Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:32:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ trên không  (Đọc 21169 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:32:09 pm »

         Ngay sau đó, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp dưới sự chủ trì của Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Hoàng Phương. Tư lệnh Lê Văn Tri nhận định? "Hoạt động của không quân địch giảm đột ngột là dấu hiệu không bình thường. Tổng hợp các nguồn tin trong ngày, chúng ta có thể khẳng định: Đêm nay địch sẽ đánh lớn vào Hà Nội. Có khả năng B52 sẽ đánh từ chập tối”.
       
        Cuối buổi họp ngắn gọn ấy, Bí thư Hoàng Phương kết luận, "Thường vụ Đảng ủy hoàn toàn nhất trí với nhận định của đồng chí Tư lệnh. Cuộc chiến đấu đêm nay sẽ rất quyết liệt. Phải động viên bộ đội kiên cường chiến đấu quyết tâm bắn rơi B52 Mỹ ngay từ trận đầu...".
       
        Trở về phòng Sở chỉ huy, Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích, gọi điện thông báo cho các sư đoàn, binh chủng nhận định của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, chỉ thị những việc phải làm. Sau đó, ông nhắc thêm trực chỉ huy Binh chủng Ra đa: "Bộ đội Ra-đa phải quản lý không phận thật chặt, quyết không để lọt mục tiêu, nhất là hướng tây bắc!".
       
        Thời điểm B52 tiến công Hà Nội như vậy đã được Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định rõ là; đêm nay, 18 tháng 12. Tình hình tối hôm ấy diễn biến như sau:
       
        - 18 giờ: sau một ngày hoàn toàn yên tĩnh, các đài ra-đa cảnh giới của ta bỗng đồng loạt thông báo có hiện tượng nhiễu với cường độ ngày càng tăng. Hiện tượng này dự báo cho biết sắp có một đợt hoạt động lớn của không quân địch.
       
        - 18 giờ 15 phút: tổng trạm ra-đa nhận được thông báo vượt cấp của đại đội 37: có những tốp F111 xuất hiện trên vùng trời phía bắc Sầm Nưa.
       
        - 18 giờ 30 phút: từ hai hướng tây bắc và đông bắc Bắc bộ bắt đầu có nhiễu ngoài đội hình của máy bay EB66.
       
        - 18 giờ 50 phút: bộ đội phòng không – không quân được lệnh chuyển vào cấp một, cấp sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
       
        Tại Sở chỉ huy Quân chủng, Tư lệnh Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương, các Phó tư lệnh Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Quang Bích, cùng kíp trực ban gồm: Tham mưu phó Vũ Xuân Vinh, Trưởng phòng Tác chiến Lê Thanh Cảnh, Trưởng phòng Quân báo Lê Tư, Trưởng phòng Thông tin Nguyễn Tân, Trưởng phòng Cao xạ Đinh Nhẫn, Trực ban khí tượng Đoàn Văn Quảng, Trực ban trưởng Sở chỉ huy Nguyễn Bắc, cùng tất cả sĩ quan trực ban của các cục Chính trị, Kỹ thuật, Hậu cần đều có mặt đầy đủ
       
        Tại Sở chỉ huy Binh chủng Không quân, Tư lệnh Đào Đình Luyện, Phó Tư lệnh Trần Mạnh, và ở Sở chỉ huy Binh chủng Ra đa, Tư lệnh Bùi Đình Cường, Tham mưu phó Hứa Mạnh Tài cũng đều sẵn sàng ở vị trí chỉ huy.
       
        - 19 giờ: Đại đội 16 ra-đa phát hiện có nhiễu B52. Kíp trắc thủ đã kịp thời thông báo những tọa độ đầu tiên của kẻ thù khi nó đang bay lên phía Thượng Lào (Chú thích: Những tốp B52 từ Gu-am, khi đến đông nam Đà Nẵng được hệ thống dẫn đường LORAN đặt ở bán đảo Sơn Trà hướng dẫn bay tiếp sang vùng trời nước Lào để vào Bắc Việt Nam.).
       
        Vài phút sau, từ Sở chỉ huy quân chủng, tín hiệu "333”, tín hiệu báo động B52 cho toàn thể lực lượng Phòng không - Không quân, được bàn tay các báo vụ viên phát đi trên làn sóng điện.
       
        - 19 giờ 15 phút: ở Đại đội 45 ra-đa, bằng một sự khẳng định hết sức dũng cảm, dứt khoát và đầy trách nhiệm, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo cáo với Đại đội trưởng phán đoán của mình: "B52 đang bay vào Hà Nội" (Chú thích: Nhớ lại trưa ngày 16-4-1972, ra-đa ta hoang báo: "B52 bay vào Hà Nội", một sai lầm tai hại, khiến bộ đội ra-đa từ đó hết sức lo lắng, đắn đo mỗi lần thông báo về B52.). Nhận được thông báo của Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, Trung đoàn trưởng Trung đoàn H91 ra-đa Đỗ Văn Năm, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, đã nhanh chóng báo cáo về Trung tâm tin tức cực kỳ hệ trọng đó. Với sự cẩn trọng cao nhất, Tham mưu phó Binh chủng Ra-đa Hứa Mạnh Tài lập tức liên lạc thẳng với Đại đội 45, trực tiếp hỏi lại Đài trưởng Nghiêm Đình Tích. Sau khi bảo đảm chắc chắn rằng B52 đang bay vào Hà Nội, Tham mưu phó Hứa Mạnh Tài liền báo cáo lên Bộ Tư lệnh Quân chủng. Quân chủng báo cáo lên Tổng hành dinh. Cục Tác chiến phát lệnh báo động cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
       
        Ở trên độ cao hơn 3 vạn phút (Chú thích: Phút (foot): đơn vị đo chiều dài của Anh, Mỹ. Một phút bằng 0,3048 mét. Ba vạn phút bằng 9.144 mét.) hàng đàn pháo đài bay B52 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, như những bầy thú dữ, xé màn đêm bay vào Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:46:29 pm »

         Tại Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không B61, trực chỉ huy Nguyễn Đình Sơn giao nhiệm vụ chiến đấu cho từng đơn vị. Các trung đoàn trưởng tên lửa, cao xạ đã nhận đủ mệnh lệnh của sư đoàn. Tất cả những bệ phóng, những nòng pháo đang quay về hướng địch.
       
        Giống như một chiếc bẫy đã gài, một dây cung đang chờ bật, quân dân toàn miền Bắc đã sẵn sàng. Cán bộ chiến sĩ toàn Quân chủng Phòng không – Không quân đã sẵn sàng!
       
        19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78, thuộc Trung đoàn H57, do Nguyễn Chấn làm Tiểu đoàn trưởng, rời bệ phóng, mở đầu cuộc "nghênh tiếp dữ dội" (violent welcome) trên bầu trời Thủ đô "Thăng Long". Hàng loạt những "con rồng lửa" tiếp theo của các tiểu đoàn 57, 59, 73, 94 bay vút lên trời, cùng những chiếc MIG 21, trước đó đã rời đường băng, lao vào đội hình pháo đài bay giặc.
       
        Đó là câu trả lời đanh thép của quân dân ta giáng trả hành động tráo trở, tàn bạo của Mỹ, là bức thông điệp viết bằng ý chí bất khuất của nhân dân ta đáp lại bức công hàm láo xược kiểu "tối hậu thư (ultimatum) của Chính phủ Hoa Kỳ gửi Chính phủ ta chiều 18 tháng 12 (Chú thích: Bức công hàm được trao cho ông Võ Văn Sung, Tổng đại diện Chính phủ ta tại Pháp. Nội dung đặt điều kiện: "Nếu Bắc Việt Nam không chịu đàm phán nghiêm chỉnh, thì trong vòng 72 giờ nữa, Mỹ sẽ ném bom trở lại bắc vĩ tuyến 20".). Nó thể hiện khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam quyết không chịu đầu hàng trước bất cứ kẻ thù hung bạo nào.
       
        - 20 giờ 13 phút, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thăng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59, thuộc Trung đoàn H61, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận đã ấn nút phóng đưa quả đạn tên lửa mang số hiệu C202A vạch trời đêm, lao trúng đích, hạ tại chỗ chiếc B52G, xuất phát từ căn cứ Gu-am, rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay thuộc huyện Sóc Sơn - Hà Nội). Đây là chiếc B52 bị hạ tại chỗ đầu tiên trên đất nước ta, cũng là chiếc B52 bị bắn rơi và rơi tại chỗ đầu tiên của chiến dịch, là chiến công đầu xuất sắc của quân dân Thủ đô (Chú thích: Trên thế giới cho đến nay, ngoài Việt Nam chưa có nước nào hạ được B52 của Mỹ.).
       
        Đêm hôm ấy, quân dân ta lập chiến công vang dội, bắn rơi 3 pháo đài bay Mỹ (Chú thích: Theo tin UPL (Mỹ) và BBC (Anh) phát lúc 6 giờ 30 phút sáng 19 tháng 12, ngoài 2 chiếc B52 rơi tại chỗ, còn 1 chiếc bị thương nặng về rơi ở biên giới Thái - Lào.).
       
        Nhà Trắng và Lầu Năm Góc sững sờ, choáng váng. Quân dân miền Bắc đã hoàn toàn giành thế chủ động. Hà Nội của chúng ta đã không bị bất ngờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:49:56 pm »

       
        Câu hỏi 12: B52 vào đánh Hà Nội, Hải Phòng từ hướng nào tới là ý đồ bí mật của Bộ chỉ huy Mỹ. Làm sao ta phán đoán đúng hướng tiến công của chúng để từ đó bố trí đội hình chiến đấu thích hợp
       
        Đáp: Trong cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, rõ ràng không quân Mỹ ở thế chủ động tiến công, còn ta thì ở thế phòng thủ thụ dộng. Chúng ta không biết trước được kế hoạch của địch sẽ đánh mục tiêu nào, vào giờ nào, từ hướng nào tới? Hơn nữa, có người còn cho rằng cả bốn phương tám hướng trên trời, máy bay địch có thể bay đến bất kể từ hướng nào cũng được.
       
        Thực ra không phải hoàn toàn như thế. Mặc dầu không quân địch chủ động đánh ta, nhưng trong thế chủ động của nó bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố bị động bên trong. Nếu ta không thụ động bó tay và biết khai thác, lợi dụng những chỗ yếu ấy, chắc chắn sẽ tìm ra được cách chống lại.
       
        Trải qua những năm tháng chiến đấu với không quân Mỹ, chúng ta thấy rằng trước mỗi trận đánh, bao giờ địch cũng cho máy bay vào trinh sát, như trinh sát mục tiêu tiến công, tìm hiểu sự bày binh bố trận của đối phương, nghiên cứu hướng đột nhập, thăm dò khí tượng...Phân tích những đường bay của máy bay trinh sát, chúng ta có thể sơ bộ phán đoán được hướng bay vào của đợt tập kích sắp tới. Đương nhiên là ta vẫn phải cảnh giác với thủ đoạn nghi binh đánh lừa của chúng.
       
        Thêm nữa, dù bay ở trên trời không có vật gì cản trở, nhưng không quân địch vẫn phải dựa vào địa hình, địa vật bên dưới, như một dãy núi, một ngã ba sông...là những địa vật mà sóng phản xạ của ra-đa quan sát địa hình trên máy bay dễ phân biệt nhất, đề làm điểm kiểm tra.
       
        Từ đó, chúng ta đã phán đoán được các hướng tiến công chủ yếu của B52 đối với Hà Nội và đối với Hải Phòng.

        Thực tế diễn ra trong 12 ngày đêm cho thấy sự phán đoán của Quân chủng Phòng không - Không quân đã đạt mức độ chính xác rất cao.
       
        Không quân chiến lược Mỹ đã bị thua đau trước hỏa lực tập trung và đúng hướng của bộ đội Phòng không - Không quân ta. Nếu chúng ta phán đoán sai, khiến cho việc bày binh bố trận không hợp lý thì chắc chắn không thể đạt được chiến công to lớn như thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 09:28:06 am »

       
        Câu hỏi 13: Điều gì quyết định nhất buộc tổng thống Mỹ Ních-xơn phải chịu thua trong chiến dịch ném bom Hà Nội
       
        Đáp: Để trả lời chính xác câu hỏi nêu trên, thiết nghĩ nên đưa ra lời tự thú của chính Tổng thống Ních-xơn viết trong cuốn hồi ký của ông ta: "Nỗi lo sợ của tôi trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối và phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là ở mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”.
       
        Khi cho tiến hành cuộc "hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II”, Ních-xơn tin tưởng một cách chắc chắn rằng bầy quái vật của ông sẽ nuốt chửng Hà Nội. Ngay một số báo chí Mỹ, lúc cuộc tiến công mới bắt đầu cũng đã vội vã tung tin và phác họa nên một bức tranh hãi hùng: "Hà Nội sẽ là một khu vực chết", "Những ai may mắn còn lại sau trận bom hủy diệt thì đó là những kẻ sống sót (survivor)". Họ còn lên tiếng hăm dọa: "Những nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ phải đứng trước một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ chiến bại", "Hà Nội sẽ không còn cách lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ".
       
        Thế nhưng, chiến dịch ném bom tàn bạo do Ních-xơn phát động đã phải trả giá với con số tổn thất về B52 ngoài sức tưởng tượng của ông ta: 34 máy bay chiến lược đã bị bắn rơi trên tổng số 193 chiếc được huy động, cùng 47 máy bay chiến thuật bị hạ.
       
        Nhà Trắng và Lầu Năm Góc nhiều phen chết lặng đi vì khủng khiếp trước con số máy bay bị bắn rơi quá nhiều. Nhưng tình hình lại càng tồi tệ hơn đối với Mỹ, bởi lẽ ngoài những chiếc B52 có đi không về, còn bao nhiêu chiếc nữa bị thương nặng phải nằm liệt nhiều ngày để sửa chữa, thậm chí có những chiếc không thể phục hồi (Chú thích: Theo Đơ-rên-cao-xki (Drenkowski) viết trong tạp chí "Không quân Mỹ" số 7-1987: Có 9 B52 về được U-ta-pao nhưng do hỏng nặng, cả 9 chiếc không còn bay được nữa.). Nền công nghiệp quân sự Hoa Kỳ, dù mạnh đến đâu cũng không sao sản xuất kịp để bù lại nổi trong thời gian ngắn.
       
        Ngoài ra, đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn chịu thêm tổn thất về người lái. Trong quân đội, người lái máy bay được coi là sinh lực cao cấp. Để đào tạo được một phi công, đặc biệt là phi công máy bay chiến lược B52, phi công F111, loại lính "con cưng", phải tốn khá nhiều năm tháng và bạc tiền. Chỉ hơn 10 ngày, không quân Hoa Kỳ đã có nhiều phi công bị bắt, chết và mất tích. Mỗi phi hành đoàn có 6 người. 1 B52 rơi là có 6 phi công phải nhảy dù hoặc chết theo máy bay.
       
        Thêm nữa, phần lớn những phi công bị chết và bị bắt ấy, đều là những phi công thuộc loại kỳ cựu, có giờ bay rất cao, có tên có hơn 6.000 giờ bay, la cái vốn hết sức quý của Mỹ. Các trường huấn luyện của không lực Hoa Kỳ dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nào nặn ra đủ số phi công để bổ sung cho kịp.
       
        Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng một vài phần trăm. Thế mà trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng trong những đêm cuối năm 1972, tỷ lệ tổn thất về máy bay chiến lược Mỹ lên tới trên 17 phần trăm, một tỷ lệ có thể nói là khủng khiếp. Tổng thống Ních-xơn đã phải chịu thua và bỏ cuộc, phải gửi công hàm cho Chính phủ ta không phải với cái giọng trịch thượng, láo xược kiểu tối hậu thư như lần trước - mà với lời lẽ ôn hòa, đề nghị nối lại cuộc thương lượng ở Pa-ri, để cuối cùng phải chấp nhận những nhượng bộ cực kỳ cay đấng.
       
        Có người nói sở dĩ Ních-xơn chịu ngừng ném bom và ký hiệp định với những điều khoản có lợi cho Việt Nam chính là do phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ. Xin trả lời: Không hẳn là như vậy?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 09:33:49 am »

        Vô cùng biết ơn sự đóng góp to lớn của bè bạn bốn biển năm châu trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ đã hết lòng ủng hộ nhân dân ta, bằng những cuộc xuống đường rầm rộ, những cuộc hội thảo và lên án gay gắt, bằng phong trào đốt thẻ quân dịch, trả thẻ quân dịch, từ chối đi lính sang Việt Nam, diễn ra ở hầu khắp các thành phố, các trường đại học và cao đẳng Mỹ (Chú thích: Trong đó có Clintơn (W.J Clinton) sinh viên khoa Luật trường Đại học Iân (Yale), về sau là Tổng thống Hoa Kỳ.).
       
        Người dân Mỹ không muốn con em họ tiếp tục chết, không muốn phải nai lưng đóng góp cho cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam nhiều hơn nữa.
       
        No-mơn Mo-ri-xơn (Norman Morrison), theo đạo Quây cơ (Quaker), người con dũng cảm của nước Mỹ văn minh, ngày 2 tháng 11 năm 1965 tự thiêu mình trước Lầu Năm Góc để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, đã trở thành bất tử trong trái tim nhân dân Việt Nam (Chú thích: Còn có 15 công dân Mỹ khác tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như cụ bà Hen-ga Héc-dơ (Helga Alice Hertz) tự thiêu ở Detroit, anh Rô giơ La Poóctơ (Roger Laporte) tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, Chị Xilin Grancoxki...).
       
        Cám ơn mục sư Lu-thơ Kinh (Martin Luther King) (Chú thích: Lu-thơ Kinh đã bị kẻ thù ám hại.) nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng thế giới, người đứng hàng đầu trong phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
        Cám ơn ông Oan-tơ Líp-men (Walter Lippmann), nhà bình luận chính trị kỳ cựu Mỹ, đã mạnh mẽ phê phán: "Cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh mất lòng dân nhất trong lịch sử. Nó đã khiến cho lương tâm người Mỹ nổi giận".
       
        Chúng ta cũng rất biết ơn những phóng viên quả cảm như Đê-vít Hen-bớc-xtem (David Halberstam), Pi-tơ Ác nét (Peter Arnett), Xten-li Các-nâu (Stanley Karnou)), Nây Si-hen (Neil Sheehan )... từ chiến trường Việt Nam trở về đã viết những bài báo nóng bỏng tính thời sự, chân thực, tố cáo với nhân dân Mỹ và cả thế giới về cuộc chiến tranh ích kỷ, tàn bạo do nhà cầm quyền Mỹ gây ra ở Việt Nam.
       
        Cám ơn ông Đây-ni-en En-bớc (Daniel Ellsberg), một học giả nổi tiếng, với quyết định sáng suốt và táo bạo, đã "đánh cắp" bộ "Tài liệu mật của Lầu Năm Góc" (The Pentagon Papers) dày 7.000 trang và tung lên trên tờ "Nữu ước thời báo" (New York Times) để thông báo cho đồng bào ông và nhân dân thế giới thấy rõ bản chất phi đạo lý và triển vọng không lối thoát của cuộc chiến tranh này.
       
        Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên hình ảnh vô cùng xúc động của 34 chị em phụ nữ Mỹ đã tự trói mình, ngồi suốt một ngày 13 tháng 4 năm 1971 trước Nhà Trắng, cùng hình ảnh sôi động của một triệu người dân thủ đô Oa-sinh-tơn rầm rộ xuống đường ngày 2 tháng 5 năm ấy, thét vang những khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền Ních-xơn kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
       
        Cám ơn tất cả các bạn sinh viên, thanh niên, phụ nữ, các ngài dân biểu, thượng nghị sĩ, các nhà báo, nhà văn, nhà luật học thuộc nhiều chính kiến, nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau trên đất nước Mỹ và trên khắp quả địa cầu đã góp phần thức tỉnh nhân dân Mỹ và phần lớn nhân loại, góp phần hạn chế hành động đẩy mạnh chiến tranh của chính phủ Hoa Kỳ.

        Tuy nhiên, yếu tố quyết định dập tắt cuồng vọng xâm lược trong những cái đầu "diều hâu" ở Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và trong Quốc hội Mỹ lại được định đoạt từ phía nhân dân ta, ngay trên chiến trường Việt Nam, từ chiến thắng oanh liệt Tết Mậu Thân năm 1968, đến các chiến thắng to lớn ở Đường 9 Nam Lào năm 1971, ở Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và cuối cùng là chiến thắng lẫy lừng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.
       
        Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 22 tháng 12 năm 1972, khi đến thăm Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã nói: "Đế quốc Mỹ dùng con bài B52 để ép ta, hòng bắt chúng ta phải khuất phục. Nhưng, các đồng chí đã dạy cho chúng một bài học đích đáng. Giờ đây chúng ta đang ép lại chúng nó. Chiến công của các đồng chí quý lắm! Có giá trị lắm!". Bác Đồng đã đặt một nụ hôn nồng ấm lên vầng trán đáng yêu của một nữ chiến sĩ thông tin, dường như qua đó gửi gắm tình cảm thân thiết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đến với bộ đội phòng không - không quân anh hùng.
       
        Nửa đêm 29 tháng 12, mặc cho Bộ Tư lệnh Không quân chiến thuật đề nghị xin thêm thời gian để tiến hành phi vụ cuối cùng giải cứu mấy tên phi công Mỹ đang đánh tín hiệu cấp cứu giữa rừng già Tây Bắc, nhưng Ních-xơn vẫn ra lệnh chấm dứt cuộc oanh kích và hôm sau, lúc 7 giờ 30 phút sáng, ông ta tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. "Một bước thụt lùi thảm hại" như báo chí phương Tây nhận xét, nấc thang cuối cùng dẫn tới việc Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc Việt Nam ngày 15 tháng 1 năm 1973, trước khi gục đầu chịu thua trên bàn thương lượng ở thủ đô nước Cộng hòa Pháp ngày 27 tháng 3 năm 1973.
       
        Rõ ràng con số tổn thất quá lớn về máy bay chiến lược B52 là lý do chính khiến người cầm đầu nước Mỹ phải chấp nhận thất bại. Sau đó là vụ Oa-tơ-ghết (Watergate) bẩn thỉu - đặt máy nghe lén điện thoại - như một đòn bồi tiếp chí mạng đã đưa Ních-xơn xuống "nấm mồ chính trị". Số phận hẩm hiu đã dành cho "bạo chúa" Ních-xơn bước đường cùng bi thảm nhất. Một ngôi sao sáng tắt ngỏm trên bầu trời nước Mỹ (Chú thích: sau khi về hưu, Ních-xơn đã sống trong chuỗi ngày nhục nhã và chết trong sự rẻ rúng, khinh miệt của người đời.) để lại một di sản xấu xa nhất trong lịch sử 200 năm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 09:40:38 am »

   
        Câu hỏi 14: Để đạt được chiến công tuyệt vời nói trên, có chăng một quyết tâm về "chỉ tiêu bắn rơi B52" ngay từ đầu trong kế hoạch tác chiến của ta? Kết quả thực hiện "chỉ tiêu" như thế nào
       
        Đáp: a) Chỉ tiêu về tỉ lệ bắn rơi B52:
       
        Thực tế là cho đến đầu năm 1972, trong những phương án đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không - Không quân, tuy đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày, nhưng chưa có điểm nào nói đến chỉ tiêu về tỷ lệ bắn rơi B52 chung cuộc.
       
        Người phát hiện ra thiếu sót đó lại chính là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trong những ngày Đại tướng trực tiếp làm việc với Trường phòng Tác chiến Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Thanh Cảnh (Chú thích: Đồng chí Lê Thanh Cảnh, người trực tiếp dự thảo bản kế hoạch đánh B52 của Quân chủng Phòng không - Không quân.), tại Đồ Sơn, giữa tháng 5 năm 1972. Một hôm, lúc đang nghe Lê Thanh Cảnh báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị đánh B52 của Quân chủng, đột nhiên Đại tướng hỏi; "Cậu cho mình biết tỉ lệ B52 bị bắn rơi: mức độ nào thì Mỹ chịu đựng được và tiếp tục cuộc ném bom, mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển; mức độ nào khiến Mỹ không chịu nổi, phải thua?”
       
        Lúc đó Lê Thanh Cảnh không thể trả lời. Trong cuốn hồi ký của anh về sau có đoạn ghi: "Khi nghe Đại tướng hỏi câu ấy, tôi như bị lạc vào chốn rừng sâu, bởi vì đó là điều mà tôi chưa hề nghĩ tới bao giờ".
       
        Phải mất hàng tuần lễ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tham mưu trưởng Quân chủng phụ trách tên lửa Vũ Xuân Vinh, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (Chú thích: Do Xô-kô-lốp chuyên gia bên cạnh Tham mưu trưởng Quân chủng Phòngkhông - Không quân chỉ đạo.), vật lộn với biết bao công thức toán học phức tạp cơ quan tác chiến Quân chủng đã tìm ra được 3 đáp số:
       
        - N1: (tỷ lệ mà Mỹ chịu được) bằng 1 đến 2 phần trăm.
       
        - N2: (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển) bằng 6 đến 7 phần trăm.
       
        - N3: (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) bằng trên 10 phần trăm.
       
        Hôm sau, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri mang kết quả lên báo cáo với Tổng tư lệnh. Đại tướng hỏi:
       
        - Vậy Quân chủng nhận con số nào? Dường như đã dự kiến trước, Tư lệnh Lê Văn Tri thưa:
       
        - Báo cáo Đại tướng, bằng mọi cách chúng tôi phải loại trừ N1, quyết tâm phấn đấu đạt N2 và vươn tới N3.
       
        Hoan nghênh quyết tâm của Bộ Tư lệnh Quân chủng! Sau lời khích lệ, động viên, Đại tướng chỉ thị:
       
        Để thực hiện chỉ tiêu mong muốn, Quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, để dựa vào đó mà hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo (Chú thích:Những tư liệu trên đây rút từ sổ tay ghi chép của Đại tá Lê Thanh Cảnh, nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân chủng Phòng không - Không quân.).
       
        Chấp hành chỉ thị của Tổng Tư lệnh và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không - không quân đã dồn mọi cố gắng, chạy đua với địch, chạy đua với thời gian và đã sớm hoàn thành mọi việc trước khi trận đánh bắt đầu (Chú thích:Được biết, trước đó Bộ Tổng Tham mưu cũng đã có "Phương án đánh B52" với tầm rộng lớn hơn, để chỉ đạo quân dân toàn miền Bắc)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 09:44:08 am »

       
        b) Kết quả thực hiện "chỉ tiêu bắn rơi B52" trong chiến dịch 12 ngày đêm:
       
        Nhiều nhà nghiên cứu đã coi đây là một kết quả hết sức đáng ngạc nhiên:
       
        Ngay đêm đầu tiên (18 tháng 12) với chiến công bắn rơi 3 B52, chúng ta đã đạt tỉ lệ 3/193 (Chú thích:3/193: Tử số là số B52 rơi. Mẫu số là tổng số B52 được huy động trong chiến dịch 12 ngày đêm) tức 1,1%.
       
        Sang đêm thứ hai (19 tháng 12), 2 B52 bị hạ, cộng cả 2 đêm là 5 chiếc, đạt tỉ lệ 5/193, tức 2,6% (có nghĩa là chúng ta đã loại trừ N1).
       
        Đêm thứ ba (20 tháng 12) 7 B52 bị bắn rơi (Chú thích:Đêm 20-12, Hà Nội phóng 35 đạn tên lửa, diệt 7 B52, đạt xác suất cao: "5viên đạn, 1 quân thù". Đêm 21 tháng 12, 24 B52 đánh Hà Nội, tên lửa hạ 3 chiếc, đạt hiệu suất kỷ lục: 3/24 tức 12,5%). Cộng 3 đêm là 12 chiếc, đạt tỉ lệ 12/193, tức 6,2%. Mới 3 đêm chúng ta đã "đạt N2".
       
        Từ căn cứ Óp-phớt (Offut) bên kia Thái Bình Dương, tướng Giôn Ma-yơ (John Meyer) Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ, cuống lên vì B52 rơi quá nhiều đã gọi điện sang Thái Lan cho tướng Vốt (John Vogt) chỉ huy lực lượng hợp nhất của hai căn cứ Gu-am và U-ta-pao, thúc giục: "Trời ơi! Phải làm một cái gì đó để chấm dứt tình trạng này đi chứ?" (Chú thích:Jerrold L.Schecter và Nguyễn Tiến Hưng: Từ Tòa Bạch ốc đến Dinh Độc Lập, Nxb Trẻ, Tp.Hồ Chí Minh, 1995.).
       
        Chắc chắn giờ đây "Nhà Trắng đang rung chuyển".
       
        Đêm thứ chín (26 tháng 12), 8 B52 bị hạ, nâng tổng số lên 26 chiếc, đạt tỉ lệ 26/193 tức 13,5%. Thế là chúng ta đã "vượt N3".
       
        Đến đêm cuối cùng (29 tháng 12), tổng số B52 bị hạ lên tới 34 chiếc, đạt tỉ lệ 34/193, tức 17,6%. Chỉ tiêu N3 bị bỏ xa.
        Nửa đêm hôm ấy Ních-xơn chấp nhận thua cuộc và ra lệnh chấm dứt cuộc hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II.
       
        Như vậy là bằng sự nỗ lực phi thường, quân dân miền Bắc, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không -Không quân, đã liên tiếp lập công, liên tiếp phấn đấu đạt và vượt mức chỉ tiêu. Số lượng B52 bị bắn rơi tăng lên vùn vụt, một sự gia tăng đáng sợ về tốc độ tiêu diệt máy bay chiến lược, khiến báo chí Mỹ và phương Tây phải kêu lên:
       
        - "Những pháo đài bay Mỹ giống như những giàn hỏa thiêu, cháy sáng rực trời Hà Nội" (báo Sao và Sọc (Stars and Stripes) - Mỹ).
       
        - "Với tốc độ này, chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ không còn B52 ở Đông Nam Á để tiếp tục cuộc chiến đấu”, (báo Lực lượng vũ trang (Armed Forces) - Mỹ).
       
        - "Với mức độ thiệt hại như vừa qua thì chẳng cần là một thiên tài toán học cũng thấy ngay rằng: rút cuộc Mỹ sẽ mất hết B52". (báo Tuần tin tức - Mỹ).
       
        - Hãng Roi-tơ (Reuters) Anh, ngay ngày 29 đã đưa tin: "Các nhà quan sát quân sự ở Oa-sinh-tơn ước tính rằng với mức độ 33 chiếc bị hạ trong vòng 10 ngày qua, thì chỉ 3 tháng nữa, B52 Mỹ sẽ bị tuyệt chủng.
       
        Tiến sĩ Ga-bri-en Kôn-câu (Gabriel Kolko), trong cuốn "Giải phẫu một cuộc chiến tranh" (Chú thích:Gabriel Kolko: Anatomy of a war, Nxb Pantheon Books. New York, 1985) viết: "Mỹ chính thức thừa nhận 15 B52 bị bắn rơi, nhưng một số nhân vật của Lầu Năm Góc lại thừa nhận không chính thức rằng tổng số B52 bị mất là gần bằng con số của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra. Ngay cả với con số mà Mỹ công bố thì tỉ lệ tổn thất về B52 gần 10% trong 10 ngày cũng đã là một con số quá cao, không thể nào chấp nhận được".
       
        Có người nói: những con số của Mỹ công bố bao giờ cũng chính xác cơ mà. Tôi cho đó là một ý kiến chủ quan. Trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, số lượng "Cộng quân" bị quân Mỹ và quân đồng minh tiêu diệt thường được tính bằng phương pháp "đếm xác" từ trên máy bay lên thẳng hoặc bằng cách đếm những vành tai người mà các lính Mỹ hoặc các chiến hữu của họ cắt được ở những người dân Việt Nam bị chúng giết. Việc đó đã từng làm cho thế giới ghê tởm và nghi ngờ về độ chính xác của những con số do người Mỹ đưa ra.
       
        Trong cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam và trên "đường mòn Hồ Chí Minh", phía Mỹ cũng đã từng thổi phồng chiến tích của các phi công về số lần mục tiêu bị bom Mỹ phá hủy. Có mục tiêu bị đánh đi đánh lại nhiều lần. Mỗi lần như vậy đều được máy bay trinh sát chụp ảnh và được tính là thành tích, kể cả những mục tiêu là trận địa pháo giả, tên lửa giả, ra-đa giả, xe vận tải giả, kho tàng giả... Mặt khác Mỹ lại tìm cách giảm bớt con số thiệt hại của không quân họ một cách quá lộ liễu, khiến ngay người Mỹ cũng phải nghi ngờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 09:51:44 am »

        Giôn Van Đây-cơ (John M.Van Dayke) trong cuốn "Chiến lược vì sự sống còn của Bắc Việt" đã vạch trần thủ đoạn đó như sau: "Để đỡ mất uy tín, khi công bố, Mỹ đã cố tình giảm thiểu số máy bay rơi do bị vũ khí phòng không Bắc Việt bắn hạ, đồng thời gia tăng số lượng máy bay rơi bởi tai nạn và vì những lý do khác. Từ đó, người ta buộc phải đặt dấu hỏi là tại sao máy bay Mỹ lại kém an toàn và được quản lý tồi đến thế" (Chú thích:John M.Van Dayke: Norrh Vietnams Strategy for Survival, Pacific Books, California. 1972.).
       
        Trong chiến dịch 12 ngày đêm, như ông Kôn-câu đã dẫn chứng ở trên thì con số máy bay Mỹ bị bắn rơi do phía ta (Việt Nam Dân chủ cộng hòa) đưa ra, gồm 34 B52, với 47 máy bay chiến thuật, rõ ràng là những số liệu đáng tin cậy. Và đó mới thực sự là những con số kinh hoàng, làm đảo lộn mọi toan tính ngông cuồng của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, khiến cho Tổng thống Mỹ Ních-xơn không có con đường nào khác là phải chịu thua.
       
        Nhân đây xin nói rõ thêm về trận "đo ván" đêm 26 tháng 12: Bị tổn thất nặng nề trong đợt một, sau đêm Nô-en, Mỹ quyết tâm dốc sức tối đa vào cuộc chiến.
       
        Sau 36 giờ lấy cớ nghỉ Nô-en để chấn chỉnh lực lượng, Ních-xơn và các tướng lĩnh Lầu Năm Góc quyết định ra một đòn sấm sét, tập trung lực lượng, đánh thật mạnh, thật nhanh, đánh ào ạt từ nhiều hướng, vào nhiều mục tiêu trong một thời gian ngắn, hòng buộc Hà Nội phải "đo ván". Họ coi đây là một trận "cứu nguy”
       
        Báo "Sao và Sọc" của Mỹ bình luận: "chưa bao giờ có nhiều tấn bom như vậy được ném xuống một khu vực nhỏ hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn như thế”.
       
        Báo "Không lực Hoa Kỳ (US Air Forces) dẫn lời một viên tướng Mỹ: "Chỉ trong vòng 15 phút, với 113 máy bay B52 và 220 máy bay chiến thuật (Chú thích:Con số của ta: đêm 26-12, Mỹ tung ra cùng một lúc 105 pháo đài bay, trong đó có 66 chiếc đánh Hà Nội, 21 chiếc đánh Thái Nguyên, 18 chiếc đánh Hải Phòng.), không quân Mỹ đã thực hiện một cuộc oanh tạc tập trung nhất trong lịch sử .
       
        Nhớ lại thời điểm cuối đại chiến thế giới lần thứ hai, ngày 24 tháng 5 năm 1945, Mỹ đã huy động 520 máy bay chiến lược B29 và ngày 2 tháng 8 huy động tới 855 chiếc B29 để hủy diệt Tô-ki-ô, thủ đô Nhật Bản. Tuy số lượng pháo đài bay Mỹ tiến công Tô-ki-ô rất lớn, nhưng thời gian kéo dài cả ngày đêm. Còn ở Hà Nội, Hải Phòng, số lượng máy bay chỉ có 113 chiếc B52 và 220 máy bay chiến thuật, nhưng trận oanh kích chỉ diễn ra trong 15 phút (thực tế là gần 1 giờ đồng hồ). Do đó việc coi đây là trận oanh tạc tập trung nhất trong lịch sử, như viên tướng Mỹ nói, là một nhận xét đúng sự thật.
       
        Đêm ấy, Mỹ muốn đánh gục Hà Nội bằng cố gắng cao nhất. Nhưng thật đắng cay cho Mỹ, đó lại là đêm Mỹ thua đau nhất: 8 B52 bị bắn hạ, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ (Chú thích:Riêng Hà Nội bắn rơi 5 B52 (4 chiếc rơi tại chỗ đều là chiến công của tên lửa Hà Nội).). Đây là trận đánh mang tính quyết định, có giá trị như một cú "nốc ao" khiến cho chàng lực sĩ Hoa Kỳ khó lòng gượng dậy, để đến đêm 29 tháng 12 thì gục hẳn. Số phận cuộc hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II thực sự đã được định đoạt từ đêm 26 tháng 12 này.
       
        Có người hỏi tại sao Ních-xơn không đưa B52 từ những nơi khác đến để tiếp tục cuộc ném bom? Xin thưa:
       
        Ních xơn thừa hiểu ngoài Đông Nam Á, không quân Hoa Kỳ còn có 200 chiếc B52 nữa đang nằm tại các sân bay ở Mỹ và châu Âu, ông ta muốn điều lực lượng B52 từ những nơi đó đến Việt Nam lắm. Nhưng rõ ràng đây là một việc làm bất khả thi, vì chiến lược toàn cầu của Mỹ không cho phép. Như phần trên đã nói, B52 là một trong bộ ba vũ khí chiến lược của đế quốc Mỹ. Rút B52 từ Mỹ và châu Âu sang Đông Nam Á thì có khác gì Mỹ tự rút ruột mình, tạo thành một lỗ hổng trong cán cân chiến lược toàn cầu hết sức nguy hiểm. Do đó Ních-xơn đã không dám làm, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân (Chú thích:Đã có lúc vào ngày 21 tháng 4 năm 1972, Ních-xơn đã đặt vấn đề "sử dụng bom hạt nhân” ném xuống Hà Nội. Nhưng sau đó Ních-xơn phải từ bỏ mưu toan điên rồ ấy.) và cuối cùng đành phải quyết định chấm dứt ném bom (Chú thích:Về phía ta, sau đêm 26-12, hàng trăm quả đạn tên lửa từ Quân khu 4 đã được đưa ra tăng cường cho Hà Nội. Đến đêm 28 số lượng đạn SAM2 có thể nói là ở mức dồi dào).
       
        Không phải bỗng nhiên mà Cơn-oen, Tham mưu trưởng Không lực Mỹ đưa ra lời thú nhận: "Lực lượng phòng không của Bắc Việt là lực lượng đáng sợ nhất và hoàn chỉnh nhất mà phi công Mỹ chưa bao giờ gặp phải".
       
        Báo Phơ-răng Phuốc (Frank Furt ) của Cộng hòa Liên bang Đức bình luận: "Các đơn vị phòng không của Bắc Việt đã làm cho các phi công của Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ khiếp vía kinh hồn".
       
        Kit-xinh-giơ, cố vấn số một của Ních-xơn, đồng tác giả của âm mưu đầy tội ác, cũng phải thú nhận: "Không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, với kỹ thuật hiện đại, chống lại được kỹ thuật hiện đại của Mỹ".
       
        Tu-lơ, Phó đô đốc Hải quân Mỹ, trước thất bại hiển nhiên của trận tập kích bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, đã phải thẳng thắn nói lên sự thật: "Sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đã bị tê liệt (paralysed) trước sức mạnh kỳ lạ của người Bắc Việt Nam".
       
        Hồi giữa tháng 12 năm 1972, Hây-gơ (Alexander Haig), một viên tướng hung hăng, trợ lý an ninh của Tổng thống Mỹ, đã đưa ra một lời tuyên bố ngạo mạn: "Chỉ có một cú sốc ào ạt (a massive shock ) mới làm cho Bắc Việt Nam chấp nhận những điều dành cho kẻ chiến bại”. Nào ngờ kết quả lại không giống như mong muốn của Hây-gơ. Và chính tỷ lệ khủng khiếp về máy bay chiến lược bị Hà Nội bắn rơi mới là "cú sốc thật sự đối với Mỹ.
       
        Cũng qua đây, chúng ta thấy rõ việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân tìm ra 3 con số về tỷ lệ bắn rơi B52, để lấy đó làm chỉ tiêu phấn đấu, một nội dung chưa hề được đề cập tới trong các kế hoạch đánh B52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trước đó, là một sự chỉ đạo thật sáng suốt, cũng như việc Quân chủng Phòng không -Không quân đã tổ chức chiến dịch phòng không, thắng lợi giòn giã, thực hiện vượt mức chỉ tiêu đề ra, là rất tài giỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 09:58:48 am »

       
        Câu hỏi 15: Việc đánh B52 đã được Bác Hồ chỉ đạo từ rất sớm và được Bác thường xuyên quan tâm như thế nào
       
        Đáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ có tầm nhìn xa trông rộng, trên mọi lĩnh vực. Có người đã từng ca ngợi Hồ Chí Minh là "nhà tiên tri". Riêng trong việc chỉ đạo đánh B52 thì con mắt nhìn xa trông rộng của Bác quả là kỳ diệu.
       
        Ngay từ khi Đại tá Phùng Thế Tài vừa mới nhận chức Tư lệnh Bộ đội Phòng không (1962), Bác Hồ đã hỏi ông: "Chú đã biết gì về máy bay B52 chưa?", câu hỏi khiến Đại tá Phùng Thế Tài lúc ấy thật sự lúng túng, bởi vì ông chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ loại máy bay này.
       
        Nhớ lại hồi chống Pháp, trong một chuyến sang Liên Xô, Bác Hồ đã trực tiếp đề nghị Thống chế Xta-lin giúp cho Việt Nam một đơn vị pháo bắn máy bay. Hồi đó không quân Pháp làm chủ bầu trời Đông Dương, còn bộ đội ta thì chỉ có những khẩu súng trường, súng máy tầm thấp. Nhờ Liên Xô trang bị vũ khí và Trung Quốc giúp huấn luyện, một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly đầu tiên của Quân đội ta được thành lập, mang tên Trung đoàn B67, đơn vị đã lập công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay địch (52 chiếc trên tổng số 62 chiếc bị bắn rơi) góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
       
        Bước sang thời kỳ đánh Mỹ, khi mà bộ đội phòng không chỉ mới có pháo cao xạ và ra-đa, chính Bác Hồ lại đặt vấn đề với Liên Xô chi viện cho Việt Nam vũ khí Tên lửa phòng không. Chính phủ Liên Xô lúc này do ông Cô-xi-ghin làm Thủ tướng. Một trung đoàn Tên lửa SAM2 đầu tiên ra đời, mang phiên hiệu Trung đoàn H36.
       
        Ngày 18 tháng 6 năm 1965, đế quốc Mỹ cho 30 chiếc B52 từ đảo Gu-am giữa Thái Bình Dương bay vào "rải thảm" khu căn cứ Long Nguyên của ta ở huyện Bến Cát. Đây là lần đầu tiên B52 được sử dụng ở Việt Nam. Giặc Mỹ muốn dùng con ngáo ộp B52 để hăm dọa chúng ta.
       
        Nhưng chỉ một tháng sau, ngày 19 tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân Việt Nam đã lên tiếng trả lời bọn xâm lược: "Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay "Bê" gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng!" Lời Bác thiêng liêng như lời sông núi. Ý nghĩa sâu sắc trong lời Bác gọi thấm sâu vào mọi trái tim của nhân dân Việt Nam.
       
        "Phải đánh thắng B52!" Mối quan tâm của Bác, cũng là nỗi lo canh cánh trong lòng của mỗi cán bộ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.
       
        Ngày 24 tháng 7 năm ấy, Trung đoàn tên lửa H361 ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4C Mỹ trên bầu trời Hà Tây. Hôm sau lại hạ tại chỗ thêm 1 máy bay trinh sát không người lái BQM34A ở độ cao 19 ki-lô-mét.
       
        Bộ Tư lệnh Quân chủng hết sức vui mừng vì đây là hai chiến công đầu xuất sắc của bộ đội tên lửa Việt Nam. Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa đặc biệt: Khả năng tên lửa Việt Nam trị được B52 Mỹ đã ở trong tầm tay. Chiếc LBQM34A bị hạ ở độ cao 19 ki-lô-mét, trong khi độ cao ném bom tối đa của B52 chỉ đạt tới 17 ki-lô-mét và độ cao ném bom hiệu quả chỉ có từ 9 đến 11 ki-lô-mét.
       
        Bác Hồ đã gửi thư khen quân dân Hà Tây đánh giỏi. Hai tiểu đoàn tên lửa trực tiếp lập công (Tiểu đoàn 63 và 64) được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng ba.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 10:02:38 am »

         Ngày 12 tháng 4 năm 1966, Mỹ lại cho 9 chiếc B52, cũng từ đảo Gu-am đến ném bom đèo Mụ Gịa, miền tây tỉnh Quảng Bình. Ít lâu sau, B52 đánh rộng đến Vĩnh Linh, phía bắc giới tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội. Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân được mời lên gặp Bác. Bác dặn: "Máy bay B52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân".
       
        Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, Quân chủng Phòng không - Không quân đề nghị Bộ Tổng Tham mưu cho đưa một trung đoàn tên lửa vào Vĩnh Linh, nơi B52 Mỹ ngày đêm gieo tội ác. Ý kiến đó được Bác rất hoan nghênh. Bác nói với Tư lệnh Quân chủng: "Các chú muốn bắt cọp phải vào hang".
       
        Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, qua nhiều tháng kiên trì "tàng hình rình mồi” (Chú thích:tàng hình rình mồi: ngụy trang thật kín đáo để phục kích đánh B52.) giữa đất thép Vĩnh Linh, Trung đoàn tên lửa SAM2 mang tên H38 đã bắn rơi được chiếc B52 đầu tiên ngày 17 tháng 9 năm 1967.
       
        Tin vui bay về Hà Nội. Bác liền viết thư khen đồng bào, chiến sĩ Vĩnh Linh bắn rơi B52 Mỹ. Tiểu đoàn 84 của Trung đoàn H38 được Bác tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì.
       
        Vào một buổi tối mùa xuân năm 1968, tại ngôi nhà sàn, Bác Hồ lại nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng lời dự báo như đã nói ở phần trên: "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” .
       
        Nhìn vẻ mặt trầm ngâm của Bác, đồng chí Phùng Thế Tài thầm đoán có lẽ trong giây phút này Bác Hồ đang nghĩ tới cảnh Hà Nội, Hải Phòng sẽ bị máy bay Mỹ tàn phá và khả năng quân dân ta sẽ đánh thắng không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Thủ đô.
       
        Một bản kế hoạch mang tên "Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng" của Quân chủng Phòng không - Không quân được hình thành ngày 27 tháng 2 năm 1968, tuy còn đơn sơ nhưng đã chứa đựng những nội dung rất cơ bản.
       
        Rồi từ những kinh nghiệm nóng hổi của các chiến trường, bản kế hoạch đầu tiên ấy liên tục được sửa chữa, bổ sung, để đến năm 1972, Quân chủng có thêm những "Phương án tháng 5", "Phương án tháng 7", "Phương án tháng 9", cuối cùng là "Phương án tháng 11", bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất (Chú thích:Phương án tháng 9 được Tư lệnh Lê Văn Tri mang lên báo cáo trực tiếp với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào cuối tháng 9 năm 1972. Phương án tháng 11 được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ký duyệt ngày 24-11-1972.).
       
        Trên cơ sở bản kế hoạch đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cùng cả miền Bắc lao vào một cuộc chuẩn bị hết sức khẩn trương, để đến tối 18 tháng 12, bước vào trận chiến đấu một cách rất đàng hoàng, chủ động, một sự chủ động tuyệt vời bắt nguồn từ tầm nhìn thông tuệ và sự chỉ đạo sáng suốt, minh mẫn của cấp chiến lược, của Bộ thống soái tối cao - Bộ Chính trị, trước hết là của Bác Hồ kính yêu.
       
        Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng và tài giỏi, quân dân Hà Nội, Hải Phòng đã làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy, buộc giặc Mỹ phải “chịu thua trên bầu trời Hà Nội" đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo trước đó 5 năm.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM