Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 06:07:24 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90282 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2016, 09:05:48 pm »


Khoảng đầu tháng 10 năm 1427, cả hai đạo viện binh địch đã tiến sát biên giới Việt Nam.

Về phía ta, bất chấp mọi cố gắng chiến tranh của địch, quân dân Việt Nam thời ấy vẫn nắm quyền chủ động trên chiến trường, buộc địch phải bị động đối phó, phải chiến đấu trong những điều kiện khó khăn, bất lợi nhất cho chúng. Và mặc dầu viện binh của địch lần này quân đông tướng giỏi, quân dân Việt Nam đã quyết tâm tiêu diệt chúng thật nhanh gọn, trong một thời gian ngắn nhất. Mọi điều kiện đảm bảo thắng lợi đã sẵn sàng, phương châm, kế hoạch cùng lực lượng tác chiến đều đã được sắp xếp từ trước.

Đây không phải là lần đầu tiên địch có viện binh. Từ khi địch bị vây khốn ở các thành, trong hai năm 1426 - 1427, triều đình nhà Minh đã nhiều lần cho viện binh sang cứu nguy, nhưng đều thất bại. Viện binh Vương An Lão bị đánh tan ngay khi mới tới Tam Giang. Viện binh Vương Thông, tuy vào được Đông Quan, nhưng bị tiêu diệt gần hết và chôn chân tại đó từ bấy đến nay, đã gần một năm. Viện binh Cố Hưng Tổ vừa dò tới Pha Lũy, một cửa ải sát biên giới, đã bị đánh giập đầu, phải bỏ chạy trở về. Viện binh của địch lần này, tuy có quân đông tướng giỏi, nhưng lại là lúc cả thế và lực nghĩa quân đều mạnh hơn hẳn địch. Nghĩa quân không những đã vây hãm hàng chục vạn quân địch trong các thành mà còn có đầy đủ khả năng tiêu diệt 15 vạn viện binh của địch. Đây là lần thứ tư trong hai năm, địch đưa viện binh sang và có thể coi như là một cố gắng cao nhất của địch trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nếu tiêu diệt được viện binh của địch lần này, sẽ làm mất khả năng tiếp tục chiến tranh của địch, do đấy có thể đập tan hẳn ý chí xâm lược của địch.

Đối với các thành địch, quân dân Việt Nam có thừa sức đánh, đúng như Nguyễn Trãi đã nói: "Đem ba bốn mươi vạn quân vây bốn thành" thì không khác chi đem "quân toàn thắng" để đánh "quân tất tử”. Nhưng Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân xuất phát từ tình hình cụ thể lúc bấy giờ, đã không chủ trương đánh thành mà kiên quyết "vây thành diệt viện". Viện binh, nguồn hy vọng cuối cùng của bọn địch trong thành, nếu bị tiêu diệt, thì địch trong thành thế tất phải hàng. Nguyễn Trãi đã nhận rõ bước đường tất yếu đó của địch và đã bảo cho địch biết từ trước: "Nếu viện binh đến, thế tất phải thua, viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt"1. Viện binh địch bị tiêu diệt, mười vạn quân địch ở các thành bị bắt, chiến tranh kết thúc, nhân dân ta toàn thắng, đất nước ta được giải phóng, Tổ quốc ta được độc lập, tù binh địch được ta tha cho về nước, quan hệ giao hảo giữa hai nước được lập lại bình thường. Đó là đường lối kết thúc chiến tranh tốt đẹp nhất, vừa đảm bảo thắng lợi hoàn toàn đối với ta, vừa "dập tắt chiến tranh cho muôn đời"2 giữa hai dân tộc Việt - Trung. Chính vì thế, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn đã kiên trì chủ trương vây thành diệt viện từ lâu. Và cũng vì thế, khi viện binh của giặc tới, nghĩa quân Lam Sơn một mặt vẫn tích cực vây thành, một mặt hết sức chú trọng tập trung diệt viện.
___________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 49.
2. Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2016, 09:08:38 pm »


Nghĩa quân chuẩn bị đánh viện binh địch ngay từ khi chúng mới tiến vào biên giới. Cố nhiên là trong một lúc và trong một trận, chưa thể chặn đứng 15 vạn quân địch tại biên giới, nhưng dù chúng có tiến sâu hơn nữa thì chiến trường chủ yếu cũng chỉ là vùng các quan ải, gần biên giới, như Nguyễn Trãi đã đề ra từ trước: "Những nơi quan ải hiểm yếu đều có quân và voi đồn giữ, nếu viện binh đến, thế tất phải thua"1

Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn kiên quyết hạn chế chiến tranh trong phạm vi núi rừng phía Bắc nước ta, không cho mở rộng xuống đồng bằng. Trước khi viện binh tới gần biên giới, các lãnh tụ Lam Sơn đã ra lệnh cho nhân dân các châu Lạng Giang, Bắc Giang, Tam Đái, Tuyên Quang, Quy Hóa2 làm thanh dã, tức dọn sạch ruộng vườn, không để lại hoa màu, lương thực để giặc không thể cướp phá được, và cũng chỉ cần làm thanh dã ở mấy vùng núi rừng này thôi.

Vấn đề chọn hướng chiến lược, định đối tượng tác chiến cũng đã được giải quyết từ khi viện binh địch chưa tới nơi và đã giải quyết đúng.

Viện binh địch chia làm hai đạo, tiến sang theo hai hướng. Nếu cùng một lúc đánh cả hai đạo viện binh địch thì nghĩa quân sẽ phải dàn đều lực lượng, không thực hiện được tập trung binh lực. Lực lượng nghĩa quân lúc ấy có khoảng trên dưới 30 vạn người, vừa tiến hành vây hãm gần 10 vạn địch trong bốn thành, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an trong toàn quốc nếu cùng một lúc tiến đánh cả hai đạo viện binh địch thì lực lượng đưa ra chiến trường sẽ mỏng yếu. Cho nên ngay từ khi viện binh địch chưa tới, các lãnh tụ Lam Sơn đã quyết định sẽ tập trung binh lực đánh địch trên một hướng và dùng một lực lượng nhỏ kiềm chế địch trên một hướng khác. Khi đánh thắng địch trên hướng thứ nhất sẽ tiến sang tiêu diệt địch trên hướng thứ hai.

Vậy đánh địch trên hướng nào trước? Đạo quân Mộc Thạnh có 5 vạn. Đạo quân Liễu Thăng có 10 vạn, tức đông gấp đôi. Đánh quân Mộc Thạnh có phần dễ thắng hơn. Nhưng nếu tập trung lực lượng để đánh thắng đạo viện binh Mộc Thạnh thì không còn đủ quân để kiềm chế nổi đạo quân mạnh của Liễu Thăng. Và như thế, đạo quân Liễu Thăng có thể tiến nhanh, từ Pha Lũy vào Đông Quan, vì đạo quân Liễu Thăng đông gấp đôi đạo quân Mộc Thạnh, mà đường tiến quân từ Pha Lũy vào Đông Quan lại chỉ ngắn bằng nửa đường tiến quân của Mộc Thạnh từ cửa Lê Hoa vào Đông Quan. Nếu đạo quân Liễu Thăng vào được Đông Quan, gặp được bọn địch trong các thành thì thế và lực của chúng sẽ đổi khác, và đã đến tình hình ấy thì nghĩa quân không chắc đánh thắng được đạo quân Mộc Thạnh mà khó khăn trong chiến tranh cũng sẽ tăng lên nhiều về phía nghĩa quân. Cho nên, các lãnh tụ nghĩa quân chủ trương tiêu diệt đạo quân Liễu Thăng trước, và kiềm chế đạo quân Mộc Thạnh tại biên giới. Các lãnh tụ nghĩa quân đoán trước rằng Mộc Thạnh là một tướng già, có kinh nghiệm, lại mang ít quân, nên hắn sẽ dừng lại ở biên giới chờ xem động tĩnh của đạo quân Liễu Thăng như thế nào. Nếu đạo quân Liễu Thăng đánh thắng, tiến được vào Đông Quan thì khi ấy Mộc Thạnh mới từ biên giới Vân Nam tiến xuống, và tiến quân như thế ít phải chiến đấu, không mệt nhọc, vất vả. Chừng nào Liễu Thăng chưa vào được Đông Quan thì Mộc Thạnh cũng chưa cho quân vượt biên giới tiến sang.
____________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 49.
2. Tức vùng Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và phía bắc các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Bắc ngày nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2016, 09:12:13 pm »


Biết rõ mưu đồ, kế hoạch tiến quân của địch, dự đoán được tư tưởng và đặc tính của từng tên tướng địch và am hiểu tường tận mọi điều kiện của chiến trường, cho nên ngay từ tháng 5 năm 1427, các lãnh tụ Lam Sơn đã cho tướng Trần Ban đem quân lên tu sửa cửa ải Lê Hoa. Tu sửa có nghĩa là xây dựng lại cho vững chắc, kiên cố hơn để "đề phòng viện binh nhà Minh kéo sang" như sử cũ đã ghi1. Lê Hoa là cửa ải sát biên giới Vân Nam, Pha Lũy là cửa ải sát biên giới Quảng Tây. Cả hai cửa ải đều quan trọng mà chỉ tu sửa một cửa Lê Hoa, điều đó chứng tỏ các lãnh tụ Lam Sơn đã có ý định từ trước, lợi dụng địa hình hiểm trở và công sự kiên cố để án ngữ đường tiến quân của đạo viện binh từ Vân Nam sang. Khi viện binh địch đã tới sát biên giới, các lãnh tụ Lam Sơn cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả là hai tướng giỏi đã có kinh nghiệm đánh địch trên vùng núi rừng Tây Bắc2, cùng với hai tướng Lê Khuyển, Lê Trung đem quân lên chặn giữ viện binh Mộc Thạnh ở cửa Lê Hoa.

Như vậy là để đối phó với viện binh địch, hướng chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn đã được định từ trước là nhằm đánh vào đạo quân của Liễu Thăng đương tiến sang theo đường Quảng Tây. Đạo quân này là đạo quân lớn, quân đông, tướng giỏi, nghĩa quân sẽ đánh như thế nào để chắc thắng. Nghĩa quân chủ trương đánh thật mạnh, "dĩ cường công nhược" lấy mạnh đánh yếu, đánh cho địch không kịp trở tay. Đánh như "đem núi Thái Sơn đè lên quả trứng", như "lấy lửa hồng thiêu đốt sợi lông". Đánh như thế, địch tất nhiên "lực không chịu nổi chốc lát, thế không đương trong khoảnh khắc", và như Nguyễn Trãi đã từng nói "dĩ cường công nhược, hà ưu bất khắc", lấy mạnh đánh yếu lo gì không thắng. Nghĩa quân có đầy đủ khả năng đánh mạnh như thế, đánh tiêu diệt hoàn toàn đạo viện binh Liễu Thăng.

Trong giai đoạn này, với sự lớn mạnh ngày càng tăng của mình về cả thế và lực, quân dân ta đã thật sự làm chủ đất nước, lấy lại gần hết các thành địch và đương áp đảo nghiêm trọng gần 10 vạn địch trong 4 thành trơ trọi. Cũng trong giai đoạn này, quân dân ta đã đánh tan 3 đợt viện binh của địch (Vương An Lão, Vương Thông, Cố Hưng Tổ) bao gồm trên 10 vạn quân. Đạo quân Liễu Thăng, tuy đông về số lượng, nhưng không mạnh về chất lượng, vì "lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết, quân ốm" như Nguyễn Trãi đã nhận định từ trước khi quân địch sang tới nơi. Một đạo quân như thế mà phải bị động đối phó từ đầu đến cuối, trước một đối phương mạnh, thì lực càng yếu và thế tất phải thua.
___________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. VIII, tr. 47.
2. Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đã đánh thắng viện binh Vương An Lão trên vùng phía bắc Tam Giang, tức vùng phía trên Việt Trì ngày nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2016, 09:15:41 pm »


Để đánh thắng hoàn toàn đạo quân Liễu Thăng, nghĩa quân Lam Sơn quyết định đánh thật mạnh ngay từ đầu. Tiến công địch ngay từ khi địch mới đặt chân tới biên giới. Tiến công không ngừng, khiến cho địch không được một phút nghỉ ngơi, làm cho địch nhanh chóng bị tiêu hao, tiêu diệt thật nặng. Đánh như "sấm ran chớp giật", như "trúc chẻ tro bay", đánh giập nát đầu, đánh chặt đứt đuôi:

      Trước đặt phục binh giữ hiểm, đập nát tiền phong
      Sau đưa kỳ binh đánh chặn, cắt đường lương thực

                                                             (Bình Ngô đại cáo)


làm cho địch quân số giảm sút nghiêm trọng, để cuối cùng nghĩa quân sẽ tập trung binh lực tinh nhuệ tiêu diệt toàn bộ quân địch còn lại:

      Tiếp thêm quân bốn mặt bao vây
      ... Lựa quân hùm gấu
      Cử tướng vuốt nanh
      Voi uống mà cạn nước sông
      Dao mài mà mòn đá núi
      Đánh trống trận đầu, kình ngạc phanh thây
      Đánh trống trận nữa, chim muông tan tác

                                                  (Bình Ngô đại cáo)

Đánh như thế, toàn bộ đạo quân Liễu Thăng nhất định phải tiêu diệt.

Để thực hiện chủ trương tác chiến đó, các lãnh tụ nghĩa quân bố trí lực lượng để đánh địch suốt chặng đường tiến quân của chúng, từ cửa ải Pha Lũy, trên biên giới tới Xương Giang và lấy Xương Giang làm địa điểm cuối cùng để tiêu diệt toàn bộ quân địch. Tại Pha Lũy đã có quân của tướng Trần Lựu đóng giữ từ trước. Các lãnh tụ nghĩa quân cử thêm quân đi đóng giữ một số địa điểm khác. Trước hết, các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Đinh Liệt và Lê Thụ được cử đem một vạn quân tinh nhuệ và 5 voi chiến lên ải Chi Lăng đặt phục binh để chờ đón địch. Ngoài một vạn quân chủ lực này, tại Chi Lăng, còn có những đội tuần đinh, tuần tráng, tức dân binh địa phương cùng tham gia chiến đấu bên cạnh nghĩa quân, cùng nghĩa quân vừa dựng rào đặt lũy, vừa bố trí mai phục để diệt giặc.

Sau đó, các lãnh tụ nghĩa quân cho một đạo quân thứ hai do các tướng Lê Lý, Lê Văn An chỉ huy, gồm 3 vạn quân "lục tục tiến lên”1 tức là tiến lên sau đạo quân thứ nhất và bố trí tại một địa điểm phía dưới Chi Lăng, chờ khi đạo quân ở Chi Lăng truy kích địch tới nơi thì đổ ra cùng đánh.

Tại Xương Giang, các lãnh tụ cho một lực lượng đông đảo quân bộ và quân thủy tới đóng giữ thành này và dọc Sông Thương để án ngữ đường tiến của địch và đã trữ sẵn trong thành Xương Giang một số lượng lương thực khá lớn, chuẩn bị cho việc tăng cường lực lượng để vây hãm địch tại đây.

Công việc chuẩn bị chiến đấu hoàn thành, nghĩa quân bắt đầu tiến công địch ngay. Tiến công địch từ khi địch chưa sang tới đất nước ta, đánh vào lòng địch trước khi đánh bằng gươm giáo.
_____________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. VIII, tr. 52.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 06:51:49 am »


ĐÁNH VÀO LÒNG ĐỊCH
TRƯỚC KHI ĐÁNH BẰNG GƯƠM GIÁO


“Mưu phạt nhi tâm công" của Nguyễn Trãi, là một lối đánh vào lòng địch để thắng địch, không phải chỉ có địch vận, dụ hàng, mà nhiều khi còn là một thứ vũ khí tác động tinh thần địch rất mạnh, điều khiển được hành động của địch để đánh địch, hoặc làm lung lay quyết tâm chiến đấu của địch, khiến địch phải dè dặt, ngần ngại, chưa dám tiến quân, chưa dám giao chiến ngay, hoặc làm cho các tướng địch phân tâm, không nhất trí hành động giữa chúng với nhau, hoặc làm cho tướng địch bị khích động, sinh kiêu, hành động liều lĩnh, không thận trọng. Tác dụng "đánh vào lòng địch" như thế sẽ tạo thêm điều kiện để quân ta đánh thắng địch dễ dàng. Cho nên trong quá trình chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn, đánh địch bằng quân sự thường được kết hợp với đánh vào lòng địch. Lần này, để đối phó với viện binh địch, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã đánh vào lòng địch trước khi đánh địch bằng vũ khí. Viện binh địch chia làm hai đạo quân, do hai tướng chỉ huy, tiến theo hai hướng vào nước ta. Ta cũng đánh vào lòng địch theo hai cách, nhằm hai mục đích khác nhau.

Tướng chỉ huy đạo quân đi đường Vân Nam là Mộc Thạnh. Tướng chỉ huy đạo quân đi đường Quảng Tây là Liễu Thăng. Cả hai đều là tướng giỏi của triều đình nhà Minh, và cả hai đều đã tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu. Nhưng hai tướng đó, tuổi tác khác nhau, tác phong thái độ khác nhau, kinh nghiệm chiến đấu cũng khác nhau, nhất là kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường Việt Nam. Ra quân lần này, hai tướng đó không cùng đi với nhau, mỗi người đi một đường, độc lập chỉ huy, không ai chịu trách nhiệm với ai, không ai dưới quyền ai. Đó là tất cả những điều mà Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân rất chú ý.

Mộc Thạnh là một tướng già từng trải, thận trọng, có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường Việt Nam. Mộc Thạnh đã là một trong hai tên tướng chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đánh nhà Hồ cuối năm 1406. Trương Phụ chỉ huy 40 vạn quân theo đường Quảng Tây đánh sang, Mộc Thạnh cũng chỉ huy 40 vạn quân theo đường Vân Nam đánh sang. Tới cuối năm 1407, đánh bại nhà Hồ, chiếm được Việt Nam, Mộc Thạnh và Trương Phụ mới trở về nước. Đến năm 1409, Mộc Thạnh lại mang ấn "Chinh di tướng quân" tức ấn nguyên soái, đem 5 vạn quân từ Vân Nam tiến sang đàn áp các phong trào khởi nghĩa ở Việt Nam, và Mộc Thạnh đã ở lại Việt Nam cho tới cuối năm 1414, dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng, mới trở về nước. Nhưng bên cạnh những kinh nghiệm thành công, Mộc Thạnh cũng đã có nhiều kinh nghiệm thất bại trên chiến trường Việt Nam. Đầu năm 1409, sang đánh Việt Nam, Mộc Thạnh đã bị đại bại trong trận Bô Cô và suýt bỏ mạng tại đây. Trong gần sáu năm, từ 1409 đến 1414, chiến đấu với những phong trào khởi nghĩa ở Việt Nam, Mộc Thạnh cũng đã gặp nhiều lao đao, lận đận, nếu chỉ có thắng thì đã không phải kéo dài cuộc chiến đấu tới 6 năm. Khoảng 12 năm sau, tức tháng 4 năm 1426, Mộc Thạnh lại được lệnh đem gần 2 vạn quân từ Vân Nam tiến sang phối hợp với quân Trần Trí và quân ngụy Đèo Cát Hãn đánh phá nghĩa quân áo đỏ ở miền Tây Bắc nước ta, nhưng không thành công lại trở về. Với những kinh nghiệm thất bại đó, Mộc Thạnh đã thấy rõ sức mạnh của quân dân ta. Nhất là sức mạnh lớn lao của nghĩa quân Lam Sơn trong gần 10 năm chiến đấu đã đánh bại mấy đời tổng binh Lý Bân, Trần Trí, đã giành lại gần hết đất nước, trừ 4 thành trơ trọi, đã dựng nên Nhà nước dân tộc độc lập, đã liên tiếp đánh bại ba đạo viện binh của Vương An Lão, Vương Thông, Cố Hưng Tổ, cho nên cầm đầu một đạo viện binh sang Việt Nam lần này, Mộc Thạnh rất thận trọng, triển vọng thắng lợi chưa thấy đâu, mà quân trong tay chỉ có năm vạn, nên Mộc Thạnh càng dè dặt, đắn đo, không dám khinh suất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 06:54:30 am »


Dự đoán được tình hình tư tưởng và thái độ của Mộc Thạnh trong việc ra quân lần này, nên ngay từ khi Mộc Thạnh chưa đem quân tới biên giới, Nguyễn Trãi đã nhân danh Trần Cao viết một bức thư gửi sang cho Mộc Thạnh, nhằm mục đích làm lung lay ý chí xâm lược và quyết tâm chiến đấu của Mộc Thạnh. Khi Mộc Thạnh đem viện binh tới gần biên giới, Nguyễn Trãi lại nhân danh Trần Cao viết một bức thư nữa đưa tới cho Mộc Thạnh. Trong thư, Nguyễn Trãi phân tích những lẽ được thua, những sự thành bại trong mấy chục năm qua, và vạch rõ cái thế không thể thắng được của những đạo viện binh lần này. Với lời lẽ đanh thép, chứng cứ rõ ràng, tình lý đầy đủ, ông bảo Mộc Thạnh:

"Trước đây tôi gửi thư đến nói về việc quan hệ lớn giữa nhà nước thành hay bại, cùng sinh dân vui hay buồn. Người có lòng muốn yên dân, há chẳng chạnh lòng thương xót ư? Nay đã mấy tháng rồi, không biết thư tôi gửi khi trước có đến đại nhân hay không, mà không từng thấy một chữ nào trả lời cho biết... Việc dùng binh đến cùng, cậy vào vũ lực là điều mà xưa nay vẫn răn dạy. Từ khi quân nhà vua dẹp yên cõi Giao Chỉ đến giờ, binh đao liền liền, tai vạ chồng chất, một ngày một quá lắm. Người Trung Quốc thì bị đòi bắt tần phiền, quân và ngựa đều bị chết. Cái mà lấy được không bù được cho cái mất, cái mà cướp được không chữa được vết tổn thương. Trừ ra, nguyên số quân đi đánh lần trước, và nhiều lần tiếp tục, quân và ngựa chết hại không biết đâu mà tính, thì không kể, năm ngoái lại điệu phát quân và ngựa ở ba tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu hiện nay mười phần không còn một phần. Cứ xem thế, bảo đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, há chẳng đúng lắm ru? Từ tháng 11 năm ngoái trở về sau, các xứ Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, đều đã cởi áo giáp ra ngoài thành cùng với chúng tôi bàn việc hòa giải... Tất thảy quan viên, quân nhân và người nhà, cộng mấy vạn người, tôi đều thu nuôi, không xâm phạm mảy may. Chỉ đợi ngày chiếu thư ban xuống thì đem trả về đủ số. Các đại nhân đều là nhân nhân quân tử, há lại không biết rõ nghĩa giao thiệp với nước láng giềng cùng đạo vui trời, sợ trời... Nếu không thế, chỉ chăm đòi bắt quân lính lại sang lần nữa, các ông đã biết rõ lời răn từ xưa tới nay về việc cùng binh độc vũ, há chẳng thấy thế mà sờn lòng ư?...”1.

Bức thư đã có một tác động nhất định tới tư tưởng và hành động của Mộc Thạnh. Bức thư đã nhắc nhở tới những thực tế của chiến trường, tới những thất bại ngày càng nặng nề của quân Minh ở Việt Nam, tới sự sụp đổ của những mưu đồ xâm lược của triều đình nhà Minh mà không sức nào có thể vực lên được nữa. Mộc Thạnh vốn là người thận trọng, không thể không suy nghĩ, dè dặt trước những thực tế đó. Qua thất bại của các đạo viện binh trước, đem quân sang Việt Nam lần này, triển vọng thắng lợi chưa thấy đâu, mà thận trọng để khỏi thua đau là cần thiết. Vả lại đạo viện binh của Mộc Thạnh chỉ có 5 vạn quân không phải là đạo quân chính, không nhất thiết phải tiến sang Việt Nam ngay. Cho nên Mộc Thạnh quyết định dừng quân ở biên giới, lấy cớ phải ở lại "làm thuyền bè"2 mới tiến được, để chờ xem đạo quân của Liễu Thăng tiến đánh trước như thế nào. Nếu Liễu Thăng đánh thắng, tiến được vào Đông Quan, thì Mộc Thạnh sẽ tiến sang sau một cách dễ dàng. Nếu Liễu Thăng thất bại, không sang được hoặc không vào Đông Quan được thì lúc ấy Mộc. Thạnh sẽ tùy nghi hành động, tiến hay không tiến sẽ tùy tình hình lúc ấy mà quyết định.

Như thế là kế hoạch của nghĩa quân Lam Sơn kìm chân đạo quân Mộc Thạnh tại biên giới đã thành công. Các lãnh tụ nghĩa quân ra mật lệnh cho các tướng lĩnh ở cửa ải Lê Hoa, không tiến công đạo quân Mộc Thạnh và tránh những cuộc giao tranh lớn, chỉ bố trí mai phục sẵn để chờ dịp đánh địch.
___________________________________
1. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 151, 153.
2. Minh sử, An Nam truyện, q. 321.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #166 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 07:01:12 am »


Đồng thời với việc gửi thư cho Mộc Thạnh, Nguyễn Trãi cũng gửi thư cho Liễu Thăng. Nội dung thư không nói đến đánh nhau, chỉ nói đến hòa giải giữa hai nước. Trong thư có những đoạn viết:

"... Nay tôi nghe thấy, triều đình lại sai tướng quân đem đại quân đến bờ cõi; không biết rõ đạo quân ấy là quân cứu viện chăng? Hay là quân đến đóng giữ chăng? Hay là quân đến làm việc lập lại họ Trần chăng? Các ông ví xét rõ sự tình thời thế, đóng đại quân lại, rồi đem việc hòa giải của tất cả các quan lại, quân dân nói trên kia1, làm tờ sớ tâu rõ công việc về triều đình, tôi cũng lập tức cho đúc người vàng, mang tờ biểu, tiến cống thổ sản địa phương. Còn các bầy tôi trong triều may ra biết đem đường lối thẳng thắn nói với vua lại làm việc dấy kẻ bị diệt, nối lại dòng kẻ mất gốc mà tránh được việc phi lý dùng binh đến cùng, khoe khoang vũ lực như đời Hán, Đường... Làm như thế thì các ông có thể ngồi yên đó mà hưởng thành công... Như thế há chẳng tốt đẹp lắm ru"2.

Nhưng mục đích và dụng ý gửi thư cho Liễu Thăng khác với gửi thư cho Mộc Thạnh. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân biết chắc chắn rằng: thư từ, lời lẽ không thể nào ngăn chặn được cả hai đạo viện binh địch, đó là điều không thể có, nhất là đạo quân Liễu Thăng là đạo quân chính, không thể không tiến sang Việt Nam làm nhiệm vụ của nó mà triều đình nhà Minh đã trao cho. Cầm trong tay đạo quân chủ lực, Liễu Thăng không thể làm như Mộc Thạnh, dừng lại ở biên giới, chờ cho đạo quân Mộc Thạnh sang đánh trước để xem được thua như thế nào rồi mới định liệu. Vả lại Liễu Thăng tuổi tác, tác phong khác với Mộc Thạnh, không thận trọng, dè dặt như Mộc Thạnh. Liễu Thăng là một tướng trẻ, hung hăng, hiếu chiến và hiếu thắng. Liễu Thăng đã tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đánh thắng nhà Hồ năm 1406 - 1407. Liễu Thăng lại ba lần tham gia cuộc chiến tranh ở biên giới phía bắc nước Minh, đã được nhiều lần khen thưởng và thăng quan tước liên tiếp, từ một viên bách hộ tầm thường tiến lên đô chỉ huy, rồi lên tước bá, tước hầu, nên Liễu Thăng rất kiêu ngạo. Liễu Thăng chưa có kinh nghiệm thất bại trên chiến trường Việt Nam, chưa biết rõ sức mạnh của quân dân ta, nay lại cầm 10 vạn quân sang đánh nước ta thì không có gì có thể cản được bước tiến của viên tướng hiếu chiến đó. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân biết như thế, và cũng chính vì thế mà gửi thư cho Liễu Thăng. Thư gửi nhằm hai mục đích: Một là, dù kiêu ngạo, dù đọc thư hay không đọc thư, Liễu Thăng cũng sẽ chuyển thư ấy về triều đình nhà Minh để báo cáo với triều đình là ta sợ hắn như thế đấy, và hắn nhất định sẽ đánh thắng ta, bức thư ấy sẽ có tác dụng gợi ý trước với triều đình nhà Minh những điều kiện giao hảo giữa hai nước mà không mất thể diện triều đình nhà Minh; Hai là, Liễu Thăng vốn kiêu ngạo, hiếu chiến, nhận được thư của ta, tưởng lầm ta sợ hắn, càng sinh kiêu. Người tướng ra trận mà kiêu căng thì dễ phạm sai lầm, thất bại. Liễu Thăng càng kiêu ngạo, càng chủ quan khinh địch, càng hành động liều lĩnh, thì ta càng dễ điều động hắn đánh như ý muốn của ta, càng dễ đưa hắn đến những nơi có lợi nhất đối với ta để tiêu diệt.

Quả thật, Liễu Thăng nhận được thư, sinh kiêu, không đọc, gửi thẳng về triều và lập tức đem quân vượt biên giới đánh sang.

Như thế là dụng ý của ta đã đạt. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã đánh thắng địch trận đầu - đánh vào lòng địch - mở đường cho cuộc đại phá mười lăm vạn viện binh địch mau chóng thành công.

Trước khi ra quân đánh địch, Lê Lợi nói với các tướng: “Giặc vốn coi thường ta, cho là người nước ta nhút nhát, sợ oai giặc từ lâu, nay nghe tin đại quân đến, tất sợ hãi. Huống chi lấy mạnh đánh yếu, lấy nhiều thắng ít là lẽ thường. Giặc không biết hình thế được thua của người của mình, không biết then máy qua lại của thời vận. Vả binh cấp cứu cần phải nhanh chóng, giặc tất hết sức đi gấp đường. Binh pháp nói: "Đi 50 dặm để tranh lợi thì thượng tướng phải què". Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, người tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn rỗi đánh quân mệt nhọc, nhất định phải thắng"3.

Tình hình chiến sự sẽ diễn ra đúng như thế.
_____________________________________
1. Chỉ những quan, tướng, binh sĩ nhà Minh đã đầu hàng ở Việt Nam.
2. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 178.
3. Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục đều chép câu này tương tự nhau. Nhưng Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử thông giám cưong mục viết "Đi 500 dặm để tranh lợi..." là sai với lời nói trong Binh pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #167 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 10:38:08 pm »


TRẬN CHI LĂNG:
LIỄU THĂNG TAN XÁC


Khoảng đầu tháng 10 năm 1427, mười vạn quân của Liễu Thăng đánh vào cửa ải Pha Lũy1, tức Hữu nghị quan bây giờ. Tướng Lam Sơn trấn giữ Pha Lũy là Trần Lựu vừa chiến đấu vừa lui quân về Ải Lưu2. Địch tiến đánh Ải Lưu, Trần Lựu rút quân về Chi Lăng. Tại Ải Lưu, Liễu Thăng lại nhận được thư của Nguyễn Trãi. Qua việc này có thể biết trong cuộc đại phá viện binh địch, Nguyễn Trãi và Lê Lợi không ở Đông Quan mà có mặt tại mặt trận để trực tiếp chỉ huy các trận đánh. Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã theo dõi từng ngày, từng giờ bước tiến của quân địch. Trong thư Nguyễn Trãi khuyên Liễu Thăng nên lui quân, nếu không sẽ bị đánh và hối không kịp. Ông viết lời lẽ rất ung dung, cái ung dung của một người tin chắc ở chiến thắng:

"Ta nghe nói: Vương giả chi sư, hữu chinh vô chiến; nhân nghĩa chi cử, vụ tại an dân (Quân của vương giả dẹp mà không đánh, làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân)...

Nay nghe đại quân thốt nhiên tới biên cảnh. Vừa sợ vừa mừng. Đó là binh cứu viện chăng? Hay là binh tới để dựng lại nước đã diệt, nối lại dòng đã tuyệt chăng? Đã hơn hai mươi năm, binh họa liên miên... Được không bù lại mất. Thu vào chẳng bõ những cái mất đi. Nói tới những điều đó chắc các ông không thích nghe...

Các ông là tướng lão luyện của thiên triều, chịu mệnh ra biên cương, mọi việc ở cõi ngoài có thể tự chuyên được. Sao không thấy lúc nên chăng, tùy nghi xử trí, lui quân khỏi cõi, cho sứ đưa thư xem hư thực. Sau đó, đem những việc trên thỉnh mệnh triều đình. May được chuẩn y thì các ông không nhọc lòng mệt sức mà thành công. Triều đình không nghe thì tiến quân cũng chẳng muộn.

Nay các ông không nghĩ tới điều đó, đem quân trơ trọi đi sâu vào đất người, cầu may lập công. Ta cho rằng các ông không thể làm nên chuyện gì. Con ong còn có nọc độc, huống chi người cả nước ta, lại không có ai là người mưu trí dũng lược hay sao. Các ông chớ thấy ta ít người mà coi thường. Đến lúc ấy, lòng thành của nước ta đối với nước lớn thật là thiếu, mà các ông thì hối không kịp..."
3.

Quả thật, Liễu Thăng đã đi sâu vào đất người, mà lại rất chủ quan, thì là đi sâu vào chỗ chết, đúng như Nguyễn Trãi đã nói. Nhận thêm được thư này của ta xin lui quân, Liễu Thăng càng kiêu ngạo, khinh thường. Hắn hăm hở cho quân theo đường Chi Lăng thẳng tiến. Hắn đã đi đúng theo con đường như ý định của ta, con đường qua Chi Lăng.
____________________________________
1. Ngày địch đánh Pha Lũy, sử cũ không ghi cụ thể. Một vài tài liệu biên soạn sau này dựa vào cách ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư thường viết là Liễu Thăng đem quân đánh Pha Lũy ngày 18 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức ngày 8 tháng 10 năm 1427.
    Nếu chúug ta thừa nhận ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi là ngày Liễu Thăng bị đánh chết ở núi Mã Yên trong ải Chi Lăng, như các sách sử và tài liệu cũ đều nhất trí ghi chép thì ngày Liễu Thăng đánh Pha Lũy không thể là ngày 18 tháng 9 mà phải sớm hơn nữa. Từ Pha Lũy tới Mã Yên, đường dài trên 60 ki-lô-mét, trên chặng đường dài ấy, Liễu Thăng còn phải giao chiến với quân của tướng Trần Lựu ở Pha Lũy, ở Ải Lưu và tại nhiều quan ải, chiến lũy khác, nên không thể đi trong hai ngày. Từ Chi Lăng tới Xương Giang đường dài khoảng 60 ki-lô-mét, đạo quân địch này đã phải đi khoảng 10 ngày, thì quãng đường từ Pha Lũy tới Mã Yên, cũng dài như vậy hoặc dài hơn một chút, không thể chỉ đi trong hai ngày. Theo Bình Ngô đại cáo, ngày 18 tháng 9 Đinh Mùi không phải là ngày Liễu Thăng đánh Pha Lũy, mà Nguyễn Trãi viết:
    Ngày mười tám, Liễu Thăng bị đánh, Chi Lăng mắc kế,
    Ngày hai mươi, Liễu Thăng bị bại, Mã Yên tan thây.
    Như vậy có thể là ngày 18 tháng 9 Đinh Mùi, Liễu Thăng đã đi quá Pha Lũy, tới gần Chi Lăng, tại đây Liễu Thăng đã trúng kế dử địch của Trần Lựu mà tiến vào Chi Lăng và ngày 20 bị quân ta đánh chết ở chân núi Mã Yên. Do đây, Liễu Thăng tới Pha Lũy phải là từ mấy ngày đầu tháng 10 năm 1427, không phải là ngày 8 tháng 10 năm 1427, tức 18 tháng 9 Đinh Mùi, mà ít nhất phải sớm hơn 4, 5 ngày.

2. Ải Lưu, sử cũ không ghi rõ là ở đâu. Theo một vài tài liệu ghi chép thì Ải Lưu ở phía trên Chi Lăng và dưới Khâu Ôn. Khâu Ôn là khu vực thị xã Lạng Sơn ngày nay. Ải Lưu ở gần ải Chi Lăng. Thời Lý, ải Chi Lăng gọi là ải Giáp Khẩu. Phía trên ải Giáp Khẩu là ải Quyết Lý tại địa phận xã Nhân Lý sau này, cách ải Giáp Khẩu hơn 10 ki-lô-mét. Tới thời Lê, khoảng thế kỷ XV, XVI, tại Nhân Lý vẫn có trạm quan ải lớn. Như vậy Ải Luu có thể là ải Quyết Lý thời Lý, sau này là xã Nhân Lý, tại khu vực có đèo Kháo Mẹ, Kháo Con, một địa điểm tương đối hiểm yếu.
3. Nguyễn Trãi, Hoàng triều dữ Minh nhân vãng phục thư tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #168 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 10:40:14 pm »


Chi Lăng là một quan ải xung yếu nhất, trên con đường từ Pha Lũy tới Đông Quan và cách Pha Lũy khoảng 60 ki-lô-mét. Ải Chi Lăng được dựng lên từ lâu đời, trên một thung lũng nhỏ, bốn bề có núi non hiểm trở bao bọc. Thung lũng hình bầu dục, dài khoảng 4 ki-lô-mét, giữa phình ra rộng khoảng hơn 1 ki-lô-mét, hai đầu thắt lại, lập thành hai cửa vào ải. Cửa phía bắc dựa vào núi Cai Kinh một bên và núi Hàm Quỷ một bên, cho nên gọi là cửa Hàm Quỷ, cũng gọi là cửa Ngăn hay Quỷ môn quan. Cửa phía nam dựa vào núi Cai Kinh và núi Bảo Đài ở hai bên, không rõ thời xưa gọi là cửa gì, sau này gọi là cửa Ngõ Thề, có ý nghĩa đây là nơi thề quyết tâm diệt giặc ngoại xâm. Hai bên sườn thung lũng là hai dãy núi chạy dài, ôm lấy thung lũng. Sườn phía tây là rặng vách núi đá dựng đứng của dãy Cai Kinh. Sườn phía đông là dãy Thái Hòa và dãy Bảo Đài, núi non trùng điệp, chạy rải theo chiều dài thung lũng. Men dưới chân dãy Cai Kinh là con sông Thương chảy vào thung lũng, từ cửa Hàm Quỷ xuống cửa Ngõ Thề. Trong thung lũng còn có mấy ngọn núi nhỏ: ở phía bắc có núi Phượng Hoàng và núi Vọng Phu, khoảng giữa thung lũng gần phía nam, có núi Mã Yên nay còn cao khoảng 40 - 50 mét, ở giữa một cánh đồng trũng, lầy lội. Khi xưa, qua ải Chi Lăng, thế nào cũng phải đi qua cánh đồng lầy của núi Mã Yên. Tại đây có bắc cầu để qua cánh đồng lầy.

Chi Lăng đã bao lần là mồ chôn quân cướp nước ở nhiều thời đại trước. Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn đều đã đánh thắng quân xâm lược tại đây. Ải Chi Lăng tựa như một cái bẫy lớn để dồn giặc vào trong đó mà giết. Với địa thế hiểm yếu của nó, ải Chi Lăng rất thuận lợi cho việc đặt mai phục của quân ta, vừa giấu quân kín đáo, vừa triển khai được đội hình chiến đấu tốt, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đánh gần, vừa phát huy được hiệu lực thế trận từ trên cao đánh xuống. Giặc tràn vào ải Chi Lăng tức là tràn vào chỗ chết. Chính vì thế đã có những tên tướng xâm lược thận trọng tìm cách tránh ải Chi Lăng, không đem quân đi qua. Như tướng Tống, Quách Quỳ, đem hơn 10 vạn quân sang xâm lược Việt Nam, sau khi giao chiến với quân ta ở ải Quyết Lý, dò biết Lý Thường Kiệt đặt phục binh ở Chi Lăng, đã tránh không qua Chi Lăng mà đi vòng sang phía tây, có thể là theo đường tắt qua Vạn Linh và dãy Bắc Sơn để xuống Xương Giang, Thị Cầu. Cho nên đối với địch ở các thời đại trước, ải Chi Lăng được coi như là một nơi nguy hiểm nhất trên con đường xâm lược Việt Nam.

Trong thời kỳ quân Minh chiếm đóng nước ta, bọn đô hộ đã có lần tu sửa ải Chi Lăng cho thêm kiên cố. Chúng xây một thành lũy cao 5 thước, dài 154 trượng1, chạy dọc theo các dãy núi, ở phía bắc nối cửa Hàm Quỷ với núi Hàm Quỷ và kéo dài tới các núi Phượng Hoàng, núi Vọng Phu, núi Thái Hòa; ở phía nam nối cửa Ngõ Thề với hai dãy núi Cai Kinh và Bảo Đài. Thành này về sau vẫn còn lại ít nhiều vết tích, có chỗ tường thành cao trên 6 mét, mặt thành rộng trên 5 mét, chân thành rộng trên 10 mét. Với những công trình xây dựng đó, ải Chi Lăng càng trở nên xung yếu. Các lãnh tụ nghĩa quân đã quyết định lấy Chi Lăng làm nơi đặt phục binh để đón đánh đạo quân Liễu Thăng và cho dựng thêm ở phía trước Chi Lăng, từ Ải Lưu tới, chừng vài chục chiến lũy, cách nhau từng khoảng ngắn để chặn đánh địch. Tại Chi Lăng đã có 1 vạn quân của các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lĩnh, Đinh Liệt, Lê Thụ, mai phục sẵn để chờ Liễu Thăng đến. Lại có đông đảo nhân dân địa phương tới phối hợp với nghĩa quân để cùng chiến đấu và tham gia các công việc dựng rào đắp lũy trên con đường từ Ải Lưu tới Chi Lăng2.
____________________________________
1. Mỗi trượng dài 3,60m. Một trượng có 10 thước.
2. Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr. 319 có dẫn truyền thuyết địa phương "nhân dân xã Quang Huy bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Lý Huề - còn gọi là Đại Huề tổ chức thành các đội “tuần đinh", "tuần tráng" phối hợp tác chiến".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #169 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 09:56:56 am »


Trận địa đã bố trí sẵn, nhưng Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân vẫn đề phòng trường hợp địch khi tới Ải Lưu hoặc tới gần Chi Lăng, sẽ đi tắt sang đường khác như tướng Tống Quách Quỳ khi xưa để tránh qua Chi Lăng sợ bị phục kích, nên khi thấy địch tới Ải Lưu, Nguyễn Trãi đã gửi thư cho Liễu Thăng làm cho hắn tăng thêm kiêu ngạo, chủ quan, mất cảnh giác, cứ hung hăng đem quân theo đường Chi Lăng thẳng tiến. Bức thư của Nguyễn Trãi đã thành công, đã điều khiển được địch đi theo hướng mà mình đã định.

Từ Ải Lưu tới Chi Lăng, các lãnh tụ nghĩa quân lại cho dựng đắp tới mấy chục rào lũy, nhằm hai mục đích: một là để địch không sinh nghi, nếu trên đường đi chúng không gặp một chướng ngại, một sức chống cự nào thì chúng có thể ngờ là ta bố trí mai phục tại đâu đó, nên không cần chặn đánh chúng ở dọc đường, hai là cũng cần làm cho chúng gặp nhiều khó khăn, vất vả, mệt nhọc trên đường hành quân, vì luôn luôn phải phá rào san lũy lấy đường đi. Khi giao chiến, quân địch sức đã mệt, tinh thần căng thẳng, ta đánh càng dễ. Cho nên từ Ải Lưu tới Chi Lăng, đạo quân Liễu Thăng đã phải hành quân chật vật.

Khi Liễu Thăng đi còn cách Chi Lăng vài dặm đường, tướng Trần Lựu và nghĩa quân lại từ trong Chi Lăng tiến ra đón đánh. Một trận giao chiến nhỏ đã diễn ra. Trần Lựu vừa đánh vừa lùi về Chi Lăng. Quân Liễu Thăng vừa đánh vừa tiến. Địch đã tới gần Chi Lăng, nghĩa quân còn tiến ra đón đánh, chính là để nhử chúng đi thẳng vào Chi Lăng, không để cho chúng vì một lý do cảnh giác nào khi tới gần Chi Lăng lại đi tránh sang đường khác. Tại Chi Lăng, nhiều tướng lĩnh nghĩa quân có mặt, nhưng người ra đón đánh Liễu Thăng vẫn là tướng Trần Lựu, cũng chính là để lừa địch. Địch đánh Pha Lũy, Trần Lựu cự chiến. Địch đánh Ải Lưu, lại Trần Lựu cự chiến. Địch tới gần Chi Lăng, cũng vẫn Trần Lựu cự chiến. Do đấy tướng địch Liễu Thăng, đương chủ quan, mất cảnh giác, càng dễ tưởng lầm là ta không có người, quân ít, tướng ít, không sợ bị mai phục, cứ tiến thẳng vào Chi Lăng. Quả nhiên, Liễu Thăng đã làm như vậy, và Liễu Thăng đã "Chi Lăng mắc kế" đúng như Nguyễn Trãi nói trong Bình Ngô đại cáo.

Thấy Trần Lựu thua chạy, Liễu Thăng muốn thừa thắng đem toàn quân bám sát Trần Lựu tiến ngay vào Chi Lăng. Quyết định hấp tấp đó của Liễu Thăng làm cho nhiều tướng dưới quyền hoảng sợ, lo bị trúng kế quân ta. Bọn quan tướng nhỏ là lang trung Sử An và chủ sự Trần Dung đi tìm tham tán quân vụ Lý Khánh để yêu cầu Khánh khuyên chủ tướng nên thận trọng, chớ khinh suất tiến quân. Sử An và Trần Dung nói với Lý Khánh: "Liễu tướng quân lời nói với sắc mặt đều kiêu. Kiêu là điều binh gia rất kỵ. Có thể là địch tỏ ra yếu để dử quân ta chưa biết chừng. Sắc thư đã căn dặn thiết tha là phải đề phòng địch mai phục. Vậy ông nên gắng nói“1. Lý Khánh đương ốm nặng cũng phải gượng dậy để đi gặp Liễu Thăng. Khánh khuyên Thăng không nên vội vàng, cần đề phòng phục binh của quân ta. Đô sự Phan Nhân có mặt tại đây, cũng nhắc lại trận thua ở Ninh Kiều của Vương Thông năm trước2, tức trận phục kích của quân ta ở Tốt Động - Chúc Động, để Liễu Thăng cảnh giác. Mọi người đề nghị Liễu Thăng cho người đi do thám trước, nắm vững tình hình rồi hãy tiến quân. Nhưng kiêu ngạo và chủ quan của Liễu Thăng đã lên cao độ, mọi lời khuyên can đều không có giá trị. Liễu Thăng kiên quyết cùng một vạn quân tiền phong đi trước mở đường tiến vào Chi Lăng. Bấy giờ là ngày 20 tháng 9 Đinh Mùi, tức ngày 10 tháng 10 năm 1427.
________________________________________
1, 2. Minh sử, q. 154 (Liễu Thăng truyện).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM