Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:21:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ trên không  (Đọc 21276 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 01:33:45 pm »

        
        d) Vậy bằng cách nào ta chống được nhiễu điện tử, chỗ mạnh nhất của không lực Hoa Kỳ? Nghe nói có một cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" và một "Gánh hát rong" đã giúp bộ đội tên lửa ta bắn rơi được nhiều B52?
        
        Đây không chỉ là thắc mắc của các bạn trẻ Việt Nam. Có một viên tướng già người Mỹ tên là Uy-liêm Xmit ( William Smith ) nguyên là trợ lý của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh xâm lược Việt Nam, cách đây không lâu, vào ngày 23 tháng 6 năm 1997, cũng đã từng đặt câu hỏi tương tự với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Bằng cách nào Việt Nam đối phó được những vũ khí hiện đại của Mỹ?"
        
        Đại tướng của chúng ta đã trả lời, đại ý: Việt Nam là một dân tộc có ý chí bất khuất hàng ngàn năm. Quân đội nhân dân Việt Nam là một đội quân anh hùng, thông minh và sáng tạo. Chúng tôi đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, do dân, vì dân nên chúng tôi đã thắng.

        Bây giờ xin trở lại lời đáp cho câu hỏi: "Làm sao ta thắng được nhiễu điẹn tử của Mỹ?"
                      
        Vấn đề rất phức tạp, chỉ có thể nói một cách đơn giản: bộ đội Phòng không - Không quân ta, không đầu hàng trước thủ đoạn gây nhiễu của địch, đã hạ quyết tâm "vạch nhiễu tìm thù”, một quyết tâm đã trở thành huyền thoại trong thời đánh Mỹ.
        
        "Vạch nhiễu tìm thù" là trong tình trạng nhiễu dày đặc che kín cả màn hiện sóng, các dạng nhiễu xanh lè đủ loại nhảy nhót, đan chéo vào nhau, nhập vào rồi lại tách ra, rối loạn như mớ bòng bong ấy, các trắc thủ phải làm sao phân biệt được: đâu là nhiễu của các máy bay điện tử phát từ xa tới, đâu là nhiễu tiêu cực của những sợi kim loại giăng kín khắp bầu trời, nhiễu của máy bay tiêm kích đi kèm bảo vệ B52, nhiễu của các máy bay chiến thuật nghi binh làm "B52 giả" và đâu là nhiễu của "B52 thật", để đặt "đường ngắm" chính xác vào đấy mà điều khiển quả đạn tên lửa đi đúng hướng.
        
        Nói thì đơn giản như vậy, nhưng thực tế khó khăn phức tạp vô cùng. Đó là cả một quá trình tìm tòi, mò mẫm, với biết bao hy sinh tổn thất để tìm cho được những chỗ mạnh, chỗ yếu của địch mà nghĩ ra cách đối phó. Có không ít trường hợp, trong khi các trắc thủ ta đang mải mê "tìm thù trong nhiễu” thì một loạt bom Mỹ trùm lên trận địa, hoặc một quả đạn hỏa tiễn không đối đất lao trúng vào đài. Nhưng, mỗi lần máu đổ là một lần có thêm kinh nghiệm, mà bài học đầu tiên là ý chí tiến công, dám phát sóng tìm địch, không sợ hỏa tiễn Sơ-rai của chúng, đi đôi với những biện pháp sáng tạo, nhằm phát hiện được kẻ thù sau màn nhiễu. Trong một cuộc họp rút kinh nghiệm chiến đấu ở Sư đoàn Phòng không Hà Nội, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Lê Văn Tri đã xúc động phát biểu với các cán bộ, chiến sĩ: "Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng, tôi thiết tha kêu gọi các đồng chí hãy tích cực phát sóng đánh địch”. Lời kêu gọi ấy thực sự đã cổ vũ cán bộ chiến sĩ Phòng không nâng cao tinh thần chiến đấu, bình tĩnh dũng cảm đối mặt với kẻ thù.
        
        Trước hết nói về bộ đội ra-đa cảnh giới và dẫn đường: ở đây có một điều có vẻ trái ngược. Những nét đẹp nên thơ của bản đồ đất nước: "Mắt nhìn ra biển Đông bao la, lưng dựa vào Trường Sơn hùng vĩ" lại là những điều gây ra không ít khó khăn cho các trắc thủ ra-đa.
        
        Từ mặt biển, máy bay của Hạm đội 7 có thể bay rất thấp để tiếp cận đất liền. Từ những sân bay bên đất Thái, máy bay chiến thuật và chiến lược của Mỹ cũng dễ dàng lợi dụng cả một dải núi cao che khuất để bất ngờ ập tới. Trong hình tình đó, muốn "Tổ quốc không bị bất ngờ" và muốn phục vụ kịp thời, chính xác cho các binh chủng bạn (Cao xạ, Tên lửa, Không quân) chiến đấu thắng lợi, bộ đội ra-đa chúng ta đã phải khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ.
        
        Học tập tinh thần kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, các chiến sĩ ra-đa lắm lúc cũng đã phải dùng sức người đưa máy lên chiếm lĩnh những ngọn núi cao giữa rừng già Tây Bắc, hoặc có khi phải tháo rời từng bộ phận của khí tài, dùng đôi vai để khiêng vác, gùi thồ các khối máy móc nặng nề leo ngược dốc Trường Sơn để "vươn dài cánh sóng".

        Bộ đội ra-đa còn táo bạo đưa những cỗ máy, với nhưng giàn ăng-ten đồ sộ, ra đặt giữa các cánh đồng trống trải, không xa lắm mép biển của đồng bằng Bắc Bộ, để "hạ thấp tầm nhìn".
        
        Những vọng quan sát của bộ đội ra-đa, bố trí ở những nơi đèo heo hút gió, giữa lưng chừng núi trên biên cương hoặc giữa chốn mù khơi ngoài hải đảo, mà cuộc sống vật chất ở đó trăm bề thiếu thốn, kết hợp với đội trinh sát nhiễu của Quân chủng Phòng không – Không quân trên một đỉnh núi phía tây Quảng Bình cũng đã góp phần phát hiện máy bay địch, kể cả B52, từ những khoảng cách rất xa.

        Gian khổ, khó khăn chồng chất không làm sờn lòng các chiến sĩ. Họ đã coi "đơn vị là nhà", "màn hiện sóng là trận địa". Nguyễn Văn Giằng, đài trưởng ra-đa của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn H93 đã từng nói lời tâm huyết: "Màn hiện sóng là hình ảnh thu nhỏ của Tổ quốc" một câu nói nặng tình nặng nghĩa với đất nước thân yêu (Chú thích: Với những thành tích xuất sắc, đồng chí Nguyễn Văn Giằng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3 tháng 9 năm 1973.).
       
        Vì Tổ quốc, các chiến sĩ ra-đa không chịu khuất phục trước đạn bom và những quả tên lửa Sơ-rai của địch. Từ trên màn hiện sóng, qua nhiều ngày tháng nghiên cứu tìm tòi, cuối cùng họ đã tóm được kẻ thù và lôi nó ra khỏi màn nhiễu (Chú thích: Trắc thủ Đỗ Công Hoa thuộc Đại đội 12, Trung đoàn H90, là người đầu tiên của Binh chủng Ra-đa nhận diện được tín hiệu B52 trong màn nhiễu.). Hầu hết máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta, từ các máy bay chiến thuật đến máy bay chiến lược B52, từ độ thấp một vài trăm mét đến độ cao trên 10 ngàn mét (Chú thích: Kể cả máy bay có người lái trinh sát tầng cao SR71 , bay ở độ cao 30 ngàn mét, bay nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.), đều bị bộ đội ra da phát hiện, để kịp thời báo về trung tâm hoặc để dẫn đường cho không quân ta bay lên tìm diệt máy bay địch.
 
        Trong những năm chiến tranh, bộ đội ra đa đã phục vụ rất đắc lực các binh chủng bạn lập nên biết bao chiến công xuất sắc, từ chiến thắng ngày 5 tháng 8 năm 1964, trận giáp mặt đầu tiên giữa bộ đội phòng không và hải quân ta với không quân Mỹ, đến những thành tích ra quân đánh thắng trận đầu của bộ đội không quân ngày 3 tháng 4 năm 1965, của bộ đội tên lửa ngày 24 tháng 7 năm 1965 và cuối cùng là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" oanh liệt.
       
        Còn nhớ trong buổi giao ban tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân sáng 19 tháng 12 năm 1972, sau trận thắng giòn giã đầu tiên của chiến dịch, Tư lệnh Lê Văn Tri, bằng những lời giản dị, đã biểu dương Binh chủng Ra-đa: "Đêm qua các đồng chí làm ăn rất tốt, đã phát hiện địch sớm, xác định đúng đối tượng B52 khi chúng đang bay vào Hà Nội. Binh chủng Ra-đa đã giúp Bộ Tư lệnh Quân chủng hạ quyết tâm chính xác, kịp thời đưa toàn Quân chủng vào chiến đấu. Kết quả là ngay từ trận đầu chúng ta đã bắn rơi 3 B52 Mỹ".
       
        Có thể nói bộ đội ra-đa đã "mở đường thắng lợi" cho các lực lượng phòng không - không quân trên toàn miền Bắc trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm, tạo điều kiện cho các binh chủng bạn liên tiếp lập công và chiến thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 01:44:20 pm »

       
        đ) Quá trình chống nhiễu và thắng nhiễu của bộ đội Tên lửa:
       
        Hành trình gian khổ và đầy sóng gió ấy bắt đầu từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1966 khi không quân Mỹ lần đầu tiên gây "nhiễu ngoài đội hình". Những chiếc máy bay EB66, EC121 phát nhiễu điện tử từ xa che chở cho máy bay cường kích vào đánh. Nhiễu trắng xóa các màn hiện sóng trên đài điều khiển của ta. Tuy nhiên, hồi ấy cường độ nhiễu còn nhẹ, các trắc thủ ta vẫn còn nhìn thấy tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu để diệt được máy bay địch bằng cách đánh tối ưu: phương pháp điều khiển "nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu".
       

        Nhưng sang đầu năm 1967, không quân địch lại tung ra thủ đoạn mới, gây "nhiễu trong đội hình". Bản thân mỗi máy bay đi trong đội hình tiến công đồng loạt phát nhiễu. Tất cả cộng lại giống như một "chùm nhiễu" khổng lồ, vô hình, cực mạnh, chĩa thẳng về phía các ăng-ten ra-đa của đối phương. Màn hiện sóng của ta, như những ô cửa sổ nhỏ, bỗng bị che lấp bởi những tấm màn kẻ sọc với nhiều dải nhiễu, lớn nhỏ, đậm nhạt khác nhau, đan xen vào nhau, dày đặc, che lấp hoàn toàn tín hiệu máy bay. Những chiếc máy bay bỗng trở thành vô hình trước mắt các trắc thủ.
       
        Trong hơn nửa năm trời của năm 1967, bộ đội phòng không - không quân, nhất là các tiểu đoàn tên lửa SAM2, ngày đêm vật lộn với đạn bom, cùng biết bao khó khăn gian khổ mà bắn mãi vẫn không trúng, không rơi máy bay địch.

        Rồi trong gian khó, cứ "bám trụ" mãi cái màn hiện sóng bé nhỏ ấy, anh em ta đã nghiên cứu vận dụng thành công phương pháp chống lại thủ đoạn gây "nhiễu trong đội hình" bằng một cách khác. Đó là phương pháp điều khiển "không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”.
       

        Nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu để bắn đã là khó. Giờ đây không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu mà vẫn hạ được máy bay địch, đúng là khó tin, nhưng đó là sự thật. Tính ưu việt của bộ khí tài Liên Xô cùng với trí thông minh của các chiến sĩ Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu ấy. Ngày 11 tháng 8 năm 1967, Tiểu đoàn 63 hạ tại chỗ một chiếc RF4C bằng phương pháp "không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu". Lập tức một cuộc họp rút kinh nghiệm được tiến hành ngay tại trận địa, do Phó tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp chủ trì. Những bài học nóng hổi ấy đã được kịp thời phổ biến rộng rãi và biên soạn thành tài liệu. Sau đó là một cuộc tập huấn 7 ngày về cách đánh mới cho tất cả các kíp chiến đấu trong toàn Binh chủng Tên lửa. Máy bay Mỹ lại liên tiếp bị hạ (Chú thích: Riêng ngày 27 tháng 10, tên lửa của Hà Nội bắn rơi 5 máy bay, đều bằng phương pháp "không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu".). Tháng 10 và tháng 11 năm 1967 là hai tháng quân dân Thủ đô ta "được mùa gặt hái" những máy bay Mỹ rơi và giặc lái Mỹ bị bắt sống.
       
        Thế rồi không bao lâu sau, có thể nói là rất nhanh, vào giữa tháng 12 năm 1967 không quân Mỹ lại thay đổi thủ đoạn gây nhiễu, một thủ đoạn mới nguy hiểm hơn, làm cho đạn tên lửa ta hễ rời bệ phóng là bị mất điều khiển, dẫn tới kết quả đáng buồn: đạn rơi xuống đất. Một số quả rơi trúng nhà dân.
       
        Trong những ngày này Bác Hồ rất lo lắng. Từ ngôi nhà sàn, Bác cho mời Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Đặng Tính lên gặp Bác, báo cáo tình hình. Bác yêu cầu Quân chủng phải tìm cách khắc phục tình trạng đạn tên lửa rơi và phải bồi thường thỏa đáng cho các gia đình bị thiệt hại.
       
     
        Cán bộ các cấp từ Quân chủng, Binh chủng, đúng hơn là từ Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu, Cục Nghiên cứu Khoa học Quân sự và Viện Kỹ thuật Quân sự của Bộ Quốc phòng, cho đến các cán bộ cấp trung đoàn, tiểu đoàn ngày đêm mất ăn mất ngủ để tìm cho ra nguyên nhân vì sao đạn tên lửa của ta bị mất điều khiển.
       
        Có ý kiến cho rằng do địch sừ dụng một loại nhiễu mới. Cũng có người đặt vấn đề phải xem ngay trong cái đầu của cán bộ có "nhiễu tư tưởng" không? (tức là có dao động tinh thần trước cuộc chiến đấu quá ác liệt hay không?)
       
        Được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Binh chủng (Tư lệnh Đoàn Huyên, Chính ủy Trương Công Cẩn, Phó tư lệnh Hoàng Văn Khánh), Trung đoàn trưởng Trung đoàn H36 Trần Xanh (Chú thích: Đồng chí Trần Xanh, sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không.) và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62 Hoàng Bát (Chú thích: Đồng chí Hoàng Bát, người có công đầu nghiên cứu phương pháp chống lại thủ đoạn gây "nhiễu trong đội hình" cũng như trong việc tìm ra nguyên nhân đạn rơi. Sau này ông là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Phòng không Học viện cao cấp.) cùng với kíp chiến đấu đã tập trung mọi cố gắng nghiên cứu ngay trên màn hiện sóng, trận địa sinh tử của họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 01:49:28 pm »

        Đi đôi với việc nghiên cứu này còn có sự tìm tòi gian khổ của các sĩ quan tham mưu, các cán bộ nhân viên kỹ thuật trên những bộ khí tài và trên quả đạn. Cuối cùng nguyên nhân đạn rơi đã được làm sáng tỏ. Đó là do nhiễu rãnh đạn, thứ nhiễu lợi hại của địch tác động lên rãnh điều khiển đạn của ta.
       
        Các biện pháp khắc phục được đề ra và thông qua Bộ Tư lệnh Quân chủng. Tuy nhiên, đây là một công việc khó khăn. Cán bộ nhân viên kỹ thuật của Quân chủng và Binh chủng, do Trưởng phòng kỹ thuật tên lửa Đỗ Đức Dục phụ trách, phối hợp với nhóm "nghiên cứu nhiễu" của Viện Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng lại cùng các chuyên gia Liên Xô vùi đầu nghiên cứu, tìm cách cải tiến các bộ phận trong đài điều khiển và trong quả đạn. Trong lần thứ nghiệm, đài điều khiển đã bắt được tín hiệu của đạn. Viên đạn ngoan ngoãn vút lên, bay vào quỹ đạo tìm đến mục tiêu. "Rồng lửa Thăng Long" lại quật ngã những "Con ma" (Chú thích: "Con ma” (Phantom) tên gọi loại máy bay F4. Ngày 11 tháng 2 năm 1968, tên lửa Hà Nội bắn rơi tại chỗ 1 chiếc RF4C. Ta thu được 1 máy "gây nhiễu rãnh đạn kiểu ALQ87.) Mỹ. Bác Hồ rất mừng vui.
       
        Một lần nữa, trong cuộc đối đầu "kỹ thuật với kỹ thuật", "trí tuệ với trí tuệ", một cuộc chiến thầm lặng, kín đáo, nhưng hết sức quyết liệt với không quân Mỹ, ta đã thắng.
       
        Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ( 1965-1968) của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta đã bị đánh bại. Bốn năm sau, ngày 6 tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc, với vũ khí và phương tiện chiến tranh được cải tiến hiện đại hơn trước nhiều.
       
        Những máy gây nhiễu thế hệ mới của không quân Mỹ ra đời đã làm cho bộ đội phòng không - không quân ta lại một phen nữa lúng túng. Ngoài hỏa tiễn không đối đất Sơ-rai, còn thêm loại mới Xtenđơ (Standard). Bom điều khiển bằng tia la-de (Laser) được áp dụng rộng rãi với độ trúng đích rất cao. Nhiều công trình của ta bị địch phá hủy. Hàng loạt cầu lớn bị đánh sập, trong đó có những cầu bắc qua sông Hồng, sông Mã như Long Biên, Hàm Rồng (Chú thích: Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, trong suốt 4 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ vẫn đứng vững, chưa hề một lần bị bom Mỹ đánh sập.). Đối với bộ đội phòng không - không quân, khó khăn càng thêm chồng chất.
       
        Giống như hai đô vật trên sàn đấu thay nhau thi thố những ngón đòn, mỗi lần không quân địch đưa ra một thủ đoạn mới để vô hiệu hóa vũ khí của chúng ta (nhiễu ngoài đội hình rồi nhiễu trong đội hình, sang nhiễu rãnh đạn) thì ngay sau đó chúng ta đi sâu nghiên cứu địch, tìm cách cải tiến khí tài, bổ sung sửa đổi cách đánh, huấn luyện thao tác cho kíp chiến đấu kết hợp với việc điều chỉnh thế bố trí trận địa, để chiến thắng chúng.
       
        Lần này cũng vậy. Từ một phát hiện của ống kính nhìn xa đặt trên nóc đài thu phát, thấy quả đạn ta khi bay lên tìm máy bay địch, cứ chui vào khe giữa hai chiếc, vượt qua mục tiêu rồi vọt thẳng lên cao và tự hủy, chúng ta đã tìm ra nguyên nhân: do địch giãn rộng đội hình bay, kết hợp tăng số lượng và công suất máy gây nhiễu. Ta lại cải tiến khí tài thêm một bước, đổi mới phương pháp bám sát mục tiêu, kết hợp ra-đa với kính quang học, nhờ đó đã đạt kết quả đáng phấn khởi. Những ngày hè gian nan trôi qua. Sang mùa thu năm 1972, Thủ đô lại "được mùa" máy bay Mỹ rơi.
       
        Mỹ có "vỏ quít dày" thì Việt Nam có "móng tay nhọn". Cùng với vũ khí và kỹ thuật hiện đại của Liên Xô, trái tim, khối óc và bàn tay của các chiến sĩ Việt Nam đã trị được các loại vũ khí rất hiện đại, với những thủ đoạn kỹ - chiến thuật rất tinh vi và nguy hiểm của kẻ thù.
     
        Mỗi một kinh nghiệm chống nhiễu thành công và không thành công của Hà Nội - kể từ năm 1966 - đều được Quân chủng phổ biến ngay cho các đơn vị phòng không, không quân toàn miền Bắc vận dụng. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng cho việc xuất hiện hàng loạt chiến công xuất sắc, trong đó có những chiến công bắn rơi pháo đài bay Mỹ trên các chiến trường:
       
        - Ngày 17 tháng 9 năm 1967, trung đoàn tên lửa H38, trên đất thép Vĩnh Linh, bắn rơi chiếc B52 đầu tiên (Chú thích: Trên cơ sơ kinh nghiệm chống nhiễu thành công của Hà Nội bắn rơi tại chỗ 1 chiếc RF4C trước đó hơn 1 tháng.)
       
        - Ngày 18 tháng 3 năm 1971, Trung đoàn H37 bắn rơi một B52 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
       
        - Ngày 2 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn H36 bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trong chiến dịch Quảng Trị...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 01:59:55 pm »

        Mỗi một chiến công nói trên là kết quả của biết bao sức lực, mồ hôi và xương máu, tuy chưa hạ được B52 rơi tại chỗ, nhưng đều mang ý nghĩa bài học kinh nghiệm rất có giá trị, cả lý thuyết lẫn thực hành, góp phần rất quan trọng vào việc hoàn thiện cách đánh B52 sau này.
       
        Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không – Không quân đã cử những đoàn cán bộ giỏi (Chú thích: Gồm 2 đoàn cán bộ tên lửa, 1 đoàn cán bộ ra-đa, 1 đoàn cán bộ thông tin, 1 đoàn cán bộ không quân.) lặn lội vào các chiến trường ác liệt nhất: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, đường Trường Sơn, đến với các trận địa ra đa, tên lửa, vào buồng máy ngồi cạnh các trắc thủ, sĩ quan điều khiển để cùng nghiên cứu nhiễu trên "thực địa". Các dạng nhiễu khác nhau hiện ra trên màn hiện sóng được các anh vẽ lại trên "giấy trắng mực đen”. Có khi hình ảnh diễn biến của những trận đánh B52 thể hiện trên màn huỳnh quang còn được ghi lại bằng quay phim, chụp ảnh. Trong lịch sử chiến đấu của bộ đội phòng không, không quân những hình vẽ, những tấm ảnh (được đóng thành tập an-bum), những thước phim về các dạng nhiễu nói trên là những di sản hết sức quý báu.
       
        Tất cả những điều rút ra từ thực tế chiến trường về cách đánh máy bay các loại của địch đã được cơ quan Tham mưu Quân chủng đem ra phân tích, tổng kết lại, viết thành tài liệu, những tài liệu thực sự trở thành "cẩm nang"1 cho bộ đội phòng không - không quân ta hồi ấy.
       
        Trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, máy bay Mỹ đủ loại chiến lược, chiến thuật, tốp nhỏ, tốp lớn, bay thấp, bay cao, "Bê" giả, "Bê" thật - tất cả đi trong màn nhiễu, đã bị các đơn vị ra-đa ta phát hiện với tỷ lệ rất cao (93% B52, 86% F111...). Đó là nhờ, ngoài thế bố trí trận địa khôn khéo, bộ đội ra-đa còn được huấn luyện kỹ càng theo cuốn cẩm nang "Quy trình bắt B52 trong nhiễu”.
       
        Không chỉ gây nhiễu với các loại ra-đa, kỹ thuật điện tử của không quân Mỹ còn tấn công cả những máy móc thông tin vô tuyến của ta, trên tất cả các băng sóng, không bỏ sót một tần số nào. Nhưng nhờ tích cực áp dụng các biện pháp khắc phục rất thông minh, theo hướng dẫn của tài liệu "Cách chống nhiễu thông tin", bộ đội phòng không - không quân ta, trong suốt 12 ngày đêm đã duy trì được thông tin liên lạc thông suốt trên các mạng thông báo, báo động và chỉ huy, ở tất cả mọi hướng, từ Quân chủng lên Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu và xuống các sư đoàn, thậm chí đến tận các trung đoàn, để khi cần, Bộ Tư lệnh Quân chủng có thể chỉ huy vượt cấp (Chú thích: Trưởng phòng Thông tin Quân chủng Nguyễn Tân cùng các sĩ quan chuyên môn đã nghiên cứu thành công việc vận dụng làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và tận dụng các đường dây của Bưu điện để hỗ trợ có hiệu quả cho hệ thống thông tin của Quân chủng trong suốt 12 ngày đêm.)
       
        Về cuốn “Cẩm nang bìa đỏ":
       
        Cuốn sách mang tên "Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa", in rô-nê-ô trên những tờ giấy giang, loại giấy đen đúa, mộc mạc, với một tờ bìa màu đỏ bọc ngoài, được gọi là cuốn "Cẩm nang bìa đỏ”. Tuy hình thức không đẹp, nhưng giá trị cuốn sách lớn vô cùng. Chỉ dày 30 trang đánh máy, nhưng nó là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu, mà những nét đầu tiên đã được phác thảo ngay từ giữa chiến trường máu lửa Vĩnh Linh và Hà Nội năm 1967.  Đây là một công trình khoa học tập thể, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu của nhiều đơn vị, trong nhiều năm, nhất là từ đầu năm 1972, khi Tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phó tham mưu trưởng Quân chủng Vũ Xuân Vinh (Chú thích: Đồng chí Vũ Xuân Vinh sau này chuyển công tác lên Bộ Quốc phòng, giữ chức Cục trưởng Cục Đối ngoại 15 năm, cấp hàm Trung tướng. Khi về hưu, ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, phụ trách công tác Đối ngoại.) nhiệm vụ chỉ đạo biên soạn, hoàn chỉnh gấp tài liệu về cách đánh B52 cho bộ đội tên lửa.
       
        Tập tài liệu có giá trị này gắn liền với tài trí và công lao xuất sắc của hàng loạt sĩ quan có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu như: Nguyễn Sinh Huy, Tô Ngội, Chu Thái, La Văn Sàng, Vũ Lai Trường, Lê Cổ, Nguyễn Xuân Minh, Trần Ngọc Lân, Quách Hải Lượng... (thuộc Tổ Nghiên cứu – Biên soạn của Bộ Tham mưu, do Nguyễn Sinh Huy phụ trách) và của Trần Xanh, Hoàng Bát, Hoàng Bảo, Tạ Đình Liên... (thuộc Tổ Nghiên cứu - Biên soạn của Sư đoàn phòng không B61 , do Trần Xanh phụ trách).
       
        Tài liệu này đã được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng tại một hội nghị hết sức quan trọng ngày 31 tháng 10 năm 1972 (sau này thường gọi là Hội nghị tháng 10). Hôm ấy vào cuộc họp, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri nói ngay: "Tôi vừa lên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về. Tình hình hết sức khẩn trương. Mọi vấn đề khác phải tạm thời gác lại. Hội nghị này chỉ tập trung thảo luận và thống nhất cách đánh B52 của bộ đội tên lửa mà thôi. Trong lần họp này, ngoài sự có mặt của các cán bộ cấp quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và các cơ quan, còn có nhiều trắc thủ, sĩ quan điều khiển thuộc các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực. Với kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn, họ đã có nhiều ý kiến bổ sung hết sức quý báu.

--------------
1. Cẩm năng là túi gấm, chứa nhiều những điều mách bảo kỳ diệu (tích xưa của Trung Quốc)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 02:04:58 pm »

        Nó đây này:



Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2016, 02:57:15 am »

        Hội nghị tháng 10 đã mang đến cho mọi người một niềm tin: chúng ta có thể bắn rơi tại chỗ B52 Mỹ.
       

        Góp phần quan trọng vào thành công của cuốn “cẩm nang bìa đỏ” còn có sự tham gia tích cực của Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự Hoàng Đình Phu, một số cán bộ của Viện, như Trần Thức Vân, Nguyễn Kim Huê, Hồ Công Châu, Thái Kim Nguyên (Chú thích: Nhà nước ta đã tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho Quân chủng Phòng không - Không quân và Viện Kỹ thuật Quân sự về thành tích nghiên cứu chống nhiễu điện tử của không quân Mỹ.)... cùng với sự hỗ trợ chí tình của các bạn Liên Xô.
       
        Sau chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", một tổ cán bộ tham mưu do Phó tham mưu trưởng Quân chủng Dương Hán phụ trách, được phân công lên báo cáo với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về thành tích bắn rơi B52. Nghe xong báo cáo, Đại tướng hỏi:
       
        - Trước chiến dịch 12 ngày đêm, hai trung đoàn H57 và H61 đã đánh B52 bao giờ chưa?
       
        Trưởng phòng Tác huấn tên lửa Nguyễn Sinh Huy (Chú thích: Đồng chí Nguyễn Sinh Huy, sau này là Thiếu tướng, Hiệu trưởng Học viện Phòng không.) trả lời: chưa lần nào ạ! và trao cho Đại tướng xem cuốn "Cẩm nang bìa đỏ”. Nâng niu cuốn sách trên tay, sau một thoáng suy nghĩ, Đại tướng đã nêu lên một nhận xét rất quan trọng:
       
        - Như vậy là không nhất thiết cứ phải đã trải qua chiến đấu bộ đội ta mới đánh thắng được kẻ địch. Một trong những yếu tố quyết định để chiến thắng là phải có cách đánh tốt và được huấn luyện chu đáo.
       
        Mấy hôm sau, ở hội trường Quân chủng Phòng không - Không quân, trước đông đảo cán bộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giơ cao cuốn "Cẩm nang bìa đỏ” và nói: "Chúng ta thắng được B52 Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này".
       
        Còn câu chuyện "Gánh hát rong" cũng là điều có thật. Nhưng đây không phải là Đoàn Văn công Quân chủng hay những đội văn nghệ quần chúng chia nhau đi ca hát phục vụ các chiến sĩ. Sau khi cuốn "Cẩm nang bìa đỏ” ra đời, tháng 10 năm 1972, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội đã cho thành lập các đội huấn luyện lưu động mà thành viên phần lớn là các sĩ quan đã từng tham gia biên soạn cuốn sách. Họ giống như những người thầy đến với các tiểu đoàn tên lửa ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng. . . để trực tiếp truyền đạt hướng dẫn cách đánh B52 cho các kíp chiến đấu. Đội này đi hết đơn vị này đến đơn vị khác, nên được anh em gọi vui một cách trìu mến là "Gánh hát rong".
       
        Chính nhờ cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" và "Gánh hát rong" nói trên, mà đêm 22 tháng 11 năm 1972, Trung đoàn tên lửa H63 ở Nghệ An đã khắc phục được nhiễu, bắn hạ một chiếc B52, rơi ở Na-khon Pha-nom trên đất Thái Lan (các phi công Mỹ nhảy dù thoát chết). Với sự chứng kiến của phóng viên báo chí, được hãng UPI nhanh chóng loan tin, sự kiện này buộc Mỹ phải công nhận.
       
        Trước đây, mỗi lần bay vào miền Bắc nước ta, các phi công B52 đều được cấp chỉ huy dặn dò: nếu bị trúng đạn, hãy tìm mọi cách bay ra biển hoặc hướng về những cánh rừng già bạt ngàn phía tây. Máy bay rơi, phi công dễ được cứu thoát. Ngoài ra đó là cách tốt nhất để phủ nhận tang chứng và để cho những bí mật của các trang thiết bị tối tân trong máy bay B52 không lọt vào tay Bắc Việt Nam và Nga Xô.
       
        Lần này viên phi công Mỹ tìm cách hướng về sân bay U-ta-pao với hy vọng được thả mình trên đất Thái. Cuối cùng vì bị thương quá nặng, chiếc B52 đã rơi khi mới chớm vượt qua biên giới Thái - Lào khi còn cách U-ta-pao 640 ki-lô-mét (Chú thích: Một số tài liệu ghi nhầm là 64 ki-lô-mét.)
       
        Đây là lần đầu tiên B52 Mỹ bị phơi xác giữa ban ngày ban mặt và cũng là lần đầu tiên Mỹ chịu thừa nhận B52 của họ bị SAM2 Bắc Việt bắn rơi.
       
        Đối với chúng ta, chiến công này đã khẳng định giá trị thực tiễn của cuốn sách "Cẩm nang bìa đỏ", đồng thời khẳng định khả năng: "Tên lửa SAM2 của ta có đủ điều kiện bắn rơi tại chỗ B52 Mỹ .
       
        Thực tế cho thấy trong chiến dịch 12 ngày đêm, có những đơn vị tuy chưa một lần "chạm trán" với B52 như trung đoàn H57, Trung đoàn H61, nhưng bước vào chiến dịch, nhờ vận dụng tốt cách đánh của cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" cộng thêm kinh nghiệm đánh máy bay chiến thuật của bản thân đơn vị trước đây, đã đánh rất giỏi, bắn rất trúng, hạ rất nhiều pháo đài bay, đặc biệt có nhiều chiếc rơi tại chỗ.
       
        Ngay từ cuối tháng 11 năm 1972, nhìn thấy kết quả huấn luyện của các kíp chiến đấu, đồng chí NguyễnVăn Điển, Trung đoàn trưởng Trung đoàn H57 và Trần Hữu Tạo, Trung đoàn trưởng Trung đoàn H61, đã tin tưởng báo cáo với Tư lệnh Sư đoàn Trần Quang Hùng: "Đến giờ phút này, có thể nói đơn vị chúng tôi đã có đủ khả năng đánh thắng B52 Mỹ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2016, 03:04:38 am »

        Trung tướng Lê Văn Tri, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đã phát biểu: "Việc tìm ra cách đánh B52 là cả một quá trình, là công lao tập thể, từ các cơ quan trên Bộ, từ Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân chủng, Binh chủng xuống đến các đơn vị cơ sở. Nhưng trước hết đó là công lao của các anh em ngồi trong ca-bin (Chú thích: ca-bin: buồng máy.) trước màn hiện sóng, là các trắc thủ (Chú thích: Trắc thủ: chiến sĩ có nhiệm vụ đo lường khoảng cách hoặc định vị mục tiêu. Ở bộ đội tên lửa, "trắc thủ tay quay" là những người cuối cùng lái quả đạn tới đích.) và sĩ quan điều khiển, các cán bộ chỉ huy cùng các cán bộ nhân viên kỹ thuật, bất chấp đạn bom, kiên trì lấy buồng máy và màn hiện sóng làm trận địa. Bằng vũ khí hiện đại của Liên Xô, với vốn kiến thức được trang bị từ ghế nhà trường, cùng trí thông minh và lòng dũng cảm, họ đã góp phần quyết định sáng tạo nên những cách đánh có hiệu quả".
       
        Trong việc xây dựng lực lượng vũ trang, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu đã ưu tiên dành cho Quân chủng Phòng không - Không quân những quân nhân ưu tú. Hầu hết các chiến sĩ lái máy bay, những sĩ quan điều khiển, các cán bộ kỹ thuật của không quân, tên lửa, pháo cao xạ, ra-đa đều là học sinh cấp ba, sinh viên hoặc kỹ sư. Trắc thủ tên lửa, trắc thủ ra-đa phần lớn cũng là sinh viên hoặc học sinh trung cấp. Họ là con em của cả hai miền Nam Bắc, được học tập và đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, trở thành những "ông Tú", "ông Cử" và được tuyển chọn vào quân đội. So với mặt bằng dân trí lúc đó, trình độ học vấn như vậy là rất cao (Chú thích: Số kỹ sư, thợ kỹ thuật trung cấp hồi ấy chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số cán bộ các loại của toàn Quân chủng.). Đây là sự tập trung trí tuệ rất lớn của Quân đội ta.
       
        Ngoài trí thông minh và lòng dũng cảm, các trắc thủ của ta còn có những cặp mắt tinh tường và đôi tay nghề thuần thục. Cùng với con mắt "nhìn xuyên" màn nhiễu, bàn tay họ khi "vê" những vòng quay bám sát mục tiêu, điều khiển đường bay của quả đạn tên lửa, dù trong đạn nổ bom rơi, vẫn rất nhẹ nhàng, đều đặn, chuẩn xác (Chú thích: Ở đây có vai trò của trợ lý tham mưu Quân chủng Nguyễn Xuân Minh. Đồng chí là một trong những người có công lao huấn luyện thành công đội ngũ trắc thủ tên lửa hồi ấy. Sau này, đồng chí là Đại tá Hiệu trưởng trường Trung cấp Kỹ thuật Quân chủng Phòng không.). Có thể nói sự mềm mại của đôi bàn tay của người trắc thủ thật là tuyệt vời, điêu luyện đến mức kỹ xảo mà có người đã ví với đôi bàn tay của nghệ sĩ dương cầm. Đương nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng.
       
        Ông trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô - Thiếu tướng Khiu-pe-nen (Chú thích: Anatôli Ivanôvích Khiupenen, sau này là Thượng tướng quân đội Liên Xô. Sau khi về hưu ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh nước Cộng hòa Liên bang Nga.) đã từng phát biểu với Bộ Tư lệnh Quân chủng: "Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng".
       
        Grin Út (J. T. Green Wood) nhận xét: "Tất cả những chiến thuật gây nhiễu điện tử, bằng nhiều biện pháp, bằng đủ loại khí tài hiện đại nhất của không lực Mỹ đã thất bại (Chú thích: J.T. Green Wood, Máy bay ném bom chiến lược B52 trong vai trò chiến thuật, Nxb Solomander, Lon don, 1973.)
       
        Trong cuốn sách "Cuộn chiến tranh không quân ở Đông Dương" do Trung tâm nghiên cứu Coóc-nen (Mỹ) xuất bản có lời đánh giá nổi tiếng của giáo sư Nây Si-hen (Neil Seehan): "Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”.
       

        Tóm lại với ý chí kiên cường và đầu óc sáng tạo, chúng ta đã thắng được thủ đoạn gây nhiễu điện tử, chỗ mạnh đáng gờm nhất của không quân Mỹ. (Chú thích: Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của Việt Nam gợi nhớ một câu ghi ở điều 9 trong Kinh Thánh: "Sự thông minh cao hơn mọi thứ vũ khí".)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2016, 03:09:59 am »

       
        Câu hỏi 4: Phần trên có nói đến một loại hỏa tiễn không đối đất rất lợi hại của Mỹ. Ta đã chống lại thủ đoạn của nó bằng cách nào?
       
        Đáp:

       
        Đó là loại hỏa tiễn mang tên Sơ-rai (Shrike) ký hiệu AGM45, thường trang bị cho máy bay F105F-G, hoặc F4D, có thể phóng ở cự ly 48 ki-lô-mét và loại Xtenđơ (Standard) cải tiến từ Sơ-rai ký hiệu AGM78, thường trang bị cho máy bay A6A, có thể phóng từ 72 ki-lô-mét. Một thời, loại hỏa tiễn không đối đất này đã gây cho chúng ta khá nhiều tổn thất. Bộ đội ra-đa, tên lửa không ngại bom, mà lúc đầu rất ngán Sơ-rai, cũng giống như các chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn thời đánh Mỹ, rất ngán máy bay AC130 bắn đạn 40 ly.
       
        Sơ-rai có đầu tự dẫn, hoạt động theo nguyên tắc "tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ". Nói một cách đơn giản là: khi nó phát hiện được cánh sóng ra-đa của ta, phi công Mỹ liền phóng hỏa tiễn Sơ-rai vào cánh sóng đó. Quả Sơ-rai cứ theo trục cánh sóng của ta mà lao xuống. Nếu ta không có biện pháp đối phó hữu hiệu thì nó sẽ rơi trúng đài ra-đa của ta, hoàn toàn chính xác.
       
        Phải qua nhiều lần rút kinh nghiệm, ở nhiều đơn vị, chúng ta mới tìm được chỗ yếu của Sơ-rai để tìm ra cách đối phó.

        Tuy nhiên cái khó là làm sao vừa "gạt" được Sơ-rai lại vừa kịp đưa tên lửa ta diệt được máy bay địch. Nếu"gạt" sớm một chút thì không diệt được máy bay. Nếu xử trí chậm một li là bị "dính" ngay Sơ-rai của nó. Điều này đòi hỏi người sĩ quan điều khiển phải hết sức bình tĩnh, dũng cảm. Chúng ta hãy hình dung tình huống hai quả đạn tên lửa (địch-ta) đang di chuyển ngược chiều nhau, trong cùng một cánh sóng, với tốc độ cực nhanh, chỉ trong vài tích tắc nữa, hỏa tiễn địch sẽ đâm trúng vào đài, nếu tinh thần không vững, làm sao có thể sáng suốt phán đoán, cân nhắc và xử trí chính xác và có hiệu quả được.
       
        Binh chủng tên lửa có nhiều sĩ quan điều khiển giỏi, trong đó có 9 người trở thành anh hùng (Ngô Văn Tác, Đặng Minh Chức, Nguyễn Xuân Đài, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Văn Phiệt, Phạm Trương Uy, Kiều Thanh Tịnh, Nguyễn Trường Xuân, Lê Hồng Thịnh). Nhiều người trong số họ đã xử trí thành công tình huống gặp Sơ rai. Riêng Lê Hồng Thịnh, một sĩ quan điều khiển gan dạ của Tiểu đoàn 81, Trung đoàn H38, trong trận chiến đấu ngày 6 tháng 7 năm 1967 ở Vĩnh Linh, do quyết tâm tiêu diệt bằng được máy bay địch, anh đã chậm tay một chút. Tuy chiếc F4 bốc cháy trên bầu trời nhưng quả Sơ-rai của địch đã kịp lao trúng đài điều khiển, Lê Hồng Thịnh, kỹ sư Lê Quốc Lượng hy sinh. Một số cán bộ chiến sĩ khác bị thương, trong đó có Tiểu đoàn trường Phạm Sơn, Đại đội trưởng Ngô Huynh (Chú thích: Đồng Chí Ngô Huynh, sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không.).
       
        Trong những đêm tháng 12, máy bay Mỹ đã phóng rất nhiều hỏa tiễn không đối đất xuống các trận địa tên lửa ở Hà Nội, Hải Phòng, nhưng hầu hết các sĩ quan điều khiển tài giỏi của ta, bằng động tác xử trí hết sức thông minh và táo bạo, vừa vô hiệu hóa được vũ khí lợi hại của các máy bay chiến thuật vừa lập chiến công hạ nhiều pháo đài bay Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2016, 03:15:06 am »

       
        Câu hỏi 5: Máy bay F111 "cánh cụp cánh xòe”  (Chú thích: F111 khi xòe cánh, bay tốc độ bình thường (220 đến 250 mét/giây); khi cụp cánh, bay tốc độ cao (trên 300 mét/giây) được Mỹ khoe là hết sức tối tân (ultra modern), không thể bị bắn hạ. Tại sao nó lại bị ta bắn rơi với tỉ lệ cao ?
       
        Đáp: F111 là máy bay cường kích rất hiện đại, hơn hẳn F4, F105, A6, A7... So với các loại trên, nó có tốc độ bay lớn hơn, lượng bom mang nhiều hơn (gấp 5 lấn loại F4). Đặc biệt F111 có lắp thiết bị tự động khống chế độ cao, do đó có thể bay rất thấp (đến 50 mét) trong mọi thời tiết, trên mọi địa hình, kể cả vùng rừng núi một cách dễ dàng. Đây là loại máy bay ưu việt, được mệnh danh là "kẻ đột nhập thần kỳ" với nhiều lợi thế: bay nhanh, bay thấp, giỏi luồn lách, rất khó phát hiện, rất khó bắn trúng. Giá một chiếc F111A bằng 15 triệu đô la Mỹ, đắt tiền hơn cả B52.
       
        Biểu tượng in trên thân máy bay là một thanh kiếm cắm thẳng đứng. Từ lưỡi kiếm xòe ra hai cánh chim đại bàng. Bên dưới là một tấm lá chắn và một dòng chữ "TACTICAL AIR COMMAND" (Bộ chỉ huy Không quân chiến thuật). Bọn phi công F111 rất hãnh diện về biểu tượng này của chúng.
       
        Thế nhưng, trong những đợt tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng, 5 chiếc F111A đã bị bắn rơi, trên tổng số 48 chiếc được huy động. Tỷ lệ bị bắn rơi là 5/48 tức hơn 10%, một tỷ lệ quá cao mà Mỹ không thể ngờ tới.
       
        Vậy chúng ta đã hạn chế những điểm mạnh của máy bay F111 như thế nào để đạt được thành tích cao như thế?
       
        Theo kinh nghiệm đánh máy bay thấp, có người lái và không người lái của giặc Mỹ mấy năm trước, phục kích "đón lõng” (Chú thích: Đón lõng: đón đường đi quen thuộc của kẻ thù.) là biện pháp hay nhất. Để "đón lõng" có hiệu quả, phải phán đoán đúng đường bay F111 sẽ bay qua.
       
        Trên suốt đoạn đường bay dự kiến đó, dân quân, tự vệ các địa phương đã bố trí những trận địa phục sẵn của các loại súng, pháo tầm thấp, từ pháo cao xạ 37 ly đến súng trường. Thủ đô Hà Nội hồi ấy có gần 200 trận địa "đón lõng" như thế.
       
        Điều cần thiết trước hết là phải đặt những đài quan sát xa, thật xa phía trước, ở đó có những người "lính canh trời" ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ. Hệ thống đài quan sát của Quân chủng Phòng không - Không quân, cộng thêm các đài của các địa phương, hình thành một mạng quan sát có thể nói là dày đặc quanh Hà Nội. Khi phát hiện được F111 (nhìn thấy bằng mắt, nghe tiếng động cơ) (Chú thích: Tuy ban đêm, nhưng do F111 bay rất thấp, nên các đài quan sát nhiều lúc vẫn nhìn thấy bóng dáng của nó lướt qua, kèm theo tiếng động cơ gầm rít dữ dội.) các trinh sát viên phải lập tức thông báo ngay, bằng thông tin vô tuyến hoặc hữu tuyến. Có khi chùm vết đạn vạch đường của đơn vị phía trước bắn lên lại chính là sự báo hiệu cho các đơn vị phía sau kịp thời nổ súng.
       
        Còn phải đề ra chế độ trực chiến thật chặt chẽ: tất cả các nòng súng, nòng pháo quay về một hướng định sẵn, đạn lên nòng, sẵn sàng kéo cò, đạp cò, hễ nhận được thông báo và có lệnh là bắn ngay. Hàng loạt lưới lửa tung lên, dựng thành một màn đạn có chiều sâu, chặn đứng đường bay của F111. Trong hàng ngàn vạn viên đạn cỡ nhỏ ấy, chỉ cần một viên trúng chỗ hiểm, thì cho dù hiện đại mấy F111 cũng phải rơi.
       
        Một thiếu tá phi công Mỹ bị bắn rơi ở Hà Nội đã thú nhận: "Lưới lửa tầm thấp dày đặc của các ông thật đáng sợ? Một viên đạn cỡ 7,6 mi-li-mét từ khẩu súng trường bắn lên có thể gây tai họa cho máy bay phản lực chẳng khác gì một quả đạn tên lửa SAM".
       
        Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, 5 chiếc F111 đã bị chính lực lượng phòng không tầm thấp bắn hạ. Vài thí dụ cụ thể; đêm 20, tự vệ nông trường Thanh Hà, Hà Tây, bằng 44 viên đạn 12,7 ly đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F111A. Đêm 22, tự vệ của ba nhà máy thuộc quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng từ trận địa Vân Đồn, bằng 116 viên đạn 14,5 ly cũng hạ tại chỗ 1 chiếc F111A nữa ở Lương Sơn.
       
        Thế là bằng cách đánh sáng tạo, bằng lưới lửa tầng thấp rộng khắp của lực lượng phòng không ba thứ quân, chúng ta đã trị được chỗ mạnh của loại máy bay chiến thuật hiện đại nhất của không quân Mỹ hồi đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2016, 03:20:35 am »


        Những điểm yếu của B52:
       
        Câu hỏi 6: Phải chăng B52 Mỹ chỉ có chỗ mạnh mà không có chỗ yếu Những điểm yếu của B52 là gì? Ta đã lợi dụng chúng ra sao ?
       
        Đáp:
Người xưa đã từng nói: "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Muốn thắng địch, trước hết phải đánh giá chính xác sức mạnh của chúng, không đề cao, không hạ thấp, nhìn rõ chỗ mạnh để tìm cách chống lại, đồng thời thấy hết chỗ yếu để tìm cách trị nó.
       
        Như trên đã nêu, B52 là pháo đài bay (Chú thích: Pháo đài bay: tên gọi chung các loại máy bay ném bom cỡ lớn.) chiến lược vào loại ưu việt nhất của Mỹ thời ấy. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh đáng nể, B52 còn có những nhược điểm rất cơ bản.
       
        B52 to xác, kềnh càng, phải bay thăng bằng để ném bom, đường bay và tốc độ ổn định. Độ cao ném bom có hiệu quả của B52 là trên dưới 10 ki-lô-mét, rơi đúng vào tầm bắn lý tưởng của SAM2 và trong tầm hoạt động tốt của MIG 21. Chính vì thế, khi vào đánh Hà Nội, Hải Phòng, mặc dầu đã được che giấu kỹ sau màn nhiễu dày đặc, B52 đâu dám bay ban ngày, vì chúng sợ trở thành mồi ngon cho SAM và MIG (khí tài SAM2 có gắn hệ thống quang học, phi công MIG 21 có thể ngắm bắn B52 bằng mắt thường).
       
        B52 hồi đó chưa mang tên lửa hành trình. Nó chỉ có những quả bom nằm trong bụng và đeo dưới cánh. Để đến ném bom một khu vực mục tiêu có chiều sâu, những anh chàng khổng lồ này bắt buộc phải bay qua vùng hỏa lực nhiều tầng của đối phương mà nhiều giặc lái Mỹ đã gọi là "tọa độ lửa", là "vùng trời chết chóc", không thể tránh được.
       
        Nhiễu điện tử mà không quân Mỹ gây cho ta có cường độ rất mạnh, nhưng nó chỉ mạnh về phía trước, khi đang bay vào phía mục tiêu. Còn khi ở trạng thái bay chếch, bay ngang, bay ra, hoặc lúc vào gần thì phía hông, phía sườn, đằng đuôi và phía dưới bụng của nó lại yếu tạm gọi là những "góc chết", những "khu mù" mà có người đã ví là "gót chân Asin" (Chú thích: "Gót chân A-sin" (Achilles' heel): A-sin, vị anh hùng thần thoại nổi tiếng thời cổ Hy Lạp, người "không thể bị tổn thương" trừ nơi gót chân. Ông đã chết vì bị trúng một mũi tên độc vào đúng gót chân, trong cuộc chiến thành Tơ'roa.). Nhiễu điện tử là sản phẩm của họ, Mỹ thừa hiểu điều đó, nhưng không thể nào khắc phục hoàn toàn được. .. .
       
        Bay trong đêm tối, để khỏi đụng vào nhau, những chiếc B52 và máy bay tiêm kích đều phải bật đèn báo hiệu. Mỗi B52 có 7 đèn trên lưng. Hai bên đuôi có 2 đèn màu vàng. Ở hai đầu mút cánh cũng có đèn, cánh trái 2 đèn đỏ, cánh phải 2 đèn xanh, đều rất sáng.
       
        Những điểm yếu trên đây của B52 Mỹ lại là những điều thuận lợi đối với ta. Bộ đội ta đã tìm cách khoét sâu chính những sơ hở của địch để đánh bại chúng. Còn cách lợi dụng ra sao, có rất nhiều điều lý thú, ở đây không thể nói hết được, chỉ xin nêu vài thí dụ:
       
        - B52 bay thăng bằng, đường bay rất ổn định, khác với đường bay rất linh hoạt của các máy bay chiến thuật. Khi gặp trường hợp nghi ngờ F4 đóng giả B52, chiến sĩ ta chỉ cấn làm động tác "phóng tên lửa giả", kiểu đấm nhứ để thăm dò. Nếu đúng là F4 thì chúng lập tức nháo nhào cơ động tránh tên lửa, đường bay trở nên mất ổn định. Trên màn hiện sóng của chiến sĩ ta, qua các dạng nhiễu, chúng lộ nguyên hình là những chú "Bê" giả. Mà đã là "Bê" giả thì ta không đánh, để dành đạn mà đánh "Bê" thật.
       
        - Còn việc lợi dụng những "khu mù”? Biết rằng "khu mù” là hướng nhiễu nhẹ nhất trên đường bay tới của B52, chúng ta đã nghiên cứu một đội hình chiến đấu của ra-đa, tên lửa thật khôn khéo, đưa một số đơn vị vào bố trí ở hướng địch có "khu mù”, đồng thời tận dụng khả năng mọi loại khí tài, tạo thành một thế liên hoàn chặt chẽ, sớm phát hiện địch từ xa, ở mọi hướng, để có thể kết hợp đánh "vỗ mặt", đánh "tạt sườn" với đánh "tập hậu", để bắn rụng pháo đài bay.
       
        - Nhiễu của không quân Mỹ dù rất nặng, nhưng khi biểu hiện thành từng dải nhiễu trên màn hiện sóng của các chiến sĩ ta, chúng không thể nào không để lộ ra những đặc trưng điển hình của từng loại máy bay. Dựa vào những quy luật đó, anh em ta đã phân biệt được B52 với F4 để nhằm đúng đối tượng mà ra đòn tiêu diệt.
       
        - Lợi dụng việc B52 bật đèn, các phi công ta sau khi được sở chỉ huy mặt đất dẫn đến khu vực B52, từ xa đã có thể nhìn thấy những hàng đèn liên tục nhấp nháy, nhờ đó xác định được vị trí, hướng bay của B52 để nhanh chóng tiếp cận. Rồi cũng căn cứ vào đèn để ước lượng cự ly phóng tên lửa. Trong những đêm 26 và 27 tháng 12 năm 1972, các chiến sĩ lái Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều đã vận dụng xuất sắc kinh nghiệm này của Vũ Đình Rạng trên vùng trời tây Trường Sơn mùa đông năm trước.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM