Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:16:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 89889 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2016, 09:42:58 pm »


Lúc này tù hàng binh, ngày một nhiều đã trở thành một vấn đề xã hội cần được giải quyết. Để ổn định đời sống của chúng và thêm nhân công vào sản xuất, tháng 4 năm 1427 các lãnh tụ nghĩa quân chia hàng binh ra làm nhiều toán cho đi sản xuất ở Lam Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình. Sau đó lại cho một toán hàng binh đứng đầu là Chu Sài đem 340 con ngựa vào châu Hóa chăn nuôi. Tháng 6 năm 1427, lại một lần nữa phân phối hơn 6 nghìn hàng binh về ở các phủ Thiên Trường, Kiến Xương, Lý Nhân, Tân Hưng (tức vùng Nam Hà, Thái Bình, Hải Hưng ngày nay).

Đối với vợ con gia đình bọn ngụy quân, ngụy quyền nghĩa quân cho phép được chuộc tội bằng tiền theo tầng bậc khác nhau. Vợ con gia đình ngụy quan chức to như bố chính sứ ty phải nộp 70 quan, vợ con gia đình của sinh viên hoặc thổ quan, tức ngụy quan chức nhỏ thì nộp 10 quan, còn nô tỳ, dù trai hay gái đều nộp 5 quan mỗi người1.

Đối với những tướng địch đầu hàng, thực lòng đi với chính nghĩa như Thái Phúc, nguyên đô đốc chiếm giữ thành Nghệ An, Nguyễn Trãi chủ trương động viên họ đem hết sức mình ra giúp vào việc làm cho chiến tranh mau chóng kết thúc và coi họ như những người có công, nếu họ đứng về phía người Việt Nam để chiến đấu cho nền độc lập của nước Việt Nam. Trong một bức thư viết cho Thái Phúc, có đoạn ông nói:

"Lão huynh là bậc tướng cũ của tiền triều, mới đầu đem quân sang đánh Giao Chỉ, phá thành Đa Bang thì ông bắc thang mây để lên thành trước, công to bậc nhất. Rồi sau mỗi năm chinh phạt, cũng đều lập được chiến công. Song không may cho ông là không được đời biết, cho nến không được vượt lên trên người, gia dĩ lại bị khiển trách luôn luôn, chí không được thỏa, đạo không được làm, rốt cuộc để ngày nay lại bị Vương Thông lừa bán, thế lại là điều không may cho ông... Nay ông về..., bên trong có vạ tiêu tường, bên ngoài có lo Bắc khấu, nắng lụt tiếp nhau, yếu nghiệt đến mãi, đại thần lấn át, cả nưóc chia lìa, trời làm táng vong chẳng sớm thì muộn. Kẻ sĩ minh triết nên sớm biết cơ mầu. Như bọn ông không may mà gặp cái thời không thể làm được lại, không may mà không được thỏa cái chí có thể làm được chỉ như câu Đường Thái Tôn bảo "Tận trung vô ích" vậy. Nay kế hay của ông chẳng gì bằng thuận theo sở ngộ, nghe theo mệnh trời nhân thời cơ này dựng nên công nghiệp, khiến cho dân ta may được thoát khổ lầm than, mà công trạng lớn lao của ông được rạng rỡ trong sử xanh, há chẳng hay ư ? Nếu cứ khư khư giữ cái tiểu tiết, thì thực không phải là bậc hào kiệt thức thời vậy"2.

Chính sách tù hàng binh của nghĩa quân thật là khoan hồng, nhân đạo, chú ý thu phục lòng người đi với chính nghĩa và chiếu cố thích đáng những kẻ lập công chuộc tội.

Các lãnh tụ Lam Sơn không chỉ chú trọng những việc đối nội mà rất quan tâm việc đối ngoại, chủ trương quan hệ thân thiện với các nước láng giềng. Tháng 8 năm 1427, Ai Lao cho sứ sang ta tặng sản vật địa phương. Giao hảo được với Chiêm Thành và Ai Lao, tức là giữ yên được miền biên giới phía nam và phía tây, quân dân ta được rảnh tay tập trung đối phó với quân xâm lược phía bắc.
_________________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. VIII, tr. 49.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 55 - 56.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2016, 09:04:09 pm »


TIẾP TỤC VÂY HÃM
VÀ DỤ HÀNG CÁC THÀNH ĐỊCH


Đối với mấy thành địch còn lại, như chủ trương đã định, nghĩa quân vẫn tiếp tục vây hãm và kiên trì dụ hàng, không những vây hãm quân sự mà còn vây hãm về kinh tế. Lệnh cấm bán mắm muối, lương thực cho địch được thi hành rất nghiêm ngặt. Ngay từ đầu năm 1427, "thiên hộ Lý Vân và người đi theo là Bùi Vĩnh, vì cớ chở trộm mắm muối cho địch ở thành Chí Linh"1, nên bị xử chém. Tháng 5 năm 1427, có lệnh "cấm cửa ải Bạch Lẫm không được chở qua mắm muối, vì cớ Đào Quý Khách thông với giặc"2. Việc buôn bán lương thực được chỉ huy chặt chẽ, quân dân được phép chở bán lương thực, nhưng phải xin giấy phép và phải bán ở những nơi quy định, "không được đi bậy"3 tức là không được thông đồng, chở bán cho địch. Nhu cầu muối ở miền núi rất cao, đối với những miền ta kiểm soát thì việc chở bán mắm muối không ngăn cấm và có thể không cần giấy phép, thí dụ đã có lệnh "phàm thấy người áo đỏ ở Mường Mộc (địa phương thuộc quyền phụ đạo Xa Khả Tham cai trị) chở mắm muối về thì không được ngăn cấm"4.

Đối với ngụy quan còn theo địch, chưa đầu hàng, vẫn còn chiếm giữ một vài địa phương nào đó, nghĩa quân cũng chủ trương không tiến công, mà cũng như đối với quân địch, chỉ vây hãm và dụ hàng. Trường hợp Cầm Lạn là một tên ngụy quan ở Quỳ Châu, đã mấy lần đưa quân Minh tiến đánh nghĩa quân khi nghĩa quân còn hoạt động ở Thanh Hóa, nghĩa quân cũng giải quyết như vậy. Đối với chúng, nghĩa quân vừa bao vây quân sự, vừa bao vây kinh tế. Tháng 5 năm 1427, các lãnh tụ nghĩa quân hạ lệnh cấm không ai được thông đồng bán mắm muối cho Cầm Lạn, và hai tháng sau, Cầm Lạn đầu hàng.
_______________________________________
1-3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III. tr. 30, 35.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III. tr. 40.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2016, 09:08:31 pm »


Đối với thành Đông Quan là nơi bọn Vương Thông, chủ tướng địch và đại bộ phận quân địch đồn trú, các lãnh tụ nghĩa quân cũng chủ trương vây hãm và dụ hàng là chính. Trong quá trình vây hãm, có thể vẫn có những cuộc đụng độ nhỏ giữa ta và địch. Quân ta thường bám sát thành Đông Quan để đánh địch. Có những lần, ta đánh địch ngay tại bãi Cơ Xá1, trước mặt thành Đông Quan. Rồi ta đắp cả thành lũy nhỏ ở bãi Cơ Xá2 để nhằm khống chế sự ra vào của địch trong thành Đông Quan. Cũng có lần quân địch từ Đông Quan lén ra cướp phá nhân dân ở Thổ Khối3, bị quân ta chặn đánh. Những cuộc đụng độ này đã xảy ra vào các tháng 6, tháng 7, tháng 8 năm 1427. Những toán nghĩa quân có công đánh thắng địch ở Cơ Xá, Thổ Khối đều được khen thưởng. Nhưng các lãnh tụ nghĩa quân vẫn không chủ trương tiến công mạnh vào thành Đông Quan. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn tin tưởng rằng chủ trương vây hãm và dụ hàng địch ở thành Đông Quan nhất định sẽ thành công. Sự thành công ấy vừa không làm tổn hại nhiều xương máu quân sĩ, vừa gây lại được quan hệ hòa bình lâu dài giữa ta và địch. Từ khi Nguyễn Trãi và đại quân Lam Sơn tiến ra Đông Đô, Nguyễn Trãi đã nhiều lần viết thư dụ hàng địch, vạch rõ những lẽ được thua với địch. Tháng 4 năm 1427, Nguyễn Trãi lại viết thư cho Vương Thông vạch rõ 6 điều nhất định phải thua của địch ở Đông Quan. Thư này ông viết rất rõ, rất gọn, phân tích rạch ròi, nhận xét xác đáng:

"Phàm người dùng binh giỏi, là lấy yếu thắng mạnh, lấy ít đánh nhiều, biến nhỏ thành lớn, chuyển nguy thành vững. Chỉ có mấy điều ấy thôi. Nay tôi hãy tính cho các ông nghe, các ông có sáu điều đáng thua:

1. Trời và người kkông ưa, vận hưng thịnh sắp tuyệt là một điều đáng thua.

2. Đóng quân ngồi giữ thành trơ trọi, thế đã cùng quẫn, quân cứu viện không đến được, là hai điều đáng thua.

3. Khí thế của quân lính nhụt kém, không chịu theo lệnh sai bảo, là ba điều đáng thua.

4. Hết đường kiếm củi, cắt cỏ, lương thực thiếu thốn, là bốn điều đáng thua.

5. Nước lụt mùa hè tràn ngập tường lũy, cừ sách sụt đổ, là năm điều đáng thua.

6. Người nước tôi bị hãm lâu ở trong thành, bị khốn quẫn muốn được về nhà, tất có nội biến xảy ra, là sáu điều đáng thua.

Đã mắc vào trong 6 điều đáng thua ấy mà không tỉnh ngộ, người giỏi dụng binh có làm như thế đâu?"
4.
___________________________________________
1-3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 39, 40, 41.
4. Nguyễn Trãi, Hoàng Triều dữ Minh nhân vãng thục thư tập- Sách chữ Hán, ký hiệu thư viện KHXH. A.2621.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2016, 09:18:01 pm »


Chắc chắn địch cũng biết rất rõ cái thế thua của chúng, nhưng chúng vẫn còn hy vọng viện binh sang cứu cho nên chỉ khi nào viện binh của chúng bị tiêu diệt thì chúng mới chịu đầu hàng. Vì thế, ít lâu sau, Nguyễn Trãi lại viết cho Vương Thông một bức thư dài, vạch cho địch thấy rõ thêm thế mạnh, thế thắng của ta và thế yếu, thế thua nhất định của địch, không những địch ở các thành phải thua, mà viện binh địch cũng phải thua, và nước chúng ở vào cái thế không thể tiếp tục chiến tranh và cứu nguy cho chúng được nữa. Trong thư có những đoạn ông viết:

"Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế, được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được? Trước đây lòng mưu giả trá, mặt thác giảng hòa, rồi cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh. Tâm tích không rõ, trong ngoài khác nhau, sao đủ khiến ta chắc tin mà không ngờ được?...

Xưa kia Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn biển, đức chính không sửa, thân mất nước tan. Nay Ngô
1 mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm, tất nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời không phải sức người vậy. Hiện nay phương Bắc có kẻ địch Thiên Nguyên2, trong nước có mối lo các xứ Tầm Châu3, một khu Giang Tả4 không tự giữ xong, huống còn mưu toan cướp nước khác ư? Các ngươi không hiểu sự thế, bị người đánh thua, lại còn chực dựa uy Trương Phụ, thế là đại trượng phu chăng...?

Nay sức hết kế cùng, tướng nhọc, lính mệt, trong thiếu lương thực, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, hả không phải là như thịt trên thớt, cá trong nồi ư? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa... Nay ở các thành, từ đô ty
5 trở xuống đều căm giận bọn các ông lừa dối, khuyên ta làm cỏ cả thành. Hoặc có kẻ trèo lũy trốn ra, cáo tố cả việc sắp đặt chiến cụ, sửa đóng xe thang. Những người bị khốn khổ sẽ giết lẫn nhau, hà tất phải quân sĩ của ta nữa.

Nay tính hộ các ông, xét có sáu điều phải thua:

- Nước lụt chảy tràn, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất.

- Xưa Đường Thái Tôn bắt Kiến Đức mà Thế Sung ra hàng
6. Nay những nơi quan ải hiểm yếu đều có quân và voi đồn giữ, nếu viện binh đến thế tất phải thua, viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai.

- Ở nước các ông, quân mạnh ngựa tốt, nay đóng cả ở miền Bắc để phòng bị quân Nguyên, không rỗi nhìn đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba.

- Động dụng can qua, hàng năm đánh dẹp, dân sống không vui, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư.

- Gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau
7, gia đình sinh biến. Đó là điều phải thua thứ năm.

- Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng vừa đánh giặc; quân sĩ trong thành thì đều mệt mỏi khốn khổ, tự chuốc lấy bại vong. Đó là điều phải thua thứ sáu.

Nay giữ cái thành cỏn con để chờ sáu điều thất bại, ta lấy làm tiếc cho các ông lắm! Cổ ngữ có câu: "Nước xa không thể cứu được lửa gần". Giá viện binh có đến, cũng có ích gì cho sự bại vong?

Trước Phương Chính, Mã Kỳ chuyên làm hà ngược, sinh linh lầm than, thiên hạ ta oán, đào phần mộ ở ấp ta, bắt vợ con của dân ta, người sống bị hại, kẻ chết ngậm oan. Nếu các ông xét kỹ sự cơ, nhận rõ thời vụ, nên chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ, đưa nộp ở quân môn, thì sẽ tránh khỏi sự giết hại trong thành, hàn gắn được vết thương trong nước, hoà hảo lại thông, can qua nghỉ mãi. Như muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa xong, thuyền ghe sắm đủ, thủy lục hai đường, tùy theo ý muốn, đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần.

Nếu không nghe thế thì nên chỉnh quân bày trận, giao chiến ở chốn bình nguyên, quyết một trận được thua, để xem cái tài khéo vụng, chứ không nên ở chúi trong xó hang cùng..."
8.

Những phân tích nhận định trên đây của Nguyễn Trãi về tình hình ta và địch, về những lẽ được thua của hai bên thật là sâu sắc, rõ ràng. Trước thực tế của chiến trường và trước những lời lẽ của Nguyễn Trãi như vẽ ra trước mắt địch cảnh diệt vong không thể tránh khỏi của chúng, bọn Vương Thông càng hoang mang dao động. Tuy chưa hàng vì sợ mất thể diện, nhưng tinh thần chiến đấu của quân đội địch đã mất hết, cho nên khi viện binh của địch đã đánh sang nước ta, bọn Vương Thông cùng mấy vạn quân của hắn ở Đông Quan cũng như quân địch ở các thành khác, chỉ đành nằm yên để chờ được cứu, không dám có một hoạt động phối hợp tác chiến nào với viện binh của chúng.

Về phía quân dân ta, không phải chỉ có vây hãm và dụ hàng như vậy. Bên cạnh công tác địch vận, quân dân ta vẫn tích cực chuẩn bị cho đấu tranh quân sự lớn, sửa soạn rất khẩn trương cho những trận tiến công quyết liệt sắp tới. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân chủ trương rất linh hoạt và tài giỏi: dụ hàng bọn địch này nhưng tiêu diệt bọn địch khác, vây hãm thành địch này nhưng đánh phá thành địch khác khi cần thiết.
_______________________________________
1. Nước Minh cũng gọi là nước Ngô, người Minh cũng gọi là người Ngô, do đấy khi đánh thắng quân Minh, Nguyễn Trãi đã làm bài Bình Ngô đại cáo. Bình Ngô là đánh thắng giặc Ngô.
2. Thiên Nguyên là niên hiệu của vua Nguyên lúc ấy vẫn còn chiếm giữ miền Bắc Trung Quốc, chống lại nhà Minh.
3. Tầm Châu là một địa phương thuộc Quảng Tây. Từ năm 1426, các dân tộc thiểu số ở Tầm Châu nổi dậy chống triều đình nhà Minh, Vua Minh đã nhiều lần cho quân đi đàn áp.
4. Giang Tả tức miền Giang Tô ngày nay.
5. Đô ty là chức quan võ của nhà Minh.
6. Đường Thái Tôn vây đánh Thế Sung. Đậu Kiến Đức đem quân tới cứu Thế Sung. Đường Thái Tôn cho quân chặn đánh, bắt được Kiến Đức. Thấy mất viện binh. Thế Sung phải đầu hàng. Nguyễn Trãi đã lấy một sự việc xưa để nói rõ đường lối kết thúc chiến tranh và chủ trương vây thành diệt viện của ông.
7. Minh Thái Tổ chết, cháu là Doãn Văn nối ngôi. Con Minh Thái Tổ là Yên Vương Lê đem quân đánh Doãn Văn, cướp lại ngôi, tức Minh Thành Tổ. Thành Tổ chết, cháu là Tuyên Tôn lên ngôi. Con Thành Tổ là Cao Húc dấy quân chống lại, nhưng bị Tuyên Tôn đánh bắt và giết chết.
8. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 47 - 50.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 10:55:19 pm »


CHUẨN BỊ ĐIỀU KIỆN
ĐÁNH THẮNG VIỆN BINH ĐỊCH


Để đối phó với viện binh địch, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn chủ trương chặn đánh chúng ngay từ trên biên giới, nên tại đây đều có bố trí phòng thủ cẩn mật "Những nơi quan ải hiểm yếu đều có quân và voi đồn giữ" như Nguyễn Trãi đã viết trong thư gửi cho Vương Thông. Tại thành Khâu Ôn và cửa ải Pha Lũy đã có đạo quân tinh nhuệ của Trần Lựu, Lê Bôi đóng giữ từ tháng 2 năm 1427, để chặn đánh viện binh địch từ phía Quảng Tây tiến sang. Tháng 5 năm 1427, các lãnh tụ nghĩa quân lại cho tướng Trần Ban đem quân lên xây đắp lại cửa ải Lê Hoa (thuộc địa phận Hà Giang, giáp sông Lô)1 cho được kiên cố hơn để chuẩn bị chặn đánh viện binh địch từ phía Vân Nam tiến sang.

Lương thực, khí giới và các phương tiện chiến đấu đều được tích trữ, chuẩn bị, chế tạo liên tiếp từ đầu năm 1427. Về lương thực, quân nhu, vũ khí, có thể nói là đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Riêng về lương thực, ngoài nhu cầu hàng ngày, từ tháng 2 năm 1427, các lộ, các trấn ở Đông Đô đã được lệnh đem lương thực tới tích trữ ở các thành Xương Giang, Tam Giang2 để cung cấp cho quân đội. Tháng 8 năm 1427, ba lộ ở Bắc Giang lại được lệnh, mỗi lộ đem 3.000 gánh lương tới chứa ở thành Xương Giang.



DỤ HÀNG THÀNH XƯƠNC GIANG

Để cắt đứt mọi liên lạc có thể có được giữa viện binh địch với quân đội của chúng trên các chiến trường ở Việt Nam, nghĩa quân Lam Sơn đã triệt hạ hết các thành địch trên hai con đường từ Đông Quan lên Lê Hoa và từ Đông Quan lên Pha Lũy, duy chỉ còn một thành Xương Giang do địch chiếm giữ, nằm giữa con đường từ Đông Quan lên Pha Lũy là chưa hạ xong. Các lãnh tụ nghĩa quân quyết định khi viện binh địch đã tới sát biên giới mà địch trong thành Xương Giang vẫn chưa đầu hàng thì phải tiến công quân sự để hạ thành. Nhưng trước thời hạn cần thiết đó, các lãnh tụ nghĩa quân vẫn chủ trương dụ hàng. Nguyễn Trãi đã viết cho địch ở Xương Giang một bức thư nói rõ những lý do rất nhân đạo khiến nghĩa quân vẫn chưa muốn đánh thành ngay và khuyên chúng nên hàng để thoát chết:

"Ta vâng theo mệnh trời, lấy đại nghĩa dẹp giặc. Nghĩ cơ đồ tổ tông nghiêng ngửa, thương dân chúng lầm than, đánh thành, lấy đất, không giết một người. Cho nên đánh đông dẹp tây, tới đâu thắng đấy. Thành Xương Giang nhỏ mọn, dám trái mệnh, nên căm thù tiến đánh, nghĩa phải thế, việc không thể đừng. Nhưng, đem núi Thái Sơn đè lên quả trứng, “lực” không chịu nổi chốc lát, lấy lửa hồng thiêu đốt sợi lông, "thế" khó đương trong khoảnh khắc3. Vả lại "dĩ thuận thảo nghịch, hà hoạn bất tòng, dĩ cường công nhược, hà ưu bất khắc” (lấy thuận đánh nghịch, lo gì không theo; lấy mạnh đánh yếu, lo gì không thắng). Vậy mà còn một mực lấy lời khuyên dụ, chính vì coi mạng người trong thành làm trọng, không nỡ để thương vong...

Bọn các người, nếu trên biết thiên thời, dưới hiểu nhân sự, thì sẽ giữ được lộc vị đến vô cùng, tránh cho cả một thành khỏi bị chém giết. Các người được tiếng là người tướng tri thức mà ta không mất tiếng là người tướng nhân nghĩa. Nếu như các người cứ mê muội không hiểu gì, thì đến ngày thành bị hạ, ngọc đá không phân biệt nữa, đó không phải vì ta bạo ngược mà chính là vì các người tự làm nên tội. Giờ là lúc còn mất nguy cấp vậy. Nên suy tính kỹ đừng để sau phải hối..."
4.

Nhưng cũng như bọn địch ở Đông Quan, bọn địch ở thành Xương Giang còn ngoan cố chưa chịu hàng, ý vẫn muốn chờ viện binh tới cứu. Và chúng đã mong chờ mỏi mắt, hết cả lương ăn, hết cả tên đạn mà viện binh vẫn chưa tới.
___________________________________
1. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì cửa Lê Hoa và sông Lô đều thuộc Tuyên Quang. Tuyên Quang thời xưa bao gồm tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang bây giờ, cho nên Lê Hoa có thể là một cửa ải ở biên giới Hà Giang, giáp sông Lô. Xem Nguyễn Trãi, Dư địa chí, bản dịch của Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960, tr. 38.
2. Hai thành Tam Giang và Xương Giang lúc này vẫn do quân Minh chiếm giữ. Có thể là cạnh những thành đó, nghĩa quân đã xây dựng những thành lũy của mình làm doanh trại cho những đạo quân làm nhiệm vụ vây đánh các thành địch.
3. Nguyên văn là: Nhiên Thái Sơn áp noãn, "lực" bất quá ư tu du; hồng hỏa liêu mao, "thế" nan đương ư khoảnh khắc.
4. Nguyễn Trãi, Hoàng triều dữ Minh nhân vãng phục thư tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 10:59:36 pm »


PHÁ VIỆN BINH CỐ HƯNG TỔ

Quả thật, viện binh của địch đã sang chậm quá: Liễu Thăng và Mộc Thạnh được lệnh cầm quân đi cứu viện từ ngày 23 tháng giêng năm 1427 mà cho tới tháng 5, tháng 6 vẫn chưa tập hợp được đủ quân số để lên đường. Bọn vua chúa nhà Minh cũng sốt ruột thay cho lũ quân tướng của chúng ở Việt Nam. Thấy đại quân của Liễu Thăng, Mộc Thạnh chưa thể lên đường ngay được, triều đình nhà Minh vội sai tổng binh Quảng Tây là Cố Hưng Tổ đem quân Quảng Tây ở gần biên giới nước ta, sang cứu nguy cho bọn Vương Thông.

Tháng 7 năm 1427, Cố Hưng Tổ đem 5 vạn quân và 5 nghìn ngựa vượt biên giới tiến sang, nhưng vừa tới cửa ải Pha Lũy thì bị nghĩa quân của Trần Lựu, Lê Bôi đánh cho đại bại. Cố Hưng Tổ phải rút quân chạy về Quảng Tây, bỏ lại hơn 3.000 xác chết và hơn 500 con ngựa.


HẠ THÀNH XƯƠNG GIANG

Được tin viện binh của Cố Hưng Tổ bị đánh tan, các đạo viện binh Liễu Thăng, Mộc Thạnh phái từ kinh đô nhà Minh gấp đường tiến sang. Các lãnh tụ nghĩa quân quyết định đánh thành Xương Giang trước khi viện binh Liễu Thăng tới nơi. Tháng 9 năm 1427, Lê Lợi cho đóng thêm xe đánh thành và cử hai tướng Trần Nguyên Hãn và Lê Sát lên chỉ huy cuộc tiến công thành Xương Giang. Nhưng trước khi tiến đánh bằng quân sự, Nguyễn Trãi lại một lần nữa và cũng là lần cuối cùng viết thư dụ hàng thành này. Trong thư ông viết:

"... Với đạo quân nhân nghĩa, thuận theo thì sống, chống lại thì chết. Đạo quân ấy nắm quyền chém giết, cầm giữ vận mệnh sống chết của con người, nên khoan dung thì như khí dương, thảm khắc thì như khí âm, đều là tuân theo lẽ phải của trời, không thể làm theo ý riêng của mình. Nay các ông lấy một nghìn quân, một mình giữ thành trơ trọi, đã từ hơn một năm, tin tức không thông, mà tự cậy là thành cao hào sâu thì cũng như kẻ mê không sợ chết, không biết tự liệu sức mình...

Nếu các ông tỉnh ngộ thì không những người trong thành được an toàn, các ông được phú quý dài lâu, mà đức hiếu sinh của thượng đế cũng thấm khắp lòng dân...

Các ông nên mau mở cửa thành, cởi giáp cùng ta hòa giải. Nếu ta bội ước, trời tất không dung. Nếu các ông cứ một mực mê muội, ta tất không tha.

Nay hãy lấy những việc hiển nhiên trước mắt kể lại các ông nghe: các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, cùng Tam Đái, Thị Kiều, Tiền Vệ, đã may mắn sớm hiểu thời thông biến, chuyển họa thành phúc, khiến người trong các thành, tới hơn 5 vạn 6 nghìn người đều được an toàn. Duy một thành Khâu Ôn không biết thông biến, bo bo tiểu kiến, khiến cho người trong thành phải cảnh ngọc đá đều bị thiêu đốt lẫn lộn, thật đáng xót thương! Các ông nên suy nghĩ, chớ để sau phải hối"
1.

Các lãnh tụ nghĩa quân lại cho Thái Phúc cùng mấy hàng tướng khác, hai ba lần tới chân thành Xương Giang khuyên gọi địch ra hàng. Nhưng bọn chỉ huy thành Xương Giang là bọn Lý Nhiệm, Kim Dận, Cố Phúc, Phùng Trí, Lưu Thuận và Lưu Tử Phụ, ngoan cố, liều chết giữ thành để chờ viện binh.

Trước tình hình đó, Trần Nguyên Hãn hạ lệnh đánh thành. Nghĩa quân vây chặt bốn mặt thành và đắp đất làm cao điểm để bắn vào thành. Đây là một trận công thành rất kiên quyết của quân ta và địch cũng liều chết để chống giữ. Thấy ta lập cao điểm để bắn vào thành, địch trong thành cho quân cảm tử ban đêm liều chết xông ra đánh chiếm các cao điểm để bắn phá về phía nghĩa quân. Không dùng cao điểm, nghĩa quân lại đào đường hầm từ ngoài trận địa thông vào trong thành để tiến vào đột kích. Địch đối phó lại. Chúng đào hào chắn ngang, cho quân phục sẵn và bắn súng vào đường hầm để chặn giữ không cho nghĩa quân tiến vào.

Nhưng dù gian ngoan quỷ quyệt và liều mạng đến đâu, địch cũng không thể giữ nổi thành. Vòng vây của nghĩa quân ngày càng thắt chặt, sức tiến công ngày càng dữ dội, hỏa tiễn, hỏa pháo, nỏ cứng, liên tục ngày đêm, từ bốn phía bắn vào thành. Quân địch trong thành chết quá nửa. Lương thực đã cạn. Số địch còn lại vừa mệt mỏi, đói khát, vừa hoang mang hoảng sợ, không còn sức chiến đấu. Thấy rõ tình hình địch, nửa đêm (giờ Tý) ngày 8 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức 28 tháng 9 năm 1427, Trần Nguyên Hãn cho quân bắc thang ào ạt xung phong lên thành, tiến vào diệt địch. Thành bị hạ. Toàn bộ tướng địch phải tự tử. Toàn bộ quân địch bị bắt sống. Toàn bộ kho tàng, khí giới, quân trang, quân dụng của địch đều vào tay quân ta.

Chiến thắng Xương Giang thật giòn giã. Nó chứng tỏ trình độ chiến thuật, kỹ thuật của nghĩa quân thật điêu luyện và khả năng đánh thành của nghĩa quân thật tài giỏi. Nó cũng cho thấy sự tham gia tích cực của nhân dân vào việc vây thành, đánh thành là rất quan trọng. Theo truyền tụng thì nhân dân vùng xung quanh thành Xương Giang (nay là vùng thị xã Bắc Giang) đã phối hợp chặt chẽ với nghĩa quân và đã góp phần công sức đáng kể vào việc vây đánh thành này.

Việc hạ thành Xương Giang đã tiến hành kịp thời đúng lúc, khoảng 10 ngày trước khi viện binh địch tới biên giới, do đấy nó đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện hoàn hảo kế hoạch tiêu diệt viện binh địch trong những ngày sắp tới.
______________________________
1. Nguyễn Trãi, Hoàng triều dữ Minh nhân vãng phục thư tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 11:59:43 pm »


ĐẨY MẠNH DỤ HÀNG ĐỊCH

Dụ hàng Đèo Cát Hãn

Chiến thắng Xương Giang vang dội khắp nước và có ảnh hưởng lớn tới tinh thần quân sĩ địch, ngụy. Liền sau chiến thắng Xương Giang, các lãnh tụ Lam Sơn cho tướng Trần Hồ lên châu Ninh Viễn tức Lai Châu ngày nay dụ hàng Đèo Cát Hãn, một tù trưởng thiểu số, làm tay sai cho địch chiếm giữ vùng này đã từ lâu. Trước thanh thế to lớn của nghĩa quân, Đèo Cát Hãn tự thấy không thể đương đầu nổi phải nhận hàng. Đèo Cát Hãn đem quân bản bộ và voi chiến từ Ninh Viễn về đại bản doanh Bồ Đề xin quy phục. Với chính sách khoan hồng sẵn có, Lê Lợi cho Đèo Cát Hãn được trở về trông nom công việc châu Ninh Viễn như cũ.

Dụ hàng thành Bình Than

Đồng thời với việc dụ hàng Đèo Cát Hãn, các lãnh tụ nghĩa quân cũng cho người đi dụ hàng quân Minh ở thành Bình Than, một thành không xa thành Xương Giang lắm, thuộc đất Chí Linh1, nên cũng gọi là thành Chí Linh. Thành này vẫn bị nghĩa quân vây hãm từ lâu.

Trong bức thư viết cho bọn chỉ huy thành Bình Than, Nguyễn Trãi đã kể lại chiến thắng Xương Giang và nói rõ lý do tại sao đánh thành này để lấy đó làm gương khuyên dụ địch ở thành Bình Than ra hàng. Ông bảo địch:

"Ta nghe: "Đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát; nghĩa sư chi cử, vụ tại an dân" (đức lớn muốn để sống, uy thần không nỡ giết; dấy quân nghĩa cốt để yên dân). Ai làm theo lẽ ấy, phúc không thể không có. Ai làm trái lẽ ấy, họa không thể không đến...

Nay các người, quân không có được một nghìn tên, cố giữ thành trơ trọi, đã hơn một năm không liên lạc được với ngoài, chờ sớm chiều thành sẽ mất. Ta sở dĩ trì hoãn, không đánh gấp lấy thành, chính vì muốn để các người thấy rõ sự thế nên chăng, hiểu rõ những lẽ thành bại, hoặc may được trời dụ bảo, có thể chuyển họa thành phúc, giữ được toàn tính mệnh cho nhân dân sĩ tốt cả một thành. Lẽ họa phúc, chính ở trước mắt, cơ thuận nghịch không thể không suy xét. Như các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, Tiền Vệ, Hậu Vệ, Tam Giang, Thị Cầu, cùng các tướng lĩnh như Thái đô đốc và hai đô ty họ Chu họ Tiết, bố chánh họ Kim, án sát họ Trương, đều đã thức thời thông biến, cùng ta hòa giải, khiến người trong các thành đều được toàn mạng. Khi đem quân ra thành, mảy may không bị xâm phạm. Vợ con, gia nhân đều được yên vui. Đó là cái lẽ tất nhiên trời cao ban phúc cho người lành, há có sai đâu.

Như một thành Xương Giang kia, tự cho là thành cao hào sâu, lương thực tích trữ nhiều, không biết tự lượng sức mình, giống như lấy càng bọ ngựa cản bánh xe đi. Ta thương người trong thành không có tội mà phải chết, nên không ngại phiền hà, gửi thư tới, lấy lẽ họa phúc ân cần nhủ bảo. Ta lại cho Thái đô đốc và các chỉ huy ba ty tới dưới thành, hai ba lần khuyên dụ, nhưng chúng vẫn cố chấp hôn mê, không biết sợ chết. Ta bất đắc dĩ phải cho tỳ tướng Lưu Hiệt đánh thành.

Ngày mồng 8 tháng này, giờ Tý
(tức khoảng một giờ sáng ngày 28 tháng 9 năm 1427), cùng lúc, trống rung súng nổ, quả nhiên tan vỡ. Chính là do chỉ huy Lý Nhiệm sai lầm gây nên, thật là đau xót quá chừng!

Các ông hẳn đã thấy bọn các ông Thái Phúc theo thuận thì được phúc, mà bọn Lý Nhiệm hôn mê nên mắc họa, những điều được mất về ai, bậc trí giả tất có phân biệt được.

Nếu như vẫn cậy thành cao hào sâu, không răn vết xe trước đổ, thì ta sợ rằng thành trì của các ông không phải là nơi hiểm yếu trời đặt sẵn, không thể lên tới được. Vả lại lòng người quân tử nhân đức, không nỡ để một ai không yên chốn, huống chi gan óc của người cả một thành phải giày xéo dưới đất, mà lại chẳng xót xa trong lòng. Ta sở dĩ lấy điều đó ân cần khuyên nhủ, chẳng qua là thể theo đức hiếu sinh của thượng đế, để giữ cho cả thành của các ông được toàn mạng đó thôi. Các ông hãy nghĩ kỹ, chớ để hối về sau. Thư không hết lời"
2.

Nhưng thư này tới bọn địch trong thành Bình Than thì cũng là lúc viện binh địch đã tiến tới biên giới. Việc giải quyết thành Bình Than tạm gác lại. Nghĩa binh chuẩn bị đối phó với viện binh địch.
___________________________________
1. Chí Linh nay thuộc tỉnh Hải Hưng.
2. Nguyễn Trãi, Hoàng triều dữ Minh nhân vãng phục thư tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2016, 08:17:28 am »


VÂY CHẶT ĐÔNG QUAN

Một công việc chuẩn bị cuối cùng để đối phó với viện binh địch là vây chặt hơn nữa thành Đông Quan, khiến bọn Vương Thông không có hy vọng tiến ra phối hợp tác chiến với viện binh của chúng. Địch ở Đông Quan không phải là chỉ đóng ở trong nội thành Đông Quan, mà chúng thường có những cứ điểm ở ngoại vi thành Đông Quan, xây dựng thành lũy cho quân đóng giữ để bảo vệ thành Đông Quan, khống chế không cho quân ta tiến tới gần thành. Nhiều cứ điểm ngoại vi đó đã bị quân ta triệt hạ từ trận vây đánh Đông Quan đầu tiên ngày 22 tháng 11 năm 1426. Chúng vẫn còn lại mấy cứ điểm ở phía đông và phía nam thành Đông Quan. Cứ điểm phía đông ở bãi Cơ Xá từ tháng 6, tháng 7 năm 1427, ta đã đánh phá và ta cũng xây "thành nhỏ" ở đấy để khống chế sự ra vào của địch ở trong thành. Tại phía nam thành Đông Quan, địch còn một cứ điểm quan trọng, ở gần đê Vạn Xuân (tức quãng đê Thanh Trì thuộc địa phận Vĩnh Tuy, Lương Yên, phía nam thành phố Hà Nội ngày nay). Tại đây, địch "đào cừ nhỏ ở cạnh sông lớn ngoài thành để chứa thuyền chiến và khí giới, đắp thành phụ để cố giữ, mà đê Vạn Xuân là nơi quân kỵ do thám và người chăn ngựa cắt cỏ tất phải đi qua, ở trên cao dòm xuống tiện lợi, quân giặc cho là kế tốt. Khi quan quân (tức nghĩa quân) tiến đánh, quân Minh thường đặt mai phục ở đấy để tranh hơn"1. Tới đây, sau khi hạ thành Xương Giang, nghĩa quân sang sông, bất ngờ đánh chiếm lấy đê Vạn Xuân, đắp lũy để giữ, chỉ một đêm đắp xong lũy, và từ đây tiến ra đánh chiếm nốt các cứ điểm của địch. Do đấy quân Vương Thông mất hết những cứ điểm ngoại vi, bị vây chặt trong nội thành Đông Quan.

Nhân dịp này, một số tướng lĩnh sốt ruột vì vây thành lâu quá mà không đánh nên đã đề nghị cho đánh thành Đông Quan. Kiên trì chủ trương dụ hàng thành Đông Quan, như Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã đề ra, Lê Lợi giải thích với các tướng lĩnh:

"Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành lâu hàng tháng hàng năm không hạ được, quân ta sức mỏi khí nhụt, nếu viện binh giặc lại kéo đến, thì trước mặt sau lưng đều có giặc. Đó là con đường nguy. Không bằng nuôi sức chứa uy để chờ viện binh địch dứt được viện thì thành tất phải hàng. Thế là làm một mà được hai. Đó là kế vạn toàn vậy”2.

Rồi Lê Lợi hạ lệnh khép chặt vòng vây, "canh giữ cho nghiêm, ngày đêm tuần xét"3, không cho địch vượt ra ngoài, ngăn chặn mọi sự liên lạc giữa bọn địch ở Đông Quan với bọn chúng ở các thành khác và với viện binh của chúng.

Sau những sắp xếp đó, nghĩa quân tiến lên đánh viện binh địch ở biên giới.
________________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 42.
2, 3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 43.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2016, 08:26:12 am »


CHƯƠNG VIII
ĐẠI PHÁ 15 VẠN VIỆN BINH ĐỊCH


CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

Quân dân ta chuẩn bị từ lâu, sẵn sàng đập tan viện binh địch.

Nhưng viện binh địch đã sang chậm. Bọn Liễu Thăng, Mộc Thạnh được lệnh đem viện binh sang cứu quân đội của chúng ở Việt Nam từ tháng giêng năm 1427, mà phải một thời gian dài, khoảng đầu tháng 10 năm 1427, chúng mới tới được gần biên giới Việt Nam. Có sự chậm trễ như vậy, chính vì nhân dân nước chúng đã kìm giữ bước chân xâm lược của chúng.

Muốn có viện binh, bọn vua tôi nhà Minh không có sẵn ngay quân đội tại Kinh đô, mà phải tập hợp, điều động từ các địa phương về. Người, ngựa, vũ khí, lương thực, nhất thiết phải trông vào sự cung ứng của các địa phương. Mà điều động từ các địa phương về cho được con số 15 vạn quân, 3 vạn ngựa, với đầy đủ vũ khí, trang bị, cùng hàng vạn thổ binh, dân phu làm công việc vận chuyển và có lương thực đủ dùng cho số quân lính, người, ngựa như trên, trong suốt thời gian hành quân và giao chiến ở Việt Nam là một việc không dễ dàng. Những thủ đoạn bóc lột hà khắc và những chính sách cùng binh độc vũ, xâm lược nước người của bọn vua tôi nhà Minh đã làm cho nhân dân nước chúng hao người tốn của, ngày càng cơ cực, đau khổ, lầm than. Họ không thể đồng tình với những hành động chiến tranh của bọn thống trị hiếu chiến. Từ nhiều năm, nhân dân khắp nơi đã chống lại triều đình. Nhiều cuộc nổi dậy của dân chúng đã nổ ra. Nhất là trong hai năm 1426-1427 phong trào khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Vân Nam, Quảng Tây, là những vùng tiếp giáp biên giới Việt Nam, càng phát triển mạnh. Ở Vân Nam, cuộc khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số mà triều đình nhà Minh gọi là "giặc áo đỏ" đã nổi lên đánh phá khắp vùng. Tại Quảng Tây, nhân dân thiểu số các miền Tầm Châu, Bình Lạc, Tư Ân, Nghi Sơn cũng liên tiếp nổi lên. Tháng 6 năm 1427, một số nghĩa quân ở phủ Tư Minh (Quảng Tây) bị đàn áp đã lánh sang nước ta. Tình hình đó, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn biết rất rõ.

Nguyễn Trãi đã nhiều lần bảo cho địch bị giam chân ở các thành biết về tình hình nước chúng:

"Hiện nay, phương Bắc có kẻ địch Thiên Nguyên, trong nước có mối lo các xứ Tầm Châu, một khu Giang Tả không tự giữ xong..."1.

"... Nay địa phương Lưỡng Quảng nghe thấy quân ta thừa thắng ruổi dài, đạo tặc đã nhân dịp mà trỗi dậy. Tích Lịch đại vương đã giữ đất xưng đế..."2.

Những phong trào đấu tranh trên đã giữ chân quân đội của bọn phong kiến nhà Minh phải ở lại các địa phương để lo đối phó, không thể tập hợp nhanh chóng để sang xâm lược Việt Nam. Những phong trào ấy cũng làm cho các chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp thổ binh, dân phu và quân lương, quân dụng cho đạo quân cứu viện. Những phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc đã làm giảm sút trong một chừng mực nhất định khả năng tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam của bọn phong kiến nhà Minh, do đó tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đánh thắng quân xâm lược. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn đã nhận thức được tác dụng gián tiếp của những cuộc nổi dậy của nhân dân Trung Quốc đối với công cuộc đánh giặc cứu nước của nhân dân Việt Nam và coi đó là một trong những yếu tố làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn cùng binh độc vũ nhà Minh.
______________________________________
1, 2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 48, 51.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2016, 08:34:43 am »


Nguyễn Trãi đã từng nhận định về tình hình quân Minh và những lúng túng, rối nát của chúng trong năm 1427 như sau:

"Từ niên hiệu Hồng Vũ đến nay, độc vũ cùng binh, trong nước tổn hao, nhân dân mệt nhọc, trời làm táng loạn chính là lúc này"1.

Trong sáu điều phải thua mà Nguyễn Trãi đã vạch ra cho địch thấy thì trong đó có hai điều: "Động dụng can qua, hàng năm đánh dẹp, dân sống không vui, nhao nhao thất vọng"2, và "Nước lụt chảy tràn, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn ngựa chết, quân ốm”3 là hai nhân tố thất bại của quân Minh xâm lược, do thái độ chống chiến tranh, chống độc vũ cùng binh và những phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân Trung Quốc tạo nên. Những thái độ và hành động của nhân dân Trung Quốc, về khách quan, đã gián tiếp giúp đỡ phong trào đấu tranh cứu nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn rất thông cảm với những đau khổ của nhân dân Trung Quốc, do bọn thống trị gây ra. Cho nên Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn kiên trì chủ trương đánh vào lòng người, kêu gọi địch ra hàng, để tránh bớt thương vong cho binh sĩ hai nước. Cảm thông với những đau khổ của nhân dân Trung Quốc, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ Lam Sơn đã đem hết sức mình để làm cho chiến tranh mau chóng kết thúc, khiến cho, như Nguyễn Trãi đã nhiều lần bảo địch: "Sinh linh nước tôi khỏi lầm than mà quân sĩ Trung Quốc cũng khỏi nỗi khổ gươm đao..."4, "... thì thật là phúc cho thiên hạ lắm"5.

Nhưng dù nhân dân đau khổ, quân sĩ chết chóc, bọn vua tôi nhà Minh vẫn không từ bỏ những mưu đồ xâm lược của chúng. Thấy việc điều động quân sĩ và cung cấp lương thực bị chậm trễ, nhất là ở Quảng Tây, nơi có nhiều phong trào đấu tranh của quần chúng chống lại triều đình, tháng 3 năm 1427, vua Minh hạ lệnh cho bọn quan lại Quảng Tây phải thực hiện cho bằng được kế hoạch cung cấp lương thực và điều động ngay thổ binh, dân phu để phục vụ công việc vận chuyển lương thực, vũ khí. Tháng 4, vua Minh lại hạ lệnh cho quan lại Quảng Tây phải kịp thời bảo đảm cung cấp đủ số lương thực cần thiết, không được chậm trễ.

Với những cố gắng chiến tranh như vậy, bọn vua tôi nhà Minh, dần dần đã có được đủ số người, ngựa, vũ khí, quân lương, quân dụng như ý định của chúng.

Viện binh của địch chia làm hai đạo, do những tướng giỏi bậc nhất của chúng lúc ấy cầm đầu, theo hai đường tiến sang Việt Nam. Một đạo gồm 5 vạn quân và 1 vạn ngựa, do tướng Mộc Thạnh làm tổng binh, cùng hai tướng là Từ Hanh làm tả phó tổng binh và Đàm Trung làm hữu phó tổng binh, theo đường Vân Nam tiến sang. Một đạo gồm 10 vạn quân, 2 vạn ngựa, do tướng Liễu Thăng làm tổng binh, tướng Lương Minh làm phó tổng binh, lại có binh bộ thượng thư Lý Khánh, người mà vua Minh ca tụng là bậc tướng "lão thành và lịch luyện" làm tham tán quân vụ, và đô đốc Thôi Tụ, mà sử sách nhà Minh khen ngợi là một tướng kỳ cựu, tài giỏi, làm hữu tham tướng. Đạo quân Liễu Thăng do đường Quảng Tây tiến sang, có công bộ thượng thư Hoàng Phúc, một tên cáo già đã sống lâu năm ở Việt Nam, rất am hiểu hình hình, đất nước Việt Nam, và một số tên ngụy, trong đó có tên ngụy quan cao cấp là hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân làm nhiệm vụ đưa đường và tư vấn chính trị cho địch.
_______________________________________
1-3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 53. 49.
4, 5. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 23. 27.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM