Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:03:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên dấu ấn một thời  (Đọc 32966 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2016, 05:34:48 pm »


Cuộc hành quân thọc sâu lại được tiếp tục, nhưng bọn địch ở trại Quang Trung còn rất đông và vẫn đang ra sức đánh trả đội hình ta.

Trung đoàn liền để lại một lực lượng phối hợp với tiểu đoàn 115 đặc công tiếp tục đánh trại Quang Trung, còn đội hình chính của trung đoàn tiếp tục tiến quân. Đến 17 giờ vượt qua được cầu Tham Luông, 18 giờ tiến đến Nhà máy dệt Vinatếchcô liền gặp một tiểu đoàn bảo an, một tiểu đoàn dù và một chi đội xe tăng, thiết giáp địch đang bố trí thành tuyến phòng ngự ngăn chặn ta. Địch ra sức chống cự quyết liệt, pháo binh bắn phá dữ dội, máy bay địch đến ném bom, chúng sử dụng cả đạn hóa học, đạn cháy và bom napan làm đội hình của trung đoàn bị ùn tắc lại và có thương vong. Trung đoàn liền ra lệnh cho bộ đội triển khai dãn đội hình ra và điều thêm hỏa lực lên đánh.

Sau khi điều được 2 khẩu pháo 85 ly lên bắn thẳng kết hợp với hỏa lực xe tăng và cối 82 ly đánh tập trung vào quân địch, tiểu đoàn 6 của trung đoàn đưa đại đội 7 và đại đội 5 cùng với xe tăng thiết giáp chia thành 2 mũi, 2 đại đội pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 234 triển khai ngay trên đường phố, đánh trả máy bay địch, trận địa địch bị phá vỡ, ta chiếm được đồn bảo an và xưởng dệt Vinatếchcô một số địch bị diệt và bị bắt, số còn lại chạy về ngã ba Bà Quẹo, thừa thắng ta truy kích chiếm được ngã ba.

Trước tình hình đang nguy ngập, địch điều thêm lực lượng từ trong sân bay ra lập tuyến ngăn chặn ở ngã tư Bảy Hiền. Trung đoàn liền cho lực lượng áp sát lên sát tuyến địch đang bố trí và dùng hỏa lực đánh địch. Hai kho bom và đạn pháo 155 ly của địch bị pháo đạn ta đánh trúng, bốc cháy dữ dội. Tiểu đoàn 5 của trung đoàn lợi dụng thời cơ đi sát mé đường phía Nam áp sát địch, cấu trúc được công sự trận địa gần tuyến địch đang bố trí ở ngã tư Bảy Hiền. Lúc đó là 21 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Tình hình thực tế ngày 29 tháng 4 năm 1975 cuộc hành quân của Trung đoàn 24 đã là mũi thọc sâu vào nội đô sớm nhất, còn hướng Trung đoàn 28 lại gặp trở ngại.

Sáng 29 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 28 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm và Chính ủy trung đoàn Nguyễn Ngọc Xuân được lệnh xuất kích. Khối đột kích thứ nhất gồm lực lượng trinh sát của trung đoàn, tiểu đoàn 3 bộ binh, 14 xe tăng T54 và K63, 11 ô tô vận tải, một cối 82 ly, một ĐKZ 75 ly, một khẩu 12 ly 7 một tiểu đội công binh. Khối đột kích thứ hai của trung đoàn gồm tiểu đoàn bộ binh 1, một ĐKZ 75, một cối 82 ly, một khẩu 12 ly 7, khi bước vào chiến đấu sẽ được chuyển thuộc 6 xe tăng và K63. Trung đoàn sử dụng tiểu đoàn 2 làm lực lượng dư bị. Lực lượng pháo binh, cao xạ được tổ chức cơ động cùng các khối trực tiếp chi viện hỏa lực cho các mũi tiến công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2016, 05:35:29 pm »


Sau khi trung đoàn vượt qua các trạm điều chỉnh, tiến theo đường công binh mới mở, 8 giờ 20 phút bộ phận đi đầu của Trung đoàn đã đến cách Phú Hòa Đông khoảng 2km thì mất lộ tiêu, phân đội xe tăng đi đầu bị lạc đường, địch ở Tân Quy phát hiện được đã chỉ điểm cho pháo binh bắn nên đội hình hành quân của trung đoàn trở nên lộn xộn. Trước tình hình đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm quyết định cắt đường tiến thẳng vào Phú Hòa Đông. Cách Phú Hòa Đông 500m, địch đối phó dữ dội, làm cho liên lạc giữa trung đoàn với khối đột kích một bị mất liên lạc, song bộ binh và xe tăng ta vẫn kiên quyết tiến công, triển khai lực lượng trên nhiều hướng đánh vào, bọn địch trong đồn phát hiện xe tăng và bộ binh ta đã áp sát, chúng liền hoảng loạn bỏ chạy. 11 giờ 30 phút, trung đoàn tiến về phía Tân Quy. Địch trong quận Phú Hòa, Tân Quy cùng một bộ phận sư đoàn 25 dùng xe tăng và pháo cối đánh trả quyết liệt, cho đến lúc xe tăng ta bắn cháy hai xe tăng địch và một số xe bọc thép thì địch hoảng loạn chạy về hướng Thủ Dầu Một. Trưa 29 tháng 4, trung đoàn đã làm chủ được khu vực Tân Quy và tiếp tục theo đường 15 về hướng Hóc Môn. Khi qua cầu Sáng, do đội hình đi quá dày đặc, chiếc xe tăng thứ ba của ta vượt được ba phần tư cầu, thì cầu bị gãy, nên bị rơi xuống sông. Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm và Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi trực tiếp lên kiểm tra thấy hai bên đường đều sình lầy phức tạp, khó cơ động được, liền đề nghị lên sư đoàn cho đơn vị quay lại Tân Quy, theo đường số 8 ra đường 1B để tiến về Hóc Môn, lúc đó đã 13 giờ 20 phút, được Bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn đồng ý, trung đoàn vòng quay trở lại Tân Quy rồi ra đường 1B sau Trung đoàn 24, đến được Hóc Môn lúc trời đã chiều tối. 18 giờ, đội hình trung đoàn đến được ngã tư Quang Trung bị địch ngăn chặn; địch dùng M79, B90 bắn cháy của ta hai xe tăng và 2 xe K63 buộc lực lượng của trung đoàn phải dừng lại tại gần ngã tư, phân tán đội hình làm công sự, tổ chức lại mạng liên lạc với các bộ phận.

Trong đêm 29 tháng 4 năm 1975 qua thông báo của Bộ tư lệnh chiến dịch, cuộc tiến công của quân ta trên các hướng đều phát triển thuận lợi. Ở phía bắc Sài Gòn Quân đoàn 1 đã đến Lái Thiêu, cách Sài Gòn 30km; quân đoàn đang tổ chức tiến công dồn dập vào căn cứ quân sự Phú Lợi và cơ động lực lượng về hướng cầu Bình Triệu. Ở hướng đông Sài Gòn, quân ta đánh chiếm, làm chủ Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và đang tiến về Cát Lái, cầu xa lộ Đồng Nai - Thủ Đức. Ở phía nam và tây nam, ta làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, quận lỵ Đức Hòa, bức rút Đức Huệ, chiếm ngã ba Vĩnh Lộc, cầu Sáng, cắt lộ 4, đang phát triển tiến công ở cầu Guộc, Hưng Long. Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã tích cực diệt ác ôn, làm áp lực cho quần chúng nổi dậy ở một số nơi. Trung đoàn bộ binh Gia Định đã quét sạch bọn phòng vệ dân sự ở 2 xã Tân Thới Thượng và Tân Thới Nhất, cùng bộ đội địa phương và du kích Củ Chi bức rút, bức hàng các bốt địch trong các xã, ấp. Chiều 29 tháng 4 toàn quận Củ Chi đã được giải phóng, cờ cách mạng đã xuất hiện nhiều nơi như Bình Hòa, Phú Nhuận, Bàn Cờ, Vườn Chuối, đường Trần Quốc Toản, cư xá Lữ Gia, Tân Phú, Phú Lâm...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:41:11 pm »


23 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, Bộ tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho Quân đoàn 3 dùng lực lượng đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, không chờ đơn vị bạn đến hiệp đồng.

Đồng chí Tư lệnh Quân đoàn 3 liền trao đổi với tôi và số cán bộ tham mưu trực chiến, thấy rằng lực lượng Sư đoàn 10 còn rất sung sức, Trung đoàn 66 dự bị của sư đoàn đang tiến quân bám sát phía sau; Trung đoàn 28 chưa bị thương vong nhiều. Có ý kiến cho rằng, sử dụng Trung đoàn 66 sẽ chắc tay, lại có ý kiến dùng Trung đoàn 28 đang trong tư thế tăng cường đầy đủ xe tăng thiết giáp và cao xạ và đang ở sát gần sau Trung đoàn 24, việc đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất giao cho Trung đoàn 24 cũng đủ sức giải quyết.

Sau khi xem xét các ý kiến trên, Bộ tư lệnh quân đoàn liền quyết định giao cho Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 dùng Trung đoàn 28 để đánh vào bộ tổng tham mưu của quân ngụy.

5 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 cơ quan chỉ huy của Quân đoàn 3 di chuyển giữa ban ngày lên khu vực Tân Thới Thượng và Tân Thới Nhất để bám sát Sư đoàn 10. Đường dây liên lạc hữu tuyến đã được thiết lập xong trong đêm 29 tháng 4, giữ được đầu mối liên lạc với các đơn vị trong quân đoàn.

Suốt trong đêm 29 tháng 4, từ Tư lệnh quân đoàn đến chiến sĩ đều không ngủ; một mặt, lo phương án tác chiến cho ngày mai, một mặt lo tiếp tế, bổ sung và giải quyết hậu quả sau một ngày chiến đấu; cán bộ chính trị cũng như cán bộ tham mưu, hậu cần đều phải xuống sâu sát đơn vị từng phân đội để giáo dục động viên, xây dựng quyết tâm kiên trì đánh đến phút cuối cùng và giải quyết cụ thể các yêu cầu cần thiết cho các phân đội, bộ đội đang gặp khó khăn. Mọi người trong quân đoàn ai cũng quyết tâm, hứa hẹn xả thân làm nhiệm vụ. Ở phía trước từng nơi các đơn vị đang bố trí, nhân dân dọc đường phố và ở các thôn xóm đã lợi dụng ánh sáng đèn dù của máy bay địch đi từng tốp nhỏ ra sát từng phân đội bộ đội để úy lạo động viên. Có thể nói, đây là một đêm rực lửa anh hùng trong tâm tư của mỗi người. Qua một ngày chiến đấu tuy có thương vong nhưng không một ai dao động lùi bước thậm chí trong các đơn vị Sư đoàn 10 còn có phong trào thi đua nhau, xung phong vào tổ cắm cờ lên chỉ huy sở của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở Bộ tổng tham mưu quân ngụy. Ngoài việc tới tấp nhận các tình hình của các đơn vị, giải quyết các yêu cầu cấp thiết mà các đơn vị đòi hỏi, cơ quan quân đoàn còn coi trọng việc phổ biến những nhận xét, đánh giá của bộ chỉ huy chiến dịch, của Bộ tư lệnh quân đoàn, đặc biệt coi trọng và phổ biến kỹ càng những lời động viên, hiệu triệu và khen ngợi của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, của Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:42:27 pm »


Trong đêm 29 tháng 4, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 đề nghị lên Bộ chỉ huy chiến dịch cho Quân đoàn 3 tiến công đánh chiếm ngay sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ tư lệnh chiến dịch cho biết: Hãy đợi pháo binh tầm xa ở hướng Nhơn Trạch đánh phá vào các mục tiêu rồi mới đánh.

5 giờ 25 phút ngày 30 tháng 4, tôi và anh Vũ Lăng cùng một bộ phận cán bộ chủ chốt cơ quan quân đoàn (tất cả gồm hơn mười người) đã có mặt ở sở chỉ huy Sư đoàn 10 ở phía nam Hóc Môn để theo dõi và chỉ đạo sư đoàn đột kích.

6 giờ 15 phút, từ sở chỉ huy Sư đoàn 10, anh Vũ Lăng ra lệnh tiến công. Toàn bộ các trận địa pháo của quân đoàn và Sư đoàn 10 đồng loạt nhả đạn vào các mục tiêu được phân công. Sân bay Tân Sơn Nhất, bộ Tổng tham mưu ngụy, bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân... chìm trong khói lửa.

Khói lửa mịt mùng tiếng đạn, pháo rền vang khắp thành phố, các cánh quân háo hức chờ đợi.

Giờ phút quyết định cuối cùng số phận quân lực Việt Nam cộng hòa đã đến. Đại tướng Văn Tiến Dũng ra lệnh tổng tiến công đúng giờ G quy định. Năm hướng của các đơn vị (quân đoàn 1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 đều hướng vào Sài Gòn tiến công. Tâm tư hết thảy mọi cán bộ, chiến sĩ đều vang lên khẩu hiệu: Hãy tiến lên để đền ơn Bác. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh như đang thúc giục các đoàn quân xông lên phía trước để giải phóng miền Nam thân yêu, thống nhất Tổ quốc.

Qua chiếc đài nhỏ thu thanh, tôi nghe rõ Đài tiếng nói Việt Nam vang lên lời của phát thanh viên: Hoan hô Quân giải phóng, cả nước đang chờ tin thắng trận của các bạn.

Tôi bám kịp Trung đoàn 24 lúc trận đánh ở ngã tư Bảy Hiền vừa xảy ra. Đồng chí Vũ Văn Tài - Trung đoàn trưởng đã tóm lược trận đánh cho tôi biết như sau:

Trong đêm 29 tháng 4 Trung đoàn 24 thấy địch tập trung lực lượng lập tuyến phòng ngự mạnh từ ngã tư Bảy Hiền đến sát ngã ba Bà Quẹo, nên trong đêm mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trung đoàn đã cho lực lượng tiến sát được mục tiêu đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt. Đến sáng 30 tháng 4, khi pháo binh các cấp đánh phá mãnh liệt vào các mục tiêu thì trận đánh của trung đoàn ở ngã tư Bảy Hiền cũng xảy ra rất quyết liệt. Tiểu đoàn 8 dù, lực lượng biệt khu Thủ đô, chi đoàn xe tăng, xe bọc thép của địch lợi dụng nhà gác, sân thượng nhà cao tầng, ngõ hẻm, ngã ba, ngã tư chặn đánh ta. Ta dùng xe tăng, xe bọc thép và bộ binh đột phá mở đường, vừa dùng hỏa lực đánh mãnh liệt vào hướng đánh chính diện, vừa dùng một mũi có chiến sĩ biệt động dẫn đường đánh vu hồi từ phía bệnh viện "Vì dân" thọc sườn vào quân địch. Cuộc chiến đấu phải giành giật nhau từng căn nhà, góc phố. Bộ đội ta phải phát huy sức mạnh đánh gần, áp sát đánh giáp lá cà với địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh và bị thương. Cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn 5 càng trút hết căm thù lên lưỡi lê mũi súng đánh địch. Khi kết hợp được chặt chẽ với xe tăng, thiết giáp, bộ binh dùng B40, B41 diệt xe tăng địch hai xe tăng địch bốc cháy tại chỗ, buộc quân địch vừa đánh vừa phải lui dần. Thừa thắng, bộ đội ta càng bám sát quân địch để đánh tiêu diệt. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm, tiêu biểu là hai chiến sĩ Tố và Việt tuy mới nhập ngũ nhưng đã vượt lên trước đội hình xe tăng, táo bạo dùng B40, B41 và AK đánh diệt xe tăng và bộ binh địch. Cuối cùng ta đã chiếm được ngã tư Bảy Hiền. Địch phải bỏ lại mấy chục xác chết và hàng chục lính bị thương, 10 xe tăng địch đã bị phá hủy tại chỗ, nhiều ô tô bốc cháy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:43:05 pm »


Trong khi tiểu đoàn 5 cùng xe tăng, xe thiết giáp giải quyết bọn địch ở ngã tư Bảy Hiền thì trung đoàn cũng điều động tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 6 vận động lên để tăng cường lực lượng chiếm sân bay.

Tôi tiếp tục cùng Trung đoàn 24 theo dõi cuộc đánh chiếm sân bay. 8 giờ 45 phút đội hình tiến công của tiểu đoàn 5 và xe tăng thiết giáp phát triển đến được tây nam cổng số 5. Khi bộ binh và xe tăng ta tiến cách địch 100m thì bị hỏa lực B90, ĐKZ, hỏa tiễn X202 cùng xe tăng trong lô cốt, trong công sự bao cát và trên các nhà tầng chặn đánh dày đặc. Hai xe tăng và 1 chiếc K63 thiết giáp của ta bị bắn cháy, mũi đột phá đại đội 7 phải chùn lại.

Trung đoàn phó Trương Văn Việt cùng tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Chuyên và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 xe tăng Chu Khánh Toàn phải lên trực tiếp nắm lại tình hình để đột phá tiếp. Trung đoàn điều thêm 4 xe tăng của đại đội xe tăng 2 và hai khẩu pháo 85 ly lên để chi viện cho đại đội 5 đột phá. Nhưng 2 khẩu pháo 85 ly vừa lên triển khai, liền bị địch bắn trúng, đạn nổ cháy xe, pháo thủ bị thương vong hết, pháo hỏng không dùng được. Lúc đó xe tăng lên chi viện kịp thời kết hợp hỏa lực cối, ĐKZ và 12 ly 7 đánh mãnh liệt vào địch nên các chiến sĩ đại đội 5 đã xung phong đánh chiếm được đầu cầu.

Đại đội 2 xe tăng liền tiến lên chi viện đánh phát triển, nhưng khi vòng sang trái thì 3 xe tăng bị địch bắn hỏng. Các kíp xe liền bám vào thành xe dùng súng 12 ly 7 và đại liên đánh trả địch. Pháo thủ Nguyễn Trần Doãn bị thương dập nát tay, liền nhờ đồng đội cắt bỏ cánh tay và tiếp tục chiến đấu. Đến 9 giờ 45, đại đội 5 chiếm được cổng số 5 sân bay rồi cùng đại đội 6 phát triển đánh vào bên trong. Tiểu đoàn 5 dùng đại đội 7 giữ cửa mở, đại đội 5 chiếm khu truyền tin, bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, sau đó phát triển vào trung tâm sân bay, chia cắt địch với bộ tổng tham mưu ngụy, đại đội 6 chiếm khu điện nước, khu cố vấn, ra-đa. Đến 10 giờ 30 phút một mũi của đại đội 5 bắt được 57 tên địch, trong đó có 3 tên đại tá: Lê Hữu Tiến - chỉ huy trưởng khu truyền tin, Trần Quang Thái - phụ trách chiến tranh tâm lý, Nguyễn Duy Phụng - chỉ huy phó sư đoàn 5 không quân, bắn cháy một máy bay L19. 11 giờ tiểu đoàn 5 chiếm được sân bay, loại khải vòng chiến đấu nhiều sĩ quan và binh lính địch.

Lúc 9 giờ, tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 6 vận động lên, dọc đường một số chiến sĩ bị thương vong vì bom pháo địch. Nhưng sau khi tiểu đoàn 5 mở được thông cửa mở và đánh vào bên trong thì tiểu đoàn 4 cũng tiến lên đột phá, dùng đại đội 2 chiếm bộ tư lệnh dù, tiểu đoàn 6 vào chiếm bộ tư lệnh không quân ngụy và bắt liên lạc được với phái đoàn ta trong Ủy ban liên hiệp 4 bên ở trại Đa Vít.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:44:02 pm »


Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta được các chiến sĩ đại đội 10 và đại đội 11 tiểu đoàn 6 kéo lên đỉnh cột cờ bộ tư lệnh không quân ngụy, báo hiệu quân ta đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo dõi nắm bắt tình hình ở hướng Trung đoàn 28; sau khi nhận được lệnh của quân đoàn và sư đoàn quyết định dùng Trung đoàn 28 nhanh chóng tiến công thọc sâu chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, trung đoàn đã đề nghị cho đơn vị cơ động theo đường 1B.

9 giờ ngày 30 tháng 4, đội hình đi đầu của trung đoàn đã đến ngã tư Bảy Hiền, định tiến thắng đến Lăng Cha Cả, nhưng lại gặp Trung đoàn 24 đang đánh chiếm các mục tiêu ở phía bắc chùa. Đường Võ Tánh bị xe cháy làm tắc nghẽn, trung đoàn liền được lệnh của sư đoàn quyết định cho đội hình tiến theo đường Trương Minh Ký, qua nhà thờ Tân Sa Châu, rẽ sang đường Thái Ngọc Hậu, rồi sang đường Võ Tánh.

9 giờ 30 phút, lực lượng đi đầu của trung đoàn tiến cách Lăng Cha Cả 200m thì bị địch ngăn chặn dữ dội. Địch vừa sử dụng xe tăng trong công sự bắn ngăn chặn, vừa dùng các loại hỏa lực B90, ĐKZ, hỏa tiễn X202, đại liên, súng cối bắn xối xả vào đội hình. Tham mưu trưởng Sư đoàn Võ Khắc Phụng và Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi bèn tiến lên trực tiếp tổ chức cuộc chiến đấu, ra lệnh cho xe tăng, thiết giáp và bộ đội phải vừa đánh vừa mở đường. Sau 20 phút chiến đấu quyết liệt, ta bắn cháy 1 xe tăng địch và diệt được một số tên, bọn lính dù của địch liền bỏ chạy về bộ tổng tham mưu. Thừa thắng, ta truy kích diệt tiếp 2 xe tăng địch định chạy tháo thân và áp sát được đến trước cổng bộ tổng tham mưu ngụy.

Cùng lúc cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 tiến công bộ tổng tham mưu ngụy, lực lượng của Sư đoàn 302B (Quân đoàn 1) cũng đã đánh chiếm được khu nhà tầng, trận địa pháo binh, khu thông tin... rồi bắt liên lạc được với Trung đoàn 28, cùng phối hợp đánh chiếm khu vực bộ tổng tham mưu ngụy.

Phát hiện lực lượng của ta, địch cho bộ binh và xe tăng từ trong cổng bắn ra và đóng chặt cửa cổng lại. Một mũi địch từ phía Nam tới phản kích. Đến 10 giờ, tiểu đoàn 3 của trung đoàn đột phá, đánh bật được cổng chính; xe tăng 815 của ta do Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu của địch và một chiếc xe M113 đi sau. Một đại đội địch đến phản kích đầu hàng, số còn lại tháo chạy tán loạn. Lập tức trung đoàn điều động cả tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 tràn vào thành hai mũi, một mũi đánh vế phía Đông Nam, một mũi đánh thẳng vào bên trong. Kết hợp xe tăng và bộ binh, sau khi diệt tiếp được 3 xe tăng M41 của địch thì vừa đúng 11 giờ 30 phút, đội hình của trung đoàn đã đập tan được mọi sự chống cự của địch và triển khai truy quét khắp nơi. Lá cờ chiến thắng của trung đoàn được đại đội 10 anh hùng cắm lên tầng cao nhất của ngôi nhà bộ tổng tham mưu quân ngụy. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trước gió, báo hiệu quân ta đã hoàn toàn giành được thắng lợi.

Cùng thời gian, các đơn vị bạn chiếm dinh Độc Lập, biệt khu Thủ đô, tổng nha cảnh sát, trụ sở bộ quốc phòng, toàn bộ Sài Gòn - Gia Định được hoàn toàn giải phóng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:44:30 pm »


Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến cuối cùng đại thắng.

Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn được giải phóng!

Miền Nam thân yêu của Tổ quốc được giải phóng!

Cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã toàn thắng. Sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn.

Trải qua chặng đường chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Nhà nước và quân đội, Sư đoàn 10 đã lập nên những chiến công chói lọi. Từ Tây Nguyên tới Nha Trang - Cam Ranh, Sài Gòn, Sư đoàn 10 đều luôn luôn phát huy được truyền thống chiến đấu "quyết chiến quyết thắng" của lực lượng chủ lực cơ động mặt trận Tây Nguyên, đã thể hiện được sức mạnh chiến đấu lớn, sức đột kích mạnh, tính chủ động, cơ động linh hoạt cao, cùng với tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, mưu trí linh hoạt vận dụng giỏi các hình thức chiến thuật và các thủ đoạn chiến đấu, chấp hành triệt để mệnh lệnh cấp trên giao phó.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, sư đoàn đã lập công xuất sắc. Từ tham gia chiến dịch đánh Đức Lập và Buôn Ma Thuột đến tiêu diệt sư đoàn 23 và liên đoàn 21 biệt động quân phản kích, giải phóng quận Khánh Dương, tiêu diệt lữ đoàn 3 dù chiếm đèo Mad'Rak - Phượng Hoàng, tham gia giải phóng tỉnh Khánh Hòa - Nha Trang - Cam Ranh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sư đoàn đã đảm nhiệm hướng chủ yếu của Quân đoàn 3 thọc sâu vào chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và cùng đơn vị bạn chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, góp phần rất xứng đáng vào chiến công chung giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam thân yêu của Tổ quốc. Trong chiến dịch lịch sử này sư đoàn đã tiêu diệt, bắt sống và truy quét làm tan rã 14.830 tên địch; bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 41 xe tăng, xe thiết giáp địch, phá hủy 48 xe GMC; thu 370 máy bay các loại, gần 100 pháo lớn, trên một nghìn xe các loại cùng toàn bộ kho tàng, thiết bị kỹ thuật tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã tiêu diệt gọn một chi đoàn xe tăng, thiết giáp, một tiểu đoàn biệt kích dù, tiêu diệt và làm tan rã lữ dù 4 của địch, đã đánh chiếm và giải phóng Củ Chi, thành Quan Nam, Hóc Môn, trại huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tham mưu quân ngụy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:45:47 pm »


Trên hướng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định hơn 400 cán bộ và chiến sĩ của Sư đoàn 10 và các đơn vị phối thuộc đã ngã xuống (hy sinh và bị thương).

Tại hội nghị tổng kết chiến đấu của Quân đoàn 3, tháng 7 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng đại diện Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp với Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Sư đoàn 10 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là đặc biệt xuất sắc".

Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho đến giờ phút thiêng liêng, tham gia đánh địch để kết thúc chiến tranh. Sư đoàn 10 đã cảm tử cho Tố quốc quyết sinh. Trên ngọn đồi nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum, sư đoàn đã có nhà bia tưởng niệm với hơn mười nghìn liệt sĩ.

Theo con số nắm được, chỉ tính từ năm 1965 đến năm 1975 các đơn vị Sư đoàn 10 đã có hơn 7.000 liệt sĩ, quê hương họ ở 30 tỉnh thành trong cả nước. Đến năm 1995 sư đoàn còn 2.883 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, quân đoàn và sư đoàn còn phải ra sức tổ chức quy tập mộ liệt sĩ để tìm thêm hài cốt đồng đội.

Lời tưởng niệm được khắc vào bia đá tại nhà tưởng niệm (trích): ''Đời đời nhớ ơn các Anh. Đất Mẹ ngàn thu ru giấc các Anh. Trời xanh hòa bình tỏa bóng mát cho các Anh. Người người được các Anh tiếp bầu nhiệt huyết đang vững bước trên con đường các Anh đã đi, làm tiếp công việc các Anh để lại.

Xin thề trước vong linh các Anh hùng liệt sĩ. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, vượt qua mọi gian nan thử thách xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa yêu quý của chúng ta. Xin tạc vào bia đá, xin viết lên trời xanh, xin khắc cốt ghi tâm lời thề này và kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ
".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 02:47:15 pm »


* SÀI GÒN NGÀY VÀ ĐÊM 30 THÁNG 4 NĂM 1975

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã trở thành ngày hội kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta, những người dân đất Việt, đã trải qua những năm tháng chống Mỹ đầy mất mát hy sinh từ già đến trẻ, ai cũng coi đó là ngày thiêng liêng nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Kế tiếp cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai của chúng, nhân dân Việt Nam không những hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước mình mà còn làm nhiệm vụ của một dân tộc đi tiên phong trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và dân chủ và độc lập dân tộc trên toàn thế giới trong thời đại ngày nay.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV đã khẳng định:

"Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc như một trang lịch sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng đến cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, thì nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc đã phát huy một cách triệt để nhất, phong phú nhất so với bất kỳ thời kỳ nào trước đây trong lịch sử dân tộc.

Từ ý nghĩa đó, tôi luôn luôn nhớ đến hình ảnh Sài Gòn trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Giữa trời quang mây tạnh hai cảnh tượng xảy ra trái ngược nhau. Một là cảnh binh lính địch bị bắt và đầu hàng được bộ đội ta thả ra nhiều vô kể, chúng phải lột chiếc áo lính ngụy Việt Nam cộng hòa, đi thất thểu dày đặc suốt trục đường cái, đứa nào vẻ mặt cũng rầu rĩ, lủi thủi đi nép vào hai bên đường; có đứa mếu máo khóc. Còn một cảnh là nhân dân thành phố từ già tới trẻ, trai cũng như gái, vui mừng chào đón Quân giải phóng, cờ hoa đỏ rực cả đường phố với tiếng hoan hô vang dội: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, muôn muôn năm!". Chúng tôi vô cùng cảm động, nhớ tới Bác Hồ vĩ đại. Đồng chí lái xe của tôi tên Vui, không hiếu đã cắt ảnh Bác trên báo Nhân Dân từ lúc nào, nay đồng chí đó đã dán bức ảnh Bác Hồ lên kính, trước chiếc xe Bắc Kinh cũ rích. Nhân dân dọc đường phố thấy ảnh Bác càng chỉ trỏ và hô to hơn, nét mặt ai nấy đều hân hoan rạng rỡ. Các cháu thanh niên và nhi đồng lại lấn ra đường hòng chắn xe, làm tôi lúng túng vô cùng, vì đang sốt ruột theo cho kịp bộ đội đang nổ súng đánh địch ở phía trước. Tôi đành vẫy tay suốt dọc đường và xin phép bà con mới đi thoát.

Thực tế nói lên rằng suốt hàng chục năm ròng, nhân dân Sài Gòn cùng nhân dân miền Nam sống dưới ách đè nén của đế quốc, tay sai, cực nhục đau đớn trăm bề, thế mà nhân dân không bao giờ quên Bác. Đó là nỗi ấp ủ từ lâu, bây giờ mới được bộc lộ trên nét mặt của mọi người. Có cụ già hơn 70 tuổi ép sát xe tôi hỏi: Các anh có phải bộ đội Nam tiến ngày xưa không?

Tôi trả lời: Thưa cụ, đúng vậy đấy ạ.

Rồi cụ cũng tham gia dẹp đường cho chúng tôi đi. Đã ngót 30 năm rồi mà người dân Sài Gòn vẫn còn nhớ đến hồi Nam tiến 1945 - 1946.

Sau khi bám kịp Trung đoàn 24, nắm tình hình và bàn với ban chỉ huy trung đoàn đốc thúc việc đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất xong, tôi liền vào thăm phái đoàn ta ở trại Đa Vít. Sau khi vệ binh vào báo cáo, lập tức đồng chí Hoàng Anh Tuấn và đồng chí Hoàng Bích Sơn cùng phái đoàn ra đón. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau rơi nước mắt. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn và đồng chí Hoàng Bích Sơn vừa kể những chuyện mà phái đoàn đã phải sống trong vòng địch. Tôi cảm thấy đó cũng như một mặt trận không đánh địch bằng súng mà đánh dịch bằng trí óc và lời nói. Tôi không ngờ sau này về hưu, viết gia phả dòng họ, tôi mới biết Hoàng Anh Tuấn là Hồ Xuân Oanh và Hoàng Bích Sơn là Hồ Liên. Hóa ra ba anh em họ Hồ chúng tôi đã gặp nhau trong thời khắc lịch sử đáng nhớ đó.

Chuyện trò một lúc, chúng tôi xin phép ra sân bay, trong lòng đầy phấn chấn. Phái đoàn liền cử một cán bộ đi xe trước chúng tôi để ra sân bay Tân Sơn Nhất lúc Trung đoàn 24 chiếm trọn toàn bộ sân bay. Tôi trèo lên đài chỉ huy sân bay cao nhất để nghe ngóng tình hình, một lúc sau thì được tin Trung đoàn 28 đột nhập được khu vực Bộ tổng tham mưu ngụy. Một lá cờ sao vàng, nửa xanh nửa đỏ đã được cắm lên đỉnh nhà bộ tư lệnh không quân ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất; hai lá cờ sao vàng, nửa xanh nửa đỏ khác đã cắm lên đỉnh nóc nhà cơ quan bộ tổng tham mưu quân ngụy (một của Trung đoàn 28 Sư đoàn 10 và một của đơn vị Sư đoàn 320b cắm ở bên cạnh nhau).

Mới ngày nào tại đài quan sát chỉ huy của tiểu đoàn pháo binh chúng tôi đã nhìn thấy quân đội viễn chinh Pháp lần lượt kéo cờ trắng đầu hàng ở Điện Biên Phủ (1954) thì giờ đây từ trên đài chỉ huy sân bay, tôi lại được nhìn thấy quang cảnh Sài Gòn được giải phóng, thật là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời mình.

Hà Nội - Xuân 2005


Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM