Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:29:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 89879 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #190 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:33:53 pm »


Việc tiếp nhận đầu hàng của mười vạn quân địch và giải quyết cho mười vạn quân địch lên đường về nước, không phải là những việc làm đơn giản, nhưng cũng đã được tiến hành nhanh chóng. Từ lúc địch xin hàng cho tới ngày địch được lên đường về nước tất cả mọi việc đều giải quyết trong hơn 20 ngày là xong hết.

Như trong thư nhận địch đầu hàng của Nguyễn Trãi đã nói rõ, điều kiện trước tiên đề ra cho địch là chúng phải cùng các lãnh tụ nghĩa quân dự hội thề, sau đó mới ấn định kế hoạch rút quân và tiến hành những biện pháp cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch đó. Gọi là hội thề, thật ra là lễ đầu hàng mà các lãnh tụ nghĩa quân bắt buộc địch phải tới trình diện và chính thức cam kết mọi điều khoản đầu hàng và rút quân. Các lãnh tụ nghĩa quân đã cho tổ chức hội thề tại phía nam thành Đông Quan, bên sông Nhị Hà1.

Ngày 10 tháng 12 năm 1427, tức 22 tháng 11 năm Đinh Mùi, chủ tướng Vương Thông cùng toàn thể các tướng lĩnh, quan lại cao cấp của địch, như Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Trần Hựu, Chu Kỳ Hậu, Quách Vĩnh Thanh, Dặc Khiêm, Lục Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Dương Thời Tập, Quách Đoan, đã tới dự hội thề2. Thật là những giờ phút vinh dự của những người chiến thắng. Trong buổi lễ, chủ tướng Vương Thông thay mặt toàn quân địch đã trịnh trọng thề rằng:

"... Tổng binh quan Thành sơn hầu Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý trong bản tâu, đúng lời bàn trước mà làm...

... Nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề, người phục dịch, và các thuyền đã định rồi, cầu đập, đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh, cùng là ngày về đến triều đình lại không theo sự lý trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An Nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì Trời, Đất cùng là Danh sơn, Đại Xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn tổng binh quan Thành sơn hầu Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà..."
3.
_______________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. VIII, tr. 51, các dịch giả có chú thích rằng: "... theo lối chiến tranh thời xưa, khi giao chiến, một bên cố giữ thành, một bên hạ được thành, buộc chủ tướng đối phương phải ra hội thề ngay ở bên thành mà mình đã cố thủ. Đó là một điều rất sỉ nhục theo quan niệm của các danh tướng xưa, nhất là những tướng ở thời Xuân Thu, Chiến quốc. Cho nên đối với những cuộc hội minh ngay ở bên thành sau khi hai bên đã giao chiến, Xuân Thu cho là một việc rất đáng hổ thẹn.
2. Đại Việt ký toàn thư, bản dịch, t.III, tr.47.
3. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 137.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #191 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:34:50 pm »


Lập hội thề là một việc nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa, ý nghĩa chiến thắng về cả các mặt quân sự, chính trị và ngoại giao. Đánh cho địch thất bại thảm hại, bắt sống hết địch, và cuối cùng bắt hàng chục vạn tên địch phải xin thề không dám chiếm đóng, thề từ bỏ xâm lược, thì quả là "mưu kế cực sâu xa, cổ kim chưa đã thấy".

Tại hội thề đã ấn định hai việc:

1. Bọn Vương Thông được một thời gian khoảng hai mươi ngày để sửa soạn lên đường và tới ngày 29 tháng 12 năm 1427, tức 12 tháng 12 năm Đinh Mùi, sẽ chính thức rút quân về nước.

2. Các lãnh tụ nghĩa quân sẽ cho người sang triều đình nhà Minh đưa biểu cầu phong.

Sau hội thề, các lãnh tụ nghĩa quân một mặt hạ lệnh giải vây cho hai thành Tây Đô, Cổ Lộng, để địch ở đây chuẩn bị về nước, một mặt cử một phái đoàn đi cầu phong do Lê Thiếu Dĩnh cầm đầu, có một số tướng lĩnh của Vương Thông cùng đi, sang nhà Minh. Ngày 17 tháng 12 năm 1427 tức 29 tháng 11 năm Đinh Mùi, đoàn sứ thần Việt Nam lên đường, đem trả lại cho triều đình nhà Minh chiếc song hổ phù của tổng binh Liễu Thăng, hai ấn thượng thư bằng bạc của Lý Khánh, Hoàng Phúc, một danh sách kê hàng vạn quan, quân, người, ngựa của nhà Minh bị giữ ở Việt Nam sẽ được trả lại, và trao biểu cầu phong.

Triều đình nhà Minh ở cái thế không thể không tiếp sứ thần Việt Nam, không thể không thừa nhận hòa hảo giữa hai nước, vì chính họ đã ở vào cái thế không thể tiếp tục chiến tranh xâm lược được nữa. Càng đánh, quân càng chết, dân càng khổ, tiền tài càng hao hụt, lương thực khí giới càng thiếu thốn, trong nước càng loạn lạc, triều đình càng rối ren. Trong hơn hai mươi năm xâm lược Việt Nam, nhà Minh đã thất bại liên tiếp, thua thiệt rất nhiều. Mấy chục vạn quân sĩ và hàng trăm tướng lĩnh chết trận, hàng vạn lừa ngựa bị mất và bị chết, hàng trăm vạn thạch lương thực đổ ra chiến trường, chi phí vận chuyển tốn kém tới 70 ức, và điều nguy hiểm hơn cả là luôn luôn trong hơn hai mươi năm lúc nào cũng có phong trào nhân dân nổi dậy chống lại triều đình. Trước những thực tế đó bọn thống trị nhà Minh không thể tiếp tục mưu đồ xâm lược Việt Nam được nữa. Cho nên khi đoàn sứ thần Việt Nam sang tới triều đình nhà Minh, bọn vua quan nhà Minh phải niềm nở tiếp đón, và cũng phải cho một đoàn sứ thần sang Việt Nam mang chiếu thư sắc phong Trần Cao làm vua Việt Nam, tức thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam và truyền lệnh bãi binh, cho Vương Thông rút quân về nước. Nhưng đoàn sứ thần của triều đình nhà Minh chưa sang tới Việt Nam, lệnh bãi binh của vua Minh chưa kịp ban bố, bọn Vương Thông đã đem toàn quân về tới bên kia biên giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #192 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:38:59 pm »


Ngay từ sau hội thề, để thực hiện lời cam kết với các lãnh tụ nghĩa quân và mau chóng đem hơn 10 vạn quân bại trận, tinh thần hoàn toàn tan rã trở về nước, không cần chờ lệnh vua, Vương Thông đã tích cực chuẩn bị rút quân, theo như kỳ hạn đã định. Quân địch sẽ theo hai đường về nước. Quân đi đường bộ do Sơn Thọ, Hoàng Phúc quản lĩnh. Quân đi đường thủy do Phương Chính, Mã Kỳ quản lĩnh. Vương Thông theo đường bộ đi sau cùng.

Cũng từ sau hội thề, các lãnh tụ nghĩa quân một mặt chuẩn bị lương thực, thuyền, ngựa để cung cấp cho quân Minh lên đường về nước, cho dân các lộ Bắc Giang, Lạng Giang sửa chữa lại cầu đường, khiến bọn người Minh hành quân được dễ dàng, một mặt tập hợp những người Minh đã ra hàng hoặc bị bắt từ trước để trả lại cho nhà Minh. Chỉ trong một thời gian ngắn, các lãnh tụ nghĩa quân đã cấp đủ số lương ăn đường cho hơn mười vạn quân Minh và cho chúng hơn 500 chiếc thuyền để đi đường thủy và mấy nghìn con ngựa để đi đường bộ1.

Những người Minh đã ra hàng hay bị bắt từ trước, được nghĩa quân chăm sóc chu đáo, đời sống đã ổn định, nên nhiều người xin cho được ở lại Việt Nam, không về nước. Số tù hàng binh cũ, về nước chỉ có khoảng hai vạn người, gồm những quân sĩ mới bị bắt trong các đạo viện binh của Liễu Thăng, Thôi Tụ mà thôi2. Các lãnh tụ nghĩa quân đã trao hai vạn người này cho Mã Anh quản lĩnh để đưa về nước. Như vậy, tổng số quân địch được thả cho về nước, kể cả tù hàng binh cũ và những người ở mấy thành mới ra hàng là trên mười vạn người3. Trong lịch sử chiến tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam, tổ tiên ta đã nhiều lần đánh thắng quân xâm lược và sau mỗi lần chiến thắng, tổ tiên ta đều tha cho tù hàng binh được về nước rất nhiều. Nhưng chưa lần nào số tù hàng binh được thả cho về nước đông tới trên mười vạn người như lần này.

________________________________
1. Bia Vĩnh Lăng, Bình Ngô đại cáo, Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư đều nói 500 thuyền, về số ngựa Bình Ngô đại cáo nói mấy nghìn, Lam Sơn thực lụcĐại Việt sử ký toàn thư nói 2 vạn ngựa.
2. Lam Sơn thực lụcĐại Việt sử ký toàn thư.
3. Bia Vĩnh LăngChí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi nói số hàng binh được tha về nước là trên mười vạn người. Minh sử, q. 321 nói là 8 vạn 6 nghìn người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #193 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:40:00 pm »


Đúng ngày 29 tháng 12 năm 1427, tức 12 tháng 12 năm Đinh Mùi, hơn mười vạn quân Minh bắt đầu lên đường về nước. Chủ tướng Vương Thông đi sau cùng, ngày 3 tháng giêng năm 1428, tức 17 tháng 12 năm Đinh Mùi, mới lên đường. Trước ngày lên đường, Vương Thông đã sang chào từ biệt tại đại bản doanh của nghĩa quân và ở lại một đêm cùng các lãnh tụ và tướng lĩnh nghĩa quân vui chơi, trò chuyện rất cởi mở thân mật. Sáng hôm sau, Vương Thông lên đường, các lãnh tụ nghĩa quân tiễn tặng rất trọng hậu: trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ và nhiều tặng vật khác. Vương Thông vô cùng cảm động, không những chủ tướng địch cảm động; tỏ tình lưu luyến khi chia tay, mà toàn quân địch đều cảm động, vui sướng trước thái độ khoan hồng, nhân đạo và trước những cử chỉ cao đẹp của quân dân ta. Trước ngày lên đường, tất cả trên mười vạn người Minh được tha về nước, cả quân lẫn tướng đều tới quân doanh Bồ Đề, lạy tạ Bình Định Vương Lê Lợi, người lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn, người đã cùng Nguyễn Trãi và quân dân cả nước ta kiên quyết thi hành một đường lối kết thúc chiến tranh rất sáng tạo, rất nhân nghĩa:

"Nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hàng binh
Gây lại hòa hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời"


Đường lối kết thúc chiến tranh ấy đã thực hiện tốt đẹp mục đích vô cùng cao cả của những cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta, là:

      Nước nhà từ nay bền vững
      Non sông trở lại đẹp tươi
      Càn khôn hết bĩ lại thái
      Nhật nguyệt hết mờ lại trong
      Mở rộng liền thái bình muôn thuở
      Rửa sạch điều hổ thẹn nghìn thu...

                                           (Bình Ngô đại cáo)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #194 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:42:07 pm »


*
* *

Sau mười năm kiên cường chiến đấu, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đã thắng. Đạo quân nhân nghĩa, vì nước quên mình của nhân dân Việt Nam do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo, đã hoàn thành vẻ vang sứ mạng lịch sử của mình. Những chiến thắng rực rỡ của cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại ấy là hình ảnh tuyệt đẹp của tinh thần quật cường, bất khuất, chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu của nhân dân ta để đánh thắng quân xâm lược, là sự thể hiện vô cùng tươi sáng truyền thống lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh của dân tộc ta, đánh bại liên tiếp hàng chục vạn quân xâm lược này đến hàng chục vạn quân xâm lược khác của địch, bắt tù và dụ hàng hàng chục vạn quân địch, và cuối cùng thả cho hàng chục vạn tù hàng binh về nước, dập tắt hẳn chiến tranh giữa hai nước trong một thời gian dài, khoảng gần 400 năm. Trong những chiến thắng vẻ vang đó. Nguyễn Trãi đã đóng góp phần công lao rất lớn. Vai trò lãnh đạo của Nguyễn Trãi trong cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại này, tuy xuất hiện vào lúc phong trào Lam Sơn đang ở vào lúc khó khăn nhất, "quân tàn lương hết”, nhưng tư tưởng và đường lối chính trị, quân sự của Nguyễn Trãi đã đưa phong trào cứu nước lên một bước phát triển mới, đánh thắng địch liên tiếp và nhanh chóng đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi và các lãnh tụ khác của nghĩa quân thực hiện thành công đường lối chiến tranh "bốn phương dân cày tập hợp", phát động quần chúng nhân dân cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Với những cống hiến quý báu của Nguyễn Trãi về tư tưởng và đường lối quân sự, nghĩa quân Lam Sơn đã xây dựng căn cứ địa, tổ chức quân đội hùng mạnh, vừa có tinh thần chiến đấu cao, vừa có nghệ thuật chiến đấu giỏi, lấy "chết vinh hơn sống nhục” để đánh thắng giặc. Với tư tưởng và đường lối của Nguyễn Trãi, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh địch bằng mọi cách: quân sự, chính trị, ngoại giao, binh vận, tạo thành một sức mạnh to lớn, chuyển hướng xuống đồng bằng, "đánh chỗ yếu tránh chỗ mạnh, tránh chỗ thực đánh chỗ hư”, đánh như "sấm ran chớp giật", như "trúc chẻ tro bay”, đánh địch dồn dập, khi nơi này khi nơi khác, "nhanh chóng như thần", tạo thành một thế tiến công mãnh liệt, không ngừng, chỉ có tiến mà không có lùi, chỉ có thắng mà không có bại: khi tiến vào Nam thì dồn dập đánh Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa, Thanh Hóa, nhanh chóng giải phóng nửa nước về phía Nam; khi tiến ra Bắc thì giải phóng cả vùng Đông Đô rộng lớn chỉ trong một thời gian rất ngắn, và đã kết thúc chiến tranh một cách tài tình, tiêu diệt hoàn toàn 15 vạn viện binh địch, bắt hàng toàn bộ quân chiếm đóng, "tha cho mười vạn hàng binh", "dập tắt chiến tranh cho muôn đời", "gây lại hòa hảo cho hai nước", "mở rộng nền thái bình muôn thuở, rửa sạch điều hổ thẹn nghìn thu"...

Công lao và sự nghiệp đánh giặc, cứu nước của Nguyễn Trãi thật to lớn, và như Lê Quý Đôn đã nhận định: "Ngàn năm không thể mai một được".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #195 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 04:12:56 pm »


PHẦN BỐN

NGUYỄN TRÃI TIẾP TỤC ĐẤU TRANH
BẢO VỆ NHỮNG THÀNH QUẢ CHIẾN ĐẤU ĐÃ GIÀNH ĐƯỢC:
ĐỘC LẬP DÂN TỘC, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC, CÔNG LÝ XÃ HỘI
VÀ ĐỜI SỐNG YÊN LÀNH CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN




CHƯƠNG X
NGUYỄN TRÃI TIẾP TỤC ĐẤU TRANH
CỦNG CỐ ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ THỐNG NHẤT TỔ QUỐC
HẾT LÒNG VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ

Nam châu vạn cổ cựu giang san
Nguyễn Trãi, Hạ quy Lam Sơn I

Nước Nam muôn thuở nước non xưa, đó là hoài bão lớn nhất trong đời Nguyễn Trãi và cũng là điều sung sướng nhất của ông, sau mười năm đánh thắng quân Minh xâm lược. Nguyễn Trãi yêu nước yêu dân vô hạn, suốt đời tha thiết với dân với nước, lúc nào cũng coi việc dân việc nước là việc thiết yếu nhất của bản thân mình.

Nguyễn Trãi có một niềm tự hào rất lớn về dân tộc, về đất nước. Ông tự hào với nền văn hiến cao đẹp của nước nhà, tự hào với nền độc lập lâu đời của Tổ quốc và tự hào với truyền thống anh hùng của dân tộc.

Ngay những khi còn đương đánh nhau với địch, Nguyễn Trãi đã nhiều lần bảo địch:

"Từ đời xưa, đế vương trị thiên hạ chẳng qua chỉ có chín châu, mà nước Giao Chỉ lại ở ngoài chín châu"1

Không chỉ khẳng định nền độc lập lâu đời của Tổ quốc, Nguyễn Trãi còn khẳng định tính cách độc lập hoàn toàn của nền văn hóa, phong hóa dân tộc. Ông nói thẳng với triều đình nhà Minh:

"Nước tôi ở biệt tại miền xa lánh, xa cách phong hóa Trung Hoa"2

Ông không thừa nhận bất cứ một sự lệ thuộc nào vào nước ngoài, con người không lệ thuộc, đất đai sông núi không lệ thuộc, văn hóa phong tục cũng không lệ thuộc. Sự không lệ thuộc đó không hề làm cho nước nhà thua kém nước người. Trái lại, sự phát triển độc lập của nước nhà, nền văn hóa cao đẹp của Tổ quốc và truyền thống anh hùng của dân tộc đã là niềm tự hào rất lớn của Nguyễn Trãi và của dân tộc ta ở tất cả các thời đại.
___________________________________
1. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 159. Câu này có nghĩa là: từ những thời đại xa xưa các vua chúa phương Bắc cai trị thiên hạ chẳng qua chỉ có 9 châu, mà nước Việt Nam từ xưa vẫn ở ngoài 9 châu, không thuộc phạm vi cai trị của các vua chúa phưong Bắc.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 60, 42.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #196 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 04:15:37 pm »


Ngay từ khi quân xâm lược còn giày xéo đất nước, Nguyễn Trãi đã khẳng định:

"Nước Nam ta tuy ở xa ngoài Ngủ Lĩnh, mà có tiếng là một nước thi thư, những bậc tài trí mưu thức đời nào cũng có "1.

Một lòng tha thiết với dân, với nước, với nền độc lập của dân tộc, Nguyễn Trãi suốt đời tâm niệm:

      "Quốc phú binh cường chăng có chước
      Bằng tôi nào thửa ích chưng dân".

                                        (Trần tình 1)2

Trong hoàn cảnh nước nhà có ngoại xâm, ông coi đánh giặc cứu nước là sự nghiệp cao cả nhất, là nhiệm vụ hàng đầu của mọi người dân. Hết lòng yêu nước yêu dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân, thì kẻ thù xâm lược nào cũng đánh thắng. Đó là niềm tin tất thắng của ông và của cả dân tộc.

Sau khi toàn bộ quân xâm lược đã rút khỏi đất nước ta, đầu năm 1428, Nguyễn Trãi vô cùng phấn khởi thay mặt Lê Lợi, công bố bản Bình Ngô đại cáo với toàn thể nhân dân khắp nước. Bình Ngô đại cáo là bản tuyên cáo đánh thắng giặc Ngô của nghĩa quân Lam Sơn và cũng là bản tuyên ngôn độc lập của nước nhà sau khi cuộc chiến tranh chống xâm lược kết thúc. Bình Ngô đại cáo vừa tóm tắt lịch sử mười năm chiến đấu oanh liệt vừa tổng kết đường lối đánh giặc cứu nước rất giỏi và tài thao lược của quân dân ta thời đó. Bình Ngô đại cáo là một áng văn tuyệt tác, được lưu truyền như một "thiên cổ hùng văn" của dân tộc. Và trong các thời đại trước, Bình Ngô đại cáo quả thật là mẫu mực tốt đẹp nhất của một bản tuyên ngôn độc lập của một dân tộc anh hùng. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nói lên tất cả những niềm tự hào của dân tộc ta, một dân tộc chiến thắng.
____________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 60, 42.
2. Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, bản phiêu âm, tr. 53.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #197 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 04:19:47 pm »


Nguyễn Trãi tự hào với tư tưởng vĩ đại nhất của dân tộc đã chỉ đạo mọi hành động của người dân yêu nước, là tư tưởng nhân nghĩa, lấy yêu nước yêu dân làm đạo đức cao quý nhất, lấy đánh giặc, cứu nước, cứu dân làm lý tưởng và sự nghiệp vẻ vang nhất của con người. Mở đầu Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi nhấn mạnh:

      Làm việc nhân nghĩa, cốt để an dân
      Dấy quân đánh dẹp, trước tiên trừ bạo


Từ nguyên lý đanh thép của tư tưởng vĩ đại đó dẫn tới mọi hành động anh hùng khác. Tư tưởng vĩ đại đó của dân tộc không phải ngẫu nhiên mà có, nó được sản sinh ra từ một nền văn hiến vô cùng rực rỡ của dân tộc. Nguyễn Trãi rất tự hào với nền văn hiến đó. Nguyễn. Trãi khẳng định nước nhà là một nước văn hiến lâu đời, vì nước nhà có nền độc lập lâu đời, có non sông đất nước riêng, có chính quyền nhà nước riêng, có phong cách hoạt động và tập tục sinh hoạt riêng, có truyền thống tự cường bất khuất và có nhiều sự nghiệp anh hùng qua các thời đại. Nguyễn Trãi đã dõng dạc nói trong Bình Ngô đại cáo:

      Như nước Đại Việt ta
      Thật là nước văn hiến
      Núi sông bờ cõi đã riêng
      Phong tục Bắc Nam cũng khác
      Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, mở mang dựng nước
      Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, đứng vững một phương
      Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
      Nhưng hào kiệt đời nào cũng có.


Nguyễn Trãi tự hào với những cái đã qua, ông càng tự hào với những cái hiện có. Những cái hiện có còn huy hoàng hơn cả những cái đã qua, "mà cũng thật cổ kim chưa đã thấy" như chính Nguyễn Trãi nhận định. Có tư tưởng anh hùng, có khí phách anh hùng, có truyền thống anh hùng thì nhất định có sự nghiệp anh hùng, và những sự nghiệp đó nhất định ngày càng huy hoàng hơn trước. Nguyễn Trãi rất tự hào với những chiến công oanh liệt của quân dân ta đương thời đã mười năm ngoan cường chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Gần như toàn bộ bài Bình Ngô đại cáo là để báo cáo với toàn dân những thành công của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại này, đồng thời nêu lên tinh thần và quyết tâm của quân dân ta và những đường lối chỉ đạo chiến tranh vô cùng tài giỏi đã đưa tới những thắng lợi huy hoàng đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #198 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 06:48:09 pm »


Sau Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tranh thủ nhiều dịp khác để thuật lại quá trình mười năm đánh thắng quân Minh xâm lược, nhằm không ngừng động viên, giáo dục tinh thần yêu nước yêu dân của quân dân đương thời. Phú núi Chí Linh và sách Lam Sơn thực lục cũng là bản Bình Ngô đại cáo, viết theo những thể loại khác, trong những trường hợp khác, nhưng nội dung và mục đích vẫn là một. Cho tới năm 1433, khi Lê Lợi chết, Nguyễn Trãi làm bài văn bia đặt tại lăng Lê Lợi. Tuy là văn bia, nhưng nội dung chủ yếu cũng vẫn là thuật lại và ca ngợi sự nghiệp mười năm đánh giặc cứu nước của dân tộc.

Là người tha thiết yêu nước yêu dân, Nguyễn Trãi đã đem hết sức mình đóng góp vào sự nghiệp cứu nước cứu dân, và ông rất tự hào với những thành công của sự nghiệp vẻ vang đó. Nhưng tấm lòng yêu nước yêu dân của Nguyễn Trãi không dừng ở đấy. Lý tưởng của ông là phải làm thế nào cho "dân yên", "thế nước yên". Đó là nhân nghĩa của Nguyễn Trãi: Nhân nghĩa chi cử vụ tại an dân1 (làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân), Nhân nghĩa duy trì quốc thế an2 (Nhân nghĩa duy trì thế nước yên).

Dân yên là dân yên ổn làm ăn, no ấm, không lầm than khổ cực. Thế nước yên là thế nước "yên vững" (điện an)3, "bốn biển từ nay yên tĩnh”4, "quốc gia trường cửu”5, "non sông đẹp tươi"6, "thái bình muôn thuở”7. Đánh thắng quân xâm lược, mới là đuổi giặc ra khỏi đất nước, toàn dân còn phải đem hết sức mình xây dựng lại đất nước thì mới bảo đảm độc lập, hòa bình lâu dài cho Tổ quốc. Thế nước chưa yên, dân chưa yên, thì lòng Nguyễn Trãi chưa thể yên.

Cho nên, quân xâm lược vừa ra khỏi nước, Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi lo ngay việc củng cố nền độc lập dân tộc, giữ vững khối thống nhất của Tổ quốc. Công việc đầu tiên của Nguyễn Trãi và Lê Lợi, khi chiến tranh kết thúc và tiếp tục đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh để ngăn chặn mọi âm mưu khiêu khích mới và bác bỏ mọi yêu sách hống hách của địch, đồng thời thi hành nhiều biện pháp phòng ngừa những hoạt động lén lút của một số ngụy quan, ngụy quân cũ còn ngoan cố tiếp tục làm tay sai cho địch và dập tắt mọi vụ rối loạn do bọn khiêu khích nước ngoài xúi giục, hoặc do tham vọng bất chính và mưu đồ cát cứ (chia cắt đất nước) của một vài thủ lĩnh địa phương gây nên.
____________________________________
1. Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo.
2. Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập, bài "Hạ quy Lam Sơn I".
3. Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo.
4. Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập, bài "Hạ tiệp IV".
5. Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú.
6, 7. Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #199 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 06:50:18 pm »


Khi quân Minh đã rút khỏi nước ta, việc ngoại giao với địch tuy không căng thẳng lắm như khi đương chiến tranh, nhưng vẫn đòi hỏi ta phải đấu tranh liên tục, vừa mềm dẻo vừa kiên quyết, để bác bỏ những yêu sách quá đáng của chúng. Sau chiến tranh, triều đình nhà Minh luôn luôn cho sứ sang ta, hạch sách, đòi hết cái này tới cái khác. Họ đòi những người Minh trú ngụ ở Việt Nam, đòi những vũ khí ta thu được của quân Minh trong chiến tranh, đòi ta phải lập ngôi vua cho dòng họ Trần1, không thừa nhận Lê Lợi là vua Việt Nam, đòi ta hàng năm phải nộp cống phẩm trọng hậu. v.v... Ta cũng luôn luôn cho các đoàn sứ giả đem biểu văn (văn kiện ngoại giao) sang triều đình nhà Minh. Ta đấu tranh rất cương quyết. Không những ta bác bỏ những yêu sách của triều đình nhà Minh, mà ngược lại, ta cũng đưa ra cho họ những đòi hỏi của ta. Ta đòi họ phải giả lại những người Việt Nam mà trước kia họ đã đưa sang làm lại nhân (quan lại nhỏ) phục vụ tại các nha môn (cơ quan hành chính) bên nước Minh, đòi họ phải trả lại vợ con Lê Lợi mà họ đã bắt đưa về Yên Kinh từ những ngày đầu của khởi nghĩa Lam Sơn. Cuộc đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh đã kéo dài suốt thời kỳ Lê Lợi làm vua. Trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, triều đình nhà Minh phải rút dần những yêu sách của họ và nhượng bộ trước những đòi hỏi chính đáng của ta. Ba năm sau khi chiến tranh kết thúc, triều đình nhà Minh phải thừa nhận Lê Lợi là vua Việt Nam. Trước đó, họ cũng đã phải đưa sang trả ta bà Phạm Thị Nghiêu, vợ Lê Lợi, và những lại nhân Việt Nam làm việc tại nước Minh, mặc dầu nhà Minh đã cấp ruộng đất cho họ, với ý đồ buộc họ sống đời đời bên nước Minh (con gái của Lê Lợi khi bị địch bắt mới lên 9 tuổi, người Minh nói là đã chết từ trước vì bệnh đậu mùa). Cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì này đã thắng lợi, và Nguyễn Trãi đã góp phần công sức nhất định vào những thắng lợi đó.

Song song với việc đấu tranh ngoại giao với nhà Minh là việc đối xử với những ngụy quan, ngụy quân cũ đã làm việc với nhà Minh. Nói chung, đối với ngụy quan, ngụy quân, Lê Lợi nhất loạt tha tội hết, kể cả những tên ngụy đầu sỏ như Trần Phong, Lương Nhữ Hốt, v.v... cũng không bị tội. Nhưng để cảnh giác đề phòng những hoạt động lén lút, phá hoại của địch và bọn ngụy tay sai của chúng, ngay từ đầu năm 1428, khi quân xâm lược vừa rút khỏi nước ta, Lê Lợi đã hạ lệnh cho các lộ "phải dò xét những người dị dạng qua lại" và ai dung túng cho ngụy quan trốn sang nước địch thì phải tội tử hình. Đối với bọn ngụy đầu sỏ, chính sách của ta là khoan hồng. Nhưng, mặc dầu được tha tội chết, chúng vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ vài tháng sau chiến tranh, bọn Trần Phong, Lương Nhữ Hốt, An Vinh, Sĩ Văn, Sùng Lê, Trung, Tồn, Xác, là những tên có nhiều nợ máu với nhân dân, đã tập hợp nhau lại, ngầm kết đảng mưu phản. Chúng cho một đồng đảng lẻn theo đường tắt sang nước Minh, đưa thư của chúng yêu cầu nhà Minh lại sang xâm lược và chúng xin làm nội ứng. Tên đồng đảng mang thư bị thượng tướng Hoàng Nguyên Ý, trấn thủ Thái Nguyên bắt được và giải về triều đình. Lê Lợi hạ lệnh xử tử tên đồng đảng mang thư, nhưng vẫn giấu việc này đi, không làm tội bọn Trần Phong, Lương Nhữ Hốt. Tới tháng 9 năm 1428, một tên trong đảng nghịch lại cáo giác mưu phản của bọn ngụy đầu sỏ. Việc đã rõ ràng, Lê Lợi cho bá cáo hết tội trạng của chúng với nhân dân khắp nước rồi bắt cả bọn ngụy đầu sỏ phải chịu tội chết2.

Những biện pháp trên cùng đường lối ngoại giao tài giỏi của ta đã góp phần bảo đảm nền độc lập của dân tộc không bị quân cướp nước và bọn bán nước xâm phạm. Nhưng muốn bảo đảm một nền độc lập lâu dài thì phải giữ vững được sự thống nhất của Tổ quốc.
_______________________________________
1. Trần Cao. người dòng họ Trần, được các lành tụ nghĩa quân Lam Sơn đưa lên làm vua, từ trước khi chiến tranh kết thúc, tới đầu năm 1428 thì chết.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 65.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM