Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:06:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90280 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #200 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 06:56:24 pm »


Độc lập và thống nhất là một thực tế lịch sử và một truyền thống lâu đời của dân tộc ta, nó cũng là một yêu cầu của dân tộc qua các thời đại. Làm nguy hại tới độc lập và thống nhất của nước nhà là có tội với Tổ quốc. Trong bất cứ trường hợp nào, Nguyễn Trãi đều phản đối những hành động đó. Nguyễn Trãi là người tha thiết với nền độc lập của dân tộc, với sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và sự đoàn kết nhân dân cả nước. Ông thường ân cần nhắc nhở:

      Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền
      Cành bắc cành nam một cội nên

                                    (Bảo kính cảnh giới -bài 15)1

Suốt đời, Nguyễn Trãi giữ tấm lòng thủy chung như thế đối với đồng bào, với dân tộc, với Tổ quốc. Ông đấu tranh cho nền thống nhất của nước nhà cũng như ông đã đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc.

Sau khi đánh thắng quân Minh xâm lược, nền độc lập của nước nhà tương đối ổn định, nhưng ba năm sau, đã có một vài vụ biến loạn nổ ra ở những vùng gần biên giới phía bắc nước ta, khiến Lê Lợi phải đem quân đi đánh dẹp. Nguyễn Trãi ủng hộ chủ trương của Lê Lợi nhằm thực hiện nền thống nhất của nước nhà.

Vụ gây rối đầu tiên nổ ra ở miền đông - bắc cuối năm 1430, do hai thủ lĩnh địa phương là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái cầm đầu. Bế Khắc Thiệu là thủ lĩnh châu Thạch Lâm, một châu lớn ở sát biên giới nước Minh, bao gồm hơn một nửa tỉnh Cao Bằng ngày nay và là một miền xung yếu ở vùng biên giới phía Bắc. Nông Đắc Thái là tù trưởng một địa phương nhỏ gần Thạch Lâm, đã phao đồn trong nhân dân địa phương rằng hắn được thần cho cung tên bằng đồng, bắn trăm phát trúng cả trăm. Bế Khắc Thiệu liền câu kết với Nông Đắc Thái, phong Nông Đắc Thái làm Võ kinh tướng quân, mưu đồ "hùng cứ"2, xây dựng một giang sơn riêng ở vùng biên giới, vũ trang chống lại triều đình. Cuộc gây biến của Bế Khắc Thiệu khá lớn và có thể Bế Khắc Thiệu đã chiếm giữ một vùng đất đai tương đối rộng, ngoài phạm vi chầu Thạch Lâm3. Tháng 12 năm 1430, Lê Lợi thân cầm quân đi đánh. Vì lực lượng phản nghịch khá mạnh, nên trước khi xuất quân, Lê Lợi phải mộ thêm bộ binh tại dinh Bồ Đề và truyền lệnh cho Lê Khôi, một tướng lĩnh là cháu ruột Lê Lợi, từ Thuận Hóa đem quân gấp đường tiến lên miền đông - bắc để cùng đánh Bế Khắc Thiệu4. Tháng 3 năm 1431, cuộc gây biến của Bế Khắc Thiệu bị dập tắt. Nông Đắc Thái bị bắt. Bế Khắc Thiệu chạy thoát, được ít lâu thì chết. Trước khi lui quân, Lê Lợi cho khắc vào vách núi đá phía bắc thành Na Lữ, nơi Lê Lợi đóng quân, một bài thơ thất ngôn để ghi công chiến thắng5. Bài thơ, đề ngày 20 tháng giêng năm Tân Hợi, niên hiêu Thuận thiên thứ tư (1431), còn mãi tới các đời sau6. Tháng 4 năm 1431, Lê Lợi đem quân về tới Thăng Long.
______________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, bản phiên âm, tr. 124.
2. Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, t. IV, tr. 392.
3. Châu Thạch Lâm thời đó gồm các huyện Hòa An, Thạch An, Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng ngày nay.
4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, bản dịch, t. I, tr. 265.
5. Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, t. IV, tr. 397.
6. Bài thơ này có chép lại trong hai sách Đại Việt sử ký toàn thưĐại Nam nhất thống chí. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép 4 câu thơ đầu.
    Đại Nam nhất thống chí chép đủ 8 câu, toàn bài. Bài thơ khắc đá ghi công đánh Bế Khắc Thiệu có những ý và lời tương tự bài thơ "Hạ tiệp" số 3 của Nguyễn Trãi trong Ức Trai thi tập. Về những bài thơ này, xin coi toàn văn trong Đại Việt sử ký toàn thư quyển 10, Đại Nam nhất thống chí quyển 25, về tỉnh Cao Bằng và Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #201 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 06:58:16 pm »


Cuối năm 1431, một cuộc biến loạn khác lại nổ ra ở miền tây - bắc, do Đèo Cát Hãn cầm đầu. Cuộc biến loạn này có thể còn lớn mạnh hơn cuộc biến loạn ở miền đông - bắc do Bế Khắc Thiệu cầm đầu. Đèo Cát Hãn là tù trưởng châu Ninh Viễn (gồm tỉnh Lai Châu ngày nay), trước kia đã làm ngụy quan cho nhà Minh. Cuối năm 1427, Đèo Cát Hãn về hàng nghĩa quân Lam Sơn, được Lê Lợi vẫn để làm thủ lĩnh châu Ninh Viễn như trước. Tới đây, Đèo Cát Hãn cũng muốn hùng cứ một phương, vũ trang chống lại triều đình, và mưu đồ của Đèo Cát Hãn khá lớn. Đèo Cát Hãn bên trong liên kết với bọn con cái những quan lại chân tay của nhà Hồ xưa như các con Hoàng Hối Khanh, và tù trưởng các châu láng giềng, như Đinh Quế, tù trưởng Mường Bồ (hoặc Mường Phù). Bên ngoài, Đèo Cát Hãn liên kết với Kha Lại, người cầm đầu một cuộc phiến loạn ở Ai Lao. Đèo Cát Hãn cùng đồng bọn chiếm giữ châu Ninh Viễn, châu Mường Muỗi, tức tỉnh Lai Châu và gần hết tỉnh Sơn La ngày nay và một số đất đai của Ai Lao ở gần biên giới. Bọn Đèo Cát Hãn thường đánh sang các miền Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng.

Trước tình hình đó, tháng 12 năm Tân Hợi, tức tháng Giêng năm 1432, Lê Lợi cho con cả là quốc vương Tư Tề cùng tướng Lê Sát đem quân lên tây - bắc đánh dẹp. Thấy thế địch mạnh, để tiếp ứng cho đạo quân Tư Tề, ngay tháng sau, Lê Lợi thân cầm đại quân, theo hai đường thủy bộ, tiến lên tây - bắc.

Trong trận đánh đầu tiên ở Mường Kệ, quân Đèo Cát Hãn thua to. Quân triều đình thừa thắng tiến lên. Đinh Quế và vợ con đều bị bắt. Con trai Hoàng Hối Khanh chạy trốn vào vùng người Xá, bị người Xá giết. Kha Lại chạy trốn vào Mường Lự cũng bị người Mường Lự giết. Ngày 20 tháng Giêng năm Nhâm Tý (1432), quân triều đình theo hai đường thủy bộ tiến lên đánh vào sào huyệt của Đèo Cát Hãn. Đèo Cát Hãn rút vào rừng. Lê Sát tiến quân lên Mường Địch. Tư Tề tiến quân lên Mường Tô. Sau khi phá tan sào huyệt của Đèo Cát Hãn và thu được nhiều chiến lợi phẩm: hàng trăm thớt voi, rất nhiều trâu dê, thuyền bè, khí giới và quân trang, quân dụng khác, quân triều đình rút về. Ngày 3 tháng 3 năm Nhâm Tý (1432), Lê Lợi về tới Thăng Long1. Cuối năm 1432, Đèo Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng về hàng. Lê Lợi không bắt tội, vẫn ưu đãi, phong Đèo Cát Hãn làm tư mã, một chức quan cao cấp của triều đình và vẫn cho trấn giữ châu Ninh Viễn như trước.
_________________________________
1. Những trận đánh Đèo Cát Hãn trên đây là thuật theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn. Những địa điểm như Mường Bồ, Mường Kệ, Mường Địch, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu để xác định vị trí hiện nay. Mường Tô có thể là Phong Thổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #202 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 07:04:46 pm »


Vụ biến loạn Đèo Cát Hãn là một vụ biến quan trọng và chiến thắng Đèo Cát Hãn là một chiến thắng lớn, nên sau chiến thắng, Lê Lợi cho khắc vào đá núi hai bài thơ để ghi công. Một bài thơ ngũ ngôn khắc vào vách núi đá ở Lai Châu, đề ngày lành tháng chạp năm Tân Hợi, tức tháng giêng năm 1432. Một bài thơ thất ngôn khắc vào vách núi đá ở Hòa Bình, đề tháng 3 năm Nhâm Tý, tức tháng 4 năm 1432. Cả hai bài thơ khắc vào đá này, tới nay vẫn còn nguyên vẹn1. Bài thơ thứ nhất trên vách đá núi Pác Huổi Chỏ, thuộc huyện Mường Lay, ở phía tây - bắc thị xã Lai Châu 7 ki-lô-mét. Bài thơ thứ hai trên núi đá xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình2.

Những di tích này cùng với di tích về bài thơ ở Na Lữ (Cao Bằng) cho thấy việc chiến thắng Đèo Cát Hãn và Bế Khắc Thiệu có một tầm quan trọng nhất định và gây một dư luận rộng rãi trong nước thời ấy. Mỗi khi Lê Lợi chiến thắng trở về kinh đô, Nguyễn Trãi đều làm thơ mừng thắng trận, đề là "Hạ tiệp" mà Ức Trai thi tập còn ghi lại được bốn bài.
________________________________________
1. Về di tích hai bài thơ khắc vào núi đá xin xem thêm bài "Tìm lại thấy bài thơ của vua Lê Thái Tổ ở Lai Châu" của Nguyễn Ngọc Tuấn - Trần Tâm và bài "Tìm thấy bài thơ của Lê Lợi khắc trên mỏm đá" của Vụ bảo tồn bảo tàng, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử các số 10- 1967 và 4-1965.
2. Bài thơ khắc vào đá ở Hòa Bình có những câu, những ý giống với bài thơ "Quá hải" của Nguyễn Trãi trong Ức Trai thi tập. Thí dụ bài thơ khắc đá có câu:

                  Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ
                  Tráng tâm di tận vạn trùng san...

                  (Nghĩa khí quét mù ngàn lớp sạch
                  Tráng tâm bạt núi vạn non bằng...)

    Bài thơ "Quá hải" của Nguyễn Trãi có câu:
                  Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ Tráng hoài hô khởi bán phàm phong...
                  (Nghĩa khí quét mù ngàn lớp sạch Tráng hoài gọi gió nửa buồm bay)

    Một câu thơ "Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ" có trong hai bài thơ của hai người khác nhau. Vạy ai lấy của ai? Không thể Lê Lợi tự làm thơ lại nảy ra những câu thơ, tứ thơ giống hệt thơ Nguyễn Trãi. Mà Nguyễn Trãi làm thơ, không lẽ lại đi chép một câu thơ đã khắc vào đá của Lê Lợi làm thơ của mình. Cho nên có thể nhận định: bài thơ khắc trên đá ở Hòa Bình là do Nguyễn Trãi làm và Nguyễn Trãi đã lấy một vài tứ thơ trong bài "Quá hải" làm từ trước, đưa vào bài thơ khắc đá này. Còn bài thơ ngũ ngôn khắc vào núi đá ở Lai Châu năm 1432 và bài thơ mà Đại Việt sử ký toàn thưĐại Nam nhất thống chí ghi là Lê Lợi làm năm 1431 sau khi đánh thắng Bế Khắc Thiệu ở miền đông bắc, cũng có những ý thơ, lời thơ và cách gieo vần phảng phất như bài thơ "Hạ tiệp" số 3 của Nguyễn Trãi, cho nên cũng có thể đoán là bài thơ khắc núi đá ở Lai Châu và bài thơ làm khi đánh Bế Khắc Thiệu, tuy đề tên Lê Lợi nhưng do Nguyễn Trãi làm. Điều đó không lạ và có thể là sự thật. Vì suốt thời Lê Lợi cầm quyền, từ khởi nghĩa Lam Sơn cho tới khi Lê Lợi chết, Nguyễn Trãi với chức vụ "thừa chỉ" đã làm tất cả những văn từ, chiếu biểu, chế cáo, thơ và sách, đề tên Lê Lợi, thì những bài thơ khắc vào núi đá này, cũng ở trong trường hợp đó. Cũng có thể bài thơ "Quá hải" và một số bài thơ khác trong Ức Trai thi tập, như các bài "Vân đồn", "Bạch đằng hải khẩu", Nguyễn Trãi đã làm trong dịp có những chiến thắng như thế này. Đây là một vấn đề mà các nhà nghiên cứu văn học, sử học còn cần nhiều công nghiên cứu. Chúng tôi không có ý khẳng định, chỉ xin gợi lên một ý để góp vào việc nghiên cứu thơ Nguyễn Trãi, mà không đi sâu, vì không thuộc phạm vi sách này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên và nhấn mạnh một điều là những bài thơ Nguyễn Trãi đã làm hoặc nhân danh Lê Lợi mà làm trong những dịp dẹp yên những biến loạn ở miền biên giới đã nói lên khá rõ tấm lòng tha thiết của Nguyễn Trãi với nền thống nhất của nước nhà.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #203 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 07:12:19 pm »


Thái độ của Nguyễn Trãi đối với những cuộc biến loạn ở biên giới đã được nói lên một cách cụ thể, qua nhiều câu thơ trong 4 bài "Hạ tiệp" như:

      Tùng kim tứ hải xa thư nhất1
      Thịnh đức phong công vạn cổ tiền.
                                                      (Hạ tiệp I)
      (Từ nay bốn biển một lòng,
      Chữ chung một lối, xe chung một đường
      Muôn xưa công đức không hơn)

      Vị báo hậu lai phiên trấn giả2
      Chinh luân phúc triệt tại tiền đồ3
                                                      (Hạ tiệp III)
      (Báo người phiên trấn sau này biết
      Đường trước xe nghiêng chớ bước theo)

hoặc:
      Tứ hải vĩnh thanh tùng thử thủy
      Phù tang tảo biện quải thiên cung
4
                                                    (Hạ tiệp II)
      (Bốn biển yên lặng đời đời
      Cây phù tang gác cung trời từ đây)

      Tứ hải chỉ kim câu thiếp tĩnh
      Dự tri hậu dật bản tiên lao

                                                    (Hạ tiệp IV)
      (Bốn biển từ nay yên tĩnh hẳn
      Biết rằng nhọc trước sẽ nhàn sau)

Lòng Nguyễn Trãi mong muốn duy trì nền thống nhất nước nhà đã thể hiện được phần nào trong những dòng thơ đó.

Từ trước khi đánh thắng quân Minh tới sau khi đánh thắng quân Minh, Nguyễn Trãi luôn luôn nêu cao ý chí độc lập và thống nhất Tổ quốc. Đối với nước, điều đó Nguyễn Trãi được toại nguyện. Thế nước đã yên: nền độc lập và sự thống nhất của Tổ quốc đã được bảo đảm. Nhưng, thế nước yên là để dân yên. "Làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân", đó là nguyện vọng tha thiết nhất và hoài bão lớn nhất của Nguyễn Trãi. Thế nước yên mà dân chưa yên thì lòng Nguyễn Trãi chưa thể yên. Đây cũng là điều Nguyễn Trãi băn khoăn lo nghĩ nhiều, trong suốt 15 năm, từ khi hết chiến tranh tới ngày ông mất.
_____________________________________
1. Lấy ý một câu trong sách Trung dung: xa đồng quỹ, thư đồng văn (xe đi cùng một vệt đường, sách viết cùng một lối chữ) để nói lên sự thống nhất, nhất trí của cả nước.
2. Phiên trấn chỉ những miền gần biên giới, được coi như phên giậu để che chở, bảo vệ bờ cõi. Người phiên trấn, cụ thể là chỉ người ở những miền thiểu sổ nước ta.
3. Lấy ý một câu trong sách Hán thư: Tiền xa phúc, hậu xa giới (xe trước đổ, xe sau phải đề phòng), để khuyên người sau không nên theo cái sai lầm của người trước.
4. Phù tang là một thứ cây trong chuyện thần thoại Trung Quốc, mặt trời mọc ở biển Đông, nơi có cây phù tang. Đây lấy ý một câu trong bài Đại ngôn phù của Tống Ngọc đời Chiến quốc: loan cung quải phù tang (đem cung cong treo trên cây phù tang), để nói lên rằng: việc đánh dẹp đã xong, thì khí giới cất đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #204 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 10:40:13 pm »


*
* *

Nguyễn Trãi là người "Lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho một lý tưởng cao quý... Nguyễn Trãi suốt đời mang một hoài bão lớn: làm gì cho dân, người dân lầm than khổ cực... Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân và cứu nước để cứu dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người"1. Đúng như thế, đồng chí Phạm Văn Đồng, người viết những dòng trên, đã hiểu tận đáy lòng Nguyễn Trãi, thông cảm sâu sắc với nỗi lòng Nguyễn Trãi, bậc tiền bối cách đây hơn 500 năm, lúc nào cũng mang một hoài bão lớn vì dân vì nước, suốt đời tận tụy với một lý tưởng cao đẹp nhất là tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Nguyễn Trãi đã đem hết sức mình cùng nhân dân đánh thắng giặc xâm lược, giành lại độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Đó là một thành công vĩ đại của dân tộc, một niềm vui lớn của Nguyễn Trãi. Nhưng sở nguyện bình sinh của ông không phải chỉ có thế. Lý tưởng của ông là cứu nước và cứu dân, phải làm cho dân khỏi lầm than khổ cực. Cứu nước mới là cứu dân thoát khỏi họa đàn áp bóc lột của bọn thống trị nước ngoài. Muốn cho dân thật sự hết lầm than khổ cực, còn phải cứu dân thoát khỏi ách đàn áp bóc lột của bọn thống trị trong nước. Như thế mới thật sự cứu dân, thật sự yêu dân, thật sự vì dân. Cái cao quý trong tâm hồn Nguyễn Trãi là chỗ đó. Cái làm cho tư tưởng Nguvễn Trãi vượt lên trên thời đại của ông cũng chính là ở chỗ đó.

Nguyễn Trãi từ lúc còn trẻ tuổi đã "chuyên đọc Điển, Phần" để tâm dân chúng, muốn đem lại cho dân một đời sống no ấm, yên vui, hạnh phúc, muốn xây dựng một xã hội thanh bình như thời Nghiêu Thuấn. Ông hằng mơ ước một xã hội mà:

      Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn
      Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền.

                                       (Tự thán - bài 4)

Xã hội Nghiêu Thuấn mà Nguyễn Trãi mong muốn là một xã hội thái bình, không phải thứ thái bình của những tầng lớp trên, của giai cấp thống trị, trong đó quảng đại quần chúng nhân dân đành chịu ép một bề để cho bọn thống trị yên vui, phè phỡn trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của họ, mà là thái bình của quảng đại quần chúng nhân dân, thái bình của một xã hội không có áp bức, không có bóc lột. Nguyễn Trãi hiểu nguồn gốc của mọi lầm than khổ cực của nhân dân là đàn áp bóc lột. Chỉ có đàn áp bức lột giảm đi thì nhân dân mới bớt lầm than khổ cực. Chỉ không có đàn áp bóc lột thì nhân dân mới hết khổ cực. Nguyễn Trãi đã nhận thức sâu sắc tình cảnh lầm than khổ cực thảm thương của nhân dân ở thời cuối Trần, thời Hồ, thời quân Minh chiếm đóng đều do một nguyên nhân chính, một nguyên nhân duy nhất là: đàn áp bóc lột đã đè nặng lên đầu họ.

Thời cuối Trần thì:

"... Họ Trần cậy mình mạnh giàu, mặc dân khốn khổ, chỉ ham chơi đắm đuối tửu sắc... quên hẳn thiên hạ lớn lao, chẳng hề đoái nghĩ...”2, tức là vui chơi, phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của nhân dân.

Thời Hồ thì:

      "... họ Hồ chính sự phiền hà
      Khiến trong nước nhân tâm oán hận”

                                      (Bình Ngô đại cáo)

Chính sự phiền hà tức là chính sách đàn áp bóc lột khắc nghiệt, nặng nề, khiến nhân dân oán ghét.

Thời Minh thống trị thì:

"... kẻ ở đài Ngự sử thì ngậm miệng làm thinh, ngồi nhìn dân khổ; kẻ chăn dân thì không lo nuôi nấng, chỉ vụ vơ vét; kẻ làm tướng thì không để ý vệ dân, hoành hành tàn ngược. Còn như bọn hoạn quan thì chuyên mặt thu vét, bóc lột lương dân, kiếm ngọc tìm vàng, kiệt chằm trơ núi, tìm tòi nhặt nhạnh, không còn sót gì. Muốn tiền của có nhiều, thì đục khoét của dân mà lấp hố dục; muốn nhà cửa cao đẹp, thì cướp việc mùa màng để bắt dân đắp xây. Thuế công thu vào một phần, giám lâm ăn ngoài quá nửa. Quan lại có lòng thương dân chúng, tuyệt không có ai; quan lại coi dân như cừu thù, đều như thế cả. Càng ngày càng tệ, dân sống không vui, như đắm trong nước sâu, như ngồi trên lửa nóng"3.
_____________________________________
1. Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân dân, số 3099, ngày 19 tháng 9 năm 1962.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 81.
3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 61.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #205 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 10:42:34 pm »


Từ bé tới lớn, Nguyễn Trãi đã sống nghèo túng khoảng gần 20 năm với quần chúng nhân dân lao khổ. Khi quân Minh cướp nước, để tránh giặc, ông lại sống hàng chục năm lẩn lút, hòa mình trong quần chúng nhân dân lao khổ ở khắp đó đây trong nước. Cho nên Nguyễn Trãi rất hiểu dân, hiểu một cách sâu sắc. Ông thông cảm với đời sống đói nghèo của quần chúng nhân dân lao động, và ông đánh giá cao khả năng và công sức của nhân dân lao động trong đời sống con người. Nhận thức của Nguyễn Trãi về vị trí, vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong xã hội và trong công cuộc dựng nước, giữ nước là những nhận thức rất sáng suốt, rất mới mẻ, rất "tiên giác", như nhà sử học Phan Phu Tiên, người bạn đồng liêu của ông đã khen ông1. Đó là những nhận thức rút ra từ thực tiễn cuộc sống, từ thực tế lịch sử, vượt hẳn ra ngoài khuôn khổ của chế độ phong kiến, vượt lên trên những nhận thức về người dân của giai cấp phong kiến và cũng vượt xa nhận thức của những người yêu nước, yêu dân ở các thời đại trước ông. Nguyễn Trãi không những yêu thương nhân dân vô hạn, mà rất mực tôn trọng nhân dân, thật sự quý con người và sức lao động của nhân dân. Một đặc điểm trong tư tưởng yêu dân, thương dân của Nguyễn Trãi là ông hết sức đề cao địa vị và công lao của người dân lao động trong chiến đấu, trong sản xuất và trong xây dựng. Nguyễn Trãi khẳng định:

      Ở yên thì nhớ lòng xung đột
      Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày

                             (Quốc âm thi tập - Bảo kính cảnh giới, bài 19)

Nghĩa là được sống yên ổn thì phải nhớ ơn người lính chiến đấu, có lương mà ăn, có bổng lộc mà hưởng thì phải đền ơn người nông dân.

Nguyễn Trãi còn nhấn mạnh như một chân lý tuyệt đối:

"Quy mô lớn lao lộng lẫy đều là sức lao khổ của quân dân"2.

Trong thời phong kiến, thông thường người ta chỉ nói: được sống yên ổn là nhờ ân đức của nhà vua, được hưởng bổng lộc, được nhà cao cửa rộng cũng là nhờ ân huệ của nhà vua, phải chịu ơn vua, phải đền ơn vua. Nhưng với Nguyễn Trãi thì khác, theo ông, từ cái ăn cái ở, tới sự sống yên lành mà có được là nhờ ơn nhân dân, phải đền ơn nhân dân, cụ thể là người dân cày ruộng và người dân mặc áo lính. Cái nhìn của Nguyễn Trãi về xã hội, về quan hệ giữa con người với con người là hoàn toàn khác với cái nhìn của giai cấp phong kiến.
_____________________________________
1. Trong một bài thơ của Phan Phu Tiên đưa tặng Nguyễn Trãi (Phan Phu Tiên hạ Gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai) có câu "Sinh tri tiên giác giác tư dân”: sinh ra đã biết làm người tiên giác để giác ngộ nhân dân.
2. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 135.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #206 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 10:46:51 pm »


Nguyễn Trãi không những đánh giá cao vị trí và công lao của nhân dân trong chiến đấu, trong sản xuất, trong xây dựng, mà trên các mặt chính trị và quân sự ông cũng coi sức mạnh của nhân dân là quyết định. Đánh đổ triều đại này lập triều đại khác là do dân. Đánh được giặc, cứu được nước cũng là do dân. Sức mạnh của nhân dân là vô địch:

      "Lật thuyền mới rõ dân như nước"
                                      (Quan hải)

Chính từ tấm lòng yêu thương, tôn quý nhân dân, từ sự đánh giá cao địa vị, công lao của nhân dân trong đời sống xã hội, mà trong tư tưởng của Nguyễn Trãi thời ấy đã hình thành tư tưởng bình đẳng xã hội, một tư tưởng ít thấy trong thời đại phong kiến, trước Nguyễn Trãi cũng như sau Nguyễn Trãi. Ông đã nói:

      "Trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai, mặt trời, mặt trăng không soi riêng ai".
                                    (Quân trung từ mệnh tập - Thư 19)

Quan niệm bình đẳng của Nguyễn Trãi không chỉ về mặt xã hội, về quyền sống của con người, mà bình đẳng cả trên lĩnh vực trí tuệ học vấn. Những người kém trí tuệ, ít học vấn và những người có trí tuệ, có học vấn, Nguyễn Trãi đều tôn trọng, ông không coi thường ai:

"Người giỏi là thầy dạy người không giỏi, người không giỏi là bạn giúp người giỏi"1.

Nguyễn Trãi quan niệm con người với con người là bình đẳng, không có đặc quyền, đặc lợi, ai cũng như ai. Nếu trong xã hội, có kẻ làm vua, làm quan, có quyền có thế, thì cũng chỉ là một sự phân công của xã hội, quyền thế cũng chỉ là có trong một lúc nào đó, không phải là cái gì vĩnh viễn bất khả xâm phạm.

Thông cảm sâu sắc những đau khổ triền miên của nhân dân hết thời này qua thời khác, Nguyễn Trãi đứng hẳn về phía nhân dân để bảo vệ tự do, bảo vệ công lý, đấu tranh cho một đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân. Ông phê phán những thủ đoạn bóc lột tàn nhẫn, bất nhân của bọn hào phú:

      Bất nhân vô số nhà hào phú
      Của ấy nào ai từng được chầy
2
                                       (Bảo kính cảnh giới - bài 44)

Ông phê phán những hành động đàn áp, đè nén, chà đạp công lý, chà đạp lẽ phải của bọn quyền quý:

      Chớ cậy sang mà ép nề
      Lời chẳng phải vưỡn khôn nghe

                                       (Trần tình - bài 8 )

Nguyễn Trãi thấy được khả năng và sức mạnh của nhân dân để chống lại những đàn áp bóc lột, những phi lý, bất công của bọn thống trị, bọn có quyền, có thế. Ông cảnh báo chúng:

      Làm người mã cậy khi quyền thế3
      Có thủa bàn cờ tốt đuổi xe
                                      (Trần tình - bài 8 )

Với vua chúa là những   người cầm đầu cả nước, ông cũng công khai khẳng định vận mệnh của họ là ở trong tay nhân dân, ngai vàng của họ bền vững hay lung lay là do dân, dựng họ lên hay lật họ xuống là sức mạnh của dân quyết định:

"Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân"4.
___________________________________
1. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 135.
2. Chầy: lâu.
3. Mã: tiếng cổ có nghĩa như chớ, đừng.
4. Nguyễn Trãi toàn tập, bản dịch, tr. 141.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #207 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 10:49:16 pm »


Cách đây hơn 500 năm, Nguyễn Trãi đã nhận thức nhân dân là người làm ra tất cả, và ông là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, nhận thức được những sự thật xã hội đó. Sản xuất, xây dựng, chiến đấu là do dân; đánh được giặc, giữ được nước cũng do dân, nghĩa là người dân làm chủ tất cả các mặt hoạt động của xã hội: kinh tế, chính trị, quân sự, v.v... Nhận thức đó của Nguyễn Trãi đã được rút ra từ thực tiễn cuộc sống, từ những kinh nghiệm hưng vong, thành bại của các thời đại trước, từ truyền thống dân chủ của nhân dân ta, và cũng rút ra từ tính năng động chủ quan của con người Nguyễn Trãi, luôn luôn lo tính đến công việc của dân, đời sống của dân, lúc nào cũng "lo trước điều thiên hạ phải lo" như ông thường nói. Yêu thương nhân dân, nới sức dân, làm bớt khổ cho dân, khi có việc quốc gia đại sự thường bàn với dân. Đó là tinh túy của truyền thống dân chủ của dân tộc ta đã có từ trước thời đại Nguyễn Trãi. Các bậc anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. v.v... đều làm như thế. Với truyền thống đó và trên cơ sở những nhận thức đầy đủ về địa vị làm chủ của người dân, Nguyễn Trãi đã xây dựng cho mình một tư tưởng dân chủ sâu rộng và một ý thức dân chủ mạnh mẽ. Trong cả đời mình, từ lúc hàn vi nghèo túng tới khi cầm giữ việc quân việc dân trong tay, Nguyễn Trãi lúc nào cũng yêu thương nhân dân, lúc nào cũng sống thanh bạch cần cù như nhân dân, lúc nào cũng có ý thức bảo vệ đời sống no ấm hạnh phúc của nhân dân, lúc nào cũng có ý thức tôn quý và đề cao địa vị, công lao của nhân dân trong đời sống xã hội. Nguyễn Trãi đã là một nhà tư tưởng và hoạt động dân chủ kiên cường của dân tộc ta ở nửa đầu thế kỷ XV. Nhận thức về việc nước việc dân, về phương hướng hoạt động của bản thân mình, Nguyễn Trãi đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương nhân dân vô hạn và ý thức dân chủ mạnh mẽ của ông. Trong suốt đời ông, lúc nào ông cũng coi việc nước là việc dân và việc dân là việc của bản thân mình, ở Nguyễn Trãi, việc nước, việc dân và bản thân mình là ba yếu tố không tách rời nhau, gắn bó với nhau làm một:

"Coi công việc của quốc gia làm việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ"1

Đó là điều tâm niệm suốt đời của Nguyễn Trãi. Đối với ông, dân với nước là một, yêu dân là yêu nước, yêu nước phải yêu dân:

"Việc thành hay bại của Nhà nước và nỗi vui hay buồn của nhân dân, những việc ấy có liên quan với nhau rất lớn"2.

Trong các thời đại trước, nhất là cách đây hơn 500 năm, những người hiểu thấu nhân dân, thông cảm với nhân dân, yêu thương nhân dân, coi việc nước, việc dân là điều lo của bản thân mình, hết lòng vì nhân dân phục vụ, không phải là có nhiều lắm. Những người vừa tận trung với nước, vừa tận hiếu với dân lại càng hiếm. Trong các thời đại trước, có không ít những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử, được mặt tận trung với nước, nhưng thiếu mặt tận hiếu với dân. Họ đánh giặc tài giỏi, đối với nước hết lòng, nhưng đối với dân thì hoặc ít quan tâm, hoặc có những thái độ hành động đáng chê trách, phê phán, mà lịch sử còn ghi lại. Cho nên tận trung với nước lại tận hiếu với dân như Nguyễn Trãi là đáng quý vô cùng.
___________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 83.
2. Nguyễn Trãi toàn tập, bản dịch, tr. 146.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #208 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 10:51:05 pm »


Khi chiến tranh kết thúc, Nguyễn Trãi mong làm được như sở nguyện, mang hết sức mình ra làm việc nước việc dân, muốn góp phần công sức lớn nhất của mình vào việc xây dựng Nhà nước vững mạnh và ổn định đời sống nhân dân. Công việc đầu tiên của Lê Lợi và Nguyễn Trãi về nội trị là chế định và ban hành ngay những luật lệnh cần thiết của Nhà nước và phép tắc làm việc của các tướng lĩnh, quan lại và quân dân. Nguyễn Trãi làm chiếu cho các tướng lĩnh và quan lại hiểu rõ tầm quan trọng của việc này:

"Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp..."1.

Việc quan trọng thứ hai, nhằm góp phần giải quyết đời sống nhân dân là việc tha thuế. Nguyễn Trãi làm chiếu ban bố trong nước, thi hành mấy điều lệnh chính:

"Tha hẳn hai năm điền tô và các thứ thuế vàng, bạc, đầm nước, đồi nương và bãi dâu.
Những người già từ 70 tuổi trở lên được miễn sai dịch.

Nhà nào có người đi lính thì một suất trong nhà ấy được miễn sưu dịch.
Trong các lộ hễ lộ nào bị thiệt hại vì binh hỏa thì do quan lộ sở tại đến khám xét điều tra cho rõ ràng, sẽ tùy liệu mà miễn tô thuế, tha sưu dịch thêm..."
2

Lê Lợi và triều đình tiếp tục làm một số việc cần thiết, có ích cho dân, cho nước, như: đúc tiền mới để nhân dân tiêu dùng; tiến hành điều tra tài nguyên, sản vật trong cả nước; sung công các hạng ruộng đất của quan lại, thế gia các triều trước, của nhân dân tuyệt tự, của lính trốn; cho những quân nhân già yếu về nghỉ; trang bị thêm cho quân đội, mở trường học, v.v...

Nhưng khó khăn lớn nhất của Nhà nước mới lúc này là thiếu người giúp việc, bây giờ không phải là thiếu tướng, thiếu quân, thiếu người đánh giặc, mà là thiếu quan lại, tức thiếu những người hiểu biết về hành chính, luật pháp, để làm việc trị nước coi dân. Tình trạng thiếu người làm việc nước việc dân là không thể tránh khỏi, mỗi khi phải xây dựng lại đất nước sau một thời kỳ bị giặc ngoài đô hộ, và việc giải quyết sự thiếu thốn này, việc tuyển cử, sử dụng và đào tạo những người giúp việc trong bộ máy Nhà nước có một ảnh hưởng rất lớn tới đường lối chính sách của cả một triều đại, tới tình hình chính trị, xã hội và đời sống của quần chúng nhân dân đương thời.
______________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 59.
2. Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #209 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 10:53:54 pm »


Khi Lê Lợi và các lãnh tụ Lam Sơn bắt đầu xây dựng lại đất nước, củng cố bộ máy Nhà nước mới là lúc quan lại thiếu rất nhiều, từ trung ương tới các địa phương đều thiếu. Ngay đầu năm 1428, Lê Lợi đã hạ lệnh mở trường học trong khắp nước. Trong kinh đô thì lập nhà học Quốc tử giám, lựa con cháu các nhà quan và những người tuấn tú trong nhân dân sung làm giám sinh; ngoài các lộ thì lập trường học ở từng lộ, lựa các con em những nhà lương thiện trong dân gian sung làm hiệu sinh, cử những nhà nho đáng làm thầy đứng ra dạy dỗ1. Đó là một chủ trương rất đúng: đào tạo nhân tài để bổ sung đội ngũ quan lại sau này. Nhưng để giải quyết nạn thiếu quan lại trước mắt, không thể chờ ở kết quả học hành, thi cử mà phải dùng biện pháp cầu hiền, tức tuyển dụng, tiến cử người không qua lề lối thi cử, sát hạch. Tháng 5 năm 1428, Lê Lợi ra lệnh cho các đại thần người nào cũng phải tiến cử những người giỏi, thanh liêm, chính trực mà mình biết để cho làm quan ở các lộ, các huyện, các trấn và các nơi xung yếu như đầu nguồn, cửa biển, v.v...

Nhưng việc tiến cử người cũng có kết quả hai mặt của nó: được người giỏi cũng có mà được người xấu cũng nhiều. Lê Lợi phải ra lệnh cho đại thần văn võ là phải tiến cử những người "hiền lương phương chính", nếu tiến cử được người giỏi thì được thăng thưởng theo lệ cử hiền thần; nếu vì tiền tài, vì thân thích mà tiến cử người không tốt, thì trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian2.

Quan lại đã thiếu, mà ngay trong số quan lại đã có, những người quan tâm đầy đủ đến việc nước việc dân, hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ cũng không nhiều lắm Phần đông còn mải lo xây dựng, củng cố quyền lợi riêng sau chiến tranh. Trước tình hình đó, Lê Lợi phải ra lệnh nhắc nhở, "hỏi han các quan đại thần văn võ rằng: Trẫm là người thế nào mà được chịu mệnh trời? Nhờ đâu mà nên nghiệp lớn? Lại hiện nay công việc của triều đình rất nhiều, việc gì nên làm trước? Việc gì nên làm sau? Các tướng trong triều, người nào có thể cáng đáng việc lớn, có thể ủy nhiệm ở ngoài ngàn dặm, cùng người nào có thể phụ đạo thái tử”3.

Tình trạng thiếu quan lại, thiếu những người có tài có đức để làm việc dân việc nước như thế sẽ có thể có ảnh hưởng trong một chừng mực nhất định tới đường lối dùng người, trị nước của Lê Lợi và sẽ là một trở ngại rất lớn cho Nguyễn Trãi trong việc thực hiện hoài bão "an dân" của ông. Tình trạng đó sẽ khiến cho quyền lợi của nhân dân không được bảo đảm, ý thức dân chủ của quần chúng bị đe dọa. Đây cũng là điều lo lắng rất lớn của Nguyễn Trãi, ông sẽ phải đấu tranh kiên trì để khắc phục tình trạng đó.
_____________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. IX, tr. 4.
2, 3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 63.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM