Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:01:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90341 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 08:12:23 am »


*
* *

Nghĩa quân Lam Sơn đã có một thời gian khoảng nửa năm rảnh tay không phải đối phó với địch, để củng cố lực lượng, xây đắp đồn lũy tại Lam Sơn, vì địch lúc ấy một mặt mắc đối phó với phong trào khởi nghĩa của Xa Khả Tham ở mạn Tây Bắc đương có cơ phát triển mạnh, một mặt chúng tập trung sức lực vào việc mở mang xây dựng thêm nhiều cơ sở bóc lột trên đất nước ta. Cũng khoảng đầu năm 1418, trong khi nghĩa quân Lam Sơn đánh địch ở Thanh Hóa thì nghĩa quân Xa Khả Tham cũng hoạt động mạnh ở miền Tây Bắc. Tổng binh địch Lý Bân phải cho đô đốc Phương Chính đem quân lên Tây Bắc hòng đàn áp phong trào, nhưng bị nghĩa quân Xa Khả Tham đánh trả quyết liệt, mấy tên tướng ngụy là đô chỉ huy Trần Nhữ Thạch và thiên hộ Chu Đa Bồ bị nghĩa quân giết chết tại trận. Địch phải tiếp tục đối phó mấy tháng liền, nghĩa quân mới tạm thời rút vào miền rừng núi.

Về phát triển cơ sở bóc lột, thì từ giữa năm 1418, giặc Minh lập nhiều trường sở để mò tìm ngọc trai. Sử cũ ghi việc này và tình hình bóc lột của quân Minh trong năm 1418 như sau: "Hải phận Tĩnh An và Vân Đồn (miền ven biển Quảng Ninh ngày nay - NLB) sản nhiều ngọc trai. Người Minh lập lên trường sở để coi giữ việc lặt lượm ngọc trai. Hàng ngày, chúng bắt đến hàng nghìn người dân làm việc lực dịch ấy. Bấy giờ người Minh yêu sách đòi hỏi không biết thế nào là chán. Phàm những địa phương có hồ tiêu, hương liệu, hươu trắng, voi trắng, rùa chín đuôi, chim vẹt, vượn bạc má và con trăn, vân vân, chúng đều buộc dân phải đi kiếm, đi bắt đem nộp để đưa về Yên Kinh. Dân tình, do đấy, nháo nhác nôn nao!"1.

Tuy lao sâu vào những việc đàn áp bóc lột nói trên, khi được tin nghĩa quân Lam Sơn đương tăng cường lực lượng nhanh chóng, tổng binh địch Lý Bân vội cho một đạo quân mạnh từ Đông Quan vào đánh phá nghĩa quân. Thấy Lam Sơn không có địa thế thuận lợi để chiến đấu với địch, Lê Lợi và nghĩa quân rút khỏi Lam Sơn, lui xuống Mường Một. Tại đây nghĩa quân bố trí sẵn một trận địa mai phục và cho người đi khiêu chiến, nhử địch tới để đánh. Địch cậy mạnh, ồ ạt kéo vào giữa trận địa. Nghĩa quân từ hai đầu trận địa đổ ra đánh, và từ hai bên bắn tên tẩm thuốc độc vào giữa trận địa, quân địch bị chết rất nhiều. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch phải tháo chạy về Nga Lạc thượng2, và trong 6 tháng liền, địch cố thủ trong các đồn trại, chờ viện binh, không dám hành quân tiến đánh nghĩa quân. Trong thời gian này, nghĩa quân thường tới khiêu khích địch, nhử chúng ra khỏi đồn trại để đánh, nhưng chỉ có những cuộc đụng độ nhỏ với địch, chúng không dám rời xa các đồn trại của chúng. Sang tháng 5 năm 1419, sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, nghĩa quân quyết định tiến công đồn Nga Lạc. Đây là trận tập kích đầu tiên của nghĩa quân vào một đồn trại của địch và nghĩa quân đã thành công rực rỡ. Tướng chỉ huy của địch ở đồn Nga Lạc là Nguyễn Sao bị nghĩa quân bắt sống và hơn 300 tên địch bị giết3. Chiến thắng này làm nức lòng nghĩa quân nhưng mặt khác cũng làm cho nghĩa quân do dự trong kế hoạch tiếp tục tiến công. Đoán chắc địch thua đau, thế nào cũng tập trung lực lượng để phản công, nên sau trận tập kích thắng lợi, nghĩa quân đã bí mật rút lui về núi Chí Linh.
___________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. VIII, tr. 5.
2. Nga Lạc hay Nga Lạc thượng và nhiều địa điểm khác như Mường Một, Mường Chính, v.v. các tài liệu cũ thường không nói rõ. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đương cố gắng xác minh, nhưng kết quả vẫn chưa thích đáng lắm. Trong tình hình tài liệu như vậy, gặp trường hợp những địa điểm chưa được xác minh chắc chắn, chúng tôi tạm ghi địa điểm mà không định vị trí cụ thể của nó.
3. Theo Đại Việt sử ký toàn thư - Lam Sơn thực lục chép là giết hơn 1.000 giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 08:15:43 am »


Đúng như dự đoán của nghĩa quân, để phục thù, địch vội vã gọi quân cứu viện các nơi, hợp thành một lực lượng lớn tiến đánh nghĩa quân. Dò biết nghĩa quân không trở lại Lam Sơn mà rút vào Chí Linh, địch chia quân bít kín các ngả đường, vây chặt núi Chí Linh, ở sâu trong núi, nghĩa quân không có lương ăn, phải vừa ăn củ nâu với mật ong lấy trong rừng để sống, vừa chiến đấu quyết liệt với địch đã hơn mười ngày, mà không đẩy lùi được địch, không vượt được vây. Trước tình thế hiểm nghèo đó, Lê Lai, một tướng nghĩa quân, tình nguyện cùng một toán quân quyết tử xung phong phá vây để mở đường cho nghĩa quân tiến ra. Nếu không may thất bại, rơi vào tay giặc, Lê Lai sẽ tự nguyện nhận mình là Lê Lợi, lãnh tụ nghĩa quân, để lừa giặc giải vây. Thực hiện nhiệm vụ cao cả đó, Lê Lai và toán quân quyết tử đã anh dũng tiến ra giáp chiến với giặc. Nhưng quân Minh đông đảo đã đẩy lùi cuộc phản kích của nghĩa quân và bắt sống được Lê Lai. Như lời Lê Lai tự nhận, quân Minh yên trí bắt sống được Lê Lợi. Chúng cho rằng: mất lãnh tụ, nghĩa quân sẽ tự tan vỡ, không cần vây đánh nữa. Vui mừng với thắng lợi "lầm lẫn" đó, quân Minh rút về Tây Đô. Tinh thần anh dũng hy sinh của Lê Lai và những chiến sĩ quyết tử đã giải vây được cho nghĩa quân, đẩy lùi được nguy cơ bị tiêu diệt của toàn bộ nghĩa quân. Lê Lai và toán nghĩa quân quyết tử đã lấy cái chết của thân mình để bảo tồn phong trào, bảo vệ thủ lĩnh và nghĩa quân Lam Sơn. Cái chết dũng cảm, vẻ vang, vì nghĩa lớn của Lê Lai và toán quân quyết tử đã động viên rất mạnh tinh thần quyết chiến của nghĩa quân và khuyến khích nhân dân khắp nơi hướng về nghĩa quân để cùng đánh giặc cứu nước.

Sau khi Lê Lai bị bắt và địch đã rút đi, Lê Lợi và nghĩa quân lại trở về Lam Sơn để củng cố lực lượng, chuẩn bị những trận chiến đấu mới.

Được tin nghĩa quân vẫn tồn tại, không tan rã như chúng tưởng, và đương xây dựng lại lực lượng, tổng binh Lý Bân vội điều quân tới ngay Lam Sơn để đàn áp. Bấy giờ là tháng 6 năm 1419, có lẽ nghĩa quân về Lam Sơn chưa được một tháng, công việc chuẩn bị lương thực, khí giới chưa làm được bao nhiêu, nhưng nghĩa quân quyết tâm chặn đánh địch. Rút khỏi Lam Sơn, nghĩa quân quay sang Mường Chính1 bố trí trận địa phục kích và cho người đi đánh nhử địch. Trận phục kích thắng lợi đã chặn đứng cuộc hành quân của địch, buộc chúng phải rút về đóng quân tại chỗ ở Khả Lam (vùng Lam Sơn), không dám đi sục sạo.

Sau chiến thắng Mường Chính, nghĩa quân được tin Ai Lao sẵn sàng ủng hộ và nhận lời viện trợ công cuộc đánh giặc cứu nước của nghĩa quân, nên Lê Lợi đem toàn bộ lực lượng theo đường núi qua Lỗi Giang tiến lên Lô Sơn2, phía tây bắc Thanh Hóa, rồi chuyển lên Mường Thôi3, giáp biên giới Ai Lao, để tiện tiếp xúc với quân Ai Lao. Trong khi nghĩa quân đương có cơ phát triển thì ngược lại, quân Minh bắt buộc phải rút bớt lực lượng của chúng ở Thanh Hóa, để lo đối phó với phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta ở các nơi khác, đặc biệt là chúng phải mau chóng tập trung một lực lượng lớn do chính tổng binh Lý Bân chỉ huy để vào cứu nguy cho quân đội của chúng ở Nghệ An. Trong khi đại quân của địch tiến vào đánh phá phong trào Nghệ An, thì nghĩa quân Lam Sơn cũng từ Mường Thôi tiến xuống đánh phá quân địch ở Lỗi Giang. Từ tháng 9 năm 1419 tới cuối năm 1420, trong hơn một năm đó, cả một vùng từ Mường Thôi tới Lỗi Giang đã là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. Và cũng trong hơn một năm đó quân Minh với lực lượng mỏng manh của chúng ở Thanh Hóa, đành bó tay, đóng quân tại chỗ để chịu đựng những đòn tiến công liên tiếp của nghĩa quân Lam Sơn. Chúng không thể tập trung được một lực lượng lớn để phản công nghĩa quân, vì từ Nghệ An, Thanh Hóa ra tới Kiến Xương, Tân Hưng, Khoái Châu, Hạ Hồng, Lạng Giang, Khâu Ôn, Mộc Châu, v.v... không nơi nào không có khởi nghĩa của nhân dân ta. Trong mấy năm liền, địch phải luẩn quẩn điều quân khi vào Nam khi ra Bắc, chầy chật đối phó với các phong trào mà không sao bình định được. Hao binh tổn tướng rất nhiều, nhưng dập tắt được phong trào này thì phong trào khác lại nổi, làm yếu được phong trào nơi này thì phong trào nơi khác lại mạnh. Địch ở vào thế lúng túng, bị động, đối phó.
_____________________________________
1. Một số tài liệu giải thích Mường Chính là Trịnh Vạn, tức Mường Một, nơi mà tháng 10 năm 1418, nghĩa quân đã đánh một trận mai phục thắng lợi. Mường Chính cũng được giải thích là huyện Lang Chánh ngày nay.
2. Lô Sơn hay Lư Son theo Đại Nam nhất thống chí là một ngọn núi thuộc địa phận hai xã Hữu Thủy và Trịnh Điện, cách châu Quan Hóa 97 dặm về phía tây, và theo Đào Duy Anh chú thích trong bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, là ở khoảng thượng lưu sông Lương, phía trên Mường Xia, cách Hồi Xuân về phía tây chừng 40 ki-lô-mét.
3. Mường Thôi hay Mường Xôi, sau gọi là Mường Mau Xuy hay huyện Man Xuy, bản đồ thường ghi là M. Soi, ở thượng lưu sông Lương, cách Hồi Xuân chừng 50 ki-lô-mét về phía tây, nay thuộc tỉnh Sầm Nưa (Lào).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:24:28 pm »


MỘT SỨC HỖ TRỢ CHO PHONG TRÀO LAM SƠN PHÁT TRIỂN:
DÂN CHÚNG NHIỀU NƠI LIÊN TIẾP KHỞI NGHĨA


Trong những phong trào khởi nghĩa năm 1419 - 1420, có phong trào đã tồn tại từ hàng chục năm hoặc 7 - 8 năm trước. Có phong trào đã hoạt động từ 1417 - 1418 và có nhiều phong trào khá mạnh làm cho địch phải lo ngại. Đáng lo ngại nhất lúc ấy khiến địch phải tập trung ngay lực lượng để đối phó kịp thời là phong trào binh biến ở Nghệ An, nếu không phong trào binh biến có thể lan rộng sang hàng ngũ ngụy quân các nơi khác.

Không chịu nổi sự đè nén, cực nhọc và những bóc lột tàn nhẫn của địch, binh lính trong ngụy quân ở Nghệ An làm khởi nghĩa do một quan ngụy là tri phủ Phan Liêu và một tướng ngụy là thiên hộ Trần Đài cầm đầu. Binh lính khởi nghĩa đánh chiếm huyện Nha Nghi (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), rồi tỏa ra tiến công các cơ sở của địch ở các châu huyện và vây hãm thành Nghệ An. Được tin cấp báo, Lý Bân phải đem đại quân từ Đông Quan, gấp đường vào giải vây Nghệ An và cho viên tướng ngụy là chỉ huy Lộ Văn Luật đi tiên phong. Nhưng Lộ Văn Luật cùng đội quân tiên phong làm phản chiến, không hành quân, bỏ doanh trại ra đi. Lộ Văn Luật đưa quân về quê nhà ở Thạch Thất (thuộc Hà Tây ngày nay) phát động nhân dân địa phương làm khởi nghĩa. Lý Bân đành phải bỏ qua việc này, để đem quân tiến mau vào cứu nguy cho Nghệ An. Tháng 8 năm 1419, đại quân của Lý Bân giải được vây cho thành Nghệ An. Phan Liêu rút quân lên Ngọc Ma1. Tri châu châu Ngọc Ma là Cầm Trách hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Phan Liêu, chiếm giữ châu Ngọc Ma và đem quân cùng Phan Liêu chống lại quân Minh. Lý Bân tiến đánh châu Ngọc Ma. Phan Liêu và nghĩa quân rút lên miền rừng núi cầm cự. Địch tiến đánh mạnh, Phan Liêu và nghĩa quân tránh sang đất Ai Lao. Quân địch rút đi, Phan Liêu và nghĩa quân lại trở về chiếm đóng châu Ngọc Ma. Trong khi cuộc binh biến của Phan Liêu chưa dập tắt và Lý Bân đương hành quân ở Nghệ An thì ngay tại những vùng xung quanh nhiều cuộc binh biến và khởi nghĩa của nông dân lại nổ ra.

Tại huyện Kiệt Giang (vùng huyện Nam Đàn, Nghệ An) binh lính khởi nghĩa do bách hộ Trần Trực Thành và em là Trần Chân cầm đầu.

Tại châu Nam Linh (vùng bắc Quảng Trị) binh lính khởi nghĩa do thiên hộ Trần Thuận Khánh cầm đầu.

Tại huyện Phù Lưu (vùng huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) Vũ Công và một cụ già là Hoàng Nhữ Điển phát động nhân dân khởi nghĩa.

Tại Thanh Hóa, trong khi nghĩa quân Lam Sơn hoạt động mạnh ở vùng Lỗi Giang, thì tại miền Nga Lạc (Ngọc Lặc) Phạm Nhuyến nổi lên, đóng căn cứ tại sách Cự Lặc.
____________________________________
1. Châu Ngọc Ma thời Lê đổi là Trịnh Cao, thời Nguyễn là Trấn Định, tức vùng Khăm Muộn, Khăm Cớt trên đất Lào ngày nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:25:08 pm »


Trước tình hình rối ren đó, Lý Bân phải cho các tướng và quan ngụy Nguyễn Huân, Trần Nguyên Khôi chia nhau đi đối phó với các phong trào nghĩa quân ở Ngọc Ma, Nghệ An, Thanh Hóa, còn bản thân mình thì đem đại quân gấp rút lên đường ra Bắc, vì tình hình ngoài Bắc còn nguy cấp hơn nữa, nhiều toán nghĩa quân đương tiến đánh thành Đông Quan, thủ phủ đô hộ của chúng.

Tại miền Bắc, từ khi phần lớn lực lượng địch phải đưa vào Nam để đối phó với các phong trào khởi nghĩa ở Thanh Hóa, Nghệ An thì các phong trào khởi nghĩa ở miền Bắc càng hoạt động mạnh.

Nghĩa quân áo đỏ tăng cường hoạt động ở miền Thái Nguyên, Tuyên Quang, lan rộng xuống miền núi Thanh Hóa, Nghệ An và trực tiếp giúp sức cho phong trào binh biến của Trần Trực Thành ở Nghệ An và phong trào binh biến của Phan Liêu ở Ngọc Ma.

Nghĩa quân Nông Văn Lịch tiếp tục hoạt động ở Khâu Ôn (Lạng Sơn). Trần Mộc Quả khởi nghĩa ở Vũ Định (có thể là miền Định Hóa, Thái Nguyên), Lộ Văn Luật chiếm giữ Thạch Thất (Hà Tây).

Tại miền đồng bằng, phong trào lại càng sôi nổi. Phạm Thiện khởi nghĩa ở Tân Minh (vùng Tiên Lãng, Hải Phòng). Lê Hành khởi nghĩa ở Hạ Hồng (miền Hải Hưng). Nguyễn Đặc khởi nghĩa ở Khoái Châu (Hải Hưng). Nguyễn Đa Cấu, Trần Nhuế khởi nghĩa ở Hoàng Giang (khúc sông Hồng ở mạn Thái Bình). Và lớn hơn cả là mấy cuộc khởi nghĩa của Trịnh Công Chứng ở Hạ Hồng, Đào Cường ở Thiện Tài (vùng Gia Lương, Hà Bắc), Phạm Ngọc ở An Lão (Hải Phòng) và Lê Ngã ở Đơn Ba (khoảng giữa huyện Lộc Bình thuộc Lạng Sơn và huyện Tiên Yên thuộc Quảng Ninh).

Trịnh Công Chứng có hơn 1.000 nghĩa quân hoạt động mạnh ở miền Đồng Lợi, Tứ Kỳ, Đa Dực (vùng Ninh Giang, Tứ Kỳ thuộc Hải Hưng, và Phù Dực thuộc Thái Bình) bắt giết các quan lại địch, đánh phá các đồn trại địch ở miền này. Cuối năm 1419, Trịnh Công Chứng phối hợp hành động với các toán nghĩa quân của Lê Hành, Phạm Thiện, Nguyễn Đặc, Nguyễn Đa Cấu, Trần Nhuế cùng tiến đánh thành Đông Quan. Nghĩa quân của Trần Công Chứng tiến tới cầu phao, sát thành Đông Quan, bị địch chặn đánh ác liệt, nghĩa quân tan vỡ. Sau đó ít lâu, Trịnh Công Chứng bị địch đánh bắt tại miền Đồng Lợi. Một tướng của Trịnh Công Chứng là Lê Điệt tiếp tục khởi nghĩa, hoạt động mạnh ở vùng Diên Hà, Kiến Xương (Thái Bình). Sau nhiều lần bị địch tiến công, tới giữa năm 1420, cuộc khởi nghĩa của Trịnh Công Chứng và Lê Điệt mới bị dập tắt hẳn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:25:45 pm »


Tại vùng Thiện Tài, nghĩa quân của Đào Cường cũng hoạt động mạnh. Địch ở Đông Quan phải đem một đạo quân khá lớn đi đàn áp, nhưng bị nghĩa quân mai phục đánh cho đại bại. Nghĩa quân truy kích địch tới tận bờ sông Hồng, phía trước thành Đông Quan, định vượt sông Hồng đánh vào Đông Quan. Địch phải cho một đạo quân sang sông chống cự rồi sau cho một toán kỵ binh sang tăng viện mới đẩy lùi được cuộc tiến công của nghĩa quân.

Tháng 3 năm 1420, tổng binh Lý Bân từ Nghệ An ra tới Đông Quan, phải lo đối phó ngay với phong trào khởi nghĩa lan rộng ở miền Bắc, và trước hết phải đàn áp bằng được những phong trào ở vùng đồng bằng gần Đông Quan. Phong trào khởi nghĩa do Phạm Ngọc lãnh đạo là mối lo ngại nhất của chúng lúc ấy. Lý Bân đem đại quân đi đàn áp phong trào này.

Phạm Ngọc là một nhà sư yêu nước tu ở chùa Đồ Sơn (vùng Hải Phòng ngày nay) phát động khởi nghĩa từ khoảng cuối năm 1419, được nhân dân địa phương hưởng ứng rất đông. Nhiều lãnh tụ khởi nghĩa ở các vùng xung quanh như Phạm Thiện, Lê Hành, Đào Thừa, Ngô Trung, v.v... cũng đem quân gia nhập phong trào. Cho nên khí thế phong trào khá mạnh. Quân số có tới hàng vạn. Nghĩa quân Phạm Ngọc liên kết với nghĩa quân Đào Cường ở Cẩm Giàng (Hải Hưng) và hoạt động khắp vùng từ phía đông Hải Hưng tới Hải Phòng ngày nay. Lý Bân đem đại quân đi đánh phá ráo riết trong mấy tháng liền. Nghĩa quân dần dần tan rã. Các tướng lĩnh nghĩa quân lần lượt bị bắt hoặc bị giết chết.

Đàn áp xong cuộc khởi nghĩa do Phạm Ngọc lãnh đạo, tháng 5 năm 1420, Lý Bân đưa đại quân sang đánh Lộ Văn Luật ở Thạch Thất. Lộ Văn Luật không chống lại được phải chạy sang Ai Lao. Nhân dân tham gia khởi nghĩa chạy vào ẩn trong hang động núi Phật Tích và núi An Sầm. Lý Bân một mặt lùng bắt mẹ già, gia thuộc cùng một người anh em của Lộ Văn Luật là Văn Phi, đồng tri châu châu Tam Đái, một mặt cho dỡ nhà dân đánh hỏa công vào những hang động có nhân dân ẩn náu. Nhân dân trong hang động bị khói lửa hun chết rất nhiều. Người nào ra khỏi hang động đều bị giặc giết chết. Phụ nữ, trẻ nhỏ bị chúng bắt làm nô lệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:26:53 pm »


Đàn áp và tàn sát dã man nhân dân ta như vậy, nhưng địch không sao dập tắt được lòng yêu nước của nhân dân ta, không sao dẹp tan hết những phong trào đấu tranh cứu nước của nhân dân ta. Địch đã mất ăn mất ngủ và hao binh tổn tướng rất nhiều để đối phó với phong trào khởi nghĩa của ta. Những sử cũ của đối phương cũng phải thừa nhận rằng: "Lý Bân phải đánh đông dẹp bắc, không một ngày nào được nghỉ ngơi" hoặc "Bân đánh đông đánh tây không xuể" (Minh sử). Bọn xâm lược Minh phải điều thêm quân từ Vân Nam, Tứ Xuyên sang tăng viện cho những lực lượng chiếm đóng của chúng ở Việt Nam và tháng 4 năm 1420 cho thêm tên tả tham tướng Trần Trí sang giúp sức Lý Bân đàn áp phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta. Với những lực lượng được tăng cường, Lý Bân cất đại quân đi đàn áp một phong trào khởi nghĩa lớn ở miền Đông Bắc do Lê Ngã lãnh đạo.

Đây là một cuộc khởi nghĩa có quy mô. Quân số tới vài vạn người. Có địa bàn hoạt động khá rộng. Thiết lập triều chính, có vua có quan và đúc tiền để chi dùng trong nhân dân. Lê Ngã, người lãnh đạo khởi nghĩa, vốn là một gia nô, có chí cứu nước. Ông là người vùng Thủy Đường (thuộc Hải Phòng ngày nay), đổi họ tên là Dương Cung, đã đi nhiều nơi để vận động cứu nước. Khi Trịnh Công Chứng, Phạm Thiện dấy quân đánh giặc thì Lê Ngã cũng lên Đơn Ba mưu đồ khởi nghĩa. Chí lớn của ông được một tù trưởng người Tày là Bế Thuấn, phụ đạo Đơn Ba hưởng ứng và giúp sức. Chỉ trong vòng một tháng, Lê Ngã và Bế Thuấn đã có được vài vạn nghĩa quân. Từ Đơn Ba, nghĩa quân tiến xuống chiếm cứ vùng Yên Bang (ven biển Quảng Ninh) và đóng bản doanh ở trại Hồng Doanh. Khi các lãnh tụ khởi nghĩa như Trịnh Công Chứng, Phạm Thiện, Phạm Ngọc, v.v... đã thất bại thì nghĩa quân của những cuộc khởi nghĩa này đều tham gia phong trào Lê Ngã, nên lực lượng của phong trào Lê Ngã càng lớn mạnh. Lê Ngã xưng vua, định niên hiệu, đặt quan lại, đúc tiền riêng và mở rộng thêm địa bàn hoạt động. Nghĩa quân đã tiến đánh đồn Bình Than và đốt phá thành Xương Giang là những cứ điểm quan trọng của quân Minh tại vùng Hà Bắc ngày nay. Quân Minh nham hiểm, trong khi chưa thể đối phó ngay được với phong trào Lê Ngã, đã xúi giục bọn quý tộc nhà Trần mộ quân chống lại những cuộc nổi dậy của gia nô là những đày tớ cũ của chúng. Tên quý tộc Trần Thiện Lại, người xưa kia đã nuôi Lê Ngã làm gia nô, được đưa ra làm cuộc vận động chống khởi nghĩa của Lê Ngã. Trần Thiện Lại cùng bọn quý tộc cũ nhà Trần tập hợp lực lượng, tổ chức thành một đạo quân, tiến đánh Lê Ngã. Lê Ngã và nghĩa quân phải đối phó với bọn phản động Trần Thiện Lại trong một thời gian, cuối cùng đã đánh tan bọn phản động và giết chết Trần Thiện Lại. Nhưng lực lượng nghĩa quân cũng bị suy giảm. Lợi dụng tình hình đó, Lý Bân đem đại quân, chia mấy đường thủy bộ tiến đánh nghĩa quân. Không đối phó nổi, nghĩa quân bị tan. Lê Ngã và Bế Thuấn đều chạy đi nơi khác, và không rõ tung tích nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:27:24 pm »


Được tin cuộc khởi nghĩa của Lê Ngã đã bị dập tắt, nhưng vẫn lo ngại thế lực và ảnh hưởng của Lê Ngã, triều đình nhà Minh hạ lệnh cho Lý Bân phải bắt cho bằng được Lê Ngã. Lý Bân đã tổn nhiều công sức nhưng không làm được việc đó, tới cuối 1421 phải bắt một người khác, gán cho là Lê Ngã, để giải sang triều đình nhà Minh.

Cuộc khởi nghĩa do Lê Ngã lãnh đạo bị đánh bại vào mùa thu năm 1420, nhưng phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta vẫn còn nhiều. Nguyễn Thuật, Phạm Công Trịnh, Đinh Tôn Lão, Cấn Sư Lỗ, Nguyễn Đa, Nguyễn Gia, Đàm Hưng Bang, Vi Ngũ vẫn hoạt động ở các vùng Thái Bình, Nam Hà, Hà Tây ngày nay. Nguyễn Thuật đã tiến công đồn Hoàng Giang, giết chết tên hữu tham chính địch là Hầu Bảo. Nguyễn Đa thiết lập triều chính, xưng là Khai Thánh vương, có Vi Ngũ làm thái sư, Nguyễn Gia làm tư đồ, Đàm Hưng Bang làm bình chương quân quốc trọng sự. Tại miền núi, nghĩa quân Nông Văn Lịch vẫn hoạt động ở vùng Đông Bắc, nghĩa quân áo đỏ hoạt động mạnh ở vùng Tây Bắc. Lộ Văn Luật và Phan Liêu chạy sang Ai Lao, hợp tác với nhau và liên kết với Ai Lao, mưu đồ trở về nước hoạt động.

Sau khi dẹp tan những cuộc khởi nghĩa tương đối lớn ở miền Bắc, mối lo ngại nhất của quân Minh vẫn là phong trào Lam Sơn, đương có cơ phát triển mạnh tại Thanh Hóa. Cho nên Lý Bân để các tướng đem quân đi tiếp tục đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc, còn chính hắn lo đối phó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Lý Bân dự định cuối năm 1420, đem đại quân vào Thanh Hóa, mở cuộc tiến công mới vào nghĩa quân Lam Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:31:19 pm »


PHONG TRÀO LAM SƠN,
TRUNG TÂM ĐÁNH GIẶC CỦA CẢ NƯỚC,
MỐI LO LỚN NHẤT CỦA QUÂN XÂM LƯỢC


Từ tháng 9 năm 1419, nghĩa quân Lam Sơn có thêm quân đội Ai Lao sang giúp sức, đã tiến xuống hoạt động ở miền Lỗi Giang. Nhưng khi có quân Minh tiến lên thì nghĩa quân lại rút về Mường Thôi. Rồi từ cuối năm 1419 tới gần hết năm 1420 nghĩa quân vẫn luôn luôn hoạt động ở miền Lỗi Giang. Quân Minh ở Tây Đô và Thanh Hóa không sao đàn áp nổi.

Với sự khiển trách và mệnh lệnh của vua Minh "Giặc phản là bọn Phan Liêu, Lễ Lợi, Xa Tam, Nông Văn Lịch đến nay chưa bắt được, thì binh bao giờ mới được nghỉ, dân bao giờ mới được yên? Phải dùng mọi phương lược để chóng dẹp yên"1, bọn Lý Bân quyết định phải tiêu diệt cho bằng được nghĩa quân Lam Sơn, như chúng đã tiêu diệt những phong trào khởi nghĩa tương đối lớn ở miền Bắc. Chúng tổ chức một đạo quân lớn, gồm hơn 10 vạn quân2, do Lý Bân trực tiếp chỉ huy và có tên ngụy quan Cầm Lạn, đồng tri châu Quỳ Châu (nay thuộc Nghệ An) đem ngụy quân đi giúp sức.

Tháng 11 năm 1420, Lý Bân đem đại quân tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn. Mở đầu cuộc tiến công, địch cho một đạo quân từ Tây Đô tiến lên miền bắc Thanh Hóa, đánh vào căn cứ của nghĩa quân ở Mường Thôi. Sau hơn một năm không có giao tranh lớn với địch, và đương lúc sung sức, nghĩa quân Lam Sơn quyết định bắt buộc địch phải bị động đối phó và phải thất bại nặng nề trong mưu đồ phản công của chúng. Nghĩa quân tiến lên bố trí một trận mai phục ở bến Bổng để đón đường địch. Một buổi quá trưa, địch tiến vào giữa trận địa mai phục, nghĩa quân từ bốn phía xông ra đánh giết. Quân địch không kịp trở tay, bị tổn thất nặng nề, phải tháo chạy, bỏ lại rất nhiều xác chết. Nghĩa quân bắt được trên 100 ngựa và thu nhiều vũ khí. Sau chiến thắng, nghĩa quân rút lên Mường Ninh, rồi trở về Mường Thôi.
___________________________________
1. Minh sử, q. 321.
2. Các sách sử như Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử đều ghi đạo quân địch lần này gồm trên 10 vạn người. Chưa rõ có thật đúng không. Nhưng chắc là đạo quân lớn, phải đông hàng vạn, không phải hàng nghìn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:35:30 pm »


Trong khi đó, đạo quân lớn của địch do tổng binh Lý Bân và đô đốc Phương Chính chỉ huy, theo tên ngụy quan Cầm Lạn dẫn đường, đương từ Quỳ Châu theo đường núi tiến lên Mường Thôi. Được tin này, các tướng nghĩa quân là Lý Triện, Phạm Vấn, Lê Lý đem mấy nghìn khinh binh1, tới mai phục sẵn ở Bồ Mộng2, trên đường tiến quân của địch. Khi đại quân của địch tới Bồ Mộng, nghĩa quân từ các vị trí mai phục xông ra đánh phá, tiêu-diệt hơn 3.0003 tên. Quân địch vẫn tiến. Nghĩa quân ở Mường Thôi cho bố trí sẵn một trận phục kích mới ở Bồ Thi Lang để chặn đánh địch. Trận mai phục Bồ Thi Lang đã giết thêm hơn 1.000 địch, buộc chúng phải bỏ dở cuộc phản công lớn này. Địch càng tiến càng thấy vùng núi rừng tây bắc Thanh Hóa là vô cùng hiểm trở, đi sâu vào đó chỉ là đi sâu vào chỗ chết, nên sau hai lần thất bại ở Bồ Mộng và Bồ Thi Lang, quân địch khiếp sợ không dám tiến quân hơn nữa và phải rút về Tây Đô. Nghĩa quân đem toàn lực truy kích. Địch tuy đông hàng vạn, nhưng cả tướng lẫn quân, cả Lý Bân lẫn Phương Chính đều phải cắm đầu chạy để "thoát lấy thân"4. Nghĩa quân thừa thắng đuổi đánh sáu ngày đêm liền.

Nhân đà thắng lợi to lớn đó, tháng 12 năm 1420, Lê Lợi và toàn thể nghĩa quân tiến xuống Lỗi Giang, đóng đại bản doanh tại Ba Lẫm. Quân Minh ở trong vùng này phải rút về đóng đồn ở Quan Du5 để cố thủ. Nghĩa quân nhiều lần tới khiêu chiến, địch không dám ra khỏi đồn. Nghĩa quân quyết định đánh đồn Quan Du. Một trận tập kích mãnh liệt do các tướng Lê Sát, Lê Hào chỉ huy, đã tiêu diệt đồn này, chém chết hơn 1.000 tên địch và thu nhiều khí giới. Bọn tàn quân Minh phải bỏ Quan Du chạy về Tây Đô.
_________________________________________
1, 3. Những con số hàng nghìn đây là theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí. Theo Lam Sơn thực lục số địch chết chỉ là mấy trăm. Con số hàng nghìn có lý hơn. Giặc đông hàng chục vạn quân, nêu chỉ chết mấy trăm hoặc một vài nghìn tất cả, thì không thể chúng phải bỏ dở cuộc hành quân để tháo chạy.
2. Bồ Mộng có thể là núi Mộng, tức Mộng Sơn, ở tả ngạn sông Mã, trên đường từ Cẩm Thủy lên Quan Hóa.
4. Lam Sơn thực lụcĐại Việt sử ký toàn thư.
5. Quan Du là Hồi Xuân ngày nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2016, 09:40:00 pm »


Từ sau chiến thắng Quan Du, thanh thế nghĩa quân Lam Sơn càng vang dội khắp nơi. Lê Lợi truyền hịch chiêu phủ nhân dân các miền trong nước, đâu đâu cũng nhiệt liệt hưởng ứng. Trong dịp này, nhiều người yêu nước ở các miền khác, xa Thanh Hóa, đã tìm tới Lỗi Giang để tham gia hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn. Có thể thời kỳ này cũng là thời kỳ Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Theo sử sách và những ghi chép của Lê Thánh Tôn và Trần Khắc Kiệm, là hai người sống gần thời đại Nguyễn Trãi, có quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi1, thì Nguyễn Trãi đã tìm tới nghĩa quân Lam Sơn, tại bản doanh của Lê Lợi ở Lỗi Giang2, và Nguyễn Trãi đã được trọng dụng. Từ đây, đứng trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi sẽ đem hết sức mình ra chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc, dần dần trở thành một lãnh tụ lỗi lạc của phong trào, đứng bên cạnh Lê Lợi và cùng Lê Lợi lãnh đạo công cuộc đánh giặc cứu nước của nhân dân đến toàn thắng.

Có thể cũng trong thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở Lỗi Giang, các đội quân Ai Lao sang giúp nghĩa quân từ trước cũng rút hết về nước. Vì từ khoảng giữa năm 1420, sau khi thất bại, Lộ Văn Luật chạy sang trú ngụ ở Ai Lao đã tìm cách tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Ai Lao để mưu đồ trở về nước tiếp tục hoạt động. Nhận lời giúp đỡ Lộ Văn Luật, Ai Lao thôi không viện trợ và cũng không giao thiệp với nghĩa quân Lam Sơn nữa.

Trước khí thế mạnh mẽ của nghĩa quân Lam Sơn và sau những thất bại liên tiếp trong hai tháng cuối năm 1420, quân Minh thấy cần phải có thời gian tăng cường lực lượng mới mong áp đảo được nghĩa quân. Mặt khác, vì trong cả mùa hè và mùa thu năm 1421, có lụt lớn do nước sông Hồng và sông Đáy tràn ngập, chúng gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, về lương thực, về chuyển quân, nên trong gần cả năm 1421, quân Minh đã tránh mọi cuộc giao chiến, đụng độ với nghĩa quân Lam Sơn, để có điều kiện chuẩn bị một cuộc phản công mới. Đồng thời chúng tìm cách đe dọa và bắt buộc Lão Qua phải đem quân phối hợp với chúng, tham gia vào những cuộc tiến công nghĩa quân Lam Sơn, kẻ đánh trước mặt kẻ đánh sau lưng nhằm tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn. Về sự có mặt của quân Lão Qua trên chiến trường Thanh Hóa chống nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày sau này, Minh sử (quyển 321) ghi: "Mùa thu năm sau (năm Vĩnh Lạc 19, tức 1421) giặc bị dẹp hết, chỉ còn Lê Lợi là chưa dẹp được... Bân tâu rằng Lợi trốn sang Lão Qua. Lão Qua xin quan quân đừng vào đất họ. Họ xin đem hết binh của họ bắt Lợi, nhưng đến nay lâu rồi mà vẫn không thấy gì. Vua (vua Minh) ngờ Lão Qua giấu giặc, hạ lệnh cho Bân đưa sứ thần của họ đến kinh để cật vấn. Lão Qua bèn đuổi Lợi". Lão Qua bị nhà Minh khống chế từ lâu và đặt thành "Lão Qua tuyên úy ty" từ năm 1405, coi Lão Qua như một bộ phận đất đai của nước Minh. Lý Bân đánh lâu không thắng được Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, phải tâu đối về triều là Lê Lợi trốn sang Lão Qua, vừa để tránh quở trách, vừa để có cớ đe dọa và buộc Lão Qua đem quân giúp Lý Bân.
_______________________________________
1. Lê Thánh Tôn lên làm vua năm 1460, tức 18 năm sau khi Nguyễn Trãi mất. Năm 1464, Lê Thánh Tôn truy tặng Nguyễn Trãi tước Tán trù bá và bổ Nguyễn Anh Vũ, một người con còn sống sót của Nguyễn Trãi, làm tri huyện. Năm 1467, Lê Thánh Tôn hạ lệnh sưu tầm hết thảy thơ văn của Nguyễn Trãi và trao trách nhiệm cho Trần Khắc Kiệm. Trần Khác Kiệm đã làm công việc sưu tầm này trong 13 năm, tới đầu năm 1480 thì bộ Ức Trai thi tập, tức tập thơ của Ức Trai Nguyễn Trãi, do Trần Khắc Kiệm sưu tầm, được hoàn thành.
2. Lê Thánh Tôn làm bài thơ Minh lương, khen Nguyễn Trãi, và tự tay chú thích rằng Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang. Trong bài tựa bộ Ức Trai thi tập, Trần Khắc Kiệm cũng viết: Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang. Sử sách các đời sau, như Kiến văn tiểu lụcToàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Việt sử thông giám cương mục của các sử thần triều Nguyễn, cũng đều ghi chép Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang, về việc Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, đề nghị tham khảo thêm bài nghiên cứu của Nguyễn Lương Bích "Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ bao giờ?" đăng trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 98, tháng 5 năm 1967.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM