Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:09:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ trên không  (Đọc 21173 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 03:25:36 pm »

        Khi mới vào trại giam, mỗi tù binh được cấp ngay chăn màn, quần áo (bộ quần áo kẻ sọc) (Từ đó có cái tên của một bộ phim Cộng hòa Dân chủ Đức « Những phi công trong bộ quần áo ngủ" (Les pilotes en pyjàma)), khăn mặt, bàn chải, xà phòng, gương lược, dao cạo râu... Họ được ở mỗi người một căn buồng thoáng mát, có hộp loa phóng thanh gắn ở góc tường. Trong hoàn cảnh chung hết sức khó khăn của nhân dân ta, cán bộ, chiến sĩ của trại ăn uống rất kham khổ, nhưng chúng ta đã cố gắng dành cho họ những bữa ăn tươm tất.
       
        Hàng ngày, Ban chỉ huy trại đã tổ chức cho các tù binh Mỹ một nếp sinh hoạt bình thường: tập thể dục, đánh bóng chuyền, chơi bi-a, đánh bài, xem phim, đọc sách báo, nghe ra-đi-ô, nhắn tin hoặc viết thư về cho gia đình. Qua loa phóng thanh, họ được nghe tiếng nói truyền cảm, dịu dàng của Thu Hương (Nữ phát thanh viên Thu Hương được binh lính Mỹ đặt tên là Ha-na (Hannah).) trong chương trình dành cho binh sĩ Mỹ, của Đài tiếng nói Việt Nam. Họ thường được thưởng thức những bản giao hưởng tuyệt vời của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới, như Bi-tô-ven (Beethoven), Sô-panh (Chopin), Mô-da (Mozart), Ba-sơ (Bach)... được nghe giới thiệu về nền văn hóa và truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam ta.
       
        Dần dà những nhận thức và tâm lý sai lạc của họ, do từng bị đầu độc bởi những lời tuyên truyền dối trá từ bên nước Mỹ, đã được điều chỉnh lại.
       
        Họ còn được đưa đi xem các nhà bảo tàng. Sau khi xem Bảo tàng Quân đội, một trung tá phi công Hải quân tâm sự với cán bộ ta: "Chúng tôi không thể không kính trọng một dân tộc có lịch sử lâu đời và oanh liệt đến thế". Rồi anh ta cười hóm hỉnh: "Ít nhất đến đây chúng tôi cũng được an ủi vì nước Mỹ chúng tôi không phải là nước đầu tiên thua Việt Nam". Vào xem Bảo tàng Mỹ thuật, một thiếu tá không quân nói: "Nước các ông còn nghèo về vật chất, song tài sản tinh thần, kho tàng văn hóa nghệ thuật thì thật giàu có vô cùng".
       
        Trại còn giúp cho các tù binh Mỹ tự làm báo, ra tờ tạp chí do họ đặt tên: "Đường băng mới" (The New Runway). Họ chia nhau viết bài với đủ loại thơ ca, tường thuật, bình luận, vẽ tranh châm biếm và phân công nhau trình bày, trang trí. Tranh châm biếm bọn họ thường vẽ là hình ảnh méo mó của những vị tai to mặt lớn của chính quyền và quân đội Mỹ với những lời chú thích hết sức chua cay.
       
        Trong trại giam có hai viên đại úy không quân chơi với nhau rất thân. Cả hai đã từng là giáo viên âm nhạc trước khi chuyển sang nghề bay. Đó là Giôn Cô-lin có giọng hát hay và khỏe và Uy-liêm Pớc-kin, chuyên đệm đàn phong cầm cho Cô-lin và các bạn cũng hát trong những giờ sinh hoạt. Vào những dịp lễ Giáng sinh, Ban chỉ huy trại đã cho chăng đèn kết hoa rực rỡ, có ông già và cây thông Nô-en, có cả Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ, để cho các tù binh Mỹ được chúc mừng năm mới và cầu Chúa ban phước lành. Trong bữa ăn Nô-en, bọn họ còn được thường thức mỗi người một đĩa thịt ngỗng quay (Thịt ngỗng quay (roast goose) món ăn truyền thống của người Mỹ trong dịp mừng Chúa giáng sinh.) truyền thống của dân Mỹ. Điều đó đã khiến họ rất ngạc nhiên và thú vị. Về sau, chúng tôi được biết đây là theo chỉ thị của Chủ tịch Hố Chí Minh. Từng đi nhiều nơi trên thế giới, am hiểu phong tục tập quán của nhiều nước, nhiều dân tộc, cộng với lòng nhân ái sâu sắc Bác Hồ rất quan tâm nhắc nhở cán bộ ta phải luôn luôn đối xử tử tế với tù binh.
       
        Đại úy Noóc-len Đô-tơ-ri, lái F105D, bị thương nặng cả hai tay, đáng lẽ phải cưa bỏ, nhưng các bác sĩ Việt Nam đã giúp cho đôi tay của anh ta trở lại lành lặn bình thường. Giờ đây, chính anh đã có thể dùng bàn tay khéo léo của mình để cắt những hình trang trí (chim bồ câu, thánh thần, tiên nữ...). Anh ta vui vẻ nói: "Tôi mãi mãi ghi sâu trong trái tim mình tấm lòng cao quý của các bác sĩ và y tá Việt Nam. Người Việt Nam các ông có đủ tất cả các đức tính mà các dân tộc khác phải khâm phục".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 03:29:12 pm »

        Có một đại úy phi công của Hải quân Mỹ khi mới vào trại giam tỏ ra rất kiêu căng. Thái độ kiêu ngạo của những phi công Mỹ, xét cho cùng, cũng là điều hợp lô-gích. Họ là phi công của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đất nước hùng mạnh nhất thế giới, là những vị con trời, cứu tinh cho một quốc gia nhỏ bé (Việt Nam Cộng hòa) đang bị "Cộng sản Bắc Việt xâm lăng". Hơn nữa, không giống những người lính bộ binh dưới mặt đất chuyên làm nhiệm vụ bắn giết, họ bay trên trời cao, tiến hành một cuộc "chiến tranh sạch sẽ", bằng những ngón tay ấn nút, nhẹ nhàng như bấm một cây bút bi. Bom rơi, người chết, họ không nhìn thấy. Trong quân đội Mỹ, họ thuộc hàng những kiêu binh, những người lính "quí tộc”. Mặc dầu đã vào trại Hỏa Lò, một số không ít phi công tù binh Mỹ vẫn còn mang tâm lý đó. Gặp cán bộ ta, một phi công không chịu chào: "Tôi không biết chào người Việt Nam. Ở Sài Gòn, nếu gặp tôi, Nguyễn Cao Kỳ (Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn trước đây.) phải chào tôi trước đấy". Thế mà sau đó, qua những điều được giảng giải và tai nghe mắt thấy trong trại giam, anh ta dần dần thay đổi thái độ. Từ đó, gặp ai anh cũng vui vẻ chào.
       
        Một đại úy không quân nói: "Ồ! Chỉ huy Trại cũng gánh nước tưới rau, cũng đánh bóng chuyền, chơi vật cùng chiến sĩ. Ở quân đội Mỹ làm gì có chuyện đó . Anh ta đặc biệt xúc động khi nhìn thấy các chị cấp dưỡng nhỏ bé, với mấy chiếc xe đạp cũ kĩ mà vẫn bảo đảm cho mọi bữa ăn của họ luôn luôn được kịp thời, chu đáo.
       
        Một thiếu tá không quân khi được phỏng vấn: "Vào đây anh có bị tra tấn, hành hạ gì không" đã trả lời: "Ở Mỹ, tôi và các bạn tôi đã qua hai tuần lễ huấn luyện ở "Trường tự cứu". Mỉa mai thay! Những điều được học ở trường và cuốn sách "Hướng dẫn tự cứu chẳng giúp ích gì cho tôi cả, bởi vì, khi vừa nhảy dù xuống đất, chúng tôi đã thấy ngay các bà, các ông bao vây xung quanh. Vừa nghe họ hô to hai tiếng “hen xấp (Hands up: Giơ tay lên!)?" là chúng tôi đã: phải vội vã đưa hai tay lên trời. Điều mỉa mai hơn hết là khi còn học ở trường, chúng tôi đã bị những người đóng giả Việt cộng đánh cho khá đau, dù là đánh giả, nhưng ở trong trại này điều đó không hề xảy ra. Cái hòm tra điện duy nhất và những chiếc roi gân bò mà tôi được nhìn thấy lại chính là ở "Trường tự cứu bên Hoa Kỳ (Những dẫn chứng về các phi công Mỹ trên đây trích từ báo Quân đội nhân dân, các số ra ngày 2-8 đến 15-8-1969, trong bài phóng sự nhiều kỳ: "Những bằng chứng biết nói")”
       
        Đối với tù binh Mỹ, chúng ta đã dành cho họ sự đối xử tốt như vậy, tuy nhiên có một điều là chúng ta không cho họ có quyền bắt tay chúng ta. Một trung tá không quân nói: "Các ông sẵn sàng tha thứ tất cả, duy chỉ có cái bắt tay... Lúc đầu chúng tôi rất tự ái. Không ngờ bàn tay của chúng tôi lại bị các ông căm giận và khinh bỉ đến thế. Nhưng về sau chúng tôi đã nhận ra: một sự căm giận và khinh bỉ rất dễ hiểu. Các ông không bắt tay, nhưng đối xử với chúng tôi vẫn hết sức độ lượng".
       
        Gần đây ông Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, về sau làm Giám đốc điều hành Hội luật gia của bang Georgia, trong một chuyến sang thăm Việt Nam đã nói với các phóng viên: "Ban đầu chúng tôi rất e ngại. Nhưng qua tiếp xúc, chúng tôi vô cùng cảm kích trước thái độ rộng lượng của người Việt Nam. Sang đây chúng tôi cảm thấy được tha thứ và được sống trong sự ấm áp của tình người".
       
        Thái độ đối xử độ lượng, khoan hồng của người Việt Nam chúng ta ở mọi thời đại luôn luôn ngời sáng một chủ nghĩa nhân văn cao cả: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam là như thế.
       
        Ai đó muốn làm cho nhân dân Mỹ hiểu sai về thái độ nhân đạo của Việt Nam, hãy đọc kỹ lời đánh giá sau đây của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra: "Thất bại của Mỹ ở Việt Nam phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa của dân tộc này"(Sách đã dẫn: "Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam" của Mắc Na-ma-ra.)
       
        Thiết nghĩ, có thể coi đây là lời đáp chí lí cho những ai cố tình xuyên tạc sự thật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 03:37:16 pm »

       
        Câu hỏi 26: Cụm từ "Điện Biên Phủ trên không" xuất hiện từ đâu và có từ bao giờ?
       
        Đáp: Mùa hè năm 1954, quân dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhân dân thế giới biết đến Điện Biên Phủ như là chiến thắng kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam chống thực dân xâm lược Pháp, là một chiến thắng quyết định, dẫn tới kết quả của hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève), trong đó các bên cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào - Cam-pu-chia; 30 vạn quân viễn chinh Pháp phải rút hoàn toàn khỏi Đông Dương; các nước Đông Dương sẽ tiến hành tổng tuyển cứ tự do để tiến tới thống nhất nước nhà...

        Nhân loại còn biết đến Điện Biên Phủ như là một "Oa-téc-lô ((waterloo) một địa danh ở Bỉ. Tại đây ngày 18-6-1815, đại quân của Na-pô-lê-ông Bô-na-pác (Napoléon Bonaparte) bị liên quân Anh-Phổ đánh bại, dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Na-pô-lê-ông.) của thế kỷ 20", là "hồi chuông báo tử của thực dân Pháp trên khắp quả địa cầu", là "ngọn hải đăng trên biển cả", là "ánh đèn pha chiếu sáng con đường đi của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới", là "ngọn roi thức tỉnh các dân tộc thuộc địa", là "niềm hy vọng to lớn, là sự phục hồi danh dự và phẩm giá cho hàng triệu con người đang sống trong nô lệ và lầm than (Trích thư các nhà lãnh đạo, các chính khách lớn của các nước chúc mừng và ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam.)". . .
       
        Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Điện Biên Phủ năm 1954 đã được nối tiếp bằng nhiều "Điện Biên Phủ" khác, trong đó có một "Điện Biên Phủ" hết sức oanh liệt diễn ra trên bấu trời Hà Nội mà báo chí thường gọi là "Điện Biên Phủ trên không”.
       
        Vậy cụm từ "Điện Biên Phủ trên không" xuất hiện từ bao giờ?
       
        Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nghe nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên kể lại: đêm 26 tháng 12 năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên thắng lớn. Trong không khí hồ hởi, ngay sáng hôm sau, 27 tháng 12, tại phòng giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội), Tổng Giám đốc Trần Lâm thông báo: "Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 B52. Riêng Hà Nội diệt 5 pháo đài bay, có 4 chiếc rơi tại chỗ. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời kêu gọi: "Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn còn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn "Điện Biên Phủ" ngay trên bầu trời Hà Nội, Thủ đô thân yêu của chúng ta".

        Lời của Đại tướng đã tạo cho nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm xúc động sâu sắc. Ý nghĩ sáng tác một bài hát mang tên "Hà Nội - Điện Biên Phủ" bỗng lóe lên trong trí óc anh. Ngay đêm hôm đó, trong căn hầm của Đài Tiếng nói Việt Nam giữa lòng Thủ đô rực lửa chiến đấu, những nốt nhạc, những lời ca hùng tráng tuôn chảy trên trang giấy, dưới ngòi bút của Phạm Tuyên: "B52 tan xác cháy sáng bầu trời. Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. "Rồng" ta lao vút. . . Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng. Hà Nội ơi! ... Sáng 28 tháng 12, cầm bản nhạc trên tay, Phạm Tuyên đến tòa soạn báo Nhân dân. Bài ca "Hà Nội - Điện Biên Phủ" của anh liền được đăng trên báo Nhân dân và được phát hành ngay sáng 29 tháng 12. Và cũng trong ngày hôm ấy, khi chiến dịch 12 ngày đêm còn đang tiếp diễn, trong chương trình "Tiếng hát gửi về Nam" của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã được phát đi trên làn sóng điện, để rồi những ngày tiếp theo, nó được tung đi muôn phương, đến với bạn bè năm châu, bốn biển.
       
         "Hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ ngay trên bầu trời Hà Nội" - lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - "Một Điện Biên nay vùi mộng xâm lăng, Hà Nội ơi" - lời trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên - phải chăng là những gợi ý đầu tiên cho sự ra đời của cụm từ đặc biệt "Điện Biên Phủ trên không"?
       
        Thực tế diễn ra là sau cuộc thua mang tính quyết định trên bầu trời Hà Nội, cũng giống như sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 - đế quốc Mỹ đã buộc phải ký kết Hiệp định Pa ri ngày 27 tháng 1 năm 1973, cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấp nhận rút hoàn toàn quân viễn chinh Mỹ và các nước phe Mỹ ra khỏi Việt Nam... tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho nhân dân ta tiến lên giành toàn thắng vào mùa xuân năm 1975.
       
        Tuy nhiên, ở đây vẫn còn một dấu hỏi là: báo nào, đài nào đã sử dụng cụm từ "Điện Biên Phủ trên không" đầu tiên? Câu hỏi khó khăn ấy đã khiến các cán bộ của Bảo tàng Quân chủng Phòng - Không quân vào cuộc. Các anh chị đã đến các thư viện lớn, lật từng trang báo (Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới...) phát hành trong những ngày tháng hào hùng cuối năm 1972, đầu năm 1973. Cuối cùng họ đã đạt kết quả, tìm ra được đáp số: đó là báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay). Trong số ra ngày 29 tháng 12 năm 1973, bên cạnh bài hát "Hà Nội - Điện Biên Phủ" của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ở trang 2 có một dòng chữ: "Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không".
       
        Như vậy, cái tên đầy hình ảnh và đầy ý nghĩa "Điện Biên Phủ trên không" ấy đã xuất hiện đầu tiên trên tờ báo Nhân Dân của chúng ta. Nó lập tức được làng báo phương Tây hưởng ứng.
       
        Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" – cũng tức là "chiến thắng B52", "chiến thắng 12 ngày đêm từ đó đã nhiều lần được nhắc đến trên các sách, báo, các đài phát thanh, đài truyền hình của nhiều nước trên thế giới trong suốt 30 năm qua.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 03:39:40 pm »

       
THÀNH TÍCH ĐÁNH THẮNG B52 MỸ
       
        Câu hỏi 27: Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" rất oanh liệt! Thành tích cụ thể ra sao?
       
        Đáp: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Không quân đế quốc Mỹ chưa bao giờ phải chịu sự tổn thất nặng nề như trong chiến dịch đánh vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12 năm 1972. Cụ thể trong 12 ngày đêm có 81 máy bay Mỹ đã bị ta bắn rơi, gồm:
       
        - 34 chiếc B52       - 1 chiếc F105D
       
        - 5 chiếc F111A      - 2 chiếc RA5C
       
        - 21 chiếc F4C-E       - 1 chiếc trực thăng HH53
       
        - 4 chiếc A6A       - 1 máy bay trinh sát không người lái 147SC
       
        - 12 chiếc A7
       
        Sau cuộc ném bom tàn bạo ấy, chính tướng Giooc - Ết-tơ Phó chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ, ngày 30 tháng 12 năm 1972 đã phải thú nhận trên tạp chí "Không lực Hoa Kỳ" (U.S. Air Forces): "Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc".

        Kẻ thù công nhận thất bại nặng nề của họ, mặc nhiên cũng là thừa nhận thành tích to lớn của quân dân ta vậy
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 03:42:21 pm »

       
        Câu hỏi 28: Trong chiến dịch đánh thắng B52 Mỹ, địa phương nào, binh chủng nào, đơn vị nào xuất sắc nhất?
       
        Đáp: Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" là chiến công chung của quân dân cả miền Bắc nước ta. Trong chiến công chung ấy, nổi lên có những địa phương, những binh chủng, những đơn vị lập thành tích xuất sắc nhất, đặc biệt nổi bật là:
       
        - So sánh các địa phương, thì Hà Nội là địa phương lập chiến công to lớn hơn cả: bắn rơi 32 chiếc, trên tổng số 81 máy bay của toàn chiến dịch, trong đó có 25 B52, trên tổng số 34 chiếc.
       
        - So sánh các binh chủng thì Binh chủng Tên lửa đạt thành tích cao nhất: bắn rơi 36 trên tổng số 81 máy bay các loại, trong đó có 29 B52 trên tổng số 34 chiếc. Tất cả 16 chiếc B52 bị hạ tại chỗ đều là chiến công của bộ đội tên lửa (Xem sơ đồ "vị trí 16 B52 rơi tại chỗ" đính kèm.).
       
        - So sánh các đơn vị cấp sư đoàn, thì Sư đoàn Phòng không Hà Nội (tức Sư đoàn B61) xuất sắc nhất: bắn rơi 25 B52, rất xứng đáng là đơn vị chủ công của Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong Sư đoàn Phòng không Hà Nội có:
       
        - Trung đoàn tên lửa H61: bắn rơi 13 B52 (8 chiếc rơi tại chỗ) (Bao gồm thành tích của tiểu đoàn 72, thuộc trung đoàn H85 của Hải Phòng, lên phối thuộc với trung đoàn H61, đêm 27-12 hạ tại chỗ 1 B52 rơi trên đường Hoàng Hoa Thám.)
       
        - Trung đoàn tên lửa H57: bắn rơi 11 B52 (8 chiếc rơi tại chỗ).
       
        Đây là hai trung đoàn chưa từng "chạm trán" với B52, nhưng nhờ ra sức học tập kinh nghiệm của các đơn vị đàn anh, tích cực huấn luyện và vận dụng tốt cách đánh theo cuốn "cẩm nang bìa đỏ" nên đã đánh rất giỏi, thắng rất to...
       
        Cấp tiểu đoàn có:
       
        - Tiểu đoàn tên lửa 77: bắn rơi 4 B52 (3 chiếc rơi tại chỗ) là đơn vị có lối đánh thông minh, quả cảm, đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất. Trận địa của Tiểu đoàn 77 lập công oanh liệt, về sau được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa của Thủ đô.
       
        - Tiểu đoàn tên lửa 57: bắn rơi 4 B52 (2 chiếc rơi tại chỗ), có trận chỉ bằng 2 quả đạn, trong vòng 10 phút đã bắn rơi 2 chiếc B52.
       
        - Tiểu đoàn tên lửa 78: bắn rơi 3 B52 (2 chiếc rơi tại chỗ) là đơn vị phóng quả đạn đầu tiên mở màn chiến dịch.
       
        - Tiểu đoàn tên lửa 93: bắn rơi 3 B52 (cả 3 chiếc đều rơi tại chỗ).
       
        - Tiểu đoàn tên lửa 59: bắn rơi 3 B52 (có 1 chiếc rơi tại chỗ), lập chiến công đầu toàn chiến dịch (chiếc B52G rơi ở cánh đồng Phù Lỗ đêm 18 tháng 12).
       
        - Tiểu đoàn tên lửa 72: hạ tại chỗ 1 B52, rơi ngay giữa lòng Hà Nội, cách trung tâm Quảng trường Ba Đình chỉ 600 mét. Nơi đây đã trở thành địa điểm bảo tồn chứng tích chiến tranh độc đáo. Một mảnh xác pháo đài bay to tướng cắm ngay giữa lòng hồ Hữu Tiệp đã giúp mọi du khách tận mắt nhìn thấy chiến công tuyệt vời của các chiến sĩ tên lửa Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 03:48:35 pm »

VỊ TRÍ 16 CHIẾC B52 RƠI TẠI CHỖ
(Trong những đêm tháng 12 năm 1972)


        Về binh chủng bảo đảm có Trung đoàn Ra-đa H91,đơn vị đầu tiên thông báo "B52 bay vào Hà Nội". Sau đó, liên tục suốt 12 ngày đêm, giống như một cầu thủ cần mẫn ở hàng tiền vệ "mớm bóng" cho tiền đạo làm bàn trên sân cỏ, trưng đoàn đã phục vụ đắc lực cho các binh chủng bạn: Tên lửa, Cao xạ, Không quân, chiến đấu với hiệu quả rất cao, xứng đáng với lời tuyên dương "Không để Tổ quốc bị bất ngờ"...
        
        Do những thành tích đặc biệt xuất sắc nói trên, Binh chủng Tên lửa, Sư đoàn Phòng không Hà Nội, Trung đoàn Tên lửa H61, H57, Trung đoàn Ra-đa H91 ,Tiểu đoàn Tên lửa 77, các đại đội ra-đa 45, 23, 37 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        
        Riêng Hà Nội, với thành tích to lớn trong hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng hòa bình, đặc biệt là chiến công rực rỡ "Điện Biên Phủ trên không”, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 990 ngày Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Hà Nội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu quang vinh "Thủ đô anh hùng”.
        
        Về cá nhân, có Nguyễn Văn Phiệt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57, Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều phi công lái MIG 21, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        
        Các tiểu đoàn 76, 77, 78, 79, 57, 93, 94, 72, ngoài huân chương, còn được tặng mỗi đơn vị một bức trướng: "Bắn rơi tại chỗ B52 Mỹ".
        
        Riêng Tiểu đoàn 59, đặc biệt vinh dự, nhận được bức trướng duy nhất mang dòng chữ “Bắn rơi tại chỗ chiếc B52 Mỹ đầu tiên”.
        
        Hai trung đoàn pháo cao xạ H12 và H20 kiên cường bảo vệ Thủ đô, bảo vệ các trận địa tên lửa, cũng được tặng bức trướng "Bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ".
        
        Nhân dân ta vô cùng tự hào về Thủ đô Hà Nội, về Binh chủng Tên lửa Phòng không, về các đơn vị và cá nhân đã góp phần xuất sắc vào chiến thắng lẫy lừng "Điện Biên Phủ trên không" năm ấy.
        
        Xin phép được mở thêm một dấu ngoặc để trả lời câu hỏi: tại sao chúng ta đề cao thành tích bắn B52 hơn các loại máy bay khác và vì sao nhấn mạnh máy bay rơi tại chỗ?
        
        Sở dĩ coi trọng thành tích bắn rơi B52 hơn các loại máy bay chiến thuật là vì một lẽ rất đơn giản: đế quốc Mỹ muốn ép chúng ta bằng sức mạnh tuyệt đối của Không quân chiến lược B52. Để ép lại chúng, không có cách nào hơn là chúng ta phải diệt thật nhiều máy bay B52 của Mỹ. B52 bị bắn rơi càng nhiều, số giặc lái B52 chết và bị bắt càng đông, thì sức ép càng lớn. Thực tế đã chứng minh: sức ép "B52 bị bắn rơi" trên bầu trời Hà Nội đã tạo nên sức ép quyết định buộc Mỹ phải thua trên bàn đàm phán ở hội nghị Pa-ri. Tuy nhiên, không thể quên chiến công bắn rơi các loại máy bay khác.
        
        Còn ý nghĩa của việc bắn rơi máy bay tại chỗ?
        
        "Rơi tại chỗ" là máy bay Mỹ trúng đạn, giặc lái nhảy dù, là những chiếc pháo đài bay bốc cháy, sáng rực trời đêm rồi đâm đầu xuống đất, là hàng đống những khối xác kim loại nằm ngổn ngang khắp đồng, khắp bãi, những bằng chứng hùng hồn tố cáo tội ác bọn xâm lược, là hàng xâu giặc lái bị bắt và bị dẫn về "khách sạn Hin-tơn".
        
        Đối với Mỹ, đó là thất bại không thể chối cãi. Còn đối với bộ đội phòng không - không quân ta thì đó là chiến công đặc biệt xuất sắc được cấp trên lập tức công nhận. Nó giống như những "cú sút tung lưới", khiến kẻ thù choáng váng khiếp đảm, còn quân dân ta thì nức lòng, phấn chấn. Thí dụ đêm 20 tháng 12, đêm thắng lợi giòn giã của Thủ đô ta, 7 chiếc B52 bị bắn hạ trong đó có 5 B52 rơi tại chỗ, thực sự là một trong những đêm kinh hoàng của giặc Mỹ.
        
        Cũng chính vì vậy, trong khi xét thành tích, vấn đề phải coi trọng kết quả bắn rơi B52, nhất là những chiếc B52 rơi tại chỗ là điều hợp lý.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2016, 04:00:59 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 04:07:26 pm »

       
Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA
CHIẾN THẮNG "ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG"?
       
        Câu hỏi 29: Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" có ý nghĩa thế nào đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam?
       
        Đáp: Chúng ta còn nhớ: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đã làm rung chuyển Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, cùng với thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc đến vĩ tuyến thứ 20 và chấp nhận cùng ta ngôi vào bàn thương lượng ở Pa-ri. Giôn-xơn đã phải tuyên bố không ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ sau đó.
       
        Sang năm 1971, chiến thắng oanh liệt Đường 9 - Nam Lào, tiếp theo là chiến thắng to lớn của cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam năm 1972 đã giáng những đòn nặng vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Tổng thống Mỹ Ních-xơn, dẫn nó đến nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
       
        Thất bại trên chiến trường đã buộc Mỹ phải thỏa thuận với ta về việc ký kết một hiệp định chấm dứt chiến tranh vào tháng 10 năm 1972. Nhưng rồi như phần trên đã nói, Mỹ nuốt lời hứa, không chịu ký kết như đã thỏa thuận và đưa B52 đến ném bom Hà Nội.
       
        Thì ra, những thất bại vừa qua trên chiến trường miền Nam, dù là rất nặng nề, cũng vẫn chưa đủ để làm nguội cái đầu nóng của viên tổng thống cuồng chiến Mỹ. Ních-xơn không muốn chịu thua trong khi trong tay ông ta còn có một con bài nặng ký: B52.
       
        Khi ra lệnh cho máy bay B52 bay vào Hà Nội, Ních-xơn hoàn toàn tin tường vào sự thành công của chiến dịch ném bom. Ông ta khấp khởi mừng thầm và tràn đầy hi vọng. Hệ thống Phòng không của Bắc Việt chắc chắn sẽ bị nhiễu điện tử của Không quân Mỹ làm tê liệt. Sau cú "sốc ào ạt" của những đợt bom "rải thảm”, quá lắm là ba hoặc bốn ngày, Hà Nội phải sụp đổ. Trong thế thượng phong, phái đoàn Kít-xinh-giơ sẽ bắt phái đoàn Bắc Việt phải cúi đầu. Một số phi công tù binh Mỹ sẽ được trở về với gia đình trước đêm Giáng sinh. Cùng với việc con tàu A-pô-lô 17 (Apollo 17) chở ba nhà du hành vũ trụ Mỹ từ mặt trăng quay trở về Trái đất, chiến thắng của cuộc hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II sẽ đưa Ních-xơn lên vị thế tột cùng của đỉnh vinh quang. Ních-xơn sẽ là vị tổng thống đáng kính chủ trì lễ kỷ niệm 200 năm thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và hóa thân trở thành một vĩ nhân trước mắt toàn nhân loại.
       
        Sung sướng như mở cờ trong bụng, Ních-xơn yên tâm cùng vợ lên đường đi nghỉ mát ở Ki-bi-scây-nơ bang Phờ-lo-ri-đa (Florida). Tại đó, ông ta xoa tay chờ tin thắng trận.
       
        Bỗng nhiên, tin như sét đánh ngang tai, ngay trong đêm 18 tháng 12, ông ta nhận được báo cáo: "1 chiếc, 2 chiếc, rồi 3 chiếc B52 không trở về căn cứ". Cơn hoảng hốt của Ních-xơn cứ dồn dập và kéo dài mãi trong những ngày đêm tiếp theo. Hóa ra hệ thống phòng không Bắc Việt không bị vô hiệu hóa. B52 Mỹ cứ bị SAM2 của Bắc Việt liên tiếp bắn rơi. Mấy ngày qua, ông không hề nhận được bất cứ một tín hiệu nào gọi là yếu mềm từ phía Hà Nội cả. Qua rồi đêm Giáng sinh mà ông đặt biết bao kỳ vọng sẽ là một đêm tưng bừng khắp nước Mỹ. Tin con tàu A-pô-lô 17 cùng 3 nhà du hành vũ trụ an toàn trở về trái đất, thành tựu kỳ diệu của loài người, bị chìm đi trong chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Cuối cùng trong tâm trạng bi quan đến cùng cực, Ních-xơn đã phải ra lệnh chấm dứt ném bom vào lúc 24 giờ, đêm 29 tháng 12.
       
        Kẻ run sợ không phải là người Việt Nam, kẻ bị đè bẹp không phải là Hà Nội. Kẻ trở lại bàn đàm phán trong tư thế chiến bại không phải là phái đoàn Bắc Việt mà chính là phái đoàn Mỹ. Thất bại trong cuộc ném bom man rợ, không còn con bài nào khác để ép ta (sử dụng bom nguyên tử thì Mỹ không dám), không còn cách nào nữa để chối bỏ những đề nghị của Việt Nam, cuối cùng trong cuộc tái họp ở Pa-ri, phía Mỹ đã phải hạ giọng, chấp nhận mọi yêu cầu cơ bản của phái đoàn ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 04:12:35 pm »

         Kít-xinh-giơ kể lại trong cuốn hồi ký của mình: "Trước khi tôi lên đường trở lại Pa-ri ngày 6 tháng 1 năm 1973, Ních-xơn dặn tôi: Cho dù điều kiện của đối phương đưa ra thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận một giải pháp. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận trở lại những điều khoản của văn bản hiệp định tháng 10”.
       
        Vậy là sau thất bại của "đợt ném bom Nô-en" vào Hà Nội và trước làn sóng phẫn nộ của nhân dân Mỹ và nhân dân toàn thế giới, cái đầu nóng của Ních-xơn đã nguội đi nhanh chóng như thế đó.
       
        Theo văn bản ký tắt giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn Kít-xinh-giơ lúc 12 giờ 45 ngày 23 tháng 1 năm 1973 tại Trung tâm hội nghị quốc tế trên đại lộ Cơ-lê-be (Kléber), cũng như theo tinh thần Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được các Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên ký chính thức ngày 27 tháng 1 năm 1973, Chính phủ Hoa Kỳ đã phải:
       
        - Cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
       
        - Cam kết rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước.
       
        - Công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công nhận trên thực tế ở miền Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát.
       
        - Hai bên thả tù binh và dân thường bị bắt.
       
        Nhưng cay đắng hơn cả là Mỹ đã phải chấp nhận một sự nhượng bộ cực kỳ bi thảm, sự nhượng bộ mà tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã hoảng hốt kêu lên: "Nó đe dọa sự sống còn của chế độ Việt Nam Cộng hòa". Trong khi quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ phải rút hết, thì quân đội Bắc Việt vẫn ở lại miền Nam Việt Nam.
       
        Các quyền dân tộc cơ bản thiêng liêng của nhân dân ta đã được ghi đầy đủ ở chương I của Hiệp định Pa-ri (Ngày 8-2-1973, trong chuyến sang Hà Nội, Kít-xinh-giơ có đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử. Khi được nghe giới thiệu Lời hịch của Lý Thường Kiệt khắc trên bia đá:

                Nam quốc sơn hà Nam đế cư
                Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...

       
        Kít-xinh-giơ bỗng giật mình, buột miệng thốt lên: Đây chính là điều I của Hiệp định Pa-ri ).
       
        Còn quyền "Quân đội Bắc Việt vẫn ở lại miền Nam" lại được thể hiện ở chương II. Chương II ở điểm 5 ghi rõ: "Mỹ và các nước phe Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam trong thời hạn 60 ngày mà không hề có một câu chữ nào nói đến việc "Hà Nội phải cùng rút quân"
       
        Đây là một trong những vấn đề gay cấn nhất, quyết liệt nhất trên bàn hội nghị ở Pa-ri trong suốt mấy năm qua và đó cũng là một trong những điều cốt lõi nhất, mấu chốt nhất trong thắng lợi tuyệt vời của chúng ta trên mặt trận ngoại giao, thắng lợi bắt nguồn từ chiến thắng quyết định trên chiến trường.
       
        Trong nhiều phiên họp, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn luôn luôn đưa ra luận điệu: Bắc Việt xâm lược Việt Nam Cộng hòa, vì vậy Bắc Việt phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa.
       
        Phái đoàn ta đã phải liên tục đấu tranh không khoan nhượng chống lại luận điệu này của đối phương: Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam, phá tổng tuyển cử thống nhất đất nước, dựng lên chính quyền tay sai, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Mỹ đã sử dụng quân đội Sài Gòn, cùng cố vấn quân sự Mỹ tiến hành từ chiến tranh đơn phương đến chiến tranh đặc biệt, sau đó trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến tranh cục bộ, rồi mở rộng chiến tranh ra cả nước Việt Nam. Chính Mỹ là kẻ xâm lược, còn chính quyền Sài Gòn chỉ là công cụ của Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 04:14:39 pm »

        Làm sao Mỹ có thể bào chữa được sự có mặt ở miền Nam Việt Nam một quân đội viễn chinh gồm cả quân Mỹ và quân các nước phe Mỹ, đông hơn 60 vạn người, cả Hải, Lục, Không quân, với khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh khổng lồ, cùng với 1 triệu lính quân đội tay sai, hàng ngày, hàng giờ tàn sát nhân dân Việt Nam?
        
        Làm sao phái đoàn Mỹ và phái đoàn chính quyền Sài Gòn che giấu được bộ mặt thật của những kẻ đã rước quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, khiến nhân dân miền Nam phải đứng dậy, kết hợp với những người anh em ruột thịt miền Bắc chống kẻ thù chung?
        
        Truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam là: ở đâu có giặc ngoại xâm, ở đó có người Việt Nam cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự thống nhất đất nước. Mỹ xâm lược thì Mỹ phải rút quân. Còn lực lượng vũ trang cách mạng: Quân Giải phóng miền Nam, gồm cán bộ, chiến sĩ của cả hai miền Nam, Bắc thì hoàn toàn có quyền đứng chân trên mọi vùng đất của Tổ quốc mình để chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đó là chân lý không thể nào chối cãi được.
        
        Còn nhớ tại một cuộc họp với nhóm CP50, cơ quan chuyên trách theo dõi tình hình và giúp Bộ Chính trị chỉ đạo hai phái đoàn ta ở cuộc hội đàm Pa-ri, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã truyền đạt một ý kiến quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Quẩn: "Dứt khoát quân miền Bắc không rút đi đâu hết? Tuyệt đối không có vấn đề tập kết rút quân như hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954” (Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả - Mặt trận Dân tộc giải phóng – Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam - Nxb Chính trị quốc gia - Hà Nội - 2001.)
        
        Trong một bức điện của Bộ Chính trị gửi cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ ngày 9 tháng 12 năm 1972 có 5 ý kiến chỉ đạo, thì điều đầu tiên là: "Kiên quyết chống việc Mỹ đòi ghi vào hiệp định việc rút quân miền Bắc ra khỏi miền Nam

        Cảm ơn các anh các chị của hai Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã bền bỉ đấu tranh.trong suốt 4 năm trời, từ 29 tháng 1 năm 1969 đến 27 tháng 1 năm 1973, tại Thủ đô nước Pháp, trong suốt 174 phiên họp cực kỳ căng thẳng, để có được thắng lợi to lớn ngày hôm nay (Ngoài ra, còn có 24 cuộc họp kín ở cấp cao.).
        
        Một khi quân Mỹ rút hết, còn Quân Giải phóng vẫn ở lại miền Nam, so sánh lực lượng trên chiến trường sẽ thay đổi hết sức có lợi cho ta. Trước đây, ta ở thế 1 chọi 2, tức là cùng một lúc ta phải đương đầu với cả Mỹ lẫn ngụy. Bây giờ thế trận trở thành 1 chọi 1. Đứng trước quân đội và nhân dân cả nước ta, nay chỉ còn lại quân đội và chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ biết như thế, rất đau, nhưng chẳng có cách gì đảo ngược được thế cờ.
        
        "Quân đội Mỹ rút hết" được đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ, tướng Uây-en (F. Weyand) tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam làm lễ cuốn cờ và những người lính Mỹ cuối cùng bước lên máy bay, rời Gia Lâm và Tân Sơn Nhất ngày 29 tháng 3 năm 1973.  
        
        Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ có thế!
        
        Quân đội Mỹ buộc phải rút hết thực sự là việc chấm dứt hoàn toàn trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam sự có mặt của một đội quân khét tiếng tàn bạo của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đông hàng chục vạn tên, mà lúc cao nhất lên tới 536.000 tên (1968), chưa kể 69.000 quân nhân các nước phụ thuộc, với các sư đoàn bộ binh, kỵ binh bay, thủy quân lục chiến Mỹ và các sư đoàn, trung đoàn mang tên Mãnh Hổ, Rồng Xanh, Ngựa Trắng, Báo Đen, Hổ Mang. . . của Đại Hàn và Vương quốc Thái Lan (Gần đây, tạp chí Hàn Quốc Hankyoreh, qua hàng loạt phóng sự của nữ phóng viên Ku Su Jeong đã công bố những tội ác của binh lính Hàn Quốc trước đây ở Việt Nam, đồng thời cũng nói lên sự ân hận và tấm lòng hiện nay của nhiều cựu binh sĩ Hàn Quốc mong được nhân dân Việt Nam thông cảm và tha thứ.), với hình ảnh những đoàn xe tăng, xe bọc thép, những đàn máy bay trực thăng vũ trang, như những bầy dã thú điên loạn, ào ạt tràn vào các làng mạc miền Nam, thả sức càn quét, tàn phá, giết chóc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 04:21:17 pm »

        Trên vùng biển tổ quốc Việt Nam sẽ không còn Hạm đội 7 lởn vởn ngoài khơi, với những tàu sân bay hiện đại, căn cứ xuất phát của hàng trăm máy bay chiến thuật của Hải quân, với những đoàn tàu chiến Mỹ ngược xuôi ngang nhiên khống chế tàu thuyền ta, rải mìn, phong tỏa các cửa sông, bến cảng, hoặc thường xuyên nã pháo vào đất liền.
       
        Trên bầu trời của hài miền Nam Bắc sẽ không còn bóng dáng những "Thần Sấm", "Con Ma". . . cùng những pháo đài bay chiến lược khổng lồ ngày đêm trút bom đạn lên đầu nhân dân ta nữa.
       
        Và một khi đội quân "sát thủ" ấy cút hết, cách mạng Việt Nam vợi đi biết bao khó khăn gian khổ, giống như trút được một gánh nặng ngàn cân. Có thể đưa ra một thí dụ: Sau ngày ngừng bắn, ở trên đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh), không còn nữa những chiếc “Thần lực sĩ" (Hercules AC130) đêm đêm vòng lượn, đánh chặn đoàn xe ta trên các trọng điểm, cũng không còn nữa những đợt ném bom "rải thảm" rung chuyển núi rừng của lũ pháo đài bay B52, trong khi không quân ngụy không đủ sức vươn tới, đúng hơn là không dám bén mảng tới, bộ đội đường Trường Sơn đã tận dụng thời cơ, nhanh chóng phát triển, mở rộng hàng loạt hệ thống đường vận chuyển, giống như những đại lộ tiếp cận các chiến trường, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 giành toàn thắng.
       
        Tóm lại, việc "quân đội Mỹ rút hết" đã đưa đến cho nhân dân ta một thuận lợi cực kỳ to lớn.
       
        Còn việc "quân đội Bắc Việt vẫn ở lại miền Nam có ý nghĩa ra sao?
       
        "Quân đội Bắc Việt ở lại" cũng có nghĩa là bộ đội ta không phải làm cái chuyện "tập kết" như sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (Genève) năm 1954. Đặt giả thuyết: nếu trong chiến dịch cuối tháng 12 năm ấy ta thua Mỹ; pháo đài bay B52 Mỹ đè bẹp chúng ta; trên bàn thương lượng ở Pa-ri phái đoàn ta phải chấp nhận mọi điều thua thiệt, trong đó có điều khoản bộ đội ta ở miền Nam (lúc đó có gần 15 vạn cán bộ chiến sĩ) phải mang theo toàn bộ súng ống, đạn dược, xe tăng, pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe lớn xe nhỏ kéo nhau ra Bắc, thì tình hình sau đó ở miền Nam sẽ diễn biến ra sao?
       
        Tuy quân Mỹ rút hết, nhưng lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu đã được Mỹ tăng cường tới mức tối đa, với tổng quân số lên tới 1,1 triệu người, có đầy đủ các quân, binh chủng hiện đại, được trang bị vũ khí của Mỹ đến tận răng. Sử gia Ga-bri-en Côn-câu (Gabriel Kolko) đã nhận xét: "Quân đội Sài Gòn có tới 1.400 trọng pháo, 1.800 xe tăng, 1.400 máy bay các loại. Không quân của Thiệu được xếp vào hàng thứ tư thế giới về qui mô. Lực lượng máy bay lên thẳng của họ được đánh giá là một trong những phi đoàn có số lượng lớn nhất, đắt tiền nhất và hiện đại nhất thế giới (Gabiel Kolko: Anatomy of a war, Nxb Pantheon Book, New York, 1985).
       
        Đó là chưa kể hàng triệu tay súng bán vũ trang và một đội quân cảnh sát gồm 15 vạn người, với nhiều tên khét tiếng ác ôn, nằm trong một bộ máy kìm kẹp, đàn áp cực kỳ tàn bạo.
       
        Và nếu trong hoàn cảnh đó, cuộc chiến đấu gần như tay không của đồng bào ta ở miền Nam sẽ lâm vào tình thế bất lợi và sẽ gặp phải khó khăn to lớn biết nhường nào? Cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất của dân tộc ta sẽ còn phải kéo dài trong thời gian bao nhiêu lâu nữa?
       
        Mặc dầu trên đây chỉ là giả thuyết, như một phản đề trong biện luận, nhưng nó cũng giúp ta nhìn nhận được rõ hơn ý nghĩa đặc biệt của thắng lợi to lớn này.
       
        Cố vấn Lê Đức Thọ sau khi từ Pa-ri trở về, vừa xuống máy bay đã đến ngay một trận địa tên lửa thăm các chiến sĩ Sư đoàn Phòng không B61. Khi nghe Chính ủy Sư đoàn Trần Văn Giang phát biểu lời chúc mừng "vị lão tướng chiến thắng trên mặt trận Ngoại giao", ông Lê Đức Thọ liền xua tay nói: "Không! Không dám! Người chiến thắng chính là các đồng chí, những cán bộ chiến sĩ Phòng không - Không quân anh hùng. Không có "Chiến thắng B52 của các đồng chí làm sao có chiến thắng ở Hội nghị Pa-ri. Cảm ơn! Cảm ơn tất cả cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn Phòng không Hà Nội"
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM