Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:00:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên dấu ấn một thời  (Đọc 32969 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:12:15 pm »


Trong lúc ta đánh tiểu đoàn 5 dù, thì ở khu vực tiểu đoàn 6 dù cũng diễn ra những trận đánh quyết liệt. Với nhiệm vụ cắt đường giữa 2 tiểu đoàn địch, tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 lúc 7 giờ 30 phút đã nổ súng tiêu diệt được một bộ phận quân địch từ hướng tiểu đoàn 5 dù chạy về và đánh tan một đại đội từ hướng tiểu đoàn dù 6 lên phản kích. Địch dồn mọi cố gắng để chặn ta phát triển trên hướng tiến công theo trục đường 21. Tiểu đoàn 6 dù liên tục cho từng toán nống ra đề phá vây, Trung đoàn 28 phải liên tục đối phó đánh trả các toán địch đó.

Trước tình hình lực lượng Trung đoàn 28 có phần nào đã phải bộc lộ và thời cơ đang thuận lợi, sư đoàn liền ra lệnh cho Trung đoàn 28 tổ chức tiến công ngay vào tiểu đoàn 6 dù, không chờ xe tăng và thiết giáp ở hướng Trung đoàn 66 đến phối thuộc.

Sau 20 phút pháo binh ta chế áp mạnh vào tiểu đoàn 6 dù. Trung đoàn 28 lập tức chuyển vào tiến công áp sát địch và xung phong. Tiểu đoàn 1 đột nhập được vào sở chỉ huy tiểu đoàn 6 dù trong lúc tiểu đoàn 3 diệt xong cụm địch ở phía Đông cao điểm 584. Địch phản ứng quyết liệt suốt 2 tiếng đồng hồ, ta mới giải quyết được 2 nơi này.

Toàn bộ lực lượng tiểu đoàn 6 dù dồn về cao điểm 510. Đây là điểm nút phòng ngự mạnh nhất của địch ở sát trục đường 21 sau tuyến phòng ngự 2, có cả lực lượng xe tăng thiết giáp thuộc chi đoàn thiết giáp 2, xe tăng trong công sự nửa chìm, nửa nổi, pháo binh địch từ sau tuyến phòng ngự 3 liên tục đánh vào các cánh quân ta đang phát triển. Trận đánh ở khu vực này trở nên giằng co, nhiều đợt xung phong của ta bị địch đánh bật trở lại. Trung đoàn 28 đưa lực lượng dự bị vào cũng chưa giải quyết được. Pháo binh sư đoàn lúc này cũng không với tới các trận địa pháo địch ở sau tuyến 3. Cầu Bản Mo trên trục đường 21 bị địch đánh bom phá hủy. Trước tình hình đó, sư đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 28 tạm ngừng tiến công, chỉnh đốn lại đội hình.

16 giờ 30 phút, sau khi công binh sư đoàn lên khắc phục được đường vòng tránh ở cầu Bản Mo, pháo binh sư đoàn kịp di chuyển lên, sư đoàn điều kịp xe tăng, thiết giáp, vượt qua Bản Mo phối thuộc cho Trung đoàn 28. Ta liền tổ chức trận tiến công mới vào cao điểm 510. Sau đợt bắn phá dữ dội của pháo binh, đồng thời kết hợp được xe tăng thiết giáp, tiểu đoàn 2 và 3 Trung đoàn 28 đã nhanh chóng dứt điểm được địch. Bọn địch ngoan cố chống cự đều bị xe tăng và bộ binh ta tiêu diệt. Bọn sống sót của tiểu đoàn 6 dù chạy tán loạn sang hướng Đông, liền bị Trung đoàn 25 của ta đón lõng và vây bắt. Đến sáng 31 tháng 3 hầu như toàn bộ lực lượng tiểu đoàn 6 dù hoàn toàn bị tiêu diệt. Số địch mà Trung đoàn 25 bắt được khoảng 200 tên, trong đó có cả những tên sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 dù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:12:46 pm »


Đêm 30 tháng 3, chúng tôi nhận được qua tin kỹ thuật, lữ đoàn trưởng lữ đoàn dù 3 xin cấp trên cho rút chạy để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Như vậy thì đúng với dự kiến của ta, vì lực lượng của ta kịp ra cắt đường khi địch rút chạy. Thực ra trong đêm, qua tín hiệu vô tuyến điện sư đoàn vừa nắm chắc được tình hình Trung đoàn 24 đã tới địa điểm quy định, cắt đường phía sau lữ đoàn dù 3.

Do đó sư đoàn liên tục ra lệnh bằng vô tuyến điện cho Trung đoàn 24 "khóa chặt phía Đông", đồng thời thúc đẩy các đơn vị phải chạy đua với thời gian vượt lên trước địch, kiên quyết không cho lữ đoàn 3 dù chạy thoát.

Thế là trong đêm, đội hình Trung đoàn 28 tiến theo đường 21 về hướng đèo Phượng Hoàng, 4 giờ sáng ngày 31 tháng 3 phân đội đi đầu đã tiếp cận được tiểu đoàn 2 dù 6 ở Buôn Ya Thi, lập tức đại đội 5 tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 cùng xe tăng thiết giáp tiến công thẳng vào một đại đội địch. Trung đoàn 28 lập tức dùng toàn bộ tiểu đoàn 3 của mình cùng 6 xe tăng thiết giáp trong hành tiến đột phá chiếm đèo Phượng Hoàng; suốt đêm 31 tháng 3 ta đã lần lượt chiếm hết vị trí này đến vị trí khác của địch. Sau đó phát triển xuống phía đông đèo.

Trên hướng Trung đoàn 24 của ta, do đường xa, bảo đảm gạo đạn khó khăn nên đến trạm giữa, tiểu đoàn 4 lại phải quay về đón vận tải sư đoàn lấy thêm tiếp tế gạo, đạn, nên tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 không kịp tham gia chiến đấu.   

Sáng ngày 30 tháng 3, Trung đoàn 24 đã bắt liên lạc được với cơ quan địa phương tỉnh Khánh Hòa đang ở phía đông đèo Phượng Hoàng cách đường 21 khoảng 4km, cơ quan tỉnh liền cho tổ công tác dẫn đường đi trinh sát thực địa, tiếp cận được sở chỉ huy lữ đoàn 3 dù, xác định được vị trí chốt cắt đường, địa điểm triển khai lực lượng, hướng đột phá khi có lệnh chuyển vào tiến công tiêu diệt lữ đoàn 3 dù.

Sau này đồng chí Trung đoàn trưởng Vũ Văn Tài cho tôi biết: lúc 12 giờ đêm 30 tháng 3 đã nhận được lệnh của sư đoàn, yêu cầu phải đưa lực lượng vào vây chỉ huy sở lữ đoàn 3 dù ngay trong đêm, nên mặc dù bộ phận trinh sát chỉ huy chưa về, Chính ủy Bùi Văn Hòe vẫn ra lệnh cho tiểu đoàn 5 và 6 cùng hỏa lực vào vây. Gặp trung đoàn trưởng giữa đường nên từ 2 giờ đến 5 giờ sáng ngày 31 tháng 3 năm 1975 trung đoàn đã giao nhiệm vụ trên thực địa cho tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 6. Vào 6 giờ tối ngày 31 tháng 3, bộ đội chiếm lĩnh xong đã đào được công sự sâu chừng 1m.

Như vậy tức là 7 giờ sáng 31 tháng 3, Trung đoàn 24 đã khóa chặt được lữ đoàn 3 dù lúc chúng đang xin lệnh trên để rút chạy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:13:17 pm »


Suốt ngày 31 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 24 phải chiến đấu tất cả trên hai hướng. Bọn địch từ chỉ huy sở lữ đoàn 3 dù đánh ra và bọn địch từ phía Đông đến cứu. Máy bay và pháo binh địch liên tục đánh phá vào trận địa, nhiều tốp A37 rà xuống bị súng máy cao xạ 12 ly 7 của ta bắn trả, 2 chiếc A37 bị thương, chuồn thẳng. Pháo ở hướng đông liên tục bắn làm phá hỏng một số công sự trận địa của ta và có một số đồng chí bị thương vong, nhưng trận địa ta vẫn giữ vững, đánh bại được hết toán này đến toán khác của địch, làm cho địch không vượt qua chốt giữ trận địa của ta.

Qua mỗi đợt tác chiến, trung đoàn lại kiểm tra tình hình bổ sung phương án tác chiến, bộ đội tiếp tục củng cố công sự trận địa. Trước nguy cơ sắp bị tiêu diệt, địch tìm cách đánh gỡ cả vào ban đêm. Lực lượng địch ở Dục Mỹ, Ninh Hòa kéo đến phản kích, 23 giờ ngày 31 tháng 3 đến rạng sáng 1 tháng 4, cả hai hướng địch tiến công ép lại, với hai tiểu đoàn biệt động quân từ phía Đông đánh vào cùng lực lượng tiểu đoàn 2 dù từ đèo Phượng Hoàng đánh xuống. Sau khi áp sát được trận địa chốt của ta, chúng dùng cả đạn hóa học bắn vào trận địa. Nhưng bộ đội ta vẫn bình tĩnh để địch vào gần mới bắn, đồng loạt bắn súng và ném lựu đạn, kết hợp chốt chặn với xuất kích ngắn, đã đánh bật được tất cả các đợt xung phong của địch. Một số cán bộ, chiến sĩ ta thương vong; pháo địch bắn gần sập hết công sự tuyến 1, anh em phải trở về công sự tuyến 2. Trung đoàn liền lập tức ra lệnh cho lực lượng dự bị xuất kích, trong đêm dưới ánh sáng của đèn dù. Đến sáng ngày 1 tháng 4, phân đội đi đầu do Trung đội trưởng Liễu chỉ huy đánh từ phía Nam ra mặt đường, làm chủ được khu vực đã xảy ra chiến đấu, xác địch nằm ngổn ngang, ta khôi phục được cả công sự trận địa tuyến một.

Cùng thời gian trên, trung đoàn phát hiện hướng chỉ huy sở lữ đoàn 3 dù có nhiều xe pháo đang rải ra trên trục đường cách chốt ta 300m, ý chừng trong đêm chúng phản kích được chốt trận địa của ta thì bọn này sẽ tháo chạy. Trung đoàn liền lập tức hạ quyết tâm chuyển từ thế bao vây sang tiến công tiêu diệt sở chỉ huy lữ dù 3.

5 giờ sáng, ta nổ súng tiến công. Hỏa lực của trung đoàn đã bắn chính xác, nhiều xe địch bốc cháy, địch hoảng loạn kêu la om sòm. Tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 6 ào ạt từ hai hướng xung phong vào chiếm được toàn bộ khu vực chỉ huy sở địch, một số tên liều mạng chạy tháo ra hướng đông lập tức bị chốt ta chặn đánh quyết liệt. Kết thúc nhiệm vụ của trung đoàn vào sáng ngày 1 tháng 4 năm 1975. Thế là, chỉ sau ba ngày đêm liên tục chiến đấu, Sư đoàn 10 đã tiêu diệt gọn lữ đoàn 3 dù của địch cùng lực lượng tăng cường cho chúng, loại khỏi vòng chiến đấu 1.500 tên, bị bắt 450 tên, 3 tiểu đoàn, 1 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép bị tiêu diệt gọn. Ta thu 9 pháo 155 ly, 25 pháo 105 ly, 70 xe ô tô GMC, 2 máy húc cùng một số vật chất kỹ thuật khác.

Ta hy sinh 56, bị thương 190. Đây là trận đánh tập trung sư đoàn, đánh nhanh diệt gọn phản ánh kết quả thành công xây dựng toàn diện đối với sư đoàn. Kết thúc trận đánh đúng thời gian quy định. Với chiến thắng này quân ta đã đập tan lá chắn phía tây quận lỵ Ninh Hòa, mở thông đường xuống đồng bằng ven biển.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 04:13:42 pm »


* GIẢI PHÓNG NHA TRANG - CAM RANH

Cùng thời gian Trung đoàn 24 đánh vào chỉ huy sở lữ đoàn 3 thì Trung đoàn 28 đã đánh diệt hết địch khu vực tiểu đoàn dù 2, đang cùng xe tăng, thiết giáp phát triển xuống chân đèo Phượng Hoàng, Trung đoàn cao xạ 234 đã tới bảo vệ được phía đông đèo đánh trả máy bay địch, lúc máy bay địch đang ném bom trúng vào chỉ huy sở lữ đoàn dù 3 gây thương vong cho cả bộ đội ta và bọn tù binh mà ta vừa bắt được. Một máy bay A37 của địch bị bắn rơi xuống phía đông núi Chư Psi. Chỉ huy sở sư đoàn bám sát bộ đội tới chân đèo, lực lượng Trung đoàn 28 và Trung đoàn 24 đã gặp nhau, chúng tôi quyết định chuyển thuộc. Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 cùng xe tăng, thiết giáp tăng cường cho Trung đoàn 24 cùng đại đội 6 pháo binh, tiểu đoàn cao xạ 37 ly của Trung đoàn 234 đi cùng, giao đồng chí Tham mưu phó Vũ Đình Thước chỉ huy phát triển đánh tiếp về hướng Đông. Khoảng 2.000 tên địch ở trung tâm huấn luyện Lam Sơn phát hiện lực lượng ta, liền tháo chạy. 7 giờ 20 phút, Trung đoàn 24 dùng tiểu đoàn 6 truy kích, tiếp theo tiểu đoàn 4 đến tiếp ứng. Đến 9 giờ ta chiếm được trung tâm huấn luyện Lam Sơn. Sư đoàn liền ra lệnh cho trung đoàn nhanh chóng chiếm Dục Mỹ và Ninh Hòa. 10 giờ, đại đội đầu tiên đã tới bao vây căn cứ biệt kích Dục Mỹ; 13 giờ, tiểu đoàn 6 Trung đoàn 24 và tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 tới kịp, giải quyết xong Dục Mỹ, bắt và phóng thích nhiều tên địch. Trong lúc đó đồng chí Khoa - Tham mưu trưởng Trung đoàn 24 đã dẫn đoàn cán bộ đi trước, bám được địch ở Ninh Hòa, do đó ngay trong ngày 1 tháng 4, Trung đoàn 24 đã áp sát được Ninh Hòa, 14 giờ chiếm xong quận lỵ này. Cùng lúc lực lượng địa phương đã huy động nhân dân nổi dậy truy lùng diệt và bắt những tên ngoan cố phản động, giành quyền làm chủ. Quận Ninh Hòa được giải phóng; nhân dân kéo ra chật đường, vẫy chào đón mừng quân giải phóng, trong cảnh tượng hàng ngàn lính ngụy được ta thả ra, đầu trần chân đất, cởi hết áo có phù hiệu "quân lực Việt Nam cộng hòa" thất thểu trên trục đường.

Thừa thắng, cùng xe tăng thiết giáp và cao xạ, bộ đội ta tiến thẳng theo đường số 1, vận động được nhân dân nhường xe, nên ngày 2 tháng 4, ta chiếm được thành phố Nha Trang, đang trong tình trạng hỗn loạn. Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 24 cho lực lượng xuống chiếm Cam Ranh.

Đến 14 giờ ngày 3 tháng 4, quân cảng Cam Ranh được hoàn toàn giải phóng. Như vậy là trong 48 giờ suốt chặng đường dài 80km từ Ninh Hòa đến Cam Ranh, bộ đội ta đã nêu một kỷ lục về phát triển tiến công. Trong quá trình đó, chỉ huy sở sư đoàn liên tục di chuyển lên phía trước bám sát đội hình, dùng đài vô tuyến điện để nắm tình hình và ra lệnh chiến đấu phát triển.

Khi tụt xuống núi, rẽ qua trận địa tiểu đoàn 2 dù, tôi thấy nhiều lính địch chết và bị thương còn nằm la liệt. Tôi gặp đồng chí Tráng - đại đội phó tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 bị thương đang nằm đó. Tôi hỏi luôn bị thương có nặng không và trong trường hợp nào? Đồng chí Tráng trả lời khi ta truy kích địch thì một xe thiết giáp địch chạy trên trục đường bắn, làm một số anh em bị hy sinh và bị thương. Tôi cũng bị thương trường hợp đó, các anh em thì đã được vận tải sư đoàn chuyển về phía sau, chỉ còn tôi chờ anh em lên mới về được. Thấy thế, tôi bảo đồng chí cần vụ và bảo vệ để tôi mang ba lô, xắc cốt, còn 2 đồng chí cõng đồng chí Tráng xuống đường 21 chờ xe tôi đến, rồi cùng đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 04:14:38 pm »


Khi chỉ huy sở sư đoàn đến phía đông chân đèo Phượng Hoàng thì cũng là lúc đường 21 hoàn toàn thông suốt. Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn đang họp để nắm lại tình hình và quyết định bước phát triển, thì xe của đoàn cán bộ cấp trên cũng vừa từ phía sau tới kịp. Đoàn cán bộ mặt trận do đồng chí Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy và đồng chí Hồng Sơn - Tham mưu phó dẫn đầu đến gặp Bộ tư lệnh sư đoàn. Cuộc họp diễn ra nhanh chóng. Sau khi đồng chí Hồng Sơn và đồng chí Đặng Vũ Hiệp phổ biến cho sư đoàn một số tình hình, chúng tôi lập tức tổ chức đoàn xe đi vào thành phố Nha Trang. Trên xe có cả đoàn cán bộ địa phương, trong đó gồm có cả các đồng chí đại diện cơ quan lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa (đoàn cán bộ địa phương này đã có mối liên hệ với Trung đoàn 24 trước lúc Trung đoàn 24 đánh vào chỉ huy sở lữ đoàn dù 3).

Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi của sư đoàn với đoàn cán bộ địa phương rất cảm động. Tôi tập trung vào việc theo dõi hoạt động của bộ đội phía trước nên không kịp hỏi rõ từng người, nhưng tay bắt mặt mừng, ai cũng thấy không khí tưởng chừng như miền Nam đã giải phóng xong cả rồi.

8 giờ ngày 2 tháng 4 chúng tôi xuất phát, 10 giờ trưa đi vào thành phố, bất ngờ giữa tiếng hoan hô của nhân dân thành phố: có một đoàn xe mô tô cỡ lớn và một trung đội có vũ trang, ăn mặc chỉnh tề, đeo súng ngắn ra đón đoàn. Lúc này xe con của tôi đi trước, phía sau là mấy xe vệ binh đi kèm, tuốt sáng lưỡi lê, đang rầm rập tiến vào. Họ liền trịnh trọng nép sang hai bên đường, rồi theo song song, vệ binh thì lưỡi lê, mũi súng chĩa thẳng vào họ. Tôi hỏi các anh là đơn vị nào và theo lệnh ai? Một người cầm đầu đến trịnh trọng báo cáo:

Chúng tôi là đội cảnh binh thường xuyên làm nhiệm vụ đón khách. Cũng có nhiều trường hợp chưa có lệnh cũng phải làm. Vậy xin lệnh ông cho phép làm nhiệm vụ.

Tôi nghĩ ngay: Hóa ra khi bỏ chạy, bọn chỉ huy địch không hề có mệnh lệnh gì cho cấp dưới, nên tôi lập tức ra lệnh: không cần các anh, các anh phải tìm đến ngay cơ quan quân quản nộp vũ khí đầu hàng. Thế là bọn này vâng lệnh rút lui và trưa đó đã nộp súng.

Thành phố đang hỗn loạn, có anh em nào đó đã vứt chiếc tượng đồng đen (ở sở chỉ huy của tên Phú) ra đường đi, tôi thấy tiếc mới bảo đồng chí lái xe vác lên xe mình để đưa về sở chỉ huy sư đoàn. Nhưng đồng chí Lã Ngọc Châu nghe thấy can ngay: Anh đừng lấy để bộ đội khỏi hiểu lầm ta vi phạm chiến lợi phẩm. Tôi thấy đúng, vì chúng tôi đã thống nhất với nhau cán bộ chủ trì nói gương mẫu thì mình phải gương mẫu trước mới xây dựng được sư đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 04:15:18 pm »


Dừng lại ở Nha Trang, việc quân quản ở thành phố, giải quyết hậu quả với địa phương, chúng tôi giao cho đồng chí Lưu Quý Ngữ - Phó chính ủy sư đoàn phụ trách. Tôi thu xếp kế hoạch bố trí cho Trung đoàn 24 ở lại Nha Trang, điều động Trung đoàn 28 xuống chiếm giữ Cam Ranh.

Máy bay địch ở sân bay Thành Sơn lên bắn phá, bọn địch còn sót lại ở Cam Ranh có chống cự, nhưng đã bị bộ đội ta triệt phá hết.
 
14 giờ ngày 3 tháng 4, tiếng súng tạm ngừng bộ phận cuối cùng của địch ở Cam Ranh mới rút chạy hết.

15 giờ chiều 3 tháng 4, chúng tôi xuất phát để kiểm tra tình hình ở quân cảng Cam Ranh; trong đêm 3 tháng 4 Trung đoàn 28 cũng tới kịp để thay thế lực lượng Trung đoàn 24 trở lại Nha Trang. Thực trạng sư đoàn lúc này vì không có xe nên Trung đoàn 66 phải đi bộ từ đèo Mad'Rak tới Dục Mỹ ngày 4 tháng 4. Còn Trung đoàn 25 đêm 3 tháng 4 mới đi bộ tới Ninh Hòa.

Mọi việc đang rất bận rộn vì sư đoàn phải nhanh chóng triển khai điều chỉnh lại đội hình, lập phương án tác chiến tại chỗ, tổ chức quân quản thành phố và quân cảng, giải quyết hậu quả của những trận đánh vừa qua, thì bất ngờ có điện từ Hà Nội vào, người ký điện là "Thành". Tôi biết đó là điện của đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu phó, hỏi tình hình tác chiến và đội hình các lực lượng sư đoàn đang bố trí. Tôi thấy một lần nữa cấp trên từ Hà Nội và cơ quan chiến dịch đang theo dõi rất sát hoạt động của sư đoàn và cũng qua tin tức lúc này được biết địch có thể tổ chức lực lượng đánh chiếm lại thành phố Nha Trang, quân cảng Cam Ranh. Tôi liền viết báo cáo tỉ mỉ theo đúng yêu cầu của đồng chí Hoàng Văn Thái đã nêu, đồng điện tôi báo cáo cả lên Bộ tư lệnh chiến dịch và đại diện tiền phương Bộ Tổng tư lệnh Văn Tiến Dũng. Sau này đồng chí Võ Quang Hồ - Cục trưỏng Tác chiến cho biết cơ quan Bộ rất hoan nghênh về bản báo cáo cụ thể đó, vì Trung ương và Bộ đang theo dõi sát tình hình sư đoàn và thấy thắng lợi quá nhanh nên rất mừng, cũng có nghĩ tới: nếu sư đoàn không bố trí chu đáo, địch có thể phản kích lại nên mới điện hỏi.

Máy bay địch lúc này chủ yếu đánh chặn trên quãng đường từ cảng Cam Ranh đi Phan Rang, sư đoàn đã điều kịp Trung đoàn 234 bố trí cao xạ suốt từ thành phố Nha Trang tới Cam Ranh phối hợp chặt chẽ với hỏa lực phòng không của sư đoàn và các trung đoàn. Thế là một chiến công mới lại đến với lực lượng phòng không của ta, sau khi Trung đoàn 234 bắn trúng 3 chiếc A37 của địch thì tên lửa A72 mang vác đã bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay địch, bắt sống 2 tên giặc lái, nhân dân đang đi lại chật hết các lối đi. Trong lộn xộn ấy, ai cũng tấm tắc khen quân giải phóng của ta bắn rất giỏi, chỉ một phát đạn lên trời là máy bay ngụy phải rơi ngay. Từ đó tiếng súng lẹt đẹt hầu như đã im hẳn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:42:51 pm »


Không ngờ từ phía tây Cam Ranh trên núi cao xuất hiện lực lượng trên 30 người, bắn cối nhẹ cùng súng bộ binh nổ lẹt đẹt, trúng ngay vào trận địa cao xạ 37 ly của ta. Anh em phòng không lập tức hạ nòng pháo 37 ly định bắn trả, song còn ngập ngừng vì sợ lầm nhau, liền lấy cờ đỏ kéo lên một lúc, thì tiếng súng cũng ngừng bắn. Bắt liên lạc được với nhau mới biết đó là du kích của tỉnh họ đánh nhầm.

Chuyện ngẫu nhiên trong chiến tranh như thế cũng hay xảy ra. Ta đánh vào ta cũng có lúc khó tránh khỏi. Tiêu diệt lữ đoàn 3 dù trên đèo Mad'Rak - Phượng Hoàng, tuyến bảo vệ thành phố Nha Trang, quân cảng Cam Ranh của địch bị chọc thủng, đường 21 từ Buôn Ma Thuột đi Khánh Hòa sạch bóng quân thù. Một cảnh tượng của địch xảy ra rất hỗn loạn:

- Bọn chỉ huy địch tìm cách đối phó đều thất bại, đổ lỗi cho nhau và chạy trốn.
- Công chức, cảnh sát thành phố bỏ nhiệm sở di tản với vợ con.
- Binh lính địch tan rã xông vào cướp phá nhà dân. Lệnh tử thủ Nha Trang không còn hiệu lực.
- Tù nhân phá ngục chạy ra. Dân chạy nạn tràn ngập thành phố và trên mọi nẻo đường.

Tình hình trong mấy ngày 4, 5, 6 tháng 4 năm 1975 ở Nha Trang rất phức tạp. Nhiệm vụ của Sư đoàn 10 lúc này là: ổn định đội hình, bố trí theo dõi, đề phòng địch có thể phản kích chiếm lại thành phố và quân cảng; bọn tàn quân địch còn rất đông, chúng liên tục gây ra những vụ cướp phá, giết dân ở vùng nông thôn kế cận thành phố, thậm chí có những toán còn đột nhập thành phố; đồng thời căn cứ vào nhiệm vụ trên giao lập kế hoạch đánh chiếm Phan Rang.

Sau khi kiểm tra lại tình hình chỉ huy sư đoàn ra lệnh tổ chức các trạm dọc đường đi để vận động nhân dân nhường xe cho bộ đội hành quân. Lúc này tiểu đoàn xe vận tải quân đoàn 2 địch cũng đang trên tuyến đường, có bọn thì chở dân chạy ngược, có bọn lại chở dân chạy xuôi di tản theo tàu biển. Tôi liền ra lệnh tịch thu xe quân đoàn 2 ngụy và vận động lái xe đi cùng bộ đội lập công chuộc tội. Từ đó sư đoàn có thêm xe và trong đội ngũ có thêm loại lính ngụy mới nhập vào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:44:56 pm »


Sau khi điều kịp Trung đoàn 25 cùng bộ phận trinh sát Sư đoàn bám được mục tiêu địch ở phía bắc Phan Rang và đang điều động pháo binh, xe tăng đến tập kết thì 16 giờ ngày 6 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn nhận được điện số 12 của anh Tuấn (tức đồng chí Văn Tiến Dũng). Nội dung như sau:

Nếu liên lạc được với anh H (Hoàng Minh Thảo) thì báo lệnh tôi như sau để các anh cùng anh H chấp hành:

1. Dùng Trung đoàn 25 và Sư đoàn 968 giữ Nha Trang và Cam Ranh.

2. Đưa Sư đoàn 3 Mai Tân vào đánh Phan Rang. Sau khi đánh xong Phan Rang sẽ thẳng đường số 1 vào làm dự bị cho trọng điểm.

3. Sư đoàn 10 tìm đường vòng phía tây Phan Rang lên đường 11 để về địa điểm đã quy định trên đường 20. Nếu cần đánh thì dùng bộ phận đánh để lấy đường rồi đi sau. Còn đại bộ phận cố tránh để đi cho nhanh. Đà Lạt do Trung đoàn 82 chiếm, có thể cả Trung đoàn 198 cũng đã đến Đà Lạt đang trên đường xuống Phan Rang. Trên đường hành quân, Sư đoàn 10 bắt liên lạc với 2 đơn vị trên.

4. Nhận điện trả lời ngay và báo cáo đội hình của các anh đến mồng 6 tháng 4.

TUẤN

Qua bức điện, tôi nhớ lại lời đồng chí Hồng Sơn đã phổ biến: Quân đoàn 3 sẽ tập kết khu vực bắc Di Linh.

Chấp hành theo mệnh mệnh mới, chúng tôi liền tổ chức bộ phận đi trước do đồng chí Vũ Đình Thước - Tham mưu phó dẫn đi tìm đường vòng tránh theo trục đường 450 để bám vào đường 11 đi Đơn Dương - Di Linh - Bảo Lộc. Mặt khác, Sư đoàn chờ Sư đoàn 968 vào để bàn giao địa bàn.

Như thế là ta sắp đánh Sài Gòn. Tôi liền báo cáo với đồng chí Đặng Vũ Hiệp trước lúc anh về cơ quan Bộ tư lệnh Quân đoàn: Mong anh về báo cáo cấp trên, cho Sư đoàn 10 chúng tôi đảm nhiệm đánh thọc sâu vào nội đô - anh nhé.

Anh Hiệp đã trả lời: Chắc chắn cấp trên sẽ có ý định đúng như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:45:43 pm »


Thực tế lúc này, tàn quân địch đang lén lút trong dân, chúng cướp phá, gây hỗn loạn. Sư đoàn phải ra lệnh cho Trung đoàn 66 đưa lực lượng đi truy lùng, hễ gặp bọn tàn quân nào chưa chịu nộp súng đầu hàng mà còn cướp phá gây hỗn loạn trong dân thì xử lý ngay. Suốt mấy ngày liền, đơn vị đi lùng sục và bắt được một số tên nên tình hình trong dân mới tạm ổn. Bộ đội ta đi tới đâu, nhân dân hoan nghênh tới đó. Quần chúng nhân dân được giải thích rõ bộ đội về với đồng bào, bảo vệ nhân dân nên ai ai đều nô nức phấn khởi, cờ đỏ sao vàng treo lên suốt hang cùng ngõ hẻm, mọi người ra đón bộ đội đều tươi vui, cười nói rôm rả hồ hởi, nhưng cũng có người khóc vì vui mừng, nhất là các bà mẹ già vừa nói vừa lau nước mắt. Có người ra hỏi chuyện nọ, lại có người ra hỏi chuyện kia, bộ đội ra sức trả lời đủ các câu hỏi của dân, tình cảm bộ đội với nhân dân trở nên nồng ấm.

Có thời gian để xả hơi một chút, tôi lấy chiếc áo sơ mi trắng mang sẵn từ Hà Nội vào, nay có cớ đem ra mặc, vừa đi vừa ngắm biển và nghe ngóng tình hình trong thành phố.

Khi dạo quanh thành phố Nha Trang được biết anh Hoàng Minh Thảo đã đến, đang ở nhà dân trong phố, tôi liền tìm gặp và mời anh về sở chỉ huy sư đoàn trong rừng cây ăn quả cách thành phố 4km về phía Tây Nam, yên tĩnh thanh vắng đỡ lộ bí mật.

Về tới nơi, tôi liền báo cáo lệnh anh Văn Tiến Dũng cho anh Thảo nghe. Đột nhiên, phái đoàn của Bộ Tổng tư lệnh do anh Lê Trọng Tấn - Tổng Tham mưu phó dẫn đầu cũng tới Sở chỉ huy sư đoàn. Thế là một cuộc gặp bạt ngờ và đầy thú vị. Hai vị tướng đều vui cười kể cho nhau nhiều chuyện. Cả cơ quan sư đoàn sôi động hẳn lên. Tôi nhìn mãi hai anh. Trông hai anh lúc này khác trước quá nhiều. Anh Thảo vốn đã gầy, lại xanh, làm tôi nhớ lại đây là con người thích thuốc lá và trà ngon hơn thịt gà và chân giò lợn, nhiều lúc anh chịu kham khổ quá mức. Bộ đội Tây Nguyên năm 1969 ăn 2 lạng gạo một ngày vì mặt trận thiếu gạo, Tư lệnh mặt trận cũng gương mẫu ngày 2 lạng như chiến sĩ. Có một chuyện về anh Hoàng Minh Thảo làm tôi cứ nhớ mãi.

Ai đó gửi biếu anh một cân nếp và một con gà nhỏ, anh bắt công vụ cùng anh hằng ngày nuôi mãi con gà. Nhiều lần công vụ đề nghị làm thịt gà và nấu cơm nếp cho anh ăn, anh đều không đồng ý. Mãi đến khi Trung đoàn 66 do tôi làm Trung đoàn trưởng đã đánh tiêu diệt được tiểu đoàn biệt kích hỗn hợp Mỹ - ngụy trên cao điểm 936 KATE ở Phước Long, đã rút quân về hậu cứ tây Kon Tum, thì anh Thảo xuống thăm. Lặn lội qua rừng, lội suối 3 - 4 ngày mới tới nơi, mang theo cân nếp và con gà đó xuống góp phần liên hoan chiến thắng với Trung đoàn 66. Mẫu mực, đồng cam cộng khổ đến mức ấy mà tư duy lúc nào cũng không rời nghệ thuật "thế trận, tình huống và thời cơ" có lúc quên cả ăn và ngủ. Còn anh Tấn, với con người quắc thước, đi bộ nhanh, nói ngắn gọn, súc tích, rõ ràng; nhưng lúc này xem ra cũng khá mệt mỏi, tôi chưa hề được sống dưới quyền chỉ huy trực tiếp của anh, nhưng tôi vẫn nhớ, ngày nào kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 105 ly xe kéo (lần đầu tiên ta có pháo cơ giới để sử dụng), đang lúc anh đi kiểm tra tình hình, ngồi nghỉ trên nòng pháo của địch đã bị ta bắn gục xuống thì anh trông thấy tôi, liền gọi lại đưa cho tôi một điếu thuốc lá Cốt-táp chiến lợi phẩm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:46:33 pm »


Cuộc họp của hai thủ trưởng cùng cơ quan của Bộ lúc đó, sư đoàn không ai được tham dự. Sau đó tôi mới biết: Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: Giải phóng miền Nam trước mùa mưa, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975.

Chúng tôi liền họp gấp Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn. Trước mắt là ra lệnh cho các đơn vị pháo binh kiểm tra lại pháo đạn vào kho lấy pháo mới của địch thay thế, bắn thử cẩn thận để dùng cho chiến đấu sắp tới. Đồng thời lệnh cho Phòng Hậu cần kiểm tra lại gạo đạn, phát đủ cho các đơn vị sư đoàn và các đơn vị phối thuộc ít nhất đủ ăn 20 ngày đến một tháng.

Riêng các đơn vị đến tăng cường thì cũng phát đủ lương thực như thế và đi kiểm tra kho tàng của địch, có loại nào phù hợp binh chủng thì báo cáo sư đoàn để lấy mà dùng cho chiến đấu, Trung đoàn cao xạ 234 trên thực tế cũng đổi được một số khá lớn súng 12 ly 7. Mặt khác sư đoàn lệnh cho các đơn vị tiếp tục thu hồi xe của địch và vận động nhân dân nhường xe, tận dụng thu nạp lái xe ngụy làm nhiệm vụ cho ta, động viên họ đi làm nhiệm vụ chiến đấu, lập công chuộc tội.

Trong khi sư đoàn đang sắp xếp mọi việc để chuẩn bị bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn, thì được thông báo của cơ quan trên, sẽ tăng cường cho sư đoàn xe của Đoàn 559 để hành quân.

Mặc dầu rất bận rộn, nhưng tôi cứ băn khoăn chưa biết làm thế nào để làm bữa cơm thết đãi hai thủ trưởng cấp trên cùng phái đoàn của Bộ cho chu đáo.

Vì ở Nha Trang - Cam Ranh, Sư đoàn đang quân quản đủ mọi thứ, đây là căn cứ hậu cần của quân đoàn và quân khu 2 của địch nên không thiếu một thứ gì, kể cả rượu chè, quà bánh đầy ắp trong kho mà những dịp để sư đoàn gặp được hai thủ trưởng lúc này là rất hiếm. Sau cuộc họp, các thủ trưởng và cơ quan Bộ sẽ ăn cơm với sư đoàn, nếu đem các thứ chiến lợi phẩm ra chiêu đãi ắt bữa cơm sẽ rất đàng hoàng thịnh soạn. Nhưng việc xây dựng sư đoàn sẽ ra sao vì sư đoàn đã kiên quyết cấm bộ đội tự ý dùng chiến lợi phẩm. Tôi nghĩ như thế và đang có phần suy nghĩ lúng túng. Cứu cánh cho tôi lúc ấy là đồng chí quản lý sư đoàn. Lúc đồng chí đó lên gặp tôi và hỏi:

- Thưa thủ trưởng, bữa cơm có khách thì thế nào?

Tôi liền hỏi lại luôn: vậy thì đồng chí sẽ giải quyết ra sao?

Suy nghĩ một lát, đồng chí quản lý ngập ngừng trả lời: Tài vụ cấp trên có giao cho quản lý một số tiền ngụy để sư đoàn sử dụng khi cần đến, ta có thể dùng vào việc này. Thực ra lúc này tôi mới biết cấp trên đã dự liệu cho sư đoàn khá chu đáo. Cuối cùng chúng tôi quyết định chỉ dùng nguồn thực phẩm khô của đơn vị và trích một phần tiền mua cá và rau nấu canh.

Bữa cơm hôm ấy, có cá rán, canh giấm chua nấu với đầu cá. Tuy không rượu, không thịt, nhưng tôi thấy hai anh và phái đoàn ăn rất ngon lành.

Sau này về Hà Nội, đồng chi Ngô Hùng - Cục trưởng ở Bộ Tổng Tham mưu nhắc lại bữa cơm kỷ niệm đó, tôi mới biết, hóa ra mất mấy ngày liền do "Thần tốc, thần tốc và thần tốc" mà cả anh Tấn và anh Thảo cùng phái đoàn của Bộ không có lúc nào được ăn một bữa cơm chu đáo nên khi đến sư đoàn được thết đãi một bữa ăn cá rán, canh chua và cơm nóng sốt là ngon vô cùng. Nhờ ý thức tự giác, gương mẫu chấp hành kỷ luật của cán bộ, nên phần đông cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu và quân quản sau giải phóng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM