Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:52:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên dấu ấn một thời  (Đọc 33173 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:05:51 pm »


Trước tình hình đó, trung đoàn liền quyết định chuyển hướng chủ yếu sang tiểu đoàn 9, điều động 2 xe tăng sang hướng này. Đến 7 giờ 30 phút tiểu đoàn 9 phối hợp với xe tăng phát triển đánh chiếm được trung tâm chỉ huy sở trung đoàn 53, cùng lúc tiểu đoàn 7 và xe tăng dùng hỏa lực diệt được công sự hỏa điểm ngầm của địch nằm giữa khu A và B. Tiểu đoàn trưởng Bạch Công Nghĩa bị thương nặng, trung đoàn cử Tham mưu phó Quỳnh xuống thay tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9. Đến 8 giờ 30 ta phát triển thuận lợi. 2 tiểu đoàn ta đã liên lạc trực tiếp được với nhau, phát triển chiếm luôn khu C. Đơn vị bạn đánh từ hướng Tây cũng phát triển thuận lợi nhưng vướng phải hàng rào phân khu, phải khắc phục mãi mới vào được khu B. Đến 9 giờ đơn vị ta và đơn vị bạn gặp nhau. Kết thúc trận đánh diệt căn cứ trung đoàn 53. Địch bị loại khỏi vòng chiến đấu 750 tên, bị ta bắt 106 tên, thu 2 pháo 105 ly, 1 xe M113, 50 máy vô tuyến điện (có 2 đài 15 oát) và nhiều kho tàng.

Đồng chí Nguyễn Văn Nguyện kể thêm:

Trong tình huống nhận nhiệm vụ khẩn trương vì trên ra lệnh ngày 16 phải đánh dứt điểm. Đây là trận chiến đấu ra lệnh phải đánh ngay, lúc địch bố trí phòng ngự trong công sự vững chắc, do đó thương vong ta quá cao. Ngoài 10 cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn cao xạ và của xe tăng, thì Trung đoàn 66 hy sinh 23 đồng chí, bị thương 106 đồng chí, trong đó có một tiểu đoàn trưởng và 6 cán bộ đại đội.

Tôi hỏi lại, quá trình nhận mệnh lệnh thế nào? Đồng chí Kiệp kể lại: trong mệnh lệnh chiến dịch ghi lúc 12 giờ ngày 15 tháng 3 yêu cầu trung đoàn đến 6 giờ sáng 16 tháng 3 phải đánh dứt điểm ngay, sư đoàn thấy khó khăn, nên 15 giờ ngày 16 tháng 3 mới đánh và thực tế đến 9 giờ sáng ngày 17 tháng 3 mới dứt điểm được.

Nghe qua trận đánh tôi có nhiều băn khoăn, đánh địch trong công sự vững chắc mà buộc phải tiến công theo kiểu hành tiến, bất đắc dĩ quá, chẳng khác gì năm 1972 Trung đoàn 66 do đồng chí Phùng Bá Thường - Trung đoàn trưởng chỉ huy, đã hoàn thành xuất sắc trận đánh diệt sư đoàn 22 (thiếu) ở Tân Cảnh, liền sau đó có lệnh phải trong ngày 9 tháng 5 năm 1972 đánh dứt điểm ngay cụm cứ điểm Bến Hét (Plây Cần); kết quả bị thất bại để lại thương binh và 1 xe tăng hỏng nằm trong cứ điểm địch. Tình thế có bắt buộc đánh một cách bức bách đến thế không? Tôi nói luôn: Đơn vị các anh thật xứng đáng là chủ công của sư đoàn. Các anh cần rút kinh nghiệm kỹ trận đánh này. Nhớ rằng ở đâu có khó khăn là trung đoàn phải có mặt ở đấy.

Như thế là, ngoài trung đoàn 45 cùng chỉ huy phía trước của sư đoàn 23 và trung đoàn 44 đã bị tiêu diệt ở khu vực Phước An - Chư Cúc. Trung đoàn 53 (thiếu) lại bị tiêu diệt trong trận đánh của Trung đoàn 66 phối hợp với đơn vị bạn, riêng một tiểu đoàn của trung đoàn 53 bị tiêu diệt ở Đức Lập. Do đó có thể nói, ta đã xóa sổ toàn sư đoàn 23 và liên đoàn biệt động quân 21 - lực lượng cơ động chính của quân ngụy ở chiến trường Tây Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:06:29 pm »


Giữa lúc vui mừng chiến thắng, đêm 18 tháng 3 năm 1975 sư đoàn nhận được quà Tết của Đại tướng Văn Tiến Dũng do hậu cần mặt trận đưa xuống. Đồng thời, Đại tướng điện khen ngợi Sư đoàn 10 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã tiêu diệt được lực lượng sư đoàn 23 và liên đoàn biệt động quân 21 và đánh giá đây là một trận then chốt của chiến dịch, tiếp theo trận then chốt quyết định đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.

Từ Phước An đến Chư Cúc, tù binh địch mà ta bắt được nhiều. Để rõ hơn tình trạng quân ngụy Sài Gòn, tôi trực tiếp xuống gặp bộ phận quản tù binh, thấy chúng đủ các hạng người, đồng bằng cũng có, mà miền núi cũng nhiều. Chúng đều kể rằng: khi lên máy bay đến lúc đổ quân xuống, chúng đều không hiểu đi đâu và làm gì? Tin tức Buôn Ma Thuột bị đánh chiếm, chúng không hề biết. Chỉ thấy bọn chỉ huy thúc giục lên đánh Việt cộng.

Lý do bị bắt chúng cũng kể rất giản đơn. Hầu như chúng đều nói tới hai ý:

Một là, khi bọn chỉ huy thúc giục vào đánh, bị quân giải phóng đánh trả mạnh quá, đành phải bỏ chạy. Hai là, lúc giáp chiến gặp phải xe tăng, thiết giáp chúng rất hoảng hốt, mất hết tinh thần chiến đấu, nên tan rã.

Địch thú nhận: Chạy vào rừng, chúng em (quân ngụy) khi nghe các anh đi qua, liền tự ra để các anh bắt. Toán khác lại nói, chúng em sợ các anh bắn giết, nên ẩn nấp trong rừng theo dõi, đến lúc nghe các anh hô "Tù binh ở đâu, phải ra ngay, chúng ta không giết chết đâu mà sợ", chúng em lập tức nói to "Tù binh đây". Thế là các anh bảo, cứ ra ngay sẽ được sống, chúng em mới dám ra.

Khi trở về, tôi trao đổi việc hỏi chuyện tù binh với Bộ tư lệnh sư đoàn, liền sau đó trong cuộc họp Thường vụ Đảng ủy sư đoàn để bàn nhiệm vụ tiếp theo của sư đoàn đã bàn bạc về vấn đề giải quyết tù binh và trở thành chuyện tranh luận khá gay gắt, vì tù binh bắt được ước chừng hai ba nghìn tên. Thông thường áp giải một trung đội tù binh, phải có từ hai đến ba chiến sĩ kèm theo. Lúc này trạm nhận tù binh của mặt trận lại quá xa, xe chiếm được không có người sử dụng, mà giải tù binh đi bộ thì phải rút quân số chiến đấu. Họp bàn cách giải quyết thì đồng chí Lưu Quý Ngữ nói: không có cách nào khác, việc áp giải tù binh cũng quan trọng, nếu thả chúng ra thì chẳng khác chuyện xưa, địch sẽ bắt lính vào đánh ta. Ta sẽ có tội với dân, với nước.

Đồng chí Lã Ngọc Châu - Bí thư Đảng ủy thì cho rằng, một mặt sư đoàn đang cần quân tập trung sức mạnh lên phía trước. Nếu cứ giải tù binh như vậy còn đâu mà làm nhiệm vụ, mặt khác ở thời điểm này, giai đoạn chiến lược này quân ngụy khó có thể bắt lính để đánh lại ta như trước; do đó ta cần giáo dục thuyết phục tù binh, rồi cho họ trở về với vợ con, xin chỉ thị trên ta chỉ sàng lọc giữ lại số sĩ quan giải về phía sau mà thôi.

Qua nghe tranh luận, tôi thấy nên theo hướng như đồng chí Châu nêu ra, chúng tôi liền phân tích kỹ với nhau, cuối cùng đều thống nhất và báo cáo lên Bộ tư lệnh chiến dịch, được trên đồng ý cho thả tù binh tại chỗ đúng như ý kiến của đồng chí Lã Ngọc Châu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:08:36 pm »


*
* *

Đến thời điểm này, ba trung đoàn đã tập trung đủ mặt trong đội hình sư đoàn, lại được cấp trên tăng cường cho đại đội xe tăng, Trung đoàn cao xạ Phòng không 234, pháo binh và Trung đoàn (thiếu) công binh 7 để đánh các trận tiếp theo, lòng tôi vừa phấn khởi vừa tin tưởng háo hức, sẽ được có trận đánh tập trung cả sư đoàn.

Nhìn lại Trung đoàn 28 từ trận đánh cứ điểm núi Lửa ở Đức Lập, đến trận tiêu diệt trung đoàn 44 của sư đoàn 23 ngụy ở Chư Cúc. Trung đoàn 24 từ trận đánh thọc sâu vào chỉ huy sở sư đoàn 23 ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột, đến trận tiêu diệt trung đoàn 45 ngụy ở Phước An. Trung đoàn 66 từ trận đánh diệt căn cứ chỉ huy sư đoàn 23 ở Đức Lập đến trận tiêu diệt căn cứ trung đoàn 53 ở cạnh sân bay Hòa bình. Tôi cảm thấy: đến lúc này khó phân biệt được trung đoàn nào đánh giỏi hơn trung đoàn nào. Thành công của việc xây dựng, củng cố và huấn luyện của sư đoàn đã thể hiện rất rõ, đội ngũ cán bộ phân đội (trung đội, tiểu đội) cùng các chủ trì chỉ huy các cấp từ đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, đều tỏ rõ khả năng khá xuất sắc trong việc chỉ huy đơn vị, vừa dũng cảm chiến đấu vừa biết xử trí linh hoạt các tình huống; những vấn đề về kỹ thuật khắc phục chướng ngại vật, bắn ứng dụng các loại vũ khí, chiếm lĩnh làm công sự chiến đấu đều được bộ đội vận dụng thành thạo.

Cơ quan hậu cần - kỹ thuật của các cấp đã làm tốt trách nhiệm, liên tục bám theo đơn vị, bám theo đội hình để tiếp tế, tải thương, cơ quan tham mưu, chính trị cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo dõi tình hình tác chiến giải quyết kịp thời các yêu cầu đòi hỏi cho chiến đấu. Tất cả đều cho tôi thấy một sự hứa hẹn to lớn, ,đầy triển vọng đảm bảo cho sư đoàn đánh tập trung giành thắng lợi to lớn.

Qua chiếc đài nhỏ mang theo, tôi được biết tình hình đất nước đang biến động to lớn, các chiến trường miền Nam đang ráo riết tiến công phối hợp với chiến trường Tây Nguyên. Sau này tôi còn được biết chính ngày 18 tháng 3 năm 1975 là ngày Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm kiên quyết giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Qua Bộ tham mưu chiến dịch lại cho chúng tôi biết Trung đoàn 95b sau những ngày ổn định được tình hình thị xã Buôn Ma Thuật đã có lệnh chuyển thuộc Sư đoàn 320a. Sư đoàn 320a đang đánh tiêu diệt lực lượng địch rút chạy khỏi Kon Tum và Plây Cu, theo đường 7b Plây Cu đi Cheo Reo Phú Bổn. Không khí ở Cheo Reo đang ngạt thở, vì xe cộ và người chật ních khi bị tiểu đoàn 9 Sư đoàn 320b chặn đứng tại phía đông Cheo Reo; 11 giờ ngày 18 tháng 3 trận đánh của Sư đoàn 320b vào Cheo Reo, địch phải bỏ hết trang bị nặng để chạy, các đơn vị bạn đang truy kích tiếp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:15:18 pm »


Cùng ngày 18 tháng 3, Sư đoàn 968 cùng địa phương đang tiến quân vào giải phóng thị xã Kon Tum; Trung đoàn 95a đang từ đường 19 vào giải phóng thị xã Plây Cu; Sư đoàn 3 Quân khu 5 vào giải phóng An Khê; Trung đoàn 271 vào giải phóng Quảng Đức, Kiến Đức, Gia Nghĩa. Tất cả đều mở ra một thời kỳ suy sụp mới của quân ngụy trên toàn miền Nam.

Với chiến thắng Tây Nguyên, từ trận đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, đánh diệt lực lượng phản đột kích, tiêu diệt quân địch rút chạy, thắng lợi của ta đã vượt hẳn kế hoạch dự kiến ban đầu. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng sau này đã nói về đại thắng mùa Xuân 1975.

"Thắng lợi Tây Nguyên đã đánh dấu một bước suy sụp của Mỹ - ngụy, một bước ngoặt trong quá trình phát triển của cục diện quân sự và chính trị ở miền Nam. Với chiến thắng Tây Nguyên, cuộc chiến tranh cách mạng đã bước sang một giai đoạn mới từ tiến công có ý nghĩa chiến lược phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

Tôi suy nghĩ, nghệ thuật chiến dịch của ta đã thể hiện giành chủ động, đánh bất ngờ không chỉ ngày đầu, trận đầu mà là cả quá trình. Từ chủ động bất ngờ một trận đánh vào Buôn Ma Thuột, đi tới chủ động và bất ngờ cả một chiến dịch, đạt tới giành chủ động và bất ngờ cả về chiến lược, đưa chiến tranh sang một bước mới, một ngày bằng 20 năm và kết quả của 20 năm mà có, hứa hẹn một mùa xuân rực rỡ đầy sức sống mãnh liệt nhất trong lịch sử đất nước.

Trong quá trình chiến đấu có phát triển, từng trận đánh có giành thắng lợi thì chiến dịch mới phát triển được. Qua đó chứng minh rất rõ lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã trưởng thành lên một bước mới về tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh thắng cả địch ở trong công sự và ngoài công sự, đánh chuẩn bị trước hay không được chuẩn bị trước đều đánh thắng một cách rất tích cực chủ động và sáng tạo linh hoạt. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói:

"Mệnh lệnh của người chỉ huy dù chính xác tới đâu cũng trở thành vô nghĩa, nếu không được những người cầm súng trên chiến trường thực hiện một cách chủ động và sáng tạo"1. Thắng lợi Tây Nguyên đã khẳng định đúng vậy.
______________________________________
1. Võ Nguyên Giáp Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, HN. 2001, tr. 421.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:16:40 pm »


Tôi hồi tưởng lại những năm tháng đầy hy sinh và gian khổ của lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Sau những đòn liên tiếp và dữ dội năm 1968. Lầu năm góc đã phải rút ra kết luận cay đắng, dù có thêm quân và vũ khí vào miền Nam cũng không sao cứu vãn nổi tình thế. Từ chiến lược "tìm diệt", quân Mỹ đã phải thực hiện chiến lược "quét và giữ" và Việt Nam hóa chiến tranh. Trên khắp 3 tỉnh Tây Nguyên, Mỹ - ngụy mở hàng trăm cuộc hành quân bình định xúc tát nhân dân ở buôn, làng, nương rẫy đưa vào các khu dồn ấp chiến lược. Để tăng cường phòng thủ địch đã thay đổi cách bố trí. Các lớp rào kẽm gai càng dày đặc, lô cốt, chòi canh mọc lên, đèn pha mìn sáng cùng các loại hỏa lực càng nhiều hơn.

Để đối phó với chiến lược chiến tranh mới của địch, lực lượng ba thứ quân của ta lúc đó đã phối hợp nhịp nhàng, vận dụng sáng tạo ra nhiều lối đánh. Đánh nhỏ lẻ thường xuyên kết hợp với đánh vừa và đánh lớn. Kết hợp giữa xung lực và hỏa lực, vừa diệt xe cơ giới và bộ binh địch đi càn quét giải tỏa, vừa đánh sập cầu cống, ống dẫn dầu, vừa băm nát giao thông địch, vừa luồn sâu tập kích vào thị xã, quận lỵ.

Hầu như ở Tây Nguyên chưa bao giờ cuộc chiến đấu rộng khắp cả trên mặt trận giao thông, lại diễn ra liên tục và sôi động như thế.

Cả ba thứ quân đều xông ra mặt đường, phá xe, phá cầu đánh cắt giao thông. Chủ lực đánh xe trên các trục đường, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích thì đánh diệt các xe lẻ, xe chốt trên các con đường 5, 7, 18 hoặc đánh diệt xe tăng, thiết giáp địch đi càn ngay tại bìa làng, ven rẫy. Đồng bào các dân tộc, không phân biệt già trẻ, trai gái đều ra mặt đường đào hào, chặt cây đắp ụ, dựng chiến lũy ngăn cản xe của giặc.

Phong trào nữ dân quân đánh diệt xe cơ giới địch xuất hiện ở huyện 4 (Gia Lai). Với lá cờ đầu là Rơ - Mái - Sao đánh 14 trận, cùng lúc đạt danh hiệu "Dũng sĩ diệt xe cơ giới Mỹ" và "dũng sĩ diệt Mỹ".

Dân quân du kích cùng bộ đội địa phương 3 tỉnh đều đã phát huy được ưu thế và sở trường của mình, đánh nhỏ lẻ, đánh khắp nơi, đánh địch trên mọi loại địa hình, thời tiết; gài mìn, bắn tỉa đã buộc quân địch phải phân tán đối phó, tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực tập trung đánh các trận lớn và diệt các đoàn xe lớn của địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:17:22 pm »


Trận tập kích căn cứ hậu cần sư đoàn 4 Mỹ ở Cơ Ty Pơ Rông của tiểu đoàn đặc công 408 (Gia Lai) làm tôi nhớ mãi. Chỉ trong vòng 25 phút, đơn vị đã phá hủy được 133 xe quân sự của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 72 tên Mỹ, phá sập 14 nhà và lô cốt của địch. Trong trận đó bà con huyện 4 (Gia Lai) đã bố trí che giấu cho bộ đội trà trộn vào trong dân, giả làm người đi rẫy để vượt qua đường giao thông và các chốt của địch, luồn sâu vào mà đánh. Đồng bào lại đón sẵn trên đường rút quân để khiêng thương binh về căn cứ, không có gạo đồng bào mài ngô non nấu cháo để nuôi dưỡng anh em.

Huyện 5 (Gia Lai) đã dấy lên phong trào lấy bom bi, đạn lép của pháo binh địch để làm mìn diệt xe địch. Xã đội phó Sưu - Dông đã tạo được gần 100 quả mìn các loại và hướng dẫn dân quân khắp vùng học tập, làm lan phong trào đó khắp Tây Nguyên.

Để giữ được mạch máu giao thông, địch đã phải dùng bom napan, hóa chất độc, đánh phá khắp núi rừng, chúng huy động cả máy cày, máy xúc hủy diệt, cày xới suốt 2 bên trục đường rộng hàng cây số để không cho quân ta ẩn nấp đánh chúng. Đồn bốt, trận địa pháo chốt di động, cụm xe tăng mọc lên, dày đặc cả trên dọc 2 bên đường. Thế mà chúng vẫn bị đánh tơi tả. Các con đường chiến lược 14 và 19 trở thành con đường máu khủng khiếp đối với Mỹ - ngụy.

Nhiều điển hình gương chiến đấu đã xuất hiện như tổ du kích YLai (Kon Tum) diệt cả tốp 4 xe địch trên đường 14. Chiến sĩ Trịnh Đức Trà (Gia Lai) trong vòng 9 tháng diệt 26 xe các loại và 51 tên địch.

Cuộc đấu tranh giành giật giữa ta và địch rất dai dẳng quyết liệt. Địch muốn đánh bật lực lượng ta ra khỏi địa bàn xung yếu, chúng vừa mở hàng trăm cuộc hành quân và tiến hành bình định ráo riết, đi xúc tát dân đưa vào các khu dồn ấp chiến lược. Chúng vừa lừa bịp, vừa cho quân ngụy sục vào các làng, vây chặt 4 phía, rồi cho máy bay lên thẳng đổ xuống, bắt từng người dân chở đi. Chúng vừa đốt nhà, cướp bóc, phá nông cụ, bắt trâu bò, dùng xe thiết giáp càn phá hoa màu, để cho đồng bào không còn chỗ dựa trở về làng cũ.

Nhận rõ vị trí chiến lược quan trọng vùng nông thôn, ta đã phải phát động quần chúng đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ dân giữ đất, làm chủ nông thôn, mở rộng bàn đạp vùng phụ cận và xung quanh thị xã, quận lỵ.

Tiến công nổi dậy bằng 2 chân, 3 mũi. Các đơn vị chủ lực bám địa bàn tại chỗ, quan hệ chặt chẽ với địa phương có trách nhiệm giúp địa phương về mọi mặt (huấn luyện quân sự, xây dựng chính trị, tư tưởng, xây dựng cơ sở, cùng nhân dân phá ấp, diệt kẹp).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:18:18 pm »


Kết hợp với các đội công tác do các đơn vị phái ra, đồng bào các buôn làng cả 3 tỉnh liên tiếp nổi dậy diệt ác ôn, tề điệp, phá bỏ mọi hình thức kìm kẹp, phá bung khu dồn ấp chiến lược trở về làng cũ. Địch kéo đến bao vây, xúc tát, dân lại bung ra. Nhiều nơi đã tự tay dân châm lửa đốt trụi buôn làng rồi kéo nhau vào rừng làm nhà, phát rẫy sống với du kích. Cuộc sống của đồng bào rất cơ cực nhưng vẫn luôn tin ở cách mạng và ra sức đóng góp công sức của mình để giành cho được độc lập tự do, không có gạo thì đào củ mài để nấu ăn, không có áo quần thì lấy các túi cát của địch bỏ lại làm quần áo, cán bộ, chiến sĩ ta đã phải chia sẻ cùng đồng bào từng hạt muối, lon gạo và tấm áo quần.

Lửa thử vàng, gian nan luyện chí anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên càng đoàn kết, thương yêu đồng bào, càng gắn bó với chiến trường gian khổ và rất đỗi tự hào.

Chỉ khẩu súng AK trên vai, đôi dép lốp dưới chân, tấm vải nhựa và con dao bên mình, cùng ít lon gạo mang theo, người chiến sĩ Tây Nguyên đã có thể lên đường công tác và chiến đấu. Hết gạo thì tìm củ chuối, rau rừng, củ rừng để ăn, cuộc sống vẫn thấy ung dung, giữa trận địa vẫn làm thơ, viết bích báo, sáng tác văn thơ, tâm hồn vẫn hướng về một ngày mai tươi sáng. Nguyện vọng vì ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là mục tiêu chiến đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên, tin tưởng Tây Nguyên sẽ cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đất nước nhất định sẽ lên chủ nghĩa xã hội.

Những ngày Tây Nguyên bước vào mùa mưa, mưa tầm tã, bầu trời dày đặc mây mù, một không khí đau buồn, trầm lặng trùm lên khắp núi rừng vì một tin đau đớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời!

Quả tim Cha già dân tộc đã ngừng đập! Mọi cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân Tây Nguyên không nén nổi tiếng khóc, nước mắt đầy tròng; vây quanh ảnh Bác, nghẹn ngào lắng nghe di chúc thiêng liêng của Bác trong lễ truy điệu trọng thể đối với Người, rất đỗi ân hận vì tự thấy mình chưa làm trọn nhiệm vụ quét sạch quân thù để đón Bác vào thăm Tây Nguyên. Biến đau thương thành sức mạnh tiến công tiêu diệt địch để đền ơn Bác, chiến sĩ Tây Nguyên cùng đồng bào vượt qua mọi thử thách gian nan, tiến công dồn dập địch trên các chiến trường. Sáng ngày 29 tháng 10 ta bắt đầu nổ súng đánh chiếm căn cứ Ka Te trên cao điểm 936 (Phước An) mở màn cho đợt tiến công trên toàn tuyến phòng thủ của địch suốt từ Bu Pơ Răng đến Đức Lập. Bằng chiến thuật vây lấn (theo kinh nghiệm của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đánh Pháp). Sau 4 ngày tiến công ta đã tiêu diệt và làm tan rã căn cứ bộ - pháo của địch ở Ka Te chiếm hoàn toàn trận địa địch, sau đó đánh bại trung đoàn 53 và trung đoàn 47 đi giải tỏa.

Riêng trận đánh Ka Te trong công sự vững chắc ta đã tiêu diệt 200 tên (trong đó có 70 tên Mỹ) bắn rơi 14 máy bay thu 4 pháo 105 ly và 2 pháo 155 ly cùng hàng chục tấn đạn. Hòa nhịp với tiếng súng Bu Pơ Răng, Đức Lập, ta đã tiến công địch ở thị xã Kon Tum, Plây Cu, Buôn Ma Thuột, quận lỵ Đắc Tô, Đắc Pét, Buôn Hồ, Quảng Nhiên và hàng trăm căn cứ đồn bốt, nơi đóng quân dã ngoại của địch trên khắp 3 tỉnh. Có nhiều trận đạt hiệu suất chiến đấu cao như trận tập kích khu kho 40, 41 trong thị xã Kon Tum, trận tập kích bộ pháo của địch ở ngã 3 Mỹ Thạch (Gia Lai) trận tiến công sân bay và khu sĩ quan Mỹ ở Tân Tạo. Ngày 6 tháng 12 ta bắn rơi chiếc máy bay lên thẳng ở Tây Nam đồn Tu Mơ Rông (Gia Lai) giết chết tên đại tá Nguyễn Bá Liên - tư lệnh biệt khu 24 cùng 1 đại tá cố vấn Mỹ và nhiều sĩ quan tùy tùng của chúng. Đồng bào ba tỉnh lại tiếp tục nổi dậy đánh phá âm mưu bình định của địch, giành quyền làm chủ. Đêm 14 và 15 tháng 11 đồng bào Đắc Lắc sôi nổi nhất tề xuống đường truy lùng tề điệp, diệt ác ôn, tước vũ khí và giải tán các đội phòng vệ dân sự của địch. Trên đường 14 đã giải phóng được 13 buôn, với khoảng 3.000 dân, các huyện ở Gia Lai đã đưa được 4.000 dân ở 18 làng lên làm chủ, phá được khu dồn của địch.

Chiến thắng Bu Pơ Răng - Đức Lập kết thúc một năm phấn đấu đầy gian khổ và thử thách.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:18:44 pm »


Như vậy là chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ được bắt đầu tiến hành đầu năm 1969, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên không những đã đánh bại quân ngụy ra quân thí điểm ở Chư Pa tháng 1 năm 1969 mà còn đánh bại sư đoàn 4 Mỹ tung quân ra ứng cứu, ta tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại liên đoàn biệt động quân số 2 và trung đoàn 42 làm cho Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ thất bại ngay từ trong trứng, kết thúc trận cuối cùng quân Mỹ ra quân ở Tây Nguyên là chiến thắng ở khu vực KLeng (Kon Tum) của ta tháng 2 năm 1969. Ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại 22 đại đội Mỹ - ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 2.500 tên Mỹ, bắn rơi và phá hủy 80 máy bay, 50 xe quân sự và 30 pháo cối hạng nặng, thiêu hủy 12 kho xăng, đánh quỵ lữ 4 của Mỹ.

Cả Tây Nguyên rừng rực khí thế ra quân và đã thực hiện trọn vẹn khẩu hiệu "Đánh cho sư 4 Mỹ đảo điên, đánh cho quân ngụy ở Tây Nguyên tơi bời".

Tiếp theo ta mở chiến dịch Đắc Tô 2 tháng 5 năm 1969 ở Kon Tum với lực lượng ba thứ quân phối hợp trên toàn chiến trường, buộc Mỹ, ngụy phải tung quân ra đối phó bằng cuộc hành quân "Dân quyền". Mỹ đã chi viện cho quân ngụy 631 lần chiếc máy bay B52, 1.935 lần chiếc máy bay chiến thuật, hơn 20.000 tấn bom và 16.000 đạn đại bác. Với công thức "bộ binh ngụy, hỏa lực Mỹ, hầu như toàn bộ quân chủ lực ngụy ở Tây Nguyên đã huy động vào chiến dịch này. Sau gần một tháng thì chiến dịch Đắc Tô 2 kết thúc. Ta đập tan cuộc hành quân "Dân quyền" của địch, diệt gọn và đánh quỵ 9 trong 12 tiểu đoàn tham chiến của địch, loại khỏi vòng chiến 4.135 tên, phá hủy 88 xe quân sự, bắn rơi và phá hủy 103 máy bay, bắt sống hàng trăm tù binh, thu nhiều vũ khí.

Sau các đợt hoạt động chiến đấu liên tiếp ở Chư Pa, KLeng và tây bắc Kon Tum, giành thắng lợi to lớn, chiến trường Tây Nguyên cũng gặp những khó khăn rất lớn vì mùa mưa, nguồn dự trữ lương thực rất mỏng, hầu như số gạo còn lại cả chiến trường chỉ đủ nuôi sống bộ đội trong khoảng một tuần, buộc ta phải đưa một bộ phận lực lượng không trực tiếp chiến đấu về hậu phương lớn, khối chủ lực cơ động phải hành quân về phía Nam, nhờ vào gạo của chiến trường B2 để đánh địch.

Đó là thời điểm bộ đội phải ăn sắn, thay cơm vì gạo không đủ để phát cho mỗi người hai lạng một ngày. Đồng bào các dân tộc cũng phải ăn sắn, ăn bo bo, củ rừng để dành gạo nuôi thương binh. Bộ tư lệnh Mặt trận nhờ B2 chi viện gạo nhưng phải vận chuyển trên một tuyến dài 70km trong những cơn mưa xối xả đã đành, địch lại dùng B52 ngày đêm ném bom rải thảm chặn đường, không ít cán bộ và chiến sĩ bị thương vong. Ở thời điểm đó, chiến dịch Bu Pơ Răng, Đức Lập đã nổ ra vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1969 trong đó có trận đánh tiêu diệt căn cứ hỗn hợp biệt kích Mỹ, ngụy ở Ka Te như trên đã kể.

Có thể nói năm 1969 là năm đạt kỷ lục cao nhất về tốc độ mở các chiến dịch, quân và dân Tây Nguyên đã diệt Mỹ, đánh ngụy suốt 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.

Có thế nói năm 1969 cũng là năm Tây Nguyên đánh mạnh, đánh đau, đánh liên tục vào các cơ quan đầu não ngụy quân, ngụy quyền, kho tàng, sân bay và các đường giao thông chiến lược của địch, gây cho địch tổn thất nặng nề.

Đó cũng là năm để lại trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên những ấn tượng không bao giờ quên được. Những tấm gương hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Nguyên vì thắng lợi chung, với sức mạnh tiềm tàng của ý chí và nghị lực cách mạng, bộ đội cùng gắn bó với dân, cùng chia sẻ thử thách hiểm nghèo với cán bộ các cấp lãnh đạo ở địa phương, sát cánh cùng nhau để khắc phục khó khăn tưởng chừng như không thể vượt nổi.

Hồi tưởng lại những ấn tượng ấy. Giờ đây chiến dịch giải phóng Tây Nguyên đã toàn thắng, rõ ràng không tách rời được quá trình phát triển thế và lực của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, mà chính thắng lợi ấy là đỉnh cao của sự phát triển thế và lực đó đã tạo nên. Nó đã trở thành bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:20:48 pm »


Chương ba
TIẾN VỀ ĐỒNG BẰNG, GIẢI PHÓNG NHA TRANG
VÀ QUÂN CẢNG CAM RANH


* TIẾN VÀO QUẬN LỴ KHÁNH DƯƠNG

Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, chiến trường miền Trung Trung Bộ sôi động hẳn lên. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ chỉ huy chiến dịch, đại quân ta từ trên cao nguyên chiến lược vừa được giải phóng, như những dòng thác lớn ào ạt đánh xuống phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển.

Phần lớn lực lượng chủ lực của quân đoàn 2 ngụy và hầu hết các lực lượng địa phương quân khu 2 đã bị tiêu diệt và bị tan rã, kéo theo nhiều thất bại liên tiếp ngày càng lớn hơn đối với chúng.

Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu cho đến ngày rời khỏi dinh Độc Lập chỉ còn một lối ra lệnh duy nhất là "tử thủ và tử thủ", tử thủ phần đất còn lại trước ngày 20 tháng 3. Tử thủ phần đất còn lại ngày 25 tháng 3, v.v... Sau thất bại ở chiến trường Tây Nguyên năm 1975 hầu như quân ngụy không còn hành động nào giành được thế đánh chủ động để đối phó với các cuộc tấn công liên tiếp của lực lượng vũ trang ta.

Đối với ta, quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ngày 18 tháng 3 năm 1975 là: "Kiên quyết giải phóng miền Nam trong năm 1975" cũng có nghĩa là nắm chớp thời cơ giành thắng lợi liên tiếp trong năm 1975 đạt tới thắng lợi cuối cùng. Đây là sự thay đổi rất quan trọng. Quyết tâm đó cũng thể hiện rõ bước ngoặt có ý nghĩa to lớn trong chiến tranh đối với dân tộc ta. Tài thao lược của Đảng ta thể hiện từ quyết tâm ấy trở thành nghệ thuật ứng biến trong chiến tranh nghệ thuật nắm thời cơ đột biến chiến lược trong chiến tranh.

Trên hướng mặt trận Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng trước đó đang là hướng đánh phối hợp chiến trường với Tây Nguyên, giờ đây đã chuyển sang đòn chiến lược tiến công chủ yếu bằng sức mạnh binh chủng hợp thành với lực lượng Quân đoàn 2, Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5.

Liên tục phát huy thắng lợi đã giành được, chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc mà chia quân ba hướng theo trục đường 19, 21 và số 7 tiến xuống phía nam Quân khu 5, giải phóng các tỉnh miền Trung. Chiều ngày 18 tháng 3, chúng tôi nhận được lệnh số 75 của Bộ tư lệnh chiến dịch cho biết có tin lữ đoàn dù số 3 sẽ được điều từ Quảng Đức về hướng này, giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 10 nhanh chóng chiếm quận lỵ Khánh Dương, chớp thời cơ chiếm đèo Mad’Rak, Phượng Hoàng, giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Trên cũng tăng cường cho Sư đoàn 10 Trung đoàn 234 cao xạ, thêm 2 đại đội pháo binh D74, đại đội 8 xe tăng thiết giáp, Trung đoàn 7 (thiếu) công binh, khi tiến vào Khánh Dương chỉ huy luôn cả Trung đoàn 25 độc lập.

Trong tay sư đoàn lúc này có điều kiện tập trung cả 3 trung đoàn bộ binh (24, 28, 66) và Trung đoàn pháo binh 4.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2016, 10:21:15 pm »


Lịch sử đã giao cho sư đoàn tiến ra biển cả. Không khí đơn vị lúc này như trẩy hội, mọi người đều nhận thức được bước ngoặt lịch sử của đất nước, trước những thắng lợi to lớn trên chiến trường mà ít nhiều mình đã có công đóng góp. Từ đơn vị chiến đấu đến các cán bộ, chiến sĩ chuyên môn, hậu cần - kỹ thuật, ai cũng ra sức chăm lo làm nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất. Các đơn vị đến phối thuộc cũng tự hào được phối hợp với Sư đoàn 10 mà trước đây họ từng gắn bó. Hầu như trong đơn vị không có một vụ nào vi phạm kỷ luật chiến trường và kỷ luật chiến lợi phẩm. Nguồn thu chiến lợi phẩm của địch đều được nộp lên trên, khi cấp trên cho phép, mới được sử dụng. Cán bộ đại đội, trung đội nhắc nhở chiến sĩ và làm gương tốt cho chiến sĩ noi theo. Bộ tư lệnh sư đoàn cùng chung một nguồn vui, vì sở dĩ sư đoàn có được tình hình như hôm nay là vì xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ trì tiêu biểu, họ không những dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, mà họ còn làm gương cho cấp dưới noi theo. Sức mạnh của sư đoàn là ở đó, bài học kinh nghiệm cũng là ở đó.

Tôi ngẫm nghĩ, quên sao được cán bộ và chiến sĩ đại đội vệ binh của sư đoàn và các công vụ phục vụ cơ quan, hàng ngày bận rộn chức trách chuyên môn, lại còn tích cực học tập theo kế hoạch huấn luyện. Thêm vào đó quá trình đi chiến đấu, hầu như chỉ huy sở Sư đoàn phải mỗi ngày di chuyển một lần, khi chỉ huy sở di chuyển tới đâu, thì sau 1 - 2 giờ cơ quan đều có đủ công sự ẩn nấp để bảo đảm liên tục chỉ huy và sẵn sàng chiến đấu.

Điện thoại hữu tuyến, điện đài vô tuyến của tiền phương Bộ tư lệnh chiền dịch, cùng vô tuyến điện của Bộ Tổng tư lệnh đang giữ mới chặt chẽ với sư đoàn, làm cho tôi càng hiểu rõ cấp trên đang sát sao theo dõi hoạt động tác chiến của sư đoàn.

Những tin tức miền Bắc xã hội chủ nghĩa và những thắng lợi dồn dập trên các chiến trường càng thôi thúc chúng tôi cố gắng với mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM