Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:36:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 89901 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 03:31:11 pm »


Cùng với việc tăng cường uy hiếp địch bằng quân sự, các lãnh tụ nghĩa quân vẫn chủ trương vừa chiến đấu vừa xây dựng, coi trọng việc tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ đường lối chủ trương của ta và âm mưu của địch để cả nước đồng lòng nhất trí, toàn tâm diệt giặc. Ngay khi tiến lên đóng quân ở Bồ Đề, các lãnh tụ nghĩa quân đã cho mở tại đây một kỳ thi, vừa để tuyển dụng nhân tài, tăng cường đội ngũ cốt cán cần thiết cho công cuộc đánh giặc dựng nước, vừa lấy đó làm dịp vạch rõ âm mưu của địch, động viên tinh thần yêu nước chống giặc của nhân dân ta. Đầu đề thi chủ yếu của kỳ thi này là làm một bài văn dụ hàng giặc ở thành Đông Quan. Kết quả kỳ thi có 36 người trúng tuyển.

Sau đó, các lãnh tụ Lam Sơn lại hạ lệnh cho các tướng lĩnh và quan lại trong cả nước, nhân vì thành Đông Quan chưa hạ được, mỗi người được cử một người có tài năng lên Nhà nước để cùng lo tính việc đánh giặc. Cũng với mục đích tranh thủ sự nhiệt tình đánh giặc cứu nước của các dân tộc ở Đông Đô, các lãnh tụ Lam Sơn phong chức tước cho tất cả những tù trưởng các dân tộc thiểu số miền biên giới, trước đây đã tới yết kiến tại bản doanh của nghĩa quân, để động viên khuyến khích họ phát huy khả năng, đóng góp công sức vào sự nghiệp chung của toàn dân. Ngày 26 tháng giêng năm 1427 (29 tháng chạp năm Bính Ngọ), Lê Lợi tổ chức lễ tế cáo các vua cũ nhà Trần, cũng nhằm một mục đích chính trị rõ rệt. Bài văn tấu cáo các tiên đế nhà Trần chẳng khác chi một bản tuyên bố của Nhà nước mới về quyết tâm đánh giặc đến cùng của mình, trong đó, Nguyễn Trãi nói rõ:

"... Từ khi giặc Minh cướp lấy đất ta, ngược đãi dân ta, phạm vào lăng miếu các tiên đế, diệt hết con cháu của họ Trần, thần nằm gai nếm mật hơn ba mươi năm trời1, chỉ cốt phục thù, mong được rửa nhục. Năm Ất Tỵ (1425) tìm được Trần Mỗ ở đất Lão Qua, là cháu ba đời của đức Nghệ Tôn, năm nay đã chính đại hiệu, để thờ tôn xã. Một khi nghĩa binh đã dấy, bốn phương kéo đến như mây, cho nên đánh trận đầu ở Trà Long mà lấy lại đất Nghệ An, Thanh Hóa; đánh trận nữa ở Ninh Kiều2 mà thu lại cõi bờ nước Đại Việt. Quân giặc các nơi đều đã ra thành hàng phục, duy còn thành Đông Quan chưa thể vội diệt... Cúi nhờ Liệt thánh hoàng đế rủ lòng giúp đỡ, tiêu diệt quân Minh, để đem lại cái phúc thái bình muôn thuở…”3.
______________________________________
1. Đoạn văn này có lẽ đã bị tam sao thất bản. Nguyên văn chắc không phải là "hơn 30 năm", vì hơn 30 năm trước, chưa có cuộc xâm lược của quân Minh và Lê Lợi cũng hãy còn rất nhỏ tuổi.
2. Trận Ninh Kiều tức trận Tốt Động - Ninh Kiều, cũng gọi là trận Tốt Động - Chúc Động.
3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 32, 33.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 03:34:24 pm »


Tiếp theo là việc trùng tu đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng cứu quốc vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XIII và một loạt công trình sửa chữa những lăng miếu các đế vương của các triều đại trước đã bị quân Minh phá hủy. Tất cả những công việc đó đều nhằm đề cao lòng tự hào dân tộc, động viên tinh thần yêu quý độc lập, yêu quý giang sơn, Tổ quốc của mọi tầng lớp nhân dân. Động viên được tinh thần yêu nước của nhân dân càng mạnh thì nhân lực, vật lực, tài lực của cả nước dốc cho cuộc kháng chiến càng huy động được dễ dàng. Nghĩa quân Lam Sơn mới tiến ra Đông Đô được mấy tháng, việc tăng gia sản xuất để tự túc về quân lương trong một chừng mực nào đó chưa thể làm được, nhưng nghĩa quân Lam Sơn đã được nhân dân Đông Đô nhiệt tình ủng hộ lương thực. Nhân đó, Lê Lợi phong tước cho nhân dân nộp thóc, có thứ bậc khác nhau, tùy theo số thóc ủng hộ. Qua việc giáo dục, động viên khí phách dân tộc dưới nhiều hình thức phong phú, sức mạnh tinh thần và vật chất của nhân dân Đông Đô cũng như nhân dân cả nước đã ngày càng được phát huy lên cao để đánh thắng quân Minh xâm lược.

Trong công việc động viên chính trị đối với quân dân cả nước, nghĩa quân Lam Sơn đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp thì trong đấu tranh chính trị và ngoại giao với địch nghĩa quân lại càng thắng lớn với phương châm "mưu phạt nhi tâm công" (mưu dẹp bằng đánh vào lòng) mà các lãnh tụ nghĩa quân, đặc biệt là Nguyễn Trãi rất coi trọng. Trong những ngày đầu năm 1427, một số tướng địch ra hàng, một số thành trì ở phía nam như Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đã thu phục được chính là kết quả thắng lợi của chủ trương đó.

Tới đây, mặc dầu quân Minh đương muốn phản bội nghị hòa, âm mưu tiếp tục chiến tranh, Nguyễn Trãi vẫn chủ trương:

      "Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất" 1.
                                                          (Bình Ngô đại cáo)
      (Ta mưu dẹp bằng đánh vào lòng, không chiến trận mà địch phải khuất)

lấy việc đấu tranh ngoại giao với chủ tướng địch ở Đông Quan và dụ hàng tướng địch ở các thành làm quan trọng không kém việc đánh địch bằng vũ khí.
___________________________________
1. Mấy tiếng mưu phạt nhi tâm công rất khó dịch, vì trong mấy tiếng đó có hai chữ phạt và công đều nghĩa là "đánh". Dịch là "mưu đánh vào lòng", là dịch một nghĩa đánh của chữ tâm công mà bỏ bớt một nghĩa đánh của chữ mưu phạt, do đó không rõ, và đi đến chỗ hiểu đánh vào lòng là tuyên truyền động viên quần chúng. Nếu "mưu phạt nhi tâm công" có nghĩa là động viên quần chúng thì không thể đi liền với câu "bất chiến tự khuất" được, đánh ai? Ai phải khuất? Có người đã dịch lại và hiểu thành hai nghĩa, hai việc "mưu phạt nhi tâm công” là đánh bằng mưu và đánh vào lòng. Dịch như thế cũng chưa ổn, đánh bằng mưu thì lúc nào cũng có thể đánh, không phải chờ đến lúc địch "trí cùng lực kiệt” mới đánh bằng mưu. Đánh địch bằng quân sự hay bằng chính trị, bằng ngoại giao, đều phải dùug mưu trí, không phải chỉ khi “bất chiến" mới đánh bằng mưu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 03:37:59 pm »


Địch ở Đông Quan muốn phản bội nghị hòa, để tránh phải sớm đầu hàng quân ta, đầu hàng là chôn vùi hẳn cái ý chí xâm lược của chúng, chôn vùi hẳn cái mộng chiếm đóng lâu dài nước Việt Nam mà chúng vẫn ấp ủ từ lâu. Trong giao ước cầu hòa của địch, đã được nghĩa quân Lam Sơn chấp nhận, có điều cam kết của địch là "sau khi dâng biểu thì rút quân về ngay" nghĩa là khi sứ của ta đem biểu sang nhà Minh cầu phong, đi tới Khâu Ôn gần biên giới, thì địch ở Đông Quan sẽ mở cửa thành ra hàng để được rút quân về nước1. Nay sứ của ta đã tới biên giới, phái đoàn tiễn sứ cũng đã trở về, vậy điều cam kết kia sẽ như thế nào? Bọn Vương Thông ở Đông Quan muốn phản bội nghị hòa, trì hoãn việc thực hiện điều cam kết đó. Nhưng chúng không dám công khai ra mặt phản bội, không dám dùng vũ lực chống lại ta, chỉ muốn dùng dằng thương lượng kéo dài việc nghị hòa để khỏi phải đầu hàng trước khi viện binh của chúng sang tới nơi.

Sở dĩ địch không dám ra mặt phản bội nghị hòa, không dám dùng vũ lực để chống lại ta, chính vì địch đã ở vào cái thế như Nguyễn Trãi nhận định:

      "Bỉ trí cùng nhi lực tận, thúc thủ đãi vong"
                                                 (Bình Ngô đại cáo)
      (Nó đến lúc trí cùng lực kiệt, nên phải đành chờ chết bó tay)

Và cũng chính vì thế, Nguyễn Trãi vẫn kiên trì chủ trương "mưu dẹp bằng đánh vào lòng". Chủ trương này của Nguyễn Trãi, đánh vào lòng địch để thắng địch, không phải là một ảo tưởng, viển vông, mà có cơ sở, có điều kiện để giành thắng lợi. Nguyễn Trãi chủ trương đánh vào lòng địch đánh thật mạnh vào lòng địch, khi địch đã trí cùng lực kiệt, và đánh vào lòng địch vẫn kết hợp với đánh địch bằng quân sự.

Cho nên, sau khi bố trí lực lượng, chuẩn bị đầy đủ cho việc tiến công các thành địch bằng quân sự Nguyễn Trãi vẫn tiếp tục công tác "đánh vào lòng địch". Khi đã tiến lên đóng đại bản doanh ở bến Bồ Đề trước thành Đông Quan, Nguyễn Trãi viết thư cho Vương Thông, lời thư vẫn mềm mỏng giao hảo mà lại trực tiếp cảnh cáo địch. Bức thư chỉ ngắn gọn như sau:

"Trước vì trại đóng hơi xa, đi lại vất vả. Nay tôi muốn dời đến ở bền thành Bắc Giang2, đối ngạn gần nhau, đi lại cho tiện. Kính bẩm để ngài biết ý, xin đợi tôn mệnh. Nếu có sự xử trí khác, xin ngài chỉ bảo cho, tôi lấy làm cảm ơn. Thư nói không hết"3.
______________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 35.
2. Thành Bắc Giang có thể là thành Điêu Diêu, thuộc đạo Bắc Giang, nay thuộc Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.
3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 29.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 07:12:57 am »


Quả nhiên, bọn Vương Thông viết thư phàn nàn kêu ca trước sự đe dọa của nghĩa quân. Nhân đó, Nguyễn Trãi đã trả lời, nghiêm khắc phê phán những hành động bội ước của địch và tỏ rõ thái độ cương quyết của nghĩa quân, sẵn sàng đánh trả địch rất mãnh liệt nếu địch ngoan cố đeo đuổi chiến tranh. Trong thư có những đoạn:

"Lấy thành thực đãi người thì người cũng lấy thành thực đáp lại... Nay ngài vâng mệnh ra ngoài cửa khổn1, nhẽ ra phải lấy thành thực đối đãi với người ta thế mà lại đem lòng dối trá lừa người, tự cho là mưu cao, cho tôi là không biết gì. Việc binh gian trá, ngoài nói giảng hòa, trong mưu thế khác, trước nói hễ dâng biểu thì rút quân ngay, sau lại vẫn thấy dựng rào đắp lũy, xây thành đào hào. Việc làm như thế là thành thực chăng?... là trá ngụy chăng?... Việc binh cốt phải mau chóng như thần, máy then mở đóng, như bánh xe chuyển, như đám mây bay trong khoảng chốc lát, chợt nóng chợt rét, thay đổi khôn lường, ngài há lại không biết thế ư? Mà lại nghe theo bọn tôi gian Mã Kỳ, quân tàn Phương Chính, bày mưu vẽ kế, mà hồ nghi do dự, không dám quả quyết ư? Trước ngài đã có văn thư thu binh mã ở các vệ sở, lại bảo rằng vì trong thành đất hẹp, hãy trước đem quân nhân trong thành về, còn quân các vệ ở ngoài sẽ theo về sau. Đến nay quân ở các thành Diễn, Nghệ đã lục tục kéo đến, mà lời nói trước lại hình như bắt gió bắt bóng là chuyện hão huyền. Thế là ngài không những lừa dối một mình tôi, lại còn lừa dối cả hơn sáu bảy nghìn người ở vệ sở các thành... Nay kế của ngài đã hỏng, hơn sáu bảy nghìn quân các vệ sở căm hờn, oán giận sâu đến cốt tủy, ai cũng nghiến răng nắm tay, thề không còn trông thấy mặt ngài. Họ đều xin tôi quyết một phen tử chiến. Ngài nếu quả y lời xưa mà theo ước cũ, thì lập tức rút quân về để trọn điều tử tế ngày trước. Tôi cũng xin đem quân nhân của ngài ở các thành cùng binh mã bắt được trả về đủ số. Nếu không như thế, thì xin ngài đem những quân ngậm oán chứa giận ở các thành cùng với ba mươi vạn quân của tôi thừa tiếp ở dưới thành để tùy ngài xử trí..."2

Liền theo đó, các lãnh tụ nghĩa quân sai bọn tướng Minh đầu hàng là Hà Vượng và Thái Phúc đi dụ hàng quân địch. Hà Vượng sang thành Đông Quan đem thư dụ hàng Vương Thông. Thái Phúc đi dụ hàng bọn tướng địch ở thành Tây Đô. Nhưng địch ngoan cố không hàng. Chúng muốn giữ thành chờ viện binh sang cứu. Điều chúng mong muốn đó đương thành hiện thực. Viện binh sang cứu chúng có thể sẽ tới nơi. Nhận được tin từ Việt Nam đưa sang là đạo quân Vương Thông đại bại, bị vây khốn ở Đông Quan, cầu xin viện binh sang cứu, ngày 23 tháng giêng năm 1427, tức 26 tháng chạp năm Bính Ngọ, triều đình nhà Minh quyết định cử hai đạo viện binh đi cứu nguy cho bọn Vương Thông.
____________________________________
1. Ra ngoài cửa khổn có nghĩa là đem quân sang nước người.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 33 - 35.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 07:13:39 am »


Các quân ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Trung Đô, Vũ Xương, Hồ Quảng, Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây sẽ được điều động để thành lập đạo viện binh thứ nhất.

Đạo viện binh thứ hai do các quân Thành Đô, Tứ Xuyên, Vân Nam hợp thành.

Nhưng tổ chức viện binh không phải là việc dễ dàng. Từ lúc được lệnh thành lập cho đến khi lên đường sang Việt Nam, những đạo quân này còn phải qua một thời gian tập hợp, tổ chức khá dài.

Biết rõ tình hình đó và trước thái độ ngoan cố của địch, các lãnh tụ nghĩa quân hạ lệnh chuẩn bị đánh thành giặc.

Tháng 2 năm 1427, các lãnh tụ nghĩa quân cho đóng nhiều kiểu xe đánh thành theo thiết kế của Võ Cự Luyện, Đoàn Lộ và cho Lương Thế Vinh cùng Ma Tông Kế lên Tuyên Quang tổ chức đóng nhiều thuyền chiến, mỗi thuyền chiến chở được 50 người.

Để chuẩn bị chặn đánh đạo viện binh chính của địch từ phía Quảng Tây tiến sang và thủ tiêu mọi khả năng liên hệ, ứng cứu, tăng viện cho nhau giữa đạo viện binh này với các đạo quân của chúng ở Việt Nam, các lãnh tụ nghĩa quân hạ lệnh tiến công tất cả các thành địch trên dọc đường từ biên giới Quảng Tây tới Đông Quan.

Nhận được lệnh, các tướng Trần Lựu và Lê Bôi đương vây hãm thành Khâu Ôn ở gần biên giới Quảng Tây, lập tức ngày 9 tháng 2 năm 1427 (13 tháng giêng Đinh Mùi), mở đợt tiến công thật mạnh vào thành. Quân địch trong thành bị vây khốn lâu ngày không còn đủ sức chống cự. Tướng địch giữ thành Khâu Ôn là Tôn Tụ ngay đêm hôm ấy phải bỏ thành chạy trốn về Quảng Tây. Quân ta lấy lại được thành Khâu Ôn.

Tin thành Khâu Ôn thất thủ truyền đi làm cho quân địch ở các thành khác trên con đường Đông Quan - Quảng Tây hoang mang lo sợ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 07:19:55 am »


Nắm lấy cơ hội đó, Nguyễn Trãi viết thư dụ hàng các thành, trước hết là thành Bắc Giang1 một thành giặc ở gần Đông Quan và đại bản doanh Bồ Đề, do tướng địch Trương Lân và tướng ngụy Trần Vân chỉ huy. Thành này đương bị tướng Bùi Quốc Hưng và nghĩa quân vây đánh.

Trong thư gửi cho tướng địch chỉ huy thành Bắc Giang, Nguyễn Trãi vạch rõ nước ta là một nước có văn hiến từ lâu đời "có tiếng là một nước thi thư, những bậc trí mưu tài thức đời nào cũng có" nên nhất định sẽ giành được độc lập, tổng binh Vương Thông, sau khi thua trận Tốt Động - Ninh Kiều đã phải nghị hòa rồi lại bội ước, nhưng quân tướng ở các thành Diễn Châu, Nghệ An đều đã ra hàng, và đều được đối xử tử tế, vậy ông khuyên chúng cũng nên kíp quy hàng, vì thế không thể cưỡng lại được. Trong thư, có đoạn ông viết:

Hiện nay vệ quân các xứ Thanh Hóa, Diễn Châu đều đã nhất tề đến đây rồi, phàm vợ con, tài sản của quân nhân, mảy may không bị xâm phạm. Nay cái kế tốt cho các người không gì bằng ra ở ngoài thành, cùng Thái đốc quân2 quyết định việc về để cứu vớt mấy nghìn tính mệnh ở trong thành. Chúng ta đã xét những việc đắc thất của cổ nhân như Bạch Khởi3 nước Tần, Hạng Vũ4 nước Sở, giết kẻ đầu hàng, trái lời đã ước, chúng ta quyết không làm như thế đâu. Các người hãy cứ thư lòng, đừng nền ngờ vực mà thành hỏng việc. Các người nếu cho là thành cao hào sâu, lương thực lại nhiều, thì thử xem như ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ, Diễn, thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, lương thực không phải là không nhiều, quân không phải là không mạnh, lại Thái đô đốc5 thì chức cũng to, binh củng giỏi, trí cũng sáng, mà còn theo thời thông biến để bảo toàn tính mệnh cho mấy vạn con người. Thế mà các người lại còn muốn cố chấp những lời bàn suông để mang tai vạ thật, há chẳng lầm lắm ư? Vả lại ta xem ở nước các người, hiện nay bên trong có họa tiêu tường6, bên ngoài có giặc bắc biên7, mà đại thần lấn vị, người dưới chuyên quyền; hạn hán hoàng trùng, luôn năm tai họa; bốn phương đạo tặc nổi dậy như ong. Cái cơ táng loạn, há không biết trước rồi sao? Người trí giả thấy việc từ lúc việc chưa phát, sao các người lại thấy sự cơ muộn thế, mà muốn tự khổ như thế? Các người nếu biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình, thì ta coi các người nghĩa như anh em ruột thịt, nào chỉ những bảo toàn tính mệnh vợ con mà thôi đâu. Nếu không thế, tùy ý các người. Trong khoảng sớm tối, sẽ khắc thấy nhau. Đến lúc bấy giờ hối cũng không kịp. Các người hãy nên nghĩ đi”8.
_________________________________
1. Thành Bắc Giang thuộc phủ Bắc Giang, không phải là thành Xương Giang thuộc phủ Lạng Giang. Thành Bắc Giang cũng còn gọi là thành Điêu Diêu hoặc thành Tiền Vệ (Giao Châu tiều vệ) ở vùng Gia Lâm ngày nay.
2, 5. Thái đốc quân hoặc Thái đô đốc đều chỉ Thái Phúc, tướng chỉ huy thành Nghệ An, đã ra hàng nghĩa quân Lam Sơn.
3. Bạch Khởi là tướng nước Tần, thời Chiến quốc, cầm quân đánh nước Triệu, 40 vạn quân Triệu ra hàng đều bị Bạch Khởi giết chết.
4. Hạng Vũ nước Sở đem quân đánh nước Tần, Tần Vương là Tử Anh ra hàng, bị Hạng Vũ giết chết.
6. Tiêu tường là bức bình phong trong nhà quý tộc. Ý nói trong nhà, trong nội bộ.
7. Bắc biên là biên giới phía bắc. Giặc bắc biên là chỉ việc người Mông Cổ đánh phá miền bắc nước Minh.
8. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 42 - 43.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 07:22:56 am »


Trong bức thư dụ hàng tướng ngụy thành này, Nguyễn Trãi viết:

"Người xưa có nói: "Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi". Cầm thú còn thế, huống nữa là người. Các người vốn là người dân Tây Việt1, dòng dõi nhà quan. Trước nhân họ Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, các người có người thì thân bị hãm ở tặc đình2, có người thì danh bị buộc ở ngụy chức, đó là thế không đừng được, nào phải do ở bản tâm đâu. Đấng Thượng đế nghĩ thương dân ta, đã mượn tay ta, Đại Thiên hành hóa. Thái sư Vệ Quốc Công3 cứu dân đánh kẻ có tội để khôi phục cơ đồ. Quân đi đến đâu, nghĩa thanh vang dậy, dân chúng bốn phương dắt díu nhau mà kéo đến theo ta. Bọn các người nếu biết rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở làm nội ứng hoặc ra để đầu hàng thì không những rửa mối hổ thẹn ngày trước, mà cũng được thần soi xét về sau. Ta không nói lời rồi lại ăn lời. Nếu các người lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự vương sư, thì khi hãm thành, tội ác các người tất nặng hơn giặc Ngô đấy"4.

Những thư trên đều cùng một mục đích dụ hàng. Nhưng viết cho tướng Minh, ông viết khác, viết cho tướng ngụy, ông viết khác. Khác về cách viết, khác về lời văn, khác về cách phân tích các lẽ phải trái, được thua. Với tướng Minh, ông cho chúng thấy cái mạnh, cái sức sống trường tồn và cái lẽ tất thắng của dân tộc ta, đồng thời ông vạch rõ cái thế yếu, thế thua của giặc và cái thế không thể đương nổi của chính bản thân kẻ nhận thư đó. Với tướng ngụy, ông viết khác, ông nhấn mạnh vào tình quê hương Tổ quốc, vào cái thế không thể xa lìa được quê cha đất tổ "cáo chết còn quay đầu về núi" huống nữa con người. Ông tỏ niềm thông cảm với bọn ngụy quân, ngụy quyền phải làm tay sai cho giặc là vì bất đắc dĩ, thế không thể đừng chứ không phải do bản tâm muốn thế. Ông cũng nêu rõ cái sức mạnh vũ bão của nhân dân cả nước đương vùng lên để cứu nước cứu nhà, chúng cũng là dân một nước, không thể ôm mãi cái ngụy chức của giặc, chống lại chính nghĩa, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân cả nước. Những bức thư ấy, tuy cách viết khác nhau, nhưng có những điểm cơ bản rất giống nhau. Giống nhau ở chỗ thư nào cũng sáng ngời chính nghĩa của dân tộc và tràn đầy tình yêu nước nồng nàn của người viết. Từ trong thư toát lên một tinh thần tự hào dân tộc rất cao đẹp, một khí thế chiến đấu kiên cường để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, một sức mạnh hùng biện áp đảo địch, một tấm lòng nhân ái tuyệt vời, thu phục được lòng người, lôi cuốn người đi theo lẽ phải, theo chính nghĩa. Những thư ông viết còn giống nhau ở chỗ lời lẽ thật đanh thép, cảnh cáo, phê phán địch rất nghiêm khắc, mà khuyên nhủ, dụ bảo cũng rất chân tình, và giống nhau ở chỗ thư nào ông cũng mở ra những lối thoát cho địch: ông nêu rõ chính sách khoan hồng, không giết kẻ đầu hàng và thái độ đối xử tử tế, ân cần của quân dân ta đối với tù hàng binh, kể cả địch lẫn ngụy. Thư của Nguyễn Trãi viết có sức mạnh đánh vào lòng người chính là ở những điểm cơ bản đó.
_______________________________________
1. Tây Việt là tên nhóm người Bách Việt ở phía nam Quảng Tây thời cổ. Ở đây, Tây Việt chỉ nước ta.
2. Tặc đình: triều đình giặc, tức triều đình nhà Minh.
3. Chỉ Lê Lợi. Thư viết nhân danh Lê Lợi.
4. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 41 - 42.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 12:01:50 am »


Trước những bức thư dụ hàng chính nghĩa sáng ngời, tình lý rạch ròi, ân uy đầy đủ như vậy, tướng địch Trương Lân và tướng ngụy Trần Vân, chỉ huy thành Điêu Diêu (cũng gọi là thành Bắc Giang), đã đem quân ra hàng, dâng thành cho ta.

Nhân thắng lợi này, Lê Lợi lại cho người sang thành Đông Quan dụ hàng Vương Thông, Vương Thông không tiếp. Nguyễn Trãi liền viết cho Vương Thông một bức thư vạch rõ thế được thua giữa ta và địch đã quá rõ, chúng chỉ còn một cách rút quân về nước. Trong thư có đoạn viết:

”... Tôi trộm nghĩ, tính kế cho ngài thì bây giờ chẳng gì bằng kéo quân về để thoát cho hai nước cái khổ can qua, để khỏi cho nước nhà cái họa độc vũ cùng binh... khiến cho tên nêu sử sách, tiếng truyền đời sau, thế lại không to tát tốt đẹp sao? Nay lại bỏ điều ấy mà không tính, chỉ chăm chăm đào hào đắp lũy hàng ngày cứ lẻn lút chỗ cửa thành, cướp trộm củi cỏ, sao mà tự khổ đến thế? Ngài nếu cho là thành hào hiểm vững có thể cậy được, thì tôi e nước xa không cứu được lửa gần. Nếu bảo những người dũng cảm trong thành còn nhiều, muốn quyết một trận sống mái, thì ngày trước khi tôi còn ở Khả Lam, Trà Lân, bọn các ông Phương Chính có quân vài vạn đều là mạnh giỏi, tôi chỉ có vài trăm quân một dạ cha con mà còn là đi đến đâu đánh tan đấy, thế tựa chẻ tre. Phương chi nay lấy các lộ Nghệ, Diễn, Thanh Hóa, Tân, Thuận, Đông Đô, chọn quân tinh nhuệ không dưới vài mươi vạn, thế thì cái thế được thua có thể ngồi mà biết được. Song nước thịnh hay suy, quan hệ ở trời, binh mạnh hay yếu không cứ ở nhiều, thế mà ngài cứ lấy việc họ Hồ ngày trước mà so sánh. Tôi cho việc ngày nay với việc ngày trước khác nhau. Họ Hồ thì dối trời hại dân, mà tôi thì kính trời thuận dân, lẽ thuận nghịch không giống nhau là một. Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng mà Quân của tôi bất quá vài mươi vạn, nhưng ai cũng một lòng, không giống nhau là hai..."1.

Nguyễn Trãi lại viết tiếp theo một thư nữa, khuyên Vương Thông nhân thời cơ thuận lợi là đương lúc đầu năm khí hậu ôn hòa, nên rút quân về và Nguyễn Trãi phác ra mấy nét về kế hoạch rút quân cho giặc:

"Hiện nay khí trời ôn hòa, chính là lúc đem quân về rất tốt. Nếu ngài bỏ lỡ thời ấy không đi, mà cứ chờ đợi, đến lúc nước xuân mới sinh, khí nóng bức dần, mà bảo là ung dung khải hoàn thì tôi e những quân sĩ đi lâu nhớ nhà, đi đường ta oán, đến bấy giờ dẫu muốn ung dung vị tất đã được ung dung... Ngài quả không cho lời tôi là vu khoát, mà mở rộng lòng thành, thì xin cho người thân tín cùng Sơn đại nhân qua sống hội cùng tôi, giết ngựa uống máu ăn thề, có quỷ thần chứng minh, định rõ nhật kỳ, sẽ đưa trả Nguyễn nội quan và Hà tri châu về Đông Quan, tôi cũng lập tức sai người dâng biểu tiến cống và rút quân về các xứ Thạch Thất, Khoái Châu, để ngài được ung dung lên đường. Các quân lục tục kéo về theo, mà Sơn đại nhân ở sau thu vén..."2.

Nhưng bọn Vương Thông đã không thấy hết được lẽ hơn thiệt trong thư của Nguyễn Trãi, vì chúng vẫn còn hy vọng viện binh của chúng sẽ tới. Mất hai thành Khâu Ôn và Điêu Diêu, tướng địch ở Đông Quan lo lắng quân chúng ở các nơi mất tinh thần chiến đấu, sẽ nối tiếp nhau bỏ thành, đầu hàng, mọi hy vọng sẽ tiêu tan thành mây khói. Để lấy lại tinh thần binh sĩ của chúng nhằm giữ vững các thành chờ ngày viện binh tới bọn Vương Thông, Phương Chính mưu tính cố giành lấy một thắng lợi quân sự, dù chỉ là một thắng lợi nhỏ.
____________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 45.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 47.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 12:07:42 am »


Ngày 4 tháng 3 năm 1427, tức ngày 7 tháng hai năm Đinh Mùi, Phương Chính xuất kỳ bất ý đem quân ra phía bắc ngoài thành Đông Quan, đánh tập kích vào trại quân của Lý Triện ở Cảo Động1 (thuộc Từ Liêm). Nghĩa quân bị đánh bất ngờ, không đối phó kịp. Tướng Đỗ Bí bị địch vây bắt. Tướng Lý Triện bị tử thương. Địch lại rút vào thành.

Nhưng thắng lợi ấy vẫn không giữ vững được tinh thần quân tướng địch. Liền sau hoạt động quân sự này của bọn Vương Thông ở Đông Quan, bọn Đường Bảo Trinh, tướng Minh ở Thị Cầu, đã mở cửa thành, đem quân ra hàng, sau một thời gian bị Nguyễn Chích và nghĩa quân Lam Sơn vây đánh dữ dội.

Để cứu vãn tình thế, ngày 16 tháng 3 năm 1427, tức 19 tháng hai năm Đinh Mùi, bọn Vương Thông ở Đông Quan vội vàng mở một trận tập kích nữa ra phía Từ Liêm, đánh vào doanh trại nghĩa quân ở Bài Sa Đôi2. Nhưng lần này, chúng bị thất bại phải chạy vào thành.

Trong khi đó, các lãnh tụ Lam Sơn vẫn tiếp tục kế hoạch đánh nốt các thành giặc trên hai con đường từ Đông Quan đi Vân Nam và từ Đông Quan đi Quảng Tây. Trên con đường đi Vân Nam còn một thành Tam Giang. Trên con đường đi Quảng Tây còn một thành Xương Giang. Các lãnh tụ Lam Sơn quyết định mở cuộc tiến công hạ thành Tam Giang trước. Thành này vẫn do tướng Trịnh Khả vây hãm. Nay Nguyễn Trãi thân lên Tam Giang3 đem theo viên hàng tướng họ Tăng để dụ hàng thành này, trước khi mở đợt tiến công mới. Tới Tam Giang, Nguyễn Trãi đưa thư cho Lưu Thanh, tướng địch chỉ huy thành Tam Giang.

Bức thư không viết với những lời lẽ mềm mỏng, ngọt ngào, mà là một bức tối hậu thư gửi tới cho địch, lời lẽ rất quyết liệt:

"Thư bảo cho tướng hiệu quan viên cùng quân nhân trong thành Tam Giang biết.

Cái điều đáng quý ở người quân tử là biết thời thông biến, lượng sức xử mình. Bây giờ giá có người đem quả trứng chim chống đỡ núi Thái Sơn, lấy càng bọ ngựa ngăn cản bánh xe, mà lại tự cho là sức có thừa, thì thật là ngu quá vậy! Lũ ngươi có vài trăm quân, giữ thành trơ trọi mà lại muốn kháng cự với ta, thì có khác gì thế không? Thành trì của các ngươi không cao sâu bằng ở Nghệ An, lương thực của các ngươi không súc tích bằng ở Diễn, An, mà quân vũ dũng cảm tử của các ngươi lại không đông bằng quân nhân ở Diễn, Nghệ, quan tước của các ngươi lại không to bằng Thái đô đốc. Thế mà vệ quân ở các xứ Diễn, Nghệ, Thuận Hóa, Tân Bình, Thanh Hóa, Tiền Vệ
4, Thị Cầu, Xương Giang, Trấn Giang5 đều đã mở thành ra hàng. Nay thấy dưới cây bồ đề6, Thái đô đốc đã định nhật kỳ kéo quân về Kinh7. Phàm quan quân cùng vợ con, tài sản không bị xâm phạm mảy may. Thế mà các ngươi chỉ cứ theo mê giữ lầm, không biết lo xa sao mà thấy biết sự cơ muộn thế! Tất cả những tướng sĩ của ta, không ai là không hăm hở muốn vác khí giới lên phá thành ngay. Nhưng ta còn nghĩ thương những kẻ vô tội ở trong thành đã bị các ngươi lừa dối, một khi tiếng trống nổi lên, thì ngọc đá chẳng phân biệt gì, đều tan nát cả. Vậy viết mấy chữ gửi các ngươi hay"8.

Nhận được thư dụ hàng của Nguyễn Trãi, ngày 2 tháng 4 năm 1427, tức ngày 6 tháng 3 năm Đinh Mùi, tướng địch Lưu Thanh mở cửa thành đem quân ra hàng.
_______________________________________
1. Cảo Động có thể là Cảo Xã, tức vùng Xuân Tảo, Nhật Tân ở phía bắc thành phố Hà Nội ngày nay.
2. Bài Sa Đôi có thể là thuộc xã Sa Đôi trên sông Nhuệ, tức thuộc địa phận hai thôn Phú Đô, Giao Quang huyện Từ Liêm ngày nay.
3. Tức miền Việt Trì ngày nay.
4. Tiền Vệ, tức thành Điêu Diêu hay thành Bắc Giang.
5. Trấn Giang hoặc Trấn Di, tức ải Chi Lăng.
6. Cây bồ đề ở đây chỉ đại bản doanh Bồ Đề của nghĩa quân.
7. Tức Kinh đô nhà Minh.
8. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, tr. 43 - 44.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 10:26:13 pm »


Hay tin thành Tam Giang đã mất, quân tướng trong thành đã ra hàng nghĩa quân, bọn Vương Thông ở Đông Quan rất hoảng sợ. Để ngăn chặn không cho tình thế xấu thêm nữa, Vương Thông quyết liều mạng đánh ra để giành lấy một thắng lợi mới.

Ngày 4 tháng 4 năm 1427, tức hai ngày sau khi thành Tam Giang thất thủ, Vương Thông trực tiếp chỉ huy một đội quân tinh nhuệ tiến ra phía nam ngoài thành, đánh tập kích vào doanh trại nghĩa quân do Lê Nguyễn chỉ huy ở Tây Phù Liệt. Nghĩa quân ở đây đã chống cự mãnh liệt. Các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí cũng được phái đem 500 quân thiết đột tới tiếp viện cho Lê Nguyễn. Nghĩa quân từ hai mặt trong đánh ra, ngoài đánh vào, đã phá tan cuộc tập kích của địch và đuổi địch tới My Động (tức Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Thấy lực lượng truy kích của ta có ít, bọn Vương Thông chỉnh đốn lại đội ngũ, chia quân thành nhiều mũi, đánh quân trở lại. Các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí bị kẹp trong vòng vây của địch. Đinh Lễ và Nguyễn Xí thúc voi chiến đấu rất mạnh để phá vây. Nhưng không may voi của hai tướng bị sa lầy. Đinh Lễ và Nguyễn Xí không thể vượt khỏi vũng lầy và bị địch bắt đem vào thành Đông Quan. Đinh Lễ bị địch giết chết. Nguyễn Xí bị địch giam giữ (ít lâu sau Nguyễn Xí vượt thành ra về được).

Bọn Vương Thông lập tức thổi phồng tin thắng lợi này và phao truyền đi khắp nơi hòng lấy lại tinh thần binh sĩ của chúng. Để vạch trần sự lừa bịp dư luận và những hành động lén lút vụng trộm của địch, đồng thời chỉ rõ con đường thất bại không thể tránh được của chúng, Nguyễn Trãi đã gửi cho địch bức thư như sau:

"Ta nghe: múc một gáo nước, biển cả không vì thế mà vơi, thêm một gáo nước biển cả không vì thế mà đầy. Cho nên người dùng binh giỏi không lấy sự thẳng nhỏ mà mừng, không lấy sự thua to mà sợ. Nay các ông có tàn tốt vài nghìn, lương sắp hết mà viện không thấy đến, chúng lìa lòng mà quân ngày ít đi, cái thế mạnh yếu được thua có thể ngồi mà suy biết được. Huống hồ nước An Nam ta, binh tượng thì nhiều, tâm lực đều nhau, chiến khí càng tinh, sĩ khí càng mạnh, những kẻ trí mưu, những tướng vũ dũng, chẳng khác cây rừng xúm xít, răng lược khít nhau vậy. Các ông có thắng một trận nhỏ cũng không thấy là mạnh; mà ta dẫu có thua một trận nhỏ cũng không thấy là yếu. Vừa rồi mấy người tì tướng của ta, tuổi trẻ tính ngông, không theo ước thúc, khinh chiến nên thua, các ông lấy thế làm đắc chí. Nay đem những tướng hiệu ở các nơi Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn, Nghệ, cùng các sở Tiền Vệ, Tam Giang, Xương Giang, Trấn Di và Thái đô đốc cùng các quan tam ti, chỉ huy, thiên bách hộ, ước hơn vài trăm người, quân nhân một vạn vài nghìn người, trai gái lớn nhỏ hơn ba vạn người bị các ông làm lầm lỡ, mà so với vài người tì tướng của ta, thì ai hơn ai kém, ai được ai thua? Thế mà ông không hề lấy thế làm lo, lại còn giương vây nói mẽ, có khác gì nhà đương bị cháy mà chim én còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng đáng cười lắm sao! Vả nay, địa phương Lưỡng Quảng nghe thấy quân ta thừa thắng ruổi dài, bọn đạo tặc đã nhân dịp trỗi dậy. Tích Lịch đại vương1 đã giữ đất xưng đế, mà binh tượng của ta ngày đêm tiến đánh. Bằng Tường, Long Châu2 ta đều lấy được. Nay ông vẫn còn ngày ngày mong đợi viện binh mà nói phao là viện binh sắp đến, thì có khác gì trong mộng nói chuyện mộng không? Thế lại càng đáng cười lắm!... Nếu ngài nay lại biết theo lời ước cũ, thì nên cho quân về ngay... Như thế thì toàn quân thoát họa, há chẳng hay ư! Nhược bằng cố giữ điều mê, không biết thông biến, thì cũng như câu Đường Thái Tôn bảo "tận trung vô ích" vậy. Và kẻ đại trượng phu làm việc nên phải lỗi lạc, đường hoàng. Ngài muốn đánh thuỷ, thì nên bày hết chiến thuyền ở trên sông để quyết tử chiến, muốn đánh bộ thì nên xuất hết binh mã ra đồng ruộng, trong một hai ngày để quyết sống mái, không nên chúi ở xó thành, chợt ra chợt vào, cướp lấy củi cỏ, cho thế là đắc sách..."3.

Bức thư đã nói lên cái thực tế của chiến tranh và chiến trường đã một lần nữa vạch rõ thế mạnh của ta, thế yếu của địch. Với lời lẽ đanh thép và sâu sắc của bức thư này. Nguyễn Trãi đã đánh vào lòng địch rất mạnh, làm suy sụp hẳn nhuệ khí đương lên của chúng. Việc tăng cường vây hãm các thành một cách nghiêm mật hơn cùng với những lời lẽ trong thư đã khiến địch ở Đông Quan từ đây cho đến ngày viện binh của chúng sang tới nơi, không dám có một hoạt động quân sự nào nữa.
____________________________________
1. Có thể là một thủ lĩnh nghĩa quân ở vùng Lưỡng Quảng.
2. Long Châu, Bằng Tường là hai địa điểm ở phía nam Quảng Tây, biên giới nước ta.
3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 50 – 52.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM