Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:57:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ trên không  (Đọc 21177 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:13:15 am »

        
TỘI ÁC CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
TRONG CUỘC TẬP KÍCH CHIẾN LƯỢC BẰNG B52
VÀO HÀ NỘI, HẢI PHÒNG
       
        Câu hỏi 19: Tội ác của Mỹ trong chiến dịch ném bom Hà Nội Hải Phòng cuối năm 1972 như thế nào?
        
        Đáp: Cuộc tập kích bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12 năm 1972 là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếC B52 (Chú thích:Phía Mỹ công bố 729 phi vụ, gồm 340 phi vụ từ U-ta-pao, 389 phi vụ từ Gu-am.) và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc nước ta hơn 1001 ngàn tấn bom. Riêng Hà Nội, với 444 lần chiếc B52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, bằng 10 ngàn tấn bom (Chú thích:Bằng quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Mỗi quả tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT). Ních-xơn muốn biến Hà Nội thành một "Hi-rô-si-ma không cần bom nguyên tử”.). Chúng đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác
        
        Ta-go (Rabindranath Tagore), nhà thơ lớn, nhà "Nhân đạo vĩ đại của Ấn Độ, người từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi là "Đại văn hào mà cả thế giới đều kính trọng”, đã có một câu nói nổi tiếng: "Con người một khi trở thành thú thì còn ác hơn cả loài thú". Ních-xơn, Tổng thống Mỹ là một con "người-thú" như thế. Là một kẻ tàn bạo, cuồng sát, từng coi Tơ-ru-man (Truman) người đã ra lệnh ném 2 quả bom nguyên tử xuống đầu nhân dân Nhật Bản năm 1945 là "vị tổng thống dũng cảm nhất nước Mỹ"; kẻ bằng cái giọng hợm hĩnh và hống hách cực độ đã từng tuyên bố vào năm 1968 rằng: "Người Bắc Việt Nam cần phải hiểu là Ních-xơn đây sẵn sàng làm bất cứ việc gì để chấm dứt chiến tranh... hãy đừng làm cho tôi nổi giận và nên nhớ rằng tay tôi đang đặt trên nút phóng tên lửa hạt nhân... Nếu không, trong vòng hai hôm, Hồ Chí Minh phải có mặt ở Pa-ri để cầu xin hòa bình", thì nay, một lần nữa Ních-xơn lại tự thú nhận một cách trơ trẽn rằng: "Điều phân biệt tôi với Giôn-xơn là tôi có gan dùng sức mạnh của con bài B52 "
        
        Lễ Giáng sinh năm đó, mỉa mai thay, Ních-xơn vẫn cùng vợ đi đến nhà thờ. Ông ta cũng lầm rầm đọc kinh Phúc âm trước tượng Chúa, nhưng ngay hôm sau, 26 tháng 12, Ních-xơn đã cho B52 rải những chùm bom ác nghiệt xuống Hà Nội, gieo tai ương thảm khốc xuống các khu dân cư yên lành như Khâm Thiên, Yên Viên, Gia Lâm, Uy Nỗ... Trong hồi ký của mình, Ních-xơn kể lại: "Tôi đã đích thân ra lệnh tiến hành cuộc ném bom lớn nhất xuống các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng vào đêm 26 tháng 12" (Chú thích:Tốp B52 rải gần 90 tấn bom xuống Khâm Thiên vào lúc 22 giờ 47 đêm 26 tháng 12 năm 1972).

        Đêm hôm ấy, Khâm Thiên, một khu phố có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị một loạt bom B52 trùm kín cả chiều dài hàng ki-lô-mét. 2265 ngôi nhà bị phá sập, 287 người chết và 290 người bị thương.
        
        Tôi đã ghé qua Khâm Thiên vào buổi chiều sau cái đêm thảm sát đáng nguyền rủa ấy. Ở phía ngoài, con đường lớn chỉ bị nứt nẻ vài đoạn với ba căn nhà bị sập. Nhưng ở bên trong, đằng sau dãy phố chính ấy là cả một vùng trải dài hàng cây số đổ nát tan hoang. Những hình ảnh thương đau đập vào mắt tôi, nhức nhối. Khu phố đông dân gốm phần lớn là nhà ở của bà con lao động nghèo, đã bị một loạt bom "rải thảm" của B52 Mỹ biến thành bình địa. Hố bom chi chít, cùng với gỗ, đá, gạch, ngói vụn nát ngổn ngang. Một cụ già tóc bạc trắng, hai tay ôm đầu, ngồi yên lặng trước ngôi nhà thân yêu, kết quả của một đời chắt chiu, dành dụm, giờ dây chỉ còn mấy cây cột gãy đổ. Một bà mẹ, đôi mắt mọng sưng, lôi ra từ trong đống đổ nát những vật kỷ niệm còn sót lại của đứa con trai vừa bị bom Mỹ cướp đi mạng sống. Trong khói lửa chưa tan, nhiều nhóm người hối hả đào bới, tìm kiếm thi thể người thân. Đây đó vang lên những tiếng than khóc não ruột, xé lòng.
        
        Về sau, tôi được biết thêm ở đây có căn nhà số 22 của chị em Lan và Phượng. Cả hai đều là sinh viên, chị sinh viên năm thứ ba, em năm thứ nhất. Bố mẹ và gia đình đều đã đi sơ tán. Đêm 26 tháng 12, một trái bom Mỹ đã biến căn nhà ấy thành một hố sâu. Không còn gì hết ngoài một tập sách cháy dở và một vài mảnh áo bông thấm máu của hai chị em Lan và Phượng.

---------------
1. Dễ dàng nhận thấy sách in thừa 1 số 0. Vì nếu là 100 ngàn tấn thì:
         100.000 / số phi vụ = 100.000 / (729 + 3920) = 21 tấn/ phi vụ. Nghĩa là mỗi máy bay trung bình chở 21 tấn bom, quá lớn so với máy bay ngày ấy. 


« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2016, 11:25:17 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:17:19 am »

        Còn có gia đình ông Đoan, khi bom B52 nổ, ông bà bị chết vùi ngay dưới chân cầu thang. Hai cô con gái của ông bà kịp chạy xuống hầm. Nhưng cửa hầm sập và một ống nước gần đó bị vỡ. Nước tuôn như xối vào căn hầm nhỏ. Hai chị em thét lên kinh hãi và bằng đôi tay nhỏ yếu của mình, cuống cuồng đào bới. Nhưng khối nước vô tình cứ dâng lên, dâng lên mãi cho đến khi toàn bộ căn hầm bị nước ngập đầy.
       
        Ở thôn Gia Thụy, Gia Lâm có gia đình bác Hiển, chỉ trong một trận bom, cả nhà 10 người, chết 9. Gia đình bác Quốc bị một quả bom cướp đi sinh mạng của bà mẹ già cùng đàn cháu thơ.
       
        Tại thị trấn Yên Viên có một chiếc xe ca đang chở khách. Bom B52 đã biến chiếc xe ca thành một đống sắt bẹp dúm. Nhiều người chết và bị thương nặng. họ lần lượt được đưa ra khỏi xe. Chỉ còn một cô gái trẻ bị thương ở cánh tay, máu chảy lênh láng. Còn đôi chân thì bị kẹp cứng giữa hai chân ghế, không sao rút ra được. Các anh công an, dân phòng đã dùng đến xà beng để cạy gỡ, nhưng cuối cùng vẫn bó tay. Giữa cảnh đêm khuya rùng rợn ấy, tiếng kêu la đau đớn, tuyệt vọng của cô gái còn kẹt lại trong xe, cứ vang lên não nuột từng hồi cho đến khi hoàn toàn lịm tắt.
       
        Trước đó bốn hôm, vào lúc 2 giờ 38 phút rạng sáng 22 tháng 12, bệnh viện Bạch Mai một cơ sở y tế dân sự vào loại lớn nhất miền Bắc hồi ấy cũng đã bị B52 Mỹ dội bom. Tòa nhà chính của bệnh viện đổ sập, đè lên những căn hầm, trong đó có rất nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế đang ẩn nấp. Ban lãnh đạo bệnh viện đã làm đủ mọi cách mà đành bất lực.
       
        Không có chiếc xe cẩu nào đủ sức nhấc nổi khối bê tông và gạch đá khổng lồ ấy. Tiếng kêu khóc từ trong lòng đất vang lên yếu ớt, nghe như từ cõi xa xăm vọng về. Các bác sĩ, y tá đã phải dùng những ống cao su nhỏ, luồn qua những khe nứt để bơm sữa xuống cho những người bị nạn. Sau đó nhiều người đã chết vì ngạt, vì đói hoặc vì chấn thương.
       
        Có một câu chuyện đau lòng mà báo chí hồi đó đã đưa tin. Một đôi trai gái, đều là bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, đã chuẩn bị ngày hôn lễ. Thiếp mời dự tiệc cưới đã gửi đến tất cả bè bạn. Vậy mà, đêm nay, những quả bom độc ác của Nich-xơn đã cướp đi mạng sống và hạnh phúc của hai người.
       
        Em Đặng Thị Hà, 16 tuổi, học sinh lớp 10 ở khu phố Gia Lâm, đã bị bom Mỹ giết hại ngay trong đêm 18. Cha em, ông Đặng Văn Phúc đã làm bài thơ khóc con bằng những lời thống thiết:

                "Cha khóc con bằng máu trái tim
                Sao nó lại giết con,
                                             Hà ơi! Sao thế?
                Dấu hỏi lớn xoáy vào lòng cha, đau xé!"

       
        Và còn biết bao chuyện thương tâm khác nữa. Nhân dân ta căm hờn đến nghẹn cổ khi nghĩ đến những kẻ luôn khoe mình là văn minh nhất thế giới, "nhân quyền" nhất thế giới, lại đem ưu thế tuyệt đối của sức mạnh không quân, dội đau thương tang tóc lên đầu một dân tộc khác (Chú thích:Không chỉ tàn sát người Việt Nam, trong 12 ngày đêm năm 1972, máy bay Mỹ còn ném bom, phóng tên lửa vào cả những cơ quan đại diện ngoại giao, những Đại sứ quán (Pháp, Ấn Độ, Cu-ba, Ai Cập, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, An-ba-ni, Cam-pu-chia...).
       
        Ném bom vào bệnh viện Bạch Mai, rắc bom xuống những khu phố, thị trấn, làng mạc đông dân như Khâm Thiên, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương hoàn toàn không phải là sự nhầm lẫn của không lực Hoa Kỳ mà là ý đồ đen tối của nhà cầm quyền Mỹ. Bên cạnh những mục tiêu quân sự, kinh tế cần phải hủy diệt, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc còn có âm mưu đánh vào những mục tiêu dân sự, nhằm gây tổn thất, thương vong lớn về sinh mạng, làm cho tinh thần dân ta khiếp đảm, lòng dân ta hoang mang. Chúng hy vọng một bộ phận dân chúng sẽ đứng lên gây áp lực, phản đối chính quyền ta đã không chịu nghe theo lời Mỹ, buộc Mỹ phải ném bom rồi đổ trách nhiệm cho nhà cầm quyền Hà Nội. Rõ ràng đây là một âm mưu chính trị, vừa thâm độc vừa bạo tàn. Nhưng đế quốc Mỹ đã lầm to. Tội ác của chúng trong những ngày tháng chạp năm 1972 đã không làm cho quân dân ta nao núng, ngược lại chỉ làm tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm chiến đấu của quân dân ta mà thôi.
       
        Thực tế diễn ra trong chiến dịch 12 ngày đêm đã chứng minh điều đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:28:37 am »

       
         Câu hỏi 20: Hành động man rợ của Ních-xơn và phe lũ đã bị nhân dân thế giới lên án ra sao
       
        Đáp: Gieo gió ắt gặt bão, hành động tàn bạo, man rợ của Mỹ đã bị cả loài người có lương tri phẫn nộ lên án. Năm mươi chính phủ (kể cả những nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu), 15 tổ chức quốc tế và nhiều nghị sĩ trong Hạ viện, Thượng viện Mỹ đã kịch liệt phê phán Ních-xơn.
       
        Ông Oét-đơn Ây Brao (Weddon A Brown) Giáo sư lịch sử Viện Bách khoa Viếc-gi-nia (Virginia) Mỹ, trong cuốn sách "Chiếc trực thăng cuối cùng kết thúc vai trò của Mỹ ở Việt Nam" đã viết:
       
        "Trước mắt toàn nhân loại, hình ảnh của nước Mỹ thật là đen tối. Bạn bè của Mỹ trong Hạ nghị viện Ca-na-đa đã coi hành động này là rất xấu xa và họ đã đồng loạt bỏ phiếu phản đối Mỹ".
       
        Tờ báo Pháp "Thế giới" (Le Monde) gọi các cuộc ném bom của Mỹ là "hành động kinh tởm, có thể sánh với các cuộc ném bom tàn sát của phát xít Hít-le".
       
        Một tờ báo Nhật Bản nhận xét: Mỹ là "tên khổng lồ mù quáng". Một bản tin ở Ác-hen-ti-na (Argentina) đã gọi các cuộc không tập của Mỹ là "hành động diệt chủng".
       
        Tổng thư ký Liên hiệp quốc Van-hem (Kurt Waldheim) lên tiếng tỏ ý "bất bình". Còn Giáo hoàng Pôn II (Paul II) thì bày tỏ "đau đớn sâu sắc trước con số quá lớn những nạn nhân do Mỹ gây ra".
       
        Thủ tướng Thụy Điển, ông Ô-lốp Pan-mơ (Olop Palme) vạch trần "Tội ác của Mỹ có thể so sánh với các cuộc tàn sát man rợ nhất của bọn Đức quốc xã trong đại chiến thế giới lần thứ hai".
       
        Thủ tướng Tây Đức Bơ-ren (Willy Brandt) giữ thái độ im lặng ngoại giao, nhưng trong khi nói chuyện với bạn bè, ông đã phê phán cuộc ném bom của Ních-xơn là "kinh tởm và không thể hiểu nổi".
       
        Chủ tịch Công đảng Anh Roi-gien-kin (Royjenkins), bạn gần gũi của Mỹ, cũng gọi cuộc ném bom bằng B52 xuống Hà Nội là "hành động mất lòng người nhất trong lịch sử gần đây".
       
        Vừa từ châu Âu trở về, ông Cốp-pơ (De Lon Cooper)Giáo sư trường Đại học Brown (Mỹ), người vừa được giải Nô-ben về vật lý đã thông báo rằng "ở Việt Nam, Mỹ đang tự biến thành những tên Đức quốc xã".
       
        Mọi người còn nhớ chị Giên Phôn-đa (JaneFonda)  (Chú thích: Jane Fonda, ngôi sao sáng Hollywood, giải Oscar 1971, người đứng cạnh nhân dân Việt Nam chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.) nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng Mỹ đã từng khóc như mưa trước tội ác của Mỹ ở Việt Nam: "Tôi đau cho nỗi đau mất mát của nhân dân Việt Nam, cho nỗi đau mất mát của chính đất nước tôi, một nước tự cho là văn minh giờ đây có nguy cơ trở lại thời kỳ hoang dã”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:30:38 am »

         Có một người đồng lõa với Ních-xơn trong kế hoạch dùng B52 hủy diệt Hà Nội, những năm về sau, có lẽ bị cơn ác mộng Việt Nam ám ảnh và do lương tâm bị cắn rứt, đã viết lên những chương sám hối trong cuốn hồi ký của ông ta. Đó là tiến sĩ Kít-xinh-giơ, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, cố vấn đặc biệt đoàn đàm phán của chính phủ Hoa Kỳ tại hội nghị Pa-ri. Trong cuốn hồi ký nhan đề "Những năm tháng ở Nhà Trắng” (Chú thích: Hen ri Kissinger, Những năm tháng ở Nhà Trắng, Nxb Fayard, Paris, 1979.), Kít-xinh-giơ kể về quá trình dẫn đến cuộc hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II, sự thất bại thảm hại của nó, nỗi nhục của nước Mỹ, sự phẫn nộ của mọi người trên thế giới và trong nước Mỹ đối với Ních-xơn và ông ta.
       
        Trong hồi ký, Kít-xinh-giơ liệt kê ra hàng loạt những thí dụ về sự lên án ấy. Sau đây là những đoạn trích dẫn khá thú vị:
       
        "Báo Mặt trời Ban-ti-mo" nhận xét: "Đây là sự kết thúc của một "trò chơi chữ" ở Việt Nam, ám chỉ câu nói "Hòa bình đã ở trong tầm tay" của tôi đưa ra để xoa dịu dư luận và đánh lạc hướng Hà Nội sau khi có thỏa thuận tháng 10".
       
        "Thời báo Niu Yoóc" đặt câu hỏi: "Chủ trương ném bom Hà Nội là một sự lừa dối hay là sự thơ ngây của chính quyền?" và phê phán; "Bằng hành động này, Ních-xơn đã làm cho nền văn minh của nước Mỹ sụp đổ. Nước Mỹ có nguy cơ trở lại thời kỳ đồ đá, trở thành đất nước của những kẻ dã man".
       
        "Tờ Bưu điện thành Lu-i", dưới tiêu đề "Sự điên khùng mới ở Việt Nam” có đoạn viết: "Mỹ càng ném bom thì sự phẫn nộ của dư luận càng tăng. Nhiều người tin rằng chính phủ Mỹ đang cố tình sát hại hàng loạt dân thường trong một chiến dịch khủng bố hết sức bừa bãi”.
       
        "Báo “Quả cầu Bô-xtơn" tố cáo: "mưa bom B52 tiếp tục gây thêm chết chóc mỗi ngày".
       
        "Tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn" cho rằng: "Đây là những cuộc ném bom khủng bố”.
       
        "Báo Tin hàng ngày Si-ca-gô" nhận xét: "Đưa máy bay B52 "rải thảm" lên đầu người dân Thủ đô Hà Nội là điều sỉ nhục đối với mọi người trên trái đất".
       
        "Thời báo Lốt An-giơ-lét": "Đây là tội ác gieo rắc chết chóc và kinh hoàng không thể tha thứ được và là hành động bất chấp mọi lý trí”.
       
        Kít-xinh-giơ viết tiếp:
       
        "Những dẫn chứng trên đây chẳng qua chỉ là vài thí dụ. Trong thực tế, tôi đã nhận được một số lượng thư không thể đếm xuể, phản ứng một cách gay gắt, từ các bạn bè đến các công dân đầy phẫn nộ".
       
        "Những lời buộc tội hành vi phi đạo lý và lừa dối cứ bao vây lấy tôi trong cả thời gian dài. Tính từ man rợ là một từ được nhiều người tặng tôi nhất". Trong quốc hội thì sự phê phán cũng tăng theo thời gian. Thượng nghị sĩ Ma-xki nhận xét: "Chiến dịch ném bom là sai lầm và nguy hại". Nghị sĩ Da-vít đe dọa: "Sẽ kêu gọi Quốc hội cắt ngân sách". Nghị sĩ Sác-bơ nguyền rủa: "Ních-xơn là kẻ không còn lý trí". Nghị sĩ Men-xphin (Chú thích: lên án: "Đây là chiến thuật man rợ của thời kỳ đồ đá". Nghị sĩ Le-xta ví: "Cuộc ném bom bằng B52 là cuộc truy lùng của ma quỷ". Còn nghị sĩ Ken-nơ-đi thì khẳng định: "Chiến dịch ném bom dịp Nô-en làm nổi giận lương tâm tất cả mọi người".
       
        Đó là trong nội bộ nước Mỹ, còn đối với thế giới, Kít-xinh-giơ kể thêm:
       
        "Sự phê phán của các nước cũng rất quyết liệt. Các chính phủ Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Bỉ... đều lên tiếng phản đối và phê phán hành động của chúng tôi là thất nhân tâm, là không thể bào chữa được. Quyết liệt nhất là chính phủ Thụy Điển. Họ đã so sánh chúng tôi với phát xít Hít-le...".
       
        Búa rìu dư luận tới tấp dồn Ních-xơn, Kít-xinh-giơ và phe lũ vào chiếc ghế của những kẻ bị cáo lớn nhất thời đại.
        Những điều Kít-xinh-giơ viết ra trong tập hồi ký kể trên là những lời tự thú đáng để cho mọi người suy ngẫm.
       
        Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau của nhân dân Việt Nam vẫn còn đó chưa nguôi. Những lời nguyền rủa hành động tội ác diệt chủng của bè lũ Ních-xơn năm nào như vẫn còn nhắc nhở mọi người trên trái đất hãy cảnh giác.
       
        Bản chất của chủ nghĩa đế quốc vẫn không hề thay đổi. Lòng dạ của những người cầm đầu nước Mỹ, mà đằng sau lưng họ là những nhà tài phiệt, những tay lái súng, những ông trùm sản xuất, buôn bán vũ khí và phương tiện chiến tranh, những ông vua dầu lửa vẫn không hề lương thiện hơn chút nào. Sự kiện Kô-xô-vô (Kosovo) cùng với hành động diệt chủng nhân danh "can thiệp nhân đạo”, "bảo vệ nhân quyền" của Mỹ và NATO giáng xuống đầu nhân dân Nam Tư trong suốt 78 ngày đêm đầu năm 1999, một lần nữa, là lời cảnh báo khẩn thiết cho tất cả mọi dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:32:21 am »

          
ĐÔI ĐIỀU BÊN LỀ CUỘC CHIẾN ĐẤU
       
        Câu hỏi 21: Trên thân mỗi chiếc B52 đều có in hình một tấm phù hiệu Không quân chiến lược Mỹ. Nội dung của tấm phù hiệu ấy nói lên điều gì?
       
        Đáp: Đêm 18 tháng 12, người đầu tiên báo cáo tin chính xác về chiếc B52 bị tên lửa ta bắn trúng rơi xuống Phù Lỗ là Võ Công Lạng, Trung đoàn phó Trung đoàn Tên lửa H61. Ra đi từ sở chỉ huy, sau hàng giờ lặn lội, vượt qua những nơi vừa bị bom Mỹ tàn phá, xe của anh đã đến được cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ. Cả một đống xác máy bay khổng lồ đang cháy dở báo cho anh biết chắc đó là B52 rồi. Nhưng để bảo đảm chắc chắn hơn, anh soi đèn pin cố tìm cho được một cái gì đó dặc trưng của pháo đài bay Mỹ. Và diều anh mong đợi đã đến! Trên một mảnh vỏ máy bay anh phát hiện: một tấm phù hiệu màu sắc sặc sỡ. Nhìn kỹ, thì thấy trên đó vẽ một quả đấm sắt, ba tia chớp, một cành nguyệt quế cùng một hàng chữ STRATEGIC AIR COMMAND. Nhờ biết đôi chút tiếng Anh, Lạng hiểu ngay đó là Bộ chỉ huy Không quân chiến lược. Anh muốn cắt lấy tấm phù hiệu ấy, nhưng với con dao găm nhỏ bé không làm sao cắt được, nên anh lại phải tiếp tục đi tìm. Bỗng một tấm nhãn kim loại nhỏ bằng tấm nhãn vở học trò, đập vào mắt anh, trên đó có ghi chữ "Aircraft Model B52G". Võ Công Lạng sướng run người lên, vội vàng rút dao găm, cạy lấy tấm nhãn hiệu, đút túi, mang về.
       
        Kết quả chuyến đi của Võ Công Lạng làm náo động cả Sở chỉ huy. Trung đoàn trường Trần Hữu Tạo, cầm tấm nhãn B52G trên tay, trong nỗi niềm xúc động, anh thông báo chiến công đầu vẻ vang cho toàn trung đoàn, sau đó báo cáo lên Sở chỉ huy Sư đoàn B61. Chính ủy Sư đoàn Trần Văn Giang, Tư lệnh Sư đoàn Trần Quang Hùng quá đỗi mừng vui, bằng đường dây nóng, báo cáo tin B52 rơi tại chỗ lên Tổng hành dinh và Sở chỉ huy Quân chủng.
       
        Thế là B52 Mỹ đã bị SAM2 của ta bắn rụng giữa bầu trời Thủ đô. Mấy ngày sau trên một tờ báo Hà Nội có đăng ảnh một nữ dân quân, trẻ khỏe, chân mang dép lốp vai khoác súng trường, đang đạp lên tấm phù hiệu biểu tượng của Không quân chiến lược Mỹ. Nhiều người thắc mắc về những hình vẽ trên tấm phù hiệu ấy, nhưng không ai giải thích được rõ ràng.

        Mãi về sau khi nghe bọn giặc lái khai ra mới biết: Quả đấm sắt tượng trưng cho tinh thần kỷ luật sắt thép của quân đội Mỹ; ba tia chớp thể hiện sức mạnh ghê gớm của B52; còn cành nguyệt quế, theo truyện thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho chiến thắng và vinh quang.
       
        Những ai yếu bóng vía nhìn thấy những quả đấm sắt và tia chớp ấy chắc phải sởn da gà. Nhưng với nhân dân Việt Nam thì những thứ đó làm sao hù dọa được Hà Nội, Hải Phòng... đã dám đương đầu với B52 Mỹ và đã kéo cổ chúng từ độ cao 10 ngàn mét xuống tận đất đen.
       
        Dưới bàn chân mang dép lốp của cô dân quân Việt Nam, thần tượng của Không lực Hoa Kỳ, những thứ gọi là siêu đẳng, bất khả xâm phạm, là biểu tượng của kỷ luật nghiêm minh, của sức mạnh khủng khiếp, của chiến thắng và vinh quang... tất cả đều trở thành lố bịch.
       
        Chiến thắng, vinh quang không thuộc về những kẻ xâm lược, bạo tàn.
       
        Chiến thắng và vinh quang thuộc về quân dân anh hùng của chúng ta.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2016, 11:37:23 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:41:53 am »

       
        Câu hỏi 22: Khi bắt được phi công Mỹ, ngoài súng đạn và trang bị cá nhân, ta còn thu được một lá cờ, gọi là "cờ xin ăn”. Lá cờ đó ra sao?
       
        Đáp: Chắc hẳn mọi người còn nhớ tấm hình chụp một cô du kích Việt Nam bé nhỏ, súng cầm tay, đang áp giải một phi công Mỹ cao lớn. Dưới tấm ảnh có kèm bốn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu:

                "O du kích nhỏ giương cao súng
                Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
                Ra thế! To gan hơn béo bụng
                Anh hùng đâu cứ phải mày râu"

       
        Tấm hình này được phổ biến rộng rãi trên báo chí nhiều nước. Đặc biệt ở Cu-ba, nó được phóng to nhiều lần, dựng trên các quảng trường lớn, gây ấn tượng rất sâu sắc. Viên phi công trong tấm ảnh đó là Rô-bin-xơn (Robinson), bị bắn rơi ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 20 tháng 9 năm 1965. Vừa chạm đất chưa kịp chạy trốn, Rô-bin-xơn đã bị hàng chục người Việt Nam, cả nam lẫn nữ xông vào bắt sống.
       
        Mọi thứ trong người hắn đều bị tịch thu: trước hết là máy liên lạc cấp cứu, tiếp theo là súng ngắn, băng đạn, dao găm, đèn pin, phao bơi, bông băng cá nhân, thuốc chống muỗi, chống vắt, kim chỉ, lưới bắt cá, lưỡi câu sách hướng dẫn tự cứu (trường hợp rơi xuống biển hay lạc vào rừng sâu. . . ) và cả sách Kinh Thánh. Đặc biệt còn có một mảnh vải lụa mỏng, cỡ 20x40cm, in cờ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bên dưới có in những hàng chữ nhỏ li ti. Đó là lời thỉnh cầu của viên phi công, nếu bị bắt thì xin được cho ăn, cho ở, được che chở, bảo vệ. Những câu chữ ấy được in bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Hoa, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xia... .
       
        Hôm ấy các chiến sĩ dân quân và bà con trong xóm vây quanh anh cán bộ xã đội, cạnh đó là Rô-bin-xơn ngồi ủ rũ, nghe anh đọc những câu tiếng Việt in dưới lá cờ. Khi nghe đến câu: "Nhờ quý ông giúp đỡ cho tôi được về nước, chính phủ chúng tôi sẽ đền ơn cho quý ông” , thì mọi người bỗng cười phá lên. Có những cô gái ôm nhau cười ngặt nghẽo. Tên giặc lái không hiểu gì, cúi gằm mặt, lấm lét. Có lẽ hắn chưa nhận thức được một điều đơn giản nhất: chính quyền Mỹ đưa hàng triệu quân sang đây bắn giết dân thường, cho hàng ngàn máy bay đến ném bom tàn sát người vô tội, mặc nhiên đã biến mỗi người dân hiền lành của đất nước này trở thành một chiến sĩ kiên cường chống giặc cứu nước.
       
        Làm gì có chuyện ai đó lại đi giấu giếm, che chở cho những kẻ vừa dội bom lên đầu mình, giúp đỡ đưa nó về nước để được chính phủ Mỹ đền ơn.
       
        Nực cười hơn nữa là trong những câu xin xỏ của phần tiếng Việt, chúng chỉ cầu xin "quý ông", còn "quý bà" thì chúng không nhắc tới. Và đó là lý do làm cho các chị em ôm nhau cười. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, chính các "quý bà" đã cùng các "quý ông" dân quân tự vệ bắn rơi biết bao máy bay, tóm cổ biết bao phi công Mỹ. Thú vị thay, người dẫn độ Rô-bin-xơn từ xã lên huyện hôm nay, lại không thuộc phái mày râu, mà chính là cô Trần Thị Kiên Lai, "o du kích nhỏ" của xã Phúc Trạch kiên cường.
       
        Trong chiến dịch 12 ngày đêm, phái nữ Việt Nam cũng lập thành tích xuất sắc, phối hợp chiến đấu với bộ đội bắn rơi nhiều máy bay kể cả máy bay F111 và bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có nhiều giặc lái B52 của Không quân chiến lược Hoa Kỳ.

        Bàn chân của các nữ dân quân ta cũng đã từng phẫn nộ đạp lên những lá "cờ xin ăn" nhục nhã ấy. Để giới thiệu rõ hơn, xin dẫn ra đây đoạn lời ghi bằng tiếng Anh:
       
        "I am a citizen of the United States of America. I do not speak your language. Misfortune forces me to seek your assistance in obtaining food, shelter and protection. Please take me to someone who will provide for my safety and see that I am returned to my people. My government will reward you”. .
       
        Và sau đây là đoạn ghi bằng lời Việt:
       
        "Tôi là người Mỹ. Tôi không nói được tiếng Việt. Gặp bước không may tôi phải nhờ quý ông giúp đỡ kiếm thức ăn, chỗ ở và nhờ bảo vệ tôi. Rồi tôi muốn nhờ quý ông đưa tôi về nước. Chính phủ chúng tôi sẽ đền ơn cho quý ông”.
       
        Trong buổi gặp gỡ một phái đoàn Mỹ tại nhà khách Chính phủ ta tại Hà Nội ngày 23 tháng 6 năm 1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với ông Mắc Na-ma-ra (Robert Mc Namara), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ rằng: "Mỹ không thắng được ở Việt Nam vì Mỹ không hiểu Việt Nam". Do không hiểu Việt Nam nên Mỹ đã liên tiếp phạm sai lầm và liên tiếp thất bại.
       
        Qua cái lá "cờ xin ăn" xấu xa và trơ trẽn này người ta cũng thấy rằng Mỹ chẳng hiểu gì về đất nước và con người Việt Nam cả. Mỹ thua trong toàn bộ cuộc chiến tranh cũng như thua trong đợt tập kích bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng năm 1972 là điều dĩ nhiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:44:09 am »

        
         Câu hỏi 23: Một vài tờ báo đưa tin: có những nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu cải tiến thành công bộ phận nâng cao tầm bắn cho tên lửa SAM2, nhờ đó mới hạ được B52 của Mỹ. Độ chính xác của nguồn tin đó?
        
        Đáp: Nguồn tin trên hoàn toàn không có cơ sở. Sự đóng góp của các nhà khoa học quân sự Việt Nam, của các chuyên gia Liên Xô cùng cán bộ nhân viên kỹ thuật. của Quân chủng Phòng không - Không quân trong quá trình cải tiến khí tài tên lửa SAM2 để chống nhiễu, chống hỏa tiễn Sơ-rai, hoặc để tránh tình trạng đạn tên lửa ta bị mất điều khiển, rơi xuống đất... là vô cùng đáng trân trọng. Năm lần cải tiến lớn đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu suất chiến đấu và hạn chế tổn thất cho bộ đội tên lửa, đã được ghi nhận như là những chiến công (Trong việc giúp Việt Nam cải tiến tên lửa SAM2 qua quá trình chiến đấu với không quân Mỹ, các chuyên gia Liên Xô như Tổng công trình sư Sáp-cun , kỹ sư trưởng tên lửa Sa-pen-cô là những người có công lao rất lớn.). Tuy nhiên, việc cải tiến để nâng tầm bắn cho SAM2 thì không hề có.
        
        SAM2 là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Surface - To Air Missile Type 2" (Tên lửa đất đối không kiểu 2) do phương Tây đặt ra để gọi một loại tên lửa của Liên Xô, mang tên Đờ-vi-na, tên của một dòng sông Nga. Tên lửa Đờ vi na ký hiệu CA-75M, cải tiến từ SAM1 được Liên Xô trang bị cho Việt Nam từ đầu năm 1965.
        
        Bản thân SAM2, tự nó đã có tính năng bắn tới độ cao 27 ki-lô-mét, độ xa 34 ki-lô-mét, vượt hơn hẳn tầm bay cao của B52 Mỹ. Ngay SAM1 cũng đã có thừa khả năng đó.
        
        Dẫn chứng cụ thể là ngày 1 tháng 5 năm 1960, một máy bay trinh sát tầng cao kiểu U2 của Mỹ (Tổng thống Mỹ lúc này là Ây-xen-hao (Eisenhouer), do phi công Pau-ơ (Gay Powers) lái, cất cánh từ một sân bay ở Pa-kít-xtan, xâm nhập bầu trời Thủ đô Mát-xcơ-va, đã bị tên lửa SAM1 của Liên Xô bắn hạ trên vùng trời Xvéc-lốp (Sverdlovsk ) ở độ cao 20 ki-lô-mét.
        
        Còn ở Việt Nam thì ngay từ ngày đầu ra quân, tên lửa SAM2 của ta, cụ thể là Tiểu đoàn 64, Trung đoàn H36, ngày 26 tháng 7 năm 1965 đã hạ tại chỗ một máy bay trinh sát không người lái BQM 34A của Mỹ ở độ cao 19 ki-lô-mét trên bầu trời Hà Tây. Hoặc như ngày 7 tháng 2 năm 1966, tại Hà Nội, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn H38 cũng bắn rơi tại chỗ một chiếc BQM 34A ở độ cao 20 ki-lô-mét. Bác Hồ đã trực tiếp đến xem phòng trưng bày xác chiếc máy bay này. Và còn nhiều trường hợp khác nữa.
        
        Ở đây xin được nói thêm về uy lực của SAM2. Đầu đạn tên lửa SAM2 chứa một khối lượng thuốc nổ bằng 200 ki-lô-gam TNT, có sức công phá rất mạnh. Khi viên đạn bay lên, còn cách mục tiêu 60 mét, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích thích đầu đạn tự nổ. Nếu gặp đạn SAM2, cùng một lúc phải chịu đựng sức dồn ép cực mạnh của sóng xung kích, sức nóng hàng ngàn độ của một quả cầu lửa bùng lên, với số lượng 12 ngàn mảnh đạn phóng ra, pháo đài bay B52 của Mỹ dù rất to xác nhất định cũng phải rơi.
        
        Qua những thí dụ kể trên, chúng ta thấy rõ việc cải tiến nâng cao tầm bắn cho tên lửa SAM2 là không cần thiết, mà trong thực tế là không hề diễn ra. Đây là sự hiểu lầm đáng tiếc của một vài nhà báo (Có thể nhầm lẫn với việc cải tiến nâng tầm bắn cho một loại tên lửa đất đối đất của Binh chủng Pháo binh.). Một lần nữa chúng tôi xin được cải chính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:46:04 am »

        
        Câu hỏi 24: Có một người Việt xa quê hương đã hiến kế đánh B52. Sự việc cụ thể ra sao?
        
        Đáp: Đây là một câu chuyện xúc động về một người Việt xa quê, sinh sống ở nước Anh mà chúng tôi tin rằng đó là một nhà khoa học. Với tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc, sau nhiều ngày nghiên cứu, ông đã hoàn thành một tài liệu gọi là "Hiến kế đánh máy bay B52", dày 16 trang đánh máy. Phần chủ yếu của tài liệu mang đề "Mìn trên không chống oanh tạc cơ B52".
        
        Tài liệu được ông gửi về nước qua đường Bộ Ngoại giao. Ngày 20 tháng 9 năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân nhận được một công văn "Thượng khẩn" của Thiếu tướng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, kèm theo tài liệu hiến kế nói trên.
        
        Nội dung tài liệu được tác giả trình bày rất cụ thể. Theo hình vẽ, đó là một quả mìn treo dưới một quả khinh khí cầu, với kích thước được hướng dẫn rất chi tiết và vẽ bằng bút màu. Tiếp theo, tài liệu trình bày cách bố trí những quả khinh khí cầu trên không, ở hướng B52 bay vào.
        
        Phần kết luận tác giả viết: "ưu điểm của lưới khinh khí cầu nằm ở sự bất ngờ của nó và ở tính chất toán học của lưới. Sẽ không có chiếc B52 nào thoát khỏi, do nơi chúng bay mau, khó xoay trở quanh co. Thêm nữa, khinh khí cầu lại hoàn toàn vô hình đối với ra-đa của Mỹ".
        
        Qua câu chữ của tác giả, chúng tôi nghĩ rằng ông gốc là người con của miền Nam. Tiếc thay cho đến bây giờ chúng tôi vần không biết được họ tên của ông để giới thiệu lên trang sách này.
        
        Thiếu tướng Đinh Đức Thiện dặn dò trong công văn: "Nếu có điều nào chưa rõ thì các anh gửi thư lên chỗ tôi, tôi sẽ chuyển qua Bộ Ngoại giao nhờ hỏi lại. Nếu thấy cần thiết, mời vị ấy về trao đổi cụ thể, vào lúc nào đó thì các anh cũng cho biết để nhờ Bộ Ngoại giao có thể mời về được”.
        
        Nhưng rất tiếc là trong thời gian này, tình hình đất nước diễn biến rất khẩn trương, bộ đội phòng không không quân vừa chiến đấu ở phía trước, vừa sẵn sàng chiến đấu ở phía sau, lại vừa phải ra sức chuẩn bị mọi mặt để đối phó với âm mưu mới phức tạp của Mỹ, cho nên, mặc dầu rất cảm kích và biết ơn tấm lòng của một người con đất Việt, tuy ở nơi đất khách quê người, vẫn quan tâm sâu sắc đến vận mệnh đất nước, Bộ Tư lệnh Quân chủng vẫn đề nghị Thiếu tướng Đinh Đức Thiện chuyển tài liệu này cho cơ quan trên Bộ có điều kiện hơn để nghiên cứu.
        
        Chuyện đó rồi cũng qua đi, vì được biết "lưới mìn khinh khí cầu" có chỗ khó thực hiện. Vào năm 1967, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã từng thả khinh khí cầu chặn máy bay địch bay thấp, dây thả bóng ngắn, vài ba ki-lô-mét mà còn khó khăn. Giờ đây chặn B52 ở độ cao 10 ki-lô-mét, việc đó rõ ràng quá khả năng của chúng ta.
        
        Dầu sao, qua câu chuyện này, chúng ta cũng hiểu thêm tấm lòng hướng về Tổ quốc của bà con người Việt ở nước ngoài, mong muốn được góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2016, 11:52:04 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:54:25 am »

        Đã từ lâu lắm, cách đây hơn 80 năm, phong trào yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài đã hình thành ở Pháp, vào thời điểm xuất hiện các nhà yêu nước Việt Nam lỗi lạc; Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc.
       
        Phong trào đặc biệt sôi nổi vào mùa xuân năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp dự hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô (Fontainebleau). Những cuộc nghênh tiếp trọng thể, những buổi gặp gỡ thân tình giữa Cụ Hồ với đại biểu các giới trí thức, công nhân đã gắn bó tình cảm tha thiết của bà con ta ở nước ngoài đối với vận mệnh của Tổ quốc, từ đó, cho đến suốt cả 30 năm sau.
       
        Từ khi hai phái đoàn đàm phán của hai miền Nam-Bắc nước ta sang dự Hội nghị Pa-ri năm 1969, kiều bào ta ở Pháp, phối hợp với bạn bè Pa-ri, đã tổ chức những cuộc đón tiếp tưng bừng, sau đó là những cuộc mít tinh, hội thảo, họp báo ủng hộ Việt Nam chống Mỹ liên tiếp diễn ra suốt trong nhiều năm.
       
        Không chỉ ở Pháp, hoạt động của các tổ chức người Việt còn lan rộng sang nhiều nước khác như Mỹ, Ca-na-đa, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ, Ý, Anh, Tây Ban Nha... Mỗi bước thăng trầm của cuộc kháng chiến ở quê hương đều có tấm lòng cùng sự hỗ trợ tinh thần, vật chất hết sức quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài.
       
        Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam càng kéo dài, phong trào nhân dân thế giới phản đối đế quốc Mỹ càng bùng lên mạnh mẽ. Những bài hát Việt Nam, những khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam vang lên trên nhiều thành phố ở Tây Âu, Bắc Âu và Bắc Mỹ. Những lá cờ đỏ hoặc nửa đỏ nửa xanh, có ngôi sao vàng ở giữa, được giương cao trong các cuộc mít tinh, diễu hành, đông hàng ngàn, hàng vạn người, chật ních các quảng trường, kéo dài trên nhiều đại lộ. Tất cả những hoạt động đó của bạn bè quốc tế đều có sự góp phần tích cực của các tổ chức người Việt và bà con người Việt yêu nước ở các nước nói trên.
       
        Những giọt nước mắt của đồng bào xa xứ đã từng âm thầm nhỏ xuống khi Bác Hồ qua đời. Niềm âu lo của bà con khi Tổng thống Ních-xơn cho ném bom Hà Nội, Hải Phòng cho đến khi nghe tin B52 Mỹ liên tiếp bị bắn rơi và tin Mỹ phải chấm dứt ném bom bỗng òa lên thành nỗi vui sướng tột cùng, thể hiện qua ánh mắt hân hoan, qua những nụ cười rạng rỡ và cả những dòng lệ tuôn rơi vì vui mừng và hạnh phúc.
       
        Trong khi đó ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu, kẻ đã van xin Mỹ "ném bom cho tan nát miền Bắc", đã hí hửng vui mừng trước cuộc ném bom của B52 hủy diệt Hà Nội. Một tờ báo Pháp mô tả sự bỉ ổi của Thiệu là: "xấu hổ hơn cả sự xấu hổ".
       
        Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, trong không khí tưng bừng của ngày hội lớn giữa thủ đô Pa-ri, đông đảo kiều bào ta cùng bè bạn năm châu bốn biển đổ dồn về Trung tâm Hội nghị quốc tế Klê-be (Kléber). Cả rừng người, rừng cờ hoa rực rỡ. Mọi người hân hoan chúc mừng hòa bình ở Việt Nam và hoan nghênh thắng lợi tuyệt vời của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán ở Pa-ri.
       
        Nói sao cho hết tấm lòng của đông đảo đồng bào ta ở hải ngoại. Dù ở phương trời nào, dù mang nhiều quốc tịch khác nhau, bà con ta vẫn luôn luôn tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tự hào mình là con em đất Việt vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc, trước đây trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như hiện tại và tương lai trong công cuộc "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 03:22:45 pm »

 
        Câu hỏi 25: Gần đây ở Mỹ có người nói: Việt Nam đã đối xử vô nhân đạo với các phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Sự thật có đúng như vậy không?
       
        Đáp: Trước hết cần hiểu rằng: những kẻ mà nhân dân ta gọi là giặc, giặc lái, đại diện cho một chính quyền hiếu chiến như tập đoàn Ních-xơn, cho quân đi xâm lược, gieo tội ác lên đầu nhân dân ta bằng bom đạn hủy diệt, kể cả những thứ mà luật pháp quốc tế cấm sử dụng như chất độc hóa học, bom bi, bom na-pan, với cuồng vọng dùng sắt thép để khuất phục một dân tộc, kẻ đó hoàn toàn không đủ tư cách để nói chuyện với chúng ta về nhân đạo, nhân quyền.
       
        Hãy nghe Oan-tơ Cô-li, trung tá sĩ quan điện tử trên chiếc B52D xuất phát từ U-ta-pao, bị bắn rơi đêm 22 tháng 12 năm 1972, nói: "Ném bom Hà Nội, địa chỉ thiêng liêng nhất của người Việt Nam chẳng khác gì mang bom dội xuống Oa-sinh-tơn, thủ đô của người Mỹ (Trích "Sự kiện và Nhân chứng" số 517)
       
        Còn đây là lời thú tội của Ri-sớc Giôn-xơn, thiếu tá hoa tiêu trên chiếc B52G, xuất phát từ Gu-am, bị bắn rơi đêm 18 tháng 12: "Hàng loạt nhà ở, trường học, bệnh viện, chợ búa của Hà Nội bị bom B52 Mỹ tàn phá. Tôi thực sự đau lòng và lấy làm nhục vì đã tham gia cuộc ném bom hủy diệt này (Trích "Sự kiện và Nhân chứng" số 517 ra ngày 23 tháng 12 năm 1999.)".
       
        Nhân dân ta có quyền căm giận giặc Mỹ bạo tàn. Nhưng với truyền thống văn hóa bốn ngàn năm, với tấm lòng nhân ái cao cả, nhân dân ta đã đối xử hết sức nhân đạo với những kẻ thù dã bị bắt làm tù binh. Nhiều người Hà Nội còn nhớ một buổi sáng tháng 10 năm 1967, trên hồ Trúc Bạch thơ mộng của Thủ đô đã diễn ra hình ảnh những người dân Việt Nam, mặc dầu máy bay Mỹ đang lồng lộn trên đầu, vẫn dũng cảm lao ra giữa hồ nước để kéo vớt viên thiếu tá phi công Mỹ sắp bị chết chìm; đưa lên bờ, rồi đưa vào bệnh viện (Đó là Giôn Mác-kên (John Mc Cain) lái chiếc A4E ném bom nhà máy điệnYên Phụ, bị Tiểu đoàn tên lửa 61 bắn rơi ngày 16-10-1967).
       
        Các bệnh viện ở Hà Nội đã chứng kiến biết bao cử chỉ cao thượng của các bác sĩ, nhân viên y tế Việt Nam, nén chặt lòng căm phẫn, để ra sức cứu chữa cho những phi công Mỹ bị thương lúc nhảy dù.
       
        Từ trên trời rơi xuống, chưa kịp hoàn hồn vì sợ và vì cái lạnh khủng khiếp, chúng đã phải giơ tay lên trời để dân quân ta bắt sống. Liền sau đó là những người dân mà thân nhân họ vừa bị bom Mỹ giết hại, với ánh mắt rực lửa căm thù, xông tới tên giặc như muốn băm vằm nó ra làm trăm mảnh. Nhưng, ngay lập tức đã có những cánh tay dang rộng của các chị, các anh cán bộ xã kịp thời ngăn chặn lại.
       
        Đó là ở bên ngoài. Còn khi đã vào trại giam, họ được đối xử ra sao?
       
        Thời đánh Mỹ, Hà Nội có một trại giam đặc biệt nằm trên đường phố Hỏa Lò, là nơi giam giữ những tù binh Mỹ, gọi là trại Hỏa Lò. Chính những tù binh phi công Mỹ dã đặt cho nó cái tên khá mỉa mai: "Khách sạn Hin-tơn" (Khách sạn Hintơn (Hillton Hotel): khách sạn năm sao nổi tiếng ở Mỹ.). Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc nước ta, nhất là vào những ngày cuối năm 1972, "Khách sạn Hin tơn" thường xuyên tấp nập những vị khách không mời mà đến: các phi công của Không lực Hoa Kỳ. Họ là những quân nhân thuộc các binh chủng khác nhau trong Quân chủng Hải quân, Quân chủng Không quân (gồm không quân chiến lược, không quân chiến thuật); cấp bậc từ trung úy đến đại tá, với đủ loại màu da: da trắng, da đen, da nâu, da đỏ, da vàng, phần đông là người gốc Mỹ, ngoài ra còn có những người gốc Anh, gốc Đức, Ý, Nhật, Mê-hi-cô...
       
        Hầu hết họ là những phi công lão luyện, có tay nghề cao. Điển hình như Giêm Cát-lơ, thiếu tá anh hùng Không lực Mỹ, phi công kỳ cựu từ đại chiến thế giới lần thứ hai, được ca ngợi là con chim ưng vàng, người lái thần thoại, phi công có sáu giác quan. Hoặc như Ri-sớc Giôn-xơn, viên phi công B52 đầu tiên bị ta bắt, đã có trên 6.000 giờ bay. Nhiều phi công hàm đại tá cũng đã sớm có mặt trong trại giam này. Một số tên tự khai là họ đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, như huân chương Quốc phòng, huân chương Hải quân, huân chương Không quân, huân chương Phi hành gia xuất chúng, huy chương Chữ thập đỏ, Ngôi sao bạc, Trái tim hồng... do đã đạt được nhiều chiến tích xuất sắc (mà chắc chắn trong đó có không ít những "chiến tích" dội bom tàn sát đồng bào ta).
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM