Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:06:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90264 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:20:20 pm »


GIẢI PHÓNG
TÂN BÌNH, THUẬN HÓA


Cả một vùng rộng lớn từ Nghệ An lên Diễn Châu, Thanh Hóa đã thuộc về nghĩa quân Lam Sơn, mặc dầu tại đây có những căn cứ quân sự quan trọng của địch, thì dải đất từ phía nam Nghệ An trở vào Tân Bình, Thuận Hóa1, địch sẽ không thể giữ nổi. Ở xa những căn cứ quân sự lớn, lực lượng địch ở Tân Bình, Thuận Hóa vốn đã mỏng yếu, nay lại mất hẳn liên hệ với những căn cứ đó, không trông chờ gì được ở một sự tăng viện binh lực nào, thì địch ở hai thành Tân Bình, Thuận Hóa chỉ còn là những đám cô quân yếu đuối trước sức tiến công mãnh liệt và mưu trí của nghĩa quân Lam Sơn. Nhận rõ tình hình đó, nên liền sau chiến thắng Diễn Châu, Thanh Hóa, các lãnh tụ nghĩa quân cho ngay quân thủy bộ vào đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hóa.

Cánh quân bộ do Trần Nguyên Hãn chỉ huy, cùng các tướng Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem một nghìn quân và một voi chiến, đi theo đường núi tiến vào. Cánh quân thủy do Lê Ngân chỉ huy, cùng các tướng Lê Văn An, Phạm Bôi đem 70 thuyền chiến theo đường biển tiến vào cùng phối hợp tác chiến với cánh quân bộ của Trần Nguyên Hãn.

Tháng 8 năm 1425, cả hai cánh quân này cùng xuất phát. Cánh quân bộ mới vào tới sông Bố Chính (tức sông Gianh) thì gặp toán quân của tướng địch Nhâm Năng. Trần Nguyên Hãn đưa quân tới một chỗ hiểm ở Hà Khương, bố trí mai phục, rồi cho một toán quân ra khiêu chiến, giả thua để dử địch. Quân địch đuổi theo vào giữa trận địa mai phục, bị nghĩa quân xông ra đánh tan: hơn 1.000 quân địch bị chết trận và chết đuối.

Cánh quân thủy vào tới nơi thì cánh quân bộ của Trần Nguyên Hãn đã diệt xong toán quân địch Nhâm Năng. Cả hai cánh quân cùng tiến, lần lượt đánh Tân Bình, Thuận Hóa. Nhưng địch ở cả hai thành đều khiếp sợ, cố thủ không dám ra. Nghĩa quân để lại một bộ phận vây thành, còn thì đi giải phóng các châu huyện. Chỉ trong ít ngày, toàn bộ đất đai miền Tân Bình, Thuận Hóa đều thuộc về nghĩa quân. Nhân dân Tân Bình, Thuận Hóa mừng rỡ thoát khỏi cảnh thống trị tàn bạo của địch, đã không tiếc người, tiếc của để ủng hộ nghĩa quân. Thanh niên Tân Bình, Thuận Hóa nô nức tòng quân cứu nước. Các tướng lĩnh nghĩa quân đã lựa chọn được vài vạn trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm để thành lập những đội ngũ mới2.

Sau khi ổn định đời sống của nhân dân, tổ chức xong chính quyền mới và xây dựng được lực lượng vũ trang của địa phương để tiếp tục vây hãm hai thành Tân Bình, Thuận Hóa, nghĩa quân lại cùng các tướng lĩnh trở ra Nghệ An.
______________________________________
1. Tân Bình, Thuận Hóa là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay.
2. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. VIII, tr. 24.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:24:06 pm »


*
* *

Như vậy là từ ngày ở căn cứ địa Chí Linh - Lam Sơn xuất phát, chuyển hướng chiến lược vào Nam, tháng 10 năm 1424, tới ngày giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, tháng 8 năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng liên tiếp, đi đâu thắng đấy, đánh trận nào được trận ấy, càng đánh sức càng mạnh, quân càng đông, hậu phương càng rộng, căn cứ càng vững, sự nghiệp giải phóng càng rực rỡ. Chỉ trong vòng 10 tháng, nghĩa quân đã giải phóng được cả một vùng đất đai rộng lớn, từ Thanh Hóa, Diễn Châu vào tới Tân Bình, Thuận Hóa, thu phục hẳn một nửa phần giang sơn đất nước ta về phía nam. Chính các lãnh tụ nghĩa quân cũng nhận thấy những chiến thắng đã giành được trong 10 tháng chiến đấu như thế là hết sức to lớn, nó là kết quả của nhiều trận đánh rất tài giỏi, mưu trí và rất oanh liệt.

Về các trận đánh, Nguyễn Trãi đã viết:

      Trận Bồ Đằng sấm ran chớp giật
      Trận Trà Lân trúc chẻ tro bay

                                    (Bình Ngô đại cáo)

      Đêm đốt lửa ngày trương cờ
      Chiếm đất Đỗ Gia, giành thế tiện lợi
      Sang sông Khả Lưu, đánh đắm quân thù
      Sấm ran chớp giật, trúc chẻ tro bay
      …
      Đất Nghệ An đã thuộc về ta
      Thắng Tây Đô tin nhanh như gió

                                    (Chí Linh sơn phú)

Sau 10 tháng chiến đấu, tình hình giữa ta và địch đã đổi khác, so sánh lực lượng giữa ta và địch cũng đổi khác, ở trên chiến trường Việt Nam không còn đủ sức để uy hiếp ta về mặt quân sự. Kết quả về phía địch thật thảm hại, kết quả về phía ta vô cùng rực rỡ.

Kết quả về phía địch, sau 10 tháng chiến đấu Nguyễn Trãi nhận định:

      Cầm Bành rập đầu dâng đất
      Phương Chính khiếp vía chạy dài
      …
      Chu Kiệt bỏ củi, Hoàng Thanh phơi thây

                                    (Chí Linh sơn phú)

      Trần Trí, Sơn Thọ, nghe tin mất vía
      Phương Chính, Lý An nín thở tháo thân

                                    (Bình Ngô đại cáo)

Kết quả về phía ta, Nguyễn Trãi nhấn mạnh:

      Sĩ khí cành tăng
      Quân thanh càng mạnh.

                                    (Bình Ngô đại cáo)

      Gió cơm bầu nước người xin theo chật đường tấp nập
      Kẻ hào kiệt căm thù, tức giận nghiến răng
      Bắc phụ lão cảm kích mừng vui rơi lệ
      Ta quân thanh ngày càng lừng lẫy
      Địch chạy quanh ngày một yếu suy

                                    (Chí Linh sơn phú)

Chỉ trong 10 tháng chiến đấu, nghĩa quân Lam Sơn đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, thu được nhiều kết quả rực rỡ, chính là do tinh thần chiến đấu anh dũng quả cảm, mưu trí linh hoạt của quân dân ta và đường lối chỉ đạo chiến tranh tài giỏi của Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân quyết định. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã đề ra được những phương hướng chiến lược chính xác, phương châm chiến lược đúng đắn và những chiến thuật thích hợp với một giai đoạn chiến đấu quyết liệt của cuộc chiến tranh. Từ những kết quả rực rỡ đã đạt được, quân và dân ta có thể tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn bảo đảm hoàn thành vẻ vang sự nghiệp cứu nước vĩ đại của dân tộc ta thời đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:01:45 am »


CHƯƠNG V
TIẾN QUÂN RA BẮC

Sau chiến thắng Tân Bình, Thuận Hóa, tức là nửa nước về phía Nam, từ Thanh Hóa trở vào đã được giải phóng, nghĩa quân Lam Sơn suy tôn Lê Lợi làm "Đại thiên hành hóa", có nghĩa là "thay Trời làm việc". Với việc suy tôn ấy, nghĩa quân đã khẳng định ngôi chí tôn trên cả nước là thuộc về người lãnh tụ tối cao của mình, khẳng định chính quyền Nhà nước của nước Việt Nam độc lập đã hình thành, đồng thời cũng khẳng định nhiệm vụ của nghĩa quân trong giai đoạn chiến đấu sắp tới, là tiến quân ra Bắc, giải phóng nốt một nửa nước ở phía bắc còn trong tay địch, để hoàn thành sự nghiệp giải phóng của mình.

Nguyễn Trãi cũng khẳng định điều đó trong Bình Ngô đại cáo:

      Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh đã thuộc về ta
      Tuyển quân tiến thẳng, Đông Đô cũng thu hết đất


Sau khi Thanh Hóa đã thuộc về ta, Đông Đô cũng phải thu hết đất. Đó là nhiệm vụ của nghĩa quân Lam Sơn trong giai đoạn chiến đấu sắp tới. Ngay từ khi mới tiến quân vào Nghệ An các lãnh tụ nghĩa quân đã nghĩ đến nhiệm vụ tiến quân ra Bắc sau này, nên đã cử Phan Liêu và Lộ Văn Luật ra Bắc, hoạt động ở vùng Quốc Oai, Gia Hưng (vùng Hà Tây, Hòa Bình, Sơn La ngày nay) để dò xét tình hình địch, tuyên truyền công cuộc cứu nước của nghĩa quân Lam Sơn, liên lạc với những người yêu nước, và các toán nghĩa quân đương chiến đấu chống giặc tại đây chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho việc tiến quân ra Bắc sau này của nghĩa quân Lam Sơn.

Nhưng tiến ra Bắc, giải phóng Đông Đô, không giống với giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa hay Tân Bình, Thuận Hóa. Như Nguyễn Trãi đã nói: phải "tuyển quân" rồi mới tiến ra Đông Đô được. Tuyển quân như vậy có nghĩa là phải tăng cường lực lượng nghĩa quân về mọi mặt, phải ổn định đời sống nhân dân và củng cố chính quyền mới trong vùng giải phóng, làm cho vùng giải phóng vừa thành hậu phương vững chắc, vừa có đủ sức mạnh vây hãm, kiềm chế, không cho quân địch trong mấy thành còn lại có thể hoạt động quấy rối vùng giải phóng khi đại quân đã tiến ra đánh địch ở ngoài Bắc. Những công việc đó, dù tiến hành thật khẩn trương, cũng đòi hỏi một thời gian nhất định. Và tình hình lúc đó cũng cho phép nghĩa quân được rảnh tay để lo liệu những công việc cần thiểt ấy, vì quân địch nói chung, đã ở vào thế bị động đối phó trên khắp các chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:02:11 am »


Ở ngoài Bắc, quân Minh suy yếu cực độ. Chúng không dám nhòm ngó tới dải đất phía nam đã nằm trong tay nghĩa quân Lam Sơn, không dám mơ tưởng đem quân cứu viện cho những toán quân của chúng đương bị giam chân trong các thành Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và cũng không đủ sức đối phó với các phong trào khởi nghĩa đương sôi nổi và lan rộng ở miền Bắc, nhất là ở miền núi, suốt một dải từ Gia Hưng, Quy Hóa, Tuyên Hóa, Thái Nguyên, tức là từ Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai tới Tuyên Quang, Bắc Thái, Hà Giang ngày nay. Bọn tướng địch Trần Trí đành thúc thủ trong thành Đông Quan, mong chờ viện binh từ bên nước chúng sang đánh cứu.

Trong khi đó, phong trào khởi nghĩa của nhân dân miền Bắc lên cao. Nghĩa quân Hoàng Am hoạt động mạnh ở Thái Nguyên, Quy Hóa (Bắc Thái, Yên Bái, Lào Cai). Nghĩa quân Chu Văn Trang đánh phá vùng Tuyên Hóa, Gia Hưng (Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ). Nghĩa quân áo đỏ của các dân tộc thiểu số hoạt động mạnh khắp vùng núi rừng Tây Bắc, lan cả sang Vân Nam. Trần Trí nhiều lần cùng ngụy quan Đèo Cát Hãn tiến lên Tây Bắc nhằm đánh phá phong trào nghĩa quân áo đỏ, nhưng đều thất bại. Tháng 4 năm 1426, triều đình nhà Minh phải cho Mộc Thạnh đem 18.000 quân tiến sang miền Tây Bắc phối hợp với quân của Trần Trí, Đèo Cát Hãn để cùng đàn áp phong trào nghĩa quân áo đỏ. Nhưng cả vùng rừng núi Tây Bắc bao la đâu cũng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Nghĩa quân lúc ẩn lúc hiện, khi đánh chỗ này, khi đánh chỗ khác, địch không thực hiện được âm mưu đàn áp của chúng. Sau ít ngày hành quân lúng túng, các toán địch đành phải rút đi.

Từ đây địch ngày càng thêm lúng túng, ra quân cũng lúng túng, mà cố thủ trong thành cũng lúng túng, vì quân số giảm sút nghiêm trọng. Tháng 6 năm 1426, tổng binh Trần Trí phải xin lệnh rút 2.600 quân Minh và 5.000 quân ngụy đương làm ở các đồn điền để tăng cường lực lượng phòng thủ cho thành Đông Quan và các thành khác của địch ở miền Bắc. Mặt khác Trần Trí vừa khẩn cấp kêu xin viện binh.

Triều đình nhà Minh phải chuẩn bị hai đạo viện binh cho sang cứu nguy cho bọn địch bị khốn ở Việt Nam: một đạo do Vương An Lão chỉ huy tiến sang theo đường Vân Nam, một đạo do Vương Thông chỉ huy tiến sang theo đường Quảng Tây.

Được tin viện binh địch sắp sang, để giành trước lấy thời cơ giải phóng miền Bắc, phá tan mưu đồ tăng cường lực lượng, ngoan cố theo đuổi chiến tranh xâm lược của địch, các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn quyết định bắt đầu thực hiện kế hoạch tiến quân ra Bắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:03:48 am »


NHIỆM VỤ CỦA NHỮNG
ĐẠO QUÂN TIÊN PHONG
TIẾN RA ĐÔNG ĐÔ


Nhận rõ quân địch ở ngoài Bắc đương lúng túng tự giam chân trong các thành để chờ viện binh, không dám hành quân đi đâu, không kiểm soát được vùng hậu phương rộng lớn miền Bắc, là viện binh Trần Trí chờ đợi, có khả năng đi theo 3 đường:

1. Viện binh từ Vân Nam tiến sang theo đường Tây Bắc.
2. Viện binh từ Quảng Tây tiến sang theo đường Đông Bắc.
3. Quân của chúng từ Nghệ An theo đường biển qua vùng duyên hải rút về cứu viện cho thành Đông Quan.

Mùa thu năm 1426, trong khi đại bộ phận lực lượng địch vẫn còn ở trong thành Nghệ An, thì viện binh địch từ Vân Nam và Quảng Tây đã lên đường sắp vượt biên giới tiến vào Đông Quan. Trước tình hình đó, các lãnh tụ nghĩa quân quyết định bước đầu cho hơn một vạn quân tiến ra Bắc làm một số nhiệm vụ cần thiết, còn đại bộ phận lực lượng nghĩa quân vẫn ở lại Nghệ An để khống chế bọn địch trong thành. Khi nào quân địch trong thành Nghệ An rút chạy về Đông Quan thì đại quân Lam Sơn sẽ tiến ra Đông Đô.

Lần đầu tiên ra Bắc, lực lượng nghĩa quân tuy không nhiều nhưng rất tinh nhuệ, cũng chia làm ba đạo tiến theo ba hướng:

Một đạo tiến lên phía Tây Bắc.
Một đạo qua vùng đồng bằng duyên hải rồi tiến lên phía Đông Bắc.
Một đạo tiến thẳng lên Đông Quan.

Cả ba đạo quân đều làm nhiệm vụ:

1. "Đi tuần Đông Đô", tiến sâu vào các phủ huyện châu, thu lấy đất, giành lấy dân, giải phóng toàn bộ vùng nông thôn trên các khu vực hành quân của mình.

2. Cô lập các thành địch, giam chân chúng tại chỗ, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch trong mọi trường hợp giao tranh với địch.

3. Ngăn chặn, kiềm chế và tiêu diệt viện binh địch, đẩy viện binh địch vào cái thế chịu bó tay trong các thành, chịu chung số phận với quân đội Trần Trí đã bị giam chân trong các thành từ trước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:11:40 am »


Đạo quân thứ nhất gồm hơn 3.000 quân1, 1 con voi do các tướng Lý Triện, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Như Huân, Đỗ Bí, từ Thiên Quan (Nho Quan, Ninh Bình) tiến lên Tây Bắc, làm nhiệm vụ giải phóng các vùng Quảng Oai, Quốc Oai, Đà Giang, Gia Hưng, Tam Đái, Quy Hóa (tức các vùng Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phú, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai ngày nay), uy hiếp phía tây thành Đông Quan và ngăn chặn viện binh địch từ Vân Nam sang.

Đạo quân thứ hai gồm hơn 5.000 quân2, 2 con voi do các tướng Lưu Nhân Chú, Bùi Bị, Lê Trương, Lê Bôi, Lê Vị Canh chỉ huy, cũng từ Thiên Quan qua miền đồng bằng duyên hải, tiến lên phía Đông Bắc, làm nhiệm vụ giải phóng các vùng Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương (tức Nam Hà, Thái Bình và một phần Hải Hưng), để lại đây một bộ phận để ngăn chặn viện binh địch từ Nghệ An tiến ra, còn hơn 3.000 nghĩa quân và 1 voi lại tiếp tục giải phóng các vùng Khoái Châu, Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang, Lạng Giang, Lạng Sơn (tức một phần các tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc và Lạng Sơn ngày nay), đồng thời đảm nhiệm việc ngăn chặn viện binh địch từ Quảng Tây tiến sang.

Đạo thứ ba gồm 2.000 quân3 do các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy, tiến thẳng ra Đông Quan, làm nhiệm vụ vừa giải phóng các vùng trên đường hành quân vừa phô trương thanh thế, uy hiếp thành Đông Quan.

Khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1426, cả ba đạo quân đều lần lượt xuất phát. Đạo quân thứ ba đi sau cùng.

Tiến ra Bắc, các đạo nghĩa quân đi tới đâu cũng được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và sôi nổi hưởng ứng công cuộc đánh giặc cứu nước của nghĩa quân, tạo thành một khí thế tiến công vô cùng mạnh mẽ. Chính quyền địch ở các phủ, huyện, châu không đánh mà tan. Mọi thành lũy của địch trở thành cô lập chơ vơ. Nhân dân nhiều địa phương tổ chức dân binh để hợp lực với nghĩa quân vây bức các thành giặc. Sử cũ còn ghi lại: "Các lộ ở Đông Đô và các nơi phiên trấn, chỗ nào cũng vui mừng đem trâu dễ, cơm rượu đến khao quân và đều hưởng ứng vây sát các thành"4. Nhân dân một lòng cầu mong nghĩa quân sớm thu phục được thành Đông Quan và các thành khác để mau chóng chấm dứt ách đô hộ tàn bạo của quân Minh đã đè nặng lên đầu họ trong mấy chục năm, nên ai cũng nô nức đánh thành. "Lạy trời cho cả gió lên, cho cờ vua Bình Định5 bay trên kinh thành", đó là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Đông Đô thời ấy.

Từ khi nghĩa quân tiến ra Bắc, không những thanh niên trai tráng ngoài Bắc nhiệt liệt tham gia chiến đấu mà nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả phụ nữ, đều tự nguyện đứng lên đánh giặc, cứu nước. Nhiều người, trong những điều kiện riêng, đã tự động đánh giặc bằng mọi phương tiện sẵn có của mình. Nhiều phụ nữ đã dũng cảm, mưu trí, tay không giết giặc. Trong nhân dân còn truyền tụng nhiều câu chuyện đánh giặc tài tình của những người phụ nữ bình thường nhưng rất anh hùng của thời đại đó. Như bà bán hàng họ Lương ở Ý Yên (Nam Hà) gần thành Cổ Lộng của địch, đã cho một toán địch vào ngủ trọ trong nhà, rồi một mình dùng mưu giết chết hết, quẳng xác chúng xuống sông. Hoặc cô ca nữ ở Đào Đặng (Tiên Lữ, Hải Hưng), đã bằng lời ca giọng hát, tìm cách tiêu diệt bọn địch tới đóng quân ở làng mình, giết gọn hết toán này đến toán khác, làm chúng khiếp sợ không dám tới đóng quân ở đấy nữa6.

Với khí thế sôi nổi đánh giặc, cứu nước của mọi tầng lớp nhân dân miền Bắc như vậy, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc, tuy chỉ có khoảng một vạn người, nhưng đã trở thành một lực lượng to lớn, dũng mãnh, áp đảo quân thù ở mọi nơi, mọi chốn. Nghĩa quân đi tới đâu là đấy giải phóng. Sử cũ đã thuật lại: "Người Minh chỉ ngồi giữ để chờ quân cứu viện mà thôi"7. Chỉ trong rất ít ngày, khắp vùng nông thôn rộng lớn của miền Bắc đã trở thành khu giải phóng thoát hẳn bàn tay khống chế của địch, từ một hậu phương của địch trở thành hậu phương của ta. Nhiệm vụ giải phóng các phủ, huyện, châu, cô lập các thành địch như thế là đã căn bản hoàn thành. Hoạt động của nghĩa quân chuyển sang giai đoạn uy hiếp các thành và chặn đánh viện binh địch.
______________________________________
1, 4, 7. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 23.
2, 3. Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục.
5. Trong thời kỳ khởi nghĩa, Lê Lợi xưng là Bình Định Vuơng, cũng gọi là vua Bình Định.
6. Công dư tiệp kýLịch triều hiến chương loại chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:15:16 am »


NHỮNG CHIẾN THẮNG
LỚN ĐẦU TIÊN
TRÊN ĐẤT BẮC


Đường bộ từ Nghệ An, Thanh Hóa ra Đông Quan qua Thiên Quan, Chương Đức, Tốt Động, Ninh Kiều, Nhân Mục, là con đường ngắn nhất, gần nhất và tốt nhất của thời đại đó. Ở thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn có ghi trong Kiến văn tiểu lục: "Xã Tốt Động, huyện Mỹ Lương, ruộng phẳng dân đông... Ở đấy có đường cái rộng chừng hai trượng1, là đường vào Thanh Hóa qua triều trước2, người ta nói đi đường này rất vắn tắt và gần, nhưng nay đường núi đã bể tắc không đi được nữa".

Đạo nghĩa quân thứ nhất của Lý Triện, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Đỗ Bí, Lê Như Huân theo đường này tiến ra Bắc trước tiên và cũng là đạo quân tiến hành uy hiếp thành Đông Quan trước tiên và đã đánh thắng nhiều trận giòn giã.


TRẬN CẦU NINH (NINH KIỀU)

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền đất đai rộng lớn ở Tây Bắc, đạo nghĩa quân thứ nhất đóng bản doanh ở Ninh Kiều, tức cầu Ninh, cách thành Đông Quan khoảng 20 ki-lô-mét về phía tây nam3.

Ngày 13 tháng 9 năm 1426 (12 tháng 8 năm Bính Ngọ), Lý Triện, Phạm Văn Xảo cho một toán nghĩa quân tới thành Đông Quan khiêu chiến. Các tướng lĩnh nghĩa quân dự đoán địch trong thành Đông Quan sẽ coi thường nghĩa quân lực lượng ít, mới từ xa đến còn mệt mỏi nên chúng sẽ đem một lực lượng lớn ra nghênh chiến nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Biết trước ý định của địch, các tướng lĩnh nghĩa quân quyết định thực hiện phương châm dử địch đến để đánh và dùng phục binh tiêu diệt địch. Các tướng lĩnh một mặt cho quân tới Đông Quan khiêu chiến, một mặt bố trí sẵn trận địa mai phục ở ngay Ninh Kiều để chờ địch. Quả nhiên tổng binh Trần Trí ở Đông Quan đã đem rất nhiều quân ra ngoài thành tác chiến. Toán nghĩa quân khiêu chiến vừa đánh vừa lui dử dịch. Trần Trí đem quân ào ạt đuổi theo, muốn đánh thẳng vào căn cứ Ninh Kiều nhằm tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân và Trần Trí đã đưa quân vào giữa trận địa mai phục để chịu một đòn quyết liệt của nghĩa quân. Hơn 2.000 quân địch bỏ xác tại trận địa. Trần Trí phải đem tàn quân rút chạy về Đông Quan.
______________________________________
1. Khoảng 8 mét 50.
2. Triều Lê thế kỷ XV, XVI.
3. Ninh Kiều là cầu Ninh, có núi Ninh (Ninh Sơn), có sông Ninh (Ninh Giang, tức một đoạn sông Đáy chảy qua vùng này). Ninh Kiều nay thuộc thôn Ninh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Gần Ninh Sơn có Chúc Sơn tức Chúc Động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:21:37 am »


TRẬN CẦU MỌC

Sau chiến thắng cầu Ninh, đạo nghĩa quân Lý Triện, Phạm Văn Xảo được tin viện binh của địch ở Vân Nam, do Vương An Lão chỉ huy, đã vượt biên giới, đương trên đường kéo xuống Đông Quan. Nhiệm vụ của nghĩa quân Lý Triện, Phạm Văn Xảo là phải chặn đánh đạo viện binh này. Một vấn đề được đặt ra để giải quyết cấp tốc là đạo nghĩa quân thứ ba do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy, có nhiệm vụ chủ yếu là uy hiếp thành Đông Quan, đi sau, chưa tới nơi; nếu đạo quân Lý Triện, Phạm Văn Xảo rút hết khỏi mặt trận Đông Quan để tiến lên chặn đánh viện binh địch thì địch ở Đông Quan có thể chạy theo đánh vào sau lưng. Như vậy, nghĩa quân sẽ phải cùng một lúc đối phó với địch ở cả hai mặt: phía trước là viện binh địch, phía sau là địch từ thành Đông Quan tiến ra, cuộc chiến đấu của nghĩa quân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các tướng lĩnh nghĩa quân quyết định chia quân làm hai cánh: một cánh gồm 1.000 quân chủ lực1 do Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy, tiến lên vùng Tam Giang2 (miền Việt Trì, Vĩnh Phú ngày nay) để chặn đánh viện binh địch, một cánh gồm 2.000 quân chủ lực do Lý Triện và các tướng lĩnh khác chỉ huy, tiếp tục làm nhiệm vụ uy hiếp địch trong thành Đông Quan, giam chân chúng tại đây.

Về phía địch trong thành Đông Quan, tuy vừa mới bị thua đau trong trận cầu Ninh, Trần Trí vẫn phải cố mở một cuộc phản công mới nhằm mục đích tiêu diệt nghĩa quân hoặc ít nhất cũng đẩy lùi được nghĩa quân ra xa để dọn đường cho viện binh của chúng tiến vào Đông Quan được dễ dàng.

Hơn một tháng sau thất bại cầu Ninh, tức ngày 20 tháng 10 năm 1426 (20 tháng 9 năm Bính Ngọ), Trần Trí cho các tướng Vi Lượng3, Đào Sâm, Tiền Phụ, Vương Miễn, Tư Quảng và tên ngụy quan Hà Gia Kháng đem quân ra thành nhằm tiến đánh nghĩa quân tại cầu Ninh. Nhưng Lý Triện đã đặt phục binh cầu Mọc (cầu Nhân Mục) ngay gần thành Đông Quan để đón đánh địch. Khi chúng đi gần tới cầu Mọc, tên ngụy quan Hà Gia Kháng khuyên không nên qua cầu vội, sợ có phục binh. Tên chủ tướng đô chỉ huy Vi Lượng không nghe, ra lệnh cứ tiến. Các tướng địch Đào Sâm, Tiền Phụ đem quân sang cầu trước. Chính lúc đó, nghĩa quân mai phục rầm rộ xông ra đánh giết. Chủ tướng địch Vi Lượng bị bắt sống. Các tướng địch Đào Sâm, Tiền Phụ, Triệu Trinh và hơn 1.000 quân địch bị giết tại trận. Bọn địch sống sót chạy trốn về thành Đông Quan. Nghĩa quân thừa thắng tiến lên truy kích địch và chia làm 3 toán công kích thành Đông Quan. Địch đóng chặt cửa thành không dám ra chống cự. Nghĩa quân lại rút về căn cứ cầu Ninh.


ĐÁNH VIỆN BINH ĐỊCH TẠI CẦU XA LỘC

Cánh quân Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả đi chặn đánh một vạn viện binh của Vương An Lão là một việc khó khăn, vì quân số ít hơn địch. Nhưng với quyết tâm tiêu diệt địch, nghĩa quân đã tiến nhanh lên phía Tam Giang và bố trí trận địa chờ địch tới. Cũng ngày 20 tháng 10 năm 1426, trong khi địch ở thành Đông Quan bị đánh tan tác tại cầu Nhân Mục thì viện binh của Vương An Lão cũng bị nghĩa quân Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả chặn đánh rất kịch liệt tại cầu Xa Lộc4. Hơn 1.000 quân địch chết trận và nhiều tên chết đuối. Bọn bại binh Vương An Lão phải tháo chạy vào thành Tam Giang, không dám tiến xuống Đông Quan nữa.

Như vậy là cả hai cánh quân của đạo quân thứ nhất Lý Triện, Phạm Văn Xảo đều hoàn thành nhiệm vụ rất vẻ vang.
_________________________________________
1. Sử cũ chỉ ghi số lượng nghĩa quân khi ở Nghệ An ra đi mà không kể đến số quân mới nhập ngũ từ khi nghĩa quân ra Bắc. Chắc chắn là những quân mới tuyển mộ đều có tham gia những trận đánh này và số lượng cũng không phải là nhỏ.
2. Tam Giang: phủ Tam Giang gồm ba châu Thao Giang, Tuyên Giang và Đà Giang; phủ trị ở huyện Sơn Vĩ, châu Thao Giang (nay là huyện Lâm Thao) ỏ phía bắc ngã ba Hạc, gần đấy có cầu Ròng Rọc (tức Xa Lộc Kiều) - (Chú thích của bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư, t. III, tr. 335)
3. Theo Minh sử, q. 321, Minh sử chép Vi Lượng là Viên Lượng.
4. Bản dịch Lam Sơn thực lục trong Nguyễn Trãi toàn tập chú thích: “Xa Lộc Kiều, tục gọi là cầu Ròng Rọc, ở gần làng Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc Vĩnh Phú)" (Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 473).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:24:00 am »


CHIẾN THẮNG OANH LIỆT
TỐT ĐỘNG - CHÚC ĐỘNG


Trước những thất bại thảm hại vừa qua, địch ở thành Đông Quan, cả tướng lẫn quân đều hoang mang tuyệt vọng, tự thấy không đủ sức đương nổi nghĩa quân, đành thúc thủ trong thành, mong chờ viện binh các nơi tới cứu.

Ngay từ sau thất bại đầu tiên ở cầu Ninh, Trần Trí đã phải cho người lẻn vào Nghệ An cáo cấp, yêu cầu bọn Phương Chính, Lý An đem quân ra cứu nguy cho Đông Quan, vì Nghệ An vẫn còn giữ một lực lượng quân đội khá lớn để lo đối phó với nghĩa quân trong đó.

Được tin Đông Quan cáo cấp, bọn Phương Chính, Lý An để một phần quân ở lại với Thái Phúc để giữ thành Nghệ An, còn bao nhiêu đem hết về cứu nguy cho Đông Quan. Ngày 17 tháng 10 năm 1426 (17 tháng 9 Bính Ngọ)1, Phương Chính, Lý An từ thành Nghệ An đem quân đi đường biển ra Bắc.

Thấy địch ở Nghệ An đã rút gần hết về Đông Quan, thành Nghệ An không còn là một mục tiêu quan trọng, mà địch ở Đông Quan có được sự tăng viện từ các nơi lại, tất sẽ mở những cuộc phản công lớn, mặt trận ngoài đó sẽ trở thành mặt trận chính, các lãnh tụ Lam Sơn quyết định đem đại quân tiến theo hai đường thủy, bộ đuổi theo Phương Chính, Lý An và thuận đường tiến dần ra Bắc.

Các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Văn Linh, Nguyễn Thận, Lê Sát, Lê Lĩnh, Bùi Quốc Hưng được trao nhiệm vụ ở lại vây hãm thành Nghệ An. Còn đại quân và các tướng lĩnh khác đều cùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi tiến nhanh ra Thanh Hóa, truy kích bọn Phương Chính, Lý An. Bọn Phương Chính chạy rẽ vào Tây Đô, thấy đại quân Lam Sơn đã đuổi tới nơi, không dám lưu lại Tây Đô, phải xuống thuyền chạy vội ra Bắc. Toán nghĩa quân ở miền duyên hải phía bắc, lực lượng ít, không có đủ binh thuyền để ngăn chặn thuyền địch: bọn Phương Chính chạy thoát lên Đông Quan.
_______________________________________
1. Theo Đại Việt sử ký toàn thư. Ngày này trong Lam Sơn thực lục viết là 26 tháng 9. Những ngày đầu tháng 10 Bính Ngọ, bọn Phương Chính đã có mặt trên chiến trường Đông Đô, nếu ngày 26 tháng 9 mới từ Nghệ An đi thì muộn quá, không kịp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2016, 11:27:20 am »



Đại quân Lam Sơn ra tới Tây Đô, bổ sung thêm quân cho lực lượng nghĩa quân đương làm nhiệm vụ vây hãm thành này, rồi tiến thẳng lên Lỗi Giang, đóng lại ở đấy một thời gian để tuyển thêm quân, chuẩn bị thêm lương thực trước khi tiến ra Bắc. Được tin Lê Lợi và đại quân Lam Sơn đã trở về đất cũ quê hương, nhân dân Thanh Hóa vô cùng phấn khởi, nhiệt liệt ủng hộ mọi mặt và sôi nổi tòng quân.

Việc đại quân Lam Sơn tiến ra Thanh Hóa, chuẩn bị lên đường ra Bắc là rất đúng lúc. Chính lúc này địch ở Đông Quan cũng đương được tăng viện từ nhiều nơi lại. Lực lượng địch được phục hồi. Những cuộc phản công lớn của địch sẽ nổ ra.

Viện binh của Phương Chính, Lý An từ Nghệ An ra tới Đông Quan thì cũng là lúc năm vạn viện binh của Vương Thông sắp tới nơi.

Được lệnh xuất quân từ tháng 4 năm 1426, theo đường Quảng Tây tiến vào Việt Nam, khoảng mấy ngày cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm 1426, bọn Vương Thông mới tới được Đông Quan.

Vương Thông được cử làm tổng binh thay Trần Trí, nắm quyền chỉ huy toàn bộ quân Minh xâm lược ở Việt Nam. Bọn Trần Trí, Phương Chính bị triều đình nhà Minh giáng chức và cho tiếp tục ở trong quân để lập công chuộc tội. Năm vạn viện binh và năm nghìn ngựa của Vương Thông vừa mới đưa sang cùng với quân của Phương Chính, Lý An đem từ Nghệ An ra và quân của Trần Trí đồn trú tại Đông Quan, hợp thành một lực lượng lớn, gồm trên 10 vạn người. Có trong tay một lực lượng quan trọng như vậy, Vương Thông tới Đông Quan, không kịp nghỉ ngơi, lập tức mở cuộc tiến công nhằm tiêu diệt lực lượng nghĩa quân đương hoạt động ở gần Đông Quan và giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM