Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:34:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90329 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #230 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 11:03:55 pm »


Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi không những đánh dấu những bất công đó mà còn phản ánh thái độ của Nguyễn Trãi trước những bất công đó. Để kết luận cho cuốn sách, Nguyễn Trãi đã làm lời tổng kết của Lê Lợi trong đó có những đoạn, ông gián tiếp phê phán và nhắc nhở Lê Lợi nên tránh những sai lầm đã mắc phải. Trong phần kết luận Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi nói thẳng:

"Thà người phụ ta chứ ta không phụ người...
Không lấy việc nhỏ mà hại việc lớn, không lấy nhìn gần mà lãng nhìn xa. Trong khoảng vua tôi, lấy nghĩa lớn mà xử với nhau, thân nhau như ruột thịt, không hiềm gì, không ngờ gì...
Phải coi chừng mối họa loạn, có khi do yên ổn mà nên. Phải đón ngăn ý kiêu xa, có khi do sung sướng mà đến. Tất phải như thế thì sau này ngõ hầu mới khá"
1.

Nguyễn Trãi đã nói những lời rất hay và rất đúng, Lê Lợi không thể bác bỏ những lời nói đó. Muốn là vua hiền, muốn thu phục nhân tâm, thì phải làm như thế, phải nói những lời như thế, phải khuyên nhủ thần dân những điều như thế.

Có thể Nguyễn Trãi còn nhiều lần gián tiếp phê phán, nhắc nhở Lê Lợi như thế mà sử sách không ghi lại được. Và có thể những lời phê phán nhắc nhở đó của Nguyễn Trãi cùng dư luận của nhân dân trong nước về việc giết hai công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, đã có một tác động nhất định tới tư tưởng và thái độ của Lê Lợi, làm cho Lê Lợi dần dần thấy được sai lầm của mình. Ít lâu sau khi giết Phạm Văn Xảo, Lê Lợi đã cách chức bọn Lê Quốc Khí, đuổi về không cho làm quan. Và Lê Lợi còn cho làm chiếu chỉ căn dặn triều thần là:

"... bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Lê Đức Dư tuy có tài, nhưng không nên dùng lại. Thần hạ có kẻ mưu phản nghịch cần phải tố cáo thì cũng không cho bọn này được tố cáo”2.

Những điều căn dặn trong chiếu chỉ đó cho thấy Lê Lợi đã thật sự hối hận về việc quá nghe lời gièm pha vu cáo của bọn gian thần để giết chết hai công thần Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Như thế, sự kiên trì đấu tranh của Nguyễn Trãi để bảo vệ công lý xã hội, chống những thói hư tật xấu, những hành động bỉ ổi của bọn triều thần quan lại không phải là hoàn toàn phí công vô ích. Và Lê Lợi trong một chừng mực nào đó đã nghe theo lẽ phải cũng là điều rất đáng hoan nghênh.
_______________________________________
1. Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 83.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #231 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 11:07:00 pm »


Tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Lợi thấy mình ốm nặng, nên chuẩn bị trước người nối ngôi vua. Ông quyết định truất quyền làm vua của con cả là quốc vương Tư Tề và trao quyền nối ngôi vua cho con thứ Nguyên Long khi ấy mới lên 10 tuổi. Lê Lợi gia phong tướng Lê Sát làm đại tư đồ, cầm quyền phụ chính, giúp vua nhỏ điều khiển việc nước.

Trước việc phế truất này, Nguyễn Trãi không làm sao khác được. Vì đó là ý chỉ của nhà vua, chống lại ý vua là mang tội. Tuy nhiên, trong bài chiếu truyền ngôi cho Nguyên Long, Nguyễn Trãi đã mượn lời nhà vua, vừa giáo dục thái tử, vừa gián tiếp nhắc nhở, phê phán việc làm của Lê Lợi. Trong bài chiếu, có những đoạn ông viết:

"Xưa kia ta gặp thời táng loạn, dựng nghiệp khó khăn hơn hai chục năm mới nên nghiệp lớn. Tình dân đau khổ đều được tỏ tường, đường đời gian nan cũng đã từng trải. Thế mà đến lúc trị dân, tình ngay dối còn có điều khó rõ, việc nghi nan còn có chỗ chưa phân, đạo làm vua há chẳng khó sao! Phương chi con lấy tư chất non dại, nối cơ nghiệp gian nan, kiến văn còn cạn nông, tư lự chưa chu đáo, phải hết lòng kính cẩn, để bụng sợ lo. Thờ trời đất phải nghĩ hết thành; thờ tôn miếu phải nghĩ hết hiếu. Cùng anh em phải thân mến, đối tôn tộc phải thuận hòa. Cả đến coi trăm quan, trị muôn dân, không việc gì là không lo hết đạo. Chớ biến đổi thành pháp của tiên vương; đừng lãng quên cách ngôn của tiền triết...

Chớ nghe sàm nịnh mà bỏ lời trung trực; chớ dùng tân tiến mà bỏ kẻ cựu thần...

Ở cảnh yên vui, nghĩ đến nghiệp gian nan từ ngày trước; hưởng điều sung sướng, nghĩ đến công tích lũy của tổ tông. Phải cẩn thận lúc trước để tính lúc sau; phải làm nên việc lớn từ ở việc nhỏ. Phải hiểu chí trước mới giữ được nghiệp trước; phải thuận lòng trời mới hợp được lòng người..."
1.

Trong bài "Hậu tự huấn" làm riêng để răn bảo thái tử, Nguyễn Trãi cũng nhấn mạnh những điều đó. Tuy tình thế có nhiều khó khăn, Nguyễn Trãi vẫn tranh thủ những dịp có thể có được để nói lên tư tưởng dân chủ của mình trong mọi việc dân việc nước. Trong "Hậu tự huấn", ông căn dặn kẻ làm vua:

"... Phàm những phép giữ nước cầm quân, những phương giữ mình trị nước, thi hành nên cố sức, chăm chỉ chớ ham vui. Hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái; thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân. Chớ thưởng bậy vì tư ân, chớ phạt bừa vì tư nộ...

Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung, dùng theo thường điển, ngõ hầu trên có thể đáp thiên tâm, dưới có thể thỏa nhân vọng, thì quốc gia mới được yên vững lâu dài. Nếu con cậy mình sáng suốt, dùng người yêu riêng, quan của ta thì ruồng bỏ, chính của ta thì đổi thay, gia pháp thì không tuân, chí thân thì phế khí, xa người trung trực, gần bọn xiểm du, chỉ điều khoái chí thì làm, chỉ trò ngoạn mục thì chuốc, chẳng theo đức cần kiệm, chẳng nghĩ công gian nan, thì như cổ nhân đã nói: "Cha đã sắp đặt làm nhà mà con chẳng chịu đắp nền dựng cột; cha đã siêng chăm cày ruộng mà con không chịu gieo giống gặt mùa", sao thành được chí ta, nối được nghiệp ta, mà truyền nối về sau mãi mãi. Vả lại mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân, giúp người có đức là trời, mà khó tin và không thường cũng là trời. Tuy Thuấn Vũ Thang Văn là bậc thánh, mà còn nau náu nơm nớp, tiết kiệm siêng năng, run sợ lo âu, giữ gìn cung cẩn, những việc kính trời chăm dân, không dám khinh suất chút nào, huống là những người ở dưới các bậc ấy ư?..."
2.
____________________________________
1. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 139-140.
2. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 141.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #232 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 11:07:38 pm »


Nguyễn Trãi đã nói nhân nghĩa một cách không mệt mỏi. Nguyễn Trãi thẳng thắn và dũng cảm nói ra những điều mà bọn vua chúa cần phải làm, những đạo đức, tình cảm, tác phong mà bọn vua chúa cần phải có, để làm lợi cho dân cho nước. Lúc nào và trong mọi hoàn cảnh, Nguyễn Trãi đều tỏ ra là người hết lòng với dân, với nước. Và ông cũng thật hết lòng với cơ nghiệp nhà Lê. Nhưng các vua chúa nhà Lê, vì bản chất và quyền lợi giai cấp của họ, họ đã không hết lòng nghe theo ông.

Sau khi hạ chiếu truyền ngôi cho Nguyên Long được chừng một tháng thì Lê Lợi mất. Nguyễn Trãi được triều thần ủy nhiệm làm bài văn bia đặt tại Vĩnh Lăng, nơi an táng Lê Lợi.

Nguyễn Trãi và Lê Lợi là hai người bạn chiến đấu tương đắc nhất và là hai lãnh tụ quan trọng nhất của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nguyễn Trãi trước sau vẫn một niềm tôn quý tấm lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm hy sinh của Lê Lợi, đã đấu tranh quên mình vì nền độc lập của Tổ quốc. Cho tới khi Lê Lợi mất, Nguyễn Trãi vẫn đánh giá rất cao sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang của Lê Lợi. Ông đã để gần hết cả bài văn bia để kể lại và ca ngợi công lao mười năm đánh thắng quân Minh của Lê Lợi. Nguyễn Trãi nhất trí với dân tộc, đã ghi công tới muôn đời sau, sự nghiệp cứu nước vĩ đại của người anh hùng dân tộc vĩ đại vùng Lam Sơn. Sự nghiệp đó, như Nguyễn Trãi đã nói:

      Cắng thiên cổ dữ vạn cổ hề, đồng thiên địa nhi trường cửu
                                                                               (Chí Linh sơn phú)
      (Ngàn vạn đời sau, vẫn cùng trời đất dài lâu)

Nguyễn Trãi ca ngợi rất nhiều 10 năm đánh giặc cứu nước của Lê Lợi, nhưng nói rất ít về 6 năm làm vua trị nước của Lê Lợi. Ông đã đánh giá đúng đắn sự nghiệp của Lê Lợi và ghi công lao của Lê Lợi một cách nghiêm túc, không quá mức và cũng không khắt khe.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #233 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:46:38 am »


*
*  *

Lê Lợi mất, Lê Thái Tôn, tức Nguyên Long lên làm vua, mới 10 tuổi. Lê Sát làm phụ chính, nhân danh nhà vua cầm quyền trị nước. Nguyễn Trãi tuy không ở chức vụ cao, nhưng có đức vọng lớn, được Lê Sát và các bạn chiến đấu cũ nể vì, nên ông vẫn giúp ích được cho triều chính mới trong một chừng mực nhất định.

Lê Sát là một tướng lĩnh giỏi, một người yêu nước, lại được sự giúp đỡ của Nguyễn Trãi và nhiều tướng lĩnh cũ của phong trào Lam Sơn, nên trong hơn 3 năm làm phụ chính, Lê Sát đã cùng triều thần làm được một số việc tốt. Miền biên cương được yên tĩnh, nền thống nhất của nước nhà ngày càng được củng cố. Các thủ lĩnh địa phương đều hướng về triều đình trung ương: khối đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc. Đèo Mạnh Vượng, con Đèo Cát Hãn ở châu Ninh Viễn, vào chầu được phong làm nhập nội tư mã tước quan phục hầu và được thay cha đã chết, coi quản việc quân dân châu Ninh Viễn, Cầm Công thủ lĩnh Mường Việt, Nguyễn Khải thủ lĩnh châu Mông Ân, Đào Lộc ở trấn Quy Hóa, Đạo Lại con Đinh Quế ở Mường Phù, Đạo Miện ở châu Nam Mã, tù trưởng Bồn Man, v.v..., trước kia chưa có quan hệ chặt chẽ với nhà Lê, nay đều vào chầu và đều được phong quan chức trọng hậu.

Về đối ngoại, giữ vững quan hệ giao hảo với nhà Minh. Quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng như Ai Lao, Lão Qua... được tăng cường. Có những dân tộc, những nước trước kia ít quan hệ với Việt Nam đều cho người tới triều cống, như La-la-tư (tức Lô Lô) ở tây nam nước Minh, Trảo Oa (Ja-va) và Xiêm La (Thái Lan).

Về nội trị, đẩy mạnh sự phát triển giáo dục trong nhân dân, tổ chức thi kiểm tra học sinh ở các lộ, tuyển học sinh vào trường Quốc tử giám ở kinh đô, đặt chế độ thi tiến sĩ, định thể lệ thi hương, thi hội đều đặn, thường kỳ, tổ chức thi giáo chức, thi thuộc lại, thi võ nghệ, v.v...

Đời sống nhân dân cũng được chú ý: nhiều lần giảm thuế và miễn thuế cho nhân dân; cho quân vét sông Đông Ngàn (tức sông Đuống) để việc vận chuyển, thông thương được thuận tiện.

Nhưng về nội trị, quan xấu, quan tốt vẫn là vấn đề mà những người cầm quyền trị nước của nhà Lê phải quan tâm. Ngay từ khi Lê Thái Tôn lên ngôi vua, Lê Sát đã cho làm chiếu cầu hiền. Tháng 2 năm 1434, Lê Sát lại cho làm sắc dụ nhắc nhở việc đó, trong có câu:

"Mới rồi, cầu người hiền để giúp việc trị nước, có lệnh cho mọi người tiến cử người mình biết, nay đã lâu rồi mà chưa có ai ứng mệnh tiến cử một người nào để đáp lại lòng trẫm là cớ làm sao"1.

Vẫn không có sự hưởng ứng thích đáng. Trái lại, thấy vua còn nhỏ tuổi, tuy có tể tướng làm phụ chính, nhưng quyền phụ chính không bằng quyền vua, trong hàng ngũ quan liêu lại nảy nở nhiều tên sâu mọt, hại cho dân cho nước. Nguyễn Trãi đã nghiêm khắc phê phán bọn quan lại sâu mọt đó.
________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 80.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #234 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:48:50 am »


Năm 1434, năm đầu đời Thái Tôn, đương có đại hạn, nhân dân đói khổ. Tháng 6 năm đó, có việc sứ ta sang giao hảo và cầu phong với nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi làm bài biểu tấu gửi cho vua Minh. Hai quan lại tại triều là nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ Lê Cảnh Xước đòi sửa đổi mấy chữ trong bài biểu. Đây là hai tên quan chuyên bóp nặn dân để xu phụ quan trên. Tiện dịp, Nguyễn Trãi mắng chúng: "Bọn các ngươi là hạng bầy tôi chuyên đánh thuế nặng vào đầu dân để làm giàu cho kẻ trên. Nạn hạn hán ngày nay là do bọn các ngươi gây nên"1. Bọn Nguyễn Thúc Huệ, Lê Cảnh Xước không dám nói gì, ngầm gièm pha, vu cáo với Lê Sát.

Nhưng đạo đức của Nguyễn Trãi trong sáng, lời nói của ông cương nghị, Lê Sát không dám làm khác. Bài biểu tấu vẫn phải để nguyên như Nguyễn Trãi đã viết không ai dám chữa một chữ.

Tệ nạn tham nhũng, lười biếng, coi thường phép nước của các quan lại có chiều phát triển khiến phụ chính Lê Sát rất lo ngại. Giữa năm 1435, Lê Sát phải cho làm sắc dụ cảnh cáo các quan văn võ trong kinh và ngoài các lộ như sau:

"Nay bọn ngươi không giữ phép công, người giữ tiền bạc sổ sách trong nước thì để chậm trễ làm khó dễ, thuế đáng thu hay đáng tha, không chịu phê tâu dứt khoát, đến nỗi hại dân. Người quản quân thì không nghĩ đến sự đau khổ của dân, mượn đồ để dùng đều bỏ tản mát bừa bãi, đến nỗi hỏng, mất, đến khi có việc lại đòi mượn nữa. Còn như quản dân thì vụ lợi riêng, không lo chăn nuôi, hoặc tha cho người giàu, chỉ sai người nghèo, mua gỗ để làm nhà, xử kiện không công bằng, chỉ bè đảng và hối lộ, làm việc thì không chăm chỉ, chỉ uống rượu và ăn tiệc. Lại như các quan ở phiên trấn, quan ải, hoặc có người lạ mặt qua lại, thì sơ hở để trốn thoát, không chịu để lòng xét để bắt, chỉ mưu việc buôn bán làm lợi cho mình.

Các khanh cùng hưởng lộc trời trị dân mà làm như thế, không trái với lòng trời ư? Chớ lấy lời nói của trẫm làm lời nói suông. Nếu người nào biết hết lòng hết sức đổi việc làm trước mà theo đường phải, dốc trung ái, yêu quân dân, hòa mục với đồng liêu, công bằng trong xét kiện, khuyên việc nông tang, dẹp yên trộm cướp, cố giữ liêm khiết thì thân mình được vinh, nhà mình được hiển, phúc đến con cháu. Người nào không tuân theo tức là tự chuốc lấy tội"
2.
____________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 105.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #235 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:53:06 am »


Trong khi Nguyễn Trãi và Lê Sát đang tập trung cố gắng bài trừ nạn quan tham lại nhũng thì ông vua nhỏ tuổi Lê Thái Tôn lại có chiều hướng trở thành một ông vua xấu. Cả ngày chỉ chơi đùa, nghịch ngợm, bỡn cợt sã suồng với những kẻ hầu cận ở trong cung, Lê Thái Tôn không chịu học tập, không chịu nghe lời khuyên bảo của một ai, khinh nhờn quở mắng cả mẫu sư1, cự tuyệt sự răn dạy của các thái phi2, chỉ nghe theo bọn hoạn quan, hầu cận trong cung xu nịnh, lôi cuốn đi vào những hành động sai trái, tội lỗi.

Để có thể ngăn chặn chiều hướng phát triển xấu đó và giúp đỡ nhà vua học tập, khoảng đầu năm 1435, Lê Sát nhân danh phụ chính của nhà vua, cùng các đại thần làm tờ tâu xin cử hành khiển thừa chỉ Nguyễn Trãi cùng với 6 văn thần và vài ba đại thần, chia phiên nhau vào tòa Kính diên giảng sách để vua học tập. Nhưng vua cho hoạn quan đem trả lại tờ tâu không nhận. Đáp lại thái độ của nhà vua Lê Sát và các đại thần cáo ốm, không vào chầu.

Lê Thái Tôn vẫn nghịch ngợm rông rỡ. Thấy vậy, một số đại thần làm tờ tâu cương quyết vạch rõ những sai lầm của Lê Thái Tôn và tha thiết khuyên răn nhà vua. Sử cũ ghi rằng sau những lần khuyên răn như trên "nhà vua có ý nghe ra"3. Nhưng Lê Thái Tôn vẫn không nhận để Nguyễn Trãi và các nho thần vào giảng dạy trong tòa Kính diên.

Tuy không đưa được người vào trực tiếp dạy Lê Thái Tôn học tập, nhưng có lẽ nhân dịp "nhà vua nghe ra" như thế, triều thần đã đưa được bà Nguyễn Thị Lộ4, vợ hành khiển Nguyễn Trãi, vào làm Lễ nghi học sĩ ở trong cung. Lễ nghi học sĩ là một chức nữ quan vào cung làm nhiệm vụ dạy lễ nghi cho cung nhân, tức là dạy dỗ cho hàng trăm cung nhân trong hậu cung những cách thức, phép tắc phục vụ, hầu hạ, đối xử với nhà vua và các người trong hoàng gia, bắt buộc họ vào những khuôn phép nhất định. Có thể bà Nguyễn Thị Lộ đồng thời làm cả nhiệm vụ thay bà mẫu sư cũ để săn sóc và giúp thêm vào việc dạy dỗ nhà vua. Như thế, tức là bà Nguyễn Thị Lộ có thể thay mặt triều đình trực tiếp giám sát, hạn chế, ngăn chặn bớt những hành động buông tuồng của nhà vua và thái độ suồng sã của bọn cung nhân và hoạn quan ở trong hậu cung. Trong khi ông vua nhỏ tuổi đương phát triển theo một chiều hướng rất xấu, không chịu ai, không sợ ai, không nghe ai, từ chối sự dạy dỗ của những bề trên ruột thịt, gạt bỏ mọi lời khuyên răn của các đại thần, mà đưa được bà Nguyễn Thị Lộ vào làm Lễ nghi học sĩ ở trong cung, là một thắng lợi đáng kể của triều đình đối với việc giáo dưỡng Lê Thái Tôn, và bà Nguyễn Thị Lộ đảm đương được nhiệm vụ khó khăn và tế nhị này là làm một việc có một tầm quan trọng về chính trị trong thời bấy giờ.
__________________________________
1. Mẫu sư có nghĩa như bà giáo, làm nhiệm vụ dạy dỗ, săn sóc vua nhỏ. Người mẫu sư này do vua cha lựa chọn và chỉ định từ trước, nhưng Lê Thái Tôn coi khinh và lấy quyền là vua quở mắng luôn.
2. Thái phi là các bà phi, vợ thứ của Lê Lợi, mẹ kế của Lê Thái Tôn.
3. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. IX, tr. 54.
4. Nguyễn Thị Lộ là vợ thứ Nguyễn Trãi, quê ở Hải Triều, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Việc bà Nguyễn Thị Lộ vào cung làm Lễ nghi học sĩ từ bao giờ và trong trường hợp nào, sử cũ không ghi cụ thể. Dựa vào câu chuyện hoang đường đặt ra để bào chữa cho bọn phong kiến đã giết chết Nguyễn Trãi và gia đình ông, sử cũ chỉ ghi mơ hồ rằng: "Trước kia (tức là khi Lê Thái Tôn chưa chết - N.L.B. chú) vua nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, vợ thừa chỉ Nguyễn Trãi, người đẹp mà hay chữ, liền vời vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh". Qua những ghi chép đó ta tin rằng việc bà Nguyễn Thị Lộ vào cung làm Lễ nghi học sĩ là có thật. Chắc chắn bà là người có kiến thức, có đạo đức, đảm đang, lịch thiệp, mới làm được nhiệm vụ ấy. Khi vào làm Lễ nghi học sĩ, chắc bà Lộ đã đứng tuổi. Vì chỉ đứng tuổi, bằng tuổi cha mẹ của các cung nữ thì mới có đủ uy tín để dạy bảo, thuyết phục mấy trăm cung nữ nghe theo mình. Họ có những chủ trực tiếp của họ là ông vua, là các bà hoàng, bà chúa, bà phi, có quyền thế hơn mình, nếu không có tuổi tác và uy tín thì không thể bảo ban họ và khép họ vào khuôn phép được. Tuổi bà lúc ấy phải gấp 3, gấp 4 lần tuổi ông vua nhỏ Lê Thái Tôn. Còn Lê Thái Tôn, mới hơn 10 tuổi, chưa biết thế nào là hay chữ, mà vời bà vào cung, vả lại lười học, ham chơi, thiết gì tìm Lễ nghi học sĩ, lại càng không muốn có một người bằng tuổi cha mẹ mình vào trong hậu cung để can thiệp vào lối sống của mình, hàng ngày giám sát sự tiếp xúc của mình với hoạn quan, cung nữ. Cho nên việc bà Lộ vào làm việc trong cung, phải là do triều thần yêu cầu và tiến cử, chứ không phải là do Lê Thái Tôn tự mời. Đối với một ông vua trẻ con, lười học, ham chơi, ương bướng như Lê Thái Tôn, triều thần muốn làm việc tiến cử này, thì phải chọn dịp thuận tiện nhất, khiến Lê Thái Tôn không từ chối. Năm 1435 có thể là năm có nhiều thuận tiện để bà Nguyễn Thị Lộ vào làm Lễ nghi học sĩ ở trong cung.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #236 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:21:41 pm »


Về phía Nguyễn Trãi, tuy ông không vào tòa Kính diên để trực tiếp dạy vua học, nhưng từ đây, ông cũng tranh thủ mọi cơ hội có thể có được để giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức và kiến thức cho Lê Thái Tôn. Và Lê Thái Tôn từ đây cũng chú ý học hỏi ở Nguyễn Trãi điều này điều khác, bớt biếng nhác, ương bướng hơn trước. Trong năm 1435, việc làm đáng chú ý nhất của Nguyễn Trãi đối với việc giáo dục Lê Thái Tôn là ông đã viết cuốn Dư địa chí để dạy cho ông vua nhỏ mới 12 tuổi này hiểu biết non sông đất nước giàu đẹp, mà ông ta được làm chủ trên tất cả mọi người, là như thế nào. Tổ quốc gấm vóc đó, với nền văn hiến lâu đời và nền độc lập bền vững tự xa xưa, là do nhân dân ở các đời đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu để xây dựng nên. Người sau được thừa hưởng những di sản quý báu đó, phải ra sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc để đền đáp những công lao to lớn đó của tổ tiên. Tuy là sách địa lý, nhưng ý nghĩa chính trị và nội dung tư tưởng của sách rất hay, nhất là ở thời đại cách đây hơn 500 năm. Dư địa chí là một cuốn sách địa lý ngắn gọn vừa với trình độ học tập của những trẻ nhỏ khoảng mười tuổi, nhưng sách cũng đề cập tới đầy đủ mọi mặt: địa lý lịch sử, địa lý chính trị, địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, địa lý nhân văn. Cho nên Dư địa chí là một cuốn sách quý để người các thời trước tra cứu, tìm hiểu về địa lý nước nhà.

Trong những khi bàn việc triều đình, Nguyễn Trãi cũng thường chú ý những dịp thuận tiện để giáo dục tư tưởng cho Lê Thái Tôn. Như có lần có 7 tên can tội tái phạm ăn trộm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật xử tử. Lê Sát thấy giết nhiều người quá, lòng do dự, đưa ra bàn tại triều đình. Lê Thái Tôn hỏi ý kiến thừa chỉ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi khẳng định:

"Hình phạt không bằng nhân nghĩa, điều đó đã rõ lắm. Nay một lúc giết bảy mạng người, sợ không phải là việc làm có đức tốt. Kinh Thư có câu "An nhữ chỉ” nghĩa là ở yên đúng chỗ. Sách Truyện có câu "Tri chỉ nhi hậu hữu định", nghĩa là biết chỗ đúng rồi sau mới định. Thí dụ như trong cung là đúng chỗ ở yên của bệ hạ, thỉnh thoảng đi tuần du nơi khác, nhưng không thể ở yên mãi tại đó, chỉ khi trở về cung mới lại là đúng chỗ ở yên. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng thế, phải để lòng vào nhân nghĩa, phải lấy nhân nghĩa làm đúng chỗ ở yên. Tuy có khi ra vào giận dữ, nhưng không thể lâu được…”1

Ý kiến của Nguyễn Trãi được chú ý. Sự việc được giải quyết nhân đạo, trong số 7 tên tội phạm, chỉ chém hai tên cầm đầu, còn thì khép vào tội lưu.
__________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #237 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:22:13 pm »


Từ năm 1437, tuy mới 14 tuổi, Lê Thái Tôn bắt đầu muốn làm ông vua thật sự, muốn thâu tóm mọi quyền hành vào trong tay và bắt đầu sử dụng rộng rãi bọn hoạn quan hầu cận để làm mọi việc theo ý muốn của mình.

Đầu năm 1437, Lê Thái Tôn bắt đầu giao cho hoạn quan làm việc triều đình. Ông vua nhỏ ấy giao cho hoạn quan Lương Đăng cùng hành khiển Nguyễn Trãi trông nom công việc làm xe loan, làm nhạc cụ, dạy tập nhạc và múa. Một người có tài kinh bang tế thế, giỏi chăm dân trị nước như Nguyễn Trãi mà chỉ để làm như vậy, thật uổng tài sức. Nhưng Nguyễn Trãi vẫn vui lòng nhận. Ông tranh thủ thời cơ để nói về nguyên lý của nhạc và khuyên vua phải lo đến đời sống của nhân dân, vì hòa bình hạnh phúc của nhân dân là gốc của nhạc, không có cái gốc ấy không thể có nhạc hay. Ông nói với Lê Thái Tôn:

"Dẹp loạn dùng võ, thái bình dùng văn. Ngày nay chế định lễ nhạc chính là đúng lúc. Nhưng cội gốc nếu không vững thì lễ nhạc không dựa vào đâu mà đứng được; văn hiến nếu không có thì lễ nhạc không bởi đâu mà thực hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Tôi vâng theo chiếu chỉ, thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng; ngặt vì học thức kém cỏi, khó lòng điều hòa được luật điệu âm nhạc là môn thần diệu tinh vi. Xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng nhân dân để nơi làng mạc nông thôn không còn có tiếng sầu than oán giận. Như thế mới không làm mất cái gốc của nhạc vậy"1.

Nhưng trong việc này, Nguyễn Trãi không thể cùng làm với Lương Đăng- Vì Lương Đăng là một tên hoạn quan tuy có biết chữ chút ít, nhưng là kẻ xu phụ, nịnh hót, được vua tin dùng và nghe theo. Cho nên Nguyễn Trãi phải xin thôi, và nói với Lê Thái Tôn:

"Mới rồi tôi cùng với Lương Đăng sửa định nhã nhạc; nhưng sở kiến của tôi không giống sở kiến của Lương Đăng, vậy xin trả lại mệnh".

Lê Thái Tôn chấp nhận đề nghị của Nguyễn Trãi mà vẫn tin dùng và trao trách nhiệm cho tên hoạn quan Lương Đăng2.

Nhưng việc không dùng Nguyễn Trãi chưa phải là việc quan trọng, nó chỉ là một việc mở màn cho một thời kỳ mà nhiều trọng thần văn võ bị loại bỏ, nhiều công thần khai quốc bị giết chết, bị tù đày, bị cách chức, giáng chức vì những lộng hành, vu hãm của bọn hoạn quan và bọn phi tần trong hậu cung.
___________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục.
2. Nguyễn Trãi không làm nhã nhạc theo chỉ định của Lê Thái Tôn, nhưng ông đã soạn một số sách về lễ nhạc như Thạch khánh đồ (Bản đồ vẽ khánh đá dùng trong lễ nhạc) và Giao tự đại lễ. Những sách này hiện nay không còn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #238 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:22:51 pm »


Tháng 7 năm 1437, tức một tháng sau khi Nguyễn Trãi phải thôi việc làm nhã nhạc, đến lượt tể tướng phụ chính Lê Sát bị cách chức và một tháng sau bị giết. Vợ con bị sung công làm nô tỳ. Ruộng đất bị tịch thu, của cải, đồ dùng bị đem chia cho các quan lại. Một con gái của Lê Sát là Ngọc Dao, làm nguyên phi, tức vợ cả Lê Thái Tôn, chắc khoảng 13, 14 tuổi, chạc tuổi Lê Thái Tôn, bị phế làm dân thường. Con rể Lê Sát bị đày ra châu xa. Nhiều quan lại bị coi là vây cánh của Lê Sát đều phải tội.

Ba tháng sau, tức tháng 12 năm 1437, đại đô đốc Lê Ngân, người lên cầm quyền tể tướng thay Lê Sát cũng bị giết, gia tài bị tịch thu, gia đình bị sung công. Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân và là vợ Lê Thái Tôn, bị giáng xuống làm tu dung.

Lê Sát, Lê Ngân, cũng như nhiều công thần khác đã bị giết hại, bị tù đày đều là những tướng lĩnh tài giỏi, đã đánh hàng trăm trận, đã thắng hàng chục vạn quân giặc trong mười năm chống quân Minh xâm lược, vậy mà nay đành cúi đầu chịu chết trước những hành động ngang ngược tàn bạo của một cậu bé con làm vua. Cái gì đã trói buộc họ, bắt họ phải ngoan ngoãn chịu nhục hình như vậy? Đó là tư tưởng tôn thờ ngôi chính thống của chế độ phong kiến. Một đứa trẻ, mới lọt lòng, dù chưa biết đi, biết nói hay một đứa trẻ ngỗ nghịch như Lê Thái Tôn, quan lại, thần dân vẫn phải cung kính phụng thờ, vì đứa trẻ đó được vua trước chính thức truyền ngôi, đứa trẻ đó là ông vua "chính thống" của họ, dù thế nào chăng nữa, họ cũng không dám thay thế, không dám làm việc phế lập. Ngay Tư Tề, là con cả Lê Lợi, anh ruột Lê Thái Tôn, ở cương vị ’’quyền huynh thế phụ" mà cũng phải cúi đầu tuân theo những hành vi ngang ngược của đứa em ngỗ nghịch, đành chịu phế truất và đuổi ra khỏi kinh thành làm dân thường. Cùng là giáo lý, kỷ cương của chế độ phong kiến, nhưng phép tắc "quyền huynh thế phụ" trở thành vô giá trị trước tư tưởng "tôn thờ ngôi chính thống". Tư tưởng "tôn thờ ngôi chính thống" là tư tưởng bảo vệ ngôi chúa tể của bọn vua chúa phong kiến. Tư tưởng đó lấn át và đứng lên trên mọi tư tưởng, phép tắc khác của chế độ phong kiến. Nguyễn Trãi, một người tài giỏi, sáng suốt, một bậc "minh triết" của thời đại, cũng đã không vượt được ra ngoài những hạn chế đó của thời đại, không thoát khỏi những ràng buộc khắc nghiệt của chế độ phong kiến. Ở thời Lê cũng như trong suốt thời đại phong kiến, tư tưởng tôn thờ ngôi chính thống của chế độ phong kiến đã giết hại nhiều anh hùng cứu nước và nhiều nhân vật vĩ đại của dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #239 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:29:34 pm »


Đứng trước nguy cơ bọn hoạn quan và phi tần trong hậu cung dựa vào thế vua để làm rối loạn triều đình, các triều thần đều bất lực và bản thân Nguyễn Trãi cũng thấy sức mình không chèo chốg nổi. Theo gương Trần Nguyên Đán, Chu Văn An khi xưa, Nguyễn Trải cũng có ý muốn từ quan:

      Lưng khôn uốn, lộc nên từ
      Ai ai đều đã bằng câu hết
      Nước chẳng còn có Sử Ngư
1
                                   (Mạn thuật - bài 14)

Tạm thời xa lánh nơi cung đình nguy hiểm đó, để có thể:

      Biên chu quy điếu Ngũ hồ xuân2
                                  (Mạn thành - bài 2)
      (Đi chiếc thuyền con, câu xuân ở Ngũ hồ)

Với ý muốn đó, năm 1439, tức hai năm sau khi Lê Sát, Lê Ngân bị giết, Nguyễn Trãi vừa 60 tuổi (tính tuổi theo âm lịch), ông xin nhà vua cho về trí sĩ. Có lẽ việc còn đương xét thì gặp lúc đứa con đầu lòng của Lê Thái Tôn là Nghi Dân ra đời. Lúc ấy Lê Thái Tôn 16 tuổi. Vui mừng trước việc sinh hoàng thái tử, Lê Thái Tôn hạ lệnh đại xá thiên hạ và ban thưởng cho những người già trong nước, từ 70 tuổi trở lên, mỗi người được thưởng tước 1 tư3 và được dự tiệc rượu ăn mừng. Có lẽ trong không khí phấn khởi đó, Lê Thái Tôn vốn trọng nể Nguyễn Trãi là người có đức vọng lớn, nên đã khôi phục mọi chức tước cũ của Nguyễn Trãi. Ngoài những chức tước Nguyễn Trãi đương có như "Vinh lộc đại phu, nhập nội hành khiển, hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ, tri tam quán sự", Lê Thái Tôn gia phong thêm chức "Môn hạ sảnh tả ty hữu gián nghị đại phu" là chức Nguyễn Trãi đã có từ năm đầu thời Lê Lợi, lại được ban tước công thần "á đại trí tự" và ban quốc tính như xưa. Gián nghị đại phu là một trọng chức của đại thần làm nhiệm vụ khuyên can nhà vua. Trong tình hình triều chính nhà Lê lúc ấy, một người có tài năng, có đạo đức và trung trực như Nguyễn Trãi mà được phong làm gián nghị đại phu là một điều vui mừng của tất cả những người có lương tri thời đó. Nhân dịp này một văn thần là Phan Phu Tiên đã làm bài thơ mừng gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai:

      Chân nguyên4 hội hợp hạnh phùng thần
      Tá trị danh nho hỉ hữu nhân
      Ấu học tráng hành hành thử đạo
      Sinh tri tiên giác giác tư dân
      Diêm mai đỉnh nãi điều hòa mĩ
5
      Lễ nhạc quy mô chế tác tân
      Tứ hải phương kim quy nhất thống
      Thùy năng dược dã xuất hồng quân
6

Dịch:
      May gặp lúc vận hội chân nguyên
      Mừng được danh nho ra giúp nước
      Trẻ học, lớn làm, suốt đời theo đạo ấy
      Sinh ra biết trước, để giác ngộ nhân dân
      Muối mơ, xanh vạc, tài điều hòa giỏi
      Lễ nhạc quy mô chế định theo mới
      Bốn biển từ nay quy một mối
      Ai có thể từ lò đúc của tạo hóa đi ra như ông được.
__________________________________
1. Sử Ngư là một viên quan chép sử ở thời Xuân Thu, tên là Ngư, người rất trung trực, thẳng thắn.
2. Phạm Lãi thời Xuân Thu sau khi giúp Câu Tiễn đánh bại nước Ngô, khôi phục được nước Việt, không làm quan với Câu Tiễn, mà đi tiêu dao, vui sống cảnh ẩn dật ở Ngũ hồ.
3. Tư là một thứ bằng khen của triều đình phong kiến. Có nhiều tư có thể được thăng chức hoặc được ban phẩm tước.
4. Ban đầu phồn vinh chân chính.
5. Ý nói có tài điều khiển việc nước. Diêm mai: muối mơ; dựa vào một câu trong Kinh Thư để ví người có tài làm việc nước cũng như người giỏi điều hòa chua mặn khi nấu nướng. Đỉnh nãi: vạc nhỏ, vạc lớn; chỉ trọng trách là đại thần làm việc nước.
6. Dựa vào ý một câu trong sách Trang Tử để ví Nguyễn Trãi như vàng quý trong lò tạo hóa sinh ra, tức một người phi thường do trời sinh, không ai có thể sánh kịp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM