Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:49:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 89877 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #250 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2016, 07:48:30 pm »


Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã trở thành một cuộc chiến tranh nhân dân lớn mạnh, tương đối toàn dân, toàn diện, trong điều kiện của lịch sử nước ta cách đây hơn 500 năm. Đó cũng là một thành công rất lớn của tư tưởng quân sự vĩ đại của Nguyễn Trãi.

Từ khi về núi Chí Linh lần thứ ba, vận dụng đường lối phát động chiến tranh của Nguyễn Trãi, nghĩa quân Lam Sơn đã nhanh chóng trở thành một quân đội mạnh, từ chỗ chỉ còn chưa đầy 500 người đầu năm 1423, sau 4 năm chiến đấu, khoảng đầu năm 1427, đã lên tới con số 35 vạn người. Trong giai đoạn sau của cuộc chiến tranh, nghĩa quân Lam Sơn đã có một lực lượng đông mạnh như vậy là vì có những phương hướng đúng để xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa phát triển thành hậu phương rộng lớn làm chỗ dựa vững chắc cho phong trào.

Về xây dựng lực lượng vũ trang khởi nghĩa và quân đội dân tộc, Nguyễn Trãi thực hiện chủ trương "bốn phương dân cày tập hợp", lấy đông đảo dân cày nghèo tổ chức lực lượng vũ trang, nên từ sau khi về núi Chí Linh lần thứ ba, nghĩa quân đi tới đâu cũng có đông đảo dân chúng hưởng ứng tòng quân. Trên bước đường hành quân từ Đa Căng tới Trà Long, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Thanh Hóa và các lộ Đông Đô, chỗ nào cũng có hàng ngàn hàng vạn thanh niên nô nức tòng quân. Với sự nhiệt liệt tham gia chiến đấu của dân chúng như vậy, lực lượng quân đội khởi nghĩa nhất định đông mạnh. Nhưng quân đội khởi nghĩa không chỉ mạnh về số lượng mà còn mạnh về chất lượng. Cùng với việc rèn luyện kỹ thuật chiến đấu, Nguyễn Trãi đặc biệt chú trọng giáo dục tinh thần quân đội, coi đó là sức mạnh cơ bản của quân đội, là nhân tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của chiến tranh. "Hun đúc những điều nhân nghĩa”, giáo dục tinh thần "chết vinh hơn sống nhục", "đem quân ấy ra đối phó với địch, kẻ nào theo ý hướng ta sẽ sống, kẻ nào trái ý hướng ta sẽ chết". Những chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn, đánh tan mấy chục vạn quân xâm lược trong hơn 3 năm cuối của cuộc chiến tranh đã chứng minh rõ quan điểm của Nguyễn Trãi: lấy dân cày nghèo để xây dựng quân đội và lấy việc giáo dục tinh thần quân đội làm trọng là một quan điểm rất đúng đắn về xây dựng lực lượng vũ trang khởi nghĩa và quân đội dân tộc. Một quân đội có tinh thần dũng cảm hy sinh, quyết chiến quyết thắng, lấy chết vinh hơn sống nhục, có một đội ngũ tướng lĩnh chỉ huy tài giỏi, hết lòng vì nước, thì nhất định ít đánh được nhiều và nhất định đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #251 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2016, 07:49:23 pm »


Đi đôi với việc xây dựng lực lượng vũ trang, việc xây dựng căn cứ địa Chí Linh -Lam Sơn làm chỗ đứng an toàn cho nghĩa quân củng cố lực lượng và việc tiến xuống đồng bằng xây dựng căn cứ mới phát triển thành hậu phương ngày càng mở rộng, là những thành công rất lớn của đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân của Nguyễn Trãi. Với căn cứ địa Chí Linh - Lam Sơn, nghĩa quân không những chặn đứng được những cuộc càn quét, đàn áp lớn của địch, mà còn có điều kiện chuẩn bị đầy đủ về tinh thần và vật chất cho giai đoạn chiến tranh mới, đánh địch mạnh hơn nữa. Từ căn cứ địa Chí Linh -Lam Sơn ra quân, tiến xuống đồng bằng, trong khoảng 7 tháng, nghĩa quân Lam Sơn đã xây dựng được một hậu phương vững chắc, bao gồm cả vùng Nghệ An trù phú và giam chân đại quân địch trong thành Nghệ An, tạo điều kiện đánh mạnh ra các nơi khác. Nhanh chóng đánh toả ra Diễn Châu, Thanh Hóa, Tân Bình, Thuận Hóa, chỉ trong vòng ba tháng, nghĩa quân đã mở rộng hậu phương ra cả vùng đất đai một nửa nước về phía nam, từ Thanh Hóa trở vào, lấy đó làm chỗ dựa vững chắc để đánh ra Đông Đô. Giữa năm 1426, những đội tiên phong của nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Đông Đô và chỉ trong vòng nửa cuối năm 1426 đã thu lại toàn bộ đất đai miền Đông Đô, trừ mấy thành luỹ giặc còn tạm giữ. Như vậy là tới cuối năm 1426 đầu năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã có một hậu phương rộng lớn, chạy dài từ Nam ra Bắc và có sức người sức của của cả nước để đánh thắng giặc, và như Nguyễn Trãi đã nói "... trước thì cơm ăn không được hai bữa, mà nay thì lương thực tích trữ, ăn được 30 năm;... trước thì khí giới tay không mà nay thì thuyền chiến ngất mây, áo giáp rực sáng, tên đạn chất đống, thuốc súng đầy kho. So trước với giờ, mạnh hay yếu đủ biết rõ được". Một hậu phương rộng lớn với sức người, sức của dồi dào như vậy, đã là chỗ dựa vững chắc để nghĩa quân Lam Sơn mở những cuộc tiến công lớn, đánh địch những đòn quyết định, kết thúc chiến tranh. Hoàn thành sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Đường lối phát động dân chúng đánh giặc: "giơ gậy làm cờ, bốn phương dân cày tập hợp", xây dựng căn cứ địa Chí Linh - Lam Sơn, tiến xuống đồng bằng mở rộng hậu phương, là một thành công rất lớn của tư tưởng quân sự của Nguyễn Trãi, đã đưa phong trào Lam Sơn từ một cuộc khởi nghĩa địa phương thành một cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn, động viên sức người, sức của của cả nước để đánh thắng giặc. Đó cũng là một cống hiến rất lớn của Nguyễn Trãi vào kho tàng kinh nghiệm quân sự ưu tú của dân tộc ta.

Đấu tranh tổng hợp: đánh bằng quân sự, đánh bằng sức mạnh của dân chúng nổi dậy và đánh mạnh vào lòng quân địch, là một đường lối đấu tranh rất mầu nhiệm, đã đem lại cho phong trào Lam Sơn những thắng lợi hết sức to lớn. Việc hạ các thành Trà Long, Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa, Điêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang và cuối cùng buộc hơn mười vạn quân địch còn lại trên chiến trường Việt Nam phải giải giáp đầu hàng, chính là sự thể hiện rực rỡ đường lối đấu tranh tổng hợp tài giỏi của Nguyễn Trãi, vừa đánh bằng quân sự, vừa đánh bằng ngoại giao, vừa binh vận, "lấy ít đánh nhiều", mà thắng lợi rất lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #252 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2016, 07:50:36 pm »


Trong đường lối đấu tranh tổng hợp của Nguyễn Trãi, sự kết hợp tiến công quân sự với sự nổi dậy của dân chúng có một tầm quan trọng đặc biệt, tạo thành một sức mạnh như chiều dâng thác đổ để tiêu diệt địch, thu đất, giành dân, phá chính quyền địch, lập chính quyền ta, địch không sao đối phó nổi. Năm 1425, từ căn cứ Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra các nơi, dưới hình thức "đi tuần", tức tiến công quân sự hoặc võ trang tuyên truyền kết hợp với dân chúng nổi dậy để đánh địch. Chỉ với những toán quân nhỏ, chừng một vài nghìn người, nghĩa quân chia nhau đi tuần Diễn Châu, Thanh Hóa, Tân Bình, Thuận Hóa, và chỉ trong vòng 3 tháng, nghĩa quân đã thu phục được tất cả các phủ huyện châu từ Thanh Hóa trở vào tới Thuận Hóa. Năm 1426, hơn một vạn nghĩa quân tiến ra đi tuần miền Đông Đô và chỉ trong vòng 5, 6 tháng đã thu phục được tất cả các lộ, các phủ ở miền bắc nước ta. Tới đây, toàn bộ đất đai cả nước đã thuộc về ta, trừ mấy thành địch còn tạm giữ. Có được những thắng lợi to lớn và nhanh chóng như vậy là do chỗ nghĩa quân Lam Sơn đã vận dụng thành công đường lối đấu tranh của Nguyễn Trãi, kết hợp tiến công quân sự với sự nổi dậy của dân chúng ở khắp nơi. Thực tế lịch sử chứng minh trong chiến tranh giải phóng, có quân đội mạnh là rất cần thiết, nhưng bên cạnh quân đội mạnh phải có dân chúng vũ trang nổi dậy thì mới nhanh chóng phá vỡ chính quyền địch, thu đất, giành dân, giải phóng được cả nước. Khi nhận xét về thắng lợi của cuộc chiến tranh chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao đường lối đấu tranh kết hợp này:

”Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh là thắng lợi của một cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Nhưng khác với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đời Trần, đây là một cuộc khởi nghĩa dân tộc phát triển thành chiến tranh giải phóng, có các cuộc chiến đấu của nghĩa quân phát triển thành quân đội, kết hợp với sự nổi dậy rộng rãi của dân chúng... Không có sự nổi dậy của dân chúng thì không thể đánh đổ chính quyền đô hộ ở cơ sở, mở rộng thanh thế và tạo nên địa bàn cho nghĩa quân. Nhưng nếu không có nghĩa quân, sau phát triển thành quân đội, đánh những trận tiêu diệt lớn, thì không đánh bại được chiến tranh xâm lược, không đập tan được chính quyền đô hộ. Sự kết hợp giữa quân đội dân tộc với dân chúng vũ trang đã có bước phát triển mới so với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đời Trần, thể hiện rõ nét nhất ở các cuộc nổi dậy rộng rãi của dân chúng"1.

Đó cũng là một thành công rất lớn của tư tưởng quân sự vĩ đại của Nguyễn Trãi.

Tiến công chủ động và không ngừng: là tư tưởng quân sự quan trọng mà Nguyễn Trãi đã vận dụng trong suốt quá trình chiến tranh và đã đem lại cho nghĩa quân Lam Sơn những thắng lợi liên tiếp "càng đánh càng được". Với sự chỉ đạo của tư tưởng ấy, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh như "sấm ran chớp giật", như "trúc chẻ tro bay", đánh "mau chóng như thần", "như bánh xe chuyển, như đám mây bay, trong khoảng chốc lát, chợt nóng chợt rét, thay đổi khôn lường", đánh cho địch tan tác rã rời, phải "khiếp vía chạy dài" (hư hát nhi động nghi) và cuối cùng đành "bó tay chờ chết" (thúc thủ đãi vong).
______________________________________
1. Võ Nguyên Giáp, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1972, tr. 74-75.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #253 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2016, 09:56:33 pm »


Tư tưởng tiến công chủ động và không ngừng đã quán xuyến toàn bộ quá trình chiến đấu của nghĩa quân từ khi chuyển hướng chiến lược vào Nam tới khi chiến tranh kết thúc. Từ tháng 10 năm 1424 tới tháng 8 năm 1425, nghĩa quân đã mở một cuộc tiến công liên tục, đánh địch trên khắp dải đất miền Nam, làm cho địch không kịp trở tay, đánh Đa Căng, Trà Long, Nghệ An, rồi từ Nghệ An tiến công liên tiếp ra cả hai phía nam bắc, vừa đánh chiếm Diễn Châu, Thanh Hóa, vừa đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hóa, cuộc tiến công liên tiếp trong 10 tháng đã thành công rực rỡ. Cả nửa nước về phía nam được giải phóng. Năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn kết hợp với dân chúng nổi dậy lại mở cuộc tiến công dồn dập, rộng khắp ra miền Bắc và đã nhanh chóng thu phục được tất cả các lộ, phủ ở Đông Đô. Nghĩa quân đã tiến công liên tục và cũng tiến công rất chủ động, rất mãnh liệt, ngay những khi địch mưu đồ phản công lớn cũng bị nghĩa quân đánh phủ đầu rất mạnh. Địch chưa kịp dàn binh bố trận đã thất bại, tan vỡ. Khi nghĩa quân đánh vào Nam, tổng binh Trần Trí dồn hết lực lượng từ Nghệ An tiến lên Trà Long định mở một cuộc phản công lớn vào nghĩa quân, thì bị nghĩa quân chủ động tiến công ngay trên đường hành quân của chúng tại Khả Lưu, Bồ Ải, và đánh như "sấm ran chớp giật", quân địch thất bại thảm hại, phải chạy vào thành Nghệ An cố thủ. Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc, tổng binh Vương Thông đem viện binh sang, tập hợp lực lượng 10 vạn, mưu phản công lớn, đánh vào căn cứ Cầu Ninh của nghĩa quân rồi tiến thẳng vào đánh đại quân Lam Sơn tại Thanh Hóa, Nghệ An. Nhưng địch đã bị nghĩa quân Lam Sơn chủ động tiến công, đánh cho địch tan tác tại Ba La, Cầu Mọc, Tốt Động - Chúc Động, Vương Thông phải đem toàn quân chạy về thành Đông Quan cố thủ. Mười lăm vạn viện binh của Liễu Thăng, Mộc Thạnh, từ nước Minh chia hai đường tiến sang cứu nguy cho quân Vương Thông, cũng bị nghĩa quân Lam Sơn chủ động tiến công, đánh cho tan vỡ hoàn toàn. Tại Chi Lăng, quân địch chưa kịp giao tranh, chủ tướng Liễu Thăng đã bị giết chết. Và trên đường hành quân của địch, từ Chi Lăng tới Xương Giang, toàn bộ mười vạn quân địch bị tiêu diệt, toàn bộ tướng lĩnh địch hơn 300 người đều bị giết hoặc bị bắt sống. Đạo viện binh Mộc Thạnh tại gần ải Lê Hoa cũng bị nghĩa quân tiến công, đánh cho tan tác, phải bỏ chạy về nước.

Tư tưởng tiến công chủ động, không ngừng, kết hợp với nghệ thuật quân sự tài giỏi của nghĩa quân Lam Sơn đã tạo nên một thế đánh địch mạnh như "sấm chớp", như "gió rung lá rụng", như "đê vỡ kiến trôi” như "phá vật nát", như "bẻ cành khô", "càng đánh càng được", mau chóng đánh bại hẳn quân thù, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Vấn đề thời cơ được Nguyễn Trãi rất coi trọng, cả trong chỉ đạo chiến tranh và trong chiến đấu. Ông thường nói "thời cơ, thời cơ, thật không nên lỡ"1, và trong việc dùng binh, ông khẳng định:

"Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn; mất thời không thế, thì mạnh hoá ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay"2.

Nguyễn Trãi đoán trước được thời cơ, biết chờ thời cơ và biết chọn thời cơ, như ông từng nói: "Người trí giả thấy việc từ lúc việc chưa phát"3, "kẻ sĩ nên sớm biết cơ màu"4, và ông còn tạo được thời cơ có lợi nhất để hành động, "Mưu việc từ trước khi việc xảy ra thì khi việc xảy đến dễ mưu tính”5
____________________________________
1-4. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 46, 47, 43, 56.
5. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 147.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #254 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2016, 09:57:04 pm »


Sau trận đánh ở huyện Khôi đầu năm 1423, lực lượng nghĩa quân chỉ còn chưa đầy 500 người, Nguyễn Trãi bằng việc tạm thời hòa hoãn với địch và xây dựng căn cứ Chí Linh - Lam Sơn, đã tạo được thời cơ rất tốt để củng cố lực lượng. Sau khi lực lượng đã được củng cố, Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn lại chọn lúc địch đương phân tâm, lúng túng và đương bận rộn về việc tổ chức lễ tang vua cũ và lễ mừng vua mới của chúng làm thời cơ thuận lợi để ra quân đánh địch. Khi chủ tướng địch Trần Trí và đại bộ phận lực lượng của chúng đã bị dồn vào trong thành Nghệ An, thì Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn đã nắm lấy thời cơ đó cho quân đi đánh chiếm Diễn Châu, Thanh Hóa, Tân Bình và Thuận Hóa. Trần Trí phải chạy ra Đông Quan để gửi người về nước xin viện binh và cố thủ trong thành Đông Quan. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn đã nhằm lúc viện binh địch chưa sang tới nơi và bọn Trần Trí ở Đông Quan không dám hành quân ra ngoài làm thời cơ tốt nhất để cho mấy đạo quân nhỏ "đi tuần" ra Bắc, nhanh chóng giải phóng các lộ phủ ở Đông Đô và tạo thời cơ thuận lợi để đánh thắng viện binh địch. Quả nhiên sau khi giải phóng các lộ ở phủ Đông Đô, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan đạo viện binh Vương An Lão ở cầu Xa Lộc và đánh cho đạo viện binh Vương Thông bị đại bại ở Ba La, cầu Mọc và Tốt Động - Chúc Động. Khi Vương Thông xin nghị hòa, Nguyễn Trãi đã nắm lấy thời cơ thu phục được mấy thành Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa. Trong khi vây hãm Vương Thông phản bội nghị hòa, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã tạo sẵn thời cơ buộc mười vạn quân địch phải rút quân về nước chấm dứt chiến tranh, thời cơ đó là nghĩa quân sẽ đánh tan viện binh địch và buộc mười vạn quân Vương Thông trong các thành "thế tất phải hàng", như Nguyễn Trãi đã nói trước cho địch biết. Khi viện binh của Liễu Thăng tiến sang, Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn đã tạo được thời cơ "đập nát tiền phong" địch và giết chết Liễu Thăng, chủ tướng địch tại Chi Lăng, buộc đạo quân này vào cái thế bị tiêu diệt hoàn toàn trong mấy trận sau. Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn cũng tạo được thời cơ thuận lợi nhất để đánh tan đạo quân Mộc Thạnh, buộc chúng phải rút chạy về nước, không dám tính đến việc cầm cự, chống giữ lâu dài.

Điểm lại quá trình chiến đấu của nghĩa quân, rõ ràng vấn đề nhằm đúng thời cơ và tạo được thời cơ tốt nhất để đánh địch là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng huy hoàng của nghĩa quân Lam Sơn.

Hai đạo viện binh Liễu Thăng, Mộc Thạnh bị tiêu diệt, cuộc xâm lược của nhà Minh hoàn toàn thất bại sau hai mươi năm hành quân chiếm đóng Việt Nam, hao binh tổn tướng rất nhiều, mấy chục vạn tướng sĩ bỏ mạng trên chiến trường, và cuối cùng, mười vạn quân địch phải bó tay chịu hàng trước sức mạnh của nhân dân Việt Nam và thiên tài quân sự của Nguyễn Trãi.

Đường lối phát động chiến tranh nhân dân "bốn phương dân cày tập hợp", đường lối đấu tranh tổng hợp, tư tưởng tiến công chủ động, không ngừng và tinh thần coi trọng thời cơ là những điểm cơ bản nói lên tính sáng tạo và tính ưu việt của tư tưởng quân sự của Nguyễn Trãi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #255 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2016, 09:58:22 pm »


Nguyễn Trãi không những giỏi quân sự mà ngoại giao cũng rất giỏi. Ông là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đem công tác ngoại giao phục vụ chiến tranh lâu dài chống xâm lược, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao để đánh thắng địch. Nguyễn Trãi đã tiến hành đấu tranh ngoại giao với địch một cách rất linh hoạt, sắc bén, đúng thời cơ, sát với từng tình huống cụ thể của chiến trường và luôn luôn giành thắng lợi lớn. Khi thì ngoại giao đi trước để tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự giành thắng lợi. Khi thì ngoại giao đi cùng với đấu tranh quân sự, kết hợp với đấu tranh quân sự và địch vận để giành thắng lợi mà ít thương vong. Khi thì ngoại giao đi tiếp theo chiến thắng quân sự để giành thêm thắng lợi mới mà không phải dùng biện pháp quân sự. Cuối cùng, khi đã giành thắng lợi quyết định bằng quân sự thì tiến hành đàm phán hòa bình dùng ngoại giao để phát huy thắng lợi quân sự và chấm dứt chiến tranh, đặt lại quan hệ bình thường giữa hai nước. Trong đàm phán ngoại giao với địch, thái độ của Nguyễn Trãi có thể khi mềm dẻo khi cứng rắn, khi ôn tồn khi gay gắt, khi nhún nhường khi thách thức, nhưng đường lối ngoại giao của Nguyễn Trãi trước sau như một, không hề thay đổi. Nội dung cơ bản của các cuộc đàm phán thương lượng và mội văn kiện ngoại giao của Nguyễn Trãi bao giờ cũng là:

1. Kiên quyết giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, nêu cao chính nghĩa, nhấn mạnh truyền thống anh hùng của nhân dân ta đánh thắng mọi cuộc xâm lược ở các thời đại và cực lực phê phán cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo của địch đã gây bao đau thương, tang tóc trên đất nước ta trong hai mươi năm.

2. Nhấn mạnh truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc ta và đạo đức nhân nghĩa của quân dân ta, đồng thời nghiêm khắc vạch tội đàn áp, tàn phá dã man của địch.

3. Từ lúc ta còn yếu hơn địch cho tới khi địch bị ta đánh cho tan tác rã rời, phải co vào cố thủ trong các thành lũy, Nguyễn Trãi bao giờ cũng khẳng định ta nhất định thắng, địch nhất định thua, kiên quyết vạch cho địch thấy, nếu chúng không chấm dứt chiến tranh xâm lược thì chúng sẽ phải hao người tốn của, nội bộ chúng sẽ rối ren lục đục, cơ đồ của chúng khó mà đứng vững, và cuối cùng chúng nhất định phải thất bại hoàn toàn.

Những điều đó đã trở thành nguyên tắc đấu tranh ngoại giao của Nguyễn Trãi. Trong cả những biểu cầu phong gửi cho vua Minh, ông cũng dõng dạc nói như thế. Cầu phong, nhưng ông vẫn ngang nhiên vạch tội xâm lược và những thủ đoạn đàn áp bóc lột dã man của địch. Giao hảo nhưng không nhượng bộ. Thương lượng hòa bình nhưng cương quyết bác bỏ mọi yêu sách của địch. Để chấm dứt chiến tranh, để bảo toàn tính mệnh cho địch, địch phải rút hết quân về nước, không được đặt điều kiện gì, phải xin thề "lập tức đem quân về nước, không được kéo dài năm tháng để đợi viện binh"1.

Công tác ngoại giao của Nguyễn Trãi rõ ràng đã góp phần quan trọng vào công cuộc đánh thắng hoàn toàn quân Minh xâm lược. Đường lối và thành tích ngoại giao của Nguyễn Trãi cùng với đường lối và thành tích chính trị, quân sự của ông đã góp phần tạo nên những chiến công vô cùng rực rỡ của dân tộc ta trong chiến tranh chống xâm lược ở đầu thế kỷ XV.
___________________________________
1. Trong bài văn hội thề của bọn tướng địch Vương Thông với các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #256 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 03:50:36 pm »


Công lao cứu nước của Nguyễn Trãi thật to lớn và sự nghiệp của Nguyễn Trãi thật vĩ đại. Đối với chúng ta ngày nay công lao sự nghiệp của Nguyễn Trãi càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm có giá trị lớn về đường lối chỉ đạo chiến tranh giải phóng và nghệ thuật quân sự mà chúng ta vận dụng và phát huy lên cao độ với một chất mới và những sáng tạo mới để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Chúng ta đang kế thừa xứng đáng sự nghiệp, tư tưởng ưu tú và tài thao lược của Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi tài giỏi về nhiều mặt. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao lỗi lạc, đồng thời là nhà văn lớn, nhà thơ lớn và nhà tư tưởng rất uyên thâm của dân tộc ta. Về triết học, chúng ta tự hào thấy ở tư tưởng của Nguyễn Trãi nhiều yếu tố duy vật biện chứng, với những thế giới quan, nhân sinh quan và những phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức rất sâu sắc trong thời đại cách đây hơn 500 năm. Đó là một vốn triết học quý giá của dân tộc, mà ngày nay, thấm nhuần tư tưởng duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chúng ta có điều kiện để đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá thích đáng.

Về văn học, Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta nhiều áng văn tuyệt tác, nhiều bài thơ tuyệt đẹp, nhiều văn kiện chính trị, quân sự, ngoại giao nổi tiếng, và những sách Lam Sơn thực lục, Dư địa chí là những tác phẩm lịch sử địa lý có giá trị và cổ nhất còn đến ngày nay cho chúng ta.

Văn của Nguyễn Trãi gắn liền với chính trị, quân sự. Đánh giá văn tài của Nguyễn Trãi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định rất sâu sắc:

"Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao, "mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu" (Bình Ngô đại cáo); võ là quân sự...; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao. Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong Lịch sử nước ta!".

Và đánh giá di sản văn học của Nguyễn Trãi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết:

"Ngòi bút thần của Nguyễn Trãi để lại cho chúng ta những tác phẩm gồm nhiều thể văn và tất cả đều đạt đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường"1.

Chúng ta rất khâm phục và vinh dự có được một anh hùng dân tộc vĩ đại và một bậc kỳ tài, uyên bác như Nguyễn Trãi.
____________________________________
1. Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân dân số 3099, ngày 19-9-1962.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #257 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 03:52:11 pm »


Ngày nay, không những chúng ta được thừa hưởng ở Nguyễn Trãi một di sản quý giá và phong phú như vậy, mà chúng ta còn học tập được nhiều điều bổ ích về đạo đức và phong cách của Nguyễn Trãi. Ông có một phong cách sống rất trong sáng, thanh cao, một nếp sống giản dị, cần cù, đặc biệt là nếp sống yêu lao động, ghét ăn bám, thể hiện rõ tâm hồn và đạo đức cao quý của ông.

Suốt đời Nguyễn Trãi, dù lúc hàn vi hay khi vinh hiển, lúc nào ông cũng giữ nếp sống nghèo khó như quần chúng nhân dân, ông yêu lối sống giản dị, mộc mạc của quần chúng nhân dân. Làm quan tại triều, ông vẫn sống "góc thành nam, lều một gian"1, hoặc "cùng hạng u cư" (nhà vắng xóm cùng)2, hoặc "mao ốc tam gian dã thủy nhai" (ba gian nhà tranh bên bờ nước nơi đồng nội)3, và ông vui với lối sống đó.

Một người đạo đức như Nguyễn Trãi, tài năng như Nguyễn Trãi, suốt đời tha thiết với dân với nước như Nguyễn Trãi, mà tới những năm cuối đời mình, vẫn ân hận, khổ tâm, vì chưa làm được như sở nguyện bình sinh, chưa thực hiện được hoài bão lớn nhất của đời mình là làm cho nhân dân hết lầm than khổ cực. Đúng như lời một nhà bình luận xưa đã nói: "Việc đó không phải là không may cho ông, mà chính là không may cho sinh dân đời Lê vậy".

Sống giữa bọn thống trị tàn bạo, ông không thể làm ngơ trước những việc làm ngang trái, trước những hành động giết người, hại dân của chúng. Ông cương quyết:

      Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
      Phủ ngưỡng tùy nhân, tạ bất năng
4
      (Ung dung ta nói điều ta muốn
      Cúi ngửa theo người, quyết chẳng theo)

và ông thấy rõ:
      Hiền ngu lưỡng giả, bất tương mâu5
      (Hiền ngu hai ngả, không thể hòa cùng)
_____________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, bài: Vô đề.
2, 3. Nguyễn Trãi, Ức Trai di tập, bài "Vân hứng " và bài "Họa hữu nhân yên hà ngụ hứng" số 3.
4. Nguyễn Trãi, Ức Trai di tập, bài "Mạn hứng" số 2.
5. Nguyễn Trãi, Ức Trai di tập, bài "Côn Sơn ca"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #258 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 05:24:23 pm »


Ông biết ông với bọn vua chúa, quan lại tàn bạo, tham nhũng, như hai ngả đối lập, không thể hòa cùng, không thể chung sống. Ông biết mà không thể tránh, biết mà phải chịu đựng, không làm thế nào khác được. Nguyễn Trãi là người có đạo đức, có uy tín, có tài năng để làm nên những việc phi thường. Ông đã cùng nhân dân đánh giặc cứu nước, cùng nhân dân xây dựng cơ nghiệp cho nhà Lê, thì ông cũng có thể cùng nhân dân phá bỏ cơ nghiệp nhà Lê một cách dễ dàng. Nhưng ông không làm thế. Ông là người nhân nghĩa và là người tiên tri tiên giác. Thay đổi một triều đại, với những người tài đức như Nguyễn Trãi, có thể làm không khó, nhưng thay đổi một xã hội thì sức một người không thể làm nổi, phải cả xã hội tiến lên trong những điều kiện phát triển nhất định của lịch sử mới có thể làm được. Những điều kiện cho một sự thay đổi đó chưa có ở thời đại Nguyễn Trãi. Dù có thay triều đại nhà Lê bằng một triều đại khác, thì cũng không thay được lớp người thống trị bằng lớp người khác, vẫn bọn quan lại phong kiến như thế, vẫn một nhà nước như thế, một xã hội như thế, và tất nhiên, vẫn những chế độ đàn áp, bóc lột, bất công như thế. Hoài bão của ông làm cho nhân dân hết lầm than khổ cực vẫn không thực hiện được.

Cho nên, khi ông còn sống, ông đã từng ngâm câu:

      Anh hùng di hận kỷ thiên niên1
      (Anh hùng để hận mấy nghìn năm)

Nếu như đó là lời than thở của bản thân ông thì mối hận nghìn năm của ông chính là mối hận ông không thực hiện được hoài bão lớn nhất của đời ông là làm cho dân hết khổ.

Nhưng mối di hận của Nguyễn Trãi không phải để tới nghìn năm. Chỉ hơn 500 năm sau, tới thời đại chúng ta, chúng ta đương thực hiện hoài bão của Nguyễn Trãi.

Chúng ta kế tục sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Nguyễn Trãi, vận dụng kinh nghiệm chiến đấu tài giỏi của Nguyễn Trãi và phát huy truyền thống quân sự ưu tú của dân tộc để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chúng ta cũng đương học tập đạo đức trong sáng của Nguyễn Trãi, hết lòng vì nước vì dân phục vụ, tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Nguyễn Trãi mãi mãi là một tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam noi theo. Công lao, sự nghiệp, đạo đức và di sản của Nguyễn Trãi còn mãi với chúng ta. Trong những điều kiện lịch sử của thời đại hiện nay, với sức mạnh của cả dân tộc, chúng ta đã làm và đương làm cho "quốc phú binh cường", nước giàu dân mạnh, như sở nguyện của Nguyễn Trãi, chúng ta nhất định thực hiện thắng lợi hoài bão của Nguyễn Trãi và cũng là hoài bão của chúng ta hiện nay là làm cho nhân dân vĩnh viễn thoát khỏi lầm than khổ cực, đem lại thái bình thật sự cho nhân dân thời nay và các đời sau.
______________________________________
1. Nguyễn Trãi, Ức Trai di tập, bài "Quan hải"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #259 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2016, 05:25:34 pm »


Cái gì tổ tiên mong muốn mà chưa làm được, chúng ta nối chí người xưa, quyết tâm làm cho được. Hoài bão của Nguyễn Trãi và của nhân dân các thời đại chưa thực hiện được, chúng ta quyết thực hiện bằng được.

Đó là trách nhiệm của chúng ta đối với tổ tiên và cũng là nhiệm vụ lịch sử của chúng ta trong thời đại hiện nay.

Với truyền thống anh hùng của dân tộc, từ hơn một phần tư thế kỷ nay, dưới sự lãnh đạo quang vinh của Hồ Chủ tịch, dân tộc ta đã chiến đấu quên mình cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Nhân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc lớn ở châu Á và châu Âu là phát xít Nhật và thực dân Pháp. Nhân dân ta lại tiếp tục tiến hành một cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử, đó là chiến đấu và chiến thắng một kẻ thù hung ác nhất của dân tộc ta và của cả loài người tiến bộ trên thế giới là đế quốc Mỹ. Nhân dân ta đã đánh thắng oanh liệt đế quốc Mỹ ở cả hai miền Nam Bắc. Nhân dân ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng và đã giành được thắng lợi hoàn toàn như Hồ Chủ tịch vĩ đại và kính yêu của chúng ta đã khẳng định:

"Nhân dân ta rất anh hùng. Đường lối ta rất đúng đắn. Chúng ta có chính nghĩa. Chúng ta có chí khí kiên cường, quyết chiến, quyết thắng. Chúng ta có sức mạnh vô địch của toàn dân đoàn kết và được cả loài người tiến bộ đồng tình và ủng hộ.
Đế quốc Mỹ nhất định thua!
Nhân dân ta nhất định thắng!"
1

Hoài bão lớn nhất của Nguyễn Trãi và tổ tiên ta là xây dựng một xã hội no ấm, không có áp bức tàn bạo, không còn lầm than khổ cực. Hoài bão đó chúng ta đã và đương thực hiện. Từ hơn nửa thế kỷ nay, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã giành được độc lập, đất nước đã thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với quyết tâm của cả dân tộc, chúng ta nhất định thực hiện được lời Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch và cũng là điều mong muốn cuối cùng của Người, là: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", tức xây dựng một xã hội thật sự dân chủ, tiến bộ và hạnh phúc, vượt lên trên những mơ ước của Nguyễn Trãi và tổ tiên ta ở các thời đại trước.

Hà Nội, 1970 – 1972
_______________________________________
1. Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân ngày 20 tháng 7 năm 1968.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM