Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:11:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90360 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:28:42 pm »


Thanh thế của quân dân ta thời ấy quả thật là to lớn. Có được thanh thế đó chính là vì những sự nghiệp anh hùng mà tổ tiên ta đã đạt được. Liền sau cuộc xung đột ở biên giới, năm 1314, nhân có việc vua Trần Anh Tôn nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng, nhà Nguyên cho sứ sang mừng. Thông thường sứ phương bắc sang nước ta vẫn hay ngạo nghễ hạch sách, coi ta là nước nhỏ, "man di mọi rợ". Nhưng sau những chiến thắng rực rỡ của quân dân ta, sứ nhà Nguyên sang ta không dám thế. Không những không dám nghênh ngang, miệt thị, ngược lại, chúng hết sức ca ngợi ta. Trông thấy vua Trần, sứ nhà Nguyên đã khen không ngớt lời là "Phong thái thanh tao, nhẹ nhàng như bậc thần tiên". Khi về nước, sứ Nguyên khoe với mọi người về phong thái thanh tao đẹp đẽ của vua Trần. Ít lâu sau, sứ ta sang giao hảo, người Nguyên hỏi thăm về điều đó, sứ ta ung dung trả lời: "Đúng thế, và đó là phong thái của cả nước tôi vậy". Lời nói của sứ ta chan chứa tự hào, một niềm tự hào dân tộc rất chính đáng. Làm nên những sự nghiệp anh hùng, hy sinh chiến đấu cho Tổ quốc, giữ vững nền độc lập của dân tộc, khiến các nước ngoài khâm phục, tổ tiên chúng ta và cả chúng ta ngày nay đều có quyền tự hào về những điều đó. Có khí phách anh hùng, có sự nghiệp anh hùng, đánh thắng giặc trên chiến trường, đánh thắng giặc về ngoại giao, tất cả những cái đó đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. Truyền thống anh hùng đó ngày càng được dân tộc ta phát huy lên cao, theo đà phát triển lớn mạnh của dân tộc, của lịch sử.

Truyền thống anh hùng đó là sự thể hiện ra hành động, ý thức dân tộc và tinh thần làm chủ đất nước của nhân dân ta, đã trở thành một truyền thống lâu đời của dân tộc: truyền thống anh dũng bất khuất, kiên cường chiến đấu cho độc lập thống nhất của Tổ quốc.

Dân tộc ta hình thành rất sớm, dựng nước rất sớm và ý thức dân tộc cũng nảy nở rất sớm. Trong quá trình đấu tranh lâu dài để dựng nước và giữ nước, ý thức dân tộc của nhân dân ta ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc. Ý thức đó đã có ở tất cả các tầng lớp nhân dân, tất cả các lứa tuổi và ở tất cả các thời đại. Tinh thần anh dũng bất khuất của Bà Trưng, Bà Triệu, của các lão tướng Lý Thường Kiệt, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, của các cụ già ở điện Diên Hồng, của các em bé Phù Đổng, Trần Quốc Toản, của người nông dân trẻ tuổi Nguyễn Huệ, v.v... đã là những tượng trưng rực rỡ cho ý thức dân tộc kiên cường của nhân dân ta qua các thời đại. Ý thức đó đã tạo nên khí phách anh hùng và những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Lịch sử anh hùng của dân tộc ta chứng minh rằng: "Trong quá trình giữ nước và dựng nước, dân tộc ta đã rèn luyện cho mình những đức tính vô cùng quý báu: lòng yêu nước, tình thương yêu đồng bào, tinh thần dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, ý chí đấu tranh kiên cường "thà chết không chịu làm nô lệ", lòng nhân hậu, thủy chung... Vì luôn luôn phải chiến đấu để sinh tồn và phát triển, dân tộc ta đã phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân từ làng xóm cho đến cả nước, rèn luyện cho mình những đức tính cần cù lao động, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, trau dồi lòng yêu chuộng đạo đức cao đẹp của con người, của đời sống xã hội" 1.

Ý thức dân tộc, khí phách anh hùng và những đạo đức cao quý đó đã tạo cho dân tộc ta một sức mạnh tinh thần rất lớn để đánh thắng xâm lược.
_____________________________________
1. Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 16.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:29:23 pm »


Truyền thống anh hùng của dân tộc ta không những nêu cao tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc mà còn phản ánh rõ nét ý thức làm chủ của quần chúng nhân dân Việt Nam trong lịch sử và trong đời sống xã hội. Lịch sử là do quần chúng làm nên. Đánh giặc cứu nước là sự nghiệp của quần chúng. Cả nước một lòng quyết tâm đánh giặc, là một sức mạnh vô địch, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Muốn nhân dân cả nước một lòng, để bảo vệ Tổ quốc cũng như để xây dựng đất nước giàu mạnh thì, dù là ở thời đại phong kiến cũng phải đoàn kết được nhân dân, phải bảo đảm đến một mức nào đó quyền dân chủ của nhân dân, tức bảo đảm quyền sống của người dân về cả hai mặt: vật chất và tinh thần. Sống no ấm và tự do là những yêu cầu dân chủ cơ bản của nhân dân Việt Nam ở tất cả các thời đại. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống dân chủ và truyền thống đấu tranh chống áp bức xã hội từ lâu đời nên ý thức dân chủ của nhân dân Việt Nam đã có một tác dụng nhất định tới đời sống xã hội và sự hưng vong của các triều đại thống trị. Không thực hiện dân chủ, áp bức bóc lột nặng nề, nhân dân đói khổ, thì nhân dân khởi nghĩa, kiên quyết chống áp bức bóc lột, triều đại thống trị, dù tàn bạo đến đâu cũng sụp đổ. Một triều đại khác thay thế, muốn đứng vững, không thể không thỏa mãn những yêu cầu dân chủ của nhân dân trong một chừng mực nhất định. Đó cũng là quy luật phát triển xã hội và quy luật hưng vong của các triều đại thống trị ở Việt Nam mấy nghìn năm trước đây.

Lịch sử anh hùng của dân tộc ta trước thời Nguyễn Trãi và sau thời Nguyễn Trãi đều chứng minh rõ điều đó. Trước Nguyễn Trãi, nhân dân ta thời Lý đã cùng Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên cả hai chiến trường trong nước và ngoài nước, Trần Quốc Tuấn đã cùng quân dân thời Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên, cũng chính vì tổ tiên chúng ta các thời ấy đã kết hợp được hai yếu tố dân tộc và dân chủ để dựng nước và giữ nước.

Nhà Lý lên cầm quyền năm 1010 là lúc Nhà nước tập quyền và thống nhất của ta đương hình thành và phát triển, nhân dân cả nước ta đương tập trung sức lực để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Có được sự đồng tâm nhất trí để dựng nước như vậy là vì các vua đầu thời Lý quan tâm tới đời sống của nhân dân, và chú trọng phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất. Nông nghiệp là nguồn sống chính, được săn sóc, khuyên khích thường xuyên. Những công tác thủy lợi như đào kênh, xây đắp đê, kè, đập nước, thường được tiến hành. Nhiều đạo luật bảo vệ nông nghiệp được ban bố, như phạt tội nặng những kẻ trộm trâu, nghiêm trị những kẻ ăn cướp lúa mạ, tài vật của nhân dân. Về công nghiệp, nhiều ngành sản xuất được khuyến khích phát triển, đặc biệt là các ngành dệt, khai mỏ, luyện kim. Thương nghiệp được đẩy mạnh, nhất là ngoại thương với các nước láng giềng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:33:49 pm »


Nhờ tình hình kinh tế phát triển, nhân dân được no ấm. Luôn năm được mùa, thóc gạo đủ, vải lụa sẵn. Điểm đặc biệt trong chính sách kinh tế tài chính của các vua đầu thời Lý là luôn luôn miễn giảm tô thuế cho nhân dân. Do đấy một cảnh tượng nước giàu dân mạnh thể hiện khá rõ trong thời kỳ các vua đầu nhà Lý.

Song song với những chính sách đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, các vua đầu thời Lý ban hành nhiều biện pháp để "nới sức dân", hạn chế, giảm bớt áp bức, bóc lột. Nhà Lý phạt nặng tội thu lạm thuế. Thu thuế lụa mà ăn lễ, lấy lụa của người, thì cứ mỗi thước lụa, phạt 100 trượng, mỗi tấm lụa phạt tù khổ sai một năm. Mặt khác, nhiều chính sách khoan hồng đối với nhân dân phạm pháp được thực hiện, như: sửa lại luật pháp, soạn lại Hình thư, giảm nhẹ tội tù, xóa bỏ hình cụ, luôn luôn đại xá, ân xá các tội nhân, để giảm bớt số người đau khổ và có thêm sức lao động sản xuất.

Thi hành những chính sách và biện pháp tích cực nói trên, các vua đầu thời Lý vừa động viên được tinh thần phấn khởi sản xuất của nhân dân, vừa thu phục được lòng người, tập hợp được sức người. Nước ta có nhiều dân tộc, điểm nổi bật trong chính sách của các vua đầu thời Lý là cố gắng thực hiện đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc. Các vua đầu thời Lý thường đem con gái, em gái mình gả cho các thủ lĩnh miền thiểu số, đối đãi thân tình, lấy họ làm chỗ dựa để yên dân và giữ gìn biên giới. Với những chính sách đoàn kết, coi trọng các dân tộc anh em trong nước như thế, khối đoàn kết toàn dân càng thêm vững chắc. Từ cuối thế kỷ thứ X, sau khi bị quân dân ta thời Lê Hoàn đánh cho đại bại, nhà Tống vẫn nuôi mưu đồ đánh chiếm nước ta. Nhưng trong gần một trăm năm sau, chúng chưa thể làm gì được vì thế nước ta đương mạnh. Cho tới khi Lý Thánh Tôn chết (năm 1072), Lý Nhân Tôn lên nối ngôi vua, mới 6 tuổi, nhà Tống cho rằng trong hoàn cảnh ấy, nước ta sẽ rối ren, suy yếu, đó là thời cơ thuận lợi nhất để chúng quyết định tiến hành xâm lược nước ta. Nhưng chúng đã tính lầm. Vua tuy còn nhỏ, nhưng Nhà nước ta vẫn mạnh. Tể tướng đầu triều, cầm giữ chính quyền và binh quyền cả nước lúc ấy là Lý Thường Kiệt, một nhà chính trị và quân sự lão thành, có đủ tài đức để tiếp tục sự nghiệp vì nước vì dân của những người trước. "Mục quận ký ninh, chưởn sư tất khắc" (coi quận yên dân, cầm quân tất thắng)1, đó là lời người đương thời ca ngợi Lý Thường Kiệt.

"Làm việc cốt tránh phiền dân. Sai khiến dân, cốt khuyên nhủ dân vui theo... Đem bụng khoan thứ cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân... Lấy sự no đủ làm nguyện vọng của dân, coi việc cày cấy làm gốc của nước... Nuôi nấng người già nên người già được yên..."2. Đó là mấy nét tiêu biểu trong đường lối chính trị của ông. Chính vì thế mà khi có giặc ngoại xâm, cả nước đã đứng bên ông để cùng đánh giặc. Tất cả các dân tộc đều đoàn kết chiến đấu. Hầu hết các thủ lĩnh miền thiểu số đều cầm quân ra trận. Nhân dân các dân tộc vùng biên giới "nhà có 8 người thì 7 người, nhà có 6 người thì 5 người" lên đường đánh giặc3. Sức mạnh chiến đấu của cả nước để bảo vệ nền độc lập dân tộc như vậy thì không thể không chiến thắng. Và quả thật, như lịch sử dân tộc ta ở thời Lý đã chứng minh, thực hiện dân chủ trên cơ sở tinh thần dân tộc được nâng cao, là cái gốc để dựng nước và giữ nước, là một nguồn động lực vô tận để đánh thắng ngoại xâm. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Lý Thường Kiệt và quân dân ta thời Lý đã đánh thắng quân Tống xâm lược.
______________________________________
1, 2. Khắc trong bia chùa Linh Xứng (Thanh Hóa). Bia này vẫn còn cho tới thời đại chúng ta.
3. Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biến (sách thời Tống), q. 276.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:37:10 pm »


Cách hai trăm năm sau, cũng chính trong những điều kiện tương tự, nhân dân ta ở thời Trần đã ba lần đánh thắng quân Nguyên xâm lược. Sức mạnh chiến đấu vĩ đại của nhân dân ta thời Trần là kết quả của một đường lối dựng nước và giữ nước biết dựa vào dân, lấy dân làm chủ trong một chừng mực nhất định. Từ lúc nhà Trần lên cầm quyền tới trước cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên, trong khoảng hơn ba mươi năm, vua tôi nhà Trần rất chăm lo phát triển kinh tế. Để khuyến khích sản xuất, nhà Trần đem ruộng công bán cho nhân dân với giá rẻ, mỗi diện năm quan tiền (diện là mẫu thời Trần). Để bảo đảm sản xuất tốt, nhà Trần chú trọng đẩy mạnh công tác thủy lợi ở hai miền đồng bằng trù phú của nước ta thời ấy là lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Chu, sông Mã. Các vua đầu thời Trần quan tâm đặc biệt đến việc trông nom, chăm sóc đê điều phòng lụt. Sử Trung Quốc đã ghi lại công việc này của thời Trần:

"Mỗi năm vào tháng giêng quan coi đê đôn đốc nhân dân ven đê đi đắp đê, không phân biệt già trẻ, sang hèn. Chỗ thấp trũng thì đắp cao lên. Chỗ xói lở thì bồi đắp vào. Đến đầu mùa hạ thì công việc xong. Ấy là lệ thường hàng năm. Từ tháng sáu, tháng bảy, nước sông dâng cao, quan coi đê phải tự mình ra sức tuần hành xem xét, thấy chỗ rạn lở phải sửa chữa ngay, nếu lười biếng thì mất chức. Để dân cư trôi đắm, lúa má chìm hại thì tùy theo nặng nhẹ mà trách phạt. Từ đó thủy tai không còn nữa mà đời sống của nhân dân được sung sướng, đất không bỏ sót nguồn lợi nào" (Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên).

Với những biện pháp tích cực ấy, nông nghiệp phát triển mạnh. Thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển song song với nông nghiệp.

Kinh tế mở mang và đời sống no ấm của nhân dân trong gần một trăm năm đầu thời Trần đã khiến cho nhân dân có đầy đủ sức mạnh vật chất để đánh thắng cả 3 cuộc xâm lược của quân Nguyên đã diễn ra liên tiếp trong 30 năm.

Về đời sống tinh thần của quần chúng, ý thức dân chủ được coi trọng. Cả những người cầm quyền trị nước thời đầu Trần cũng đã nêu được nhiều gương tốt về dân chủ trong lịch sử xã hội phong kiến nước ta. Trần Thủ Độ, Trần Thái Tôn, Trần Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn đều coi trọng ý thức dân chủ của nhân dân, nên họ thu phục được lòng người, đoàn kết được cả nước. Trần Thủ Độ là người đã đem ngôi vua từ họ Lý chuyển sang họ Trần, mà vua Trần lúc ấy còn nhỏ tuổi, nên quyền ông hơn cả vua. Có người khóc nói với vua Trần Thái Tôn: "Bệ hạ trẻ thơ mà Thủ Độ quyền hơn cả vua, đối với xã tắc sẽ ra sao?". Ông vua trẻ thơ ấy chẳng biết làm như thế nào, vội vã lên xe tới nhà Trần Thủ Độ, đem theo cả người đã chê trách Trần Thủ Độ. Tới nơi, Trần Thái Tôn kể lại với Trần Thủ Độ những lời phê phán của người kia. Trần Thủ Độ nói: "Người ấy đã nói đúng”, rồi lấy tiền, lụa thưởng cho người đã phê phán, chê trách mình. Một người quyền thế trên cả vua, cả nước, mà có thái độ chân thành vui vẻ tiếp nhận những lời chê trách của người dưới như thế, thật là hiếm có trong lịch sử phong kiến. Một lần khác, bà Linh Từ, vợ Trần Thủ Độ ngồi kiệu đi qua một nơi cấm, người lính gác tại đây ngăn lại không cho đi. Bà Linh Từ về nhà, kể lại sự việc với chồng và nói: "Tôi là vợ ông mà bọn lính khinh như thế đấy". Trần Thủ Độ cho đi bắt người lính để xét hỏi và người lính chắc sẽ phải chết. Khi tới nơi, người lính cứ sự thực trình bày. Trần Thủ Độ khen: "Người giữ chức vụ nhỏ mà biết giữ phép nước như thế, ta trách sao được". Rồi lấy vàng, lụa thưởng cho người lính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:41:21 pm »


Trong những thời kỳ có chiến tranh, tinh thần dân chủ của vua tôi nhà Trần càng được nâng cao, do đó họ càng có nhiều khả năng đoàn kết nhân dân để chiến đấu. Muốn lãnh đạo chiến đấu thắng lợi, Nhà nước phải vững mạnh, cho nên các vua Trần rất quan tâm việc thống nhất lãnh đạo, chăm lo giữ vững đoàn kết nhất trí trong nội bộ tập đoàn lãnh đạo, đoàn kết vua chúa, đoàn kết các vương hầu, đoàn kết các quan lại, đoàn kết các tướng lĩnh. Từ năm 1268, vua Trần đặt thành lệ cho các vương hầu tôn thất cứ sau buổi chiều thì vào nội cung cùng nhau ăn uống, đến tối thì lại "đặt gối dài chăn rộng" cùng nằm, không phân biệt vua tôi, thật là thân thiết vui vẻ, do đó mọi người hòa thuận. Biết giặc Nguyên mưu đồ đem đại quân sang đánh chiếm nước ta, nhà Trần tập trung mọi nỗ lực vào việc động viên toàn dân quyết tâm đánh giặc, động viên trước hết bằng cách dân chủ bàn bạc với mọi người, bàn bạc với lãnh đạo, bàn bạc với quân sĩ, bàn bạc với nhân dân. Vua Trần triệu tập tất cả các vương hầu, tướng lĩnh, bách quan họp hội nghị Bình Than để cùng bàn việc đánh giặc. Mọi người đều biểu lộ quyết tâm kháng chiến. Những vương hầu còn nhỏ, chưa đến tuổi thành niên, như Trần Quốc Toản, không được dự bàn trong hội nghị cũng quyết chí cầm quân ra trận. Để động viên quân đội, anh hùng Trần Quốc Tuấn làm tiết chế thống lĩnh toàn quân, đã truyền "hịch tướng sĩ" kêu gọi toàn quân quyết chiến. Mọi người đều nức lòng đánh giặc, thích hai chữ "sát Thát" vào cánh tay để tỏ rõ ý chí quyết tâm diệt giặc. Mấy ngày trước khi giặc Nguyên đem 50 vạn quân vượt biên giới tiến sang, vua Trần lại triệu tập một hội nghị nhân dân tại điện Diên Hồng mời các phụ lão trong nước tới dự để bàn một lần cuối cùng xem ý kiến của nhân dân là đánh hay hàng. Vạn người như một, các phụ lão, đại biểu của nhân dân, dự hội nghị đều đồng thanh quyết đánh.

Như vậy là toàn thể vương hầu, bách quan, toàn quân và toàn dân đều một lòng cương quyết đánh giặc. Cho nên giặc sang tới nơi là quân dân ta đã sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu rất quyết liệt và đã chiến thắng thật vẻ vang. Hai tiếng "Quyết đánh" của các phụ lão tại điện Diên Hồng và hai chữ "sát Thát" của quân sĩ tự thích vào cánh tay, vừa thể hiện rực rỡ tinh thần dân tộc kiên cường và ý chí quyết chiến của quân dân ta để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, vừa là kết quả tốt đẹp của sự thực hiện rộng rãi chính sách dân chủ về chính trị và dân chủ trong quân sự ở nước ta đầu thời Trần. Thực hiện dân chủ đã là một nhân tố quan trọng để nâng cao tinh thần dân tộc và kết hợp chặt chẽ dân tộc với dân chủ đã đem lại cho nhân dân ta một sức mạnh vô địch, đánh thắng quân Nguyên ở thời Trần, cũng như đã đánh thắng quân Tống ở thời Lý. Trên bước đường tiến lên của lịch sử, trong điều kiện của xã hội có giai cấp và trong khuôn khổ của chế độ phong kiến, truyền thống dân chủ của nhân dân vẫn được phát huy. Ý thức dân chủ vẫn được tôn trọng, dù chỉ dân chủ trong một chừng mực nhất định. Đó là một điểm độc đáo trong quá trình phát triển của dân tộc ta, mà lịch sử đã chứng minh rất rõ. Lịch sử của dân tộc ta còn chứng minh rằng: "Xưa nay, một phong trào dân tộc thật sự bao giờ cũng chứa dựng một nội dung dân chủ nhất định, bởi vì bất cứ giai cấp nào muốn đấu tranh để giành lại chủ quyền dân tộc hoặc muốn tự mình trở thành dân tộc, thì không thể không đồng thời thực hiện những yêu cầu dân chủ nào đó đối với quần chúng nhân dân, lực lượng quyết định thành bại của phong trào dân tộc"1. Lịch sử của dân tộc ta cũng chứng minh rằng ở thời kỳ đương lên của giai cấp phong kiến, họ đã kết hợp được dân tộc với dân chủ để đánh giặc giữ nước, vì "Giai cấp phong kiến ở nước ta khi đang lên cũng có tinh thần dân tộc. Họ đã thực hiện những hình thức dân chủ nhất định để động viên dân chúng trong nước chống ngoại xâm2. Và từ mấy nghìn năm qua, kết hợp dân tộc với dân chủ đã sớm trở thành một truyền thống của dân tộc ta để đánh thắng xâm lược, giải phóng dân tộc.

Kinh nghiệm lịch sử quý báu đó, chính Trần Quốc Tuấn, người anh hùng lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên cũng đã nhấn mạnh để căn dặn vua Trần trước khi ông mất. Năm 1300, Trần Quốc Tuấn bệnh nặng, vua Trần Anh Tôn tới thăm và hỏi ông: "Nếu chẳng may ông qua đời, giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách phải như thế nào?". Để trả lời vua Trần, nhà chiến lược vĩ đại Trần Quốc Tuấn đã điểm lại những nguyên nhân thắng lợi của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ở các thời trước và ba cuộc kháng chiến chống Nguyên đã qua để trình bày một kế sách giữ nước rất gọn, mà những điểm cơ bản có thể rút ra được là: "... trên dưới đồng lòng, lòng dân không chia... vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức... binh sĩ một dạ cha con... khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”.

Lời tuy ngắn gọn nhưng quả là thượng sách để giữ nước. Mà cũng là thượng sách để xây dựng nước nhà giàu mạnh, trong điều kiện của thời đại đó. "Trên dưới đồng lòng, lòng dân không chia, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức" là đoàn kết. Cả nước đoàn kết để ra sức, ra sức làm việc, ra sức sản xuất và chiến đấu. "Binh sĩ một dạ cha con, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ" là dân chủ, dân chủ trong điều kiện xã hội lúc đó. Thực hiện dân chủ mới đoàn kết được cả nước. Có đoàn kết mới có sức mạnh để chiến thắng quân cướp nước. Dân chủ và dân tộc quyện với nhau làm một. Phát huy hai yếu tố ấy là thượng sách để giữ nước, là kinh nghiệm lịch sử quý báu, là bí quyết thành công của dân tộc ta trong chiến tranh chống xâm lược từ mấy nghìn năm qua. Bí quyết thành công đó càng được phát huy và chứng minh rực rỡ trong thời đại hiện nay.
________________________________
1. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 16.
2. Võ Nguyên Giáp, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân, Tạp chí Quân đội nhân dân, 1-1971, tr. 5.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 08:19:23 pm »


SỨ MẠNG LỊCH SỬ CỦA THỜI ĐẠI
KHI NGUYỄN TRÃI RA ĐỜI


Truyền thống của dân tộc rực rỡ như vậy, nhưng giai cấp thống trị ở từng thời đại có kế thừa và phát huy được hay không, điều đó có một tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng rất nhiều tới sự yếu mạnh của Nhà nước và sự mất còn của các triều đại.

Trong lịch sử xã hội có giai cấp, sự phát triển của dân tộc ta, cũng như các dân tộc khác trên thế giới, không phải lúc nào cũng tiến theo một con đường thẳng tắp đi lên, mà thường khi phải qua những bước quanh co khúc khuỷu để tiến. Có những bước quanh co khúc khuỷu đó, hoặc là vì giai cấp thống trị đã hết nhiệm vụ lịch sử của nó, hoặc là vì các tập đoàn thống trị suy đốn, sa đọa, không còn khả năng lãnh đạo quốc gia phù hợp với bước đường phát triển của dân tộc, hoặc là vì lợi ích vị kỷ của giai cấp, của bản thân, bọn thống trị đã thi hành những biện pháp, chính sách đi ngược lại yêu cầu tiến bộ của xã hội, chà đạp lên quyền lợi thiết thân của quần chúng.

Tại những bước đường khúc khuỷu đó, giai cấp thống trị không những không phát huy được truyền thống anh hùng của dân tộc, không làm rạng rỡ được khí phách anh hùng của dân tộc, mà có khi còn làm cho quốc thể bị xúc phạm, quốc gia mất độc lập, dân tộc mất tự do. Ngay tại thời Trần, chỉ sau chiến thắng quân Nguyên ít năm, nhất là từ sau khi Trần Quốc Tuấn và những người bạn chiến đấu cuối cùng của ông như Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật đều đã qua đời, thì bọn vua tôi nhà Trần đã không vận dụng được bí quyết thành công của tổ tiên truyền lại mà Trần Quốc Tuấn đã từng căn dặn, trối trăng trước khi mất, khiến nhân dân phải khổ cực, nước nhà phải suy yếu. Tình trạng đó kéo dài gần một thế kỷ ở cuối thời Trần. Sau này, Nguyễn Trãi là người rất khâm phục và tự hào về những chiến thắng vẻ vang ở đầu thời Trần:

      Cửa Hàm Tử đã bắt Toa Đô
      Biển Bạch Đằng lại giết Ô Mã...

                                     (Bình Ngô đại cáo)

nhưng ông cũng rất phàn nàn và cực lực phê phán tình trạng xã hội ở cuối thời Trần. Nguyễn Trãi đã nhận định nguyên nhân của tình trạng đó:

"Trước kia họ Trần (thời cuối Trần - NLB) cậy mình mạnh, giàu, mặc dân khốn khổ, chỉ ham vui chơi, đắm đuối tửu sắc. Những việc vô ích bày ra hàng ngày: nào là đấu cờ, đánh bạc, chọi gà, thả chim; nào là chim rừng nhốt lồng, cá vàng nuôi chậu. Khoe tốt tài năng nhỏ mọn, giành lấy hơn thua; quên hẳn thiên hạ lớn lao, chẳng hề đoái nghĩ. Kẻ oan uổng bị khổ ở chốn câu giam, hai ba năm không được xét hỏi; người thân sơ phải khuất ở tay nội giám, hai ba tháng mà việc chưa xong. Khanh tướng lập đảng riêng tây; triều đình thiếu người can gián. Cho đến nỗi con vua cháu chúa bị hại bởi kẻ gian thần; quyền lớn việc to đều lọt vào tay xiểm nịnh. Nhân dân oán ghét mà không biết; lòng trời khiển trách mà chẳng kinh. Chính giáo do đó mà suy đồi, kỷ cương do đó mà trái loạn"1.
_____________________________________
. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch của Phan Duy Tiếp, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1961, tr. 81-82.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 08:23:53 pm »


Nguyễn Trãi nhận định đúng. Gây nên tình trạng đó tội lỗi chủ yếu là ở bọn thống trị, bọn vua chúa thời cuối Trần. Chúng kiêu căng thỏa mãn với đời sống thanh bình của nước nhà mà tổ tiên ở các thời trước đã đổ bao xương máu để tạo nên, và từ những kiêu căng thỏa mãn ấy, chúng quên hết việc dân việc nước, lao đầu vào cuộc sống xa hoa dâm dật. Chúng bóp nghẹt truyền thống dân tộc, chà đạp ý thức dân chủ của quần chúng, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân, và phá vỡ đoàn kết từ bên trong nội bộ tập đoàn thống trị.

Chỉ kể khoảng thời gian 50 năm trước ngày Nguyễn Trãi ra đời, trong nội bộ giai cấp thống trị đã diễn ra hàng loạt những chém giết, tranh cướp lẫn nhau và không biết bao cảnh chơi bời dâm dật của bọn vua chúa vương hầu.

Giai cấp thống trị lục đục, sa đọa thì xã hội không ổn định. Gia nô bị bọn vương hầu quý tộc bóc lột, đàn áp thậm tệ. Nông dân luôn luôn bị cướp đoạt ruộng đất. Nạn mất mùa đói kém diễn ra trầm trọng hết năm này qua năm khác, suốt từ những năm 1330 trở đi. Trần Nguyên Đán, ông ngoại Nguyễn Trãi sau này, đã để lại một bài thơ than thở về cảnh đói khổ của nhân dân và sự bất lực của mình trước cảnh đói khổ đó. Bài thơ nói về tháng Sáu năm Nhâm Dần (1362):

      Niên lai hạ hạn hựu thu lâm
      Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm
      Tam vạn quyển thư vô dụng xứ
      Bạch đầu không phụ ái dân tâm


Dịch:
      Năm nay hạ hạn thu mưa dầm
      Lúa khô, mạ hỏng, hại rất lớn
      Ba vạn quyển sách cũng vô dụng
      Bạc đầu vẫn phụ lòng yêu dân1

Cùng với cảnh đói rét, dịch bệnh, chết chóc, tô thuế, lao dịch triền miên, người dân còn phải chịu đựng nhiều thứ ức hiếp cấm đoán khác. Là gia nô thì dù có chiến công lớn cũng không được nhận quan tước. Là lính thì suốt đời làm lính, không được học, không được thi. Nguyễn Ứng Long, cha Nguyễn Trãi, thi đỗ bảng nhãn2 nhưng không được bổ dụng, vì đã lấy mẹ Nguyễn Trãi, con gái tư đồ Trần Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần.

Sống trong cảnh đè nén, bóc lột, đói khổ, chết chóc, người dân cuối thời Trần không thể cam chịu mãi. Họ đã vùng lên chống bọn thống trị. Nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân đã liên tiếp nổ ra, nhất là từ khoảng giữa thế kỷ XIV trở đi. Bọn thống trị tăng cường lực lượng quân sự và thẳng tay đàn áp các phong trào. Xung đột giữa quảng đại quần chúng nhân dân và giai cấp thống trị càng thêm gay gắt, trong khi đó, xung đột tranh chấp trong nội bộ giai cấp thống trị cũng ngày càng kịch liệt. Gây nên những xung đột liên miên ấy, giai cấp thống trị cuối thời Trần không tập hợp được lực lượng cả nước tạo thành một sức mạnh hùng hậu để bảo vệ đất nước. Không có sức mạnh đoàn kết chiến đấu của cả nước, bọn thống trị ở cuối thời Trần đã phải thất bại trước những cuộc xâm lấn liên tiếp của một nước nhỏ ở phía nam nước ta.

Chính trong hoàn cảnh nước nhà rối loạn, suy yếu, luôn luôn có giặc ngoài xâm lấn như thế, Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại và nhà tư tưởng quân sự lỗi lạc của dân tộc ta, đã ra đời và bốn mươi năm sau sẽ góp phần công sức rất lớn vào việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và gây lại một thanh thế hùng mạnh cho nước nhà.
_______________________________________
1. Trần Nguyên Đán, Băng hồ ngọc hác tập - Bài thơ chép theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, bản dịch của Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1961, t. IV Văn tịch chí, tr. 63.
2. Gia phả họ Nguyễn Nhị Khê và một vài tài liệu khác thường chép Nguyễn Ứng Long đỗ bảng nhãn, hoặc "đệ nhất giáp đệ nhị danh" khoa thi năm Long Khánh thứ hai, tức năm 1374, sáu năm trước khi sinh Nguyễn Trãi. Nhưng khoa thi này, các chính sử như Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử thông giám cương mục đều ghi: Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, Trần Đình Thâm đỗ thám hoa, La Tu đỗ hoàng giáp, v.v… Không sách sử nào ghi Nguyễn Ứng Long đỗ khoa này. Chúng tôi ngờ là Nguyễn Ứng Long đỗ khoa thi thái học sinh năm Xương Phù thứ 5, tức năm 1381. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Khoa mục chí có ghi khoa thi này nhưng không ghi ai đỗ như thế nào. Nếu thừa nhận Nguyễn Ứng Long đỗ khoa thi năm 1381, tức sau khi sinh Nguyễn Trãi một năm, thì không trái với những ghi chép trong chính sử, mà phù hợp với giai thoại: Trần Thị Thái yêu Nguyễn Ứng Long và có mang, khi đó Nguyễn Ứng Long mới đi thi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 08:28:22 pm »


*
* *

Nguyễn Trãi sinh năm 1380. Cha là Nguyễn Ứng Long, sau đổi là Nguyễn Phi Khanh, quê ở Nhị Khê (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây), tổ tiên vốn là người làng Chi Ngãi, nơi có ngọn núi Côn Sơn nổi tiếng trong lịch sử (nay Chi Ngãi và Côn Sơn đều thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng). Mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba tư đồ Trần Nguyên Đán, họ vua, cháu bốn đời Trần Quang Khải, người danh tướng đã gắn liền tên tuổi với những chiến thắng oanh liệt ở Chương Dương, Thăng Long, Tây Kết, Hàm Tử, đánh tan quân Nguyên xâm lược ở cuối thế kỷ XIII.

Việc cha mẹ Nguyễn Trãi lấy nhau đã trở thành giai thoại trong lịch sử. Giai thoại đó biểu dương ý chí chống lễ giáo phong kiến của người con gái "lá ngọc cành vàng”, dòng họ nhà vua, cương quyết lấy chồng là một nho sĩ nghèo, và Nguyễn Ứng Long, người danh sĩ đương thời, cũng sẵn sàng, với cuộc tình duyên đẹp đẽ ấy, không ra làm quan, không cần "vinh thân phì gia", chỉ làm một thầy đồ dạy trẻ trong hơn hai mươi năm liền, để ghi vào lịch sử chế độ khắc nghiệt, tàn nhẫn của giai cấp thống trị ở cuối thời Trần.

Nguyễn Trãi đã sinh ra trong một hoàn cảnh gia đình như vậy, những tư tưởng phóng khoáng, cương nghị của cha mẹ Nguyễn Trãi chống đối những ràng buộc của chế độ phong kiến áp bức, khinh dân, không thể không ảnh hưởng tới tâm hồn Nguyễn Trãi từ lúc trẻ thơ.

Từ khi Nguyễn Trãi ra đời, tình hình xã hội Việt Nam cũng chưa có gì sáng sủa hơn. Những hành động xâm lấn, sách nhiễu của các nước ngoài ngày càng tăng.

Chiêm Thành đánh phá, xâm lấn Việt Nam vẫn diễn ra liên tiếp từ trước cho tới sau khi Nguyễn Trãi ra đời. Năm 1383, Chiêm Thành đánh ra tới Quảng Oai (thuộc Hà Tây ngày nay). Vua tôi nhà Trần bỏ Thăng Long, lên vùng núi Tiên Du (thuộc Hà Bắc ngày nay), lập triều đình cung điện tại núi Phật Tích, tới gần 5 năm sau, tức đầu năm 1387, mới trở về Thăng Long.

Triều đình phải đi lánh nạn, tất nhiên quần chúng nhân dân không mấy ai dám ở lại Thăng Long và vùng xung quanh Thăng Long. Trong tình hình đó, quê hương Nhị Khê của Nguyễn Trãi ở gần Thăng Long cũng bị đe dọa tàn phá. Không rõ trong thời kỳ loạn lạc, gia đình Nguyễn Trãi ở Nhị Khê hay đi đâu nhưng Nguyễn Ứng Long đã phải xa mẹ già, xa vợ xa con, đi lánh nạn ở một vùng rừng núi trong mấy năm, ông đã nói lên tâm sự của ông lúc ấy trong bài thơ "Trong núi cảm tác":

      …
      Lục duật từ thân thiên lý cách
      Lưỡng niên khấu loạn nhất thân tồn
      Phong trần thế lộ không tao phát
      Yên chướng lâm nan chỉ đoạn hồn.
     Mạn hữu thốn hoài lao cảnh cảnh
     Dạ y Ngưu, Đẩu, vọng trung nguyên

                                       (Nguyễn Phi Khanh, Sơn trung hữu cảm)

Dịch
      …
      Sáu chục từ thân nghìn dặm cách
      Hai năm giặc giã tấm thân còn
      Phong trần dầu dãi bơ phờ tóc
      Rừng núi âm u khắc khoải hồn
      Tấc dạ tơ vò mòn mỏi mãi
      Đêm nương Ngưu, Đẩu, ngóng trung nguyên1
______________________________________
1. Bản dịch của Đào Phương Bình trong bài Phi Khanh và thơ Phi Khanh, Tạp chí Văn học, số 4-1965, tr. 74.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 08:34:10 pm »


Tới năm 1385, Nguyễn Trãi 5 tuổi (hoặc 6 tuổi tính theo tuổi âm lịch), Nguyễn Ứng Long mới từ nơi lánh nạn trở về, ông được "vui cảnh gia viên", gặp lại con thơ sau mấy năm loạn lạc:

      Cố viên loạn hậu hữu tiên lư
      Lục tuế nhi đồng phả ái thư...

                                     (Gia viên lạc)

      (Vườn xưa sau loạn còn nhà cũ
      Sáu tuổi con thơ rất thích sách...).

Nguyễn Trãi lọt lòng mẹ được vài tuổi đã phải chịu cảnh chiến tranh tàn phá, loạn lạc chia ly, sống xa cha mấy năm. Nhưng dù trong hoàn cảnh chiến tranh, phải xa cha và còn rất nhỏ, mới 5 tuổi, Nguyễn Trãi vẫn chịu học và rất chăm học. Khi hết chiến tranh, tuy cha con, chồng vợ gặp nhau, vui cảnh gia đình đoàn tụ nhưng gia đình Nguyễn Trãi cũng như các gia đình quần chúng nhân dân cả nước lúc đó, vẫn phải sống đói khổ, thiếu thốn, vì chiến tranh tàn phá, vì sự bất lực của bọn vua tôi nhà Trần không khôi phục được tình hình kinh tế sau loạn lạc, vì giai cấp thống trị vẫn tăng cường bóc lột để thỏa mãn đời sống riêng của chúng. Những cảnh chết chóc đói khổ ấy đã có ấn tượng sâu sắc trong đời sống Nguyễn Trãi và làm nảy nở trơng đầu óc và tâm hồn Nguyễn Trãi những tư tưởng căm thù xâm lược, oán ghét giai cấp thống trị bóc lột và những tình cảm yêu nước, yêu dân, thương đồng bào, thương quần chúng lao khổ, ngay từ tuổi trẻ thơ.

Cũng trong năm 1385, Trần Nguyên Đán - người đã không ngần ngại vượt ra ngoài những ràng buộc của lễ giáo phong kiến để cho phép cha mẹ Nguyễn Trãi lấy nhau, cũng nghỉ việc quan, về hưu dưỡng tại Côn Sơn. Nguyễn Trãi được đón về Côn Sơn ở với ông ngoại có lẽ cũng vì Trần Nguyên Đán muốn cho Nguyễn Trãi đỡ khổ và bớt phần vất vả khó khăn cho cha mẹ Nguyễn Trãi, về đời sống, cha mẹ Nguyễn Trãi chắc không vượt được ra ngoài hoàn cảnh chung của nhân dân cả nước. Chính Nguyễn Ứng Long đã nói lên khá rõ cảnh sinh sống của nhân dân thời ấy trong bài thơ "Cảm nghĩ về sự sống trong thôn xóm gửi trình Băng Hồ tướng công" (Băng Hồ tướng công tức Trần Nguyên Đán).

Bài thơ có những câu:

      Đạo huề thiên lý xích như thiêu
      Điền đã hưu ta ý bất liêu
      Hậu thổ sơn hà phương địch địch
      Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều
      Lại tư võng cổ hồn đa kiệt
      Dân mạnh cao chi bán dĩ tiêu...

                                (Thôn cư cảm sự ký trình Băng Hồ tướng công)
Dịch:
      Đồng lúa nghìn dặm đỏ như cháy
      Vùng thôn quê vang tiếng kêu than: sinh kế biết trông đâu
      Non sông khắp dải đất này đang khô không khốc
      Mà mưa móc hoàng thiên còn xa biền biệt
      Màng lưới nha lại, làm cho dân kiệt quệ mất nhiều
      Dầu mỡ trong sinh mạng dân ta đã tiêu hao đến một nửa!1

Đời sống của nhân dân như thế mà đời sống của bọn vương hầu quyền quý thì lại khác. Nguyễn Ứng Long đã phê phán:

      Vạn tính ngao ngao đãi bộ cừu
      Thùy gia kim ngọc á cao khâu


      (Muôn dân nháo nhác chờ cơm áo
      Vàng ngọc nhà ai sánh núi cao)
                                     Thứ Hồng châu kiểm chinh vận

Trong tình trạng xã hội như vậy, Nguyễn Trãi dù đương tuổi trẻ thơ cũng không tránh khỏi đau khổ. Về Côn Sơn với ông ngoại được vài năm thì mẹ mất, và ở với ông ngoại được 5 năm thì ông ngoại cũng qua đời, lúc đó Nguyễn Trãi 10 tuổi. Từ đây, Nguyễn Ứng Long một mình nuôi nấng, dạy dỗ 4 con nhỏ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Báo, Nguyễn Hùng và Nguyễn Ly với nghề thầy đồ dạy trẻ của ông. Kiếm ăn với nghề thầy đồ dạy trẻ trong một hoàn cảnh xã hội thiếu thốn, đói kém như thế, cuộc sống của 5 cha con Nguyễn Ứng Long chắc chắn là vô cùng chật vật và đã kéo dài tới ngày triều đại nhà Trần sụp đổ hẳn.
____________________________________
1. Bản dịch của Đào Phương Bình trong bài Phi Khanh và thơ Phi Khanh, Tạp chí Văn học, số 4-1965, tr. 72.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 08:36:14 pm »


Trong thời gian hơn 10 năm ấy, kể từ ngày Nguyễn Trãi mồ côi mẹ, tình hình nước nhà vẫn rất xấu.

Họa xâm lấn của nước láng giềng ở phương Nam chưa trừ được thì họa xâm lăng của nước láng giềng phương Bắc đã bắt đầu đe dọa nghiêm trọng. Những hạch sách bức hiếp của nhà Minh ngày càng tăng. Từ năm 1384 tới năm 1395, vua tôi nhà Minh luôn luôn đòi ta phải nộp người, voi chiến, lương thực, hoa quả... cho chúng. Trước tình thế nước nhà bị đe dọa nghiêm trọng như vậy, bọn vua chúa nhà Trần không có cách gì đối phó.

Nhìn thấy sự bất lực của nhà Trần, một đại thần là Hồ Quý Ly muốn thay thế nhà Trần, thành lập một triều đại mới, mong cứu vãn tình thế.

Bọn vua chúa và tôn thất nhà Trần biết rõ mưu đồ của Hồ Quý Ly, muốn chống lại, nhưng làm không nổi. Kết quả: từ năm 1389 đến năm 1399, Hồ Quý Ly đã mấy lần giết hàng loạt tôn thất nhà Trần, giết cả bọn vua chúa, như Trần Đế Hiện, Trần Thuận Tôn. Thế lực chính trị của tập đoàn phong kiến thống trị nhà Trần đã lung lay tận gốc. Để trừ bỏ nốt thế lực kinh tế của họ, Hồ Quý Ly cho thi hành các chính sách hạn điền và hạn nô, tước đoạt tới mức tối đa ruộng đất và nô tỳ của bọn tôn thất nhà Trần, lấy cớ sung công, làm tăng cường hơn nữa thế lực kinh tế của tập đoàn thống trị mới do Hồ Quý Ly cầm đầu.

Tập đoàn phong kiến thống trị nhà Trần bị tan rã hẳn.

Tháng 3 năm Canh Thìn, 1400, Hồ Quý Ly phế truất ông vua tí hon nhà Trần, mới lên 4 tuổi, tự lập làm vua. Triều đại nhà Trần chấm dứt.

Tháng 8 năm Canh Thìn, tức 5 tháng sau khi lên làm vua, Hồ Quý Ly mở khoa thi thái học sinh.

Nguyễn Trãi lúc này vừa 20 tuổi. Là con nhà nho lại học giỏi:

      Thanh niên phương dự ái nho lâm
                                       (Mạn thành I - Ức Trai thi tập)
      (Tuổi thanh niên, tiếng thơm sực nức rừng nho)

Nguyễn Trãi đã ra thi, đỗ thái học sinh và được bổ làm quan trong ngự sử đài.

Cuối năm 1401, Nguyễn Ứng Long, cha Nguyễn Trãi, đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, cũng được bổ dụng làm quan tại Viện hàn lâm. Hồ Quý Ly có ý muốn thu dụng nhân tài, củng cố chính quyền mới, nhưng Hồ Quý Ly làm chưa được. Tình hình trong nước vẫn rối ren, mâu thuẫn xã hội vẫn ngày càng gay gắt. Quần chúng nhân dân vẫn ngày càng đói khổ, bất bình. Nạn ngoại xâm vẫn đe dọa nghiêm trọng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM