Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:56:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử nghệ thuật chiến dịch phòng không 12-1972  (Đọc 27683 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2016, 02:47:59 am »

        Từ tháng 9 năm 1972, Mỹ đã điều 48 máy bay F-111 của liên không quân 47 đến sân bay Tắc li (Thái Lan). Nhất định chúng sẽ hoạt động nhiều trong thời ơian sắp tới. F-111 là loại máy bay cường kích bay thấp bay đêm rất nguy hiểm, mang được lượng bom lớn trên bốn tấn, có trang bị pháo 20 ly 6 nòng, cánh của nó cố thể thay đổi để tăng, giảm tốc độ. Đặc biệt F-111 có thiết bị tự động bay ở độ cao rất thấp (300 đến 500m) trên các địa hình phức tạp rađa khó phát hiện, nên dễ gây bất ngờ cho các lực lượng phòng không. Nhiệm vụ đánh địch hoạt động ở độ cao thấp, nhất là loại F-111 chủ yếu do cao xạ đảm nhiệm. Đó là loại mục tiêu khó bắn rơi, phải nghiên cứu tiếp tục cách đánh trong bộ đội pháo cao xạ, nhưng bộ đội pháo cao xạ đã từng đánh rơi máy bay A6, A7 bay đêm, nhất định sẽ đánh rơi được F-111 nếu được chuẩn bị tốt.

        Cùng với việc nâng cao trình độ tác chiến của bộ đội, công tác chuẩn bị các mặt bảo đảm cho tác chiến chiến dịch có một vị trí rất quan trọng.

        Để giành thẳng lợi cho chiến dịch, các cấp đều tích cực nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện việc tổ chức sở chỉ huy bảo đảm đánh tập trung quy mô lớn, quy định tín hiệu báo động B-52 (333), rèn luyện động tác chỉ huy, thành thạo sử dụng khí tài thông tin vô tuyến điện, hiệp đồng kíp chiến đấu sở chỉ huy, bảo đảm phát huy hoả lực đánh tập trung, chỉ huy các đơn vị có hiệu quả trong xử trí các tình huống.

        Hệ thống thông tin liên lạc các cấp được củng cố mở rộng thêm hệ thống thông tin dự bị để bảo đảm chỉ huy vả thông báo, báo động B-52 một cách vững chắc. Trên cơ sở đó, từ sở chỉ huy quân chủng có thể nắm trực tiếp đến các trạm rađa trên hướng chủ yếu, sở chỉ huy sư đoàn có thể chỉ huy trực tiếp các tiểu đoàn tên lửa khi cần thiết. Binh chủng Không quân đã tổ chức hệ thống dẫn đường dự bị bảo đảm cho máy bay ta có thể cất cánh đánh địch trong mọi tình huống.

        Trong các mặt bảo đảm tác chiến chiến dịch, công tác bảo đảm kỹ thuật là khó khăn và phức tạp nhất. Do đó, công tác bảo đảm vật chất kỹ thuật được đặc biệt chú ý. Ngay từ tháng 8 năm 1972, Bộ tư lệnh quân chủng đã ra nhiều chỉ thị về tăng cường tốc độ sửa chữa khí tài và chuẩn bị đạn tên lửa. Tình hình vật chất kỹ thuật lúc này đang có nhiều khó khăn, phần lớn phải tập trung bảo đảm chiến đấu trên hướng Quảng Trị. Ở phía bắc, nhiều bộ khí tài đã cũ, một số bộ khí tài đá có giờ tích luỹ trên 6.000 giờ, đến thời hạn trung tu nhưng vẫn phải triển khai chiến đấu. Trung đoàn 274 mới ở chiến trường ra chưa có khí tài trang bị. Bộ tư lệnh quân chủng yêu cầu phải có đủ khí tài chiến đấu cho các đơn vị, hệ số kỹ thuật cao, đạn phải đầy đủ theo yêu cầu kế hoạch đề ra. Đây là yêu cầu rất cao, nhưng là một yêu cầu rất cấp thiết. Thực hiện quyết tâm của lãnh đạo và chỉ huy quân chủng, Cục Kỷ thuật đã tổ chức nhiều cuộc họp liên tiếp ở cấp quân chủng, cấp trạm, xưởng để tháo gỡ các khó khăn. Tổ chức các đội cơ động cùng với đơn vị kiểm tra định kỳ sửa chữa, nâng cao hệ số kỹ thuật. Ngoài trận địa cơ bản các tiểu đoàn kỹ thuật còn chuẩn bị những trân địa dã chiến để tổ chức lắp ráp đạn tên lửa.

        Về mặt đảm bảo công trình, quân chủng đặc biệt quan tâm xây dựng một số sân bay dã chiến ở Thanh Hoá ở Vĩnh Phú. Với sự hỗ trợ của Bộ tư lệnh công binh của các quân khu và có sự giúp đỡ tích cực của Đảng bộ và nhân dân địa phương đã khẩn trương xây dựng, bảo đảm cho máy bay ta có điều kiện hoạt động. Nhiều trận địa dự bị, trận địa giả cho tên lửa và cao xạ được xây dựng. Các trận địa đều được củng cố công sự vững chắc, bảo đảm chiến đấu liên tục.

        Trong khi các lực lượng phòng không thuộc quân chủng tiến hành công tác chuẩn bị rất sôi động, các lực lượng phòng không của quân khu, phòng không các địa phương và dân quân tự vệ trên địa bàn chiến dịch cũng được Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo chuẩn bị rất tích cực, bổ sung thêm pháo, súng, củng cố và tổ chức thêm lực lượng chiến đấu và hoàn thiện hệ thống thông báo báo động trên không.

        Loại pháo trung cao trước đây do lực lượng phòng không quân chủng sử dụng, đến trước chiến dịch đã chuyển phần lớn cho các quân khu và dân quân tự vệ. Ở Hà Nội có bốn đại đội dân quân tự vệ sử dụng loại pháo l00mm. Quân chủng giao trách nhiệm cho các trung đoàn bàn giao, hướng dẫn huấn luyện chiến đấu cho các đơn vị dân quân tự vệ. Ở Hà Nội và Hải Phòng còn tổ chức những liên đội tự vệ trực chiến và cơ động chiến đấu gồm nhiều khẩu đội súng máy cao xạ của các xí nghiệp và đường phố. Các tổ cứu thương, cứu sập được tăng cường trang bị, phương tiện. Hầm hào phòng tránh được nhân dân củng cố. Một số cơ sở kho tàng quan trọng, cơ quan và nhân dân thành phố chuẩn bị vị trí sơ tán.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 04:35:03 pm »

        Như vậy, công việc chuẩn bị cho chiến dịch đã được tiến hành đều khắp trong các lực lượng, trên tất cả các mặt. Những nội dung chuẩn bị chủ yếu về cơ bản được giải quyết, công việc chuẩn bị vẫn tiếp tục hoàn thiện

        Trong quá trình chuẩn bị, sự điều hành của Bộ tư lệnh và cơ quan được tiến hành chặt chẽ, nắm vững những khâu quan trọng nhất để tập trung chỉ đạo. Đặc biệt về cách đánh đã nhanh chóng bổ sung qua kinh nghiệm thực tiễn để huấn luyện bộ đội, nâng cao chất lượng chiến đấu. Đây là bước trưởng thành rất quan trọng về nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch.

        Trước sự tráo trở, lật lọng của chính quyền Ních-xơn, tình hình trở nên hết sức nghiêm trọng và khẩn trương. Trước tình hình đó, tháng 11 năm 1972, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: "Sắp tới địch sẽ ít bị ràng buộc hơn về chính trị vì cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ đã tiến hành xong, cho nên ta phải đề phòng Mỹ tăng cường hành động quân sự. Tuyệt đối không được lơ là mất cảnh giác. Nhưng dù đế quốc Mỹ có hành động phiêu lưu như thế nào, chúng không thể làm đảo ngược được tình thế hiện nay. Trên đà thắng lợi và thời cơ thuận lợi, chúng ta nhất định đánh bại chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", giành thắng lợi to lớn hơn nữa".

        Bộ Chính trị chỉ ra nhiệm vụ của quân đội là phải ra sức xây dưng, chấn chỉnh và phát triển lực lượng, tiếp tục thực hiện cuộc tiến công chiến lược, đánh bại âm mưu và hành động lấn chiếm của địch ở miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại ở mức độ cao hơn trên miền Bắc, làm tốt nhiệm vụ chi viện chiến trường trong mọi tình huống; khắc phục những nhận thức, tư tưởng không đúng như ảo tưởng hoà bình, trông chờ thương lượng, lơ là mất cảnh giác...

        Quán triệt tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, ngày 27 tháng 10 năm 1972, Đảng uỷ quân chủng đã họp phiên bất thường ra nghị quyết lãnh đạo nâng cao trình độ mọi mặt của bộ đội để chiến đấu đạt hiệu suất cao, chất lượng công tác tốt hơn, bảo đảm toàn quân chủng đánh thắng, càng đánh càng mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

        Nhận thức rõ tính chất khẩn trương của tình hình, thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ quân chủng, Đảng uỷ các sư đoàn, binh chủng, cơ quan đều ra .nghị quyết lãnh đạo triển khai thực hiện. Nhờ vậy, công tác chuẩn bị cho chiến dịch càng được xúc tiến mạnh hơn. Các binh chủng, sư đoàn, cơ quan đều có những chuyển biến mới về mọi mặt, nhất là trình độ sẵn sàng chiến, đấu và chuẩn bị các mặt bảo đảm.

        Ngày 27 tháng 10 năm 1972, Đảng uỷ sư đoàn phòng không Hà Nội họp để quán triệt nghị quyết của Đảng uỷ quân chủng. Phân tích những diễn biến mới của tình hình, xác định nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng uy. Nghị quyết đảng uỷ sư đoàn chỉ rõ: dù khả năng nào xảy ra thì diễn biến tình hình củng rất phức tạp; địch nhất định đánh trở lại với mức độ ác liệt hơn B-52 nhất định được dùng để ném bom Hà Nội; nhưng địch đang trong thế thua, thế yếu, thế bị động, ta nhất định có điều kiện, có khả năng bán rơi tại chỗ máy bay B-52.

        Ở Hải Phòng, Đảng uỷ sư đoàn 363 củng họp khẩn cấp, quán triệt nghị quyết của Đảng uỷ quân chủng và đề ra những nhiệm vụ mới. Tiếp đó bộ tư lệnh sư đoàn đã tổ chức nghiên cứu, thực nghiệm cách tổ chức, bố trí đánh tập trung của tên lửa, pháo cao xạ trên địa bàn ven biển, thu nhiều kết quả.

        Ở các binh chủng và cơ quan quân chủng đều có các cuộc họp quán triệt tình hình mới, đề ra nhiệm vụ, động viên tăng cường chuẩn bị bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi.

        Sau khi trúng cử tổng thống nhiệm kỳ hai, Ních-xơn ráo riết chuẩn bị hành động phiêu lưu quân sự mới. Ngay trong tháng 11 năm 1972, Mỹ gấp rút tăng viện trợ quân sự cho ngụy quyền Sài Gòn, đốc thúc quân ngụy phản kích, lấn chiếm nhiều vùng giải 'phóng của ta. Ngày 2 tháng 11 năm 1972, Ních-Xơn ra lệnh tăng cường sử dụng B-52 đánh phá miền Bắc. Riêng tháng 11, số phi vụ đánh phá của B-52 tăng vọt lên 786 lần chiếc, gấp 2 lần so với tháng 10. Trong khi ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, không quân Mỹ tăng cường đánh phá tuyến giao thông vận tải thuộc các tỉnh Quân khu 4, đồng thời tăng cường sử dụng máy bay trinh sát chiến lược SR-71 để trinh sát bầu trời miền Bắc, đặc biệt là khu vực Hà Nội nhằm chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn bằng máy bay chiến lược B-52.

        Trước những diễn biến phức tạp của tình hình và những hành động phiêu lưu quân sự mới của Mỹ, Quân Ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục nghiên cứu cách đánh, tích cực huấn luyện bộ đội, nhất là không quân và tên lửa, tập trung vào huấn luyện cách đánh máy bay B-52 để đánh rơi tại chỗ, nghiên cứu tìm biện pháp khắc phục nhiễu của địch, bộ đội pháo cao xạ chú ý nghiên cứu cách đánh địch sử dụng bom lade, bom quang tuyến truyền hình, cách đánh máy bay F-111 bay thấp, ban đêm.

        Kế hoạch chuẩn bị đánh trả và phòng tránh cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 đã được triển khai với tinh thần tích cực chủ động và rất công phu. Căn cứ vào tình hình thực tế, so với kế hoạch dự kiến từ tháng 9 năm 1972, kế hoạch tác chiến chiến dịch có sự điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 04:36:22 pm »

        Về địch, kế hoạch xác định rõ: sau những lần điều động, bổ sung lực lượng để chuẩn bị cuộc tập kích vào miền Bắc chủ yếu bằng máy bay B-52, đối diện với ta trên khu vực Đông Nam Á: cho đến trước ngày 17 tháng 12 năm 1972 đã có 193 máy bay B-52 các loại, với 250 tổ bay, gần bằng 50% lực lượng không quân chiến lược của cả nước Mỹ, bố trí ở U-ta-pao (Thái Lan) 50 máy bay B-52D, còn lại là B-52D, B-52G bố trí ở Anderson (Guam); hai đại đội F-111A có 48 chiếc, bố trí ở sân bay Tácli (Thái Lan). Máy bay chiến thuật gồm 999 chiếc, bố trí ở các căn cứ Thái Lan 453 chiếc bố trí trên các căn cứ ở miền Nam Việt Nam 126 chiếc máy bay hải quân có 420 chiếc trên sáu tàu sân bay Ngoài ra ở Anderson và Subíc (Filippin) còn có một số máy bay tiếp dầu KC-135 và các máy bay bảo đảm chiến đấu khác. Số tàu chiến ở Vịnh Bắc Bộ đã tăng từ 18 tàu lên 66 tàu, chiếm 60% tổng số tàu chiến đấu và tàu đổ bộ của hạm đội 7. Các thiết bị trên máy bay chiến lược, chiến thuật, nhất là các phương tiện chiến tranh điện tử hiện đại rất hoàn chỉnh. Để tiến hành cuộc tập kích chiến lược, Mỹ đã cấp tốc thành lập bộ chỉ huy tập đoàn không quân chiến lược số 57 để chỉ huy chung các lực lượng trong đợt tập kích chiến lược. Kế hoạch tác chiến chiến dịch còn nhận định bổ sung và cụ thể hoá về thủ đoạn đánh phá của máy bay B-52, thủ đoạn gây nhiễu của địch theo những kinh nghiệm đá rút ra được trong quá trình chuẩn bị.

        Về ta, lực lượng đã có một số thay đổi. Trong kế hoạch tháng 9, trung đoàn tên lửa 267 được xác định là lực lượng dự bị cho Hà Nội thì ngày 15 tháng 11 năm 1972 đã được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu tiến sâu vào Khu 4. Trung đoàn tên lửa 285 trong kế hoạch tháng 9 củng được xác định là lực lượng dự bị cho Hà Nội, nhưng trước mắt triển khai chiến đấu tại Hải Phòng. Trung đoàn tên lửa 274 từ nam Quân khu 4 ra còn đang chuẩn bị khí tài chưa trực tiếp tham gia tác chiến được. Trung đoàn 268 tên lửa do điều kiện kỹ thuật nên không thể đánh được. Như vậy, chiến dịch phòng không năm 1972 không có lực lượng dự bị và trên khu vực đường 1 Bắc không có tên lửa.

        Ngày 24 tháng 11 năm 1972, Tổng Tham mưu trưởng nghe Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không- Không quân báo cáo lần cuối "kế hoạch chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng". Đồng chí nhấn mạnh một số công việc cần làm ngay, phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho Bộ tư lệnh quân chủng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3 tháng 12 năm 1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 04:42:25 pm »


        3. Bước chuẩn bị trực tiếp.

        Chấp hành lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, quân chủng bước vào thời kỳ khẩn trương chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch, tiếp tục hoàn thiện những công việc đã làm, hoàn thành tốt những công việc còn lại, tạo điều kiện bước vào tác chiến chiến dịch một cách chủ động.

        Ngày 25 tháng 11 năm 1972, Quân uỷ Trung ương ra chỉ thị tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Chỉ thị nêu rõ: sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có thể có những hành động phiêu lưu mới. Chúng có thể ném bom bắn phá trở lại từ vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, các đầu mối giao thông, các vừng đông dân; dùng hải quân tăng cường bắn phá bờ biển. Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch tác chiến và phòng tránh sơ tán. Tiếp đó, ngày 27 tháng 11, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường các mặt chuẩn bị chiến đấu, đồng thời nhận định có nhiều khả năng địch đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Do đó: "nhiệm vu trung tâm đột xuất trước mắt của Quân chủng Phòng không- Không quân là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chinh là mảy bay B-52 mà tiêu diệt"1.

        Trên mặt trận giao thông vận chuyển, không quân địch, đặc biệt B-52 đang đánh phá rất ác liệt, nhiệm vụ vận chuyển chiến lược gặp nhiều khó khăn. Ngày 1 tháng 12 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu lệnh điều 100 quả đạn tên lửa vào Khu 4 để bảo đảm đánh địch liên tục giữ vững giao thông vận chuyển chiến lược, và ngày 8 tháng 12, lệnh cho trung đoàn 261 chuẩn bị cơ động vào chiến trường phía nam.

        Trên cơ sở phân tích tình hình, cân nhấc giữa các nhiệm vụ, quân chủng chủ động đề nghị Bộ cho phép giữ trung đoàn tên lửa 261 ở lại đánh địch bảo vệ Hà Nội và trung đoàn 267 tiếp tục làm lực lượng dự bị. Trong khi Bộ Tổng Tham mưu chưa phê chuẩn, Bộ tư lệnh quân chủng vẫn chuẩn bị cho trung đoàn 261 lên đường vào tuyến trong, đồng thời vẫn chuẩn bị điều chỉnh thế bố trí tác chiến chiến dịch trong cả hai trường hợp có trung đoàn 261 và không có trung đoàn 261 tham gia chiến đấu trên địa bàn chiến dịch.

        Cân nhắc yêu cầu tác chiến trên các chiến trường, ngày 15 tháng 12 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu đồng ý với đề nghị của quân chủng để trung đoàn 261 ở lại Hà Nội tham gia tác chiến chiến dịch, nhưng không điều trung đoàn 267 từ phía trong ra nữa.

        Như vậy, trước ngày 18 tháng 12 năm 1972, lực lượng phòng không trên địa bàn chiến dịch có sáu trung đoàn tên lửa (trong đó có một trung đoàn thiếu (274) và một trung đoàn không chiến đấu được (268), 14 trung đoàn và tám tiểu đoàn pháo cao xạ. Toàn bộ lực lượng Binh chủng Không quân trong đó có ba trung đoàn không quân chiến đấu trang bị các loại MiG-17, MiG-19 và MiG-21; toàn bộ hệ thống rađa gồm bốn trung đoàn và một tiểu đoàn (tổ chức thành 36 trạm và trang bị 111 đài các loại), 356 trận địa phòng không của lực lượng dân quân tự vệ được trang bị đủ các loại pháo súng từ súng máy trung liên, đại liên đến pháo l00mm.

        Sau khi kế hoạch tác chiến chiến dịch đả được phê chuẩn, công tác chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch tập trung vào việc chuyển hóa thế bố trí phù hợp với cách đảnh chiến dịch.

        So với kế hoạch tháng 9, về lực lượng có sự thay đổi, nhất là lực lượng dự bị của tên lửa. sở dĩ có sự thay đổi đó vì lực lượng phòng không đang phải đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ bảo vệ yếu địa, bảo vệ giao thông vận chuyển và tác chiến trong chiến dịch quân binh chủng hợp thành đang ở giai đoạn quyết định. Trên chiến trường miền Nam, nhất là trên hướng Trị- Thiên, cuộc tiến công chiến lược đang diễn ra hết sức quyết liệt. Trên vùng "Cán xoong", sau khi địch tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, chúng tập trung đánh phá ác liệt hòng cắt đứt hoàn toàn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường. Trong mối liên quan máu thịt giữa hai chiến trường Nam- Bắc, giữa hai nhiệm vụ cách mạng thường xuyên tác động đến sư chỉ đạo của chiến lược. Sự phân bố lực lượng để đồng thời thực hiện các nhiệm vụ là vấn đề cần thiết. Vì vậy trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972, lực lượng tên lửa ở Hà Nội ít hơn nhiều so với thời kỳ 1967. Do lực lượng hạn chế, việc bố trí đội hình trên khu vực Hà Nội đòi hỏi phải có sự nghiên cứu một cách phù hợp. Trong kế hoạch tháng 9, chủ trương bố trí có vòng trong, vòng ngoài, có dự kiến đưa một số tiểu đoàn tên lửa ra xa. Cách bố trí này thể hiện nét đặc sắc của hình thức tác chiến kết hợp bố trí vòng trong trực tiếp bảo vệ mục tiêu với cơ động vòng ngoài để tạo chiều sâu, bảo đảm đánh liên tục trên đường bay đã được rút ra trong nhiều năm chiến đấu của bộ đội phòng không. Trong thực tế chiến đấu năm 1967, thế bố trí đó đã đạt hiệu quả cao. Nhưng trong điều kiện thực tế của năm 1972, lực lượng có hạn, nghệ thuật tác chiến của ta đã đạt trình độ cao, ta đã vận dụng linh hoạt cách bố trí thế tác chiến chiến dịch một cách hợp lý. Thế bố trí chiến dịch hình thành từng khu vực trọng điểm, từng hướng trọng điểm, kết hợp rộng khắp và tạo chiều sâu hoả lực.

-------------
1. Điện số 420A ngày 24 tháng 12 năm 1972 của Bộ Tổng Tham mưu gửi Quân chủng Phòng không- Không quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2016, 08:50:57 am »

        Trước khi bước vào chiến dịch, ở Hà Nội, Hải Phòng ta đã xây dựng đội hình chiến dịch một cách cơ bản, tương đối hoàn chỉnh với cách bố trí tập trung ở vòng trong trực tiếp bảo vệ mục tiêu, được vận dụng một cách linh hoạt.

        Trên khu vực Hà Nội có sư đoàn 361 gồm ba trung đoàn tên lửa: 257, 261 và 274. Trong đó trung đoàn 274 mới có hai tiểu đoàn triển khai (88 và 86), hai tiểu đoàn 87 và 89 đang nhận khí tài, tiểu đoàn kỹ thuật của trung đoàn vẫn còn một bộ phận trên hướng Trị- Thiên chưa ra kịp ; năm trung đoàn pháo cao xạ là 220 221, 212, 244, 260; lực lượng phòng không dân quân tự vệ gồm 226 đội, trang bị 741 khẩu pháo, súng máy phòng không đủ các loại, trong đó có bốn đại đội dân quân tự vệ trang bị 20 khẩu pháo l00mm, có thể tham gia bắn máy bay B-52. Ở khu vực Hải Phòng có sư đoàn 363 gồm hai trung đoàn tên lửa 238 và 285; một trung đoàn pháo cao xạ (252); lực lượng phòng không của quân khu Tả Ngạn gồm một trung đoàn pháo cao xạ (272) và bốn tiểu đoàn độc lập. Lực lượng phòng không dân quân tự vệ có 90 đội bắn máy bay, trang bị pháo, súng máy phòng không các loại  trong đó có 12 khẩu pháo l00mm. Ở khu vực đường 1 Bắc (Hà Bắc, Lạng Sơn) có sư đoàn 375 gồm trung đoàn tên lửa (268) nhưng do kỹ thuật không có đủ điều kiện tham gia bắn; năm trung đoàn pháo cao xạ: 282, 224, 216, 240, 214; lực lượng phòng không Quân khu Tả Ngạn có hai tiểu đoàn pháo cao xạ ở Hà Bắc. Lực lượng phòng không dân quân tự vệ Hà Bắc có 20 đội, trang bị 112 khẩu súng máy phòng không (từ trung liên đến súng máy 14,5 mm. Ở khu vực Bắc Thái và Yên Bái có lực lượng phòng không của Quân khu Việt Bắc gồm trung đoàn pháo cao xạ (256) bố trí ở Thái Nguyên, trung đoàn có hai đại đội pháo l00mm và ba đại đội pháo 37mm. Ở Yên Bái có trung đoàn pháo cao xạ 254. Dân quân tự vệ có 15 đội bắn máy bay, trang bị 65 khẩu súng từ trung liên đến súng máy Trên hướng đường 1 Nam có các trung đoàn tên lửa 275, 267, 263 và các lực lượng pháo cao xạ đánh phối hợp chiến dịch.

        Ba trung đoàn không quân đã sẵn sảng ở căn cứ trước mắt triển khai trên các sân bay vòng trong theo phương án đánh B-52 trên năm hướng xung quanh Hà Nội.

        Hệ thống rađa gồm trung đoàn 293 và tiểu đoàn 8 dẫn đường ở Hà Nội, trung đoàn rađa 290 ở Quảng Bình, trung đoàn rađa 291 ở Nghệ An, trung đoàn rađa 292 ở Tây Bắc đã hình thành thế bố trí có tuyến trước tuyến sau, có chính diện, có bên sườn, kết hợp với một hệ thống 12 trạm và 48 vọng quan sát mắt, hai đại đội trinh sát nhiễu ở miền tây Quảng Bình và Nghệ An có khả năng phát hiện xa, phân biệt B-52, bảo đảm báo động sớm, phục vụ có hiệu quả cho tác chiến và phòng tránh.

        Cùng với việc hoàn chỉnh thế trận chiến dịch, các mặt công tác đảm bảo tác chiến củng được gấp rút hoàn thành.

        Ngành kỹ thuật đã huy động đội ngũ cán bộ và nhân viên chuyên môn, kết hợp chặt chẽ giữa nhà máy, xí nghiệp của quân chủng với đơn vị, tổ chức kiểm tra sửa chữa khí tài, trang bị. Do vậy, hệ số bảo đảm kỷ thuật của các loại ra đa, cao xạ, tên lửa đều được nâng lên.

        Đạn tên lửa đảm bảo cho Hà Nội 2,16 cơ số, Hải Phòng bảo đảm 1,8 cơ số. Ở Hà Nội đã hình thành hai khu vực tiếp đạn ở hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Ở Hải Phòng củng tổ chức hai khu vực, ở Thuỷ Nguyên và ở thành phố, đã có kế hoạch chuẩn bị một số đạn tên lửa ở kho để bổ sung kịp thời cho chiến dịch khi cần thiết.

        Đạn pháo cao xạ có phong phú hơn. Ở Hà Nội bảo đảm từ 5 đến 7 cơ số; ở Hải Phòng có từ 6 đến 8 cơ số. Ngoài lượng dự trữ đạn ở kho quân chủng, các kho của tổng cục kỹ thuật củng đã chuẩn bị một khối lượng lớn sẵn sàng bổ sung cho chiến dịch.

        Các đội sửa chửa kỷ thuật cơ động cũng được tổ chức ở Cục Kỹ thuật và ở xưởng A31 để sẵn sàng phục vụ chiến dịch.

        Việc sơ tán phòng tránh ở căn cứ hậu phương của quân chủng về cơ bản hoàn thành. Các cơ sở hậu phương của cơ quan quân chủng, sư đoàn, nhà trường đều sơ tán về vị trí dự bị. Đặc biệt, việc sơ tán các kho hậu cần, trạm xưởng kỹ thuật là một công tác lớn, vận chuyển sơ tán hàng vạn tấn thiết bị, khí tài vật tư kỹ thuật đến trên 60 vị trí.

        Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, quân chủng đã chỉ đạo sơ tán máy bay chiến đấu, bom, đạn, các xe chuyên dùng vào trong hầm và ngụy trang kín đáo. Ở các trận địa, công sự, hầm hào được củng cố và ngụy trang, kể cả trận địa dự bị.

        Trong quá trình chỉ đạo quân chủng chuẩn bị, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai lực lượng chiến đấu của các quân khu, các địa phương, tạo nên một lưới lửa rộng khắp, đủ các tầng cao, để phát huy sức mạnh tổng hợp đánh không quân địch trên khắp địa bàn chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2016, 08:52:17 am »

        Sau khi công tác chuẩn bị mọi mặt cơ bản đả hoàn thành, ngày 1 tháng 12 năm 1972, Bộ tư lệnh báo cáo quyết tâm lên Bộ Tổng Tham mưu. Nội dung của quyết tâm của quân chủng nêu rõ: Đế quốc Mỹ sẽ tổ chức đợt đánh phá ác liệt, sử dụng ào ạt máy bay B-52 kết hợp với máy bay chiến thuật của không quân và máy bay hải quân nhằm gây sức ép tối đa, hòng kết thúc chiến tranh trên thế mạnh. Khu vực mục tiêu địch đánh là Hà Nội, Hải Phòng, trong đó Hà Nội là khu vực chủ yếu.

        Từ nhận định trên, quân chủng quyết tâm tập trung lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của quân chủng, không để bị bất ngờ, đánh rơi nhiều máy bay, đánh rơi tại chỗ máy bay B-52, bắt sống giặc lái, đánh bại âm mưu chiến lược của địch; tổ chức phòng tránh tốt, giảm tổn thất thương vong thấp nhất. Xác định khu vực tập trung bảo vệ là Hà Nội, Hải Phòng, chủ yếu là Hà Nội.

        Trên cơ sở quyết tâm, kế hoạch tác chiến đã được chuẩn bị, Bộ tư lệnh quân chủng đả báo cáo đầy đủ những vấn đề cốt lõi nhất của quyết tấm với Bộ Tổng Tham mưu, đặc biệt là cách đánh B-52 và đề nghị cho phép sử dụng trung đoàn tên lửa 267 làm lực lượng dự bị của chiến dịch. Sau khi đã tiến hành kiểm tra mọi công tác chuẩn bị, ngày 4 tháng 12 năm 1972, Bộ tư lệnh quân chủng báo cáo với Bộ Tổng Tham mưu một lần nữa về mọi mặt công tác chuẩn bị của quân chủng đã xong, kiên quyết không để bị bất ngờ, đánh rơi máy bay địch tại chỗ, bắt sống giặc lái, kể cả máy bay B-52. Đồng thời, quân chủng nhận được thông báo của Bộ Tổng Tham mưu trong đó khẳng định: "đi đôi với việc sử dụng không quân chiến thuật và máy bay hải quân, đich sẽ sử dụng B-52 đánh rộng ra các tỉnh miền Bắc. Thủ đoạn đánh phá có thể là bất ngờ, ồ ạt, đánh ngay vào một số mục tiêu trọng yếu nhất như Hà Nội, Hải Phòng, một số vùng dân cư, giao thông, chân hàng, sân bay trận địa. Đánh có tính chất huỷ diệt nhằm gây sức ép tối đa với ta.

        Bên cạnh việc chỉ đạo chặt chẽ sát sao các lực lượng phòng không ba thứ quân khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu cao, Bộ Tổng Tư lệnh còn chăm lo đến việc tổ chức phòng tránh sơ tán bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do địch gây ra. Ngày 6 tháng 12 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu đã họp với các quân khu, quân chủng, thành phố để kiểm điểm mọi công tác chuẩn bị, làm tham mưu cho uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về lãnh đạo nhân dân tích cực tham gia phục vụ chiến đấu, phòng tránh sơ tán, tiếp tục sản xuất và giữ gìn trật tự an ninh, bảo đảm mọi sinh hoạt xã hội khi địch đánh phá trở lại, làm cho mọi người thấy rõ âm mưu của Mỹ là dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng nhằm ép ta phải chấp nhận những điều kiện kết thúc chiến tranh của Mỹ. Toàn quân, toàn dân ta chủ động, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ với phương châm "bảo đảm đánh địch với hiệu quả cao nhất và giảm thiệt hại của ta đến mức thấp nhất". Với phương châm kết hợp chủ động đánh địch và triệt để sơ tán phòng tránh, quân và dân miền Bắc đã nỗ lực vượt bậc chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến đấu mới. Riêng Hà Nội, trong thời gian ngắn đã củng cố và đào được 63 vạn hố cá nhân, 5.000 hầm tập thể và 11.300 cây số hào giao thông. Kể cả trong quá trình chiến dịch, Hà Nội sơ tán được 50 trên 60 vạn dân nội thành, Hải Phòng sơ tán 20,7 vạn trên 27 vạn dân. Các thành phố khác như Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang đều tổ chức sơ tán 90% dân số. Các đường giao thông vận chuyển, các cầu phà quan trọng đều có kế hoạch bảo đảm. Hệ thống thông báo, báo động phòng không được tổ chức chặt chẽ. Về công tác bảo đảm giao thông vận chuyển chi viện chiến trường, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông đề ra kế hoạch bảo đảm vận chuyển ngay cả khi địch đánh phá ác liệt, tổ chức chỉ huy thống nhất vào một đầu mối do quân sự chủ trì. Cố gắng khắc phục phá mìn, thuỷ lôi, tạo luồng thông suốt ở cửa biển phía bắc, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu thường xuyên thông báo hoạt động của địch cho Bộ Giao thông và các cơ quan Nhà nước có liên quan, đề xuất những kiến nghị về bảo vệ, sơ tán các chân hàng, các kho tàng nhất là ở các khu vực trọng điểm.

        Những ngày tiếp sau, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh quân chủng liên tiếp tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các đơn vị, đôn đốc việc sẵn sàng chiến đấu, động viên bộ đội sẵn sàng đánh địch. Thông qua kiểm tra, phát hiện, hướng dẫn của chỉ huy và cơ quan, những thiếu sót tồn tại đều được khẩn trương khắc phục.

        Nét nổi bật về nghệ thuật chiến dịch trong giai đoạn chuẩn bị là Bộ tư lệnh chiến dịch đã nắm vững và xoay quanh kế hoạch chiến dịch, điều hành một cách chủ động và toàn diện. Tập trung vào khâu then chốt khâu chủ yếu để chỉ đạo, nhất là cách đánh rơi tai chỗ máy bay B-52. Khai thác được những kinh nghiệm thực tế của quần chúng, kết hợp với những luận giải khoa học, Bộ tham mưu quân chủng đã nghiên cứu biên soạn tài liệu "cách đánh thắng máy bay B-52" có cơ sở thực tiễn, tạo 'niềm tin tất thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2016, 08:53:23 am »

        Trên cơ sở đánh giá, so sánh tương quan lực lượng đúng đắn, Bộ tư lệnh quân chủng đã chuyển dần nội dung chuẩn bị từ chỗ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh, phù hợp với diễn biến tình hình về địch, về ta, nhất là việc hoàn chỉnh cách bố trí đội hình tên lửa. Chuyển dần công tác chuẩn bị từ trong trạng thái tác chiến thường xuyên sang trạng thái chiến dịch, tạo điều kiện giành hoàn toàn chủ động bước vào chiến dịch.

        Nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong giai đoạn chuẩn bị là nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ các cấp trong việc quán triệt sâu sắc quyết tâm của chiến lược, hiểu rõ tình thế cách mạng, dự kiến trước mọi tình huống, xây dựng được quyết tâm, chuẩn bị tốt mọi mặt, phát huy trí tuệ sáng tạo của quần chúng, huy động mọi lực lượng hăng say chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới vô cùng quyết liệt. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác đảng, công tác chính trị với nghệ thuật tác chiến trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch đã góp phần quyết định thắng lợi trong giai đoạn thực hành chiến dịch.

        Ngày 14 tháng 12 năm 1972,Ních-Xơn ra lệnh thả thuỷ lôi phong toả cảng Hải Phòng, tiến hành trinh sát toàn miền Bắc nước ta, chính thức thông qua kế hoạch tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội bắt đầu từ ngày 17 tháng 12 năm 1972 (giờ Hà Nội là ngày 18 tháng 12 năm 1972) với mật danh "Lainơbếchcơ II".

        Mục đích cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ nhằm gây sức ép mạnh buộc ta phải nối lại cuộc  đàm phán ở Pari trên thế yếu, phải chấp nhận các sửa đổi của Mỹ. Với mục tiêu chính trị đó địch tập trung đánh phá huỷ diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc nhằm làm suy yếu đáng kể sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, Lào và Campuchia, gây hậu quả to lớn cho sự phát triển thế và lực của ta sau hiệp định Pari. Chúng đánh cả vào khu dân cư đông đúc để gây rối loạn xã hội, tạo làn sóng phản đối của nhân dân đối với Chính phủ. Tiến hành cuộc tập kích chiến lược, Mỹ còn nhằm đe doạ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân tiến bộ trên thế giới và trấn an bọn ngụy quân ngụy quyền ở miền Nam. Để đạt ý đồ trên, mục tiêu oanh tạc chủ yếu của địch là Hà Nội, Hải Phòng, các trọng điểm giao thông từ các nơi về Hà Nội, các nhà máy, kho tàng, khu dân cư. Chúng kết hợp đánh phá bằng các lực lượng không quân với thả thuỷ lôi phong toả cảng Hải Phòng và các cảng khác.

        Cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ tháng 12 năm 1972 đặt dưới sự điều hành trực tiếp của chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Thời gian cuộc tập kích chiến lược, Mỹ dự tính từ ba đến sáu ngày. Nỗ lực cao nhất của Ních-Xơn là trong ba ngày.

        Ngày 16 tháng 12 năm 1972, Mỹ cho nhiều tốp máy bay trinh sát Hà Nội, Hải Phòng và hệ thống các sân bay trên miền Bác.

        Ngày 17 tháng 12 năm 1972, chúng bắn phá khiêu khích và thả thuỷ lôi xuống vùng ven biển Hải Phòng từ cửa Nam Triệu đến đảo Cát Bà.

        Theo dõi chặt chẽ âm mưu và các hoạt động của địch, ngày 17 tháng 12, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho bộ đội phòng không- không quân chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B-52 đánh đêm từ vĩ tuyến 20 trở ra.

        10 giờ 30 phút cùng ngày, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân chỉ thị cho các binh chủng, các sư đoàn khẩn trương kiểm tra lại toàn bộ công tác chuẩn bị, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao, đảm bảo hệ số kỹ thuật các loại khí tài cao nhất, thông tin thông suốt, chú ý kiểm tra việc chuẩn bị đạn tên lửa. Duy trì chặt chẽ mối quan hệ hiệp đồng.

        Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không- Không quân đã sẵn sàng bước vào cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt để đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ tháng 12 năm 1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2016, 09:00:26 am »


III. CUỘC ĐẤU TRÍ ĐẤU LỰC QUYẾT LIỆT
GIỮA TA VÀ ĐỊCH
TRONG QUÁ TRÌNH TÁC CHIẾN CHIẾN DỊCH

        1. Tập trung mọi nổ lục đánh tháng trận đẩu đêm 18 và ngày 19 tháng 12.

        Thường ngày, không quân địch, kể cả B-52 liên tục đánh phá quyết liệt tuyến vận tải chiến lược và trên chiến trường Trị-Thiên. Đột nhiên, ngày 18 tháng 12 năm 1972, Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương ra lệnh đình chỉ các phi vụ hoạt động của máy bay B-52 trên toàn chiến trường Đông Dương để tập trung cho cuộc tập kích đường không chiến lược của chúng. Từ sáng đến chiều, không quân địch, đặc biệt lực lượng B-52 ngừng hẳn mọi hoạt động đánh phá trên miền Bấc cũng như toàn chiến trường. 10 giờ 15 phút, một máy bay không người lái ở độ cao 10 km từ Thái Lan bay qua Lào, đột nhập vào Tây Bắc, qua Yên Bái, Tam Đảo, bay dọc theo sông Hồng qua trung tâm Hà Nội và thoát ra theo hướng Hoà Bình. 10 giờ 45 phút, một máy bay không người lái bay thấp từ cửa Nam Triệu đột nhập vào Hải Phòng, Kiến An vòng qua cửa Bà Lạt ra biển.

        Từ những dấu hiệu khác thường, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: đây có thể là triệu chứng của một cuộc tập kích lớn. Trinh sát Hà Nội, Hải Phòng có thể là những lần trinh sát trực tiếp cho trận tập kích đầu tiên. Những nhận định trên được báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời Bộ tư lệnh quân chủng chỉ thị cho các binh chủng, các sư đoàn tăng cường sẵn sàng chiến đấu. 16 giờ 30 phút, Bộ Tổng Tham mưu thông báo "có nhiều tốp máy bay B-52 xuất kích từ sân bay Ạnderson (Guam) sang đánh miền Bâc".

        Qua nghiên cứu, phân tích, quân chủng nhận thấy: thời gian qua Mỹ đã dùng B-52 đánh Vinh, Thanh Hoá, lấn dần đến Hải Phòng, giờ đây Mỹ muốn gây sức ép tối đa, chỉ còn có Hà Nội. Nếu dùng B-52 đánh vào Hà Nội, nơi có lực lượng phòng không mạnh, chúng sẽ đánh vào ban đêm, sớm nhất thì cuộc tập kích cũng phải bắt đầu khi thời gian đã chuyển về đêm. Từ nhận định đó, quân chủng chỉ thị cho các đơn vị kiểm tra lại toàn bộ công tác chuẩn bị và khẩn trương hoàn tất mọi công việc, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu toàn bộ trước 17 giờ. Ở sở chỉ huy chiến dịch, chiều 18 tháng 12 năm 1972, không giao ban như thường lệ. Toàn bộ chỉ huy và cơ quan giành thời gian cho việc đôn đốc, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.

        Lúc 18 giờ, trạm rađa 12 thuộc trung đoàn rađa 290 phát hiện có nhiễu B-52 trên một dải quạt rộng từ hướng đông nam đến hướng tây. Tiếp đó trạm rađa 16 của trung đoàn 291 đã phát hiện được tín hiệu B-52 bay dọc biên giới Lào - Thái Lan. Cùng lúc, các đài rađa trên hướng tây nam phát hiện liên tiếp nhiều tốp máy bay cường kích của địch bắt đầu bay vào miền Bắc nước ta.

        Trong khi dùng các đài rađa tốt nhất, chính xác nhất ở vị trí thuận lợi nhất để theo dõi máy bay B-52 đang bay ở xa, xác định dần phần tử của chúng, mạng rađa vẫn có bộ phận phát hiện và theo dõi, giám sát các tốp máy bay cường kích F4, F111 bay thấp đột nhập vào Hà Nội. Vấn đề trung tâm, khẩn cấp nhất của sở chỉ huy chiến dịch trong lúc này là phải xác định chính xác B-52 vào Hà Nội hay không? Nhờ có tổ chức hệ thống thông tin đường dài từ tổng trạm đến sở chỉ huy trung đoàn rađa 290 và trung đoàn rađa 291, với chế độ ưu tiên, trong khoảnh khắc ta đã xác định được hành động của địch: khác với những lần trước, khi các tốp B-52 đầu tiên đá vượt quá phương vị mà từ đó B-52 vòng sang đánh vùng Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, chúng vẫn giữ đội hình bay về hướng tây bắc nước ta. Sau khi nắm chắc tình hình theo dõi địch của các đại đội 16 và 45, trung đoàn trưởng trung đoàn rađa 291 đã khẳng định và báo cáo về tổng trạm rađa: "B-52 vào đánh Hà Nội". Phân tích tình huống trên tiêu đồ, sở chỉ huy chiến dịch củng nhận định như vậy. Trên cơ sở đánh giá tình hình, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định báo cáo lên Bộ Tổng Tham mưu và lệnh cho thông báo B-52 trên mạng tình báo quốc gia tín hiệu "B.B..."

        Các lực lượng phòng không chiến dịch nhanh chóng chuyển cấp chiến đấu. Cục Tác chiến phát lệnh báo động phòng không cho Hà Nội. Các khu vực của chiến dịch củng đã nhận được tín hiệu B-52 trên mạng tình báo quốc gia. Nhờ tình báo của mạng rađa, quân và dân miền Bác sẵn sàng đánh trả cuộc tập kích tàn bạo của đế quốc Mỹ. Bộ đội rađa đã thực hiện được quyết tâm "không để Tổ quốc bị bất ngờ", đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời điểm mở đầu của một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện cho chiến dịch giành chủ động ngay từ đầu.

        Đêm 18 rạng sáng ngày 19 tháng 12 năm 1972, Mỹ đã huy động 901  lần chiếc máy bay B-52 và 135 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân đánh phá Hà Nội ba đợt và 28 lần chiếc máy bay hải quân vào đánh Hải Phòng.

---------------
1.  Theo các tài liệu của Mỹ, đêm 18 đã cất cánh 129 B-52(42 B-52D từ căn cứ Utapao và 54 B-52G, 33 B-52D tử Guam)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2016, 09:03:04 am »

        Theo các đường bay đã trinh sát buổi sáng, B-52 vào đánh Hà Nội từ hướng tây bắc, lấy ngã ba sông Việt Trì làm điểm kiểm tra cuối cùng, đánh thẳng xuống Hà Nội và thoát ra hướng tây - tây nam. Đội hình đánh phá của B-52 được tổ chức khá chặt chẽ. Các tốp máy bay B-52 được yểm hộ bởi một hàng rào máy bay F4, chìm trong một khối nhiễu dày đặc và hỗn hợp của bản thân B-52, nhiễu của các loại máy bay chiến thuật đi hộ tống, của màn nhiễu tiêu cực và nhiễu ngoài đội hình của máy bay EB-66.

        Các tốp máy bay F4 được trang bị máy gây nhiễu tích cực vừa có nhiệm vụ quét sạch vùng trời dọn đường cho B-52, vừa có nhiệm vụ thả nhiễu tiêu cực trên một hành lang rộng từ nam Việt Trì đến Tam Đảo đồng thời hoạt động đã gây cho ta nhiều khó khăn trong phát hiện và đánh địch. Để nghi binh lừa ta, địch tổ chức các tốp F-105G bay gần giống như các tốp B-52, được trang bị các máy gây nhiễu tích cực vào trước đội hình B-52, làm nhiệm vụ tạo "B-52 giả", thu hút hoả lực tên lửa và cũng là những "bản tay sắt" phóng tên lửa tự dẫn vào các đài rađa điều khiển tên lửa.

        Bộ tư lệnh không quân chiến lược SAC cho rằng: với lớp nhiễu dày đặc và phức tạp như vậy, tên lửa phòng không sẽ bị vô hiệu hoá. Đối thủ nguy hiểm nhất của B-52 chỉ còn lại là MiG. Vì vậy, ngay từ phút đầu, địch đã cho các tốp F111 cùng một lúc đánh phá hầu hết các sân bay của ta và khống chế liên tục, hòng làm cho không quân ta không thể cất cánh được. Các nhà vạch kế hoạch cuộc tập kích chiến lược Mỹ chủ quan cho rằng đây là lần đầu tiên trong chiến tranh, Mỹ đă có một cố gắng quyết định trong việc áp đảo hệ thống phòng không của Hà Nội và hy vọng những cuộc ném bom của B-52 như những "cuộc dạo chơi".

        Mặc dù F111 đang đánh phá sân bay, nhưng Bộ tư lệnh Binh chủng Không quân nhận thấy đường băng vẫn còn sử dụng được. Lúc 19 giờ 25 phút, ta cho một MiG-21 cất cánh để đánh địch từ xa. Được rađa dẫn đường chính xác, bay đến vùng trời Hoà Bình, phi công đã phát hiện được máy bay B-52 theo ánh đèn của chúng, tiến vào công kích. Nhưng hàng rào F4 trực tiếp bảo vệ B-52 đã phân tán đội hình, phóng tên lửa dồn dập vào máy bay ta. Vừa phải đối phó với F4, vừa phải bám sát theo dõi B-52 để chọn hướng công kích có lợi. Trong quá trình đó, B-52 tắt đèn, màn hiện hình rađa trên máy bay của ta bị nhiễu địch phủ kín. Không theo dõi được mục tiêu, máy bay ta phải quay về căn cứ trong lúc sân bay đang bị đánh phá, hệ thống đèn bị hỏng. Nhưng với trình độ điêu luyện, nhờ ánh sáng của các loại hoả lực mặt đất bắn lên và ánh sáng của một máy bay địch đang bốc cháy, phi công ta đã hạ cánh an toàn. Cùng thời gian đó, từ sân bay khác, không quân ta cũng cất cánh, nhưng không phát hiện được địch phải quay về.

        Trận đánh của không quân ta tuy chưa đạt mục đích bán rơi B-52 nhưng đã tạo điều kiện cho các trắc thủ tên lửa xác định B-52 chính xác hơn, đánh hiệu quả hơn.

        19 giờ 44 phút, nhiều tốp B-52 có máy bay F4 yểm hộ, tiếp cận không phận Hà Nội. sở chỉ huy sư đoàn phòng không Hà Nội theo dõi chặt chẽ, xác định chính xác từng tốp B-52 và giao nhiệm vụ tiêu diệt cho các trung đoàn rất sớm. Nhưng trên màn hiện sóng rađa của bộ đội tên lửa dày đặc các loại nhiễu trong đội hình, nhiễu ngoài đội hình và nhiễu tiêu cực. Tiểu đoàn 78, trung đoàn 257,. đã phóng những quả đạn tên lửa đầu tiên đánh tốp máy bay B-52 vào đánh phá sân bay Hoà Lạc mở màn chiến dịch. Mặc dầu kíp chiến đấu đã sử dụng mọi biện pháp khắc phục nhiễu, nhưng do nhiễu quá nặng, không thấy mục tiêu, phải đánh bằng phương pháp "T". Ở thời điểm cuối của quá trình điều khiển, khi B-52 vào gần, tiểu đoàn phát sóng. Cả ba màn của trác thủ đều nhìn thấy tín hiệu mục tiêu B-52 trên nền nhiễu. Nhưng đã muộn, tiểu đoàn không kịp chuyển sang phương pháp điều khiển có hiệu quả hơn. Trận đánh không tiêu diệt được máy bay địch.

        Trận đánh kế tiếp của tiểu đoàn 57 trung đoàn 261 củng không thành công, đã đánh nhầm vào tốp tiêm kích "làm giả" máy bay B-52.

        Trong tình huống địch gây nhiễu vô cùng phức tạp, các trung đoàn 257, 261 đã kiên quyết tổ chức những trận đánh tập trung, các tiểu đoàn đã phóng 11 quả tên lửa nhưng vấn chưa tiêu diệt được mục tiêu. Phát hiện lực lượng tên lửa của ta, các tốp máy bay F-105 liên tiếp phóng nhiều tên lửa tự dẫn vào cánh sóng rađa của các tiểu đoàn. Nhưng tên lửa địch không gây thiệt hại gì cho ta.

        Đến 20 giờ 11 phút, các tiểu đoàn tên lửa đã liên tiếp đánh một số trận vẫn chưa bắn rơi được B-52. Không khí trong sở chỉ huy các cấp lúc này hết sức căng thẳng.

        Trong tình huống hết sức phức tạp và khẩn trương, tại sở chỉ huy sư đoàn 361 lúc này chỉ có đồng chí Tham mưu trưởng và đồng chí Phó chính uỷ sư đoàn đảm nhiệm việc chỉ huy, một số đồng chí khác trong Bộ tư lệnh sư đoàn đang ở các đơn vị trực tiếp chỉ đạo chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2016, 09:04:57 am »

        Trong những phút đầu, một số trận đánh diễn ra lẻ tẻ, có những trận đánh tập trung nhiều tiểu đoàn. Nhưng về xạ kích, ta chưa có nhiều kinh nghiệm, nên không có hiệu quả. Đó cũng là một thực tế khách quan. Hầu hết các đơn vị tên lửa đánh địch bảo vệ Hà Nội trong chiến dịch chưa có điều kiện tham gia trực tiếp đánh B-52 ở chiến trường, các trắc thủ chưa một lần nhìn thấy tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng. Đây là điều khó khăn nhất đối với các trung đoàn tên lửa trong lần đầu tiên đối mặt với B-52 trên bầu trời Hà Nội. Tuy đã được huấn luyện trước theo tài liệu, nhưng đó cũng mới chỉ là lý thuyết. Trong chiến đấu, lý thuyết và thực tế có một khoảng cách khá xa, đòi hỏi phải có sự vận dụng rất linh hoạt và sáng tạo. Trước tình huống khó khăn đó, cần để cho bộ đội bình tĩnh, động viên cán bộ chiến sĩ nghiên cứu rút kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu đánh B-52. Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ thị cho sư đoàn nhanh chóng phát hiện nguyên nhân hạn chế kết quả bắn, rút kinh nghiệm phổ biến ngay, nhất là kinh nghiệm phát sóng của tiểu đoàn 78, chỉ đạo các trung đoàn kiên trì tổ chức đánh tập trung, chọn đúng thời cơ để tập trung hoả lực, tích cực phát sóng tìm mục tiêu ở cự ly thích hợp và khẩn trương đánh địch ở cự ly gần.

        20 giờ 15 phứt, khi tốp máy bay B-52 (671) bay chếch về hướng Tam Đảo, xuống đánh Đông Anh, trung đoàn 261 lệnh cho các tiểu đoàn 94, 57 và tiểu đoàn 59 đánh tập trung. Ở điều kiện thuận lợi, tiểu đoàn 59 đả phân biệt rõ dải nhiễu, bám sát đúng, phóng tên lửa và điều khiển bằng phương pháp "T". Một B-52 trúng đạn, bốc cháy, rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ huyện Đông Anh, cách trận địa chưa đầy 10 km. Để kịp thời rút kinh nghiệm lãnh đạo, trong lúc địch đang đánh phá ác liệt, Chính uỷ quân chủng cùng một số cán bộ cơ quan đã xuống sở chỉ huy sư đoàn 361 để cổ vũ động viên cán bộ chiến sĩ phát huy kết quả đánh thắng trận đầu, hạ quyết tâm đánh thắng lớn hơn trong các trận tiếp theo.

        Đây là trận đánh có ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt. Chẳng những là trận đánh rơi B-52 tại chỗ đầu tiên của chiến dịch mà còn là trận đánh rơi B-52 tại chỗ đầu tiên trong cuộc chiến tranh. Sự kiện đó đã gây bất ngờ trong các nhà vạch kế hoạch cuộc tập kích chiến lược của địch và trong các lực lượng không quân chiến lược của Mỹ, đặc biệt đối với bọn giặc lái trực tiếp tham gia trận tập kích.

        Về xạ kích, trận đánh được thực hiện bằng một phương pháp điều khiển "T". Trong điều kiện thông thường thì phương pháp điều khiển T kém hiệu quả hơn so với các phương pháp điều khiển tên lửa khác. Thành công đó đã tạo niềm tin trong bộ đội tên lửa có thể bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 bằng bất cứ phương pháp điều khiển nào.

        Tin máy bay B-52 rơi tại chỗ ở Hà Nội được báo cáo ngay về Tổng hành dinh. Đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh trực tiếp gọi điện xuống sư đoàn phòng không Hà Nội biểu dương thành tích của sư đoàn, và nhắc nhở bộ đội cần phát huy thành tích đã lập được, tiếp tục bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 hơn nữa.

        Bộ tư lệnh chiến dịch kịp thời thông báo tin chiến thắng cho các đơn vị, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết tâm chiến đấu của cán bộ chiến sĩ các binh chủng và sư đoàn phòng không Hà Nội, đã đưa đến chiến thắng đầu tiên. Đồng thời chỉ thị cho các đơn vị cần nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm để tiếp tục đánh tháng.

        Trong đợt chiến đấu này, pháo cao xạ l00mm của bốn đại đội dân quân tự vệ Hà Nội đã phối hợp với bộ đội tên lửa tạo màn đạn bắn vào các tốp B-52.

        Trên hướng phối hợp chiến dịch, lúc 20 giờ 16 phút, tại Nghệ An, tiểu đoàn 52 trung đoàn 267 Sư đoàn 365 bắn rơi một máy bay B-52 ở biên giới Lào- Thái Lan khi chúng vừa gây tội ác ở Hà Nội, trên đường về căn cứ.

        Đợt đánh B-52 đầu tiên đêm 18 kết thúc lúc 20 giờ 40 phút.

        Lực lượng phòng không chiến dịch đá bắn rơi B-52 tại chỗ, bắt sống giặc lái đã làm chuyển biến hẳn tình hình. Trên, dưới đều vui mừng phấn khởi tin tưởng, tạo đà thuận lợi cho cuộc chiến đấu tiếp sau.

        Đợt đánh phá của B-52 vừa chấm dứt, từng chiếc máy bay F-111, cùng với máy bay chiến thuật tiếp tục vào đánh các sân bay, các trận địa pháo cao xạ trong nội thành. Mặc dù còn phải khác phục hậu quả do địch đánh phá, lưới lửa tầm thấp của các lực lượng phòng không chủ lực và dân quân tự vệ đều nổ súng giòn giã đánh địch một cách quyết liệt

        Trong khi B-52 đánh phá Hà Nội, thì ở Hải Phòng máy bay hải quân cũng tổ chức những trận đánh lớn vào nhà máy cơ khí Hải Phòng, sân bay Kiến An, xí nghiệp thuỷ tinh Nam Hải và khu vực Thuỷ Triều (Thủy Nguyên). Các lực lượng của sư đoàn phòng không 363 và dân quân tự vệ Hải Phòng đã đánh trả mãnh liệt. Trung đoàn pháo cao xạ 252 bắn rơi tại chỗ một máy bay A7.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM