Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:30:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 89880 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 07:54:17 pm »

Tên sách: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước
Tác giả: Nguyễn Lương Bích
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


LÒNG YÊU NƯỚC VÀ SỰ ĐOÀN KẾT CỦA NHÂN DÂN LÀ MỘT LỰC LƯỢNG VÔ CÙNG TO LỚN, KHÔNG AI THẮNG NỔI. NHỜ LỰC LƯỢNG ẤY MÀ TỔ TIÊN TA ĐÃ ĐÁNH THẮNG QUÂN NGUYÊN, QUÂN MINH, ĐÃ GIỮ VỮNG QUYỀN TỰ DO, TỰ CHỦ. NHỜ LỰC LƯỢNG ẤY MÀ CHÚNG TA LÀM CÁCH MẠNG THÀNH CÔNG, GIÀNH ĐƯỢC ĐỘC LẬP. NHỜ LỰC LƯỢNG ẤY MÀ SỨC KHÁNG CHIẾN CỦA TA CÀNG NGÀY CÀNG MẠNH. NHỜ LỰC LƯỢNG ẤY MÀ QUÂN VÀ DÂN TA QUYẾT CHỊU ĐỰNG MUÔN NỖI KHÓ KHĂN, THIẾU THỐN, ĐÓI KHỔ, TANG TÓC, QUYẾT MỘT LÒNG ĐÁNH TAN QUÂN GIẶC CƯỚP NƯỚC.

HỒ CHÍ MINH
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 05:34:05 pm »


LỜI NÓI ĐẦU
(Viết cho lần in thứ nhất)

Nguyễn Trãi là một nhân vật lớn của dân tộc ta trong các thời đại trước, một nhân vật vĩ đại về nhiều mặt, rất hiếm có trong lịch sử. Công lao, sự nghiệp của ông rất lớn. Đạo đức, phong cách của ông rất cao đẹp. Ông là một anh hùng dân tộc vĩ đại, là nhà chính trị lỗi lạc, nhà chiến lược thiên tài, nhà ngoại giao kiệt xuất, đồng thời là một nhà văn lớn, nhà thơ lớn, nhà sử học, nhà địa lý học, nhà làm luật pháp và âm nhạc xuất sắc. Nguyễn Trãi là niềm tự hào vô hạn của dân tộc ta.

Ngay từ khi còn sống, Nguyễn Trãi đã được những người đương thời khen ngợi là:


      Kinh bang hoa quốc, cổ vô tiền
      (Dựng nước và làm vẻ vang Tổ quốc, từ xưa chưa ai được như ông)

Từ khi ông mất tới sau này, đời nào, thế hệ nào, tầng lớp nào cũng ca ngợi công lao, sự nghiệp của ông. Hơn 300 năm sau khi Nguyễn Trãi mất, những người đứng đầu trong nước ở thế kỷ XVIII vẫn phải thừa nhận: "Công lao ông trùm khắp trên đời" (sắc phong của nhà Lê năm 1767). Nguyễn Trãi thật là một nhân vật lịch sử vĩ đại.

Vậy mà điều rất đáng tiếc cho chúng ta là những tư liệu về Nguyền Trãi hiện còn ít ởi quá. Chính vì thế mà  cho tới nay, chúng ta vẫn chưa có được những công trình nghiên cứu công phu, đầy đủ, toàn diện về Nguyễn Trãi. Ngay cả những chuyên đề nghiên cứu tương đối cặn kẽ về từng mặt sự nghiệp của Nguyễn Trãi, như chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, triết học, v.v... chúng ta cũng vẫn chưa có. Chúng ta chưa khắc phục được tình hình thiếu thốn những tư liệu cần thiết. Nhưng
Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc1, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, chúng ta không thể không tìm hiểu, nghiên cứu, học tập. Nguyễn Trãi là một trong những đóa hoa quý đẹp nhất của dân tộc, một tấm gương sáng chói của dân tộc. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm sáng rõ hơn nữa đạo đức, công lao, sự nghiệp của Nguyễn Trãi, để bản thân chúng ta và các thế hệ mai sau có thể tiếp thu, kế thừa, phát huy những truyền thống ưu tú của dân tộc đã chung đúc vào Nguyễn Trãi, một người Việt Nam kỳ diệu cách đây hơn 500 năm.

Để góp phần tìm hiểu Nguyễn Trãi, chúng tôi dựa vào những văn thơ còn lại của Nguyễn Trãi và một số tài liệu hiện có để viết tập sách Nguyễn Trãi đánh giặc, cứu nước. Trong tập sách này, chúng tôi chỉ xin đem nhiệt tình của một người yêu lịch sử, yêu truyền thống, cố gắng giới thiệu với các bạn một số nét về những sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Trãi, chủ yếu là sự nghiệp đánh giặc, cứu nước của ông.

_________________________________
1. Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân dân, số 3099, ngày 19-9-1962.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tư, 2016, 05:45:43 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 05:43:47 pm »


Chúng tôi sẽ trình bày có hệ thống toàn bộ sự nghiệp đánh giặc, cứu nước và những hoạt động của Nguyễn Trãi trong 15 năm, từ sau khi đánh thắng quân Minh tới ngày ông mất, trong đó cố gắng làm rõ mấy điểm:

Một là Nguyễn Trãi là người yêu nước và yêu dân; ông vừa
tận trung với nước vừa tận hiếu với dân. Đó là một đặc điểm rất lớn trong tư tưởng và đạo đức làm người của Nguyễn Trãi, vì tận hiếu với dân là điều rất hiếm có trong các thời đại trước.

Hai là Nguyễn Trãi không chỉ đơn thuần là nhà tư tưởng quân sự như các nhà binh pháp thời cổ: ông là nhà
chính trị và quân sự lỗi lạc. Tư tưởng chính trị vĩ đại của ông đã soi đường cho sự hình thành và phát triển những tư tưởng quân sự ưu tú của ông.

Ba là Nguyễn Trãi là người yêu nước thiết tha đồng thời là nhà
chính trị dân chủ kiên cường của dân tộc ta ở đầu thể kỷ XV. Ý thức dân chủ của ông rất mạnh. Ông biết kết hợp tinh thần dân tộc với ý thức dân chủ để tiến hành chiến tranh chống xâm lược thắng lợi. Kết hợp dân tộc với dân chủ đã sớm trở thành một truyền thống của dân tộc ta để đánh thắng ngoại xâm, từ các thời đại trước. Nhưng tới Nguyễn Trãi, với kinh nghiệm chiến đấu phong phú của thời đại, với tính năng động chủ quan và ý thức dân chủ mạnh mẽ của bản thân mình, Nguyễn Trãi đã đưa sự kết hợp đó lên một trình độ cao hơn và thể hiện rất rực rỡ trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn chiến đấu chống quân Minh xâm lược.

Sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Nguyễn Trãi có một nội dung vô cùng phong phú, bao gồm rất nhiều thành tích về nhiều mặt. Trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi không phải là một nhà tư tưởng đơn thuần, một thứ cố vấn, hay một nhà "từ hàn" chỉ ngồi viết thư thảo hịch theo lệnh của thủ lĩnh. Ông đã chiến đấu thật sự. Ở Nguyễn Trãi, tư tưởng và hành động gắn chặt làm một. Ông đã kết hợp lòng yêu nước với lòng yêu dân, tinh thần dân tộc với ý thức dân chủ để đánh giặc, biết dựa vào dân, động viên nhân dân, phát động chiến tranh nhân dân để đánh giặc, đánh giặc bằng mọi cách, đánh giặc trên mọi mặt: quân sự, chính trị, ngoại giao và địch vận.

Sau khi đánh thắng quân xâm lược, mặc dầu bị sự chống đối của giai cấp phong kiến cầm quyền, Nguyền Trãi không thực hiện được hoài bão lớn nhất của đời ông là cứu dân khỏi lầm than khổ cực, đem lại thái bình, hạnh phúc thật sự cho dân, nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng của mình, gạt bỏ mọi phú quý, vinh hoa, nêu cao đạo đức cần kiệm liêm chính và một phong cách sống hết sức trong sáng, sống như quần chúng nhân dân, sống với tất cả tấm lòng thông cảm đối với quần chúng nhân dân, đấu tranh kiên cường cho công lý xã hội, cho ý thức dân chủ và quyền sống yên vui của quần chúng nhân dân. Nguyễn Trãi anh hùng quá. Cuộc đời Nguyễn Trãi thật tươi đẹp. Sự nghiệp của Nguyễn Trãi thật phong phú và rực rỡ.

Viết cuốn sách này, chúng tôi có cố gắng, nhưng tầm vóc của Nguyễn Trãi lớn quá, sức của người viết khó vươn tới trình độ để có thể nói hết được những cái vĩ đại của
Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, người tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc ở các thời đại trước.

Viết về Nguyễn Trãi cũng như viết về Nguyễn Huệ và các nhân vật lịch sử khác, chúng tôi muốn làm theo một nguyên tắc của Lê-nin đề ra là:


"Khi xét công lao lịch sử của các vĩ nhân, người ta không căn cứ vào chỗ họ không cống hiến được gì so với nhu cầu của thời đại chúng ta, mà căn cứ vào chỗ họ đã cống hiến được gì mới so với các bậc tiền bối của họ"1 .

Chúng tôi chỉ phê phán, chê trách các nhân vật lịch sử, khi nào họ có những sai lầm cụ thể trong tư tưởng và hành động gây tai họa trực tiếp cho dân, cho nước hoặc có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển đi lên của xã hội, của dân tộc.

Mong bạn đọc thông cảm về trình độ có hạn của chúng tôi, nếu chúng tôi chưa đáp ứng thỏa đáng những yêu cầu muốn hiểu biết của các bạn về Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại của chúng ta.

Mùa Xuân 1972
NGUYỄN LƯƠNG BÍCH
________________________________
1. Lê-nin, Toàn tập, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1961. t. 2, tr. 227 - những chữ in đậm là do Lê-nin.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2016, 06:40:59 pm »


PHẦN MỘT
NGUYỄN TRÃI VÀ SỨ MẠNG LỊCH SỬ CỦA THỜI ĐẠI



CHƯƠNG I
NGUYỄN TRÃI VÀ THỜI ĐẠI


TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC

Dân tộc ta rất anh hùng. Tổ tiên ta đánh giặc rất giỏi. Từ hơn 500 năm trước đây, Nguyễn Trãi đã rất tự hào về những truyền thống anh hùng của dân tộc và ông đã nói về dân tộc, về đất nước với những lời đầy khí phách trong Bình Ngô đại cáo của ông:

Như nước Đại Việt ta
Thật là nước văn hiến
Núi sông bờ cõi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần mở mang dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đứng vững một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt đời nào cũng có
Cho nên Lưu Cung tham công mà thất bại
Triệu Tiết hám rộng phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử đã bắt Toa Đô
Biển Bạch Đằng lại giết Ô Mã
Việc xưa xem xét, chứng có còn rành...


Truyền thống anh hùng của dân tộc bắt nguồn từ tinh thần yêu nước nồng nàn, từ lòng yêu dân vô hạn, từ khí phách anh hùng bất khuất, từ ý chí dũng cảm hy sinh quên mình vì nghĩa lớn của cả dân tộc và đã thể hiện từ hàng ngàn năm xưa, trong muôn vàn hành động kiên cường chiến đấu chống xâm lược và trong truyền thống quân sự ưu tú tuyệt vời của nhân dân ta.

Truyền thống anh hùng của dân tộc ta rất rực rỡ. Sự nghiệp anh hùng của dân tộc ta rất vẻ vang. Mà khí phách anh hùng của dân tộc ta cũng cao đẹp lạ thường. Ba yếu tố đó, ở dân tộc ta, quyện với nhau như hình với bóng. Không có khí phách anh hùng thì không có sự nghiệp anh hùng. Mà không có sự nghiệp anh hùng nối tiếp đời nọ qua đời kia thì không thể tạo thành truyền thống anh hùng của dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2016, 06:45:06 pm »


Lời Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn bảo vua Trần: "Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi sẽ hàng" khi thấy vua Trần hoang mang lo ngại trước cuộc xâm lăng tàn bạo của giặc Nguyên, cũng như lời Trần Bình Trọng thét vào mặt giặc "Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" khi ông bị giặc bắt và dụ hàng, chính là sự thể hiện rực rỡ khí phách anh hùng của dân tộc ta.

Nhưng khí phách anh hùng của dân tộc ta không phải chỉ có ở những tướng lĩnh cầm quân, mà nó đã thể hiện muôn màu muôn vẻ trong lời nói, việc làm của tất cả các tầng lớp nhân dân. Lịch sử dân tộc ta ghi lại không biết bao nhiêu hành động anh hùng, bao nhiêu lời nói tràn đầy khí phách, tự hào, dũng cảm của phụ nữ, của cụ già, của em nhỏ Việt Nam. Từ hơn một nghìn năm trước Nguyễn Trãi, lời Bà Triệu: "Tôi quyết cưỡi lên gió mạnh, đạp trên sóng dữ, đánh đuổi giặc Ngô, lập lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không thể làm tỳ thiếp người”, một lời nói tiêu biểu cho khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam, còn vọng mãi tới muôn đời sau và đã khích lệ, cổ vũ người Việt Nam ở các thế hệ nối tiếp, làm nên biết bao sự nghiệp anh hùng khác. Lời hô "quyết chiến" của các cụ già đầu bạc răng long, thay mặt nhân dân thời Trần họp tại điện Diên Hồng bàn việc nước, đã là tiếng kèn hùng tráng thôi thúc mọi người đồng tâm nhất trí, dũng cảm xông lên đánh thắng quân Nguyên xâm lược. Hình ảnh em bé Phù Đổng trong truyền thuyết từ mấy nghìn năm xưa, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã vươn mình lên, xung phong ra đánh giặc, cứu nước là một hình ảnh tươi đẹp rực rỡ như thiên thần của thanh thiếu niên Việt Nam anh hùng đã có ngay từ những ngày mở đầu lịch sử nước nhà. Hình ảnh thiên thần Phù Đổng cùng với hình ảnh người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản thời Trần, căm giận giặc cướp nước, nghiến răng bóp nát quả cam trên tay, cương quyết giương cao ngọn cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân", tình nguyện đem người nhà, bà con thân thuộc, xông ra tiền tuyến đánh giặc lập công, đã là những tấm gương phản chiếu khí phách anh hùng vô hạn và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của thanh thiếu niên Việt Nam, một lực lượng tiền phong xung kích hùng mạnh nhất của dân tộc ở tất cả các thời đại, lúc nào cũng sẵn sàng hiến dâng thân mình cho Tổ quốc, để cứu nước cứu nhà, bảo vệ non sông gấm vóc của tổ tiên từ ngàn xưa để lại.

Khí phách anh hùng của các thế hệ đã tạo nên không biết bao nhiêu sự nghiệp anh hùng làm rạng rỡ lịch sử anh hùng của dân tộc ta.

Từ ngót hai nghìn năm trước, Hai Bà Trưng, là những anh hùng cứu nước đầu tiên của dân tộc, đã giương cao ngọn cờ giải phóng cho cả nước noi theo, làm rạng rỡ khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam và tô thắm những trang đầu lịch sử chiến thắng huy hoàng của dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2016, 06:46:27 pm »


Hai trăm năm sau, Bà Triệu lại vùng lên, đánh cho giặc cướp nước mất vía kinh hồn. Giặc đương thời đã phải than thở:

      Hoành qua đương hổ dị
      Đối diện Bà Vương nan.


      (Múa giáo đánh hổ dễ
      Đối địch với Vua Bà thật khó)

Tiếp theo Bà Triệu là nhiều thế hệ anh hùng khác đã đứng lên kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập của Tổ quốc, mà tên tuổi còn ghi sâu trong tâm trí người Việt Nam như Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ, v.v...

Trong nửa đầu thế kỷ thứ X, với ý chí quyết chiến để giành độc lập của nhân dân và với chiến lược, chiến thuật tài tình và lòng quả cảm của các tướng sĩ, Ngô Quyền đã nhận chìm quân Nam Hán xâm lược xuống lòng sông Bạch Đằng, dựng nền độc lập lâu dài cho nước nhà từ đấy.

Cuối thế kỷ thứ X, nhà Tống diệt nhà Nam Hán, tiếp tục âm mưu xâm lược nước ta và đưa thư hăm dọa:

Ngươi có theo về ta không? Chớ rước lấy tội lỗi. Ta đương chỉnh bị xe ngựa quân lính, sắp sửa các thứ chiêng trống, nếu quy phục thì ta tha cho, nếu trái mệnh thì ta quyết đánh. Theo hay không, lành hay dữ, tự ngươi nghĩ lấy".

Nhưng quân dân ta thời ấy quyết đáp lại thái độ và hành động láo xược của quân cướp nước bằng gươm giáo. Dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Lê Hoàn, quân dân ta đã đánh tan các đạo quân Tống ở Chi Lăng, Bạch Đằng, Tây Kết, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch xâm lược của chúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:17:46 pm »


Sang nửa cuối thế kỷ XI, quân Tống lại một lần nữa mưu đồ một cuộc ra quân lớn, quyết xâm lược Việt Nam cho bằng được. Quân dân ta ở thời Lý cũng quyết không lùi bước trước dã tâm đen tối của địch. Với mưu lược "Ngồi chờ giặc, chẳng bằng đem quân đánh trước làm nhụt nhuệ khí của giặc"1, quân dân ta thời Lý đã cùng danh tướng Lý Thường Kiệt, đánh tan các căn cứ chuẩn bị xâm lược của địch, làm giảm sút nghiêm trọng lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch. Năm sau quân dân ta lại chặn đứng đại quân của địch trên dọc sông Cầu.

Tại đây, Lý Thường Kiệt đã truyền tới toàn quân bài thơ "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư", như một bản tuyên ngôn và một lời hiệu triệu, vừa khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc, vừa nêu rõ quyết tâm đánh giặc cứu nước của quân dân ta:

      …
      Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
      Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

      (Tại sao lũ giặc sang xâm phạm .
      Thất bại chúng mày phải thấy đây)

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và với quyết tâm sắt đá của cả nước, Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo quân dân đương thời nhanh chóng đánh bại quân thù, tiêu diệt hàng chục vạn binh, phu, tức quá nửa số quân địch, buộc chúng phải đem tàn quân rút chạy về nước, đập tan hẳn mưu đồ xâm lược của chúng.

Nước ta, từ ngàn xưa, đã là một nước ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú, đường bộ, đường thủy đi bốn biển năm châu đều thuận lợi, cho nên lúc nào cũng là miếng mồi thèm khát của bọn xâm lược hiếu chiến ở các thời đại, khi chúng từ phương bắc tràn xuống, khi chúng từ phía nam tiến lên. Cuối thế kỷ XI, quân dân ta vừa đánh đuổi được quân Tống xâm lược thì đầu thế kỷ XII, quân Chiêm Thành lại tiến lên đánh chiếm đất đai miền Nam nước ta.
________________________________________
1. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, bản chữ Hán.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:21:55 pm »


Lúc này, năm 1104, Lý Thường Kiệt đã 85 tuổi; nhưng ông kiên quyết yêu cầu triều đình cho cầm quân vào Nam đánh giặc. Tám mươi lăm tuổi mà còn giành quyền đi đánh giặc và khẳng định nếu không được đi đánh giặc thì "chết không thể nhắm được mắt"1, thật là khí phách tuyệt vời, trung dũng cao độ. Tám mươi lăm tuổi mà còn thanh gươm yên ngựa lên đường, đưa hàng vạn quân từ Thăng Long vượt núi trèo đèo, băng rừng lội suối, tiến vào vùng Quảng Trị ngày nay, để đánh giặc cứu nước, thật là một hành động phi thường, vượt lên trên tuổi tác của ông rất nhiều. Không có một tinh thần bất khuất, tự lập, tự cường cao độ thì không thể có những hành động phi thường và một sức mạnh thần kỳ như thế được. Ý chí và hành động của lão tướng Lý Thường Kiệt còn là một nguồn động viên rất lớn nhiệt tình cứu nước của nhân dân đương thời. Trong cuộc chiến tranh giữ nước lần này cũng như các lần trước, bên cạnh đông đảo thanh niên trai tráng, còn có các ông già, phụ nữ và em nhỏ cũng xung phong lên đường giết giặc. Em gái Ngọc Hoa mới lên 9 tuổi2 đã đi cùng đoàn quân cứu nước của Lý Thường Kiệt, vào chiến trường, xung phong làm trinh sát, tiếp xúc với giặc bên thành giặc, để dẫn đường cho quân ta tiến công. Trước khí thế dũng mãnh của nhân dân cả nước kiên quyết bảo vệ độc lập, thống nhất của Tổ quốc như vậy, quân giặc hoảng sợ, phải bỏ thành, bỏ đất mà chạy và xin được giao hảo như xưa. Trong cuộc chiến tranh này, tinh thần dân tộc và ý chí quyết chiến của quân dân ta đã đánh thắng hành động phi nghĩa của quân xâm lược.

Tới thế kỷ XIII, lực lượng phong kiến nhà Nguyên, sau khi đánh thắng và chinh phục hầu hết các nước từ châu Á sang châu Âu, tạo thành một đại cường quốc lớn nhất thế giới thời bấy giờ, bắt đầu nhòm ngó các nước Đông Nam Á và trước tiên mưu đồ xâm lược nước ta. Năm 1257, quân Nguyên cho sứ sang buộc quân dân ta phải đầu hàng, dâng nước cho chúng. Nhưng quân dân ta ở thời Trần, cũng như ở thời Lý trước kia, với truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, đã cương quyết không nhượng bộ quân cướp nước, mặc dầu biết rõ quân Nguyên là kẻ xâm lược cực kỳ hung hãn. Vua Trần cho bắt trói sứ giả, giam lại và cùng toàn dân chuẩn bị chống giặc cứu nước. Thực hiện mưu đồ cướp nước của chúng, giặc Nguyên ba lần đem quân sang xâm lược nước ta. Lần thứ nhất vào đầu năm 1258. Giặc vượt biên giới, ồ ạt kéo vào Thăng Long. Nhưng chỉ trong vòng nửa tháng, quân dân ta đánh cho quân Nguyên đại bại, phải rút chạy về nước.
____________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản chữ Hán, chính biên, q. 4, tờ 4.
2. Hiện nay, tại thôn Đại Yên, khu phố Ba Đình, thành phố Hà Nội, còn đền thờ và tượng Ngọc Hoa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:23:52 pm »


Hai mươi bảy năm sau, tức đầu năm 1285, giặc Nguyên tiến hành cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng cho 50 vạn quân hùng hổ tiến sang Việt Nam, tưởng chừng nuốt chửng Việt Nam chuyến này. Nhưng chỉ nửa năm chiến đấu với giặc, quân dân ta thời Trần, dưới sự lãnh đạo tài tình của anh hùng Trần Quốc Tuấn, đã đánh tan 50 vạn quân Nguyên, những danh tướng bậc nhất của chúng như Toa Đô phải bỏ mạng, Ô Mã Nhi phải một mình xuống thuyền chạy trốn về nước. Năm mươi vạn tinh binh hùng hổ ra đi, sau sáu tháng giao tranh ở Việt Nam, chỉ còn lại 5 vạn tàn binh lẩn lút trở về.

Bị thua đau, giặc Nguyên điên cuồng liều lĩnh lại cho 50 vạn quân sang xâm lược Việt Nam lần thứ ba. Cuối năm 1287, quân Nguyên tiến vào lãnh thổ nước ta. Nhưng chỉ trong 5 tháng chiến đấu, quân dân ta đã đánh cho quân Nguyên đại bại. Danh tướng Ô Mã Nhi của giặc bị bắt sống trên sông Bạch Đằng. Chủ tướng Thoát Hoan phải lẩn trốn về nước. Với ba lần chiến thắng to lớn đó, quân dân ta thời Trần đã đập tan hẳn ý chí xâm lược của quân Nguyên, một kẻ xâm lược, hiếu chiến và thiện chiến, lớn mạnh nhất và hung bạo nhất của thời đại bấy giờ.

Ba lần đánh thắng một kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, không phải vì nhân dân ta thời Trần, quân đông, vũ khí nhiều hơn địch, mà chính vì nhân dân ta thời Trần có tinh thần kiên cường, bất khuất, có truyền thống chiến thắng ngoại xâm và có sức mạnh cả nước cùng đánh giặc. Hai câu thơ của danh tướng Trần Quang Khải:

      Thái bình tu trí lự
      Vạn cổ cựu giang sơn

      (Muốn được thái bình cần cố gắng
      Muôn đời giữ vững nước non xưa)

đã toát lên cái tinh thần cố gắng vượt bậc, dũng cảm hy sinh, chiến đấu đến cùng của quân dân ta thời Trần để bảo vệ độc lập của Tổ quốc và thái bình, hạnh phúc của muôn dân.

Với sức mạnh tinh thần to lớn đó của cả nước, quân dân ta thời Trần lại có được những nhà lãnh đạo kháng chiến sáng suốt, tài giỏi như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, lúc nào cũng tin tưởng vững chắc ở sức mạnh của chính nghĩa và thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, tể tướng Trần Thủ Độ đã khẳng định với vua Trần: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không có gì phải lo ngại". Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn, người thống lĩnh toàn quân, đã cương quyết bảo vua Trần, khi thấy nhà vua tỏ vẻ nao núng: "Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi sẽ hàng". Tới cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, trước khi đánh giặc, Trần Quốc Tuấn ung dung nói với vua Trần, như người đánh cờ nắm chắc phần thắng trong tay: "Năm nay, giặc đến, ta đánh dễ, thắng dễ".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 10:25:58 pm »


Để đánh thắng giặc, ngoài sức mạnh quyết định của cả nước, quân dân ta thời Trần còn có những anh hùng hết lòng vì nước, vì dân tộc như: Lê Phụ Trần, Hà Bổng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Uất, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Hiện, Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Lĩnh, Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng, v.v...

Quân dân ta thời Trần có những thiếu niên anh hùng như Trần Quổc Toản, có những phụ lão hô vang quyết chiến và những phụ nữ anh hùng kiên cường chống giặc. Ở thời Lý có bà Ỷ Lan, một phụ nữ trẻ, chưa đầy 30 tuổi, thay vua cầm quyền trị nước1, đã chuẩn y việc tiến hành chiến tranh đánh Tống giữ nước và lãnh đạo tốt hậu phương để quân dân ta cùng Lý Thường Kiệt ra tiền tuyến đánh thắng giặc, thì ở thời Trần, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, có bà Linh Từ, ngoài 60 tuổi, vợ tể tướng Trần Thủ Độ, đã chỉ huy việc sơ tán hoàng gia và nhân dân ra khỏi kinh thành Thăng Long, làm vườn không nhà trống để nhử giặc vào chỗ chết. Bà đã trực tiếp phụ trách đưa hoàng gia và gia đình các tướng lĩnh tới tạm trú ở nơi an toàn để triều đình và các tướng lĩnh yên tâm đánh giặc. Bà lại thu thập các vũ khí còn giữ trong các gia đình sơ tán, để gửi ra tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, có bà hàng nước ở bến đò Rừng trên sông Bạch Đằng là người am hiểu địa hình, luồng lạch, con nước trên sông Bạch Đằng, đã góp phần công sức quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng của quân ta, chấm dứt hẳn nạn xâm lăng của quân Nguyên tàn bạo.

Tinh thần kiên cường bất khuất và sức mạnh đoàn kết chiến đấu của các tầng lớp nhân dân ta thời Trần đã đè bẹp ý chí xâm lược của bọn vua chúa hiếu chiến, hung hãn nhà Nguyên.

Trước thế mạnh của quân dân ta, không những ý chí xâm lược của quân Nguyên bị đè bẹp, mà chúng còn khiếp sợ tới mức không dám dùng đến biện pháp quân sự ngay cả những khi có xung đột ở biên giới với ta. Năm 1313, nhân có viên tri châu châu Trấn An nhà Nguyên bắt người châu Tư Lang nước ta và lấn đất vùng biên giới, quân ta lập tức tiến sang chiếm đóng hai châu Quy Thuận và Dưỡng Lợi của nhà Nguyên, nói rõ là để trừng trị quân Nguyên làm bậy. Nếu như không có những lần đọ sức trước đây giữa ta và địch, quân Nguyên không bị thất bại liên tiếp thì nhất định chúng đã nhân cơ hội có những xung đột này mà tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta. Nhưng chúng đã không dám. Trước những hành động vũ trang chiếm đóng của quân ta như vậy, bọn vua tôi nhà Nguyên đành phải cho người sang ta điều đình, vận động ngoại giao để ta rút quân về, trả lại đất đai cho nhà Nguyên.
_____________________________________
1. Lý Nhân Tôn là con bà Ỷ Lan, lên ngôi vua, mới 6 tuổi, khi có chiến tranh với Tống, mới 9 tuổi.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM