núi, khi Việt vương Câu Tiễn bị nước Ngô đánh bại, phải tới đó nương náu và xây dựng lại lực lượng, rồi cũng từ đó tiến ra khôi phục đất nước.
3. "Xuất kỳ" hay "ra kỳ" là một khái niệm quân sự cổ. Xuất kỳ nghĩa đen là ra kỳ binh, nghĩa rộng là biến hoá linh hoạt các phép đánh. Trong binh pháp xưa có nói: "thiện xuất kỳ giả, vô cùng như thiên địa, bất kiệt như giang hà; chung nhi phục thủy, nhật nguyệt thị dã; tử nhi phục sinh, tứ thời thị dã...", có thể dịch là “giỏi ra kỳ thì biến hoá vô cùng như trời đất, cuồn cuộn chảy như nước sông vô tận, hết rồi lại bắt đầu như mặt trời mặt trăng, đã qua rồi lại đến như bốn mùa thay đổi vậy...". Ở đây, Nguyễn Trãi đã dùng chữ "ra kỳ" theo nghĩa rộng của binh pháp xưa, để nói lên rằng nghĩa quân Lam Sơn đã giỏi vận dụng linh hoạt các cách đánh, phù hợp với tình huống cụ thể của từng trận đánh, để thắng giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #268 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 09:16:11 pm »


Nghệ An chi địa dĩ vi ngã hữu
Tây Đô chi tiệp, tật ư tiêu trì
Giáp đạo hồ tương, lai giả như qui
Hào kiệt hàm phẫn dĩ thiết xỉ
Phụ lão cảm khấp nhi hư hi
Ngã chi quân thanh nhật dĩ ích chấn
Tặc chi bôn mệnh, nhật dĩ ích bì
Ninh Kiều chi băng đê hội nghĩ
Tốt Động chi kính phong tồi nuy
Trần Hiệp, Lý Lượng chi thâm khanh trụy hổ
Vương Thông, Mã Kỳ chi phí đỉnh ngư nhi
Vạn Lý chi sơn hà khắc phục
Đông Đô chi thị tứ bất di
Đương thử chi thời khởi bất tự hồ Hán Cao Cai Hạ tứ diện chi vi giả da
Nại hà, cuồng lỗ chi tham tâm bất trấp
Cử quốc chi viện binh phục lai
Dĩ du cứu phần, lạc họa hạnh tai
Liễu Thăng tống tử nhi Chi Lăng lưu huyết
Mộc Thạnh tiêu độn nhi Lãnh kinh tích hài
Lưỡng lộ cứu binh, bất toàn chủng nhi câu bại
Các xứ tặc thành, bất huyết nhận nhi tự khai
Trạo vĩ khất lân, thành thiết khảm ai
Đương thử chi thời khởi bất tự hồ Câu Tiễn chi khốn Ngô vương ư Cô Tô đài giả da


Đánh Nghệ An, đất thuộc về ta
Thắng Tây Đô, tin như bão dậy
Giỏ cơm bầu nước, người xin theo đông như hội trẩy
Hào kiệt căm thù tức giận nghiến răng
Phụ lão cảm khích mừng vui rơi lệ
Ta quân thanh ngày càng lừng lẫy
Giặc sinh mệnh ngày một hao gầy
Trận Ninh Kiều như đê vỡ kiến trôi
Trận Tốt Động như gió rung cây gãy1
Trần Hiệp, Lý Lượng, như hổ ngã hầm sâu
Vương Thông, Mã Kỳ, như cá trong vạc cháy
Non sông muôn dặm đã thu lại
Chợ búa Đông Đô chẳng đổi thay
Lúc đó khác nào Hán Cao tổ thuở trước bốn mặt đem quân bao vây Cai Hạ2
Vậy mà lũ giặc cuồng, lòng tham tối mắt
Đưa viện binh bên nước sang đây
Đem dầu chữa cháy, lấy họa làm hay
Liễu Thăng bỏ xác, Chi Lăng lai láng máu
Mộc Thạnh trốn đêm, Lãnh kinh tràn ngập thây
Cứu binh hai đạo, chân quay chưa kịp đã thua dài
Thành giặc các nơi, đầu cúi chịu hàng không máu vấy
Thảm thiết kêu xin, vẫy đuôi van lạy
Lúc ấy khác nào Câu Tiễn bức khốn vua Ngô ở Cô Tô đài thuở trước
_____________________________________
1. Cùng một hình ảnh "đê vỡ, kiến tan", Nguyễn Trãi đã viết theo hai cách. Trong Chí Linh sơn phú, Nguyễn Trãi viết là "băng đê hội nghĩ”. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết là "hội nghĩ ư băng đê". Chúng tôi chưa nắm được thực ý của Nguyễn Trãi trong hai cách viết này. Trong Bình Ngô đại cáo, chúng tôi dịch theo ý "kiến đục vỡ đê” (quyết hội nghĩ ư băng đê). Trong Chí Linh sơn phú, chúng tôi dịch theo ý "đê vỡ kiến tan" (băng đê hội nghĩ). Cả hai ý này đều có nghĩa. Hiện nay, các bản dịch cũng thường dịch theo hai ý này.
2. Cai Hạ là nơi Hạng Vũ bị Lưu Bang vây khốn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #269 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 09:17:08 pm »


Tuy nhiên Hán Cao tổ chi qui mô hoằng viễn, chính tự ngô hoàng kim nhật chi thịnh
Câu Tiễn đặc thủ kỳ phục thù chi chí nhi dĩ, khởi túc dĩ nghĩ nghị kỳ vạn nhất tai
Chí nhược, thần vũ bất sát, đại đức hiếu sinh
Niệm quốc gia trường cửu chi kế
Phóng thập vạn khất hàng chi binh
Tu lưỡng quốc chi hòa hảo
Tức vạn thế chi chiến tranh
Toàn quốc vi thượng duy đồ tập ninh
Thị tắc ngã hoàng chi thịnh đức, hựu khởi Cao tổ đồng nhật chi câu ngữ
Tương dữ nhị đế tam vương nhi tịnh xưng giả dã
Ta hồ, cổ vãng kim lai, bách thế khả suy
Nghiêu hưng Đường hầu, Thuấn khởi trắc vi
Thành Thang chi tai tự Bạc, Thái vương chi thiên vu Kỳ
Cái đa nạn nãi hưng bang chi bản
Nhi ân ưu thực khải thánh chi ky
Lịch biến đa tắc tư lự thâm
Kế sự viễn tắc thành công kỳ
Đế vương chi hưng, mạc bất do ty
Nhiên tắc ngã hoàng hưng vương chi nghiệp, thực do thử sơn nhi sáng thủy
Nhi ngã hoàng chi long công thịnh đức, trường dữ thử sơn nhi nguy nguy giả hồ
Nãi bái thủ khể thủ nhi hiến ca viết
Thiên khải thánh hề địa hưng vương
Càn khôn thảo muội hề vận tế phi thường
Đổ Linh Sơn chi nga nga hề, niệm tích nhật chi gian khổ
Phủ vương nghiệp chi du cơ hề, hà nhật năng vương
Nguyện kỷ thịnh đức dĩ lặc trinh mân hề, vĩnh thuỳ bất hủ
Cắng thiên cổ dữ vạn cổ hề, đồng thiên địa nhi trường cửu.


Nhưng thịnh đức của vua ta ngày nay, chỉ quy mô rộng lớn của Hán Cao tổ mới sánh kịp
Còn như Câu Tiễn, ngoài chí phục thù là đáng kể, thì trong muôn phần không so được với vua ta
Đến như: uy thần chẳng giết, đức lớn hiếu sinh
Nghĩ kế nước nhà trường cửu
Tha cho mười vạn hàng binh
Gây lại hòa hảo cho hai nước
Dập tắt chiến tranh cho muôn đời
Địch phải theo thượng sách: nước vẹn toàn1, dân được an ninh
Như thế thì thịnh đức của vua ta Cao tổ nhà Hán sánh sao kịp
Vua ta phải ngang hàng với hai đế ba vương2 lừng danh thuở trước
Than ôi! Xưa đi nay lại, trăm đời nên nghĩ
Nghiêu nổi dậy từ Đường hầu, Thuấn khởi nghiệp tự hàn vi
Thành Thang dấy nghĩa nơi đất Bạc, Thái vương khởi binh tại núi Kỳ
Nhiều hoạn nạn là nền dựng nước
Lắm lo toan là gốc trị vì
Biến cố trải nhiều thì suy nghĩ sâu
Mọi việc lo trước thì thành công kỳ
Nổi nghiệp đế vương, không thể khác thế
Vậy thì vua ta dựng nghiệp thật đã tự núi này trở đi
Công cao đức cả của vua ta cũng sẽ cùng núi này hùng vĩ muôn đời
Bèn cúi đầu chắp tay, dâng lời ca rằng
Trời sinh vua thánh, đất dấy nghiệp vương
Càn khôn mờ mịt, vận hội phi thường
Nhìn Linh Sơn cao vút, nhớ những ngày gian khổ
Vỗ nghiệp vương bền vững, không một ngày xao lãng
Xin ghi thịnh đức vào đá, lưu truyền bất hủ
Ngàn vạn đời sau, vẫn cùng trời đất dài lâu
_________________________________
1. "Toàn quốc vi thượng” là chữ có sẵn trong binh pháp cổ (xem chú thích số 29) có nghĩa là "giữ được toàn vẹn nước địch là thượng sách". Ở đây, không thể hiểu "toàn quốc vi thượng" là "ta lấy việc giữ toàn vẹn nước địch, tức nước Minh, làm thượng sách", vì ta không đem quân sang đánh nước Minh, và Nguyễn Trãi cũng không nói là “Dư dĩ toàn quốc vi thượng", như đã nói "Dư dĩ toàn quân vi thượng" trong Bình ngô đại cáo. Nhưng nếu hiểu là "ta lấy việc giữ toàn vẹn nước ta làm thượng sách" hay "giữ vẹn nước là hơn” hoặc "chỉ cần vẹn đất" thì trái với nghĩa "toàn quốc vi thượng" của binh pháp cổ. Ở đây, chúng tôi hiểu Nguyễn Trãi muốn nói là ta buộc địch phải theo binh pháp xưa, lấy "toàn quốc vi thượng" tức "chúng phải rút quân về, lấy việc giữ toàn vẹn nước địch làm thượng sách”, do đấy mà nước ta an toàn, dân ta được nghỉ. Chúng tôi đã dịch theo ý đó.
2. Hai đế ba vương (nhị đế, tam vương): nhị đế là Nghiêu và Thuấn. Tam vương là Phục Hi, Thần Nông, Hoàng đế. Đây là tên những vua trong truyền thuyết Trung Quốc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM