Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:37:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên dấu ấn một thời  (Đọc 32978 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:22:24 pm »


*
* *

Từ Chư Cúc đến Khánh Dương khá xa, tình hình địch chưa rõ; vì thế ngay chiều 18 tháng 3 năm 1975, sau khi gặp ban chỉ huy Trung đoàn 66, chúng tôi đã giao nhiệm vụ lập chi đội phái đi trước để tiến vào Khánh Dương, có nhiệm vụ tiếp cận quận lỵ Khánh Dương nắm địch, khảo sát địa hình, bắt liên lạc với Trung đoàn 25 của mặt trận đang ở khu vực phía đông bắc quận lỵ. Chi đội phái đi trước của Trung đoàn 66 được tổ chức gồm tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66, tiểu đoàn cao xạ 37 ly của Trung đoàn 234, một đại đội pháo binh 105 ly của sư đoàn, đại đội xe tăng thiết giáp 8 chiếc của Trung đoàn 273 do đồng chí Võ Ngọc Phụng - Tham mưu trưởng sư đoàn, cùng đồng chí Nguyễn Đình Kiệp - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 trực tiếp chỉ huy.

Huyện Khánh Dương nằm phía đông dãy núi Trường Sơn, gắn liền với đèo Phượng Hoàng - Mad'Rak, trên bình độ 500m so mặt nước biển. Phía Tây là một triền núi thấp độ cao 600 - 700m, gắn liền với dãy núi Chư Tô cao 820m chạy dài 941m. Quận lỵ Khánh Dương nằm giữa khu vực đất tương đối bằng phẳng, nhiều đồi cao lúp xúp, nhiều lau lách xen lẫn các vườn cây và nương rẫy của đồng bào dân tộc, phạm vi chừng 10 đến 12km2. Phía bắc quận là đường 21 chạy lên thẳng đỉnh đèo Mad'Rak. Bắc đường 21 là một cánh đồng trống trải khoảng chừng 8km2, rồi đến dãy núi Trường Sơn nằm choãi chân ra cánh đồng, có rừng cây rậm rạp, đây là nơi Trung đoàn 25 đang tập kết để sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu.

Sau lệnh hành quân, nối tiếp Trung đoàn 66 là đội hình sư đoàn tiến lên phía trước. Ngày 20 tháng 3, Trung đoàn 66 vừa đến tập kết với Trung đoàn 25. Qua trinh sát thực địa sơ bộ nắm được tình hình, chỉ huy 2 trung đoàn (đồng chí Lộ Khắc Tâm - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 25 và đồng chí Nguyễn Đình Kiệp - Trung đoàn 66) cùng với đồng chí Võ Ngọc Phụng định kế hoạch sáng 21 tháng 3 đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương. Song tối 20 tháng 3, chỉ huy sở sư đoàn mới vừa hành quân tới. Chúng tôi nắm lại tình hình qua trinh sát báo cáo, được biết ở quận lỵ có trung đoàn 40 sư đoàn 22 ngụy, liên đoàn bảo an 922 có 3 tiểu đoàn, có xe tăng và pháo binh, kết hợp lực lượng địa phương tại chỗ bố trí khá chặt chẽ, xe tăng địch trong hầm ngầm nửa chìm nửa nổi, trong một thế liên hoàn khá vững chắc. Nếu ta không tập trung đủ lực lượng binh chủng hợp thành đánh thì khó tiêu diệt gọn, vả lại lúc này bộ đội ta trong hành quân đang lạc lung tung, xe tăng, pháo binh chưa vào khu vực tập kết một cách ổn định, nên tôi quyết định hoãn đến sáng 22 tháng 3 mới đánh, để kịp điều Trung đoàn 28 cùng xe tăng, pháo binh lên đánh phối hợp.

Sáng 21 tháng 3, một chuyện bất ngờ ngoài dự đoán đã xảy ra; trung đoàn 40 của địch cho 2 tiểu đoàn từ quận lỵ đánh lên phía Bắc gần nơi Trung đoàn 25 của ta đang tập kết, phi cơ và pháo binh địch oanh tạc và bắn liên tục, cao xạ ta vừa hành quân vừa đánh trả máy bay địch. Một bộ phận Trung đoàn 25 ra đối phó với địch, giằng co suốt ngày 21 tháng 3, hai tiểu đoàn địch phải co cụm lại.

Tình huống lúc này đang có lợi. Nhiều người nêu ý kiến, nên ra lệnh diệt ngay 2 tiểu đoàn địch rồi phát triển chiếm luôn quận lỵ; nhưng Bộ tư lệnh sư đoàn dứt khoát theo kế hoạch sáng 22 tháng 3 mới đánh, đánh phải tiêu diệt gọn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:22:46 pm »


Ngày 22 tháng 3, theo đúng kế hoạch, sau khi hoàn chỉnh bố trí chiếm lĩnh, trận đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương bắt đầu. Hỏa lực pháo binh của sư đoàn kết hợp các hỏa lực của các trung đoàn đánh mãnh liệt vào quận lỵ và vào 2 tiểu đoàn - trung đoàn 40 ở dã ngoại.

Trung đoàn 28 của ta kết hợp cùng xe tăng, thiết giáp đánh theo trục đường 21, tiểu đoàn 2 trung đoàn 40 của địch dựa vào công sự chống trả quyết liệt và phá mất chiếc cầu phía trước để chặn ta. Ta điều công binh lên làm đường vòng tránh dưới sự yểm hộ của hỏa lực. Mở được đường, xe tăng, thiết giáp cùng tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 xông lên, đánh bật được tiểu đoàn 2 trung đoàn 40 ngụy, chúng phải rút chạy về tuyến sau.

Hai tiểu đoàn địch đang ở dã ngoại bị đánh bất ngờ, thương vong một số, khi lực lượng Trung đoàn 66 của ta áp sát thì lập tức chúng đều bỏ chạy. Thế là cuộc "thi chạy việt dã" trên cánh đồng bắc quận lỵ Khánh Dương đã xảy ra. Khi 2 tiểu đoàn địch rút chạy qua cánh đồng để về quận lỵ, đồng thời 2 tiểu đoàn 7 và 9 của Trung đoàn 66 cũng đuổi rượt theo, đan xen hỗn loạn. Trận đánh phát triển thuận lợi, nhưng cũng khá ác liệt. Khi đuổi rượt 2 tiểu đoàn địch, cán bộ và chiến sĩ ta rách hết quần áo, bám đuổi đan xen với địch, lẫn lộn 2 bên; cuối cùng phải vật lộn nhau. Chiến sĩ Hồ Trọng Quang một mình đã quật ngã 5 tên địch, sau đó được đồng đội đến kịp, cứu sống lúc đồng chí Quang đã bị trọng thương.

Bọn địch sống sót chạy về trận địa cố thủ, có liên đoàn bảo an bố trí sẵn các chốt hỗ trợ, kết hợp bãi mìn và một số xe tăng, thiết giáp địch trong công sự đánh trả vào quân ta, máy bay địch đến ném bom gây thương vong cho cả ta và địch.

Cuối cùng, xe tăng ta từ trên hai hướng kết hợp được cùng bộ binh xông vào áp đảo địch. Bộ đội ta dùng B40, B41 diệt được 4 hỏa điểm xe tăng địch trong công sự. Thế là tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 kết hợp với tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 đồng loạt tiến vào chiếm quận lỵ. Toàn bộ quân của địch số bị diệt, bị bắt; bọn sống sót chạy vào làng bản -xung quanh và rừng sâu về hướng đèo Mad'Rak - Phượng Hoàng. Ta phải truy lùng suốt ngày mới ổn định được khu vực quận Khánh Dương.

Kết quả, trung đoàn 40 và liên đoàn bảo an của địch cùng bọn cảnh sát, dân vệ quận Khánh Dương hoàn toàn bị tan rã. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.500 tên địch, bắn rơi 5 máy bay AD6 và trực thăng võ trang, thu 6 pháo 105 ly, 4 xe GMC và nhiều quân trang, quân dụng. Thương vong của ta trong trận này cũng đáng kể: Hy sinh 79 đồng chí, 108 đồng chí bị thương, mất tích 16 đồng chí.

Qua trận đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương, một lần nữa, ta rút được kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng tiến công trong hành tiến, hiệu quả của sự kết hợp xe tăng với bộ binh, kết hợp hỏa lực pháo binh cao xạ với hỏa lực trực tiếp của bộ binh.   
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:05:00 pm »


* ĐÁNH CHIẾM TIÊU DIỆT LỮ ĐOÀN 3 DÙ TRÊN ĐÈO MAD’RAK - PHƯỢNG HOÀNG

Sư đoàn dù, lực lượng tổng dự bị chiến lược, đơn vị sừng sỏ nhất của quân ngụy đang ở quân khu 1, được Thiệu điều gấp về bảo vệ Sài Gòn. Nhưng trước nguy cơ Nha Trang - Cam Ranh, hai vị trí chiến lược quan trọng bị uy hiếp. Thiệu phải ra lệnh cho Phạm Văn Phú - tư lệnh quân đoàn 2 ngụy phải cố giữ bằng được đèo Phượng Hoàng - Mad'Rak trên đường 21.

Qua tin tình báo phát hiện chính xác về lữ đoàn 3 quân dù tổng dự bị chiến lược của quân ngụy, nên đêm 22 tháng 3 năm 1975 cơ quan tham mưu chiến dịch thông báo chính thức lữ đoàn dù 3 ngụy từ Quảng Đức (quân khu 1) đã được điều động đến chiếm khu vực đèo Phượng Hoàng - Mad'Rak, lập tuyến bảo vệ chặn ta phát triển xuống Nha Trang - Cam Ranh. Được tin đó, theo tôi hiểu thì quân dù cũng chỉ đến sớm hơn ta từ 2 đến 4 tiếng, quả thật vấn đề tranh chấp thời gian trong chiến đấu là vô cùng quan trọng.

Đèo Mad’Rak - Phượng Hoàng dài gần 20km là một đỉnh dãy núi Trường Sơn nằm choãi ra gần mặt biển Khánh Hòa, vòng vèo trên độ cao miền núi 700m - 900m so với mặt biển, Đông - Đông Bắc có núi Chư Rinh cao 1.021m, Chư Ngo cao 827m, Chư Giốc 945m, Chư Gưng 847m so với mặt biển, xa hơn có núi Chư H'Mu cao 2.051m so với mặt biển. Tây và Đông Nam có núi Chư Tô 842m, Chư Psi 941m. Địa hình ở đây rất hiểm trở, chỉ có duy nhất đường 21 chạy qua. Suốt dọc trục đường đèo rất vòng vèo, có nhiều suối dốc thẳng đứng, có khoảng 20 cầu xi măng vượt qua các suối và eo núi nếu bị phá sẽ rất khó khắc phục. Các mỏm đồi xen lẫn tranh, bãi gai góc ở hai bên, độ rộng chừng 1km, còn lại là rừng rậm. Ở đây, trước kia địch đã chiếm đóng, có công sự sẵn loại dã chiến, xen lẫn một số lô cốt xi măng khá vững chắc. Thực tế là một loại hình trận địa phòng ngự cơ động, được thiết kế sẵn thời chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ và ngụy, để phòng thủ cho thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh. Vì vậy khi quân lữ đoàn 3 dù đến là có thể triển khai chiến đấu được ngay, dựa vào hệ thống công sự sẵn để làm tuyến phòng ngự bảo vệ đèo.

Thật không hẹn mà nên, trong quá trình huấn luyện, sư đoàn cũng đã tính đến chuyện phải đánh với quân dù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:05:50 pm »


Trước đây, nhiều đơn vị chủ lực của quân đội ta cũng đã gặp quân dù, đều dẫn đến tâm lý đánh với quân dù tổng dự bị chiến lược của ngụy, đều khó đánh hơn các đơn vị quân ngụy khác. Khi bố trí chiến đấu thủ đoạn quân dù rất xảo quyệt, sau khi hoàn chỉnh xong thế trận, chúng thường đưa từng đại đội bộ binh ra xa, dùng thủ đoạn "đèn cù" lùng sục, phát hiện ta ở đâu, lập tức gọi phi cơ và pháo binh đánh, phá; ta tiếp cận được nó đã khó, vây đánh nó càng khó hơn. Quân dù là loại quân con cưng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, biên đội "tứ tứ chế" nên quân rất đông. Thường khi chiến đấu được phi pháo chi viện tối đa, luôn luôn kết hợp với xe tăng, thiết giáp, thương vong trong chiến đấu bao nhiêu, được bổ sung ngay bấy nhiêu. Trước đây ở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), trận đánh ở cao điểm 543 tây bắc Bản Đông, ta đã tiêu diệt được một tiểu đoàn dù và lữ bộ lữ đoàn 3 dù, bắt tên đại tá Thọ - lữ trưởng đến trận ngày 14 tháng 4 năm 1972 khi tôi làm Sư đoàn phó Sư đoàn 320a, Trung đoàn 64 kết hợp tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 đã tiêu diệt được tiểu đoàn 11 lữ dù 3 trên cao điểm 1015 tây bắc thị xã Kon Tum trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Qua những trận đánh đó, bộ đội ta đã rất vất vả mới thành công.

Giờ đây địch có cả một lữ đoàn 3 dù có tới 3.800 tên, kết hợp cả xe tăng, thiết giáp, pháo binh đủ loại (155 và 105 ly), bố trí sẵn trên ngọn đèo, địa hình hiểm trở phức tạp. Hơn nữa, sau khi chiếm đèo Phượng Hoàng - Mad'Rak, lữ dù 3 bắt tay ngay vào củng cố các chốt bảo an có sẵn và đào thêm công sự. Chúng bố trí trận địa pháo ở các eo núi để ta khó phát hiện. Nên việc đánh tiêu diệt gọn nó không dễ dàng. Song lúc đó, chúng tôi coi đây là một trận để Sư đoàn 10 có cơ hội đánh tập trung sư đoàn, xứng đáng với lòng tin cậy của cấp trên và xứng đáng với quyết tâm chiến đấu mà cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã công phu xây dựng.

Trước cơ hội được dịp đánh tập trung cả sư đoàn, lòng tôi đầy háo hức. Trao đổi với các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn và các đồng chí ở cơ quan, thì ai cũng tâm tư như vậy. Còn các đồng chí trung đoàn trưởng bộ binh cũng như pháo binh đều mong muốn được triển khai đơn vị đánh ngay. Vì các nơi người ta đều đánh to thắng lớn cả rồi. Trong đơn vị không một ai chùn bước. Đây chính là sức mạnh sư đoàn trước khi vào trận đánh diệt quân dù.

Song thực tiễn trong chiến tranh, đã chỉ cho tôi biết: Đối tượng địch khác nhau phải có cách đánh khác nhau, mục tiêu bố trí cụ thể của địch khác nhau phải biết vận dụng phương pháp và thủ đoạn tác chiến khác nhau, không làm như thế sẽ không thắng được địch. Lúc đó tôi suy nghĩ nhiều đến cách đánh. Qua thực tế xem xét, nếu theo cách đánh tiêu diệt sư đoàn 23 và liên đoàn biệt động 21 vừa qua, chắc chắn sẽ không tiêu diệt được địch mà tổn thất sẽ rất lớn, làm ảnh hưởng không ít đến nhiệm vụ tiếp theo của sư đoàn. Cái khó nhất là đèo cao và hiểm trở, đường 21 độc đạo, nhiều cầu vượt qua suối sâu, địch lại bố trí khống chế toàn bộ khu vực đèo.

Vậy chọn cách đánh nào phù hợp nhằm đạt được mục đích... để diệt gọn, thắng nhanh mà sư đoàn thương vong tổn thất ít nhất là điều day dứt đối với tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:08:09 pm »


Ngày 23 tháng 3 năm 1975, họp Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn, tôi đem phương án quyết tâm ra trình bày, tất cả đều thống nhất, phải chuẩn bị chu đáo mới đánh, đánh thật chắc thắng, phải vây hãm kết hợp đột phá, vừa đánh hiệp đồng binh chủng, có xe tăng theo trục đường, vừa kết hợp bộ binh luồn sâu ém sẵn, vây hãm chặt quân địch trên từng khu vực, đánh dứt điểm từ mục tiêu này sang mục tiêu khác, tạo bất ngờ, đánh liên tục làm cho địch không kịp đối phó mà thất bại. Phải coi việc tiêu diệt lữ đoàn 3 dù lần này là cơ hội để xây dựng sư đoàn trưởng thành lên một bước mới.

Họp bàn xong, tôi vừa điều chỉnh bố trí lực lượng, vừa chỉ đạo tranh thủ công tác chuẩn bị các mặt bảo đảm, vừa tính toán thời gian, đặc biệt phải làm ngay việc bảo đảm đưa lực lượng luồn sâu bí mật vào phía sau địch, nhằm trói địch lại mà đánh bất ngờ, tìm mọi cách khi ta tiêu diệt lực lượng các tiểu đoàn địch, thì địch không kịp ra phá cầu, cắt mất đương cơ động binh khí kỹ thuật (pháo, tăng) của ta.

Giữa lúc sư đoàn đang triển khai chuẩn bị thì ngày 24 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch:

Sư đoàn 10 được tăng cường 2 đại đội xe tăng, Trung đoàn 7 (thiếu) công binh, một đại đội pháo binh D74 (3 khẩu), Trung đoàn cao xạ 234, 8 dàn A72, Trung đoàn bộ binh 25, có nhiệm vụ: bước 1 từ 7 - 10 ngày lần lượt tiêu diệt từng tiểu đoàn tiến tới tiêu diệt hoàn toàn lữ đoàn 3 dù từ đèo Mad'Rak đến Phượng Hoàng và tiêu diệt các lực lượng phản kích từ xa đến (nếu có); bước 2 mở thông đèo Phượng Hoàng, nhanh chóng tập trung lực lượng đánh chiếm Nha Trang. Sau khi chiếm Nha Trang phát triển xuống Cam Ranh hoặc ứng chiến tiến công xuống Cam Ranh trước, đồng thời có bộ phận vây Nha Trang, đánh chiếm sau. Thời gian bắt đầu nổ súng đánh lữ đoàn 3 dù vào ngày 27 tháng 3 năm 1975 đến ngày 2 tháng 4 diệt xong. Thời gian nổ súng đánh vào Nha Trang đầu tháng 4 năm 1975. Nhiệm vụ cụ thể, thời gian, cách đánh của ta và giải quyết khó khăn, anh Vũ (Vũ Lăng) sẽ đến và giải quyết với sư đoàn ngày 26 tháng 3.

Người ký điện là anh Hoàng Minh Thảo.

Qua bức điện cho tôi thấy không những cấp trên đã giao nhiệm vụ một cách dứt khoát rõ ràng, mà còn hướng dẫn cách đánh cụ thể cho sư đoàn. Tôi vui mừng, vì việc nghiên cứu chuẩn bị trước của sư đoàn rất ăn khớp với mệnh lệnh cấp trên giao xuống. Suốt ngày 24, 25 và 26 tháng 4, chúng tôi đi sâu vào tính toán, giải quyết yếu tố cần thiết để khắc phục khó khăn cho trận đánh.

Vì địa hình chỉ có khu vực quận lỵ Khánh Dương bằng phẳng nhưng quá xa, sư đoàn phải tập trung lực lượng làm con đường kéo pháo dài 8km vào sát núi Chư Tô, mất rất nhiều công sức. Triển khai bộ đội bí mật xây dựng đường trục, đường nhánh để đưa quân vào bảo đảm làm sao trước khi trời sáng bộ đội ta đã vào vây hãm được địch tại chỗ, kịp có công sự trận địa chu đáo, có thể tránh được quân dù dùng thủ đoạn đèn cù sát thương ta bằng phi pháo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:09:03 pm »


Một vấn đề quan trọng nữa là tạo ra một kế hoạch hỏa lực hoàn chỉnh để đánh phá trận địa hỏa lực pháo binh địch, triệt phá cho được cái mạnh của chúng, bảo đảm cho bộ đội ta khi trực tiếp tiến công giảm bớt được thương vong. Kế hoạch hỏa lực đó phải kết hợp được với các trung đoàn bộ binh dùng súng cối, ĐKZ, súng 12 ly 7, đại liên tạo thành lưới lửa đánh phá liên tục vào pháo binh địch.

Chúng tôi cũng tính toán tới việc nếu địch phá mất một chiếc cầu nào là khó khăn cho binh khí kỹ thuật của ta ở nơi ấy, nên trong phạm vi từng trung đoàn bộ binh phải tạo cho được thế vây hãm từng tiểu đoàn địch, đồng thời phải phái ra từng tiểu đội vào bố trí trận địa mai phục sẵn ở từng chiếc cầu, kiên quyết chặn đánh các toán địch đến phá cầu:

Cuối cùng là vấn đề quan sát bảo đảm pháo binh vì ở đây tầm quan sát hạn chế và nhiều nơi đài quan sát của pháo binh không với tới. Sư đoàn phải tính đến việc đặt mới quan hệ thông tin quan sát của pháo binh với bộ binh để hiệu chỉnh hỏa lực pháo binh ta khi bắn.

Song một vấn đề quan trong bậc nhất trong tính toán là làm sao vây chặt được toàn bộ đội hình lữ đoàn 3 dù để đánh tiêu diệt gọn? Vì thế ngày 25 tháng 3 năm 1975, chúng tôi đã phải dùng Trung đoàn 24 xuất phát luồn sâu. Đây là cuộc hành quân của Trung đoàn 24 theo đỉnh núi cao phía tây đèo Phượng Hoàng, không có đường sẵn, trung đoàn phải tự lo liệu lấy và hết sức giữ bí mật. Hành quân gấp, không có tiền trạm, trung đoàn phải phái trinh sát, công binh đi trước đội hình, dùng bản đồ xác định, đánh dấu đường cho bộ đội bám theo, ngày đi, tối nghỉ, ăn cơm nắm, lương khô và nước suối mang theo. Quy định cho trung đoàn từ 25 tháng 3 đến tối 30 tháng 3 phải luồn được tới sau lưng chỉ huy sở lữ đoàn 3 dù tại trại công chính và xây dựng xong trận địa khóa chặt lữ dù 3 của địch lại.

Để chuẩn bị bước vào trận đánh, sư đoàn mở đợt sinh hoạt động viên chính trị cho bội đội và tiến hành hội nghị quân sự dân chủ để bàn cách giải quyết cụ thế các vấn đề có liên quan từng bộ phận, từng đơn vị trong từng sự việc cụ thể khác nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:09:38 pm »


Khi sư đoàn đã ra lệnh cho các đơn vị từ khu tập kết vào tuyến xuất phát, sẵn sàng khi có lệnh sẽ vào chiếm lĩnh, thì rạng sáng 27 tháng 3 đồng chí Vũ (Vũ Lăng) - Phó tư lệnh chiến dịch đến.

Xa nhau mới khoảng một tháng mà trông đồng chí Phó tư lệnh khác hẳn, gầy đi nhiều, dọc đường hình như quá vội, nên vừa ngồi sát bờ suối, rửa mặt, chân tay và cạo râu, lại vừa hỏi tôi tình hình: Nào đã biết lữ đoàn 3 dù đến đây từ lúc nào chưa? Nào đã biết ta giải phóng thành phố Huế chưa?...

Nhìn Phó tư lệnh, tôi cứ nghĩ mãi. Quái ông này râu gì mà cứng thế? Mỗi lần cạo thế này tốn bao nhiêu dao cạo và phải thay mấy lần?

Tôi hỏi: Mỗi lần không kịp cạo, anh có khó chịu lắm không? Anh trả lời cũng hơi khó chịu. Rồi anh nói luôn "Ấy vừa rồi trên đường đi bộ vào đây, lính của cậu gặp tớ, đã mắng tớ. Này bố già ơi, đất này là của bọn trẻ, ông già rồi còn vào đây làm gì, về mà nghỉ đi. Ông khinh bọn trẻ này không làm nên trò trống mới mò đến đây à? Rồi có anh còn sờ râu tớ chứ".

- Thôi anh thông cảm. Chỉ có lính Sư đoàn 10 mới dám sờ đến râu Phó tư lệnh chiến dịch như thế. Chắc có lẽ anh gặp lính Trung đoàn 66. Ngày xưa đói ăn, thiếu rau, nhạt muối khi đi qua vườn rau của dân, liền nhổ sạch, còn để giấy lại viết mấy chữ "mượn tạm, trả sau" chấn chỉnh mãi mới thôi. Được phong là đơn vị Anh hùng nên có bớt sai phạm đi đấy.

Cạo râu, rửa mặt xong, Phó tư lệnh bắt tôi vào đề ngay. Biết thủ trưởng vốn là người nóng tính, nên tôi cũng đã sẵn sàng chu đáo.

Sau khi trình bày quyết tâm, ý định hành động của sư đoàn, tôi đi sâu vào việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Đại thể lúc đó tôi đã trình bày như sau:

- Trung đoàn 66 được phối thuộc tiểu đoàn 1 Trung đoàn 25 và xe tăng thiết giáp, pháo binh, cao xạ theo trục đường 21 có nhiệm vụ đánh tiêu diệt tiểu đoàn 5 dù ở tọa độ 02633 trên tuyến một của địch ở khu vực đèo Mad'Rak.

- Trung đoàn 28 được tăng cường đại đội pháo binh sư đoàn, súng máy 12 ly 7 có nhiệm vụ luồn sâu vào vây tiểu đoàn 6 dù ở tọa độ 97637 tuyến 2 của địch phòng ngự.

- Trung đoàn 25 có nhiệm vụ vào vây phía đông đón lõng tiểu đoàn 2 dù ở tọa đội 91673 tuyến 3 của địch phòng ngự.

- Trung đoàn 24 luồn theo sườn núi cao phía tây từ Chư Tô đi Chư Psi vào vây chỉ huy sở lữ dù 3 ở trại công chính (tọa độ 87753), cắt đứt mới liên hệ của lữ đoàn 3 dù với các lực lượng phía sau của địch lên ứng cứu, để tiểu đoàn 5 vào phối hợp tiểu đoàn 2 Trung đoàn 25 vây tiểu đoàn 2 dù từ phía Tây. Sư đoàn tận dụng mọi hỏa lực triệt phá các trận địa pháo binh địch trước khi tiến công, các trung đoàn đều phải phái ra lực lượng chốt giữ các cầu trên phạm vi trách nhiệm được giao.

Quá trình nghe tôi trình bày, Phó tư lệnh Vũ Lăng đi rất sâu từng chi tiết và tỏ ý rất hài lòng. Cuối cùng Phó tư lệnh suy nghĩ một lúc rồi quyết định sửa phương án một chút là điều Trung đoàn 24 vào vây chỉ huy sở lữ đoàn 3 dù, không cần để tiểu đoàn 5 Trung đoàn 24 vây tiểu đoàn 2 dù, mà chỉ cần dùng tiểu đoàn 2 Trung đoàn 25 là đủ. Làm như vậy việc chia cắt lữ đoàn 3 ở phía Đông sẽ đủ lực lượng mạnh hơn, chắc tay hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:10:34 pm »


Phương án chiến đấu cơ bản như thế được thông qua. Song giữa tôi và Phó tư lệnh Vũ Lăng còn đi sâu vào chỉ huy tình huống. Hai chúng tôi đều nhất trí đánh trận này làm sao tiêu diệt được một cách giòn giã, đồng thời lo cho sư đoàn ít thương vong nhất để còn sức làm tiếp nhiệm vụ đánh chiếm Nha Trang - Cam Ranh một cách mạnh nhất, tốt nhất. Vì thế có nhiều câu hỏi đặt ra và cùng suy nghĩ. Nào là khi ta đánh tiểu đoàn 5 dù thì địch có phản kích không? Trường hợp địch phản kích thì đánh ngay tiếp trận thứ 2, nhưng địch cố thủ thì cần điều chỉnh đội hình, lùi trong ngày 31 tháng 3 đánh hiệp đồng binh chủng cho chắc tay, như thế thì ngày 31 tháng 3 đánh tiểu đoàn 6, rồi phát triển đánh tiểu đoàn 2 dù luôn vì địch có thể chạy.

Còn việc dùng pháo, chủ yếu là pháo của sư đoàn nhiều đạn 105 ly. Còn Đ74 ít đạn chỉ bắn mục tiêu nào pháo sư đoàn không bắn tới. Phải quan tâm lực lượng địch từ phía Dục Mỹ lên ứng cứu lữ đoàn 3 dù. Cho nên việc Trung đoàn 24 cắt khóa phía Đông phải làm thật tốt.

Tính khả năng đêm 30 tháng 3, Trung đoàn 24 mới vào được phía đông lữ bộ dù, chắc tay là sáng 31 tháng 3, do đó thời gian trận đánh nên bắt đầu sáng 29 tháng 3, đánh sớm quá sẽ xảy ra khi địch chạy, ta chưa kịp vây phía đông lữ bộ để diệt gọn.

Trong mọi trường hợp phải tập trung lực lượng đánh cho chắc kể cả lúc địch co cụm lại.

Cuối cùng, Phó tư lệnh tuyên bố: Quân ủy Trung ương cho mỗi cán bộ, chiến sĩ 5 cân lương khô, 1 cân đường, 1 cân sữa (quà Tết).

Tôi thầm nghĩ: Như thế là ý định cấp trên muốn sư đoàn đánh trận này phải bảo đảm thật chắc tay và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Bước vào trận đánh sắp tới có quà của Quân ủy Trung ương như thế, thì còn gì bằng, khác hẳn xưa kia phải ăn đói mà đánh giặc.

Nhưng một điều mừng nhất của tôi lúc ấy là việc các trung đoàn đã căn cứ vào quyết tâm của sư đoàn, tổ chức nghiên cứu địa hình, trinh sát thực địa, nắm địch và từng bước chuyển dịch đội hình tiếp cận theo mục tiêu đã phân công, đồng thời chuẩn bị mọi mặt bảo đảm cho trận đánh đúng theo kế hoạch hiệp đồng chiến đấu của sư đoàn. Đến giờ phút này, thông qua phương án với cấp trên cũng không phải thay đổi gì lắm, trừ việc điều động tiểu đoàn 5 Trung đoàn 24 đang vào hướng vây tiểu đoàn 2 dù, phải quay ra đi theo đội hình tập trung của trung đoàn. Đường dây liên lạc hữu tuyến đang bám theo đội hình hành quân của tiểu đoàn này nên cũng dễ điều chỉnh.

Càng gần đến ngày ta nổ súng thì địch càng phát hiện được những hiện tượng có lực lượng ta vào áp sát, nên chúng càng dùng hỏa lực pháo binh và máy bay đến oanh tạc dữ dội hơn. Ta có một số bị thương vong, nhưng đội hình chung bộ đội ta vẫn giữ được bí mật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:11:17 pm »


Thông qua phương án xong, chúng tôi xin phép sáng 28 tháng 3 di chuyển chỉ huy sở lên phía trước, trực tiếp cùng Trung đoàn 28; không ngờ tối 27 tháng 3 lại có điện gọi đồng chí Vũ Lăng về ngay sở chỉ huy chiến dịch. Sau này tôi mới biết lý do đồng chí Vũ Lăng trở về là để nhận nhiệm vụ thành lập Quân đoàn 3 do đồng chí làm Tư lệnh quân đoàn. Đồng chí Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh chiến dịch về công tác ở Quân khu 5, chiến dịch Tây Nguyên sẽ phải kết thúc để chuẩn bị cho quân đoàn tập trung tham gia chiến dịch đánh Sài Gòn. Chúng tôi lên phía trước và đồng chí Vũ Lăng ở lại để đi về phía sau. Phút ngậm ngùi chia tay giữa chúng tôi với đồng chí Vũ Lăng lúc ấy lại sâu sắc đến thế. Anh nói: "Thế là mình không được đi cùng sư đoàn để đánh trận này. Các anh đánh trận này cũng là để rửa hận cho mình đấy! Năm 1946 mình đã phải rút chạy ở trên mảnh đất này mất hàng nghìn con bò, lợn ở Ninh Hòa. Mình muốn đi cùng sư đoàn để rửa hận, mà thôi, vì việc chung mình mong các anh đánh thắng".

Thấy anh rất luyến tiếc, muốn đi cùng sư đoàn, nên tôi đã hứa: Xin anh yên tâm, chúng tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ, rửa hận cho anh một cách trọn vẹn. Chia tay nhau mang nặng một tâm tư ngậm ngùi khôn xiết. Vừa lên tới sở chỉ huy phía trước, sáng 28 tháng 3 khi tôi đang kiểm tra nắm lại tình hình thì tôi được điện thoại báo là quân dù đã dùng pháo binh đánh phá rất dữ dội vào sở chỉ huy cũ làm 3 vệ binh còn ở đó bị thương. Kho tàng của ta ở đây đã bị pháo đạn địch bắn trúng. Tôi rất lo lắng vì nghĩ rằng anh Vũ Lăng còn đang ở đấy. Nhưng sau khi kiểm tra lại, biết anh Vũ Lăng đã rời sở chỉ huy cũ đó trước khi địch bắn pháo 15 phút, tôi mới yên tâm. Như vậy là càng ngày địch càng đánh phá oanh tạc đến những nơi ta đang bố trí. Do vậy chúng tôi rất sốt ruột chỉ mong đến giờ nổ súng. Có lẽ hầu hết mọi cấp chỉ huy trong chiến tranh ai cũng hiểu chính những giờ phút này là giờ phút căng thẳng nhất.

Trời đêm càng tối dần, dế kêu, muỗi cắn, lá rừng rủ xuống hình như đang che giấu một điều bí ẩn gì đó. Bộ đội ta vào chiếm lĩnh đúng kế hoạch và không xảy ra biến cố gì.

Mờ sáng 29 tháng 3, giữa lúc Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: Lực lượng ở phía Bắc sau khi giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế đang ào ạt tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng thì các lực lượng của ta đều đã vào vây hãm chặt mọi hướng mà địch không hề hay biết. Trận tiến công tiêu diệt lữ 3 dù bắt đầu. Tôi ra lệnh đánh! Hỏa lực của pháo binh sư đoàn liên tiếp đánh phá vào các trận địa pháo binh và các cụm quân địch. Cùng lúc các trung đoàn bộ binh ta dùng cối ĐKZ, 12 ly 7 tham gia đánh diệt các trận địa pháo. Cụm hỏa lực của Trung đoàn 28 chỉ sau ít phút đã tiêu diệt hoàn toàn hai trận địa pháo 155 ly (2 khẩu) và 105 ly (4 khẩu) của địch ở khu vực tiểu đoàn 6 dù, đánh sập nhiều công sự và diệt một số sinh lực, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 dù bị thương nặng. Đây là trận địa hỏa lực lợi hại ở ngay sát nách địch, nên địch đã dùng máy bay và pháo binh tuyến sau đánh trả rất quyết liệt, đồng thời ba lần địch dùng bộ binh đánh ra. Đến 10 giờ 30 phút chúng đột nhập được vào trận địa ta, lấy đi mất 1 khẩu ĐKZ, trận địa hỏa lực này phải rút về tuyến 2. Trung đoàn 28 đã kịp thời dùng hỏa lực và lực lượng đánh trả buộc địch phải rút lui và co cụm lại. Ta khôi phục lại được trận địa hỏa lực ấy. Tôi nhắc nhở Trung đoàn 28 sửa ngay khuyết điểm trong kế hoạch bảo vệ trận địa hỏa lực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2016, 09:11:46 pm »


Trong ngày ta kiên quyết dùng hỏa lực để triệt phá các trận địa pháo cối của địch. Trên hướng tiểu đoàn 5 dù hầu như đã xảy ra trận đấu pháo binh với địch, máy bay địch liên tiếp lên oanh tạc dữ dội, nhưng đều bị cao xạ của ta đánh trả mãnh liệt. Hai bên đều có thương vong, hai xe chở đạn của ta bị máy bay địch đánh hỏng. Ta phải điều tiểu đoàn cao xạ 37 ly ra bảo vệ tuyến hậu cần, Trung đoàn 66 đưa ĐKZ và cối vào đánh tiếp trúng kho đạn, cùng lúc máy bay địch bị bắn rơi 2 chiếc và bắt một số phi công ngụy.   

Mặc dầu pháo binh địch với số lượng lớn hơn ta nhưng đều bị triệt phá. Đến 13 giờ chiều, hầu như các trận địa pháo binh địch đã bị tê liệt. Pháo binh ta bị máy bay và pháo binh địch bắn hỏng 1 khẩu 155 ly và 2 khẩu 105 ly. Nhưng lúc này hỏa lực pháo binh địch chủ yếu từ tuyến 3 sau tiểu đoàn dù 2 bắn tới.

17 giờ, sau khi pháo binh ta chuẩn bị, tiểu đoàn 1 Trung đoàn 25 theo đúng kế hoạch đã diệt được chốt bảo an địch ở ngả đường 21 và đường 9b, tạo được cửa ngõ cho bộ binh và xe tăng. Nhưng trở ngại lúc này là 2 chiếc cầu phía trước trận địa tiểu đoàn dù số 5 đã hỏng sẵn, trước đó ta chưa có điều kiện để khắc phục, nên trong đêm ta phải điều công binh của trung đoàn lên làm đường vòng tránh. Trong tình huống khẩn trương, dưới làn đạn địch uy hiếp, đại đội công binh phải tận lực đào vách núi, xẻ dốc vượt qua suối sâu, tay nhiều đồng chí phồng rộp, bật máu tươi, buộc xé nát ống áo, ống quần để quấn vào tay làm găng mà đào đất, lật đá; có chiến sĩ bị thương vong phải đưa về phía sau, đến mờ sáng mới có lối cho xe tăng vượt suối. Cùng lúc đó, bộ binh trong đêm áp sát được địch.

Sáng 30 tháng 3, sau lần cấp tập hỏa lực 10 phút, hai hướng tiến công của hai tiểu đoàn 7 và 9, Trung đoàn 66 đã tận dụng được cửa mở liền xung phong đánh chiếm điểm cao. Địch đối phó quyết liệt, trận đánh giáp lá cà đã diễn ra, giành giật nhau từng lô cốt, từng ụ súng và từng đoạn chiến hào, bốn chiếc xe địch (M41 và M48) xông ra phản kích bị ta đánh diệt và chiếm được tuyến 1 bố trí của địch. Xe tăng ta kết hợp với đại đội 1 tiểu đoàn 7 theo đường 21 tiến lên đèo, đại đội 2 dùng hỏa lực bắn phá chỉ huy sở tiểu đoàn 5 dù ở điểm cao 609. Xe tăng, thiết giáp địch trong công sự nửa chìm, nửa nổi ra sức phát huy hỏa lực ngăn chặn ta, nhiều đợt xung phong của ta bị địch ngăn cản. Bộ đội ta đã phải phân ra nhiều toán, đánh trên nhiều hướng, nhằm diệt xe tăng thiết giáp địch trong công sự nhờ thế mà tiếp cận được sát nách địch, lần lượt diệt hết hỏa điểm này đến hỏa điểm khác của lực lượng chi đội thiết giáp địch ở khu vực tiểu đoàn 5 dù. Một bộ phận địch tháo chạy liền bị đại đội 11 của tiểu đoàn 9 diệt luôn 2 xe kéo pháo và 1 trung đội địch, buộc địch phải dồn lại, lập tức từ ba hướng đại đội 1, đại đội 2 tiểu đoàn 7 và đại đội 9 tiểu đoàn 9 đánh thẳng vào chỉ huy sở tiểu đoàn 5 dù. Toàn bộ đội hình của tiểu đoàn 5 dù bị bộ binh và xe tăng ta đánh tràn vào, số địch còn sống sót tháo chạy. Chiến sĩ Nguyễn Văn Phán vượt lên trước đội hình, tiến ra sát mặt đường dùng B40 bắn cháy luôn 2 xe M113 của địch. Một bộ phận địch có cả xe tăng M113 và pháo chạy thoát ra phía sau, liền bị tiểu đoàn 8 đã phục kích đón lõng sẵn, đánh tiêu diệt. Đến 15 giờ ngày 30 tháng 3, toàn bộ tiểu đoàn 5 dù bị Trung đoàn 66 của ta tiêu diệt hoàn toàn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM