Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:11:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90281 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2016, 10:45:21 pm »


Từ khi nghĩa quân chuyển hướng chiến lược vào Nam, đây là lần đầu tiên hai bên giáp chiến, có đầy đủ thời gian chuẩn bị, mở những trận giao tranh lớn, có cả quân thủy, quân bộ của hai bên cùng tham chiến. Nhưng quân địch rất đông, hầu hết chủ lực của địch đều tập trung tại đây, mà nghĩa quân dù lực lượng có tăng thêm mấy lần cũng chỉ khoảng vài vạn. Cho nên đọ sức với địch ở đây không phải bằng quân số, dàn thành trận địa quy mô, mà đọ sức bằng mưu trí, bằng tài nghệ quân sự và bằng tinh thần dũng cảm quyết chiến. Ngay trước khi giao tranh, với việc chiếm đóng Đỗ Gia và Khả Lưu, nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thế chủ động trên chiến trường và tạo được ưu thế để đánh địch.

Thấy địch đã kéo tới đóng quân ở mạn hạ lưu bên bờ nam, và dự đoán qua đêm này sang sớm hôm sau, địch có thể tiến công ngay, nghĩa quân liền ngày thì trương cờ rợp đất đêm thì đốt lửa rực trời, làm như quân đội vẫn tập trung đông đảo, không có một sự di chuyển nào. Trong khi đó nghĩa quân cho một toán quân tinh nhuệ cùng bốn thớt voi ngay đêm hôm ấy bí mật vượt sông sang bờ nam bố trí trận địa phục kích trên đường hành quân sắp tới của địch1. Quả nhiên, sáng sớm hôm sau, địch đem toàn lực theo hai đường thủy bộ cùng tiến, nhằm đánh vào doanh trại của nghĩa quân. Nghĩa quân giả thua, lùi dần vào địa điểm có mai phục. Địch không ngờ, thừa thắng đuổi theo. Khi địch đã vào giữa trận địa phục kích, phục binh của ta từ bốn phía xông ra chém giết rất dữ dội. Địch thua to, chết trận và chết đuối kể có hàng vạn.

Thất bại nặng nề, địch phải đem tàn quân lùi về đóng giữ mạn hạ lưu. Chúng chủ trương xây đồn đắp lũy cố thủ ở đây để chặn đường tiến của nghĩa quân Lam Sơn vào Nghệ An. Nhưng nghĩa quân quyết không để cho địch giữ chân lại. Phần vì nghĩa quân chỉ còn lương ăn khoảng mười ngày, không thể chùng chình lâu tại đây. Phần vì chủ trương của nghĩa quân là phải đánh nhanh, thắng nhanh, mau chóng lấy đất Nghệ An làm bàn đạp đánh đi các nơi khác. Nghĩa quân quyết định một kế hoạch mới: dử dịch ra khỏi đồn lũy của chúng để đánh.

Sau khi định xong phương án tác chiến, nghĩa quân rút đi hết và đốt cả doanh trại2, làm như trở về Trà Long cố thủ. Nhưng nghĩa quân không về Trà Long, mà theo đường tắt đi quay trở lại bố trí một trận mai phục lớn ở Bồ Ải3 để chờ địch.
______________________________________
1. Bản dịch Việt sử ký toàn thư, tập III, trang 333 chú thích về ải Khả Lưu như sau: "Lam Sơn thực lục chú rằng cửa Khả Lưu ở xã Mặc Điền, huyện Nam Đường. Hiện phía trên Đô Lương, ở tả ngạn sông Lam có xứ Đại Điền và xã Khả Quan, chắc cửa Khả Lưu là ở khoảng ấy" và chú thích về địa điểm mai phục như sau: "Tại làng Khả Phong, huyện Anh Sơn, ở phía trên Khả Quan về hữu ngạn, có đền Cầu Sắt thờ Lê Lợi, nhân dân còn truyền rằng đó là nơi Lê Lợi thắng một trận to. Chúng tôi đoán rằng chỗ Lê Lợi cho quân qua sông mà mai phục là ở khoảng ấy".
2. Có tài liệu viết là: theo Đại Nam nhất thống chí phần tỉnh Nghệ An, thì việc đốt doanh trại, giả rút lui để lập trận mai phục là do tướng Nguyễn Vĩnh Lộc hiến kế. Bản dịch Đại Nam nhất thống chí, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản, không thấy có chuyện này, mà lại có chuyện Nguyễn Danh Lộc hiến kế nghi binh bù nhìn để đánh lấy thành Nghệ An, đại ý như sau: "Tướng nhà Minh cố giữ thành (Nghệ An) không chịu giao chiến, ông dâng mưu: chế nhiều bù nhìn, ban đêm đốt đuốc, ngầm sai quân ta kẻ đi người lại làm như đúng có viện binh đến họp. Giặc thấy, tất cho là ta có viện binh, chúng tất bỏ trốn. Thái Tổ theo kế ấy, quả nhiên giặc bỏ thành chạy ra Thanh Hóa giữ thành Tây Đô. Quân ta đuổi đánh phá được”. Chúng tôi không sử dụng câu chuyện này khi trình bày những trận đánh thành Nghệ An. Vì kế nghi binh có phần đơn giản quá, không thể làm cho địch bỏ thành mà chạy được. Và sự thật thì mãi tới đầu năm 1427, tướng địch giữ thành Nghệ An là Thái Phúc mới ra hàng và nộp thành cho nghĩa quân.
3. Chưa xác định được Bồ Ải là ở đâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2016, 10:48:31 pm »


Về phía địch, thấy nghĩa quân rút đi hết và đốt cả doanh trại, chúng yên trí nghĩa quân lực lượng yếu, không đủ lương ăn, phải rút chạy. Chúng tiến lên đóng quân ở Khả Lưu, nơi doanh trại cũ của nghĩa quân và lên núi đắp lũy, hòng làm kế ngăn giữ lâu dài. Ngày hôm sau, nghĩa quân tới khiêu chiến. Địch đem quân ra đánh. Quân ta lùi, địch muốn nhân đà thắng lợi, truy kích đến cùng, nên đem hết lực lượng đuổi theo, nhằm tiêu diệt hẳn nghĩa quân, địch tới Bồ Ái thì nghĩa quân mai phục từ các phía xông ra. Các tướng Lê Sát, Đinh Lễ, Bùi Bị, Phạm Vấn, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tôn Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An, đem quân xung phong tiến lên đánh phá rất mãnh liệt. Trận đánh diễn ra cả trên bộ và dưới sông. Không sao chống đỡ nổi, địch bị đánh tan tác, "Thuyền giặc chặn ngang dòng nước, xác chết đuối lấp sông, khí giới vứt bỏ đầy núi"1. Tướng tiên phong của địch là Hoàng Thành bị giết tại trận. Tướng địch Chu Kiệt và hơn một nghìn quân bị bắt sống.

Đại tướng địch là Trần Trí tuyệt vọng, đành thu thập tàn quân chạy về Nghệ An. Các tướng Lam Sơn cũng đem toàn quân truy kích ráo riết. Địch chạy tới thành Bích Trào2 lại bị nghĩa quân chặn đánh một trận lớn, địch thua to, phải chạy gấp về thành Nghệ An cố thủ. Thành Bích Trào sau được mang tên là thành Bình Ngô, để kỷ niệm trận chiến thắng quân Minh tại đây.

Nghĩa quân Lam Sơn đã hoàn toàn đánh bại quân thù trong cuộc phản công lớn của chúng. Việc chiếm đóng Đỗ Gia và các trận đánh ở Khả Lưu, Bồ Ải, Bích Trào là những chiến công lớn của nghĩa quân Lam Sơn trên con  đường tiến vào Nghệ An. Trong Chí Linh sơn phú, Nguyễn Trãi đã miêu tả rất gọn và rõ lối đánh vũ bão, tài giỏi của nghĩa quân Lam Sơn trong những trận đánh ấy bằng mấy câu văn sau đây:

      Bèn giữ hiểm để lập công
      Lại nhiều phương lừa đánh địch
      Đêm đốt lửa, ngày trương cờ
      Chiếm đất Đỗ Gia, giành thế tiện lợi
      Sang sông Khả Lưu, đánh đắm quân thù
      Sấm ran chớp giật, trúc chẻ tro bay
      Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây...


Những trận đánh ở Khả Lưu, Bồ Ải là những chiến thắng lớn nhất của nghĩa quân Lam Sơn kể từ khi bắt đầu khởi nghĩa tới bấy giờ. Chiến thắng Khả Lưu, Bồ Ải đã đánh tan đạo quân chủ lực lớn mạnh nhất do bọn tổng binh Trần Trí cùng những tướng lĩnh cao cấp Phương Chính, Sơn Thọ trực tiếp chỉ huy, đẩy địch vào thế hoàn toàn bị động đối phó từ đây. Và cũng từ đây, những toán quân nhỏ của chúng đóng lẻ tẻ ở các thành trại, đồn lũy ở các phủ huyện châu sẽ lâm vào cảnh chống đỡ chịu đòn, không thể đương đầu được với những trận tiến công dồn dập của nghĩa quân ở khắp nơi. Những đồn trại nhỏ sẽ hoặc đầu hàng, hoặc bị tiêu diệt ngay. Những thành lũy lớn dù cố chống giữ cũng chỉ chịu đựng vây hãm được một thời gian rồi cũng phải hàng. Nếu không có viện binh từ bên nước chúng đưa sang thì quân đội xâm lược hoàn toàn không còn khả năng mở những cuộc phản công lớn trên chiến trường Việt Nam nữa. Cho nên chiến thắng Khả Lưu, Bồ Ải có một tầm quan trọng rất lớn. Nó đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, có lợi cho ta: địch bắt đầu suy yếu cả về thế và lực. Phần thắng đã nghiêng về ta.
__________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 19.
2. Thành Bích Trào ở phía nam huyện Thổ Du (sau này là huyện Thanh Chương) bên hữu ngạn sông Lam, trên đường từ Khả Lưu tới thành Nghệ An. Những năm gần đây vẫn còn dấu tích thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:01:06 pm »


TIẾN VÀO NGHỆ AN
THU ĐẤT, VÂY THÀNH,
XÂY CĂN CỨ MỚI


Khoảng tháng 2 năm 1425, trên đường truy kích địch, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến tới Đa Lôi, một địa điểm gần thành Nghệ An. Nghĩa quân tạm dừng lại. Nhân dân trong vùng và các địa phương xung quanh được tin nô nức tới chào đón, đem trâu bò, rượu thịt đến mừng tặng nghĩa quân. Ai nấy đều sung sướng, thoát khỏi ách nô lệ, áp bức của giặc từ đây. Nhiều người cảm động nói: "Không ngờ ngày nay lại được thấy uy nghi của nước nhà xưa". Ai cũng hăm hở muốn cùng nghĩa quân đánh thành, giết giặc ngay.

Bọn tổng binh Trần Trí từ trên chiến trường Khả Lưu, Bồ Ải, chạy được về Nghệ An, đóng cửa thành, cố thủ, biết nghĩa quân đã tiến tới sát thành, cũng không ra nghênh chiến. Thành Nghệ An tương đối kiên cố, xây dựng trên một ngọn núi cao bên bờ sông Lam, tường thành xây đá, cao chừng 6 - 7 thước cũ, chu vi khoảng một dặm1, ở trên thành, địch có thể khống chế con đường thủy theo dọc sông Lam và cả vùng đồng bằng xung quanh núi.

Biết chắc địch phải cố thủ trong thành, chưa dám đánh ra, nghĩa quân vận dụng kinh nghiệm đánh Trà Long trước đây, một mặt vây thành Nghệ An, một mặt cho quân đi đánh lấy các châu huyện, và khác với khi đánh Trà Long, nghĩa quân đồng thời tiến hành xây dựng một căn cứ vững chắc trên dãy núi Thiên Nhận, đối diện với thành Nghệ An, vừa để uy hiếp địch, vừa để thực hiện những mục đích chính trị và quân sự khác. Với sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân đã cùng một lúc tiến hành khẩn trương cả ba việc đó, vì cả ba việc đều cần thiết.

Việc cần thiết thứ nhất là: vây hãm thành Nghệ An, chặn giữ không cho địch thoát ra khỏi thành và đề phòng viện binh địch từ các nơi khác kéo tới.

Việc cần thiết thứ hai là: tiến đánh ngay ngụy quân ngụy quyền và các căn cứ quân sự lẻ tẻ của địch ở các châu huyện trong toàn phủ Nghệ An, thu lấy đất, giành lấy dân, giải phóng nông thôn, xây dựng chính quyền mới của ta tại các địa phương. Như vậy vừa mở rộng được hậu phương của ta, vừa làm cho địch bị cô lập, trơ trọi trong thành Nghệ An, vừa có thêm nhân lực, vật lực, tạo điều kiện cho cuộc chiến tranh cứu nước của nghĩa quân Lam Sơn ngày càng phát triển mạnh.

Việc cần thiết thứ ba là: xây dựng căn cứ trên dãy núi Thiên Nhận, vừa để khống chế địch ở thành Nghệ An, vừa làm nơi đóng quân, tập luyện tướng sĩ, thu thập binh lương, chế tạo vũ khí, chuẩn bị cho những hoạt động quân sự mới, vừa làm nơi trung tâm của chính quyền độc lập trong vùng giải phóng.
_____________________________________
1. Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, t. II, tr. 155.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:03:07 pm »


Trước khi cho các đạo nghĩa quân xuất phát làm nhiệm vụ giải phóng các châu huyện, lãnh tụ Lê Lợi đã ân cần căn dặn nghĩa quân:

"Dân ta phải khổ vì chính sự tàn bạo của giặc từ lâu. Cho nên quân ta đi đến đâu, đều không được tơ hào xâm phạm tới của dân. Trâu bò thóc lúa, nếu không phải của giặc dù đói khổ cũng không được lấy".

Với tấm lòng liêm chính đó, nghĩa quân đi tới đâu cũng được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và tích cực ủng hộ. Nghĩa quân đi đến châu huyện nào "người ta nghe tiếng là quy phụ"1. Đã có lần, có những toán nghĩa quân 3 ngày thiếu lương ăn vì tiếp tế vận chuyển không kịp nhưng vui lòng chịu đói, tuyệt đối không xâm phạm tài sản của nhân dân, nên nhân dân càng quý mến. Ở đâu, nhân dân cũng đem hết trâu, thóc của quân Minh nộp cho nghĩa quân và ai cũng sẵn sàng đem tài sản, tính mạng mình cùng nghĩa quân góp phần vào cuộc chiến đấu đánh giặc, cứu nước của dân tộc.

Những đạo nghĩa quân đi về các châu huyện đã thành công nhanh chóng. Chỉ trong ít ngày, nghĩa quân đã thu phục được nhân dân và đất đai của toàn phủ Nghệ An, trừ thành Nghệ An là còn có địch. Được giải phóng khỏi ách thống trị của địch, nhân dân các châu huyện rất cảm kích, nô nức xin tòng quân giết giặc và tích cực ủng hộ nghĩa quân mọi nhu cầu phục vụ chiến tranh như lương thực, khí giới để đánh thắng giặc. Nhiều khí giới, lương thực của nhân dân ủng hộ được đưa tới tập trung ở các hang trong núi Cờ Vây (núi Vi Kỳ) thuộc huyện Đỗ Gia, để vận chuyển dần lên căn cứ của nghĩa quân. Ngọn núi Cờ Vây sau được nghĩa quân gọi là núi Phù Lê2. Tù trưởng các miền núi Nghệ An cũng nhiệt liệt hưởng ứng nghĩa quân. Tri phủ châu Ngọc Ma ở phía cực tây phủ Nghệ An là Cầm Quý đã đem 8.000 quân và 10 voi chiến đến gia nhập nghĩa quân để cùng đánh giặc.

_______________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 20.
2. Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, t. II, tr. 136.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:08:46 pm »


Bao vây thành Nghệ An và khẩn trương mở những cuộc hành quân ra các châu huyện, nghĩa quân Lam Sơn đã nhanh chóng làm chủ được cả 20 châu huyện của toàn hạt Nghệ An (trong đó có 2 châu Trà Long, Ngọc Ma, 8 huyện trực thuộc phủ Nghệ An và 8 huyện lệ thuộc châu Nam Tĩnh và châu Hoan, mỗi châu 4 huyện). Một vùng giải phóng tương đối rộng rãi hình thành, bao gồm cả tỉnh Hà Tĩnh và phía nam tỉnh Nghệ An ngày nay. Nhân lực, vật lực của vùng giải phóng mới, một khu vực phì nhiêu, phong phú, đất rộng người đông, sẽ là chỗ dựa cho nghĩa quân mở rộng chiến tranh cứu nước ra các nơi khác. Tại đây "nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến như đi chợ. Vua (Lê Lợi) vỗ về phủ dụ, mọi người đều vui vẻ"1. Cảnh tượng nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ nghĩa quân, tích cực tham gia hàng ngũ chiến đấu của nghĩa quân đã nói lên quan điểm dựa vào nhân dân để đánh giặc của Nguyễn Trãi là rất đúng. Quan điểm đó đã giúp và sẽ giúp nghĩa quân ngày càng đi tới những thắng lợi to lớn. Vùng giải phóng Nghệ An hình thành còn cho thấy rõ phương châm "tránh mạnh đánh yếu, bỏ chỗ vững đánh chỗ núng" chuyển hướng chiến lược vào Nam của Nguyễn Trãi và kế hoạch đánh chiếm lấy đất Nghệ An làm bàn đạp đánh đi các nơi khác của Nguyễn Chích là rất xác đáng, rất giỏi.

Trong khi vùng giải phóng hình thành thì công việc xây dựng căn cứ cũng được tiến hành khẩn trương. Thiên Nhận là một dãy núi nằm bên hữu ngạn sông Lam, gồm nhiều ngọn chi chít, nối đuôi nhau chạy dài từ Bích Trào tới Đỗ Gia, tiếp cận với thành Nghệ An. Dãy Thiên Nhận, vì có nhiều ngọn trùng điệp, nên còn gọi là dãy núi 999 ngọn, ở phía tây bắc, đầu dãy Thiên Nhận là thành Bích Trào, do nghĩa quân đóng giữ; chạy dọc theo sông Lam, phía bắc dãy Thiên Nhận là các thành Lương Trường, Nam Kim mới xây dựng; tới phía đông nam, cuối dãy Thiên Nhận là căn cứ Đỗ Gia mà tướng Đinh Liệt đã tới chiếm đóng từ trước khi các trận Khả Lưu, Bồ Ải diễn ra. Ở phía nam dãy Thiên Nhận, chạy dài từ Bích Trào tới Đỗ Gia là con đường thượng đạo do nghĩa quân kiểm soát. Địa điểm được chọn làm nơi xây dựng thành lũy, doanh trại để đại quân đồn trú là mấy đỉnh núi cao của dãy Thiên Nhận. Từ những đỉnh cao đó nghĩa quân có thể theo dõi, kiểm soát được mọi hoạt động của địch ở phía thành Nghệ An. Thành Lục Niên2 được xây dựng bên sườn ngọn Động Chủ, rộng khoảng 5 mẫu ta, làm đại bản doanh của nghĩa quân. Trên 6 đỉnh núi cao bao quanh thành Lục Niên đều có xây pháo đài, hầm hào và có những dãy chiến luỹ chạy theo sườn núi, nối liền những công trình ở 6 đỉnh núi đó với thành Lục Niên. Thành Lục Niên trông về hướng đông, tức đối diện với thành Nghệ An. Bên ngoài cửa đông thành Lục Niên có dòng suối Lạp Lĩnh chạy quanh, chảy xuống dòng sông Lam. Nước suối từ trên cao đổ xuống như dòng thác chảy giữa những chòm cây xanh, phong cảnh rất đẹp. Theo tương truyền của nhân dân địa phương thì nghĩa quân đã làm một con đập chạy dài xung quanh mấy ngọn đồi ở phía dưới chân cửa đông thành Lục Niên để giữ nước suối. Đập có làm nhiều cửa để tháo nước xuống chân núi. Trong trường hợp bị tiến công lên tận đại bản doanh của mình, nghĩa quân sẽ mở các cửa đập để nước suối đổ xuống như thác lũ, đẩy lùi mọi cuộc tiến công của địch.
____________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 20.
2. Theo Đại Nam nhất thống chí, có hai thuyết giải thích tên thành Lục Niên: "Do vua Lê Thái Tổ... đóng quân ở đó 6 năm, nên gọi là thành Lục Niên; có một thuyết nói vua Thái Tổ từ lúc dấy nghĩa đến lúc vào Nghệ An là 6 năm, nên gọi tên thành " (Bản dịch, t. II, tr. 155).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:11:06 pm »


Như vậy là căn cứ Thiên Nhận của nghĩa quân đã được xây dựng khá kín đáo và kiên cố. Đây là lần đầu tiên nghĩa quân Lam Sơn xây dựng căn cứ quân sự có thành lũy, hầm hào quy mô. Lần đầu tiên xây dựng này chứng tỏ nghĩa quân Lam Sơn có khả năng trúc thành khá cao. Trong công việc xây dựng căn cứ này, có thể đoán là tướng Nguyễn Chích đã góp phần công sức quan trọng, vì ông đã có kinh nghiệm xây dựng thành lũy kiên cố làm căn cứ đánh quân Minh trước khi ông tham gia phong trào khởi nghĩa Lam Sơn1.

Việc xây dựng căn cứ địa đã xong. Việc giải phóng toàn hạt Nghệ An cũng hoàn thành. Quân đội được bổ sung thêm lương thực, khí giới lấy của địch ở các châu huyện và do nhân dân ủng hộ đã có được nhiều, các lãnh tụ nghĩa quân chuẩn bị mở cuộc tiến công vào thành Nghệ An. Trước tiên là các tướng sĩ được lệnh tập luyện ráo riết để nâng cao trình độ kỹ thuật chiến thuật, tiến dần lên một quân đội chính quy theo thể thức tổ chức của thời đại bấy giờ. Từ đây, "các phép đứng ngồi, đâm chém; các lối kỳ chính, phân hợp; các hiệu lệnh chiêng trống, cờ xí” của quân đội chính quy được đem thao diễn và chấp hành nghiêm túc. Kế đó là sự chuẩn bị những chiến cụ đánh thành. Được sự ủng hộ tích cực của nhân dân địa phương, chưa đầy 10 ngày, các chiến cụ cần thiết đã được chế tạo đầy đủ.

Trong khi toàn quân đương sôi nổi chuẩn bị đánh thành thì một việc buồn xảy tới. Khoảng giữa tháng 4 năm 1425, bà Trần Thị Ngọc Trần, vợ lãnh tụ Lê Lợi, bị bệnh chết. Nhưng việc đó không ảnh hưởng tới tinh thần quyết chiến của nghĩa quân. Tang ma xong xuôi, nghĩa quân lại tiếp tục chuẩn bị đánh thành.

Về phía địch, trong cả thời gian nghĩa quân hoạt động mạnh trên toàn hạt Nghệ An và rầm rộ kiến thiết thành lũy trên dãy núi Thiên Nhận, địch trong thành Nghệ An vẫn cố thủ, đóng chặt cửa thành, chờ viện binh tới cứu. Địch ở thành Đông Quan tuy không còn đông quân, nhưng cũng không thể không vào cứu nguy cho quân chúng ở thành Nghệ An. Ngày 2 tháng 5 năm 1425 (15 tháng 4 năm Ất Tỵ), Lý An, tham tướng quân Minh, Trấn thủ thành Đông Quan, đem một đại đội thủy quân theo đường biển tiến vào.
____________________________________
1. Đại Nam nhất thống chí: "Thành cũ của Lê Chích: ở bên núi Hoàng Sơn, thuộc địa phận xã Châu Chuế, huyện Nông Cống, gần con sông nhỏ, lại ở bên kia sông là động Nghiêu Sơn thuộc địa phận xã Xích Lộ, huyện Đông Sơn; hai địa điểm này đều là thành cũ. Hai bên tả hữu dựa núi làm thành, chỗ nào núi đứt đoạn ra thì đắp đất làm lũy, trong có vài ba trăm mẫu đất bằng, có bia đá, nhưng chữ khác bị mờ, không nhận ra được. Nay dấu cũ của thành vẫn còn" (Bản dịch, t. II, tr. 239 - 240).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:13:35 pm »


Được tin viện binh của địch sắp tới, nghĩa quân Lam Sơn chủ trương: không đánh thành vội mà tập trung diệt viện và phá vỡ cuộc phản công của địch. Viện binh tới, địch trong thành Nghệ An sẽ cố sức tiến ra ngoài thành, phối hợp cùng viện binh mở cuộc phản công vào căn cứ của nghĩa quân. Đánh tan được cuộc phản công này, tức là tiêu diệt được cùng một lúc cả viện binh địch và quân địch giữ thành Nghệ An. Nghĩa quân dự đoán cuộc phản công sẽ mở đầu bằng việc tiến đánh Đỗ Gia, để mở đường đánh thẳng lên đại bản doanh của nghĩa quân trên núi Thiên Nhận. Căn cứ vào dự đoán ấy, các lãnh tụ nghĩa quân một mặt tăng thêm quân cho căn cứ Đỗ Gia, lúc ấy do tướng Lê Thiệt đóng giữ, một mặt cho quân tới mai phục ở cửa sông Khuất, tiếp cận với căn cứ Đỗ Gia, để chờ đánh địch.

Sau mười ngày vượt biển, các chiến thuyền của Lý An vào tới cửa Hội và ngược dòng sông Lam tiến lên thành Nghệ An. Để nhanh chóng mở cuộc phản công bất ngờ vào các căn cứ của nghĩa quân, ngày 14 tháng 5 năm 1425 (27 tháng 4 năm Ất Tỵ), tổng binh Trần Trí trong thành Nghệ An đem hết quân tiến ra ngoài thành để phối hợp với thủy quân của Lý An cùng theo dòng sông La tiến đánh căn cứ Đỗ Gia. Toàn bộ quân địch đã lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân ở cửa sông Khuất. Nghĩa quân từ các vị trí mai phục xông ra và nghĩa quân từ căn cứ Đỗ Gia tiến xuống, đã khép chặt lấy quân địch và đánh phá rất kịch liệt. Quân địch tan vỡ, chết đuối rất nhiều, hơn 1.000 tên bị giết tại trận. Địch phải đem tàn quân rút chạy vào thành Nghệ An. Tại đây, Trần Trí quyết định để Phương Chính, Lý An ở lại giữ thành Nghệ An, còn hắn chạy ra Đông Quan để lo tính củng cố lực lượng, mưu đồ những cuộc phản công mới.

Sau trận đánh ở cửa sông Khuất, nghĩa quân lại tới khiêu chiến ở thành Nghệ An với ý định dử dịch ra khỏi thành để tiêu diệt. Nhưng địch đóng chặt cửa thành, dựng thêm lũy, đào thêm hào, không dám thò ra. Nguyễn Trãi liên tiếp viết thư nói khích bọn Phương Chính để chúng đem quân ra ngoài thành nghênh chiến. Có bức thư viết cho tướng địch Phương Chính, Nguyễn Trãi đã nói:

"Ngày xưa, thư mày gửi đến cho ta thường cười ta núp ở chỗ núi rừng không dám ra giao chiến ở đồng bằng đất phẳng. Nay ta đã đến đây ngoài thành Nghệ An đều là chiến trường cả. Mày bảo đó là núi rừng hay là đồng bằng? Mày đóng kín cửa thành ngồi xó trong ấy, có khác gì một mụ già không?"1.

Nhưng dù bị nói khích như thế nào, địch vẫn không dám nhúc nhích ra khỏi thành.

Thấy rõ sức hoạt động của địch trong thành Nghệ An đã bị tê liệt hoàn toàn, mặc dầu ở đây có thêm cả quân Đông Quan mới vào, lực lượng địch ở các nơi khác càng mỏng yếu hơn và địch ở Đông Quan thì không còn đủ sức đi ứng cứu các nơi khác bị đánh, các lãnh tụ nghĩa quân quyết định một kế hoạch tác chiến mới: một mặt vây chặt thành Nghệ An, giam chân đại bộ phận lực lượng địch tại đây, một mặt thực hiện phương châm ”bỏ chỗ vững đánh chỗ núng”, tiến quân đánh các nơi khác, mở rộng vùng giải phóng ra ngoài phạm vi đất Nghệ An.
_________________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 22. Trong Quân trung từ mệnh tập có chua ở đầu bức thư là: thư viết tháng 5 năm Bính Ngọ (1426). Chúng tôi ngờ là thư viết tháng 5 năm Ất Tỵ, tức tháng 6 năm 1425, liền sau chiến thắng sông Khuất, như thế phù hợp với những hoạt động của nghĩa quân trong thời kỳ này và cũng hợp với nội dung trong thư. Từ sau khi nghĩa quân Lam Sơn mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi đất Nghệ Au, tức từ tháng 7, tháng 8 năm 1425 trở đi thì việc cố đánh lấy thành Nghệ An hoặc chú trọng khiêu khích chúng ra khỏi thành để đánh, không phải là chủ trương của nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:15:05 pm »


GIẢI PHÓNG
DIỄN CHÂU, THANH HÓA


Mở rộng vùng giải phóng ra ngoài phạm vi đất Nghệ An thì đánh đâu trước? Các lãnh tụ nghĩa quân quyết định tiến đánh vùng Diễn Châu, Thanh Hóa trước. Và đánh cả hai nơi đều có cơ chắc thắng. Vì Diễn Châu quân địch có ít, thấy đất Nghệ An liền sát bên cạnh đã mất, đại quân đã vỡ, tổng binh Trần Trí phải chạy về Đông Quan, nên không khỏi hoang mang, khiếp sợ, sẽ không có tinh thần và không đủ sức đương đầu với nghĩa quân, không thể giữ được đất Diễn Châu. Mà ở Tây Đô thì lực lượng địch đã yếu hơn trước nhiều, vì đại bộ phận lực lượng địch ở đây đã bị Trần Trí, Phương Chính đưa vào đối phó với nghĩa quân Lam Sơn ngay từ khi nghĩa quân mới bắt đầu hành quân vào Nam, cho nên bọn địch còn lại ở Tây Đô dù muốn cố cầm cự với nghĩa quân cũng không thể giữ nổi đất Thanh Hóa. Sau Nghệ An, giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa là thực hiện đúng phương châm "tránh mạnh đánh yếu, bỏ chỗ vững đánh chỗ núng" mà Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn đã đề ra. Giải phóng sớm vùng Diễn Châu, Thanh Hóa còn thu được những thắng lợi lớn về mặt chiến lược.

Một là, vùng giải phóng sẽ được nối liền từ đất Nghệ An ra Thanh Hóa là nơi đất rộng người đông như Nghệ An, lại là nơi quê hương của phong trào Lam Sơn, của phần lớn nghĩa quân, nơi nghĩa quân đã hoạt động liên tục trong gần 7 năm qua, nên đối với nghĩa quân, nhân dân ở đây đã sẵn có tình cảm yêu thương, đã từng sát cánh cùng nghĩa quân để đánh giặc, nhân dân nhất định hoan nghênh, hưởng ứng khi nghĩa quân từ Nghệ An tiến ra. Cho nên có được đất đai, có được nhân dân vùng Diễn Châu, Thanh Hóa, khu giải phóng của nghĩa quân càng lớn mạnh, vững chắc, bảo đảm mọi hoạt động an toàn của quân và dân tại đây.

Hai là, khu giải phóng mở rộng được từ Nghệ An ra Thanh Hóa sẽ cắt đứt hẳn mọi liên lạc, ứng cứu của địch bằng đường bộ giữa Đông Quan với các toán quân của chúng ở trên nửa nước về phía nam, từ Thanh Hóa trở vào. Những toán quân địch này sẽ bị dồn vào những thành trơ trọi nằm lọt trong vùng giải phóng của ta, không cần đánh, chúng cũng sẽ mất dần mọi khả năng hoạt động để chống lại ta.

Lực lượng chủ yếu của địch đã bị giam chân ở thành Nghệ An, địch ở Đông Quan đương lúng túng, địch ở Tây Đô, Thanh Hóa mỏng yếu, địch ở các nơi khác đương hoang mang, lo sợ, đó là thời cơ thuận lợi nhất để tiến đánh Thanh Hóa, Diễn Châu. Nắm lấy thời cơ là một vấn đề rất quan trọng để đánh thắng giặc, như Nguyễn Trãi thường nhấn mạnh "Thời cơ, thời cơ, chớ nên để lỡ". Đây chính là một thời cơ mà nghĩa quân không thể để lỡ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:17:25 pm »


Tháng 6 năm 1425, tức khoảng một tháng sau chiến thắng sông Khuất ở Nghệ An, các lãnh tụ nghĩa quân cử tướng Đinh Lễ đem quân "đi tuần" Diễn Châu và Thanh Hóa. Đi tuần tức là đem quân đi chiêu phủ nhân dân các châu huyện, cùng nhân dân nổi dậy đánh địch, chiếm lấy đất, giải phóng nông thôn, xây dựng chính quyền mới của ta.

Nhận lệnh, Đinh Lễ và nghĩa quân tiến ra Diễn Châu, tức phần phía bắc tỉnh Nghệ An ngày nay. Nghĩa quân đi tới đâu là thu phục đấy, không gặp một sức kháng cự nào của địch, và được nhân dân các huyện nhiệt liệt hoan nghênh. Nghĩa quân nhanh chóng thu phục được toàn hạt Diễn Châu và xây thành Động Đình làm căn cứ đánh địch cố thủ trong thành Diễn Châu. Thành Động Đình xây dưới chân núi Động Đình1, ở phía tây thành Diễn Châu2. Hai thành cách nhau khoảng 10 ki-lô-mét.

Tướng Minh trấn thủ thành Diễn Châu là Thôi Tụ biết nghĩa quân Đinh Lễ đã thu phục hết các huyện trong hạt và đương xây thành ngay bên cạnh mình mà không dám ra đánh, đành bó tay trong thành, chờ lương thực từ Đông Quan vào để có thể cố thủ lâu dài. Trần Trí ở Đông Quan phải cho tướng Trương Hùng đưa 300 thuyền lương vào tiếp tế cho Diễn Châu.

Biết tin đó và đoán chắc khi thuyền lương tới, địch trong thành Diễn Châu sẽ phải mở cửa thành ra ngoài tiếp nhận, Đinh Lễ, theo kinh nghiệm của chiến thắng sông Khuất, quyết định bố trí một trận mai phục để cùng một lúc tiêu diệt cả hai: vừa quân trong thành, vừa quân tới tiếp vận, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa đánh chiếm lương thực, gây thêm khốn quẫn cho địch trong thành Diễn Châu.

Đúng nhự dự đoán của nghĩa quân, khi Trương Hùng và 300 thuyền lương tới gần thành Diễn Châu, quân địch ở bên trong mở cửa thành ra đón. Hai toán quân địch gặp nhau trong khu vực mai phục của nghĩa quân. Một trận ác chiến diễn ra: hơn 300 quân địch và tên tướng họ Tưởng bị giết tại trận. Quân địch ở Diễn Châu vội chạy trốn vào thành. Tướng địch Trương Hùng cũng tháo chạy về Tây Đô. Nghĩa quân thu được nhiều thuyền bè, lương thực của địch.
_______________________________________
1. Núi Động Đình thuộc địa phận sách Qui Lai, huyện Đông Thành, nay là huyện Yên Thàuh, xung quanh là đồng bằng bát ngát. Phía đông núi là đầu nguồn của con sông Bùng, phía tây núi, Đinh Lễ xây thành.
2. Thành Diễn Châu sau này còn gọi là thành Cự Lại hay thành Đông Lũy, xây dựng trên địa phận xã Đông Lũy, nay là xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Theo Đại Nam nhất thống chí thì "thành cũ Cự Lại ở phía bắc huyện Đông Thành, chu vi hơn trăm trượng, cao chừng 5 thước, xây bằng đá, ba mặt nước sông bao bọc, một mặt giáp với dân cư xã Tây Lũy" (Bản dịch, t. II, tr. 155).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2016, 06:17:54 pm »


Phát huy chiến thắng mới, Đinh Lễ để một bộ phận nghĩa quân ở lại vây hãm thành Diễn Châu, còn Đinh Lễ và toàn quân lập tức tiến nhanh ra Tây Đô đuổi theo Trương Hùng, đánh một đòn bất ngờ vào thành Tây Đô, khiến địch ở đấy không kịp trở tay đối phó.

Được tin chiến thắng Diễn Châu và Đinh Lễ đương tiến quân ra Tây Đô, các lãnh tụ nghĩa quân ở Nghệ An vội cho thêm quân theo đường tắt đi suốt ngày đêm ra Thanh Hóa tăng viện cho toán nghĩa quân Đinh Lễ, để có đủ lực lượng kịp thời giải phóng toàn hạt Thanh Hóa là một địa phương rộng lớn hơn Diễn Châu rất nhiều. Cánh quân tăng viện này gồm hơn 2.000 binh sĩ và 2 thớt voi do các tướng Lý Triện, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị chỉ huy. Cả hai cánh nghĩa quân đều cùng tiến gấp lên Tây Đô, đánh tập kích rất mạnh vào thành giặc. Bị tiến công bất ngờ, quân địch trong thành Tây Đô hoảng hốt chống cự, nhưng không đương nổi: hơn 500 quân địch bị giết, nhiều tên bị bắt sống. Chúng phải đóng chặt cửa thành cố thủ.

Không chủ trương hạ thành, nghĩa quân để lại một bộ phận vây thành, còn thì tỏa ra hết các châu huyện. Nghĩa quân và các tướng lĩnh cả hai cánh quân đều là con em đất Thanh Hóa nên đi đến đâu cũng được nhân dân trên mảnh đất quê hương nhiệt liệt hoan nghênh. Ngụy quân ngụy quyền các châu huyện tan vỡ mau chóng như trứng đổ. Chỉ trong ít ngày, toàn phủ Thanh Hóa đã thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân. Địch chỉ còn đóng trong thành Tây Đô, bị cô lập hoàn toàn trong vòng vây của nghĩa quân, không liên lạc được với Đông Quan cũng như với các thành Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa của chúng.

Phấn khởi trước thắng lợi rực rỡ của những người chiến sĩ cùng quê hương, thanh niên Thanh Hóa nô nức xin tòng quân, để được cùng nghĩa quân diệt giặc cứu nước. Do đấy, lực lượng nghĩa quân ở Thanh Hóa được tăng cường nhanh chóng. Nghĩa quân ráo riết tiến hành tập luyện để có thể sẵn sàng nhận lệnh lên đường mở những cuộc tiến công mới vào các sào huyệt khác của địch.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM